26.12.2018 – Ngày II trong Tuần Bát nhật Giáng sinh – Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Xin nhận lấy hồn con
PHÚC ÂM: Mt 10, 17-22
“Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha”.
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp các con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn các con nơi hội đường. Vì Ta, các con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp các con, các con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải các con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha các con sẽ nói thay cho. Anh sẽ nộp em cho người ta giết; cha sẽ nộp con; con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết. Vì Ta, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.”
Suy niệm:
Giáo Hội mừng kính lễ thánh Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh.
Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu.
Người làm chứng đã trở thành người tử đạo.
Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5),
đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8).
Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9).
Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông.
Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12).
Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7).
Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.
Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo,
khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15).
Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa.
Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu.
Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56).
Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy.
“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”
Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người,
một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân.
Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa.
Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành.
Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58).
Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).
Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại
với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu.
Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung.
Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện.
Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha:
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy:
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59).
Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài,
như Ngài đã trao đời Ngài vào tay Cha.
Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết,
Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông.
Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình.
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).
Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi.
Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần.
Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới.
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng.
Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình.
Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết,
chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp :
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22)
Câu chuyện minh họa:
Vào tháng 11.2014, đã có rất nhiều người lấy làm lạ khi thấy một người đàn ông ngồi tại tàu điện ngầm ở Bắc Kinh (Trung Quốc) mặc trên mình chiếc áo có dòng chữ: “Bao cát thịt người, giá 10 tệ 1 cú đấm” (10 tệ là gần 35.000 đồng).
Bên cạnh là một thùng giấy có dán giấy chứng nhận bệnh viện về bệnh tình của con trai.
Thì ra, con trai anh đang mắc bệnh máu trắng hiểm nghèo. Chi phí chữa bệnh lên tới 700.000 tệ (hơn 2,5 tỉ đồng).
Đây là 1 con số rất lớn và người đàn ông tên Hạ Quân này không biết làm cách nào hết để có thêm tiền chữa bệnh cho con, thế là anh đã tình nguyện đưa thân mình ra làm bao cát.
Cảnh tượng khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt, đặc biệt là dù nhiều lần bị bảo vệ đuổi đi, đánh đập, nhưng anh vẫn không bỏ cuộc.
Anh nói: “Tôi đã bán hết tất cả mọi thứ mình có rồi, còn đi mượn thêm 400.000 tệ nữa (hơn 1 tỉ đồng), nhưng vẫn không đủ.
Chỉ còn cách này thôi. Tôi có thể chịu được việc bị đánh, bị đấm mỗi ngày, miễn có tiền cho con tôi chữa bệnh, miễn nó có thể sống mãi với tôi”.
Suy niệm:
Vì tình thương dành cho con của mình mà người cha đã đành chịu đánh, đấm để cứu lấy con của mình, và nếu có thể hy sinh bản thân mình chắc người cha này cũng không từ chối. Thánh Stêphanô mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng vì lòng yêu mến Chúa mà thánh nhân đã chấp nhận chịu ném đá cho đến chết mà không một lời oán trách thở than.
Là chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta cần phải xả thân dù mất cả mạng sống. Và đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân, mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”: Ngài nhắc nhở và động viên chúng ta phải tin tưởng, chịu đựng và lấy đó làm cơ hội để “làm chứng cho Thầy”; và trong những hoàn cảnh ấy, “hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được, và một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng ta biết kiên trì và vững tin vào quyền năng của Chúa trước những biến cố, thử thách trong cuộc đời, và can đảm làm chứng cho Chúa như thánh Stêphanô đã anh dũng làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho