22.03.2018- Thứ Năm tuần V Mùa Chay
Tôi hằng hữu
***
Lời Chúa: Ga 8, 51-59
Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết’. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Người Do thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.
Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59).
Ném đá là hình phạt của người Do thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.
Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng,
nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa?
Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.
Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ
vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56).
Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,
mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới.
Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58).
Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê
khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).
Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.
Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.
Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),
bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.
Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.
Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.
Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình.
Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).
Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ.
Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương,
và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).
Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu:
Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.
Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),
và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).
Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình.
Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm.
Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51)
chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).
Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại.
Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.
Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm.
Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
22.03.2018- Thứ Năm tuần V Mùa Chay
ƠN CỨU ĐỘ CỦA TÔI NHỜ HY VỌNG VÀO CHÚA
(Ga 8, 51-59)
Trong tông huấn “Thiên Chúa là Tình yêu”, Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã viết: “Chúng ta được cứu độ là nhờ vào hy vọng”. Thật vậy, sống mà không hy vọng thì thật bi đát, nhưng điều quan trọng là chúng ta hy vọng vào ai và vào cái gì mới là điều đáng nói!
Là người Kitô hữu, niềm hy vọng chúng ta đặt ở nơi Đức Giêsu và những lời giáo huấn của Ngài. Tại sao vậy? Thưa bởi vì nơi Ngài là nguồn mạch sự sống đời đời. Ngài thông truyền sự sống ấy cho những ai tin và thuộc về Ngài.
Chân lý này chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu nói Ngài là: “Đấng Hằng Hữu”.
Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu muốn mặc khải Thiên tính của Ngài xuất phát từ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, thay vì vui mừng và tạ ơn, những người Dothái cùng thời đã không thể chịu nổi những tuyên bố này của Đức Giêsu, nên sự đối đầu của họ với Ngài ngày càng quyết liệt, khiến họ quyết định lượm đá ném Ngài.
Ngày nay, trong xã hội thiên về thực dụng, coi trọng vật chất và thượng tôn chủ thuyết tương đối, nhiều người cũng không thể chấp nhận những sự thật của Tin Mừng, ngược lại, họ luôn đi tìm những điểm tựa mang tính nhất thời, những lời tuyên bố hão huyền và những chân lý nửa vời!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng nơi Chúa, chỉ có Ngài mới tồn tại vĩnh viễn, bởi vì Ngài Hằng Hữu. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi sống niềm tin và hy vọng ấy ngay trong những lựa chọn và hành động của mình để được thuộc Chúa và chung hưởng hạnh phúc cùng với những người thuộc về Nước Hằng Sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con trung kiên theo Chúa đến cùng, ngõ hầu chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
22.03.2018- Thứ Năm tuần V Mùa Chay B
Ga 8,51-59
Lời Chúa:
“Tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)
Câu chuyện minh họa:
Khi còn bé, một hôm đi học về, tôi kể cho bà tôi nghe một danh nhân thời cổ, khi còn là một chú bé theo cha đến nhà người bạn của cha mình. Chủ nhà cho chú bé một trái quít. Nhớ đến mẹ ở nhà, chú bé cất trái quít vào tay áo. Khi ra về, vái chủ nhà, trái quít rơi ra, chủ nhà cả cười cho là tính trẻ con. Chú bé nói để cho mẹ ở nhà. Mọi người cảm động vì lòng hiếu thảo của trẻ.
Bà tôi nghe xong, trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Con có bắt chước chú bé ấy không?” Tôi hùng hồn đáp: “Dạ có! Lúc nào có món ăn ngon, con cũng để dành cho bà và ba mẹ con cả”. Bà lại hỏi: “Thế khi lớn lên con có nuôi bà và mẹ cha con không?” Tôi ngây thơ trả lời: “Dạ có! Ngập ngừng một lúc tôi nói tiếp, con chỉ sợ con nghèo không có tiền nuôi bà và ba mẹ!” Bà cười xoa đầu tôi: “con ơi, người ta muốn thảo hiếu ông bà, cha mẹ đâu phải lúc giàu mới tỏ lòng hiếu thảo”.
Bây giờ bà tôi đã mất, nhưng những lời dạy năm xưa tôi vẫn nhớ mãi.
Lúc bà tôi bệnh, Bác sĩ bảo không qua khỏi, ba mẹ tôi buồn lắm. Tôi đi học về là quấn quít bên bà luôn. Bình thường mẹ tôi hay cắt móng tay, móng chân cho bà, luôn giữ quần áo bà sạch sẽ, thơm tho. Bà bệnh, mẹ tôi lại càng dịu dàng, chu đáo hơn. Một hôm, ba tôi mang vào phòng bà một cái bánh đậu xanh thơm ngon. Bà tôi rụng răng gần hết nên bao giờ ba tôi cũng mua bánh mềm. Tôi thèm lắm, bà chia cho tôi nhưng tôi từ chối: “Bà ăn đi, ba có cho con rồi!”. Ba tôi vốn đã không ưa hát bộ, nhưng bà tôi lại rất thích, ông bèn vuốt bộ râu tưởng tượng múa máy tay chân, quì xuống trước mặt bà tôi, ra vẻ như Ngô-Tôn-Quyền trong truyện Tam Quốc, thưa chuyện cùng mẹ là Ngô-Quốc-Thái. Ông ứ ừ: “Dạ muôn tâu mẫu hậu, tên này – ông trỏ tôi – nói dối lắm. Hắn chưa ăn bánh mà hắn nói ăn rồi, xin lệnh mẫu hậu cho con xử trảm hắn ứ ư ừ…” Bà tôi cười chảy cả nước mắt. Bà ôm tôi vào lòng: “Cháu cưng của ta mà người đời xử trảm ư! Mau nghe lệnh, cho cháu nửa cái bánh”. Tôi nhảy cỡn lên, bà tôi vui lắm. Ba tôi ít nói, nhưng hình ảnh ông làm hề những ngày bà sắp mất tôi không thể quên được.
Càng lớn, tôi càng hiểu rằng sự chăm sóc ân cần, thăm hỏi cha mẹ hoặc một món quà nhỏ, tuy không có giá trị tiền bạc nhưng biểu lộ sự yêu thương của con cái đối với cha mẹ, là nguồn an ủi to lớn cho đấng sinh thành.”
Suy niệm:
Những lời tuyên bố của Chúa Giêsu đem đến sự ngạc nhiên cho chúng ta, vì những lời tự xưng của Ngài thật phi thường. Lời tuyên bố: “ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” đã khiến cho người Do Thái sửng sốt, họ đặt ra nghi vấn: ông là ai mà dám phạm thượng? Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao?… Trong tư tưởng của họ chỉ “thần tượng” ông Ap-ra-ham mà thôi. Người Do Thái chỉ hiểu theo nghĩa đen, còn Chúa Giêsu thì muốn nhắm đến sự sống đời đời.
Chúa Giêsu tự nhận mình là Thiên Chúa, và không hề hạ thấp lời tự xưng ấy, vì Ngài không thể nói dối. Ngài hiện hữu trong thời gian và không bị giới hạn bởi thời gian. Nơi Ngài không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Ngài là Thiên Chúa của Ap-ra-ham, I-sa-ac, Gia-cop và hiện hữu đời đời.
Có bao giờ chúng ta lại nghi vấn về sự hiện hữu của Chúa không? Chúng ta có tin rằng Lời Chúa đem lại sự sống cho chúng ta không?
Lạy Chúa, 40 ngày chay thánh thật ngắn ngủi, xin cho chúng con biết tận dụng thời gian này để khám phá tình yêu Chúa, và tuân giữ Lời Chúa vẹn toàn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho