03.03.2018- Thứ Bảy tuần II Mùa Chay
Ăn mừng
***
Lời Chúa: Lc 15, 1-3.11-32
Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Và họ bắt đầu ăn mừng. Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.” Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Suy niệm:
Dụ ngôn người cha nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng,
qua đó Đức Giêsu cho thấy tại sao Ngài đón tiếp và ăn uống với tội nhân.
Đơn giản chỉ vì ngài giống Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.
Người cha nhân hậu là người tôn trọng tự do của đứa con thứ,
người đã chia một phần ba gia sản cho nó ngay khi ông còn sống.
Ông đã không tìm con, như người ta tìm chiên lạc hay tìm đồng bạc bị mất.
Ông tin và hy vọng sớm muộn nó sẽ về, nên ông kiên nhẫn chờ.
Vì chờ, nên ông là người đầu tiên trông thấy con trở về tiều tụy.
Không cầm lòng được vì thương, ông chạy ra, ôm lấy cổ con mà hôn.
Người con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.
Khi con thứ sám hối, ông đã trả lại cho cậu tất cả vinh dự của người con.
Việc duy nhất phải làm ngay là mở tiệc ăn mừng (cc. 23, 24. 29, 32).
Khi con cả giận dỗi, không chịu vào nhà chung vui với cha và em,
một lần nữa người cha lại đi ra và năn nỉ (c. 28).
Ông chấp nhận ở thế yếu vì ông không muốn mất một đứa con nào.
Ông không thể yên tâm ở trong nhà khi còn một đứa con ngoài cổng.
Hoán cải bao giờ cũng khó.
Con thứ phải can đảm lắm mới dám trở về nhà cha.
Làm sao lường được phản ứng của cha, anh, của gia nhân, hàng xóm?
Làm sao dám về nhà trong tình trạng thân tàn ma dại?
Nhưng con cả cũng không dễ vào nhà chút nào,
vì vào nhà là phải bắt tay thằng em đã phung phí hết của cải,
vào nhà là phải chấp nhận sự thiên vị khó hiểu của người cha (cc. 29-30).
Cả hai người con đều cần hoán cải.
Người con cả cũng hỗn hào với cha không kém gì đứa em (c. 30).
Em bỏ nhà ra đi nên đói, còn anh không chịu vào nhà nên cũng có thể bị đói.
Anh phục vụ cha rất tốt nhưng lại mong cha trả công như người thợ (c. 29).
Anh ở gần cha, nhưng thực sự trái tim lại xa cha.
Khi cha vui vì em trở về thì anh lại buồn giận.
Mùa Chay là thời gian trở về với Cha, trở lại với anh em.
Người con thứ đã đứng lên trở về nhà cha và tìm được hạnh phúc.
Không rõ người con cả có vào nhà cha và ôm lấy em mình không?
Cầu nguyện :
Lạy Cha,
người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi coi Cha
như người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng con thèm được tự do bay nhảy
ngoài vòng tay Cha,
nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như người con thứ,
chúng con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.
Lạy Cha đầy lòng bao dung,
xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.
Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
03.03.2018- Thứ Bảy tuần II Mùa Chay
TRỞ NÊN GIỐNG THIÊN CHÚA TRONG TÌNH THƯƠNG
(Lc 15, 1 -3. 11-32)
Có một người mẹ đã suốt một đời hy sinh cho con cái, tuy nhiên, ngay cả đến lúc già nua tóc bạc, bà vẫn không nhận được một nghĩa cử đền ơn báo nghĩa nào của người con. Nhưng mang trong mình tâm tư của người mẹ, với một tình mẫu tử bao la, bà vẫn hết mực thương con.
Câu chuyện trên đây phản chiếu một phần nào hình ảnh của người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ông đã quá vất vả vì con cái! Tuy nhiên, thay vì tuổi già, ông được con cái phụng dưỡng, đằng này, nó lại đòi chia gia tài để rồi đi ăn chơi trác táng với phường tội lỗi gian dâm. Hết tiền, hết bạc, bị người ta coi thường, khinh miệt trong thân phận nô lệ. Nhưng khi không còn ai đón tiếp và bụng đói thì mò về với Cha của mình!
Tuy nhiên, thay vì xua đuổi, ông lại tỏ ra nhân hậu khi đứa con tội lỗi trở về. Vì thế, người cha này đã tìm mọi cách để phục hồi nhân phẩm và phục quyền cho đứa con lêu lổng một thời đi hoang, và cuối cùng là mở tiệc ăn mừng….
Thế nhưng, hành động của ông nhân từ bao nhiêu, thì hình ảnh, lời nói và thái độ của người con cả lại ngược lại với ông bấy nhiêu.
Người con cả trong bài Tin Mừng hôm nay đã không chấp nhận tha thứ cho người em của anh. Anh ta trách móc cha mình rồi tỵ nạnh với em mình khi kể lể công trạng của anh ta với cha của anh.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thấy hình ảnh phóng đãng ăn chơi của người con thứ, hay thái độ ích kỷ, kiêu ngạo như người con cả ngay trong con người của mỗi người khi mỗi lần chúng ta đi xa đường lối của Thiên Chúa hay không chịu hiểu về tình thương cũng như lời mời gọi của Ngài.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, đứng dậy và trở về để được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đừng sợ tình thương của Thiên Chúa, vì tội lỗi của chúng ta có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta từng ngày, từng giờ như người cha trong bài Tin Mừng hôm nay để tha thứ và tẩy rửa tội lỗi cho chúng ta.
Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đừng vì ích kỷ mà ngăn cản tình thương của Chúa xuống trên anh chị em mình như người con cả trong bài Tin Mừng vừa nghe.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết quay trở về với Chúa trong Mùa Chay này như người con thứ. Biết từ bỏ thói kiêu ngạo, tự phụ như người con cả. Và biết mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu nơi người Cha trong dụ ngôn hôm nay. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
03.03.2018- Thứ Bảy tuần II Mùa Chay
Mt 21,33-43.45-46
Lời Chúa:
“Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” kể rằng: Một hôm, lừa đang gặm cỏ, bỗng thấy Sói phi nước đại phóng tới. Lừa giả bộ đi khập khiễng. Khi Sói đến gần, hỏi nó vì sao bị thọt chân, thì Lừa trả lời:
– Vừa nãy tôi nhảy qua hàng rào bị xóc gai.
Rồi Lừa đề nghị Sói trước khi ăn thịt mình hãy nhổ gai ra đã, để khỏi bị gai đâm.
Sói tin lời, Lừa giơ cao chân để Sói soi mói kỹ lưỡng các móng chân Lừa. Lừa thừa cơ đạp mạnh vào mõm Sói rồi bỏ chạy.
Sói bị gẫy hết răng ôm đầu kêu la.
– Đáng đời ta! Cha mẹ nuôi ta thành kẻ chuyên ăn thịt, chứ đâu dạy ta làm thầy lang!
Suy niệm:
Câu chuyện ngụ ngôn cho chúng ta một bài học: kẻ nào không làm đúng công việc của mình sẽ lãnh hậu quả bi thảm. Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa giao phó vào vườn nho của Người. Người giao cho chúng ta tài năng, của cải vật chất, trí khôn… để chúng ta đem hoa lợi về cho Người. Người giao cho chúng ta không kiểm soát cũng chẳng canh chừng. Có những tá điền không làm đúng công việc của mình, nhưng chỉ biết lợi dụng tự do để làm lợi cho bản thân. Thiên Chúa luôn nhẫn nại với chúng ta, Người sẵn sàng tha thứ tội lỗi chúng ta nếu chúng ta thật lòng sám hối. Thay vì tiêu diệt các tá điền, ông lại sai các tá điền khác canh tác. Người xây tháp canh để bảo vệ chúng ta, ban ân sủng để chúng ta có sức thi hành nhiệm vụ. Chính trong ý nghĩa đó, giúp mỗi người chúng ta ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với Chúa, đừng để ngày sau hết chúng ta bị thảy ra ngoài như những người tá điền sát nhân bị loại khỏi vườn nho.
Ước gì mỗi người chúng ta ý thức thân phận của mình được Thiên Chúa yêu thương và sống tốt vai trò của mình để khi Chúa đến Người sẽ ban thưởng Nước Trời.
Têrêsa Mai An
Nguồn: Web Gp. Mỹ Tho