Tôi là Con Thiên Chúa
Lời Chúa: Ga 10, 31-42
Khi ấy, người Do Thái lấy đá để ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giêsu bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,
Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.
Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa
chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).
Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,
vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.
Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.
Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),
đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),
trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).
Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau,
Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.
Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,
Con luôn sống như người được Cha sai.
Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,
mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).
Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).
Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.
Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài:
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,
ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).
Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,
được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này
trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ