Thứ Tư Tuần 2 Phục Sinh – Ga 3, 16-21
TÁI SINH
PHÚC ÂM Ga 3, 16-21
“Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.
SUY NIỆM
1. Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về việc tái sinh: hôm nay nói về hậu quả của việc sinh lại.
Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu sinh lại thì phải hư mất tức là “bị luận phạt”.
Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa không hề muốn “Luận phạt” thế gian “để cho hư mất, mà chỉ muốn cứu thế gian.”
Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con tức là chịu “sinh lại bởi đức tin” thì được cứu; kẻ không tin tức không chịu sinh lại thì “bị luận phạt” (hư mất).
Dĩ nhiên, được cứu thì tốt hơn là bị hư mất. Sống trong ánh sáng thì hạnh phúc hơn sống trong tăm tối. Thế nhưng, cũng giống như một người đang bị chìm muốn được cứu sống thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên, người muốn sáng thì phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng.
Tại Florence thuộc nước Italia, có một ngôi đại giáo đường, được kiến trúc rất đặc biệt. Ngôi đại giáo đường này có một vòm cầu lớn. Trên vòm cầu này có một lỗ nhỏ được ghép kính.
Kiến trúc sư vẽ kiểu ngôi đại giáo đường này, đã khéo léo tính toán thế nào, để cứ đến ngày 21 tháng 6 hàng năm, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu vào lỗ nhỏ kia, rồi dọi xuống một miếng bạc, được ghép ở dưới nền giáo đường.
Người ta chỉ cần nhìn vào ánh sáng chiếu xuống từ mặt trời, qua lỗ nhỏ trên vòm cầu kia, rồi dọi xuống nền giáo đường là biết được độ nghiêng của ngôi giáo đường để sửa chữa, vì ngôi đại giáo đường này được xây trên một khu vực mà trước đây là vùng xình lầy.
Trong ngày thứ bảy tuần thánh, Chúa Giêsu được Giáo Hội tuyên xưng là ánh sáng thế gian. Ánh sáng Giêsu đã được Thiên Chúa Cha chiếu vào thế gian để soi đường chỉ lối cho con người.
Thế nhưng, theo như lời của Thánh Gioan, thì thế gian đã không chịu tiếp nhận ánh sáng đó, mà trái lại còn xua đuổi. Lý do nào khiến thế gian ghét ánh sáng thì Thánh Gioan đã cho biết trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Vì họ sợ những việc làm của mình bị khiển trách”. Tại sao lại sợ? Thưa, vì việc làm ấy xấu xa. Giống như ánh sáng mặt trời dọi xuống xuyên qua lỗ hổng, chiếu xuống miếng bạc được bố trí trên nền nhà thờ, làm cho người ta nhận ra được độ nghiêng của ngôi nhà thờ như câu chuyện kể trên, thì ánh sáng Giêsu chiếu dọi vào thế gian cũng làm cho con người thấy được những sai quấy của mình như thế.
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu:”Nhật Nguyệt tuy minh, nan chiếu phúc bồn chi hạ” (Mặt trời mặt trăng tuy có sáng nhưng khó mà chiếu vào chiếc chậu úp). Ánh sáng của mặt trời cũng như ánh sáng Giêsu, tuy sáng và có đó, nhưng nếu người ta không chịu tiếp nhận thì cũng vô ích, nó cũng giống như ánh sáng chiếu vào một chiếc chậu úp thôi.
2. Điều còn lại ở đây là chúng ta có đủ nhạy cảm để nhận ra ánh sáng đó hay không.
Một nhà thám hiểm Tây Phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã cạn khô. Ông lê từng bước chân mệt mỏi trên cát. Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người Phương Tây, ông tự nghĩ: “Đây chỉ là một ảo ảnh, trong thực tế, giữa chốn sa mạc khô cằn như thế này làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông tuyệt vọng lê bước. Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên:
– Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này?
Nhưng người bạn kia lắc đầu giải thích:
– Ông ta là một người Phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.
Có nhiều người trong chúng ta cũng như vậy.
Hẳn anh chị em còn nhớ câu chuyện người mù ở trong Tin Mừng. Đứng trước một sự thật rõ ràng như ban ngày vậy mà những người Pharisêu vẫn tìm cách bẻ cong sự thật. Chúa Giêsu đã phải rất buồn về thái độ ấy nên Ngài đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9,39).
Những người Pharisêu đang ở đó với Đức Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” (Ga 9,40) Đức Giêsu bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9,41).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết yêu sự sáng và hãy cam đảm bước đi trong ánh sáng để cho ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại: không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của ánh sáng.
Lm. Đinh Tất Quý