LỄ BAN NGÀY
CHÚ GIẢI VÀ GỢI Ý SUY NIỆM
Lm. Inhaxio Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa của ngày đại lễ Giáng Sinh tiếp tục mời gọi chúng ta suy gẫm sâu xa về biến cố Nhập Thể: Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thân làm người để cứu độ chúng ta.
Is 52: 7-10
Bản văn của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ thời lưu đày, trổi lên khúc hoan ca, vì Thiên Chúa sắp ra tay cứu độ dân Ngài khỏi cảnh tù đày ở Ba-by-lon.
Dt 1: 1-6
Đây là lời tựa của thư gởi cho các tín hữu Do thái; lời tựa này tán dương những danh hiệu cao trọng khôn sánh của Thánh Tử, Ngôi Lời nhập thể.
Ga 1: 1-18
Bản văn này là Tựa Ngôn của Tin Mừng thứ tư; Tựa Ngôn này cho chúng ta những tư tưởng thần học cao siêu về biến cố Nhập Thể.
BÀI ĐỌC I (Is 52: 7-10)
Bản văn này đưa chúng ta trở về những năm 550-539 trước Công Nguyên, ở Ba-by-lon và được trích từ tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ thi hành sứ mạng của mình bên cạnh những người lưu đày để an ủi họ: ông hứa với họ Thiên Chúa sắp ra tay giải thoát họ.
1.Bối cảnh:
Trong đoạn văn này, vị ngôn sứ khai mở cho họ một viễn cảnh tương lai đẹp như trong mơ, trong đó một vị tiền hô từ trên núi đồi loan “tin vui, tin mừng” cho con cái thành Giê-ru-sa-lem biết là đoàn người lưu đày sắp hồi hương trở về thánh địa. Đây là Tin Mừng về ơn cứu độ và bình an, Tin Mừng về triều đại Thiên Chúa: “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị”.
Đối với thành thánh, vương quyền của Đức Chúa đã có thể khiến người ta sinh lòng ngờ vực do những năm tháng chịu trăm chiều thử thách và nhục nhã. Nhưng khi Đức Chúa sắp ra cánh tay hùng mạnh giải thoát dân Ngài ra khỏi cảnh giam cầm ở Ba-by-lon, Ngài cho thấy Ngài luôn luôn là Đấng toàn năng và là Vua dân Ít-ra-en. Ở đoạn văn này, chúng ta lưu ý rằng vị ngôn sứ không tìm cách an ủi những người lưu đày bằng cách gợi lên việc phục hưng vương triều Đa-vít, nhưng ông trung thành với lý tưởng xưa kia của dân Chúa chọn: chỉ duy một mình Thiên Chúa là Vua của dân Ngài. Vị ngôn sứ chỉ nghĩ đến “triều đại Thiên Chúa”.
2.Niềm vui của thành thánh Giê-ru-sa-lem:
Hai bài hoan ca sắp vang lên. Bài hoan ca thứ nhất là tiếng reo hò mừng vui của những người canh gác. Từ trên tường thành, họ thấy tận mắt đoàn rước mà từ lâu họ dõi mắt trông chờ: Đức Chúa dẫn đầu đoàn người được giải phóng trở về Xi-on, trở về thành đô của Ngài.
Bài hoan ca này được mô tả bằng những hình ảnh thật hoa mỹ. Khúc hoan ca này trổi lên dưới ngòi bút của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị khi ông mô tả đoàn người lưu đày hồi hương trở về quê cha đất tổ như một cuộc xuất hành mới, ở đó chính Đức Chúa thân hành dẫn dắt dân Ngài qua hoang địa (từ Ba-by-lon đến Giê-ru-sa-lem, phải băng qua sa mạc Sy-ri).
Bài hoan ca thứ hai là bài ca của thành thánh Giê-ru-sa-lem, được mô tả bằng những hình ảnh hoa mỹ không kém. Thành thánh Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế đồng thanh bật tiếng reo vỡ tràn niềm vui. Thành thánh tang thương được Thiên Chúa an ủi; nó được “cứu chuộc”, nghĩa là phục hồi sự tự do của mình. Muôn dân cứ tưởng rằng Thiên Chúa của dân Ít-ra-en bất lực vì Ngài đã để dân Ngài phải lưu đày, khốn khổ, lưu lạc khắp nơi. Ấy vậy, chính mắt họ sắp phải thú nhận rằng họ đã lầm. Đức Chúa sắp “vung cánh tay thần lực của Ngài” và rồi thiên hạ mới mở mắt mà nhìn thấy “ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.
Đó là “Tin Mừng” mà vị ngôn sứ thời lưu đày muốn vang lên bên tai của những người lưu đày ở Ba-by-lon. Tin Mừng đầu tiên này tiên trưng cho một Tin Mừng khác: Thiên Chúa đích thân mang ơn cứu độ đến cho dân Ngài, giải phóng họ khỏi cảnh sống tù đày mà cảnh giam cầm ở Ba-by-lon chỉ là một hình ảnh mờ nhạt, nhưng cảnh giam cầm của tội lỗi. Ngài sẽ thiết lập triều đại của Ngài, cho đến cùng trời cuối đất.
BÀI ĐỌC II (Dt 1: 1-6)
Bản văn này là lời mào đầu của thư gởi cho các tín hữu Do thái, trình bày tư tưởng rất thân cận với tư tưởng của Tin Mừng Gioan: cả hai đều tán dương quyền tối thượng khôn sánh của Thánh Tử, Ngôi Lời nhập thể. Vì thế, phụng vụ đề nghị cả hai vào ngày đại lễ Giáng Sinh này.
1.Chủ đề trung tâm của thư gởi cho các tín hữu Do thái:
Thư gởi các tín hữu Do thái gần với văn phong giảng huấn hơn là thể loại thư tín. Quả thật, chúng ta không biết cả người viết (chắc chắn một môn đệ của thánh Phao-lô) lẫn người nhận. Việc nêu tên “tín hữu Do thái” không tự nguồn gốc, chỉ được thêm vào sau này, vào thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên, để chỉ những Ki tô hữu gốc Do thái. Bức thư này được đặt vào bối cảnh của giữa năm 62 và 70.
Chủ đề trung tâm là “Chức Tư Tế” của Chúa Ki-tô. Khi cho Chúa Ki-tô tước hiệu“Thượng Tế Giao Ước Mới”, ông muốn chứng tỏ chức tư tế Tân Ước trổi vượt hơn biết mấy so với chức tư tế Cựu Ước. Để dẫn vào chủ đề này, một lời mào đầu, được viết rất hoa mỹ và rất điêu luyện, liệt kê những danh hiệu cao trọng khôn sánh của Con Thiên Chúa.
2.Kiện toàn Mặc Khải:
Các ngôn sứ (được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các tổ phụ và ông Mô-sê, vân vân) đã chỉ đón nhận những ánh sáng từng phần về mầu nhiệm Thiên Chúa và những dự định của Thiên Chúa. Thánh Tử đến để kiện toàn Mặc Khải (chúng ta nghĩ đến dụ ngôn về những tá điền sát nhân: ông chủ vườn nho liên tục sai phái những đầy tớ, sau cùng đứa con trai duy nhất của mình)). Thánh Gioan trong Tựa Ngôn cũng gợi lên nhịp độ tăng dần Mặc Khải này: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn kia. Lề Luật được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1: 16-17).
Phải nêu lên rằng trong bản văn, từ “Thánh Tử” không có mạo từ. Danh hiệu“Thánh Tử” của Ngài được diễn tả một cách tuyệt đối, không có bất kỳ ai khác; điều mà thánh Gioan sẽ diễn tả khi nói: “Con Một” (Ga 1: 14).
3.Quyền tối thượng trên muôn loài muôn vật:
Thánh Tử vừa là Đấng thừa tự vừa Đấng Tạo Hóa: Ngài là Đấng thừa tự với tư cách con người và Ngài là Đấng Tạo Hóa với tư cách Thiên Chúa.
“Thiên Chúa đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài”. Địa vị làm con bao gồm quyền thừa tự, nhưng quyền thừa tự được diễn đạt cách tinh tế theo truyền thống Kinh Thánh là phúc lộc của Thiên Chúa; hai ý tưởng được hội tụ ở đây. Xuống dưới một chút, tác giả viết: “Khi bắt muôn loài muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người” (2: 8).
Quyền tối thượng trên muôn loài muôn vật này, chính là vương quyền của Đấng Mê-si-a, vương quyền mà xưa kia đã hứa cho hậu duệ của ông Áp-ra-ham (thừa tự và lời hứa là hai từ bất khả phân ly trong Cựu Ước), tức là quyền tối thượng được định đoạt trong công trình cứu độ loài người. Thánh Phao-lô cũng diễn tả một cách như vậy trong thư gởi cho các tín hữu Ga-lát: “Thế mà những lời hứa đã được ban cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông, Kinh Thánh không nói: và cho những dòng dõi, như thể nói về nhiều, mà chỉ nói một: và cho dòng dõi người là Đức Ki tô” (Gl 3: 16).
4.Ngài là Đấng Tạo Hóa:
“Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ”. Thánh Gioan cũng sẽ nói như vậy trong Lời Tựa Ngôn: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1: 3). Ở đây, từ“vũ trụ” có ngữ nghĩa rất rộng để chỉ muôn loài muôn vật sống ở trong vũ trụ này từ những thế hệ này đến những thế hệ khác.
5.Vẻ vinh quang và hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa:
“Người là phản ảnh vẻ vinh quang”. Để diễn đạt mối thâm giao của Cha với Con và căn tính Thần Linh của Cha và Con, tác giả thư gởi các tín hữu Do thái sử dụng cùng những hình ảnh như tác giả của sách Khôn Ngoan khi diễn tả sự mật thiết khôn sánh giữa Đức Khôn Ngoan và Thiên Chúa: “Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người” (Kn 7: 26). Nếu từ “vinh quang” thường xuất hiện trong Cựu Ước, cách diễn tả:“phản chiếu ánh sáng” chỉ được gặp thấy trong đoạn văn của sách Khôn Ngoan này. Thánh Gioan viết: “Ngôi lời là ánh sáng thật…Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”, điều mà Công Đồng Ni-xê-a sẽ diễn tả: Ngài là “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành”.
Tác giả thư gởi cho các tín hữu Do thái nói thêm: “là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa”, như vậy, ông siết chặc gần hơn nữa ý tưởng theo đó Thánh Tử đồng bản thể với Chúa Cha, điều mà Công Đồng Ni-xê-a cũng sẽ khẳng định.
6.Bảo tồn vạn vật:
“Người là Đấng đã dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật”. Ý tưởng Ki-tô học cũng được thánh Phao-lô diễn tả trong bài thánh thi của mình tán dương Đức Ki-tô: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1: 17).
7.Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người:
Trong bản tóm tắt thần học này, tác giả loan báo một cách ngắn gọn một chủ đề căn bản của bức thư: hy tế của Đức Ki-tô thì cao vời trên mọi hy tế không ngừng được tái diễn của Cựu Ước, vì hy tế của Đức Ki tô đã vĩnh viễn tẩy trừ tội lỗi của con người. Như ở gần cuối bức thư, tác giả viết: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc viễn cho chúng ta” (9: 12).
Sau khi đã tự hạ và chịu nhiều đau khổ, Thánh Tử được tôn vinh ngự bên hữu Chúa Cha trên các thiên thần.
8.Thánh Tử cao trọng trên các thiên thần:
Những suy luận về các thiên thần đã được phát triển đáng kể vào những thế kỷ trước thời Đức Ki-tô, sau các sách khải huyền. Người ta có khuynh hướng gán cho các thiên thần một vai trò quan trọng trong việc tổ chức thế giới hữu hình cũng như trong thế vô hình. Người ta thấy ở nơi các ngài không chỉ những người canh giữ Lề Luật Mô-sê, nhưng còn những thiên linh có thể đem đến ơn cứu độ như các bản văn của cộng đoàn Qumran cho thấy.
Thánh Phao-lô nhiều lần lên tiếng chống lại những suy luận như vậy. Cũng thế, tác giả thư gởi các tín hữu Do thái công bố quyền tối thượng của Đức Ki-tô trên các thiên thần: “Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu”, tức là danh Thiên Chúa, như lời nhắc nhở của thánh Phao-lô cho các tín hữu Phi-líp-phê: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2: 9).
Để chứng minh quyền tối thượng này của Đức Ki-tô, tác giả áp dụng vào việc phong vương của Thánh Tử ngự bên hữu Đấng Tối Cao trên trời những bản văn liên quan đến việc phong vương thời xưa, ở đó vị tân vương được gọi “thiên tử” theo cách biểu tượng và nghĩa tử. Câu trích dẫn đầu tiên được trích từ Thánh Vịnh 2: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2: 7). Câu trích dẫn thứ hai được mượn ở sách Sa-mu-en quyển thứ hai: Thiên Chúa hứa với vua Đa-vít ban cho vua một hoàng nam kế vị ngai báu của vua: “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con” (2Sm 7: 14).
TIN MỪNG (Ga 1: 1-18)
Ngay từ đầu sách Tin Mừng của mình, các tác giả Tin Mừng giới thiệu Đức Giê-su mỗi người mỗi cách. Thánh Mác-cô giới thiệu Đức Giê-su là “Đấng Mê-si-a” trong trình thuật Đức Giê-su chịu phép rửa (Mc 1: 9-11), trong khi thánh Mát-thêu trong trình thuật về cuộc truyền tin cho thánh Giu-se và thánh Lu-ca trong trình thuật về cuộc truyền tin cho Đức Ma-ri-a, giới thiệu Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa sinh bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a”. Nhưng theo thánh Gioan giới thiệu như vậy là chưa đủ vì hai lý do. Thứ nhất, trước khi là Đấng Mê-si-a và là Con Thiên Chúa theo Cựu Ước, Đức Giê-su “đã là Ngôi Lời và là Thiên Chúa từ muôn thuở”. Thứ nữa, nếu nghe lời Mác-cô giới thiệu mà thôi, người đọc có thể lầm tưởng rằng Đức Giê-su là một phàm nhân được Thiên Chúa chọn làm con của Ngài. Còn nếu nghe hai thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca giới thiệu, người đọc có thể liên tưởng đến những chuyện thần tiên dân ngoại. Vì thế, tác giả Tin Mừng thứ tư thấy cần phải mượn một bài thánh thi để giới thiệu Đức Giê-su là Ngôi Lời và là Thiên Chúa từ muôn thuở.
1.HÌNH THỨC:
Tựa Ngôn là một bài thánh thi được viết theo thể thi ca khác biệt với phần còn lại của sách Tin Mừng. Ngôn từ đơn giản, những từ chủ chốt được láy đi láy lại tạo thành nhịp điệu của bài thơ như những đợt sóng đuổi nhau càng lúc càng dâng cao cho đến khi hình thành nên con sóng cả vỗ vào bờ mầu nhiệm. Bài thánh thi nầy hình thành nên một đơn vị văn chương nhờ kỷ thuật đóng khung: bắt đầu với câu 1 và kết thúc với câu 18, cả hai câu này đều có chung từ ngữ và nội dung.
Xét về từ vựng của toàn bài thánh thi, một số từ ngữ như “nguồn sung mãn”,“Ngôi Lời”, “ân sủng” chỉ được gặp thấy trong Tựa Ngôn nầy mà không gặp thấy nơi nào khác trong Tin Mừng thứ tư. Như vậy, Tựa Ngôn có lẽ tự nguồn gốc là một bài thánh thi tồn tại riêng lẽ. Quả thật, thời Giáo Hội tiên khởi đã từng có những bài thánh thi như vậy, chẳng hạn như trong Ep 5: 14 hay trong Pl 2: 6-11.
Xét trên phương diện nhịp điệu và văn mạch, việc giới thiệu Gioan tẩy giả vào ở các câu 6-8 và 15 vừa làm ngắt nhịp điệu láy vừa làm gián đoạn liên ý giữa câu 5 và câu 9, giữa câu 14 và câu 16 của bài thánh thi. Quả thật, với việc giới thiệu bất ngờ về Gioan tẩy giả (“Có một người”) ở các câu 6-8, dòng tư tưởng của bài thánh thi chuyển hướng từ tiền nhập thể đến nhập thể; và với việc giới thiệu lời chứng của Gioan tẩy giả ở câu 15, làm gián đoạn liên ý của câu 14 và câu 16 về đề tài ân sủng và sự thật của Ngôi Lời Nhập Thể. Vì thế, các nhà chú giải nghĩ rằng phần giới thiệu Gioan tẩy giả (1: 6-8, và 15) được thêm vào bài thánh thi nguyên tác sau nầy.
Nếu chúng ta tách riêng việc giới thiệu Gioan tẩy giả như những phần thêm vào sau nầy, bài thánh thi nguyên tác giới thiệu Ngôi Lời theo chuyển động thời gian: từ cuộc sống tiền hữu với Thiên Chúa (1: 1-2), dự phần vào công trình sáng tạo (1: 3), tiếp tục hiện diện ở giữa nhân loại như nguồn sống và ánh sáng (1: 4-5), qua công trình sáng tạo (1: 9-10) và qua việc tuyển chọn dân Ít-ra-en (11), để mà những ai tin vào Ngài thì sẽ trở nên con cái Thiên Chúa (13), đoạn, nhập thể như tuyệt đỉnh của sự hiện diện của Ngài ở giữa nhân loại (1: 14), trở thành nguồn thiên ân sung mãn cho loài người (1: 16-17), mặc khải tròn đầy và dứt khoát Chúa Cha cho nhân loại (1: 18).
Tuy nhiên, nhiều nhà chú giải khác chấp nhận bài thánh thi nầy theo cùng trật tự của những sự kiện như được trình bày trong bản văn hiện nay. Vì thế, họ vạch ra cho thấy bài thánh thi nầy được cấu trúc theo kỷ thuật “song đối đồng tâm”, nghĩa là, từng cặp chủ đề đều hướng về một câu phát biểu trung tâm:
- Ngôi Lời với Thiên ChúaA’. Chúa Con mặc khải Chúa Cha
(1: 1-2) (1: 18)
- Vai trò trong cuộc sáng tạoB’. Vai trò trong cuộc tái tạo
(1: 3) (1: 17)
- Ân huệ cho loài ngườiC’. Ân huệ cho loài người
(1: 4-5) (1: 16)
- Chứng từ của GioanD’. Chứng từ của Gioan
(1: 6-8) (1: 15)
- Ngôi Lời nhập thếE’. Ngôi Lời Nhập Thể
(1: 9-11) (1: 14)
- Nhờ Ngôi Lời, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa
(1: 12-13)
2.NỘI DUNG:
A.Ngôi Lời với Thiên Chúa (1: 1-2):
Câu thứ nhất nầy bao gồm ba mệnh đề ngắn. Danh từ đơn sơ, nhưng tư tưởng vươn cao lên theo từng mệnh đề. Quả thật, động từ trong cả ba mệnh đệ vẫn là “eimi”, nhưng động từ ấy lại mang nhiều nét nghĩa khác nhau theo từng mệnh đề.
Trong mệnh đề thứ nhất, động từ nầy mang nét nghĩa “hiện hữu”: “Ngôi lời đã có, đã hiện hữu”. Trong mệnh đề thứ hai, động từ này mang nét nghĩa “hiện diện” nhưng được đi kèm theo với giới từ “pros” để diễn tả không là một sự hiện diện thụ động: “ở với” hay “ở cùng”, nhưng một sự hiện diện đầy năng động trong mối liên hệ với Thiên Chúa: Ngôi Lời hiện diện trong tư thế hằng hướng về Chúa Cha. Trong mệnh đề thứ ba, cũng một động từ nầy nhưng được sử dụng để diễn tả bản thể. Quả thật, danh từ “Theos”(“Thiên Chúa”) ở đây không có mạo từ để diễn tả bản thể Thiên Chúa, khác với danh từ“Theos” có mạo từ (ton theon) để chỉ một ngôi vị như ở mệnh đề thứ hai trên: ở mệnh đề thứ hai: “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”, ở đây, từ Thiên Chúa có mạo từ nên phải hiểu: “Ngôi Lời vẫn hướng về Chúa Cha”; trong khi ở mệnh đề thứ ba: “Ngôi Lời là Thiên Chúa”, ở đây, từ Thiên Chúa không có mạo từ nên phải hiểu: “Chúa Con không phải là Chúa Cha, nhưng cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha”.
Chúng ta cũng gặp thấy cách dùng này trong 2Cr 13: 13: “Ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô (có mạo từ), tình thương của Thiên Chúa (có mạo từ) và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (có mạo từ)” (2Cr 13: 13). Trong bản văn của thánh Phao-lô, mạo từ xác định Ngôi Con, Ngôi Thánh Thần, thì từ “Theos” có mạo từ xác định phải được hiểu là Ngôi Cha.
Câu 2: “Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa” chủ yếu lập lại điều đã được nói rồi ở mệnh đề thứ nhất của câu 1, đóng chức năng như kỷ thuật đóng khung cho phân đoạn nầy.
Ngay từ khởi đầu Tựa Ngôn, những lời đầu tiên: “Lúc khởi đầu” của mệnh đề thứ nhất thiết lập nên một sự song đối giữa lời mở đầu của sách Tin Mừng và lời mở đầu của bài trình thuật Kinh Thánh về công trình sáng tạo hoàn vũ của Thiên Chúa ở St 1: 1, tuy nhiên, có sự khác biệt căn bản. “Lúc khởi đầu” của St 1: 1 chủ ý ám chỉ rằng kể từ lúc ấy muôn loài muôn vật mới bắt đầu xuất hiện, nhưng tác giả của Tin Mừng thứ tư loan báo rằng thậm chí vào lúc đó đi nữa Ngôi Lời đã hiện hữu rồi mà không được tạo thành. Như vậy, ngay từ đầu của Tựa Ngôn, tác giả đã đặt Ngôi Lời bên ngoài những giới hạn thời gian và không gian của công trình sáng tạo.
Hơn nữa bài trình thuật của sách Sáng Thế nói với chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật bằng lời của Ngài: “Thiên Chúa phán…”. Quả thật chính nhờ“lời” của Thiên Chúa mà vạn vật hiện hữu. Ấy vậy, trong Tựa Ngôn, với từ logos có mạo từ, tác giả không muốn nói đến “lời sáng tạo của Thiên Chúa” theo nghĩa chung chung, nhưng là một ngôi vị. Chúng ta gặp thấy tư tưởng nầy về Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa ở nơi các sách minh triết. Trong Cn 8: 22-31 hay Kn 9: 9-12, Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa, trước tiên ở với Thiên Chúa, đoạn dự phần vào công trình sáng tạo, đến mặt đất, và trở thành ân ban cho nhân loại. Chúng ta gặp thấy cũng một tiến trình nầy ở nơi Tựa Ngôn. Trong Tựa Ngôn, chúng ta có một sự hiệp nhất của Đức Khôn Ngoan với Ngôi Lời Thiên Chúa, một ngôi vị thần linh không được tạo thành và đồng hiện hữu với Chúa Cha.
B.Vai trò trong cuộc sáng tạo (1: 3).
Sau khi nói đến mối tương quan của Ngôi Lời với Chúa Cha, bây giờ tác giả nói đến mối tương quan của Ngôi Lời với công trình sáng tạo.
Trước hết, ở câu 1 và câu 2, động từ “eimi” (“là”) thuộc thì “hiện tại hoàn thành”(present perfect) để diễn tả “một tình trạng hoặc một hành động đã xảy ra trong quá khứ, tiếp tục trong hiện tại và còn kéo dài trong tương lai”; trái lại, ở câu 3, động từ ginômai (trở thành) thuộc thì “quá khứ đơn” để chỉ “một tình trạng hay một hành động được xác định trong quá khứ và hoàn tất trong quá khứ”. Như vậy, ở câu 1 với động từ eimi thuộc thì hiện tại hoàn thành, tác giả muốn nói: Ngôi Lời đã hiện hữu “trước thời gian và sau thời gian nữa”. Trái lại, ở câu 3 với động từ ginômai thuộc thì quá khứ đơn, tác giả muốn nói rằng Thiên Chúa đã sáng tạo vạn vật “trong thời gian nào đó nhất định và chấm dứt trong thời gian”.
Tư tưởng nầy càng nổi bật, khi so sánh động từ eimi ở thì hiện tại hoàn thành của câu 1 và động từ ginômai ở thì quá khứ đơn của các câu 3, 6 và 14. Như vậy, với những hai động từ khác nhau được sử dụng với hai thì khác nhau như đã nói trên, tác giả muốn nói rằng Ngôi Lời hiện hữu muôn thuở (câu 1); trái lại, Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài muôn vật (câu 3), đã sai phái thánh Gioan Tẩy Giả đến để làm chứng (câu 6) và đã sai phái Ngôi Lời xuống thế làm người (câu 14), tất cả những biến cố nầy xảy ra trong một thời gian nhất định và chấm dứt trong thời gian.
Đây một sự trùng hợp có chủ ý, động từ ginômai ở thì quá khứ đơn đã được tác giả của sách Sáng Thế sử dụng khi nói Thiên Chúa tạo thành vạn vật (1: 1-2: 4a) cũng được dùng trong Ga 1: 3. Vả lại, để diễn tả hành động tạo dựng của Thiên Chúa, tác giả sách Sáng Thế đã dùng một động từ Hy bá đặc biệt “bara” mà thần học gọi hành động ấy là sáng tạo từ hư không (ex nihilo), sáng tạo theo nghĩa tuyệt đối, chứ không theo nghĩa thường dùng, như khi ta nói óc sáng tạo.
C.Ân huệ ban cho nhân loại (1: 4-5).
Nhờ Ngôi Lời, van vật được tạo thành, tách ra khỏi lãnh vực hoạt động của Ngài không có gì có thể hiện hữu. Ở đây, có hai vấn đề: ngắt câu và ý nghĩa. Trước hết là vấn đề ngắt câu:
Mệnh đề: “cái đã được tạo thành” thuộc về câu 3 hay câu 4?
– Cách đọc thứ nhất:
“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật đã được tạo thành.
Và không có Người,
thì chẳng có gì đã được tạo thành.
Điều đã được tạo thành” (c.3).
“Ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (c. 4)
– Cách đọc thứ hai:
“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật đã được tạo thành.
Và không có Người,
thì không gì đã được tạo thành”(c.3).
“Điều đã được được tạo thành
ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (c. 4)
Các nhà chuyên môn chọn cách đọc thứ hai với lập luận hữu lý sau:
1- Nếu cụm từ “điều đã được tạo thành” ở cuối câu 3, thì hai câu 3 và 4 mất hết thăng bằng đối xứng: câu 3 quá dài trong khi câu 4 lại quá ngắn..
2- Ở câu 1 và câu 4, các mệnh đề được nối lại với nhau bằng “từ láy”, các từ láy ấy ở cuối mệnh đề trước và ở đầu mệnh đề sau:
Câu 1:
…………………Ngôi Lời.
Ngôi Lời………Thiên Chúa.
Thiên Chúa……………….
Câu 4 và 5:
………………….sự sống.
Sự sống…………ánh sáng.
Nếu cụm từ “điều đã được tạo thành” thuộc về câu 3, thì “điều đã được tạo thành” ở cuối câu 3 được lập lại đến hai lần. Trái lại, nếu “điều đã được tạo thành” thuộc về câu 4, thì “điều đã được tạo thành” nằm ở cuối câu 3 và ở đầu câu 4. Vì thế, “điều đã được tạo thành” làm nhịp cầu nối cho hai câu này: ở cuối câu 3 và đầu câu 4. Và, như thế, đúng là lối hành văn của bài thánh thi có cùng chung nhịp điệu của những từ láy.
Vì những lý do kể trên, câu 3 và câu 4 nên được phân câu như sau theo cùng một lối hành văn của bài thánh thi:
“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật đã được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì đã được tạo thành” (câu 3).
“Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (câu 4).
Như vậy, câu 4 muốn nói rằng sự sống của muôn loài muôn vật đều bắt nguồn ở nơi Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngôi Lời là nguồn mạch của tất cả những gì có thể đưa loài người đến cuộc sống trọn vẹn, cuộc sống tự nhiên cũng như cuộc sống siêu nhiên.
Động từ Hy lạp “xata-lambano” ở trong câu 5b: “và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” bao gồm hai nghĩa, nghĩa thứ nhất: “nắm bắt được”, “hiểu được”, nghĩa thứ hai: “lấn át”, “chế ngự”. Qua động từ Hy lạp hai nghĩa nầy, tác giả ngầm quy chiếu đến sự kiện: vì tội lỗi, nhân loại khước từ ánh sáng của Thiên Chúa, và dẫn đưa bóng tối sự ác vào trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh rằng những quyền lực bóng tối nầy đã không tài nào lấn át nổi hay chế ngự được ánh sáng. Ở đây ám chỉ đến chủ đề sa ngả và lời hứa về cuộc chiến thắng tối hậu của hậu duệ người phụ nữ trên con rắn ở St 3: 15.
D.Chứng từ của Gioan Tẩy Giả (1: 6-8)
Như một ví dụ về một luồng sáng vẫn chiếu sáng trong bóng tối, Tựa Ngôn giới thiệu Gioan Tẩy Giả, ông đến để nhắc nhở ánh sáng cho nhân loại.
Như chúng ta đã nhận xét trước đây, các câu 6-8 giới thiệu Gioan Tẩy Giả được chen vào đây làm lỗi nhịp điệu thi ca lẫn làm gián đoạn dòng tư tưởng liên tục của các câu 5 và 9. Có thể tự nguồn gốc những câu giới thiệu Gioan Tẩy Giả nầy đã ở nơi khác trong sách Tin Mừng Gioan, có lẽ trước 1: 19. Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng đoạn văn về Gioan Tẩy Giả nầy được tác giả đưa vào sau này để khuyên ngăn các môn đệ của mình không nên đặt vị ngôn sứ vĩ đại nầy ngang hàng với Chúa Giê-su, nhưng có một sự khác biệt triệt để phân cách giữa hai vị: Chúa Giê-su là ánh sáng trong khi Gioan Tẩy Giả không là ánh sáng, nhưng là chứng nhân của ánh sáng.
E.Ngôi Lời nhập thế (1: 9-11)
Với câu 9: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”, phải chăng tác giả bắt đầu nói đến biến cố Ngôi Lời nhập thể hay chỉ nói đến những cách thế hiện diện của Ngôi Lời trong thế giới trước khi nhập thể?
Vài nhà chú giải (Lagrange, Bultmann) cho rằng tác giả bắt đầu nói đến sự kiện nhập thể, bởi vì tác giả đã giới thiệu Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đức Giê-su trước đó rồi.
Tuy nhiên nhiều Giáo Phụ lại cho rằng ở đây, bài thánh thi chỉ muốn nói đến những cách thế Ngôi Lời hiện diện trước khi nhập thể: hiện diện khi sáng tạo (1: 10), khi chọn dân Ít-ra-en làm dân riêng của Ngài (1: 11). Hơn nữa, động từ “đến” ở phân từ hiện tại không ám chỉ một thời gian nhất định, nhưng ám chỉ một sự việc kéo dài, “bao gồm tất cả những lần Người đến với thế gian”. Như vậy, câu 9 “ánh sáng đến trong thế gian”muốn nói Ngôi Lời đã đến nhiều lần: đến khi sáng tạo (1: 10), đến một cách đặc biệt với dân Ít-ra-en (1: 11) và đến khi nhập thể nữa (1: 14).
Vì thế, câu 9-10 mô tả cách thế hiện diện của Ngôi Lời ở giữa thế gian, bởi vì Thiên Chúa đã nhờ Ngôi Lời mà sáng tạo thế gian. Nhưng nghịch lý là thế gian “đã không nhận biết Người”. Động từ “biết” được sử dụng ở đây không theo nghĩa của động từ Hy lạp: “biết” là “nhận biết”, “hiểu biết” trên bình diện tri thức mà thôi, nhưng theo nghĩa Sê-mít: “biết” không chỉ hiểu biết Ngài trên bình diện lý trí mà nhất là còn phải“biết” với trọn tấm lòng của mình nữa, nghĩa là phải tôn kính và yêu mến Ngài bằng trọn cả khối óc và con tim (Cr 22: 15-16). Đúng ra, thế gian phải nhận biết và yêu mến Ngôi Lời, vì từ công trình sáng tạo, thế gian có thể đi đến Đấng Tạo Hóa như “từ kết quả đi đến nguyên nhân” (Rm 1: 19-23; Kn 13: 1-9). Nhưng thế gian đã chìm đắm trong bóng tối tội lỗi, nên đã khước từ ánh sáng là Ngôi Lời (3: 19-21; 12: 31; 14: 17; 17: 25). Cựu Ước cũng đã nhiều lần nói đến thái độ của thế gian: “không nhận biết và yêu mến Đức Khôn Ngoan” của Thiên Chúa (Cn 1: 2; 4: 1; 9: 10; 30: 3; Hc 6: 27; 18: 28). Ở đây (Ga 1: 10), thay vì Đức Khôn Ngoan, tác giả nói Ngôi Lời.
Câu 11 cho thấy Ngôi Lời còn đi thêm một bước nữa trên con đường nhập thế, Ngài đã đến và ở giữa dân Chúa chọn nơi Luật của ông Mô-sê và Lời của các ngôn sứ qua các thời đại. Nhưng dân riêng của Ngài, người nhà của Ngài cũng khước từ Ngài, không đón nhận Ngài.
Các câu 9-11 tóm gọn một trong những chủ đề lớn của toàn bộ sách Tin Mừng thứ tư. Ánh sáng thật đã vào trong thế gian mà Ngài đã sáng tạo; và thế gian, bị tội lỗi thống trị, đã khước từ Đức Giê-su. Ngài đã đến người nhà của mình, và dân chúng đã được ông Mô-sê và các ngôn sứ chuẩn bị đón Ngài cũng khước từ Ngài.
F.Nhờ Ngôi Lời, chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa (1: 12-13).
Theo cấu trúc song đối đồng tâm của Tựa Ngôn, các câu 12-13 là lời phát biểu trung tâm mà tất cả các câu song đối đều hướng đến như đỉnh cao của toàn bài Tựa Ngôn.
Ngược lại với thái độ khước từ của thế gian và dân riêng của Ngài, có những người đã đón nhận Ngài, nghĩa là đã tin vào Ngài, Ngài sẽ cho họ quyền trở thành con cái Thiên Chúa. Đây cũng là một trong những chủ đề lớn của sách Tin Mừng thứ tư bàn đến ơn cứu độ của những người tin nầy. Họ hình thành nên “những kẻ thuộc về Ngài” (Ga 13: 1) “những người nhà mới của Ngài”. Họ được sinh ra làm con cái Thiên Chúa không phải do khả năng của con người, cũng không do ước muốn của phàm nhân, nhưng do quyền năng Thiên Chúa (Ga 3: 5-6). Chúa Con sẽ thở hơi Thần Khí ban sự sống mới của Ngài trên họ (Ga 20: 22) như Thiên Chúa đã thổi hơi thần khí ban sự sống trên ông A-đam (St 2: 7).
Đó sẽ là một cuộc sáng tạo mới thay thế cho cuộc sáng tạo cũ đã khước từ Thiên Chúa (Kh 21: 1). Cuộc sáng tạo mới thay thế cuộc sáng tạo cũ như thế nào, giao ước mới thay thế giao ước cũ với dân Ít-ra-en trên núi Xi-nai như vậy, vì dân tự nguồn gốc là dân riêng của Ngài đã khước từ Ngài. Một chủ đề thường hằng trong sách Tin Mừng là việc Đức Giê-su thay thế những định chế: Đền Thờ và các ngày lễ của “người Do thái”.
E’.Ngôi Lời nhập thể (1: 14).
Câu này được dịch theo sát từ: “Ngôi lời đã trở thành xác thịt và dựng lều ở giữa chúng ta”. Trong Kinh Thánh, “xác thịt” không phải chỉ xác thể mà còn chỉ cả hồn, nghĩa là trọn vẹn con người. Ngôi Lời đã làm người, trở thành một phàm nhân, không có nghĩa là, khi đã làm người, Ngôi Lời không còn là Thiên Chúa nữa. Khi đã nhập thể, Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa, và sau khi Nhập Thể, Ngôi Lời vẫn còn là một con người. Mầu nhiệm Nhập Thể mà chúng ta tuyên xưng: Ngài là Thiên Chúa thật và con người thật.
Với thuật ngữ “dựng lều” hay “cắm lều”, tác giả gợi lên nhiều ý tứ man mác. Trước hết, “cắm lều” là đến và ở tạm thời. Như người du mục cắm lều nay đây mai đó, Ngôi Lời cũng chỉ đến và ở với chúng ta trong một thời gian nào đó mà thôi, vì Ngài phải về cùng Chúa Cha. Nhưng nói đúng hơn, thuật ngữ “cắm lều” gợi lại việc Thiên Chúa ở với dân Ngài trong cuộc hành trình băng qua sa mạc. Trên con đường từ Ai-cập về Đất Hứa, dân Do thái cắm lều nay đây mai đó như dân du mục. Trong thời gian Xuất Hành ấy, Thiên Chúa đã hứa với ông Mô-sê Ngài sẽ đồng hành với dân về Đất Hứa. Vì thế, Ngài đã bảo ông Mô-sê dựng cho Ngài một lều ở giữa các lều của dân. Vào ngày khánh thành, Thiên Chúa cho lều của Ngài tràn ngập những áng mây và vinh quang rực rỡ như dấu chỉ cho biết “Ngài hiện diện trong lều”. Thế là, Thiên Chúa cắm lều giữa dân Ngài và ở lều như dân Ngài (Xh 33: 9-10).
Từ đó, “dựng lều” hay “cắm lều” trở thành thành ngữ để chỉ Thiên Chúa ở giữa dân Ngài (Ds 12: 5; 2Sm 7: 6; Tv 78: 60; Ge 4: 17, 21; Dcr 2: 14; Hc 24: 8). Trong Cựu Ước, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài trong lều của Ngài vào thời Xuất Hành, ở trong Đền Thờ khi dân định cư ở Đất Hứa, và còn ở trong Lề Luật Mô-sê nữa (Hc 24: 7-22; Br 3: 36-44). Nhưng trong Tân Ước, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài còn thân thiết và gần gũi hơn nhiều. Ngài hiện diện bằng chính bản thân và một cách hữu hình, chứ không bằng áng mây hay Lề Luật như thuở xưa. Quả vậy, Ngôi Lời Thiên Chúa đã lấy xác phàm hữu hình để ở giữa chúng ta và đưa chúng ta từ thế giới chóng qua đến thế giới vĩnh cữu:“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”(Ga 12: 32).
Trong Cựu Ước, nói “vinh quang của Thiên Chúa” là nói “Thiên Chúa tỏ mình”trong quyền năng của Ngài. Nói chung, những phép lạ Thiên Chúa thực hiện lúc dẫn đưa dân Ngài từ Ai-cập về Đất Hứa, là những thành quả của quyền năng và vinh quang Thiên Chúa (Xh 15: 1-7; 16: 7-8). Trong Tân Ước, nhân tính của Ngôi Lời, thân thể của Ngài, trở thành nơi tuyệt mức Thiên Chúa ở giữa dân Ngài và bày tỏ vinh quang của mình. Ngài bày tỏ vinh quang của Ngài qua những phép lạ, đặc biệt sự kiện phục sinh (13: 31; 17: 2-5; 12: 23, 28). Vì thế, câu nói, “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài” có nghĩa là chúng ta đã được nhìn thấy “các phép lạ Người làm lúc sinh thời”. Những phép lạ khả dĩ làm cho thiên hạ phải tôn vinh Người.
Khi viết, “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng”, tác giả liên tưởng đặc biệt đến việc Đức Giê-su biến đổi hình dạng, một sự kiện mà chính tác giả là một trong ba môn đệ được diễm phúc chứng kiến. Quả thật, so sánh câu phát biểu nầy với các bài trình thuật Nhất Lãm về cuộc Biến Hình đều có hai yếu tố: các tông đồ nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su và Đức Giê-su được Chúa Cha công bố là Con Một của Ngài (Con Một và Con yêu dấu là hai từ đồng nghĩa, dịch cùng một từ Hy bá).
Nói tóm lại, vinh quang của Thiên Chúa là những gì làm cho loài người nhận biết Thiên Chúa hiện diện và vinh quang của Ngài rực rỡ đến nỗi người phàm nhìn thấy là có thể chết ngay (Xh 24: 16tt). Vì thế, để cho loài người có thể nhìn thấy được, vinh quang ấy phải có cái gì phủ che, thời xưa là áng mây, ngày nay là nhân tính của Ngôi Lời Nhập Thể. Tuy nhiên, người phàm cũng được thoáng thấy vinh quang ấy đôi khi, như nhân dịp Đức Giê-su biến đổi hình dạng (Lc 9: 32, 35) hoặc qua các phép lạ (Ga 2: 11; 11: 40; 14: 24-27 và 15: 7), nhất là sự kiện “Phục Sinh là một sự tỏ mình ra thập phần vinh quang”(17: 5tt).
Trong Cựu Ước, hai từ “ân sủng” và “sự thật” thường đi đôi với nhau để diễn tả hai ưu phẩm của Thiên Chúa là “tình thương” và “thành tín”. Nói Thiên Chúa giàu tình thương và thành tín là nói Thiên Chúa “trước sau như một, luôn luôn yêu thương và tha thứ” (Xh 34: 6; Tv 25: 10; 40: 11; 61: 8 và nhất là Tv 89). Vì thế, chúng ta có thể hiểu, cũng như Chúa Cha, Ngôi Lời cũng giàu lòng yêu thương và thành tín, cũng trọn niềm yêu thương, tha thứ. Vì thế, cộng đoàn Gioan, cộng đoàn của Giao Ước Mới xác quyết rằng nơi con người của Đức Giê-su, họ đã nhận thấy vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho Ngài, Đấng giàu lòng nhân nghĩa và thành tín, trước sau như một.
D’.Chứng từ của Gioan (1: 15)
Một lần nữa, lời chứng của Gioan Tẩy Giả phá vỡ nhịp điệu và liên ý giữa câu 14 và câu 16. Giữa những người đã nhìn thấy vinh quang của Con Một Thiên Chúa, Gioan Tẩy Giả là người đầu tiên lớn tiếng tuyên bố mầu nhiệm của Đấng không những hiện hữu trước ông, mà còn là Đấng hiện hữu ngay từ lúc khởi thủy.
C’.Ân huệ cho loài người (1: 16)
Cộng đoàn của những người tin chứng nhận rằng mình đã đón nhận mặc khải tối hậu của Đấng đầy tràn ân sủng và sự thật. Diễn ngữ “ơn nầy đến ơn khác” được hiểu theo hai cách: cách thứ nhất: “ân sủng nầy nối tiếp ân sủng khác trong thời Tân Ước”; cách thứ hai: “ân sủng thời Tân Ước thay thế ân sủng thời Cựu Ước”. Vì giới từ “anti” không có nghĩa (chồng chất) “trên nhau”, nên chúng ta chọn cách thứ hai, nếu vậy thánh ký muốn nói rằng: Ân sủng mà ngày xưa, Thiên Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê, thì nay Người lại ban cho chúng ta qua Người Con Một.
B’.Vai trò trong cuộc tái tạo (1: 17)
Ở đây hai người trung gian được đặt gần kề nhau: ông Mô-sê và Đức Giê-su, trở nên đề tài của những cuộc tranh luận trong Tin Mừng thứ tư. Chúng ta được dự phần vào Giao Ước Mới nầy thay thế Giao Ước Cũ. Những lời của Thiên Chúa, tức Thập Giới, được ghi khắc vào bia đá cho ông Mô-sê trên núi Xi-nai như cách diễn tả tấm lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa trong Giao Ước Cũ. Bây giờ, Lời Thiên Chúa được ghi khắc vào thân thể của Đức Giê-su, Đấng đầy tràn ân sủng và sự thật hiện thân tấm lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa trong Giao Ước Mới.
A’.Chúa Con mặc khải Chúa Cha (1: 18)
Thiên Chúa đã không để cho ông Mô-sê được thấy Ngài trong Cựu Ước; bây giờ Con Một đày tràn ân sủng và sự thật của Ngài, Đấng đã biết Thiên Chúa từ cõi đời đời mặc khải Ngài. Sách Tin Mừng là câu chuyện về mặc khải nầy: kỳ vọng của Đức Giê-su là trở nên con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha, trở nên nhà chú giải duy nhất về Thiên Chúa.
Kết luận:
Từ chủ chốt của Tựa Ngôn là từ “Ngôi Lời”. Tự nguồn gốc, từ “Ngôi Lời” được dịch từ “Logos” của Hy ngữ, nhưng được thánh ký sử dụng một cách độc đáo đến nỗi từ Hy ngữ nầy thấm nhuần tư tưởng của từ “Daba” (“Lời”) của Cựu Ước. Trong Cựu Ước, Logos có nghĩa là lời Thiên Chúa nói ra, là điều Thiên Chúa mặc khải qua vũ trụ, qua biến cố và, nói chung, qua Thánh Kinh (Cn 8: 23-36; Hc 24: 1-22). Tất cả những tư tưởng ấy đều gặp trong Tin Mừng Gioan. Nhưng còn hơn thế nữa, tác giả đã chọn từ Hy lạp“logos”với mạo từ không để diễn tả “Lời” một cách chung chung, nhưng Lời là một ngôi vị. Ngôi Lời ngay từ khởi thủy đã hiện diện trong cung lòng của Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1: 15), là phản ảnh vẽ huy hoàng và trung thực của bản thể Thiên Chúa (Dt 1: 3). Với biến cố Nhập Thể, Ngôi Lời là Mặc Khải tuyệt mức và dứt khoát của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại (1Ga 1: 2). Tuy nhiên, thế gian đã không biết Ngài, dân Ngài cũng khước từ Ngài. Nhưng ai tiếp đón Ngài, Ngôi Lời ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Họ được quyền làm con Thiên Chúa như vậy, không phải do người phàm, mà là do Thiên Chúa (1: 12-13).
Do đó, chỉ vỏn vẹn mười tám câu, bài thơ được tạo dáng một cách nghệ thuật tóm tắt những chủ điểm Thần Học của Tin Mừng Gioan: Đức Giê-su Na-da-rét là Mặc Khải tối hậu của Thiên Chúa, Đấng giải thích cắt nghĩa Thiên Chúa. Nói cho cùng, Đức Giê-su không chỉ là Đấng Trung Gian của Thiên Chúa đối với chúng ta, Ngài đích thực là Thiên Chúa, là Lời Thiên Chúa và Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa hiện thân để nói lời tối hậu của Thiên Chúa.