THỨ TƯ LỄ TRO
TIN CẬY VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Jude Siciliano, OP
***
Tác giả Walter Brueggman có ý kiến như sau : Không nên nhìn công thức “Con là bụi tro, con sẽ trở về với bụi tro”, như một lời tuyên án hoặc nguyền rủa, hay việc rắc tro lên đầu chỉ nguyên liên hệ với tội luỵ. Ông muốn suy tư nó trong ánh sáng các câu châm ngôn đầy khôn ngoan. Nó khích lệ chúng ta nhìn lại số phận hay chết của nhân loại. Có bốn điều luôn phải ghi nhớ :
1- Về căn bản và gốc gác, loài người là một tạo vật phát xuất từ bùn đất, lệ thuộc chặt chẽ vào thực tại và giới hạn của vật chất.
2- Nó chia sẻ với đất mẹ và các thụ tạo khác bởi đất mà ra những phẩm chất giống nhau của đời sống thực vật.
3- Đất chẳng thể tự khởi động. Nắm thân tro bụi của con người cũng vậy. Tự thân nó bất động và không có sự sống. “Tro bụi” đâu có tính nhân loại?
4- Vậy thì tính “sống động” của mỗi cá nhân hoàn toàn lệ thuộc vào “hơi thở” của Thượng Đế. Hơi thở này được Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không, tuỳ vào lượng hải hà của Ngài, chẳng cần một lý do nào cả. Tuy nhiên con người không bao giờ có thể chiếm đoạt làm tài sản riêng. Nó là của Thiên Chúa.
Do đó, nhân loại là những chủ thể lệ thuộc, dễ bị thương tổn, từng giây từng phút phụ thuộc vào “hơi thở” của Thiên Chúa mà sống. Nói cách khác, khả năng “sống còn” của loài người đến từ Thượng Đế. Chúng ta không có quyền lựa chọn tình trạng này, nhưng cũng không phải là hình phạt có liên hệ với tội lỗi. Đây là ý nghĩa cơ bản của từ “nhân loại”. Chúng ta sống từng giây từng phút bằng lượng hải hà của Đức Chúa Trời. Hai ông bà Nguyên tổ trong Vườn địa đàng đã muốn thoát ra khỏi số phận này để trở nên giống Tạo hoá. Lễ tro kêu gọi chúng ta nhớ lại tính chất “thụ tạo” của mình mà chúng ta thường xuyên lãng quên. Chúng ta phải luôn hồi tâm xác định lại căn tính, tôn trọng những giới hạn tự nhiên, không ngang ngược vượt qua để trở thành Thượng Đế!
Lễ tro cũng là ngày để chúng ta suy ngẫm về Thiên Chúa. Thánh vịnh 103, 14 phát biểu như sau: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ ta chỉ là cát bụi”. Hành động rắc tro lên đầu thể hiện nội dung trên. Thiên Chúa vẫn thấu rõ từ thuở ban đầu, chúng ta được Ngài tạo lên từ cát bụi. Ngài nhớ rõ và chúng ta cũng được bảo cho biết như vậy. Bởi đó Ngài trung tín với ý định của mình, không từ bỏ chúng ta, dù rằng chúng ta đã phạm tội. Một khi tội lỗi được nhận ra như mối nguy hiểm gây chết chóc, luôn đe doạ loài người thì Ngài đã phát minh ra phương thế xoá bỏ. Cho nên điều quan trọng hiện thời trong ngày lễ hôm nay là hành động tha thứ vô biên của lòng Thiên Chúa trung tín và xót thương. Chúng ta là cát bụi và sẽ chết trong tọi luỵ của mình là điều làm cho Ngài quan tâm hơn cả. Các câu thơ Thánh vịnh 103 chung quanh câu 14 đều nói lên cùng tư tưởng đó. Ví dụ : “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (103, 12).
Cho nên công thức xức tro kêu gọi chúng ta tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng thấu rõ nhu cầu thiêng liêng mỗi người và định vị rõ ràng số phận loài người trước tôn nhan Ngài. Nhân loại thường mắc thứ bệnh tai hại là mất trí nhớ. Thế giới tiêu thụ hiện thời có khuynh hướng làm cho căn bệnh thêm nặng hơn. Chúng ta mau quên quá khứ và không nhớ ơn gọi của tương lai. Quên tính chất thụ tạo căn bản. Quên hình hài mỏng manh của mình. Tưởng mình quyền năng hơn thực tại, có thể thu quén cho mình mọi thứ, bởi trên đầu không có ai lo liệu cho. Tưởng mình tránh né được tử thần bằng sức riêng. Tưởng mình đã chiến thắng sự chết. Chúng ta mắc bệnh quên lãng nặng nề, đã lạc xa ơn kêu gọi nguyên thuỷ của mình, tức phục vụ. Vườn địa đàng, các thú vật và cây cối được trao phó cho loài người trông nom.
Hơn nữa, chúng ta còn hay quên rằng Thiên Chúa vẫn nhớ. Ngài liên tục tạo dựng, liên tục săn sóc, liên tục thở hơi để chúng ta được sống. Ngài luôn luôn kêu mời, bảo vệ và nuôi sống muôn loài. Thực tế, hàng ngày chúng ta được tình yêu dịu ngọt của Thiên Chúa bao bọc, Đấng mong muốn điều lành cho chúng ta hơn lòng chúng ta khao khát. Chủ đề của lễ tro là “hãy nhớ” về cả hiện tại, quá khứ và tương lại. Đây không phải là mệnh lệnh nhẹ ký mà là rất nghiêm chỉnh, không phải để gây thoải mái, dễ chịu mà để chúng ta đổi mới cuộc đời.
Hôm nay, một cuộc chiến không khoan nhượng đã khởi sự, ngõ hầu xác định lại căn cước mỗi người. Căn cước hay bị bỏ bê hoặc lãng quên. Một cuộc chiến tranh giữa não trạng hối cải với não trạng tiêu thụ, tinh thần thần phục gặp rắn già kiêu ngạo, lòng trung thành gặp nết xấu phản bội. Với tro bụi trên đầu, chúng ta được lôi kéo về những điều căn bản, ấp ủ những lý tưởng cao thượng, bỏ đi những ích kỷ nhỏ nhen. Tro bụi trên đầu sẽ ghi khắc nội dung Tin mừng vào da thịt, sức mạnh thiêng liêng trong yếu đuối, vinh quang trong thân phận thấp hèn. Amen.
HÂN HOAN TRỞ VỀ
Mt 6,1-6.16-18
Fr. Jude Siciliano, OP
Thứ Tư Lễ Tro ! Nghe sao mà u ám quá !
Tro rắc trên đầu trong khi tai được nghe những lời buồn thảm : “Hãy nhớ rằng con là bụi tro và con sẽ trở về bụi tro !” hoặc một lời khác: “ Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tôi muốn trung thành với Tin Mừng. Nhưng tôi lại thích chỉ nghe thoáng qua câu mở đầu: “Hãy ăn năn sám hối”. Câu này nhắc tôi thống hối lỗi lầm! Lại phải nghe lần nữa lời khuyên đau xót! Nói thế nào thì nói chứ sự thực vẫn là: “Ngươi là bụi đất, người phải ăn năn !” chạy quanh quẩn cũng chẳng sao thoát khỏi các lễ nghi mùa chay! Trước thứ Tư Lễ Tro là ngày thứ ba béo, bởi vì ai cũng sợ mùa chay ảm đạm. Vậy thì hãy no lòng hả dạ lần cuối trước khi chui vào đường hầm tối tăm của mùa chay hãm mình ! Đó là quan niệm phổ thông về mùa chay ! Nhưng gỉa dụ mùa chay chẳng phải là mùa khốn khổ như thế có hợp lý không ? Gỉa dụ như nó là mùa vui mừng và phấn khởi có được không ? Nói cách khác nó là thời khắc để cộng đoàn chúng ta canh tân lại sứ vụ rao giảng tin mừng bằng lời nói và việc làm. Hơn nữa, gỉa dụ đó là một lời mời gọi sống cộng đoàn hòa giải như chúng ta vẫn khăng khăng tự nhận. Phải chăng mùa chay là một thông điệp mạnh mẽ kêu mời thiên hạ chung sống hạnh phúc với chúng ta?
Thực ra, chúng ta chẳng cần đến thứ Tư Lễ Tro để nhắc nhớ rằng chúng ta là bụi đất. Bụi đất luôn luôn đầy dẫy chung quanh chúng ta. Đất là cái gì chúng ta sẽ phải trở về sau cái chết! Nhưng rất lâu trước khi chết,chính cuộc sống này đã cho chúng ta thấy mọi sự rồi sẽ có ngày tan rã ! Đa phần những gì mà chúng ta đặt lòng tín nhiệm hằng trăm năm rồi cũng đổ vỡ, cũng rữã nát tơi bời. Mới ư ? Bóng lộn ư ? Lấp lánh ư ? Chẳng bền vững được bao lâu ! Tử thần có mặt khắp mọi nơi ! Cả đến những kho tàng qúi báu nhất của loài người cũng có mặt. Người thân chết,bệnh tật quật ngã, tuổi tác làm khô cạn mọi nghị lực, mọi cố gắng rồi cũng sẽ đến ngày mệt mỏi. Có chi bền vững đâu? Nghi thức phụng vụ của ngày hôm nay rắc tro trên đầu chúng ta, bụi đất trước mắt chúng ta. Nhưng tro và đất chỉ là những điều nhắc nhớ, chính cuộc sống mới thường xuyên cho chúng ta thấy cuộc đời là gì : “như gió thổi, như mây nổi,như chiêm bao!” Nó dí tro vào trán chúng ta và nói : “Này ngươi là bụi tro!” Thật là dễ sợ khi tỉnh mộng nhận ra rằng chúng ta dễ quên và dễ chạy trốn cái thực tại phũ phàng của cuộc đời ! Thiên hạ trầm trồ khen ngợi, đánh gía cao về căn tính của chúng ta,về những gì chúng ta đã thành tựu, chúng ta đang chiếm hữu. Nhưng nghi thức thánh lễ hôm nay chỉ nói ngắn gọn: “Hãy nhớ rằng,những thứ đó chỉ là bụi đất!”
Sau khi đã nhắc nhớ chúng ta ăn năn, nghi thức kêu mời chúng ta trung thành với Tin mừng. Chúng ta là những tín hữu đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy, được kêu gọi vào sống trong thế gian này một cách đặc biệt. Thế giới sa đọa được hướng dẫn bằng các tiêu chuẩn khác nhau, những luật lệ luân lý khác nhau. Vậy tro và đất của ngày hôm nay còn nhắc nhớ rằng lối sống cũ của chúng ta phải chết, phải trở về cát bụi. Chúng ta chẳng còn thuộc về thế giới cũ nữa,vì vậy chúng ta phải ngưng sống theo lối cũ. Chúng ta đã được sinh lại vào sự sống mới. Và cuộc đời chúng ta trong cộng đoàn tín hữu phải phản ảnh được lối sống mới này, và trợ giúp thiên hạ nghe được sứ điệp ngày hôm nay:”Tất cả mọi sự khác đều là bụi đất”. Theo như Thánh Phaolô: “Cuộc đời các tín hữu là một lời mời gọi mọi người hòa giải với Thiên Chúa. Bởi vì chúng ta cũng là những “đại sứ của Chúa Kitô”.
Walter Brueggeman, khi nhắc lại đoạn văn nói về bụi đất trong St.2,7đã viết: “Thiên Chúa dựng nên một người từ bụi đất và thở hơi vào mũi nó và nó trở nên một tạo vật sống động”, có ý kiến sau: “Công thức xức tro của ngày hôm nay nhắc nhớ mọi tín hữu rằng về căn bản loài người có nguồn gốc là vật chất, gánh chịu mọi thực tại của “đất”, tan rã như đất, bất động như đất, vô tri như đất, thối như đất. Đất chẳng thể tự khởi động, cho nên loài người phải hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa để có sự sống. Sự tồn tại của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa từng giây từng phút. Điều này không phải là lời nguyền rủa, chúc dữ. Nhưng đơn giản nó có nghĩa nhân loại là như thế đó: “Bởi đất”.
Vì thế, hôm nay chúng ta được nhắc nhớ là bụi tro, thì cũng ngụ ý chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Chúng ta như thầm nói rằng: Lạy Chúa, xin nhớ đến nguồn gốc của chúng con. Chúng con chỉ là bụi đất nếu như không có Ngài. Mọi sự chúng con làm chỉ là bụi đất nếu như chúng con không làm trong danh Chúa ! Từng giây từng phút xin nâng đỡ chúng con và qua cái chết của Con Chúa xin giải thoát chúng con khỏi vòng tội lỗi ! Loài người là cái gì ? Là tạo vật được Chúa ban ơn từng giây từng phút. Điều đó chẳng phải là hành trang xấu, hành trang yếm thế để bước vào mùa chay !
Bài đọc trích từ thư thứ 2 Th. Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô tập trung vào sự canh tân trong sứ vụ. Lá thư của Ngài tỏ lộ rằng cộng đoàn Côrintô cũng có những yếu kém, khuyết điểm như các cộng đoàn ngày nay.( Điều đầu tiên chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay là: Xin Chúa thương xót chúng con, xin Chúa Kitô thương xót chúng con,xin Chúa thương xót chúng con). Chúng ta thường có khuynh hướng lý tưỡng hóa cộng đoàn các tín hữu tiên khởi. Đúng thế, chúng ta coi họ như những gương mẫu hoàn hảo và chúng ta kém xa họ. Nhưng thực sự mà nói, họ cũng như chúng ta,luôn luôn có những thiếu sót, luôn luôn cần đến việc hòa giải. Th.Phaolô nhân danh Chúa đề cập thẳng đến sự hòa giải với chúng ta.
Vì thế, hòa giải là điều khẩn thiết trong lúc này: “Đây là thời thuận tiện”. Sự việc có lẽ cũng rối bời ở trong giáo đoàn Côrintô. Chúng ta thường hay chống lại Thiên Chúa và không chịu từ bỏ đường lối cũ của mình,”hãy tránh xa tội lỗi và trung thành với Tin mừng”. Nhưng một lần nữa Thiên Chúa lại đi bước trước hòa giải chúng ta với Ngài.
Suốt 7 chương đầu của thư này, Thánh Phaolô tập chú thông điệp hòa giải Tin mừng vào bản tính sứ vụ Tin mừng. Giáo đoàn Côrintô đã chia năm sẻ bảy, chống đối nhau. Có lẽ Thánh Phaolô đã hơi cọc cằn khi chỉ trích họ. Chúa Giêsu đã chết để giao hòa chúng ta với Chúa Cha. Từ chối sống hòa thuận là từ chối Tin mừng và thất bại không cùng với Th.Phaolô làm đại sứ của Chúa Kitô trên thế giới. Mùa chay kêu gọi chúng ta trở về với Chúa, với anh em trong cộng đoàn. Sứ điệp mà chúng ta rao giảng là sứ điệp của toàn thể cộng đoàn khi cùng nhau sống hoan hỉ, bởi ý thức được những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Amen.