LỄ TIỆC LY:
YÊU THƯƠNG
THỂ HIỆN QUA HY SINH VÀ PHỤC VỤ
Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh OFM.
***
Nhiều lần vào nhà thờ, chúng ta thấy biểu tượng trái tim với thánh giá treo trên cung thánh. Có thể nói đó cũng là biểu tượng chính của Tam Nhật Vượt Qua. Trong đó, trái tim là biểu tượng nổi bật của Chiều thứ Năm Tuần Thánh này, một buổi chiều thấm đẫm bầu khí tình yêu.
Người ta đã cố gắng định nghĩa “tình yêu” nhưng chưa có một câu trả lời trọn vẹn. Có người đã mô tả “yêu là chết trong lòng một ít”. Nhưng với Đức Giêsu, thì hoàn toàn khác: yêu là chết không chỉ trong lòng một ít mà chết cả bản thân cho người mình yêu. Tình yêu mạnh liệt này được thể hiện qua việc lập Bí tích Thánh Thể và việc rửa chân cho các môn đệ.
- Yêu thương là hy sinh: Bí tích Thánh Thể
Ðức Giêsu biết rõ đã đến “giờ” của Người, giờ vượt qua cuộc khổ nạn và chết. Chính vì thế, trong khi Đức Giêsu lần cuối cũng ăn Bữa tiệc Vượt qua theo truyền thống Dothái với các môn đệ, Người đãi các môn đệ Bữa Tiệc Thánh Thể, ám chỉ cuộc Vượt qua của Người.
Của ăn là Tấm bánh trở nên Thân Mình Người – Thân Mình sẽ bị nộp chịu chết cho mọi người (1Cr 11,24; Lc 22,19).
Của uống là Rượu nho trở nên Máu Người – Máu sắp đổ ra để mọi người được tha tội (Mt 26,28).
Nhưng tại sao Đức Giêsu lại ban Thịt làm của ăn và Máu làm của uống để thể hiện tình yêu mà không theo một cách khác? Người Dothái cũng đã từng thắc mắc như thế (Ga 6).
Chuyện kể rằng sau trận động đất ngày 17.1.1995 tại Kobe, Nhật bản, người ta phát hiện ra người mẹ và bé gái bốn tuổi nằm dưới ngôi nhà đổ nát. Bé gái còn khỏe mạnh khi vẫn ngậm ngón tay mẹ để bú nhưng bà mẹ đã bất tỉnh. Sau khi được cấp cứu, bà mẹ đã tỉnh dậy. Bác sĩ hỏi tại sao bà lại có vết thương và máu ở tay ra? Bà mới kể lại rằng: “Khi hết sữa và chẳng tìm được thức ăn nước uống cho con, tôi đã lấy miếng thủy tinh rạch ngón tay để máu chảy ra cho đứa con uống.” Bác sĩ hỏi thêm rằng, bà có biết làm như vậy là nguy hại đến tính mạng của mình không? Bà ta trả lời: “Lúc đó, tôi không nghĩ đến tính mạng mình nữa, tôi chỉ mong sao cho con tôi được sống”. Đó là sự hy sinh mạng sống của tình mẫu tử. Đứa con sống được là nhờ máu của người mẹ.
Câu truyện có thể giúp chúng ta cảm nhận phần nào về tình yêu cao cả mà Thiên Chúa và Đức Giêsu dành cho chúng ta. Đó cũng là hình ảnh minh họa về mầu nhiệm Mình Máu Chúa mà chúng ta lãnh nhận mỗi ngày. Một tình yêu mãnh liệt đến mức dám chết và lấy thân mình làm của ăn nuôi sống người mình yêu.
Khi truyền cho các môn đệ “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25; Lc 22,19), Đức Giêsu muốn rằng các môn đệ phải cử hành bữa tiệc Giao ước Thánh Thể để tham dự vào cuộc Vượt qua của Người: vượt qua cái chết để vào cõi sống muôn đời với Chúa Cha (Ga 13,1). Đồng thời thể hiện sự ràng buộc của giao ước mới bằng sợi dây yêu thương: hãy yêu thương nhau “như Thầy yêu thương” (Ga 15,34). Nhưng yêu thương bằng cách nào?
- Yêu thương là phục vụ: rửa chân cho nhau
Thánh Gioan không tường thuật việc lập Phép Thánh Thể như trong thư 1Cr hay trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng lại nhấn mạnh đến hành động rửa chân, với những mô tả rất cụ thể, rõ từng chi tiết và ý nghĩa của nó. “Ðức Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5).
Đức Giêsu cử hành việc rửa chân cho các môn đệ trong bầu khí tiệc ly diễn tả một chiều kích khác của tình yêu.
-Nếu Bí tích Thánh Thể diễn tả rõ chiều kích hy sinh cao cả đến mức hy sinh mạng sống mình vì người yêu, thì việc rửa chân lại thể hiện tình yêu và sự hy sinh đó qua việc phục vụ cách khiêm tốn.
-Nếu Bí tích Thánh thể được của hành theo nghi lễ trong nhà thờ, thì việc rửa chân được thực hiện ở ngoài cuộc sống.
-Nếu Bí tích Thánh Thể nhấn mạnh đến sự hiệp thông với nhau để hướng về Chúa, thì việc rửa chân nhấn mạnh đến việc chia sẻ để hướng về tha nhân.
Theo phong tục Israel, rửa chân là việc của đầy tớ phải làm cho ông chủ. Không hề có vị Thầy nào làm chuyện “ngược đời” là rửa chân cho đầy tớ, thế mà Đức Giêsu đã làm. Có thứ phục vụ vì bắt buộc như các đầy tớ vẫn làm. Có thứ phục vụ vì yêu thương như Đức Giêsu đã thực hiện.
Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy Đức Giêsu phục vụ bằng cách cúi xuống nâng niu bàn chân môn đệ, cũng là mỗi người chúng ta. Những bàn chân vướng bẩn các đam mê bụi trần. Những đôi chân lầm đường lạc lối. Những bàn chân mang đầy thương tích. Thế nhưng Đức Giêsu cúi xuống nhẹ nhàng rửa mọi đau thương, xoá những dấu vết mặc cảm, tẩy mọi vết nhơ phản bội, lau những lớp bùn kiêu căng, phủi sạch đôi chân vướng bụi trần để từ nay các môn đệ có thể can đảm ra đi “phục vụ anh chị em”.
Đức Giêsu nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-15). Thế nhưng, chúng ta chưa có trái tim cùng chung nhịp đập với trái tim yêu thương của Đức Giêsu. Trái tim của chúng ta còn bằng đá. Trái tim bằng đá không biết rung động, chẳng có sức sống, không có sinh khí, khiến chúng ta bị bệnh. Một trong những thứ bệnh đã được ĐGH Phanxicô bắt mạch, đó là bệnh vô cảm.
Trong phần đầu của Sứ Điệp Mùa Chay 2015, ĐGH Phanxicô nhắn nhủ: Chúa không dửng dưng với chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có chỗ trong lòng của Ngài, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và đi tìm chúng ta mỗi khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta; tình yêu không cho phép Chúa dửng dưng với những gì xảy đến với chúng ta”.
Đứng trước Thiên Chúa đầy yêu thương như thế, ĐGH ray rứt về thái độ vô cảm đang diễn ra trên toàn thế giới. Ngài thốt lên thay những phận người bất hạnh: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo Hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo giữa lòng đại dương vô cảm!” (Sứ điệp mùa Chay 2015).
Quả thật, “bệnh vô cảm” như một bệnh dịch lây lan trong toàn xã hội. Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các hiện tượng xung quanh, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác.
Tại sao con người ngày nay lại bị bệnh vô cảm? Có rất nhiều lý do để giải thích bệnh vô cảm:
-“Sợ”: sợ cái ác, sợ kẻ gian, sợ trách nhiệm, sợ liên lụỵ đến bản thân, sợ bị lừa đảo… nên MAKENO.
-“Sống thực dụng”: đề cao chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân theo kiểu “không phải chuyện của tôi”. Coi trọng tiền bạc, danh vọng, quyền lực… hơn tình người.
-“Đề cao cái tôi”: do tính ích kỷ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn “cái tôi của mình” mà quên mất “người khác”.
Tuy nhiên, không quá bi quan, vì vẫn có những mẫu gương biết sống cho người khác, biết quan tâm đến nỗi khổ của tha nhân. Mới đây, báo Tuổi Trẻ Online ngày 1 tháng 4 có thuật lại một câu chuyện: em Lê Doãn Ý, Sv ĐH Mở Hà Nội đang học tại Đà Nẵng đã trả lại toàn bộ tài sản đã nhặt được gồm 2 sổ tiết kiệm trị giá trên 1,3 tỷ đồng, 15,5 triệu đồng tiền mặt, điện thoại iPhone 5s cùng giấy tờ xe máy SH cho người bị mất, trong khi hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có quan tâm đến nỗi buồn hay niềm vui, có để ý đến cảm xúc của người khác hay không?
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu, ngày Valentine đúng nghĩa của Kitô giáo. Ngày học biết cách yêu thương. Yêu thương là hy sinh, là bẻ tấm bánh đời mình cho anh chị em. Yêu thương là phục vụ, là chịu cúi xuống thấp hơn anh chị em để giúp đỡ họ. Xin cho mỗi người chúng ta được ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Đức Giêsu nhờ chúng ta biết yêu như Đức Giêsu đã yêu.