Đêm Thánh vô cùng – Lễ đêm
( Lc 2,1-14)
Có một bài hát giáng sinh rất quen thuộc với chúng ta và cũng rất nổi tiếng trên thế giới, đó là bài “Đêm Thánh Vô Cùng” (Silent Night). Lời ca và âm điệu của bài hát đã để một dấu ấn không phai nhòa trong lòng mọi người. Mỗi mùa Giáng Sinh, khi bài hát được cất lên, người ta có thể cảm nhận được sự thánh thiện và vẻ huyền diệu sâu lắng của đêm giáng sinh :
“Đêm thánh vô cùng,
Giây phút tưng bừng.
Đất với trời xe chữ đồng …”.
Bài hát này ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Vào năm 1818, tại một giáo xứ nhỏ bé thuộc nước Áo, vào mấy ngày trước lễ giáng sinh, dân chúng đang chuẩn bị tập hát cho thánh lễ đêm giáng sinh, thì phát hiện cây đàn Harmonium (đạp hơi) bị chuột cắn nát bộ phận đạp hơi, không thể khắc phục được. Trong tình thế khó khăn đó, vị linh mục quản xứ là cha Moises đã sáng tác một bài thơ và được ông Franz Grubert, người phụ trách thánh ca, phổ nhạc cho bài thơ để hát trong đêm giáng sinh. Đây là một bài hợp xướng 4 bè thuộc thể loại Acapella, một loại nhạc không cần đàn đệm.
Thế là bài thánh ca giáng sinh mang tên “Đêm Thánh Vô Cùng” đã ra đời một cách đơn sơ hèn mọn như cách Chúa Hài Đồng được sinh ra. Sau đó, bài hát trở thành nổi tiếng trên thế giới và tên tuổi của nhạc sĩ Franz Grubert được mọi người biết đến.
Đêm nay thực sự là “đêm thánh vô cùng”, không phải vì là đêm Chúa sinh ra. Thực ra, các sử gia chưa xác định thời gian Chúa Kitô chào đời.
Đêm nay được gọi là “đêm thánh vô cùng” cũng không phải vì quang cảnh các giáo hữu với dáng vẻ thánh thiện trong những tà áo thướt tha, những bộ quần áo đẹp đẽ, đang nô nức tuốn đến các giáo đường dự lễ. Thực ra, nhiều người đi dự lễ đêm nay mà tâm hồn đang nặng trĩu âu lo và chán chường. Đêm nay là “đêm thánh vô cùng” cũng không phải vì là một đêm tràn ngập niềm vui trên toàn thế giới. Thực ra nhiều người chỉ tìm thấy niềm vui bên ngoài, còn lòng họ thì chất chứa ưu phiền và thất vọng.
Đêm ánh sáng
Đêm nay đích thực là “đêm thánh vô cùng” vì là đêm đầy ánh sáng. Đó không phải là ánh sáng của những ngọn đèn màu rực rỡ được trang hoàng khắp nơi, nhưng là ánh sáng thần linh chiếu tỏa vào đêm tối trần gian. Ánh sáng đó chính là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai xuống thế làm người.
Đêm tối tượng trưng cho tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu. Ánh sáng tượng trưng cho ân sủng, hạnh phúc và mừng vui. Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu mang trên mình tất cả sự tăm tối của nhân loại đang hư vong và ban lại cho họ ánh sáng ơn cứu độ.
Chính tiên tri Isaia đã thoáng nhìn thấy ánh sáng ấy bừng lên trong cảnh điêu tàn đổ nát của một đất nước Giuđa đang bị đế quốc Assyria đè bẹp. Dân chúng rên xiết dưới ách thống trị bạo tàn của ngoại bang. Giữa lúc bóng tối kinh hoàng đang bao trùm, vị tiên tri đã tiên báo một thời kỳ tươi sáng do Đấng Messia mang tới : “Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy ánh sáng chứa chan …” (bài đọc I).
Đêm nay đích thực là “đêm thánh vô cùng”, vì Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô xuất hiện giữa đêm dài tội lỗi của nhân loại. Mặt Trời thật nhỏ bé khiêm nhường trong hình hài một bé thơ. Tuy nhiên, Mặt Trời nhỏ bé ấy đang tỏa sáng nơi những tâm hồn chìm đắm trong bóng tối sự chết.
Sở dĩ Giáo Hội chọn ngày 25/12 để cử hành lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu Kitô vì đây là ngày lễ mừng Thần Mặt Trời của người Rôma ngoại giáo, là ngày mặt trời chiếu sáng nhất và là ngày dài nhất trong năm. Giáo Hội muốn mọi người hiểu rằng Chúa Giêsu Kitô là Mặt Trời đích thực đã ló dạng trên trần gian, xua tan bóng đêm tội lỗi và sự chết.
Đêm thầm lặng
Đêm nay chính là “đêm thánh vô cùng” không phải vì sự huyên náo nhộn nhịp, không phải vì những ca khúc giáng sinh rộn ràng vui tươi, cũng không phải vì những ồn ào náo động của một đêm lễ hội tưng bừng. Thực ra, trong bài Tin Mừng thánh Luca đã phác họa bức tranh đêm giáng sinh thật âm thầm và tĩnh lặng.
Khởi đầu là những bước chân lặng lẽ của Đức Mẹ và thánh Giuse trên cánh đồng Bêlem lạnh lẽo, sau khi không tìm được chỗ nghỉ trong quán trọ. Có lẽ đó là bước chân đầy lo âu của thánh Giuse đi tìm một chỗ nghỉ đêm, là bước chân nặng nhọc của Mẹ Maria vì sắp đến ngày sinh nở. Những bước chân ấy hòa lẫn trong màn đêm tĩnh mịch, mang vị Thiên Chúa cao cả vào thế giới.
Sau khi Chúa Hài Đồng sinh ra, các mục đồng được các thiên thần báo tin, họ đã vội vã tìm đến tôn thờ Chúa. Cuộc viếng thăm của các mục đồng thật đơn sơ : không quà mừng, không lễ phục, không ngựa xe đưa rước. Có chăng chỉ là tiếng hát thiên thần vang vọng từ trời, không đủ đánh thức dân thành Bêlem tỉnh giấc.
Chúa chào đời không phải trong cảnh cao sang của các quý tộc, nhưng chỉ là một Hài Nhi nhỏ bé, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ. Tất cả trong âm thầm lặng lẽ giữa bóng tối của đêm đông lạnh giá.
Tuy nhiên, đó chính là “đêm thánh vô cùng” vì trong sự thầm lặng ấy chứa đựng cả một mầu nhiệm cao siêu. Trong sự nghèo hèn ấy chứa đựng cả một nguồn ơn cao cả. Trong sự thấp hèn ấy chứa đựng một sự thánh thiện khôn tả. Trong sự thinh lặng ấy, chứa đựng cả một Tin Mừng lớn lao: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi”.
Chúa Cứu Thế đã bước vào thế giới bằng những bước chân thầm lặng, nhưng đã lay động cả nhân loại. Tuy nhiên, chỉ có những đôi mắt đức tin mới nhận ra Ngài, chỉ có những đôi tai nhạy bén mới nghe thấy bước chân của Ngài, chỉ có những trái tim biết thương yêu mới cảm nhận được Ngài, chỉ có những tấm lòng biết mở ra mới đón tiếp được Ngài. Như thánh Phaolô đã nói : Chỉ có những ai biết từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục mới nhận được ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta (bài đọc II).
Số báo “Thừa Sai Công Giáo” phát hành tháng 11/1930, đã kể lại cuộc tiếp xúc đầu tiên của Mẹ Têrêsa Calcutta với các người nghèo và bệnh tật tại Ấn Độ. Lúc ấy, Mẹ Têrêsa là một nữ tu dòng Loretto.
Ngày kia, một người đàn ông mang đến cho chị nữ tu Têrêsa một cái gói bên trong thò ra cái gì giống như 2 cành cây khô. Chị nữ tu nhìn kỹ thì nhận ra đó là đôi chân gầy gò của một đứa bé sắp chết. Nó rất yếu ớt với đôi mắt bị mù hoàn toàn. Chị nữ tu Têrêsa đã ẵm nó vào lòng. Từ đó, đứa trẻ đã tìm được người mẹ thứ hai.
Hình ảnh sống động của Mẹ Têrêsa Calcutta ôm đứa bé bất hạnh trên tay, đã phản ánh một khung cảnh giáng sinh đầy hiện thực của thế giới hôm nay.
Xã hội ngày nay còn có biết bao hài nhi Giêsu đang bị bỏ rơi, thậm chí bị giết chết ngay khi còn trong lòng mẹ. Xã hội đang cần biết bao những “tấm lòng Maria”, những “trái tim Maria” để ôm ấp, bảo vệ và cứu giúp những trẻ thơ bất hạnh.
Đêm hôm nay chỉ thật sự là “đêm thánh vô cùng” nếu chúng ta cũng biết mở rộng tâm hồn đón nhận Hài Nhi Giêsu và đem Ngài đến cho tha nhân. Chính Ngài là ân sủng, hạnh phúc và niềm vui cần được chia sẻ cho mọi người.
Giáng Sinh – Lễ Rạng Đông
( Lc 2, 15-20 )
Hài Nhi Giêsu, Quà Tặng Cao Quí
Vào một đêm Giáng Sinh, thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ cầu nguyện, ngài được thị kiến thấy Chúa Hài Đồng hiện ra hỏi :
– Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không ?
Thánh nhân đáp :
– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa trái tim con.
– Đúng thế, nhưng còn gì khác nữa không ?
– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và những gì con có thể.
Chúa lại hỏi :
– Còn gì khác nữa không ?
Thánh nhân khẩn khoản thưa :
– Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu !
Chúa lại phán :
– Con hãy dâng cho Ta cả tội lỗi của con nữa.
Thánh nhân hoảng hốt thưa lại :
– Ôi, lạy Chúa, làm sao con có thể dâng cho Chúa tội lỗi của con được ?
– Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.
Nghe thế, thánh Giêrônimô bỗng bật khóc vì xúc động và sung sướng.
Thật lạ lùng quá ! Một Thiên Chúa cao cả đã xin con người dâng cho Ngài món quà là tội lỗi của con người.
Thật ra, Thiên Chúa đã đi bước trước để trở thành món quà quý giá nhất ban tặng cho con người.
Hài Nhi Giêsu, quà tặng cao quý.
Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta có thể thấy nổi bật sứ điệp Tin Mừng : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Thật ra, Thiên Chúa đã ban cho con người rất nhiều quà tặng : một vũ trụ bao la với thiên nhiên tràn đầy sức sống, với vạn vật đem lại hạnh phúc cho con người, với những phúc lộc chan hòa trong cuộc sống nhân loại. Nhưng Thiên Chúa không chỉ hài lòng với những quà tặng vật chất ấy, Người muốn ban tặng một cái gì cao quý hơn cho con người. Qua Con Một yêu dấu, Thiên Chúa ban tặng chính mình Người cho chúng ta. Không những thế, Người đã đích thân ở giữa nhân loại để chia sẻ cuộc sống con người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã xác nhận điều đó : “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và đã cư ngụ giữa chúng ta”.
Quả thật, hôm nay khi nhìn vào máng cỏ, chúng ta có thể thấy được tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua Hài Nhi bé nhỏ.
Hài Nhi Giêsu chính là quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa trao ban cho con người. Ngài chính là hiện thân sống động của một Thiên Chúa tình yêu ở giữa trần gian đầy hận thù ghen ghét.
Hài Nhi Giêsu chính là dấu chỉ lòng quảng đại và nhân hậu của Thiên Chúa giữa một thế giới mà trong đó nhiều người chỉ biết sống ích kỷ hẹp hòi.
Hài Nhi Giêsu là biểu lộ một tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho nhân loại cho dù nhân loại có đáp trả hay không.
Hài Nhi Giêsu, quà tặng bị khước từ.
Tuy nhiên, hôm nay trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã nói lên một sự thật phũ phàng : “Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng người thân của Ngài đã không đón nhận Ngài”.
Tại sao họ không đón nhận Ngài ? Vì họ không nhận ra Ngài. Họ tưởng Ngài sẽ đến trong dáng vẻ quyền quý cao sang, nhưng Ngài đã đến trong dáng vóc tầm thường của đứa trẻ con nhà nghèo.
Chúa Giêsu đã bị khước từ không chỉ trong đêm Giáng Sinh, nhưng Ngài còn bị từ chối trong suốt cuộc đời.
Chúa Giêsu là ánh sáng đã chiếu soi vào u tối, nhưng u tối đã không tiếp nhận ánh sáng. Ngài là ánh sáng của ân sủng và hạnh phúc, đã bừng lên xua tan bóng tối tội lỗi và sự chết. Nhưng tiếc thay, con người thích bóng tối hơn ánh sáng. Vì thế, con người đã không tiếp nhận Ngài và đã đánh mất ơn cứu độ dành cho mình.
Chúa Giêsu còn là Tin Mừng của Thiên Chúa được ban tặng cho nhân loại : Ngày xưa, Thiên Chúa phán dạy con người qua các tiên tri, nhưng sau Người phán dạy qua chính Con Một Người là Đức Giêsu Kitô (bài đọc II). Nhưng tiếc thay, nhiều người đã không đón nhận Tin Mừng cứu độ. Vì thế, họ đã không được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho.
Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn mãi trung thành trong việc hiến trao chính mình cho con người, cho dù con người có đón nhận hay không.
Trang tin tức Vietcatholic ngày 23/12/2004 đã đăng một bản tin mang tựa đề “Chuyện Buồn Giáng Sinh” như sau:
Một em bé trai 10 tuổi tên Samson thuộc một gia đình nghèo khó ở Ả rập. Cha mẹ của em vì quá nghèo đã bán em làm nô lệ cho một người chủ trại chăn nuôi ở thành phố Chad. Điều đáng nói là em Samson đã được bán chỉ bằng giá tiền của một con bê.
Mỗi chiều, em bé Samson phải đưa đàn cừu ra cánh đồng và em phải ở ngoài đồng cả đêm. Khi hừng đông sắp ló dạng, em bé phải đưa đàn cừu về chuồng. Khi mặt trời mọc, em đã mệt nhoài, nằm vật xuống nền đất mà ngủ vùi. Điều đáng buồn hơn, là một người Công Giáo, em bị bắt buộc phải trở thành một tín đồ Hồi Giáo.
Thật may mắn, trong mấy ngày vừa qua, em đã được một nhà thờ tại xứ đạo địa phương cứu khỏi cảnh nô lệ và đưa em về với gia đình.
Chuyện buồn Giáng Sinh trên đây nêu lên một sự việc thật đau xót : Một người con bị chính cha mẹ mình bán đi với giá tiền chỉ bằng một con bê ! Một người con đã bị những người thân yêu nhất của mình loại bỏ ra khỏi mái ấm gia đình.
Câu chuyện buồn ấy vẫn tiếp diễn trong cuộc sống chúng ta hôm nay. Có biết bao người đang bị xã hội khước từ, có biết bao người anh em đang bị chính chúng ta từ chối.
Hài Nhi Giêsu vẫn tiếp tục không được tiếp nhận nơi tâm hồn chúng ta, vì tâm hồn chúng ta đang đầy ứ đam mê dục vọng. Tâm hồn chúng ta không còn chỗ cho Ngài.
Hôm nay Ngài đang chờ chúng ta dọn cho Ngài một máng cỏ êm ấm trong lòng. Ngài đang chờ chúng ta tiếp nhận Ngài như một quà tặng cao quý nhất. Ngài vẫn mãi tiếp tục chờ đợi chúng ta …