Kinh Mân Côi, Lời Kinh Của Niềm Hy Vọng
Cuộc sống của con người ở bất kỳ thời nào và có địa vị ra sao, vẫn luôn phải đối diện với những bấp bênh, lo âu, đau khổ, bệnh tật và muôn nỗi sợ hãi. Nhiều người còn cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng. Người Kitô hữu cũng không tránh khỏi vòng xoay của nhân tình thế thái này, nhưng chúng ta có niềm hy vọng vô cùng lớn lao, đó là Đức Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến trong thế gian để nâng đỡ những người đau khổ và giải cứu kẻ tội lỗi, như lời Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho người môn đệ thân yêu là Timôthê: “Tôi là Phaolô, tông đồ của Đức Kitô Giêsu theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh của Đức Kitô Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta.” (1 Tm 1, 1)
Đức Kitô là niềm hy vọng duy nhất của thế giới, mà Đức Maria là mẹ sinh ra Đấng cứu thế, là mẹ của Hội Thánh và là mẹ của mỗi người chúng ta, nên Mẹ là sao mai dẫn mọi người đến với Đức Kitô như chúng ta thường nói hoặc vẫn nghe: “Qua Mẹ đến với Chúa Giêsu”. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông thư Kinh Mân Côi ở số 1 đã viết: “Kinh mân côi, dù rõ ràng gắn liền với Đức Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Kitô làm trung tâm.”
Kinh mân côi lấy Đức Kitô làm trung tâm nên khi lần chuỗi kính Đức Mẹ, dù đang còn phải bước đi giữa những tăm tối của cuộc đời này, chúng ta được nâng đỡ và thắp sáng niềm hy vọng. Chúng ta cùng đọc vài ngắm mân côi để thấy rõ hơn.
Trong thế giới đầy bạo lực và chết chóc, với ngắm thứ hai mùa vui, khi nhắc lại sự kiện Đức Mẹ đi thăm bà Isave, chúng ta xin ơn sống yêu thương tha nhân, nhờ vậy chúng ta biết cùng với những người thiện chí nỗ lực đẩy lùi hận thù và thắp sáng thế giới này bằng tình yêu thương.
Bệnh tật, thất bại dễ làm chúng ta nản lòng và oán trời, trách người. Với ngắm thứ bốn mùa thương, sau khi nhắc lại biến cố Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Canvê, chúng ta xin Chúa giúp biết vác thập giá đời mình theo Chúa, nhờ vậy, chúng ta biến điều không thể tránh được trong cuộc sống thành niềm hy vọng, vì khi cùng chịu đau khổ với Đức Kitô, chúng ta sẽ được đồng hưởng vinh phúc với Người.
Giữa cuộc sống mà vật chất như lên ngôi và cuốn hút mọi năng lực của con người vào đó, các Kitô hữu cũng như bao người khác luôn vất vả vì cơm áo gạo tiền. Với ngắm thứ hai mùa mừng, chúng ta xin ơn biết khao khát những sự trên trời, như vậy của cải đời này không còn là nỗi ưu tư duy nhất và những thất bại trong công việc không làm chúng ta thất vọng, vì chúng ta luôn có Thiên Chúa là gia nghiệp.
Biết con người yếu đuối và giới hạn, nhưng tin rằng nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể sống xứng đáng là con cái của Người, khi chúng ta suy niệm ngắm thứ nhất sự sáng, nhắc lại sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giodan.
Chúng ta tràn đầy niềm vui và hy vọng, khi suy niệm những biến cố liên quan đến cuộc đời Đấng Cứu Thế và Mẹ yêu dấu của Người qua hai mươi ngắm kinh mân côi. Chẳng những thế, chúng ta còn được thưa với Chúa Cha trong tâm tình Cha-con trong kinh Lạy Cha, được cảm nghiệm niềm vui của Mẹ khi nghe Thiên Thần chào kính: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28) và lời khen tặng của bà Isave: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.” (Lc 1, 42); được tràn đầy hy vọng vì có Mẹ cầu khẩn cùng Chúa cho chúng ta khi nay và trong giờ lâm tử. Chúng ta cũng không thiếu niềm hy vọng vì biết rằng mình sẽ được chúc khen Ba Ngôi Thiên Chúa từ bây giờ đến mãi ngàn thu.
Lời kinh mân côi là niềm hy vọng và ơn nâng đỡ cho biết bao người Kitô hữu qua mọi thời đại.
Nhớ lại hơn ba trăm năm, khi các Kitô hữu cha ông chúng ta bị ngược đãi và bách hại vì đức tin, có rất nhiều người trong số họ một chữ bẻ đôi cũng không biết, họ cũng chẳng thuộc được một đoạn Kinh Thánh, nhưng nhờ tràng chuỗi mân côi, lời kinh của niềm hy vọng, họ đã có được sức mạnh để trung kiên với đức tin cho đến hơi thở cuối cùng.
Một vị linh mục đến thăm người đàn ông bị bại liệt đã hơn ba năm. Giữa những lời trao đổi, ngài hỏi người bệnh:
– Không đi lại được, nằm một chỗ, ông có buồn không?
– Thưa Cha, nhiều lúc buồn lắm!
– Vậy ông làm gì những lúc rảnh để vơi nỗi buồn?
– Thưa cha, đây là niềm hy vọng và sức mạnh của con, vừa nói ông vừa cầm xâu chuỗi đưa lên trước mặt ngài.
Đau ốm, thất bại, yếu đuối và lỗi lầm trong cuộc sống dễ làm cho chúng ta chán nản buông xuôi. Nhưng là người tín hữu Công Giáo, chúng ta được nâng đỡ nhờ dòng suối ân sủng là các bí tích, ánh sáng của Lời Chúa, giáo huấn của Hội Thánh và phương thức đạo đức bình dân là kinh mân côi. Trong Tông Thư Kinh Mân Côi ở số 1, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng quả quyết với chúng ta: “Qua kinh mân côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.”
Năm 1917, khi hiện ra tại Fatima, một trong những lời Đức Mẹ căn dặn là: “Hãy siêng năng lần hạt mân côi”.
Thực hiện lời Đức Mẹ dạy và thực thi thẩm quyền Giáo Hội khuyến khích: siêng năng lần hạt mân côi, chắc chắn chúng ta sẽ có được niềm vui và hy vọng giữa những đau khổ và thử thách; đồng thời, cũng là phương thế đem lại ơn hiệp nhất và bình an cho thế giới, cho Hội Thánh, mỗi cộng đoàn và từng gia đình chúng ta.
Lm. Mt