Đức Giáo Hoàng luôn luôn là con người nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi tất cả những gì liên quan tới ngài cũng nổi tiếng.
Trước khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI có chiếc xe Volkswagen Golf cũ. Chiếc xe này đã được ngài bán đi. Hồi tháng trước, chiếc xe được người chủ bán cho sòng bạc Golden Palace ở Mỹ với giá tiền lên đến 244.000 đôla. Chiếc xe trở thành quý giá vì nó là của vị tân giáo hoàng.
Hiện nay, bà Claudia Dandl đang làm chủ ngôi nhà tại Marktl am Inn, nước Đức, nơi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI được sinh ra. Bà Claudia Dandl đang muốn bán căn nhà này, vì quá mệt mỏi với cảnh du khách ngày ngày lũ lượt kéo tới thăm viếng, chụp hình và tò mò nhìn vào cửa sổ nhà bà. Căn nhà đã trở thành nổi tiếng, từ khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lên ngôi giáo hoàng (Theo báo Thanh Niên, số 176, ngày 25/6/2005).
Đức giáo hoàng là ai mà nổi tiếng như thế ? Đức giáo hoàng là người kế vị thánh Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên, được Chúa đặt lên cai quản toàn thể Giáo Hội. Tuy nhiên, giáo hoàng cũng chỉ là một con người, với tất cả những yếu đuối, thấp hèn như bao con người khác. Thánh Phêrô cũng chỉ là một con người với biết bao lỗi lầm và khuyết điểm. Nhưng Chúa đã dùng sự yếu đuối và thấp hèn để biểu lộ quyền năng và sức mạnh của Ngài.
Hôm nay, chúng ta mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, những con người yếu hèn được Chúa tuyển chọn để trở nên cột trụ nâng đỡ tòa nhà Giáo Hội.
Thánh Phêrô, “tảng đá yếu mềm”.
Ơn gọi và hành trình theo Chúa của thánh Phêrô thật kỳ lạ, kỳ lạ đến nỗi ta có thể gọi là một huyền nhiệm.
Khi được thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu, ông Anrê đã đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Sau đó, ông về dẫn anh mình là Simon cũng đến gặp Chúa. Chúa Giêsu nhìn ông Simon và nói : “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (tức là Phêrô, nghĩa là đá)” (Ga 1, 41-42).
Chúa Giêsu đã đặt tên cho Simon là Phêrô nghĩa là đá, vì Ngài đã nhìn thấy trước thánh Phêrô sẽ là nền tảng cho Hội Thánh mà Ngài sẽ thiết lập.
Tuy nhiên, thánh Phêrô là “tảng đá yếu mềm”. Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, thánh Phêrô đã thay mặt anh em để tuyên xưng đức tin cách mạnh mẽ : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Sau đó, Chúa đã “đặt viên đá đầu tiên” cho Hội Thánh, mà thánh Phêrô là nền móng : “Phêrô, con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Chúa còn trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời, là biểu tượng của quyền tối thượng “cầm buộc” và “tháo cởi” trong Hội Thánh (Mt 16, 13-19).
Thế nhưng, ngay sau đó, khi Chúa tiên báo về cuộc thương khó của Ngài, thánh Phêrô đã cản ngăn Chúa, khiến Ngài đã quở trách Phêrô nặng lời : “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy ! Anh đã cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 21-23). Phêrô là tảng đá đức tin, trong phút chốc đã trở thành tảng đá cản đường !
Lỗi lầm lớn nhất của thánh Phêrô là đã chối Chúa ba lần. Sau khi Phêrô chối Chúa, Chúa đã quay lại nhìn Phêrô. Phêrô đã khóc lóc thảm thiết trước lỗi lầm quá lớn (Lc 22, 54-62). Quả thực, thánh Phêrô chính là “tảng đá yếu mềm”. Tuy nhiên, qua “những giọt nước mắt của đá”, với lòng thống hối ăn năn, thánh Phêrô đã đứng dậy cách kiên vững, đi theo Chúa tới cùng.
Sau khi Chúa sống lại, để cho Phêrô sửa lại ba lần chối Thầy, Chúa đã hỏi Phêrô ba lần : “Con có yêu mến Thầy không ?”. Thánh Phêrô đã thưa lại : “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa đã trao quyền chăn dắt đàn chiên cho Phêrô : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15-17).
Dù mang thân phận yếu đuối và lỗi lầm, thánh Phêrô đã trung thành với Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho Chúa và cho đàn chiên của mình. Năm 65, dưới thời hoàng đế Neron, ngài đã bị đóng đinh trên thập giá, chết treo ngược đầu vì lòng tôn kính Chúa Kitô.
Thánh Phaolô, “chiến binh ngã ngựa”.
Ơn gọi và hành trình theo Chúa của thánh Phaolô cũng là một huyền nhiệm. Là một người Do Thái, chàng thanh niên Saolê đã được nuôi dưỡng và giáo dục để giữ vững lề luật cách nghiêm ngặt. Chàng Saolê chính là một “chiến binh thép”, trung thành và cuồng nhiệt bảo vệ truyền thống “đạo cũ”. Saolê đã không ngần ngại đi bắt bớ những ai theo “đạo Kitô”, giải về Giêrusalem để trừng trị.
Một lần kia, trên đường đi Damas để truy lùng các Kitô hữu, Saolê đã bị quật ngã xuống đường. Luồng ánh sáng chói lọi làm cho đôi mắt Saolê mù lòa. Trong phút chốc, Saolê chỉ còn là một “chiến binh ngã ngựa”. Sau đó, Saolê đã đứng dậy để trở thành Phaolô, vị tông đồ dân ngoại (CVTĐ 22, 3-21).
Sau lần “ngã ngựa” ấy, Saolê đã vươn mình dậy để trở thành một khí cụ sắc bén trong bàn tay của Chúa. Saolê đã đứng lên để trở thành vị tông đồ vĩ đại của dân ngoại. Saolê đã quay lưng lại với quá khứ lỗi lầm, để trở thành “chiến binh của Chúa Kitô”. Ngài đã rong ruổi khắp nơi, đã dốc hết sức lực rao giảng Tin Mừng, đã chịu biết bao gian truân, thử thách và bách hại. Thánh Phaolô đã chịu đựng tất cả, “miễn là Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1, 18).
Người chiến binh ấy “đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”. Người chiến binh ấy xứng đáng để lãnh nhận “triều thiên công chính” mà Thiên Chúa dành cho những người trung thành với Người (Bài đọc II, 2 Tim 4, 6-8. 17-18).
Triều thiên vinh quang được đội lên đầu thánh Phaolô vào chính lúc chiếc đầu ấy rơi xuống trên pháp trường tại Tre Fontane năm 67. Người chiến binh ấy lại một lần nữa ngã xuống, nhưng sau đó, ngài được vĩnh viễn cất nhắc lên cao trong vinh quang bất diệt.
Những giọt nước mắt của người tông đồ.
Tại đền thờ thánh Phêrô, bên cạnh phòng họp Mật Viện để bầu giáo hoàng, có một căn phòng nhỏ. Trong thời gian họp mật viện, tại căn phòng này, người ta treo chiếc áo choàng của vị tân giáo hoàng. Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, vị tân giáo hoàng sẽ vào căn phòng này để mặc chiếc áo và ra chào dân chúng. Căn phòng này được gọi là “căn phòng nước mắt”, vì các vị tân giáo hoàng thường khóc khi bước vào căn phòng đó. Các ngài khóc vì xúc động, cũng có thể vì run sợ trước một trách nhiệm lớn lao.
Thánh Phêrô đã khóc. Nhiều vị giáo hoàng đã khóc. Cuộc đời các vị tông đồ của Chúa luôn luôn chìm ngập trong nước mắt và máu. Các ngài đã khóc vì thân phận tội lỗi và yếu hèn. Các ngài đã khóc vì khổ đau và thử thách. Nhưng những giọt nước mắt không làm các ngài chùn bước và nhụt khí. Các ngài vẫn trung thành đi theo Chúa, dù có đổ máu đào để tuyên xưng danh Chúa.
Hôm nay, dù mang thân phận mỏng dòn, yếu đuối; dù phải trải qua những gian truân và đau khổ, chúng ta hãy luôn trung thành đi theo bước chân tông đồ của các ngài.
Trích Logos năm C