Trái tim là trung tâm điểm của sự sống con người. Trái tim đem giòng máu lưu chuyển đến toàn thân và luôn được coi là điểm hội tụ tình cảm con người. Trái tim là biểu tượng của tình yêu và sự sống.
Trái tim đi tìm trái tim
Chúa Giêsu cũng mang một trái tim con người, vì thế, trái tim ấy cũng từng thổn thức trước những nỗi đau khổ; đã từng hân hoan trước những nỗi vui mừng.
Chúa Giêsu muốn ôm toàn thể nhân loại vào lòng mình. Trái tim Ngài trở thành trung tâm tình yêu, là sự hiệp nhất cho mọi người. Trái tim Chúa không muốn đánh mất một người nào, dù là kẻ tội lỗi hư hỏng. Vì thế, trái tim của người Mục Tử Nhân Lành đã khắc khoải biết bao khi có một con chiên đi lạc. Người Mục Tử đã bỏ 99 con chiên trong hoang địa để đi tìm con chiên lạc. Đó là một bài toán kỳ lạ, một phương trình phi toán học : 99 = 1 mà chỉ trái tim mới có lời giải đáp.
Vì “Thiên Chúa là tình yêu” nên trong lòng Chúa Giêsu luôn mang một khát vọng yêu thương vô bờ bến dành cho con người. Trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu vẫn mãi thao thức cho đến khi tìm được chiên lạc. Lòng Người Mục Tử reo vui rộn rã khi tìm được chiên lạc, vác lên vai đưa về đàn và mời mọi người đến chung vui. Dụ ngôn người mục tử đi tìm chiên lạc là dụ ngôn tình yêu, dụ ngôn về “một trái tim đi tìm một trái tim”.
Một Trái Tim, Một Thân Thể
Trái tim còn là biểu tượng của sự sống. Vì thế, Chúa Giêsu cũng là Trái Tim của Nhiệm Thể Giáo Hội. Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống cho toàn Thân Thể Mầu Nhiệm là Giáo Hội. Như trái tim đem giòng máu đến cho toàn thân, Chúa Giêsu đem sự sống đến cho từng “mạch máu” trong Giáo Hội. “Trên thập giá, từ cạnh sườn bị đâm thủng, Ngài đã để máu và nước chảy ra hầu khơi nguồn các bí tích của Giáo Hội”. Trái tim Chúa là nguồn suối ơn sủng tuôn chảy dồi dào đến từng chi thể trong Giáo Hội. Vì thế, chúng ta không thể sống được nếu tách lìa khỏi tình thương Chúa.
Chúa Giêsu cũng còn là trái tim của Giáo Hội để hiệp nhất mọi người nên một. Như giòng máu luôn chảy về tim, mọi người trong Giáo Hội đều qui hướng về Chúa như “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để mọi người hoàn toàn nên một (Ga 17, 23). Vì thế, chúng ta chỉ thông hiệp với tình yêu Chúa khi chúng ta hiệp nhất với nhau và làm nên một Giáo Hội với “muôn ngàn trái tim trong một Trái Tim”.
Tình yêu lớn lao chỉ xuất phát từ một trái tim tan vỡ
Trong các loài hoa có một loài hoa đặc biệt : Hoa Tigôn. Có thi sĩ gọi là “Hoa Tim Vỡ”. Loài hoa này mọc thành dây leo mang những chùm hoa màu hồng nhạt. Mỗi bông hoa nhỏ mang hình trái tim vỡ. Hoa Tigôn tượng trưng cho “tình yêu trong đau khổ”.
Chúa Giêsu cũng đã yêu thương nhân loại bằng một tình yêu lớn lao, tình yêu của “người thí mạng vì bạn hữu”. Thánh Tâm Chúa đã từng khổ đau biết bao trước sự phản bội của chúng ta; đã từng đau buồn trước những tâm hồn chai đá; đã từng tan nát trước tội lỗi của nhân loại. Tuy thế, Thánh Tâm Chúa Giêsu luôn hướng về con người và tình yêu Ngài luôn phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Tình yêu Ngài lớn lao vì được minh chứng bằng sự hy sinh và cái chết cao cả, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Tình yêu Ngài xuất phát từ trái tim luôn muốn trao hiến tất cả, trao hiến đến giọt máu cuối cùng.
Trong ngày lễ Thánh Tâm Chúa, chúng ta hãy nguyện xin Chúa cho mỗi người hằng biết “tôn sùng Thánh Tâm Chúa và đền tội mình cho cân xứng”. Chúng ta cũng hãy xin Chúa ban cho chúng ta một trái tim mới, trái tim chỉ biết yêu thương và tha thứ, chỉ biết quảng đại mở ra để đón nhận mọi người.
Hôm nay cũng là ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục có một trái tim đủ lớn để chất chứa tình yêu thương, luôn biết cho đi đến nhịp đập cuối cùng.
Trích Logos C