XIN VÂNG
Trước đây có một bài hát khá nổi tiếng mang tên “Hoa Trinh Nữ”. Bài hát có nội dung như sau :
“Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai. Thấy cây hoa dại lẻ loi bên đường gọi (là) hoa Trinh Nữ. Hoa Trinh Nữ không mặn mà bằng nàng Hồng kiêu sa. Hoa không dám khoe màu cùng nàng Cúc vàng tươi, và không bán hương thơm như nàng Dạ Lý trong vườn…”
Bài hát kể lại chuyện tình yêu lãng mạn của một ông vua trẻ trên đường đi đánh giặc gặp một cô thôn nữ như đoá hoa Trinh Nữ bên đường. Vua đã đem nàng về hoàng cung cho làm hoàng hậu giàu sang phú quý.
Cô thôn nữ ấy được ví như hoa Trinh Nữ không hương sắc mặn mà kiêu sa, nhưng là loài hoa nhỏ bé khiêm tốn, loài hoa biết “xếp lá ngây thơ” duyên dáng.
Thật ra, hoa Trinh Nữ chính là “hoa Mắc Cở”, loài hoa dại thường mọc bên đường đi. Cành và thân cây có những gai nhọn và đặc biệt là khi chạm vào, lá cây sẽ xếp lại.
Hình ảnh và câu chuyện về hoa Trinh Nữ gợi lên hình ảnh khiêm nhường của Mẹ Maria trong mầu nhiệm Truyền Tin. Mẹ Maria cũng chính là “Hoa Trinh Nữ” luôn khiêm tốn trong cuộc đời “gai góc” và khổ đau được Thiên Chúa cất nhắc lên địa vị cao sang : trở thành Mẹ Thiên Chúa qua lời “xin vâng” của Mẹ.
Trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Vương Cung Thánh Đường Mexico ngày 26/01/1979, ngài đã nói : “Lời thưa “Fiat” – xin vâng của Mẹ Maria trong buổi Truyền Tin đã trở nên viên mãn trong tiếng “Fiat” – xin vâng âm thầm mà Mẹ lập lại dưới chân thập giá”.
Như thế, cả cuộc đời của Mẹ Maria là một lời xin vâng kéo dài và ngân vang mãi trong lòng muôn thế hệ. Nhưng lời xin vâng của Mẹ Maria in đậm nét trong hai biến cố :
Lời xin vâng trong biến cố truyền tin
Tin Mừng Thánh Luca thuật lại : Sứ thần Gabriel được sai đến báo tin vui cho Mẹ Maria : Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Quả thật, tin vui này quá bất ngờ, vượt quá sự suy nghĩ, hiểu biết và mong đợi nơi Mẹ Maria. Trước tin vui này, Mẹ Maria rất bối rối, xao xuyến và lo âu, nhưng sau khi được giải thích cho biết Mẹ sẽ thụ thai sinh hạ Chúa Giêsu là do quyền phép Chúa Thánh Thần. Mẹ Maria trong sự khiêm tốn và đầy tin tưởng phó thác thưa lời xin vâng : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”.
Lập tức, sau lời “xin vâng’ của Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Đức Mẹ. Tất cả đều diễn tiến cách âm thầm, khiêm tốn.
Sứ thần Chúa thường hiện ra với các nhân vật quan trọng trong những cảnh uy nghi lộng lẫy, như đền thờ, cung thánh,…Nhưng trong biến cố truyền tin, sứ thần Thiên Chúa đã đến với một thiếu nữ không được ai biết đến, ở Nazareth, một nơi nhỏ bé nghèo nàn, thậm chí bị khinh chê. Ngay cả tên Maria cũng nói lên sự khiêm tốn và âm thầm của Mẹ : trong nước Do thái, tên maria không có gì nổi bật và quan trọng. Trong Kinh Thánh nhắc đến nhiều người mang tên maria. Điều đó cho thấy: Thiên Chúa chọn sự hèn mọn, tầm thường để thực hiện những điều lớn lao vĩ đại.
Do đó, lời xin vâng của Mẹ Maria dù được thốt lên trong sự khiêm hạ, nhưng đã trở thành lời quyết định để kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện.
Lời “xin vâng” dưới chân thập giá
Tin Mừng Thánh Gioan (Jn 20, 25-27) thuật lại : trong cơn hấp hối trên cây thập giá, Chúa Giêsu nhìn thấy Mẹ Maria và Thánh Gioan. Ngài nói với Mẹ : “Thưa Bà, đây là con Bà” và nói với Thánh Gioan : “Này là Mẹ con”. Sau đó, Thánh Gioan đã đưa Mẹ Maria về nhà mình.
Tin Mừng không nhắc đến lời nào của Mẹ Maria và Thánh Gioan lúc ấy. Có lẽ vì sự đau khổ lớn lao đã làm cho Đức Mẹ và Thánh Gioan không thốt nên lời. Nhưng ngay lúc ấy, Đức Mẹ và Thánh Gioan đã âm thầm thưa lời : “xin vâng”. Đó cũng là một lời “xin vâng” trọng đại.
Mẹ Maria đã thưa “ xin vâng” để từ nay không phải là cưu mang Chúa nữa, nhưng cưu mang cả nhân loại, cả Hội Thánh, cả Tin Mừng vĩ đại trong lòng mình.
Mẹ Maria thưa lời “xin vâng” để không những là “Người Mẹ trên trời” mà còn trở nên “ Người Mẹ dưới đất”. Mẹ là Mẹ của Hội Thánh, là Mẹ của mỗi người chúng ta.
Thánh Gioan thưa lời “xin vâng” để đại diện cho nhân loại, cho Hội Thánh đón nhận Mẹ Maria là “Evà mới”. Hội Thánh đã cùng hòa chung lời “xin vâng” với Mẹ Maria để tiếp tục bước đi trên con đường đức tin cùng với Mẹ.
Có một quyển sách ở nước Nhật mang tựa đề : “Nước Nhật có thể nói không với thế giới”. Quyển sách đề cao nước Nhật là cường quốc kinh tế có thể nắm vận mạng thế giới trong tay. Người Nhật tự hào : với sự giàu mạnh về kinh tế, họ có quyền lực để chi phối tất cả và có thể “nói không” với mọi người. Quyển sách nói lên lòng kiêu hãnh của những con người sống với “chủ nghĩa duy kinh tế”.
Hôm nay, sống trong một xã hội người ta đề cao sức mạnh của tiền bạc và vật chất, có nhiều lúc chúng ta cũng “nói không” với Chúa trước những lời mời gọi yêu thương của Ngài. Chúng ta cũng đã từng “nói không” trước những thiếu thốn, những khổ đau của tha nhân. Có biết bao người mẹ đã “nói không” khi từ chối làm mẹ, không chăm sóc dạy dỗ con cái nên người, thậm chí đã giết con ngay trong bụng mình. Chúng ta cũng đã từng “nói không” trước Tin Mừng của Chúa, ngại ngùng lên đường đi “truyền tin” cho mọi người.
Vì thế, hôm nay chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria biết thưa lời xin vâng trong mọi biến cố cuộc sống. Chúng ta hãy biết thưa lời xin vâng trong âm thầm khiêm tốn và ngay cả trong những khổ đau của cuộc đời. Biết “truyền tin” và đem Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, nhất là trong Năm Thánh Truyền Giáo này.
Thánh Phaolô dạy chúng ta trong bài trích thư gửi tín hữu Do thái : Thiên Chúa không mong đợi của lễ toàn thiêu. Điều làm Thiên Chúa vui lòng nhất là thực thi ý Ngài. Thưa lời xin vâng trong cuộc sống là chúng ta thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Tiên tri Isaia đã loan báo Tin Mừng lớn nhất trong Cựu Ước : “Một Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Đây cũng là Tin Mừng lớn lao tiếp tục được “truyền tin” cho chúng ta, để mỗi người trở thành “người cưu mang Tin Mừng”, là người mang Đấng Emmanuel trong lòng và đem Ngài đến cho mọi người.
Trích Logos