Thứ Năm Tuần Thánh
Ga 13, 1-15
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TÌNH YÊU
Ngày 14 tháng 2 hằng năm được gọi là “Ngày lễ tình yêu” (Valentine), ngày dành cho các đôi tình nhân. Ngày hôm ấy người ta tôn vinh tình yêu và cầu chúc cho nhau đi trọn con đường tình.
Lễ Tiệc Ly cũng được gọi là “Lễ Tình Yêu”. Vì trong lễ này, chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, chức tư tế thừa tác và giới luật yêu thương. Lễ Tiệc Ly còn được gọi là “Lễ Tình Yêu” vì Chúa Giêsu đã thực hiện một cử chỉ hết sức yêu thương: Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.
Việc rửa chân cho các môn đệ được Chúa thực hiện trong bữa tiệc ly cũng có thể gọi là “bí tích của tình yêu” vì đó là dấu chỉ của tình yêu. “Bí Tích “ này không ban ơn thánh hóa, nhưng tỏ hiện sự yêu thương cho mọi người, và là dấu hiệu để người ta nhận biết các môn đệ của Chúa. Qua việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa đã mở ra con đường tình yêu cho tất cả chúng ta. Đó cũng là con đường phục vụ để chúng ta cũng biết “rửa chân cho nhau”.
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 (Thư gửi tín hữu Côrintô) đã thuật lại trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể khi trao ban Mình và Máu Người như lương thực thần linh.
Bí tích Thánh Thể là con đường tình yêu. Qua con đường đó, Chúa đến với nhân loại để trao hiến chính mình và nhân loại đến với Chúa để được sống đời đời.
Cũng trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã lập chức tư tế khi Người nói với các môn đệ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúng ta được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu, đóng vai trò tư tế để bẻ tấm bánh đời mình phục vụ tha nhân.
Chức vụ tư tế cũng là con đường tình yêu. Qua con đường đó chúng ta đem Chúa đến cho mọi người và đem mọi người về cho Chúa.
Bữa tiệc ly cũng là “bữa ăn vượt qua” được nhắc đến trong bài trích sách Xuất Hành : Dân Do thái đã ăn bữa tiệc cuối cùng để lên đường đi vào cuộc xuất hành ra khỏi Ai cập.
Chúa Giêsu đã mở ra những nẻo đường tình yêu. Nhưng chỉ có ít người đi vào những nẻo đường ấy.
Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại sau bữa tiệc ly, Giuđa Iscariô đã ra đi “bấy giờ là đêm tối”. Thật ra, sau bữa ăn cuối cùng đó, tất cả mọi người đều ra đi để bước vào đêm tối. Nhưng mỗi người đi theo con đường riêng của mình.
Giuđa băng mình vào đêm tối để thực hiện kế hoạch bán Chúa. Giuđa bước vào đêm tối của lòng gian tham ích kỷ. Thay vì đi vào con đường tình yêu thì Giuđa lại chọn cho mình con đường tội ác, với một tâm hồn đầy bóng tối. Đoạn cuối của con đường ấy là tuyệt vọng và hư vong.
Thánh Phêrô cũng theo chân Chúa đi vào đêm tối mịt mùng. Từ Vườn Cây Dầu đến dinh thượng tế Caipha. Phêrô đã không vượt thoát được bóng đêm của sự sợ hãi nên đã chối Thầy ba lần. Nhưng khi gà gáy gọi bình minh, Phêrô đã tỉnh ngộ. Với lòng ăn năn sám hối, Phêrô đã can đảm bước vào con đường ánh sáng để làm lại cuộc đời.
Thánh Gioan, “môn đệ được Chúa yêu dấu” vì đã tựa đầu vào ngực Chúa, đã nghe được lời mời gọi yêu thương từ trái tim Chúa, đã theo chân Chúa đi vào đêm tối của hành trình khổ nạn. Thánh Gioan đã kiên vững đi theo con đường tình yêu dẫn đến chân thập giá.
Các môn đệ khác cũng đã bước vào đêm tối nhưng chọn cho mình con đường trốn chạy. Các ông không vượt qua được bóng đêm của sự ích kỷ và hèn nhát. Những đôi chân được Chúa rửa bằng tình yêu lại không dám bước theo Chúa. Những đôi chân được Chúa nâng niu nay lại rời xa Người.
Chúa Giêsu cũng đi vào đêm tối. Con đường dẫn đến Vườn Cây Dầu sao mà xa thẳm mịt mờ. Chúa đi vào bóng tối của cô đơn trống vắng. Chúa đi vào đêm dài của cơn cám dỗ bỏ cuộc, của những đau đớn giằng xé, của một tâm hồn tan nát khổ sầu.
Dù vậy, Chúa vẫn đứng dậy từ những dằn vặt vò xé tâm can. Người can đảm “vượt qua” bóng tối của sợ hãi nhát đảm để đi vào con đường sáng, con đường thực thi ý Chúa Cha : “Lạy Cha nếu có thể xin cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Chúa đi vào con đường tự hiến chính mình.
Chúa đi vào con đường chết để mở con đường sống. Chúa đi vào con đường của những oán ghét thù hận để mở ra con đường tình yêu cho mọi người.
Hôm nay, bước vào Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta cũng được mời gọi để từ con đường đầy bóng tối của ích kỷ, tham lam, nhát đảm, bước vào con đường mới, con đường tình yêu. Chúng ta hãy “vượt qua” đêm đen của tội lỗi để bước vào ánh sáng và hy vọng phục sinh.
Tại một giáo xứ kia, sau Thánh lễ Tiệc Ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh, có người phụ nữ đến gặp cha xứ tại phòng áo và nói : “Thưa cha, lúc cha rửa chân cho các tông đồ, thật sự con đã nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giêsu ở nơi cha”. Vị linh mục trả lời : “Còn tôi lại nghĩ hôm nay tôi đã rửa chân cho chính Chúa Giêsu”.
Chúng ta hãy biết nhận ra Chúa ở nơi tha nhân để sẵn sàng phục vụ trong tinh thần khiêm tốn như bài học Chúa dạy : “Các con hãy rửa chân cho nhau”. Đó chính là con đường đẹp nhất Chúa đã đi qua và mời gọi chúng ta bước vào.
Trích Logos