Cách Dùng Tiền Của Hữu Ích Nhất
Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên là người thân tín sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi:
– Ngài có muốn mua gì mang về không?
– Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua. Mạnh Thường Quân trả lời.
Đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho mời các con nợ tới và bảo: “Các ngươi công nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều tha hết.” Rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem văn tự ra xé nát và đốt sạch.
Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân:
– Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa, tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho ngài rồi, chắc hẳn sẽ đẹp ý ngài.
Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan về ở đất Tiết, dân chúng nhớ ơn xưa ra đón đầy đường. Mạnh Thường Quân quay lại bảo Phùng Nguyên:
– Đó hẳn là cái ơn, cái nghĩa ông đã mua cho tôi ngày trước.
Ông Phùng Nguyên đã dùng tiền của mà mua sắm cái ân cái đức cho chủ của mình, xem ra tiền bạc không chỉ mua được: cơm ăn, áo mặc, nhà cửa…, mà còn nhiều thứ không thuộc phạm vi vật chất.
Có tiền có của, sẽ mua được những thứ chúng ta cần và muốn “Có tiền mua tiên cũng được”. Tiền của cũng là cơ hội để được nên giàu có hơn, vì tiền đẻ ra tiền mà! Thế nên, có người đã sẵn sàng làm những việc thất nhân ác đức, miễn sao được giàu có.
Trong xã hội hôm nay, người ta nói nhiều đến: hàng hóa kém chất lượng, hàng dổm, hàng giả, cân đong đo đếm thiếu và gian lận với đủ mọi hình thức. Nhiều năm trước, dân Iraen dù tin và nghe biết giới luật của Giavê Thiên Chúa về công bằng và yêu thương, nhưng vì lợi nhuận, có những người đã giảm lường đong, làm cân giả và tăng giá bán khi có cơ hội, họ còn bán lúa đã mục nát cho anh chị em mình; nhẫn tâm hơn, họ mua những người kém may mắn với giá bằng đôi dép như Ngôn Sứ Amos viết: “Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát.”
Vì lợi lộc của bản thân, người quản lý được nói trong Tin Mừng hôm nay đã phung phí tài sản của chủ mình. Chẳng những thế, khi biết sắp bị đuổi việc, anh còn tận dụng cơ hội cuối cùng để được lợi cho bản thân bằng cách tự ý giảm khoản vay cho các con nợ của ông chủ, với hy vọng họ sẽ đền ơn cho anh sau này. Hành động như thế là anh đã bán lương tâm và đánh đổi sự ngay chính để được cái lợi mau qua chóng hết.
Tiền của ai cũng cần vì nó đáp ứng nhiều điều chúng ta mong muốn, nhưng thực tế ai cũng nhận ra là của cải không thỏa mãn được mọi khát vọng của con người trong cuộc sống như: hạnh phúc, niềm vui, sự sống, vì: “sự sống hơn đống vàng”. Chúng ta cũng không thể mang chúng sang được thế giới bên kia. Vậy phải sử dụng của cải như thế nào cho hữu ích nhất?
Với những người ngay chính, họ luôn nỗ lực tạo ra của cải bằng khối óc, đôi tay và sự lao nhọc; cả trong lúc gặp cảnh nghèo túng, họ cũng không để tiền bạc làm mất lương tri và làm mờ đôi mắt, vì cuộc sống dẫu có thế nào cũng phải: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Đức tin còn dạy chúng ta, của cải một đàng là kết quả của lao động cần mẫn và sáng tạo, nhưng trên hết còn là ân huệ Chúa ban. Đã là ân huệ thì chúng ta phải biết trao tặng lại cho những người túng thiếu và kém may mắn hơn. Khi chia sẻ với tha nhân chúng ta sẽ làm cho mình trở nên giàu có hơn gấp nhiều lần. Về vấn đề này, Đức Giêsu đã dạy chúng ta: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.” Đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu dạy cách dùng của cải để mua lấy hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta nhắc lại với nhau vài trường hợp nữa để thấy rõ hơn giáo huấn của Người về vấn đề này.
Với các môn đệ, có lần Người đã nói: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt không đục phá.”
Với người thanh niên giàu có muốn nên trọn lành, Người bảo: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”
Tiền bạc, của cải vốn nay còn mai mất, nhưng với người biết sống tinh thần của Tin Mừng, họ đã dùng những thứ mau qua chóng hết ấy để có được nhiều bạn hữu và cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu. Ngược lại, với những người gian tham hoặc giàu có mà không biết chia sẻ với tha nhân, họ tự làm cho mình trở thành kẻ bất trung như Đức Giêsu nói: “Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ trao phó của chân thật cho các con?” Và họ biến mình thành những kẻ dại dột khi chỉ lo đi tìm sự phù phiếm như tác giả sách Gương Phúc viết: “Không gì phù phiếm bằng tích góp cho nhiều của mau qua và để hết lòng trí vào đó”.
Bao lâu còn sống, mỗi người còn phải làm việc để tạo ra của cải, nhờ đó chúng ta có thể sống xứng đáng với phẩm giá của mình, đồng thời góp phần xây dựng xã hội và có điều kiện để giúp đỡ tha nhân một cách thiết thực.
Khi dùng những gì mình có mà chia sẻ với người nghèo khó và phục vụ công ích, là lúc chúng ta đang dùng tiền của cách hữu ích nhất, vì chính Đức Giêsu đã quả quyết: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.” Nhiều vị thánh đã sống cách triệt để lời dạy này của Đức Giêsu. Với thánh Phanxicô khó nghèo, từ cảm nghiệm của bản thân, ngài đã bày tỏ niểm xác tín : “Chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh”.
Lm. Mt