Chúa nhật I Mùa Vọng Năm B
“HÃY TỈNH THỨC”
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
***
Hôm nay bắt đầu đổi mùa: Mùa Vọng
1. Vọng là gì?
Người ta vẫn thường nói: Hy vọng, thất vọng.
Mong chờ một Tin Vui sẽ có: Hy vọng.
Mong chờ một tin vui nhưng không bao giờ có: Thất vọng.
Vua Fédéric nước Đức xưa tính mỗi năm chim sẻ sẽ ăn hết 2.000.000 thùng lúa. Ông cho mở chiến dịch bài trừ chim sẻ – Toàn dân hưởng ứng: mỗi đầu chim sẻ là một phần thưởng. Ông hy vọng một vụ mùa bội thu. Nhưng rồi ông thất vọng vì lúc lúa mới trổ bông thì từng đoàn, từng đoàn sâu bọ khổng lồ bò ra ăn sạch những cây lúa mới trổ bông trên quê hương đất nước của ông. Ông hối hận: “Giá những con chim sẻ kia không bị tiêu diệt thì chúng sẽ giúp ông thanh toán những đàn sâu bọ này… Nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi. Thế là hy vọng biến thành thất vọng.
Ngược lại trong Tin Mừng… Người mù ăn xin ở vệ đường… Khi nghe tin Chúa đi qua… Anh mong gặp được Chúa với hy vọng Chúa sẽ chữa cho anh. Anh đã gặp được Chúa và Ngài đã cho anh được sáng mắt. Hy vọng của anh đã biến thành sự thật…
2. Khi lập ra Mùa Vọng Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều gì?
Giáo Hội muốn nói tới một tin vui: Tin Vui ấy chính Chúa cũng đã nói trước. Đó là ngày Chúa trở lại trong vinh quang.
Vọng là mong chờ cái Ngày Vinh quang đó của Chúa.
Thánh Cyrillô thành Giêrusalem cắt nghĩa vấn đề này như sau: “Những gì liên hệ tới Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thường diễn ra hai lần. Hai lần Người sinh ra: một lần bởi Thiên Chúa từ trước muôn đời; một lần bởi đức Trinh nữ vào lúc thời gian viên mãn.
Hai lần Người xuống thế: lần thứ nhất thì lặng lẽ như hạt mưa rơi xuống lông chiên; Còn lần thứ hai, chắc chắn sẽ xẩy ra trong tương lai thì oai hùng rực rỡ.
Lần giáng lâm thứ nhất, Người được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ; lần thứ hai người khoác cẩm bào là muôn ánh hào quang.
Lần thứ nhất. Người vác Thập Giá chẳng nề nhuốc hổ; còn lần thứ hai, Người chiến thắng khải hoàn có thiên thần hộ tống.
Vậy chúng ta đừng dừng lại ở lần giáng lâm thứ nhất mà phải đợi chờ lần giáng lâm thứ hai. Lần thứ nhất chúng la đã tung hô Người: Chúc tụng đấng ngự đến nhân danh Chúa thì chúng ta sẽ lập lại y như thế trong lần thứ hai. Lúc đó chúng ta sẽ cùng với các thiên thần ra nghênh đón Chúa mà thờ lạy và tung hô: Chúc tụng đấng ngự đến nhân danh đức Chúa”
3. Như vậy Mùa Vọng là mùa giúp ta nhìn về tương lai… Tương lai huy hoàng của Chúa Giêsu Chúa chúng ta.
Một thắc mắc có thể đặt ra ở đây? Mùa Vọng có ăn nhằm gì với việc mừng lễ Giáng Sinh hay không? Và việc mừng lễ Giáng sinh sẽ đem lại những ích lợi cụ thể nào?
Vâng! Mùa Vọng nào cũng được kết thúc bằng lễ Giáng Sinh. Giáo Hội đặt ra Mùa Vọng trước lễ Giáng Sinh không đơn thuần chỉ là nhắc lại một việc của quá khứ. Vâng! Không phải đơn giản như vậy. Không phải nhắc lại một quá khứ như một kỷ niệm nhưng như một biến cố, biến cố cống hiến cho chúng ta một kinh nghiệm sống và một hướng đi giúp chúng ta chuẩn bị ngày Chúa Kitô lại đến để hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài một cách tốt đẹp hơn. Như vậy mỗi lần chúng ta mừng lễ Giáng sinh là mỗi lần chúng ta có kinh nghiệm thêm về việc gặp Chúa trong cuộc sống hôm nay để tiến dần đến việc chiếm hữu được Chúa trong vinh quang của Người. Và đó là ý nghĩa chính của Mùa Vọng
4. Vậy thì chúng ta phải sống tâm tình Mùa Vọng như thế nào?
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa đã chỉ dẫn cho chúng ta. Chúa bảo chúng ta:“Hãy tỉnh thức.” (Mc 13,37)
* Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ.
Lý do vì Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ mà đời sống của chúng ta lại thường có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Chúa.
Có những bóng đêm của tôi lỗi. Chúng giam cầm hồn ta trong những giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra.
Có những bóng đêm của danh vọng ru hoàn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân.
Có những bóng đêm của xác thịt cuốn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra.
Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm.
Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.
* Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định.
Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã. Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến.
Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng. Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác. Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc. Người lẫn vào giữa đám đông vô danh. Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội. Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi. Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Phải tỉnh thức lắm mới gặp được Người.
* Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chở đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động.
Chúa như ông chủ đi vắng. Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.
Ngày kia có một khách du lịch dừng chân trước một biệt thự rất sang trọng cạnh một hồ nước trong xanh ở Thuỵ Sĩ, nhưng không phải trên con đường mà khách vãng cảnh thường qua lại. Khách du lịch gõ vào hàng rào sắt, tức thì một cụ già coi vườn ra mở cái cổng nặng nề vẫn đóng chặt. Sung sướng vì được thấy một người khách, cụ dẫn ông tham quan cả một khu vườn rộng lớn. Người khách hỏi:
– Cụ ở đây bao lâu rồi ?
– Thưa ông, tôi ở đây đã được hai mươi bốn năm.
– Chủ của cụ ít khi ngủ lại biệt thự này, có phải không? Cụ đã trông thấy ông ta mấy lần rồi ?
– Tôi đã trông thấy ông ấy bốn lần. Lần cuối cùng cách đây đã mười hai năm.
– Ông có viết thư cho cụ chăng ?
– Chẳng bao giờ.
– Thế ai trả công cho cụ ?
– Người quản gia của ông.
– Thế người quản gia này có năng đến đây không ?
– Tôi chưa hề thấy mặt ông. Ông ấy luôn liên lạc với tôi qua thư từ.
– Thế thì ai hưởng sự đẹp đẽ này ?
– Trừ vợ tôi và tôi thì không ai hưởng hết.
– Cụ à, tôi có cảm giác như là cụ coi sóc vườn này, sân hoa này, bãi cỏ này cách chu đáo, như là ngày mai ông chủ cụ sẽ đến vậy!.
– Ồ! Thưa ông, tôi phải làm như chủ tôi phải đến ngày hôm nay, vâng thưa ông, ngày hôm nay.
Vâng chúng ta hãy sống như là chủ – Chúa của chúng ta – đến với chúng ta ngay trong ngày hôm nay. Nếu chúng ta tỉnh thức như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải ngỡ ngàng và phần thưởng cho một người tỉnh thức sẽ nằm trong tay chúng ta.