CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
Y PHỤC TIỆC CƯỚI– Suy niệm của Noel Quession. 6
TIỆC THỜI CÁNH CHUNG (*)- Suy niệm Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông 14
DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI HOÀNG GIA- Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long 24
TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI- Lm Giuse Đinh lập Liễm.. 39
CHÚA MỜI CHÚNG TA DỰ TIỆC CƯỚI- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 51
MẶC ÁO CƯỚI– ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt. 60
HÃY NGHIÊM CHỈNH THAM DỰ TỆC CƯỚI CỦA HOÀNG TỬ- Lm. Phêrô Lê Văn Chính 63
MẶC LẤY CHÚA KITÔ– Lm. Inhaxiô Trần Ngà. 69
Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An. 73
CỬA TRỜI RỘNG MỞ – Lm. Giuse Đinh Tất Quý. 80
DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI- Trích Logos A.. 86
CỬA NƯỚC TRỜI LUÔN MỞ NHU7G Y PHỤC PHẢI XỨNG HỢP- Lm Antôn Nguyễn Văn Độ 92
TIỆC CƯỚI, ÁO CƯỚI- Radio Veritas Asia. 97
CẦN CÓ Y PHỤC XỨNG HỢP – Jos, Vinc. Ngọc Biển, SSP.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.
Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Đây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài (c. 6cd).
1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
BÀI ĐỌC II: Pl 4, 12-14. 19-20
“Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen! Đó là lời Chúa.
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 22, 1-10 (hoặc 1-14)
“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”. Đó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
Y PHỤC TIỆC CƯỚI– Suy niệm của Noel Quession
Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…
Tin Mừng không bao giờ cho chúng ta những định nghĩa to tát trừu tượng về Thiên Chúa, về thiên đàng, về Giáo hội. Không? Tin Mừng đúng ra là một là một cuốn sách cao cả bằng nhiều hình ảnh. Khi nhìn sự thành công về mặt truyền hình của các đám với hoàng gia thì hình ảnh mà Đức Giêsu sử dụng trong thời đại ấy xem ra còn mới… dù hình ảnh ấy có tính chất Phương Đông rõ nét.
Như thế, Đức Giêsu trình bày với chúng ta một Thiên Chúa làm đám cưới cho con trai mình: đây là câu chuyện đẹp nhất trần gian, câu chuyện tình yêu đẹp nhất! Rõ ràng là câu chuyện liên quan đến Người. Đức Giêsu là người yêu. Người đã cưới một hôn thê mà Người yêu say đắm: hôn thê đó là nhân loại. Hình ảnh hôn lễ này như “một sợi chỉ vàng” xuyến suốt toàn bộ Kinh Thánh: Hôsê 1 đến 3; I-sai-a 54,4-8 – 61,10 – 62,4-5; Giê-rê-mi-a 2,2 – 31,3; ê-đê-ki-en 16; Thánh vịnh 45,7-8,Diễm Ca, toàn bộ; Mác-cô 2, 19; Gioan 3;29; Mát-thêu 2 5, 1 -1 3 – 9, 1 5; Ê-phê-sô 5,25; 2 Cô-rin-tô 19,29 – 21,2-9′ – 22,17; Khải Huyền 20,9 – 21,2-9 v.v…). Vâng, từ đầu này đến đầu kia của mạc khải, những quan hệ của Thiên Chúa với nhân loại là một “Giao ước” một “Lễ cưới”. Điều đó sẽ thay đổi gì cho tôn giáo của tôi nếu như thay vì chỉ quan niệm tôn giáo ấy như những chân lý phải tin và những quy tắc về đạo đức phải tuân thủ, tôi đi đến chỗ quan niệm tôn giáo của tôi thật sự là “một câu chuyện tình yêu?
Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới…
Thiên Chúa mơ đến một bữa tiệc hoàn vũ cho nhân loại một bữa tiệc thật sự “vương giả”… một lễ hội! Bạn hãy thử hỏi bất cứ đứa trẻ nào để biết những trường hợp làm chúng rất sung sướng. “Đó là khi có nhiều khách mời đến nhà? “. Bữa ăn ngày lễ hội hoàn toàn là một biể u tượng của niềm vui được chia sẻ. Và ngày hôm nay vẫn thế, bữa tiệc cưới thường quy tụ nhiều khách khứa vui vẻ nhất: Món ăn chọn lọc, rượu ngon, tiếng nhạc lời ca, y phục lễ hội, khiêu vũ… Đến ngày lễ hội, bàn ăn đã sẵn sàng, Thiên Chúa cũng quy tụ các khách mời của Người. Nhưng khách được mời sắp làm gì?
Nhưng họ không chịu đến.
Ông vua tội nghiệp và thất vọng biết bao! Có gì mà chán nản.
Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rãi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!”.
Như trong dụ ngôn “những tá điền sát nhân”, nhưng sự từ chối của nhân loại dường như không làm Thiên Chúa ngạc nhiên. Không chán nản, Người sai những đầy tớ khác đi để một lần nữa mời họ. Đây không phải là một câu chuyện cũ trong quá khứ. Hiện nay vẫn luôn luôn có những lời mời gọi. Trước tiên đây không phải là lời mời gọi của những người khác. Thiên Chúa đã gợi cho tôi một “thẻ” vào cửa. Tôi có nhận thức tôi đang được chờ đợi và có một chỗ đành cho tôi ở bàn ăn không? Thật vậy, tôi phải dùng thời gian để mỗi buổi tối tự hỏi về những lời mời gọi mà Thiên Chúa đã không ngừng gọi đến tôi suốt một ngày. Và mỗi Chúa nhật, hãy dùng thời gian để tự hỏi tôi đã bỏ lỡ những lời mời gọi nào của Thiên Chúa trong tuần.
Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.
Như trong “mùa hái nho đẫm máu” của Chúa nhật vừa qua chúng ta như chìm ngập vào bi kịch. Tiệc cưới đẫm máu cũng là biểu tượng cho sự khước từ Thiên Chúa. Chúng ta chớ quên rằng Đức Giêsu kể lại câu chuyện này, có lẽ một ít ngày trước cuộc khổ nạn của Người… trong tuần lễ cuối cùng của Người. Cái chết của Người đã được các thủ lãnh ở Giêrusalem quyết định trong bóng tối. Nhưng, chúng ta biết rõ không chỉ liên quan đến những người đồng thời của Đức Giêsu. Chính tôi… chính thế giới hiện nay…đang từ chối lời mời của Thiên Chúa. Sự mô tả tâm trạng sâu kín của những khách được mời ấy có tính thời sự nóng bỏng. Đức Giêsu mô tả hai hạng người: 1. những người “thờ ơ” với một sự lãnh đạm hầu như tự nhiên không có vẻ gì quan tâm đến việc mình được mời, và một cách rất đơn giản họ để cho công việc của họ cuốn họ đi… 2. và đến những người.”phản bác” họ từ chối lời mời một cách có ý thức và tham gia dùng bạo lực giết hại các đầy tớ.
Như thế Đức Giêsu mô tả cho chúng ta tình trạng của thế giới hiện đại một cách chính xác. Chỉ cần đưa ra một vài ví dụ xác đáng của ngày hôm nay dưới những từ ngữ của ngày xưa… “Làm thế nào mà các ông muốn tôi đi lễ? Tôi chỉ có một ngày Chúa nhật để chơi bóng đá và quần vợt. Đó là ngày mà tôi sẽ di du lịch. Đó lâu ngày mà tôi sửa chữa máy móc trong nhà. Tôi đã nhảy đầm cả buổi tối thứ bảy, làm thế nào mà các ông muốn tôi đi lễ ngày Chúa nhật… Và rồi, tôi còn có bài tập phải làm và các kỳ thi phải ôn thi…”. Thế đấy chúng ta đều bị xã hội tiêu thụ và chủ nghĩa duy vật ở xung quanh khống chế. Và chúng ta đều có nguy cơ cho Thiên Chúa đứng ở chỗ cuối. Biết bao âm thanh khác lấp mất những ‘lời’ kêu gọi của Người. “Hãy đến dự tiệc cưới của Ta?”. Và chúng ta không hề nghe thấy!
Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng.
Lịch sử phương Đông cổ đại cung cấp cho chúng ta những giai thoại thuộc loại này. Nhưng một lần nữa, chúng ta biết mình đang ở trong thể loại dụ ngôn. Không nên tìm kiếm ý nghĩa chính xác cho mỗi chi tiết. Tuy nhiên, thành phố bị thiêu hủy làm chúng ta nghĩ đến một biến cố lịch sử chính xác đã lầm tổn thương những người Do Thái và những Kitô hữu của thế kỷ đầu tiên và đó là cơ hội để Hội Đường và Hội Thánh đoạn tuyệt nhau (Do Thái giáo và Kitô giáo tách rời nhau). Khi Mát-thêu viết câu chuyện này thì trong thực tế những đạo quân của Titus đã tàn phá thành Giêrusalem vào năm 70. Một số phận như thế đã có thể xảy đến cho thủ đô nổi tiếng của dân tộc ít-ra-en như thế nào? Những biến cố lịch sử có thể được giải thích theo nhiễu cách. Tuy nhiên, các ngôn sứ đã giải thích sự tàn phá của các thành phố lớn như một hình phạt của Thiên Chúa” (I-sai-a 5,26-29; Giê-rê-mi-a 5,15-17).
Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
Vậy đây là những khách mời mà người ta không chờ đợi và chính họ chấp nhận lời mời. Những người Do Thái, những người khách mới đầu tiền, vì thế sẽ nhường chỗ cho dân ngoại.
Nhưng một lần nữa, chúng ta phải cảnh giác với sự tự mãn về chủng tộc. Bởi vì đây cũng là vấn đề của chính chúng ta. Một cách chân thật, chúng ta có thể đáp “vâng” với những lời mời gọi mà Thiên Chúa lặp lại trong đời sống hàng ngày của chúng ta hay không?
Đức Giêsu đã báo trước cho chúng ta: Căn phòng tiệc cưới sẽ đầy cho dù các “ông lớn” không thèm đáp lại. Người sẽ làm đầy phòng tiệc với những người rách rưới, bị loại trừ, những người đầu đường xó chợ. Thánh Luca trong bài dụ ngôn song song xác định rõ thành phần: “Các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” sẽ thế chỗ cho những người được mời đầu tiên (Luca 14,21). Và Mát-thêu, trong một đoạn văn khác cũng đã nói với chúng ta điều dó: Những người thu thuế và những cô gái.điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”
Vậy các người đi ra các ngã động gặp ai cũng mời, tốt xấu gì cũng mời… “.
Chúng ta hãy để cho những lời khác thường ấy tra vấn chúng ta. Chúng ta có được tấm lòng cũng bao la như Thiên Chúa hay không? Chẳng phải chúng ta luôn luôn bị chủ nghĩa ưu tuyển cám dỗ sao? Chẳng phải chúng ta luôn luôn mơ đến một Giáo Hội của những người thanh khiết, những chiến sĩ, những người có đức tin hoàn toàn sáng suốt sao? Chẳng phải chúng ta coi nhẹ những thực hành của “tôn giáo bình dân sao?”.
Còn Thiên Chúa, Người mời gọi mọi người, không phân biệt, đủ mọi thành phần. Người lại còn ưu ái đến những người nghèo, những người ở bên lề, những người bị bỏ rơi vì thiếu thốn, những người nghèo khổ.
Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”. Người ấy câm miệng không nói được gì.
Lòng nhân từ của Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người xấu và tốt, không vì thế mà buông xuôi thành nhu nhược Biểu tượng về y phục thường gặp trong Kinh Thánh. Ơn cứu chuộc không bao giờ tự động có được: phải “đáp ứng” lời mời gọi của Thiên Chúa bằng sự biến đổi chính mình Phải “mặc lấy con người mới” (Ga-‘lét 3,27; E-phê-sô 4,24; Cô-lô-xê 3,10).
Bấy giờ nhà vua bảo những người phục dịch: Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng?”
Hình phạt to lớn này và những từ ngữ khuôn sáo (Mt 8,12; 13,42; 24,51; 25,30) dùng để mô tả sự xét xử ấy làm nổi bật tính chất hoàn toàn tượng trưng của “Y phục lễ cưới”, của chiếc áo dài hôn lễ! Đi vào trong phòng tiệc cưới một lần rồi thôi chưa đủ. Tiếp nhận Lời Chúa không phải để sau cùng cất Lời ấy vào chỗ an toàn.
Những người đã thay thế cho những khách mời đầu tiên cũng thế, không Phải là những người có quyền ưu tiên: nếu họ tỏ ra bất xứng với tiệc cưới của Thiên Chúa, họ sẽ bị ném “ra ngoài”. Lời cảnh báo ấy rất nghiêm trọng? Nó cáo giác sự an toàn dễ dãi của chúng ta? Người tín hữu được nhắc nhở đến trách nhiệm của mình.
Lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô cùng. Nhưng người ta không thể coi thường sự thánh thiện của Người. Khi chúng ta được linh mục “mời gọi” đến hiệp lễ trong thánh lễ chúng ta nghe Ngài đọc: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Thiên Chúa”. Và chúng ta chỉ có thể nói tiếng “vâng” nhưng trước hết phải nói rằng: “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con… nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
TIỆC THỜI CÁNH CHUNG (*)- Suy niệm Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Qua hình ảnh bàn tiệc, các ngôn sứ đã thử mô tả niềm vui tương lai của những người công chính trong thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc, đồng thời ơn cứu độ và muôn vàn thiên ân đa dạng vào thời Thiên Sai. Bàn tiệc thời Cánh Chung hay bàn tiệc thời Thiên Sai trộn lẫn với nhau ít nhiều trong cùng một biểu tượng.
Is 25: 6-9
Trong Bài Đọc I, được trích từ “sấm ngôn khải huyền của I-sai-a”, bàn tiệc mà Thiên Chúa thiết đãi muôn dân là bàn tiệc thời Cánh Chung cũng là bàn tiệc thời Thiên Sai. Đây là niềm hân hoan khôn tả của những người được tuyển chọn, vì mọi đau khổ và sự chết đều hoàn toàn biến mất trong Nước Trời.
Pl 4: 12-14, 19-20
Trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô bày tỏ tấm lòng tri ân đối với cộng đoàn Phi-líp-phê nầy. Trái với thông lệ vốn có của mình, thánh Phao-lô đã chấp nhận sự giúp đỡ vật chất của họ khi thánh nhân gặp phải sự khốn khó trong cảnh giam cầm.
Mt 22: 1-14
Tin Mừng thuật lại dụ ngôn tiệc cưới của hoàng tử được Đức Vua thiết đãi cho các vị quan khách thân hữu của mình. Tuy nhiên các vị quan khách lại từ chối, vì thế lời mời được gởi đến tất cả mọi người.
BÀI ĐỌC I (Is 25: 6-9)
Trong văn mạch của các chương 24-27, bản văn được trích dẫn là một phân đoạn đặc thù của sách I-sai-a, thuộc thể loại sấm ngôn khải huyền. Người ta nghi ngờ tác giả của phân đoạn nầy không phải là ngôn sứ I-sai-a, bởi vì văn phong và tư tưởng thuộc thời đại sau nầy. Viễn cảnh của đoạn văn này là thời Cánh Chung (25: 6-8) và thời Thiên Sai (25: 9). Hình ảnh bàn tiệc Thiên Chúa thiết đãi muôn dân diễn tả ơn cứu độ phổ quát và niềm hân hoan khôn tả của những người được tuyển chọn.
Viễn cảnh thời Cánh Chung:
“Ngày ấy, trên núi nầy,
Đức Chúa các đạo binh sẽ thiết tiệc đãi muôn dân một bữa tiệc” (Is 25: 6a)
“Trên núi nầy”, đó là ngọn đồi Si-on trên đó Đền Thờ được xây dựng. Theo ngôn ngữ khải huyền, “núi Si-on” chỉ thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc, nơi Thiên Chúa thiết tiệc đãi “muôn dân muôn nước”. Ơn gọi phổ quát của núi thánh đã được ngôn sứ I-sai-a loan báo, chính xác vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên:
“Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi.” (Is 2: 1-5).
Cũng chính vị ngôn sứ này nhắc lại:“Vì Đức Chúa các đạo binh hiển trị trên núi Si-on và tại Giê-ru-sa-lem” (Is 24: 23).
Vào thời hậu lưu đày, ngôn sứ Da-ca-ria cũng loan báo theo cùng một cách như thế: “Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh ở Giê-ru-sa-lem” (Dcr 8: 22). Thời cánh chung sẽ là giờ Đức Chúa hiển trị. Bữa tiệc cánh chung là bữa tiệc của Đức Vua. Đức Giê-su sẽ lấy lại chủ đề nầy trong dụ ngôn tiệc cưới của hoàng tử.
Chất lượng tuyệt hảo của thức ăn thức uống nhấn mạnh tấm thịnh tình của Thiên Chúa đối với các quan khách mời:
“Tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25: 6b).
Cho đến lúc đó, trong các hy lễ, “thịt béo” luôn luôn được dành riêng để dâng tiến Chúa (Lv 3: 3-5, 9-11, 14-15). Điều đó muốn nói lên rằng con người sẽ được dự phần vào những thiện hảo được dành riêng cho chỉ một mình Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh, rượu luôn luôn là dấu chỉ của niềm vui. Vào dịp nầy, đây là một niềm vui vĩnh viễn bởi vì:
“Trên núi nầy, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy” (Is 25: 7-8)
Sách Khải Huyền Gioan sẽ lấy lại viễn cảnh chứa chan hy vọng nầy: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21: 4).
Viễn cảnh thời Thiên Sai (25: 9)
Sấm ngôn hoàn tất với cuộc hội ngộ vượt quá niềm mong đợi:
“Ngày ấy, người ta sẽ nói: ‘Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trong đợi Người, và được Người thương cứu độ” (25: 9a) và một niềm hân hoan chưa bao giờ dám ước mơ:“Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào chúng ta hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ” (25: 9b).
Niềm vui viên mãn, sự no thỏa dư dật cũng sẽ là những dấu hiệu của thời Thiên Sai như tiệc cưới Ca-na hay phép lạ hóa bánh ra nhiều, cả hai đều là dấu chỉ của bàn tiệc thời Thiên Sai đích thật là bàn tiệc Thánh Thể: “Hãy cầm lấy mà ăn”.
BÀI ĐỌC II (Pl 4: 12-14, 19-20).
Với đoạn trích nầy, chúng ta kết thúc thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Phi-líp-phê. Xin nhắc lại rằng thánh Phao-lô viết bức thư nầy khi thánh nhân đang sống trong cảnh giam cầm ở Rô-ma hoặc ở Ê-phê-xô. Các tín hữu Phi-líp-phê đã giúp đỡ ngài, vả lại đây không là lần đầu tiên (Pl 4: 16). Quả thật, các tín hữu Phi-líp-phê là cộng đoàn độc nhất mà thánh nhân đã không từ chối sự giúp đỡ vật chất của họ. Thánh nhân luôn luôn bận lòng là không bao giờ để cho mình phải trở thành gánh nặng cho các cộng đoàn mà ngài loan báo Tin Mừng để không bao giờ làm hại đến sứ vụ của ngài. Để người ta có thể tin rằng lời loan báo Tin Mừng của ngài là vô vị lợi, thánh nhân đã không ngừng lặp đi lặp lại Tin Mừng mà ngài đem đến là một ân ban nhưng không. Với tư cách là “tôi tớ” của Đức Kitô, thánh nhân không mong chờ bất kỳ bổng lộc nào. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thánh nhân đã lao động bằng chính bàn tay của mình để chi cấp cho nhu cầu của mình: “Chúng tôi phải vất vả và tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu” (1Cr 4: 12). Khi từ chối sự giúp đỡ của các tín hữu, thánh Phao-lô muốn họ hiểu rằng ngài không muốn bị ràng buộc với bất cứ ai và quyết tâm gìn giữ sự tự do của mình để Tin Mừng mà ngài rao giảng không gây trở ngại cho bất kỳ ai, như ngài viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Chúng tôi chịu đựng tất cả mọi sự để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Đức Kitô” (1Cr 9: 12).
Tuy nhiên, do mối quan hệ thân tình và niềm tin tưởng gắn bó của thánh nhân với các tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô chấp nhận sự giúp đỡ của họ, vì biết rằng nghĩa cử của họ biểu lộ tấm lòng yêu mến chân thành đối với ngài. Thánh Phao-lô tế nhị cám ơn họ và xin họ đừng bận lòng thái quá đối với ngài, vì thánh nhân biết hài lòng trong mọi sự và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Ở đây, người ta có thể gặp lại cách nói tương tự dưới ngòi bút của các triết gia khắc kỷ như Ēpictète hay Sénèque. Nhưng trong khi các hiền triết xưa múc lấy nguồn bình an tự tại nơi chính mình, thánh Phao-lô đánh dấu sự khác biệt: thánh nhân múc lấy sức mạnh của mình chỉ từ Đức Kitô, Đấng đang sống trong thánh nhân.
Thánh Phao-lô bày tỏ tấm lòng biết ơn chân thành của ngài đối với các tín hữu Phi-líp-phê, bởi vì thánh nhân biết rất rõ cộng đoàn Phi-líp-phê không giàu có gì. Quả thật, trong bức thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô về việc lạc quyên giúp Giáo Hội Giê-ru-sa-lem, chúng ta đọc thấy những lời nầy khi thánh nhân nói về các tín hữu Phi-líp-phê: “Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ trở nên những người giàu lòng quảng đại. Họ tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa” (2Cr 8: 2-3). Dù không muốn nhận bất kỳ sự giúp đỡ của bất cứ ai, thánh Phao-lô biết rằng những quà tặng của các tín hữu Phi-líp-phê vượt quá con người của ngài. Chúng đẹp lòng Thiên Chúa. Đó thật sự là một sự giàu có tinh thần. Thánh nhân có thể nói với các tín hữu Phi-líp-phê: “Họ đầy công đức vì những việc lành và bố thí họ đã làm”, như thánh Lu-ca nói về bà Ta-bi-tha ở Gia-phô: “Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm” (Cv 9: 36). Vì thế, họ phải tôn vinh Thiên Chúa.
Trong phần cuối, trước tiên thánh nhân nói về “Thiên Chúa của tôi”, vì Thiên Chúa sẽ thay thánh nhân trả công bội hậu cho những người làm phúc cho thánh nhân; tiếp đó “Thiên Chúa là Cha chúng ta”, vì Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu sẽ săn sóc các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của thánh nhân.
TIN MỪNG (Mt 22: 1-14).
Dụ ngôn “tiệc cưới” hôm nay cùng với hai dụ ngôn đi trước: “hai người con” và “những tá điền gian ác”, hình thành nên một bức tranh bộ ba theo cùng một chủ đề: vì bất trung với sứ mạng của mình, dân được tuyển chọn sẽ được thay thế bởi lương dân. Tuy nhiên, có một sự tiến triển: Dụ ngôn “tiệc cưới” nhấn mạnh ơn cứu độ phổ quát. Dụ ngôn nầy chứa đựng hai bài học: “tiệc thời Thiên Sai” (22: 1-10) và “tiệc thời Cánh Chung” (22: 11-14), cả hai viễn cảnh nầy rất thường được đặt chồng chéo lên nhau (như trong trường hợp Bài Đọc I).
Tiệc thời Thiên Sai (22: 1-10)
Như trong sấm ngôn khải huyền của Bài Đọc I, hình ảnh bàn tiệc gợi ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài trong niềm vui cứu độ. Trong dụ ngôn, Đức Vua đại diện Thiên Chúa, Người Con đại diện Đấng Mê-si-a, và tiệc cưới biểu tượng giao ước mới, giao ước vĩnh viễn của Thiên Chúa với nhân loại. Nhưng các quan khách được mời không thèm đếm xỉa tới giao ước mới nầy, đó là dân Ít-ra-en, họ từ chối nhận ra Người Con là Đấng Mê-si-a. Vài khách mời còn đi xa hơn nữa, họ ngược đãi và sát hại các gia nhân của vua, tức là các ngôn sứ thời Cựu Ước và các tông đồ thời Tân Ước.
“Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”: Thái độ như thế được đặt vào trong bối cảnh Kinh Thánh: những án phạt của Đức Chúa, nhưng dường như ở đây là một trong những lời tiên báo trực tiếp của Đức Giê-su về biến cố đạo quân Rô-ma tàn phá Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sau Công Nguyên. Vài nhà chú giải thấy ở đây không là một lời tiên báo, nhưng lời nhắc nhở về một biến cố đã xảy ra. Tuy nhiên, trong câu chuyện đối chiếu của Lu-ca (14: 15-24), không có chi tiết nầy. Vì thế, người ta có thể nghĩ chi tiết nầy đã được thêm vào Tin Mừng Mát-thêu sau các biến cố nầy.
Các quan khách đã được mời nhưng không đến. Mỗi người đã theo đuổi lợi ích riêng của mình. Họ đã không đáp trả lời mời, từ chối dự phần vào vương quốc thiên sai, hình ảnh của Giáo Hội.
Thành phố bị thiêu hủy, tuy nhiên, tiệc cưới vẫn được tiến hành. Các quan khách từ chối lời mời được thay thế. Lời mời gọi được vang lên khắp các ngã đường: “Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai thì mời hết vào tiệc cưới”. Dụ ngôn nhấn mạnh tính nhưng không của lời mời gọi: Gia nhân liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại”. Như vậy, toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, được mời gọi thế chỗ dân Ít-ra-en bất trung.
Trong cùng một câu chuyện, thánh Lu-ca ghi nhận các đầy tớ ra các ngã đường đến hai lần (Lc 14: 21-24). Trong lần thứ nhất, các đầy tớ mời các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào tham dự tiệc cưới; trong lần thứ hai, tất cả những khách qua đường. Có lẽ thánh Lu-ca đã nghĩ trước hết đến những “người nghèo của Đức Chúa”, những người mà chính Đức Giê-su đã ưu ái đặc biệt; còn họ đã hoan hỉ tiếp đón Tin Mừng và dự phần vào niềm vui thời Thiên Sai, vì thế, họ không thể nào bị loại ra ngoài. Hạng người thứ hai là lương dân, đây là nét tinh tế của thánh Lu-ca khi đề cập đến hạng người nầy.
Tiệc thời Cánh Chung (22: 11-14)
Từ tiệc thời Thiên Sai, dụ ngôn chuyển sang tiệc thời Cánh Chung. Vả lại, dụ ngôn ngắn về một khách mời bị loại trừ có thể tự ban đầu đã là một dụ ngôn độc lập. Quả thật, có sự khác biệt đáng kể giữa phần trước và phần tiếp theo nầy. Trong bàn tiệc thời Thiên Sai, mọi người đều được mời tham dự, dù tốt hay xấu, công chính hay tội lỗi, dân Do thái hay dân ngoại. Thật ra, đó không phải là lời mời gọi của Đấng Thiên Sai đặc biệt gởi đến những người tội lỗi hay sao? Trái lại, trong bàn tiệc thời Cánh Chung, nghĩa là trong Nước Trời, người ta chỉ được phép dự tiệc khi mặc y phục của những người công chính. Đức Vua nói: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới?”. Trong Tin Mừng Mát-thêu, lời chất vấn nầy luôn luôn hàm chứa sắc thái khiển trách, như ông chủ vườn nho đáp lại lời kêu ca của người thợ làm vườn nho ngay từ sáng sớm: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn” (Mt 20: 13), hay Đức Giê-su nói với ông Giu-đa, kẻ dẫn người đến bắt Ngài: “Nầy bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi” (Mt 26: 50).
Ấy vậy, trong dụ ngôn này, làm thế nào có thể khiển trách người khách nầy không mặc y phục lễ cưới khi anh ta được mời cách bất ngờ từ ngoài đường vào phòng tiệc? Vài nhà chuyên môn giải thích rằng tại vài dân tộc Đông Phương, gia chủ đã tiên liệu vài y phục lễ cưới cho khách mời ở lối vào tiệc cưới. Tuy nhiên, một tập tục như vậy không được chứng thực ở Ít-ra-en. Vì thế, không nên quá coi trọng vài chi tiết nhỏ nhặt của dụ ngôn. Ý nghĩa thì rõ ràng. Người ta không được dự phần vào bàn tiệc Nước Trời nếu như đã không chu toàn những đòi hỏi sứ điệp Tin Mừng.
Câu cuối: “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” rõ ràng không ăn nhập với toàn bộ dụ ngôn trong đó có một số lượng lớn khách mời dự tiệc trong khi chỉ riêng một người bị loại. Đúng hơn lời cuối nầy có liên quan đến phần thứ nhất của dụ ngôn, theo đó có ít người dân Ít-ra-en, dân được tuyển chọn, được dự phần vào bàn tiệc thời Thiên Sai, trong khi so sánh với muôn dân muôn nước hân hoan tiếp đón Tin Mừng và gia nhập Giáo Hội.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- Năm A
DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI HOÀNG GIA- Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long
Ngữ cảnh
Cả ba dụ ngôn nối tiếp nhau – Hai người con (21,28-32), Những người thợ vườn nho (21,33-46) và Tiệc cưới hoàng gia (22,1-14) – đều được gửi đến cho các thượng tế và các kỳ mục của Dân (x. 21,23) và đều mang một sứ điệp rất giống nhau. Bằng các dụ ngôn này, với một lời khuyến cáo lặp đi lặp lại, nghiêm túc, mạnh mẽ, Đức Giêsu muốn làm cho họ mở mắt ra để hiểu tương quan của họ với Thiên Chúa. Các thượng tế và các kỳ mục không được chạy theo ảo tưởng nào, nhưng phải thấy rõ tương quan đó trước khi quá muộn và phải điều chỉnh bản thân cho kịp thời.
Thật ra các dụ ngôn và các lời khuyến cáo không phải chỉ được dành cho giới lãnh đạo Do Thái giáo, nhưng cũng được gửi đến cho thính giả mọi thời. Thiên Chúa không ép buộc; Ngài ngỏ với chúng ta và chờ đợi chúng ta tự do quyết định. Các người con được mời đi làm việc trong vườn nho của cha; những người thợ vườn nho được nhắc nhở giao nộp hoa lợi thuộc về ông chủ; những khách được mời được kêu gọi đến dự tiệc cưới. Không một ai bị bó buộc phải xử sự theo cách nào cả. Thiên Chúa kiên nhẫn và đại lượng ước muốn rằng lời mời của Ngài được đón nhận.
Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
-Mở (22,1);
-Dụ ngôn Tiệc cưới thất bại (22,2-7);
-Dụ ngôn Tiệc cưới thành công (22,8-13):
- a) Mời mọi người (cc. 8-10),
- b) Vấn đề áo cưới (cc. 11-13);
-Kết luận: Lời bình của Đức Giêsu (22,14).
Vài điểm chú giải:
– mở tiệc cưới cho con mình (1): Hình ảnh bữa tiệc thiên sai có lẽ được mượn từ Cựu Ước (Is 25,6; 55,1-3). Nó diễn tả tính nhưng-không của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban tặng cho Dân Ngài.
– nhưng họ không chịu đến (3): Dịch sát là “không muốn đến”. Mt dùng động từ “muốn” (thelô), là một động từ ngài ưa chuộng (x. 11,14; 16,24; 18,30; 19,17; 23,27b) để diễn tả một quyết định rõ ràng.
– Vậy các ngươi đi ra (9): Công thức mệnh lệnh poreuesthe (các ngươi hãy đi) oun (vậy) khiến chúng ta hướng tới công thức phân từ poreuthentes oun có giá trị như một mệnh lệnh ở Mt 28,19, khi Đức Giêsu sai phái các môn đệ đi đến với Dân ngoại (“muôn dân”).
– các ngả đường (9): Từ diexodos thuộc Bản LXX có nghĩa là điểm bắt đầu hay là điểm đến, phần xa nhất của một miền đất. Vậy dịch diexodoi tôn [h]odôn là “các ngả đường” dường như không chính xác. Đây là điểm mà từ đó con đường ([h]odos) bắt đầu hay kết thúc. Như thế các đầy tớ đi ra khỏi thành và tỏa ra khắp nơi cho đến tận biên cương của vương quốc.
– bất luận xấu tốt (10): Những người “xấu” này có thể là những người tội lỗi, một khi đã được kêu gọi nhưng-không, sẽ sửa mình khi đã vào trong Vương Quốc hoặc trong Hội Thánh; mà cũng có thể là những người xấu theo nghĩa tuyệt đối, sẽ bị loại trừ ngày nào đó khỏi Vương Quốc (hoặc khỏi Hội Thánh). Các câu 11-14 hiểu theo nghĩa thứ hai này.
– quan sát (11): Động từ theaomai có nghĩa là “nhìn xem; chiêm ngưỡng; quan sát”. Bên Đông phương, các nhân vật quan trọng không ngồi ăn chung với các khách mời, nhưng chỉ xuất hiện vào một lúc nào đó để chào cách quan khách. Phân đoạn gồm cc. 11-13 hẳn là một bản văn áp dụng cho đời sống Hội Thánh (trong khi cc. 1-10 áp dụng cho lịch sử dân Do Thái), nay được đưa vào đây để sửa chữa một lối giải thích quá tự do cc. 1-10. Quả thật, việc đi vào Hội Thánh là chuyện nhưng-không, nhưng cũng không được quên rằng đấy là Hội Thánh của Đức Vua! Đã nhận ơn, thì phải sống theo chiều hướng của ơn đã nhận.
– không có y phục lễ cưới (12): Vào thời Thượng Cổ, không có tập tục các khách mời phải mặc một bộ y phục riêng cho tiệc cưới; chỉ cần một bộ y phục sạch sẽ, trang trọng, là được. Do đó, công thức “y phục lễ cưới” khiến độc giả phải nghĩ đến nghĩa ẩn dụ. Cụm từ “y phục lễ cưới” (endyma gamou) này hẳn cũng là thực tại được dụ ngôn Những người thợ vườn nho nói đến, đó là các hoa trái của Vương Quốc, phải có trước khi ra trước tòa phán xét. Đây là “sự công chính” thường được TM Mt nói đến (ch. 5–7: 5,20; 6,33…). Xem thêm: Is 61,10; Ep 4,24; Gl 3,27; Kh 19,6-8; 7,9-17.
– kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít (14): Ngôn ngữ Híp-ri không có những hình thái đặc biệt cho các tính từ ở dạng so sánh (comparative: better; more) hay tối thượng cấp (superlative: best; most); do đó, người ta dùng cách kiểu nói quanh (paraphrases). Phải dựa vào ngữ cảnh thì mới xác định được nghĩa so sánh nằm ở dưới. Xem Mc 9,42; Mt 22,36; 26,24; Lc 10,42; 18,14…
Ý nghĩa của bản văn
* Mở (1)
Dụ ngôn này được ngỏ với những thính giả đã được nói đến (“họ” = “các thượng tế và người Pharisêu”, x. 21,45), những người phải gánh lấy tất cả trách nhiệm và tội lỗi, khi từ khước Đức Kitô.
Chính dụ ngôn gồm các câu 2-13. Câu 14 là một lời bình của người kể, tức Đức Giêsu. Sau lời giới thiệu ở c. 2, dụ ngôn được triển khai thành hai phân đoạn, cc. 3-7 và cc. 8-13. Mỗi phân đoạn bắt đầu bằng việc nhà vua sai các đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc cưới. Lần mời thứ nhất thất bại; lần mời thứ hai thành công. Tuy nhiên, mỗi lần đều kết thúc bằng một tai họa. Trong trường hợp thứ nhất, tai họa đổ xuống trên những người được mời; trong trường hợp thứ hai, tai hoạ chỉ đổ xuống trên một người khách.
Ta thấy dụ ngôn này và dụ ngôn trước có những điểm giống nhau. Một bên, đó là ông chủ nhà có một vườn nho, ở đây là một vị vua. Ông chủ nhà sai đầy tớ hai lần đến vườn nho để nhận hoa lợi; đức vua sai các đầy tớ hai lần đi mời khách tới dự tiệc. Trong cả hai trường hợp, các tôi tớ đều thất bại vì những người họ đến gặp tỏ ra xấu xa. Trong cả hai trường hợp, có liên quan đến một “người con [trai]”. Những điểm song song đó cho hiểu rằng hai câu chuyện nhắm đến một số nhân vật như nhau. Ông chủ vườn nho và đức vua chỉ là một, đó là Cha trên trời; người con trai chắc chắn là Đấng đã tự gọi mình là “Người Con” (11,27). Các tôi tớ chính là các ngôn sứ. Còn những người được mời chính là Dân bất trung của Thiên Chúa.
Trong dụ ngôn Tiệc cưới, nhân vật duy nhất hành động tích cực là nhà vua. Chỉ một mình ông nói, chứ không có đối thoại. Ngoại trừ cc. 5-6 và c. 10, truyện hệ tại các hành vi hoặc các lệnh truyền của nhà vua.
* Dụ ngôn Tiệc cưới thất bại (2-7)
Tuy nhiên, hai dụ ngôn cũng có những điểm khác nhau. Trong dụ ngôn Những người thợ vườn nho, vấn đề là một đòi hỏi về công bình; ở đây là một lời mời, một vinh dự diễn tả cho một ai đó. Một bên là ông chủ đòi hỏi điều thuộc về ông, bên kia là vị vua quảng đại, muốn mời tối đa người ta đến thông phần vào niềm vui của ngày cưới hoàng tử. Trong trường hợp sau này, thái độ thiếu quan tâm càng đáng trách hơn, vì ở đây không còn chuyện vi phạm một quyền, nhưng là một xúc phạm nặng nề đến danh dự. Đã thế, thái độ thiếu quan tâm còn trầm trọng đến mức trở thành sự căm thù chẳng hiểu vì sao. Ngay ở đây cũng có thể đặt lại câu hỏi của dụ ngôn trước: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” (21,40). Câu trả lời không còn phải là một đe dọa, nhưng là một hành động trừng phạt. Như thế, từ dụ ngôn kia sang dụ ngôn này, có một sự tiệm tiến.
Những “người đã được mời” (keklêmenous) là những người được báo tin về tiệc cưới đúng thời điểm. Đây là các bạn hữu, những người đang sống trong những tương quan thân tình với nhà vua. Việc nhà vua sai đầy tớ đến và mời thúc bách (c. 4) cho thấy cử chỉ tối hậu của lòng tốt của nhà vua, nhưng đã không được đáp lại. Thế mà nhà vua chỉ nhận được một sự từ khước dứt khoát (“không muốn đến”, c. 3). Các động lực thâm sâu là họ có những mối quan tâm thực tiễn, những của cải vật chất (chủ đề của Mt: x. 8,18-22; 19,21). Dưới ánh sáng của dụ ngôn trước, qua việc nhà vua sai các đầy tớ lần đầu (c. 3), độc giả có thể nghĩ đến các ngôn sứ trong Cựu Ước; qua lần sai phái thứ hai (cc. 4-6), họ có thể nghĩ đến các tông đồ và các nhà thừa sai (x. 21,34.36). Các độc giả cũng đã biết Israel thường xử tệ và giết các ngôn sứ (x. 23,34-35). Còn những khách được mời, thoạt tiên độc giả sẽ nghĩ đến các thượng tế và người Pharisêu, vì các dụ ngôn được nói cho họ. Tuy nhiên, không nhất thiết chỉ nghĩ tới giới lạnh đạo Do Thái, bởi vì các sứ giả của Đức Giêsu được cử đến với toàn thể Israel (x. 10,5-6.23).
Câu 6 có vẻ đột ngột: đi từ “kẻ thì … , người thì …” (hos men … hos de), ta không chờ đợi “còn những kẻ khác” (hoi de loipoi), nhất là một tội ác (giết các đầy tớ). Nhưng các độc giả đã quen với truyền thống Do Thái, thì hiểu rằng dụ ngôn đang nói về các thừa sai của họ, các vị này đã bị bách hại tại Israel (10,16-23) cũng như nói về các ngôn sứ Cựu Ước cũng đã bị bắt bớ trước rồi (5,12; 21,35-36). Nhưng c. 7 thì thật lạ, kể cả với các độc giả đã quen với truyền thống Do Thái. Không còn cỗ bàn, bò tơ, thú béo nữa. Nhà vua lên đường hành quân, chắc chắn đâu có thể làm một sớm một chiều. Dù sao, từ tư cách những người đầu tiên được ưu đãi, người Do Thái trở thành những đối thủ đầu tiên chống lại ơn cứu độ, và mục tiêu đầu tiên cơn giận Thiên Chúa nhắm tới. Họ bị đánh giá là “không xứng đáng” (c. 8) không phải vì họ có những thiếu sót hay sự ngu dốt nào tự nhiên, nhưng do họ từ khước.
Đức vua đã huy động quân lính đi “tru diệt bọn sát nhân và thiêu hủy thành phố của chúng” (c. 7). Các khách được mời nay được gọi đơn giản là “bọn sát nhân”. Tại sao sự việc lại trở nên gia trọng đến mức ấy? Dường như các khách được mời sống ngay trong thành phố nơi tổ chức lễ cưới. Các kẻ sát nhân chỉ là một vài người trong số khách được mời thôi. Chẳng lẽ mọi người khách mời khác đều đáng xử như những kẻ sát nhân? Đàng này, cả thành bị thiêu hủy, hẳn là với tất cả những người vô tội. Nếu muốn tiếp nối câu chuyện cho hợp lý, thì phải nói đến việc mời những người khác. Tất cả các thắc mắc này khiến ta phải nhìn nhận rằng cc. 6-7 là một câu lạc lõng. Rất có thể tác giả đang nghĩ đến cuộc tàn phá Giêrusalem đã xảy ra vào năm 70. Chỉ điều này mới giải thích được vì sao tác giả gán một tầm quan trọng đặc biệt cho chuyến hành quân trừng phạt và cuộc thiêu hủy thành phố. Và những kẻ sát nhân không phải chỉ là một vài người tạo cớ cho tác giả viết dụ ngôn, nhưng là tất cả các thợ làm vườn nho đã giết người con sau khi bàn bạc với nhau (21,38-39). Như thế ở đây tác giả Mt không chỉ làm chứng trung thành về các lời của Đức Giêsu đã được truyền đạt cho ngài, nhưng còn cung cấp cho chúng ta cách thức giải thích các lời này cho các thành viên của các cộng đoàn tiên khởi của Hội Thánh. Hai phương diện này được kết nối chặt chẽ với nhau. Chỉ lời được Hội Thánh phát xuất từ các tông đồ hiểu và giải thích đúng đắn mói có thể được coi như là Lời Chúa, được Chúa Thánh Thần linh hứng và buộc chúng ta tin nhận.
* Dụ ngôn Tiệc cưới thành công (8-13)
Phân đoạn này gồm hai truyện khác nhau được kết nối lỏng lẻo (cc. 8-10 và 11-13). Câu truyện có thể kết thúc ở c. 10. Chính cụm từ “xấu và tốt” ở c. 10 khiến độc giả nghĩ rằng câu truyện có thể còn tiếp.
Bây giờ các đầy tớ có nhiệm vụ ngỏ lời mời với những người khác, mà không chọn lựa. Họ có nhiệm vụ đưa tất cả những ai họ gặp trên đường khắp cùng bờ cõi vương quốc (diexodoi tôn [h]odôn) vào phòng tiệc. Tác giả Mt không nói là “người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” như Lc 14,21, vì hiểu chữ “tất cả” (“mời hết vào”) theo nghĩa khác: kẻ xấu người tốt đều được mời. Lần mời này thành công. Chẳng mấy chốc phòng tiệc đã đầy một khối người đa tạp. Sự đa tạp này không do khác nhau về y phục, về địa vị xã hội hay về những yếu tố bên ngoài. Đây là một sự khác biệt bên trong, chủ yếu, giữa “người xấu và người tốt” (c. 10). Chúng ta chỉ hiểu được tình trạng này nếu khởi đi từ thực tế tác giả đang nghĩ tới. Lời mời đã được ngỏ với dân Israel, nhưng họ đã không muốn đón nhận; thế là lời mời được gửi đến một dân mới, Dân ngoại. Đây không còn phải là một dân gồm những người trong sạch và các thánh, mà là một xã hội đa tạp gồm những người xấu và những người tốt. Ta gặp thấy có cả hai hạng người này trong Hội Thánh, như cỏ lùng giữa lúa tốt (13,28; x. dụ ngôn Chiếc lưới: 13,47-50). Dù sao, phòng tiệc cũng đã đầy vì mọi người được tự do đi vào. Thế nhưng đến đây, bài dụ ngôn vẫn chưa kết thúc “có hậu”. Bởi vì sẽ có một cuộc biện phân quyết định: lời mời không khẳng định là người ta sẽ thực sự được tham dự vào lễ cưới. Trước tiên phải có một cuộc phán xét: phải tách cỏ lùng khỏi lúa tốt. Đây chính là mục tiêu của phân đoạn thứ hai (cc. 11-13).
Đến đây khung cảnh vẫn là bữc tiệc, nhưng sự chú ý lại xoáy vào chiếc áo cưới. Ông chủ dường như không còn phải là vị vua trước đây nữa. Ông không đến để chiêu đãi một bữa tiệc linh đình nữa, mà đến để “quan sát” (theasasthai; x. 2 V 9,18) các khách dự tiệc. Ông đã thấy có một người không có “y phục lễ cưới” (endyma gamou). Nhà vua gọi anh ta là “này bạn” (hetairos), nhưng thái độ rất cứng rắn, không khoan nhượng. Dĩ nhiên người ta tự hỏi là làm thế nào người kia có thể có một cái áo cưới (và tất cả những người khác thì lại có sẵn áo cưới!) khi mà anh ta bị mời đột ngột giữa đường. Như thế là bất công trắng trợn! Chính điểm gây “sốc” này cho hiểu rằng đây không phải là vấn đề một cái áo theo nghĩa cụ thể. Chúng ta đã được chuẩn bị cho cách giải thích này bởi vì dụ ngôn đã ghi trước đó là trong phòng có kẻ xấu người tốt. Rõ ràng người không có áo cưới thuộc về hạng kẻ xấu. Cũng chính điểm này mới giúp hiểu cách đối xử người ấy sẽ phải chịu: không phải là đuổi ra ngoài, nhưng “quăng ra chỗ tối tăm” (x. 8,12; 25,30), nơi sẽ phải “khóc lóc nghiến răng” (x. 8,12; 13,42.50; 24,51; 25,30), tức là người ấy bị tiêu vong. Sự “câm miệng” của người khách này chứng tỏ lời trách của ông chủ là đúng. Người này, cũng như những người đầu tiên, đã không hề quan tâm đến vinh dự đã nhận; họ đã đến tiệc cưới với đầu óc tầm thường, thô thiển, không trân trọng, không biết ơn.
Bữa tiệc là hình ảnh Nước thiên sai; chiếc áo tượng trưng cho các tư thế căn bản để được vào và ở lại đó. Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ phải có một “sự công chính dồi dào hơn” (x. 5,20); đây chính là tinh thần mới người ta phải có để sống các tương quan với Thiên Chúa.
Nhận được lời mời không đương nhiên là được cứu độ vĩnh viễn. Con số những người được kêu gọi thì nhiều, điều này có nghĩa là nhiều người được để cho đi vào, không phân biệt, không điều kiện. Họ không cần phải giữ luật Môsê, họ không cần phải chịu cắt bì. Nhưng khả năng đi vào không có nghĩa là một bảo đảm; đi vào trong sự hiệp thông Hội Thánh không có nghĩa là được đi vào trong Nước Thiên Chúa và lúc tận thế. Phải phân biệt giữa niềm cậy trông đầy tín thác và phó thác với sự tự phụ, tự hào không cơ sở là mình có ơn cứu độ.
* Kết luận (14)
Câu kết luận này là một lời bình của Đức Giêsu. Câu này, “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”, thường được giải thích theo hai cách. Cách thứ nhất cho rằng “những người được chọn” đây là những người được nhận một ơn đặc biệt khiến họ có thể sống gần kề hơn với những sự thuộc về Thiên Chúa và có thể cậy dựa nhiều hơn vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa đối với họ. Dĩ nhiên con số này ít, còn đa số chỉ nhận được một ơn thông thường. Cách thứ hai, phổ biến hơn, giới hạn khẳng định của Đức Giêsu vào trường hợp những người Do Thái thời Người mà thôi: tất cả đều được gọi vào Nước Trời theo nghĩa là tin vào Người, nhưng tuyệt đại đa số đã từ khước đi vào Nước ấy khi loại trừ Đấng Mêsia.
Cả hai cách giải thích này đều có phần giá trị, nhưng không khớp với dụ ngôn. Cách thứ nhất giả thiết rằng người khách bất xứng đã bị quăng ra ngoài bởi vì đã lén đi vào một nhóm nhỏ gồm những người được ưu tuyển; nhưng bản văn nói rõ là người ấy bị loại bởi vì thiếu điều tối thiểu cần thiết cho sự đoan trang của bữa tiệc. Cách thứ hai cũng không thỏa đáng. Bởi vì người khách bị loại đã đi vào với nhóm thứ hai, nên người này là một người ngoại chứ không phải là một người Do Thái; thế nhưng lại chính vào lúc loại trừ người ấy mà Đức Giêsu mới công bố lời nói về nhóm nhỏ những người được chọn. Đàng khác, hiểu sát bản văn, chúng ta thấy câu này không phù hợp với các sự hiện: trên con số lớn các khách dự tiệc, chỉ có người bất xứng này bị loại trừ; làm sao có thể nói đến một số “ít” (nhỏ) những người được chọn?
Do đó, giải pháp đơn giản nhất nằm ở bình diện ngữ học (philologie): đây là hai công thức so sánh theo ngôn ngữ Sê-mít ở thể ngầm, mà ta có thể dịch ra như sau: “Những kẻ được gọi thì nhiều [hơn], nhưng những người được chọn thì ít hơn”. Hiểu như thế, chúng ta thấy phù hợp với ngữ cảnh: con số người được gọi thì rất đông, nhưng rồi có những người từ khước và có người bị loại trừ. Quả thật, nhiều người được gọi, nhưng những người được chọn thì ít hơn. Do đó, điều hết sức quan trọng là để ý mà thực hiện những điều kiện cần thiết để cho việc chúng ta được kêu gọi đưa chúng ta đến chỗ được chọn vĩnh viễn (x. Lc 13.22-24 trong chiều hướng này).
+ Kết luận
Tầm nhìn của bản văn có thay đổi: Từ chỗ minh họa lời rao giảng của Đức Giêsu, dụ ngôn đã trở thành một minh họa đời sống của Hội Thánh. Đã là những người được thừa hưởng những lời hứa của Thiên Chúa, người Do Thái cũng là những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng, từ phía Đức Giêsu cũng như từ phía các tông đồ. Vậy mà họ vẫn không tin: thái độ cứng tin này quả là một mầu nhiệm, nhưng cũng không làm hỏng được các kế hoạch của Chúa quan phòng. Vào lúc tác giả Tin Mừng viết, thì Hội Thánh đã quy tụ lại nơi bàn tiệc thứ hai rồi. Các tín hữu thuộc về Hội Thánh cũng như các khách dự tiệc phải luôn luôn trong y phục chỉnh tề vì bất cứ khi nào vị thẩm phán cũng có thể xuất hiện và loại họ khỏi phòng tiệc vĩnh viễn. Cũng như dân Do Thái đã bị loại bởi vì họ đã tỏ ra bất xứng khi từ chối lời mời, người Kitô hữu cũng có thể bị loại trừ mặc dù đã đón nhận lời mời.
Tuy nhiên, chính chúng ta phải thấy mình được Thiên Chúa kêu gọi và chờ đợi chúng ta tự do quyết định. Thiên Chúa vẫn cứ nhắc lại các lời kêu gọi và tiếp tục gửi đến các sứ giả của Ngài.
Gợi ý suy niệm
-Hoàn cảnh hiện tại có đặc điểm là Thiên Chúa kêu gọi qua trung gian các tôi tớ, sự tự do của con người và sự đại lượng của Thiên Chúa. Từ hoàn cảnh này, ta không được rút ra những hậu quả sai lạc. Ta không được cho rằng tiếng gọi của Thiên Chúa là một đề nghị không quan trọng, rằng chúng ta có thể tùy nghi đón nhận hoặc từ khước, rằng chúng ta có một tự do không giới hạn có thể không những chọn lựa mà còn xác định được các hậu quả của sự chọn lựa, rằng sự tự do của Thiên Chúa là dấu cho thấy Ngài yếu đuối và dửng dưng. Bây giờ Thiên Chúa là Đấng kêu gọi và mời mọc; con người là những người hành động, đáp trả với khả năng quyết định tự do. Nhưng đến cuối, Thiên Chúa sẽ là Đấng hành động và xác định vĩnh viễn. Ai từ chối làm việc trong vườn nho sẽ bị loại khỏi Nước Trời (x. 21,31). Ai không giao nộp các hoa lợi của vườn nho và xử tệ với các tôi tớ của ông chủ sẽ bị mất vườn nho và phải chịu một kết thúc thảm thương (21,41). Ai không đón nhận lời mời đến dự tiệc, sẽ bị loại trừ (22,8).
-Chúng ta có thể chọn lựa tự do, nhưng chúng ta không còn tự do nữa đối với các hậu quả của sự chọn lựa của chúng ta, bởi vì chúng ta không thể tự do xác định chúng, nhưng chúng thuộc về cách do Thiên Chúa xác định. Chúng ta có thể nói không với tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể đạt được sự thể hiện tốt đẹp cuộc sống chúng ta với tiếng không này. Cần phải ý thức như thế để không xử sự cách phi lý, khi không đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa.
-Bữa tiệc không chứa những yếu tố khiến có thể nghĩ đến tiệc Thánh Thể, nhưng chính hình ảnh vẫn có thể gợi ra những bữa tiệc agapê và các cuộc cử hành phượng tự thường xuyên trong Hội Thánh. “Các đầy tớ” (douloi) của dụ ngôn thứ nhất ở đây được gọi là “những người phục dịch” (diakonoi); từ ngữ diakonoi khiến ta nghĩ đến các thừa tác viên trong các cử hành phụng vụ. Áo cưới nêu bật tình trạng thánh thiện và ân sủng mà người ta phải có để được đến gần bàn tiệc của Chúa.
-Trong các dụ ngôn Cỏ lùng và Lưới cá (13,37-43.49-50), Đức Giêsu cũng đã nói rõ rằng Hội Thánh cũng là một phần của tập thể pha trộn là thế giới, “thửa ruộng” của Con Người. Như thế, các thành viên của Hội Thánh phải để ý đừng thuộc về “những kẻ xấu” đứng đó mà không có y phục lễ cưới. Chỉ có một người trong dụ ngôn bị cật vấn có nghĩa là từng người phải trả lẽ, chứ không thể cây dựa vào người khác.
-Vào ngày chúng ta được rửa tội, chúng ta đã được mặc một áo trắng, và vị chủ lễ đã chúc chúng ta giữ cho nó được tinh tuyền cho đến ngày Phán xét. Nếu chúng ta đã làm hoen ố bộ áo rửa tội này, chúng ta vẫn có thể đến trình diện trước tòa của lòng từ bi thương xót, đo là bí tích hòa giải. Tại đây Đức Giêsu lại giặt sạch bộ áo cưới của chúng ta và lại mời chúng ta vào tham dự bữa tiệc vương giả của Người, trong niềm vui của tình thân mật đã tìm lại được. Như thế, cũng đừng bao giờ tự hào rằng mình đã “tới nơi”, cũng đừng phê phán ai. Không phải vì ta đang “ở trong” mà ta đã được bảo đảm, và có quyền xét đoán những người “ở ngoài”, những người chưa biết mà đi vào, hoặc thậm chí những người đã từ khước. Cho dù có ở trong Hội Thánh hay Nước Thiên Chúa, chúng ta vẫn chỉ là “khách được mời”, do ân huệ nhưng-không.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- Năm A
TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI- Lm Giuse Đinh lập Liễm
DẪN NHẬP.
Bài Tin mừng hôm nay nói về bàn tiệc Nước Trời. Qua dụ ngôn ấy, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết : Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài mở rộng cửa để đón tiếp mọi người vào dự bàn tiệc Nước Trời. Lời mời gọi có tính cách rộng rãi, Ngài mời gọi mọi người không trừ ai, dù tốt dù xấu , miễn là phòng tiệc phải đầy người.
Tuy thế, lời mời gọi đó còn chờ sự đáp ứng của từng người , mỗi người có quyền tự do, họ có thể chấp nhận hay từ chối. Trong thực tế, nhiều người đã từ chối lời mời gọi thật tình đó. Nhiều người đã từ chối bằng cách viện ra những lý do không vào đâu như bận đi xem ruộng vườn, bận đi buôn bán hoặc làm bất kỳ một công việc nào khác.
Trước sự từ chối của dân Chúa, Thiên Chúa quay sang dân ngoại, mời họ vào Nước Trời cho thật đông để họ được thưởng thức những cao lương mỹ vị mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ. Tuy nhiên, muốn vào dự tiệc Nước Trời cũng phải có điều kiện : phải mặc áo cưới. Phải mặc y phục lễ cưới là phải có một sự hoán cải tâm hồn để xứng đáng là công dân Nước Trời.
TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Is 25,6-9.
Tiên tri Isaia đã mô tả cho chúng ta hạnh phúc viên mãn trong thời sau hết. Đó là tiệc cưới mà Thiên Chúa dọn cho mọi người trên núi. Tiệc cưới có những cao lương mỹ vị, có bê béo, rượu ngon. Đấy là hình ảnh của hạnh phúc tối cao mà những người bạn của Chúa sẽ được hưởng. Trong bữa tiệc đó, người dự không những được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu tủi hổ, tang chế.
Hình ảnh mà Isaia mô tả là hạnh phúc Nước Trời được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người không phân biệt ai.
+ Bài đọc 2 : Pl 4,12-14.19-20
Ở trong tù, thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Philipphê cho họ biết : những sự giúp đỡ vật chất của họ cũng không cần lắm vì một mặt Ngài đã quen sống trong cảnh thiếu thốn về vật chất ; hơn nữa, có Chúa giúp đỡ để ngài thắng lướt được mọi nghịch cảnh.
Ngoài ra, ngài vẫn trân trọng lòng hảo tâm của tín hữu đã giúp đỡ ngài. Tất cả những sự giúp đỡõ ấy đều đáng qúi và Ngài xin Chúa đền đáp xứng đáng tấm lòng thơm thảo của họ,
+ Bài Tin mừng : Mt 22,1-14.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn tiệc cưới để cho biết : Thiên Chúa muốn ban hạnh phúc Nước Trời cho dân Do thái, dân ưu tuyển của Ngài, nhưng rất tiếc họ đã từ chối vì họ chuộng những giá trị trần gian hơn. Trước sự từ chối đó, Thiên Chúa đã mời những người ngoại đạo vào Nước Trời thay cho dân Do thái, dân này đã từ chối không chịu vào Nước Trời vì họ đã bị các nhà lãnh đạo dẫn đường sai lạc.
Tuy nhiên, muốn vào Nước Trời phải có điều kiện : phải mặc áo cưới. Áo cưới đây ám chỉ sự hoán cải tâm hồn, một tâm hồn trong sạch, một tấm lòng bác ái yêu thương và một đức tin vững mạnh.
THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Đến dự tiệc Nước Trời
TÌM HIỂU DỤ NGÔN.
Phong tục tổ chức tiệc cưới.
Mời thành hai giai đoạn.
Những công việc diễn tiến trong dụ ngôn này hoàn toàn phù hợp với phong tục bình thường của dân Do thái. Đối với những bữa tiệc cưới, khi thiệp mời được gửi đi thì thời giờ không được xác định rõ, và khi mọi việc đã xong đâu vào đấy thì những người giúp việc mới ra đi mời lần cuối cùng xin quan khách đến dự. Như vậy, vị vua trong câu truyện này đã gửi thiệp mời dân lâu rồi, nhưng đến khi mọi việc sẵn sàng thì lời mời cuối cùng mới gửi đến và đã bị người ta từ chối.
Truyện : tiệc cưới hoàng tử
Mùa xuân năm 1947, cả thế giới chú ý tới hàng tin lớn trên báo chí cho biết : công chúa Elizabeth của nước Anh sẽ đẹp duyên với hoàng tử Philippe, người Hy lạp. Cuộc tình duyên này quan trọng, bởi vì công chúa Elizabeth sẽ lên ngôi kế vị vua cha vì không những trên vương quốc Anh và Bắc Ái nhĩ lan, mà còn đứng đầu khối thịnh vượng lớn, gồm trên 50 quốc gia lớn nhỏ như Ấn độ, Canada, Úc, Tân tây lan… Ai cũng tò mò theo dõi lễ cưới lịch sử này. Cuộc lễ được tổ chức ngày 20.11.1947 tại tu viện cổ kính Westminter, nơi chôn cất các bậc vương quân và những nhân vật lớn nước Anh. Người ta không những theo dõi những nhân vật chính là cô dâu chú rể mà còn chăm chú điểm danh từng nhân vật lớn trên thế giới. Không ai được mời tới dự mà muốn vắng mặt, từ những vị nguyên thủ quốc gia đến các vị thủ tướng và các nhà chính trị, từ những nhà qúi tộc đến những nhà tỉ phú. Nói tắt, tất cả những nhân vật quan trọng hàng đầu của nước Anh và nhiều nước trên thế giới đều lấy làm vinh dự được mời và được xuất hiện trong lễ cưới long trọng đó.
(Phạm văn Phượng, Chia sẻ Tin mừng năm A, tr 215)
Khách được mời tham dự.
Theo phong tục của nhiều dân tộc xưa, tiệc cưới hoàng tử chẳng những các đại thần được ưu tiên mời, mà còn tất cả thần dân đều được hưởng lộc của nhà vua. Tiệc cưới hoàng tử Nước Trời chẳng những ưu tiên cho dân tộc Do thái, mà còn cho toàn thể muôn dân, vì toàn thể nhân loại đều là thần dân của Ngài. Như tiên tri Isaia đã loan báo :”Chúa Tể trời đất sẽ thiết tiệc đãi muôn dân”.
Ý nghĩa dụ ngôn.
Đối với người Do thái.
Đây là lời tố cáo người Do thái. Quan khách đã được mời nhưng đến giờ lại từ chối không đến. Họ tiêu biểu cho người Do thái. Từ xưa họ đã được Thiên Chúa mời gọi làm dân tuyển chọn của Ngài, nhưng khi Con Chúa Trời xuống thế gian, và họ được mời gọi theo Ngài, tin nhận Ngài thì họ lại khinh dể, đã từ chối lời mời đó. Rốt cuộc lời mời của Thiên Chúa đến trực tiếp với những tội nhân và người ngoại bang, là những kẻ không bao giờ kỳ vọng được mời vào Nước Trời.
Còn một chi tiết nữa là vua thịnh nộ với kẻ từ chối, lại còn sỉ nhục và giết các đầy tớ của vua, sai quân đi diệt những kẻ không nhận lời mời và đốt thành của chúng. Chi tiết này dường như không ăn nhập với việc mời dự tiệc cưới. Nhưng chúng ta nhớ lại, khi Matthêu viết sách Phúc âm của ông vào giữa năm 80-90 SC, những gì đã xẩy ra trong thời gian giữa lúc Chúa Giêsu sống và lúc viết sách Phúc âm ? Câu trả lời là : kinh thành Giêsrusalem bị quân Rôma phá hủy khoảng năm 70 SC. Giêrusalem thực sự bị tàn phá, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, đền thờ bị cướp phá và bị đốt, tại hoạ này đã đến cho những kẻ không nhìn nhận Con Thiên Chúa khi Ngài đến trong thế gian.
Đối với mọi thời đại.
Lời mời gọi trong dụ ngôn này là lời mời gọi của Thiên Chúa đối với mọi người chúng ta. Được mời gọi vào dự tiệc cưới, tiệc cưới Con Thiên Chúa, là một vinh dự lớn lao, lại không phải mất tiền. Khi Kitô hữu được mời là được mời đến để vui vẻ, và chúng ta sẽ mất niềm vui nếu chúng ta không nhận lời mời.
Nhưng nhiều khi chúng ta lại từ chối lời mời gọi của Chúa vì những lý do chẳng ra cái gì như đi thăm ruộng, đi buôn bán… Người ta dễ bận rộn với điều tạm bợ và quên những điều liên quan tới đời đời. Quá bận tâm với những điều mắt thấy được thì dễ quên với những điều mắt không thấy được. Quá chăm chú nghe những lời mời gọi của thế gian, thì khó nghe được tiếng gọi êm dịu của Chúa Giêsu.
Lời mời gọi của Chúa dành cho ta là lời mời gọi của ân sủng. Những kẻ được qui tụ là những nẻo đường không có quyền đòi hỏi gì nơi nhà vua cả. Họ không bao giờ có thể ngờ rằng mình sẽ được dự tiệc cưới và càng không xứng đáng để dự tiệc đó. Những việc xẩy đến với họ không bởi điều gì khác hơn là lòng quảng đại của nhà vua mở rộng đôi tay đón tiếp họ. Bởi ân sủng, lời mời được ban ra, và bởi ân sủng mà người ta được nhóm lại.
Dụ ngôn chiếc áo cưới.
Chúng ta có thể coi chiếc áo cưới là phần nối tiếp của dụ ngôn khách mời dự tiệc, hoặc coi như là một dụ ngôn riêng. Tuy coi như dụ ngôn riêng nhưng cũng là câu chuyện nối tiếp và giải rộng ý nghĩa câu truyện trước, trong câu truyện ở đây có một thực khách đến dự tiệc của nhà vua, nhưng không chịu mặc lễ phục.
Thuần phong mỹ tục coi lễ cưới là ngày lễ trọng đại của gia đình, tất nhiên có nghi thức long trọng với những trang phục đẹp đẽ chỉnh tề. Những hạng người bê bối thô lỗ tục tằn, vô lễ, vô kỷ luật đều bị loại bỏ vì nó bôi nhọ nếp sống văn hóa trong sáng và đạo đức.
Nếu ai nhận chiếc áo cưới gắn liền với dụ ngôn trên thì thắc mắc : ra đường mời vào, ở giữa ngã ba đường cái làm gì có áo cưới ? Trả lời cho thắc mắc đó, ta để ý : người đó không chữa tội gì cả, là dấu anh ta có lỗi, không cần biết nguyên do. Theo thói quen, thời xưa khách qua cửa đã có người trao áo cho, không biết người Do thái có thói quen nào ? Có áo mà không mặc là lỗi tại mình vì thế nên không mở miệng chữa tội được câu nào.
Muốn vào dự tiệc cưới thì tối thiểu phải có y phục lễ cưới. Theo thánh Matthêu, muốn vào dự tiệc cưới trong nước Thiên Chúa thì mỗi người phải nhận thức rằng Giáo hội càng ngày càng đông, nhưng Giáo hội không phải là quán cơm bình dân, ai vào cũng được, không có một chút điều kiện tối thiểu. Đành rằng Chúa rất thương kẻ có tội và Giáo hội của Ngài đầy tội nhân hơn là vị thánh, nhưng dù sao, muốn vào Giáo hội, Chúa cũng đòi hỏi có sự ước muốn trở lại chân thật, một “chiếc áo trắng rửa tội”, một sự ao ước “mặc lấy Chúa Kitô”.
Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Thánh kinh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.
BÀI HỌC CHO CHÚNG TA.
Dấn thân gia nhập vào Hội thánh.
Thiên Chúa mời gọi ta : Ngài muốn có những người tham dự tiệc cưới đó. Ngài có sáng kiến trước. Lời mời gọi đó được chuyển đến ta qua các vị sứ giả của Chúa, nhất là Chúa Kitô. Chúa Kitô đến trên trần gian để mời gọi ta và sửa soạn cho ta có bộ áo cưới, tức là cứu rỗi ta. Việc sửa soạn áo cưới được cụ thể hóa bằng việc mến Chúa yêu người, tức là đời sống đức tin nhờ ơn thánh.
Nhân loại chúng ta đáp lại lời mời gọi qua trung gian là Chúa Kitô và Giáo hội. Chúng ta đến dự tiệc cưới không phải với tính cách là “khách” mà thôi, nhưng còn với tư cách là con cái trong gia đình, nhờ đó sự vui vẻ thân mật càng tăng thêm. Hiện thời bữa tiệc đó đã bắt đầu nhờ Chúa Kitô vì ta đã có ơn thánh và hằng ngày tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể chờ ngày Chúa lại đến.
Tuy chấp nhận lời mời gọi của Chúa đâu phải là sự dấn thân mang tính chất nhất thời. Đó là một tiến trình đòi hỏi phải liên tục dấn thân và thích ứng bởi vì cuộc sống thường nhật rất dễ khiến chúng ta sao lãng và bỏ quên mất sự sống đời đời, bởi vì thức ăn tầm thường của cuộc đời này dễ nhét đầy bụng chúng ta và làm cho chúng ta quên đi bữa tiệc vĩnh cửu.
Chấp nhận lời mời của Chúa không chỉ là vấn đề gật đầu một lần rồi sau đó quên tuốt đi, và việc này giống như câu nói “Tôi đồng ý” trong hôn nhân. Câu “tôi đồng ý” này đâu phải là điểm kết cho một tiến trình mà chính là điểm khởi đầu. Nhận lời Chúa cũng giống như tốt nghiệp đại học bởi vì sự tốt nghiệp không phải là điểm kết thúc cho công cuộc học vấn mà chỉ là bệ phóng cho sự học hỏi tiến xa hơn mà thôi.
Dự tiệc Thánh Thể hằng ngày.
Qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta tham dự bữa tiệc của Nước Trời. Trong Thánh kinh, nhiều bữa được nhắc đến : như bữa ăn tổ phụ Abraham khoản đãi ba người khách lạ dưới lều vải (St 18,1-8), như bữa tiệc người cha già mừng người con đi hoang trở về (Lc 15,22-32). Chúa Giêsu đã đi dự đám cưới ở làng Cana (Ga 2,1-10), Ngài cũng dọn bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm lao lực (Ga 21,1-14), cho dân chúng được ăn no tự 5 chiếc bánh và 2 con cá. Tất cả để báo hiệu bữa tiệc Thánh Thể.
Thì, hôm nay, tiên tri Isaia ví Nước Trời như một bữa tiệc mà Chúa khoản đãi mọi dân tộc, nhất là những ai đói khát tự do, công chính. Chúng ta cũng hãy sốt sắng tham dự vào bữa tiệc thánh là Lời Chúa và Thánh Thể, hãy “hân hoan vì Chúa khoản đãi và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.
Y phục xứng kỳ đức.
Tục ngữ Pháp có câu :”La soutane ne fait pas un moine” : chiếc áo dòng không làm nên ông thầy tu. Câu tục ngữ ấy có ý nói rằng muốn trở thành một tu sĩ thực thụ thì cần phải có đời sống xứng đáng với bậc tu của mình. Người ta quí trọng tu sĩ là do đời sống thánh thiện của họ chứ không phải do cái áo của họ. Cho nên quần áo thì phải đi đôi với đức độ, nghĩa là phải có cả bề trong lẫn bề ngoài.
Cung cách một người thể hiện tinh thần của người đó. Khi đến thăm một người bạn, ta sẽ không mặc bộ đồ làm vườn mà đến. Chúng ta biết rõ rằng quần áo không thành vấn đề đối với bạn chúng ta, cũng không phải chúng ta muốn trình diễn, nhưng vì vấn đề phải tôn trọng nên chúng ta đến nhà bạn một cách gọn gàng và chỉnh tề. Chuẩn bị trước như thế là chúng ta bầy tỏ cảm tình và sự tôn trọng của mình đối với bạn.
Đối với nhà của Chúa cũng vậy, ví dụ này không quan hệ gì đến việc ăn mặc của chúng ta khi đến nhà thờ để trình diễn, nhưng cần có trang phục cho linh hồn, tấm lòng và tâm trí của chúng ta. Đó là sự khao khát, trông đợi, lòng khiêm nhường và thống hối, đức tin và sự tôn kính. Đây là bộ áo lễ nếu không mặc vào thì sẽ không dám đến gần Chúa. Điều thường xẩy ra là chúng ta hay đến nhà Chúa mà không sửa soạn chút nào. Nếu mỗi người chúng ta đều sửa soạn trước khi đến nhà thờ bằng lời cầu nguyện ngắn, suy nghĩ và tự kiểm điểm bản thân thì sự thờ phượng mới đúng là sự thờ phượng thật. Một sự thờ phượng đem lại nhiều tốt lành cho tâm hồn mỗi người, cho Hội thánh và cho thế giới.
Chúng ta đã nhận lời mời của Chúa mà vào dự tiệc Nước Trời. Đây là một vinh dự lớn lao Chúa dành cho ta. Nhưng vinh dự ấy đòi chúng ta phải vươn lên bằng một đời sống lành thánh, một đời sống kết hợp với Chúa, để có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Trách nhiệm của chúng ta là phải giữ mình không để cho vật dục hay của cải trần gian lôi kéo xuống giống như con vật, ngược lại phải vươn lên làm con cái ánh sáng để xứng đáng là công dân Nước Trời.
Truyện : đại bàng con
Chuyện kể rằng : Có một con gà rừng đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ của nó một trứng đại bàng. Đúng ngày giờ, trứng nở thành con. Đại bàng con nô đùa vui vẻ bên đàn gà rừng như anh chị em ruột.
Một ngày kia, đang bưới móc kiếm ăn cùng đàn gà rừng, đại bàng con bỗng thấy một con đại bàng lớn bay lượn trên không trung thật oai phong và đẹp mắt. Cậu liền hỏi gà mẹ :
– Mẹ ơi, sao mình không bay như chim kia trên trời ?
– Chúng ta đâu phải đại bàng mà bay được !
– Thế chúng ta là ai ?
– Chúng ta là gà rừng !
Bỗng một ngày, đang khi bươi chải kiếm ăn trên đống rác cậu lại thấy đại bàng mẹ bay lượn trên đầu gọi :
– Bay lên con ơi, bay lên đại bàng con của mẹ. Thế giới của con là trời cao đất rộng, chứ không phải là đống rác này ! Bay lên đi con.
Cậu cố bay lên, nhưng lại rơi xuống. Trong khi các chú gà rừng cười cợt chế nhạo :
– Chúng ta là gà rừng, làm sao mà bay được.
Cậu suy nghĩ, nếu ta là gà rừng sao đại bàng kia cứ bảo ta là đại bàng con. Và khi bay lên ta thấy cũng đâu có khó khăn gì, có lẽ chưa quen thôi. Nào hãy thử lần nữa xem.
Thế là cậu đại bàng đủ lông đủ cánh bay lên, và bay lên mãi.Cậu bay theo mẹ về một chân trời mới. Lần đầu tiên trong đời, cậu được nhìn thế giới từ trên cao, lòng cậu mênh mang, hạnh phúc ngập tràn. (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm A, tr 145-146)
Kitô hữu là người được Thiên Chúa tuyển chọn, làm con cái của Người. Họ là những con đại bàng, luôn ngước mắt nhìn cao, mong bay lên cùng Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương. Họ luôn sống trong tâm tình của thánh Augustinô :”Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa. Tâm hồn con luôn thao thức cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa”.
Đừng bao giờ nghĩ mình là giống gà rừng, để cúi đầu bươi chải, an phận với những hạnh phúc nhỏ nhoi tầm thường. Tuy được những con sâu bọ là miếng mồi ngon đấy, nhưng chúng cũng nằm trên đống rác, đống phân. Chúng ta hãy vươn mình lên, vươn lên mãi cho tới trời cao, nơi quê hương thật của chúng ta ở đó. Chúng ta hãy thực hiện lời thánh Phaolô đã dạy :”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”(Pl 3,20-21).
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
CHÚA MỜI CHÚNG TA DỰ TIỆC CƯỚI- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Sợi chỉ đỏ: Trong Thánh Kinh, hình ảnh “bữa tiệc” ám chỉ hạnh phúc Nước Trời, và hình ảnh “dự tiệc” ám chỉ việc được hưởng hạnh phúc ấy. Bài đọc I, đáp ca, và bài Tin Mừng đều nói tới việc Thiên Chúa mời mọi người dự tiệc của Ngài :
– Bài đọc I : “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc”
– Đáp ca : “Chúa dọn bàn tiệc đãi tôi, trước mắt quân thù của tôi”
– Tin Mừng : “Nước Trời giống như ông vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử… Các ngươi hãy ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại. Và phòng cưới chật ních khách dự tiệc”
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Có nhiều niềm hạnh phúc chúng ta đang hưởng mà không ý thức, chẳng hạn hạnh phúc được làm con Chúa, hạnh phúc được ở trong Giáo Hội, hạnh phúc mỗi tuần được dự tiệc của Chúa.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta ý thức những hạnh phúc ấy ; và chúng ta cũng xin Ngài dạy chúng ta biết sống thế nào để xứng đáng với tấm lòng của Chúa.
GỢI Ý SÁM HỐI
– Tuy vẫn biết hạnh phúc Nước Trời là quý báu nhất, nhưng rất nhiều khi chúng ta coi trọng những giá trị vật chất hơn.
– Nhiều lần chúng ta từ chối ơn Chúa.
– Dù đang ở trong Nước Chúa và làm công dân Nước Chúa, nhưng cách sống của chúng ta chưa xứng đáng.
LỜI CHÚA
Bài đọc I (Is 25,6-9)
Bữa tiệc mà ngôn sứ Isaia mô tả có những nét đáng chú ý sau đây :
– Người thết đãi là “Chúa các đạo binh”
– Khách được mời dự là tất cả các dân
– Nơi dọn tiệc là “trên núi này”, tức là núi Sion.
– Trong bữa tiệc đó, người dự không chỉ được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu, tủi hổ, tang chế.
Đó chính là hạnh phúc Nước Trời được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người không phân biệt ai.
Đáp ca (Tv 22)
Tv 22 này rất quen thuộc đối với mọi tín hữu : Thiên Chúa là một mục tử chăm sóc đoàn chiên hết sức chu đáo : lo cho chiên có cỏ xanh để ăn, nước trong để uống, bóng mát để nghỉ ngơi, và còn bảo vệ để chiên có thể “ăn tiệc” thoải mái ngay trước mặt quân thù.
Tin Mừng (Mt 22,1-14)
Ý nghĩa của dụ ngôn bữa tiệc : Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời trước tiên cho dân do thái, nhưng họ đã từ chối vì chuộng những giá trị trần gian hơn ; Thiên Chúa lại ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, cũng như người dự tiệc cưới phải mặc áo cưới, người được mời gia nhập Nước Trời cũng phải có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.
Bài đọc II (Pl 4,12-14.19-20) (Chủ đề phụ)
Trong thời gian Phaolô bị cầm tù, tín hữu Philipphê đã rộng rãi giúp đỡ ông. Trong lá thư cám ơn gởi cho họ, Phaolô nói 2 ý :
– Thực ra ông cũng không cần những giúp đỡ vật chất ấy, vì một mặt ông đã quen thích nghi với mọi hoàn cảnh, và mặt khác ông còn được Chúa trợ giúp, cho nên “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.
– Tuy nhiên việc tín hữu Philipphê trợ giúp vật chất cho ông là một điều rất quý. Phaolô xin Thiên Chúa đền đáp lại xứng đáng cho họ.
GỢI Ý GIẢNG
Điều trước mắt che khuất điều ở xa
Hạnh phúc Nước Trời, hay – nói cho dễ hiểu – hạnh phúc thiên đàng là thứ hạnh phúc trọn vẹn nhất, vững bền nhất, hơn tất cả mọi thứ hạnh phúc ở trần gian. Ai cũng biết thế.
Tuy nhiên, loài người chúng ta có một cái tật, là bị những cái trước mắt che khuất nên không nhìn thấy cái ở xa, giống như tật cận thị.
Cái trước mắt mà chúng ta thấy hằng ngày là hạnh phúc mà trần gian mang lại qua việc làm ăn, buôn bán. Nói cách khác, trước mắt phải lo làm ăn để có một cuộc sống bảo đảm về vật chất ; thiên đàng thì còn xa, sau này từ từ lo.
Suy nghĩ như thế có phần đúng, vì ta phải sống thực tế với hiện tại. Nhưng cũng có phần sai khi chỉ biết hiện tại mà không hề nghĩ tới tương lai.
Điều sai lớn nhất mà bài Tin Mừng này vạch ra là chẳng những ưu tiên lo cho hiện tại, mà còn “không đếm xỉa gì” đến bữa tiệc Nước Trời, thậm chí còn nhục mạ và hành hạ những sứ giả mà Thiên Chúa sai đến mời ta dự tiệc của Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta một số điều để suy nghĩ :
– Chúa không hề trách vì chúng ta lo cho cuộc sống vật chất. Nhưng lo đến nỗi quên hẳn cuộc sống mai sau thì sẽ đáng trách. “Tiên vàn chúng con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, mọi sự khác Ngài sẽ lo cho chúng con”.
– Vì chúng ta dễ quên hạnh phúc mai sau, nên nhiều lần và nhiều cách Thiên Chúa sai người này người nọ đến nhắc nhở chúng ta. Chúng ta có khó chịu với những người ấy, xua đuổi họ, nhục mạ họ và ngược đãi họ không ?
Tại sao họ đã chối từ ?
Trong đoạn Tin Mừng này, thánh Mát thêu ghi lại hai lý do : “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”. Thánh Luca thì ghi rõ hơn, tới 3 lý do : “Người thứ nhất nói : tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; người khác nói : Tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây ; người khác nói : Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14,18-19)
3 lý do trong Luca có thể gom thành 2 loại là làm ăn (thăm đất và thử bò) và thụ hưởng (cưới vợ). Thực ra hai điều ấy không cấp bách đến nỗi phải lập tức làm ngay để đành từ chối lời mời ưu ái của nhà vua. Tuy nhiên, đó là hai nguyên do khiến nhiều người chối từ lời mời của Thiên Chúa. Ta có thể rút ra hai khuyến cáo :
-Quá mê làm ăn có thể kéo ta xa Chúa.
-Quá lo thụ hưởng cũng có thể kéo ta xa Chúa.
Những ông chủ trại, những thương gia và những kẻ ngoài đường
Chúng ta hãy lưu ý rằng hai hạng người từ chối dự tiệc cưới là những ông chủ trại và những thương gia. Họ không đến vì còn phải lo đi thăm trại và đi buôn bán. Còn những người mau mắn đến dự tiệc là những kẻ ở các ngã đường. Họ nghèo, họ đang đói cho nên được mời ăn tiệc là đến ngay.
Người no đủ không thích ăn tiệc bằng người đói khát.
Bởi thế, Đức Giêsu đã nói rất chí lý : “Khốn cho các ngươi là những kẻ no đủ…. Phúc cho chúng con là những người đói khát”.
Y phục tiệc cưới
Phần cuối dụ ngôn này làm người đọc thắc mắc và khó chịu : những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo lễ mà mặc. Thế mà ông vua lại bắt một người không có áo lễ tống giam vào ngục.
Nên nhớ đây là một dụ ngôn, nghĩa là các chi tiết ám chỉ đến một ý nghĩa nào đó. Nếu bữa tiệc cưới là hình ảnh của Nước Trời, thì chiếc áo cưới tượng trưng cho nếp sống phù hợp với Nước Trời. Tự nhiên được mời vào Nước Trời đã là một hồng phúc, cho nên để đáp lại thì phải có một nếp sống phù hợp với Nước Trời.
Chiếc áo tượng trưng cho cách sống. Chúng ta hãy suy nghĩ về chiếc áo / cách sống hiện tại của chúng ta : Nó có tốt hơn, đẹp hơn chiếc áo / cách sống của những người không được ở trong phòng tiệc không ?
Chiếc áo tốt đẹp nhất của người dự tiệc Thiên Chúa chính là sống như Đức Kitô, như lời Thánh Phaolô nói : “Anh em hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24), “Hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27)
Chuyện minh họa : viện cớ
Chúng ta có rất nhiều cớ để không làm điều mình phải làm, và nhiều cớ để làm điều lẽ ra không nên làm.
Ngày xưa có một anh thợ may rất khéo. Bao nhiêu áo đẹp của mọi người trong thành đều do anh may. Tuy nhiên bản thân anh thì chỉ có mỗi một chiếc áo rách. Lúc nào anh cũng mặc chiếc áo rách ấy, ngay cả trong những buổi tiệc lớn của thành phố. Có người thấy thế hỏi anh :
– Sao anh có thể may bao nhiêu chiếc áo đẹp cho mọi người mà lại không may cho anh được một chiếc áo lành lặn.
– Vì tôi phải may áo kiếm tiền, không có giờ may áo cho mình.
– Vậy anh hãy cầm lấy 20 đồng tiền này và may cho anh một chiếc áo, kể như tôi mướn anh may cho tôi vậy.
Anh thợ may cầm tiền về nhà. Đến buổi tiệc tiếp theo, anh lại đến với chiếc áo rách cũ. Người bạn hỏi :
– Sao anh không may áo cho anh ?
– Chiếc áo cho chính bản thân tôi mà giá chỉ có 20 đồng thì quá rẻ, nên tôi không may !
Người bạn chẳng nói gì nữa, bởi vì có nói gì nữa thì anh thợ may cũng sẽ tìm được một cớ khác thôi.
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Thiên Chúa mời gọi, ban phát tình thương và ân sủng một cách vô giới hạn cho tất cả mọi người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Chúa Giêsu đã dùng bí tích Thánh tẩy mà quy tụ chúng ta vào trong Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban Thánh Thần hiệp nhất đến trong Hội Thánh / để Người loại trừ mọi bất hòa / ghen ghét và chia rẽ giữa những người có cùng một niềm tin.
2- Chúa Giêsu là vua đem lại hòa bình / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa tiêu diệt mầm móng chiến tranh / và cho muôn dân được an cư lạc nghiệp.
3- Đời sống thường ngày đem lại cho con người hạnh phúc thì ít / mà phiền muộn đau khổ lại nhiều / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban Thánh Thần / là nguồn an ủi kỳ diệu đến trần gian / đề Người lau sạch nước mắt cho những ai đang khổ sầu.
4- Ngày phán xét chung / Chúa chỉ căn cứ vào một tiêu chuẩn duy nhất / để thưởng công hay luận tội người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận / đặc biệt là biết chân thành yêu thương hết thảy mọi người.
CT : Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp chúng con sống trọn vẹn ơn gọi kitô hữu, nhờ đó chúng con có thể mạnh dạn nói như Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Chúng con cầu xin…
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
MẶC ÁO CƯỚI– ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt.
Với tình thương yêu, Thiên Chúa dọn tiệc mời.
Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời con người đến dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương con người.
Đó là một tình yêu nhưng không.
Thiên Chúa là vị vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.
Đó là tình yêu chia sẻ.
Thiên Chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người còn mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một mặc lấy bản tình loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với hàng thần thánh trên trời.
Chẳng có gì có thể giải thích được thái độ của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.
Tôi phải mặc áo cưới tới dự.
Tình yêu Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.
Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng. Nâng lên hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.
Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa.
Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em Chúa Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (x. Ep 4,24).
Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Hằng ngày Chúa vẫn mời gọi tôi đến dự tiệc Thánh Thể, tôi có mau mắn đáp lời hay tôi thường từ chối?
2) Mặc áo cưới là theo Chúa quyết liệt, không nửa vời tôi theo đạo nhưng tôi có thực hành Lời Chúa không?
3) Bạn phải làm những gì để được coi là “mặc áo cưới”?
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
HÃY NGHIÊM CHỈNH THAM DỰ TỆC CƯỚI CỦA HOÀNG TỬ- Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra là lời mời gọi tham dự tiệc cưới của nhà vua cho hoàng tử của mình. Đây là một đại tiệc, và lời mời được gửi đi nhiều lần. Ai lại từ chối một bữa tiệc lớn lao như thế? Ấy vậy mà cũng có người đang tâm từ chối và chuốc lấy những hậu quả nặng nề. Lời mời gọi tham dự được gửi đến mỗi người chúng ta là những khách mời bất ngờ thế nhưng lại là những người được đi vào phòng tiệc cưới. Thế nhưng chúng ta có mặc y phục lễ cưới theo qui định không? Đó là câu hỏi mà bài dụ ngôn hôm nay muốn đặt ra cho chúng ta.
Bữa tiệc của Hoàng tử thường được so sánh với bữa tiệc của Đấng Cứu thế Messia bởi vì Đấng Messia này chính là chàng rễ của thời cánh chung (Mt 9,15; Ga 3,29; Ep 5,25-32; Kh 21,2-9). Khai triển rộng biểu tượng hình ảnh này, tiệc cưới của chàng rễ trở nên hình ảnh của bữa tiệc thời Đấng thiên sai như trong câu chuyện dụ ngôn chúa nhật này. Việc nối liền hai ý nghĩa này có thể hiểu được bởi vì chàng rễ xuất hiện cũng chính là Đấng cứu thế được tiền báo cách long trọng; cả hai bữa tiệc đều là cử hành với đặc trưng tiêu biểu là rượu thịt đầy bàn, nhạc đàn múa hát vui vẻ của một bữa tiệc long trọng được chuẩn bị hết sức chu đáo.
Trong cả hai bài đọc thứ nhất và bài thánh vịnh đáp ca, Thiên Chúa là Đấng cung cấp dư dật “thịt béo rượu ngon”, và là Đấng “bày bàn ăn”. Trong Phúc âm, chính nhà vua chuẩn bị bữa tiệc cho tiệc cưới của hoàng tử. Nói rõ hơn, đây không phải là những sự kiện thông thường mà có một tầm vóc quan trọng khác thường. Ngoài việc trình bày sự sang trọng của bữa tiệc, câu chuyện còn nhấn mạnh sự tử tế mời mọc của nhà vua khi mời các thực khách và cung cấp mọi nhu cầu cho họ, cũng như nhấn mạnh đến chiều kích cánh chung của bữa tiệc này vốn là bữa tiệc quyết định, bữa tiệc mong đợi sau bao thời gian chờ đợi lâu dài và sẽ là một bữa tiệc đầy tràn niềm vui và hạnh phúc của một tình yêu chờ đợi đã rất lâu dài. Hơn nữa câu chuyện còn có chi tiết mọi người sẽ phải trầm trồ khen ngợi hạnh phúc của bữa tiệc này vì khi đó mọi người sẽ nói lý do của niềm vui và hạnh phúc lớn lao là vì Chúa là Đấng cứu độ và Người thực hiện ơn cứu độ cho dân người.
Câu chuyện của bài dụ ngôn Tin mừng thuật lại hai lần các đầy tớ được sai đi mời khách dự tiệc. Có thể là lần mời thứ nhất được phát đi trước tiệc cưới, và lần mời thứ hai, chính thức hơn, được gửi đi để nhắc nhở các khách mời dự tiệc cưới cách khẩn khoản với những lời lẽ rất niềm nở: bò bê và súc vật béo tốt đã sẵn, kính mời mọi người đến dự. Dù sao, phúc âm chúa nhật này cũng giống phúc âm chúa nhật tuần trước, là trong cả hai dụ ngôn này, hai nhóm đầy tớ đã được gửi đi lần lượt và đều bị từ chối. Không những thế, các đầy tớ này còn bị bắt, bị đánh đập nhục mạ và bị giết chết. Vì thái độ kiêu căng và tàn ác của họ, những thủ phạm trong hai dụ ngôn này đều bị tước quyền làm việc vườn nho hay tham dự tiệc cưới. Câu chuyện dụ ngôn tuần này còn gợi lên việc thành Giêrusalem bị phú hủy năm 70 sau công nguyên khi nói nhà vua sai quân lính tiêu diệt bọn sát nhân cùng với thành phố của họ. Sau đó, nhà vua sai đầy tớ ra các ngả đường bất luận và mời mọi người vào cho đầy phòng tiệc cưới. Để rồi khi nhà vua đi vào quan sát các khách mời, nhà vua bỗng trở nên giận dữ vì có một khách mời tham dự tiệc cưới mà không có y phục lễ cưới. Nhà vua đã truyền lệnh trao người này cho lý hình tống vào nơi tối tăm.
Tham dự những buổi lễ như cưới hỏi, sinh nhật, tân gia vốn là những chuyện rất thường trong đời sống xã hội của chúng ta. Những lần đi dự những cuộc lễ như thế, chúng ta sống và muốn chứng tỏ tình cảm, tình bạn, mối hiệp thông liên đới của chúng ta với mọi người. Có như thế, khi gia đình chúng ta hữu sự, người khác mới đến với chúng ta. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ thất vọng biết bao khi vất vả chuẩn bị tiệc tùng cổ bàn, hy vọng bạn bè sẽ đến mà không ai đến cả.
Đọc câu chuyện dụ ngôn chúa nhật này, chúng ta cũng mường tượng sự thất vọng và tức giận của nhà vua vì thái độ của các khách mời. Thực ra ở đây tình tiết câu chuyện cho chúng ta thấy các khách mời dự tiệc không phải chỉ vì là tình bạn, hay chỉ vì là những thần dân trung thành của nhà vua mà họ phải đến dự. Cùng với bài đọc thứ nhất của sách tiên tri Isaia, câu chuyện dụ ngôn này thực sự cho chúng ta thấy một lý do thực quan trọng khác. Đây chính là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc thời cứu độ của Thiên Chúa mà mọi người không được coi thường. Trong câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu, lời mời được đưa ra hai lần và nhấn mạnh lý do : chính nhà vua tổ chức tiệc cưới, thật long trọng để mừng tiệc cưới của hoàng tử, và lời mời được đưa ra và nhắc lại nhiều lần. Những khách mời đã dại dột và kiêu căng từ chối và phải lãnh hậu quả nặng nề vì sự khinh suất của họ, họ bị tiêu diệt cùng với thành phố của họ. Bài đọc thứ nhất đã cho thấy là tiệc cưới chính là bữa tiệc Đấng thiên sai của đời sống vĩnh cửu. Đây là lời mời được gửi đến chúng ta: nhận lời hay không có nghĩa chúng ta sẽ nhận hay từ chối hạnh phúc của đời vĩnh cửu khi mà Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ.
Tuy nhiên việc chúng ta nhận lời dự tiệc cưới không phải chỉ là đến dự tiệc cưới. Trong phần cuối của dụ ngôn còn có một lời phán xét: sao anh vào đây mà không mặc y phục lễ cưới. Cũng như nhà vua phải chuẩn bị để tổ chức tiệc cưới, thì khách mời cũng phải chuẩn bị để tham dự tiệc cưới (“mặc trang phục lễ cưới”). Mọi người đều được mời vào dự tiệc Thiên Chúa, thế nhưng cũng đòi hỏi những trách nhiệm đi kèm theo lơi mời này. Những tội nhân cũng được mời, thế nhưng họ phải hối cải và sửa đổi đời sống tội lỗi của mình để sống đời sống mới tốt đẹp. Để tham dự bữa tiệc của Thiên Chúa, khách được mời phải chu toàn phần việc của mình, tức là sống thánh ý Thiên Chúa trong đời sống của mình.
Thật không thể ngờ được những khách mời lại khinh suất đến thế đứng trước lời mời quan trọng của chủ tiệc vào một thời điểm quyết định như thế! Thế nhưng chính chúng ta là những khách mời tham dự một bữa tiệc trọng đại này, và chính chúng ta cũng có thể không nhận thức được tầm quan trọng của bữa tiệc này cũng như có thể không chuẩn bị chính mình xứng đáng với bữa tiệc này. Đời sống hằng ngày của chúng ta không phải là không hệ trọng, bởi vì ngay cả những việc nhỏ mọn chúng ta làm cũng đang góp phần giúp chúng ta mặc chiếc áo cưới của mình. Việc hoán cải liên tục của chúng ta sẽ chuẩn bị chúng ta để tham dự lễ cưới này. Trong khi bữa tiệc thời thiên sai là một sự kiện tương lai, thì đồng thời chúng ta đã được chia sẻ bữa tiệc đó ngay từ bây giờ mỗi khi chúng ta đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc Thánh Thể cũng là một bữa tiệc trọng đại và cũng đòi hỏi phải chuẩn bị sẵn sàng. Câu chuyện dụ ngôn của Phúc âm mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị chính mình để tham dự bữa tiệc trọng đại mà chúng ta là những khách mời đồng thời chiếc áo cưới là việc chuẩn bị trong chính đời sống của chúng ta. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở một phần nào việc chuẩn bị này khi chia sẻ than tình với chúng ta đời sống của ngài. Thánh Phaolô nói trong mọi hoàn cảnh, ngài đã biết chịu cảnh thiếu thốn hay biết hưởng sung túc, trong mọi trường hợp, ngài đã học biết no biết đói, biết dư dật và thiếu thốn bởi vì ngài đã biết làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho ngài. Bàn tiệc thời Đấng thiên sai là hình ảnh ẩn dụ của đời sống thần linh vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi tham dự ngay từ cuộc đời hiện tại với y phục lễ cưới là chính cách sống của chúng ta. Chúng ta được mời gọi hãy có thái độ hiểu biết nghiêm chỉnh về tầm mức thực quan trọng và cần thiết đối với chúng ta bởi vì chúng ta được mời gọi tham dự vào đời sống hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa rất yêu thương và chờ đợi chúng ta.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
MẶC LẤY CHÚA KITÔ– Lm. Inhaxiô Trầ Ngà
Trong một trăm người đang sống trên lục địa Á châu, chỉ có hai người được diễm phúc gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Trong số một trăm người đang sống trên giải đất Việt Nam, chỉ có bảy người có cơ may gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Chúng ta cũng được may mắn thuộc về thiểu số nầy. Đây quả là một hồng phúc lớn lao.
Qua dụ ngôn “Tiệc cưới” được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta, với tư cách là những vị khách được mời dự tiệc, phải bận y phục lễ cưới.
Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng nặng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến Đức Vua mà còn mặc nguyên bộ đồ ngủ thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào đời quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.
Hội Thánh của Chúa luôn mở rộng cửa để tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp muôn phương bất kể sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin Mừng.
Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo Hội trở nên khó thương trước mặt người khác.
Vì thế, một khi đã gia nhập Hội Thánh mà cách ăn thói ở không phù hợp thì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin Mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó.
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô
Trong cuốn “Tự thú”, Augustino thuật lại kinh nghiệm lý thú sau đây: Hôm đó, Anh bị giằng co xâu xé mãnh liệt trong nội tâm giữa một bên là cải thiện đời sống để trở về với Chúa ngay và một bên là đừng vội trở về với Chúa để được hưởng thêm lạc thú trần gian. Sự xung đột nội tâm nầy gay gắt đến độ khiến Augustino gào khóc cách cay đắng và nài xin Chúa ban ơn giải thoát.
Ngay lúc bấy giờ, Augustino nghe có tiếng hát trẻ con từ nhà bên kia vọng lại: “Hãy cầm lấy mà đọc, hãy cầm lấy mà đọc…”
Nhận ra đó chính là tiếng Chúa nói với mình, Augustino vào phòng, chộp lấy Thánh Thư của Thánh Phao-lô và đọc ngay đoạn đang mở ra trước mắt: “Anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt.” (Rm 13, 13-14)
Augustino bừng tỉnh trước Lời Chúa. Anh cảm thấy đây quả là những lời Chúa nói riêng với mình. Thế là từ đây, Anh từ bỏ quãng đời tội lỗi, từ bỏ những đam mê xác thịt, rũ bỏ bộ áo bẩn thỉu hôi hám để mặc áo mới, mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô. Anh được lãnh bí tích Thánh Tẩy vào năm 33 tuổi, hiến mình cho Chúa để trở thành một linh mục thánh thiện, về sau được cất nhắc lên giám mục và trở thành vị thánh chói ngời, đồng thời cũng là tiến sĩ Hội Thánh.
Trong ngày chúng ta lãnh bí tích Thánh Tẩy, ngày chính thức gia nhập Hội Thánh, linh mục chủ sự thay mặt Hội Thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời”.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con dứt khoát cởi bỏ nó để quyết tâm mặc lấy áo mới, mặc lấy Đức Ki-tô, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa… Nhờ đó, chúng con sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Tin mừng hôm nay là sự nối kết của hai dụ ngôn “hai người con” (CN 26 A) và “các tá điền sát nhân” (CN 27 A) thành một đề tài giáo huấn về tính phổ quát của ơn cứu độ, con người cần phải thống hối, ăn năn, hoán cải, phục thiện, phải cố gắng không những vào số những người được gọi, mà còn phải vào số những người được chọn nữa, bởi vì gọi thì nhiều mà chọn thì ít.
Tính phổ quát của ơn cứu độ
Câu chuyện Tin mừng gồm hai phần rõ rệt. Nhà vua mời thực khách dự tiệc cưới của hoàng tử (câu 1-10) và người khách không mặc y phục lễ cưới (câu 11-14).
Điều khó hiểu
– Thái độ của khách mời: Bình thường khi được các bậc vị vọng mời dự tiệc, khách được mời sẽ rất hãnh diện. Ở đây nhà vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử. Vậy mà các khách được mời đều từ chối. Thánh Mátthêu ghi lại hai lý do: “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”. Thánh Luca thì ghi tới ba lý do: “Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người khác nói: tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây; người khác nói: tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14,18-19). Họ khước từ vì lo làm ăn và hưởng thụ cá nhân. Họ bận rộn, mải mê kiếm sống, không còn giờ cho tình người. Một số khách được mời nóng nảy quá khích, đã không dự tiệc vua mời còn bắt đầy tớ của vua, đánh đập, sỉ nhục và giết chết.
– Hành động của ông vua: Ông mời khách đến mấy lần, mời đi mời lại, năn nỉ họ tham dự. Ông còn tỏ ra hào phóng là thu nạp mọi người, bất luận tốt xấu, giàu nghèo.Thế nhưng, khi thấy một thực khách không mặc y phục lễ cưới ông đòi ra lệnh trói chân tay, bỏ vào nơi tối tăm bên ngoài mà khóc lóc nghiến răng. Người đọc cảm thấy thật khó hiểu: những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo lễ mà mặc.
Ý nghĩa dụ ngôn
Nên nhớ, đây là một dụ ngôn nằm trong chuỗi ba dụ ngôn theo cùng một chủ đề mà Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục Do thái khi họ đến chất vấn Người về thẩm quyền của Người (x. Mt 21,23). Hai Chúa Nhật trước qua hai dụ ngôn “hai người con” (21,28-32) và “các tá điền sát nhân” (21,33-43). Dụ ngôn “tiệc cưới” (22,1-14) là câu trả lời cho những thái độ của các thượng tế và pharisiêu.Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời trước tiên cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ chối vì chuộng những giá trị trần gian hơn; Thiên Chúa lại ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, cũng như người dự tiệc cưới phải mặc áo cưới, tượng trưng cho cách sống. Những người được mời gia nhập Nước Trời cũng phải có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.
Được mời dự tiệc là niềm vinh dự và là hạnh phúc
Người Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài để chuẩn bị ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thế nhưng, họ đã từ chối đặc ân. Họ thờ ơ, không đếm xỉa gì đến lời mời gọi dự tiệc cưới :người thì đi thăm trại, kẻ thì đi buôn, người khác thì bắt đầy tớ nhục mạ và giết đi…
Con người có thái độ thờ ơ, lãnh đạm và coi thường như thế bởi vì họ không yêu mến Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa. Nếu yêu thương, tôn trọng người chủ tiệc thì chắc chắn cho dù có vướng bận đến đâu họ cũng sẵn sàng sắp xếp công việc, thời gian để đi dự tiệc. Được mời là một vinh dự, nhưng đáp lời mời là biểu lộ tình cảm của bản thân dành cho gia chủ. Cũng thế, Thiên Chúa mời gọi con người vào hưởng hạnh phúc Nước Trời là do tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, còn đáp lời mời này để hân hoan tiến vào Nước Chúa là lời đáp trả tình yêu của con người với Thiên Chúa.
Thiên Chúa mời con người đến tham dự tiệc cưới. Tiệc cưới là tiệc vui tươi, chúc mừng tình yêu của cô dâu chú rễ. Chúa Giêsu là chàng rễ, Giáo hội là cô dâu. Thiên Chúa đã mời gọi các Kitô hữu đền bàn tiệc để chia sẽ niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài (GLCG # 1384).
Được mời và đón nhận lời mời là một biểu lộ của tình yêu từ hai phía, Thiên Chúa và con người dành cho nhau. Thế nhưng, trong cuộc sống Kitô hữu ngày hôm nay, thái độ từ chối Thiên Chúa, thờ ơ với lời mời gọi của Ngài vẫn còn tiếp diễn nơi nhiều người.
Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật.
Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh họat xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, để khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.
Là Kitô hữu, chúng ta cần xét mình về thái độ của bản thân trước những lời mời gọi dấn thân vì Nước Trời, vì tha nhân của Chúa. Đừng lấy lý do tôi quá bận rộn với công việc làm, với gia đình mà không dành giờ cho Thiên Chúa, không dành giờ cho Nước Trời, không dành giờ lo đến linh hồn mình. Bận rộn chỉ là bình phong che đậy những lười biếng, những tiêu cực. Đừng hỏi tôi có bận hay không, nhưng hãy hỏi tôi có muốn hay không? Vì lòng muốn sẽ thắng vượt mọi trở ngại, mọi bận bịu.
Thánh lễ chính là tiệc cưới Nước Trời mà Thiên Chúa thết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Vậy chúng ta hãy dẹp bỏ đi mọi lo toan của công việc, mọi vướng bận của cuộc sống đời thường để hân hoan tiến đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Sau khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.
Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.
Muốn tham dự tiệc cưới, vào bàn tiệc chưa đủ mà còn phải mặc y phục cho thích hợp. Y phục đó tượng trưng cung cách sống đạo, trang phục bằng những đức tính và tinh thần của Ðức Kitô. Là người Kitô hữu, cần sống cho xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu mới được vào Nước Trời. Ân sủng không chỉ là
Chiếc áo cưới vào dự tiệc Nước Trời chính là ơn Thánh tẩy của Bí tích Rửa Tội. Ngày chịu phép rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu được nhắn nhủ: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Ktiô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.”
Mỗi một Kitô hữu đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là chiếc áo trắng ngày chịu phép Rửa tội. Chiếc áo trắng ấy là tâm hồn thanh khiết của những người con Chúa đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải nâng niu, gìn giữ suốt cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải tinh tuyền cho đến ngày bước vào dự tiệc cưới trong Nước Trời.
Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.
Đành rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng qua cách ăn mặc cũng chứng tỏ cho người khác thấy phần nào con người của mình. Khi đến thăm gia đình của người bạn với quần áo lịch sự, chứng tỏ rằng chúng ta kính trọng người bạn đó. Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, các Kitô hữu mặc y phục đẹp nhất của mình, chứng tỏ mình kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng anh chị trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng đối với chính bản thân mình.
Quần áo bề ngoài xã hội như vậy, nhưng còn y phục của tinh thần và linh hồn nữa. Mỗi lần đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi; y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa.
Rất nhiều khi chúng ta đã coi thường bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta đến nhà Chúa với một tâm hồn không chuẩn bị gì, chẳng có tâm tình cầu nguyện, và cũng không chịu lắng nghe lời Chúa. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo thái độ khinh thường đó rằng: “Trói chân tay nó lại, ném nó vào nơi khóc lóc nghiến răng ! Vì những kẻ được mời gọi thì nhiều, còn những người được chọn thì ít”.
Y phục phải xứng với kỳ đức. Chiếc áo cưới của Kitô hữu không được dệt bằng lụa là gấm vóc, không được mua từ hàng hiệu đắt tiền nhưng chính là lòng khiêm hạ, lòng tin, lòng cậy, lòng mến Chúa, lòng mến đối với anh chị em đồng loại.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen (Thánh Augustinô)
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
CỬA TRỜI RỘNG MỞ – Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”(Mt 22,14).
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa được nghe một dụ ngôn nữa của Chúa Giêsu.
Thử hỏi Chúa muốn nói gì với người nghe Chúa lúc đó và chúng ta hôm nay?
Đây là dụ ngôn có tính cách đặc biệt. Ý nghĩa của nó tương đối cũng dễ hiểu.
– Vua ở đây là Thiên Chúa
– Tiệc cưới là Nước Thiên Chúa.
Trong Cựu Ước các ngôn sứ thường diễn tả giao ước giữa Thiên Chúa và dân tộc Do thái như một cuộc hôn nhân mầu nhiệm. Tân Ước cũng lấy lại ý tưởng này và áp dụng vào sự liên kết giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài.
– Đầy tớ là các sứ giả của Chúa. Trong Cựu Ước là các ngôn sứ. Trong Tân Ước là các tông đồ.
– Khách được ưu tiên mời gọi trước hết là dân tộc Do Thái.
– Những người đến sau là mọi dân tộc.
– Áo cưới chỉ ơn thánh được coi như trang sức cho tâm hồn.
Theo câu truyện trong bài dụ ngôn thì chúng ta thấy có 3 lần mời…ba lần mời hay ba lần đi mời cũng vậy.
* Lần mời thứ 1 dành cho những người được tuyển chọn nhưng họ đã không tới.
* Lần mời thứ hai lặp lại lời mời lần thứ nhất và đối tượng được mời cũng y hệt như lần thứ nhất. Và những người được mời vẫn từ chối. Lần từ chối này có tính cách quyết liệt hơn.
* Lần mời thứ ba là một lần mời đặc biệt. Thông thường thì chúng ta thấy trong thực tế khó mà có truyện như vậy. Thế nhưng chúng ta phải nhớ đây là một dụ ngôn. Và trong dụ ngôn thì có thể có nhiều truyện kể cả những truyện mà thực tế không thể xẩy ra được. Ở đây chúng ta thấy nhà Vua đã làm một việc hơi khác thường. Sau khi những người được nhà vua mời để dự tiệc cưới của hoàng tử đã không ai tới mặc dầu nhà Vua đã kiên trì nhẫn nại mời họ đến lần thứ hai.
Tới đây thì sự kiên nhẫn của nhà vua dường như đã đến cái giới hạn của nó. Nhà vua không thèm để ý đến những người đã dược mời trước nữa. Nhà Vua đã ban lệnh cho các thuộc hạ của mình để họ đi ra các ngã ba đường mời tất cả mọi người, phải…tất cả mọi người bất kể họ là hạng người như thế nào để họ vào cho đầy phòng tiệc. Phải nói là thái độ của nhà vua lúc này đã có một cái gì khác lạ…
Ý nghĩa câu truyện như thế nào?
Các nhà chú giải Kinh Thánh hầu như đã có một sự nhất trí rất cao về ý nghĩa của dụ ngôn này.
Ba lần này tương đương với ba giai đoạn trục trong lịch sử Cứu độ.
– Giai đoạn 1 bắt đầu từ khi Chúa chọn dân Do Thái cho tới cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.
– Giai đoạn thứ 2 bắt đầu từ Ngày lễ Ngũ tuần cho tới cái chết của tông đồ cuối cùng.
– Và giai đoạn thứ ba tiếp liền sau đó. Đó là thời kỳ lương dân được kêu gọi.
* Ở giai đoạn thứ nhất chúng ta thấy dân Do Thái là một dân được tuyển chọn để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Cứu thế. Việc Chúa Cứu thế đến với con nguời là một hồng ân. Lý ra thì những người Do Thái phải là những người đầu tiên được hạnh phúc đón nhận hồng ân đó. Thế nhưng thực tế đã không xảy ra như vậy. Họ đã từ chối những ơn Chúa ban cho.
* Tới giai đoạn thứ hai chúng ta thấy, sau khi Chúa Giêsu về trời rồi thì đối tượng ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng cũng vẫn là những người Do Thái, những người Do thái ở quê hương cũng như những người Do Thái hải ngoại. Thế nhưng lần này cũng như lần trước, những người Do Thái vẫn lãnh đạm với Tin Mừng. Thậm chí họ còn bắt các tông đồ mà giết đi.
Xin mở một dấu ngoặc ở chỗ này.
Rõ ràng ở đây chúng ta thấy: Những lý do khiến người ta khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa không phải là những lý do xấu. Người thì ra ruộng, kẻ đi buôn, người thì làm nhưng công việc khác cần thiết cho đời sống của mình. Không ai khước từ để đi chơi bời, nhậu nhoẹt say sưa hay làm những việc vô đạo đức. Vậy phải chăng làm như thế là có lỗi? Ở dây chúng ta phải để ý đến điều này: Rất nhiều khi trong cuộc sống, con người thường hay để ý đến những điều tạm bợ và quên đi những giá trị cao hơn. Và thảm kịch của đời sống nhiều khi không phải là cái xấu nhưng nhiều lúc lại chính là cái tốt. Rất nhiều khi ta vì quá bận rộn mưu sinh mà quên lo cho chính cuộc sống, quá bận rộn vào việc tổ chúc đời sống mà quên đi chính đời sống của mình. Ngày xưa đã thế và ngày nay cũng vậy. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi cuộc sống như vậy là cuộc sống nông cạn.
Ở đây Chúa đã không nhấn mạnh đến hình phạt. Ngoại trừ đối với những kẻ quá ác nhân ác đức: Bắt giết cả các đầy tớ của vua. Hình phạt thì ai cũng rõ: Thành Giêrusalem đã bị tàn phá vào năm 70.
* Và bây giờ xin được tiếp sang giai đoạn thứ ba. Đây là giai đoạn của lương dân nghĩa tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc được mời gọi….Trong số những người này có cả chúng ta nữa.
Tất cả được mời gọi do lòng quảng đại của vua.
Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào Hội thánh Ngài và chúng ta đã chấp nhận bằng cách lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Bí tích Rửa tội làm cho con người chúng ta thành Con Thiên Chúa.
Trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội Giáo Hội trao cho chúng ta một chiếc áo trắng với lời nhắn nhủ: Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này và hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức Kitô Chúa chúng ta để được sống đời đời.
Bí tích Rửa tội là một hồng ân. Nhưng chỉ lãnh nhận mà thôi thì chưa đủ mà còn phải sống ơn Bí tích Rửa tội nữa. Nói thế có nghĩa là chúng ta phải thay đổi nếp sống cũ, thói quen xấu, tội lỗi trước đó, để sống đời sống mới theo gương của Chúa Giêsu như thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, (Rm 13,14) và trở nên đồng hình đồng dạng với Người (Phil 3,10). Nói khác đi, không phải cứ ghi tên vào sổ Rửa tội và Thêm sức là đương nhiên được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cũng như khách được mời dự tiệc, tuy đã được vào phòng tiệc, không những không được ăn mà còn bị đuổi ra ngoài vì không mang lễ phục tiệc cưới thì những người đã được Rửa tội cũng tương tự như thế. Nếu không giữ được chiếc áo trắng tinh tuyền nghĩa là không có tâm hồn trong sạch thì họ không xứng đáng với những hồng ân Chúa ban.
Ơn Chúa ban là một hồng ân nhưng không, nhưng không phải là một hồng ân vô điều kiện. Muốn được hưởng hồng ân của Chúa con người tối thiểu phải có một số điều kiện nào đó.
Xin được kết thúc bằng một câu truyện nhỏ:
Alexandre đại đế lúc còn làm hoàng đế đã xây dựng đế quốc Hy lạp hùng mạnh vào thế kỷ IV trước Công Nguyên. Một ngày kia thấy một người lính lỗi bổn phận bị điệu đến trước mặt. Hoàng đế hỏi:
– Ngươi tên gì ?
– Thưa bệ hạ, thần tên là Alexandre.
– Như vậy là ngươi mang cùng một tên với ta!
Và Đại đế thịnh nộ nói lớn :
– Nhà ngươi hãy sống xứng đáng với tên của mình, nếu không thì hãy đổi tên đi!
Vâng hãy làm một cái gì đó cho xứng với hồng ân của Thiên Chúa. Tình thương của Chúa như giòng suối không bao giờ cạn. Cửa Trời chỉ rộng mở cho những ai vẫn luôn giữ được chiếc áo trắng tinh tuyền ngày họ được trở thành con Thiên Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI- Trích Logos A
Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử cổ đại là đám cưới của Alexandre Đại Đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ IV trước công nguyên.
Đám cưới được tổ chức trong 7 ngày 7 đêm, khắp nơi đều có yến tiệc linh đình. Để tăng thêm phần long trọng, Alexandre Đại Đế đã tổ chức những cuộc tranh tài thể thao. Thế Vận Hội (Olympic) đã được khai sinh từ đó. Chính Đại Đế đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc, thông thường là những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng người đoạt chức vô địch, sẽ nhận được cành lá chiến thắng tượng trưng cho vinh quang lẫy lừng.
Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay kể cho chúng ta nghe dụ ngôn Tiệc Cưới. Tiệc cưới này còn vĩ đại hơn tiệc cưới giữa Alexandre Đại Đế và công chúa Roxane, vì đây là bữa tiệc Nước Trời, tiệc cưới giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Tiệc cưới đã diễn ra qua biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Tất cả nhân loại được mời đến dự tiệc cưới lớn lao của ơn cứu độ này.
Tiệc cưới và khách mời
Trong bài Tin Mừng, để diễn tả bữa tiệc cứu độ, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới ông vua tổ chức cho hoàng tử. Dĩ nhiên, đây là một đại yến tiệc hoàng gia, một bữa tiệc đầy vinh dự. Khách được mời chắc hẳn là những ông hoàng bà chúa, hay ít ra cũng phải là những người khá giả và có địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, những vị khách quý này đã tỏ ra hết sức khinh thường và hung dữ đối với các sứ giả nhà vua. Không những họ từ chối lời mời, mà còn nhục mạ và sát hại những người được nhà vua phái đến. Nhà vua tức giận trừng phạt những con người hung ác kia và cho gia nhân ra các ngả đường mời bất cứ ai, bất luận tốt xấu, đến dự tiệc và phòng tiệc chật ních khách mời.
Qua dụ ngôn Tiệc Cưới, Chúa Giêsu tỏ rõ cho người Do Thái biết rằng : Họ chính là dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, là khách mời đặc biệt của bữa tiệc Nước Trời. Nhưng khi Chúa Giêsu đến, loan báo ngày mở tiệc và mời gọi họ, thì họ lại khước từ. Vì thế, Israel đã được thay thế bằng các dân tộc khác, kể cả những người ngoại giáo và tội lỗi. Bữa tiệc được mở rộng đến mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới. Dụ ngôn Tiệc Cưới mạc khải tính cách phổ quát của ơn cứu độ.
Qua các thời đại, Thiên Chúa vẫn sai các sứ giả của Người đi qua mọi nẻo đường thế giới, mời gọi mọi người đến dự tiệc ơn cứu độ. Thiên Chúa không chọn lựa khách mời, nhưng mời gọi tất cả mọi hạng người và mọi người đều có cơ hội dự tiệc Nước Chúa. Thiên Chúa không loại bỏ ai, nhưng con người tự loại bỏ chính mình khi từ khước Thiên Chúa.
Tiệc cưới và áo cưới
Trong ngày hôn lễ, “chiếc áo cưới” không những cần cho cô dâu chú rể, nhưng còn cần cho cả khách mời. Y phục đẹp đẽ người ta mặc trong các tiệc cưới chứng tỏ sự tôn trọng của họ đối với mọi người và cũng là để góp phần làm tăng thêm sự trang trọng và niềm hân hoan cho bữa tiệc.
Tuy nhiên, trong câu chuyện dụ ngôn, một người đến dự tiệc cưới mà không mặc y phục lễ cưới, nhà vua đã đuổi người ấy ra khỏi phòng tiệc và trừng phạt đích đáng. Qua sự kiện có tính cách ẩn dụ đó, Chúa Giêsu chỉ muốn dạy rằng : tiệc cưới là hình ảnh Nước Trời, “chiếc áo cưới” tượng trưng cho nếp sống phù hợp với Nước Trời.
Giáo Hội là nơi qui tụ mọi người đến dự bàn tiệc Thiên Quốc. Giáo Hội gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới và quy tụ các tội nhân nhiều hơn các vị thánh. Tuy vậy, khi bước vào Giáo Hội, người ta phải hội đủ những điều kiện cần thiết và căn bản. Một trong những đòi hỏi của Chúa khi mở rộng cánh cửa Nước Trời cho mọi người : đó là phải mặc y phục lễ cưới. Bộ áo ấy đã được thánh Phaolô phác họa : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa … Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới” (Ep 4, 22-23).
Như thế, bộ áo ấy chính là con người mới, con người đã được biến đổi, được canh tân theo Thần Khí. Con người mới còn là con người biết sống theo Tin Mừng, biết mang lấy hình ảnh Chúa Kitô trong đời sống mình, như lời thánh Phaolô dạy : “Hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27).
“Chiếc áo cưới” còn là chiếc áo trắng tinh tuyền chúng ta được trao cho trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Chiếc áo đó tượng trưng cho tâm hồn trong sạch của chúng ta. Chiếc áo đó giờ đây có còn trong trắng như ngày ta lãnh nhận không ?
Từ tiệc Thánh Thể đến tiệc cánh chung
Trong bài đọc I, tiên tri Isaia đã mô tả bữa tiệc mà Chúa các đạo binh thết đãi các dân tộc. Trong bữa tiệc đó, người tham dự không chỉ được thưởng thức những món ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu tủi hổ và tang chế. Đó chính là hạnh phúc Nước Trời được ban cho tất cả mọi người không phân biệt ai.
Hôm nay, trước khi được dự tiệc cánh chung, bữa tiệc Thiên quốc ta hằng mong chờ, Chúa cho ta được hưởng nếm tiệc lời Chúa và tiệc Thánh Thể hàng ngày. Nơi đó, không những Chúa trao ban lời Ngài, mà còn ban chính Thịt Máu Ngài để nuôi sống ta. Qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta được qui tụ lại trong tình hiệp nhất yêu thương. Chúng ta hãy đến với Chúa Thánh Thể để được lãnh nhận lương thực thiêng liêng cho tâm hồn mỗi ngày, miễn là chúng ta biết cởi bỏ con người cũ với mọi tính hư tật xấu và mọi hận thù ghen ghét, để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Chúng ta cũng hãy gìn giữ tấm áo trắng tinh tuyền ngày chịu phép Thánh Tẩy. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng “chiếc áo cưới” lại rất cần thiết để ta được Thiên Chúa đón nhận vào dự tiệc Nước Trời mai sau.
Trong tập bài giảng “Suy Niệm Lời Chúa” (Xuất bản năm 1993), linh mục Hồng Phúc, DccT, khi đề cập đến gương anh hùng của các vị tử đạo Việt Nam vô danh, ngài kể :
“Có một thiếu phụ bị bắt vì theo đạo và bị kết án tử hình bằng một hình phạt khủng khiếp : bị voi giày !
Khi còn 2 ngày nữa phải ra pháp trường, bà xin người nhà gửi cho bà một bộ áo cưới hợp thời trang. Bà nghĩ trong lòng: ngày bà chết là ngày bà gặp vị Tân Lang là chính Chúa Giêsu.
Giữa pháp trường, trước mặt đông đảo anh chị em lương dân, khi ba hồi chiêng trống vừa gióng lên, người ta thấy thiếu phụ bước ra, ăn mặc như cô dâu trong ngày cưới. Bà tiến lên, duyên dáng thướt tha, trong tay cầm chiếc quạt phe phẩy. Ngay lúc ấy, con voi chồm tới, hất tung bà lên trời, rồi chà đạp phũ phàng dưới chân, như người ta chà đạp một cành hoa màu máu”. Chiếc áo cưới của bà loang máu hồng. Chiếc áo đẹp biết bao, vì đó là chiếc áo tình yêu”.
Để chiếc áo tình yêu của đời ta luôn trinh trắng, chiếc áo ấy phải được giặt trong hy sinh từ bỏ, trong máu hồng cuộc tử đạo liên lỉ của đời người tín hữu. Chính chiếc áo ấy giúp ta xứng đáng dự tiệc thiên quốc mai sau.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- Năm A
CỬA NƯỚC TRỜI LUÔN MỞ NHU7G Y PHỤC PHẢI XỨNG HỢP- Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
Lại một dụ ngôn khác về Nước Trời được trình bày cho chúng ta với chủ đề sâu xa tương tự như các Chúa nhật trước. Thiên Chúa luôn đi bước trước, “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ” (Tv 22) “đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25, 6) ; “ Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa ” (x. Tv 22) “theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 4, 12). Nước Trời luôn rộng mở cho hết thảy mọi người, bất luận tốt xấu, miễn là phải có y phục xứng hợp : “Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới ” (Mt 22, 9).
Lời mời gọi phổ quát
Qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã mời gọi dân Ngài đi vào trong giao ước, chia sẻ tình yêu với Ngài. Nhưng tiếc thay, con người luôn đáp lại một cách khác, ngược đãi, xua đuổi các tiên tri. Giao ước không được đáp trả. Nhưng Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, tiếp tục mở tiệc mời con người tới dự tiệc giao ước mới và đó chính là niềm vui cho mỗi người chúng ta.
Những người đầu tiên được đức vua mời đến dự tiệc cưới, nhưng viện cớ lấy lý do “như đi thăm trại…đi buôn bán” để từ chối (Mt 22, 5-6). Vì họ từ chối, nên những người khác được mời vào chia sẻ niềm vui với gia đình hai bên và đôi bạn trẻ.
Khác với những người được mời trước, những người được mời sau chẳng có công gì cũng được mời dự tiệc cưới. Họ chỉ có cơ may là được các người đầy tớ gặp ở ngã ba đường. Họ thuộc đủ mọi thành phần, bình thường không ai để ý tới.
Chúng ta tự hỏi : Liệu họ có hy vọng, có trông đợi mình được mời dự tiệc cưới kia không ? Isaia trả lời. Mọi người đều sống niềm hy vọng vì trong con người có một sự chờ đợi vô song. “Này đây Chúa chúng ta…nơi Người, chúng ta đã tin tưởng…vì ơn Người cứu độ” (Is 25). Họ hy vọng và chờ đợi chứ.
Hy vọng vào lời mời gọi phổ quát này, giả thiết không có một điều kiện tiên quyết nào, cũng không phải là lời mời của những người có lên hệ với nhà vua : “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ…”, cho hết mọi người (Tv 22). Thật khó có thể tưởng tượng, hoặc tin rằng Thiên Chúa ban ơn ơn cứu độ nhưng không cho hết mọi người. Đây chính là Tin Mừng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta.
Hạnh phúc vì được mời
“Tiệc cưới Con Chiên” được sách Khải Huyền mô tả (19, 7, 9) hàm chứa một ý nghĩa sâu xa : “Phúc cho những ai được mời dự tiệc cưới của Chiên Con! ” Thật hạnh phúc cho chúng ta, phúc này vượt quá những gì chúng ta có thể nếm hưởng trên trần gian, đây là yến tiệc Chúa Giêsu ban cho chúng ta.
Sau Chiên Thiên Chúa linh mục mời gọi : “Đây Chiên Thiên Chúa…phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Thánh lễ). Lời này gửi đến tất cả những ai sẽ tham dự vào tiệc cưới Con Chiên. Mỗi Thánh lễ là một lời loan báo và tham dự trước vào yến tiệc Nước Trời, tiệc của Hoàng Tử, Con yếu dấu của Chúa Cha, tiệc của Đức Kitô kết ước với nhân loại. Thánh Têrêsa Avila nói : “Lạy Chúa vị Hôn Thê của con, giờ đã đến, giờ con hằng mong đợi, giờ chúng ta gặp nhau. Ôi lạy Thiên Chúa là tình yêu duy nhất của con! Này là giờ con ao ước từ lâu, tâm hồn con vui sướng khi được kết hợp với Chúa! ” Chúng ta không thể gần Chúa mà không mặc lấy tâm tình của Chúa.
Nhưng phải có y phục lễ cưới
Có một điều khiến người đọc không khỏi thắc mắc và tìm lời giải đáp cho người được mời không mặc y phục lễ cưới, họ vào và bị đức vua ra lệnh: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! ” (Mt 22, 13). Họ đang ở ngã ba đường, đầy tớ đức vua tình cờ gặp họ, mời họ vào bất luận họ là ai, sao lại đòi họ phải có y phục lễ cưới ?
Áo cưới mà Tin Mừng nói tới ở đây là áo nào ? Có phải các bí tích không ? Hay là Phép Rửa tội ? Vì không chịu phép Rửa tội, không ai có thể đạt tới Thiên Chúa được, nhưng có một số người lãnh nhận phép Rửa tội, không đến cùng Thiên Chúa… Có thể là bàn thờ hay điều người ta lãnh nhận từ bàn thờ không ? “Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Cr 11, 29). Vậy thì là cái gì ? Ăn chay ư ? Những kẻ gian ác cũng làm thế. Đi nhà thờ ư? Những kẻ gian ác cũng đi nhà thờ như bao người khác … Vậy áo cưới này là áo nào?
Ở đây, người vào dự tiệc cưới không thụ động, chấp nhận vào thì phải tìm cách thể hiện mình xứng đáng, và đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta.
Đời sống luân lý không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ, Maria Mađalêna, Giakêu và nhiều người khác được mời, họ đã hoán cải để trở nên xứng đáng với Chúa hơn. Áo cưới là những điều tốt, người dự tiệc phải có. Thánh Phaolô nói : “Ðiều lời truyền dạy phải nhằm đưa tới đức mến, phát tự tấm lòng trong sạch, lương tâm thiện hảo, và đức tin không giả hình” (1Tm 1, 5). Đây là y phục lễ cưới.
Người được mời đến dự tiệc cưới không đơn giản chỉ ăn, nhưng chia sẻ niềm vui với họ hàng hai bên, mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, nên phải có y phục xứng đáng.
Chúng ta là những tội nhân được Thiên Chúa mời dự tiệc Nước Trời. Chắc chắn ai cũng muốn mặc chiếc áo cưới tinh tuyền, không vương tội lỗi. Giáo hội Chúa không phải là một xã hội hoàn hảo, gồm có tội nhân, nhưng ý thức được tội lỗi của mình và mong muốn được tha thứ. Áo cưới được hiểu là biểu tượng của sự hoán cải. Sách Khải Huyền nói đến sự thánh và việc lành là chiếc áo bao phủ chúng ta (Kh 19,8). Thánh Giêrônimô thì nói : “Áo cưới, là những thánh chỉ của Chúa, và việc làm được thực hiện theo luật của Tin Mừng là chiếc áo cưới mới”. Chúng ta không thể tham dự vào tiệc cưới con chiến mà không tìm kiếm mặc lấy lòng trắc ẩn, lòng tốt, khiêm nhường trong lòng, từ bi. Áo cưới chính là “Đức Kitô Vị Hôn Phu” thánh Phaolô khuyên : “anh em hãy mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3, 27), chấp nhận hoán cải, thanh tẩy chính mình “để sao cho xứng với Chúa, mà làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự ” (Cl 3, 10). Giờ đây hãy chúng ta hãy nghe lời Chúa : “Mọi sự đã sẵn sàng hãy đến !”
Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- Năm A
TIỆC CƯỚI, ÁO CƯỚI- Radio Veritas Asia
Dụ ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết yếu là đạo của Tin Mừng.
Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.
Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.
Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Đến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Có người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống no nê.
Ước gì niềm vui bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường của chúng ta. Ước gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui tươi, nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.
#cacbaisuyniemloichuachuanhat #suyniemloichuachuanhatxxviiithuongniena