CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
SỨ MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ – Chú giải của Fiches Dominicales 14
PHƯƠNG PHÁP HIỂU QUẢ NHẤT(*)- Lm. Feznandez. 20
CHÚA NHẬT xi thường niên – A.. 26
CHÚNG TA LÀ DÂN ĐƯỢC SAI ĐI- ĐGM Bar. Nguyễn Sơn Lâm.. 26
SỨ MẠNG CỦA NHÓM MƯỜI HAI– Chú giải của Giáo hoàng Học viện Đà Lạt 34
ÁNH MẮT CỨU ĐỘ– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt. 43
CHÚA GIÊSU ĐỘNG LÒNG THƯƠNG- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ 48
CHÚA CHỌN 12 TÔNG ĐỒ – Lm. Micae Võ Thành Nhân.. 51
TUNG CÁNH CHIM KHẮP NƠI- Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT 55
ĐẸO THAY BƯỚC CHÂN NGƯỜI ĐI LOAN TIN MỪNG- Lm. Augustine SJ 60
THIẾU TÔNG ĐỒ- Lm. Minh Vận CRM.. 68
THẦY SAI CÁC CON ĐI- Lm. Thu Băng CRM.. 75
THƯƠNG DÂN CHÚNG LẦM THAN- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm 78
HÃY CẦU CHO ƠN GỌI- Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn DCCT. 82
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, con cái Israel đi đến hoang địa Sinai, và đóng trại ở đó. Israel cũng dựng nhà xếp trên triền núi. Còn Môsê thì lên cùng Thiên Chúa. Từ trên núi, Chúa gọi ông và bảo: “Ngươi hãy nói với nhà Giacóp và thông báo cho con cái Israel thế này: Chính các ngươi đã thấy những gì Ta làm cho người Ai-cập. Ta đã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng và đem các ngươi đến với Ta. Từ nay, nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5
Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).
Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ, hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
Xướng: Vì chưng Chúa thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ.
Bài Ðọc II: Rm 5, 6-11
“Nếu chúng ta được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ngài”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, Chúa Kitô theo kỳ hẹn đã chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay người công chính, hoạ chăng có những người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng, nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô, và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9, 36 – 10, 8
“Sau khi triệu tập mười hai môn đệ, Người sai các ông đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng:
“Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.
Ðó là lời Chúa.
SAI ĐI (*)- Chú giải của Noel Quession
Một giai đoạn mới của Tin Mừng Thánh Matthêu bắt đầu từ hôm nay. Sau giai đoạn đầu tiên tập trung xung quanh Bài Giảng Trên Núi, trong đó Đức Giêsu đã trình bày những nền tảng sứ điệp của Người và bắt đầu biểu lộ quyền bính độc nhất mà người có khi thực hiện một vài “dấu chỉ mầu nhiệm” đặc thù… Giờ đây là một giai đoạn mới tập trung xung quanh Bài giảng về sứ mệnh truyền giáo mà Đức Giêsu sẽ kêu gọi con người cọng tác vào sứ vụ của Người.
Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương
Đôi mắt của Đức Giêsu! Cái nhìn của Đức Giêsu! Cái nhìn tuyệt vời ấy mà một số ảnh thánh đã vẽ lại trong đôi mắt to. Có nhiều cách “nhìn”. Một nhân viên vô danh của một thương xá, đã quen với cái nhìn lãnh đạm, nói với một bà khách hàng: “Bà đã nhìn tôi không như mọi người, tôi đoán rằng có “cái gì đó” trong lòng bà…”.
Đức Giêsu “chạnh lòng thương”. Động từ Hy Lạp “esplanchmzô” có nghĩa đen là “xao xuyến trong gan ruột” và gợi lại một từ ngữ Do Thái rất quan trọng “rahamim”, thể hiện vừa “lòng mẹ” vừa “tình yêu”. Trong Tin Mừng, từ ngữ ấy dành riêng cho Thiên Chúa và Đức Giêsu (Lc 10,33; 7,13; 15,20; Mc 9,22; Tv 51,3; Gr 31,20; Is 54,7 Ds 27,16-17). Đức Giêsu để mình xúc động đến ruột gan: Tại sao? Người đã thấy cảnh tượng gì làm cho đôi mắt to của Người bao phủ bóng mờ của lòng thương cảm?
…vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.
Đôi khi lầm than vất vưởng còn được dịch là mệt mỏi, lả đi. Những con người kiệt sức, không còn có thể làm được gì! Một sự chán nản to lớn, sự chán ghét sâu xa trước cuộc đời phi lý không có ý nghĩa gì. Những đám đông không có mục tử. Những con người không có Thiên Chúa. Một nhân loại kiệt sức một cách vô ích trên những nẻo đường không dẫn đến đâu cả… như một bầy chiên đi lang thang bất định…
Phải chăng thân phận của người nghèo trên thế giới đã thay đổi nhiều từ thời Đức Giêsu? Cái nhìn hiện nay của Đức Giêsu trên nhân loại phải chăng rất khác với cái nhìn lúc đó? Còn chúng ta thì sao? Chẳng phải chúng ta được mời gọi để nhìn đến những đám đông đó sao? Những nỗi thống khổ mênh mông của hàng tỉ con người và những trẻ em thiếu ăn trên hành tinh chúng ta. Những nỗi khổ tinh thần của tất cả những người đã thất bại, đã bị bỏ rơi, không cảm thấy mình được yêu thương. Sự suy sụp của những người sống buông xuôi, sử dụng ma túy, hóa rồ dại và tự hủy hoại mình dần dần…
Lạy Chúa! Xin giúp các môn đệ của Chúa chấp nhận cái nhìn của Chúa!
Toàn thể thế giới từ nay ở dưới ánh mắt chúng ta qua màn hình của vô tuyến truyền hình. Những cuộc du hành của chúng ta trong những nước thuộc thế giới thứ ba không chỉ là du lịch. Và trong những thành phố lớn, ngay trước cửa nhà chúng ta, có một thế giới thứ tư của những con người bị đè bẹp. Chúng ta hướng về các thực tại ấy với cái nhìn nào?
Có phải chúng ta sẽ ở trong số những người… dửng dưng, chán chường, thụ động không? Và Đức Giêsu làm gì trước những cảnh tượng đó?
Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”.
Đức Giêsu không phải là một người chán chường. Người nhìn nhân loại như một cánh đồng lúa chín dập dờn dưới làn gió mùa hè. Mùa gặt kia rồi, tất cả đã sẵn sàng. Người ta vui mừng vì mùa gặt đến, nhưng thợ gặt lại ít. Đức Giêsu thừa nhận công việc của Người rất nhiều. Người muốn có những người cộng tác. Ai sẽ đứng dậy để hành động với Người?
Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.
Sự cầu nguyện là hành động truyền giáo đầu tiên. Tại sao?
Tại sao “chủ mùa gặt” tức Thiên Chúa không trực tiếp sai các thợ gặt cần thiết? Tại sao Người yêu cầu chúng ta cầu nguyện”? Người tôn trọng trách nhiệm to lớn của con người: Thiên Chúa cần đến những con người! Mầu nhiệm to lớn của việc cần thiết phải can thiệp bằng sự cầu nguyện, mở ra cho chính chúng ta công việc phải làm ở cánh đồng đó. Nếu bạn cầu nguyện thì người thợ găt đầu tiên mà Thiên Chúa có ngay trong tay Người, chính là bạn. Bạn không chỉ cầu nguyện để gởi những người khác đến công trường, mà bạn hãy đi đến đó! “Lạy Chúa, này tôi đây, tôi xin Chúa hãy sai tôi” (Is 6,8). Người ta lo lắng rất nhiều về trách nhiệm to lớn của việc Tin Mừng hóa. Trên hết, người ta quan tâm về các phương pháp. Nhưng trước khi để cách làm “thế nào” thôi miên, chẳng phải trước tiên người ta cần ý thức lại bản chất sâu xa của “sứ vụ” đó sao. Nhiệm vụ làm tông đồ của chúng ta tùy thuộc vào Đấng Tha Thể Tuyệt Đối (Đấng Khác) sai chúng ta đi…
Đó không phải công việc “của chúng ta”. Chúng ta không làm việc bởi sức mình. Chúng ta ở trong cánh đồng của Thiên Chúa, trong mùa găt của Người, “Đấng muốn rằng nhân loại được cứu” (1Tm 2,4). Từ đó, có sự ưu tiên của việc cầu nguyện trên mọi phương pháp. Và phải chăng khủng hoảng của ơn gọi thực ra chỉ là một khủng hoảng của sự cầu nguyện?
Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Đức Giêsu không có ý định một mình thực hiện công việc của Thiên Chúa: Người trao dự án và quyền bính của Người cho “một ít người”, mười hai người mà Người chọn trong số hàng trăm môn đệ đi theo Người: Chức tư tế thừa tác bắt nguồn từ đây, trong ý muốn tổ chức Giáo Hội của Người.
Con số “mười hai” là con số tượng trưng. Nó ám chỉ mười hai bộ tộc của Israel tạo thành “dân Thiên Chúa” và bảo đảm việc phụng tự mỗi tháng, trong mười hai tháng của năm âm lịch. Vì thế con số mười hai này biểu thị toàn bộ miền “đất hứa”, vì toàn bộ “thời gian”.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan, em của ông, ông Philípphê, và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế, ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Iscarios chính là kẻ nộp Người.
Các sách Tin Mừng đưa ra cho chúng ta danh sách này bốn lần: với một vài sự khác nhau nhỏ nhưng với sự phù hợp tối đa. Matthêu đã tập họp tất cả các tên ấy “từng đôi một”. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Việc thành lập “đội quân” của Đức Giêsu rất có ý nghĩa: Người đã chọn làm những người cộng tác mật thiết cùng lúc một người ‘thu thuế’ bởi nghề nghiệp mà thỏa hiệp với quân chiếm đóng La Mã… và một người thuộc nhóm ‘quá khích’, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chống lại người La Mã. Một sự phối hợp dễ bùng nổ, Matthêu nhấn mạnh: đây không phải do sự ngẫu nhiên…
Chẳng phải là Giáo Hội chủ yếu phải “đa nguyên”, để có thể đảm đương những điểm khác nhau và những xung đột của thế giới… để: giải quyết chúng trong một sự hiệp thông cao cả hơn. “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em: “Hãy yêu kẻ thù” (Mt 5,43-48). Sau hết, chúng ta cũng đoán ra Giáo Hội phải có sự khiêm nhường nào. Trong những người có trách nhiệm, Giáo Hội lúc đó bao gồm “người’ đứng đầu”, Simon Phêrô, người đã chối Đức Giêsu, và “người đứng cuối”, Giuđa, là người đã nộp Chúa cho các đao phủ. Quả là một đội quân đáng thương. Nó chỉ mạnh bởi sự chọn lựa mầu nhiệm mà Chúa Giêsu đã thực hiện: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15).
Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc anh nhà Israel”.
Đức Giêsu sai họ đi! Nào anh em hãy đi! Hãy lên đường! Nhưng chúng ta nhận thấy rằng “môi trường hoạt động” rất hạn chế, trái ngược với sứ vụ bao quát cả hoàn vũ mà Người sẽ truyền lệnh sau khi Người sống lại: “Vậy anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Tại sao sứ vụ đầu tiên này ở Galilê có những sự hạn chế? Có lẽ để nói rằng Thiên Chúa trung tín với điều hứa của Người và Israel phải là người đầu tiên đón nhận Tin Mừng (đó là điều Thánh Phaolô sẽ làm). Nhưng cũng bởi vì xét về phương diện con người, người ta không thể làm tất cả mọi sự: phải bắt đầu và không được ẩn náu trong sự to lớn của nhiệm vụ để không làm gì cả!
Nào anh em hãy đi! Hãy lên đường! Anh em được sai đi. Mỗi sự quy tụ của các Kitô hữu phải hoàn thành trong sự sai đi này: Ite, missa est! Cộng đoàn Giáo Hội, dưới khía cạnh phụng vụ, là một cuộc tập hợp tạm thời phải được chuẩn bị để đi vào thế giới ngõ hầu cùng với mọi người, tín hữu hoặc không phải là tín hữu, tạo thành một “cộng đoàn nhân loại”. Giáo Hội được quy tụ vì Thánh Thể có tính chất “ngôn sứ”: Giáo Hội “nói lên” dự án của Thiên Chúa là “quy tụ lại trong sự hiệp nhất mọi con cái của Thiên Chúa đã bị phân tán”. Giáo Hội nói lên rằng nhân loại từ nhiều phải được làm nên một, theo hình ảnh của Ba Ngôi. “Để tất cả nên một như Chúng Ta, như vậy thế gian sẽ tin” (Ga 17,21). “Sứ vụ”, “sự sai đi” là yếu tính của Giáo Hội. Nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội không phải là tuyển mộ: “Anh em hãy đến gặp chúng tôi!” mà là công bố: “Nước Trời ở đây rồi”; “Thiên Chúa ở với anh em, nơi anh em đang ở”. Trước tiên, phải Tin Mừng hóa, phải rao giảng Tin Mừng.
Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.
Đây là những công thức tượng trung để diễn tả “Dự án” của Thiên Chúa. Mọi đời sống con người đã được Thiên Chúa cư ngụ và có được một ý nghĩa vượt qua chính nó: “bạn sẽ không chết”. Cưới nhau và sinh con cái chính là tin rằng sự sống vượt qua sự chết. Triều đại của Thiên Chúa “đã bắt đầu”. Sự khác nhau giữa người tín hữu và kẻ vô thần, đó là người tín hữu lắng nghe ở đáy lòng, “ý nghĩa” của điều mình sống, và người ấy biết điều đó dẫn đến đâu. Người ấy “tin rằng” Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử và người ấy tham gia vào lịch sử ấy với nhiều ý thức nhất khi làm cho sự sống chiến thắng.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – A
SỨ MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ – Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1). Một sứ mạng bắt nguồn từ “lòng thương xót” của Đức Giêsu.
Sau những hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu tại Galilê, câu 35 cho một cái nhìn tổng quát về hoạt động này: “Đức Giêsu rảo khắp các thành phố, làng mạc, rao giảng trong các hội đường. Công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa mọi bệnh hoạn, tật nguyền, nay đến giờ tổng kết, để tạo một đà lực mới cho sứ mạng. Nguồn mạch của đà lực mới cho sứ mạng này phát xuất từ cái nhìn của Đức Giêsu, từ trái tim Mục Tử nhân hậu của Người, từ “lòng thương xót” của Người đối với “đám đông mệt mỏi rã rời”, tệ hơn nữa, bị những người có trách nhiệm hướng dẫn – Luật sĩ và Biệt phái – bỏ rơi vì những vị này khép lòng lại trước tính chất mới mẻ của Nước Chúa. Họ bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt. Thấy nhiệm vụ quá lớn lao mà phương tiện lại nghèo nàn, trước khi cất tiếng kêu gọi và sai các tông đồ lên đường sứ mạng, Đức Giêsu hướng tầm mắt các môn đệ về phía “ông chủ mùa gặt”: “Hãy cầu nguyện xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến”.
2). Một sứ mạng không khác sứ mạng của Đức Giêsu
Nhân việc Đức Giêsu kêu gọi “mười hai môn đệ”, tác giả Phúc âm phong cho họ tước hiệu “tông đồ” nghĩa là “được sai đi”. Simon được gọi là “Phêrô” đứng đầu, Matthêu người thu thuế “ở chương 9,9; “Giuđa”, “kẻ nộp Người”.
Việc kêu gọi đi liền với việc sai đi truyền giáo được diễn tả dưới hình thức diễn từ, đó là diễn từ thứ 2 trong 5 diễn từ quan trọng của Phúc âm thứ 1 mà ta sẽ đọc Chúa nhật XII và Chúa nhật XIII sắp tới. Đoạn Phúc Âm hôm nay trả lời hai vấn nạn: Họ được sai đến với ai? Sứ mạng của họ là gì?
Đến với ai? Với cuộc hẹn cuối cùng tại Galilê, Đức Giêsu phục sinh đã mở chân trời truyền giáo ra tới “mọi dân tộc” (28,19). Còn hiện tại, những người được sai đi trước hết: “với những chiên lạc nhà Israel”.
Sứ mạng gì? Y hệt sứ mạng của Đức Giêsu. Như Người họ sẽ loan báo việc Nước Thiên Chúa đến. Họ sẽ thực hành những cử chỉ nhân hậu của Chúa, những dấu chĩ mà tác giả Phúc âm, ở 11,2, gọi là “những công việc Đức Giêsu”. Khi nhớ lại rằng họ chỉ hành động như vậy nhờ Đức Giêsu ban các quyền năng của Người cho họ một cách nhưng không, họ đã đi đến một thái độ sống nghèo “Anh em đã lãnh nhận nhưng không, hãy ban nhưng không”.
BÀI ĐỌC THÊM
1). Chính nơi trái tim Đức Giêsu ta tìm thấy động lực cho việc truyền giáo, sứ mạng của ta (Mgr. L. Daloz, le Règne de Diêu s’est approché DDB).
Cho tới nay, Đức Giêsu chưa trao cho những kẻ kêu gọi một nhiệm vụ nào. Giờ đây Người sắp trao cho họ và sai họ đi. Trước đó, Matthêu đã cho ta thấy nguồn cội của sứ mạng của họ: Thấy đám đông, Người động lòng thương, vì họ mệt mỏi rã rời như bầy chiên không người chăn dắt. Rất nhiều lần, Phúc âm đã nói về lòng thương của Đức Giêsu đối với đám đông. Nguồn cội của việc sai đi, của sứ mạng truyền giáo là tình thương của Đức Giêsu, tình thương mà ta gọi là lòng thương xót, không phải là sự hạ cố, nhưng vì tình thương ấy đã nhìn thấy đám đòng mệt mỏi rã rời” và Đức Giêsu đã xúc động… Từ ngừ Hi Lạp còn nói mạnh hơn: Người đau thắt ruột lại. Chính nơi trái tim Đức Giêsu, nơi sự âu yếm của Người, nơi sự xúc động tâm can của Người, ta tìm thấy động lực của sứ mạng truyền giáo của ta. Có lẽ ta nghĩ rằng lời kế tiếp sẽ là lời mời gọi lên đường làm việc thu hoạch mùa màng, vì có quá ít thợ ! Nhưng Đức Giêsu lại không nói điều đó với các môn đệ. Hãy nghe Người: Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến. Tự nguyện chưa đủ. Quảng đại chưa đủ. Còn phải hiệp thông với tình yêu của Chúa Cha, ông chủ ruộng nữa. “Lòng thương xót” của Đức Giêsu diễn dịch tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại lầm lạc. Vâng, thật cần thiết, những người muốn làm việc cho mùa gặt, loan báo Nước Trời, làm chứng Phúc âm, đi kín múc từ nguồn tình yêu làm cho hoạt động của họ có ý nghĩa. Lời kêu gọi trước hết là theo Đức Giêsu. Hiểu biết Đức Giêsu, nhận biết Người là Đấng Cứu Thế, Đấng đến nhân danh Chúa Cha, để Người khai tâm mở trí, chiêm ngắm người, năng lui tới với Người, khám phá bằng nghe Người nói, nhìn Người hành động không mỏi mệt, và tặng ban chính sự sống của Người, thấy Người xúc động vì “thương xót” đến mức nào, thổn thúc vì khổ đau của nhân loại… và như thế, chia sẻ sự bao la, sự sâu xa của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không giới hạn cháy bỏng: Thiên Chúa muốn nhân loại vào một cuộc xuất hành khác với cuộc xuất hành do Mosê hướng dẫn, muốn ban cho nhân loại một cuộc giải phóng vĩ đại hơn! Đó là tất cả điều kiện của một sứ mạng thực sự, không phải là trước khi lên đường, nhưng không ngừng, ở nền tảng của sứ mạng. Trước đây, không biết diều đó, ta vẫn có thể xúc động trước nỗi khổ của con người, trước sự thiếu thốn của họ và dấn thân phục vụ họ, can đảm hành động. Điều đó rất quan trọng, và đó cũng là công việc của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhưng Phúc âm còn đưa ta đi xa hơn: Nó mạc khải tình yêu mà chính Thiên Chúa mang đến cho nhân loại, say mê, không mỏi mệt. Đời sống và cái chết của đức Giêsu là bằng chứng hùng hồn về điều đó. Người mời gọi ta đến chia sẻ tình yêu ấy làm tôi tớ phục vụ tình yêu ấy cho anh em ta, bắt tay vào hành động vì Người sai ta đi truyền giáo truyền giáo không phải là tác phẩm của ta. Cũng không do sáng kiến của ta truyền giáo đâm rễ sâu trong lời cầu nguyện làm trái tim và ý chí ta phù hợp với tình yêu trong trái tim Thiên Chúa. Truyền giáo không thể tách rời cầu nguyện: Hãy cầu nguyện xin chủ ruộng sai thợ gặt đến.
2).Chúng ta là Giáo Hội (L. Sintas, Parole de Diêu pour la méditation ét lhomélie, Médias Paul).
Sứ mệnh trao ban cho các tông đồ cũng là sứ mệnh trao ban cho ta hôm nay. Giáo hội hôm nay chính là chúng ta. Vậy đến lượt ta phải loan báo Nước Thiên Chúa đã đến. Chắc rằng ta không đi tìm mặt trời giữa đêm khuya. Xuyên qua hoạt động hằng ngày, cuộc sống gia đình, nghề nghiệp, ta có thể, hoặc trở nên tôi tớ của Vương quốc sự dữ khi ta gieo rắc chia rẽ, vun trồng ghen tương, ích kỷ, hoặc trở nên chứng nhân cho hoạt động của Thiên Chúa khi trở thành men tình bạn, men bình an, men hoà giải. Cần cầu nguyện để nhắc nhở những gì Thiên Chúa đã làm cho ta dù ta tội lỗi. Nhưng cầu nguyện còn có mục đích giúp ta kiên vững trong sứ mệnh là tác nhân hoà bình, chữa lành bệnh và hiệp thông. Muốn là Kitô hữu, phải làm cho cách hành động của ta phù hợp với niềm tin. Đó là cách duy nhất để trở thành tông đồ, làm cho Giáo Hội nên sống động và có sức hấp dẫn. Thực vậy, đối với những người không cùng chia sẻ niềm tin với ta, thành phần hữu hình của Giáo Hội mà họ thấy được chính là các Kitô hữu cụ thể ở làng ta, trong khu phố ta ở. Là chính chúng ta. Chính ta có trách nhiệm tạo cho Giáo Hội một khuôn mặt của Thiên Chúa, khuôn mặt ấy có sức lôi cuốn mọi người sống quanh ta. Đó là loan báo Nước Thiên Chúa đã đến
3)/Cầu nguyện và truyền giáo (Mgr. R. Coffy, cine Ezlta qui célêber ét quiprie, Le Centurion).
Truyền giáo là lãnh nhận trước khi là hành động. Truyền giáo chỉ là hành động nhân danh Đấng sai đi. Được sai đi chính là hành động nhân danh ai. Nó giả thiết mối quan hệ quen thuộc thông thường giữa người sai và kẻ được sai, trong sứ mạng tông đồ, đó là cầu nguyện. Hoạt động truyền giáo không dựa trên cầu nguyện sẽ có nguy cơ trở nên hoạt động thuần tuý nhân loại chứ không còn là hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi con người. Nói về truyền giáo mà không nói trong cầu nguyện, có thể vi phạm tính cách chân thực của sứ mạng.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – A
PHƯƠNG PHÁP HIỂU QUẢ NHẤT(*)- Lm. Feznandez
1) Tinh khẩn thiết của sứ mạng tông đồ: mùa màng thì nhiều mà thợ gặt lại ít
Bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay vẽ ra một cảnh tượng mà chắc chắn đã thường xuyên xảy ra mỗi khi Chúa Giêsu rảo bước qua các thành thị và làng mạc để rao giảng Nước Trời đang đến gần. Khi nhìn đám đông, Người chạnh lòng thương; Người đã xúc động trước cảnh ngộ khốn khổ của họ vì thấy họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (Mt 9,36). Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37). Ngày nay hoàn cảnh cũng tương tự như thế, có quá ít nhân lực để thực hiện một công trình to tát. Hoa mầu có thể thất thu vì không có người ra đồng mà gặt. Vì thế có một nhu cầu thúc bách các Kitô hữu sống trung tín đơn thành hiệu quả và vui tươi với Hội Thánh và ý thức được những việc cần phải làm. Tất cả chúng ta đều can dự vào công việc này, vì Thiên Chúa đang cần những công nhân, sinh viên đem Đức Kitô đến công trường hay vào giảng đường bằng uy tín và tinh thần tông đồ của họ. Thiên Chúa cần những giáo viên sống mẫu mực, truyền bá nhân sinh quan Kitô giáo, những giáo viên biết tận tụy dành thời giờ cho sinh viên, những giáo viên chính hiệu. Thiên Chúa cũng cần những bậc làm làm mẹ biết quan tâm đến việc giáo dục và đức tin của con cái và đóng một vai trò tích cực trong hội đồng nhà trường, các ủy ban và hiệp hội địa phương.
Khi chúng ta thấy nhiều người đang đi vào con đường sai trái, cuộc đời họ luôn thiếu vắng Thiên Chúa và trong lòng chỉ quan tâm tới của cải vật chất hay khao khát muốn chiếm hữu những của cải ấy, chúng ta không thề cứ ù lì, bất động, “bình chân như vại” mãi được. Vì mặc dù bề ngoài họ có vẻ dửng dưng, nhưng thâm sâu trong tâm hồn, họ vẫn khát khao tìm Thiên Chúa. Họ mong muốn có ai đó nói với họ về Thiên Chúa và những chân lý cứu độ. Nếu các Kitô hữu không lấy tinh thần hy sinh ra mà giải quyết vấn đề này, thì những lời tiên tri của ngôn sứ Giôen ngày xưa sẽ trở thành sự thật mất thôi: Đồng ruộng bị tàn phá, đất đai cũng u sầu như thể chịu tang, vì lúa mì bị tàn phá, rượu mới đã cạn khô, dầu tươi chẳng còn nữa. Hỡi nhà nông, hãy thẹn thùng xấu hổ, kẻ trồng nho, hãy rú lên nào, tiếc cho lúa miến, lúa mạch, vì đồng ruộng chẳng còn gì để gặt hái. Nho cằn cỗi, vả héo tàn, cả lựu, cả chà là lẫn táo, mọi cây cối ngoài đồng đã chết khô. Thế là đã cạn hết niềm vui của con cái loài người (Ge l,1-12). Thiên Chúa mong mỏi hoa mầu được thu hoạch nhưng chúng lại thất thoát chỉ vì sự chểnh mảng của đám thợ gặt mà thôi.
Những lời Chúa Giêsu nói, lúa chín thì nhiều nhưng thợ gặt thì ít, đáng cho chúng ta hôm nay suy gẫm, và hàng ngày xét mình xem: hôm nay chúng ta đã làm cho Danh Chúa được tỏ hiện cho mọi người chưa? Tôi đã nói với ai về Đức Kitô chưa? Tôi đã làm được một việc tông đồ nào chưa? Tôi có quan tâm đến ơn cứu độ của bằng hữu và đồng nghiệp? Tôi có nhận thức rằng nhiều người có thể đến gần Thiên Chúa hơn nếu như tôi dạn dĩ hơn và gương mẫu hơn trong việc chu toàn những nghĩa vụ bổn phận hàng ngày?
2) Không được viện cớ thoái thác.
Thiên Chúa kêu gọi mọi người làm tông đồ. Cầu nguyện là phương thế cần thiết và hiệu nghiệm nhất để thực thi sứ mạng ơn gọi này.
Người ta có thể đưa ra nhiều lời bào chữa cho việc đã không mang Đức Kitô đến với tha nhân – nào là thiếu nhiều phương tiện, chưa chuẩn bị tương xứng, không có thời giờ, nào là vì chúng ta đang sống ở xó xỉnh này có quen biết được bao nhiêu người đâu hay vì chúng ta sẽ phải đi thật xa, hay cho dù ngay trong vùng chúng ta đang sống cũng phải đi thật nhiều. Tuy nhiên Thiên Chúa tiếp tục nhắc nhở tất cả chúng ta, và đặc biệt hơn trong thời đại mà người ta quá dửng dưng với tôn giáo này, rằng mùa màng thì nhiều mà thợ gặt lại ít. Hoa màu không thu hoạch kịp sẽ bị hư thối. Những lời vàng ngọc của thánh Gioan Kim khẩu sau đây cũng có thể giúp chúng ta thấy được là trong khi cầu nguyện, chúng ta có quá dễ dàng thoái thác lời kêu gọi cao quý đến nỗi từ chối làm tông đồ theo như thánh ý Chúa. Không có ai lạnh lùng nn tâm hơn một Kitô hữu mà chẳng biết quan tâm đến ơn cứu độ của tha nhân. Anh em không được dùng sự nghèo khổ mà biện bạch. Bà góa dâng cúng vào đền thờ vài xu kia sẽ tố cáo bạn cho mà xem. Chính thánh Phêrô cũng nói: “Vàng bạc thì Ta chẳng có” (Cv 3,6). Còn Thánh Phaolô còn nghèo đến độ lắm phen phải chịu cảnh đói khát thiếu thốn mọi phương tiện cần thiết để sống, Đừng viện cớ hoàn cảnh khiêm hạ bình dân để biện minh chữa mình. Các Ngài cũng xuất thân từ đám người khiêm hạ nhất đấy thôi. Cũng đừng phân trần kêu ca mình thiếu kiến thức này kia. Các Ngài cũng mù chữ thất học cả đấy. Dù có là nô lệ tôi đòi, hay là khách kiều cư di dân lập nghiệp, anh em phải làm tất cả những gì có thể làm. Ônêsimô trước vẫn thế, và hãy khôn ngoan trong ơn gọi của mình… Đừng kêu ca ốm đau bệnh hoạn để biện minh chữa mình. Timôthê cũng thường xuyên đau ốm đấy thôi… Mỗi người trong chúng ta đều có thể có ích cho những người chung quanh nếu như chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm. Chúng ta muốn trung tín với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ mãi tín trung với Ngài nếu chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể.
Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Thánh Gregoriô chú giải thế này: Khi nghe câu này, chúng ta không thể không cảm thấy buồn, vì chúng ta biết rằng có nhiều người muốn nghe Tin mừng, nhưng cái đang thiếu là thiếu những người đi loan báo cho những tin vui này.
Vì thế để có nhiều người vai kề vai, mỗi một người trong vị trí riêng của mình, cùng nhau làm việc trên thế giới này, chúng ta chỉ có một cách là đi theo con đường chính Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta: Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (Mt 9,37). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu xin Thiên Chúa đánh thức ước muốn, trong nhiều tâm hồn, được góp phần to lớn hơn vào công cuộc cứu độ. Cầu nguyện là những phương tiện hiệu quả nhất để thu phục những tông đồ mới và giúp con người khám phá ra ơn gọi của mình. Trong kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa, ước muốn có thêm những tông đồ phải được chúng ta bộc bạch với Ngài trước mọi điều khác: nài xin khiêm tốn, tín thác và liên lỉ. Tất cả mọi Kitô hữu cần cầu xin Thiên Chúa sai thợ ra gặt lúa về. Nếu chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban nhiều ơn gọi, thì chính chúng ta sẽ cảm thấy thôi thúc hơn, bạo dạn hơn trong công tác tông đồ của chúng ta, vì thế cũng có thể thu hút thêm nhiều thợ gặt mới cho vụ mùa.
3) Cầu xin Thiên Chúa ban nhiều ơn gọi
Bằng cách sai các môn đệ đi trước, Chúa Giêsu đã chuẩn bị xa cho những chuyến đi của Người tới những làng mạc thị thành khác. Công việc ấy mới chỉ là chuẩn bị nhưng cũng là công tác tông đồ cả đấy. Các tông đồ đã đi vào các làng mạc nơi chính Chúa Giêsu sẽ đến. Mọi công tác tông đồ chẳng qua đều là nhắm đến mục tiêu chuẩn bị cho người ta đón nhận Thiên Chúa đến với họ.
Lúa chín vẫn cứ nhiều… chúng ta cứ phải tiếp tục cầu xin Thiên Chúa đánh thức tâm hồn mọi Kitô hữu nam cũng như nữ để họ nhận ra được ý nghĩa ơn gọi trong cuộc đời mình. Họ sẽ nhận thức rằng mình không chỉ muốn sống lương thiện tốt lành, mà còn phải tập tành làm thợ gặt trong cánh đồng của Thiên Chúa, mỗi khi quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nam hay nữ, trẻ hay già đều sống tận hiến cho Thiên Chúa trên đời này; nhiều người độc thân làm tông đồ; cả những Kitô hữu bình thường, trong khi cùng sinh hoạt với mọi người trong xã hội, lại là những người mang Đức Kitô vào tận giữa lòng cuộc đời này.
Hãy cầu xin chủ mùa gặt… chúng ta cũng phải cầu xin cho có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, những ơn gọi đầy hân hoan thánh thiện và trung tín, những ơn gọi rất đỗi cần thiết cho Hội Thánh.
Chúa Giêsu, một mình Người vẫn có thể thực hiện trọn vẹn ơn cứu độ trên thế gian này, nhưng lại muốn cậy dựa vào các môn đệ đi trước mình vào các làng mạc thị thành, và nay là các đại học, các công trường nhà máy, để loan báo những kỳ công, dấu lạ, điềm thiêng và những yêu sách đòi hỏi của Vương quốc Thiên Chúa đang ngự đến. Rõ ràng là Hội Thánh Mẹ chúng ta đang cần những người dấn thân vào con đường tận hiến thánh thiện này. Các Đức giáo hoàng Rôma đã không ngừng nhắc nhở chúng ta nhớ đến nhu cầu khẩn thiết cần có những ơn gọi làm tông đồ, vì công cuộc phúc âm hóa thế giới này đang nằm trong tay những ơn gợi ấy.
Hãy cùng tôi kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, các linh hồn!… các tâm hồn tông đồ! Ho thuộc về Chúa, họ sống cho Chúa, cho Vinh Danh Chúa”. Cuối cùng anh em sẽ thấy Ngài sẽ nhậm lời chúng ta.
Phần tôi, tôi đang làm gì để thu nhận những ơn gọi này? Những ơn gọi này sẽ xuất hiện giữa con cái, anh em, chị em, họ hàng, bằng hữu và người quen biết của chúng ta. Chúng ta đừng quên Thiên Chúa muốn gọi nhiều người. Chúng ta hãy xin Ngài ban ơn thúc đẩy và khuyến khích ơn thiên triệu cho những người chúng ta tiếp xúc hằng ngày.
Chúng ta cũng cầu xin Đức Maria giúp chúng ta lắng nghe nghiêm túc Lời Chúa hôm nay và quyết tâm làm tất cả những gì chúng ta có thể, với ý thức khẩn trương và liên tục nhờ vậy để chúng ta sẽ được thấy nhiều thợ gặt đến làm việc trong cánh đồng Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho mình niềm vui được làm dụng cụ cho Chúa Giêsu mời gọi người khác. “Tin vui đây: một “gã khùng” khác sắp vào nhà thương điên đây… Và tất cả mọi chuyện đều trở nên hồ hởi phấn khởi qua lời lẽ của anh thuyền chài nọ… Xin Thiên Chúa làm cho những mẻ lưới của anh em đầy tràn.”
Thiên Chúa không bao giờ quên được ‘anh chàng thuyền chài’ đó đâu.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚNG TA LÀ DÂN ĐƯỢC SAI ĐI- ĐGM Bar. Nguyễn Sơn Lâm
Chúng ta họp nhau lại đây để dâng Thánh lễ, tức là để nghe Lời Chúa hướng dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm giao ước mới, ký kết trong Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, hầu trở thành Dân Thiên Chúa ở giữa trần gian một cách hoàn toàn hơn. Như vậy thì những bài đọc Thánh Kinh vừa nghe rất thích hợp để suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta.
- Quá Khứ, Chúng Ta Là Dân Ðược Tuyển Chọn
Quả vậy, trước đây chúng ta là gì? Chúng ta không tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn hay sao? Chúa Yêsu đã nhìn thấy chúng ta như thế. Và Người thương chúng ta, như lời bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc.
Chúng ta có thể kiểm chứng một cách dễ dàng. Trước khi vào nhà thờ này, chúng ta không phải mỗi người một ý hay sao? Tâm trí chúng ta khác nhau hết thảy. Và tâm hồn chúng ta thật lộn xộn bơ vơ. Hằng trăm ưu tư lo lắng dày vò chúng ta mỗi người mỗi cách. Một lũ chiên bơ vơ có lẽ còn ít vấn đề và ít khác nhau khác nhau hơn là chúng ta. Bởi vì những con chiên vô linh tính kia không có những lương tâm xâu xé như tâm hồn đôi khi nhiều tội lỗi của chúng ta. Thánh Phaolô viết: trước đây chúng ta là những kẻ có tội. Phải, không nhiều thì ít quá khứ của chúng ta đã có nhiều nét buồn thảm. Chúng ta không khác dân Dothái bao nhiêu, hồi họ còn ở Aicập. Cuộc đời nô lệ lam lũ của họ là hình ảnh của lúc chúng ta sống trong tội lỗi.
Nhưng như bài sách Xuất hành hôm nay nói: chính chúng ta đã thấy Chúa làm những gì cho chúng ta ở trong quá khứ. Ðối với dân Dothái, Người đã bồng họ lên đôi cánh phượng hoàng mạnh mẽ của Người để đưa họ ra khỏi Aicập. Còn đối với chúng ta trước đây sống trong tội lỗi, thì thư thánh Phaolô nói, Chúa Yêsu đã phải giang hai cánh tay chịu chết trên Thánh giá để cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi. Và Người đã phải thiết lập Giáo hội các Tông đồ để xua trừ ma quỷ, phục sinh chúng ta và đưa chúng ta vào nếp sống mới.
Quả thật, quá khứ của chúng ta không tốt đẹp bao nhiêu. Dĩ vãng của mỗi người được mô tả trong dĩ vãng của Dân Chúa. Và quá khư của Giáo hội hay giáo xứ chúng ta được phác họa trong lịch sử dân Dothái. Xưa kia họ là những tên nô lệ bị bóc lột đến tận xương tủy. Vất vả lầm than và nhục nhã ê chề. Họ không biết nhau cũng chẳng hề biết tới một vị thủ lãnh nào có thể tập họp và ban sức mạnh để họ có thể ra khỏi chốn lưu đày khổ sở. Nhưng chính Chúa đã có sáng kiến; Người sai Môsê đến kêu gọi họ ra khỏi cảnh lầm than. Thoát ách nô lệ, họ còn là mớ người khố rách áo ôm đi lang thang trong sa mạc. Từ đỉnh núi Sinai, Chúa lại hiện xuống nói với Môsê tập họp họ lại, ban cho họ một giao ước để họ làm thành dân, một dân đặc biệt giữa muôn dân nước.
Lịch sử đó là lịch sử của mỗi người và của tất cả chúng ta trước khi được nhận vào Giáo hội và một phần nào đó, trước khi vào nhà thờ này để cử hành lễ giao ước. Chúng ta thật như chiên lạc bơ vơ, lo lắng mỗi người mỗi lối. Nhưng Thiên Chúa đã tập họp chúng ta lại ở đây, làm thành Giáo hội, làm nên Dân của Người để hiện tại chúng ta không còn như trước nữa, và tương lai lại còn huy hoàng hơn nhiều. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn vào hiện tại.
- Hiện Tại, Chúng Ta Là Dân Ðược Sai Ði
Ở đây hình ảnh dân Dothái trong quá khứ cũng giúp chúng ta hiểu biết thân phận của mình. Sách Xuất hành viết, ở dưới núi Sinai, Thiên Chúa đã phán với dân Dothái: nếu các ngươi nghe và giữ Lời Ta, các ngươi sẽ là kỷ phần của Ta ở giữa các dân tộc. Các ngươi sẽ là một nước tư tế và một dân thánh thiện của Ta.
Những lời thật rõ ràng và cương quyết. Giao ước Sinai chỉ gồm những câu khẳng định này: nếu Dân giữ Lời Chúa thì họ sẽ là phần đặc biệt của Người giữa các dân tộc. Họ sẽ là dân tư tế và thánh thiện của Người. Chúng ta tạm không nói tới điều kiện Chúa đòi hỏi Dân phải nghe và giữ Lời Chúa. Chúng ta tìm hiểu Chúa đã hứa gì với họ.
Người sẽ coi họ là phần riêng của Người ở giữa các dân tộc. Nghĩa là đang khi mọi dân tộc đều thuộc về Chúa và là của Người hết thảy, Người sẽ cho Israel một chỗ đứng riêng biệt; Người coi họ là phần riêng, là gia sản độc đáo của Người. Người sẽ đổ dồn tình thương và ân sủng xuống nơi họ, không phải để các dân tộc không còn được gì nữa, nhưng để mọi dân nước chỉ được chúc phúc với Abraham và dòng dõi ông.
Chúng ta thử suy nghĩ! Israel trước đây là những tên nô lệ chẳng có một chút giá trị nào. Thế mà bây giờ được thành dân ưu việt, không những hơn mọi dân khác, mà còn trở nên nguồn mạch phúc lành của Chúa các dân tộc ban cho mọi dân nước.
Tuy nhiên địa vị ưu việt sánh với các dân vẫn không đáng kể bằng giá trị của Israel ở trước mặt Thiên Chúa. Ðó là con cưng của Người. Là dân tư tế. Là dân thánh thiện. Phải có cả lịch sử sau này mới triển khai được những vinh dự phong phú ấy. Hiện tại chúng ta thấy Israel là Dân được Chúa săn sóc đặc biệt, khác mọi dân ngay cả về tổ chức. Ðang khi các dân có vua quan cai trị, những người đứng đầu Dân trong nếp sống trung thành với Giao ước. Thế nên Samuel đã khó chịu khi thấy Dân muốn một vị vua lên cai trị Dân để giống như mọi dân khác. Vì giống như các dân thì không còn là dân ưu việt nữa.
Ðồng thời dân ưu việt cũng là dân thánh thiện, tức là thuộc về Ðấng Thánh và tham dự vào sự sống siêu đẳng của Người. Nhưng chúng ta biết, dân Dothái đã không nghe và giữ Lời Chúa. Họ muốn tổ chức như các dân khác và như vậy cũng đã trở thành dân tội lỗi như mọi dân. Ðến nỗi khi Ðức Yêsu Kitô đến, Người đã nhìn thấy cảnh tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Và bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Người đã thiết lập chúng ta nên Dân Mới của Người.
Người gọi 12 môn đệ đến, tượng trưng cho tổ phụ của 12 chi họ trong Dân Mới. Người cho họ quyền làm được công việc mà Môsê xưa đã làm một cách bề ngoài. Vì chúng ta biết, trước khi tập họp Dân đến dưới Sinai để đón nhận giao ước, ông đã làm lễ thanh tẩy cho Dân. Bây giờ Chúa Yêsu ban quyền cho 12 môn đệ xua được xua đuổi tà thần và chữa lành mọi bệnh tật là hình ảnh tội lỗi dơ nhớp tâm hồn.
Chúa đặt họ làm Dân Mới, làm người đứng đầu Dân Mới của Người với sứ mạng đi rao giảng Nước Trời. Họ sẽ không trị dân như vua quan nơi mọi dân nước. Họ là hàng tư tế thánh. Họ sẽ làm nên một dân thánh thiện vì họ sẽ ra đi chữa lành ngay cả những người phung và phục sinh kẻ chết, chứng tỏ họ sẽ tạo nên một nếp sống mới, thánh thiện ở mọi nơi.
Tất cả những gì Thiên Chúa đã muốn làm cho dân Israel và họ đã để mất, thì nay Người làm cho Giáo hội và cho chúng ta. Giờ này chúng ta đã được triệu tập lại đây để nghe Lời Chúa. Người sẽ ký kết Giao ước mới với chúng ta trong Máu Thánh của Con Người để chúng ta trở nên Dân được chọn làm sở hữu; chúng ta tham dự vào lễ tế của Ðức Kitô và chịu lấy Mình Thánh Người để chúng ta là dân tư tế, được nuôi sống, lãnh đạo nhờ sứ vụ tư tế ở trong Giáo hội; chúng ta trở nên thánh thiện, tham dự vào mầu nhiệm thánh, lãnh nhận các ơn thánh để ra đi thánh hóa các dân tộc.
Ở Sinai, Lời Chúa đã nhấn mạnh đến việc giữ Giao ước. Còn ở đây, Chúa sai chúng ta ra đi ban phát nhưng không những gì chúng ta đã đón nhận nhưng không ở nơi này, tức là ơn thánh hóa đời sống và tâm hồn, ơn tham dự vào mầu nhiệm lễ tế của Ðức Kitô Thượng tế, ơn trở thành Dân ưu việt của Thiên Chúa chúng ta.
Hiện tại chúng ta là thế, còn ngày mai sẽ thế nào?
- Tương Lai Chúng Ta Ðã Ðược Bảo Ðảm
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay không hồ nghi tí nào về tương lai của Giáo hội và của chúng ta. Niềm tin của người có cơ sở vững vàng. Người nói khi chúng ta còn là tội lỗi mà Thiên Chúa cũng đã chết cho chúng ta thì huống hồ bây giờ khi chúng ta đã được công chính hóa, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ðức Yêsu Kitô.
Chúng ta không thể nào không đồng ý với lập luận của thánh Tông đồ. Khi chúng ta còn trong tội lỗi, Thiên Chúa đã chứng tỏ một lòng nhân nghĩa lạ lùng. Người ta có thể chết cho một lý tưởng và hy sinh đời mình cho một bậc cao trọng, chứ chẳng có ai lại nhận chết cho một người có tội. Thế mà Thiên Chúa đã làm công việc như thế cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.
Người đã yêu thương chúng ta khi còn tội lỗi, thì không lẽ Người lại không quý chuộng chúng ta hơn nữa lúc chúng ta đã được công chính hóa nhờ sự chết của Con Một Người.
So sánh như vậy đã cho phép thánh Phaolô đi sang một so sánh thứ hai. Trước đây lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa đã biểu lộ ra trong sự chết của Ðức Yêsu Kitô để công chính hóa chúng ta, thì bây giờ lòng nhân nghĩa ấy phải được diễn tả ra trong sự sống của Ngài: nghĩa là nếu chúng ta đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ việc Ðức Kitô chết trên Thập giá, thì bây giờ chúng ta phải đáng được sống trong ơn của mầu nhiệm Ðức Kitô phục sinh nơi vinh quang Thiên Chúa.
Về sự sống phục sinh này, biết nói làm sao cho hết và diễn tả thế nào được bằng ngôn ngữ loài người? Thánh Phaolô chỉ biết nói rằng chúng ta sẽ được vinh hiển trong Thiên Chúa, vì sự sống hiện tại của Ðức Kitô phục sinh là sự được vinh hiển trong vinh quang thần tính. Dĩ nhiên có nhiều đoạn văn Kinh Thánh khác đã cố gắng mô tả vinh quang để dành cho chúng ta sau này trong tương lai. Nhưng tất cả vẫn chỉ là niềm tin. Và giá trị của niềm tin ấy căn cứ vào hạnh phúc hiện tại chúng ta đang nắm giữ: đó là đã được giao hòa với Thiên Chúa trong Máu Ðức Kitô để trước đây chúng ta như chiên bơ vơ lạc lõng nhưng bây giờ chúng ta đã nên phần riêng của Thiên Chúa, trở thành dân tư tế và thánh thiện của Người. Chúng ta là lúa chín mà Chúa đã sai các Tông đồ đến gặt để đưa vào gia sản của Thiên Chúa.
Mà thực vậy, giờ đây chúng ta sắp được thu lại để dâng lên bàn thờ. Chúng ta mỗi người mỗi khác và có thể nói rời rạc bơ vơ. Nhưng tất cả chúng ta, đời sống chúng ta, buồn vui của mỗi người, ưu tư của mọi cá nhân, sẽ được dâng lên trên đĩa thánh, sẽ được đem pha vào chén rượu như giọt nước để cùng với Ðức Kitô chúng ta được trở nên một thân thể, làm thành một Dân Chúa. Sự sống và phúc lành chan chứa của Thiên Chúa sẽ được trao sang cho chúng ta, để chúng ta là Dân được tuyển chọn, là Dân tư tế được Chúa dẫn dắt, là Dân thánh thiện được Ngài sai đi. Không phải chúng ta sẽ làm được gì cho người khác, nhưng nếu chúng ta để Lời Chúa, sự sống của Chúa, tình yêu của Chúa thoát ra trong đời sống ngôn ngữ và hành động của chúng ta, thì chắc chắn sự sống của Ðức Kitô phục sinh, tức là ơn Chúa Thánh Thần sẽ chảy ra từ lòng chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy đời mình không những êm ái mà còn phong phú, bảo chứng hạnh phúc tương lai đã khởi sự ngay từ hiện tại. Chúng ta hãy sốt sắng dự lễ trong niềm tin ấy.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN- A
SỨ MẠNG CỦA NHÓM MƯỜI HAI– Chú giải của Giáo hoàng Học viện Đà Lạt
“Thấy dân chúng, Người chạnh lòng thương họ”: khởi điểm sứ mệnh tạm thời của nhóm 12 và khởi điểm toàn thể sứ mệnh của Giáo Hội là lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu… Đây là một thứ tình cảm sâu đậm (chữ Hy lạp gợi lên hình ảnh tâm thần xao xuyến) mà Cựu Ước đã gán cho chính Thiên Chúa (Xh 34, 6; Tv 103, 8-13; Hs 2, 2-3; Gr 31, 20; Is 54, 7) và các Tin Mừng dành riêng cho Chúa Giêsu (Mt 14, 14; 15, 32; 20, 34; Mc 6, 34; 8, 2; 9, 22; Lc 7, 13) hay cho các nhân vật dụ ngôn tượng trưng Người hay Thiên Chúa (Lc 15, 20; Mt 18, 27; x. Lc 10, 35).
“Vì họ bơ phờ vất vưởng như chiên không người chăn giữ” ở đây điều làm Chúa Giêsu âu yếm xót thương là tình cảnh quẫn bách của những đoàn lũ “bơ phờ”, “yếu liệt”, “nằm sòng sãi”, như một đàn chiên không có chủ chăn. Hình ảnh thôn dã này mượn từ Cựu Ước, mà bản văn gần giống nhất là Ds 27, 16-17: “Môisen thưa với Giavê rằng: Lạy Giavê, xin Ngài đặt một ai đó trên cộng đoàn, để ra trước chúng và vào trước chúng để đem chúng ra và đem chúng vào, hầu cộng đoàn của Giavê khỏi như chiên không người chăn giữ”. Đàn chiên của Thiên Chúa, trong suốt giòng lịch sử, đã từng bị những tên lái buôn “bóc lột và phân tán” (Dcr 11, 7. 11; x. 1V 22, 17; Gr 23, 1-2; 50, 6; Ed 34, 1-10; Is 56, 11); và bây giờ vẫn còn những kẻ hướng đạo đui mù (Mt 15, 14; 23, 16.24) dùng môn học thuyết sai lạc của họ (16,12) làm lạc hướng đàn chiên, vẫn còn những hạng chăn thuê vô liêm sỉ làm chiên tan tác (Ga 10, 12tt). Vì thế Chúa Giêsu, chủ chăn vương giả mà Êdêkien loan báo (34, 23tt), mục tử tuẫn nạn mà Dacaria đã thoáng thấy mơ hồ (13, 7 = Mt 26, 31), sắp ủy thác cho nhóm 12 trách vụ quy tụ đàn chiên từ mọi chuồng chiên khác (Ga 10, 16) như ngày xưa Môisen đã ủy thác dân cho môn đồ mình là Giosuê chăm nom (Ds 27,17). Đây thật là một vinh dự lớn lao và cũng là một trách nhiệm nặng nề cho nhóm 12 môn đồ của Môisen mới…
“Mùa màng nhiều, thợ gặt ít”: Mùa gặt là một hình ảnh cổ điển Cựu Ước thường dùng để chỉ cuộc Chung thẩm của Thiên Chúa (Is 27, 12; Ge 4, 13 v.v…). Trong Tân Ước mùa gặt này thường phân làm hai, gồm giai đoạn đầu được đánh dấu bởi thời gian của Chúa Giêsu và của Giáo Hội và giai đoạn hay lịch sử chấm dứt, lúc Con Người sẽ thu lúa vào lẫm (Mt 13, 30) và đốt cỏ lùng (13, 30. 41tt): đó sẽ là mùa gặt sau hết (Mc 4, 29; Kh 14, 14tt), là “ngày tận thế” (Mt 13, 39), ngày chung thẩm (25, 31-46) và bấy giờ thợ gặt sẽ là chính Chúa Kitô với các thiên thần của Người (13, 39; x. Kh 14, 14-19). Nhưng trong khi chờ đợi ngày tận cùng đó, thì kể từ cuộc giáng lâm lần thứ nhất của Chúa Kitô, rõ ràng phải cần một vụ gặt qua sự kiện là đã có sự phân biệt giữa hạt giống tốt và xấu, khi Tin Mừng đòi buộc con người phải tuyên bố theo hay chống Chúa Kitô (Mt 10, 13-16. 40; Ga 3, 18tt). Đấy là công việc chuẩn bị trong đó Chúa Giêsu đã đóng vai trò gieo giống (Mt 13, 1-8ss; 13, 37; Ga 4, 36tt), còn nhóm 12 sẽ là những người thu hoạch.
Chính mùa gặt tiên trưng này là mùa mà nhóm 12, khi thụ hưởng các thành công đầu tiên của Chúa Giêsu, thấy mình được Người ủy thác cho tại Galilê, và chính về nó mà ta có thể áp dụng trước tiên câu nói của Chúa Giêsu trong Gioan: “Thầy đã sai các con đi gặt nơi các con đã không vất vả làm ra: có những kẻ khác đã vất vả rồi, còn các con chỉ đến thừa hưởng công lao của họ” (Ga 4, 38). Tuy nhiên sứ vụ ở Galilê chỉ là mào đầu và là hình ảnh của những mùa lúa chín vàng (Ga 4, 35) và phì nhiêu (Mt 9, 37) mà các sứ đồ cùng bao thợ khác của Tin Mừng, thừa hưởng công lao khó nhọc và hoa quả của hy tế Chúa Giêsu (x. Ga 4, 6; 12, 24), sẽ thu vào lẫm (so sánh Ga 4, 37tt và Cv 8, 15tt) từ ngày Hiện xuống.
“Chữa mọi tật nguyền bệnh hoạn”: Ở đây Matthêu dùng lại cùng những hạn từ đã sử dụng để nói lên quyền năng tràn đầy mà chính Chúa Giêsu đã được trao ban (9, 35); qua cách đó ông cho thấy các sứ đồ hoàn toàn in hệt Người và họ phải trở nên như cánh tay nối dài của Người vậy. Họ sẽ hoàn tất các công việc và thành quả giống như của Người và Ngài củng cố lời rao giảng của họ bằng cách làm phép lạ. Uy quyền của Chúa Giêsu được chuyển qua cho môn đồ của Người.
“Mười hai sứ đồ “: Đây là lần duy nhất Matthêu dùng thành ngữ này; nơi khác, ngoài thành ngữ “Nhóm mười hai” (10, 5; 20, 17; 26, 14. 20. 47), ông viết “Mười hai môn đồ” (10, 1; 11, 1; x. 28, 16) hay “các môn đồ” (13, 10; 14, 15; 26, 8. 56 v.v…), vì hơn Maccô và Luca, Tin Mừng thứ nhất ưa lẫn lộn môn đồ và sứ đồ với nhau. Kiểu nói bất thường của đoạn văn chúng ta sử dụng chữ “sứ đồ” theo chính xác được dùng trong Giáo Hội sơ khai để chỉ nhóm Mười Hai và một vài nhân chứng chính thức khác của việc Chúa phục sinh.
“Đừng lên đường đến các dân ngoại”: Mấy chữ này rõ ràng là kiểu nói cổ xưa (như kiểu nói “thành của người Samari” để chỉ tỉnh Samari), có căn ngữ Aram (kết quả nghiên cứu Schurmann, Cerfàux) cũng chắc chắn phát xuất từ một nguồn trước Matthêu; và bởi thế ta hiểu được rằng Maccô và Luca đã dùng đến vì nể các độc giả lương dân của họ. May thay còn lại các chữ đó, vì chúng là bằng chứng cho thấy các Kitô hữu đầu tiên đã xem việc truyền giáo ở Galilê là một sự kiện lịch sử, đáng ghi nhớ. Ông không xem đó như là lời phát biểu một nguyên tắc ngàn đời của việc truyền giáo, vì như vậy mâu thuẫn với mệnh lệnh sau cùng mà ông có ghi lại: “các con hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân” (28, 19), nhưng xem như là lời diễn tả một kế hoạch tạm thời, mà tất cả thái độ của Chúa Giêsu đã làm chứng cho thấy, một kế hoạch mà theo đó Tin Mừng phải được dành riêng cho “con cái của Vương quốc” (8, 12) Trong một thời gian đầu, nghĩa là cho đến cuộc chiến thắng phục sinh, cái biến cố sẽ tạo nên khí cụ cứu rỗi cho tất cả mọi người, tạo nên chủ đề chính yếu của lời rao giảng và khởi điểm của việc rao giảng khắp vũ hoàn. Matthêu đã nghĩ rằng độc giả của ông đủ thông minh để phân biệt, trong mớ tài liệu sưu tập của chương 10, cái gì đã chỉ có giá trị đối với việc truyền giáo ở Galilê và cái gì áp dụng được cho mọi thời đại của Giáo Hội.
“Hãy loan báo… hãy chữa lành”: Việc rao giảng của Chúa Giêsu và của các sứ đồ ở Galilê đã quy hướng cái nhìn của Israel về sự can thiệp dứt khoát cận kề của Thiên Chúa, được hứa thực hiện trong thời sau hết (Is 52, 7; Dcr 14, 9; Đn 2, 44 v.v…). Và các phép lạ cùng các việc trừ quỷ của Chúa Giêsu, đi đôi với lời người rao giảng (Mt 4, 23; 9, 35; Lc 9, 11…) làm nên khởi nguyên (Mt 12, 28; Lc 17, 20) cũng như dấu chỉ của Vương quyền cứu độ này của Thiên Chúa. Đó cũng là vai trò của các phép lạ và việc trừ quỷ do nhóm 12 thực hiện. Ngoài ra Matthêu còn ghi thêm lệnh phục sinh kẻ chết và tẩy sạch người phung hủi; như thế ông đã đưa ra được bản liệt kê các dấu chỉ Thiên sai, cảm hứng từ Isaia, gần giống với bản liệt kê trong câu Chúa Giêsu trả lời cho Gioan Tẩy giả (11, 4).
Sau này, các sứ đồ sẽ tiếp tục rao giảng Nước Trời (Cv 19, 8; 20, 25; 28, 23. 31), nhưng sẽ thêm vào đó (Cv 8, 12) tên của Đấng đã chết để giải thoát ta khỏi ách kìm kẹp của satan, tội lỗi và sự chết, đã được tôn phong làm Chúa trên trời (Cv 2, 30-36; Pl 2, 11; Kh 19, 16) và sẽ trở lại hoàn thành Vương quốc (1Cr 15, 20-28. 50; Cv 3, 21…). Để củng cố lời rao giảng Tin Mừng (Mc 16, 15-18; Cv 4, 29tt), họ sẽ tiếp tục chữa lành bệnh tật (Cv 3, 1-10; 5, 15tt; 8, 7; 9, 32-35; 19, 12), phục sinh kẻ chết (Cv 9, 36-42; 20, 7-12), xua trừ ma quỷ (Cv 8, 7; 16, 16) và tỏ ra bất vụ lợi hoàn toàn (1Tx 2, 2-12; Cv 8, 19tt). Tiếp tục trách vụ của họ, Giáo Hội truyền giáo sẽ không thể tách rời việc rao giảng Tin Mừng với các hoạt động bác ái vô vụ lợi, vì cả hai đều ban phát cho mọi người ơn cứu độ hoàn toàn Chúa Giêsu đã đạt được.
KẾT LUẬN
Chúa Giêsu đã động lòng xót thương đàn chiên bơ vơ lạc lõng trước mặt Người, cũng như các con chiên bơ vơ Người thoáng thấy trong muôn thế hệ về sau. Trước khi hiến thân để chỉ còn “một đàn chiên, một chủ chiên” (Ga 10, 16), Người đã chọn và sai nhóm Mười Hai, thủ lãnh của một dòng dõi những kẻ phục vụ Tin Mừng, để họ rao giảng Tin Mừng, xua đuổi tà thần, chữa lành bệnh tật, nghĩa là ban phát cho toàn thể con người ơn cứu độ mà Người đã tạo được nhờ lao nhọc gieo vãi và cứu chuộc. Giáo Hội, thành thánh đặt cơ sở trên 12 móng, mỗi móng mang tên của một trong 12 sứ đồ của Con Chiên (Kh 21,14), có trách vụ tiếp tục cho đến tận thế sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và ân cần chăm sóc hết những ai đau khổ. Nhưng vì thợ gặt ít, nên Chúa Giêsu xin ta cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai thợ gặt đồng lúa của Ngài!
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Khi hạn định sứ mạng của mình trước tiên cho người Do thái, Chúa Giêsu đã tuân theo một trật tự, một tiến trình cứu rỗi đã được tiên liệu chiếu theo quyết định của Thiên Chúa: bắt đầu từ dân Do thái đi đến dân ngoại. Người đã hiểu sứ mệnh mình như thế và đã nghiêm túc tuân theo. Có lẽ Người đã đau khổ vì sự hạn chế này. Sự vâng phục này nằm trong sự từ bỏ sâu xa và hoàn toàn của Con Thiên Chúa, mà nhờ đó ta được cứu chuộc. Giữa bao lao nhọc truyền giáo và mục vụ, ta chớ bao giờ quên rằng: điều quan trọng không phải là số lượng công việc đã làm, đường xa đã đi, số người đã ảnh hường, tính cách bao la của công trình, nhưng là thi hành thánh ý Thiên Chúa trong các giới hạn mà thánh ý Ngài đã ấn định.
2) Thiên Chúa đã muốn cần đến con người để tiếp nối hành động Ngài trong thế gian. Ngài có thể bất cần sự hợp tác đó thế nhưng Ngài đã muốn cho con người tham dự vào cuộc tạo dựng thứ hai (việc rao giảng Tin Mừng làm lại con người một cách khác từ cái chết do tội) sau khi đã kết nạp họ vào cuộc tạo dựng thứ nhất (“Hãy nên đầy dấy trên đất và hãy bá chủ nó”, St 1, 28).
3) Những kẻ Thiên Chúa gọi, thì Ngài gọi cách tự do, chứ không chiếu theo danh nghĩa đặc biệt nào (giai cấp xã hội, quốc tịch, chính kiến, thông minh…). Tuy nhiên Ngài ưu tiên lưu tâm đến những người đơn sơ chất phác, nghèo hèn, ít học… Điều Ngài đòi hỏi là sự cởi mở, quảng đại, sẵn sàng. Nếu có các đức tính đó, Ngài có thể làm những việc kỳ diệu, dù họ vẫn còn nhiều khuyết điểm và yếu đuối của con người.
4) Lòng thương xót trắc ẩn của Chúa Kitô thúc bách Người lắng lo cho các chiên không chủ chăn thời đó. Ngày nay phải chăng đã đổi hoàn cảnh? Không! Đọc bất cứ tờ báo nào, nghe bất cứ đài phát thanh nào, ta đều chứng kiến bao cảnh biểu lộ sự bối rối hay thất vọng trước nỗi khó khăn, phi lý của cuộc đời. Nhìn đám đông trong thành phố, dưới vỉa hè hay trên xe cộ, hình như ta cũng có cùng cảm thức như Chúa Giêsu khi đứng trước đám người Do thái ở Galilê. Đôi lúc chính các Kitô hữu ngày nay không còn biết tin tưởng vào ai, theo vị thầy nào. Chúa Kitô sai Kitô hữu đến thế gian để tiếp nối sứ vụ chủ chiên nhân lành của Người bên cạnh con người thế kỷ XXI.
5) Vào mỗi thời kỳ khó khăn hay chuyển hướng của lịch sử Giáo Hội, thì chủ mùa gặt, để đáp lại lời cầu xin của biết bao người hèn mọn, yếu đuối, vô danh, đã luôn làm chỗi dậy nam nữ sứ đồ. Những kẻ này xuất hiện như là những vị giảng đạo của thời đại, những chứng nhân cho một Vương quốc duy nhất có thể biểu lộ sức mạnh của mình bằng nhiều cách. Nhưng chỉ nhờ lời cầu nguyện mới có các chứng nhân đó.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN -A
ÁNH MẮT CỨU ĐỘ– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
I/.TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt. 9, 36 – 10,8
II/. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt. Nhưng ngày nay người ta ít có thời giờ nhìn nhau, nên tình yêu không đến. Người ta quá bận rộn vì cuộc sống ngày càng vội vã. Ra đường là đi như chạy để tranh thủ thời gian. Nên không có thời giờ nhìn, hỏi han, trò truyện, thông cảm. Và vì bận rộn nên nhiều lần ta lẩn tránh không muốn nhìn những thảm cảnh chung quanh, ngay trước mắt ta.
Chúa Giêsu thì không như thế. Người nhìn thấy đám đông và chạnh lòng thương. Nếu nhìn một đám đông thoáng qua thì khó mà chạnh lòng thương. Chạnh lòng thương là tức là đã nhìn kỹ từng người, thấy rõ hoàn cảnh đáng thương của từng người. Đứng trước một đám đông, Chúa vẫn có thời giờ nhìn kỹ từng người, vì Chúa quan tâm đến số phận của từng người.
Khi nhìn ngắm kỹ lưỡng, sẽ hiểu rõ. Khi hiểu rõ sẽ dễ chạnh lòng thương. Tuy nhiên từ ánh mắt đến trái tim là một khoảng cách rất gần mà cũng rất xa. Trái tim con người thật khó hiểu. Khi mở ra thì bao la ngàn trùng. Nhưng khi khép lại thì vô cùng chật hẹp. Một hạt bụi cũng khó lọt qua. Khi thao thức thì vô cùng nhanh nhậy, chỉ một thoáng nhìn, chỉ một âm thanh mơ hồ cũng đã đủ làm xao xuyến, rộn ràng. Nhưng khi ngủ yên thì vô cùng chai cứng, chậm chạp, dù có đập vào mắt, dù có la vào tai, cũng lạnh lùng dửng dưng. Trái tim Chúa Giêsu luôn thao thức về con người, luôn rộng mở đón nhận con người, nên dễ chạnh lòng thương trước cảnh bơ vơ, khốn cùng của con người.
Tình thương của Chúa Giêsu không phải là thứ tình mơ mộng viển vông, than mây khóc gió, nhưng là một tình thương mãnh liệt dẫn đến những hành động cụ thể. Khi nhìn thấy đám đông tất tưởi, bệnh tật, đói khát, Người lập tức an ủi, chữa lành, nuôi dưỡng. Việc Người an ủi, chữa lành, nuôi dưỡng đám đông không chỉ là những hoạt động do cảm tính nhất thời, nhưng là cả một kế hoạch rộng lớn, lâu dài. Chính vì thế, Người đã chọn mười hai Tông đồ, huấn luyện, sai họ đi nối tiếp sứ mệnh của Người.
Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy tôi ba bài học.
Bài học thứ nhất: hãy biết nhìn người khác bằng ánh mắt cảm thông. Ở Việt Nam phong trào đô thị hoá ngày càng mạnh. Các thành phố ngày càng phình ra vì dân cư từ quê đổ ra tỉnh tìm đường làm ăn sinh sống. Thành phố trở nên đông đúc chật chội. Người sống trong thành phố đang trở thành những con số vô danh, chìm mất giữa đám đông vội vã. Không ai biết ai. Không ai nhìn ai. Không ai quan tâm tới ai. Vì ai cũng bận lo cho bản thân mình. Hãy nhìn các đám đông trong chợ búa, ở trường học, ở công sở. Hãy quan sát đám đông trongvùng kẹt xe hay ở ngã tư đèn đỏ. Có biết bao linh hồn cô đơn buồn khổ. Có biết bao thể xác đang bị bệnh tật bào mòn. Có biết bao trái tim đang tan nát vì thất vọng. Hãy nhìn và hãy cảm thông như Chúa Giêsu nhìn đám đông và cảm thương họ.
Bài học thứ hai: hãy có một trái tim biết cảm thương. Đời sống ngày càng vất vả. Nhu cầu ngày càng nhiều. Vì thế con người ngày càng ích kỷ, chỉ lo cho bản thân hoặc gia đình mình. Chính vì thế trái tim thường dễ khép lại, trở thành lạnh lùng, xơ cứng. Khi trái tim xơ cứng, ta không thể đón nhận được những thông tin từ ánh mắt đem lại. Và con đường từ ánh mắt đến trái tim trở thành muôn trùng diệu vợi. Hãy mở lòng ra. Hãy biết rung động. Hãy để lòng mình thổn thức nỗi đau của người. Hãy biết khóc thương những số phận hẩm hiu. Hãy âu lo cho những cuộc đời bế tắc. Hãy để cho niềm cảm thương dâng tràn trái tim như trái tim Chúa Giêsu đã cảm nghiệm.
Bài học thứ ba: công cuộc truyền giáo phải bắt đầu bằng tình thương. Đức Chúa Cha, vì cảm thương thân phận tội lỗi đau khổ của loài người đã sai Chúa Giêsu xuống trần gian. Chúa Giêsu, vì cảm thương đám đông tất tưởi, bơ vơ, đã sai các môn đệ ra đi, tiếp tục sứ mệnh gieo rắc tình thương khắp nơi. Việc truyền giáo như thết là kết quả của lòng thương yêu vô biên của Thiên Chúa. Tình yêu thương khởi đầu nơi trái tim Thiên Chúa phải được tiếp nối, đẩy mạnh, nhân rộng trong cuộc đời. Vì thế người làm nhiệm vụ truyền giáo không bắt đầu bằng rao giảng, cũng không bắt đầu bằng cử hành bí tích mà phải bắt đầu bằng yêu thương. Cứ yêu thương rồi tình yêu sẽ hướng dẫn ta biết phải làm gì.
Tất cả chúng ta là những người con của Chúa. Tất cả chúng ta được Chúa mời gọi làm nhân chứng cho Chúa. Ta hãy học theo gương của chúa Giêsu biết nhìn người khác với ánh mắt cảm thông, biết cảm thương những con người đau khổ. Như thế chúng ta đã bắt đầu làm việc truyền giáo rồi.
Lạy trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống trái tim Chúa. Amen.
III/. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU
1) Bạn có để giờ nhìn kỹ những người thân trong gia đình không? Bạn có thực sự hiểu hết những uẩn khúc trong tâm hồn những người thân yêu không?
2) Mỗi khi gặp một hoàn cảnh đáng thương, bạn có cụ thể làm ngay một việc gì để giúp đỡ không?
3) Sống chan hoà yêu thương là truyền giáo. Bạn nghĩ gì về điều này?
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN- A
CHÚA GIÊSU ĐỘNG LÒNG THƯƠNG- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ
Tình yêu không chỉ hệ tại nơi lời nói, nhưng chính yếu qua việc làm (1Ga.3, 18; LT.230). Thiên Chúa đã yêu chúng ta đến độ chết cho chúng ta ngay lúc chúng ta còn là tội nhân, và Ngài đã làm mọi sự vì yêu thương chúng ta.
Nếu các ngươi giữ giao ước của Ta…
Giữ giao ước là giữ giới răn của Chúa, giữ thập giới.
Nếu dân Dothái giữ giới răn Chúa, dân Dothái sẽ là “của riêng” của Chúa, sẽ được tách biệt khỏi mọi dân, sẽ là một dân thánh, dân tư tế. Dân tư tế là dân đại diện mọi dân khác để dâng lễ tế lên Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương dân, cưng chiều dân, như đang mang dân trên cánh phượng hoàng!
Ngày nay, Hội Thánh là dân riêng của Chúa. Chúng ta là dân thánh, dân tư tế!
Ngay trong lúc chúng ta là tội nhân, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.
Hành vi tội làm biến dạng con người! Ngay trong lúc mình là tội nhân, nghĩa là, lúc mình đang “xấu như quỷ”, thì Đức Yêsu cũng đã vẫn chết cho mình! Ôi tình Chúa yêu thương mình tuyệt đến như thế nào!
Tại sao Thiên Chúa yêu thương con người đến như vậy? Con người có gì đẹp mà Thiên Chúa vẫn yêu thương dù con người đang ở trong tình trạng tội? Chắc hẳn con người phải có nét đẹp nào đó, đến nỗi Thiên Chúa yêu thương như vậy, vì chỉ có “nét đẹp” mới đáng yêu thôi! Con người được tạo dựng “giống hình ảnh Thiên Chúa”! Thiên Chúa tuyệt mỹ, vậy hình ảnh Thiên Chúa “cũng đẹp”!
Con người “rất đẹp”, có lẽ Thiên Chúa là Đấng đầu tiên và cuối cùng biết con người đẹp đến thế nào! Ước gì chúng ta nhận ra nét đẹp của con người, khi nhìn Đức Yêsu trên thập giá. Đức Yêsu là Đấng tuyệt đẹp, và con người cũng đẹp vì nếu không, Thiên Chúa đâu chết cho con người?!
Tất cả cho con người
“Đức Yêsu thấy đám đông dân chúng, tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn”! Người thương họ, “Ngài động lòng thương xót họ”. Ngài đã triệu tập môn đệ, sai các ông đi, để họ xua đuổi thần dữ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền!
Đức Yêsu đã đến trần gian vì con người. Ngài sai các môn đệ đi cứu giúp con người. Ngài yêu con người đến chấp nhận cái chết, đến độ ban mình máu người làm của ăn cho người. Ngài yêu con người dù có bị con người phản bội, từ chối! Trái tim bị đâm thâu, là bằng chứng tình yêu vô cùng của Thiên Chúa nơi Đức Yêsu.
Hôm nay, Chúa mời gọi tôi cộng tác để phục vụ con người! Các môn đệ tài năng như thế nào mà được Chúa dùng, Chúa sai đi? Họ đã làm được gì? Hôm nay tôi có sẵn sàng để Chúa sai tôi đi chăng? và tôi sẵn sàng làm điều gì để phục vụ con người? tôi có sẵn sàng để Chúa dùng tôi vào bất cứ việc gì để phụng sự Chúa nơi con người ngày nay không?
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Được Chúa coi là “của riêng”, thì được gì?
- Xin bạn kể những nét đẹp của con người!
- Gần đây, có bao giờ bạn rung động trước nỗi khổ của con người không? Bạn có thể làm gì để phục vụ họ?
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN- A
CHÚA CHỌN 12 TÔNG ĐỒ – Lm. Micae Võ Thành Nhân
Theo bài Tin Mừng hôm nay, Chúa thấy đoàn lũ dân chúng, Chúa động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn ( Mt 9, 36 ). Chúa liền dạy bảo các môn đệ rằng: “ Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa về “ ( Mt 9, 37 ). Kế đó, Chúa chọn mười hai tông đồ, Chúa ban cho các ngài quyền trên các thần ô uế, để các ngài xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoan tật nguyền. Sau đó Chúa sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng và làm tất cả những gì như Chúa đã dạy bảo.
Như vậy điều mà chúng ta cảm nhận được lúc này là việc Chúa chọn mười hai tông đồ xuất phát từ tình yêu của Chúa. Tình yêu của Chúa có từ thuở đời đời và ngày xưa được thể hiện khi Chúa cứu dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập: “ Chính các ngươi đã thấy những gì Ta làm cho người Ai Cập. Ta đã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng và đem các ngươi đến với Ta. Từ nay, nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước của Ta, thì các ngươi sẽ là sở của Ta được tách biệt mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Đối với Ta, các ngươi là một vương quốc tư tế, là một dân tộc hiến thánh “ ( Xh 19, 3 – 6 ). Và lúc này đây, tình yêu vẫn có từ ngàn đời và thuở xa xưa ấy được thể hiện qua việc Chúa thấy dân chúng đông đảo mà tất tưởi bơ vơ như đàn chiên không người chăn. Nghĩa là đoàn dân đông đảo đó lạc loài, ngơ ngác giữa cảnh chợ đời của một buổi chiều ngày sắp tàn trong cơn mê muội của tội lỗi. Khốn khổ, cơ hàn, truân chuyên giữa bao là thử thách vây bủa. Những ước mơ rất chính đáng như là ước mơ nên trọn lành cũng bị dục vọng đè nén, vùi dập. Lối hướng đi vào tương lai như là gặp ngõ cụt, bế tắc hoàn toàn. Giữa hoàn cảnh thê lương, buồn tủi của dân chúng như thế, Chúa đã xót thương hướng dẫn dạy dỗ và làm nhiều phép lạ cứu chữa bệnh hoạn tật nguyền cho họ. Nhưng rồi Chúa cũng biết việc Chúa ở trần gian này cũng chỉ có ba năm, cho nên Chúa đã chọn mười hai tông đồ để thiết lập nên Hội Thánh của Chúa, và để cho các ngài tiếp tục sứ mạng của Chúa nơi trần gian, đem tình thương, ơn cứu độ đến cho mọi người.
Việc thánh sử Mátthêô ghi tên rõ ràng mười hai vị tông đồ, trong đó có ông Giuđa Iscariô sau này là kẻ phản bội, còn lại đã trở thành những vị thánh, không phải như là thánh sử muốn rao tên các ngài lên để có gì thì chúng ta sẽ khiếu nại với Chúa là người này xứng đáng, còn người kia không xứng đáng, như các Đức Cha Giáo Phận rao tên các tiến chức linh mục bây giờ, nhưng là để chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh của Chúa, dù sao những người Chúa chọn cũng là con người, với bao yếu đuối tội lỗi, cho nên Hội Thánh của Chúa rất cần lời cầu nguyện của chúng ta.
Chúa chọn các tông đồ để rồi Chúa sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng. Chúa chọn các ngài là để các ngài phục vụ chúng ta, chứ không phải để các ngài ăn trên ngồi trước, để cầm đầu mọi người, để thống trị chúng ta. Vì theo như bài đọc hai được trích từ thư của thánh Phaolô gởi tín hữn Rôma, Chúa đến trần gian này không phải là Chúa làm vua để cai trị chúng ta, mà Chúa đến để cứu chúng ta bằng cách Chúa chịu chết trên thập giá và sống lại để cho chúng ta khỏi chết đời đời, trong lúc chúng ta đang còn là tội nhân, là thù địch của Chúa, đáng chịu cơn thịnh nộ của Chúa: “ Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù địch, mà chúng ta đã được giao hòa cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hòa, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô, và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển, trong Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hòa “ ( Rm 5, 6 – 11 ).
Lạy Chúa, chúng con là dân tộc, là đoàn chiên của Chúa vì chúng con được sống trong Hội Thánh của Chúa. Chúng con sung sướng vì Chúa yêu thương, dẫn dắt chúng con và Chúa vẫn luôn lấy tình yêu của Chúa để đối xử với chúng con là Chúa bảo vệ chúng con, chữa lành những thương tích tội lỗi chúng con, dù chúng con quá bất xứng. Xin Chúa cho con luôn nghe lời Chúa dạy qua Hội Thánh của Chúa là chúng con phải luôn sống trong tâm tình ăn năn sám hối vì “ Nước Trời đã gần đến “ ( Mc 1, 14 ), nghĩa là Chúa sắp đến với chúng con rồi, chúng con không có thời gian nhiều nữa để mà do dự, hãy cố gắng sống theo thánh ý Chúa để làm Chúa vui lòng hơn.
Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông, xin nghe lời chúng con cầu khẩn: Loài người chúng con thân phận yếu hèn, không thể là được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa thương đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Amen.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – A
TUNG CÁNH CHIM KHẮP NƠI- Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu chúng ta không khỏi xúc động,cảm kích về thái độ, cử chỉ và con người của Đức Kitô. Thực sự, có một cái gì rất diệu kỳ và linh thánh khi nói về Chúa Giêsu. Ngài sinh ra nơi trần gian không chỉ để sống kiếp làm người như mọi người khác, nhưng việc nhập thể của Chúa cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta hiểu thật rõ về Con Người-Chúa của Ngài. Ba mươi năm sống với cha mẹ của Ngài ở làng quê Nagiarét đã hun đúc con người lao động, chiêm niệm và chuẩn bị sứ vụ công khai của Ngài. Chúa Giêsu đã tiếp xúc hàng ngày với nhiều lớp dân, nên Ngài đã hiểu nhu cầu thực tế của họ. Thánh Matthêu viết:” Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”(Mt 9,36). Với lòng nhân từ, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ suy nghĩ:” Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9, 37).
NHU CẦU CỦA DÂN CHÚNG VÀ CÁNH ĐỒNG LÚA MÊNH MÔNG:
Tin Mừng của thánh Matthêu gợi lên hình ảnh rất thực tế của Chúa Giêsu: ”Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35). Nhờ đi đây đi đó, tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giêsu hiểu rõ những nhu cầu của dân. Đám đông dân chúng không chỉ đói khát lương thực, không chỉ thiếu thốn vật chất, nhưng dân chúng quả đang khát khao lắng nghe lời rao giảng của Chúa và các mộn đệ của Ngài. Dân chúng đang thiếu các vị chủ chăn, đang thiếu những người lãnh đạo để dậy dỗ họ và yêu thương họ. Điều này cho chúng ta hiểu rõ hơn về quan niệm Cựu Ước: “hình ảnh các mục tử rất quen thuộc với nền văn hóa du mục“. Tổ tiên của dân Cựu Ước cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Đavít, Giêrêmia và Eâzêkiel đã loan báo trước cho dân là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đàn chiên của Ngài. Lời tiên báo của các ngôn sứ đã được thực hiện nơi chính Đức Giêsu Kitô, Con Một duy nhất của Thiên Chúa, vị Mục tử hiền lành chạnh thương và chăm sóc mọi con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Do đó, dân chúng cảm thất an tâm vững dạ, tiến bước vì có Chúa là Mục Tử dẫn dắt họ. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11) hoặc “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Tiếp xúc với dân, hiểu rõ dân, Chúa Giêsu thấy nhu cầu truyền giáo bao la: lúa chín đầy đồng, ruộng đồng mênh mông. Chính vì thế, công việc cứu độ, việc loan báo Tin Mừng, Chúa không làm một mình. Chúa muốn có nhiều người cộng tác với Người trong công cuộc cứu độ. Do đó, Chúa đã kêu mời nhóm mười hai đi theo Ngài để Ngài huấn luyện, uốn nắn, biến đổi họ thành những tay thợ lành nghề trong cánh đồng truyền giáo bao la của thế giới. Chúa đã tuyển chọn nhóm mười hai để tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài.
CHÚA THIẾT LẬP GIÁO HỘI Ở TRẦN THẾ ĐỂ TIẾP TỤC CHƯƠNG TRÌNH CỨU RỖI CỦA CHÚA:
Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay đưa chúng ta về những bước khởi đầu của việc thiết lập Giáo Hội. Trong thời kỳ công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã giảng dậy trong các hội đường Capharnaum va nhiều hội đường khác. Danh tiếng của Ngài đã được rất nhiều người biết tới. Những lời rao giảng, những phép lạ của Ngài đã làm danh tiếng Ngài vang đi khắp nơi. Ngài nhìn thấy trước công cuộc cứu rỗi của Ngài. Do đó, để thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng, loan báo Tin Mừng. Trong số các môn đệ, Chúa Giêsu đã chọn mười hai người để làm tông đồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Giáo Hội của Chúa từ thời các tông đồ cho tới ngày hôm nay vẫn luôn tồn tại, phát triển không ngừng dù rằng Giáo Hội không ít gian nan, thử thách. Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng của các tông đồ mà đứng đều là thánh Phêrô và các Đấng kế vị Ngài. Do đó, chấp nhận quyền bính trong Giáo Hội, phẩm trật của Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ. Hội Thánh của Chúa ở trần gian là Hội Thánh duy nhất, thánh thiện và tông tuyền.Khi tuyên xưng như thế có nghĩa là mọi Kitô hữu sống trong sự hiệp thông với Hội Thánh trong đó các Đức Giám Mục mà Vị Thủ Lãnh là Đức Giáo Hoàng, Đấng kế vị thánh Phêrô làm thành một phẩm trật hết sức thánh thiêng và hiệp nhất. Hội Thánh đã được Chúa Giêsu ủy thác cho các tông đồ, các tông đồ lại truyền lại cho các người kế tục và cứ như thế cho đến ngày viên mãn chung cục…
CẢM NGHIỆM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA VÀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN HỘI THÁNH:
Thánh Matthêu đã vẽ lại bức tranh tuyệt đẹp về con người của Chúa Giêsu. Đây là sự mạc khải tuyệt vời về lòng thương xót của Chúa. “ Thấy đám đông thì Chúa chạnh lòng thương”. Chúa Giêsu đã sống đích thực sự sống của con người, một người có trái tim nhạy bén, trái tim biết nói, trái tim người nhưng đầy thần khí của Chúa. Chúa xót thương con người, thương yêu dân chúng vì họ đói khát lời của Chúa. Và Ngài đã chỉ thị cho các môn đệ phải tiếp tục loan báo Nước Trời, rao giảng lời Chúa. Như năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã nuôi nhiều ngàn người ăn. Dân chúng bơ vơ, đói khát cả về vật chất lẫn tinh thần, Chúa yêu thương nuôi sống họ và Chúa sẽ để lại chính Thịt Máu của Ngài làm lương thực nuôi sống con người. Hội Thánh của Chúa sẽ tiếp tục sứ mạng của Chúa và tin tưởng Chúa Thánh Thần sẽ luôn tác động, đổi mới để làm cho Giáo Hội Chúa càng ngày càng trổ sinh hoa trái tốt đẹp.
Mỗi người Kitô hữu chúng ta có ý thúc vai trò, nghĩa vụ của mình là xây dựng Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương mỗi ngày một đạo đức, thánh thiện hay không? Mỗi người Kitô hữu phải là một viên đá sống động động để Chúa xây dựng Hội Thánh Chúa ở trần gian này. Như các tông đồ chúng ta tung cánh khắp mọi nơi để loan báo Chúa Giêsu Kitô và rao giảng Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con hiểu rõ rằng nơi đâu có người công giáo là nơi đó có Giáo Hội Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN-A
ĐẸP THAY BƯỚC CHÂN NGƯỜI ĐI LOAN TIN MỪNG- Lm. Augustine SJ
Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Hôm ấy, Ðức Cha Thể (Théphanô Théodore Cuenot sinh 1802 tại Pháp, chết tử đạo 1861 tại Việt Nam) gọi thày Do lên và hỏi thẳng thày về cách thày sẽ thực thi mệnh lệnh truyền giáo như thế nào:
– Thày phải mở qua ngõ An Sơn, tức Tây Sơn, một con đường để đi truyền giáo cho các dân tộc thiểu số: Thày sẽ làm thế nào để hoàn thành việc đó?
– Thưa Ðức Cha, con sẽ làm lái buôn, Thày Do đáp lời, để trong vai lái buôn, con sẽ tiến sâu vào phía bên kia ranh giới nơi những lái buôn chưa từng vượt qua. Một khi khảo sát xong địa hình, con sẽ trở về đưa một vị thừa sai đến vùng đó.
– Quá tốt, Ðức Cha Thể nói tiếp, Cha mong đợi rất nhiều ở Thày.
Thế là thày Do được trang bị bằng phẩm chất của hai thánh Têphanô và Lorensô xưa, tức chịu chức phó tế. Không tậu ngay được môn bài làm lái buôn, thày Do xin làm người giúp việc cho lái buôn. Sau thời gian ngắn, người chủ hết sức hài lòng về anh giúp việc này liền thăng chức cho anh được làm đầu bếp. Thày sáu Do, vai mang gùi chứa đựng nồi niêu chén bát, tháp tùng ông chủ lái buôn đi hết làng này sang làng khác. Thày kiên trì hỏi han anh em dân tộc về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của họ.
Sau sáu tháng sống đời phiêu bạt, thày sáu Do đã biết tạm đủ thổ ngữ dân tộc để dùng trong trường hợp phiêu lưu một mình. Không còn lý do để ở làm đầu bếp lâu hơn nữa cho ông chủ lái buôn người kinh, thày sáu Do bỏ An Sơn về Gò Thị, trình báo mọi sự lại cho Ðức Cha Thể. Nay thày muốn làm lái buôn thực thụ để có thể đi sâu vào những buôn làng dân tộc mà các thương gia người kinh khác chưa tới bao giờ. Ðức Cha Thể tán thành ý kiến và cho bốn chủng sinh đi theo thày Do.
Ðoàn thương gia của thầy sáu Do hoàn toàn di chuyển ban đêm. Với nhiều thận trọng khôn khéo, họ đã an toàn đến với bộ lạc Hà Ðrông. Nhưng trước kia thầy sáu Do làm người đầu bếp nên không ai chú ý tới thầy làm chi. Nay thầy đóng vai ông chủ buôn người kinh, thầy liền bị người Hà Ðrông để ý muốn chiếm lấy hàng hoá mà họ tưởng là rất quý giá; họ đồng thời còn muốn bắt chủ buôn và các phụ tá để bán sang Lào làm nô lệ! May thay thầy Do biết được ý định đen tối của chủ nhân Hà Ðrông hiếu khách một cách giả dối. Thầy và các phụ tá đã kịp thời chạy trốn lúc đêm khuya, bỏ lại đàng sau tất cả hành lý và đồ đạc. Khi bọn cướp kéo đến bao vây nhà trọ, phái đoàn của thầy đã cao chạy xa bay trên đường về Gò Thị báo cáo cho Ðức Cha Thể biết kết quả.
Trước hết như đã thấy ở trên, thầy sáu Do đã biết được một ít thổ ngữ dân tộc, đó là điều cơ bản; kế đến và nhất là thầy đã khám phá ra con đường độc đạo, hiểm trở, ngoài các con đường thông thường của các thương gia người kinh sử dụng, mà qua đó các vị thừa sai có thể kín đáo đến được các vùng rừng núi phía Tây. Con đường này hết sức cam go và vất vả, lại dài hơn những lối đi khác, bởi vì phải đi một vòng quanh rộng lớn theo hướng Bắc trước khi rẽ sang hướng Tây. Ðó là lối đi an toàn, bởi lẽ không một thương gia người kinh nào có can đảm dấn bước vào đó. Sau khi xem xét chu đáo. Ðức Cha Thể đã chọn lối đi này.
Câu chuyện vừa kể phần nào nói lên ý chí cương quyết của Ðức Cha Thể đối với mệnh lệnh truyền giáo là làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Ðức Giêsu (Mt 28,19). Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ý chí cương quyết ấy khởi đi từ chính Giavê Thiên Chúa. Chính Người đã chạnh lòng thương khi thấy dân Người vất vưởng như bầy chiên không có người chăn nên đã sai Con Người đến như người Mục Tử nhân lành. Vị Mục Tử này hôm nay sai phái các môn đệ lên đường săn sóc dân Người. Do đó mới có những con người như Ðức Cha Thể là người kế nghiệp các thánh Tông Ðồ, và những người như thày sáu Do là người tích cực tham dự vào sứ mạng truyền giáo.
Thiên tình sử xuyên qua Ðức Giêsu đến ta hôm nay
Bài Tin Mừng hôm nay gợi ý cho thấy cả một thiên tình sử trước Ðức Giêsu, trong thời Ðức Giêsu và sau đó cho đến thời đại chúng ta hiện nay. Thiên chúa luôn là tình yêu sống động. Loài người càng vất vả lầm than thì Thiên Chúa càng xót thương và ra tay cứu độ.
Trước Ðức Giêsu. – Ngay từ ngày con cái nhà Giacóp còn sống trong cảnh lầm than nơi Ai Cập, Giavê Thiên Chúa đã chạnh lòng thương nên đã sai Môsê đến giải thoát họ, đưa họ về đất hứa: “Tiếng rên siết của con cái Israel đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Vua Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai Cập.” (Xh 3,9-10)
Thế là thiên tình sử của Cựu Ước đã bắt đầu từ sách Sáng Thế, nay trở nên quyết liệt trong sách Xuất Hành. Thiên Chúa tình thương luôn đứng về phe người bị áp bức để giải thoát họ khỏi cảnh bạo tàn. Xưa tiếng máu của Abel bị Cain là anh giết, vang thấu tới Thiên Chúa (St 4,10), nay tiếng rên siết của con cái Israel, Thiên Chúa cũng không bỏ qua.
Hình ảnh mục tử trong văn chương phổ quát trên thế giới đã từng được áp dụng cho những nhân vật chính trị hoặc tôn giáo. Trong Cựu Ước hình ảnh ấy có khi được áp dụng cả với Giavê Thiên Chúa, như thấy trong các sách Ngôn Sứ (Is 40,10tt; Gr 23,1-4; Ed 34,2-10; M 4,6tt). Thiên Chúa nói: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc Ta sẽ đưa về; con nào bị thương Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật Ta sẽ bồi dưỡng; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34,1-16)
Trong thời Ðức Giêsu. – Bài Tin Mừng hôm nay chỉ phản ảnh phần nào hoạt động của Ðức Giêsu với tư cách là Mục Tử nhân lành. Tự bản chất, Ðức Giêsu chính là hiện thân của lòng ưu ái của Giavê Thiên Chúa ưu tiên dành cho người nghèo. Người được sai đến là thành phần của một gia đình nghèo làng Nadarét, để trở nên bạn của người nghèo ở mọi nơi và trong mọi thời đại. Người được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó (Lc 4,18). Người quý chuộng người nghèo đến nỗi chọn ở giữa họ nhóm Mười Hai Tông Ðồ. Ðó là những người được trao quyền trừ quỷ và chữa lành mọi bệnh tật (c.1). Trong tương lai họ sẽ được ban Thần Khí để chính họ tha tội cho ai thì tội người ấy được tha (Ga 20,22-23). Trong khi chờ đợi họ là những người môn đệ thân cận nhất sống bên Ðức Giêsu. Họ được hấp thụ một nền giáo dục thiết thân hầu có khả năng Phúc Âm hoá cả thế giới nhờ có Ðức Giêsu phục sinh luôn ở với họ. “Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20).
Từ đó cho đến thời đại chúng ta hiện nay. – Các Tông Ðồ và những người thừa kế các ngài luôn phải kết hợp với Ðức Giêsu phục sinh còn ở lại mãi trong Giáo Hội, để thực thi những điều Người muốn. Mục tiêu của các cuộc Phúc Âm hoá qua các thời đại luôn là công trình hiện thực hóa Nước Thiên Chúa nơi xã hội loài người. Nước đó chỉ được hoàn tất trong ngày sau hết, nhưng đã phải bắt đầu hiện hữu giữa thế giới chúng ta đang sống. Các Kitô hữu nam nữ đều tham gia việc làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện dưới sự lãnh đạo của Chúa Kitô bằng đời sống chứng tá hàng ngày, bằng việc góp phần làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu được lãnh hội và được sống, dĩ nhiên phải xuyên qua nền văn hoá phức tạp của con người, xuyên qua cuộc đối thoại liên vị và không thể bỏ qua việc thăng tiến công bằng gắn liền với việc Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã muốn giải phóng dân Người thoát khỏi mọi hình thức bất công. Ðiểm cuối cùng này được Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh khi nói: “Lao tác cho Nước Chúa hiển trị là nhận biết và cổ võ hành động của Thiên Chúa đang hiện diện và biến đổi lịch sử loài người. Xây dựng Nước Chúa có nghĩa là lao tác nhằm giải phóng khỏi sự dữ dưới mọi hình thức. Tắt một lời, Nước Thiên Chúa chính là việc bày tỏ và hiện thực hoá kế hoạch cứu độ trong tất cả mức tròn đầy của kế hoạch đó.” (Thông điệp Sứ Mạng củ Ðấng Cứu Thế, số 15)
Một số câu hỏi gợi ý
- Bạn nghĩ những người Công Giáo của những dân tộc thiểu số vùng Cao Nguyên Việt Nam ngày nay có thể cảm thấy lòng biết ơn đối với những người sau đây về những điều mà họ mắc nợ: Ðức Cha Thể, Thầy Sáu Do? Các vị Thừa Sai Ba Lê? Riêng bạn có mắc nợ ai về ơn đức tin mà qua họ bạn lãnh nhận chăng, chẳng hạn: người dạy giáo lý cho bạn? Người làm gương sáng cho bạn? Một cuốn sách bạn đọc? Gương của một vị thánh? Một số các vị thừa sai đầu tiên đến rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, mà bạn nhớ tên?
- Loài người càng vất vưởng lầm than thì Thiên Chúa càng xót thương và ra tay cứu độ. Bạn biết gì về lòng thương xót đó của Thiên Chúa trước thời Chúa Giêsu, trong thời Chúa Giêsu sống nơi trần gian và sau thời đó cho đến ngày hôm nay?
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN- A
THIẾU TÔNG ĐỒ- Lm. Minh Vận CRM
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Sử Mathêu tỏ cho chúng ta thấy lòng yêu thương tha thiết của Chúa dành cho Dân Riêng Người và cho toàn thể nhân loại. Ngài viết: “Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng thương họ; vì họ tất tưởi bơ vơ, như những con chiên không có người chăn dẫn”. Do đó, Người phán với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa” (xem Mt 9:36-38).
- THIẾU TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO
Với cái nhìn khách quan, có lẽ không ai lại không thấy nhu cầu cần thiết phải có nhiều thợ gặt của Tin Mừng, nhiều vị tông đồ truyền giáo.
Trước thực trạng của thế giới hôm nay, đôi khi phải kể là bi đát, vì Giáo Hội có nhiều kẻ thù, kẻ thù hữu hình cũng như vô hình. Satan lợi dụng mọi mưu mô xảo quyệt để khuynh đảo niềm tin, ru ngủ lòng người. Hắn huy động nhiều cán bộ làm tay sai, lợi dụng ngay cả con cái trong Giáo Hội để bày ra nhiều đòn tâm lý, nhiều triết thuyết lầm lạc để đả phá Giáo Hội, chống đối Thiên Chúa. Hắn lợi dụng những kẻ nắm quyền bính trong dân để chấp nhận, để ban hành những đạo luật vô luân, thừa nhận và khuyến khích tội ác, khiến cho thế giới này dần dần trở nên nhơ nhớp, trên cơn nghĩa nộ Thiên Chúa… Thế mà, nhiều người vốn giả điếc làm ngơ, không thiết tha gì đến sự hưng thịnh của Giáo Hội và thế giới.
Lại có những người tỏ ra mình biết quan tâm đến nhu cầu cần thiết của Giáo Hội khi phát biểu cách trái mùa: Vì nạn thiếu Tông Đồ, nên tại sao Giáo Hội cứ khư khư giữ cái truyễn thống lỗi thời, không cho những người có gia đình hay phụ nữ làm Linh Mục. Những thứ người đó tỏ ra thiết tha đến Giáo Hội, nhưng thực sự lại là những kẻ chống đối Giáo Hội, vì họ đã phản lại Đấng Đại Diện tối cao của Chúa và các giáo huấn cũng như tinh thần của Giáo Hội.
Như chúng ta được biết: Ngay trong nội bộ của Giáo Hội tại Âu Châu, phát hiện một tuyên ngôn của 165 nhà thần học nói tiếng Đức, 63 nhà thần học và trí thức người Ý, 130 nhà thần học nói tiếng Pháp lên tiếng phản đối Tòa Thánh Vatican về cái mà người ta chụp mũ cho là “Trung ương tập quyền” hoặc “Khuynh hướng bảo thủ”. Đó thực là một nguy cơ đang đe dọa tình hiệp nhất của Cộng Đồng Kitô Giáo ngay từ trong lòng Giáo Hội, ấy là chưa kể đến các kẻ thù bên ngoài luôn bày ra nhiều mưu kế để khiêu khích và tấn công Giáo Hội, khi ngấm ngầm lúc công khai.
- SỰ MẠNG KHẨN THIẾT CỦA GIÁO HỘI
Là con cái của Giáo Hội, nhất là những linh hồn được tuyển chọn sống Đời Thánh Hiến trong ơn gọi Tu Sĩ hay Linh Mục, chúng ta cần ý thức sứ mạng cao cả Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội, cũng như cho mỗi người chúng ta tùy theo bậc sống và ơn gọi riêng của mình.
Chúng ta hãy nhắc lại giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II: “Mỗi môn đệ của Chúa Kitô, tùy theo địa vị mình, đều có bổn phận góp phần truyền bá Đức Tin, làm trọn lời Chúa phán qua miệng tiên tri Malachia: Từ Đông sang Tây, danh Ta sẽ được lẫy lừng khắp muôn dân, khắp nơi đều sát tế và dâng lễ vật thanh sạch kính tôn danh Ta” (Lumen Gentium #17).
Vì: “Làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mạng của Giáo Hội. Mỗi Tín Hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ qua việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức” (Lumen Gentium #33). “Do đó, ơn gọi làm Kitô Hữu tự bản chất cũng gọi là ơn gọi làm tông đồ” (Lumen Gentium #17).
Nhưng chúng ta phải làm tông đồ bằng cách nào? Chúng ta hãy nghe thêm giáo huấn của Công Đồng: “Người Giáo Dân thực thi việc tông đồ bằng mọi công việc của họ, để rao giảng Tin Mừng và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Tin Mừng thấm nhuấn và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này, làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người Giáo Dân là sống giữa đời và làm việc đời, nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi, để một khi tràn đầy tinh thần Kitô Giáo, họ làm tông đồ giữa đời như men trong bột” (Apostolicam Actuositatem #2).
III. TÔNG ĐỒ ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA
Lời Chúa phán với các Tông Đồ xưa: “Thầy thương đoàn dân này, vì họ tất tưởi bơ vơ, như những con chiên không có người chăn dẫn” và: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin Chủ Ruộng sai thợ đến gặt lúa” (Mt 9:36-38). Lời đó hôm nay Chúa cũng đang tha thiết phán với mỗi người chúng ta. Nhưng tinh thần thâm sâu của Lời Chúa còn âm vang tha thiết hơn nữa vào tận tầng sâu thẳm của linh hồn chúng ta: “Các con hãy cầu xin Chúa sai nhiều Tông Đồ đích thực, Tông Đồ chính danh, Tông Đồ tràn đầy tinh thần Tin Mừng và lửa mến Chúa tha thiết ra đi khắp nơi để chinh phục các linh hồn về cho Cha”.
Nạn thiếu Tông Đồ là khẩn thiết, nhưng còn khẩn thiết hơn nữa, đó là những Tông Đồ đích thực; vì nếu không, họ sẽ chỉ là những tiên tri giả, những kẻ hữu danh vô thực, hay nói đúng hơn, họ là những kẻ quấy rối, những kẻ phá hoại, hay nói đúng hơn là những kẻ phá đạo.
Đây chúng ta hãy nghe một đoạn trích trong bức thư của Thánh Phanxicô Xavier từ Ấn Độ gởi về cho Thánh Ignatiô Loyola ở Âu Châu, là Bề Trên của ngài: “Nhiều người ở đây không được trở thành Kitô Hữu chỉ vì không có ai được chuẩn bị để đảm nhận sứ vụ giảng dạy cho họ… Con thường cảm thấy bị thôi thúc muốn đến các đại học ở Âu Châu, đặc biệt là đại học ở Sorbonne Balê, để la lên như một thằng điên cho những kẻ giầu trí thức hơn là thiện chí, yêu cầu họ hãy sử dụng trí thức của họ làm sao cho lợi ích… Phải chi trong khi nghiên cứu các môn nhân văn, họ cũng nghiên cứu sổ kế toán về những điều Thiên Chúa đòi hỏi họ qua tài năng Ngài đã ban cho họ! Lúc đó nhiều người hẳn sẽ xúc động thốt lên: Lạy Chúa, này con đây, Chúa muốn bảo con làm gì?”
Kết Luận
Mùa gặt Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay là gì? Chúng ta hãy đưa ánh mắt tinh thần nhìn xem thế giới: Biết bao người, không chỉ ở nơi các xứ truyền giáo, mà ngay tại các quốc gia chúng ta đang sống, họ đang khát khao tìm kiếm chân lý, tìm kiếm lẽ sống, tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời. Chúng ta hãy nghe lời một em nhỏ, vừa tốt nghiệp tại trường trung học nọ, đã được hầu hết các báo chí trong nước từng ca ngợi. Lời em nói như tiêu biểu cho khát mong của mọi người: “Cuộc đời còn có những cái cao quí hơn tiền bạc, television, tiệc tùng, danh vọng nữa!”
Còn thợ gặt Chúa nói với chúng ta hôm nay là gì? Là chính mỗi người chúng ta tùy theo ơn gọi riêng của mình, hãy trở nên chứng nhân cho Chúa, bằng chính cuộc sống thánh thiện của chúng ta, để như tấm men làm dậy thúng bội, như ánh sáng chiếu soi trong đêm tối, như muối ướp trần gian khỏi hư thối vì tội lỗi, hầu làm cho Chúa được tôn vinh, nhân loại được cứu độ.
Nhiều vị Tông Đồ tưởng rằng: Giới trẻ ngày nay có cái thị hiếu thích ồn ào náo động, cần phải có văn nghệ hát xướng rùm beng, với các ca sĩ thượng thặng khiến họ sùng mộ. Hơn nữa, cần phải đề cập nhiều tới tình yêu nam nữ, về phái tình, về sinh lý với những câu truyện tình tứ tiếu lâm mới có sức thu hút được họ!
Các vị đó đã lầm, giới trẻ không khát mong điều đó, mà có khi họ còn cười thầm và chê bai chúng ta sau lưng, đàm tiếu với nhau khinh thường chúng ta nữa là khác. Chúng ta hãy xem Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đi đến biết bao quốc gia trên thế giới, nhất là trong các dịp Đại Hội Giới Trẻ thế giới. Ngài toàn đề cao tình thần Chúa Kitô trong Tin Mừng, thế mà người ta cứ ùn ùn tuôn đến nghe lời ngài. Từng triệu người trẻ tới bu quang và say mê đón nhận lời giáo huấn của ngài, như là lời của chính Thiên Chúa nói với họ. Sau khi Đức Thánh Cha nói với họ về tinh thần của Chúa, ngài đã hô lớn tiếng: “Hỡi các bạn trẻ, Đức Kitô cần chúng con, cần đến tấm lòng trinh trong, cần tình yêu quảng đại của chúng con, để giúp Ngài hoàn thành sứ mạng, nâng nhân loại lên và mang Ơn Cứu Độ của Ngài đến cho thế giới. Đó là sứ mạng của Đức Kitô và Ngài chia sẻ sứ mạng này cho chúng con”.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN- A
THẦY SAI CÁC CON ĐI- Lm. Thu Băng CRM
Cách đây khoảng 100 năm, Giáo Hội Truyền Giáo Lyon nước Pháp sai một lớp đầu tiên gồm 10 linh mục đi sang Dohomey, Phi Châu để làm việc truyền giáo. Ba năm sau, cả 10 người đều bị giết chết. Thế nhưng, dù rừng sâu, nước độc, dù dân chúng lạc hậu, có nhiều ác cảm, hàng hàng lớp lớp các nhà truyền giáo vẫn hăng hái ra đi. Người này ngã xuống, người khác đứng lên. Đến nay sau hơn một thế kỷ, những giọt máu pha lẫn mồ hôi của các ngài đã đâm bông kết trái: Giáo Hội Dohomey đã vươn lên mạnh mẽ, lại hân hạnh có được vị Hồng Y bản xứ tiên khởi là Bernard Gantin.
Câu chuyện trên diễn tả lại cảnh Chúa Giêsu triệu tập mười hai môn đệ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn người. Các môn đệ đã trải qua những cuộc tập luyện thấm mồ hôi để có một cái nhìn hướng về tương lai. Các môn đệ đã bị nhiều thử thách, đã bị nhiều người đánh giá thấp kém khi họ ra đi rao giảng Tin Mừng. Hầu hết các ngài đã bị đẫ máu đào và kết quả là hạt cải nhỏ bé đã trở nên một cây lớn lao cho chim trời đến đậu mà chúng ta gọi là Đạo Kitô Giáo. Cây cải nhỏ bé đã xum xuê cành lá, đã vươn dài trên khắp thế giới và đã làm cho nhiều tâm hồn được ơn trở lại.
Chúng ta có thái độ nào trong việc xây dựng Giáo Hội? Mỗi người chúng ta có thể làm một điều gì để đến với mùa gặt? Tại sao ngày nay có ít thợ gặt hơn trước đây?
Chúng ta có thể nêu lên ba lý do sau đây:
Thứ nhất: vì chúng ta không thực hành điều Chúa truyền dạy “Hãy cầu xin chủ ruộng sai thợ đến”. Điều cần thi hành trước nhất là lời cầu nguyện cho việc truyền giáo, cầu nguyện để Chúa thôi thúc các bạn trẻ đáp lại tiếng Chúa mời gọi ra đi làm Linh Mục Tu Sĩ, xung phong vào công cuộc truyền giáo. Lại nữa, mỗi gia đình chúng ta cần làm gương sáng, sống đạo hoàn hảo để nên gương cho nhiều người xung quang. Cần giúp đỡ tài chánh cho Giáo Hội bằng bất cứ cách nào để đáp ứng nhu cầu của việc truyền giáo.
Lý do thứ hai khiến ngày nay có ít thợ dấn thân vào mùa gặt hơn trước kia là vì gia đình không còn là vườn ương ơn gọi, cha mẹ ít khuyến khích, ít trình bày, ít khuyên răn con em mình lựa chọn đời sống tu trì, đời sống hiến thân phục vụ cho Giáo Hội.
Cuối cùng, ly do liên quan đến cá nhân mỗi người chúng ta: Nếu bạn là thanh niên nam nữ, có bao giờ bạn mở lòng cho Chúa gõ cửa lòng bạn trong mỗi dịp tĩnh tâm? Hay lại đóng cửa lòng theo tiếng gọi của đời? Nếu chúng ta là người lớn tuổi, có bao giờ nghiêm chỉnh tự vấn xem mình có thể làm gì để “dấn thân vào mùa gặt” không? Có bao giờ nghĩ đến việc gì trực tiếp dân thân giúp cho chủ ruộng trong vấn đề gặt lúc không?
Điều mà các gia đình có thể thực hiện hôm nay là thêm một lời cầu nguyện cho ơn gọi vào giờ kinh gia đình. Gia tăng việc làm gương sáng sống đạo cho người trong gia đình. Khuyên nhắc con cái cầu nguyện xin Chúa ban ơn kêu gọi và sốt sáng dâng cúng, khuyên góp cho việc truyền giáo…
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN-A
THƯƠNG DÂN CHÚNG LẦM THAN- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Sau khi đi rao giảng Tin mừng khắp các thành thị, làng mạc, hội đường và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền, Đức Giêsu đã chứng kiến tận mắt cảnh dân chúng lầm than, vất vưởng như bầy chiên không người chăn.
Thời Chúa Giêsu, dân Do thái sống trong cảnh không có lãnh đạo chân chính về tôn giáo cũng như về chính quyền. Chính quyền thuộc về đế quốc Rôma cai trị. Họ vô cùng đau đớn và nhục nhã phải thờ hai chủ: Chủ đế quốc và tay sai của đế quốc là bè phái Hêrôđê và Sađốc.
Phái Hêrôđê gồm tất cả con cháu, họ hàng vua Hêrôđê đại đế (37-11 av. Jc) người xứ Dumê phía nam Do thái.
Sađốc thuộc dòng dõi thượng tế Sađốc từ thời vua Salômon truyền lại. Họ là hàng quý tộc, thượng tế với tư tế. Họ độc quyền thu hoa lợi của Đền thờ Giêrusalem và liên kết với đế quốc để thống trị, bóc lột dân. Tuy họ giữ luật Môisê (Torah) nhưng lại sống phóng khoáng giao du với dân ngoại, nhiễm tinh thần văn hoá thần tượng Hy Lạp và Rôma.
Trái lại, biệt phái (Pharisiêu) hoàn toàn biệt lập, bài ngoại và bài đế quốc. Họ giữ luật cổ truyền, nhất là những tập tục của tiền nhân.
Họ coi tập tục tiền nhân hơn luật Môisen. Họ cắt nghĩa luật truyền khẩu rất tỉ mỉ và bắt dân giữ rất khắt khe. Họ tự coi mình là những tiến sĩ luật, những ký lục bảo tồn lề luật của tiền nhân. Họ cho đó là cách bảo vệ tôn giáo và đất nước tốt nhất. Thực sự họ đã chồng chất lên dân chúng những gánh nặng gông cùm dưới danh nghĩa tôn giáo. Họ đã biến tôn giáo thành thứ quốc giáo cuồng tín, hẹp hòi, kích động lòng ái quốc mù quáng.
Sống giữa cảnh lãnh đạo mù quáng và mâu thuẫn, chống đối, thù hận nhau của phái Sađốc và biệt phái. Dân chúng thật bơ vơ, lạc hướng. Có lần Chúa Giêsu đã cảnh cáo họ: “mù dắt mù xuống hố”, “các ông thật lầm lạc”.
Dân ngoại và dân Samari không bị những hệ phái tôn giáo xâu xé tinh thần như dân Israel, có lẽ đây là lý do chính cho ta hiểu tại sao Đức Giêsu dậy các tông đồ đi đến nhà Israel. Phải cứu Israel trước, vì họ cực khổ hơn các dân khác, cũng như phải cứu chữa những con chiên lạc, những người Israel đau yếu, tật nguyền, quỷ ám trước những người Israel khác.
Để thực hiện chương trình cứu chiên lạc, Đức Giêsu căn dặn các tông đồ ít nhất là hai điều cần thiết: thứ nhất là phải biết chạnh lòng thương những người lầm than. Thầy chạnh lòng thương họ thế nào, môn đệ cũng phải thương họ như vậy.
Thương dân không được đàn áp bóc lột như phái Hêrôđê. Họ dùng quyền sai lính bắt dân làm đầy tớ cho họ sống vinh thân phì gia: “một người làm quan cả họ được nhờ”. Đáng lý ra, ở địa vị chính quyền, họ phải lo sống chân chính chăm lo hướng dẫn, giúp dân sống sung túc văn minh tiến bộ mọi mặt tích cực. Người xưa như Aristote và Khổng tử đã khuyên chính quyền phải là người hiền đức biết mưu hạnh phúc tốt nhất cho nhân dân: “quý dân như con đỏ”, tôn trọng dân hơn việc làng xã “dân vi quý, xã tắc thứ chi”. Cụ thể hơn, sách Xuất Hành đã nêu gương Môisê là người lãnh đạo dân phục vụ dân hết lòng, hết cuộc đời như Thiên Chúa muốn: “Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai cập thế nào và đã mang các ngươi như trên cánh phượng hoàng mà đem đến với Ta. Ta coi các ngươi như tư tế, như dân thánh” (Bài I).
Thương dân, tránh thái độ thờ ơ lãnh đạm của phái Sađốc. Họ chỉ lo bảo vệ địa vị, quyền lợi họ, họ tìm lợi lộc cá nhân đến nỗi họ “biến nhà Cha Ta thành chợ búa, thành hang trộm cướp”, Dân nghèo đói, khổ sở, sống chết mặc bay. Thương dân, môn đệ phải theo gương Thầy lăn lộn với dân chúng nghèo khổ bệnh tật, nhất là những chiên lạc bị quỷ dữ hãm hại trong sự ác tội lỗi, đem Tin mừng nước Trời đến cứu chữa họ.
Thương dân, không chất trên vai dân những gánh nặng tập tục của loài người như những Biệt Phái giả hình bên ngoài. Nhưng môn đệ sẵn sàng vác gánh nặng, để gánh nặng của người dân trở nên êm ái và nhẹ nhàng, nhất là những gánh nặng tội lỗi. Ước chi môn đệ thí mạng sống chết vì dân, chết thay cho kẻ tội lỗi để chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương họ, Thiên Chúa giao hảo với họ, cứu sống họ muôn đời (Bài II – Rm. 5, 6-11).
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN- A
HÃY CẦU CHO ƠN GỌI- Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn DCCT
“Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với nhân loại đang lúc học còn là tội nhân,” Thánh Phaolô xác quyết như thế.
Thử hỏi có ai đã liều chết cho kẻ thù hay người phản bội. May ra mới có chuyện người ta dâng hiến đời mình cho một lý tưởng hay hy sinh sự sống cho một nhân vật đáng kính đáng yêu. Chứ có ai lại hủy mình cho các tội đồ. Ấy thế mà, vì yêu thương, Thiên Chúa đã làm công việc không tưởng đó. Ngài hiến dâng Người Con duy nhất là Đức Giêsu để chuộc lại sự sống cho toàn nhân loại – những kẻ đóng đinh Con Thiên Chúa.
Yêu người “không đáng yêu” là tình yêu đi đến tận cùng. Yêu nên bất chấp lầm lỗi thiếu xót. Yêu nên mở ngỏ cho phong phú kiện toàn. Tình yêu đó không chỉ được tỏ bày trên thập giá, nhưng đã bàng bạc trong mọi ngày đời của Đức Giêsu. Việc kêu gọi và chọn lựa các tông đồ tiên khởi là một minh chứng điển hình.
Mười hai tông đồ là 12 con người bất toàn, thậm chí có người còn phạm trọng tội. Thế nhưng Đức Giêsu đã kêu gọi và tiếp nhận họ vào chương trình chuyển trao tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người.
Phêrô là người có tính khí nóng nảy bộp chộp khác thường. Khi thì kiên vững như đá, nhưng có lúc lại mềm nhão hơn bùn. Hôm thì thề quyết theo Chúa đến cùng, nhưng có ngày lại quá run sợ mà chối phăng.
Giacôbê và Gioan, con của Giêbêđê là những người nóng nảy. Họ từng xin Chúa cho lửa trời xuống thiêu sạch bọn người Samari hổn láo. Không những thế hai ông còn mang ít nhiều tham vọng riêng tư, muốn được ngồi nơi những vị trí tốt nhất trong vương quốc của Đức Kitô, khiến cho xung đột nảy sinh trong hàng ngũ tông đồ.
Matthêô xuất thân từ tầng lớp bị xã hội khinh khi ghét bỏ, một người bị xếp đồng hàng với gái điếm vì bán mình làm kẻ thâu thuế cho ngoại bang.
Simon nhiệt thành là người thuộc phái Zealot, đang âm mưu lật đổ chính quyền đô hộ Rôma để dành lại độc lập tự do cho dân tộc, bất chấp thủ đoạn, miễn sao đạt được mục đích chính trị là sách lược của phái Zealot. Ấy là chưa nói đến Giacôbê con của Anphê và Thađêô là những người dễ có khuynh hướng cực đoan quá khích.
Tôma thì cứng lòng. Khó tin tưởng một ai. Điều gì cũng đòi phải có chứng minh hẳn hoi, chứ “trăm nghe không bằng mắt thấy”. Còn Giuđa Iscariot, bên ngoài rất thanh liêm ngay chính, nhưng bên trong đầy tham lam thủ đoạn, sẵn sàng phản bội để tìm kiếm lợi riêng.
Những con người thiếu sót, lầm lỗi là thế nhưng Đức Giêsu lại triệu tập để trao cho họ một sứ mạng lớn lao. Như thế, không phải chỉ có những ai hoàn hảo, đầy tài năng mới được mời gọi, và không phải khi nào tự thấy xứng đáng, tôi mới lên tiếng đáp trả. Nhưng đúng hơn, tình yêu Thiên Chúa đón nhận tất cả, dù là con người tầm thường yếu đuối, miễn sao tôi có được tâm hồn rộng mở cho ơn Ngài.
“Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37). Lúa đã chín, mùa gặt đã về! Đây là thời kỳ hân hoan. Giọng ca tiếng cười sẽ vang lên khắp cánh đồng. Thế nhưng, lúa đầy đồng mà thợ gặt lại thiếu. Đức Giêsu xác định công việc nhiều lắm và cần người cộng tác biết bao! Nhưng cộng tác thế nào?
“Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa” (Mt 9,38). Thế ra, cầu nguyện là việc làm trước nhất của tiến trình “gặt lúa”. Người khởi sự cầu nguyện cho ơn gọi chính là người thợ gặt đầu tiên mà Thiên Chúa có được cho cánh đồng bao la của Ngài.
Một tác giả nhận định rằng: “Khủng hoảng của ơn gọi thực ra chỉ là khủng hoảng của đời sống cầu nguyện”. Không cầu nguyện sẽ không có ơn gọi. Khi cộng đoàn hay gia đình sa sút việc cầu nguyện, hạt giống ơn gọi sẽ không thể nảy sinh, nếu không nói là sẽ chết dần chết mòn. Thế nên, bạn hãy xin, và đó là điều Thiên Chúa muốn.
Thiên Chúa cần con người cộng tác, nhưng để trở nên kẻ cộng tác chân chính, người ta lại phải cầu xin Thiên Chúa. Đây là mối liên hệ song phương giữa Thiên Chúa và con người trong tiến trình tuôn đổ và đón nhận ơn cứu độ. Thiên Chúa rất cần, nhưng con người phải xin. Xin để thấy được việc cộng tác với Đức Giêsu, rao giảng Tin Mừng cho tha nhân, là một ơn vô cùng cao quí. Nếu mọi cộng đoàn xứ đạo hay các gia đình khởi sự cầu xin cho ơn gọi, thợ gặt sẽ đến và mùa gặt sẽ thành công.
Trước khi kêu gọi các tông đồ, Đức Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm trên núi, không phải chỉ cho công việc tuyển mộ nhưng còn cho cả người được tuyển mộ, cầu cho những tâm hồn thiếu xót bất toàn và tội lỗi biết quảng đại mở rộng cho tình Chúa.
Như thế cầu nguyện cho ơn gọi cũng có nghĩa là cầu nguyện cho người được gọi. Khi cầu nguyện cho người được gọi là khởi sự cảm thông và cộng tác vào sứ vụ mở mang Nước Trời.
Thay vì làm thui chột bao hạt giống ơn gọi trong gia đình xứ đạo qua thái độ chỉ trích, nói xấu người được gọi thiết tưởng tôi nên cầu nguyện, xây dựng, và đỡ nâng. Có như thế, hạt giống sẽ hình thành, lòng khát khao dấn thân sẽ nảy sinh, chờ đợi ngày lớn lên mang lại hoa trái thơm ngon cho khắp nơi.
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Một mình tôi không thể cắt hết lúa trên cánh đồng, nhưng chắc chắn hẳn cánh đồng sẽ còn sót lại nhiều gié lúa vàng vì thiếu phần đóng góp của tôi. Biết chân thành cầu nguyện và quảng đại hy sinh cho ơn gọi là tôi đã bắt đầu gieo rắc hoa trái yêu thương cho thế giới và mang lại niềm vui ơn cứu độ cho muôn người.
#cacabaisuyniemchuanhat #suyniemloichuachuanhatxithuongniena #suyniemloichuagpbr