CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA CHAY- A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
ĐÂY LÀ CON YÊU DẤU…(*)– Chú giải của Noel Quesson. 10
NGƯỜI CON YÊU DẤU- Chú giải của Fiches Dominicales. 19
NƯỚC HẰNG SỐNG (*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông 29
THEO CHÚA SẼ TỚI ĐƯỢC NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 52
KHÁT KHAO TÌM NƯỚC HẰNG SỐNG- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm.. 64
NHỊP CẦU THIÊNG LIÊNG– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 81
NƯỚC HẰNG SỐNG- Lm. Gioan B. Trần Văn Hào. 87
ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG TRUNG HÒA– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 93
NƯỚC HẰNG SỐNG- Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng. 101
NƯỚC KHÔNG BAO GIỜ KHÁT NỮA- Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. 109
CUỘC GẶP GỠ LỊCH SỬ– Lm. Giuse Nguyễn Thành Long. 113
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Chúa liền phán bảo Môsê: “Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là “Thử Thách”, vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: “Chúa có ở với chúng tôi hay không?” Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8)
1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! – Đáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta,và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 5, 1-2. 5-8
“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 4, 42 và 15
Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.
PHÚC ÂM: Ga 4, 5-42 (bài dài)
“Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa”. Chúa Giêsu bảo: “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây”. Người đàn bà đáp: “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Bà nói ‘tôi không có chồng’ là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”.
Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: “Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?” Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?” Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: “Xin mời Thầy ăn”. Nhưng Ngài đáp: “Thầy có của ăn mà các con không biết”. Môn đệ hỏi nhau: “Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?” Chúa Giêsu nói: “Của Thầy ăn là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Đúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”. Đó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY-A
MẠCH NƯỚC TRƯỜNG SINH(*)– Chú giải của Noel Quesson
Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xy kha gần thửa đất ông Giacóp đã cho ông là ông Giuse. ở đấy có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ, trưa. Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước.
Những trang viết lớn của Gioan thì không ai quên được. Ta có thể đọc chúng ở nhiều mức độ không đối lập nhau: 1. Một báu vật văn chương và thi ca. 2. Một ý nghĩa nội sinh từ diễn tiến kịch tính của các màn diễn. 3. Một sự nêu bật giá trị tâm lý tinh tế của Đức Giêsu. 4. Một sự phong phú những kỷ niệm Kinh Thánh được sử dụng lại. 5. Một cách sử dụng các ý nghĩa biểu tượng sâu xa của loài người. 6. Và, bên trong tất cả những thứ đó, một nền thần học nhiệm tích và Kitô học cực kỳ cụ thể.
Vâng hãy nếm trước hết ý nghĩa hiện thực của cảnh tượng: Đức Giêsu mệt nhọc, vật vã, kiệt sức vì một chuyến đi dài dưới ánh nắng ban trưa. Người lại ăn chay, ngay trước bữa ăn không thể làm được gì nữa, Người ngồi xuống đất, lưng tựa vào thành bờ giếng. Người khát nhưng không có thùng múc nước. Một phụ nữ tới, đội một vò nước, theo kiểu phương Đông. Khi tôi kiệt lực, và tôi không thể làm được gì nữa, tôi có thể cầu ông Giêsu này, Người biết chuyện đó là gì.
Đức Giêsu nói với chị ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống”. Lúc đó các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?”. Quả thế người Do Thái không được giao thiệp với người Samari, Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ân huệ của Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị xin cho tôi chút nước uống thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.
Đức Giêsu, con người tự do, ở đây vi phạm ba điều cấm kị: về chủng tộc, về tôn giáo, về giới tính. Ở Phương Đông, người ta cấm nói với với một người đàn bà ở chỗ công khai.
Những tín đồ Do Thái tốt đều khinh miệt những người Samari; cho là những kẻ rối đạo và sùng bái thần tượng. Từ tám thế kỷ, người Samari và Do Thái đã hết sức thù hằn nhau một cách dữ tợn. Nhưng Đức Giêsu tự do Người không tin vào những cấm cản dứt khoát, những nhãn hiệu nẩy lửa, những khẩu hiệu quá đơn giản của những cách phân loại chính trị hay tôn giáo giữa người tốt và kẻ xấu.
Người phụ nữ ấy nói: “ Thưa ông, ông không có gầu mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. Đức Giêsu trả lời: “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi đến đây lấy nước”.
Chúng ta bắt đầu đoán về tất cả nghệ thuật tâm lý của Đức Giêsu (và của Gioan). Đây không phải chỉ là một ngụm nước mà một người nước ngoài đầy bụi bặm xin Đức Giêsu mang đến, ở chỗ sâu thẳm nhất của sinh thể mình, một thứ khát khao khác. Người đốt cháy lên nỗi khát khao làm cho những nguồn nước chảy vọt lên ở trong lòng những người đàn ông và đàn bà… Nước! Nước là một thực tại của sự sống. Không có một sự sống nào mà không có nước! cái yếu tố xem ra tầm thường và quá đơn giản này, lại là quí giá nhất. Ngay trong những vùng trên địa cầu mà ở đó có nước dồi dào, thì ngày nay, người ta lại phát hiện được giá trị thiết yếu của nó: người ta bảo vệ, người ta để nó sang bên cạnh để nó không thiếu, người ta thanh lọc nó. Thế thì chẳng ngạc nhiên gì khi nước đã có một giá trị biểu tượng phổ biến trong tất cả mọi nền văn minh và tôn giáo trong Kinh Thánh. “Nước hằng sống” là chính hình ảnh Thiên Chúa ban sự sống (Gr 2,13; Is 12,3; 55,1; Ed 47,1; Dc 14,8). Biểu tượng nước đầy dẫy trong sách Tin Mừng Gioan; nước hóa rượu của Cana (Ga 2,7); nước mà trong đó người ốm muốn lặn xuống ở chỗ giếng Bết-da-tha (Ga 5,7); nước mở mắt cho người mù ở giếng Si-lô-ê (Ga 9,7), con sông nước hằng sống chảy từ ngực Đức Kitô được loan báo trên bậc thềm của Đền Thờ (Ga 7,38), nước của sự sống cho những ai muốn sinh lại bởi nước và Thánh Linh, được loan báo cho Ni-cô-đê-mô (Ga 8,5), sau cùng, nước chạy vọt ra từ cạnh sườn của Đấng chịu khổ hình thập giá (Ga 13,39). Bạn có một nguồn nước nơi bạn, bạn biết đó, từ ngày bạn chịu phép Thánh Tẩy.
Đức Giêsu bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng”. Đức Giêsu bảo: Chị nói tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.
Biểu tượng miền Samari “bán mình làm đĩ” cho các thần tượng… mà cũng là người phụ nữ có thật. Đó là thân bèo giạt hoa trôi, cái đồ thừa thãi đáng thương, bị chìm xuống vực thẳm làm một thứ đồ chơi cho cả một nửa lố đàn ông. Thế thì ông là ai, anh chàng nước ngoài mệt phờ này, cái anh chàng Do Thái bị tẩy chay này, mà lại đoán ra vết thương lòng của tôi? Thế thì ông là ai, cái anh chàng dò xét cõi lòng phụ nữ với một sự tế nhị đến độ không làm người ta phải ngượng ngùng? ông là ai, cái người mà đã đoán được cả lòng tôi khát khao hạnh phúc mà những thứ tình qua đường của tôi không làm nguôi được ông là ai, cái anh bạn vô danh có vẻ muốn chìa tay cho tôi biết rằng, dù kinh nghiệm tôi trải qua có đau đớn thật, nhưng cuộc đời tôi có lẽ không phải là một thất bại?
Người phụ nữ nói với Người: ‘Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này còn các anh lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa”. Đức Giêsu nói: “Này chị, hãy tin tôi. Đã đến giờ các người thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ phượng Đấng các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến và chính lúc này đây giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế Thiên Chúa là Thần Khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí vô sự thật”. Người phụ nữ thưa: tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”.
Ôi đàn bà, cuộc đời của chị không phải đã hết, đã hỏng. Ôi, loài người, nỗi khát khao của người còn xâu xa hơn người tưởng. Ôi tội nhân, sự thất bại của người có lẽ sắp trở thành một nguồn suối.
Thờ phượng! Đấy là mục tiêu của Người! Ngươi không nghĩ đủ đâu. Nhưng tôi, tôi nhắc lại mười lần tiếng này: Thờ phượng. Ngươi được tạo thành cho Thiên Chúa. Ôi, đàn bà, tấm lòng ngươi quá lớn lao, nên không chỉ bằng lòng với những hạnh phúc rời rạc và tạm bợ! Tất cả những gì tận cùng đều ngắn ngủi.
Thờ phượng! Dù muốn hay không, con người đã được lập trình cho chuyện này. Chỉ một mình Thiên Chúa mới thanh thỏa được nhu cầu về vô hạn nơi chúng ta. Nỗi khát không những tái phát.
Thờ phượng! Thái độ huyền nhiệm của người đứng trước mặt Thiên Chúa, cõi lòng được ngoạm vào, hít vào, xoa dịu, no thỏa bởi Đấng trên cao!
Người phụ nữ Samari vẫn còn có nhiều vấn đề tôn giáo có tranh cãi: phải thờ phượng Thiên Chúa ở đâu?… trên núi Garizim, miền Samari, hay trên núi Si-on ở Giêrusalem? Câu trả lời của Đức Giêsu là một sự vi phạm Truyền Thống: dám nói rằng Đền Thờ và các nghi thức phụng vụ không còn quan trọng gì cả! Thật là phạm thượng! Sự thờ tự Thiên Chúa đích thực là điều đã được thúc đẩy trong cuộc đời chúng ta nhờ chính “Thần Khí”. Đền Thờ Thiên Chúa đích thực là đền thờ mà Chân lý của Chính Đức Kitô đến khánh thành: đó là thân xác Người; và Đức Giêsu nhận được sự đón tiếp tốt nhất không phải chính tại miền Giu-đê, nhưng tại ngay giữa miền Samari: “Các ông thờ phượng điều mà các ông không biết!”. Chính người “Do Thái” biết sự thật. Nhưng chính “anh rối đạo” lại được phụ quyền. Lạy Chúa, xin cho chúng con sự yêu thích thờ phượng trong Thần khí và trong sự thật.
Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế không ai dám hỏi Người “Thầy cần gì vậy?” hoặc “Thấy nói gì với chị ấy thế?”. Người phụ nữ ấy để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm, ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”. Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.
Tấm lòng của người phụ nữ đã được cứu thoát. Trong cuộc đời bị khô héo, một cuộc sống thấp lè tè dưới đất, hời hợt (tiêu thụ đủ loại), một nguồn nước đã vọt ra nơi chị ta. Chị không còn gì làm về cái giếng và cái vò nước này. Chị chạy đi thông báo về nước hằng sống mà chị vừa khám phá ra. Làm sao mà không kêu lên tin mừng cho cả làng nghe! Và chính cái quá khứ nặng nề tội lỗi của chị đã khiến cho chị thấy quá hợp để nói về Thiên Chúa: “Hãy đến xem có người đã yêu tôi với lòng xót thương”. Câu chuyện này không phải là câu chuyện của bạn sao?.
Trong khi đó các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa”. Người nói với các ông: ‘Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”. Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?”. Đức Giêsu nói với các ông: lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt?” Nhưng này. Thầy bảo anh em: “Ngước mắt lên mà xem, đồng luá đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái. Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi đễ được sống muôn đời, và như thế cả người gieo lẫn người gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy câu tục ngữ “kẻ này gieo người kia gặt” quả là đúng. Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em được vào hưởng công lao vất vả của họ.
Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy khi đến gặp Người dân Samari xin Người ở lại với họ và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật chính chúng tai đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian”.
Vâng, từng nấc một, Gioan đã đưa chúng ta xuốngchiếc giếng sâu, chính là huyền nhiệm về bản vị Đức Giêsu: một người nước ngoài đáng thương mệt nhoài và khát đến cháy cổ… một người Do Thái “biết Đấng mình thờ phượng” nhưng còn lớn hớn cả Giacóp, người sáng lập nước Israel, một ngôn sứ đọc được trong lòng người ta và đoán được những âu lo bị che khuất Đấng Mêsia được trông đợi đã làm chảy vọt lên nước hằng sống của cuộc sống muôn đời; và dạy cho loài người biết sự khát khao đích thực: Thờ phượng Thiên Chúa trong Thần khí và trong sự thật, tóm lại Đấng Cứu Độ trần gian.
Bao lâu còn chưa khám phá ra cái suối này, Đức Giêsu mà tất cả thức ăn của Người là thực hiện ý muốn của Chúa Cha, thì thế gian chết vì đói và khát cũng một thứ đồ ăn và thức uống đó luôn ở trong thực đơn nơi bàn tiệc của Giáo Hội. Phục sinh đến gần: phải chăng bạn sẽ ngã quỵ vì bệnh thiếu máu thiêng liêng ở gần ngay suối nước và bàn ăn? Và này bạn khát khao cái gì?
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
NGƯỜI CON YÊU DẤU- Chú giải của Fiches Dominicales
- Cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Samaria:
Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari, một trong những trang đẹp đẽ nhất của Phúc âm thánh Gioan, thuộc trong số những bài đọc quan trọng của vị thánh sử thường được Hội Thánh, ngay từ những thế kỷ đầu, dùng trong nghi thức khai tâm các dự tòng.
+ Sự việc xảy ra tại Samari. Miền đất này ngày xưa đã từng là đất thánh của các tổ phụ nhưng kể từ cuộc phân ly của người Samari, đã biếrl nên vùng đất bị thù ghét, tránh lai vãng.
Đức Giêsu bỏ miền Giuđê mà trở lại miền Galilê. Người có hai lối dể đi: một “nên đi”, khó khăn vất vả hơn vì nắng nóng; một “không nên đi”, không tốt cho những người Do Thái phải thường xuyên giữ mình sạch sẽ theo luật tế tự, thì lại qua ngã Samari.
Đức Giêsu cố tình chọn lối đi thứ hai này: “Người phải băng qua Samaria. Theo X. Dufour, có lẽ để chứng tỏ Người đến “để hoà giải các dân tộc, nối kết những anh em đã phân ly” (xem “Bài đọc Phúc âm theo thánh Gioan”, tập I, trang 342).
+ Sự việc diễn ra bên bờ giếng Giacob. Trong tất cả các nền văn minh Sêmít, giữa một thiên nhiên khắc nghiệt do hạn hán và sa mạc nóng cháy, giếng là chỗ duy nhất cung cấp nước, đã trở thành nơi có tính chất biểu tượng: nơi của sự sống, nơi để gặp gỡ, đối với những ai thông thạo Kinh Thánh, thì giếng nước còn là khung cảnh cho nhiều cuộc Giao ước, và là cái gợi nhớ lại ơn Thiên Chúa đã ban cho Dân Người trong thời xuất hành qua sa mạc.
- Tiến trình nhận ra Đức Kitô.
Qua bài tường thuật Phúc âm, thánh sử Gioan muốn đưa chúng ta vào hành trình nhặn biết Đức Kitô.
+ Những xê dịch đi lại trong không gian là hình ảnh biểu trưng cho những chuyến trở về nội tâm.
+ Những thay đổi trong danh xưng Đức Giêsu đánh dấu từng bước của sự nhận biết: lúc đầu chỉ là “người Do Thái”, rồi được tuyên bố là “lớn hơn tổ phụ Giacob là người đã cho chúng tôi giếng này, sau đó được gọi là “vị Tiên tri” trước khi xưng mình là “Đấng Messia” và được những người Samaria nhận là “Đấng cứu độ trần gian”.
+ Những ngộ nhận giữa đôi bên đối thoại chỉ cho chúng ta thấy những chặng đường phải vượt qua: Từ nước giếng đến nước Hằng Sống.
Từ nơi chân thờ phụng đến việc tôn thờ Thiên Chúa trong tình thần và chân lý.
Từ của ăn nuôi thân xác đến lương thực là thi hành ý Cha.
Từ chuyện mùa màng đến sứ mạng trên cánh đồng truyền giáo. Từ nước giếng đến Nước Hằng sống:
“Có một người phụ nữ Samaria đến lấy nước”. Chị cho tôi xin chút nước uống, Đức Giêsu xin với người phụ nữ ấy, như ngày xưa dân Israel cũng đã xin cho có nước uống trong sa mạc (Bài đọc I). Người phụ nữ bỡ ngỡ trước lời đề nghi khó hiểu của người đàn ông Do Thái qua đường này, bởi trải qua nhiều thế ky đã có quá nhiều hiểu lầm và thù ghét giữa người Do Thái và người Samari. Chị không ngại chấp nhận cuộc trao đổi: “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”. Vô tình chị đang từng bước đi vào một cuộc mặc khải nhiệm mầu chưa từng có.
Đức Giêsu “xin người phụ nữ nước uống”. Vẫn theo X. Dufour, “Người ta có cảm tưởng là điều mà Người thực sự đang khát chính là cái khát, là nỗi ước ao của người phụ nữ làm sao có được thứ Nước Hằng Sống mà chỉ một mình Người có thể ban cho” (Sđd trang 354). Và quả thực, sau đó Đức Giêsu đã trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị Nước Hằng Sống? Là kẻ “không có thùng để múc nước”, giờ đây Người lại xưng mình sẽ ban Nước Hằng Sống, thứ nước sẽ làm thoả mọi cơn khát, thứ nước “sẽ trở thành nơi người uống ‘một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời’.
Câu chuyện chuyển dần theo nhận định của Alain Marchadour – từ cái giếng nước vật chất sang người đàn ông, một người Do Thái đã mệt lả và đói khát. Con người ấy, ngay trong tình thế thiếu thốn của mình, lại tự giới thiệu như một Đấng có quyền ban phát. Mà ân ban ở đây lại không có liên can gì tới thứ nước trong giếng cả, vòi từ nơi con người ấy, nó trở thành một nguồn suối mới ngàn trùng vượt xa cái giếng nước ban đầu Đức Giêsu đã đưa vào trong cuộc đối thoại một chiều kích mầu nhiệm từ chuyện một cái giếng nước vật chất mà Người ghé vào để xin nước uống, người đã huớng đến chính bản thân Người, là ân ban của Thiên Chúa, Đấng có quyền năng ban cho loài người Nước Hằng Sống” (“Phúc âm thánh Gioan”, Centurion, 1992, trang 76-77).
Từ nơi chốn thờ phượng đến việc tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý:
Đức Giêsu lúc này đặt người phụ nữ trở về đối diện trước chuyện đời tư của mình: một cuộc sống thiếu chung thuỷ chẳng khác gì biểu tượng về sự bất trung tôn giáo nơi những người dân Samari. Chúa nói với người phụ nừ: “Chị hãy gọi chồng chị rồi trở lại đây”. “Tôi không có chồng, chị ta đáp. Chúa không nhượng bộ: “Chị nói tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi (con số có thể khiến liên tưởng tới năm vị thần mà người Samari thờ), và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng. “Thưa ông tôi thấy ông thật là một ngôn sứ, người phụ nữ nói tiếp, thêm một bước khám phá về chân tính của người khách lạ. Sau đó chị lái câu chuyện sang một vấn đề đã từng là nguyên cớ gây chia rẽ giữa người Do Thái và người Samari: nơi phải thờ phượng Thiên Chúa. “Trên núi này (núi Garizim)?” hay “ở Giêrusalem?”. Đức Giêsu báo cho chị ta hay rằng từ nay, với Người, một thời cũ đã qua, một thời mới bắt đầu: không còn chỗ cho thứ thờ phượng gắn liền với một ngọn núi; đã hết thời cho những cái đã là đền thờ này hay đền thờ kia (D. Mollat). Kể từ bây giờ sự hiện diện của Thiên Chúa không còn lệ thuộc vào một nơi chốn hay một đền đài nào nữa, nhưng vào một con người: Đức Giêsu Kitô. Người loan báo: “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”. Họ sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Người, Đức Giêsu, Đấng là đền thờ mới (Ga 2,19-22), và nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho họ để trở nên con cái Thiên Chúa trong Người Con.
Và khi người phụ nữ đề cập tới việc “Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, Đức Giêsu trả lời: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”.
Để vò nước lại, bởi nó chẳng còn dùng vào việc gì nữa, người phụ nữ chạy đi chia sẻ với bà con của mình niềm vui của cuộc gặp gỡ: người phụ nữ từng thèm khát được uống, được tồn tại, nay đã tìm ra được con người đã làm vọt lên trong chị một nguồn sống mới: “Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”
- Dẫn tới việc tuyên xưng đức tin:
Đang lúc đó thì các môn đệ trở về, mang theo đồ ăn thức uống. Người phụ nữ đã đi khỏi, các ông mời Chúa: “Rabbi, xin mời Thầy dùng bữa”. Lại một ngộ nhận nữa liền xảy ra về chuyện “lương thực”. Điều Đức Glêsu hằng tìm kiếm, cái là lương thực là sự sống của người chính là “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và họàn tất công trình của Người”.
Rồi từ đề tài lương thực và sứ mạng dẫn tới đề tài “mùa gặt”. Thêm một ngộ nhận mới: các môn đệ chỉ nhìn thấy cánh đồng còn phải chờ bốn tháng nữa mới tới mùa gặt, còn Đức Giêsu lại mời gọi các ông “hãy ngước mắt lên mà xem” thấy những người Samari đang lại gần kia, họ chính là những hoa trái đầu tiên của mùa gặt truyền giáo. Bài tường thuật đạt tới đỉnh cao với lời tuyên xưng đức tin của những người Samari: chính chúng tôi đã nghe và biết rằng người thật là Đấng cứu độ trần gian. Lời tuyên xưng không trực tiếp nói với Đức Giêsu, nhưng với người phụ nữ. X. Dufour nhận xét: Ngay những kẻ đã được nghe Tin Mừng người phụ nữ loan báo, nay lại loan báo cho chị ta biết Đức Giêsu kia thực sự là ai: đúng là một trao đổi lạ lùng!, và kết luận: Qua phong cách và lời nói của người đàn ông Do Thái tên Giêsu đã đến ở giữa họ này, những người Samari đã được mở ra tới một chân trời mới vượt xa ranh giới mảnh đất của họ. Họ đã nhận ra con người này không chỉ là Đấng Messia cho một dân tộc mà họ mong đợi, nhưng là Đấng Cứu độ trần gian. (Sđđ, trang 39S và 395).
Đức Giêsu đã sẵn lòng ở lại với họ hai ngày, điều này làm sáng tỏ rằng đối với Người, không còn đâu là “miền đất được ưu tiên”, không còn đâu là “miến đất bị ghét bỏ” nữa, nhưng tất cả mọi người không phân biệt đều được mời gọi đến với ơn cứu độ.
BÀI ĐỌC THÊM:
- “Theo kiểu của họ, các anh chị tân tòng nói với chúng ta về tính chất muôn đời mới mẻ của Đức tin”.
“Người phụ nữ Samari”. Đối với nhiều người đó là tên một cửa tiệm lớn ở Paris mà người ta đôi lúc còn nhắc đến thời còn bán đồ cũ. Nếu từ này còn có thể khiến ai đó chú ý đến chương IV của Phúc âm thánh Gioan này, thì chúng ta tin chắc rằng phải có một cái gì đó đặc biệt có sức thu hút, “nói là thu hút”, nhưng trong câu chuyện Phúc âm không hề có vấn đề thu hút gì cả. Đúng hơn đây là một sự tiếp cận. Một sự khám phá và là một lời mời gọi không thể chối từ. Người phụ nữ Samari ở đây đúng là mẫu mực, là điển hình của người tân tòng đang dấn thân tìm gặp Đức Giêsu.
Chị ta lại chịu hai mặt bất lợi: là phụ nữ và là thành phần của một sắc dân bị người Do Thái miệt thị (bằng chứng về sự xuất hiện và có mặt của những cộng đoàn Kitô hữu tại Samari ngay vào thời Tin Mừng IV đang được biên soạn). Nhưng đó không thành vấn đề, Đức Giêsu vẫn tìm cách lôi kéo người phụ nữ này, nhưng một sức hấp dẫn vô hình. Cách tiếp cận thật lạ lùng: người khách lạ đã mỏi mệt dừng chân bên bờ giếng xin người phụ nữ chút nước uống. Đấng có quyền năng ban phát mọi sự, nay lại làm kẻ ngửa tay xin. Thiên Chúa luôn rộng ban ơn của Người cho tất cả những ai biết sẵn sàng cho đi chút của cải mình có. Người tân tòng sẽ tìm thấy không phải là một vị Thiên Chúa thích huỷ diệt để rồi lại ban phước, nhưng một Thiên Chúa nghèo, dường như phải cần đến loài người. Thế rồi câu chuyện bỗng đổi chiều, giờ đây cái nhìn của Đức Giêsu soi thấu vào ngõ ngách đời tư của người phụ nữ. Cái nhìn của loài người chỉ dừng lại ở bề ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn sâu vào cõi lòng. Người tân tòng phải chăng là kẻ mà Đức Giêsu đã trở nên thiết thân hơn chính bản thân họ?
Đến đây, người phụ nữ ngỡ ngàng nhận ra vị ngôn sứ Chị biết rằng giòng Nước Hằng Sống kia có thể rửa sạch mọi bất trung tội tình của chị. Kẻ sắp lãnh nhận phép Thánh Tẩy cũng thế, họ khát khao giòng nước rồi đây sẽ cho phép họ thầm thì kêu tên Thiên Chúa là Cha. Chưa hết, người phụ nữ còn bỏ lại tất cả, cả cái vò nước, cả những người tình, cả cuộc đời chị, để loan báo cho mọi người về cuộc gặp gỡ có tính chất quyết định cho chị. Chúng ta có khả năng để lắng nghe tiếng của những anh chị em tân tòng nói với chúng ta, theo cách của họ, sau khi đã giã từ cuộc đời dĩ vãng, về cái mới mẻ muôn thuở của Đức Tin?”.
- “Người phụ nữ bỏ quên vò nước bên bờ giếng”
“Bên bờ giếng, có một khánh bộ hành mỏi mệt dừng chân, chân lý đã vọt lên từ những lời ông ta nói. Cũng bên bờ giếng đó, người phụ nữ nọ đã để lại cái vò nước của mình, bởi từ nay nó những giúp gì cho chị đón nhận hồng ân Thiên chúa ban. Cái vò nước bỏ quên đó sẽ mãi mãi nói với chúng ta về một người phụ nữ mà số phận từng bị giam hãm trong đủ thứ công việc hằng ngày, trong những quan hệ không tới đâu với một loạt đời chồng, nay bỗng tìm thấy ý nghĩa cho đời mình qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, qua những trao đổi với Người. Cũng thế đối với những người Samari kia, những kẻ đã biết đón nhận người khách đường xa không hẹn mà đến này. Như thế, chính qua những chuyện của đời thường như ăn, uống, cuộc sống chung, cố gắng quay về với Thiên Chúa… mà con người nghe tiếng nói của Thánh Thần. Nhưng ở đây và lúc này, lại đến như một ân ban qua những bất trắc khôn lường của lời nói, qua thái độ chân thành của các bên đối thoại qua những khoảnh khắc thinh lặng để cho chân lý nói.
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY- A
NƯỚC HẰNG SỐNG (*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Trong chu trình Mùa Chay, Giáo Hội dành Chúa Nhật III và Chúa Nhật IV Mùa Chay cho bí tích Thánh Tẩy, vì thế các Bài Đọc được chọn lựa nhằm chuẩn bị cho tân tòng đón nhận Thánh Tẩy vào đêm vọng Phục Sinh. Như vậy, vào Chúa Nhật III Mùa Chay nầy, chủ đề nổi bật là “nước hằng sống”, nguồn mạch cứu độ.
Xh 17: 3-7
Suốt cuộc hành trình trong hoang địa, dân Do thái phải chịu cảnh đói khát. Thiên Chúa đã ban cho họ nước mát trong tuôn trào từ tảng đá. Qua đó, Thiên Chúa tỏ cho dân Ngài biết rằng Ngài vừa là Đá Tảng vừa là Nguồn Mạch luôn luôn tuôn trào sự sống và ơn cứu độ.
Rm 5: 1-2; 5-8
Thánh Phao-lô nói cho tín hữu Rô-ma biết rằng chính nhờ Đức Tin mà họ trở nên công chính và vui hưởng niềm hy vọng lớn lao, đó là một ngày kia sẽ được dự phần vào vinh quang của chính Thiên Chúa. Đức cậy nầy có một nền tảng vững chắc bởi vì nó cắm rễ sâu vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ga 4: 5-42
Tin Mừng tường thuật cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri ở bên bờ giếng Gia-cóp. Đức Giê-su tự đồng hóa mình với nguồn nước hằng sống đem lại sự sống đời đời.
BÀI ĐỌC I (Xh 17: 3-7)
Nhan đề của sách Xuất Hành tự nó nói lên nội dung của sách: “cuộc xuất hành khỏi đất Ai-cập”. Chương 17 nầy tường thuật một loạt những thử thách mà dân Do thái đã trải qua trong suốt cuộc hành trình gian khổ băng qua hoang địa: cái đói, cái khát, chiến tranh, từ đó họ kêu trách, gây gỗ và nổi loạn.
Đoạn văn được trích dẫn hôm nay tường thuật dân Do thái trải qua cuộc thử thách về cái khát, và từ đó nẩy sinh sự nghi nan ngờ vực về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Đối lại, Thiên Chúa đáp trả nhu cầu của dân. Vì thế biến cố nầy bao gồm hai bài học.
*1.Qua việc ban nước hằng sống, Thiên Chúa tỏ mình ra là Đấng cứu độ:
“Ông Mô-sê đập cây gậy vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy tràn ra cho dân uống”. Đây không là một phép lạ từ hư không (ex nihilo). Chính Đức Giê-su cũng sẽ không thực hiện bất kỳ phép lạ từ hư không nào. Ngài luôn luôn sử dụng chất liệu tự nhiên: từ nước ở Ca-na, Ngài biến thành rượu; từ năm chiếc bánh và hai con cá Ngài nuôi một đám đông dân chúng. Cũng vậy trong trường hợp của ông Mô-sê, từ đá tảng Thiên Chúa cho nước mát trong chảy tràn ra cho dân chúng uống.
Cây gậy mà ông Mô-sê sử dụng là cây gậy mà Thiên Chúa đã ban cho ông để chiến thắng các cây gậy của các nhà phù thủy của Pha-ra-ô (Xh 7: 11-12). Việc cây gậy thần hay chiếc đũa thần làm nên những điềm thiêng dấu lạ chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với những chuyện tích nhân gian, nhưng điều quan trọng chính là Thiên Chúa, qua người đại diện của Ngài, cho thấy quyền năng của Ngài hơn các quyền năng của các vị thần linh Ai-cập, qua các vị pháp sư này. Thật ý nghĩa biết bao ở Ds 20: 7-8, câu chuyện nầy được đọc lại, thay vì cây gậy của ông Mô-sê, chính là “lời của ông” khiến nước phun ra từ tảng đá: “Đức Chúa phán với ông Mô-sê: ‘Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với A-ha-ron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước…”.
Ân ban nước trong sa mạc Rơ-phi-đim được ghi trong sách Xuất Hành nầy là một hành động cứu độ. Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Vì thế, trong Kinh Thánh, “nước” không chỉ là một yếu tố tự nhiên đảm bảo sự sinh tồn, nhưng còn hổ trợ cho một chủ đề huyền nhiệm và biểu tượng: hình ảnh về sự sống tâm linh:
“Hai tay cầu Chúa giơ lên,
hồn con khát Chúa như miền đất khô” (Tv 143: 6)
hay:
“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trong mong được gần Ngài, lạy Chúa” (Tv 42: 2).
Tảng đá phun trào nước mát trong cho dân chúng uống ở Rơ-phi-lim mặc lấy cũng một ý nghĩa nầy. Truyền thống nầy vang dội trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô: Cha ông chúng ta “cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 10: 4).
*2.Kiên vững trong thử thách:
Ông Mô-sê đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của dân chúng. Họ sợ hãi trước một cái chết thảm khốc: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập để làm gì? Có phải để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?”. Đoạn, sự nghi nan ngờ vực trở thành lời nói phạm thượng: “Có Chúa ở giữa chúng tôi hay không?”.
Trước cuộc nổi loạn của dân chúng, ông Mô-sê sợ hãi kêu lên cùng Chúa: “Tôi phải làm gì cho dân nầy bây giờ? Chỉ còn chút nữa là họ lấy đá ném chết tôi!”. Ông Mô-sê chấp nhận đánh cược niềm tin của mình; Thiên Chúa phục hồi uy tín cho ông trước mắt mọi người khi cho ông thực hiện ân ban của Ngài trước sự chứng kiến của một số kỳ mục mà ông dẫn theo đến tảng đá.
Chính nhờ niềm tin mà ông Mô-sê đã vượt qua cơn nguy khốn này. Ông tin rằng không gì mà Thiên Chúa không thể làm được. Hơn nữa, ông đặt trọn niềm tin tưởng vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng, bất chấp những cằn nhằn gây gỗ của dân Ngài, đã không từ chối ra tay cứu giúp họ. Đức tin không thể tương hợp với sự tuyệt vọng.
Việc dân Do thái thách thức và cằn nhằn gây gỗ ở Ma-xa và Mê-ri-ba được sách Đệ Nhị Luật nêu lên: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa” (Đnl 6: 16). Khi chịu thử thách trong hoang địa, Đức Giê-su đáp lại cơn cám dỗ thứ hai của Xa-tan cũng bằng chính những lời nầy: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4: 7).
BÀI ĐỌC II (Rm 5: 1-2, 5-8)
Thần học về ơn công chính hóa là phần cốt yếu của thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Trong phần đạo lý (1: 16-11: 36), thánh Phao-lô nói cho chúng ta biết rằng chúng ta được trở nên công chính nhờ tin vào Đức Ki-tô. Phần đạo lý nầy được khai triển thành hai phần: phần thứ nhất (1: 18-4: 25) trong đó thánh Phao-lô chứng minh rằng ơn công chính hóa đạt được nhờ đức tin và phần thứ hai (5: 1-11: 36) trong đó thánh nhân sẽ bàn đến những hoa trái mà ơn công chính hóa sản sinh ở nơi những ai được trở nên công chính.
Đoạn trích hôm nay là phần đầu chương 5, chương đóng chức năng như bản lề của phần đạo lý này. Trong các chương trước, thánh Phao-lô đã trình bày cho chúng ta biết rằng chúng ta được cứu độ và trở nên công chính nhờ đức tin chứ không nhờ công này việc nọ. Bây giờ thánh nhân tiếp tục giải thích những hoa trái của đời sống mới. Hoa quả đầu tiên là “sống hòa hợp với Thiên Chúa” và “niềm hy vọng vào vinh quang tương lai”.
*1.Sống hòa hợp với Thiên Chúa (5: 1-2):
Được trở nên công chính, con người lại có thể sống trong mối thân tình với Thiên Chúa. Tội lỗi kéo theo sự thù địch giữa con người với Thiên Chúa, trong khi ơn công chính hóa chấm dứt tình trạng thù địch nầy. Con người sống trong tình trạng giao hòa với Đấng Tạo Hóa của mình. Những mối liên hệ giữa thụ tạo và Tạo Hóa được bình thường hóa. Đức Giê-su Ki-tô là Đấng trung gian của cuộc sống hoà hợp nầy. Để nhắc lại vai trò trung gian của Đức Giê-su, thánh Phao-lô cậy nhờ đến hình ảnh tế tự. Như một người tiến vào cung thánh nhờ chu toàn vài điều kiện, cũng vậy, hiện nay Đức Giê-su, Đấng cứu độ chúng ta, mở lối cho chúng ta vào để chúng ta được vui hưởng ân sủng của Thiên Chúa.
Vì thế, ân sủng không gì khác hơn là hành động của Thiên Chúa, nhờ đó con người được thụ hưởng ân nầy đến ân khác. Con người chỉ có thể tự hào và hoan hỉ vì những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Cuộc sống hòa hợp với Thiên Chúa mà con người được thụ hưởng hôm nay bảo đảm cho họ rằng ngày mai họ sẽ dự phần vào vinh quang Thiên Chúa, vào chính cuộc sống của Thiên Chúa. Ân ban bình an là tham dự trước vinh quang thiên quốc, ân ban nầy là bảo chứng cho cuộc sống thần linh mà một ngày kia họ sẽ thụ hưởng viên mãn.
*2.Niềm hy vọng vào vinh quang tương lai (5: 5-8):
Thánh Phao-lô nêu lên hai lý do để khẳng định rằng niềm hy vọng vào vinh quang tương lai là có cơ sở vững chắc:
*A-Ân ban Thánh Thần (5: 3-5):
Được công chính hóa, chúng ta không chỉ vui mừng vì đang được sống hòa hợp với Thiên Chúa và hy vọng về phần thưởng ngày mai, cho dù hiện nay phải gặp thấy niềm hoan hỉ trong những gian truân thử thách, vì “ai quen gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là người trung kiên, thì có quyền trông cậy” (5: 4). Điều quan trọng nhất chính là Thiên Chúa đang hoạt động để dẫn đưa chúng ta đến cứu cánh tối hậu mà Ngài dành sẵn cho chúng ta. “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”.
*B-Hiến dâng Con Một của Người (5: 6-8):
Thánh Phao-lô nêu ra một bằng chứng khác để khẳng định rằng niềm cậy trông của chúng ta là có cơ sở vững chắc, đó là Đức Giê-su đã chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu nầy còn lớn lao hơn, bởi vì thật khó gặp thấy một ai sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình cho một người lương thiện, ấy vậy, Đức Giê-su đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta còn là hạng phản nghịch cùng Thiên Chúa. Như vậy, không chỉ Chúa Con, nhưng cũng Chúa Cha đã bày tỏ tình yêu của mình trong cái chết của Đức Ki-tô.
TIN MỪNG (Ga 4: 5-42)
Phần mở đầu (4: 5-6) cho chúng ta biết cuộc hành trình của Đức Giê-su từ miền Giu-đê trở lại Ga-li-lê băng qua Sa-ma-ri, thời gian: “khoảng mười hai giờ trưa”, giờ nóng nhất trong ngày, và nơi diễn ra những cuộc đối thoại của Ngài với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri (4: 7-26), với các môn đệ Ngài (4: 27-38) và sau cùng với dân Sa-ma-ri (4: 39-42) là bên “giếng của ông Gia-cóp”.
*1.Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri (4: 7-26)
Trong khi các môn đệ vào thành để mua thức ăn để Thầy lại một mình vừa đói vừa khát bên bờ giếng Gia-cóp, thì có một người phụ nữ xứ Sa-ma-ri đến múc nước. Vì thế, Ngài ngỏ lời xin chị: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (4: 7), nhưng gặp phải phản ứng không mấy thuận lợi từ phía người phụ nữ qua câu trả lời của chị: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” (4: 9). Cuộc đối thoại khởi đi từ đó. Phải nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại phát xuất từ sáng kiến của Đức Giê-su. Chính Ngài là người đầu tiên ngỏ lời bắt chuyện với người phụ nữ để dẫn chị vào trong mầu nhiệm của Ngài.
Trong cuộc đối thoại, những trao đổi giữa Đức Giê-su và người phụ nữ đề cập đến hai chủ đề quan trọng: nước hằng sống (4: 10-14) và thờ phượng đích thật (4: 20-26). Chen vào giữa hai chủ đề nầy là một cuộc trao đổi ngắn về đời tư của người phụ nữ (4: 15-19) như một nhịp cầu nối giữa hai chủ đề này.
*A-Nước hằng sống (4: 10-14):
Trong câu trả lời của mình, người phụ nữ nêu lên hai lý do để từ chối nói chuyện với Đức Giê-su: trước hết, mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc này như lời giải thích của người kể chuyện: “Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri” (4: 9); thứ nữa, phong tục tập quán vào thời ấy không cho phép người phụ nữ được nói chuyện với một người đàn ông, nhất ở nơi hoang vắng.
Nhưng Đức Giê-su muốn phá đổ bức tường ngăn cách giữa hai dân tộc này cũng như giữa nam và nữ, để mở ra cuộc đối thoại với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người đang nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (4: 10). Đức Giê-su lợi dụng biểu tượng phong phú về “nước hằng sống” để chị có thể khám phá chân tính của Đấng không chỉ là ân huệ Thiên Chúa ban, nhưng còn là Thiên Chúa đích thân, Đấng đến từ trên cao (Ga 3: 3), từ trời (Ga 3: 31), nhờ đó chị có thể đón nhận lời của Ngài, lời ban sự sống.
Với câu trả lời nầy, vai trò của Đức Giê-su và của người phụ nữ đảo ngược: giếng ban nước mát trong vẫn ở đó, nhưng nhường chỗ cho sự hiện diện của Đức Giê-su, Đấng ban “nước hằng sống”. Cặp đối lập: “Ông, người Do thái” và “tôi, người phụ nữ Sa-ma-ri” vẫn còn đó, nhưng bị vượt qua bởi “Đấng hiện thân ân huệ Thiên Chúa”. Câu trả lời của Đức Giê-su ở thể điều kiện, nghĩa là lời đề nghị, hay lời mời gọi. Nếu chị chấp nhận điều kiện, lời hứa sẽ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, người phụ nữ chưa nắm bắt thực tại thần linh của biểu tượng, vì thế chị vẫn cứ bám vào thực tại vật chất của giếng Gia-cóp : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính người đã uống giếng nước này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy” (4 : 11-12). Đây là phương pháp “ngộ nhận” của Tin Mừng Gioan được dùng hai lần: trong cuộc đối thoại với người phụ nữ về “nước hằng sống” và trong cuộc đối thoại với các môn đệ về “lương thực đích thật”. Điều này giúp cho Chúa Giê-su khai triển sâu xa hơn điều Ngài muốn người đối thoại đạt đến.
Vì thế, Chúa Giê-su xác định rõ ra sự khác biệt giữa nước mà giếng Gia-cóp ban cho và nước mà Ngài ban cho : “Ai uống nước nầy, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (4 : 13-14). Trong câu 13 nói về nước mà giếng Gia-cóp ban cho, kiểu nói: “Ai uống nước nầy, sẽ lại khát” đã được sách Huấn Ca sử dụng: “Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát” (Hc 24: 21) để diễn tả người nào đã nếm lời Khôn Ngoan, sẽ ao ước được nếm mãi không thôi. Trong câu 14a nói về nước mà Ngài ban cho, kiểu nói: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” đã được ngôn sứ I-sai-a sử dụng: “Họ sẽ không còn đói và khát nữa” (Is 49: 10-13) để loan báo thời thiên sai và hoàn vũ. Như vậy Đức Giê-su khẳng định rằng nước mà Ngài ban cho không thuộc trật tự vật chất, nhưng thuộc trật tự biểu tượng: Ngài tỏ mình ra như “ân huệ” tuyệt mức mà Thiên Chúa ban cho con người (Ga 3: 16-17). Khi gặp gỡ Ngài, người ta không đơn giản gặp bậc tôn sư dạy những lời khôn ngoan xuất phát từ Mặc Khải, nhưng chính nguồn Mặc Khải. Đức Giê-su là hiện thân Mặc Khải (Ga 1: 14). Đó là lý do tại sao Ngài mời người đối thoại hãy tiếp nhận và sở hữu lời Ngài để lời Ngài trở nên nguồn sống đời đời trong lòng của mình: “Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (4 : 14b).
*B-Đời tư của người phụ nữ (4 : 15-18):
Chủ đề “nước hằng sống” xem ra đến hồi kết thúc với lời đáp trả của chị: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (4 : 15). Như vậy, với lời đáp trả này, chị chấp nhận một sự hoán chuyển vai trò giữa “người xin” và “người cho” như lời đề nghị của Chúa Giê-su ngay từ đầu câu chuyện (3 : 10). Nhưng rõ ràng người phụ nữ này chưa đạt đến niềm tin vào Ngài như Chúa Giê-su muốn, vì thế Ngài muốn câu chuyện được tiếp tục để dẫn chị đi xa hơn nữa.
Để thoát khỏi thế bế tắc, Đức Giê-su chứng tỏ cho chị thấy là Ngài biết mọi điều ẩn kín về chị như Ngài đã làm đối với ông Na-tha-na-en. Cho dù đã không đạt được lời tuyên xưng tròn đầy như Na-tha-na-en (1 : 49), chị nhận ra rằng người biết đời tư của chị phải là một ngôn sứ. Khởi đi từ đó, chị bắt đầu cởi mở tấm lòng mình cho Ngài. Như vậy phân đoạn này đóng vai trò chuyển tiếp giữa chủ đề “nước hằng sống” đi trước và chủ đề “thờ phượng đích thật” theo sau.
*C-Thờ phượng đích thật (4: 19-26):
Từ đó, người phụ nữ Sa-ma-ri nêu lên với Ngài một vấn đề then chốt, một vấn đề ám ảnh tâm thức tôn giáo của chị: chân lý thuộc về phía nào, về phía tín đồ phụng thờ Thiên Chúa ở đền thờ Ga-ri-zim hay về phía tín đồ phụng thờ Ngài ở đền thờ Giê-ru-sa-lem? Câu trả lời của Chúa Giê-su không là người nầy hay kẻ kia, “nhưng đến giờ – và chính là lúc nầy – những người thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Chúa Cha theo thần khí và sự thật” (4 : 23).
Cụm từ “thần khí và sự thật” theo “kiểu thế đôi” đặc trưng của Tin Mừng Gioan theo đó chữ thứ hai bổ túc cho chữ thứ nhất, vì thế phải được hiểu là “Thần Khí sự thật”, tức là Đấng mà Đức Giê-su sẽ nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly (Ga 14: 17; 15: 26; 16: 13) và là Đấng mà Ngài sẽ hứa ban cho họ sau khi Ngài sống lại (Ga 7 : 37-39 ; 20: 22). Như vậy, thờ phượng đích thật là thờ phượng được nuôi dưỡng bằng Mặc Khải của Đức Giê-su dưới tác động của Thần Khí sự thật, Đấng “sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14 : 26) và “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (16 : 13). Tác động của Thần khí sự thật cốt là làm cho sự thật của Đức Giê-su hiện diện trong chúng ta và giúp chúng ta hiểu biết đích thật về Ngài. Vì thế, thờ phượng đích thật không còn quy chiếu đến một đền thờ do người phàm xây dựng, nhưng đến Mặc Khải của Chúa Giê-su dưới tác động của Chúa Thánh Thần, qua đó Chúa Cha bày tỏ tận mức tình yêu của Ngài cho nhân loại. Đó sẽ là thờ phượng đích thật, nét đặc trưng của thời đại mới.
Trên bình diện cấu trúc và ngữ nghĩa, câu trả lời của người phụ nữ: “tôi biết” ở 4 : 25 là lời đáp trả tương ứng với lời đề nghị của Đức Giê-su ngay đầu câu chuyện: “nếu chị biết” ở 4 : 10. Như vậy cuộc đối thoại khởi đi từ lời mời gọi khám phá chân tính của “Đấng đang nói với chị” (4: 10) và hoàn tất ở nơi việc Ngài tự mặc khải mình ra: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (4: 26).
*2.Cuộc nói chuyện của Đức Giê-su với các môn đệ (4 : 31-38):
Có một cuộc hoán chuyển vai trò của những người đối thoại với Chúa Giê-su. Trước đó, các môn đệ đi vào thành phố mua thức ăn để nhường không gian và thời gian cho người phụ nữ Sa-ma-ri từ thành phố đến múc nước bước vào cuộc đối thoại với Chúa Giê-su. Bây giờ, người phụ nữ Sa-ma-ri trở về thành phố để nhường không gian và thời gian cho các môn đệ từ thành phố trở về bước vào cuộc đối thoại với Thầy.
Ở giữa lòng lịch sử niềm tin của dân Sa-ma-ri xảy ra một cuộc đối thoại của Đức Giê-su với các môn đệ của Ngài (4: 31-38). Cuộc đối thoại nầy là dịp để Đức Giê-su giải thích không chỉ cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri và việc dân Sa-ma-ri đến với Ngài, nhưng cũng sứ mạng của Ngài và sứ mạng của các môn đệ Ngài. Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với các môn đệ được dàn dựng như bức tranh bộ đôi: ở tiền cảnh, dân Sa-ma-ri đang trên đường đến với Ngài vì lời loan báo của người phụ nữ, trong khi ở hậu cảnh, Đức Giê-su vẫn ngồi bên bờ giếng và nói chuyện với các môn đệ về ý nghĩa của những gì đã và đang xảy ra.
Trong cuộc đối thoại, những trao đổi giữa Đức Giê-su với các môn đệ đề cập đến hai chủ đề quan trọng: “lương thực” (4: 31-34) và “sứ vụ” (4: 37-38). Chen vào giữa hai chủ đề nầy là một cuộc trao đổi ngắn về “mùa gặt” (4: 35-36) như một nhịp cầu nối giữa hai chủ đề này.
*A-Lương thực (4: 31-34)
Chủ đề “lương thực” là một bước tiến giúp hiểu mầu nhiệm của Đức Giê-su so với chủ đề “nước hằng sống” trước đó. Người phụ nữ Sa-ma-ri đã ngộ nhận ý nghĩa “nước hằng sống” mà Đức Giê-su nói với chị như thế nào, thì các môn đệ ngộ nhận ý nghĩa “lương thực” mà Chúa nói với họ cũng như thế khi họ hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” (4: 33).
Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su đã đáp trả Tên Thử Thách muốn khai thác cái đói vật chất của Ngài trong hoang địa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Mt 4: 4), theo đó lương thực nuôi sống Đức Giê-su không chỉ cơm bánh vật chất nhưng còn là Lời Thiên Chúa. Theo Tin Mừng Gioan, lời đáp trả của Ngài còn triệt để hơn: lương thực duy nhất nuôi sống Ngài là “thực hiện ý muốn của Cha, chính là hoàn tất công trình của Người” (4: 34).
Khi đối chiếu lời đáp trả của Đức Giê-su ở đây: “Thực hiện ý muốn của Cha, chính là hoàn tất công trình của Người” (4: 34) với lời nguyện hiến tế của Ngài: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao phó cho con làm” (17: 4) và với lời nói sau cùng của Ngài trên thập giá: “Thế là đã hoàn tất”(19: 30), các nhà chú giải đều nhận định rằng “công việc” mà trọn cuộc đời Đức Giê-su theo đuổi trên trần gian cho đến khi “hoàn tất” đó là kế hoạch cứu độ mà Chúa Cha đã khởi xướng. Nói cách khác, ý muốn của Chúa Cha được hoàn thành ở nơi công trình của Chúa Con, như Chúa Giê-su nói với người Do thái: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng tin các việc đó. Như vậy các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (11: 37-38). Như vậy, “thực hiện ý muốn của Cha” không cốt chỉ thực hiện một sứ vụ đúng thời đúng buổi, nhưng theo đuổi trọn một cuộc đời cho đến lúc hoàn tất trên Thập Giá.
*B-Mùa gặt (3: 35-36)
Đức Giê-su dùng hình ảnh “lương thực” để diễn tả sứ mạng của Ngài hiệp nhất với ý muốn của Cha Ngài cho đến mức cả hai nên một lòng một ý. Những câu tiếp theo (4: 35-36) sẽ soi sáng sứ mạng của Ngài bằng hình ảnh khác, hình ảnh “mùa gặt”.
Mới nhìn thoáng qua, có một mối liên hệ giữa hình ảnh “lương thực” và hình ảnh “mùa gặt”. Nếu lương thực là thành quả của mùa gặt, thì mùa gặt là thời gian sau cùng của một tiến trình khởi đi từ gieo giống. Tương tự như vậy, công việc của mỗi vụ mùa bắt đầu với “người gieo” và hoàn tất với “người gặt”.
Đức Giê-su lưu ý các môn đệ: “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt sao?” (4: 35), lời này rõ ràng ám chỉ đến mùa gặt chưa đến, vì câu trả lời được mong đợi phải là: “Vâng, còn bốn tháng nữa sẽ đến mùa gặt”. Quả thật, đây là khoảng thời gian giữa “gieo” và “gặt” ở miền đất Pa-lét-tin (Am 4: 7). Nhưng lời mời gọi tiếp theo: “Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!” (4: 35) đưa các môn đệ vào bình diện khác, từ bình diện mùa gặt vật chất sang bình diện mùa gặt biểu tượng, theo đó mùa gặt không còn phải đợi cho đến bốn tháng nữa. Đức Giê-su chỉ cho các môn đệ cánh đồng lúa chung quanh còn bốn tháng nữa sẽ đến mùa gặt để mời gọi họ vươn tầm nhìn cao hơn: đồng lúa chín vàng đang chờ ngày thu hoạch đó chính là dân Sa-ma-ri đang trên đường đến với Ngài.
Trong khi truyền thống Nhất Lãm nhấn mạnh mùa gặt dưới khía cạnh án phạt: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13: 30, 40), thì Tin Mừng Gioan nhấn mạnh mùa gặt dưới khía cạnh niềm vui: “Cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng” (Ga 4: 36b). Truyền thống Cựu Ước cũng loan báo rồi vào thời Thiên Sai không còn khoảng cách giữa người gieo với kẻ gặt: “Này đây sắp đến những ngày thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp nối bước người gieo giống” (Am 9: 13; Lv 26: 5). Trong bối cảnh cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri, chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Giê-su ám chỉ đến cuộc quy tụ của dân Sa-ma-ri chung quanh Ngài như niềm vui của mùa gặt thời Thiên Sai (4: 39-42).
*C-Sứ vụ (4: 37-38).
Xét về phương diện hình thức, có một sự liên tục giữa đề tài mùa gặt đi trước (4: 35-36) và đề tài sứ vụ theo sau (4: 37-38). Trước hết, liên từ: “Thật vậy” ở đầu câu 37 tiêu biểu Tin Mừng Gioan, khẳng định những điều đi trước, đồng thời khai triển những điều theo sau như nhân với quả (x. Ga 9: 30; 13: 35; 15: 8). Quả thật, qua câu tục ngữ: “kẻ nầy gieo, người kia gặt”, việc sai các môn đệ ra đi thi hành sứ vụ như những thợ gặt khai thác cùng một hình ảnh “mùa gặt” trước đây. Nhưng nếu 4: 36b hiệp nhất “cả người gieo lẫn kẻ gặt”, thì 4: 37 lại phân biệt “kẻ nầy gieo, người kia gặt”.
Chính trên nền tảng của sự phân biệt nầy mà chủ đề sứ vụ của các môn đệ như những thợ gặt được khai triển: “Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ” (4: 38). Câu nói trầm buồn này ám chỉ cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài. Nhờ sự nhọc mệt vất vả của Ngài, mùa thu hoạch sẽ là ơn cứu độ cho con người. Như vậy, cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô đóng khung toàn bộ câu chuyện lớn lao nầy: cái khát của Ngài bên bờ giếng Gia-cóp loan báo một cái khát khác: “Ta khát” (Ga 19: 28) trên thập giá. Chính vì mùa gặt nầy mà Ngài sẽ sai các môn đệ Ngài đi gặt những gì Ngài gieo bằng cuộc sống vắt cạn của mình.
*3.Cuộc gặp gỡ của dân Sa-ma-ri với Đức Giê-su (4 : 39-42):
Lời chứng của người phụ nữ làm xôn xao dân Sa-ma-ri và thúc dục họ lên đường đích thân đến với Đức Giê-su, xin Ngài ở lại với họ, và Ngài đã chấp nhận ở lại với họ hai ngày.
Dù khởi điểm niềm tin của họ xuất phát từ lời chứng của người phụ nữ, tuy nhiên niềm tin của họ không dừng lại nhưng vượt qua lời chứng này: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (4: 42). Do đâu mà dân Sa-ma-ri đạt đến một niềm tin sâu xa như vậy, nếu không phải là họ đã lợi dụng hai ngày Đức Giê-su ở lại với họ để đích gặp gỡ và đối thoại với Ngài? Nếu thế, đức tin của họ không còn dựa trên lời chứng của người phụ nữ, nhưng trên kinh nghiệm cá nhân của mình trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với Đức Ki-tô. Lúc đó, sự kiện “Dân Sa-am-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày” (4: 40) phải là trọng tâm của câu chuyện giữa Chúa Giê-su và dân Sa-ma-ri.
Thật kỳ diệu, “Đấng Cứu Độ xuất thân từ dân Do thái” được người Sa-ma-ri đón tiếp một cách nồng hậu và được tuyên xưng là “Đấng cứu độ trần gian”, tức là Đấng vượt lên trên tất cả mọi xung đột chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Sự nghịch lý này vang dội ngay ở đầu Tin Mừng:
“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở thành con Thiên Chúa” (Ga 1 : 11-12).
Thánh ký kết thúc câu chuyện của mình bằng cách gợi lên tước hiệu mà dân Sa-ma-ri ban cho Ngài: “Đấng cứu độ trần gian”. Quả thật, thánh Gio-an là thánh ký duy nhất sử dụng tước hiệu nầy. Toàn bộ câu chuyện nhận được ý nghĩa sâu xa của nó: loan báo chiều kích hoàn vũ của ơn cứu độ.
Vài nhà chú giải vạch ra một sự đối xứng đáng ngạc nhiên giữa bài tường thuật về sứ vụ của Đức Giê-su ở Sa-ma-ri và bài trình thuật về cuộc Tử Nạn của Ngài trong Tin Mừng Gioan. Quả thật, cả hai đều kể ra thân xác mệt mỏi của Ngài, cơn khát của Ngài và sự hoàn tất công việc của Ngài. Từ đó, họ nghĩ rằng có một mối liên hệ giữa công trình truyền giáo mà Đức Giê-su thực hiện ở Sa-ma-ri, ở đó, Ngài được tuyên xưng là “Đấng Cứu Độ trần gian” và công trình cứu độ thế giới mà Ngài thực hiện trên thập giá; nghĩa là giữa thời gian mặc khải Đấng cứu độ trần gian và thời gian thực hiện ơn cứu độ cho trần gian. Lúc đó, “mười hai giờ trưa” ở trong câu chuyện nầy ám chỉ đến “mười hai giờ trưa” trong 19: 14, giờ siêu thăng, giờ ban Thánh Thần, giờ sinh ra Giáo Hội.
THEO CHÚA SẼ TỚI ĐƯỢC NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Hôm nay chúng ta họp nhau lại như dân do thái ngày xưa trong sa mạc. Họ đã trải qua nhiều gian khổ, nhất là cái khổ thiếu nước. Trong sa mạc của cuộc sống ngày nay, chúng ta cũng chịu nhiều gian khổ và cũng cảm thấy khát, khát vì biết bao ước vọng không được thỏa mãn. Lời Chúa hôm nay cho biết Đức Giêsu là nguồn nước hằng sống. Vậy chúng ta hãy đến với Ngài và mở rộng lòng ra để Ngài giải khát cho chúng ta.
*II. GỢI Ý BỊ SÁM HỐI
– Như dân do thái ngày xưa trong sa mạc, nhiều khi chúng ta cũng hoài nghi nghĩ rằng Thiên Chúa đã vắng mặt.
– Như dân do thái ngày xưa, nhiều lần chúng ta đã trách móc Thiên Chúa, nhất là khi Ngài không thỏa mãn ước muốn của chúng ta.
– Chúng ta thường khao khát những sự trần gian chứ không biết khao khát những điều thuộc về Thiên Chúa.
*III. LỜI CHÚA
*1. Bài đọc Cựu Ước ((Xh 17,3-7)
Thiên Chúa đã giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai cập bằng những hành động diệu kỳ, nhất là biến cố Thiên Thần vượt qua các gia đình do thái và biến cố vượt qua Biển. Ban đầu dân Israel rất phấn khởi và sùng mộ Thiên Chúa. Nhưng những khổ cực và thiếu thốn trong cuộc hành trình qua sa mạc đã dần dần khiến họ nản lòng : họ thường càu nhàu, đòi trở lại Ai cập, nhiều khi còn nổi loạn. Tuy nhiên Thiên Chúa kiên nhẫn đã dùng chính hoàn cảnh thiếu thốn ấy để giáo dục họ hiểu biết đâu là điều thiết yếu trong cuộc sống.
– Điều thiết yếu thứ nhất là đức tin : Ngài muốn họ tin rằng sự cứu rỗi của họ ở đàng trước chứ không phải ở đàng sau : đàng trước là Đất hứa, đàng sau là ách nô lệ Ai cập. Do đó họ có dám tin cậy vào Ngài để tiến tới phía trước không mặc dù hiện tại họ chỉ thấy toàn khổ cực thiếu thốn. Hay họ thà quay lại đàng sau để sống kiếp nô lệ với cơm thừa canh cặn ở Ai cập.
– Điều thiết yếu thứ hai là đức cậy : từ trước tới nay Thiên Chúa chăm lo cho họ đủ mọi điều : muốn bánh thì có manna, muốn thịt thì có chim cút. Nay Ngài để họ thiếu nước, thế là niềm trông cậy của họ lung lay, họ hỏi một cách thách thức “Có thực có Thiên Chúa hay không ?” Sở dĩ họ hỏi vậy là vì họ nghĩ rằng Thiên Chúa là một kẻ có nhiệm vụ lo lắng cho họ. Nói cách khác, họ coi Thiên Chúa như một người đối diện với họ (le vis à vis). Thực ra Thiên Chúa không phải là một người đối diện, dù người đó có quyền lực bao nhiêu đi nữa. Thiên Chúa còn hơn thế nhiều. Bài Tin Mừng hôm nay mạc khải Thiên Chúa thực ra là thế nào.
*2. Đáp ca (Tv 94)
Thánh vịnh này nhắc lại cuộc nổi loạn của dân do thái trong sa mạc khi họ thiếu nước. Chỉ vì khó khăn trước mắt, họ đã quên hết biết bao việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Thánh vịnh kêu mời con người nhớ lại những ơn lành của Thiên Chúa. Đó chính là những tiếng kêu gọi của Ngài, mỗi người hãy nhận ra và ngoan ngoãn đáp lại.
*3. Bài Tin Mừng (Ga 4,5-42)
– Đức Giêsu ban đầu xin người phụ nữ Samaria cho Ngài uống nước, sau đó tự mặc khải Ngài chính là Nước trường sinh “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”.
– Qua lời trên, Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa không phải là một kẻ đối diện mà là Đấng muốn ở tận trong con người chúng ta, để làm thành một nguồn nước vọt ra sự sống muôn đời. Ai tin vào Ngài và trông cậy nơi Ngài thì có Ngài ở trong người ấy. Ngài ấy sẽ có một sức sống phong phú chẳng những cho chính bản thân mà còn cho người khác nữa.
– Câu chuyện người phụ nữ Samaria là một thí dụ điển hình : Khi bà đã tin vào Đức Giêsu thì bà trở thành người loan Tin Mừng cho những người khác trong làng. Những người này ban đầu tin vì nghe theo lời chị. Nhưng sau đó trong lòng họ cũng có một nguồn nước sống. Họ nói “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian” : Đức Kitô đã cự ngụ ngay trong lòng họ.
*4. Bài Thánh thư : Rm 5,1-2.5-18
Thánh Phaolô là người đã sống cái cảm nghiệm của người phụ nữ Samaria. Từ khi tin Đức Kitô, ngài đã nói “Không phải tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi”. Với Đức Kitô sống trong mình, thánh Phaolô đã trở thành một nguồn nước phong phú cứ muốn vọt ra. Ngài đi khắp nơi loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô. Mặc dù gặp bao gian khổ, Ngài không thể không loan báo Tin Mừng ấy được.
Phaolô diễn tả nguồn nước sống trong con người là :
– Thánh Thần : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (câu 5).
– Ơn sủng của Thiên Chúa ban nhờ Đức Giêsu : “Ơn sủng nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn (tội lỗi do Adam) biết mấy cho muôn người” (câu 15)
*IV. GỢI Ý GIẢNG
*1. Những nỗi khát khao
Chúng ta khao khát rất nhiều điều :
– Khao khát chân lý vì cuộc sống nhiều gian dối
– Khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc
– Khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công
– Khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận
– Khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh
– Khao khát niềm tin giữa cảnh đời nhiều nghi kỵ…
– v.v.
Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu : “Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống”.
*2. Chiếc vò nước được bỏ lại
“Bên bờ giếng, có một khách bộ hành mỏi mệt dừng chân. Chân lý đã vọt lên từ những lời ông ta nói. Cũng bên bờ giếng đó, người phụ nữ nọ đã để lại cái vò nước của mình, bởi từ nay nó chẳng giúp gì cho chị đón nhận hồng ân Thiên Chúa ban. Cái vò nước bỏ quên đó sẽ mãi mãi nói với chúng ta về một người phụ nữ mà số phận từng bị giam hãm trong đủ thứ công việc hằng ngày, trong những quan hệ chẳng tới đâu với một loạt đời chồng, nay bỗng tìm thấy ý nghĩa cho đời mình qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, qua những trao đổi với Người (…)
Như thế, chính qua những chuyện của đời thường như ăn, uống, cuộc sống chung với một người đàn ông, cố gắng quay về với Thiên Chúa… mà con người nghe được tiếng nói của Thánh Thần. Nhưng ở đây và lúc này, Người lại đến như một ân ban qua những bất trắc khôn lường của lời nói, qua thái độ chân thành của các bên đối thoại, qua những khoảnh khắc thinh lặng để cho chân lý lên tiếng nói” (J.Cl. Giroud, được trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 86).
*3. Thờ phượng trong thần khí và sự thật
Những người Samari thờ phượng Thiên Chúa trên núi Garizim. Những người do thái thờ phượng Thiên Chúa trên núi Sion. Và hai bên tranh cãi với nhau, thù ghét nhau.
Phải chăng đó là những chuyện đời xưa ? Không. Ngày nay vẫn có những người chỉ muốn dự Thánh lễ ở nhà thờ này chứ không phải nhà thờ nọ ; và có rất nhiều người chỉ thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ mà thôi.
Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari : “Đã đến giờ – và chính là lúc này – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Thờ phượng “trong thần khí” là thờ phượng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần ; thờ phượng “trong sự thật” là thờ phượng với tâm tình kết hợp với Đức Giêsu, Đấng đã xưng mình là đường, là sự thật và là sự sống.
*4. Nước
Nước vô cùng thiết yếu cho sự sống. Không có nhà cửa, áo quần, người ta vẫn có thể sống. Không có ăn, người ta vẫn còn sống một thời gian khá dài. Nhưng không có nước, người ta sẽ chết sau một vài ngày.
Bởi thế, khi nói về Thiên Chúa, Thánh Kinh thích dùng hình ảnh nước : Sách Sáng thế mô tả vườn địa đàng có một con sông tỏa ra 4 nhánh mang nước đi nuôi sống các sinh vật ở 4 phương trời. Tổ tông loài người sống trong khu vườn dồi dào nước ấy đã rất hạnh phúc. Nhưng rồi khi nguyên tổ phạm tội và bị đuổi khỏi vườn địa đàng thì cuộc sống vô cùng vất vả trên đất đai khô cằn sỏi đá. Ngụ ý của tác giả đoạn sách Sáng thế ấy là : khi con người sống trong tình thân với Thiên Chúa thì cũng giống như sống bên nguồn nước tươi mát ; còn khi họ tách rời Thiên Chúa thì phải khốn khổ như đang ở trong sa mạc khô cằn. Vì thế sách Khải huyền khi muốn diễn tả hạnh phúc thời cứu độ đã vẽ lên hình ảnh một thành Giêrusalem mới, trong đó cũng có một dòng sông hằng sống, nước sông tưới mát một cây hằng sống làm cho nó trổ sinh hoa quả suốt 12 tháng quanh năm, trái cây cho người ta ăn, và lá cây dùng làm thuốc chữa hết mọi chứng bệnh.
*5. Những thứ nước
Người thiếu phụ xứ Samari mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao. Nàng thèm khát một tình nghĩa đậm đà. Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ 6 mà nàng vẫn còn khát. Chỉ sau khi gặp được Đức Giêsu, trò chuyện với Ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa thì nàng mới hết khát. Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống đích thực.
*6. Thánh vịnh 42
“Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong
Hồn con cũng trông mông
Tìm đến Ngài, lạy Chúa”
*7. Chuyện minh họa
Ngày xửa ngày xưa có một người ăn mày ngồi bên vệ đường để ăn xin, bên cạnh ông là một túi vải đựng vỏn vẹn vài hạt lúa. Bỗng ông thấy chiếc xe chở Nhà Vua đang đi tới. Ông mừng lắm, tự nhủ rằng thế nào Nhà Vua cũng bố thí nhiều tiền cho ông. Ông chạy ra đón đường
– Muôn tâu bệ hạ, xin dủ lòng thương xót bố thí cho kẻ thần dân nghèo khổ này một ít tiền để sống qua ngày.
Nhà vua xuống xe, đến gần người ăn mày, và nói một câu khiến ông hết sức ngạc nhiên và thất vọng :
– Ông có thể dâng cho hoàng thượng của ông một món quà gì không ?
Không cách nào từ chối được, người ăn mày lục lọi trong túi vải một hạt lúa nhỏ nhất đưa cho nhà vua.
Khi nhà vua đi rồi, người ăn mày tiếc rẻ mở túi vải ra đếm lại số hạt lúa của mình. Lạ thay, thay vào chỗ hạt lúa đã cho đi là một hạt vàng sáng lóng lánh, cũng bằng y hạt lúa ấy. Lúc đó người ăn mày vô cùng tiếc rẻ : phải chi mình cho hết những hạt lúa đi thì bây giờ mình đã có một túi đầy những hạt vàng !
Ý nghĩa chuyện này :
– người xin trở thành người cho và người cho trở thành người nhận, như Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria vậy.
– chính lúc cho đi là lúc nhận lãnh ; chính khi xẻ chia là khi trở nên giàu có.
*V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Chúa ban cho chúng ta những phương thế tuyệt hảo để chữa lành vết thương tội lỗi trong tâm hồn : đó là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia sẻ cơm áo cho những anh chị em nghèo khổ bất hạnh. Tin tưởng vào ơn Chúa trợ giúp, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1- Nước hằng sống Đức Giêsu ban chính là Mặc Khải / là lời giáo huấn / là Thánh Thần của Ngài / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh / để nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng / mọi người biết thành tâm trở về cùng Chúa / để đền bù những tháng ngày bội nghĩa vong ân.
2- Hằng năm / ở nhiều nơi trên thế giới / đặc biệt là tại những vùng đang có chiến tranh / đang gặp thiên tai / dù được cứu trợ khẩn cấp / vẫn có một số khá đông người bị chết vì đói khát / vì bệnh tật / do phải uống nước bị ô nhiễm trầm trọng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang gặp hoạn nạn / được giúp đỡ đầy đủ và kịp thời.
3- Chúa đã ban cho người kitô hữu Mùa Chay thánh để đổi mới đời sống / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết mọi tín hữu / biết chuyên tâm cầu nguyện và làm nhiều việc lành phúc đức.
4- Giảm bớt chi tiêu ăn uống / để chia cơm xẻ áo cho những anh chị em đói rách nghèo nàn / là ưu tiên số một của người kitô hữu trong Mùa Chay này / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thực thi bác ái / không những trong việc lớn / mà còn trong những chuyện nhỏ của đời sống hằng ngày.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Xin cho tất cả chúng con biết thờ phượng Chúa cho phải đạo làm con. Chúng con cầu xin…
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY-A
KHÁT KHAO TÌM NƯỚC HẰNG SỐNG- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Trong sa mạc khô cháy, nước là một nhu cầu khẩn thiết cho cuộc sống. Dân israel thiếu nước trầm trọng trong sa mạc. Thiên chúa đã thỏa mãn nhu cầu của họ bằng cách truyền cho ông maisen lấy gậy đập vào tảng đá, nước tuôn trào lai láng cho dân và đàn gia súc giãn cơn khát (bài đọc 1). Tuy nhiên, nước đó mới là nước vật chất làm thỏa mãn thể xác được chốc lát, đức giêsu tại bờ giếng giacóp còn giới thiệu cho người phụ nữ samaria một thứ nước khác, một thứ nước uống vào sẽ không bao giờ khát nữa, nước đó là nước hằng sống. Chúa sẽ ban thứ nước ấy cho những ai biết tin nhận đức giêsu vì chính ngài là nguồn nước trường sinh.
Ai trong chúng ta mà không khát nước ? Không có nước con người không thể sống được. Vì vậy người ta đang có nỗ lực tạo ra những nguồn nước sạch cung cấp cho cuộc sống hằng ngày, và nhu cầu tiêu thụ nước càng ngày càng tăng, càng cấp bách. Nhưng đó chỉ là nước vật chất nhằm thỏa mãn nhữnng cơn khát của thân xác, uống vào vẫn còn khát.
Ngòai ra, người ta còn những cơn khát khác, đó là khát vọng tinh thần, những khát vọng vô biên, cần phải được thỏa mãn. Như trường hợp người phụ nữ samaria, mặc dù ở bên giếng nước mà cõi lòng vẫn còn khát và cơn khát ấy chỉ có thể được thỏa mãn bằng một thứ nước siêu nhiên là nước hằng sống mà chúa giêsu ban cho. Chúng ta cũng hãy khao khát đi tìm chúa là nguồn nước hằng sống để được thỏa mãn cơn khát vọng vô biên, như đàn nai tìm đến suối nước trong, vì chính chúa mới có thể thỏa mãn được mọi khát vọng của con người :
Chỉ trong thiên chúa mà thôi
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. (Tv 61,2)
*B. Tìm hiểu lời Chúa.
+ Bài đọc 1 : Xh 17,3-7.
Thiên Chúa yêu thương dân israel, đã chọn họ làm dân riêng của ngài, nên đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ của người ai cập. Trên cuộc hành trình về đất hứa, ngài đã nuôi dân bằng manna và chim cút, nhưng sau đó dân chúng thiếu nước uống. Họ cằn nhằn trách móc ông maisen, họ nổi lọan định ném đá ông và định quay trở về ai cập. Chúa đã can thiệp cho dân có nước uống. Theo lệnh của chúa, ông maisen lấy gậy đập vào tảng đá ở horeb, nước liền chảy ra lai láng, dân chúng và đàn vật được uống thỏa thuê. Cũng chính nơi này, ông maisen gọi là meriba và massa, có nghĩa là nơi dân israel đã nổi lọan và thử thách chúa.
Nhờ sự kiện này mà dân tin tưởng là thiên chúa luôn hiện diện bên họ, nâng đỡ họ, bênh vực họ và đưa họ về đất hứa chảy sữa cùng mật.
+ Bài đọc 2 : 5,1-2.5-18.
Trong thư gửi cho tín hữu rôma thánh phaolô cho biết : tình yêu thiên chúa là nền tảng niềm cậy trông. Dù gặp bao gian nan thử thách trong cuộc sống, ngài luôn tin tưởng vào đức kitô, chấp nhận tất cả để chỉ có một khát vọng là loan báo tin mừng cho lương dân… khi đã được trở lại với chúa, ngài chỉ còn biết sống cho chúa kitô, đồng lao cộng khổ với ngài, cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với ngài nên đã nói :”tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà đức kitô sống trong tôi”. Với đức kitô sống trong mình, thánh phaolô đã trở nên một nguồn nước phong phú cứ muốn vọt ra. Niềm khao khát rao giảng đức kitô cho người khác đã thúc bách ngài :”caritas christi urget me”.
+ Bài tin mừng : ga 4,5-42.
Bản văn tin mừng hôm nay là một trong những đọan hay nhất và đẹp nhất của tin mừng theo thánh gioan. Ở đây ghi lại một cách thi vị và đầy tình người cuộc gặp gỡ giữa đức giêsu và người phụ nữ ở giếng giacóp. Không ngờ, ban đầu đức giêsu xin người phụ nữ samaria cho nước uống, rồi qua câu chuyện trao đổi, ngài lại mạc khải cho chị ta một thứ nước uống, uống vào sẽ không bao giờ khát, đó chính là nước trường sinh :”ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”(ga 4,13).
Qua lời hứa trên, đức giêsu cho biết thiên chúa không phải là một kẻ đối diện, không chỉ ở núi garazim hay trong đền thờ giêrusalem nữa, mà ở ngay trong chính con người chúng ta, làm thành một nguồn nước vọt ra sự sống đời đời. Hãy tin tưởng và trông cậy vào ngài vì chính ngài là nguồn nước trường sinh.
Qua câu chuyện trên, không những chị phụ nữ samaria đã nhận biết đức giêsu là đấng cứu thế, chị còn loan báo cho dân làng nhận biết đức giêsu là đấng mang lại ơn cứu độ, vì họ đã được mắt thấy tai nghe, không cần phải dựa vào lời chị phụ nữ nữa. Chúng ta cũng phải đi loan báo đức giêsu cho những người khác như vậy.
*C. Thực hành lời Chúa.
Niềm khát vọng của chúng ta.
*I. Đức Giêsu hứa ban nước hằng sống.
*1. Tình hình tại vùng Samaria.
Vào thời đức Giêsu, xứ Palestina kéo dài từ bắc xuống nam dài gần 200 cây số, chia thành ba vùng : phía bắc là galilea, phía nam là giuđêa, và giữa hai phần đó là samaria. Con đường ngắn nhất từ giuđea đến galilea là đi ngang qua xứ samaria, mất khỏang ba ngày. Nếu muốn tránh samaria thì phải đi đường vòng qua sông giorđan thì xa gấp đôi. Đức giêsu đã chọn đi con đường ngắn này.
Người Samaria nguyên gốc là người do thái, nhưng do cuộc sống chuyển biến, họ có nhiều liên hệ với ngọai bang nên bị người do thái cho là lai căng, thậm chí là bội giáo, và thường khinh thị, không muốn giao tiếp. Vì thế, luật sĩ do thái quen nói :”nước người samaria ô trọc hơn tiết heo”.
Nghe tin gioan tẩy giả bị bắt giam, đức giêsu quyết định rời giuđea, vì biệt phái tỏ ra ghen tức, nghi kỵ, phản kháng (ga 4,1). Ngài đã dùng con đường ngắn nhất để đi đến miền galilêa là đi ngang qua samaria. Đức giêsu đã làm một cuộc hành trình đi galilêa theo như gioan viết :”đức Giêsu tới thành gọi là kikha thuộc xứ samaria, gần phần đất giacóp đã cho con là giuse, ở đó có giếng giacóp, đức giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khỏang giờ thứ sáu”(ga 4,5-6).
*2. Đức Giêsu xin nước uống.
Giếng Gacóp này sâu 32 mét, phải có dây và gầu mới múc được nước. Đức Giêsu đang ngồi nghỉ mệt trên miệng giếng thì có một người phụ nữ ra múc nước. Ngài nói với chị ta :”cho tôi chút nước uống”. Câu nói này có vẻ tự nhiên, nhưng theo tục lệ lúc bấy giờ thì thật lạ tai đối với nhiều người và không thể chấp nhận được. Đức giêsu biết thế ngài điềm nhiên phá bỏ tập tục đó. Đây là lần đầu tiên, song không phải là lần cuối. Các ttông đồ cũng ngạc nhiên về chuyện này.
Còn đối với chị phụ nữ này, lời nói của đức Giêsu cũng làm cho chị ta kinh ngạc, quay lại hỏi :”tôi là người samaria và ông là người do thái, sao ông lại xin tôi cho ông uống nước”? Tác giả gioan giải thích cho những độc giả hy lạp của ngài rằng : người do thái và samaria vốn không giao tiếp với nhau. Đức giêsu đã trả lời với chị ta :”nếu chị nhận ra ân huệ thiên chúa ban và ai là người nói với chị : cho tôi chút nước uống với, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống”.
*3. Đức Giêsu ban nước hằng sống.
Chị phụ nữ còn đang thắc mắc về câu nói của ngài, đức giêsu trả lời tiếp cho chị :”ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sử sống đời đời”(ga 4,4,14). Chị ta nói với đức giêsu :”thưa ngài, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”(ga 4,15).
Qua câu chuyện trao đổi giữa đức giêsu và chị phụ nữ này, ngài đã tiết lộ cho chị : chính ngài là đấng messia, gọi là đức kitô. Chính ngài sẽ ban cho chị và mọi người nước hằng sống. Ngòai ra, ngài còn mạc khải một điều mới mẻ về việc tôn thờ : việc tôn thờ thiên chúa này khác với quan niệm của biệt phái và quan niệm của người thời bấy giờ :”đã đến giờ và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ chúa cha trong tinh thần và chân lý. Đó chính là những ngưởi tôn thờ mà chúa cha muốn” (ga 4, 23).
*4. Mục đích của câu truyện.
Phải chăng thánh sử gioan dùng mẩu truyện người phụ nữ này cốt ý cho mỗi người chúng ta đặt lại vấn đề đức tin của cá nhân mình. Mỗi người chúng ta, dù nam hay nữ, dù trong trạng thái nào của cuộc sống, có thể là một người phụ nữ samaria, chúng ta cần gặp và trực diện với đức giêsu.
Có một câu nói trong sách của hồi giáo như sau :”khát thì tìm nước, nhưng nguồn nước cũng đi tìm người khát”. Đức giêsu là nguồn nước sự sống người tìm đến với mọi người chúng ta. Để tiến sâu vào con đường khám phá đức tin, chúng ta phải vượt qua được hiện cảnh của mình, như người phụ nữ, đào sâu vào quá khứ tội lỗi, nhận thực ra mình là ai. Và đó là giây phút được giải thóat, được thứ tha, được yêu thương, được nhận ra nguồn sống mới. Muốn bắt đầu cuộc hành trình đức tin thực sự, chúng ta phải cất bước đi tới.
*II. Niềm khao khát của tâm hồn tôi.
*1. Khao khát nước uống thường ngày.
Kinh nghiệm cho thấy nước vô cùng thiết yếu cho đời sống. Thiếu nhà cửa, quần áo, người ta vẫn sống được, thiếu thức ăn người ta cũng có thể sống được một thời gian dài, nhưng không có nước, người ta sẽ chết sau một vài ngày.
Khi dựng nên vườn địa đàng, sách thánh cho chúng ta biết, thiên chúa đã làm nên một con sông chẻ ra bốn nhánh để tưới tiêu cho sinh vật. Ông bà tổ tiên adong evà đã dùng nước ngọt ấy cho đến khi phạm tội thì mất, đất đai lại trở nên khô cằn.
Theo những số liệu thu thập được, hiện nay nguồn nước lòai người thừa hưởng trên hành tinh này thật phong phú, vào khỏang 1,3 tỉ đến 1,4 tỉ kilômét khối, trong đó nước mặn ở đại dương chiếm 98,77%, hai băng đảo (bắc và nam cực) chiếm 1,19%, nước trên mặt đất liền chiếm 0,017%, nước ngầm chiếm 0,017% và hơi nước trong khí quyển 0,001%.
Theo báo cáo của tổng thư ký liên hiệp quốc, hiện nay có 1,2 tỉ người (1/4 dân số thế giới) không có đủ nước sạch để uống. Hằng năm có khỏang 15 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển vì bệnh mà nguyên nhân trước tiên là dùng nước bẩn.
Nước uống đối với nhiều nước trên thế giới đang có nguy cơ bị thiếu vì việc lãng phí nước uống trở thành nghiêm trọng. Đặc biệt là nhiều bể nước ngọt bị các phế thải công nghiệp làm ô nhiễm. Nước uống tại một số nước châu aâu được cho vào chai lọ để bán, hà lan đã phải nhập nước uống từ thụy điển.
Các nhà khoa học cho rằng tới năm 2000, số dân tăng nhanh, sẽ dùng hết một nửa tổng số nước ngọt có trên quả đất. Và có thể năm 2040, với việc tăng dân số lên gấp đôi, tòan số nước ngọt dự trữ sẽ không còn nữa (báo đại đòan kết, số 8, th 3/97, tr 6).
Hiện nay việt nam chúng ta cũng thiếu nước sạch bởi vì nhiều nguồn nước đã bị các chất thải của các nhà máy công nghiệp làm ô nhiễm, nhiều nơi đã trở nên trầm trọng. Để giải quyết cấp thời, nhiều người đã sản xuất nước tinh khiết đóng chai đem bán trên thị trường, cung cấp nước sạch để tránh bệnh tật. Việc uống nước tinh khiết đóng chai, đóng thùng hiện nay đã trở nên phổ biến, ngay cả vùng nông thôn.
*2. Những khát vọng tinh thần.
Con người muốn vươn lên, muốn đạt tới hạnh phúc nhưng hạnh phúc còn xa tầm tay. Đồng ý rằng đã có những mảnh hạnh phúc, mỗi người có thể hưởng hạnh phúc ấy trong hòan cảnh cụ thể của mình như “được hoa mừng hoa, được nụ mừng nụ”, nhưng con người chưa thỏa mãn được những thứ hạnh phúc ấy, muốn vươn lên tới hạnh phúc tuyệt đối vĩnh cửu. Vì vậy, con người luôn có nhiều khát vọng, muốn cho mọi sự tốt đẹp được xẩy ra như :
– khát khao chân lý vì cuộc sống đầy gian dối.
– khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc.
– khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công.
– khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận.
– khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh.
– khao khát niềm tin giữa cảnh đời đầy nghi kỵ.
– v.v….
Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu “linh hồn con khao khát chúa trời hằng sống”.
Chúng ta hãy nhìn vào phụ nữ samaria, mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao. Nàng thèm khát một tình nghĩa đậm đà. Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ sáu mà nàng vẫn còn khát. Chỉ sau khi được gặp đức giêsu, trò truyện với ngài và được ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với chúa thì nàng mới hết khát. Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với đức giêsu, nguồn nước hằng sống đích thực (lm carôlô, sợi chỉ đỏ a, tr 114).
Truyện : Erman Coen.
Erman coen được mệnh danh là Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người do thái rất giầu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Ngày kia, ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện…
Trong buổi giảng mùa vọng tại nhà thờ đức bà cả ở paris, ngài nói : “tôi đã đi khắp mặt đất, tôi đã yêu thế gian, tôi đã biết thế giới, và tôi đã học được rất nhiều : không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Nhưng tôi cũng như nhiều người khác đã vào tìm nó nơi không có. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng nó có, ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở nơi vàng bạc, ở nơi sắc đẹp…
Ôi lạy chúa, điều con mong ước mọi giờ, mọi ngày con đã tìm ở đâu ? Và con đã tìm được nó trong chúa và tình yêu chúa”.
*3. Khao khát đi tìm Chúa.
Ước vọng của con người không bao giờ được thỏa mãn vì con người vẫn muốn vươn lên đến cái gì tuyệt đối, mà ở trần gian này không có cái gì là tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối, hay nói đúng hơn : tất cả là hư vô ! Tìm trong hư vô thì chẳng tìm được gì cả !
Tác giả thánh vịnh 42 đã mô tả lòng con người luôn muốn hướng về chúa, muốn tìm đến chúa để được thỏa mãn tâm hồn như đàn nai giải khát bên dòng suối :
Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong.
Hồn con cũng trông mong
Tìm đến ngài, lạy chúa.
Thánh Augustinô đã đi tìm chúa trong mọi nơi mà không thấy, tâm hồn ngài bị chao đảo như con thuyền giữa sóng gió biển khơi. Sau khi đã trở lại với chúa, ngài đã phải nói :”lạy chúa, chúa dựng nên con cho chúa, linh hồn con luôn khắc khỏai cho đến khi được nghỉ yên trong chúa”. Chỉ có chúa mới thỏa mãn được những khát khao của con người. Đúng như tv 61 nói :
Chỉ trong thiên chúa mà thôi,
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. (Tv 61,2)
Truyện : Thiên Chúa là gì ?
Nhiều người đến gặp một thiền sư nổi tiếng để trình bầy với ông ta rằng : chúng tôi được sai đến để xin ông nói cho chúng tôi biết rõ : Thiên chúa là gì ?
Nhà hiền triết trả lời :
– Để tôi suy nghĩ rồi 8 ngày sau hãy trở lại.
Tám ngày trôi qua, họ trở lại thì vị thiền sư bảo :
– Hãy trở lại 8 ngày sau nữa.
Đúng 8 ngày sau họ quay trở lại và cũng nhận được câu trả lời như thế.
Cuối cùng quá bực mình vì cứ nghe một câu trả lời như nhau nên họ mới mỉa mai hỏi ông ta rằng :
– Cho đến lúc nào ông biết nói với họ câu : “tám ngày sau hãy trở lại”.
Chính lúc đó vị thiền sư mới nghiêm mặt nói với họ :
– Tôi sẽ trả lời như thế mãi với các ông bao lâu còn hỏi tôi câu hỏi đó. Riêng tôi, tôi biết chắc rằng có thiên chúa. Người hiện hữu, nhưng tôi không thể và không bao giờ có thể nói được ngài là gì (quê ngọc, dấu ấn tình yêu, tr 18).
Thiên Chúa đâu có phải là đối tượng để lý trí con người tìm hiểu như một sự vật. Ngài là đấng siêu việt, vượt trên mọi lý trí phàm nhân, ngài là đấng vô ngôn (ineffabilis) nghĩa là không thể dùng lời nói mà diễn tả được.
Ngay trong phạm vi tình yêu, người ta cũng chưa định nghĩa được tình yêu là gì, mà chỉ có thể cảm nghiệm được tình yêu. Cứ yêu đi thì mới biết tình yêu là gì như thánh augustinô đã nói “ama et fac quod vis : cứ yêu đi rồi làm gì thì làm, nghĩa là sẽ hiểu được tình yêu.
Sở dĩ con người thời nay khó chấp nhận và khó tiếp cận được với thế giới siêu linh, với các chân lý tôn giáo là vì lòng trí họ chỉ muốn dừng lại trên những sự kiện vật chất bên ngòai để tìm hiểu tư duy hoặc chỉ dựa vào khả giác để lý giải mọi sự. Đó cũng là trường hợp của người phụ nữ samaria khi nghe chúa nói đến “nước hằng sống”, “nước siêu nhiên” thì chị ta không thể hiểu và chỉ nghĩ tới nước tự nhiên để uống. Hoặc các môn đệ đi mua thức ăn về mời chúa dùng thì chúa nói đến một thứ lương thực thiêng liêng cần hơn, các ông không hiểu và chỉ nghĩ đến các thức ăn thể xác. Do đó, với lối suy nghĩ quá vật chất, quá giới hạn trong không gian và thời gian thì con người mãi mãi cho các chân lý tôn giáo là phi lý, khó chấp nhận và không bao giờ có thể mở mắt nhận ra được sự hiện diện của thiên chúa.
Với con mắt xác thịt, không bao giờ chúng ta có thể tìm thấy chúa vì chúa là đấng tuyệt đối siêu việt, ngài không ở đó ở đây cho ta trông thấy, nhưng với con mắt đức tin chúng ta có thể tìm thấy chúa trong tha nhân, vì tha nhân là chúa. Ta xử đối thế nào với tha nhân là ta xử đối thế ấy với chúa. Trong ngày chung thẩm chúa sẽ xét xử chúng ta về điều này :
Truyện : Tha nhân là Chúa.
Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lớn tiếng hỏi:
– Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế ?
– Ta đang ghi những ai yêu mến thiên chúa.
Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm cho vị tu sĩ thất vọng, ông nói với thiên thần :
– Xin ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.
Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.
Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chí là câu trích dẫn thư 1ga 4,20:”nếu ai nói mình yêu mến chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến thiên chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú :”tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm thiên chúa, nhưng thiên chúa vượt thóat khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được thiên chúa và linh hồn tôi”(trích mỗi ngày một tin vui).
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY-A
NHỊP CẦU THIÊNG LIÊNG– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Từ khi cầu Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, con đường về miền Tây như ngắn lại, đôi bờ sông Tiền gần gũi nhau hơn. Đời sống thần linh và đời sống phàm trần cũng như hai bờ sông cách xa vời vợi. Cần có những nhịp cầu nối liền dòng sông thiêng liêng giúp con người đi về gặp gỡ Thiên Chúa.
Hôm nay, khi mở đầu câu chuyện với người phụ nữ Samaria, Đức Giêsu đã bắc những nhịp cầu nối liền dòng sông ngăn cách. Thái độ gần gũi của Người là nhịp cầu xoá đi biên giới ngăn cách chủng tộc, tôn giáo. Lời Người chính là nhịp cầu dẫn vào đời sống thần linh.
Đức Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng nước. Người phụ nữ nhìn Đức Giêsu bằng ánh mắt khinh miệt. Dưới mắt chị, đó chỉ là một gã Do Thái bẩn thỉu. Còn tệ hơn thế, anh chàng Do Thái này nghèo mạt rệp, đang đói khát, mệt mỏi rã rời, chỉ chờ chực xin ăn, xin uống. Chị hợm mình, vì chị có tất cả. Chị có giếng nước của tổ tiên. Đối với người Sêmít, có nước là có tất cả. Ở giữa vùng sa mạc mênh mông, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Vì nhờ có nước, cây cỏ mọc lên xanh tươi, gia súc có lương thực, con người mới sống được. Ai chiếm được nguồn nước, người ấy lập tức trở nên giàu có.
Người phụ nữ có giếng nước, có cả bình múc nước. Chị còn có gia đình. Chị còn có đền thờ vững chắc xây dựng trên núi Garidim, trách nào chị chẳng hợm mình.
Nhưng Đức Giêsu đã phá tan sự an thân giả tạo của chị. Người cho chị thấy giếng nước của chị chỉ là phù du, vì giếng nước ấy không cho nước hằng sống. Người cho chị thấy hạnh phúc gia đình mà chị đang có chỉ là hư ảo, vì hạnh phúc ấy xây dựng trên chỉ một mối duyên hờ. Người cho chị thấy niềm tin của chị vào đền thờ chỉ là ngụy tín, vì đền thờ chỉ là gạch đá vô hồn, không có Chúa ngự bên trong.
Trong phút chốc, chị trở nên thật nghèo nàn. Trước kia chị tưởng mình có tất cả. Nay chị thấy mình trắng tay. Trước kia chị tưởng mình giàu có. Nay chị nhận thức rõ mình thật nghèo nàn. Bóc đi tất cả những lớp vỏ phù du bọt bèo, chị thấy mình trơ trụi, khốn cùng. Nhưng từ đáy vực khốn cùng ấy một niềm tin nhen nhúm, một mạch suối trào dâng.
Chị chợt tỉnh ngộ. Những thứ mà trước kia chị tưởng là thành lũy che chở cuộc đời, hoá ra chỉ là những tảng đá ngăn chặn nguồn suối. Tháo gỡ đá đi rồi, mạch suối dào dạt trào tuôn.
Những thứ mà trước kia chị tưởng là nơi nương tựa êm ấm, hoá ra chỉ là tổ kén giam kín đời sâu. Trút bỏ được lớp vỏ xù xì cũ kỹ, sâu nay hoá bướm đẹp lộng lẫy, tự do bay tung tăng khắp chốn.
Thì ra, của cải, dục vọng, tôn giáo vụ hình thức là những tấm màn che mắt, không cho chị nhận ra Đấng Cứu Thế. Ta hãy trở lại phút đầu tiên, khi Đức Giêsu ngỏ lời xin nước. Lúc đó, bị các tấm màn che mắt, chị chỉ thấy một anh chàng Do Thái xấu xa, đói rách: “Ông là Do Thái mà lại xin nước tôi ư? “. Nhưng Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén, phá tan màn mây mù che mắt chị. Nhát gươm thứ nhất vung lên, một mảnh vảy mắt rơi xuống. Chị nhìn ra người đối diện “cao cả hơn tổ phụ Giacóp”. Nhát gươm thứ hai vung lên, một mảnh vảy nữa rơi xuống. Chị nhận ra Người là “một tiên tri”. Một nhát nữa vung lên, mảnh vảy cuối cùng rơi xuống. Chị nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Và chị tin vào Người.
Niềm tin trào dâng. Hạnh phúc trào dâng. Chị quên cả múc nước, quên cả bình, chạy về làng báo tin vui.
Chị để quên chiếc bình, vì chiếc bình từ nay trở nên vô dụng. Cùng với chiếc bình, chị bỏ lại cả giếng nước, cả người chồng hờ, cả ngôi đền thờ trống rỗng.
Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén chẻ đôi đời chị. Mảnh đời cũ để lại bên giếng, kho tàng của trần gian. Mảnh đời mới ngụp lặn trong dòng suối đức tin, kho tàng thiên quốc.
Lời Chúa là ngọn đèn soi đường. Nên chị bước đi những bước lẹ làng, vững chắc hướng về sự sống mới.
Lời Chúa là chiếc cầu đưa chị vào đời sống thần linh. Chị bỏ lại bên này cầu chiếc bình múc nước, vì bên kia cầu chị đã có mạch nước trường sinh. Chị bỏ lại bên này cầu mối duyên hờ, vì bên kia cầu chị đã găp được tình yêu đích thực. Chị bỏ lại bên này cầu ngôi đền thờ trống rỗng, vì bên kia cầu chị gặp được Đấng chị phải tôn thờ trong tinh thần và chân lý. Chị như cánh đại bàng bay bổng trên trời cao với những đường bay rất đẹp.
Về đại bàng, Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện rất sâu sắc. Một người nông dân vào rừng, lượm được một trứng đại bàng. Anh đem về cho ấp chung với trứng gà. Ít lâu sau đại bàng nở ra cùng lũ gà con. Nó cứ tưởng mình là gà. Suốt ngày theo gà mẹ bới đất mổ sâu. Nó cứ sống kiếp gà như thế cho đến lúc già. Một hôm nó thấy trên trời xanh một con chim lớn khủng khiếp, cánh giang rộng như che kín cả bầu trời. Con chim bay thật cao và có những đường lượn thật là đẹp đẽ. Đại bàng ta kinh khiếp hỏi bác gà trống: “con gì mà khủng khiếp quá nhỉ”. “Đó là đại bàng. Đại bàng thuộc về trời cao. Chúng ta thuộc về đất thấp. Chúng ta chỉ là gà”. Đại bàng cứ sống kiếp gà như thế cho đến chết.
Người phụ nữ là cánh đại bàng. Chị đã trút bỏ mọi gánh nặng kéo trì đôi cánh, nên chị bay vút lên cao. Còn ta vẫn chỉ là loài gà. Ta vẫn còn bên này cầu. Những gì người phụ nữ bỏ lại, ta ôm lấy mang về. Ta vẫn còn ôm ấp những giấc mơ trần tục. Của cải, dục vọng vẫn là những tảng đá ngăn chặn dòng nước đức tin. Những ngụy tín, những ảo tưởng, những thứ đạo đức hình thức, giả hiệu vẫn còn che chắn không cho ta nhận biết chính mình. Và vì thế ta không bao giờ gặp được Chúa.
Xin lời Chúa như lưỡi gươm tách bạch trắng đen, để ta dứt lìa tội lỗi, thoát khỏi thói an tâm giả tạo, thói đạo đức hình thức. Xin lời Chúa tháo đi những tảng đá trì trệ, để dòng suối tin yêu khai thông, để nước mắt sám hối tuôn trào rửa sạch hồn ta. Và để tình yêu bừng nở đem cho ta hạnh phúc chân thật.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Đức Giêsu đã thành công trong việc đưa người phụ nữ Samaria về nhận biết chân lý. Ta có thể học hỏi được gì ở nơi Người để thành công trong việc truyền giáo?
2) Đang thoả mãn với vật chất, người phụ nữ Samaria chợt thấy thiếu thốn về mặt tâm linh. Đây là một cuộc hoán cải quan trọng, là một ơn Chúa ban. Bạn đã bao giờ được ơn sám hối để thấy khao khát đời sống tâm linh chưa?
3) Đã bao giờ bạn cảm thấy Đức Giêsu là nguồn suối trong lành, là nguồn mạch hạnh phúc của bạn?
NƯỚC HẰNG SỐNG- Lm. Gioan B. Trần Văn Hào
Nước là nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống cho con người. Người ta có thể tuyệt thực và nhịn ăn trong nhiều ngày, nhưng khi cơ thể thiếu nước chỉ trong một thời gian ngắn, sức khoẻ của chúng ta sẽ suy kiệt dần và tính mạng bị đe dọa. Khi mang thân phận con người, Chúa Giêsu cũng đã từng kinh qua cái đói và những cơn khát. Ngài cần bánh để ăn và cũng cần nước để uống. Câu chuyện về Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp hôm nay là một khải thị sâu xa cho chúng ta về chân dung cứu thế của Đức Giêsu. Ngài chính là ‘Mạch Nước của Sự Sống’. “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước trào lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Đây là chủ đề mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay quy chiếu vào.
Mảnh đời bầm dập nơi người thiếu phụ.
Câu chuyện khá dài được Thánh Gioan thuật lại trong chương 4 với nhiều chi tiết hàm ngậm những tư tưởng thần học rất sâu xa. Chúa Giêsu đang khát, một cái khát thể lý bình thường giống như mọi người, và Ngài xin nước để uống. Người thiếu phụ Samari cũng đang khát và chị đến giếng để múc nước. Nhưng nơi chị còn có một niềm khát khao sâu xa hơn, phát xuất từ mảnh đời nghiệt ngả chị đang trải qua. Chị đã có 5 đời chồng, nhưng chẳng ông nào ra ông nào, và hiện nay chị đang sống với một người đàn ông khác không phải chồng của mình. Xã hội thời đó chỉ xem phụ nữ như vật sở hữu của đàn ông để họ có con nối dõi. Phẩm giá của người phụ nữ hoàn toàn bị coi rẻ. Là con người cũng như bao người khác, chị cũng khát khao được làm người tử tế, được làm mẹ, làm vợ trong một mái ấm gia đình bình thường, nhưng hạnh phúc dường như đã vượt quá tầm tay của chị. Chúa Giêsu thấu tỏ tất cả. Ngài nhận ra cơn khát ẩn sâu nơi tâm hồn người thiếu phụ, và từ từ vén mở cho chị biết về Ngài, là chính ‘Mạch Nước Trường Sinh’. Trong nguồn nước ấy, mọi nỗi khát khao của kiếp người sẽ được hóa giải.
Vào tháng 11 năm 2004, nhân kỷ niệm 10 năm ban hành Tông huấn ‘Đời sống Thánh hiến’ (Vita Consecrata), Giáo hội tổ chức Đại hội tu sỹ ở Rôma trong 5 ngày. Cuộc họp qui tụ gần 900 đại biểu đến từ các nơi, gồm các Bề Trên thượng cấp của các dòng tu cùng các chuyên gia thần học và Thánh kinh, để thảo luận về đời sống thánh hiến. Đại hội đã chọn chủ đề ‘Đam mê Thiên Chúa và đam mê con người’ (Passion for Christ, passion for human) để các thành viên suy tư. Hiển thị chủ đề này là 2 biểu tượng về 2 người Samari: Người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp (Ga chương 4) và người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37). Câu chuyện về người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay đã được kể lại, được hội nghị nghiền ngẫm và đào sâu để làm khung quy chiếu cho các tham dự viên, đặc biệt cho những ai sống đời thánh hiến. Người thiếu phụ Samari vốn chỉ là một phụ nữ ngoại giáo bình thường, chưa hề biết Đức Giêsu là ai và luôn bị người Do Thái xem như thù nghịch. Nhưng chị đã biết trải lòng mình ra để ngày càng đi sâu vào mối thân tình với Chúa Giêsu. Cuối cùng chị đã khám phá ra Ngài: Đức Kitô, Đấng Messia, là ‘Nguồn Nước Sự Sống’.
Sau khi được Đức Giêsu thấm nhập và biến đổi, người thiếu phụ đã bỏ vò nước lại bên bờ giếng và chạy vội về làng để ‘công bố Tin mừng’ cho đồng hương của chị. Chị đã gác lại cơn khát của thân xác, vì đã được thỏa mãn cơn khát thâm sâu trong tâm hồn. Người thiếu phụ vội vã đi truyền tải thứ nước trường sinh ấy cho những người cũng đang khát cháy giống như chị. Đây là mô hình về đức tin và về sứ vụ chia sẻ đức tin, giúp chúng ta học hỏi để noi theo.
Những mảnh đời bất hạnh nơi phận người.
Con người chúng ta được sinh ra trong tiếng khóc chào đời của chính mình và chết đi trong tiếng khóc tiễn đưa của những người thân quen. Cuộc sống con người mãi luôn là một ẩn số với bao khổ đau. Đức Phật đã dạy các môn sinh rằng, đời là bể khổ, và ai ai cũng có thể nhận ra điều này. Phật giáo tìm cách giải mã đau khổ bằng liệu pháp diệt dục. Một vài tôn giáo khác lại chủ trương né tránh. Ông tổ của triết học vô thần Marxism thì lại lý tưởng hóa bằng cách mơ tưởng đến một thiên đàng trần gian nơi không còn người bóc lột người, tất cả được no cơm ấm áo… Nhưng tất cả chỉ là những lý thuyết không tưởng. Chỉ duy nhất Đức Giêsu mới đem lại cho chúng ta chìa khóa giải quyết tận căn mầu nhiệm đau khổ bằng chính cái chết của Ngài trên Thập giá. Từ Thập gía, Chúa đưa dẫn con người đến vinh quang (per crucem ad lucem). Từ cái chết ô nhục, Ngài khai mở cho chúng ta sự sống trường cửu. Thập giá của Đức Giêsu là mạch nước vọt trào ơn cứu độ, hóa giải những cơn khát thâm sâu nhất nơi phận người. Điều đó Đức Giêsu đã nói với người thiếu phụ Samari mà hôm nay chúng ta được nghe Giáo hội đọc lại.
Ông Tổng thống Mitterand là nhà lãnh đạo của nước Pháp trong 14 năm và được dân Pháp quý mến, xem ông như một thần tượng. Trong những năm tháng cuối đời, ông có dịp nhìn lại cuộc đời đã qua và viết lại những dòng nhật ký đáng để chúng ta suy nghĩ. Trang nhật ký có tựa đề ‘Tôi đang chuẩn bị cái chết’. Ông viết: “Lúc nhỏ, tôi được dạy phải đọc kinh, nhưng thay vì đọc kinh tôi lại thích thinh lặng và suy niệm. Tôi suy niệm về tôi, về Thiên Chúa, và về ý nghĩa cuộc đời. Lắm khi tôi tự hỏi không biết tôi có tin Thiên Chúa hay không, nhưng từ trong thâm tâm, tôi luôn bị thúc đẩy phải tin Ngài. Nếu không tin, cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa và hoàn toàn trống rỗng.”
Ông viết tiếp: “Ai mà không cảm thấy khao khát muốn vươn tới hạnh phúc và muốn được sống mãi. Một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy lẻ loi và bị mất hút trong thế giới vĩnh hằng. Pascal đã nói chính xác rằng sẽ đến lúc thân xác mong manh của bạn bị ngã đổ. Bạn sẽ chết, sẽ không còn hiện hữu nơi trần thế này nữa. Nhưng từ trong thâm sâu, bạn vẫn có ước muốn được trường tồn, được sống và được sống mãi. Niềm khao khát đó, không một thứ gì ở trần gian này có thể lấp đầy.”
Đó cũng là niềm khao khát của người thiếu phụ Samaria năm xưa và cũng là của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Ngày xưa, dân Do Thái đi trong sa mạc Sinai cũng khát (bài đọc 1), nhưng cái khát đó chỉ là hình bóng. Khát khao tình yêu và hạnh phúc là những ẩn số triền miên nơi kiếp người, và đáp án của ẩn số đó đã được Chúa Giêsu khải thị trong bài Tin mừng hôm nay.
Kết luận
Ngày xưa, có một đạo sĩ dạy cho các môn sinh bí quyết để tìm tới hạnh phúc. Ông giảng dạy rất uyên bác. Một thanh niên bặm trợn đến gặp ông và thách đố: “Thưa Thầy, Thầy giảng dạy rất thâm thúy, nhưng tôi chỉ xin hỏi Thầy một câu thôi. Trong tay tôi là một con chim, đố thầy biết đó là con chim sống hay con chim chết?” Câu hỏi ma mãnh của chàng trai nhằm gài bẫy vị đạo sỹ vì trong tay anh ta, con chim đang còn sống sẽ bị anh ta bóp chết, nếu vị đạo sỹ trả lời rằng đó là con chim sống. Nhìn nét mặt quỷ quyệt của người thanh niên trẻ, vị đạo sĩ nói thẳng vào mặt anh ta: “Con chim này sống hay chết là do anh.” Ông nói tiếp: “Cũng vậy, hạnh phúc có đến được với chúng ta hay không còn tùy thuộc vào sự lựa chọn tự do của mỗi người.
Trong mùa chay, Giáo hội mời gọi chúng ta sám hối để trở với Chúa và với nhau. Chúng ta hãy hướng về Thập giá Đức Giêsu, kín múc cho mình nguồn nước sự sống để tâm hồn chúng ta luôn được an bình và vươn đạt tới hạnh phúc trường cửu.
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY- A
ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG TRUNG HÒA– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Đức Giêsu mỏi mệt vì đi bộ dưới ánh nắng hè oi bức gần ba chục cây số, từ bờ sông Gióc đan tới giếng Gia cóp. Người còn mỏi mệt hơn dưới những hận thù của các dân, các nước, cụ thể là sự hận thù giữa dân Do thái và Samari: “Trước khi lập quốc, hai dân là một quốc gia, một tôn giáo, một dòng giống Giacóp. Họ chia rẽ nhau từ năm 935 lúc Salômôn tạ thế. Do thái tách thành một nước riêng, Samari thành một nước hận thù. Từ chia rẽ chính trị đến chia rẽ tôn giáo” (Văn Qui: CN. năm A tr. 60). Hai dân đã trở thành thù địch nhau ghê gớm.
Đức Giêsu đến Samari, ngồi trên bờ giếng Gia cóp, để qui tụ Do thái và Samari về xum họp với nhau dưới mái nhà Thiên Chúa là Cha chung của hai dân tộc. Người đã mở đầu cuộc đối thoại hòa giải bằng một cử chỉ thật khiêm tốn trước mặt một người phụ nữ nghèo hèn tội lỗi nhất, đại diện cho dân Samari: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”, như một lời xin lỗi, một lời nài van tình người xóa bỏ hận thù để hòa giải, thương yêu và tương trợ nhau.
Đức Giêsu xin chút nước giải khát tạm thời, để ban cho chị mạch nước trường sinh. Người xin chút vất vả múc nước, Người ban cho chị nguồn vui hạnh phúc Tin mừng bất tận. Người xin chút tấm lòng cởi mở thưa đáp, Người cho chị tấm lòng bao dung tha thứ vô biên. Người xin chút niềm tin hẹp hòi địa phương của chị, Người ban nguồn chân lí cho muôn dân biết tôn thờ Thiên Chúa là Cha chung mọi người. Người xin một chỗ ngồi nhỏ bên bờ giếng, Người ban cho Samari nước Trời vinh quang. Họ đã vui mừng thưa: “Không phải vì lời chị kể lại mà chúng tôi tin. Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Tinh trần gian.
Đức Giêsu đến trần gian như đến với Samari để qui tụ muôn dân xum họp nhau lại dưới mái nhà Thiên Chúa là Cha chung loài người. Người đã bắt đầu cuộc hòa giải ngay từ giây phút sinh ra nơi thấp hèn nhất là hang bò lừa để đem lại ơn bình an cần thiết nhất xuống cho nhân loại. Người đã kéo dài cuộc hòa giải suốt 30 năm cho tới bàn hận thù ghê gớm nhất trên đỉnh núi Sọ để xin ơn tha thứ cho mọi người: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”. Họ lầm chẳng biết Thiên Chúa, nên họ cũng lầm chẳng biết nhau. Đức Giêsu đã thương yêu họ để họ biết thương yêu nhau trong tình thương chí thiện, chí mỹ của Thiên Chúa.
Cuộc hành trình hòa giải của Đức Giêsu phải được con cái Người nối tiếp để phá đổ những bức tường hận thù ngăn cách loài người với Thiên Chúa và khai mở cho mọi dân tộc, mọi gia đình, mọi cá nhân một con đường mới, con đường khiêm tốn, đối thoại hiệp thông chan hòa ơn phúc bình an và thương mến nhau.
Lạy Chúa, cuộc hành trình gian khổ của Chúa đến Samari để thực hiện hiệp nhất giữa hai dân tộc hận thù, Chúa còn bỏ trời cao vinh sáng xuống trần gian thấp hèn đen tối, để nối kết loài người với Thiên Chúa. Xin cho con được phúc tiếp tục cuộc hành trình cao cả đó, cho con biết hiệp nhất với mọi người trong khiêm tốn, bình an và chân lý để tin mến tôn thờ Thiên Chúa trọn đời con. Amen.
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY-A
Chúng ta nghe nói nhiều về nước nhưng ít ai có thể tưởng tượng được mức tàn phá khủng khiếp và tốc độ di chuyển thần tốc của nước. Nước di chuyển không trừ nơi nào, trên sông biển, trên cạn và cả trên không trung. Hạt sương nho nhỏ không đáng kể, cơn mưa rào không đáng sợ. Mưa tầm tã nhiều ngày quả là khủng khiếp. Hình ảnh sống động trên truyền hình của trận lũ lụt tại Úc châu và cơn động đất, tiếp theo là bão sóng thần tại Nhật mới đây gây kinh hoàng cho những ai nhìn thấy cảnh chết chóc, điêu tàn đang diễn ra trước mắt.
Không bỏ sót gì. Đi đến đâu nước kéo sập làng mạc, dinh thự, cột điện đến đó. Trong chớp nhoáng nước tràn sâu lục địa, vượt qua đại lộ, hất tung đoàn xe đang chạy, chiếc vất chơi vơi trên mái nhà, chiếc đắm chìm mất hút trong làn nước, chiếc xoáy tròn theo dòng thác lũ. Nước nhổ neo, vỗ nát con tầu đánh cá thành vạn mảnh trong nháy mắt. Trước sức mạnh vũ bão đó con người chỉ còn một chọn lựa duy nhất là chạy. May thì thoát, ngược lại là nạn nhân.
Biến cố lũ lụt vừa qua ít nhiều, giúp ta hình dung khung cảnh câu chuyện ghi trong sách Xuất Hành chương 14 ghi lại trong Cựu ước. Chúa sai Môise dùng cây gậy rẽ nước dẫn dân Ngài vượt Biển Đỏ ráo chân. Điều này cho biết Thiên Chúa làm chủ tất cả, từ biển khơi đến sông ngòi và ngay cả đường đi, chốn ở của nước. Nếu không, làm sao tổ phụ Môisen biết hòn đá nào có nước để gõ. Giữa samạc Zin khô cằn cát nóng bỏng. Thiên Chúa phán bảo ông gõ đá ra nước cho thấy Ngài là chủ tể muôn loài (Xh17). Làm chủ trời cao, đất liền, sa mạc, biển khơi, sông ngòi, và mọi sinh vật từ lòng biển đến lòng đất.
Nước trường sinh
Điều chắc chắn không phải nước nào cũng mang lại sự sống. Nước lụt và sóng thần tràn ngập nhưng dân chúng vùng đó lại thiếu nước uống. Vì nước bị nhiễm độc, uống vào làm mất sự sống. Thủy thủ trên biển cả bao la, bát ngát, luôn phải tiết kiệm nước vì sợ thiếu. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng trật tự thiên nhiên Chúa tạo dựng như vậy. Đảo lộn trật tự này sẽ lãnh hậu quả tang thương.
Nước ngọt mang lại sự sống cho tôm cá, ngư sản nước ngọt. Nước mặn cho nước mặn, nước lợ cho nước lợ. Nước nào cho loại sinh vật tuỳ loại đó nếu trái với thiên nhiên sự sống bị thiệt thòi. Vì thế nước trần gian mang lại sự sống nơi trần gian. Nước thiên đàng mang lại sự sống thiên đàng.
Sức nước đi đến đâu tàn phá, quyét sạch mặt đất đến đó. Còn lại là tàn tích của đổ vỡ, điêu tàn và mặt đất nhẵn lớp phù sa. Nước trường sinh có sức mạnh tẩy rửa đời sống bên trong, đời sống nội tâm. Xoá bỏ quá khứ cuộc đời. Đào tận căn mọi gốc rễ tội lỗi của tâm hồn thống hối, ăn năn. Nước trường sinh tẩy xoá mọi tì ố, vết dơ, đố kị, thù hằn. Nước trường sinh quyét sạch tội đời bằng cách tẩy thói hư, rửa tật xấu, xoá ích kỉ, gột kiêu căng. Nước trường sinh làm mềm tâm hồn cứng cỏi, dịu cơn giận, giảm cơn đau. Nước trường sinh sưởi ấm con tim nguội lạnh, san bằng bất công, tiêu diệt áp bức, càn trước, quét sau, dọn sạch tâm hồn cho hạt giống thứ tha nảy mầm, cho tình người nở hoa. Thắt chặt tình thân ái, cảm thông, tình anh em, mở đường dẫn đến ăn năn, thống hối để nhận ơn thứ tha, giao hoà cùng Thiên Chúa và tha nhân.
Nước trường sinh không đến từ giòng sông, không gây nên bởi bão táp, biển khơi lộng gió hay va chạm dưới lòng đất sâu. Nước trường sinh thức tỉnh bởi sóng lòng, rung nhịp con tim, mời lương tâm lên tiếng thúc dục, giúp óc tỉnh ngủ nhận ra lỗi lầm. Tất cả do sức mạnh Lời Chúa vì lời Chúa là đèn soi, chiếu dọi tâm hồn.
Bên bờ giếng
Bên bờ giếng Đức Kitô đối thoại với người phụ nữ thành Samarita. Ngài hỏi xin chị nước uống. Chị thắc mắc ông không phải dân làng sao lại đến đây xin nước. Gây cho chị ngạc nhiên hơn nữa, Đức Kitô, người hỏi xin nước, giờ hứa ban nước cho ai thành tâm xin. Chị phụ nữ thành Samarita tự hỏi gầu không có làm sao có thể lấy nước từ giếng sâu. Thắc mắc bình thường kia là dịp tốt để Đức Kitô giải thích về nước trường sinh. Ngài hứa ban, không phải nước thường, nước giếng, nước sông, nước rạch vì thế không cần gầu để kín, múc. Loại nước đó uống rồi lại khát, cần uống tiếp. Nước đặc biệt mà Đức Kitô ban là nước trường sinh, không cần gầu để múc, kéo.
Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời. Gn 4,14
Làm sao để có được nước trường sinh.
Đổi tấm lòng
Đức Kitô cho biết nước Ngài ban sẽ thành mạch nước từ tấm lòng vọt lên mang lại sự sống. Như thế muốn nhận lãnh nước trường sinh chỉ có một cách duy nhất là nhìn đến tấm lòng, tìm ra nguồn nước hằng sống. Nguồn nước đó bị bụi đời che khuất, tội đời ngăn cản, thói đời lấp lối và tình đời làm bế tắc ống dẫn nước.
Tìm được nguyên nhân gây bệnh việc chữa trị xem ra có nhiều hy vọng hơn. Phủi sạch bụi đời sẽ tìm thấy nguồn nước. Từ giã tội đời nguồn nước được thông. Đổi đời để có cuộc đời mới. Nối kết tình người sẽ có nguồn sống mới. Dâng hiến cuộc đời sẽ nhận được đời mới. Giã từ lối sống trác táng để nhận lại cuộc sống mới tôn thờ Thiên Chúa.
Thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật c.24
Chúng ta cầu xin biết đổi đời thường lấy đời sống trường sinh. Dâng hiến đời sống trần gian lấy đời sống thiên quốc.
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY- A
NƯỚC HẰNG SỐNG- Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
Có một câu chuyện mang tên “Lòng cảm thông”, có nội dung như sau:
Có một goá phụ giàu có nọ phụng dưỡng một tu sĩ trong 20 năm liền.
Bà xây cho vị tu sĩ này một tịnh xá ngay trong khu vườn vắng vẻ thanh tịnh của bà. Bà cung cấp cho ông đủ mọi thứ trong thời gian ông tu niệm. Bà rất đỗi sung sướng khi nhận thấy những tiến bộ của ông trong bước đường thiêng liêng, nhưng bà vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Để xem 20 năm hy sinh của bà có hoài công hay không, người đàn bà này quyết chí thử lòng kẻ tu trì.
Một hôm, bà cho tìm một cô gái trẻ đẹp, trả tiền cho cô và sai cô đến cám dỗ vị tu sĩ. Nửa đêm, trong lúc vị tu sĩ này đang ngồi thiền, cô gái xông cửa bước vào tịnh xá và dùng đủ mọi lời lẽ, cử chỉ để quyến rũ ông, nhưng vị tu sĩ vẫn một mực chìm đắm trong việc tụng niệm. Đến một lúc không còn chịu đựng được nổi sự tấn công của cô gái nữa, vị tu sĩ bèn quơ cái chổi đánh túi bụi vào người cô gái và tống cô ra ngoài.
Cô gái đến gặp người đàn bà và kể lại diễn tiến câu chuyện.
Người đàn bà hài lòng về sự thánh thiện của vị tu sĩ này ư? – Không! Nghe cô gái tường thuật xong, người đàn bà liền nổi giận thốt lên:
Hắn ta không biểu lộ một sự thông cảm nào với con, hắn ta không nói được một lời để khuyên bảo dạy dỗ con, 20 năm tu niệm ăn chay của hắn qủa là vô ích. Bởi vì hắn chưa đạt được điều thiết yếu trong cuộc sống, đó là lòng cảm thông.
Tìm đến con người
Thiên Chúa luôn đi bước trước để đến với con người. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. (Ga.1,14).
Chúa Giêsu đã đi con đường băng ngang miền Samari, và Ngài đã mở đầu câu chuyện với một phụ nữ Samari bằng việc “xin nước uống”.
Thật ra, để có nước uống, Chúa Giêsu có cần phải “xin” người phụ nữ này không, khi mà người Samari và người Do-Thái xem nhau như kẻ thù? “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Samari. (Ga 4,9) – Chắc hẳn là không! Chúa Giêsu đang đi với các môn đệ. Chắc các ông sẽ có cách lo liệu cho thầy mình qua cơn khát. Nên, việc Chúa Giêsu xin nước là để mở đầu câu chuyện trong “hòa bình”. Ngài đóng vai một người đang cần “sự giúp đỡ”, và người giúp đỡ sẽ dễ dàng đặt câu hỏi đối với người xin mình, vì họ cảm thấy mình quan trọng.
Cuộc đối thoại trong Tin Mửng hôm nay là sự trao đổi bằng những ngôn ngữ thật đẹp, thẳng thắn và chân thành, không có khoảng cách thận trọng e dè giữa đôi bên.
Tôn trọng con người
Thiên Chúa luôn yêu thương và tôn trọng con người, vì con người là con Thiên Chúa. “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv.8,5).
Thái độ “xin” là một thái độ “khiêm nhượng” và “tôn trọng” người mình xin. Trong tình yêu, luôn có sự kính trọng! Thái độ “lắng nghe” Chúa Giêsu nói của người phụ nữ Samari cho thấy ranh giới “nghi kỵ, thù hận” đã được tháo bỏ trong tâm hồn chị ấy. Ngay những lời nói sơ giao, người phụ nữ Samari đã thấy Chúa Giêsu, người đàn ông Do Thái này, là người “có thể đối thoại được”. Và điều ấy, cũng chính là sự mở đầu của niềm tin. – Không ai thèm nói chuyện với một người mà người ta hoàn toàn không thể tin tưởng!
Thái độ “phá bỏ cái giới hạn hẹp hòi” đã phân chia hai dân tộc anh em là người Samari và Do Thái đã tạo ra ngay trong lòng người phụ nữ “câu hỏi” đầu tiên:“người này là ai?”, vì sao là một người Do Thái lại có thể giao thiệp tự nhiên với một người Samari?
Diễn tiến câu chuyện, Chúa Giêsu đã tạo cho người phụ nữ Samari phải liên tiếp tự đặt câu hỏi về Ngài. Ta có thể suy ra những ý nghĩ trong lòng người phụ nữ này, tỷ như: Người này là ai mà biết tất cả những việc mình làm như thế? Người này là ai mà trả lời trôi chảy mọi điều mình thắc mắc như thế? Để rồi, người phụ nữ ấy đi dần đến nhận ra Ngài là một Ngôn sứ. Cuối cùng là Đức Kitô.
Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga.4,28-29).
Cứu chuộc con người.
Diễn tiến sự thay đổi trong lòng người phụ nữ Samari luôn là câu hỏi: “Người này là ai?”. Và trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng luôn muốn con người tự tìm ra câu hỏi ấy cho chính mình. Bởi vì Niềm Tin phải là sự “nhận biết” Đấng Cứu Thế.
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”. Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ. Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-mon thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (Mt.16,13-16).
Nhận biết Con Người là ai? Giêsu Nagiarét là ai? Con người mới có thể đi tới Đức Tin. Tin vào Đức Kitô, con người mới nhận được “Nước Hằng Sống”, thứ nước đáp ứng đầy đủ mọi “cơn khát chính đáng” của con người, Những “khát vọng” mà cuộc đời không thể thỏa mãn được.
Chỉ có Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người, mới đem lại màu xanh sức sống cho những tâm hồn cằn cỗi kiếp nhân sinh.
Tất cả đều đến từ Tình Thương. Và Tình Thương luôn là điều cấp bách, vì con người quá thiếu.
Sẽ chẳng có câu chuyện Tin Mừng tuyệt đẹp hôm nay nếu Chúa Giêsu cũng tẩy chay người Samari, và lánh xa người phụ nữ Samari tội lỗi này, như thái độ tống khứ cô gái bằng vũ lực ra khỏi phòng của vị tu sĩ trong câu chuyện “lòng cảm thông” kể trên.
Hắn ta không biểu lộ một sự thông cảm nào với con, hắn ta không nói được một lời để khuyên bảo dạy dỗ con, 20 năm tu niệm ăn chay của hắn qủa là vô ích. Bởi vì hắn chưa đạt được điều thiết yếu trong cuộc sống, đó là lòng cảm thông.
Tràn ngập trong cuộc sống con người là những nỗi lòng âm thầm đau khổ, là những bon chen trong hạnh phúc phù phiếm, là khắc khoải lo toan, là những cơn khát triền miên mà con người cố gắng tìm cách thỏa mãn với những niềm vui hụt hẫng chóng qua.
Trong điều kiện sống của người Samari, xứ sở cao nguyên và sa mạc, có được “giếng nước” là xem như có tất cả. Nguồn nước là nguồn sống. Mạch nước là mạch sống. Nên “giếng nước” rất quan trọng, đó là sự sống còn của họ.
Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”(Ga.4,11-12).
Nhưng sự vui mừng của người phụ nữ Samari thật rất cảm động, ta có thể hình dung sự vui mừng của chị ấy khi bỏ tất cả những gì đang có để reo mừng và chạy vào thành để loan báo Tin Mừng mà chị vừa nhận được.
Sự vui mừng của người phụ nữ Samari cho thấy cuộc sống của chị tuy đã có rất nhiều nhưng còn đó cơn khát vô tận. “Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” (Ga.4,15).
Không có một lời khiển trách nào đối với một người phụ nữ mà sáu người đàn ông bước qua cuộc đời chị không ai là chồng cả! Nhưng ở đây, niềm vui của chị khi đón nhận Lời Hằng Sống cũng chính là Sám Hối. Chị bỏ lại tất cả mọi thứ bên bờ giếng, cũng như bỏ lại quá khứ tội lỗi của cuộc đời mình, và đã đóng vai người đi loan báo Tin Mừng với niềm vui khôn tả!
Không có sự ngượng ngập hay hổ thẹn khi nhắc đến quá khứ đời mình, “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. (Ga.4,29), vì chị không để tâm gì đến nó nữa, mà trong tâm trí chị giờ đây chỉ nhớ đến một điều là loan tin về Đấng Cứu Thế. “Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga.4,29).
Truyền giáo
Thế giới vẫn còn đây cơn khát vô tận, dù sự khôn ngoan của con người đã lên đến đỉnh cao và cuộc sống con người đang rất giàu có.
Chỉ cần dành vài phút giây để nhìn vào thế giới hôm nay, để thấy đây đó bao cảnh thiên tai, chiến tranh, mất mát, đau thương. Để hiểu giá trị cát bụi, phù vân. Để nghe cơn khát bất tận của con người. Để chọn đâu là những chân giá trị. Để đi đúng con đường của sự sống đích thực.
Con đường Giêsu. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Có thể nhận ra trong Tin Mừng hôm nay bài học tuyệt đẹp về truyền giáo:
Truyền giáo là yêu thương. “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”
Truyền giáo là sứ mệnh. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. (Ga.4,34).
Truyền giáo là cấp bách. “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!” (Ga.4,35).
Truyền giáo là hạnh phúc.“Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng.” (Ga.4,36).
Lạy Chúa,
Xin cho con một con tim giàu lòng nhân ái,
để con biết bước theo Chúa,
với một tấm lòng dạt dào yêu thương. Amen.
NƯỚC KHÔNG BAO GIỜ KHÁT NỮA- Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
Chủ đề của cuộc trao đổi bên bờ giếng giữa Đức Giêsu và người nữ Sa-ma-ri hiển nhiên liên quan tới ‘Nước Hằng Sống’, thứ nước mà Người hứa sẽ ban cho mọi tín hữu thông qua Tin Mừng Người rao giảng. Thế nhưng bản chất của thứ nước đó là gì thì vẫn chưa rõ ràng lắm; nước đó là thứ gì mà, “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”? Cụ thể hơn nữa sẽ là câu hỏi: cơn khát mà nước đó vĩnh viễn giải được là cơn khát gì? Nắm được hay trả lời được vấn nạn trên tức là hiểu được sứ mạng đích thực của Đức Giêsu và lý do tại sao ta lại đặt trọn niềm tin đời ta vào Người. Và để tìm ra câu trả lời thỏa đáng, có lẽ ta nên nhìn sâu hơn vào người phụ nữ Sa-ma-ri đang tiến tới bờ giếng Gia-cóp để kín nước, vì bà là đối tượng trực tiếp lúc đó của lời mời gọi: hãy kín lấy ‘nước hằng sống’. Cụ thể hơn nữa, ta tự hỏi, trong thâm tâm chị ta đang khát khao điều gì nhất, điều gì có thể khiến chị đi tới xác quyết: ông Giêsu này chính là đấng Ki-tô mà tôi hằng mong đợi?
Câu hỏi là, đối với một phụ nữ ‘đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị’ thì điều gì chị ta thực sự khao khát nhất? Một đời sống luân lý hoàn hảo chăng – không dám đâu! vì trong hoàn cảnh cụ thể của chị, điều này đơn giản là bất khả thi; vả lại xem ra Đức Giêsu cũng không đòi hỏi hoặc quở trách gì chị về điều đó – Người không có lấy một lời đòi chị phải rời bỏ ông chồng hờ. Ngoài tình dục là điều rất tự nhiên của đời sống vợ chồng, người phụ nữ này rất có thể, sau bao nỗi đắng cay ngay trong đời chung sống, đang ủ ấp trong lòng niềm khao khát có được một tình yêu đầy cảm thông và được chấp nhận, điều mà chị chưa từng tìm được nơi một ai, kể cả năm ông chồng trước, cũng như nơi người đàn ông chị hiện đang chung sống với; chị khao khát được thương cảm bao dung, được thứ tha trọn vẹn! Cuộc đối thoại tiếp sau đó cho thấy: hình như dung mạo Thiên Chúa mà chị đang âm thầm tìm kiếm và mong đợi cũng liên quan tới cái khát vọng này. Dầu không phải là nhà thần học để tranh luận vấn đề, phải thờ phượng Thiên Chúa ở nơi nào cho thích hợp nhất; nhưng chị đã thật sự vui mừng khi nghe người lữ hành ngồi bên bờ giếng công bố: “giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”; một kiểu thờ phượng sẽ đáp ứng trọn vẹn niềm khát vọng ẩn chứa bên trong. Về diện mạo đấng Mê-si-a phải đến cũng tương tự như thế: khác với quan niệm về một đấng Ki-tô thống trị và quyền lực mà giới lãnh đạo vẫn thường quảng bá, chị chỉ mong vị đó “khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”, nhất là khi các điều đó đáp ứng được khát vọng thầm kín nhất của tâm hồn mình. Và một khi phát hiện ra con người mà lòng hằng mong đợi: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây!”, người phụ nữ Sa-ma-ri vội “để lại vò nước, chạy vào thành và nói với người ta; “Đến mà xem; có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là đấng Ki-tô sao?”
Thế rồi dân thành Xy-kha nghe người phụ nữ loan báo, đã đến gặp và mời Đức Giêsu lưu lại với họ… ‘và Người ở lại với họ hai ngày’. Trong thời gian đó, chắc chắn mỗi người trong số họ cũng đã, bằng kinh nghiệm của bản thân, khám phá ra rằng: ông Do Thái Giêsu này đúng là người có thể ban cho ‘nước hằng sống’ để rồi mỗi người trong họ đều có thể tự quả quyết: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”. Đối với những con người chất phác, mang trong mình những mảnh đời riêng tư khác nhau (mà người phụ nữ với sáu đời chồng chỉ là một điển hình…), thì khát vọng sâu xa nhất sẽ không là gì khác hơn một sự cảm thông sâu sắc và một lòng thương xót vô bờ. Họ đã khám phá ra rằng: ông Giêsu tới từ Na-da-rét đây đúng là người đáp ứng được khát vọng mãnh liệt thầm kín nhất ấy cho riêng mình. Và họ sẵn sàng tin theo ông, cho dầu ông có là người xa lạ, là cừu địch của họ về mặt xã hội chính trị. Họ đã khảng định niềm tin đó một cách thật rõ ràng và chân chất nhất: “Người thật là Đấng Cứu Độ!” Đó là một lời tuyên xưng biểu lộ thái độ hoàn toàn mãn nguyện, tương tự như khi tìm được nguồn nước mát của bao dung và thứ tha giữa cơn khát khô họng trong sa mạc nóng cháy da của cuộc đời. Đúng thực, Người là ‘nước hằng sống’ không phải trên lý thuyết, mà là cho những mảnh đời rất tư riêng!
Nếu quả đúng là như thế thì nội dung ‘nước hằng sống’ sẽ không còn nằm trong suy tư thần học này nọ, mà đã trở thành một vấn đề hết sức thiết thực và cá nhân. Mùa Chay được Hội Thánh dành cho tôi, chính là thời gian để tôi xác định được cơn khát của riêng mình (vì thế mà cần sám hối), hầu cho phép tôi tiến sâu hơn vào một tuyên xưng đầy xác tín và chân thành: Giêsu Ki-tô quả là Đấng đã, đang và sẽ tiếp tục mãi ban cho tôi thứ ‘Nước Hằng Sống’ tôi rất cần, là Đấng duy nhất giải được cơn khát khô họng của cõi lòng tôi. Người quả là ‘Đấng cứu độ’ của tôi và cho tôi!
Lạy Chúa, con cũng có một mảng đời riêng tư với những khát vọng cháy bỏng. Vào lúc đời xế bóng này, khát vọng lớn nhất con có chính là được cảm thông, thứ tha và xót thương; vì cũng như mọi kiếp người, cuộc sống con không tránh khỏi những khiếm khuyết, thiếu sót và tội lỗi. Nhưng như người đàn bà Sa-ma-ri bên bờ giếng, làm sao chính con có thể xác tín cho riêng mình rằng: chỉ có ‘nước hằng sống’, tức là lòng từ ái hải hà vô tận của Chúa, mới hoàn toàn giải được cơn khát cháy khô họng của con, bây giờ và cho đến muôn đời. Xin cho con luôn được phúc sống sâu xa cảm nghiệm Tin Mừng này, bây giờ và nhất là trong giờ chết. Amen.
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY- A
CUỘC GẶP GỠ LỊCH SỬ– Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Tin Mừng đề cập đến rất nhiều cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ, bên ngoài xem ra rất thường tình, song lại là những cuộc gặp gỡ làm nên lịch sử. Điển hình là những cuộc gặp gỡ: giữa Chúa Giêsu và Giakêu, Chúa Giêsu và Lêvi, Chúa Giêsu và Simon Phêrô, Chúa Giêsu và người đàn bà ngoại tình, và hôm nay một cuộc gặp gỡ khác, cuộc gặp gỡ rất đặc biệt giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari. Dưới ngòi bút linh động của thánh sử Gioan, thì đây là cuộc gặp gỡ làm nên cuộc “cách mạng” lớn, cuộc “cách mạng” trên 3 bình diện: chủng tộc, giới tính và tôn giáo.
- Cuộc cách mạng phá đổ hàng rào phân biệt về chủng tộc.
Chúng ta biết rằng mối bất hòa giữa dân Do Thái và dân Samaria bắt nguồn từ một câu truyện rất xa xưa. Khoảng năm 720 TCN, người Assiri xâm chiếm và thống trị vương quốc Samaria ở phía bắc. Người Samari bắt đầu cưới gả với người ngoại bang mới đến. Người Do Thái coi đó là trọng tội, không thể tha thứ. Vì họ đã làm mất thuần chủng Do Thái. Cho đến nay, trong gia đình Do Thái có một luật hết sức nghiêm khắc là, nếu có một đứa con trai hay con gái cưới vợ lấy chồng ngoại bang, thì người ta lập tức làm lễ an táng người con ấy, vì bị xem như đã chết rồi. Như vậy, đa số dân xứ Samaria thuộc vương quốc miền bắc bị đầy sang Mêđi và không bao giờ trở về nữa, họ bị đồng hóa với các dân tộc thống trị họ. Số người còn trong xứ lại cưới gả với dân ngoại bang được đưa đến đó, nên họ cũng mất luôn quyền làm công dân Dothái.
Về sau, vương quốc miền Nam, là Giuđêa cũng bị xâm lăng và bại trận. Dân chúng bị đày sang Babylon, nhưng không mất gốc, họ vẫn còn là dân Do Thái ngoan cố. Sau thời lưu đày trở về, công việc đầu tiên của họ là tu sửa lại Đền thờ Giêrusalem đã bị phá hủy. Người Samaria đến giúp đỡ, vì muốn được cùng làm công việc thánh thiêng ấy, nhưng họ bị khinh miệt và khước từ. Nhục vì bị từ khước, người Samaria quay lại chống đối kịch liệt dân Giuđêa.
Sự bất hòa còn gay gắt hơn, khi người Do Thái phản đạo là Manasê tìm cách xây một đền thờ đối lập trên núi Garizim, nằm trung tâm xứ Samaria mà người phụ nữ đã đề cập đến. Về sau, năm 129 TCN, quân Do Thái mở cuộc tấn công người Samaria và hủy diệt ngôi Đền thờ tại Garizim. Người Do Thái và Samaria lại càng thù ghét nhau hơn. Cuộc bất hòa giữa hai dân tộc, Do Thái và Samaria, đã có từ hơn bốn trăm năm, nhưng vẫn gay gắt vào thời Chúa Giêsu. Cho nên người đàn bà Samaria sửng sốt khi thấy Chúa Giêsu là một người Do Thái, lại bắt chuyện với mình, một người Samari. (x. Bài giảng của tác giả NT). Đó là bình diện thứ nhất mà cuộc cách mạng của Chúa Giêsu đã phá đổ, bình diện phân biệt chủng tộc.
- Cuộc cách mạng phá đổ hàng rào kỳ thị về giới tính.
Người Samaria mà Chúa Giêsu gặp gỡ hôm nay lại là một phụ nữ. Trong khi luật cấm nam nhân chào hỏi phụ nữ giữa những nơi công cộng, cấm ngay cả với vợ, con gái hay chị em của mình nữa. Một số người Biệt phái còn nhắm nghiền mắt lại khi gặp phụ nữ ngoài đường phố. Một đạo sĩ bị bắt gặp nói chuyện công khai với phụ nữ thì kể như tiếng tăm sự nghiệp tiêu tan. Thế nhưng Chúa Giêsu lại trò chuyện với một người, chẳng những là phụ nữ, mà còn là một phụ nữ xấu nết, chồng con lăng nhăng, 5-6 lần rối. Không một người đàn ông đứng đắn nào, chứ đừng nói đến đạo sĩ, hay ngôn sứ, chịu để cho người ta thấy mình đứng chung hay trao đổi dù chỉ một lời với bà ta. Vậy mà điều đó lại xảy ra với Chúa Giêsu (x. Bài giảng của tác giả NT). Bởi thế khi các môn đệ trở về, trông thấy sự việc, họ cho là Thầy mình đã gây ra một xì-căng-đan, có nguy cơ “mất phần linh hồn”.
- Cuộc cách mạng phá đổ hàng rào độc quyền về tôn giáo.
Những người Samari thờ phượng Thiên Chúa trên núi Garizim. Còn những người Dothái thờ phượng Thiên Chúa trên núi Sion, tức Giêrusalem. Và hai bên tranh cãi với nhau, thù ghét nhau.
Chúa Giêsu khẳng định: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jêrusalem!” Cách nói thân tình của Người diễn tả một mạc khải quan trọng: thời kỳ cũ đã qua rồi và cách thờ phượng cũ đã chấm dứt. Nay là thời thiên sai, thời kỳ của ơn cứu độ phổ quát: “Đã đến lúc những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và sự thật”. Thờ phượng trong thần khí là thờ phượng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; thờ phượng trong sự thật là thờ phượng với tâm tình kết hợp với Đức Giêsu, Đấng đã xưng mình là đường, là sự thật và là sự sống.
Đức Giêsu đã khai mở và thiết lập giao ước mới. Nghi lễ cũ phải nhường cho nghi lễ mới. Ngài chính là của lễ mới và là Đền thờ duy nhất của Thiên Chúa Cha. Những ai tin nhận Ngài là Đấng Thiên sai, Đấng giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, sẽ có được sự sống mới của Thiên Chúa cách đích thực. Tôn giáo nào đưa con người gặp gỡ được với Thiên Chúa trong Thánh Thần, trong Chân Lý, là tôn giáo được đón nhận. Đây hẳn là một cái nhìn mang tính cách mạng, cách mạng về nơi thờ phượng tôn giáo.
Nói khác đi, qua cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samaria, Chúa Giêsu đã phá vỡ các hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các lề thói chính thống của Do Thái giáo. Tại đây, Ngài đã thực hiện cuộc cách mạng giải phóng con người khỏi ý thức hệ, vốn trói buộc con người hàng chục thế kỷ. Tại đây, tính cách phổ quát của Tin mừng là khởi điểm. Tại đây, Thiên Chúa đang yêu thương thế gian, không bằng lý thuyết, nhưng bằng hành động, hành động đem lại ơn cứu độ. Dĩ nhiên, chỉ có Đấng là Mêsia, là Thiên Sai mới làm nên điều kỳ diệu đó. Ngài chính là Đấng mà Cựu Ước đã loan báo, Đấng Cứu Độ mà muôn dân đang trông đợi, Đấng đem lại Nước Hằng Sống cho con người. Amen.
#cacbaisuyniemloichuachuanhat #suyniemloichuachuanhatiiimaychaya #suyniemloichuagpbr