CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA.. 2
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI (*)– Chú giải của Noel Quession 6
ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA- Chú giải Lm. Inhaxiô Hồ Thông. 13
ĐỂ NÊN CON THẢO CỦA MẸ MARIA…- Lm. Đan Vinh HHTM.. 30
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA.. 42
LỄ ĐẶT TÊN- Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái 42
CƯU MANG VÀ SINH HẠ MỘT THẾ GIỚI MỚI- ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 50
MẸ ƠI!- Lm. Micae Võ Thành Nhân. 54
TÌNH YÊU ĐẮM CHÌM TRONG SUY NIỆM– Peter Feldmeier. 59
TẠI SAO LẠI MẸ THIÊN CHÚA?- Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. 64
MẸ THIÊN CHÚA- Lm. GB Phạm Hồng Thái 68
XIN CHÚA CHÚC LÀNH- ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên. 72
CON DÂNG MẸ LÒNG MẾN CHÂN THÀNH- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 78
ĐỨC MARIA, ĐẤNG TRÀN ĐẦY ÂN SỦNG- Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương 85
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.
Trích sách Dân Số.
Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con”. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con
Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.
Xướng: Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.
Xướng: Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.
Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Dt 1, 1-2
Alleluia, alleluia! – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 16-21
“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Ðó là lời Chúa.
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI (*)– Chú giải của Noel Quession
Ngày 1 tháng 1, trong khi chúng ta chúc nhau “năm tốt lành”, Giáo Hội mừng lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Và chúng ta ước nguyện đi xa hơn vào huyền nhiệm Đức Kitô. Bởi vì mỗi lần Giáo Hội nói với chúng ta về Đức Maria, chính là để nói về Đức Giêsu. Chúng ta có khẳng định quá đán, khi chúng ta nói, trong kinh Kính Mừng Maria: Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa? phải chăng một tạo vật có thể là mẹ Thiên Chúa? Phải Chăng Thiên Chúa lại sinh ra từ một người đàn bà, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai hôm nay (Gl 4,4).
Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.
Các mục đồng hết sức đơn thành, ở những vùng sườn đồi Bêlem, chạy vội đến để xác minh sứ điệp mà thiên thần truyền cho họ: “một Đấng Cứu độ được sinh ra cho các ngươi; Người là Đức Kitô và là Chúa”. Chính là Hài Nhi mang ba danh hiệu ấy mà họ tìm đến. Ba danh hiệu trang trọng, thuộc về Thiên Chúa: Đấng Cứu Độ, Đấng chịu Xức Dầu, Đức Chúa.
Như vậy, điều đáng chú ý nhiều hớn nữa là Luca dường như xem thường Hài nhi, khi trưng dẫn Người cuối cùng; và cũng đặt người đàn ông, ông Giuse, xuống thứ hai vào thời mà người đàn bà không có giá trị ngang bằng. “Họ khám phá ra Maria”. Trong cái viễn tượng đảo lộn này, có một cuộc cách mạng thần học và nhân bản nho nhỏ.
Maria! Danh hiệu của bà là Mẹ Thiên Chúa đã chỉ được xác định ở Công đồng Êphêsô năm 430. Nhưng từ rất lâu, lòng sùng kính bình dân đã dám gọi Đức Maria là “theotokos” “Mẹ Thiên Chúa”. Và vào thời đó khi các giám mục chính thức công nhận danh hiệu này, thì cả thành phố Êphêsô hoan hỉ và xuống phố lúc nữa đêm để rước đuốc mừng lễ. Cái mà các nhà thần học tìm kiếm, về mặt trí thức, từ bốn thế kỷ qua, thì về bản chất nó đã được sống nơi tất cả những người chỉ biết đơn sơ lắng nghe Tin Mừng. Các Công đồng chỉ có vai trò xác định bằng ngôn ngữ khoa học những điều đã gợi ra từ trong Tân ước. Ngoài ra còn phải đợi đến hai mươi năm nữa, thì Công đồng Can-xê-đoan sau cùng năm 451 mới xác định huyền nhiệm của Đức Giêsu và Đức Maria. Đây là văn bản tín điều, văn bản nổi tiếng nhất của lịch sử các Cồng đồng: “Tất cả, chúng tôi đồng lòng tuyên xưng, một Chúa Con độc nhất và luôn luôn là một. Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn toàn về thiên tính, hoàn toàn về nhân tính, Thiên Chúa thật và người thật, được cấu thành bới một linh hồn có lý trí và một thân xác, đồng bản tính với Chúa Cha do thiên tính, đồng bản tính với chúng ta bởi nhân tính, tất cả đều giống như chúng ta trừ tội lỗi (Dt 4,15), được sinh ra bởi Chúa Cha, trước các thế kỷ theo thiên tính, được sinh ra trong những ngày cuối cùng này vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, bởi Đức Maria, Mẹ trinh nguyên của Thiên Chúa theo nhân tính: một và cùng một Chúa Ki tô duy nhất. Con độc nhất, mà chúng ta phải nhận biết trong hai bản tính không lẫn lộn, không thay đổi, không phân ly, không tách biệt”. Đấy là tấm giấy chứng minh kỳ diệu và rõ rệt về Đức Giêsu Nagiarét, và Mẹ Người Đức Maria.
Họ tìm ra Bà Maria và ông Giuse cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ.
Cần phải lặp lại những từ này sau khi đã nghe xác định trang trọng về Đức tin. Như thế chúng ta hiện đứng trước một trong hai phương diện của Đức Giêsu, nhân tính thực của Người. Các mục đồng trông chờ tìm thấy một Đấng Cứu độ Kitô Chúa (Lc 2.11), và chỉ tìm thấy có thế: một Hài nhi trong chuồng bò lừa, đặt trong máng cỏ dành cho súc vật, một Hài Nhi trên nệm rơm! Thiên Chúa lập tức tự mạc khải như một vị hoàn toàn khác: thoạt đầu, Người khác với cái mà ta tưởng tượng về Người. Người đã hiện ra như quá gần gũi, ngay từ đầu. Người mang tính người đến nỗi nhiều người không nhận ra Người, chính vì Người bị che khuất đối với người thân tín nhất của nhân loại chúng ta.
Vâng, Giao ước giữa Thiên Chúa và con người mà Cựu ước, Tân ước nói tới, ngay từ đầu, không huyênh hoang, đã nói với chúng ta là nó đi đến đâu: hợp nhất không thể xé bỏ được, không lẫn lộn, không phân ly, không tách biệt.
Tất cả thái độ tôn giáo được hâm chứa như mầm mống trong điều mạc khải này: người ta không thể miệt thị vật chất, thân xác, từ khi Thiên Chúa “nhập thể” trong cung lòng trinh nữ Maria. Không có cái gì là phàm tục. Tất cả đều trở nên linh thánh, nghĩa là đôi khi hoàn toàn “nhân bản” và hoàn toàn “thiên bản”: lớn lên chín tháng trong bụng mẹ, sinh ra, ngủ nghỉ, ăn uống, học đi và tập nói, chữa lành bệnh nhân, lên tiếng công khai, yêu mến bạn bè, thức dậy sớm ban sáng để cầu nguyện, chịu đau đớn, chết,… những thực tại nhân thiên bản những thực tại linh thánh. Và Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, thì giống như một bảo đảm cho sự kết hợp không thể phân ly của Thiên Chúa và con người trong bản vị độc nhất của Đức Giêsu.
Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.
Điều họ đã được loan báo, chính là “một Đấng Cứu Độ, được sinh ra cho các anh, người là Chúa Kitô. Họ đơn sơ đến nói sứ điệp của họ, tức là những lời nói mà họ nghe thấy. Các họa sĩ thuộc mọi thời đại đã diễn dịch câu nói Tin Mừng này khi trưng bày một bức tranh “Sự thờ kính của các mục đồng”. Thực sự, đúng hơn các mục đồng đã giảng một bài cho Đức Maria, bằng cách nói Tin Mừng cho bà, tin lành mà họ nhận được. Bây giờ, trong câu này chúng ta thấy có phương diện thứ hai của Đức Giêsu, thiên tính đích thực của người: về Hài nhi này, các thiên thần đã nói với chúng ta rằng:
Người là Đức Kitô và là Chúa!”. Đó là một tuyên xưng đức tin và từ đó đến thờ kính thì không xa: các bức tranh của các họa sĩ không lầm lần.
Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Ngôn từ Hy Lạp của Luca còn mạnh mẽ hơn nhiều mọi người ai cũng lấy làm lạ lùng. Thế nhưng, có cần phải thấy một đối lập mà Luca muốn trình bày giữa thái độ tổng quát và thái độ của Maria chăng? Quả thực đúng là ông chỉ nhấn mạnh đến cách hành sử của bà thôi: Bà không chỉ lạ lùng, mà suy niệm.. Dù không hiểu nhiều hơn các mục đồng về huyền nhiệm xảy đến cho mình, phải chàng người ta không thể nghĩ rằng từ đáy lòng mình Đức Maria nói lại tiếng xin vâng của đức tin trước sự mới lạ bất ngờ của Hài nhi này sao? Luca không ngừng tôn vinh giá trị của Maria.
Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
Chúng ta luôn luôn cố giản lược huyền nhiệm về Đức Giêsu, bằng các đến giản hóa đi, Hoặc là người ta nhân bản hóa Đức Giêsu khi chỉ nhìn thấy người là một người có thiên tài, hoặc người ta linh thiêng hóa người bằng cách chối từ những khuyết điểm trong nhân tính của Người. Chính các mục đồng, những con người đơn sơ, đã trông thấy và đã nghe thấy. Họ đã xem thấy một nhân tính hoàn toàn bình thường, và nghe thấy một sứ điệp rất phi thường. Và họ không chỉ muốn dừng lại ở những dáng vẻ bên ngoài: họ tôn vinh và ca tụng Thiên Chúa.
Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu
Hài nhi Bêlem là một người thực bé mọn, gắn liền với một truyền thống, một văn hóa và hệ thống tập tục. Đó là một bé trai, nhời được ghi dấu vào xác thịt dành cho tất cả những người nam của dân tộc này. Vâng, một nhân tính thực sự mà trước nó người ta không thể không thấy được. Nhưng tên của trẻ thơ này mang những vấn đề mới về căn tính của cậu: tại sao di cư phải đặt cái tên Thiên Chúa Cứu Độ, Yeshoua, Giêsu? Tại sao?
Đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Theo Luca, việc đặt tên này chỉ là nhột cơ hội bổ sung để làm nổi bật Maria: tác giả nhấn mạnh rằng Maria, Mẹ Người, đã nhận tên con mình “trước khi Người được thụ thai trong lòng”.
Công đồng Vatican II, tiếp theo một truyền thống lâu dài của Giáo Hội, đã trình bày Đức Maria như một gương mẫu của Giáo Hội, người đầu tiên trong các tín hữu. Và trong trang Tin Mừng này, chúng ta thực sự vừa mới nhận ra rằng bà là người đầu tiên đón nhận Lời Chúa và suy niệm trong lòng mình… và bà là người đầu tiên có lời tuyên xưng cơ bản về lòng tin của chúng ta: Thiên Chúa Cứu Độ!
Trong ngày đầu tiên của năm mới, tất cả sự mới mẻ của niềm tin Kitô giáo được Đức Maria nhắc lại cho chúng ta. Sự tân kỳ của Đức tin của các Kitô hữu, chính là không phải chỉ tin vào Thiên Chúa. Điều đó, phần đông mọi người vẫn thế, nhất là những người theo một trong những tôn giáo lớn trên thế giới: và chúng ta nghĩ đến Do Thái giáo, Hồi Giáo, và biết bao Tôn Giáo hữu linh. Đặc tính riêng biệt của người Kitô hữu, chính là tin vào sự nhập thể của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Sự tôn sùng Đức Maria chỉ làm cho chúng ta nhớ lại điều đó.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA- Chú giải Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Khi tuyên xưng Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta khẳng định niềm tin của chúng ta vào Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, Ngài thật sự là Con Thiên Chúa nhưng cũng thật sự là Con của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a trong biến cố Nhập Thể. Lễ kính trọng thể “Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa” có gốc tích rất lâu đời và được phổ biến trên khắp thế giới. Trong lịch canh tân Phụng Vụ, lễ kính trọng thể Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa này được cử hành vào ngày mồng 1 tháng giêng, trùng với ngày bát nhật Giáng Sinh, ngày kính nhớ việc cắt bì và đặt tên cho Chúa Giê-su, nhưng cũng trùng với ngày Tân Niên, ngày đầu năm mới cầu cho hòa bình thế giới. Đức Phao-lô VI viết: “Ngày lễ trọng ấy này được đặt vào mồng một tháng giêng theo như tập tục xa xưa của Phụng Vụ Rô-ma. Lễ này được dành riêng ca tụng việc Đức Ma-ri-a góp phần vào mầu nhiệm cứu độ và tán dương tước vị cao quý đặc biệt do phần đóng góp ấy đem lại cho Người Mẹ rất thánh, Đấng có công giúp chúng ta đón tiếp Tác Giả của sự sống” (“Marialis Cultus” 5).
-Ds 6: 22-27
Đây là một trong những bản văn đẹp nhất của bộ Ngũ Thư, về phương diện văn chương và thần học. “Lời chúc lành của tư tế” nêu bật sự hiện diện thi ân giáng phúc của Thiên Chúa, nguồn mạch của sự sống và phúc lành. Lời chúc lành này gồm ba lời nguyện xin, mỗi lời bắt đầu với danh xưng Đức Chúa. Vài tác giả xưa nhìn thấy nơi việc kêu cầu ba lần Danh Thánh này báo trước Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời chúc lành cầu xin được che chở, ân sủng và bình an: ba hồng ân tóm tắt mọi ước vọng của con người, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đáp ứng cách sung mãn.
-Gl 4: 4-7
Trong đoạn trích thư gởi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô khẳng định với chúng ta rằng chúng ta thực sự là con cái của Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su, Ngài là Con Thiên Chúa được sinh ra làm con của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.
-Lc 2: 16-21
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca tường thuật cho chúng ta hai biến cố: “Các mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su” và “Hài Nhi Giê-su chịu cắt bì và đặt tên”.
BÀI ĐỌC I (Ds 6: 22-27)
Đây là đoạn văn thuộc truyền thống tư tế. Trong phần nhập đề, Đức Chúa căn dặn ông Mô-sê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này” (6: 22-23). Như vậy, các tư tế có nhiệm vụ chúc lành cho dân Ngài. Tuy nhiên, trong phần chúc lành, ba lời chúc lành đều bắt đầu với danh Thiên Chúa: “Nguyện Đức Chúa”. Điều này cho thấy vị tư tế chỉ là người trung gian, chính Đức Chúa mới thật sự là Đấng hiện diện và chúc lành.
1.Lời chúc lành thứ nhất (6: 24)
Trong lời chúc lành thứ nhất, “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em” . Từ “gìn giữ” ở đây nói đến ơn phù trợ của Thiên Chúa khỏi mọi hiểm nguy trong cuộc sống, như: “Xin gìn giữ con như con ngươi mắt Ngài, xin dấu con dưới bóng của cánh tay Ngài” (Tv 17: 8) hay “Xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu chữa” (Tv 31: 17; 80: 4, 8, 20). Lời chúc lành thứ nhất này muốn nói rằng “Xin Thiên Chúa đổ tràn ơn lành trên dân và che chở cho dân tránh mọi tai họa có thể đổ xuống trên dân”. Lời chúc phúc thứ nhất này nhấn mạnh Ơn Quan Phòng của Chúa.
2.Lời chúc lành thứ hai (6: 25)
Trong lời chúc phúc thứ hai, “Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em”, nghĩa là xin Thiên Chúa nhìn đến dân Ngài bằng ánh mắt chan chứa niềm vui của Ngài. Lời cầu này muốn nói rằng nếu có điều gì không vừa lòng đẹp ý Ngài, thì xin Ngài “rủ lòng thương” mà khoan hồng độ lượng rộng tình tha thứ những lỗi phạm của dân Ngài. Lời chúc lành này nhấn mạnh tấm lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, như sấm ngôn của Giê-rê-mi-a: “Trở về đi, hỡi Ít-ra-en phản bội. Ta sẽ không nghiêm nét mặt với các ngươi nữa, vì Ta giàu lòng thương xót” (Gr 3: 11).
3.Lời chúc lành thứ ba (6: 26)
Trong lời chúc lành thứ ba, “Nguyện Đức Chúa ghé mặt nhìn”, nghĩa là xin Thiên Chúa đừng ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng nhìn đến dân Ngài như “Thiên Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, nhưng Ca-in và lễ vật của ông, thì Người không đoái nhìn” (St 4: 5-6). Chính cái nhìn của Thiên Chúa đem lại “bình an” cho dân Ngài. Với tính thực tiển của Cựu Ước, chúng ta không được quan niệm “bình an” trong nội tâm. Thế giới của Cựu Ước chưa biết trừu tượng hóa hay nội tâm hóa. Cái bình an mà Cựu Ước muốn nói đến là tình trạng hòa hợp giữa con người với trời và đất. Chỉ có bình an thực sự giữa con người với nhau trong một mối giao hòa với trời và đất, bây giờ mới có bình an trong tâm hồn, như lời ca ngợi của đoàn sứ thần trên bầu trời Bê-lem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2: 14).
-Kết luận (6: 27)
Chúc lành như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của “Danh Thiên Chúa”, danh Thiên Chúa đồng nhất với chính sự hiện diện thi ân giáng phúc của Ngài. Vào thời Cựu Ước, chính Đức Chúa, qua trung gian của các tư tế, chúc phúc cho dân Ngài. Vào thời Tân Ước, Con Một Thiên Chúa làm người, là Đức Giê-su, nghĩa là “Đức Chúa cứu độ”, chính Ngài chúc phúc cho nhân loại. Từ nay mọi ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại đều qua Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất giữa nhân loại và Thiên Chúa.
BÀI ĐỌC II (Gl 4: 4-7)
Bài Đọc II được trích từ Thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Ga-lát. Thánh Phao-lô viết Thư này vào năm 54-57 cốt để biện minh cho mình vì có nhiều người đặt nghi vấn về sứ vụ Tông Đồ của thánh nhân và Tin Mừng mà thánh nhân loan báo.
Vì thế, ngay từ đầu Thư, thánh nhân xác quyết sứ vụ Tông Đồ của thánh nhân bắt nguồn từ Đấng Phục Sinh: “Tôi là Phao-lô, Tông Đồ không phải do loài người, cũng phải nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại” (1: 1). Từ đó, thánh Phao-lô khẳng định tính chính thống của Tin Mừng mà thánh nhân loan báo: “Thực vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải do loài người. Vì không ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô mặc khải” (1: 11-12). Thánh Phao-lô cũng viện dẫn các Tông Đồ trực tiếp của Đức Giê-su, các ngài cũng chứng nhận tính chính thống của Tin Mừng mà thánh nhân loan báo: “Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì” (2: 9).
Trong đoạn Thư được Phụng Vụ trích dẫn hôm nay, thánh nhân đề cập đến mầu nhiệm Nhập Thể và hiệu quả mà mầu nhiệm này mang lại cho nhân loại.
1.Mầu nhiệm Nhập Thể nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa:
Diễn ngữ: “Khi thời gian tới hầu viên mãn”, muốn nói rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị dài lâu trong lịch sử dân Ngài cho biến cố Nhập Thể của Con Ngài để con người đủ khả năng đón nhận Tin Mừng Đức Giê-su loan báo và đón nhận dung mạo Thiên Chúa mà Đức Giê-su mặc khải.
2.Con Thiên Chúa làm người để con người trở nên con cái của Thiên Chúa:
Để cứu độ con người, Con Thiên Chúa đã thật sự chấp nhận kiếp sống phàm nhân, được sinh ra do một người phụ nữ, sống dưới Lề Luật và thật sự trở nên anh em của nhân loại, nhờ đó chúng ta trở thành đàn em của Ngài và là con cái Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”.
3.Ân ban được làm con cái của Thiên Chúa:
Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta đã đón nhận Thần Khí của Chúa Ki-tô, nhờ đó chúng ta có thể trìu mến thân thưa với Thiên Chúa là Cha. Vì thế, đã là con cái Thiên Chúa, chúng ta không còn là những kẻ nô lệ, nhưng là những con người tự do và có quyền thừa kế.
TIN MỪNG (Lc 2: 16-21)
Đoạn Tin Mừng hôm nay, được trích từ “Tin Mừng về Thời Thơ Ấu của Chúa Giê-su” theo thánh Lu-ca, gồm có hai hoạt cảnh: “Các mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi” (2: 16-20) và “Hài Nhi Giê-su chịu cắt bì và đặt tên” (2: 21)
1.Các mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi (2: 16-20)
Ngay khi được thiên sứ báo tin vui: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Ngài là Đấng Ki-tô Đức Chúa” và ban cho họ một dấu chỉ để nhận ra Ngài: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2: 10-12), các mục đồng cùng nhau lên đường ngay tức khắc. Thánh Lu-ca nêu bật thái độ tích cực của các mục đồng: Thiên Chúa đã cho một dấu chỉ, phải đi kiểm chứng tức khắc và cố tìm hiểu ý nghĩa dấu chỉ của Người. Thái độ của các mục đồng nói lên biết bao bài học. Vì thế, thánh ký đã tô điểm câu chuyện này với nhiều chi tiết long trọng: phản ứng của các mục đồng (2: 16-17, 20), phản ứng của những người nghe họ kể lại (2: 18) và cuối cùng là phản ứng của Đức Ma-ri-a (2: 19).
A-Phản ứng của các mục đồng (2: 16-17, 20)
Ngay khi được sứ thần báo tin, các mục đồng hối hả ra đi vì họ quá đổi vui mừng và nôn nóng mong gặp được Đấng Cứu Độ. Trước đây, thánh Lu-ca đã nhận xét rằng ngay sau biến cố Truyền Tin, Đức Mẹ cũng đã “vội vả ra đi” viếng thăm bà Ê-li-sa-bét (Lc 1: 39). Một tâm hồn đã cho Thiên Chúa bước vào cuộc đời mình thì hân hoan vui mừng vì Thiên Chúa đã viếng thăm mình và cuộc sống của mình đã được dung nạp một nguồn năng lực mới, như lời giải thích của thánh Giáo Phụ Am-rô-si-ô: “Không ai tìm kiếm Đức Ki-tô chỉ một nữa tấm lòng” (Expositio Evangelii sec. Lucam., in loc.).
Trong “Tin Mừng về Thơ Ấu của Chúa Giê-su”, thánh Lu-ca mô tả khung cảnh máng cỏ đến ba lần: lần thứ nhất, Đức Ma-ri-a “sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (2: 7), lần thứ hai qua dấu chỉ mà sứ thần ban cho các mục đồng để nhận ra Ngài: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ”, (1: 10-12) và lần thứ ba, khi đến nơi, các mục đồng “gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Những gì các mục đồng chứng kiến trong máng cỏ tương phản với phản ứng của họ vào lúc kết thúc hoạt cảnh này: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa” (1: 20).
Tương phản nầy tiên báo một tương phản khác: bên máng cỏ nầy được bao quanh bởi ánh sáng và lời hoan ca, ẩn hiện một bóng tối, bóng tối của núi Sọ; vì Ngôi Lời hóa thân làm người không phải là để một ngày kia bị tra tấn, bị nhục mạ, bị đóng đinh vào thập giá đó sao? Tuy nhiên, trong mạch văn, Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ, tự đặt mình vào số những người nghèo, khiêm hạ và bé nhỏ này: dấu chỉ để nhận ra Ngài đó là “một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ”. Chiếc tã đầu đời để ủ ấm Ngài là chiếc khăn trùm đầu một nắng hai sương của Mẹ Ngài và chiếc nôi đầu đời để vỗ về giấc ngủ của Ngài là máng cỏ của bò lừa ăn, đó là dấu chỉ giúp cho những mục đồng nghèo khổ và bị khinh miệt này nhận ra được Đấng Cứu Thế đã đến: con trẻ sơ sinh này sẽ là Đấng sau này đón tiếp những kẻ tội lỗi và đồng bàn với họ (15: 2). Thiên Chúa đã ưu ái những người phận hèn bé mọn (x. Cn 3: 32).
Và sau khi đã kiểm chứng, các mục đồng “liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này” (2: 17). Họ là những chứng nhân đầu tiên về cuộc Giáng Sinh của Đấng Cứu Độ. “Các mục đồng không hài lòng tin vào biến cố hạnh phúc mà thiên sứ công bố cho họ và đầy kinh ngạc, họ đã chứng kiến tận mắt; họ đã bày tỏ niềm vui của mình không chỉ với Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se nhưng cho mọi người và, còn hơn nữa, họ cố gắng ghi khắc biến cố này trong tâm khảm của họ” (Photius, Ad Amphilochium, 155).
Ở nơi dáng dấp của các mục đồng, thành Lu-ca phác họa chân dung của những người Ki-tô hữu: “Họ liền hối hả ra đi” và “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (1: 20).
B-Phản ứng của những người nghe các mục động kể lại (2: 18)
Đấng Mê-si-a, được các ngôn sứ loan báo biết bao lần, được dân Ít-ra-en chờ đợi từ lâu lắm rồi, đã đi vào trong lịch sử con người một cách bất ngờ nhất và kín đáo nhất, vì thế, “nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên”. “Tại sao không kinh ngạc cho được, khi thấy trên cõi thế Đấng ở trên cõi trời, và đất và trời được hòa giải; khi thấy Hài Nhi khôn tả liên kết điều gì là trời – thần tính – và điều gì là đất – nhân tính – sáng tạo một giao ước kỳ diệu qua sự hiệp nhất này. Không chỉ họ kinh khiếp trước mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng cũng trước lời chứng vĩ đại mà các mục đồng làm chứng, những người đã không thể bịa ra điều gì họ đã không nghe và công bố một cách hùng hồn sự thật” (Photius, Ad Amphilochium, 155).
Để nhận ra Ngài trong mầu nhiệm tự hạ này, phải có một tâm hồn nghèo khó, lột bỏ hết mọi thiên kiến. Thánh Lu-ca là thánh ký về đức nghèo khó. Những mục đồng là những kẻ bị khinh bỉ và liệt ra ngoài lề xã hội, những kẻ mà các tiến sĩ Luật nghi ngờ về đời sống đạo hạnh của họ, vì nghề nghiệp của họ không cho phép họ tuân giữ ngày sa-bát và tham dự thường xuyên kinh nguyện trong các hội đường. Chính ở nơi những tín đồ không ngoan đạo này mà lời loan báo đầu tiên về Triều Đại Mê-si-a được gởi đến. Chúng ta nhận ra cách thức của Thiên Chúa. Đức Giê-su sẽ hớn hở vui mừng và ngợi khen Cha Ngài “vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10: 21).
C-Phản ứng của Đức Ma-ri-a (2: 19)
Đây là một trong những ghi nhận quý giá về nhân cách của Đức Ma-ri-a: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2: 19). Qua lời ghi nhận này, thánh Lu-ca vén mở cho chúng ta một trong những nguồn của sách Tin Mừng mang tên thánh ký. Thánh Lu-ca đã tô điểm chuyện tích Giáng Sinh với nhiều chi tiết thần linh, nhưng khởi đi từ những sự kiện mà thánh sử đã gìn giữ từ chính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng, để cố hiểu hơn nữa mầu nhiệm của Con Mẹ.
Lời ghi nhận này, được lập lại đến hai lần: ở đây và ở 2: 51, nói với chúng ta nhiều điều về Đức Mẹ. Với thái độ cung kính, Mẹ chiếm ngắm những điều kỳ diệu được hiện thực ở nơi cuộc Giáng Trần của Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Mẹ đã gẫm suy chúng, chiêm ngắm chúng và cất giữ chúng vào trong cõi thinh lặng của tấm lòng Mẹ. Mẹ là Bậc Thầy đích thật của cầu nguyện: “Đức Ma-ri-a sử dụng cả ba năng lực quan trọng của con người. Đức Ma-ri-a ghi nhớ tất cả những gì đã nghe, đó là ký ức. Đức Ma-ri-a suy nghĩ về các điều đó, tức là dùng lý trí. Đức Ma-ri-a suy nghĩ trong lòng, tức là dùng tình cảm, vì xúc động. Ký ức, lý trí, tình cảm đều được dùng để ứng xử với những gì đã nghe” (“Nước Suối Giữa Sa Mạc”, 84).
Nếu chúng ta noi gương Mẹ, nếu chúng ta gìn giữ và suy đi nghĩ lại trong lòng mình điều gì mà Đức Giê-su nói với chúng ta và điều gì Ngài làm trong chúng ta, chúng ta thật sự bước trên đường thánh thiện Ki-tô giáo và chúng ta sẽ không bao giờ thiếu đạo lý của Ngài và ân sủng của Ngài. Cũng vậy, bằng việc chiêm niệm theo cách thức này về giáo huấn Đức Giê-su đã cho chúng ta, chúng ta sẽ đạt được một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Đức Ki-tô như Giáo Huấn của Công Đồng Va-ti-can II: “Thánh Truyền do các Tông Đồ truyền lại được tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, các sự việc và lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn, nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu, những người đã ghi nhận các điều đó trong lòng (x. Lc 2: 19 và 51); nhờ sự thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được, hoặc nhờ những việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý, do việc kế vị trong chức Giám Mục. Nói cách khác, qua bao thế kỷ Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội” (Vatican II, Dei Verbum, 8).
Vì thế, Công Đồng Va-ti-can II đã ca ngợi Đức Ma-ri-a vừa là Mẹ Thiên Chúa vì Chúa Giê-su là Con của Mẹ, vừa là Mẹ của Nhiệm Thể của Ngài, tức là Giáo Hội: “Thật vậy, khi sứ thần truyền tin, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và trong thân xác, và đã trao ban Đấng là sự sống ấy cho thế gian, nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế… Nhưng vì thuộc dòng dõi A-đam, nên Mẹ cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu độ, hơn nữa, Mẹ ‘là Mẹ các chi thể (của Đức Ki-tô) vì đã cộng tác vào trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Đầu. Vì thế, Mẹ cũng được chào kính như chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Giáo Hội, như mẫu gương và gương sáng nổi bật cho Giáo Hội về đức tin và đức ái, và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, tôn kính Mẹ với tình con thảo như người Mẹ rất dấu yêu” (LG 53).
2.Chúa Giê-su chịu cắt bì và đặt tên (2: 21)
Phép cắt bì là một nghi thức được Thiên Chúa thiết lập để xác định những ai thuộc về dân Chúa chọn. Người đã truyền lệnh cho ông Áp-ra-ham thiết định phép cắt bì như một dấu chỉ Giao Ước mà Người đã ký kết với ông và tất cả dòng dõi của ông (x. St 17: 10-14), khi quy định rằng con trẻ sẽ chịu phép cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh. Nghi thức được thực hiện ở tại tư gia hay ở hội đường, kèm theo những kinh nguyện và việc đặt tên cho con trẻ. Vì đã chấp nhận kiếp sống của con người, Chúa Giê-su cũng sống dưới Lề Luật: “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì” (2: 21). Với định chế Phép Rửa Ki-tô giáo, lệnh truyền cắt bì không còn được áp dụng nữa. Ở Công Đồng Giê-ru-sa-lem (x. Cv 15: 1tt.), các Tông Đồ dứt khoát công bố rằng những ai gia nhập Giáo Hội không cần phải chịu phép cắt bì. Thánh Phao-lô dạy cách minh nhiên rằng phép cắt bì không còn thích đáng trong bối cảnh của Giao Ước Mới được Đức Ki-tô thiết lập (Gl 5: 2tt.; 6: 12tt.; Cl 2: 11tt.).
Tên của Hài Nhi Giê-su có nghĩa “Đức Chúa cứu độ” hay “Đức Chúa là ơn cứu độ”, tức là, “Đấng Cứu Độ”. Tên này được ban cho Hài Nhi không như thành quả của bất cứ quyết định phàm nhân nào nhưng tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa mà sứ thần đã truyền đạt cho Đức Trinh Nữ và thánh Giu-se (x. Lc 1: 31; Mt 1: 21).
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
ĐỂ NÊN CON THẢO CỦA MẸ MARIA…- Lm. Đan Vinh HHTM
(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. (21) Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ Cắt Bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su. Đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng Mẹ.
- Ý CHÍNH: Các mục đồng liền vội vã lên đường đi tìm Đấng Cứu Thế theo dấu chỉ thiên sứ cho biết (x Lc 2,12), và họ đã gặp được Hài Nhi mới sinh, cùng với cha mẹ Người là hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a (c 16). Sau đó tới ngày thứ tám, là lễ Cắt Bì và Hài Nhi được đặt tên là Giê-su, đúng như lời thiên thần truyền tin cho trinh nữ Ma-ri-a (x Lc 1,31).
- CHÚ THÍCH:
– C 8-9: +Trong vùng ấy có những người chăn chiên…: Sau khi bà Ma-ri-a sinh con trong cảnh khó nghèo tại Bê-lem, các mục đồng vốn là những kẻ nghèo hèn sống bên lề xã hội Do thái và luôn bị khinh dể vì không giữ Luật Mô-sê, nhưng đã được ưu tiên đón nhận Tin Mừng.
– C 10-14: +“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại…”…: Những người nghèo khó, đau khổ và bị bỏ rơi vốn bị thua thiệt thì giờ đây lại được Chúa chúc phúc (x Mt 5,3.5.7).
– C 16: +“Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”: Ở đây, Lu-ca kể theo thứ tự tư nhiên: Ma-ri-a, Giu-se và Hài Nhi. Nhưng đúng ra phải được kể theo thứ tự siêu nhiên như sau: Hài Nhi Giê-su, Ma-ri-a và Giu-se. Vì Hài Nhi là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a là Đấng thánh được nhiều đặc ân làm Mẹ Đấng Thiên Sai.
– C 19: +Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”: Ma-ri-a để tâm suy gẫm để tìm ra ý nghĩa của những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời Chúa Giê-sù, qua đó khám phá ra thánh ý Thiên Chúa muốn mình phải làm gì để đáp lại tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
– C 21: +Phép Cắt Bì: Cắt bì là cắt một ít da thừa nơi bộ phận sinh dục của bé trai. Luật Mô-sê quy định phép cắt bì phải được thực hiện vào ngày thứ tám sau khi đứa trẻ chào đời (x Lv 12,3). Đây là một lễ nghi tôn giáo được thực hiện với con dao bằng đá (x Gs 5,2). Việc chảy máu như một dấu chỉ tượng trưng cho “máu giao ước giữa Đức Chúa với dân Ít-ra-en (x Xh 4,26). Qua nghi lễ này đứa trẻ được chính thức gia nhập vào dân riêng của Đức Chúa và được cha mẹ đặt tên, giống như trẻ Gio-an đã được chịu phép cắt bì và đặt tên (x Lc 1,59-63).
– C 21: +Tên gọi Giê-su: Trong Tin Mừng Mát-thêu, khi hiện ra với ông Giu-se trong giấc mộng, Thiên thần đã lệnh cho ông hãy làm cha của con trẻ khi truyền cho ông đặt tên Giê-su cho đứa trẻ do Ma-ri-a sắp sinh, “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội của họ” (Mt 1,21.25).
- CÂU HỎI: 1) Những người chăn chiên là hạng người nào? 2) qua sự kiện các mục đồng nghèo khó được loan báo Tin Mừng trườc tiên, chúng ta có thể rút ra bài học gì về tình thương cứu độ của Thiên Chúa? 3) Lu-ca kể ra ba nhân vật trong thánh gia theo thứ tự tự nhiên, đang khi nếu xét về đức tin thì phải theo thứ tự nào? 4) Cắt Bì là gì? Ai được chịu phép Cắt Bì? Nghi lễ này được củ hành khi nào và nhằm mục đích gì? 5) Tên Giê-su do ai đã đặt cho hài nhi khi truyền tin? Tên ấy nghĩa là gì? Còn trong Tin Mừng Mat-thêu thì thiên thần đã lệnh cho ai đặt tên cho con trẻ là Giê-su (x Mt 1,21.25) ?
- SỐNG LỜI CHÚA:
- LỜI CHÚA: Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,27)
- CÂU CHUYỆN:
1) ROSE KENEDY LÀ MẸ CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG HOA KỲ:
Ngày 20 tháng giêng 1961 John Kennedy làm Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Một người Công Giáo đầu tiên giữ chức vụ chóp bu. Trong ngày nhậm chức, có mặt tất cả dòng họ Kennedy, cùng bà mẹ đứng một chỗ danh dự. Vào lúc John Kennedy thề nhậm chức và trở thành Tổng Thống thì Rose Kennedy cũng trở thành Mẹ của một Tổng Thống Hoa Kỳ.
Khi bà sinh John vào năm 1917, Bà đã cho đất nước Hoa kỳ một con người mà sau này sẽ làm Tổng Thống. Bà không sinh ra một con người Tổng Thống, nhưng bà thật sự là mẹ của một vị Tổng Thống.
2) MẸ MA-RI-A LUÔN CỨU GIÚP NHỮNG KẺ CẬY TRÔNG VÀO MẸ:
Trưa ngày 12 tháng 10 năm 1972, một chiếc phi cơ chở 45 giáo viên và học sinh đi từ Mông-tê-viu đến Săng-chi-a-gô nước Chi-Lê thi đấu thể thao đã bị rớt khi bay qua dãy núi Ăng-đét và vỡ ra nhiều mảnh. Có 28 học sinh còn sống sót. Khi màn đêm buông xuống, 28 học sinh này đã ngồi tụm lại bên nhau trong một khoang máy bay. Cũng may, trên phi cơ vẫn còn một số đồ ăn như thịt nguội, bánh mì và rượu vang… kèm theo một chiếc ra-đi-ô cát-xét. Nhờ chiếc ra-đi-ô này mà họ có thể theo dõi cuộc cứu hộ đang triển khai tại các quốc gia trong vùng này. Sau tám ngày, họ nghe được các đoàn cứu hộ báo cáo không thể tìm ra chiếc máy bay gặp nạn và không hy vọng còn hành khách nào sống sót. Thế là các nạn nhân hiểu rằng: họ có sống được hay không là do quyết tâm của chính họ.
Ít ngày sau, thêm 12 người nữa theo nhau qua đời do bệnh viêm màng phổi vì không chịu được giá rét khủng khiếp. Đoàn người còn lại 16 người. Bây giờ họ chỉ còn biết trông chờ phép lạ. Thế là cả 16 học sinh này quyết định họp nhau cầu nguyện vào mỗi tối. Vào khoảng 9 giờ tối, khi trăng bắt đầu mọc trên triền núi, thì mọi người ngồi quây quần đọc chung kinh Mân Côi. Giờ kinh được tiếp tục bằng lời cầu tự phát và hát các bài thánh ca. Cuối cùng kết thúc bằng kinh Hãy Nhớ để nài xin Mẹ Chúa Trời thương cứu giúp. Những buổi cầu nguyện như thế trở thành nguồn động lực lớn lao giúp các học sinh hy vọng sẽ được cứu thoát. Thấm thoát đã sang tuần lễ thứ tám. Thời tiết bắt đầu bớt băng giá. Hai cậu khỏe nhất trong bọn và có kinh nghiệm leo núi quyết định sẽ leo xuống núi cầu cứu. Cuộc hành trình của họ vô cùng khó khăn nguy hiểm. Cũng may họ tìm được một cuộn dây thừng bằng ny-lông và dùng làm dây an toàn để leo xuống vách núi đá trơn trượt. Chỉ cần bất cẩn một chút là cả hai sẽ lao xuống vực thẳm. Mọi người còn lại đều hợp ý cầu xin Mẹ Ma-ri-a nâng đỡ cho hai bạn được an toàn. Chín ngày sau, hai cậu đã xuống được đến một trạm kiểm soát ở dưới chân núi, và ít giờ sau, đã có hai chiếc trực thăng cứu hộ xuất hiện trên đỉnh núi cao để cứu mười bốn học sinh còn lại. Nhờ sự thành tín kêu cầu Đức Ma-ri-a, mà các học sinh này đã sống được tới 70 ngày trên đỉnh núi cao giá lạnh, đang khi không ai trong các thân nhân của họ hy vọng họ còn sống và có ngày sẽ trở về. Suốt 70 ngày gian khổ trên núi, 16 cậu học sinh này đã cảm nghiệm được rằng: Đức Ma-ri-a không những là Mẹ Thiên Chúa, mà Người còn là Mẹ của tất cả những ai thành tâm tin cậy cầu xin với Ngài.
- THẢO LUẬN: 1) Môn đệ Gio-an đã rước Đức Ma-ri-a về nhà mình mà phụng dưỡng. Còn chúng ta hôm nay phải làm gì để tỏ lòng hiếu kính đối với Mẹ Ma-ri-a và trở nên con ngoan hiếu thảo của Mẹ? 2) Ngày nay khi gặp gian nan thử thách, các đôi vợ chồng cần làm gì để được Mẹ Thiên Chúa trợ giúp?
- SUY NIỆM:
1) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ THIÊN CHÚA VÀ MẸ HỘI THÁNH:
– Đức Ma-ri-a đã được bà Ê-li-sa-bét khi được đầy ơn Thánh Thần đã ca tụng như sau: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Thân Mẫu Chúa tôi hay là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm, là Emma-nu-en “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Đức Maria không sinh ra Thiên tính của Chúa Giê-su. Mẹ chỉ là một nữ tỳ của Thiên Chúa, nhưng đã được Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Đấng Cứu Thế Giê-su vừa là người phàm, vừa là Con Thiên Chúa. Đó là chân lý chúng ta mừng lễ hôm nay.
– Thánh Phao-lô đã viết trong thư Ga-la-ta như sau: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Như vậy, khi sinh hạ Chúa Giê-su Con Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a cũng hạ sinh một nhân loại mới được ơn cứu độ là Hội Thánh, trong đó gồm mọi tín hữu chúng ta. Vì Chúa Giê-su là đầu của nhiệm thể của Người là Hội Thánh, nên nếu Đức Ma-ri-a đã sinh ra Đầu thì Mẹ cũng sinh ra thân mình là các tín hữu chúng ta.
– Rồi khi đứng dưới chân thập giá, Đức Ma-ri-a được Chúa Giê-su trăn trối làm mẹ của môn đệ Gio-an đại diện cho Hội Thánh. Tin Mừng thuật lại như sau: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nới với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,26-27). Câu này cho thấy Gio-an là đại diện Hội Thánh đã tiếp nhận Đức Ma-ri-a làm mẹ và rước Mẹ về nhà mình mà phụng dưỡng thay cho Thầy Giê-su.
2) PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN CON THẢO CỦA MẸ MA-RI-A ? :
– Yêu mến Mẹ Ma-ri-a: Chúng ta có bổn phận yêu mến biết ơn Mẹ Ma-ri-a vì Mẹ đã đón nhận ơn cứu độ khi Mẹ thưa “Xin Vâng” với sứ thần. Sau khi có Chúa, Mẹ đã đem Thai Nhi Giê-su đến chia sẻ cho gia đình Gia-ca-ri-a, làm cho thai nhi Gio-an nhẩy mừng trong dạ mẹ vì đã nhận được ơn cứu độ. Sau khi sinh con tại Be-lem, Đức Ma-ri-a luôn gắn bó mật thiết với Hài Nhi Giê-su khi tiếp đón các mục đồng đến viếng thăm. Mẹ cũng thay cho Hài Nhi tiếp nhận ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược do các đạo sĩ từ Đông phương đến kính viếng.
– Tin cậy Mẹ hằng cứu giúp: Mẹ Ma-ri-a luôn yêu thương chăm sóc giúp đỡ những ai có lòng cậy trông yêu mến Mẹ và vâng lời Mẹ làm theo lời Chúa Giê-su truyền, noi gương các người giúp việc tại tiệc cưới Ca-na xưa (x. Ga 2,1-11). Trước tòa Chúa phán xét sau này, Mẹ sẽ làm trạng sư bầu chữa đắc lực để Chúa tha tội cho chúng ta và ban hạnh phúc Nước Trời đời đời cho chúng ta.
– Hãy chạy đến với Đức Maria: Với vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ có đủ khả năng để bầu cử và giúp đỡ chúng ta. Với địa vị làm mẹ chúng ta, Mẹ có dư tình thương, để sẵn sàng thực hiện những điều chúng ta van xin, như kinh Hãy Nhớ: “Lạy Thánh nữ đồng trinh Ma-ri-a là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời…”
Thánh Bê-na-đô cũng đã nói: “Kêu cầu Mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ bị nhầm đường lạc lối”.
– Học tập các nhân đức của Mẹ: Hãy luôn sống kết hiệp với Chúa Cha bằng sự cầu nguyện, chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa muốn bằng việc “suy đi nghĩ lại trong lòng” và cúi đầu “Xin Vâng”. Sau khi được thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã cùng Thai Nhi Cứu Thế đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét, và ban ơn cứu độ cho thai nhi Gio-an. Đức Ma-ri-a luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, Mẹ cũng luôn dâng lời ngợi khen chúc tụng thánh danh Đức Chúa; Mẹ còn trung thành bước theo chân Chúa Giê-su trên đường thánh giá và đứng bên thánh giá Chúa để hiệp công đền tội loài người, và đã đón nhận những lời trăn trối cuối cùng của Chúa.
– Hiệp cùng Mẹ làm giờ kinh tối chung gia đình hằng ngày: Ngày nay Mẹ Ma-ri-a vẫn luôn hiện diện để cầu bầu cho các gia đình biết tin cậy phó thác vào Chúa. Mẹ cũng sẽ giúp họ vượt qua các thử thách trong cuộc sống. Nếu có lúc nào đó tình yêu bị nhạt phai như nước lã, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa Giê-su biến nên rượu nồng. Điều quan trọng là các gia đình cần lập bàn thờ Chúa nơi phòng khách để đọc kinh tối chung, cùng lắng nghe Lời Chúa và cầu xin thực thi ý Chúa.
3) KẾT HIỆP VỚI MẸ THIÊN CHÚA XÂY DỰNG TRỜI MỚI ĐẤT MỚI:
– Trong ngày đầu năm mới hôm nay, Hội Thánh kêu gọi mọi người chúng ta hãy cầu nguyện cho hoà bình thế giới, cầu cho mọi người biết sống chan hòa yêu thương nhau trong sự vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, mỗi người biết quên mình phục vụ lẫn nhau để kiến tạo một nền hòa bình viên mãn. Hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh mà còn là hoà hợp yêu thương nhau.
– Hôm nay Hội Thánh cũng mời gọi mọi tín hữu chúng ta cùng hợp tác với Mẹ Ma-ri-a cưu mang và sinh hạ một thế giới mới. Cưu mang chắc chắn đòi sự nhẫn nại hy sinh. Sinh hạ cũng đòi chúng ta phải biết chấp nhận gian khổ. Nhưng nếu mỗi người đều vâng phục thánh ý Thiên Chúa, biết sống hòa hợp và sẵn sàng hy sinh quên mình phục vụ… thì chúng ta sẽ có thể góp phần kiến tạo một Trời Mới Đất Mới, một thế giới mới công bình nhân ái và chan hòa hạnh phúc.
- NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết luôn tìm Chúa, lắng nghe Lời Chúa để biết phải sống thế nào. Xin cho chúng con mỗi ngày biết năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở nên môn đệ trung tín của Chúa, luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt người đời, để họ thấy các việc lành chúng con làm mà ngợi khen Cha trên trời. Xin cho chúng con luôn kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a “làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn”.
- X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LỄ ĐẶT TÊN- Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
Đây là một thánh lễ có từ lâu đời, nên mang nhiều ý nghĩa:
- Thánh lễ đầu năm dương lịch
- Kính thánh Danh Chúa Giêsu
- Cầu cho hòa bình thế giới
- Kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
- Thánh lễ đầu năm dương lịch
Hội Thánh mượn lời sách Dân số 6, 22-27 để xin Thiên Chúa chúc lành cho cả nhân loại trong năm mới: “Chúa phán cùng Môsê rằng: Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: các ngươi hãy chúc lành cho con cái Ít-ra-en; hãy nói với chúng thế này: Xin Chúa chúc lành cho con và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ Nhan Thánh Chúa cho con và thương xót con. Họ sẽ kêu cầu Danh Ta trên con cái Ít-ra-en, và ta sẽ chúc lành cho chúng. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con và ban bằng yên cho con.”
“Xin Chúa tỏ Thánh Nhan”, có nghĩa là:
– Xin Người tha thứ, đừng giận, đừng che mặt trước loài người, đừng để con người phải lẻ loi đương đầu với tất cả sự ác trên thế giới.
– Xin người ban sự hiện diện của Người cho nhân loại, có nghĩa là con người xin được giao hoà, được sống dưới sự che chở, dưới lòng nhân từ của Thiên Chúa.
– Xin Người ban cho nhân loại sự hiệp thông với Người trong cả cuộc sống.
Đó là sự chúc lành cao cả nhất của Thiên Chúa ban cho nhân loại.
- Lễ đặt tên
Hôm nay cũng là bát nhật lễ Giáng sinh. Hội Thánh nhớ đến phong tục do thái: tám ngày sau khi được sinh ra, các bé trai do thái sẽ được cắt bì và đặt tên: “Khi Hài nhi được đủ 8 ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21)
Danh Thánh Giêsu, theo nghĩa do thái là “Yavê là sự cứu độ”. Hài nhi được đặt tên Giêsu. Còn chúng ta, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, cũng được đóng ấn trong danh Đức Giêsu.
Ngày đầu năm, Hội Thánh nói lên khát vọng của mình: không phải chỉ những tín hữu mới mang danh thánh Giêsu; nhưng ước gì mọi người, cũng như muôn loài muôn vật cũng đều được đóng ấn trong Danh Thánh này. Lúc ấy ơn cứu độ mới được hoàn tất: “Người cho ta biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10)
- Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giời
“Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau rằng: “Nào chúng ta sang Bêlem để xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ cho ta biết”. Họ liền hói hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài nhi này” (Lc 2,15-17)
Hài nhi này là ai? Là Cứu Chúa, là Vua Hòa bình. Chính vì Người sinh ra mà “có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14)
Vị Vua Hòa bình đã xuất hiện. Xin bình an của Người đổ tràn trên thế giới còn đầy dẫy chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, thất học, đầy bạo lực và bất công; một thế giới đang nằm trên những kho vũ khí hạt nhân, bất cứ lúc nào cũng có thể huỷ diệt toàn thể nhân loại và trái đất này.
- Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa
Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người và trở thành anh em của loài người. Trong Người, chúng ta được trở thành con của Thiên Chúa và là anh em của nhau. Trong bí tích Rửa tội, chúng ta nhận Thần Khí của Người Con chí ái và với niềm tin tưởng, chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Đó là mầu nhiệm giáng sinh cho nhân loại.
Ngày hôm nay, với sự trìu mến, Hội Thánh ngắm nhìn Người Phụ Nữ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Nếu không có tiếng “Xin vâng” của người Trinh nữ này, sẽ không có mầu nhiệm Thập giá (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
- Hạt giống…
Bài Tin Mừng này trình bày 2 thái độ khác hẳn nhau: a/ Thái độ của những người chăn chiên là tíu tít kể chuyện; b/ Thái độ của Đức Maria là ghi nhớ mọi sự và suy niệm trong lòng.
B…. nẩy mầm.
- “Đức Maria đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng trong suốt cuộc đời Người. Được làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng chung quanh Người chẳng có mấy ai biết đến tước hiệu này… Tại Cana, Người đã nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc không còn rượu nữa. Trong cuộc đời công khai của Chúa, Người đã âm thầm theo bước chân Con. Và bên Thánh giá, trong nỗi đau đớn tột cùng, Người đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Con. Có thể nói Người đã sống tâm tình của một nữ tì khiêm tốn. Người chỉ muốn phục vụ trong âm thầm, còn vinh quang danh dự thì Người xin dành cho người khác. Trong một thế giới có quá nhiều tiếng động: tiếng động của bom đạn, của tranh chấp, của bạo lực, chúng ta hãy bắt chước thái độ thinh lặng và lắng nghe của Đức Maria, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và tạo được hòa khí trong tương quan với tha nhân” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
- Thánh Luca khám phá đặc điểm của Mẹ Thiên Chúa là “ghi nhớ những kỷ niệm đó và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Tuy là mẹ của Chúa Giêsu nhưng ban đầu Đức Mẹ không hiểu hết về con mình. Tuy không hiểu nhưng nhờ “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại” nên sau cùng Mẹ đã rất hiểu Ngài. Huống chi chúng ta: chúng ta là môn đệ Chúa, là con Chúa, chúng ta càng cần phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại những kỷ niệm về Chúa thì mới hiểu được Ngài.
- Một bài hát kia có một tựa đề rất gợi ý, là “The sound of silent”, tiếng của thinh lặng. Phải, thinh lặng nói với ta rất nhiều điều. Ta thử thinh lặng để “suy đi nghĩ lại” về những sự việc chung quanh việc Chúa Giáng sinh, để coi xem ta nghe được gì.
- Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ vai người da trắng, hỏi
– Anh có nghe gì không?
Người da trắng hết sức lóng tai nghe, rồi đáp
– Tôi chẳng nghe gì cả.
– Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.
– Làm gì mà có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp như thế này? Mà cho dù có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và người qua kẻ lại?
Người da đỏ không thèm trả lời. Anh đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã cũ. Nhiều dây leo chằng chịt trên đó. Anh vạch đám dây leo sang một bên. Một lỗ trống hiện ra, trong đó rõ ràng có một con dế đang gáy.
Người da trắng thán phục:
– Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn dân da trắng chúng tôi nhiều.
– Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.
Người da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền lăn leng keng khiến mọi người đi đường ngoái đầu nhìn lại. Liền đó người da đỏ giải thích:
– Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà mọi người da trắng đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. Không phải ai thính tai hơn ai cả. Sự thực chính là chúng ta chỉ nghe được tiếng của những thứ chúng ta thường quan tâm để ý (Willi Hoffsemmer).
- “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16)
Một buổi sáng Chúa nhật, ngày đẹp nhất trong tuần, tôi đến nhà thờ dự lễ và ngao ngán với một bài giảng quá dài lại chẳng có gì hấp dẫn… Chúa nhật sau, anh hẹn đưa tôi đi chơi. Tôi náo nức chờ đợi từng phút giây, mong tới giờ hẹn. Và chúng ta đã lên đường… bỏ lại đàng sau không buồn luyến tiếc: ngôi thánh đường và cả Chúa Giêsu nữa!
Tôi là thế đó, chỉ muốn làm những gì mình thích và thích làm những điều thật vĩ đại. Còn Mẹ Maria thì chọn những gì Chúa muốn và để cho Ngài làm nên những điều cao cả. Nếu như Thiên Chúa cần một người mẹ cho Ngôi Lời nhập thể thì Mẹ đã cất tiếng xin vâng để trần gian được cứu độ. Và trong nữ giới, Mẹ thành người diễm phúc nhất.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Xin cho con hằng noi gương Mẹ mà gắn bó cùng Chúa trọn đời. (Epphata)
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
CƯU MANG VÀ SINH HẠ MỘT THẾ GIỚI MỚI- ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Hôm nay các mục đồng vào hang đá và nhận thấy một Hài Nhi sơ sinh nằm trong máng cỏ. Hài Nhi Giêsu chào đời khai sinh một thế giới mới. Đức Mẹ đã sinh ra một con người mới.
Đức Mẹ sinh ra một thế giới mới để sửa chữa thế giới cũ do Evà sinh ra. Thế giới cũ của bà Evà là một thế giới đổ vỡ. Từ chỗ bất tuân lệnh Thiên Chúa, thế giới đã đi đến chỗ bất hoà với nhau: ông Adong đổ lỗi cho bà Evà, bà Evà đổ lỗi cho con rắn. Không những bất hoà với nhau mà còn bất hoà cả với súc vật, cỏ cây, ruộng đất. Và từ chỗ bất hoà đi đến bất hạnh: Anh em Cain và Aben giết lẫn nhau. Con người phân tán, chia rẽ. Thế giới đổ vỡ này phát sinh từ lòng kiêu ngạo và thói ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Thế giới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới vâng phục Thiên Chúa. Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha nên đã sinh xuống thế làm người và từ bỏ ý riêng, sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Đức Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa khi thưa “Xin vâng” với thiên thần. Thánh Giuse vâng phục Thiên Chúa nên trở về nhận Đức Mẹ làm bạn. Các mục đồng vâng theo lời thiên thần đến hang Bêlem tìm Chúa. Ba Vua vâng phục theo ánh sáng ngôi sao đến thờ lạy Chúa.
Thế giới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới hài hoà. Sự hài hoà không phải chỉ có giữa Chúa Giêsu với Đức Mẹ và Thánh Giuse. Cảnh Chúa Giêsu nằm giữa thiên nhiên, trong hơi ấm của bầy chiên bò, với đoàn mục đồng và Ba Vua quây quần chung quanh nói lên một thế giới chung sống hoà bình. Chúa sống hoà hợp với trời đất, với con người và với thiên nhiên. Con người sống hoà hợp với Chúa và với nhau.
Thế giới mới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới quên mình. Chúa Giêsu đã quên địa vị mình là Thiên Chúa để xuống ở với nhân loại. Chúa Giêsu đã quên mình là Đấng thánh thiện để đến với người tội lỗi. Chúa đã quên mình là Thầy, là Cha, nên quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, các con cái của mình. Và nhất là Chúa đã quên mình là vô tội đến nỗi sẵn lòng hiến thân chịu chết cho loài người tội lỗi. Thánh Giuse và Đức Mẹ quên mình để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Mục đồng quên mình, giữa đêm khuya lạnh lẽo, bỏ giấc ngủ đến tìm Chúa. Ba Vua quên mình bỏ nhà cửa tiện nghi, lên đường, chịu vất vả khó nhọc đến thờ lạy Chúa. Sự quên mình, quan tâm lo lắng chăm sóc cho người khác đã khai sinh một thế giới mới chan chứa tình yêu thương và ấm áp sự hoà thuận. Đó chính là cảnh thái bình đáng mong ước.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, với mong muốn thế giới luôn được sinh lại, được đổi mới. Chỉ khi sinh lại trong Chúa và trong Đức Mẹ, thế giới mới thực sự có hoà bình.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, với mong muốn đặt thế giới vào tay Đức Mẹ để thế giới luôn được sinh lại, được đổi mới. Chỉ khi sinh lại trong Chúa và trong Đức Mẹ, thế giới mới thực sự có hoà bình.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cầu nguyện cho hoà bình thế giới, mong ước con người hãy biết sống hài hoà với nhau trong vâng phục Thiên Chúa, trong quên mình vì người khác để có một nền hoà bình thực sự trường cửu. Vì hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh nhưng còn là con người sống hài hoà trong tình tương thân tương ái.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cũng mời gọi tất cả mọi người chúng ta hãy cùng với Đức Mẹ cưu mang và góp phần sinh hạ một thế giới mới. Cưu mang chắc chắn phải nặng nhọc. Sinh hạ chắc chắn phải đớn đau. Nhưng nếu mỗi người đều noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse, Ba Vua, các mục đồng và cả súc vật trong hang đá Bêlem biết vâng phục Thiên Chúa, biết sống hài hoà và quên mình thì mới mong kiến tạo được một nền hoà bình viên mãn.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con trở nên con người mới, góp phần cưu mang và sinh hạ một thế giới mới như lòng Chúa mong ước. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Bạn có mơ ước một thế giới mới không? Thế giới đó phải bắt đầu từ đâu trước? Từ chính bạn hay từ người khác?
- Thế giới của Đức Mẹ có gì khác thế giới của bà Evà?
- Đầu năm mới này, bạn dự tính làm gì để đổi mới thế giới chung quanh bạn?
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
MẸ ƠI!- Lm. Micae Võ Thành Nhân
Chúa Cha đã đặt tên cho Chúa là Giêsu ngay từ thuở đời đời, trước lúc Chúa nhập thể làm người. Khi Thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Đức Mẹ, Thiên thần đã cho Đức Mẹ biết điều này và thánh Cả Giuse cũng được Thiên thần báo trong giấc mộng là phải đặt tên cho Chúa là Giêsu.
Ngày Chúa sinh ra trong hang đá Bêlem, các Mục đồng sau khi nghe các Thiên thần báo tin đã đến hang đá Bêlem để thờ lạy Chúa. Các Mục đồng thấy Đức Mẹ, thấy thánh Cả Giuse và thấy Chúa đang nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về Chúa ( Hài Nhi này ). Sự việc ấy có nghĩa là các Mục đồng biết được cha mẹ ruột của Chúa chính là chính thánh Cả Giuse và Đức Mẹ Maria.
Tám ngày sau, Chúa được làm phép cắt bì, người ta gọi tên Chúa là Giêsu, tên mà Thiên thần đã gọi trước khi Chúa đầu thai trong lòng Mẹ. Điều ấy chứng tỏ rằng chính cha mẹ là người đã sinh con mình ra, nên mới có quyền đặt tên cho con theo nguyện vọng của mình. Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ đã sinh ra đặt tên cho Chúa đúng như ý của Thiên Chúa. Còn ý kiến của ông bà, của những người bà con thân thuộc, xóm giềng trong việc đặt tên cho con chỉ là những ý kiến có tính tham khảo cho cha mẹ mà thôi. Nếu mà đặt tên con theo ý người khác thì người khác đã chiếm quyền cùa cha mẹ mất rồi. Như thế, thánh Cả Giuse và Đức Mẹ chính là cha mẹ của Chúa, cho nên mới có thẩm quyền đặt tên cho Chúa là như vậy đó.
Đây là những điều mà mắt chúng ta thấy diễn ra hàng ngày trong biến cố sinh xuống làm người của Chúa theo Tin Mừng của thánh sử Luca. Nhưng bên cạnh những điều mắt thấy, thì còn điều tai chúng ta nghe và lòng trí chúng ta cảm nhận được nữa, đó là trong ngày Mẹ của Chúa đi thăm bà Isave, chị họ của Mẹ, bà Isave nói rằng: “ Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viềng thăm tôi “ ( Lc 1, 42 ). Điều này minh chứng cho chúng ta biết được Mẹ chính là Mẹ của Chúa, mà Chúa vừa có bản tính Thiên Chúa, vừa có bản tính loài người, cho nên Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa.
Trong cuộc đời dương thế, không biết bao nhiêu lần Chúa gọi Đức Mẹ, Mẹ của Chúa là “ Mẹ ơi “. Chúng ta được Chúa trối cho Đức Mẹ dưới chân thập giá khi Chúa chịu chết để làm con của Đức Mẹ. Chúng ta là em của Chúa. Chúng ta cũng gọi Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta trong gia đình thiêng liêng của Chúa ( Ga 19, 25 – 27 ).
Như vậy, Mẹ là Mẹ của Chúa và là Mẹ của chúng ta. Chúng ta rất hãnh diện, rất quý trọng Mẹ của chúng ta. Chúng ta phải sống theo ý Chúa và làm theo lời Mẹ dạy bảo để chúng ta làm vui lòng Chúa và Mẹ, bởi Mẹ nhận chúng ta làm con của Mẹ dưới chân thập giá. Vì Mẹ nghe Lời Chúa và vì Mẹ quá yêu thương chúng ta. Mẹ yêu thương chúng ta là do chúng ta được Chúa nhận làm con, nhưng mà chúng ta yếu đuối tội lỗi, bất toàn, dễ hư mất đời đời. Mẹ nhận chúng ta làm con, Mẹ phải chịu đau khổ vì sự tội lỗi của chúng ta. Mẹ phải thêm rắc rối, phiền toái, gánh nặng, bận tâm lo lắng cho tương lai, cho số phận của chúng ta sau này. Do đó, trước tòa Chúa, Mẹ luôn bầu cử, can thệp cùng Chúa để chúng ta khỏi hư mất trong tội lỗi của mình. Biết như vậy để chúng ta yêu mến Mẹ nhiều hơn và cố gắng từng ngày sống, sẽ sống tốt hơn, sẽ đi vào kỷ luật, khuôn khổ Chúa đã định mà nằm trong sự quan tâm, lo lắng của Chúa. Có lẽ khi chúng ta sống hiếu thảo với Chúa và Mẹ, Chúa và Mẹ sẽ thương yêu chúng ta nhiều hơn và rồi Chúa và Mẹ sẽ gìn giữ và bảo vệ chúng ta cho khỏi mọi sự dữ chốn trần gian.
Lạy Chúa, nhờ Chúa mà chúng con mới gọi được Thiên Chúa là Cha của chúng con: “ Abba, Cha ơi “ ( Rm 8, 15b ), và cũng nhờ Chúa mà chúng con mới gọi Đức Mẹ là Mẹ của chúng con ( Mẹ ơi ), chúng con tạ ơn Chúa, xin Chúa giúp chúng con lúc nào trên môi miệng của chúng con cũng kêu lên “ Cha ơi “ “ Mẹ ơi “ để rồi chúng con gắn bó cuộc đời chúng con với Chúa và Đức Mẹ mà chúng con sống đẹp lòng Chúa hơn.
Lạy Chúa, hôm nay chúng con cầu nguyện cho hòa bình thế giới, xin Chúa là vị vua bình an, Chúa đến đem bình an cho thế giới “ Bình an dưới thế cho người thiện tâm “. Có vinh danh Thiên Chúa trên trời rồi thì mới có bình an ở dưới thế cho con người. Xin Chúa giúp chúng con và mọi mọi người trên thế giới luôn làm theo thánh ý Chúa để danh Chúa được vinh quang và chúng con mới có sự bình an đích thực trong cuộc đời này.
Lạt Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, ngày Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế, Chúa đã ban tặng cho nhân loại kho tàng ơn cứu độ muôn đời. Xin cho chúng con được nhờ lời Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay, vì chính nhờ Đức Mẹ, chúng con mới đáng nhận lãnh sức sống vĩnh cửu là Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con.
RẤT THÁNH ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI, cầu cho chúng con.
ĐỨC MẸ CHÚA KITÔ, cầu cho chúng con.
ĐỨC MẸ LÀ MẸ HỘI THÁNH, cầu cho chúng con.
NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN, cầu cho chúng con. Amen.
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
TÌNH YÊU ĐẮM CHÌM TRONG SUY NIỆM– Peter Feldmeier
Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng mầu nhiệm nhập thể giống như việc Thiên Chúa cùng hợp tác với Đức Maria, khi đem một nhiễm sắc thể thần linh Y phối hợp với một nhiễm sắc thể nhân loại X, để tượng hình nên Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Quan niệm sai lầm này xem Đức Giêsu chỉ là một sản phẩm được giao phối cách nhiệm mầu, giống như chuyện thần thoại về Hercules, chứ không phải là Đấng Cứu Thế như Kinh Thánh mô tả. Trong một khảo luận, tôi đã chỉnh sửa quan niệm sai lầm này và trình bày như sau: “Lãnh vực vô hạn siêu nhiên và chân trời vô hạn vượt xa lý luận của đầu óc con người, đã hiển thị nơi Đức Giêsu Nazareth, từ lúc hoài thai trong cung lòng mẹ Maria.”
Lễ trọng mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đưa dẫn chúng ta đến những chân lý quan trọng về mầu nhiệm liên quan đến Đức tin, mà chúng ta chẳng cần nhọc công vắt óc để suy nghĩ. Chúng ta gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” và chúng ta xác tín như thế, không phải vì Thiên Chúa đã nắn hình tượng Đức Giêsu trong cung lòng Đức Maria, và phủ bao một thực thể thần linh vào trong thai nhi đó. Chúng ta xác quyết, người con của Đức Maria mang bản tính Thiên Chúa tròn đầy ngay từ ban đầu. Cho dầu có hai bản tính, Đức Giêsu Kitô vẫn là một hữu thể đơn biệt, và Đức Maria vẫn là Mẹ của Ngài cách thực sự.
Nếu điều này thách đố những suy tưởng của chúng ta, chúng ta hãy nhìn lên để cung chiêm ‘Người Mẹ được chúc phúc’ như Tin mừng Luca nói tới. Thánh ký dẫn mời chúng ta đến chuồng bò ở Belem. Các mục đồng chăn chiên ở gần đó đã đến ngắm nhìn đứa trẻ mới được sinh ra, là Đấng Messia và cũng là Đức Chúa mà Thiên Thần đã loan báo. Luca kể lại rằng, các mục đồng đã thuật lại những điều đã được khải thị về trẻ thơ này. Sau đó, các thiên sứ từ trời ca hát rộn ràng ngợi khen Thiên Chúa. Luca đã tóm tắt thái độ của ‘Người Mẹ Được Chúc Phúc’ bằng một câu rất giản đơn: Đức Maria ghi nhớ những điều đó, và suy ngắm trong lòng.
Kinh Thánh kể tiếp biến cố cắt bì cho trẻ Giêsu, tám ngày sau khi sinh. Điều này khá quan trọng. Việc cắt bì của Đức Giêsu dẫn chúng ta đến nội dung mà bài đọc thứ hai đề cập tới. Thánh Phaolô cho chúng ta biết, Đức Giêsu “được sinh ra dưới lề luật để chuộc những ai sống dưới lề luật”. Ngài huấn thị cho tín hữu Galát biết rằng, lề luật được trao ban đã được Thiên Chúa chúc lành, và đó là con đường giúp tôi luyện con người vươn tới sự thánh thiện. Nhưng lề luật cựu ước chỉ là cái khung bên ngoài để uốn đúc. Khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài mới hoàn thiện lề luật, mặc cho lề luật cũ một chiều kích mới, hầu đưa dẫn con người đến sự sống trong Thần Khí. Thánh Phaolô muốn nói cho chúng ta biết rằng chỉ trong Thần Khí, Thần khí lưu ngụ sâu tận trong tâm hồn mỗi người, chúng ta mới có thể đi vào mối tương giao mới, rất sâu xa và thân tình với Thiên Chúa. Ngụp lặn trong mối tương giao thân tình đó, chúng ta gọi Chúa là “Abba, Bố ơi,”.
Cuối cùng, Thánh Luca kể lại câu chuyện đặt tên cho trẻ Giêsu, tên mà thần sứ Gabriel đã nói cho Đức Maria trong ngày truyền tin. Tên gọi Giêsu (Yeshua) có nghĩa là ‘Thiên Chúa cứu’. Điều này hàm ngậm một ý nghĩa sâu xa. Trong Kinh Thánh, tên gọi biểu thị quyền bính của một con người hay một nhân vật. Tên gọi cũng diễn tỏ căn tính người đó như thế nào, và điều này rất rõ nét trong biến cố đặt tên con trẻ Giêsu. Thật là điên khùng và xuẩn ngốc, khi bạn đặt tên cho con của mình là “Chúa cứu” như Gabriel đã nói, khi con của bạn chỉ là một đứa bé bình thường giống như bao đứa trẻ khác.
Đức Maria lưu giữ những điều đó và gẫm suy trong lòng. Mầu nhiệm nhập thể cũng như vai trò làm Mẹ Đấng Cứu thế, không phải là những vấn đề mà Đức Maria phải nhọc công suy nghĩ hay cố phân tích hầu tìm ra những lý lẽ để giải trình. Thánh Luca kể lại, Đức Maria đã đi vào thế giới của mầu nhiệm, chỉ với một thái độ duy nhất: Suy niệm trong lòng. Chúng ta hãy nghĩ xem, thái độ đó gợi nhắc chúng ta điều gì.
Tôi xin được gợi lên hai suy tư. Điều thứ nhất, tôi nghĩ tưởng đến biến cố Giáng sinh với một cảnh tượng huy hoàng bao trùm cả vũ trụ. Các Thiên thần trên trời hát xướng, cùng hòa niềm vui với những khách hành hương nghèo xác nghèo xơ, là những đứa trẻ chăn trâu ngoài đồng, những con người thấp cổ bé họng đang bị xã hội bỏ rơi. Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng đến việc Thiên Chúa thường hay thực hiện những ơn sủng phi thường của Ngài xuyên qua những biến cố rất bình thường trong cuộc sống con người. Tôi cũng từng trải nghiệm niềm vui phục sinh mọi nơi mọi lúc. Ví dụ khi tôi nhìn vào cô Rose Marie, một phụ nữ đã thiết lập ngôi nhà mở để tiếp đón những người bất hạnh, và cô gọi đó là ‘Ngôi nhà Lắng nghe’. Cô thực sự yêu thương những người đang sống tại đó, trong đó có cả những người say sưa nghiện ngập, những người ngang ngược, có khi còn chửi bới, đay nghiến cả cô ta nữa. Làm thế nào cô ta lại có tấm lòng như thế. Cô gái muốn khơi dậy niềm hy vọng nơi những con người bất hạnh và tuyệt vọng, giúp họ suy nghĩ là họ vẫn có quyền được yêu thương giống như những con người khác. Đó thực sự là một quà tặng lớn lao, và đây cũng là một phép lạ của tình yêu đang xảy ra trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay.
Thứ đến, chúng ta cũng có thể suy niệm về vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với chính chúng ta. Qua người môn đệ được Chúa yêu, chúng ta đón nhận Đức Maria về nhà mình: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,27). Chúng ta sẽ tôn nhận Đức
Maria là Hiền Mẫu, bao lâu chúng ta còn đón nhận Đức Giêsu như là Chúa và là người anh cả của chúng ta. Chúng ta đón nhận Mẹ, khi chúng ta nhận ra rằng tình yêu hiền mẫu của Ngài đang lan tỏa trong cuộc đời chúng ta để Vương quốc Đức Giêsu, người con yêu dấu của Mẹ, được ngập tràn nơi cuộc sống mọi người.
Sẽ còn nhiều điều chúng ta cần phải lưu giữ và suy đi nghĩ lại trong lòng.
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
TẠI SAO LẠI MẸ THIÊN CHÚA?- Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
Đặt ra cho mình câu hỏi này, tôi không có ý đi vào cuộc tranh luận thần học hay tín lý đâu, đơn giản là vì tôi luôn bị ám ảnh bởi câu khảng định của Đức Giêsu khi có người lên tiếng ca ngợi địa vị dành cho con người nào được diễm phúc làm người mẹ sinh hạ và dưỡng nuôi Ngài: “Đúng ra phải nói rằng: phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:27-28). Và tôi vẫn thường tự hỏi: tại sao lắng nghe và tuân giữ Lời lại quan trọng hơn cả làm Mẹ Thiên Chúa? Hơn nữa có liên quan gì giữa hai điều này xem ra chẳng liên quan gì với nhau?
Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi tôi trở lại chiêm ngắm cảnh hang Bê-lem, một cảnh tượng quá đơn sơ nhưng có điều gì đó cần phải được khám phá. Trong suốt những ngày này, Maria đã chẳng chỉ suy đi nghĩ lại trong lòng các điều đó là gì? “Đến nơi, các mục đồng gặp bà Maria, ông Giu-se, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Tôi nhận ra cái diễm phúc lớn hơn hết của con người được cái đặc ân cưu mang trong lòng dạ chín tháng, sinh hạ, rồi ôm ẵm trên tay, cho bú mớm và nuôi dưỡng Hài Nhị nhỏ bé này chính là được trở thành nhân vật gần gũi, được chạm tới, được chiêm ngắm trực diện hơn ai hết một Thiên Chúa làm người để cứu độ, một Thiên Chúa đang tỏ hiện lòng từ bi thương xót của Ngài cách quá cụ thể và độc đáo. Không trách gì mà Maria đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Phải chăng khi nói ‘nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’, Đức Giêsu đã muốn ám chỉ điều này? Lời Thiên Chúa chắc hẳn không phải chỉ là một vài giáo điều luân lý hay một học thuyết cao siêu nào đó (như giới luật mến Chúa yêu người chẳng hạn), mà phải là điều mà, qua sự hiện diện trần thế trong hình hài một trẻ sơ sinh cũng như qua cái chết thập giá, Ngài đã và đang không ngừng nói lên: Thiên Chúa yêu thương con người! Rõ ràng là Maria đang ‘nghe’ điều này qua các diễn biến tuần tự xảy ra tại Bê-lem, và nghe cách chăm chú với tất cả cõi lòng của một phụ nữ làm mẹ, nghe với tất cả tâm trí của một nữ tì khiêm hạ, để khi có dịp sẽ cất lên thành bài ca: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa , Đấng cứu độ tôi… Người đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn…” (Lc 1:46-48)
Và Maria cũng đang ‘tuân giữ’, qua việc đón nhận cách trọn vẹn và tham gia cách tích cực, việc Thiên Chúa tỏ hiện lòng thương xót cứu độ của Ngài. Đón nhận nào sâu xa và trọn vẹn cho bằng với trọn cả tâm trì và cõi lòng: tâm trí Maria đã nhảy mừng và lòng dạ Maria đã cưu mang; và có tham gia nào thực tế cho bằng người mẹ đã cưu mang để đem tình thương cứu độ đó trao ban lại cho toàn thể nhân loại? Maria đã làm được điều đó và làm cách xuất sắc hơn hết thảy mọi người trong tư thế một người mẹ. Đức Giêsu có lẽ đã ám chỉ điều này khi Người lên tiếng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?… Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:31-35). Được làm Mẹ Thiên Chúa sướng và hạnh phúc thật, nhưng với Giêsu và Maria, đó không phải là một địa vị, một đặc ân, nhưng là một tư thế trước Tin Mừng cứu độ. Và hình như Đức Giêsu cũng muốn mỗi người chúng ta tham gia vào cái ‘vinh dự’ đó thì phải, đơn giản là vì mỗi Kitô hữu đều phải có một tư thế của riêng của mình trước Tin Mừng cứu độ: mỗi người đều phải biết ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ của lòng thương xót theo cách thức của mình.
Tôi biết dòng Salêdiêng Don Bosco có tham vọng muốn các hội viên của mình phải trở thành ‘dấu chỉ và người mang tình thương của Chúa đến cho các thanh thiếu niên’. Rõ ràng Tu Hội muốn họ trở thành ‘mẹ’ của các trẻ bị bỏ rơi, đồng thời cũng trở thành mẹ của Thiên Chúa nữa (theo định nghĩa ‘mẹ’ của Đức Giêsu). Có lẽ vì vậy mà nhà dòng muốn họ cùng Mẹ Phù Hộ đồng hành trên con đường ơn gọi chăng; không phải chỉ vì những trợ giúp đỡ nâng bên ngoài, nhưng nhất là trong nội dung của chính ơn gọi họ: cứu vớt các thanh thiếu niên. Và nếu tôi không lầm thì theo nội dung đó, Đức Giêsu còn muốn mọi Kitô hữu chúng ta, trong đó chắc chắn có cả tôi và bạn nữa, cùng trở thành ‘mẹ’ của Người. Phải chăng đó là ‘ý đồ’ của Người, khi trên thập giá Người đã trao phó nhân loại, qua đại diện là Gio-an, cho Maria và muốn chúng ta nhận người làm mẹ mình không? “Thưa bà, đây là con của bà… Đây là mẹ của anh!” (Ga 19:26-27)
Lạy Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa, xin hãy giúp con biết như Mẹ ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ đầy từ tâm. Xin cho con khi mừng kính Mẹ dưới danh hiệu cao đẹp này, cũng được tham gia vào nghĩa vụ trở thành ‘mẹ của Đức Kitô’ cho những ai chưa được biết tới tình yêu thương của Chúa. Và cũng xin cho con trung thành với ơn gọi Kitô hữu và Sa-lê-diêng của con trong tất cả chiều kích sâu sắc nhất của nó. Amen.
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
MẸ THIÊN CHÚA- Lm. GB Phạm Hồng Thái
Ngày lễ hôm nay có quá nhiều tên gọi nào là ngày cuối tuần bát nhật lễ Giáng sinh, nào là ngày đầu năm Dương lịch 2023, nào là ngày lễ trọng Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa và còn là ngày cầu cho Hòa bình thế giới nữa. Thiết tưởng chúng ta nên đi từ Hang đá Belem để nhận ra Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa như thế nào.
Trong Tin Mừng chúng ta thấy thánh Luca ba lần nhắc tới Máng cỏ: lần thứ nhất nói: “Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2, 7)”; lần thứ hai: Các thiên thần cho các mục đồng biết: “Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2, 12)” và lần thứ ba: “các mục đồng hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ (Lc 2,16)”. Như vậy Máng cỏ trở thành cái nôi cho Chúa Giêsu hài nhi nằm và tã quấn cho Hài nhi chắc chắn là cái khăn mà Đức Mẹ vẫn thường đội đầu. Đó chính là Dấu chỉ Thiên thần cho các mục đồng biết để giúp họ nhận ra Đấng Cứu thế mới Giáng sinh. Nhiều nhà thờ dọn Máng cỏ kề bên Bàn thờ dâng lễ để có ý nói lên Máng cỏ và Bí tích Thánh Thể liên can với nhau và là hai dấu chỉ của dân Kitô giáo.
Các mục đồng đã hiểu lời đã báo về Hài nhi thì họ đã thuật lại cho nhiều người tạo nên sự ngạc nhiên nơi những người được nghe. Còn bản thân họ thì khi trở về đã tung hô ca ngợi Thiên Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy hợp như lời các thiên thần đã báo cho họ. Họ chính là những nhân chứng của mầu nhiệm Chúa Giáng sinh cũng như sau này các tông đồ được Chúa chọn làm nhân chứng của mầu nhiệm Chúa Phục sinh.
Thánh sử Luca đã trân trọng ghi lại thái độ và tâm tình của Đức Mẹ như sau: “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng”. Một câu vắn gọn nhưng cũng hé mở cho chúng ta thấy bề sâu của tâm hồn Đức Mẹ: Mẹ đã ghi nhớ bằng kí ức, suy nghĩ bằng lí trí và giữ lại trong lòng bằng tình cảm. Như vậy Đức Mẹ đã dùng cả lí trí, tình cảm và kí ức để đón nhận những kỉ niệm, những sự kiện quí báu Chúa cho Đức Mẹ được trải nghiệm.
Tám ngày sau khi Chúa được sinh ra cũng chính là ngày Chúa Giêsu chịu cắt bì và được đặt tên. Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ Abraham lấy việc cắt bì làm dấu chỉ Giao ước Thiên Chúa kí kết với ông và dòng dõi của ông (St 17, 10-14). Nghi thức cắt bì được tiến hành ngày thứ tám sau khi sinh và có thể làm tại tư gia hay hội đường cùng với kinh nguyện trước và sau khi cắt bì thì tiến hành việc đặt tên cho con trẻ. Tên Hài Nhi đã được chính Thiên Chúa chọn sẵn cho rồi và được thông báo cho Đức Mẹ lúc Thiên Thần truyền tin theo Tin Mừng Luca (Lc 1, 31) và cả cho ông Giuse khi Thiên Thần hiện ra cùng ông trong giấc mộng như Tin Mừng Matthêô thuật lại (Mt 1,21). Tên Giêsu có nghĩa là “Đức Chúa là Đấng Cứu Độ”. Tên nói lên sứ mạng của Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ.
Đức Mẹ được Giáo hội tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa vì trước hết Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu như khi truyền tin, Thiên Thần đã nói với Đức Mẹ: “Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một Con Trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao (Lc 1, 31-32)”. Như vậy từ lúc đó Đức Maria đã được gọi là Mẹ của người con là Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong thư Galat thì viết: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm Con người đàn bà (Gl 4,4)”. Tin Mừng Gioan gọi Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu trong Tiệc cưới Cana (Ga 2,1) và khi Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh giá (Ga 19, 25). Đặc biệt lời bà Elisabeth nói lên khi Đức Mẹ đi thăm bà: “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy (Lc 1, 43)”.
Công dồng Ephêsô năm 431 đã xác định: “Chúa Giêsu có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ thật của Chúa Giêsu nên Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa” và từ đó Giáo hội thêm vào phần II của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Công đồng Vatican II đã chuyển lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa mừng ngày 11/10 sang ngày cuối tuần bát nhật lễ Giáng sinh hôm nay để nối kết chức vị làm Mẹ Thiên Chúa với mầu nhiệm Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu.
Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhưng Đức Mẹ vẫn gần gũi chúng ta vì Đức Mẹ còn là Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của mỗi người tín hữu. Hang đá Giáng sinh nào cũng phải có Chúa Giêsu Hài Nhi và Đức Mẹ, tất nhiên cũng có thánh Giuse nữa. Chúng ta kính viếng Hang Đá, ngắm nhìn Chúa Hài Nhi và chúng ta xin Đức Mẹ được hồng phúc là Người Mẹ sinh ra Chúa Giêsu và được tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa bầu cử cho chúng ta được nhiều hồng ân Chúa trong Mùa Giáng sinh và năm mới 2023 này. Chúng ta cũng không quên xin Đức Mẹ là Nữ vương Hòa Bình bầu cử cho thế giới được bình an trong ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa bình hôm nay. Amen
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
XIN CHÚA CHÚC LÀNH- ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Năm 2023 đã khởi đầu. Chúng ta đón năm mới với những vui mừng và âu lo. Vui mừng vì một năm cũ đã qua, với hy vọng năm mới sẽ tốt lành. Âu lo vì tình hình thế giới rất ảm đạm trong mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực kinh tế. Đâu đâu cũng nói tới lạm phát, thất nghiệp do hậu quả của dịch bệnh. Trong bối cảnh đầy lo âu này, chúng ta tin vào tình thương của Thiên Chúa, đồng thời chạy đến phó thác nơi Ngài, với xác tín Chúa sẽ chúc phúc cho chúng ta. Trong ngày đầu năm, chúng ta được nghe lời chỉ dẫn của Thiên Chúa, về công thức chúc lành cho dân. Đó là lời cầu nguyện xin Chúa dủ lòng thương, ghé mắt nhìn và ban bình an. Đây là lời cầu chúc đi đôi với lòng tín thác cậy trông Thiên Chúa sẽ ban muôn ơn phúc. Trong những giờ khắc đầu tiên của năm mới chúng ta cũng cầu xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến cuộc sống đầy lo âu và bất ổn của chúng ta. Xin Ngài ban cho chúng ta một năm mới mạnh khoẻ, bình an, hạnh phúc và thánh thiện.
Hôm nay là ngày thứ tám sau lễ Giáng sinh. Phụng vụ trước Công đồng Vatican II gọi ngày này là « lễ đặt tên », dựa vào trình thuật của thánh Luca, kể lại việc Thánh Giuse và Đức Maria đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu. Việc đặt tên cho con trẻ mới sinh là một nghi thức trong truyền thống Do Thái giáo, tên đi liền với nghi thức cắt bì, theo luật ông Môisen. Với nghi thức này, trẻ sơ sinh đã thuộc trọn về Chúa và được giới thiệu với họ hàng làng xóm.
Vào ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội công giáo tôn vinh Đức Mẹ, với tước hiệu là « Mẹ Thiên Chúa ». Tước hiệu này đã được Công đồng Ephêsô tuyên tín long trọng vào năm 431, khi kết thúc công đồng bàn về thiên tính (hay còn gọi là thần tính) của Đức Giêsu. Đức Giêsu có hai bản tính : bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Là Thiên Chúa, Người là Đấng tạo dựng vũ trụ và Cứu độ nhân loại. Là Con Người, Người sinh bởi Đức Trinh nữ Maria. Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu về thể xác, và như thế, Mẹ là Mẹ của Con Đức Chúa Trời. Chúa Giêsu đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nên Đức Maria xứng đáng được tôn vinh với tước hiệu « Mẹ Thiên Chúa ». Ngay từ thời Giáo Hội khai sinh, tước hiệu này đã được khẳng định. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Galát, được đọc trong Bài đọc II : « Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật ».
Trong mùa Giáng sinh, khi đến cầu nguyện bên Hang đá Máng cỏ, chúng ta được chiêm ngưỡng một khung cảnh rất an bình dung dị. Đó là khung cảnh gia đình. Trong Hang đá đơn sơ nghèo nàn, Đức Trinh nữ và Thánh Giuse trầm lắng suy tư tôn thờ Con Chúa làm người. Cầu nguyện bên Hang đá, trước hết chúng ta cảm nhận sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Thiên Chúa cao cả đã hoá thân làm người. Trẻ sơ sinh nằm trong Máng cỏ là Thiên Chúa, Đấng đã có từ trước muôn đời. Đây chính là sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Nếu ở khởi đầu lịch sử, ông Ađam và bà Evà đã muốn phủ nhận thân phận tạo vật của mình để lên ngang hàng với Thiên Chúa, thì nay Thiên Chúa lại tự nguyện từ bỏ ngai trời để mặc lấy thân nhận phàm nhân. Nếu xưa kia nguyên tổ kiêu căng muốn lên bằng Thiên Chúa, thì nay Thiên Chúa lại khiêm hạ muốn trở nên con người. Mầu nhiệm Nhập thể là sự trao đổi kỳ diệu : Thiên Chúa làm người để con người được trở nên con Thiên Chúa. Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta. Thánh Giuse và Trinh nữ Maria thờ lạy Chúa Hài đồng trong sự thinh lặng cung kính.
Khung cảnh Hang đá cho chúng thấy bầu khí an bình. Nơi đây, trật tự giữa Thiên Chúa với tạo vật và với con người được tái thiết lập. Đó là trật tự ban đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo mọi vật mọi loài. Trật tự ấy đã bị mất do tội lỗi của con người. Ngày đầu năm cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho hoà bình. Hoà bình là niềm ước vọng của nhân loại ở mọi thời đại. Tuy vậy, con người lại thường xuyên mâu thuẫn với chính mình. Một đàng cầu nguyện cho hoà bình, đàng khác lại không ngừng gây hấn và xung đột. Từ 10 tháng nay, cuộc chiến bùng nổ tại Ucraina và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Biết bao người vô tội đã đổ máu, biết bao công trình văn hoá, tôn giáo đã bị phá huỷ. Thế giới hôm nay ngạc nhiên vì trong một xã hội hiện đại mà con người đối xử với nhau như thời hoang dã. Ngoài cuộc chiến tranh tại Ucraina, còn biết bao cuộc xung đột và bạo lực ở các cấp độ khác nhau: gia đình, cộng đoàn, xã hội. Điều đó cho thấy, chỉ cầu nguyện cho hoà bình thôi thì không đủ. Cần phải nỗ lực hành động trong sự tôn trọng người khác và lòng khiêm tốn chân thành. “Tâm bình thế giới bình”, chỉ khi nào con người cảm nhận được bình an nội tâm thì mới có khả năng cộng tác thiết lập hoà bình trong cuộc sống. Hãy đón nhận Đức Giêsu Kitô, Hoàng tử hoà bình, Đấng đến để thiết lập mối tương quan hài hoà giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Những ai chuyên tâm thực thi giáo huấn của Người sẽ tìm thấy bình an thanh thản trong tâm hồn và trong cuộc sống.
Các mục đồng tại Belem năm xưa, sau khi được chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu, trở về vui mừng kể lại những gì đã mắt thấy tai nghe. Những người chăn chiên đơn sơ nghèo nàn ấy đã là những nhà truyền giáo đầu tiên, kể lại câu chuyện Đức Giêsu cho mọi người đương thời. Chứng từ của họ đầy sức thuyết phục, vì họ kể lại trong tâm tình hân hoan và với lời ca tụng Thiên Chúa. “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” – đó là lời ca quen thuộc, phác hoạ lời cầu nguyện của thánh Phanxicô thành Asidi. Người Kitô hữu, khi mừng lễ Giáng sinh, cần phải gặp được Chúa, nhờ đó mới có thể kể cho người khác về những kinh nghiệm thiêng liêng và đem cho họ sự an bình.
“Nguyện xin Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!”. Đó là lời cầu nguyện của chúng ta và cũng là lời chúc phúc của Thiên Chúa. Giữa những trăn trở ưu tư của cuộc sống, hãy cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa. Đức Giêsu đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Liền sau lời khẳng định này, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: nếu những người cha trần thế còn tốt lành đối với con cái mình, thì huống chi là Cha trên trời. Ngài luôn lắng nghe, thấu hiểu và ban cho chúng ta những điều tốt nhất theo ý Ngài (x. Lc 11,9-13). Xin Chúa cho chúng ta một năm mới bình an, hạnh phúc, thành đạt và vững vàng trong Đức tin.
“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Lời kinh đơn sơ nhưng đượm tình yêu mến cậy trông. Xin cho lời kinh ấy vang lên hằng ngày nơi môi miệng tín hữu chúng ta. Xin Mẹ là Nữ Vương bình an chúc phúc cho toàn thể thế giới. Amen.
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
CON DÂNG MẸ LÒNG MẾN CHÂN THÀNH- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Ngày đầu năm mới và cũng là ngày Quốc Tế Hòa Bình, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Hoàng Tử Bình An, là hòa bình đích thực của nhân loại.
Bài đọc 2 cho biết: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con của Ngài sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người và trở thành anh em của loài người, để chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và là anh em với nhau. Đức Maria đã được nâng lên địa vị là Mẹ Thiên Chúa, đặc ân này không chỉ nhằm tôn vinh Đức Maria mà còn tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng đem lại ơn cứu độ và bình an cho thế giới. Vì thế, Giáo Hội muốn đặt thánh lễ hôm nay lên hàng đầu của năm tháng ngày giờ.
Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm Dương lịch,cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới như một nhắc nhớ việc chiêm ngưỡng Mẹ là một Tạo Vật mới tinh tuyền của Thiên Chúa, một Evà mới khởi đầu một thời đại mới, một tạo dựng mới. Kỷ nguyên cứu độ đã khởi sự qua việc Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ sau lời xin vâng. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để bắt đầu kỷ nguyên cứu độ. Nếu Evà cũ đã bất tuân để vùi lấp con người trong khổ đau và sự chết, thì Đức Mẹ với tâm tình xin vâng đã đưa Chúa Giêsu đến với nhân loại mang lại sự sống và tình yêu. Từ đây nhân loại sẽ bước đi trong ánh sáng cứu độ. Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An đã đi vào lòng thế giới, để thiết lập vương quốc Nước Trời qua Mẹ Maria.
Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người.” (Marialis Cultus, số 5).
Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, và được trở nên cao trọng, vì Mẹ khiêm nhường. Đức khiêm nhường dẫn Mẹ đến chỗ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa.Từ biến cố Truyền tin, qua lời đáp xin vâng của Mẹ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng dạ Mẹ. Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Giáo hội đã tuyên bố Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, Người có ngôi vị duy nhất trong hai bản tính. Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa làm người, nên là Mẹ của Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô 431 đã minh định điều ấy khi tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Mẹ Thiên Chúa trở thành một tín điều và là mầu nhiệm của đức tin Công Giáo. Tước hiệu này đã trở nên một phần vĩnh viễn trong những kinh tuyên xưng đức tin và trong phụng vụ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.
Chúng ta đặt năm mới này vào tay Đức Mẹ. Xưa Đức Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế mở đầu một nhân loại mới, nay xin Đức Mẹ cũng cho năm mới này được chúc phúc, được cứu độ và được hòa bình. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi người biết noi gương mục đồng, luôn lắng nghe sứ điệp hòa bình, luôn nỗ lực đi tìm đến nguồn mạch hòa bình và luôn phấn khởi loan tin mừng hòa bình.
Năm 2021 đã đi qua. Ngày 01.01.2022 là thời gian khởi đầu một năm mới. Năm cũ kết thúc để lại dấu ấn 12 tháng đã trôi qua. Thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó, 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần… cứ lặp đi lặp lại. Nhưng thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi.
Thời gian là chiều kích tự nhiên của đời người và người đời.Thời gian gắn liền với thân phận mỗi người. Sống trong thời gian là có một khởi đầu và sẽ có một kết thúc.
Thời gian quý giá vẫn liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng sông, một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó. Chỉ như thế chúng ta mới không bỏ phí đi giá trị của thời gian, và mới nhận ra được tình yêu đong đầy trong từng phút giây cuộc sống.
Giờ phút linh thiêng của thánh lễ khởi đầu năm mới hôm nay, chúng ta hãy đặt 365 ngày của năm 2022 này dưới sự che chở và nâng đỡ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta.
Trải dài hơn hai năm qua và hiện tại, nhân loại đang phải đối mặt với sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid. Hãy sốt sắng dâng lên Mẹ lời cầu xin: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.Amen”. Lời kinh quá đẹp. Mẹ Maria là Thánh, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, cầu cho chúng con từng giây từng phút suốt cuộc đời trần thế. Kỳ diệu của lời kinh cho chúng con niềm an ủi thiêng liêng, có Mẹ bảo vệ chở che ban ơn cho chúng con.
“Đã có rất nhiều bài Thánh ca tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, thế nhưng những ca khúc viết về Đức Mẹ và Mùa Xuân thì lại còn khá khiêm tốn – trong số đó, ca khúc Như Dạ Lý Mùa Xuân của nhạc sĩ Ngọc Kôn, được coi là đã chạm đến những cung bậc cảm xúc bày tỏ lòng mến yêu đối với Mẹ Thiên Chúa…
Nhạc sĩ cho biết “Như Dạ Lý Mùa Xuân” được viết vào năm 1976, bằng nguồn cảm xúc nóng sốt trong một đêm ngắm hoa Dạ Lý nở về khuya, bằng sự đau khổ trong cuộc sống và do lòng muốn tạ ơn Đức Mẹ đã gìn giữ trong những cơn hoạn nạn… Nhạc sĩ đã viết một mạch hết điệp khúc với cảm xúc đột ngột, tình cờ và cháy bỏng, qua hôm sau mới viết tiếp các phần phiên khúc. Trong trạng thái chất ngất, cảm xúc trào tràn, với Ngọc Kôn, điểm nhấn của ca từ là “Con say sưa tìm đến bên Mẹ, không xin gì cũng chẳng dâng gì, chỉ cần nhìn ngắm Mẹ”… Giai điệu như tiếng lòng thổn thức, tiết tấu tự nhiên như hơi thở, chỉ cốt dâng lên Đức Mẹ lời khen ngợi mọi nét đẹp đa dạng và tuyệt mỹ của Người”. (Hà Đình Nguyên; cgvdt.vn).
Ngày lễ mừng Mẹ Thiên Chúa, nghe lại ca khúc “Như Dạ Lý Mùa Xuân”, một bài hát ngợi ca vẻ đẹp của Đức Mẹ : “…Như Dạ Lý mùa Xuân. Mẹ đẹp tươi như Dạ lý ngát hương trinh (Dạ Lý thơm ngát hương trinh). Con say sưa lời hát ân tình. Con dâng Mẹ lòng mến chân thành, với trọn tâm tình (tâm tình)… Như Huệ thắm vườn thiêng. Mẹ kiều diễm như Huệ non núi Si-on (Huệ non trên núi Si-on). Con say sưa tìm đến bên Mẹ, không xin gì cũng chẳng dâng gì : Chỉ cần nhìn ngắm Mẹ…”, chúng ta sẽ thấy lòng dâng trào cảm xúc để cầu nguyện với Mẹ Maria – Nữ hoàng của các Mùa Xuân !
Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu rỗi nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Maria làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Ngày đầu Năm Mới, xin Mẹ ban bình an và cho chúng con thêm tuổi thêm khôn ngoan, thêm nhân đức, thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.Amen.
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
ĐỨC MARIA, ĐẤNG TRÀN ĐẦY ÂN SỦNG- Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
Geogre Washington, một trong những vị anh hùng của nền độc lập Hoa kỳ, thường được đề cao như người con chí hiếu đối với mẹ. Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông lại tìm cách về nhà để thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với bà mẹ già.
Một hôm, ngạc nhiên vì sự gắn bó của con trai đối với mình, bà mẹ đã hỏi: “Tại sao con lại chịu khó mất hàng giờ đồng hồ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?” Vị tổng thống đầu tiên của Nước Mỹ đã trả lời như sau: “Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói đâu phải là một việc mất thì giờ! Bởi vì, chính sự bình thản và lòng từ ái tốt lành của mẹ luôn dạy con còn muốn sống cho xứng đáng hơn!
Kính thưa,
Hôm nay cùng toàn thể Hội Thánh mừng trọng thể Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, quan thầy của Giáo họ chúng ta. Một tước hiệu vô cùng cao trọng và có giá trị đời đối với Đức Maria và đối với chúng ta. Tại sao vậy? Tước hiệu Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa xuất phát từ đâu? Tại sao Một Thiên Chúa lại để cho một người nữ trần gian sinh ra mình? Kinh Thánh đã nói gì? Hội Thánh đã nói gì về tước hiệu này? Và Đức Maria đã để lại mẫu gương gì cho chúng ta trong đời sống đức tin?
Kính thưa,
Chúng ta đang hoan hỉ và vui sướng trong những ngày này vì Con Chúa đã giáng trần. Nhìn vào hang đá, chúng ta thấy Một Hài Nhi Giê-su đang giang rộng cánh tay như đang chào đón cũng như muốn ôm trọn mọi người chúng ta trong bàn tay đầy nhân ái của Ngài. Bên cạnh Ngài, chúng ta quan sát thấy có Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.
Quả thật, kính thưa, Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan, khi muốn thực hiện công cuộc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, Ngài đã sai Con mình tới. Bằng cách nào? Người đã cho Đức Giê-su nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Ma-ri-a bởi phép Chúa Thánh Thần (Lc 1, 26-38). Ngay từ lời thưa Xin vâng của Đức Ma-ri-a trong ngày truyền tin, Đức Giê-su đã nhập thể trong lòng Mẹ Ma-ri-a. Vì thế, Mẹ Ma-ri-a chính là Mẹ Chúa Giê-su. Một tước hiệu vô cùng cao trọng cho Đức Mẹ và cho chúng ta, vì nhờ Mẹ mà từ nay chúng ta không còn sợ đau khổ, sợ cái chết nữa. Ngày xưa vì Adam – Eva không vâng lời Thiên Chúa mà chúng ta phải đau khổ, phải chết muôn đời, thì nay nhờ tiếng xin vâng Đức Maria, Con của Mẹ là Đức Giê-su, Adam mới đến cứu chúng ta và đem lại cho chúng ta được sống dồi dào.
Kính thưa, không những Kinh Thánh khẳng định Đức Maria là Mẹ của Đức Giê-su, Mẹ Thiên Chúa, mà chính giáo huấn của Giáo Hội muốn nhấn mạnh, thông qua Công đồng Ê-phê-xô năm 431, rằng Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu ấy trước hết nhằm khẳng định Thần tính của Chúa Giê-su, nhưng đồng thời cũng là một lời tôn vinh Đức Mẹ: một người phụ nữ giữa muôn người mà lại được phúc cưu mang và sinh hạ chính Con Thiên Chúa.
Để xứng đáng với ơn gọi cao quý ấy, Đức Ma-ri-a đã được Thiên Chúa đổ “tràn đầy ân sủng” : Mẹ được ơn Vô nhiễm nguyên tội; Trong suốt cuộc đời, Mẹ không hề mang vết nhơ tội nào: Mẹ là Đấng toàn thánh; Mẹ trọn đời đồng trinh; Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.
Quả thật, từ nay chúng ta hãy xác tín hơn về tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Và mừng lễ Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta cùng xem Đức Maria đã đem lại cho chúng ta những mẫu gương nào để chúng ta là con Mẹ noi gương bắt chước.
Kính thưa,
Trong hàng ngũ các vị thánh, thánh Gio-an Bốt-cô sáng chói về kinh nghiệm giáo dục giới trẻ, thánh I-Nhã nổi tiếng về kinh nghiệm nhận định ý Chúa. Nhắc đến thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng là nhắc đến con đường thơ ấu thiêng liêng, thánh Phan-xi-cô là con đường của hoà bình, con đường của nghèo khó,… Vâng, mỗi vị thánh nổi bật về một vài khía cạnh, chỉ riêng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a được coi là tấm gương toàn diện cho Hội Thánh và cho từng người chúng ta, vì Mẹ là hình ảnh tuyệt hảo về đức tin và đức ái mà Hội Thánh phải thể hiện.
Cụ thể, thứ nhất, Mẹ là mẫu gương về đời sống đức tin: trong ngày lễ Truyền tin, Mẹ đã khiêm tốn thưa vâng với Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa làm chủ và hướng dẫn đời mình với trọn niềm phó thác, cậy trông và yêu mến. Trong từng biến cố lớn nhỏ, Mẹ đã luôn chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa và trung thành làm theo ý Thiên Chúa (Lc 1, 38 ; Mc 3,31-35; Lc 11, 28; GH 56. 61. 63).
Đặc biệt, Mẹ luôn yêu mến và gắn bó với Chúa Giê-su, lòng yêu mến đó đã được thể hiện sâu đậm trong những giờ phút đau khổ ở dưới chân Thánh giá (Lc 1,41-52; Ga 19,25-27)
Thứ đến, Mẹ Ma-ri-a là mẫu gương sống đức ái:
Qua việc đi thăm bà Ê-li-sa-bét và nhất là trong tiệc cưới Ca-na, Mẹ đã để lại một tấm gương bác ái sống động: quan tâm đến từng người một cách tế nhị và mau mắn giúp đỡ (Lc 1,39. 56; Ga 2,1-12).
Kính thưa, ngày xưa dưới chân thánh giá, Chúa Giê-su đã trao Đức Maria cho Gioan “Này là Mẹ con”. Và Gioan đã đưa Mẹ về nhà mình để có Mẹ ở cùng trong mọi ngày sống. Chúng ta cũng vậy, Chúa Giê-su cũng muốn trao Đức Mẹ cho mỗi người chúng ta để từ nay trong mỗi giây phút của cuộc đời, chúng ta luôn có Mẹ chở che và đỡ nâng. Quả thật, Mẹ là máng thông ơn, là người cầu bầu đắc lực, là người quyền thế trước mặt Chúa để chuyển ơn từ Chúa cho chúng ta và đưa những nhu cầu, ước nguyện của chúng ta lên cùng Chúa. Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy yêu mến Mẹ, hãy năng chạy đến với Mẹ qua việc Lần Chuỗi Mân Côi để cùng với Mẹ ca tụng Thiên Chúa. Chúng ta hãy mau tâm sự với Mẹ những niềm vui lẫn những nỗi buồn, như câu chuyện mà tôi vừa kể trên của Tổng Thống WC gần gũi người mẹ già. Hơn nữa, chúng ta hãy biết mau mắn trao phó cho Mẹ mọi nỗi âu lo, những khó khăn và cả những yếu đuối của ta để xin Mẹ nâng đỡ, phù trì.
Kính thưa,
Mừng lễ Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong dịp đầu năm mới Dương lịch, chúng ta được mời gọi hãy nhìn lại những điều thiếu sót trong năm để xin lỗi Mẹ và xin lỗi Chúa, đồng thời, qua Mẹ, chúng ta quyết tâm dâng hết mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm trong năm mới này cho Chúa để Ngài chúc lành cho chúng ta ngõ hầu chúng ta xứng đáng là con yêu dấu của Mẹ Maria và là người em của Anh Cả Giê-su. Amen.
#cacbaisuyniemloichuachuanhat #suyniemloichualeducmariamethienchua