CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
ĐƯỢC SỐNG TÌNH YÊU CỦA MÌNH (*)– Chú giải của Noel Quesson 8
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU- Chú giải mục vụ của Hugues Cousin. 19
KẺ CHẾT SỐNG LẠI (*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông. 24
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 33
CUỘC SỐNG MAI HẬU- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm.. 52
SỐNG LẠI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 72
SỰ SỐNG ĐỜI SAU- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 77
“AI TIN VÀO TA THÌ CÓ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI”– Lm. Gioan Nguyễn Tươi 82
THIÊN GIỚI– Lm. Vũ Đình Tường. 86
THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG- Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng. 89
CÓ CHĂNG MỘT THẾ GIỚI BÊN KIA- Lm. Inhaxiô Trần Ngà. 97
MẦU NHIỆM SỰ SỐNG LẠI– Lm Phêrô Lê Văn Chính. 101
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời”.
Trích sách Macabê quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: “Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi”.
Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.
Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: “Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy”. Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.
Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15
Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa (c. 15b).
Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành.
Xướng: Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con.
Xướng: Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa. –
Bài Ðọc II: 2 Tx 2, 15 – 3, 5
“Chúa làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.
Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 20, 27-38
“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”.
Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc bài vắn này: Lc 20, 27. 34-38
“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
ĐƯỢC SỐNG TÌNH YÊU CỦA MÌNH (*)– Chú giải của Noel Quesson
Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giêsu.
Vấn đề sự chết là một vấn đề nghiêm trọng, không thể tránh khỏi và phổ biến nhất mà con Người có thể đặt ra. Những căn bệnh đến bất ngờ như sét đánh, như các tai nạn trên đường hoặc lúc đi làm việc… không ngừng đặt ra câu hỏi này: Có cái gì sau đó không? Mọi nền văn minh không ngoại lệ đã khẳng định sự “trướng tồn” của con người, đã cử hành việc “thờ cúng người chết” và đã nhận định rằng “ông bà” vẫn còn có ảnh hưởng đến đời sống của con cháu còn sống.
Ngày nay, ở phương Tây, một thứ chủ nghĩa duy vật dường như lôi kéo đầu óc người ta theo một cuộc điều tra mới đây, 50% nghiêng người Pháp không còn tin vào bất cứ hình thức tồn tại nào sau cái chết. Những hoài nghi của những người hiện đại có thể chờ đợi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta khám phá rằng vào thời Đức Giêsu đã có những người tu hành như nhóm Xa-đốc không tin vào sự sống lại, bởi “chủ nghĩa bảo thủ lý thuyết” vì họ chỉ thừa nhận những sách của Ngũ Kinh.
Ba sách Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại cho chúng ta giai thoại này, và trong cùng một khung cảnh, nghĩa là những ngày sau cùng của Đức Giêsu trong cuộc sống trần gian. Thật cảm động khi nghĩ rằng Đức Giêsu đã thấy cái chết của Người đến gần và người ta đã cho Người cơ hội để bày tỏ quan điểm cá nhân của Người về đời sau; không phải như một cuộc tranh luận lý thuyết mà như một câu trả lời hiện sinh đem lại cho câu hói ấy: “Thầy Giêsu, Thầy tin điều gì sắp xảy ra khi Thầy sắp chết?”
“Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.
Phải, ước muốn say mê được trường tồn trong lòng mọi người đã dẫn các nền văn minh Hít-tít, Át-xy-ri và Do Thái đến tập tục “hôn nhân với anh em chồng”. Thật ra Người ta nghĩ rằng con người chỉ thật sự trường tồn trong con cái của mình.
Vậy bằng bất cứ giá nào phải gầy dựng dòng giống cho người anh em mình đã quá cố. Và đứa bé sinh ra từ cuộc hôn nhân đó được luật pháp coi như đứa con của người quá cố.
Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?
Để chế giễu niềm tin vào sự sống lại, những người Xa-đốc đã đặt cho Đức Giêsu một “Pipoul” tức một cuộc bàn luận tinh tế mà các trường của các kinh sư rất thích. Nố lương tâm này xem ra rất lố bịch đối với chúng ta. Tuy nhiên bỏ qua khía cạnh kỳ cục huyền hoặc, cuộc bàn luận rất giống với sự tò mò của chúng ta về đời sau: chẳng phải chúng ta luôn luôn ngây thơ tưởng rằng đời sau như sự kéo dài đơn giản của đời sống trần gian này mà chúng ta từng biết đó sao? Đức Giêsu sẽ trả lời gì?
Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa”.
Như vậy, Đức Giêsu thiết lập một sự tương phản hoàn toàn giữa “thế giới này” và “thế giới sẽ đến” mà Người tin chắc là có. Và Người khẳng định rõ ràng chỉ những người được xét là đáng hưởng mới được vào.
Vậy đây là một sự thật đầu tiên, hết sức sáng tỏ: người ta không vào cuộc sống đời đời “như thế đấy”, để vui đùa; cần phải được xét là xứng đáng! Đời sau không phải là một miền đất mơ hồ, hoặc một căn phòng của những bước đi hụt hẫng mở ra cho bất cứ ai, ở đó người nào cũng có thể đủng đỉnh bước vào; có một thứ gì giống như một kỳ thi để nhập học… phải làm các bài trắc nghiệm để phụ trách một số công việc hoặc một số nghề nghiệp nào đó. Và đương nhiên là bài thi để vào “thế giới mai sau” không thể chỉ liên quan về cách sống của chúng ta “trong thế gian này”. Chúng ta đã được cảnh báo về điều chủ yếu nào đó.
Vì được ngang hàng với các thiên thần.
Phải hiểu rõ khẳng định thứ hai này của Đức Giêsu.
Người nói với chúng ta phải từ bỏ sự tưởng tượng về đời sau. So sánh những người được tuyển chọn với các “thiên thần” có nghĩa là cách sống của những người quá cố nằm ngoài sự tìm hiểu của khoa học và tri thức. Sự sống của đời sau không theo kiểu mẫu của sự sống chúng ta. Không thể hình dung dù bằng cách nào thế giới sẽ đến cũng như người ta không thể hình dung các thiên thần. Có còn tiếp tục hoạt động tính dục hay không là một câu hỏi cũng hạ cấp như cuộc tranh luận về giới tính của các thiên thần! Họ không là đàn ông cũng không là đàn bà. Họ là gì? Họ “hoàn toàn” khác với chúng ta. Và Đức Giêsu trả lời cho những người Xađốc duy vật rằng không cần phải sinh con đẻ cái nữa, bởi vì người ta không thể chết nữa.
Tại sao, một số người sẽ tự hỏi, Thiên Chúa không giải thích thêm chút gì về đời sau khác thường đó? Rõ ràng là Người không thể, bởi vì chúng ta không có chút kinh nghiệm nào về nó. Người ta có thể nói gì về đứa bé sắp sinh ra và còn trong bụng mẹ để chỉ cho nó biết về đời sống trần gian đang chờ đợi nó? Giả sử nó biết ngôn ngữ mà bạn nói với nó thì những từ ngữ của bạn không nói được gì cho nó chừng nào mà nó chưa có kinh nghiệm gì về thế giới chúng ta. Nó chỉ có thể bắt đầu khám phá thế giới này khi nó “đã đến thế gian”… Con bướm là một sinh vật hoàn toàn khác với sâu róm sẽ trở thành bướm. Cây lúa mì còn non hoàn toàn khác với hạt lúa mì… Bà cụ già 90 tuổi hoàn toàn khác với cô bé gái lúc cô mới bắt đầu cuộc sống của mình. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, vừa có tính liên tục vừa có sự khác nhau hoàn toàn. Con sâu róm sống bằng cách bò sát mặt đất, gắn chặt vào đất: một ngày kia nó ngủ yên trong cái kén mà nó dùng như cái quan tài nhỏ, và rồi, một ngày kia nó thức dậy thành con bướm xinh đẹp có cánh, bay lượn trong bầu trời. Nếu con sâu róm biết được sụ biến đổi hoàn toàn đang chờ nó, hẳn nó sẽ mong mà một ngày kia nó phải trở thành.. Đó là hình ảnh sự sống lại đang chờ đới chúng ta cũng như thế.
Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.
Đó là điều mạc khải thứ ba, tích cực, của Đức Giêsu, về những Người quá cố: Người nói, họ được đưa vào sự thân thiết với Chúa Cha. “Còn đẹp hơn điều mà anh em muốn tưởng tượng ra! Giá như Đức Giêsu nói như thế, anh em sẽ thật sự sống như con cái của Thiên Chúa. Và, anh em hãy tin Thầy, Thầy biết mình đang sống trong hạnh phúc được làm “con” Người?” Ở đây, người ta nhận ra một chủ đề thường gặp nơi Thánh Phaolô: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5). Chúng ta không còn nằm trong vấn đề khôi hài của những người Xa-đốc: Chúng ta đang ở tâm điểm của đức tin đích thực nhất.” Những đau khổ chúng ta phịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nới chúng ta. Muốn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa: mạc khải “vinh quang của con cái Người” (Rm 8,18-19). Sự sống đời sau không thể tưởng tượng ra được, hoàn toàn khác hẳn đời sống trần gian bởi vì đó là sự tham dự vào sự sống của Đấng Hoàn Toàn Khác (Đấng Siêu Việt) của Thiên Chúa! Cũng như mọi sự liên quan đến Thiên Chúa, chúng ta không có phương tiện nào để khái niệm hóa một cách duy lý về những thực tại như thế vì chúng hoàn toàn vượt quá trí tuệ của chúng ta. Khả năng đuy nhất của chúng ta là tín hoặc không tin sự sống đời sau đó.
Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
Vậy Đức Giêsu khẳng định rõ ràng sự sống lại của những người chết, khi rút sự sống lại từ những quan điểm đơn giản vẫn cho rằng sự sống vĩnh cửu chỉ là sự kéo dài của đời sống trần gian.
Sự tin chắc của Đức Giêsu dựa trên hai thực tại đức tin chủ yếu: 1. Tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta vượt quạ sư chết: đối với Thiên Chúa, Ápraham, Isaác, Gia-cóp không chết. Giao ước của Thiên Chúa với con người là một trong những trực giác sâu xa của Kinh Thánh. “Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ”. (Tv 16,10). Nếu những người Thiên Chúa đã tạo dựng và yêu thương như Apraham, Isaác, hay chị Nguyệt, anh Minh sau cùng bị hóa thành hư vô thì tình yêu của Thiên Chúa phải chịu thất bại. Nói về Thiên Chúa của những người chết khác nào nói về “cái khiên của người chết”, nếu một Người đã chết thì cái khiên của người ấy phỏng có ích gì?. Nhưng trong bản văn của Luca, Đức Giêsu đưa ra thêm một lý lẽ thứ hai của sự trường sinh của chúng ta: tình yêu của chính chúng ta đối với Thiên Chúa: “Thật vậy mọi sự sống vì Người”. Như thế người ta nói: “Lạy Chúa, chúng con yêu mến Chúa quá đến nỗi còn phải yêu mến Chúa sau cuộc đời này”: Đó là kinh nghiệm của tử đạo phải chấp nhận nguy cơ tận hiến hoàn toàn sinh mạng mình vì Chúa, cho đến chết, để sau cùng được sống tình yêu của mình. Đó là mầu nhiệm Vượt qua; phải “đi qua” cái chết để “yêu mến” cho đến tận cùng. Vậy trong niềm tin của Người Kitô hữu vào đời sau không có gì là huyền thoại hoặc ấu trĩ: niềm tin vào sự sống lại không phải là một niềm tin ở bên lề, không bắt buộc. Đó là đức tin vào chính Thiên Chúa!
Trên thế giới hiện nay người sống thọ nhất có thể được khoảng 130 tuổi. Như vậy cho dù sống thọ nhất là hơn một thế kỷ, con người cũng đến lúc phải chết. Đó là qui luật của muôn loài, qui luật sinh tử. Thế nhưng, chết rồi người ta đi đâu? Những người không có đạo Công giáo hoặc đạo khác thì nghĩ rằng chết là hết hoặc sau khi chết sẽ đầu thai vào một kiếp khác.
Còn chúng ta, những người Công giáo chúng ta không như vậy. Giáo Hội dạy chúng ta rằng chết không phải là hết. Chúng ta đã được học giáo lý và mỗi Chúa nhật, chúng ta tuyên xưng trong kinh tin kính: “Tôi trông đợi kẻ chet sống lại và sự sống đời sau”.
Chúng ta tin có một cuộc sống sau cuộc sống đời này. Thế cuộc sống đời sau như thế nào? Loài người chúng ta thì chưa có ai có kinh nghiệm về cuộc sống đời đời khi còn đang sống cả. Nhưng chúng ta được chính Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời xuống, chính Ngài đã sống, đã biết đời sống đó nói cho chúng ta biết, nhân dịp những người thuộc phái Sađốc là những người không tin linh hồn bất tử, không tin có sự sống đời sau đến hỏi Chúa trong Tin Mừng hôm nay. Những người Sađốc đã hỏi Chúa Giêsu về chuyện gì? Đúng rồi, chuyện về bảy anh em cùng cưới một người phụ nữ theo luật Do thái. Họ thắc mắc với Chúa Giêsu là nếu sống lại thì ai sẽ là chồng của cô ta?
Rõ ràng, vì không tin nên họ nghĩ rằng nếu có cuộc sống đời sau thì cũng như ở đời này, mà như thế thì sẽ xảy ra nhiều điều phức tạp khi sống lại. Chúa Giêsu nói: người ta ở đời này mới cưới vợ gả chồng chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng. Họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, bởi đã được sống lại.
Vậy Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết cuộc sống đời sau, cuộc sống đời đời thì khác hẳn cuộc sống ở đời này. Thân xác phục sinh không còn là vật chất nên không còn phải lo ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại, làm việc. Lúc đó, không còn chết nữa nên không cần phải có người nối dõi tông đường và vì thế không ai phải lo lấy vợ gả chồng nữa. Tất cả đều sống cuộc sống thiêng liêng như các thiên thần.
Mọi người được sống lại sẽ như nhau vì đều là con cái Thiên Chúa và họ sẽ sống một đời sống mới. Tôi xin kể câu chuyện sau đây: Dưới đáy một hồ sâu, giữa vũng nước đục và bùn đen có mấy con ấu trùng bàn bạc với nhau. Chúng băn khoăn tự hỏi tại sao trong bọn chúng, tất cả những ai leo dọc thân cây sen lên trên mặt nước đều không bao giờ trở lại nữa, và tất cả chúng đều đồng ý với nhau là rồi đây ai trong bọn chúng trèo lên trên mặt nước trước, sẽ trở lại để kể cho những ai còn ở lại biết được trên mặt nước có gì.
Ít hôm sau, một con ấu trùng cảm thấy như có một động lực nào thúc đẩy từ bên trong và bị thu hút bởi hơi ấm từ phía trên, nó bắt đầu trèo lên cây sen với hy vọng cuộc mạo hiểm ly kỳ trên mặt nước. Nó nghĩ bụng phen này nó sẽ giữ lời hứa, là sẽ trở lại kể cho chúng bạn nghe những gì nó trông thấy, những gì sẽ xảy ra đến với nó trên mặt nước.
Vừa ló đầu khỏi mặt nước, mắt nó liền hoa lên vì những sự ngạc nhiên mới lạ, trước hết là ánh sáng của mặt trời và hơi ấm của làn khí, trong khi ở dưới bị chìm ngập trong cảnh đen tối thất vọng vì không bao giờ trông thấy ánh sáng. Chẳng mấy chốc, nó thấy có cái gì lạ đang chuyển vận trong cơ thể, hình như nó đang thay hình đổi dáng, và từ trên thân thể mềm nhũn của con ấu trùng, nó bắt đầu trở nên cứng cáp hơn. Chỉ một lúc sau, từ cái vỏ của con ấu trùng nó đã bay ra thành một con chuồn chuồn có đôi cánh màu sắc rực rỡ. Thật chưa bao giờ nó nghĩ nó sẽ trở thành con chuồn chuồn với bộ cánh màu đẹp như thế, nó cứ yên trí nghĩ rằng, suốt đời nó mai mãi sẽ là con ấu trùng như tất cả những con ấu trùng khác. Kế đó nó bắt đầu vươn vai giang cánh với chuyến bay đầu tiên, nó bay qua lượn lại trong không gian với tất cả niềm ao ước sẽ trở xuống đáy hồ để kể cho chúng bạn nghe bao nhiêu điều kỳ lạ.
Từ trên mặt nước trong suốt, nó nhìn rõ dưới đáy hồ và trông thấy chúng bạn, nhưng chúng bạn lại không nhìn thấy nó. Một lúc sau nó hiểu ra rằng, tìm cách trở lại dưới đáy hồ là công dã tràng, vì cho dù nó có trở xuong, nhưng với đôi cánh của nó thì chúng bạn sẽ không thể nào nhận ra nó vì nó đã được hoàn toàn biến đổi, hoàn toàn thay hình đổi dạng, nó đã trở thành một tạo vật mới như chưa từng nghĩ ra trước đó.
Qua câu chuyện chúng ta thấy rằng cuộc sống đời sau giống như hình ảnh con chuồn chuồn, khi đã lên khỏi mặt nước, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi, hoàn toàn khác biệt so với cuộc sống ở dưới nước của những con ấu trùng, mà chúng ta có thể so sánh với cuộc đời hiện tại của chúng ta.
Người Kitô hữu chúng ta may mắn là được Chúa Giêsu cho biết trước là có cuộc sống đời sau thật. Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết là không phải tất cả đều được hưởng, nhưng chỉ những ai được xét là xứng đáng thì mới được hưởng phúc đời sau. Chính vì thế mà Giáo Hội đã dành cả tháng 11 trong năm để cầu nguyện cho những người đã qua đời nhưng chưa được hưởng cuộc sống đó. Vậy những người được coi là xứng đáng là những người nào? Đó là những người đạo đức, thánh thiện, công chính và luôn sống theo ý Chúa trong cuộc đời mình.
Phần chúng ta, chúng ta còn nhỏ, chúng ta sẽ có những việc làm cụ thể để đáng được hưởng cuộc sống đời đời với Chúa đó là:
. Kính mến Chúa qua việc học hỏi giáo lý, siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích.
. Yêu thương cha mẹ, thầy cô, bạn bè, ngoan ngoãn, trung thực và đặc biệt tránh xa mọi dịp tội bằng cách trước mỗi việc làm ta hãy tự đặt câu hỏi: việc làm này có giúp ta đáng được hưởng cuộc sống đời đời không?
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU- Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
Cuộc tấn công tiếp theo là do một vài người thuộc nhóm Sađôc (cc. 27-33). Đó là lần duy nhất các thành viên của “đảng” nay xuất hiện trong Luca; trong sách Công vụ họ sẽ can thiệp nhiều lần; cũng như ở đây việc họ phủ nhận sự sống lại được nhấn mạnh (trên hết là Cv 23,6-9; x. 4,1); và Luca nói về họ như về một nhóm gần gũi với vị đại tư tế (Cv 5,17). Rất bảo thủ, họ hiểu sát chữ luật Môsê mà họ quý trọng ngũ thư hơn các sách ngôn sứ và các sách khác. Nghĩ rằng niềm tin vào việc kẻ chết sống lại không có nền tảng trong Luật nên họ từ chối tin –niềm tin này xuất hiện vào khoảng những năm 165 trước Công nguyên; trong bối cảnh nổi dậy của nhà Macabê, khi những người Israel trung thành với Chúa chịu chết vì đạo.
Những người thuộc phải Sađôc biết rằng Chúa Giêsu, cùng với các người Pharisêu và đại đa số quần chúng, tin vào sự sống lại. Để làm sáng tỏ tính cách vô lý của niềm tin này, một vài kẻ trong họ đặt ra một vấn nạn thuộc kinh viện nhằm chứng tỏ những sai lạc mà niềm tin này dẫn tới. Luật nối dõi tông đường –bị khủng hoảng vào thế kỷ thứ nhất- cho phép người ta cưới chị dâu khi người này bị goá và không con, để người anh quá cố có kẻ nối dòng; đứa con đầu lòng chị ta sinh ra sẽ lấy tên người anh quá cố, và sẽ được luật pháp nhìn nhận là con của người anh (x. Đnl 25,5-10). Đây là trường hợp: một người đàn bà son sẻ lần lượt trở thành vợ của bảy anh em lần lượt chế mà không có con. Rồi chị này cũng chết.”Khi chị này sống lại –theo những người Pharisêu và cả Thầy cũng tin như vậy- chị sẽ có con, nhưng bởi người nào trong họ mà chị ta sẽ mang thai?” (c. 33).
Vấn nạn ngây thờ một cách giả tạo, cho thấy hình ảnh về sự sống lại mà những người Sađôc chế giễu: một quan niệm duy vật thường được đặt việc kẻ chết sống lại trước việc Triều Đại Mêsia đến và trước cuộc phán xét cuối cùng. Khi đó sự trở về với cuộc sống trần thế sẽ cho phép những người chết trong các thế hệ trước đây tham dự vào triều đại này, và tất cả sẽ bị xét xử. Trong chiều hướng này, một số người Pharisêu khẳng định rằng nhân loại khi sống lại sẽ sinh con đẻ cái (đó là ý tưởng tiềm ẩn trong câu hỏi của các người Sađôc ở câu 33). Kinh sư Gamaliel, vào khoảng năm 90, sẽ khẳng định:”Sẽ đến thời mà người nữ sẽ sinh con mỗi ngày một lần”, khi ông nêu bằng chứng là các con gà mái đẻ trứng mỗi ngày (Talmud, Shabat 20b). Một kinh sư khác, vào khoảng năm 150, sẽ đi tới chỗ cho rằng mỗi người Israel sẽ có nhiều con bằng số những người Israel khi ra khỏi Ai Cập, nghĩa là 600.000… Tóm lại, việc sống lại được quan niệm như sự hoàn sinh của thân xác, mà thân xác này sẽ có được khả năng sinh sản cách kỳ diệu và sẽ trở lại với các sinh hoạt trần thế. Như các người Sađôc và như Chúa Giêsu cta sẽ mỉm cười loại bỏ một cách trình bày như thế. Tuy nhiên, một số Kitô hữu ít hiểu biết vẫn nghĩ tưởng như thế; nhất là giống như các ông Sađôc thuở xưa, ngày nay nhiều người vô tín ngưỡng từ chối tin vào sự sống lại, bởi vì họ nghĩ đó là niềm tin Kitô.
Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 34-38) gồm hai đợt. Phản bác lại các trình bày bình dân và theo các kinh sư, quá thô kệch, về tình trạng của các kẻ sống lại, Ngài bắt đầu giới thiệu quan niệm của riêng Ngài về sự sống lại (cc. 34-36). Theo Ngài, có một khác biệt tận căn giữa cuộc sống trần gian và cuộc sống mới mà người ta được hưởng khi sống lại. Ở đời này con người sinh ra rồi chết; tính dục bảo đảm việc duy trì nòi giống. Còn những kẻ, vào ngày phán xét, mà Chúa xét là đáng hưởng phúc đời sau, và khi họ sống lại, họ sẽ không chết nữa; như vậy sự bất tử sẽ loại bỏ sự sinh sản.
Kiểu nói”ngang hàng với các thiên thần” rất có ý nghĩa. Người ta gặp thấy kiểu nói này trong nhiều bản văn khải huyền của Do Thái để khẳng định rằng việc kẻ chết sống lại không phải là trở lại đời sống trần thế, nhưng là một sự tái tạo dựng không thể tưởng tượng được, một biến đổi tận căn của hữu thể nhân linh, khi đó sẽ có được mọi hình dáng theo ý mình, đi từ vẻ đẹp đến sự rực rỡ, từ ánh sáng đến chiếu rang vinh quang chói ngời (Baruch syriaque 51). Giáo huấn rất phong phú này về tình trạng của những kẻ sống lại kết thúc bằng khẳng định”họ là con cái Thiên Chúa, vì con cái sự sống lại”: điều này làm cho họ sinh ra trong tình trạng thiên quốc, là tình trạng của các thiên thần (x. St 6,2), và đặt họ trước nhan Thiên Chúa hằng sống. Trong quan niệm mà Chúa Giêsu trình bày ở đây –sẽ quan niệm của Phaolô ở 1Cr 15,35-44, sự sống lại đến liền theo cuộc thẩm phán, nó liên hệ tới các người công chính và là sự sống lại phúc lộc. Không hề thấy nói gì tới số phận của các kẻ”vô đạo”; tất cả xảy ra dường như là Chúa xét họ không xứng đáng để được kéo ra khỏi cái hư vô của sự chết, để được tái tạo.
Trong đợt thứ hai, Chúa Giêsu xác nhận chính sự kêịn các kẻ chết sống lại (cc. 37-38), khi đặt cơ sở, như các ông Pharisêu trên một bản văn của Luật:”Về việc kẻ chết sống lại thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy…”, dường như y hệt, trong giới kinh sư: lời hứa phải được thực hiện cho chính những kẻ đã được hứa, -điều đó đòi hỏi là họ phải sống lại. Quan hệ mà Thiên Chúa thiết lập với các thành viên của dân Ngài không thể bị gián đoạn mãi mãi. Chúa Giêsu trích dẫn Xh 3,6, trong đó Đức Chúa được gọi là”Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac và Thiên Chúa của tổ phụ Giacop” –trong một thời điểm mà Kinh Thánh chưa được chia ra thành chương (điều đó sẽ được làm vào thế kỷ XIII), câu này như thuộc về đoạn nói về Bụi gai. Công thức đó quy chiếu về một sự kiện quyết định của Giao Ước mà qua đó Thiên Chúa đã cam kết làm việc không ngừng để ban ơn cứu độ cho Israel. Ý tưởng nền tảng là ý tưởng về lòng trung thành của Thiên Chúa đối với các kẻ được Ngài tuyển chọn; và ngay cả thần chết, địch thủ của Thiên Chúa, cũng không thể làm gì được để chống lại lòng trung thành này. Như vậy niềm tin vào việc kẻ chết sống lại được khơi dậy bởi lòng trung thành của Thiên Chúa đối với Giao Ước. Câu cuối cùng”Tất cả các tổ phụ và các người công chính đều sống cho Ngài” ám chỉ về niềm tin sống động của các vị tử đạo Do Thái:”Họ xác tín rằng khi chết vì Chúa, là người ta sống cho Chúa, như Abraham, Isaac, Giacop và các tổ phụ sống” (Mcb 16,25).
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
KẺ CHẾT SỐNG LẠI (*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm C thắp sáng một trong những vấn đề căn bản nhất của đức tin chúng ta: “Kẻ chết sống lại”.
2Mcb 7: 1-2, 9-14
Sách Ma-ca-bê quyển hai thuật lại cuộc tử đạo anh dũng của bà mẹ và bảy người con. Họ chấp nhận hy sinh sự sống đời này, vì họ tin chắc rằng Chúa sẽ cho họ được sống lại muôn đời.
2Tx 2: 16-3: 5
Thánh Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca để họ gặp thấy ở nơi Chúa Giê-su niềm an ủi bất diệt và niềm tin vững mạnh trong những thử thách.
Lc 20: 27-38
Tin Mừng của thánh Lu-ca thuật lại cuộc tranh luận của Chúa Giê-su với nhóm Xa-đốc về vấn đề kẻ chết sống lại.
BÀI ĐỌC I (2Mcb 7: 1-2, 9-14)
Sách Ma-ca-bê quyển hai được viết bằng Hy-ngữ quãng năm 124 tCn. Sách này không kể những biến cố lịch sử tiếp theo sau sách Ma-ca-bê quyển một, nhưng đúng hơn trong lời tựa của mình, tác giả cho biết ông chỉ “thu gom lại” thành một cuốn duy nhất từ một tập sách gồm năm cuốn sách do công trình biên soạn của ông Gia-xon người Ky-rê-nê nào đó (x. 2: 23). Nhân vật này chúng ta không biết chút gì về ông ngoài việc ông là một kiều Do thái mộ đạo chịu ảnh hưởng Hy-lạp và có thể ông viết ở A-lê-xan-ri-a Ai-cập.
Sách Ma-ca-bê quyển hai đưa ra những cái nhìn rất sâu sắc về lòng tin của dân Ít-ra-en vào thời kỳ vua Hy-lạp là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê chủ trương hy lạp hóa toàn thể đế quốc của ông bằng cách tiêu diệt niềm tin của dân Do thái. Đoạn trích hôm nay thuật lại một phần cuộc tử đạo anh dũng của người mẹ và bảy người con. Cuộc bách hại khủng khiếp này nêu bật niềm tin vào cuộc phục sinh thân xác của người công chính và cuộc tạo dựng từ hư không.
*1.Cuộc phục sinh thân xác của người công chính:
Sách Đa-ni-en đã khai mở rồi: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12: 2). Sách Ma-ca-bê quyển hai tái khẳng định cách mạnh mẽ cuộc sống sau khi chết liên quan đến những người bị bách hại và “phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong cuộc đời đạo hạnh” (2Mcb 12: 45). Câu chuyện về cuộc tử đạo của bảy anh em và bà mẹ của họ tỏa ánh hào quang rực rỡ của niềm hy vọng này (2Mcb 7: 9, 11, 14, 23, 29, 36). Đối với những kẻ bách hại và quân vô đạo, họ “sẽ không thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa toàn năng, là Đấng thấu suốt mọi sự” (2Mcb 7: 35).
*2.Cuộc tạo dựng từ hư không (ex nihilo):
Lời của bà mẹ khuyên đứa con út của mình trong cảnh bị tra tấn vì đạo: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy” (2Mcb 7: 28). Đây là lời khẳng định mạnh mẽ nhất và dứt khoát nhất về cuộc tạo dựng từ hư không.
BÀI ĐỌC II (2Tx 2: 16-3: 5)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Trong đoạn trích hôm nay, thánh Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca để họ được gặp thấy ở nơi Chúa Giê-su niềm an ủi bất diệt và niềm tin vững mạnh trong mọi thử thách.
*1.Niềm an ủi bất diệt (2: 16-17)
Thánh Phao-lô đã cố làm yên lòng các tín hữu Thê-xa-lô-nica bằng giáo huấn rõ ràng của mình. Tuy nhiên, thánh nhân nhận ra rằng giáo huấn vẫn chưa đủ. Thánh nhân cầu nguyện để họ gặp thấy niềm an ủi ở nơi Chúa Giê-su Ki-tô mà họ đã tín thác cuộc đời của họ vào Ngài, và ở nơi Thiên Chúa là Cha của họ. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho họ niềm an ủi “bất diệt”, nghĩa là niềm an ủi không thuộc vào thế giới này nhưng vào vương quốc Thiên Chúa, vì thế, niềm an ủi này được chính Thiên Chúa bảo đảm.
*2.Niềm tin vững mạnh trong mọi thử thách (3: 1-5):
Ở đây chúng ta thoáng thấy tấm lòng của một nhà truyền giáo không biết mệt mõi, mong ước phổ biến Tin Mừng để mọi người thấy được tình yêu của Thiên Chúa tuyệt diệu đến mức độ nào. Buồn thay, không phải mọi người đều tin, nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín. Thánh Phao-lô tin tưởng rằng Ngài sẽ làm cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thêm vững mạnh trong những thử thách mà họ đang phải gánh chịu.
Khi “truyền lệnh” cho họ (3: 4), thánh Phao-lô nhấn mạnh giáo huấn của thánh nhân xuất phát từ Chúa Ki-tô Phục Sinh, Đấng đã ủy quyền cho thánh nhân giảng dạy cho họ (x. 1Tx 2: 13; 4: 2, 11; cũng 2Tx 3: 6, 10, 12).
Kiểu nói: “biết yêu mến Thiên Chúa” (3: 5) bao gồm cả tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, lẫn tình yêu họ dành cho Thiên Chúa, tương tự với kiểu nói: “biết chịu đựng như Đức Ki-tô”. Thánh nhân đang quy chiếu đến cả sự chịu đựng của Đức Giê-su giữa những đau khổ và thử thách, lẫn đến sự dự phần vào đức hạnh mà Đức Giê-su đã ban cho các môn đệ Ngài.
TIN MỪNG (Lc 20: 27-38)
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc tranh luận của Chúa Giê-su với nhóm Xa-đốc về kẻ chết sống lại (20: 27-38). Cuộc tranh luận này được đặt vào trong bối cảnh Chúa Giê-su thi hành sứ vụ sau cùng của Ngài tại Giê-ru-sa-lem theo đó những nhóm có thế lực trong dân Ít-ra-en, lần lượt đến gặp Đức Giê-su và luân phiên đặt ra cho Người những câu hỏi thâm hiểm để mong hãm hại Người (19: 47-21: 38).
*1.Vấn nạn của nhóm Xa-đốc (20: 27-33)
Đối thủ của Đức Giê-su lần này là nhóm Xa-đốc. Nhóm Xa-đốc tuy không đông bằng nhóm Pha-ri-sêu nhưng rất giàu có và có thế lực. Về phương diện trần thế, họ là giai cấp thống trị cộng tác chặt chẽ với chính quyền Rô-ma chiếm đóng, vì muốn bảo vệ của cải và duy trì địa vị của mình
Về phương diện tôn giáo, nhóm Xa-đốc chỉ chấp nhận thẩm quyền của bộ Ngũ Thư mà thôi. Dựa trên lối giải thích Ngũ Thư của họ, họ không tin kẻ chết sống lại. Nhóm Xa-đốc này cũng như bao người Do thái chính thống đều tin chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng việc Thiên Chúa có cho con người được sống lại hay không thì thuộc về thẩm quyền của Ngài. Vì thế, nhóm này không tin vào sự sống lại mai sau, bởi vì không có bằng chứng nào về một niềm tin như thế được tìm thấy trong bộ Ngũ Thư. Hơn nữa, không có kinh sư nào, những ngươi thông luật, giải đáp cho vấn nạn mà họ nêu lên.
Căn cứ theo luật Lê-vi (x. Đnl 25: 5tt.), nếu một người qua đời mà không có người nối dõi tông đường, thì người em phải cưới chị dâu ấy để cho anh mình có người con nối dõi tông đường. Dựa trên luật này, họ hư cấu một câu chuyện bảy anh em lần lượt lấy một người vợ để có người con nối dõi tông đường, nhưng đều chết mà không có con; vậy nếu có sự sống lại thì ai sẽ là chồng của người phụ nữ này. Như vậy, niềm tin vào sự sống lại thật là lố bịch.
*2.Câu trả lời của Chúa Giê-su (20: 34-38)
Chúa Giê-su quả quyết có sự sống lại, đồng thời cũng giải thích những đặc tính của sự sống lại: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”. Như thế, theo Chúa Giê-su, lập luận của nhóm Xa-đốc về sự sống lại như vậy thì thật là quá duy vật. Theo lập luận này, cuộc sống lại chỉ là tiếp tục cuộc sống trần thế, dù được nâng cao lên đến mức độ nào. Nếu hiểu cuộc sống lại như vậy là giới hạn quyền năng của Thiên Chúa và coi thường tình yêu của Ngài: “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”.
Để bác bỏ lập luận của nhóm Xa-đốc dựa trên bộ Ngũ Thư để phủ nhận niềm tin vào sự sống lại, Chúa Giê-su viện dẫn sách Xuất Hành (Xh 3: 2, 6), một trong năm quyển sách được gọi là Ngũ Thư, để cho thấy cách hiểu của nhóm Xa-đốc thật sự sai lầm trầm trọng. Dựa trên Xh 3: 2, 6 trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Mô-sê: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp”, Chúa Giê-su kết luận: “Thiên Chúa không là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”, có nghĩa rằng Thiên Chúa vẫn thường hằng có mối liên hệ với ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, dù các vị tổ phụ này đã chết từ lâu rồi. Vì thế, dù những người công chính này đã chết trên bình diện thể lý, họ vẫn đang sống, thật sự sống trong Thiên Chúa và mong chờ sự sống lại.
Barclay đã đưa ra một lời nhận xét rất xác đáng như sau: “Có thể chúng ta cảm thấy đoạn Kinh Thánh này thật khô khan. Nó đề cập đến những vấn đề có vẻ sôi bỏng trong thời Chúa Giê-su với những lý luận mà một kinh sư cho là rất mạnh, nhưng người thời nay lại không thấy thế. Nhưng từ chỗ khô khan đó, ta rút được một chân lý lớn lao cho những ai giảng dạy hoặc muốn làm chứng về Ki-tô giáo. Chúa Giê-su đã dùng những lý luận mà dân chúng đang nghe Người có thể hiểu được, Người nói với dân chúng theo ngôn ngữ riêng của họ, Người gặp gỡ họ trên chính mảnh đất của họ và chính đó là lý do tại sao giới bình dân đã nghe Người cách thích thú. Đôi lần, chúng ta đọc những sách đạo hoặc về thần học, ta thừa nhận rằng những gì được viết quả là đúng, nhưng không thể đem trình bày cho những đầu óc mới hiểu biết ít, và họ lại là đa số trên thế giới cũng như trong Hội Thánh. Chúa Giê-su đã dùng ngôn ngữ và lý luận mà dân chúng có thể và đã hiểu được, Người gặp gỡ họ trong ngữ vựng của họ. Chúng ta sẽ giảng đạo, làm chứng cho họ Chúa tốt hơn nhiều, khi học tập đường lối phổ biến Tin Mừng của chính Chúa Giê-su” (“Tin Mừng theo Thánh Lu-ca”, 238-239).
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Anh chị em thân mến
Lời Chúa hôm nay bảo đảm có một cuộc sống đời sau. Đây quả là một niềm hy vọng vui mừng, vì cuộc sống nơi dương thế của chúng ta sẽ không kết thúc bằng ngõ cụt, nhưng đó là một chặng của cuộc hành trình về cõi trường sinh.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta sống thế nào để sẽ mãi hạnh phúc trong cuộc sống đời sau.
*II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta quá lo cho cuộc sống đời này mà ít lo cho cuộc sống đời sau.
- Nhiều khi chúng ta sống buông thả như không có đời sau.
- Cách sống của chúng ta chưa thuyết phục được người khác rằng chúng ta thực sự tin có đời sau.
*III. Lời Chúa
*1. Bài đọc I (2 Mcb 7, 1-2. 9-14)
Chuyện kẻ về thời vua Antiochus bắt đạo. Một bà mẹ và 7 người con thà chịu chết chứ không chịu bỏ đạo Chúa.
Trích đoạn này chỉ ghi cái chết của 4 người con đầu. Lời họ nói với vua đều khẳng định Chúa sẽ cho họ hưởng sự sống đời đời.
*2. Đáp ca (Tv 16)
Đây là lời cầu nguyện của những vị tử đạo: “Con đã sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài. Khi thức giấc, con sẽ được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh nhan”
*3. Tin Mừng (Lc 20, 27-38)
Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy:
- Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nói giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.
- Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.
*4. Bài đọc II (2 Tx 2, 16–3, 5) (Chủ đề phụ)
Như đã trình bày (Chúa nhựt 31), nhiều tín hữu ở giáo đoàn Thêxalônica nghĩ rằng sắp tận thế nên đâm ra lười biếng không làm việc và sống buông thả. Trong trích đoạn của Chúa nhựt trước, thánh Phaolô đã vạch ra sai lầm của suy nghĩ đó.
Trong trích đoạn hôm nay, Thánh Phaolô nói thêm: dù không biết chắc khi nào tận thế và Chúa lại đến, nhưng các tín hữu phải sống trong niềm hy vọng và mong chờ Chúa đến. Chính niềm hy vọng và sự mong chờ này sẽ là động lực giúp họ sống tốt.
*IV. Gợi ý giảng
* 1. Bàn về việc sống lại
Ông Cao Bá Quát là một nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt nam. Ông có mấy câu thơ như sau:
“Ba vạn sáu ngàn ngày lá mấy,
Cảnh phù du trông thấy những nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo. “
Ông Cao Bá Quát nghĩ rằng đời người vắn vỏi lắm, dài nhất là 3 vạn 6 ngàn ngày, nghĩa là 100 năm, sau đó thì ai cũng chết, mà chết là hết tất cả, cho nên còn sống bao lâu thì hãy lo ăn chơi, hưởng thụ, uống rượu “tiêu khiển một vài chung lếu láo”. Những người không tin có đời sau, không tin có sống lại, thì cũng dễ rơi vào quan niệm sống buông trôi hưởng thụ như 4 câu thơ trên.
Thời Chúa Giêsu, phái Sađốc cũng không tin có sống lại. Họ dựa vào một khoản luật của Môsê để đặt ra một câu chuyện lố bịch chế diễu Chúa Giêsu. Khoản luật đó là: Nếu một người đàn ông có vợ nhưng chưa có con mà bị chết, thì một trong các anh em trai của người chết ấy phải cưới lấy người vợ góa. Khi sinh ra đứa con đầu tiên thì phải coi đứa con đó là con của người đàn ông quá cố. Mục đích của luật này là để cho người quá cố không bị tuyệt tự, nhưng vẫn có con lưu truyền nòi giống cho mình. Phái Sađốc đã căn cứ vào khoản luật này và đặt ra một thí dụ: gia đình kia có 7 anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con, người thứ hai lấy người vợ góa đó nhưng cũng chết không con, tới người thứ 3, thứ tư, năm, sáu bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không có con. Vậy khi sống lại thì người đàn bà này sẽ là vợ của ai? Ta thấy mục đích của phái Sađốc là mỉa mai cho rằng sống lại là việc phi lý, vì nếu có sống lại thì chẳng lẽ người đàn bà ấy có thể là vợ chung của tập thể 7 anh em kia sao?
Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời rất khôn khéo. Ngài vừa chứng minh rằng sống lại là một điều hợp lý, vừa giải thích cho người ta hiểu tình trạng của kẻ sống lại như thế nào.
Trước hết, để chứng minh rằng sống lại là điều hợp lý, Chúa Giêsu lập luận rằng Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống, chỉ có kẻ sống mới hưởng được tình thương của Chúa. Nếu chết mà là hết thì đâu còn hưởng được tình thương của Chúa. Do đó Chúa phải cho kẻ chết sống lại để họ có thể hưởng được tình thương Chúa mãi mãi. Lập luận này đối với chúng ta ngày nay thì hơi lạ tai, khó hiểu. Nhưng đối với người Do thái thời đó, vốn rất quen với quan niệm “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống”, thì họ đều dễ hiểu. Tóm lại là Chúa Giêsu khẳng định rằng kẻ chết sẽ được sống lại.
Rồi Chúa Giêsu còn giải thích tình trạng của kẻ sống lại như thế nào: đó là một cuộc sống khác hẳn cuộc sống bây giờ, không còn cưới vợ lấy chồng nữa; cuộc sống ấy rất thánh thiện như “các thiên thần” cuộc sống ấy rất thân mật với Chúa, kẻ lành sống lại được coi là “Con của Chúa”.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay thuật lại một cuộc tranh luận về giáo lý giữa phái Sađốc và Chúa Giêsu. Phái Sađốc mỉa mai việc kẻ chết sống lại, còn Chúa Giêsu thì khẳng định tín điều ấy. Chúng ta chẳng cần đi sâu vào chi tiết cuộc tranh luận đó làm chi. Điều cần chúng ta quan tâm hơn là hãy suy nghĩ về niềm tin của mình. Vấn đề thực tế đối với chúng ta là chúng ta tin có sự sống lại Vậy nếu chúng ta tin có sống lại thì bây giờ chúng ta phải sống như thế nào?
Hồi nảy chúng ta đã nghe lại mấy câu thơ của ông Cao bá Quát với chủ trương còn sống bao lâu thì hãy ăn chơi, hưởng thụ cho tối đa, kẻo chết rồi sẽ không còn được hưởng thụ nữa. Đây là quan niệm của những người không tin có sống lại. Vì quan niệm như vậy, cho nên nếu họ có sống buông thả, chạy theo hưởng thụ thì cũng là hợp lý thôi. Thế nhưng có những người có đạo mà cũng sống theo kiểu đó, quan tâm duy nhất của họ là chỉ lo ăn, lo mặc, lo xài, lo mua sắm, lo chơi, lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Sống kiểu đó là mâu thuẫn với niềm tin của mình.
Hạng người thứ hai không quá duy vật như số người vừa kể trên. Tuy họ mãi mê kiếm tiền và rất coi trọng cuộc sống vật chất, nhưng họ vẫn không quên đời sau. Họ ít đến nhà thờ, ít đọc kinh cầu nguyện, nhưng họ chịu khó bỏ tiền ra để xin lễ, chịu khó bỏ tiền ra để góp phần xây sửa nhà thờ, đóng góp tiền bạc khi có những cuộc quyên góp… Bỏ tiền ra như vậy là họ yên tâm, cho rằng mình đã có bỏ vốn để đầu tư cho đời sau. Có phải đó là niềm tin vào sự sống lại không? Có lẽ cũng là niềm tin, nhưng là tin lệch lạc: hạnh phúc đời sau không phải mua được bằng tiền bạc đâu. Đời này thì có tiền mua tiên cũng được, nhưng đời sau không phải vậy!
Thiết nghĩ nếu chúng ta tin rằng có sống lại, thì chúng ta phải thể hiện niềm tin ấy bằng cách sống của mình. Thể hiện thế nào?
- Trước hết, ta phải biết đánh giá những biến cố xảy ra ở đời này bằng cặp mắt đức tin: người không tin thì rất sợ chết, rất sợ bệnh tật, rất sợ mất mát, rất sợ đau khổ. Họ sợ như vậy là phải, bởi vì họ không biết có đời sau. Chỉ có mỗi đời này mà đời này lại bệnh tật, mất mát, khổ sở và chết nữa thì không sợ sao được. Nhưng người có đạo như chúng ta đã tin có đời sau, đã tin rằng đời này chỉ là tạm, đời sau mới vĩnh viễn, mà cũng sợ như thế tức là mâu thuẫn với niềm tin của mình.
- Điểm thứ hai để thể hiện niềm tin của mình vào sự sống lại là chúng ta phải biết phân chia thời giờ của ta để quan tâm chăm lo mọi mặt:
a.Dành một phần thời giờ để lo làm ăn sinh sống.
- Dành thêm một phần thời giờ khác để gần gũi với con cái, giáo dục gia đình.
c.Thêm một phần thời giờ nữa để xây dựng những tương quan xã hội.
d.Và chắc chắn cũng phải dành một phần thời giờ để lo việc đạo, đời sau.
Chúng ta phải nhớ nguyên tắc “Gieo gì thì gặt nấy”: nếu chúng ta dành hết thời giờ ở đời này để chỉ lo tiền bạc vật chất thì chúng ta chỉ gặt được tiền bạc vật chất mà thôi; nếu ta không dành thời giờ để xây dựng hạnh phúc gia đình thì sẽ không có gì lạ nếu gia đình ta chẳng hạnh phúc; nếu ta không đầu tư thờ giờ và công khó để lo cho đời sau thì mong gì đời sau ta sẽ được hạnh phúc.
Dưới đây là một câu ngạn ngữ phương Tây cho chúng ta suy nghĩ:
Nếu bạn muốn hạnh phúc một ngày, hãy mua một cái áo mới
Nếu bạn muốn hạnh phúc một tuần, hãy làm thịt một con heo.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một năm, hãy cưới vợ lấy chồng.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời, hãy làm người sống tử tế
Nếu bạn muốn hạnh phúc một muôn đời, hãy làm người có đạo tốt.
* 2. Sống lại
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đề cập đến vấn đề kẻ chết sống lại. Mỗi khi chúng ta đọc kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Chúng ta tuyên xưng như thế và chúng ta tin điều đó dễ dàng. Chứ thực ra vấn đề này không dễ dàng cả vào thời Chúa Giêsu lẫn ở thời nay.
Thời nay có nhiều người chỉ nghĩ đến vật chất: ngay cả Thiên Chúa, linh hồn và đời sau họ còn không tin, huống chi là tin chuyện xác loài người chết rồi mà một ngày kia còn sống lại được. Thời Chúa Giêsu 2000 năm trước đây cũng thế. Vấn đề kẻ chết sống lại là một tín điều không phải do trí óc con người lý luận ra, mà do Thiên Chúa mạc khải dần dần qua dòng thời gian. Ở thời xa xưa, khi mạc khải Chúa chưa tỏ hiện trọn vẹn, người Do thái cũng tin như những dân ngoại: Họ tin rằng sau khi chết, phần linh hồn của con người còn tồn tại, tồn tại trong cõi âm phủ tối tăm không ánh sáng vì thiếu hết mọi hạnh phúc, linh hồn kẻ lành người dữ sau khi chết đều phải rời vào cõi âm phủ buồn thảm đó. Còn phần xác thì tiêu tan ra, không hy vọng gì sống lại được. Mãi đến thời anh em nhà Macabê khởi đầu dành độc lập cho đất nước Do thái, nghĩa là khoảng 100 năm trước Chúa Giáng sinh, mạc khải mới cho biết xác loài người có ngày sẽ sống lại. Chính vì tin tưởng như thế nên vào thời này, như đoạn sách thánh lúc nãy thuật lại, có 7 anh em nhà bị bắt và được dụ dỗ bỏ đạo, 7 anh em sẵn sàng thà chết phần xác mà không bỏ đạo còn hơn là chết luôn phần hồn vì tội chối Chúa, vì họ tin chắc rằng xác thể họ sẽ không chết mãi, nhưng Thiên Chúa sẽ cho sống lại vinh hiển. Tuy đã có mạc khải như thế, nhưng cho tới thời Chúa Giêsu, vẫn có người còn chưa tin theo. Đại biểu của những kẻ không tin này là phái Sađóc. Vì không tin, nên khi nghe Chúa Giêsu giảng về kẻ chết sống lại, họ mỉa mai chế giễu và đến với Chúa đặt ra một câu hỏi lố bịch cốt ý chọc ghẹo Chúa. Họ lý luận: nếu như ông nói người ta sẽ sống lại, thì giả sử một nhà kia có 7 con trai, anh cả lấy vợ rồi chết. Và căn cứ theo luật Môsê thì em kế phải cưới người vợ góa để có con nối dõi tông đường, nhưng em kế cũng chết mà không con, rồi người thứ ba lấy, rồi cũng chết, cứ thế cho đến hết 7 anh em. Vậy khi sống lại thì người đàn bà kia là vợ của ai? Khi hỏi như thế, nhóm Sađóc dĩ nhiên không cần Chúa trả lời rằng người đàn bà đó là vợ của ai cả, nhưng muốn Chúa bị bắt bí và phải thú nhận rằng giáo lý của Ngài về việc kẻ chết sống lại lại là bố bịch và do đó Ngài phải phủ nhận giáo lý đó để đi theo lập trường của họ. Nhưng trong câu trả lời của Chúa Giêsu, Ngài chẳng những giải thích rõ hơn về việc kẻ chết sống lại, mà còn trả lời thẳng về việc ai là chồng của người đàn kia. Đại khái Ngài bảo: vấn đề kẻ chết sống lại là một điều chắc chắc có căn cứ trên sách thánh, bởi Thiên Chúa đã phán Ngài là Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, mà Thiên Chúa không là Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống, cho nên các tổ phụ đó tuy đã lìa đời nhưng vẫn là kẻ sống và xác thể họ sẽ sống lại. Ngài còn cho phái Sađóc biết thêm rằng: sau khi sống lại người ta không còn sống theo những điều kiện của đời này, nghĩa là không còn cưới vợ lấy chồng nữa.
Tất cả đều hướng về Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc thật và độc nhất, và là Đấng thoả mãn mọi nhu cầu của con người.
Chúng ta là con cái Chúa đang sống giữa con cái thế gian như một nhóm thiểu số, như hạt muối trong lòng đất, như nhúm men trong thúng bột. Nhiều người sống quanh ta không tin ở đời sau, và đa số không tin việc sống lại. Do chính cuộc sống chúng ta, chúng ta phải làm sao chứng minh cho mọi người về niềm tin của chúng ta:
– Tin rằng xác loài người ngày sau sống lại, chúng ta phải làm sao cho mọi người thấy rằng ngoài những giá trị thuần túy vật chất như tiền bạc, cơm áo, tài sản… còn có những giá trị tinh thần quý báu hơn như thà mất mát một vài tiện ích vật chất chứ không phạm tội để bảo tồn những giá trị thiêng liêng của linh hồn; như không khư khư nhắm mắt chỉ lo cho đời sống vật chất đời này mà quên mất đời sau: như dám quảng đại hy sinh chia xẻ những của cải mình đang có cho những người anh chị em túng thiếu hơn mình…
Một niềm tin chắc chắn và được biểu lộ qua một cuộc sống cụ thể như thế mới làm cho những kẻ không tin không chế nhạo chúng ta và còn có sức lôi kéo họ đi theo niềm tin của chúng ta về việc kẻ chết sống lại.
* 3. Hợp hoan bên Chúa
Trong kho tàng chuyện cổ Tây Phương có câu chuyện Công Chúa Ngủ Trong Rừng, như sau:
Ngày xưa, ở vương quốc hạnh phúc, nhà vua sinh dược một công chúa xinh đẹp tuyệt vời. Lễ rửa tội được tổ chức linh đình, có mặt các bà tiên, mỗi bà tặng công chúa một món quà là một lời chúc tốt đẹp.
Dù không được mời, mụ phù thuỷ ghen tức cũng bay đến, lẩm bẩm câu chúc dữ: “Một ngày kia, cái suốt chỉ sẽ đâm vào tay công chúa và con bé sẽ phải chết!” Nói xong, mụ bay vù qua cửa sổ. Mọi người buồn bã mất vui. May thay, vẫn còn một bà tiên tốt bụng đến trễ. Bà nói: “Ta sẽ làm nhẹ lời nguyền rủa ấy: cô bé sẽ không chết, chỉ ngủ một giấc rất dài cho tới khi một hoàng tử tốt lành, sẽ đến nắm tay kéo dậy và cô sẽ được hạnh phúc mãi mãi”.
Để đề phòng, nhà vua cấm tất cả thần dân không được dùng suốt chỉ. Nhưng một ngày kia, công chúa lên tháp canh trong lâu dài và thấy một bà lão đang khâu vá. Cô xin bà cho khâu thử. Thế là cái suốt chỉ đâm vào tay cô, cô lăn ra chết!
Người ta đặt xác cô giữa lâu đài, nhưng các bà tiên tốt bụng đã khiến mọi người trong lâu đài cùng bất tỉnh cả. Một rừng cây mọc lên che phủ lâu đài. Hoa thơm cỏ lạ bốn mùa đua nở.
Thời gian trôi đi đã ngàn năm, cho đến khi một hoàng tử lịch lãm đi săn ngang qua đó, khám phá ra toà lâu đài. Chàng bước vào ngỡ ngàng trước nàng công chúa xinh đẹp. Hoàng tử đã quì gối cầm tay công chúa, và nàng liền mở mắt chỗi dậy. Thế là hoàng tử rước công chúa về kinh thành, xin vua cha tổ chức lễ cưới linh đình.
*
Công chúa ngủ trong rừng chính là hình ảnh của người tín hữu an nghỉ trong ơn nghĩa Chúa. Sau một giấc ngủ dài họ được Thái Tử Bình An là chính Chúa Giêsu cầm tay nâng dậy, đưa vào tiệc cưới Nước Trời.
Chúng ta tin rằng con người sinh ra là để được sống mãi. Cái chết chỉ là ngưỡng cửa đưa vào chốn trường sinh. Một người chỉ có một cuộc sống, cuộc sống đời này sẽ quyết định số phận cho cuộc sống đời sau. Việc thiện hôm nay sẽ bảo đảm cho hạnh phúc ngày mai. Đúng như câu hát của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Ngày mai, đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Phái Xa đốc, trái lại, họ không tin có sự sống đời sau, cũng chẳng tin có sự sống lại, nên hôm nay, Chúa Giêsu muốn tiết lộ một vài hình ảnh của đời sau rằng: Đời sau khác hẳn đời này. Người ta “không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” vì con người “không thể chết nữa”, nên đâu cần sinh con để bảo tồn nòi giống, nhưng được “sống ngang hàng với các thiên thần” là ca ngợi, tôn vinh và phụng thờ Thiên Chúa. Họ được thông phần vinh quang Thiên Chúa (Lv 12, 7), được dự phần vào dòng dõi của Người (1 Ga 3, 2). Thánh Phao lô viết: “Việc kẻ chất sống lại cũng vậy. Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt, gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí mà chỗi dậy là thân thể có thần khí (1 Cr 15, 42-44).
Quả thật, con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trường sinh, nhưng vì sự đố kỵ của ma quỷ mà cái chết đã nhập vào thế gian. Thánh ý của Thiên Chúa không thể mãi mãi bị ngăn chặn bởi quỷ ma, con người phải tìm lại được quyền bất tử của mình. Đó là sự sống lại của những người Công chính. Lời than thở của thánh Augúttinô đã nói lên nỗi khát khao của con người: “Lạy chúa Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa, nên lòng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.
Chúa dựng nên con người để hưởng hạnh phúc, nhưng không chỉ là hạnh phúc tạm bợ đời này, mà là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau, về với Đấng hằng đợi chờ và yêu thương ta mãi mãi. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú bên đường mà quên cùng đích cuộc đời là phải gặp được Chúa. Có những kẻ sống như thể mình không bao giờ phải chết, họ ung dung hưởng thụ những thú vui trần tục. Họ đã chết ngay khi còn đang sống. Có những kẻ sống như thể chỉ có đời này, tự điển sống của họ không có từ “đời sau”. Họ đang sống mà như đã chết.
*
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con hưởng dùng hương hoa của cuộc sống cùng với bao niềm vui và hạnh phúc. Chúng con chỉ xin Chúa thêm một ân huệ này là cho chúng con được về hợp hoan với Chúa đời đời. Amen. (TP)
* 4. Nghĩ đến sự chết
Càng lớn tuổi, chúng ta càng ý thức rằng cuộc sống này ngắn ngủi chừng nào và mỏng dòn như thế nào. Và mặc dù không muốn, càng ngày chúng ta càng nghĩ nhiều về sự chết.
Việc suy nghĩ về sự chết không nên khiến chúng ta bi quan sợ hãi, trái lại nó phải đem đến cho chúng ta những giá trị tích cực: nhờ nghĩ đến cái chết, chúng ta sẽ yêu quý sự sống hơn; nhờ nghĩ đến cái chết, chúng ta sẽ đón nhận từng ngày sống như một món quà; và khi đón nhận cuộc sống như một món quà của Chúa, chúng ta sẽ sống mà yêu thương Chúa nhiều hơn.
Chết chỉ là một bước đi qua. Tuy nhiên, nhiều người nghe nói thế mà không muốn tin như thế. Thực ra, có gì khó tin lắm đâu? Cuộc đời vốn gồm nhiều bước đi qua:
- Khi chúng ta sinh ra là chúng ta đi qua từ cuộc sống trong bụng mẹ sang cuộc sống bên ngoài.
- Khi chúng ta đến trường là chúng ta đi qua từ cuộc sống ở gia đình nhỏ bé sang cuộc sống ở một cộng đồng rộng lớn hơn.
- Khi lập gia đình là chúng ta đi qua từ cuộc sống một mình sang cuộc sống lứa đôi.
- Khi đến tuổi hưu dưỡng, chúng ta sẽ đi qua từ cuộc sống làm việc sang cuộc sống nghỉ ngơi.
Mỗi một bước đi qua đều dẫn đến một tình trạng vừa giống như chết nhưng đồng thời cũng là một cách sống mới.
Thì ngày chết cũng vậy: đó là một bước đi qua từ cuộc sống đời này sang cuộc sống đời sau.
* 5. Làm chứng cho niềm tin vào cuộc sống đời sau
Bà mẹ và 7 người con trong bài đọc I là những người tin có sự sống đời sau, và họ đã làm chứng cho niềm tin ấy bằng cách dám hy sinh mạng sống đời này.
Chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau thì chúng ta cũng phải làm chứng cho người khác thấy là chúng ta thực sự tin như thế. Người khác mà thấy chúng ta thực sự tin như thế thì có thể họ mới tin theo chúng ta.
Nhưng thế nào là chứng tỏ mình thực sự tin vào cuộc sống đời sau?
- Là chúng ta dám từ bỏ những thứ mà cuộc sống đời này cần.
- Là chúng ta không quá sợ khổ và sợ chết.
- Là trong khi còn sống, chúng ta không chỉ tìm kiếm những giá trị vật chất để bảo đảm cho đời này, mà còn tìm kiếm cách hăng say hơn những giá trị tinh thần và đạo đức là bảo đảm cho cuộc sống đời sau.
* 6. Kinh nghiệm cận tử
Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:
- Cảm nghiệm thứ nhất của những người ấy là thấy mình rời khỏi thân xác của mình, đồng thời cảm thấy nhẹ nhàng dễ chịu sau khi rời khỏi thân xác.
- Cảm nghiệm thứ hai là thấy mình đi trong một đường hầm rất dài. Sau khi đi hết đường hầm thì tới một vùng ánh sáng và gặp một Đấng tỏa ra ánh sáng. Thứ ánh sáng này sáng hơn mọi thứ ánh sáng họ đã từng thấy ở trần gian nhưng không chói mắt mà lại rất dễ chịu, đến nỗi họ muốn được ở mãi trong ánh sáng đó và bên cạnh Đấng tỏa ánh sáng đó.
- Cảm nghiệm thứ ba là được Đấng sáng láng ấy cho thấy lại cuộc đời của họ, giống như xem một cuốn phim quay tất cả những lời nói việc làm và suy nghĩ của họ từ hồi có trí khôn cho đến lúc chết. Lúc xem lại cuốn phim cuộc đời ấy, khi thấy một việc xấu thì tự nhiên lòng họ cảm thấy buồn và bứt rứt khó chịu, đồng thời đấng sáng láng ấy đánh giá cho họ biết đó là một việc làm không tốt. Ngược lại khi thấy một việc tốt thì họ cảm thấy vui, dễ chịu và hạnh phúc, đồng thời đấng sáng láng ấy khen thưởng. Những việc tốt là những việc đã làm vì lòng yêu thương, những việc xấu là những việc họ đã làm do động cơ không yêu thương.
- Được ở trong ánh sáng huyền diệu ấy và ở gần đấng sáng láng ấy, ai cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc nên muốn ở lại mãi, nhưng Đấng ấy bảo: “Bây giờ con chưa được ở lại, vì con còn nhiều việc bổn phận phải làm ở trần gian. Vậy con phải về”. Và khi đó là lúc họ tỉnh lại.
- Tất cả những người sống lại ấy đều thay đổi cách sống: từ đó trở đi họ không sợ chết nữa; họ không coi trọng việc tìm kiếm danh lợi thú nữa mà chỉ lo chu toàn bổn phận và đối xử với mọi người bằng tình thương.
*V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu nói: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Tin tưởng vài tín điều kẻ chết sống lại, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
-1. Hội thánh là hiện thân của Thiên Chúa Tình yêu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh / biết cố gắng sống trọn vẹn đức bác ái yêu thương / để mọi người nhận biết Chúa qua chính đời sống của mình.
-2. Thử thách gian truân dễ làm cho con người mất niềm tin / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang gặp khó khăn / buồn phiền trong cuộc sống / biết tìm đến Chúa là Đấng hay an ủi kẻ ưu phiền.
-3. Chúa yêu thương hết thảy mọi người / không bao giờ kỳ thị thiên tư / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết noi gương Chúa trong cách cư xử của mình.
-4. Cuộc sống hôm nay quyết định số phận mai sau của người tín hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết nhiệt thành sống đức tin / để nhờ đó mà được hưởng sự sống đời đời.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, việc Chúa Phục sinh từ cõi chết là một đảm bảo cho cuộc sống đời sau của chúng con. Xin cho chúng con biết tuân giữ trọn vẹn Lề Luật của Chúa, để sau này cùng được chung hưởng vinh phúc trên trời với Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
*VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha: Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta là con của Ngài. Ngài dẫn dắt từng bước chân ta đi trên con đường dương thế này, và cuối cùng Ngài sẽ dẫn chúng ta về nhà Ngài. Với tất cả lòng tin yêu phó thác, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài.
*VII. Giải tán
Xin Thiên Chúa thắp lên trong lòng anh chị em niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau. Xin cho niềm hy vọng ấy là động cơ giúp anh chị em sống tốt trong từng giây phút của cuộc sống đời này. Lễ xong, chúc anh chị em luôn bình an.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
CUỘC SỐNG MAI HẬU- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Chết là một qui luật phổ biến : mọi người đều phải chết. Người Việt nam chúng ta tin rằng, trong tình trạng bình thường, cuộc đời của mỗi người phải trải qua 4 giai đọan : sinh, lão, bệnh, tử. Chết là giai đọan kết thúc cuộc đời. Nhưng chết rồi sẽ ra sao ? Đi về đâu ? Hay là đi vào hư vô ? Người Việt chúng ta tin rằng chết là trở về cội nguồn vì “Sinh ký tử qui” (Hòai Nam Tử) : Sống là gửi, là nhờ, chết mới là về !
Trong thời Đức Giêsu, người ta cũng tin như thế, nhất là với nhóm biệt phái. Nhưng nhóm Sađucêu là những tư tế thiên về chính trị và vật chất thì không tin như thế. Họ không tin có sự sống lại và sự sống đời sau. Do đó họ đã cố bịa ra một câu chuyện kỳ cục để gài Đức Giêsu vào thế bí và để cho mọi người thấy rằng sống lại là một chuyện lố bịch. Nhưng dựa vào Kinh Thánh, Đức Giêsu đã chứng minh cho họ là có sự sống lại và có đời sau; đồng thời cũng cho họ biết là đời sống mai hậu khác với đời sống ở trần gian này, không còn cưới vợ gả chồng nữa, người lành sống lại giống như các thiên thần luôn lo việc phụng thờ và ca ngợi Thiên Chúa trong hạnh phúc vinh quang.
Chúng ta vẫn tuyên xưng niềm tin ấy khi đọc kinh Tin kính :”Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Lời thánh Phaolô nhắn gửi cho tín hữu Côrintô càng làm cho chúng ta xác tín :”Nếu chết là hết, thì quả thật chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong thiên ha”(x. 1Cr 15,19). Cuộc sống của chúng ta ở trần gian này là cuộc hành trình đi về nguồn cội là quê trời, nơi mà Đức Giêsu đã nói :”Để con ở đâu thì chúng cũng ở nơi đó với Con”. Cuộc sống mai hậu của chúng ta sẽ như thế nào thì tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại của chúng ta ở trần gian này vì “gieo giống nào thì gặt giống nấy”.
*B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : 2Mcb 7,1-2.9-14.
Khi cuộc bách hại khốc liệt xẩy ra vào thế kỷ II thời vua Antiochus, dân Do thái đã có những vị tử đạo. Câu chuyện kể về một bà mẹ với 7 người con thà chịu chết chứ không chịu bỏ đạo Chúa đã chứng tỏ niềm tin ngày càng gia tăng rằng sau khi chết, mỗi người vẫn còn tiếp tục sống. Lần đầu tiên các vị tử đạo của Cựu ước đã khẳng định xác kẻ lành sẽ được phục sinh. Sở dĩ những thanh niên này can đảm chối từ sự sống trần thế, là vì họ tin chắc rằng Thiên Chúa đủ quyền năng để phục sinh họ vĩnh viễn.
Giá trị câu chuyện ở chỗ cho thấy sự phục sinh không là một ý tưởng. Đó là niềm hy vọng cho những ai chịu mất mạng. Hồng ân đáp lại sự dâng hiến. Ai không bao giờ cho sẽ không mong lãnh nhận được điều gì. Tư tưởng này liên kết với Tin mừng hôm nay.
+ Bài đọc 2 : 2Tx 2,16-3,5.
Tiếp theo đoạn thư của Chúa nhật tuần trước, thánh Phaolô khuyên tín hữu Thessalonica hãy kiên tâm bền chí. Khó khăn không thiếu, nhưng phương tiện để vượt qua cũng nhiều, đó là lòng trung tín chân thật dựa trên Lời Chúa và những hướng dẫn của ngài.
Sau đó, ngài xin họ cầu nguyện cho việc truyền giáo của ngài được thành công, dù gặp nhiều chông gai. Ngài phục vụ Lời Chúa và mong Lời Chúa được hoàn thành cũng như được “tôn vinh” nơi lời đáp xin vâng của những người được Lời Chúa kêu gọi.
+ Bài Tin mừng : Lc 20,27-38.
Nhóm Sađucêu thiên về chính trị có quan điểm khác với nhóm biệt phái và luật sĩ. Họ không tin có cuộc sống đời sau. Họ không công nhận điều gì ngoài những điều Thiên Chúa đã mạc khải cho Maisen. Họ bác bỏ sự sống lại và cho rằng đó chỉ là truyền thống hoàn toàn của con người. Họ tưởng rằng cuộc sống mai hậu nếu có thì cũng chỉ như cuộc sống ở đời này, cũng cưới vợ gả chồng, sinh con cái và hưởng thụ tất cả lạc thú như ở đời này. Nên họ đưa ra cho Đức Giêsu một vấn nạn khó giải quyết.
Để trả lời cho họ, Đức Giêsu vừa xác nhận có sự sống đời sau, vừa cho họ biết ý nghĩa về cuộc sống ấy :
– Trong cuộc sống mai hậu, người ta sẽ bất tử, không còn vấn đề truyền sinh, nên không còn cưới vợ gả chồng nữa.
– Trong ngày sống lại, người ta sẽ giống như các thiên thần để hưởng hạnh phúc bên Chúa.
Đức Giêsu cho chúng ta hiểu rằng ngôn ngữ loài người không đủ sức diễn tả tình trạng cụ thể của người được phục sinh. Câu hỏi của nhóm Sađcêu vì thế không đáng phải ghi nhớ.
*C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Cuộc sống mai hậu của chúng ta.
*I. MỘT VẤN NẠN ĐƯỢC ĐẶT RA.
*1. Thân thế nhóm Sađucêu.
Trong thời Đức Giêsu, có ba nhóm rất có thế lực và chi phối đời sống tôn giáo cũng như xã hội Do thái. Ba nhóm ây là luật sĩ, biệt phái và Sađucêu. Nhóm luật sĩ và biệt phái là những người đạo đức chuyên lo việc học hỏi Thánh Kinh và giữ luật một cách tỉ mỉ. Họ chuyên lo việc đạo chứ không quan tâm đến chính trị. Tuy thế, họ là những người giả hình và hay chống đối Đức Giêsu. Nhiều lần Ngài đã phải thẳng thắn vạch trần bộ mặt giả dối của họ.
Còn nhóm thứ ba là Sađucêu. Đây là một nhóm tư tế cao cấp trong Do thái giáo. Họ có quyền cả về sinh hoạt tôn giáo và chính trị Do thái từ trước thời Đức Kitô. Họ chỉ chấp nhận Ngũ Kinh, coi Maisen là vị tiên tri vĩ đại và hoài nghi các tiên tri khác. Họ không tin linh hồn bất tử và sự sống lại (họ trái ngược và kình địch với nhóm biệt phái) vì hai lý do : một là họ bảo giáo lý về sự sống đời sau không có trong Thánh Kinh (đối với họ chỉ có luật Maisen thôi), hai là họ nghĩ rằng : quyền năng của Thiên Chúa không vượt qua con người.
*2. Một cái bẫy được giương ra .
Với trí khôn minh mẫn và trào phúng, họ cố làm cho câu chuyện sống lại trở nên lố bịch và buồn cười, họ đã nại đến thế giá ông Maisen mà Đức Giêsu không thể không nhìn nhận (Đnl 23,5) để bịa ra câu chuyện về sự sống lại.
Theo luật Maisen, luật mà Thánh Kinh gọi là luật Levirat (Dt 25, 5-10), khi có người anh em trong gia đình chết mà không có con, người anh em còn sống phải lấy chị dâu hay em dâu góa để gây dòng họ cho anh em mình. Đứa con đầu tiên sinh ra do sự phối ngẫu này được xem như là con đẻ của người anh xấu số, được phép nhân danh người quá cố để tiếp tục sống trong cộng đoàn Israel. Theo phái Sađucêu, việc áp dụng luật như vậy, nhất thiết chứng minh rằng không có sự sống lại. Họ hỏi Đức Giêsu : Nếu một người đàn bà theo luật Levirat lấy liên tiếp 7 anh em mà không có con thì khi sống lại bà là vợ ai ?
Thực ra, trong thực tế không có trường hợp nào xẩy ra như vậy; nhưng ở đây chỗ quá đáng của 7 anh em có mục đích cho ta thấy việc sống lại là một việc không thể tin được.
Cái sai lầm của những người Sađucêu đặt ra câu chuyện này là ở chỗ quan niệm có tính cách vật chất về sự sống lại. Họ nghĩ đời sống trần gian này thế nào, thì khi sống lại ở đời sau cũng vậy : Đời này dựng vợ gả chồng thì đời sau cũng chồng nào vợ nấy.
*II. MỘT GIẢI ĐÁP ĐƯỢC THỰC HIỆN.
Đức Giêsu đã trả lời bằng cách bác bỏ quan niệm sai lầm về sự sống lại mà phái Sađucêu chế giễu. Ngài chứng minh rằng :”Con cái đời này cưới vợ gả chồng”, sự sống tại trần thế có cưới vợ gả chồng vì lẽ đời sống con người có sinh có tử, và vì có tử nên con người cần phải dựng vợ gả chồng để truyền sinh và nối dõi.
Trong đời sống mai hậu họ không còn cưới vợ gả chồng vì hai lý do : một là vì họ sẽ không thể chết được nữa, và họ được ngang hàng với các thiên thần; hai là vì họ trở nên con cái Thiên Chúa, và là con cái của sự sống lại, nghĩa là được thừa hưởng một thế giới mới và sự sống mới từ nơi Thiên Chúa.
* “Quả thật, họ không thể chết nữa”, vì được ngang hàng với các thiên thần : khi sống đời đời, người ta sẽ không còn lo lắng việc đời nữa, ngoài việc phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa, giống như nhiệm vụ của các thiên thần.
* “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” : Kiểu nói của người Sêmít này có nghĩa là một khi được Thiên Chúa nhận là con cái thì họ cũng được thừa hưởng thế giới mới và sự sống mới nhờ việc sống lại (x. Ep 1,5; Rm 8,18-21).
Còn nói về việc kẻ chết sống lại thì Đức Giêsu dựa vào Thánh Kinh để chứng minh có sự sống lại. Ngài nêu ra một đoạn trong sách Xuất hành mà nhóm Sađucêu công nhận để chứng minh chân lý ấy : khi hiện ra với Maisen trong bụi gai đang cháy, Thiên Chúa đã tự xưng là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác và Thiên Chúa của Giacóp (x. Xh 3,6). Mà Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống : Các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp dù đã qua đời, nhưng câu nói của Thiên Chúa với Maisen có hàm ý là các vị ấy hiện vẫn còn sống. Vì Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống đang điều khiển lịch sử loài người. Ngài không thể là Thiên Chúa của những kẻ chết, mà phải là của những kẻ sống. Con người gồm cả hồn lẫn xác, nên không những linh hồn con người thiêng liêng không bao giờ chết được, mà cả thân xác con người, dù có hóa thành bụi đất, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa Hằng Sống, cũng sẽ được sống lại trong ngày tận thế (x. Ga 11,23-26).
*III. CUỘC SỐNG ĐỜI NAY VÀ MAI HẬU.
*1. Chết là một qui luật phổ biến.
Có biết bao vĩ nhân thế giới, biết bao anh hùng cái thế đã qua đi mà chỉ còn trong sử sách. Ngay Hoàng đế Tần Thủy Hoàng của Trung hoa xưa đã truyền lệnh cho các thầy thuốc tìm ra thuốc trường sinh cho nhà vua mà đành chịu bó tay. Ông đã chết như mọi người. Kinh nghiệm này đã được Văn Thiên Trường nói lên như một khẳng định :
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” : từ xưa đến nay ai mà không chết ? Đúng vậy. Đời người ngắn ngủi lắm. Thi sĩ Cao Bá Quát cũng nói lên kinh nghiệm đó trong mấy vần thơ :
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
Tiêu khiển một vài chung lếu láo.
Thi sĩ nghĩ rằng đời người vắn vỏi lắm, dài nhất là 3 vạn 6 ngàn ngày, nghĩa là 100 năm, sau đó thì ai cũng chết, mà chết là hết tất cả, cho nên còn sống bao lâu thì hãy lo ăn chơi, hưởng thụ, uống rượu “tiêu khiển một vài chung lếu láo”.
*2. Nhưng chết là gì ?
Có nhiều cách định nghĩa về cái chết nhưng không định nghĩa nào thấy thỏa đáng. Chúng ta chỉ biết rằng con người kết thúc cuộc đời này khi linh hồn lìa khỏi xác. Chỉ khi nào linh hồn lìa khỏi xác thì mới là chết thật.
Chết là một sự chuyển đổi chứ không phải là một mất mát, đi vào ngõ cụt hay đi vào hư vô.
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu trước khi sinh thì đã nói với chị em đang đứng chung quanh :”Em không chết đâu, em đi vào cõi sống”.
Ngay cả những người ngoại giáo từ ngày xưa đã tin như thế, nên Hòai Nam Tử đã nói :”Sinh ký tử qui” : sống là sống gửi, còn chết mới là về. Về đâu ? Đi về cội nguồn, đi về một kiếp khác chứ không phải đi vào hư vô.
Cũng trong niềm tin đó, thi sĩ Nguyễn Du trong “Đoạn trường tân thanh” đã khẳng định :”Thác là thể phách còn là tinh anh”.
Lời than thở của thánh Augustinô đã nói lên nỗi khát khao của con người được an nghỉ trong Chúa sau khi lìa cõi đời này :”Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa, nên hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.
Truyện : Đại tá David Marcus.
Đại tá David Marcus bị chết trong trận chiến ở Israel tháng 6 năm 1948. Trong bóp của ông, người ta thấy một tấm thẻ ghi lại những lời thi vị hóa cái chết như sau :
“Tôi đang đứng trên bờ biển. Bên cạnh tôi một con tầu đang trương buồm trắng phất phơ trong gió sớm hướng về đại dương. Con tầu trông thật đẹp và mạnh mẽ. Tôi đứng nhìn theo nó cho đến khi nó chỉ còn là một dải mây trắng nơi trời và nước hòa lẫn với nhau. Lúc đó có người đứng cạnh tôi thốt lên :”Kìa, con tầu biến mất rồi” ! – Biến đi đâu ? – Biến khỏi tầm mắt tôi, thế thôi ! Nó vẫn là cột buồm, là vỏ tầu rộng lớn như lúc nó rời cạnh tôi và cũng vẫn đủ khả năng mang hàng hóa tươi sống đến nơi đã định. Kích thước con tầu chỉ giảm đi trong ánh nhìn của tôi chứ không phải nơi chính nó. Và ngay lúc đó tiếng người cạnh tôi vang lên :”Kìa ! Nó biến mất rồi”! thì lại có nhiều tiếng khác ở chân trời đàng kia vang lên đầy hoan hỉ :”Kìa ! Nó đến rồi”! Và đó chính là lúc chết (M. Link).
*3. Kiếp sống mai hậu.
Nhiều người tự nghĩ : nếu cuộc sống chỉ có đời này, và chết là hết, thì liệu những việc tôi đang làm đây có ý nghĩa gì không ? Và nói như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô : “Nếu chết là hết, thì quả thực chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ” (x. Cr 15,19). Quả thật, nếu không có niềm tin vào sự sống lại, không có niềm tin vào sự phán xét công minh và yêu thương của Thiên Chúa sau khi chết, có lẽ không ai trong chúng ta ngu dại gì mà sống ngay thẳng, thành thật; và cũng chẳng có ai dù đủ kiên trì để chịu đựng những thử thách, bất công, hoặc cũng chẳng ai dại gì mà đi chia sẻ, giúp đỡ người khác nếu điều đó không có lợi cho mình.
Tiền nhân chúng ta tin tưởng :”Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : Có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt. Điều này rất hợp với tự nhiên, bởi vì kinh nghiệm đã cho thấy nhiều người ngay lành gặp phải rủi ro trong khi những người tội lỗi gặp nhiều may mắn, nếu không có thưởng phạt đời sau, thì sao cho hợp lẽ công bằng ?
Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử”(near death experience) : nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau :
– Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
– Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).
Chúng ta chưa ai có kinh nghiệm về cuộc sống mai hậu nên không thể hiểu được và cũng không diễn tả được, nhưng chúng ta hãy tin vào Lời Chúa. Đức Giêsu cho chúng ta biết trật tự, cách tổ chức, sinh hoạt, cách thế hiện hữu trong cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đối với cuộc sống mai hậu, con người không hề có một kinh nghiệm nào và cũng không có một từ ngữ nào tương xứng để diễn tả. Thánh Phaolô có nói về sự siêu nghiệm ấy như sau :”Điều mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người là điều mà mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ được”(1Cr 2,9).
Đức Giêsu đã khẳng định : Đời sống của các kẻ sống lại được hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống, là đời sống hoàn toàn mới lạ so với đời sống trần gian này. Đời sống đó không có kiểu mẫu nào ở đời này cả. Đó là một cuộc sống không thể nào tưởng tượng ra nổi, một cuộc sống hoàn toàn được biến đổi, một cuộc sống của những người “con Thiên Chúa”, những “người được hưởng ơn phục sinh” :”Họ giống như các thiên thần”.
Truyện : Bác sĩ Paul Nagai.
Chết không phải là hết. Paul Nagai, từ sau quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, đã trở thành con người bất hủ, vì sự tận tụy và tấm lòng hy sinh vô bờ bến của ông đối với các nạn nhân.
Chính ông đã để lại mấy dòng tâm sự làm cho ta biết tại sao ông từ vô thần đã trở thành con người có tin tưởng.
“Trong kỳ nghỉ xuân – lời ông – lúc đó tôi học hết năm thứ hai đại học y khoa, mẹ tôi bị trúng phong. Tôi hối hả chạy đến đầu giường mẹ tôi, người chỉ còn một chút hơi thở. Mẹ tôi trừng trừng nhìn tôi, mà thở ra. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt bà mẹ đã sinh ra, đã giáo dục và đã thương tôi đến cùng, cặp mắt này nói cho tôi một cách rõ rệt : dầu sao khi người khuất núi, người vẫn còn luôn luôn ở bên Takashi yêu dấu của bà. Tôi nhìn trong con mắt đó, tôi con người đã không tin có linh hồn và tự nhiên tôi cảm thấy : linh hồn mẹ tôi có; linh hồn mẹ tôi lìa khỏi xác nhưng còn tồn tại mãi mãi”.
Sau đó ông thêm rằng :”Con người tôi đã đổi hẳn, dầu tôi làm hết sức cũng không thể làm cho tôi tin phục rằng cái đã gọi là mẹ tôi đã bị hoàn toàn tiêu diệt… Con mắt tôi lần đầu tiên mở ra nhìn thấy cái thế giới siêu hình” (Văn Quy, Đi về đâu, tr 7-8).
*4. Tin vào sự sống lại.
Chúng ta rất phấn khởi và đầy tin tưởng khi đọc lời tung hô Alleluia :”Vạn tuế Đức Kitô, Đấng đầu tiên từ cõi chết sống lại. Người vinh hiển quyền năng. Vạn vạn tuế”. Người là đầu thân thể đã sống lại để cho chi thể được sống lại với Người.
Mỗi khi chúng ta đọc kinh Tin kính, chúng ta vẫn tuyên xưng :”Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Chúng ta tuyên xưng như thế và chúng ta tin điều đó dễ dàng. Chứ thực ra vấn đề này không dễ dàng cả vào thời Đức Giêsu lẫn ở thời nay.
Người Kitô hữu tin rằng không chỉ có linh hồn tham dự vào cuộc sống mai hậu, mà cả thân xác cũng sẽ sống lại sau khi hư nát một thời gian, để tham dự vào sự sống thần linh và vĩnh cửu đời sau. Thân xác ấy sẽ được biến đổi để phù hợp với cách hiện hữu mới ấy. Niềm tin vào sự sống lại được xây dựng trên nền tảng sự sống lại của Đức Kitô, mà các tông đồ là những người đã thấy tận mắt, đã sẵn sàng chịu đau khổ và chết để làm chứng. “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”(Cv 2,32; 10,41).Đây là một trong những niềm tin căn bản nhất của người Kitô hữu, đến nỗi có thể nói ai không tin vào sự sống lại thì không phải là Kitô hữu.
Tin vào sự sống lại không phải là niềm tin vu vơ, phản khoa học, nhưng ngược lại chính các nhà khoa học thượng thặng lại tin nhận điều đó. Ông Eymieu đã công bố bản thống kê 432 nhà bác học thế kỷ 19 thì có 367 vị tin có Thiên Chúa và sự sống lại. Bác sĩ Dennaert người Đức cho biết trong số 300 nhà bác học lỗi lạc nhất ở 4 thế kỷ vừa qua có 242 vị tin, 38 vị không rõ lập trường, 20 vị không tin và dửng dưng (Văn Quy, Đi về đâu, tr 39).
Truyện : Con bọ nước.
Một nhà sản xuất và giám đốc của một hãng phim lớn, ông Cecil B. DeMille vừa có nhiều năng khiếu về nghệ thuật, lại có đời sống nội tâm sâu xa nữa. Ông nhận xét sự chia sẻ của mình với bạn bè như sau :
“Trong khi đi thuyền canô trên hồ Maine, ông chú ý thấy một bầy con bọ nước cánh cứng ngay dưới mặt nước. Một con trong bầy ngoi lên trên mặt nước và từ từ bò lên mạn thuyền canô. Sau cùng, nó phấn đấu leo lên được bên trên thuyền, bám vào thành gỗ và lăn ra chết. DeMille đã quên bẵng đi con bọ nước này cho đến mấy tiếng đồng hồ sau đó ông lại chú ý thấy một con bọ nước khác. Trong ánh mặt trời ấm áp, cái vỏ cứng bên ngoài của nó đã trở nên khô và dòn. Chăm chú theo dõi, ông thấy cái vỏ của nó đã vỡ đôi ra, và từ bên trong nổi ra một hình thức mới, một con chuồn chuồn, cất cánh bay lên không gian với mầu sắc tráng lệ lóng lánh trong ánh mặt trời. Chỉ trong một thoáng, con chuồn chuồn đã bay được xa hơn là con bọ nước bò đi chậm chạp trong nhiều ngày. Nó bay lượn vòng quanh, phóng lên, lao xuống, chập chờn trên mặt nước.
DeMille chú ý thấy cái bóng của nó in hình trên mặt hồ. Con bọ ở dưới nước cũng có thể nhìn thấy điều đó, nhưng bây giờ người đồng loại của chúng trước đây đã hiện hữu trong một tình trạng vượt xa sự hiểu biết của chúng. Còn con bọ nước vẫn đang sống trong thế giới nhỏ bé và giới hạn, trong khi người anh chị em bà con của nó đã có được tất cả sự tự do giữa trái đất và bầu trời.
Khi nói với bạn bè của ông điều đã nhìn thấy, DeMille đã kết luận với câu hỏi gợi ý như sau :”Có thể nào Thượng Đế vĩ đại của vũ trụ làm điều đó cho con bọ nước, lại không làm cho con người sao”(Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa…, tr 367-368).
*5. Chuẩn bị cho đời mai hậu.
Chúa dựng nên con người để hưởng hạnh phúc, nhưng không phải chỉ là hạnh phúc tạm bợ đời này, mà là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau, về với Đấng hằng đợi chờ và yêu thương ta mãi mãi. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú bên đường mà quên cùng đích cuộc đời là phải gặp được Chúa. Có những kẻ sống như thể mình không bao giờ phải chết, họ ung dung hưởng thụ những lạc thú trần tục. Họ đã chết ngay khi còn đang sống. Có những kẻ sống như thể chỉ có đời này, tự điển sống của họ không có từ “đời sau”. Họ đang sống mà như đã chết.
Cuộc đời này tuy ngắn ngủi, nhưng lại rất quan trọng : nó ảnh hưởng một cách quyết định đến cách thế hiện hữu của ta trong cuộc sống mai hậu. Một người sống đầy tình người, đầy yêu thương ở đời này chắc chắn tình trạng đời sau sẽ khác hẳn với người đời này sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình. Đời này là nhân, đời sau là quả : nhân nào sinh quả nấy, cây nào sinh trái nấy, “Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, cũng như cây xấu không thể sinh trái tốt”(Mt 7,17-18). Người làm tốt sẽ được thưởng, người làm điều xấu sẽ bị phạt như thư Rôma và sách Khải huyền viết :”Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm”(Rm 2,6; Kh 2,23).
Nói đến nguyên tắc “gieo gì thì gặt nấy”, phương Tây có một câu ngạn ngữ rất hay :
Nếu bạn muốn hạnh phúc một ngày, hãy mua một cái áo mới.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một tuần, hãy làm thịt một con heo.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một năm, hãy cưới vợ lấy chồng.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời, hãy làm người sống tử tế.
Nếu bạn muốn hạnh phúc muôn đời, hãy làm người có đạo tốt.
Để kết luận, chúng ta tự hỏi : Tôi sẽ chọn cho mình cách sống nào ? Sống để chiếm lấy vĩnh cửu hay là chỉ những kẻ chọn lấy đời này và đánh mất đời sau ? Đời sau vẫn cứ là huyền nhiệm lớn không thể tả. Chẳng ai biết thiên đàng, hỏa ngục như thế nào. Người ta chụp được rất nhiều hình ảnh lạ mắt, nhưng chưa từng có ai lấy được hình ảnh của thiên đàng hay hỏa ngục. Vì không thể tìm được chân dung, người tín hữu nói riêng và loài người nói chung, dễ bị cuốn hút vào những cái thấy được của cuộc đời này, bám chặt vào nó đến nỗi có lúc đã trở nên tội lỗi và lún sâu vào tội lỗi.
Chúng ta hãy tâm niệm rằng Sống là để chết. Ta biết mình đang đi về đời sau để gặp Đấng mà mình tin yêu suốt đời. Vì thế, cái chết không làm cho chúng ta bi quan, ngược lại, cái chết dạy ta biết cách sống. Ta hãy sống như sẽ chết, để khi chết, ta trở về nguồn cội đích thật của mình là quê hương vĩnh cửu. Nơi đó Chúa đang chờ để ban hạnh phúc muôn đời cho kẻ đã “xét đáng được dự phần đời sau” là chính chúng ta.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
SỐNG LẠI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.
Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay. Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:
1) Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết. Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.
Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại.
Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23)
Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.
*2) Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại. Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.
Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.
Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa. Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác? Thưa, tuy có khác nhưng ta vẫn là ta. Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ mà bà đã là cách nay 70 năm. Nhưng cả hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.
Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt nhưng vẫn có liên tục.
Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê nay được trở lại nhà cha mẹ. Tâm hồn luôn bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Cái chết là một thành phần của đời sống. Bạn chuẩn bị và đón nhận cái chết thế nào?
2) Con người sinh ra không phải để chết nhưng để sống. Bạn hiểu câu này thế nào?
3) Đời sau ta sẽ sống với Chúa. Ngay từ bây giờ bạn phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống với Chúa?
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
SỰ SỐNG ĐỜI SAU- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Hầu hết nhân loại đều tin con người qua khỏi đời này, sẽ có một cuộc sống khác: một cuộc sống đời sau, một cuộc sống lại, không phải chết là hết. Nhưng có một số người không tin có sự sống khác sau khi chết, nên họ đã đặt ra những vấn nạn vô lý.
Thời Đức Giêsu, phái Sa đốc (Sadduceéns) không tin có sự sống lại. Họ đã tưởng tượng ra câu chuyện khá lố bịch để hỏi Đức Giêsu: “Nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Môsê, người em phải lấy chị góa đó để có con nối dòng, và cả bảy anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị góa đó là vợ ai?”
Nếu nhận có sự sống lại theo họ nghĩ thì thật căng, thật khó xử và gây rất nhiều rắc rối. Vậy phải chấp nhận không có sự sống lại là khỏe, là giải quyết êm đẹp mọi vấn đề rắc rối! Họ khoái trí với lý luận đó và nhiều lý luận quá vật chất như thế. Lý luận của những người dựa vào giả thuyết tiến hóa của Charler Robert Darwin (1809-1882) cũng thế. Giả thuyết này cho rằng: mọi sinh vật đều có chung một tổ tông. Những hình thức cao hơn của đời sống phát sinh từ những biến dạng của những hình thức đơn giản hơn (Funk &Wagnalls: Encyclopedia). Đó mới chỉ là giả thuyết (hypothesis) chưa được xác minh theo phương pháp khoa học. Nếu mọi sinh vật đều bởi một Ông tổ vật chất nẩy sinh đột biến, thì chết đều trở về vật chất, không còn sự sống nữa.
Những người không tin có sống lại đó, họ vẫn xây những ngôi mộ thật đẹp, những lăng tẩm thật vững chắc. Họ kỷ niệm ngày chết tổ tiên, anh hùng long trọng. Chẳng lẽ họ lại tô điểm cho cái xác đã rữa thối? Tôn vinh những ngôi mộ bằng đất đá? Như vậy, miệng thì chối không có sự sống lại. Nhưng việc họ làm chứng tỏ lòng họ tiềm ẩn một niềm tin sống lại. Nếu chỉ vì ghi công và noi gương các bậc anh hùng, vĩ nhân thì cách tốt nhất là ghi lại trong sử xanh lưu danh muôn thuở. Mồ mả quá tốn phí, lại chóng đổ nát. Những người nhân danh khoa học để chối không có sống lại, không có Thiên Chúa, mà xây mồ mả như thế là phản khoa học.
May mắn thay số người như vậy quá ít, so với hầu hết nhân loại tin có sống lại, tin có Thiên Chúa Ông Eymieu đã công bố bảng thống kê 432 nhà bác học thế kỷ 19 thì có 367 vị tin có Thiên Chúa và sự sống lại. Bác sĩ Dennaert người Đức cho biết trong số 300 nhà bác học lỗi lạc nhất ở 4 thế kỷ vừa qua có 242 vị tin, 38 vị không rõ lập trường, 20 vị không tin và dửng dưng” (VQ. Đi Về Đâu – tr.39; René Courtois: Des Savants nous parlent de Dieu. p. 11).
Những tôn giáo vĩ đại như Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo đều tin có đời sau. Vạn thế sư biểu như Khổng Tử tin rằng chết là an nghỉ ngàn thu. Khi Tử Cống xin nghỉ học về thờ phụng cha mẹ cho khỏi mệt. Khổng Tử bảo việc nào trên đời này làm trọn bổn phận đều rất khó nhọc, nghỉ sao được! Tử Cống thất vọng kêu lên: Vậy con không có lúc nào được nghỉ ư? Khổng Tử đáp: Có chứ, lúc nào con thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, cái mộ được đắp chắn, người đưa con bỏ về. Bấy giờ là lúc con được nghỉ. Cống reo lên: Vậy chết hay thật, quân tử thì được nghỉ ngơi, tiểu nhân hết làm bậy” (Giảm chi. Đại vương THTH. Tr. 54). Khổng Tử còn dạy hiếu đối với cha mẹ: “Sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế” (Luận ngữ II, 5). Người Việt Nam tin chết là thể phách, còn là tinh anh, sinh ký tử qui. Sinh là ký gởi, chết là về cội nguồn tinh anh.
Hầu hết nhân loại tin có sự sống đời sau, nhưng chưa biết rõ thế nào. Bậc chí thành như Khổng Tử đã thú nhận rằng: “Vị tri sinh, yên tri tử”: Chưa biết rõ cái lẽ sống, thì cái lẽ chết cứ để yên đó. Chỉ mình Đức Giêsu là biết rõ cái lẽ chết đời sau, Người nói:
Thứ nhất: Đời này cưới lấy chồng vợ, đời sau thì không. Những ai được xét xứng đáng thì được hạnh phúc đời sau. Xét như một cuộc thi tuyển, chỉ tuyển những người sống xứng đáng ở đời này mới được thưởng hạnh phúc đời sau.
Thứ hai: Họ sống lại được giống như thiên thần. Đời sống Thiên Thần hoàn vượt trên tầm hiểu biết của trí thức khoa học và vượt mọi kinh nghiệm của loài người. Thiên Thần là bậc thiêng liêng tinh thần, không có hình hài thể xác cho nên không bị chết nữa, và các ngài đang được hưởng hạnh phúc vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta khi được sống lại cũng được sống như các ngài. Chúng ta có thể ví đời sau khác với đời này, như đứa trẻ khác với khi nó sống trong bào thai, như con bướm khác với lúc nó là con sâu, như cây xanh tốt khác với hạt mọc nên nó. Tuy vậy, nó có sự tiếp tục từ bào thai sang đứa trẻ, từ con sâu thành con bướm, từ hạt giống mọc nên cây.
Thứ ba: họ sống lại được làm con Thiên Chúa, sống thân mật với Thiên Chúa là Cha mà họ suốt đời kính mến hết lòng. Không còn vinh phúc nào hơn nữa, nên thánh Phaolô hằng “cầu xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã lấy lòng nhân hậu mà ban cho chúng ta niềm phấn khởi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” (Bài đọc II)
Sau hết: Họ sống lại vì Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Thiên Chúa đã dựng nên họ, đã cứu chuộc họ, đã chọn họ, yêu thương họ như các tổ phụ Abraham, Isaác, Giacóp để họ sống hưởng hạnh phúc trong gia đình đầy yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải để họ chết. Lời tung hô Alêluia đã reo vang lên: “Vạn tuế Đức Kitô, Đấng đầu tiên từ cõi chết sống lại. Người vinh hiển quyền năng, Vạn vạn tuế!”. Người là đầu thân thể đã sống lại để cho chi thể được sống lại với Người.
Lạy Chúa, là Cha chúng con, đã dựng nên và cứu độ chúng con. Xin cho chúng con luôn sống theo luật yêu thương của Chúa dù gặp gian nan khốn cực đến đâu, chúng con quyết noi gương bảy anh em Macabê để được sống lại vinh phúc đời đời.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
“AI TIN VÀO TA THÌ CÓ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI”– Lm. Gioan Nguyễn Tươi
Theo quy luật của kiếp nhân sinh, con người được sinh ra, lớn lên, già yếu, bệnh tật và chết đi. Không ai có thể thoát khỏi quy luật này. Tuy nhiên, người ta vẫn đặt câu hỏi. Sau khi chết, con người sẽ đi về đâu?
Trong trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nghe câu trả lời của Chúa Giê-su về sự sống lại từ cõi chết. Khi nhóm Xa-đốc đến gặp Chúa Giêsu, nhóm này chủ chương không tin có sự sống lại, và họ đặt câu hỏi cho Chúa Giê-su: “Có bảy người anh em lấy một phụ nữ. Sau đó, tất cả điều phải chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết đi. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Câu hỏi này không chỉ nhóm Xa-đốc đặt ra cho Chúa Giêsu về sự sống lại mà ngay cả thời đại này, con người vẫn đang đi tìm câu giải đáp sự sống đời sau.
Tất cả các tôn giáo đều tin có sự sống đời sau. Thuyết luân hồi của đạo Phật, người ta tin vong hồn sẽ đầu thai vào một thân xác nào đó, và trở thành một kiếp khác theo quy luật nhân quả quy định. Giáo lý nhà Phật gọi là vòng luân hồi. Nó cứ mãi chuyển xoay đến khi nào linh hồn rũ sạch hết bụi trần. Giáo thuyết nhấn mạnh đến cái nghiệp quả của người kiếp trước. Vì vậy, họ tin rằng, cái nghiệp đó sẽ được diệt sạch bằng việc tu tâm và lòng từ bi thì sẽ được siêu thoát.
Dưới ánh sáng Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu giải đáp rõ về sự sống đời sau: Khi con người sống lại, những ai được xét và hưởng phúc đời sau, họ sẽ được sống lại từ cõi chết, thì họ không còn cưới vợ gã chồng nữa và không thể chết nữa vì họ được ngang hàng với các thiên thần. Tất cả là con cái của Thiên Chúa và được hưởng viễn mãn trên thiên đàng. Tất nhiên, người phụ nữa đó cũng chẳng thuộc về ai.
Với cái nhìn của con người, chúng ta thường bị giới hạn bởi không gian và thời gian, hay lệ thuộc về một người nào đó, khi chúng ta sở hữu những thứ chúng ta có. Chẳng hạn, cái nhà chiếc xe, hay ngay cả chuyện vợ chồng. Chết rồi còn hỏi Chúa cô ta thì thuộc về ai. Con nguời luôn tự ràng buộc mình vào những thứ thuộc về thế gian, nên họ cố bám víu vào nó như là thước đo cho những giá trị hạnh phúc ở đời. Nhóm người Xa-đốc, họ vẫn còn mang nặng mùi theo kiểu trần tục trong việc vợ chồng, rồi họ đặt ra vấn đề cô ta sẽ thuộc về ai.?
Ngẫm nghĩ sự đời, người ta vẫn thường nói: “Chết rồi cũng không buông tha”. Đời người thật mong manh, chóng qua.
Dựa trên các quan niệm về đời sau, chúng ta có thể nhận thấy rằng, con người luôn khao khát tìm kiếm chân lý, để làm cứu cánh và định hướng đi cho cuộc đời. Lòng khát khao đó giúp cho con người sống mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mình, thì Thiên Chúa là con đường cho ta bước theo, là ánh sáng dẫn bước chúng ta. Ngài là ánh, là chân lý vĩnh cửu và trường tồn. Ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô thắp lên niềm tin và hy vọng cho tất cả nhân loại nhân, để nhận biết sự sống chiết suất từ Thiên Chúa. “Ai tin vào Ta sẽ được sống đời đời.” Giáo hội mời gọi chúng ta hãy luôn nhớ cầu nguyện cho các linh hồn trong tháng 11 này.
Chúa cho Lazarô sống lại thì Ngài cũng cho kẻ chết sống lại. Niềm tin và hy vọng của chúng ta là nơi Chúa Phục Sinh, Ngài sẽ chúng ta cũng được sống lại trong ngày sau hết, để hưởng phúc trên thiên đàng. Sự sống này chỉ thay đổi, chứ không mất đi. Với niềm xác tín vào sự sống đời đời, chúng ta sẽ biết chọn cho mình cách sống và hướng đi thích hợp ở đời này và cho đời sau. Đó là cách chọn lựa của mỗi người khi chúng ta sống trên trần gian này. Chúa Giê-su phán: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được gì?.”
Lạy Chúa:
– Con vẫn nghe Lời Chúa dặn, con người sẽ được sống lại, nhưng tâm hồn con vẫn còn xa lìa Chúa.
– Con biết một ngày nào đó, con sẽ từ giã cõi đời này, nhưng nơi cõi lòng con vẫn còn tham lam của cải, danh vọng và lạc thú.
– Con vẫn biết trần gian là quán trọ để dừng chân, nhưng chân con vẫn chạy theo những thứ vui giả trá để giết chết thể xác và linh hồn.
– Con biết sự dữ và tội ác đang vây bủa thân con bởi kiêu ngạo, hận thù và gian ác nhưng con vẫn làm ngơ trước sự cám dỗ của ma quỷ.
Xin Ngài thương xót và cứu chữa linh hồn con cả đời này và đời sau. Amen.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
THIÊN GIỚI– Lm. Vũ Đình Tường
Mỗi lần tham dự lễ mừng ngân khánh, kim khánh kỷ niệm đám cưới đều là những dịp đặc biệt vui không phải riêng cho đôi hôn nhân mà còn cho con cháu và mọi người tham dự.
Mừng vui vì họ đã trải qua một chặng đường dài nhiều chông gai trong cuộc sống hôn nhân. Đời sống hôn nhân được ví như người đi biển hoặc như người đi trong đêm. Tựa như lênh đênh trên biển cả bởi họ không biết khi nào sóng to gió lớn ập đến. Có khi là mây đen che phủ, có khi là bão tố ầm ầm. Đời sống hôn nhân ví như người lữ hành trong đêm không biết bước kế tiếp là an hay nguy, đắt bằng hay bước bỗng, vấp té vì thế mỗi bước chân đều quan trọng. Mỗi bước chân dẫn họ đến gần ngày mừng. Họ có thể không là những vĩ nhân, bằng cấp cao, có vai vế trong xã hội. Họ là những người dân bình thường, sống âm thầm nhưng học được nghệ thuật sống, nắm được chân lí khôn ngoan cách sống. Đời sống hôn nhân của họ cũng đủ vị đắng cay, ngọt bùi nhưng họ vượt qua được những hương vị đắng chát đó. Vì thế họ đáng ca tụng, đáng chúc mừng trong ngày mừng kim khánh, ngân khánh. Hôn nhân chấm dứt khi một trong hai người qua đời nhưng tình yêu họ dành cho nhau sâu đậm nhiều năm sau đó. Tôi may mắn gặp nhiều người dù người phối ngẫu đã mất nhiều năm trước nhưng mỗi lần nhắc đến họ nhắc với tâm tình thương mến, kính trọng và nuối tiếc vì người kia ra đi quá sớm. Điều này cho thấy lời thề hôn phối ‘Những gì Thiên Chúa liên kết con người không được phân li’ trở thành huyền thoại cho một số nhưng trở thành hiện thực được cho những đôi hôn nhân biết mở rộng tâm hồn đón ơn Chúa, trung thành với lời hứa.
Nhóm Sađốc không tin có sự sống lại nhưng lại dùng điều này gày bẫy Đức Kitô. Họ hỏi Ngài về đời sống hôn nhân sau khi con người qua đời. Đức Kitô dùng dịp này để giải thích cho họ về đời sống thiên giới.
Thứ nhất có sự khác biệt về cuộc sống hiện tại và cuộc sống tương lai. Con cái đời này cưới vợ gả chồng để duy trì và nối tiếp cuộc sống trần thế nhưng điều này không cần thiết nơi cuộc sống thiên quốc. Vì sao? Vì họ sống như thiên thần. Không còn dựng vợ, gả chồng. Ngay cả đau khổ thân xác tinh thần cũng biết mất. Cuộc sống mới tràn đầy hạnh phúc và yêu thương. Vì tràn đầy hạnh phúc, yêu thương nên không cảm thấy thiếu và như thế không có những nhu cầu như cuộc sống trần thế. Mọi người sống trong thiên quốc yêu thương nhau như anh chị em cùng một đại gia đình Chúa.
Thứ hai người Sađốc hiểu sai lầm về đời sau. Vì sao? Vì họ thiếu hiểu biết về Kinh Thánh. Họ là thầy dậy muôn dân như họ tự hãnh diện nhưng lại thiếu kiến thức, hiểu biết về điều họ rao giảng. Họ dùng hiểu biết trần thế giải thích nước trời nên giải thích của họ dẫn vào ngõ cụt, không lối thoát. Đức Kitô rao giảng tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vô vị lợi và vĩnh cửu. Kẻ tin thể hiện tình yêu này qua cử chí bác ái, yêu thương, tha thứ, công bình. Chính bác ái, yêu thương là hành trang đi với họ vào Thiên quốc.
Thứ ba, Đức Kitô xác nhận tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob không phải đã chết như nhóm Sađốc tin mà họ còn sống bên Chúa. Họ nhận biết Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên họ. Chính nhận thức này xác định họ sống, và sống trong hạnh phúc và yêu thương. Chỉ riêng điểm này đủ xác định họ còn sống vì nếu họ đã chết họ sẽ không thể nhận biết Thiên Chúa. Họ nhận biết Thiên Chúa bởi họ còn sống.
Nhóm Pharisiêu xem ra có vẻ cởi mở hơn nhóm Sađốc vì Pharisiêu tin vào thiên thần và tin vào sự sống lại còn nhóm Sađốc thì không.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG- Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
Không có một tôn giáo nào mô tả Thiên Đàng là một khu vườn với những lạc thú vật chất và nhất là những lạc thú nhục dục tuyệt đỉnh với những cô gái trinh đẹp tuyệt vời và trẻ mãi không già… như trong kinh Koran. Người ta gọi Thiên Đàng của Hồi Giáo là Thiên Đàng của lạc thú (The Paradise of Delights) hoặc Thiên Đàng của Kinh Koran (The Koranic Paradise).
Kinh Koran (47:15) cho biết trên thiên đàng có những con sông với những dòng nước nguyên chất (rivers of purest water) những con sông sữa tươi không bao giờ hư (rivers of milk for ever fresh) và những con sông mật ong trong sạch nhất (rivers of clearest honey). Chương 56:16-39 mô tả thiên đàng là những khu vườn lạc thú (garden of delights) và mọi người lên thiên đàng đều trở thành những thanh niên trẻ mãi không già (Immortal Youth). Điều đặc biệt nhất là trên thiên đàng Hồi Giáo có các cô gái trinh đẹp tuyệt vời với những cặp mắt đen huyền vô cùng quyến rũ (the dark-eye houris).
Thiên Chúa Allah đã phán rằng: “Ta đã tạo ra các cô trinh nữ tuyệt vời đó, giữ cho họ mãi mãi trinh trắng với tình yêu nồng nàn để làm phần thưởng cho những ai làm việc phải” (We created the hourist and made them virgins, loving compassion, a reward for those on the right hand – Koran: surah 56).
Hầu hết các thanh niên Hồi Giáo cuồng tín đều ước mơ sớm được lên thiên đàng lạc thú. Con đường ngắn nhất và bảo đảm nhất để họ đạt được mục đích này là sẵn sàng tử đạo trong các cuộc thánh chiến (Jihad). Kinh Koran hứa rằng: “Những ai bị giết vì Chúa đều được vào thiên đàng lạc thú” (As for those who are slain in the cause of God, He will admit them to the Paradise of Delight). “Đừng bao giờ nghĩ rằng những người bị giết vì Chúa sẽ chết. Họ sẽ sống mãi, không có gì phải sợ hãi hoặc hối hận, hãy vui hưởng các hồng ân của Chúa. Chúa không bao giờ từ chối phần thưởng dành cho các tín đồ của Ngài” (Never think that those who were slain in the cause of God are dead. They are alive and well provided for by the Lord. Have nothing to fear or to regret, rejoicing in God’s grace. God will not deny the faithful their reward – Koran 3:169). (Internet)
Ở Trung Quốc, khi người ta khai quật những phần mộ cổ xưa, đặc biệt hạng người giàu có, và vua chúa, người ta khám phá nhiều thứ đồ mang theo để phục vụ cho “cuộc sống mai sau” được sung túc như cuộc sống trần gian họ từng được hưởng. Tần Thủy Hoàng là một thí dụ. Năm 1974, người ta bắt đầu khai quật và khám phá hàng ngàn tượng lính đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Theo tài liệu sử học Trung Quốc và những truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi, nó giống như một phần bản đồ thành phố với những bức tường, cung điện, nghĩa trang, tức là có thể phục vụ Tần Thủy Hoàng khi ông sang thế giới bên kia.
Ở Việt Nam, cũng có tục lệ đốt “hàng mã”. Hàng mã gồm đủ loại, từ nhà lầu, xe hơi, xe Honda, đến quần áo, tiền bạc, để người chết dùng khi về cõi âm phủ.
Hóa ra, hạnh phúc trên Thiên Đàng, trong cõi vĩnh hằng, cũng tầm thường, nhàm chán đến thế sao? Và chính cái tầm thường, nhàm chán, chóng qua ấy, lại chính là sự cản trở bước tiến con người, cản trở sự vươn cao, sự thăng hoa của con người. Hạnh phúc của cuộc sống sau khi chết cũng không khác gì cuộc sống trần thế, nên phải thụ hưởng những gì ta đang có trên cõi đời này, cần gì tin những hứa hẹn xa xôi về hạnh phúc mà mình sẽ có.
Những thứ hạnh phúc giới hạn phù phiếm kiểu trần gian ấy rồi cũng dẫn đến những giới hạn của cuộc sống, những ngang trái, u sầu, những khát vọng vô tận không thể đáp ứng được…
Tình huống người vợ có bảy đời chồng mà nhóm Xa-đốc đặt ra thật khó xử nếu con người sống lại và “cuộc sống trần gian” lập lại ở… bên kia thế giới! Khi đưa ra trường hợp này, phái Xa-đốc thật có lý khi nhìn thấy bao điều rắc rối của cuộc sống sau khi con người sống lại và nếu cuộc sống “kiếp sau” này giống hệt đời người đã đi qua. Và như thế, con người phải giải quyết những gì cuộc sống trần gian còn dang dở.
Thực tế, câu chuyện mà nhóm Xa-đốc đưa ra chỉ là một trong muôn thứ vấn đề rắc rối khó giải quyết khi con người từ cõi chết sống lại và tiếp tục sống như chưa từng chết. Hãy thử tưởng tượng còn biết bao nhiêu chuyện ngang trái, biết bao nhiêu nghịch cảnh, biết bao chuyện trắng đen, con người sẽ giải quyết ra sau khi con người sống lại.
Thật, nhóm Xa-đốc cũng có lý của họ khi dựa vào đó để bảo vệ lập trường của mình. Vì họ không tìm thấy câu giải đáp cho vấn đề.
Sở dĩ họ không thể tìm thấy câu giải đáp, vì họ quan niệm sự sống lại – cõi vĩnh hằng – hay vào Thiên Đàng – không khác gì cuộc đời trần thế. Con người sau khi sống lại, vẫn là con người của ngày nào khi còn sống ở trần gian!
Thế thì, bản thân con người, sự sống lại đó có khác gì sự thức dậy từ một giấc ngủ? Và cuộc sống sau khi chết, có khác gì thay đổi một chỗ định cư?
Thiên đàng theo thánh ý Chúa.
Sự sống lại.
Cuộc hành trình của con người là một cuộc hành trình lột xác, không ngừng thay đổi và lớn lên trong Thánh Thần.
Con người phải nhận ra những tội lỗi thấp hèn của mình và sống trong tình yêu của Thiên Chúa. – Sống trong tình yêu Thiên Chúa, là sự sống lại trong Đức Giêsu Kitô. “Khi còn nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính. Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chổ chết. Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc sự sống đời đời. Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô, Chúa chúng ta”. (Rm.6,20-23).
Chính nhờ sự sống trong Đức Kitô, con người được thanh sạch, trong trắng. Sự sống lại ấy làm con người trở nên như thiên thần. Cuộc sống của một con người mới trong một thế giới mới.
“Phép rửa nay đã cứu thoát anh em. Nhờ phép rửa này, không phải là anh em được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một lương tâm trong trắng, nhờ Đức Kitô phục sinh, Đấng đã lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (1Pr.3,21-22).
Thế giới vĩnh hằng
Thiên Chúa ban sự sống cho mọi loài thụ tạo. Và sự sống bởi Ngài mà có. Ngài yêu thương sự sống mà Ngài tạo dựng ra.
Do đó, Ngài không bao giờ hủy diệt sự sống, điều mà Ngài đã tạo dựng và Ngài thấy tốt lành. “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”(Lc.20,28)
Thế giới vĩnh hằng không phải là thế giới trần gian kéo dài để tiếp nhận con người từ cõi chết sống lại. Cõi Vĩnh Hằng là một thế giới hoàn toàn mới với hạnh phúc vô biên vượt qua thứ hạnh phúc dục vọng phàm phu của kiếp người trần thế. Thế giới ấy là “Trời mới Đất mới” mà những con người đã được thanh luyện và sống lại trong Đức Kitô mới hiểu được và vào được. “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm đến đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh. 21,1-4).
Những điều cũ đã biến mất, nên không có sự tồn tại của câu chuyện “người đàn bà có bảy đời chồng” hay những “chuyện cũ” tương tự. Tất cả đã trở nên tinh tuyền trong Đức Kitô. Và tất cả chỉ còn là niềm hạnh phúc vô tận trong Tình Yêu Thiên Chúa. “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người”. (Kh.7,14).
Nếu con người vẫn còn mê ngủ trong những cuộc vui hưởng thụ trần thế, họ sẽ dừng lại hạnh phúc đời người ở giới hạn đó. Nếu con người không vươn cao lên, con người không thể nào hiểu được thế nào là sống lại và thế nào là hạnh phúc trong Đức Kitô. Không thể nào hiểu được thì không thể nào tin được con người sẽ sống lại, như những người thuộc nhóm Xa-đốc. Vì, mọi sự chỉ sáng tỏ trong ánh sáng Đức Kitô. Và Nước Trời chỉ thuộc về những ai Ngài tuyển chọn. “Kìa đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhàn lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta’”. (Kh.7,9-10).
Thực tế, con người ngày nay với những bước tiến khoa học, đã vươn ra rất xa. Vươn xa đến tận cuối chân trời, vươn xa vào vũ trụ mênh mông, nhưng con người đã không vươn cao được, ngược lại con người còn tuột dốc. Những giá trị đạo đức của con người ngày nay thu hẹp lại, còn những điều phi nhân phi nghĩa thì phình to ra. Con người vươn rộng chiều ngang nhưng lại thu ngắn chiều cao. Tâm hồn của con người cạn dần sức sống thiêng liêng và những giá trị nhất thời thay thế dần những giá trị cao siêu bền vững.
Thật sự, sống lại, phải được hiểu là sự sống lại trọn vẹn xác hồn. Sống dồi dào. Sống hạnh phúc. Và như thế, không có sự sống lại và không có thiên đường trong những con tim không có tình yêu Thiên Chúa ngự trị.
Lạy Chúa
Xin cho con từng ngày luôn tỉnh thức, từng ngày đổi mới, từng ngày sống lại, trong tình yêu Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
CÓ CHĂNG MỘT THẾ GIỚI BÊN KIA- Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Đây là một vấn nạn của mọi thời và là một vấn nạn rất quan trọng vì có liên quan mật thiết đến vận mệnh loài người.
Theo nghiên cứu của bộ môn Cận tâm lý (được lập năm 1996) do tiến sĩ Chu Tấn Phác (thiếu tướng), Cục Trưởng Cục Nhà Trường (thuộc Bộ Tổng Tham Mưu) vừa là Phó Chủ Tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam làm chủ nhiệm, xuyên qua các đề tài khoa học, nhóm nghiên cứu nầy đã chứng minh bằng thực tế rằng: “sau khi thể xác chết, phần tinh thần vẫn tồn tại – ở một dạng khác, ở một nơi khác – được gọi là linh hồn và thế giới người âm (cõi âm) là có thực” (nguồn:http://vi.wikipedia.org/wiki/trung_tâm_nghiên_cứu_tiềm_năng_con_người)
Ngoài ra, căn cứ vào những nghiên cứu khoa học và sau khi giải mã những âm thanh lạ mà họ cho là vọng về từ thế giới vô hình, các nhà khoa học Nga mới đây cho biết họ đã liên lạc được với thế giới của người chết và đang dần dần đi đến một khẳng định rằng cõi âm là có thật… (nguồn: http://vietbao.vn/khoa-hoc/coi-am-la-co-that/)
Có một số người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã được giới chuyên môn về y khoa xác nhận là đã chết lâm sàng và thi thể của họ được đưa vào nhà xác. Nhưng sau đó họ được hồi sinh.
Năm 1982, viện Gallup, nổi tiếng khắp thế giới về những kết quả thăm dò mang tính khoa học trên mọi lĩnh vực, ước lượng có khoảng 8 triệu người ở Mỹ và 23 triệu người trên toàn thế giới đã trải qua kinh nghiệm hồi sinh sau khi chết.
Những năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ rất chú ý đến hiện tượng nầy. Họ đã phỏng vấn 1370 người trải qua kinh nghiệm hồi sinh sau khi chết một thời gian ngắn (kinh nghiệm cận tử). Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:
– Có một cuộc sống khác ở “cõi bên kia” và cuộc sống đó hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
– Điều đặc biệt là sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không còn ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. (Willie Hoffsuemmer).
Có chăng một cuộc sống đầy hoan lạc ở ‘cõi bên kia’ như những người trải qua kinh nghiệm cận tử xác quyết?
Những người thuộc phái Xa-đốc thời Chúa Giê-su không tin vào cuộc sống mai sau. Họ dựng lên một kịch bản một vợ bảy chồng để phi bác niềm tin vào sự sống đời sau như chúng ta đọc trong Tin Mừng Luca chương 22, 27-38.
Chúa Giê-su dạy có sự sống đời sau
Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giê-su về sự sống lại, Chúa Giê-su khẳng định là có. Người dạy rằng có những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa. Họ giống như các thiên thần (Lc 22, 36).
Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giê-su cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời.” (Mt 25,46) Như thế, Chúa Giê-su tỏ cho thấy không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”
Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giê-su còn dùng cả cuộc đời của Người để minh chứng cho thấy có cuộc sống đời sau.
Dù là Thiên Chúa quyền năng, Chúa Giê-su đã trở nên hoàn toàn là người như chúng ta, đã sống kiếp phàm trần như chúng ta, đã chết y hệt như chúng ta nhưng rồi Người đã từ trong cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển. Điều nầy chứng tỏ có sự sống đời sau.
Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng hoả ngục, con người chết rồi là hết, và sau khi chết, ai cũng chỉ còn là tro bụi như ai… thì cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su là hoàn toàn vô ích, cái chết đau thương của Chúa Giê-su trên thập giá chẳng mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai. Chẳng lẽ Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm một việc điên rồ như thế sao?
Để đổi lấy sự sống đời sau – một cuộc đời hạnh phúc vĩnh cửu – cho nhân loại, Chúa Giê-su đã không ngại trao hiến thân mình. Vì thế, chắc chắn cuộc sống mai sau hoàn toàn có thực.
Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho chúng ta nhiều hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay.
Ước gì niềm tin nầy thôi thúc chúng ta đi theo đường lối Chúa Giê-su để rồi chúng ta sẽ đạt đến nơi mà Người đã đến. Ước gì niềm hy vọng nầy cũng sẽ thúc đẩy chúng ta hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn trong tháng mười một nầy để cầu cho ông bà cha mẹ và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
MẦU NHIỆM SỰ SỐNG LẠI– Lm Phêrô Lê Văn Chính
Niềm tin vào sự Phục sinh thân xác là điều mới mẻ và được lần hồi tin tưởng và khẳng định trong lịch sử dân Israel, nhất là vào giai đoạn muộn thời của thế kỷ II vào những năm 165 trước Chúa giáng sinh, trong cuộc chiến của anh em nhà Macabê chống lại những cuộc xâm lăng của nhà vua Hy lạp Antiôkhô Êpiphane. Bận tâm của những người do thái là Đền thờ và Lề luật, họ luôn nhắc nhở mọi người trung thành với Đền thờ và Lề luật là những yếu tố cốt lõi của đời sống tôn giáo của dân tộc của họ. Cuộc chiến đấu của anh em nhà Macabê là một cuộc chiến tranh dành độc lập cho dân tộc chống lại những người Hy lạp đến làm ô uế đền thờ và thay đổi phong tục thiêng liêng của người do thái. Họ quan niệm rằng cuộc chiến của họ vì đức tin và vì lề luật sẽ là hoàn cảnh giúp cho dân Chúa được ý thức nhiều hơn về lòng trung tín của mình đối với Thiên Chúa là Đấng trung tín, luôn có sự sống sung mãn sẽ ban tặng lại sự sống đời đời cho những ai tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa qua việc trung tín với lề luật và dám hy sinh mạng sống mình. Câu chuyện trích đoạn hôm nay nhắc lại cái chết tử đạo cao cả đẩm máu của người mẹ và bảy con trai của bà. Tất cả họ đều can đảm tuyên xưng niềm tin và lòng trung tín đối với lề luật chống lại quân vô đạo, bắt ép họ bỏ lề luật cha ông bằng cái chết của mình. Họ thà chết chứ không chấp nhận vâng theo lệnh vua mà từ bỏ lề luật. Họ đều tuyên xưng rằng dù có chết, nhưng Thiên Chúa là Đấng hằng sống sẽ ban lại cho họ sự sống đời sau bất diệt cao quí hơn nhiều sự sống đời này.
Vào thời Chúa Giêsu, những người thuộc phái Sađuxê là những người rất bảo thủ. Họ luôn bám vào sách Ngũ thư, vẫn được gọi là sách Luật, để từ chối niềm tin vào sự sống lại đã được hình thành lần hồi qua trào lưu các tiên tri, nhất là vào thời cuộc chiến tranh của nhà Macabê vào khoảng những năm 165 trước Chúa giáng sinh. Những người Sađuxê biết rằng Chúa Giêsu, những người Pharisiêu và phần đông dân chúng tin vào sự phục sinh nên họ đặt ra một tình huống nan giải để chứng minh không thể có sự phục sinh. Có bảy anh em lần lượt cùng cưới một người đàn bà làm vợ, vậy nếu có sự sống lại thì bà sẽ là vợ của ai. Theo luật levirat vốn đã lỗi thời lúc đó, cho phép người em có thể cưới chị dâu khi người anh ruột qua đời mà không có con. Người con đầu lòng mà người chị dâu này sinh ra sẽ mang tên người anh đã quá cố và sẽ được xem như là con của người anh theo luật pháp. Theo quan niệm bình dân lúc bấy giờ, người ta vốn tin rằng những người chết sẽ sống lại vài giai đoạn trước thời kỳ của Đấng cứu thế, diễn ra trước phán xét chung. Những người chết sống lại sẽ sống một cuộc đời tiếp nối cuộc đời trần thế này, và họ sẽ tham dự vào cuộc phán xét chung. Chúa Giêsu giải thích chống lại những lối hiểu chật hẹp này, người điều chỉnh lại quan niệm này. Sự sống lại không phải chỉ là tiếp nối sự sống trần thế. Đây sẽ là sự sống giống như của các thiên thần, người ta sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa. Đây sẽ là một sự tạo dựng mới, một sự biến đổi tận căn triệt để, được tham dự vào ánh sáng mới huy hoàng của Thiên Chúa, được tham dự vào vinh quang chói lòa, được gọi là con Thiên Chúa, và sự sống này chỉ dành cho những người công chính là những người được xét xứng đáng tham dự vào vinh quang đời đời, trong khi đó những người tội lỗi thì không được tham dự vào sự sống này, nhưng họ sẽ phải bị chết tủi nhục muôn đời. Chúa Giêsu nhắc lại câu chuyện hiện ra với Môisen trong bụi gai bốc cháy: Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp. Tương quan mà người ta có được với Thiên Chúa là một tương quan bền vững, không hề bị gián đoạn và Thiên Chúa luôn là Đấng thành tín với giao ước mà người đã thiết lập. Sự chết không làm đổ vỡ giao ước của Thiên Chúa với những người mà Thiên Chúa yêu thương và hằng đặt lòng tin tưởng cậy trông vào người.
Mầu nhiệm phục sinh thân xác là điều mới mẻ mà Chúa Giêsu chỉ mới hé lộ phần nào. Người ta dễ có quan niệm hoặc là phủ nhận như người Sađuxêô, hoặc quan niệm đó sẽ là một sự tiếp nối của đời sống trần gian, với đời sống phái tính, vợ chồng và sinh con đẻ cái. Thật ra, khi khẳng định có sự sống lại, Chúa Giêsu không bảo đảm rằng những gì mà chúng ta đã xây dựng, đã có trên trần gian này sẽ được bảo đảm mãi mãi ở đời sống mai sau. Rồi thì chúng ta sẽ quay trở lại cuộc sống xinh đẹp khoẻ mạnh giống như chúng ta đang sống, gặp gỡ lại những người thân quen đầy đủ không thiếu một ai và sự sống lại chỉ đơn giản là hành động của Thiên Chúa bảo đảm cho mọi sự lại tiếp nối và những gì mà chúng ta đã biết như hiện nay vẫn cứ tiếp tục mãi như thế. Điều Chúa Giêsu hé mở phần nào cho chúng ta, đó là sự sống lại là một thế giới mới, hoàn toàn khác với những gì chúng ta hình dung. Chúng ta không cần phải có con cái để tiếp tục duy trì nòi giống, nhưng chúng ta sẽ cảm nghiệm sự sống chân thật vĩnh cửu đầy vinh quang của Thiên Chúa, khi đó những tương quan giữa con người không còn chỉ là những tương quan thân xác như chúng ta vốn có trong đời sống con người mà sẽ là những tương quan tinh thần như là tương quan giữa các thiên thần. Nói chung, chúng ta được mời gọi chuẩn bị cho một thế giới mới, hoàn toàn khác với thế giới chúng ta đang sống. Sâu xa hơn nữa, chúng ta được mời gọi đón nhận và trải nghiệm điều này, đó là sự sống mới này bắt đầu từ bây giờ, trong đời sống hiện tại từ khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội là đã bắt đầu đi vào tương quan với Chúa Giêsu, được đón nhận sự sống mới thần linh, và được không ngừng nuôi dưỡng trong đời sống này ngay từ cuộc đời hiện tại như chút men người đàn bà đã trộn vào đấu bột, như hạt cải bé nhỏ không ngừng lớn lên để trở thành một cây lớn mà chim trời đến đậu.
Khẳng định mầu nhiệm Phục sinh dẫn chúng ta đến việc suy nghĩ về việc Chúa Giêsu sẽ trở lại lần thứ hai. Việc Chúa trở lại không phải để làm cho chúng ta lo sợ mà để chuẩn bị chúng ta. Người đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, sự phán xét này sẽ xác định xem chúng ta có được phúc tham dự sự sống đời đời hay phải chịu tủi nhục muôn đời. Phúc cho chúng ta đó là được nhắc nhở để rồi biết chuẩn bị xứng đáng và những chọn lựa trong đời sống hằng ngày mà chúng ta bắt đầu thực hiện sẽ quyết định cho sự phán xét sau này khi Chúa trở lại.
#cacbaisuyniemloichuachuanhat #suyniemloichuachuanhatxxxiithuongnienc #suyniemloichuagpbr