CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
AI NẤY ĐƯỢC ĂN NO NÊ (*) – Chú giải của Noel Quession. 6
ĐỨC GIÊSU BẺ BÁNH- Chú giải của Fiches Dominicales. 14
DẤU CHỈ LOAN BÁO THÁNH THỂ (*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông. 23
LƯƠNG THỰC CHO LOÀI NGƯỜI- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 36
CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN- Lm. Giuse Đinh lập Liễm.. 58
THÁNH LỄ TRONG NHÀ THỜ VÀ NGOÀI CUỘC ĐỜI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 76
BÁNH HẰNG SỐNG- Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 81
THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM ĐỨC TIN VÀ LÀ HI TẾ TÌNH YÊU– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ 87
HỒNG ÂN THÁNH THỂ– Lm. Inhaxiô Trần Ngà. 92
HIẾN LỄ TẠ ƠN- Lm. Trần Thanh Sơn. 96
THÁNH THỂ, BÀN TIỆC TÌNH YÊU- Lm. Vũ Xuân Hạnh. 102
THÁNH LỄ NỐI DÀI GIỮA LÒNG NHÂN LOẠI – Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn 109
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ- NĂM C
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Ông mang bánh và rượu tới”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Melkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Abram rằng: “Xin Thiên Chúa Tối Cao và Ðấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Abram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông”. Và Abram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4
Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê (c. 4bc).
Xướng: Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”.
Xướng: Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”.
Xướng: “Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”.
Xướng: Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê”.
BÀI ÐỌC II: 1 Cr 11, 23-26
“Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 9, 11b-17
“Tất cả đều ăn no nê”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa”. Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
Ðó là lời Chúa.
AI NẤY ĐƯỢC ĂN NO NÊ (*) – Chú giải của Noel Quession
Hôm nay là “Lễ Mừng Thiên Chúa”! Từ đó xem ra kỳ lạ, nhưng được tuyển chọn để nói lên mầu nhiệm “Mình và Máu Đức Kitô”, là dấu chi vĩ đại, là bí tích thiêng thánh của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Vì thế để gợi lên cho ta thấy bí tích Thánh Thể quan trọng này, Giáo hội đã chọn, để năm nay chúng ta đọc lại một phép lạ liên hệ đến “vật chất”: đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều. Làm như thế có phải là giảm nhẹ mầu nhiệm không? Có lẽ đó là điều gây cho ta nhiều ngỡ ngàng. Với tinh thần duy lý, chúng ta không thường hiểu sai, khi muốn vật chất hóa bánh ra nhiều một cách triệt để, hãy thiêng liêng hóa bữa tiệc Thánh Thể đến cùng sao? Thực sự, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hai thứ bánh đó liên kết với nhau. Để nói lên Đức Giêsu cho đám đông dân chúng đói bụng ăn no nê, Luca sử dụng chính những công thức của Bữa Tiệc ly… Nhưng ông cũng sẽ diễn tả Thánh Thể như một bữa ăn huynh đệ, đòi phải phục vụ lên nhau cách cụ thể.
Có lẽ chúng ta cần nhận ra rằng, “bánh của Thiên Chúa” đòi ta phải thương tới anh em mình, tới “bánh của con người”… hoa quả và ruộng đất công lao của con người! Vì lòng thương yêu chúng ta, khi trao nộp Mình và Máu Ngài, Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy làm như thế. Làm sao Thánh Lễ của chúng ta lại có thể thoát ra ngoài thế gian được?
Đức Giêsu đã nói với đám đông về nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
Ngay những lời mở đầu, Luca đã tiếp tay rất nhanh, để độc giả của ông, những Kitô hữu sống Thánh Thể mỗi Chúa Nhật, hiểu rõ ý nghĩa biểu tượng của trình thuật ông sẽ kể. Cũng như trong thánh lễ, bữa ăn mà Đức Giêsu sắp cống hiến cho đám đông, bắt đầu bằng một “Phụng vụ Lời Chúa”. Cần phải hiện diện tại đó ngay từ đau để được dưỡng nuôi bằng chính Giêsu đó, Đấng “nói về nước Thiên Chúa” và “chữa lành những ai cần được chữa”. Phải, dấu chỉ của bánh che giấu một khuynh hướng biểu tượng sâu sắc mà ta cần phải hiểu ý nghĩa vượt trên thực tại vật chất trực tiếp. Lương thực sắp được trao ban, không chỉ nhằm tới làm dịu cơn đói phần xác, dù rằng trước hết nó đóng vai trò đó. Con người không chỉ sống bằng cơm bánh! Cơn đói khát của con người không phải chỉ là những lương thực trần gian. Lát nữa họ có nhận ra Đấng sẽ ban cho họ “bánh bởi trời” (Ga 6) không?
Đức Giêsu “nói đến nước Thiên Chúa”. Do đó, đây là Lời giải thoát con người, là Ngôi Lời cứu độ con người, là sứ điệp mở lối cho con người tới Thiên Chúa. Hỡi con người giá như người biết nhu cầu đích thực của ngươi? Giá như ngươi biết rằng, sự “no thỏa” duy nhất và thực sự của người là chính Thiên Chúa. Người được tạo thành để hưởng hạnh phúc vô biên, mà các hạnh phúc trần gian chỉ là một thứ hình ảnh mờ nhạt. Vậy, bạn đừng hài lòng vì những thứ bánh ngọt, món rau đỗ, hay món thịt bò với khoai tây rán…
Đức Giêsu “chữa lành những ai cần được chữa”. Đó là kiểu nói đầy tính mạc khải. Luca biết rằng có lẽ mọi người đều cần đến việc chữa lành như trên, mà Đức Giêsu sẽ mang đến. Nhưng rõ ràng, có quá nhiều người còn đang đóng kín trong tiểu vũ trụ con Người riêng tư của họ, thường không cảm nhận được những giới hạn sâu xa của mình, như tội lỗi và định mệnh phải chết. Họ cứ tưởng mình là “mạnh khỏe”! Thế mà, Đức Giêsu không đến với người mạnh khỏe, những kẻ công chính, nhưng đến với kẻ đau bệnh và tội lỗi (Lc 5, 31). Đó thực là “hồng ân cứu độ của Thiên Chúa, sắp được biểu trưng trong lương thực mầu nhiệm có sức làm no thỏa và vô cùng phong phú… mà Đức Giêsu (theo tiếng Hê-brơ danh của Ngài có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”) sẽ trao ban cho “những ai cần đến”! phần tôi, tôi có thuộc vào những người đó không?
Ta cũng đã thấy, tại điểm nào mà kiểu giải thích nhằm đơn giản hóa sự việc, muốn tìm hết cách để hợp lý hóa phép lạ, và cố nói lên rằng, Đức Giêsu đã thuyết phục dân chúng để họ đưa ra những đồ dự trữ mà họ cất giấu, do đó gợi lên một thái độ chia sẻ chung. Kiểu giải thích này không nghiêm chỉnh. Nó biến Tin Mừng thành một thứ tiểu thuyết màu mè, dù đã đưa ra được một bài học liên đới khá tốt.
Cũng thật là ấu trĩ khi nghĩ rằng, Chúa là Đấng không ngừng làm cho các đồng bắng trên thế giới đẫy rẫy những mùa gặt từ vài hạt lúa, lại có thể gặp lúng túng khi hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh… Thánh âu Tinh đã phát biểu như thế.Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn. Nếu đó là ơn cứu độ, là sự sống đời đời, thì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng “Hỡi con người nếu ngươi nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban” (Ga 4, 10). Ôi, hỡi chị phụ nữ xứ Samari, cơn khát khao của chị không phải là cơn khát ở nước giếng này! (Ga 4,15) Còn tôi, tôi có đói khát không?
Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng…”.
Vẫn là nết nhạy bén của Luca. Dừng lại những chi tiết vật chất của cảnh tượng trên, có nghĩa là bỏ quá điều cốt yếu. Làm sao những người quen thuộc Kinh Thánh lại không nhận ra trong thứ bánh được trao ban cho dân chúng “trong hoang địa”: Một nhắc nhở đến phép lạ “man na” kỳ diệu trong Xuất Hành? Đức Giếsu là Môsê mới, “nhà giải phóng” mới, Đấng,”cứu khỏi vùng đất tử thần” hoang địa!
Không phải nhờ đi đến các nông trại làng mạc mà đám đông được cứu sống… nhưng chính là nhờ ở lại với Đức Giêsu! Hỡi các tông đồ, các ông đã nhầm lẫn khi kiếm tìm giải pháp trong phạm vi nhân loại.
Nhưng Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn. Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá… trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. Quả thực, có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy cho họ ngả lưng thành từng nhóm khoảng năm mười người một”. Các môn đệ làm y như vậy và cho mọi người ngả lưng xuống.
Ta không thể không ngạc nhiên, về những vai trò mà Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ thể hiện: thế nhưng chính Đức Giêsu sắp “ban bánh”… và nhóm Mười Hai sắp phân chia bánh. Trước hết, họ được trao cho trách liệm tổ chức đám đông ô họp thành “cộng đoàn” có cơ cấu. Họ được Đức Giêsu thiết lập như các “thừa tác viên”, nghĩa là những “người phục vụ”. Làm sao các cộng đoàn thời Luca lại không hiểu được ám chỉ đó! Trình thuật mang tính đồng quê trên đây chắc chắn hàm chứa nhiều màu sắc phụng vụ hơn chúng ta tưởng, nếu ta không dừng lại ở vẻ bề ngoài.
Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.
Hiển nhiên là những từ trên được Luca chọn lựa, để nhắc lại nghi thức phẩm trật và phụng tự của Thánh Thể. Diễn tiến bốn cử chỉ Thánh trên đây, cũng sẽ được Luca thuật lại trong bữa tiệc ly thứ Năm Thánh và trong bữa ăn tại làng Em-mau:
Tại hoang địa (Lc 9, 15)
Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh…
Ngài chúc lành…
bẻ ra…
và trao ban…
Tại phòng Tiệc ly (Lc 22,19)
Ngài cầm lấy bánh…
dâng lời tạ ơn…
bẻ ra….
và trao ban…
Tại Em-mau (Lc 2430)
Ngài cầm lấy bánh…
dâng lời chúc tụng…..
bẻ ra…
và trao cho họ…
Những lời trên không chắc chắn buộc chúng ta phải dừng lại trên lối giải thích, các Kitô hữu đầu tiên đã làm trước việc hóa bánh ra nhiều nổi tiếng mà các Tin Mừng không tường thuật cho ta ít hơn sáu câu đối chiếu (Mt 14, 13.21 và 15, 32.39 Mc 6, 30.40 và 8, 1.10 Lc 9, 10.17 Ga 6, 1,15). Khi linh mục, thừa tác viên phục vụ của Đức Giêsu lặp lại giữa chúng ta, trong cộng đoàn, bốn cử chỉ trên đây của Đức Giêsu, thì chính Người đang thực sự làm lại và: hiện diện giữa chúng ta. Thánh lễ có thể giúp ta, trong Đức tin gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh, Đấng chiến thắng sự dữ và tử thần, do đó là Đấng cứu chuộc con người. Bánh được bẻ ra và trao ban, đó là dấu chỉ mà “Thiên Chúa ở cùng chúng ta. “Bánh đó chính là bản thân của Đức Giêsu được trao ban cho ta… là chính con người nhiệm mầu, như hai đoạn văn liền kể trước sau với trình thuật hóa bánh ra nhiều gợi lên cho ta: “ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện lạ như thế? Hêrôđê tự hỏi (Lc 9, 7.9)… “Anh em bảo Thầy là ai?”. Đức Giêsu hỏi các bạn hữu, ngay khi Người làm phép lạ trên đây (Lc 9, 18.27). Nếu chúng ta không trả lời câu hỏi về căn tính của Đức Giêsu trên đây, thì “dấu chỉ bánh” vẫn còn giữ vẻ hời hợt bên ngoài. Như thế có phải là các Kitô không cần quan tâm đến sự đói khát vật chất của mình không? Cộng đồng chủng người trẻ của Taizé trả lời rằng việc phụng thờ và công cuộc phát triển liên kết với nhau. Việc bạn chia sẻ cơm bánh, thái độ dấn thân để thay đổi xã hội, cử chỉ cho kẻ đói ăn, hành động phục vụ kẻ khác… những việc làm như thế rất quan trọng. Trước hết bạn hãy thực hiện những công tác đó! Nhưng bạn cũng đừng quên tôn thờ, gặp gỡ con người của Đức Giêsu Đấng cứu độ… Nếu không, bạn có thể làm thất vọng anh em mình về điều họ đang cần nhất. Họ là làm no thỏa cái bụng, họ cần sự thỏa mãn mà Thiên Chúa sẽ mang đến nếu bạn biết trao cho họ. Bởi vì, bánh hằng ngày của con người (không có gì tầm thường hơn là bánh!), cần phải trở nên Minh Thánh Đức Kitô. Không được phung phí bánh của con người. Một mầu nhiệm đang ẩn giấu ở đó.
Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
Không được vứt đi một mảnh nào của đời người, một miếng nào của tầm thường, một giây nào của mỗi ngày… từ khi Thiên Chúa đã nhập thể vào đó! Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn – chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu ruộng đất và công lao của con người, xin dâng lên Chúa để bánh này trở nên bánh tràng sinh nuôi dưỡng chúng con!
Nhưng chúng ta cũng biết rằng, lúc đó đám đông chưa hiểu gì. Họ muốn tôn Ngài làm vua, gán cho Người vai trò của Đấng Mêsia, theo quan điểm chính trị, đóng khung Người trong phạm vi nhân loại! Người đã không nhận. Người “lánh mặt đi lên núi” (Ga 6, 15) và “Người bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia” (Mc 6, 45).
Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày… lương thực này và lương thực kia!
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
ĐỨC GIÊSU BẺ BÁNH- Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
- Một trình thuật được sáng tỏ nhờ nội dung bản văn.
Lua đã đặt trình thuật hóa bánh ra nhiều vào giữa hai câu hỏi về thân thế của Đức Giêsu:
+ Câu hỏi của vua Hêrôđê, ông không biết nghĩ sao khi nghe nhưng dư luận rất khác nhau về Đức Giêsu. “Có kẻ nói: Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết sống lại. Kẻ khác nói: ông Êlia xuất hiện đấy. Kẻ khác nữa lại nói: Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại. Còn vua Hêrôđê thì nói: Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? Rồi vua tìm cách thấy mặt Đức Giêsu ” (9,7-9).
+ Câu hỏi của chính Đức Giêsu (9, 12-20): “Đám đông nói Thầy là ai?… Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “. Và Phêrô sẽ đáp lại bằng lởi tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa ” (Tin Mừng Chúa nhật tới).
– Luca cũng đặt trình thuật nào vào bước ngoặt của sứ vụ Chúa thi hành ở Galilê, khi sứ vụ sắp kết thúc. F. Prod’hom giải thích: “Tấm thảm kịch tới hồi bi thảm, một bên là nhà cầm quyền sẽ thù nghịch, và đám đông hồ hở lúc ban đầu, nhưng rồi chán nản vì lòng nong mỏi một Đấng Kitô trần tục không được đáp ứng; một bên là các môn đệ và Đức Giêsu thì cố gắng làm cho họ hiểu bản chất đích thực của sứ vụ cứu thế của Người… Ta không thể đọc trình thuật về việc hóa bánh ra nhiều, mà không nghĩ đến lúc này Đức Giêsu đang bị cơn khủng hoảng: người tự thấy mình bị một số người lìa bỏ những người đã không có thể vượt lên trên những mong mỏi trần tục của họ; cũng lúc này Phêrô và các bạn được mời gọi chứng tỏ lòng tin yêu phó thác, quyết tâm đi theo Đức Giêsu.” (“Assemblée du Seigneur”, số 32, trg 60-61).
– Sau cùng, Luca liên kết trình thuật này với việc sai mười hai ông đi truyền giáo lần đầu, các ông được sai đi “công bố Vương Quốc Thiên Chúa” (9,1-2). Các ông trở về và “báo cáo cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm”. Rồi Đức Giêsu dẫn các ông vào nơi vắng vẻ. Chính lúc đó thì đám đông đi theo Chúa và biến cố đã xảy ra, khi mà Mười Hai trình bày cho Thầy mình biết nhu cầu của đám đông và thú nhận sự bất lực trước tình thế cấp bách như vậy, thì Đức Giêsu truyền cho các ông phân phát cho mọi người năm chiếc bánh và hai con cá. Công cuộc truyền giáo được kết thúc bằng việc phục vụ đám đông.
- Một trình thuật mô tả cảnh thiếu thốn nhường chỗ cho cảnh dư dật.
“Ngày đã bắt đầu tàn”. Các môn đệ hỏi nhau: Chúng ta đang ở “một nơi hoang vắng”. Lấy gì ăn đây. Bởi vì có tới “năm ngàn người” mà lương thực dự trữ chỉ có “năm ổ bánh và hai con cá”. Trong khi các ông nghĩ rằng tốt nhất là giải tán cho họ về nhà, thì Đức Giêsu lại trả lời: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi”.
Trước hết, Đức tin truyền cho các ông: “Anh em hãy bảo họ ngả mình xuống. Rồi Người cầm lấy bánh, cá, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho đám đông. Thức ăn dư dật đến độ còn dư thừa “12 thúng”. Mỗi thúng cho một ông trong nhóm mười hai.
- Một trình thuật viết dưới ánh sáng Phục sinh.
Mọi nhà chú giải Thánh Kinh đều đặt trình thuật việc lập Bí tích Thánh Thể đối chiếu với việc hoá bánh ra nhiều. Nhưng còn có sự đối chiếu song hành nổi bật hơn nữa, đó là đối chiếu với trình thuật về hai lữ khách đi Emmaus.
– Cũng như ở Luca 24,13-35 (“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đên Người trong Sách Thánh”). Việc chia sẻ Lời Chúa (“Đức Giêsu nói với họ về Nước Thiên Chúa”) xảy ra trước dấu lạ bánh được chia sẻ và được hóa ra nhiều là chóp đỉnh của trình thuật.
– Cũng như ở Luca 24,29 (“Mời Ngài ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều là ngày sắp tàn”) thì cũng vào lúc “ngày bắt đầu tàn” xảy ra việc hoá bánh ra nhiều.
– Cũng như ở Luca 24,40, thì ở Luca 22, 14 cũng tả tư thế của những người tham dự là thế nằm (“anh em hãy bảo họ ngả lưng xuống”) theo phong tục của thời đó khi ăn tiệc lớn.
– Cũng như ở Luca 24,30 thì ở Luca 22,14 chúng ta gặp thấy 4 động từ đặc điểm của việc dâng lễ tạ ơn: Đức Giêsu cầm lấy 5 ổ bánh… ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ.
Hành động mà Đức Giêsu đã làm và những lời Người đã nói lúc ấy để “làm dấu chỉ” cho sứ mệnh của Người là tái lập nước Thiên Chúa, đã không được hiểu ngay lúc ấy. Nhưng sau cuộc khổ nạn và “biến cố vinh quang”, “trong ánh sáng của Thánh Linh” thì cộng đoàn tiên khởi đã làm sáng tỏ điều Người “thực sự đã làm và đã dạy”.
- Một trình thuật dưới dạng dụ ngôn.
Sau hết, ta nhận thấy trình thuật này được trình bày như một dụ ngôn bằng hành động mô tả sứ mệnh của Đức Giêsu và của Hội Thánh Người như thế nào.
– Trước đám đông dân chúng, mải miết đi theo Người vào chốn hoang vắng này, đến nỗi quên rằng giờ đã muộn và lại ở xa với địa điểm có thể tìm được lương thực, thì Đức Giêsu là một vị Ngôn sứ thượng thặng (vượt xa những ngôn sứ trong Cựu ước, như Êlia, vị ngôn sứ đã nuôi 100 người bằng 20 ổ bánh (2V 4.44), qui tụ và nuôi sống Dân Thiên Chúa.
Trong Người, Nước Thiên Chúa đã khai mở, sự trông ngóng của muôn người được đáp ứng ngoài mong đợi. Của ăn mà Người vừa cung cấp cho họ một cách nhưng không và dư dật tràn trề, chính là ơn cứu độ của Thiên Chúa.
– Đám đông không còn tản mát và bơ vơ, mà đã được qui tụ được tổ chức “thành từng nhóm năm mươi người” (Giống như dân Israel trong sa mạc: Xh 18, 21-25; Ds 31, l4; Đnl 1,15) làm thành một cộng đoàn cùng nhau dự tiệc, gợi nhớ đến Dân mới và Bữa tiệc cánh chung mà, theo lời Chúa hứa, kẻ nghèo sẽ được ăn uống no nê.
Còn về Nhóm Mười Hai, tác vụ tông đồ các ông thi hành ở đây mang một ý nghĩa biểu trưng. Đức Giêsu cho các ông hợp tác cụ thể với sự nghiệp của Người (“Các anh em hãy cho họ ăn”). Chia công tác cho các ông, truyền cho các ông tổ chức dân chúng (“Anh em hãy bảo họ ngả mình từng nhóm năm mươi người…”), và phân phát bánh đã hóa nhiều cách rộng rãi (“Đức Giêsu đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho mọi người”).
Khi nói đến bánh dư thừa thu gom lại được “12 thúng”, thì tuy trình thuật kết thúc ở đây, nhưng vẫn mở ra cho sứ mệnh phổ quát của Hội Thánh qua không gian và thời gian.
Francois Bovon kết luận: “Nhìn theo quan điểm Giáo Hội học, Đức Giêsu mời gọi sự cộng tác của các môn đệ, dù rằng, trước phục sinh, các ông chưa hoàn toàn hiểu được điều đang xảy ra. Việc làm trung gian là Người trao cho Nhóm Mười Hai báo trước tác vụ và trách nhiệm tương lai của các ông sau phục sinh. Như vậy đã rõ, Đức tin thiết lập tác vụ như một sự phục vụ chứ không phải như một sự thống trị. Căn nguyên của tác vụ này và những thiện ích phát sinh từ đó ra, không hệ tại bản thân thừa tác viên, nhưng hệ tại Thiên Chúa, đang tuyển chọn và bổ nhiệm. Công việc của thừa tác viên giống như đời sống của Giáo Hội có phát triển bên ngoài (1,1 –16,10a) và bên trong (9. 10-l7) đó là phải bung ra thế giới ngoại giáo, đồng thời phải xây dựng cộng đoàn thánh thiện.
Dân Thiên Chúa vì thế phải lên đường cả ngày lẫn đêm, nơi thôn quê cũng như thành thị, và sa mạc. Chắc chắn Chúa yêu thương họ, săn sóc và nuôi dưỡng họ bằng cách thế không thể ngờ. Người ban tặng họ ân huệ cao quý và dư dật, nhờ con của người là nhờ những môn đệ mà Con Chúa đã tuyển chọn. Ơn huệ dồi dào này không chỉ dành riêng cho nhóm dân khác. Thông hiệp vào tình yêu của Thiên Chúa không phải là hình thức loại trừ, nhưng là sự hội nhập có tính năng động”
BÀI ĐỌC THÊM:
- Một cử chỉ làm thay đổi thực tại đời ta (L. Sintas trong “Parole de Dieu pour la méditation”).
Đức Giêsu đang nói với đám đông về Vương quốc Thiên Chúa. Vậy mà khi vừa mới giảng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu liền truyền cho đám đông ngồi xuống như để đưa ra cho họ một hình ảnh cụ thể. Thế còn cử chỉ Người làm trước mắt họ là cử chỉ nào? Đó là việc hóa bánh ra nhiều. Vua đích thật của Vương quốc chẳng có gì kiêu kỳ cả. Người biết rất rõ đám thính giả của Người đang đói. Đám đông đói lả này tượng trưng cho cả nhân loại. Người ta nói rằng đám đông ấy đông vô kể. Phần các môn đệ, các ông nghĩ là nên giải tán để cho họ đi vào các làng lân cận mà lo kiếm của ăn. Nhưng Đức Giêsu lại nghĩ khác. Người yêu cầu cho họ ngồi xuống. Chính Người sắp lo liệu cho đám dân này mà Người lại làm công việc đó một cách khiêm tốn. Người đã không coi chuyện năm ổ bánh và hai con cá nghèo nàn mà các môn đệ nói cho biết là chuyện nghiêm chỉnh chăng? Chính những ổ bánh là những con cá này mà Người hóa ra nhiều đấy.
Chúng ta cũng được biết trong trí của Đức Giêsu (việc hóa bánh ra nhiều) là dấu lạ loan báo một của ăn khác. Nếu ta vận dụng ý nghĩa của cử chỉ Chúa làm, thì ta có thể cả quyết rằng phép Thánh Thể cũng như phép lạ ta vừa chứng kiến, không phải là một trò ảo thuật. Việc làm của Đức Giêsu dựa trên việc hiến dâng 5 ổ bánh và 2 con cá. Đó chính là vai trò hết sức chủ động dành cho ta trong phép Thánh thể Đức Kitô muốn ghép hồng ân Thánh Thể vào chính bánh và cá cũng như cuộc sống của ta. Thánh Phaolô sẽ nói lên điều đó. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô. Vì thế, trong khi cử hành bí tích Thánh Thể cũng như mọi bí tích khác, chính chúng ta cũng phải cống hiến 5 ổ bánh và 2 con cái mà ta có. Những thứ đó chẳng là gì sánh với đám đông đang đói lả ngày nay. Tuy nhiên, nếu không có những thứ đó, Bí tích Thánh Thể sẽ chỉ còn là một trò ảo thuật. Đức Giêsu, với quyền năng của Người, Người sẽ biến đổi, sẽ hiến thánh sự nghèo nàn của những việc ta làm và thực tại cuộc sống của ta.
Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất cách tuyệt hảo những gì mà con người có can đảm cống hiến cho người nghèo đang van xin, cho người đau yếu đang rên rỉ, cho tù nhân đang đòi hỏi công lý, cho người cùng khổ đang đau đớn và than khóc. “Điều gì anh em làm cho người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta đây là đã làm cho chính Ta vậy ” (Mt 25,40) “.
- Lễ Mình Máu Chúa Kitô (Fête-Dieu, tạp chí “Célébrer” do CNPL., số 219, trg 42)
Đức Giêsu tiếp đón đám đông dân chúng. Cụm từ đó đi liền trước và dẫn vào trình thuật về bánh được phân phát trong Tin Mừng Luca. Bí tích Thánh Thể, chính là việc Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào bàn ăn của Người, và việc người đón tiếp thì rất cụ thể: trong khung cảnh một bữa ăn để ta có cái ăn.
Thiên Chúa tiếp đón chúng ta ở bàn tiệc sự sống của Người. Bánh và rượu được ban để làm cho sự sống của Chúa hoạt động trong ta “trong sinh hoạt thường ngày”. Lễ Mình Máu Chúa Kitô còn vọng lại âm thanh của mùa phục sinh vừa mới kết thúc, mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ ra trong việc Đức Giêsu chết và sống lại vì chúng ta. Lễ này cũng nhắc lại sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa, mà ta vừa mới cử hành Chúa nhật vừa qua trong lễ Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu tiếp nhận ta vào sự sống của chính Thiên Chúa. Khi ăn bánh và uống chén rượu, chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là giờ phút để ta “cám ơn”, tạ ơn Thiên Chúa.
Trong lễ Mình Máu Chúa (Fête-Dieu), Thiên Chúa sẽ hoan hỉ khi mọi con cái loài người đều có chỗ ngồi và có của ăn. Và trong “sinh hoạt thường ngày”, ai sẽ được trao nhiệm vụ đón tiếp đám đông để nói cho họ về Nước Thiên Chúa? “Anh em hãy cho họ ăn đi”. Trọng trách được trao cho các môn đệ. Ân huệ kéo theo nhiệm vụ. Nếu ân huệ là cụ thể, thì nhiệm vụ cũng vậy thôi. Chúa không ngừng hướng dẫn Hội Thánh Người đến với những người đang đói.
DẤU CHỈ LOAN BÁO THÁNH THỂ (*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Chủ đề lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô hôm nay là “bánh”, tượng trưng lương thực cần thiết để nuôi sống con người. Đó là bánh cùng với rượu mà ông Men-ki-xê-đê mầu nhiệm, vừa là vua và vừa là tư tế thành Sa-lem, dâng tiến để chúc phúc cho tổ phụ Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao. Đó cũng là bánh Đức Giê-su hóa nhiều để nuôi dân chúng ăn no nê trong hoang địa. Đó cũng là bánh mà trong đêm bị nộp, Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể để con người được sống và sống dồi dào.
St 14: 18-20
Bài Đọc I, trích từ sách Sáng Thế, thuật lại cuộc gặp gỡ của tổ phụ Áp-ra-ham với ông Men-ki-xê-đê mầu nhiệm, vừa là tư tế vừa là vua thành Sa-lem. Ông Men-ki-xê-đê dâng tiến hiến lễ tạ ơn gồm bánh và rượu. Truyền thống Ki-tô giáo đã thấy ở nơi hiến lễ này tiên trưng hy lễ Thánh Thể.
1Cr 11: 23-26
Bài Đọc II, trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, là bài trình thuật cổ kính nhất về việc Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể.
Lc 9: 11-17
Tin Mừng thánh Lu-ca tường thuật biến cố Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng dân chúng trong hoang địa, tiên trưng Thân Thể Chúa Ki-tô vinh quang hiện diện và hóa nhiều trong bàn tiệc Thánh Thể.
BÀI ĐỌC I (St 14: 18-20)
Trong tập truyện về tổ phụ Áp-ra-ham được ghi lại trong sách Sáng Thế từ chương 12 đến chương 25, xuất hiện một tình tiết ngắn và đặc biệt: một nhân vật mầu nhiệm, ông Men-ki-xê-đê, vua và tư tế thành Sa-lem, viếng thăm tổ phụ Áp-ra-ham.
Sau khi đã chiến thắng bốn vị vua liên minh với nhau tấn công thành Xơ-đôm và thành Gô-mô-ra và đã giải thoát gia đình ông Lót, cháu của ông, cũng như dân của hai thành, ông Áp-ra-ham đang trên đường trở về, thì ông Men-ki-xê-đê, vừa là vua vừa là tư tế thành Sa-lem, đến để chúc phúc cho ông Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa.
1.Cử chỉ của ông Men-ki-xê-đê:
Ông Men-ki-xê-đê đem bánh và rượu đến và dâng tiến hiến lễ tạ ơn. Ngay liền sau đó, bản văn xác định chân tính của ông Men-ki-xê-đê, ông hành động với tư cách tư tế của Đấng Tối Cao; vì thế cử chỉ của ông mang giá trị tôn giáo. Ông chúc lành cho tổ phụ Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã cho vị lãnh tụ Do thái này chiến thắng những kẻ thù của mình.
Việc ông Men-ki-xê-đê kêu cầu Thiên Chúa dưới danh xưng là “Đấng Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất”, đó cũng là danh xưng của Đức Chúa trong Kinh Thánh (St 24: 3; Tv 18: 14; 47: 3; 78: 35; 97: 9). Đó cũng là vị Thiên Chúa mà tổ phụ Áp-ra-ham tôn thờ, thường nhất dưới danh xưng “Đấng Toàn Năng” (St 17: 1). Quả thật, lời ông Men-ki-xê-đê chúc phúc cho ông Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao được gặp thấy tương tự trong đoạn văn sách Giu-đi-tha, theo đó, sau khi đã chiến thắng tướng Hô-lô-phéc-nê, bà Giu-đi-tha được ca ngợi: “Bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc… Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất” (Gđt 13: 18).
Ông Men-ki-xê-đê được tác giả thánh vịnh ca ngợi là dung mạo lý tưởng của Đấng Mê-si-a vừa là vua vừa là tư tế: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị… Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Tv 110: 1-4). Thật ra, Đấng Mê-si-a không thể là tư tế theo phẩm trật Lê-vi vì là hậu duệ của vua Đa-vít, nghĩa là Đức Giê-su thuộc bộ tộc Giu-đa chứ không thuộc bộ tộc Lê-vi. Tác giả thư gởi tín hữu Do thái sẽ khai triển lối chú giải này (Dt ch. 5 và ch. 7).
2.Cử chỉ của tổ phụ Áp-ra-ham:
Để tỏ lòng biết ơn, tổ phụ Áp-ra-ham biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm của mình. Sách Sáng Thế thường kể ra tấm lòng hào phóng và vị tha của tổ phụ Áp-ra-ham (x. những lời cầu bầu thật cảm động của ông ở St 18: 22-32). Cử chỉ của vị tổ phụ đặc biệt có ý nghĩa. Một phần mười là hiện vật mà dân Ca-na-an dâng hiến cho các thần linh của mình; đây cũng là thuế hằng năm mà các dân đóng cho các vua chúa ở miền Cận Đông. Như vậy, ông Áp-ra-ham nhận ra tính chính danh chức tư tế và vương đế của ông Men-ki-xê-đê. Ngoài ra, cử chỉ của vị tổ phụ mang tính tiên trưng, vì sau này con cái Ít-ra-en có nghĩa vụ đối với Đức Chúa, các tư tế và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem của họ bằng cách đóng thuế thập phân. Như vậy, tổ phụ Áp-ra-ham tiền thân việc dân Chúa dâng tiến cho Đức Chúa, Đấng Tối Cao, một phần mười lợi tức của mình theo luật định.
Trong Tân Ước, chúng ta đọc thấy tình tiết này trong thư gởi tín hữu Do thái, ở đó tác giả còn phóng đại mầu nhiệm bao quanh nhân vật Men-ki-xê-đê khi ban cho ông tính chất siêu việt nào đó (Dt ch. 7). Các bản văn Do thái giáo khuếch trương nhân vật huyền bí này theo cùng một ý hướng, như các bản văn được gặp thấy ở Qumran gợi lên vai trò của ông Men-ki-xê-đê, “trổi vượt trên vai trò của các thiên thần”.
Sau này, vào thế kỷ thứ ba, trong khoa chú giải Ki-tô giáo, hiến lễ bánh và rượu mà ông Men-ki-xê-đê dâng tiến để chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao được giải thích như tiên trưng bàn tiệc Thánh Thể: Đức Giê-su sẽ biến bánh và rượu thành Mình và Máu của Ngài. Lời giải thích này được chính thức chấp nhận trong Lễ Quy Rô-ma khi nhắc nhớ: “hy lễ thánh thiện và lễ vật tinh tuyền của Men-ki-xê-đê, thượng tế của Chúa”.
BÀI ĐỌC II (1Cr 11: 23-26)
Bản văn này được trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô là bài trình thuật cổ kính nhất mà chúng ta có về việc Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. Thư này chắc hẳn được viết ở Ê-phê-xô vào mùa xuân 55, gần đến lễ Vượt Qua, vì thế khoảng cách giữa bản văn này và biến cố Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể khoảng độ 20 năm.
Thánh Phao-lô yêu cầu các tín hữu Cô-rin-tô phải tôn kính cách đặc biệt “bữa ăn của Chúa”. Để làm sống lại nơi họ tâm tình tôn kính “bữa ăn của Chúa” này, thánh nhân nhắc họ nhớ lại những ngôn từ của việc thiết lập và ý nghĩa sâu xa của bữa ăn này. Như vậy, chúng ta vừa có những lời của Chúa Giê-su được lập lại trong lễ Quy, vừa có quan điểm thần học đầu tiên hướng đến mầu nhiệm lớn lao này.
- “Đây là điều Chúa Giê-su đã dạy cho tôi…”:
Thánh Phao-lô viết: “Đây là điều Chúa Giê-su đã dạy tôi, tôi xin truyền lại cho anh em” (1Cr 11: 23), như vậy thánh nhân khẳng định rằng điều này ngài đã lãnh nhận trực tiếp từ chính Chúa Giê-su chứ không “từ truyền thống đến từ Chúa”. Chúng ta không loại trừ rằng thánh nhân ám chỉ đến một mặc khải cá nhân (thánh nhân có nhiều kinh nghiệm trực tiếp từ Đức Ki-tô), nhưng dù thế nào, mặc khải cá nhân này chỉ có thể củng cố điều mà thánh nhân đã biết được từ chính các chứng nhân nhãn tiền.
2.Trong đêm bị nộp:
Mỗi khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta lập lại những lời này, chúng nhắc nhớ sự tương phản bi thảm giữa việc Đức Giê-su hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại và sự đê tiện của một trong các môn đệ của Ngài, một kẻ phản bội tình bằng hữu của Ngài và nộp Ngài cho các kẻ thù của Ngài. Ác thần đã làm rối loạn công trình tạo dựng ngay từ đầu. Ác thần này lại hiện diện và xem ra có vẻ chiến thắng vào thời điểm Đức Giê-su sắp thiết lập một thế giới mới và một giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Nhưng Xa-tan bị đánh bại bởi chính các công việc của nó: chúng giúp cho ý định của Thiên Chúa được thực hiện.
- “Đây là Mình Thầy, hy sinh vì anh em…”:
Bản văn của thánh Phao-lô rất giống với bản văn của thánh Lu-ca: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22: 19). Hơn nữa, chỉ duy cả hai ngài truyền đạt cho chúng ta lời căn dặn của Chúa Giê-su:“Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11: 24b và Lc 22: 19).
Chúa Giê-su đã minh nhiên loan báo hồng ân lạ lùng này: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6: 51). Những lời này xem ra quá thẳng thắn đến mức khó mà tin được. Ngài cũng đã cho vài linh cảm theo cách khác qua những dấu chỉ. Ở tiệc cưới Ca-na, Ngài đã biến nước thành rượu, đây chỉ là một khúc dạo đầu; ở nơi hoang địa, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông đang đói được ăn no nê, đây chỉ còn là bước khởi đầu của biểu tượng.
Hai dấu chỉ “bánh” và “rượu” có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Bánh được làm từ hạt lúa miến bị giã thành bột và được nhồi thành bánh, rượu được ép ra từ trái nho bị dẫm đạp và nghiền nát; cả hai xem ra được định sẵn cho việc chuyển đổi thành hai hình Thánh Thể. Chúa Giê-su nhấn mạnh cả giá trị hy tế lẫn ý nghĩa giao ước mà cử chỉ của Ngài mặc lấy. Nhưng thánh Phao-lô không nhấn mạnh hai khía cạnh này. Trong một chú giải ngắn của mình, thánh nhân cho thấy ý nghĩa sâu xa mà thần học của thánh nhân không ngừng được gợi hứng: mầu nhiệm Tử Nạn và mầu nhiệm Phục Sinh được tái diễn mỗi lần cộng đoàn Ki-tô hữu cử hành bàn tiệc Thánh Thể.
4.Mầu nhiệm Tử Nạn và mầu nhiệm Phục Sinh:
“Thật vậy, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến”. Với lời nhắc nhở này, thánh Phao-lô cho chúng ta hiểu rằng hồng ân Thánh Thể quy tụ, thâu tóm tất cả mầu nhiệm cứu độ, tức mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Cử hành Thánh Thể là tái diễn hy tế của Đức Ki-tô trên thập giá, nhưng đây là vị Thiên Chúa hằng sống, Đấng tự hiến bản thân mình. Khi rước Mình Thánh Đức Ki-tô, người Ki-tô hữu được tháp nhập vào trong cùng một chuyển động đau khổ, chết và sống lại của Ngài. Thánh Thể là bảo chứng cho thấy ngay từ giờ Nước Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại và sẽ phát triển viên mãn vào ngày Đức Ki-tô trở lại trong vinh quang. Sự đảm bảo này được toàn thể cộng đoàn tuyên xưng niềm tin và niềm hy vọng của mình sau khi truyền phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
TIN MỪNG (Lc 9: 11-17)
Phép lạ bánh hóa nhiều được cả bốn tác giả Tin Mừng tường thuật, thậm chí thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô còn tường thuật thêm bánh hóa nhiều lần thứ hai. Thánh Gioan xác định phép lạ này xảy ra vài ngày trước lễ Vượt Qua. Vào thời điểm này, có rất nhiều khách hành hương từ khắp nơi quy tụ cùng nhau dọc theo biển hồ Ghên-nê-sa-rét để chuẩn bị theo từng nhóm lên đường tiến về thành thánh Giê-ru-sa-lem. Vì thế, đám đông được mô tả trong bài tường thuật này đóng một vai trò quan trọng. Khi hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông vài ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su loan báo một lễ Vượt Qua khác. Đó là lý do tại sao phụng vụ cho chúng ta đọc bài tường thuật này vào lễ Mình và Máu của Đức Ki-tô.
1.Một ngày đầy hồng ân:
Biến cố được định vị ngay sau khi nhóm Mười Hai đi truyền giáo trở về. Chúa Giê-su muốn đem riêng các Tông Đồ xuống thuyền qua bờ bên kia “đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6: 31). Tuy nhiên, đám đông hiểu ý liền theo đường bộ mà đến với Ngài.
Đức Giê-su không sống cho riêng mình; Ngài đến để hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại. Sự hiện diện của đám đông ở nơi này cản trở dự định nghỉ ngơi của Ngài, ấy vậy Ngài ân cần tiếp đón họ. Ngài động lòng thương những nỗi khốn khổ của họ “vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6: 34). Để đáp ứng nỗi khốn khổ tinh thần của họ, “Ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa”, và để bù đắp nỗi khốn khổ thể lý của họ, “Ngài chữa lành những ai cần được chữa lành”. Khi chiều xuống, Ngài hoàn tất ngày hôm đó với một cử chỉ báo trước việc Ngài hiến dâng bản thân mình còn triệt để hơn nữa.
2.Dấu chỉ loan báo cuộc Xuất Hành Mới:
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nhấn mạnh: “Ở đây hoang vắng”. Diễn ngữ này gợi nhớ thời kỳ Xuất Hành, thời kỳ dân Do thái đã phải chịu đói chịu khát trong hoang địa Xi-nai, họ nhận được bánh man-na, “bánh từ trời xuống”, ân ban này được tiếp diễn hằng ngày cho đến lúc dân vào đất hứa Ca-na-an. Diễn ngữ này ám chỉ Đức Giê-su là Mô-sê Mới sắp cho dân Ít-ra-en Mới ăn no nê bánh kỳ diệu.
3.Dấu chỉ loan báo thời Mê-si-a:
Trước tiên, cử chỉ của Đức Giê-su mang chiều kích Mê-si-a. Với các môn đệ và đám đông dân chúng theo Ngài, Đức Giê-su muốn cho họ hiểu rằng thời kỳ Thiên Chúa viếng thăm nhân loại đã đến, tức là thời Mê-si-a, thời mà các ngôn sứ, các thánh vịnh gia và các hiền nhân đã tiên báo rằng đó sẽ là thời kỳ Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ân phúc của Ngài. Chủ đề này được trình bày dưới hình ảnh một bữa ăn, “bàn tiệc thời Mê-si-a”, tiên báo bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa sẽ khoản đãi những người được tuyển chọn trong Nước Thiên Chúa (Tv 132: 14-15; I s 49: 10; 55: 1-3; Am 9: 13…).
4.Dấu chỉ loan báo Giáo Hội:
Thánh Lu-ca luôn luôn nhạy bén trước khía cạnh Giáo Hội ở nơi những dấu chỉ mà Chúa Giê-su ban cho. Như tại thánh Mát-thêu, khác với thánh Mác-cô và thánh Gioan, thánh Lu-ca nêu bật nhóm Mười Hai, các ngài ý thức về hoàn cảnh và đề nghị một giải pháp: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì ở đây hoang vắng quá”. Nhưng Chúa Giê-su đáp: “Anh em hãy liệu cho họ ăn”. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại mệnh lệnh này. Thánh Mát-thêu còn nhấn mạnh hơn nữa: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”(Mt 14: 16). Các ông phải mặc lấy tấm lòng của Đức Ki-tô trước nỗi khốn khổ lớn lao của đám đông này. Chính các ông chứ không ai khác phải đối mặt với vấn đề này và đáp ứng những mong ước của đám đông khốn khổ này chứ không tìm cách thoái thác để lẫn tránh trách nhiệm của mình, dù bất kỳ lý do gì.
Các môn đệ chỉ còn biết thú nhận là họ bất lực: họ chỉ có trong tầm tay vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá trước đám đông dân chúng khốn khổ bao la này. Về phương diện nhân loại, không có giải pháp nào khả dĩ. Đây là một bài học thật sự kinh khiếp: không phải Giáo Hội thường phải đối mặt với những vấn đề tưởng chừng như không thể giải quyết được nếu không có đức tin sao?
Lúc đó, Chúa Giê-su yêu cầu các môn đệ cho dân chúng ngồi thành từng nhóm, mỗi nhóm khoảng năm mươi người. Ở đây, bản văn quy chiếu đến sách Xuất Hành, theo đó ông Mô-sê quy tụ những chi tộc Ít-ra-en để làm thành một dân và đặt những người chỉ huy: điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người (Xh 18: 21-25). Cũng vậy, Đức Giê-su làm cho đám đông thành một cộng đoàn quy tụ quanh Ngài và Ngài sắp nuôi dưỡng họ từ bánh hóa nhiều. Ý nghĩa Giáo Hội thì thật rõ nét.
5.Dấu chỉ loan báo Thánh Thể:
“Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ…”. Ở đây, các tác giả Tin Mừng đều miêu tả cử chỉ của Đức Giê-su y hệt như cử chỉ của Ngài trong Bữa Tiệc Ly (Lc 22: 19-20; 1Cr 11: 23-25) và cũng qua dấu chỉ này các môn đệ nhận ra Chúa (Lc 24: 30-31).
Việc chia sẻ bánh hóa nhiều trên đồi Ga-li-lê tiên trưng việc chia sẻ bánh hóa nhiều khác, nghĩa là chia sẻ Thân Thể Đức Ki-tô vinh quang hiện diện và hóa nhiều trong bàn tiệc Thánh Thể, không chỉ cho vài ngàn người nhưng cho hằng triệu người, mỗi giây phút và trên khắp thế giới cho đến ngày tận thế:“Đức Giê-su là tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới”.
LƯƠNG THỰC CHO LOÀI NGƯỜI- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Anh chị em thân mến
Thánh lễ là Bàn tiệc. Rước lễ là ăn uống chính Mình và Máu Thánh Chúa, thứ lương thực tuyệt hảo nuôi sống và bổ dưỡng linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn chúng ta yếu, Mình Máu Thánh Chúa sẽ bổ sức cho mạnh ; nếu ta đang chán nản, Chúa sẽ ban lại cho ta niềm hy vọng ; nếu chúng ta cảm thấy người khác khó thương, Ngài sẽ ban thêm cho ta lòng mến.
Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ này, nhất là sốt sắng rước Chúa vào lòng để cho Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
- GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta lo tìm lương thực phần xác hơn là lương thực phần hồn.
– Chúng ta cùng tham dự một bàn tiệc Chúa, cùng ăn một thứ lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng chúng ta không đoàn kết yêu thương nhau.
– Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời, nhưng chúng ta còn quá lo lắng trước những khó khăn trần thế.
III. LỜI CHÚA
- Bài đọc I(St 14,18-20) :
Văn mạch của câu chuyện này là Abraham vừa mới chiến thắng liên minh nhiều vua trong vùng (xem St 14,1-16).
Hay tin ấy, Melkisêđê, vừa là vua vừa là tư tế thành Salem, đã đem lễ vật gồm bánh và rượu tới dâng cho Abraham để chúc mừng ông ; đồng thời Melkisêđê cũng nhân danh Thiên Chúa tối cao chúc lành cho Abraham.
Phần Abraham. mặc dù lúc ấy ông đã hùng mạnh, nhưng ông cũng bày tỏ lòng thần phục vị Tư Tế của Thiên Chúa, nên đã nộp cho vị này một phần mười tất cả các chiến lợi phẩm.
- Đáp ca(Tv 109)
Tv 109 ca tụng Đấng Messia như một vì vua thống trị tất cả các vua trên mặt đất.
Câu đáp “Con là Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê” lại cho thấy Vua Messia ấy còn là Thượng tế nữa.
Cả hai tước hiệu Vua và Thượng Tế đều được áp dụng cho Chúa Giêsu.
- Tin Mừng(Lc 9,11-17) :
Phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Cách viết của thánh Luca chứa nhiều ngụ ý :
– Ngụ ý nhắc lại phép lạ manna ngày xưa : nơi diễn ra phép lạ là “sa mạc”, một đám đông dân chúng đang đói, họ đã được ban cho một thứ bánh phép lạ, dư lại 12 thúng tương đương con số các chi tộc Israel à Như thế, phép lạ này tái diễn phép lạ manna trong sa mạc ngày xưa và còn trổi vượt hơn phép lạ xưa ấy nữa.
– Ngụ ý ám chỉ bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ lập : thời điểm diễn ra là “khi đã xế chiều” (giống bữa tiệc ly), những cử chỉ của Chúa Giêsu “cầm lấy”, “nhìn lên”, “chúc tụng”, “bẻ ra” và “chia” (giống những cử chỉ Chúa Giêsu làm khi lập phép Thánh Thể).
Tóm lại, phép lạ hóa bánh ra nhiều này nhắc lại phép lạ manna ngày xưa và là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể.
- Bài đọc II(1 Cr 11,23-26) :
Thời đó, tín hữu có thói quen cử hành “bữa tiệc Thánh Thể” (Cena) trong khung cảnh một “bữa ăn huynh đệ” (agape). Ý nghĩa của bữa Cena là như sau : mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, các tín hữu đem theo của ăn thức uống góp chung lại, một phần để giúp những anh em nghèo túng, phần còn lại chia nhau dùng chung.
Nhưng ở Côrintô những người giàu đã vội vàng ngồi vào bàn và ăn uống trước không chờ những người nghèo. Tệ hơn nữa, những bữa ăn ấy lại là dịp cho họ nhậu nhẹt say sưa.
Để sửa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ở đây, Phaolô trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Đây là một tài liệu rất quý giá (cc 23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích họ cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng và đúng nghĩa. Tham dự cách bất xứng là tham dự Thánh Thể mà không quan tâm đến việc chia xẻ với những anh em nghèo túng, không nhận biết cộng đoàn Giáo Hội là thân mình của Đức Kitô được xây dựng trong tiệc Thánh Thể (ý nghĩa kiểu nói “phân biệt được Thân mình”).
- GỢI Ý GIẢNG
- Lễ Tạ Ơn
Theo nguyên ngữ, Eucharistia, Thánh lễ là một lễ Tạ ơn. Ý nghĩa này rất rõ trong các bài đọc hôm nay :
– Tư tế Melkisêđê hay tin Abraham chiến thắng thì đã “chúc tụng Thiên Chúa” (bài đọc I). Chúc tụng là một cách tạ ơn.
– Abraham nộp cho vị Tư Tế của Thiên Chúa một phần mười tất cả các chiến phẩm cũng là để bày tỏ tâm tình tạ ơn (bài đọc I).
– Khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầm lấy bánh và tạ ơn” (bài đọc II)
– Khi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, hình ảnh tiên báo Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầm lấy, ngước mắt nhìn lên trời và chúc tụng” (chúc tụng là tạ ơn) (bài Tin Mừng).
Nhưng ngày nay khi chúng ta dự Thánh lễ, hầu như chúng ta chỉ biết xin ơn mà quên tạ ơn.
Có biết bao điều ta có thể tạ ơn Chúa mỗi khi tham dự Thánh Lễ.
- Những điều tầm thường trở thành phi thường
Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta thấy nhiều điều rất tầm thường trong cuộc sống bình thường : bánh, rượu, ăn, uống, cầm, bẻ ra, chia…
Nhưng Melkisêđê đã dùng bánh và rượu ấy để làm lễ tế ; Chúa Giêsu cũng dùng bánh và rượu để biến thành Mình và Máu Ngài. Và Chúa Giêsu đã làm việc đó bằng những cử chỉ bình thường như cầm lấy, bẻ ra, trao…
Trong Thánh lễ, tất cả những điều bình thường và thậm chí tầm thường đều có thể trở thành phi thường, cao cả, thánh thiện.
Vậy mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy đến với những sự tầm thường và thánh hóa chúng thành những điều phi thường. Thí dụ : mồ hôi, nước mắt, việc làm, tâm tư, nguyện ước….
- Quen thuộc hóa
Linh mục Walter Ciszek bị quân Nga bắt trong thế chiến thứ hai. Ngài bị kết tội là “Gián điệp Vatican” và phải qua 23 năm trong tù và trong các trại lao động Sibêrica. Cuối cùng, khi ra khỏi tù, Ngài viết lại một quyển sách về những kinh nghiệm của mình và đặt tựa cho nó là : “He Liadeth me” (Ngài dẫn dắt tôi)
Một số câu chuyện cảm động trong cuốn sách nói về những hy sinh mà các tù nhân phải chịu để được nhận lãnh Mình Thánh Chúa Kitô ở trong tù. Đặc biệt có một câu chuyện đáng ghi nhớ. Trước khi chia sẻ câu chuyện này với anh chị em, tôi xin trình bày bối cảnh của câu chuyện :
Vào những ngày xảy ra thế chiến thứ hai, tức là trước Công Đồng Vatican II, giáo luật buộc kiêng ăn uống suốt 24 giờ đồng hồ trước khi rước lễ. Xin lưu ý điều này khi đọc đoạn văn sau trích từ quyển sách của Linh mục Ciszek :
“Tôi thấy các tù nhân phải bỏ bớt giấc ngủ cần thiết và thức dậy trước chuông rung để tham dự thánh lễ bí mật. Chúng tôi sẽ bị trừng trị nghiêm khắc nếu bị khám phá đang hành lễ và luôn luôn lúc nào cũng có những tên chỉ điểm… Tất cả điều trên khiến cho những thánh lễ có đông tù nhân trở nên rất khó khăn, vì thế khi có thể chúng tôi thường truyền phép thêm bánh lễ để phân phối cho các tù nhân khác. Đôi khi chúng tôi thường chỉ trông thấy họ khi chúng tôi trở về trại vào ban tối trước bữa ăn. Tuy vậy, những người này thường phải thực sự nhịn đói cả ngày và phải lao động cật lực mà không dám ăn một miếng kể từ bữa ăn tối chiều hôm trứơc chỉ với mục đích là để có thể rước Thánh Thể, điều này cho thấy Bí Tích Thánh Thể có ý nghĩa với họ biết là dường nào !” (Trích từ He Leadeth me của Walter Ciszek và Daniel Fatherly, bản 1973 của Walter J. Ciszek S. J).
Nói cách khác, trường hợp các tù nhân có thể sánh hệt như vào giờ này hôm qua đến giờ này hôm nay anh chị em và tôi chẳng hề ăn uống gì cả, đồng thời chúng ta lại đang phải lao động vất vả trong thời tiết dưới không độ. Điều ấy cho thấy sự rước lễ có ý nghĩa biết bao đối với Linh Mục Ciszek và các tù nhân của Ngài.
Câu chuyện trên thật thích hợp với lễ Mình Thánh Chúa Kitô hôm nay. Hai tiếng La Tinh “Corpus Christi” có nghĩa là “Thân Thể Chúa Kitô”… Vào dịp lễ Mình Thánh Chúa Kitô này, chúng ta tôn vinh thân xác Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.
Tại sao chúng ta dành riêng một ngày đặc biệt để tôn vinh “Mình Thánh” Chúa Kitô ? Chúng ta đã chẳng tôn vinh Mình Thánh Chúa Kitô vào mỗi khi dâng Thánh lễ sao ? Vậy tại sao lại có ngày dành riêng đặc biệt này ?
Lý do chúng ta mừng lễ Mình Thánh Chúa Giêsu cũng chính là lý do khiến chúng ta mừng ngày dành riêng cho các bậc làm cha hôm nay. Bởi khuynh hướng con người chúng ta thường xem những tặng phẩm đặc biệt là điều dĩ nhiên, chẳng hạn như thân mình Chúa Giêsu hoặc các người bố của chúng ta.
Một trong những bi kịch lớn nhất của cuộc đời chúng ta thường đánh mất sự quí trọng đối với một vài tặng phẩm quí giá nhất mà chúng ta đang có. Tại sao vậy ? Các nhà tâm lý học cho chúng ta hay là nếu chúng ta cứ phải chú ý đến từng âm thanh chúng ta nghe hoặc từng mầu sắc chúng ta thấy thì chắc chắn chúng ta sẽ phát điên lên. Vì thế để bảo vệ chúng ta khỏi sự điên khùng này, chúng ta liền thích ứng với những âm thanh và mầu sắc này, chúng ta đóng khung chúng khỏi ý thức mình. chẳng hạn, nếu chúng ta nghe ai đó đánh máy trong phòng bên cạnh thì chúng ta sẽ để cho lỗ tai làm quen với âm thanh ngay. Các nhà tâm lý học gọi tiến trình này là “Quen thuộc hoá” (habituation).
Tuy nhiên cũng có mặt trái của sự quen thuộc này. Bởi vì chúng ta thường dễ có khuynh hướng làm ngơ trước mọi sự, chẳng hạn những buổi mặt trời lặn, những bông hoa, bè bạn, các bà mẹ, các ông bố và ngay cả Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta đánh mất sự quý chuộng và sự biết ơn về những điều ấy. Chúng ta xem đó như những điều đương nhiên.
Sự quen thuộc hoá này là một trong những lý do quan trọng khiến môn Thiền đã trở nên khá phổ biến. Mục đích của việc thiền định là giúp chúng ta tiêu trừ “sự quen thuộc hoá” này. Nó giúp chúng ta ý thức trở lại vẻ đẹp của hoàng hôn, của bông hoa, của bè bạn. Trong thiền định, người ta cố gắng tập trung chú ý vào một đối tượng thân thuộc, chẳng hạn một bông hoa, như thể lần đầu tiên người ta trông thấy nó ; hoặc tập trung vào một kẻ mình yêu mến chẳng hạn ông bố của mình như thể đây là lần sau cùng mình trông thấy ông và ao ước cho hình ảnh ông ấy trường tồn mãi trong tâm trí.
Điều này dẫn chúng ta đến với Mình Thánh Chúa Kitô. Lễ Mình Thánh Chúa Kitô đưa ra cho chúng ta lời mời gọi lẫn thách thức.
Trước hết là lời mời gọi. Mình Thánh Chúa Kitô mời gọi chúng ta tự vấn xem việc rước lễ có ý nghĩa gì với chúng ta ? Chúng ta còn trân trọng việc ấy nhiều như khi chúng ta rước lễ lần đầu không ? Việc rước lễ có ý nghĩa đối với chúng ta nhiều như đối với các tù nhân trong cuốn sách của Linh Mục Ciszek không ?
Nếu câu trả lời của chúng ta là không thì chúng ta sẽ gặp phải một lời thách thức. Đây cũng là lời thách thức dành cho các bậc làm bố đặt ra cho chúng ta. Thách thức đó là : “Làm thế nào chúng ta có thể tìm lại được sự quí chuộng đối với phép Thánh Thể cũng như sự quí chuộng đối với bố mình ? Làm thế nào chúng ta có thể phấn khích trở lại về cả hai tặng phẩm ấy ?”
Một phương cách giúp chúng ta làm được điều đó là bắt chước các thiền sư. Chúng ta cố gắng suy niệm về Mình Thánh Chúa Kitô như thể lần đầu tiên chúng ta khám phá ra mầu nhiệm này.
Cách đây một ít năm, bà Emilie Griffin làm nghề quảng cáo ở Nữu Ước đã trở lại đạo Công Giáo. Bà có viết một cuốn sách hấp dẫn tựa đề Turning (Trở lại), trong đó bà bàn về lý do lôi kéo bà đến với đạo Công Giáo như sau :
“Lòng sùng mộ gia tăng đối với phép Thánh Thể và niềm tin vào việc Chúa hiện diện thực sự đã lôi kéo tôi đến nhà các nhà thờ thuộc Công giáo Rôma và trong khi lòng sùng mộ phép Thánh Thể càng gia tăng thì tôi lại càng bị lôi cuốn đến với Công giáo Rôma”.
Như thế, chúng ta nên cố gắng suy niệm về bí tích Thánh Thể theo gương Emilie Griffin khi bà khám phá ra mầu nhiệm khôn dò này ngay trong lần đầu tiên.
Tôi xin được phép kết thúc bài giảng với hai gợi ý sau.
Thứ nhất, trong tuần lễ sắp tới, anh chị em hãy gia tăng lời cảm tạ Chúa Giêsu vào giờ kinh nguyện hằng ngày vì Ngài đã tặng ban Máu Thịt Ngài làm quà cho chúng ta.
Thứ đến, kể từ nay trong giờ lễ mỗi khi bước ra khỏi hàng ghế để lên nhận Mình Thánh Chúa, anh chị em hãy tập trung ý nghĩ một cách đặc biệt vào Đấng mà anh chị em sắp lãnh nhận khi thừa tác viên Bí tích Thánh Thể nâng Bánh Thánh lên nói : “Mình Máu Chúa Kitô”. Bởi vì :
Anh chị em sắp lãnh nhận thân xác sống động của Chúa Kitô.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu đã sinh ra ở Belem.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu đã chết trên thập giá.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết.
Khi anh chị em suy nghĩ về điều này, chắc chắn anh chị em khó thể nào tin nổi vì điều ấy thật khó mà tưởng tượng được, tuy nhiên nhờ đức tin chúng ta biết rằng điều ấy quả có thực. Chỉ một mình Thiên Chúa giàu lòng yêu thương mới có thể ban cho chúng ta một quà tặng khôn tưởng như thế. (Vietcatholic)
- Lương thực thần linh
Một số anh chị em dự tòng sau khi được học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của thánh lễ cũng như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi : Nếu thánh lễ và mầu nhiệm Thánh Thể cao quí và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều người công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa ?
Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc nhận thực rằng : tại do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì thiếu hiểu biết nên không thấy được sự cao quí và tầm quan trọng của việc dâng lễ và việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa Nhật chỉ là một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức rằng : thánh lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa đặt ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Và thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần : “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55). Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng : Khi Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.
Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa : “Người ta sống không chỉ bởi bánh” (Lc 4,4).
Thiết tưởng mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với thánh lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi. (Sưu tầm)
- Bí tích tình yêu
Trái bom nguyên tử đầu tiên đã nổ tại Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945. Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, một thánh lễ được cử hành ở ngoại ô thành phố giữa những nạn nhân nằm la liệt.
Linh mục giám đốc tập viện Dòng Tên mở cửa nguyện đường đón nhận họ và tìm cách săn sóc họ. Về sau, khi đã trở nên Bề Trên Cả Dòng Tên, cha giám đốc tập viện Pedro Arrupe kể lại cảnh tượng sáng hôm đó như sau : “Nguyện đường tập viện chúng tôi phân nửa đã bị tàn phá, khi ấy tràn ngập những người bị thương do bom nguyên tử. Họ nằm la liệt bên nhau trên nền nhà, co quắp lại, bị đau khủng khiếp. Tôi khởi sự dâng thánh lễ, ráng tập trung trong một thế giới chẳng hiểu biết gì về những điều đang thực hiện trên bàn thờ. Họ là người ngoại đạo chưa hề dự một thánh lễ. Tôi không thể nào quên được cử chỉ tôi làm khi hướng về họ và nói : Chúa ở cùng anh chị em, giữa cảnh họ đang chịu đau đớn. Tôi hầu như bị tê liệt với hai tay giang ra mà tôi nghĩ tới thảm kịch con người dùng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để tiêu diệt loài người. Đáp lại là những cặp mắt của những nạn nhân đang chờ nguồn an ủi nào đó từ bàn thờ giữa cảnh họ đang hấp hối và tuyệt vọng (…)
Sáu tháng sau, tất cả các nạn nhân được chữa trị đều trở về nhà, chỉ trừ hai người đã chết. Nhiều người trong số họ đã chịu Phép Rửa và ai thì cũng được biết thế nào là đức Ái Kitô giáo (…)
Bí Tích Thánh Thể – Dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu siêu việt
Bí Tích Thánh Thể lại một lần nữa làm cho tôi kinh ngạc và cúi đầu thán phục trước sáng kiến vĩ đại của mầu nhiệm Nhập Thể, một sáng kiến chỉ có thể là sáng kiến của Tình Yêu. Chính để cứu chuộc con người mà Thiên Chúa đã nên một Con Người như ta. Chính để trao ban Sự Sống Đích Thực cho ta, mà Ngài đã trở nên của ăn thật sự, cụ thể cho ta. Điều kỳ diệu là sức sống thiêng liêng lại có thể ban cho ta qua Bàn Tiệc rất hữu hình và cụ thể. Ta không chỉ ăn Đức Giêsu cách biểu tượng và mầu nhiệm, mà còn một cách thực sự hữu hình và vật chất. Đó chính là sự kỳ diệu của Bí Tích vậy. Hội Thánh của Đức Giêsu được nuôi dưỡng bởi chính những dấu chỉ hữu hình đó. Thán phục trước sự kỳ diệu đó, tôi thấy mình được mời gọi yêu mến Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giêsu hơn, với những phương tiện hữu hình, giới hạn nhưng đem lại sức sống dồi dào của Mẹ Thánh.
Đức Giêsu ban sự sống cho ta không với tư cách một người ban phát từ bên ngoài, nhưng Ngài tự nguyện trở thành của ăn cho ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi, để cho kẻ khác nhờ đó mà được sống, tựa như hạt giống kia mục nát đi để đem lại sự sống cho vô số hạt khác. Một hành vi phục vụ đúng nghĩa. Tôi tự hỏi mình đã có một ước muốn phục vụ đích thực theo nghĩa là dám tự nguyện quên mình để nghĩ đến lợi ích người khác hay chưa.
Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của sự hiệp thông. Thánh Thể hiện diện nơi Nhà Tạm là trung tâm của cộng đoàn tụ họp lại trong tình huynh đệ, dâng lên Cha hiến lễ chính Người Con. Vì Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô, nên khi dâng lên Cha Người Con, cộng đoàn tụ họp cũng dâng lên Cha chính mình với tư cách là Hội Thánh, Thân Mình của Đức Kitô vậy. Và khi cử hành Bàn Tiệc Thánh, cộng đoàn cũng cử hành mầu nhiệm hiệp thông vậy. Làm cho tôi được kết hợp với Đức Giêsu Phục Sinh, Bí Tích Thánh Thể còn liên kết tôi với anh chị em khác vốn cũng đang mang Đức Giêsu trong mình : bởi vì họ cũng được Ngài yêu mến, hiến thân cho. Liệu tôi có thể yêu mến Đức Giêsu đích thực không khi tôi chẳng yêu thương những người mà chính Ngài yêu thương đến nỗi hiến mạng vì họ ? Nếu tôi yêu mến Thánh Thể của Đức Giêsu, thì liệu tôi có sẵn sàng quan tâm, săn sóc những thành phần đau yếu nghèo đói, bị bỏ rơi của Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh chăng ? Còn biết bao anh chị em trong cùng Thân Thể với tôi đang rên xiết dưới sức nặng của đau khổ và cần tôi giúp đỡ và yêu mến. Chính Bí Tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh khiến tôi có khả năng yêu mến và thể hiện Tình Yêu đó cho anh chị em tôi. (Lm Augustine, sj. Vietcatholic)
- “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy“
Đôi khi chúng ta bị coi thường. Điều này thật đau buồn. Chúng ta thấy việc mình làm chẳng ai biết tới, và ngay chính bản thân chúng ta cũng bị đối xử như chẳng có gì đáng chú ý.
Nhưng tệ hơn nữa là chúng ta bị quên lãng. Điều này còn đau buồn hơn. Người ta quên chúng ta có nghĩa là không chỉ người ta không coi trọng chúng ta mà còn coi như chúng ta không có.
Bởi vậy ai cũng cố gắng làm cho người ta nhớ tới mình. Có câu nói rằng điều đáng sợ nhất không phải là chết mà là bị bỏ quên.
Chúa Giêsu cũng thế. Ngài muốn chúng ta nhớ tới Ngài. Vì thế trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã ngồi xuống cùng ăn với các môn đệ, rồi cầm lấy bánh và nói : “Này là Mình Thầy được ban cho các con”. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu và nói : “Này là chén Máu Thầy… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Dĩ nhiên Chúa muốn các môn đệ nhớ đến Ngài không phải chỉ vì ích lợi cho Ngài mà vì ích lợi cho chính họ. Họ cũng cần nhớ đến Ngài nữa. Vì yêu thương họ nên Ngài đã để lại một cách đặc biệt để nhớ đến Ngài, đó là Bí tích Thánh Thể.
Mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể là chúng ta nhớ lại một số lời Ngài nói và một số việc Ngài làm. Chúng ta suy gẫm những điều đó và cố gắng thực hành trong đời sống.
Mỗi lần chúng ta nhớ đến Ngài bằng cách đó thì Ngài trở nên hiện diện gần gũi với chúng ta, tuy không hiện diện hữu hình nhưng là hiện diện thực sự.
Nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, một mối dây yêu thương nối kết chúng ta lại với Ngài, kết quả là chúng ta có khả năng đi vào sự thân mật sâu đậm với Ngài, sâu đậm hơn cả khi Ngài hiện diện hữu hình. Chúng ta không chỉ thông giao với Ngài, mà còn hiệp thông với Ngài nữa, một sự hiệp thông thánh thiện.
Nhớ là một khả năng quý giá. Nó nối kết chúng ta lại với những người và những sự việc không còn nữa. Khi chúng ta nhớ đến những người thân yêu thì họ trở thành hiện diện với chúng ta. Họ không chỉ là một ký ức mà là một sự hiện diện thực sự. Khi nhớ tới họ là chúng ta tiếp tục gặt hái những hoa trái mà họ đã gieo khi còn sống với chúng ta.
Huống chi là khi chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, hoa trái chúng ta gặt hái còn nhiều hơn đến mức nào nữa. Nhất là nhớ đến Ngài bằng cách thức Ngài chỉ dạy, đó là cử hành Bí tích Thánh Thể (FM)
- Chuyện vui
Cô giáo giảng cho các học sinh về việc Chúa Giêsu lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi cả một đám đông : “Các em phải biết là Chúa Giêsu không thực sự nuôi dân bằng vài mẩu bánh. Chuyện đó không thể làm được. Đúng ra là Ngài đã dùng lời ngon ngọt mê hoặc họ để họ không còn cảm giác đói khát và về đến nhà vẫn còn cảm thấy no nê.” Chợt một bé gái đứng lên hỏi : “Thưa cô, vậy 12 thúng bánh vụn lấy đâu ra ?”
- LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, khi cùng với các tông đồ dự bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh thể để thánh hóa và dưỡng nuôi các tín hữu trong cuộc lữ hành trần thế. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
- Bí tích Thánh thể là bí tích tình yêu / dấu chỉ hiệp nhất / mối dây bác ái / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa / khi tham dự bàn tiệc Thánh thể / được đức tin duy nhất chiếu soi / và được liên kết trong cùng một đức ái vững bền.
2 Chính Chúa Giêsu đón nhận người Kitô hữu khi họ rước Chúa vào lòng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa dạy các tín hữu / biết niềm nở đón tiếp những ai đang tìm Người.
- Chính Chúa Giêsu tự hiến làm của ăn của uống cho loài người trong bí tích Thánh thể / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho sức mạnh người Kitô hữu đã tìm được nơi bàn thánh / tồn tại mãi trong cuộc sống chứng nhân thường ngày.
- Việc rước lễ thường xuyên sẽ giúp ta tránh xa tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu được điều này / và chuẩn bị thật tốt tâm hồn / để mỗi khi tham dự thánh lễ / đều có thể rước Chúa một cách xứng đáng và hữu hiệu.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, là Linh mục đích thực và vĩnh cửu, Chúa đã thiết lập hy lễ trường tồn và truyền cho chúng con cử hành mà tưởng nhớ đến Chúa. Xin cho chúng con biết tham dự thánh lễ một cách sốt sắng như Hội thánh đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời
CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN- Lm. Giuse Đinh lập Liễm
Trong ngày thứ Năm Tuần thánh, chúng ta đã cử hành Thánh lễ Tiệc ly để kỷ niệm việc Đức Giêsu lập phép Thánh Thể và chức Linh mục. Nhưng trong dịp này, chúng ta không thể suy niệm riêng về phép Thánh Thể mà còn phải suy niệm về những mầu nhiệm khác như việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại. Hôm nay Giáo hội muốn dành riêng một ngày để có nhiều thời giờ suy niệm về phép Thánh Thể để khuyến khích mọi người hãy tỏ lòng tôn sung, yêu mến phép Thánh Thể, siêng năng rước lể, năng đến viếng thăm Chúa nhự trong nhà tạm…
Bí tích Thánh Thể không phải tình cờ mà có nhưng đã được tiên báo bằng những hình ảnh trong Thánh Kinh như manna trong sa mạc (Xh 16), việc hóa bánh ra nhiều (Lc 9,11b-17)… Sau cùng, trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã chính thức thiết lập Bí tích Thánh Thể để làm của ăn của uống nuôi linh hồn loài người, để con người được tham dự vào đời sống thần linh của Chúa và được sống đời đời.
Nhân dịp này chúng ta hãy suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể dưới một số khía cạnh như Thánh Thể có liên quan tới bữa ăn, sự giao hòa, hiệp nhất, phục vụ và tạ ơn. Đồng thời chúng ta hãy cộng tác với Chúa trong việc cử hành Thánh lể để Chúa được hiện diện với loài người cho đến tận thế; ngoài ra, chúng ta cũng cần cộng tác với Chúa để đưa “bánh của Thiên Chúa” hướng tới anh chị em mình tức là “bánh của con người”, biết chia sẻ với người khác bằng chính những cái mà Chúa đã ban cho mình như tiền bạc, của cải, sức khỏe, thời giờ, viếng thăm … trong cuộc sống hằng ngày.
- TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : St 14,18-20
Ông Abraham vừa chiến thắng trở về, ông Melkisêđê, vừa là vua vừa là tư tế thành Salem, đã đem bánh và rượu đến chúc mừng ông Abraham; đồng thời Melkisêđê cũng nhân danh Thiên Chúa tới chúc lành cho ông Abraham.
Truyền thống đã coi ông Melkisêđê là hình ảnh của Đức Giêsu Thượng Tế, và bánh rượu xem như là hình ảnh báo trước Thánh Thể.
+ Bài đọc 2 : 1Cr 11,23-26
Thánh Phaolô dạy giáo lý cho tín hữu Côrintô về Bí tích Thánh Thể. Ngài trích dẫn một bản văn Phụng vụ về việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Theo đó, khi chúng ta cử hành Thánh lễ, chúng ta không chỉ làm cho Đức Kitô hiện diện, mà còn làm tái hiện cái chết mà Ngài đã dùng để cứu chuộc chúng ta.
Vì thế, phải cử hành cho xứng đáng trong sự kết hợp với Chúa và trong sự chia sẻ rộng rãi với anh em mình.
Thánh Luca thuật lại cho chúng ta phép lạ Đức Giêsu biến bánh ra nhiều để cho 5000 người đàn ông ăn no nê và thu lại được 12 thúng đầy miếng bánh vụn. Qua phép lạ này, thánh Luca có ngụ ý nói với chúng ta :
– Phép lạ này tái diễn phép lạ manna trong sa mạc ngày xưa và còn trổi vượt hơn phép lạ ngày xưa nữa.
– Phép lạ này ám chỉ Bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu sẽ thiết lập sau này.
Như vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều nhắc lại phép lạ manna ngày xưa và là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể.
- THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể
- ĐỨC GIÊSU LẬP BÍ TÍCH THANH THỂ
- Những hình ảnh tiên báo.
Trong Kinh thánh có nhiều hình ảnh báo trước Bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu sẽ lập ra sau nay, ví dụ manna được ban cho người dân Israel trong sa mạc (Xh 16), lời tiên báo của tiên tri Isaia (Is 25,6), phép lạ của tiên tri Eâlisê (2V 4,43-44), tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-11) và phép lạ hóa bánh ra nhiều trong bài Tin mừng hôm nay.
Tác giả các sách Tin mừng đều đề cập đến phép lạ này (Mt 14,18; Mc 8,1t; Ga 6,5t; Lc 9,11b-17). Phép là hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng là một trong những phép lạ quen thuộc của Tin mừng. Phụng vụ Thánh lễ đã trích đoản văn Lc 9,11b-17 dùng cho lễ Minh Máu Thánh Chúa hôm nay.
Thánh Luca cho biết : trời đã về chiều, các Tông đồ muốn Đức Giêsu giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn vì đây là nơi hoang địa. Bất ngờ Đức Giêsu bảo các ông hãy cho họ ăn. Các ông hoàn toàn bó tay vì làm sao kiếm đủ số bánh cho 5000 người đàn ông ăn no được, các ông chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Nhưng Đức Giêsu bảo các ông cứ cho họ ngồi xuống từng nhóm 50 người một. Ngài cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông phân phát cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê và còn thu lại được 12 thúng đầy miếng bánh vụn.
Đây chỉ là phép lạ Đức Giêsu làm để thỏa mãn cơn đói khát phần xác của dân chúng. Qua phép lạ này, Ngài còn hướng dân chúng thèm khát của ăn khác còn cao trọng hơn mà Ngài sẽ ban cho họ sau này, đó là Bí tích Thánh Thể.
- Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.
Cả bốn sách Tin mừng đều thuật lại việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly.
Đến chiều ngày thứ năm, Đức Giêsu cùng đoàn Tông đồ tới dự tiệc mừng lễ Vượt qua, gồm những tuần rượu, những món ăn cổ truyền, xen lẫn với việc đọc các Thánh vịnh. Sau khi nhắn nhủ các môn đệ nhiều điều xoay quanh vấn đề chính là hãy yêu thương nhau, Đức Giêsu cầm lấy bánh và nói trước mặt các môn đệ rằng :”Tất cả các con cầm lấy mà ăn, này là Minh Thầy”. Chúa trao cho các môn đệ cùng ăn. Rồi Chúa cầm lấy chén rượu và nói :”Tất cả các con cầm lấy mà uống : này là chén máu Thầy”. Chúa trao cho các môn đệ cùng uống. Với những lời nói và những cử chỉ trịnh trọng đó, Đức Giêsu đã lập Phép Thánh Thể.
Chúa còn truyền cho các môn đệ :”Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, tức là Chúa ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quí này để tưởng niệm đến Ngài. Như thế, trong bữa tiệc lịch sử này và cũng là Thánh lễ đầu tiên do Đức Giêsu cử hành, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể và thiết lập chức linh mục cho các Tông đồ.
Sau này, để củng có đức tin của chúng ta vào bí tích kỳ diệu và cực thánh này, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ tỏ tường trước mặt nhiều người.
Truyện : Phép lạ ở nhà thờ thánh Christiana.Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ kính thánh Christiana, thì lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy Mình thánh hình bánh đã biến thành Thân xác Đức Giêsu tử nạn. Trên thân mình Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua 25 lần vải khăn. Vừa cảm động lại vừa sợ hãi đến nỗi vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết Thánh lễ được.
Sau đó, vị linh mục đến xin yết kiến Đức Giáo hoàng Urbanô và tường trình sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một vị Giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định là phép lạ, vị Giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa về Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời giáo dân đến chầu Mình Thánh liên tục. Sau đó, vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbanô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu và truyền mừng lễ trong toàn thể Hội thánh.
- SUY TƯ VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
- Thánh Thể và bữa tiệc.
Ai trong chúng ta cũng có dịp mời bạn bè đến tham dự một bữa tiệc để chia tay ra đi vĩnh viễn hay một thời gian… Trong bữa tiệc này nếu chúng ta có điều gì tâm huyết giữ kín từ lâu thì đây là lúc thuận lợi nhất để nói ra cho mọi người trước khi giã biệt. Hơn thế nữa, một người mẹ hiền hay một người cha trong gia đình trước khi từ giã cõi đời muốn trăn trối với con cháu những điều thật quan trọng, những điều thiết yếu nhất và các con cháu họ cũng thề hứa không bao giờ dám quên những điều tâm huyết ấy.
Đức Giêsu đã dùng bữa Tiệc ly để nhắn nhủ các môn đệ hãy thương yêu nhau, đồng thời nhắc nhở các ông :”Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đức Giêsu muốn các môn đệ luôn tổ chức các bữa tiệc như vậy để nhớ đến Ngài, tức là dâng Thánh lễ để biến bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô để Ngài hiện diện ở trần gian này cho đến tận thế. Thánh Lễ chính là bữa tiệc mà Chúa mời gọi mọi người đến dự trong dụ ngôn ông chủ dọn tiệc và sai các đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc hoàn toàn miễn phí (x. Lc 14,17t)
- Thánh Thể và giao hòa.
Trong bài đọc 1, Kinh thánh kể lại việc ông Maisen làm nghi lễ giao hòa bằng cách lấy máu bò tơ tưới lên bàn thờ. Người xưa coi máu là sự sống, cấm đổ máu người ta là cấm hại mạng sống người ta vì mạng sống thuộc quyền của Chúa; người xưa lấy máu để tỏ tình đoàn kết giao hòa. Hai bộ lạc để tỏ tình đoàn kết thì cho hai vĩ thủ lĩnh gặp nhau, lấy dao rạch máu ở tay, và đôi bên uống máu nhau. Bằng nghi thức ấy, họ cho rằng hai bên đã uống nguồn sống của nhau và đã trở nên anh em, đã giao hòa mãi mãi với nhau. Maisen đã làm nghi lễ ấy khi lấy máu bò tơ, đại diện cho toàn dân để tưới lên bàn thờ Thiên Chúa : giữa Thiên Chúa và dân đã có một cuộc giao hòa vĩnh viễn.
Khi lập nên phép Thánh Thể, Đức Giêsu đã hoàn tất việc giao hòa ấy giữa ta với Thiên Chúa. Máu thánh của Ngài chảy trong huyết quản của ta, làm cho ta giao hòa với Thiên Chúa, Ngài ở trong ta như ta ở trong Ngài. “Này là chén máu Ta, máu tân ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. “Nếu các con không ăn thịt và uống máu Ta, các con không có sự sống đời đời” (Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm C, tr 82).
- Thánh Thể và hiệp nhất.
Đức Giêsu truyền cho các môn đệ tổ chức dân thành từng nhóm 50 người (giống như dân Israel trong sa mạc (Xh 18,21-25; Ds 31,14; Đnl 1,15). Phân tích chữ từng nhóm. “Từng nhóm” ở đây ngoài ý nghĩa trật tự giúp cho việc phục vụ bẻ bánh được dễ dàng, còn mang ý nghĩa tình huynh đệ hiệp nhất của cộng đoàn trong bữa ăn, thay vì phân tán từng cá nhân thì qui tụ thành cộng đoàn để ăn tiệc.
Bí tích Thánh Thể là một dấu chỉ : “Dấu chỉ của sự hiệp thông”. Hiệp thông có nghĩa là nên một. Nói cách khác : bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của sự nên một, như Hội thánh luôn tuyên xưng và cầu nguyện rằng :”Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô”(Kinh Tạ ơn II). Hay : “Và khi chúng con được Mình Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”(Kinh Tạ Ơn III). Chính Đức Giêsu đã từng nói :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”(Ga 6,56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông.
Trong bí tích Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa mà thôi, nhưng còn với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là chính thân mình Chúa Kitô, tất cả mọi người sẽ nên những chi thể của Ngài. Thánh Phaolô đã từng nói :”Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Kitô là chính Thánh Thần của Chúa Kitô mà Người ban cho ta”.
- Thánh Thể và phục vụ.
Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông. Với bí tích Thánh Thể Đức Giêsu đã trao ban trọn vẹn và hoàn toàn con người của Ngài cho chúng ta, để nhờ Ngài chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, và được sống đời đời như lời Ngài quả quyết :”Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời, Và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54). Ngài yêu chúng ta bằng một tình yêu hoàn toàn vị tha. Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài đã tự hủy mình để trở nên tấm bánh, và ao ước được chúng ta ăn, để chúng ta được nên một với Ngài. Vì thế, trong một đoạn Tin mừng ngắn hôm nay, động từ “ăn” đã được lặp lại tới 9 lần.
Không chỉ khi hiến thân trên thập giá, trong suốt cuộc đời trần thế của mình, Đức Giêsu đã liên tục chấp nhận trở nên “tấm bánh bẻ ra” cho nhiều người. Ngài chấp nhận “tấm bánh bị ăn”, Ngài tự nguyện trở thành của ăn cho nhiều người chúng ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi để cho chúng ta nhờ đó mà được sống. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn là vì chúng ta, Ngài không kể gì đến bản thân mình, đến nỗi có lần người nhà của Ngài đã muốn đến bắt Ngài về, vì nghĩ là Ngài bị mất trí (x. Mc 3,20-21).
- Thánh Thể và tạ ơn.
Theo nguyên ngữ, Eucharistia, Thánh lễ là một lễ Tạ ơn. Trong bài 2, thánh Phaolô kể lại cho tín hữu Côrintô biết khi lập phép Thánh Thể “Đức Giêsu cầm lấy bánh “dâng lời tạ ơn”, rồi bẻ ra và nói :Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì các con”.
Và trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại khi Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, hình ảnh tiên bao bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầâm lấy, ngước mắt lên trời và chúc tụng”. Chúng ta có thể cho việc chúc tụng cũng là một hành vi tạ ơn.
Nếu Thánh lễ là một hành vi tạ ơn, tại sao chúng ta không biết đi dự Thánh lễ để tạ ơn Chúa vì bao nhiêu hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc sống, những ơn phần hồn cũng như phần xác. Và nhiều khi đi dự Thánh lễ, chúng ta chỉ biết xin ơn mà lại quên tạ ơn.
III. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CHÚNG TA
- Thánh Thể là bí tích Chúa lập ra.
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội thánh, không do bất cứ ai bịa ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.
Và Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chính Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần :”Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời”(Ga 6,54-55). Ngay cả khi Ngài biết rõ ràng rằng : Khi Ngài nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi. Ngài vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Đức Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.
Ước mong rằng việc rước Mình và Máu thánh Chúa vào lòng sẽ làm cho chúng ta trở nên giống Chúa để có thể nói như thanh Phaolô :”Tôi sống nhưng không con phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta hãy dâng lời nguyện xin Chúa :
“Lạy Cha, con muốn “ăn thịt và uống máu” Đức Giêsu bằng cách mỗi ngày nhìn vào đời sống của Ngài để biến một phần rất nhỏ “chất tôi” trong con thành “chất Giêsu”. Nếu mỗi ngày con chỉ biến 1%o (một phần ngàn) “chất tôi”thành “chất Giêsu” một cách thật nghiêm túc và thành công, thì trên nguyên tắc chỉ cần 1.000 ngày sau – tức khoảng 3 năm – con đã được biến đổi hoàn toàn nên giống Đức Giêsu. Đó là tính theo kiểu toán học, thực tế không đơn sơ, dễ dàng và thành công như vậy. Xin cho con biết “ăn thịt và uống máu Ngài” theo kiểu ấy, để nhờ đó con có sự sống đời đời”(JKN).
- Hãy cử hành Thánh Thể mà nhớ đến Ngài.
Đức Giêsu lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Ngài không còn hiện diện như khi còn ở vói các môn đệ nữa, Ngài muốn chúng ta “cách mặt nhưng gần lòng”, Ngài muốn chúng ta luôn nhớ đến Ngài. Vì thế trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã ngồi xuống cùng ăn với các môn đệ, rồi cầm lấy bánh và 2 nói :”Này là Mình Thầy được ban cho các con”. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu và nói :”Này là chén máu Thầy… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Dĩ nhiên Chúa muốn các môn đệ nhớ đến Ngài không phải chỉ vì ích lợi cho Ngài mà vì ích lợi cho chính họ. Họ cũng cần nhớ đến Ngài nữa. Vì yêu thương họ nên Ngài đã để lại một cách đặc biệt để nhớ đến Ngài, đó là bí tích Thánh Thể.
Nhớ là một khả năng quí giá. Nó nối kết chúng ta lại với những người và những sự việc không còn nữa. Khi chúng ta nhớ đến những người thân yêu thì họ trở thành hiện diện đối với chúng ta. Họ không chỉ là một ký ức mà là một sự hiện diện thực sự. Khi nhớ tới họ là chúng ta tiếp tục gặt hái những hoa trái mà họ đã gieo khi còn sống với chúng ta.
Huống chi là khi chúng ta nhớ đến Đức Giêsu, hoa trái của chúng ta gặt hái còn nhiều hơn đến mức nào nữa. Nhất là nhớ đến Ngài bằng cách thức Ngài chỉ dạy, đó là cử hành bí tích Thánh Thể (Theo McCarthy).
- Chúa cần chúng ta cộng tác.
Trong việc làm phép lạ cho bánh hóa nhiều, chúng ta thấy Đức Giêsu không làm một mình. Ngài muốn cho môn đệ cộng tác vào, tuy chỉ là công việc nhỏ và dễ dàng. Thực ra, những công việc làm ở đây mang một ý nghĩa biểu trưng. Chúng ta thử phân tích mấy động tác :
– Đức Giêsu cho các môn đệ cộng tác cụ thể với sự nghiệp của Ngài :”Các con hãy cho họ ăn”.
– Chia công tác cho các ông, truyền cho các ông tổ chức dân chúng :”Các con hãy bảo họ ngồi xuống từng nhóm 50 người”.
– Phân phát bánh đã hóa nhiều cách rộng rãi :”Đức Giêsu đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho mọi người”
Theo đó, Francois Bovon kết luận :”Nhìn theo quan điểm Giáo hội học, Đức Giêsu mời gọi sự cộng tác của các môn đệ, dù rằng, trước phục sinh, các ông chưa hoàn toàn hiểu được điều đang xẩy ra. Việc làm trung gian mà Ngài trao cho nhóm Mười Hai báo trước tác vụ và trách nhiệm tương lai của các ông sau phục sinh. Như vậy đã rõ, Đức tin thiết lập tác vụ như một sự phục vụ chứ không phải như một sự thống trị. Căn nguyên của tác vụ này và những thiện ích phát sinh từ đó ra, không hệ tại bản thân thừa tác viện, nhưng hệ tại Thiên Chúa, Đấng tuyển chọn và bổ nhiệm…”
- Từ bàn tiệc Thánh Thể đến bàn tiệc ngoài đời.
Có lẽ chúng ta cần nhận ra rằng :”Bánh của Thiên Chúa” đòi ta phải hướng tới anh em mình, tới “bánh của con người”… hoa quả và ruộng đất công lao của con người.
Chia sẻ Mình Máu Chúa Kitô và chia sẻ lương thực với nhau trong tình huynh đệ, là ý nghĩa đầy đủ của bàn tiệc Thánh Thể. Qua bàn tiệc Thánh Thể con người kết hợp với Thiên Chúa và liên kết với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người (Sacrosanctum Concilium đoạn 48). Vì thế, việc cử hành bàn tiệc Thánh Thể là một dấu chỉ của sự loan báo Vương quốc Tình yêu, Bữa Tiệc Thiên quốc (Lc 22,16; GLCG số 1344).
Nếu Đức Giêsu đã sinh ra một lần nơi trần thế, Ngài sẽ còn sinh ra mãi. Nếu Đức Giêsu đã một lần hóa bánh ra nhiều, Ngài sẽ còn tiếp tục hóa bánh ra nhiều mãi. Phép lạ đã xẩy ra ngày xưa, vẫn tiếp tục xẩy ra hôm nay cho những ai tin cậy nơi Ngài. Đã có lần nào trong chúng ta cảm nghiệm, chính chúng ta làm phép lạ hóa bánh ra nhiều chưa.
Truyện : Ta đã dựng nên ngươi.
Tại góc đường của một thành phố lớn, có một người đàn bà quần áo rách tả tơi đứng xa ăn xin với đứa con trai nhỏ gầy ốm xanh xao của bà. Trong số những người đi qua đường phố, có một người đàn ông triệu phú bước qua, nhìn họ không nói tiếng nào, cũng chẳng giúp đỡ gì. Nhưng khi trở về biệt thự sang trọng của mình rồi, nhìn vào bàn ăn với đủ mọi thứ cao lương mỹ vị, ông liên tưởng đến thằng bé còm kĩnh và người mẹ khốn khổ của nó. Càng nghĩ về họ ông càng tức giận Thiên Chúa. Rồi ông nắm tay lại đưa quả đấm lên trời la to với Thiên Chúa :”Làm sao Ngài lại có thể để cho sự khốn khổ như thế này xẩy ra cho được ? Tại sao Ngài lại không làm gì để giúp đỡ những con người bất hạnh đó” ? Và từ một nơi nào đó, rất sâu tự bên trong tâm hồn của ông, có tiếng Thiên Chúa trả lời :”Ta đã làm. Ta đã dựng nên ngươi” (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 216).
Ta đã tạo nên con để con giúp đỡ họ, để con làm phép lạ hóa bánh ra nhiều ! Thế nào cũng đã có lần chúng ta chứng kiến và cảm nghiệm sự bác ái yêu thương của những người con cái Chúa. Mỗi lần như thế là mỗi lần bánh tình yêu được biến hóa ra nhiều.
Khi chúng ta rước Mình Máu thánh Chúa, chúng ta cũng cử hành mầu nhiệm làm gia tăng đức bác ái thương người, hóa bánh ra nhiều (Cv 2,42-46; 1Ga 3,17-18). Đức Giêsu dùng chính những lễ vật chúng ta dâng hiến : tiền bạc, của cải vật chất, tài năng, công sức, lòng quảng đại, lời cầu nguyện, sự hy sinh đóng góp để mưu ích cho toàn thể dân Chúa.
Mừng lễ Mình Máu Chúa Kitô là dịp chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao trọng Ngài ban tặng cho loài người, vốn mỏng giòn yếu đuối và bất xứng. Hồng ân đó, Thiên Chúa vẫn hằng ngày ban tặng cho chúng ta trong bất cứ giờ cử hành Thánh lễ nào diễn ra trên toàn thế giới. Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta đến kín múc lương thực Thần linh qua việc lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô để chúng ta được kết hợp mật thiết với Ngài, đồng thời giúp chúng ta thông phần vao đời sống vĩnh hằng của Thiên Chúa ngay tại thế này.
THÁNH LỄ TRONG NHÀ THỜ VÀ NGOÀI CUỘC ĐỜI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm những bình đựng Mình Thánh. Kẻ trộm đổ Mình Thánh Chúa ra vườn, lấy đi những bình mà họ tưởng làm bằng vàng. Thật là một sự phạm thánh ghê gớm.
Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.
Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích. Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta hãy lưu ý hai điểm:
– Diễn tiến phép lạ hoá bánh ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ. Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ Thánh Thể thì trong bài tường thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng trước rồi mới ban bánh sau. Dân chúng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc. Đây quả là một Thánh Lễ cử hành giữa đời thường. Một Thánh Lễ không có nhà thờ, chẳng có bàn thờ.
– Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau giống y như nhau. Cả 3 đoạn văn trên đều tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ.
Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự thực. Sự thực ấy phải đâm rễ sâu nơi cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại lợi ích cho đời sống.
Nếu trong Thánh Lễ Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người đã ban lương thực nuôi thân xác.
Nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ, thì trong sa mạc hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm 50 người để họ chia sẻ với nhau không chỉ cơm bánh mà còn tâm tư tình cảm nữa.
Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Chúa Giêsu đã tự hiến mình trên thánh giá.
Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhúc, đòn vọt, đóng đinh.
Quả thật Chúa Giêsu đã dâng Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ, mà Người còn dâng Thánh Lễ ngoài cuộc đời. Người không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Người chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích. Người không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người. Chính vì thế mà lễ dâng của Người có giá trị. Thái độ của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ.
Làm sao ta có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét? Làm sao ta có thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung quanh ta còn biết bao anh em đói khổ, thiếu thốn? Làm sao ta có thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến mình cho anh em?
Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Người còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời. Nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương, biết hiến mình vì anh em.
Việc cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú, giả dối và phản chứng.
Xin cho bí tích Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống. Xin cho chúng ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không phải chỉ trong hình bánh mà còn nơi những anh em bé mọn trong cuộc đời. Xin cho chính đời sống ta trở thành một bí tích, chịu bẻ ra để đem lại lợi ích cho anh em. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Theo bạn, thế nào là tích cực tham dự Thánh Lễ?
- Rước lễ đem lại những ơn ích nào cho đời sống thiêng liêng của bạn?
- Bạn đã dâng Thánh Lễ trong cuộc đời chưa?
BÁNH HẰNG SỐNG- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Ông tổ Abraham đi cứu người cháu là ông Lot bị bắt giữ, khoảng 1850 năm trước khi Chúa Giêsu giáng trần. Trên đường trở về đi qua Salem, ông Abraham đã gặp ông Melchizedek vừa là vua và là tư tế. Melkizedek đã dâng bánh và rượu cho Abraham. Bánh và rượu là biểu tượng của Bí tích Thánh Thể sau này được hiến dâng bởi tư tế theo dòng Melkizedek: Ông Melkizedek, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao (Stk 14, 18). Từ thuở xa xưa, con người đã biết biến chế hạt miến, hạt mì thành bánh và ép những trái nho ủ lên men thành rượu. Đây là một tiến trình hòa lẫn biến đổi bánh rượu thật tuyệt vời. Tất cả mọi loài vật khác trên địa cầu đều ăn tươi nuốt sống theo luật tự nhiên. Riêng con người, bánh và rượu là căn cốt thực phẩm được chế biến để đáp ứng nhu cầu ăn uống của con người mọi thời và mọi nơi.
Trong ba năm rao giảng, phúc âm kể lại hai lần Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Trước khi Chúa làm phép lạ cho bánh và cá hóa nhiều, Chúa đã dạy dỗ và an ủi chữa lành bệnh tật cả tâm linh lẫn thể xác. Chúa yêu thương đoàn dân như chiên không có người chăn dắt. Người ta mải mê nghe lời Chúa quên cả ngày giờ. Chúa cảm thông mọi nỗi khát khao của họ. Chúa cho họ các món ăn cả tinh thần lẫn thân xác. Hôm nay, Chúa muốn các tông đồ lo liệu thức ăn cho đám đông. Thật là bối rối, của ăn đâu cho đủ để nuôi cả mấy ngàn người: Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” (Lc 9, 13). Chúa muốn thử thách các các tông đồ một chút. Với lòng cảm thương sự đói khát của đoàn dân, Chúa đã sẵn sàng dùng bánh và cá như dấu chỉ của trời cao trao ban: Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông (Lc 9, 16).
Có thể chúng ta cũng cảm thấy hơi lạ, dân chúng ăn bánh với cá. Bánh là thức ăn chung của nhiều dân tộc nhưng với cá khô nướng hay cá kho. Mỗi dân tộc có những món ăn riêng biệt làm nên căn tính con người. Thức ăn nuôi dưỡng con người cả tinh thần lẫn thể chất. Thức ăn đi đôi với suy tư, quan niệm và triết sống. Đại khái thức ăn biểu trưng của người Việt Nam là cơm gạo, người Căm Bốt có mắm Bồ hóc, người Ấn Độ có món Cari, người Đại Hàn có Kim chi, người Trung Hoa có Mì phở, người Ý có Pizza, người Hoa Kỳ có Hamburger và người Mễ Tây Cơ có Taco, đỗ đậu…Thức ăn làm nên căn tính của mỗi dân tộc. Chúng ta tôn trọng sự khác biệt trong vấn đề văn hóa thực phẩm. Món ăn của các Kitô Hữu trên toàn thế giới, không phân biệt mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chúng ta cùng ăn chung một thứ bánh và uống chung một chén rượu. Bánh và Rượu của Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã chọn lựa. Khi chúng ta được ăn bánh và uống chén của Chúa, chúng ta trở nên chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Khi hoàn tất việc rao giảng Tin Mừng, trước khi Chúa Giêsu từ giã thế gian, Ngài đã để lại cho Giáo Hội một gia bảo quý giá vô cùng. Cũng bánh đó, rượu đó mà chúng ta được dưỡng nuôi hằng ngày. Chúa Giêsu đã chọn lựa bánh rượu trong muôn ngàn loại thực phẩm để hiến thánh. Trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giêsu đã cử hành một nghi thức hết sức nhiệm mầu: Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy ( 1Cor 11, 24). Và Chúa đã chọn rượu nho để thánh hiến trở thành Máu Chúa. Chất rượu trong chén thánh là giá máu của giao ước mới. Chúa Giêsu dùng cả bánh và rượu biến đổi thành thịt và máu thánh Chúa: Cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”(1 Cor 11, 25).
Đây là mầu nhiệm đức tin. Các tín hữu tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Niềm tin vượt trội trên tất cả mọi việc cử hành phụng vụ. Người không thuộc trong đạo Công Giáo, không thể nào hiểu nổi, tại sao người tín hữu lại tin vào tấm bánh bé mọn và chén rượu nho đó là Mình Máu Thánh Chúa. Không có một tôn giáo nào trên thế giới có niềm tin vào sự biến đổi bản thể của một sự vật như thế. Trong cử hành thánh lễ, qua lời truyền phép của linh mục, bánh và rượu trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa. Một sự biến đổi lạ lùng qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mọi người tuyên xưng niềm tin và phủ phục tôn thờ Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh hình rượu. Và khi trao Mình Máu Thánh, linh mục hay thừa tác viên xác tín: Mình Thánh Chúa Kitô, Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta thưa: Amen. Có nghĩa là chúng ta tin thật Chúa hiện diện đó.
Các linh mục thay mặt Chúa và Giáo Hội dâng thánh lễ mỗi ngày. Giám mục và linh mục đều là con người yếu đuối, tội lỗi và mỏng dòn chứa đầy tham thân si. Qua sứ vụ, Chúa đã chọn gọi những con người tầm thường để thi hành việc thánh. Thật ra, không ai là người xứng đáng đại diện đứng trước bàn thánh để dâng thánh lễ. Trong lễ hiến tế, Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa bị lột trần, bị đòn đánh nát thân, mồ hôi cùng vết thương rướm máu chảy lan, chân tay bị đóng chặt vào thánh giá, chịu đói chịu khát, quằn quại đớn đau và máu cùng nước từ cạnh sườn đã chảy ra tới giọt cuối cùng. Vì đuối sức, Chúa bị nghẹt thở và đã chết trên thánh giá để cứu độ nhân loại. Chén Máu đã đổ ra lập giáo ước mới không chỉ trong bữa tiệc ly mà là chén máu châu báu đang hứng từng giọt từ châu thân của Chúa trên thánh giá. Chén Máu của nhục hình khổ đau và chết.
Trên gian cung thánh, trước bàn thờ dưới chân thánh giá Chúa, các chủ tế mặc áo lễ thiệt đẹp, có khi rước sách linh đình, chén vàng bát kiểu, bàn thờ đá quí và hoa nến trang trọng. Các linh mục cử hành thánh lễ trong không gian rộng rãi, thoáng mát và chẳng phải chịu nắng nôi đớn đau và khổ sở như Chúa Giêsu trên thập giá xưa. Mỗi linh mục cần ý thức vai trò đại diện quan trọng của mình trong khi cử hành thánh lễ. Các linh mục có trọng trách giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Chúa Giêsu là vai chính. Chúng ta biết rằng thánh lễ hy tế là trung tâm của tất cả niềm tin Kitô Giáo. Cử hành thánh lễ tưởng niệm sự hiện diện của Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Thánh lễ là cử hành Bí tích tình yêu dâng hiến. Thánh Phaolô lãnh nhận giáo lý từ chính Chúa Giêsu phục sinh và truyền lại cho các thế hệ, Ngài nhắc nhớ: Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết (1Cor 11, 26). Chúng ta ăn Bánh và uống Chén hằng tuần, chúng ta tiếp tục loan truyền Chúa chịu chết và sống lại. Mỗi lần lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được biến đổi nên giống Chúa hơn.
Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con Bí Tích Thánh Thể là nhiệm tích vô cùng cao quí, chúng con cùng phục bái tôn thờ. Chúa hiện diện trong Thánh Thể để an ủi và cảm thông những gánh nặng cuộc đời: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28). Hơn nữa, Chúa còn dưỡng nuôi chúng con bằng chính Mình và Máu Thánh Chúa, xin cho chúng con được hưởng nếm tình yêu dịu ngọt trong ân tình Chúa.
THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM ĐỨC TIN VÀ LÀ HI TẾ TÌNH YÊU– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Theo truyền thống từ thế kỷ XIII, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa được Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264 và được cử hành vào thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức là 60 ngày sau lễ Phục sinh. Lễ này gồm hai phần: Thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Festum Corporis Christi, và cao điểm Rước Kiệu Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường và hát bài của Thánh Tôma Aquinô: Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê. (Ca nhập lễ)
Cử hành Thánh Thể
Giáo hội long trọng công khai Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Mầu nhiệm đã được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được nhớ đến vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho tất cả, được bao bọc bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội.
Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, đức tin chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta: Làm sao Bánh lại có thể là mình Chúa Kitô và Rượu lại là máu Chúa Kitô được?
Chúng ta tin, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, Bí tích cần thiết để dẫn dắt chúng ta trên con đường về tới thiên đàng! Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã hứa không để chúng ta mồ côi: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Nhưng Ngài ở lại với chúng ta thế nào khi trở cùng Cha? Bí tích Thánh Thể là kho tàng cao quí thể hiện lời hứa trên.
Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta. Giáo Hội quả quyết rằng: Sự hiện diện thật của Ngài trong Bí tích Thánh Thể là chân lý cơ bản của Đức Tin Công Giáo. Chúng ta phải tôn thờ, Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.
Thánh Tôma Aquinô cho chúng ta biết: Con độc nhất của Thiên Chúa, muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, Ngài đã làm người thực sự. Để cứu chuộc con người, Ngài đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.
Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là máu châu báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và rượu trở nên Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người. Vì thế, Ngài được các tín hữu ăn: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55-56). Từ phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông trong hoang địa. Chúa Giêsu đã chính thức hứa ban cho chúng ta thứ của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta (Lc 9, 11b-17).
Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Ngài đối với chúng ta: “Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn…”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Các con hãy cầm lấy mà uống. Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (1 Cr 11, 23-26). Thật là niềm an ủi cho những người đã buồn vì sự vắng mặt của Chúa,” (Bài giảng của Thánh Thomas Aquinas, Booklet 57).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Ngài lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Ngài kết hợp chúng ta với Ngài, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy.” (Thánh Gioan Kim Khẩu)
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta: “Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Ngài đã sinh ra thì Ngài nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Ngài làm cho ta vững tin rằng Ngài đã mang lấy chính xác thân của ta”. Ngài tan biến trong chúng ta, “làm một với chúng ta”, “làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài” (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là truyền thống rước kiệu Mình Thánh Chúa.
Rước kiệu Mình Thánh trên các nẻo đường
Khi kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ. Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà dành cho Chúa, đường đời ta là đường của Chúa Giêsu. Xin Chúa Giêsu luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta!
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta.
Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh nuôi sống đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ- NĂM C
HỒNG ÂN THÁNH THỂ– Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Không gì quý bằng sự sống. Dù bị thiên tai càn quét hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng người nhà chưa phải chết thì vẫn còn may.
Được sống trên cõi đời là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Sách Giảng Viên viết: “Thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết.” (Giảng Viên 9,4). Thà làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Thế nên người ta thường nói: “Mạng sống quý hơn đống vàng.”
Vì yêu thương con người vô hạn nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý nhất, đó là sự sống; và Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật (sự sống tự nhiên) mà còn thông ban cả Sự Sống thần linh của chính Thiên Chúa cho con người nữa.
Thông ban Sự Sống thần linh
Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha, rồi Chúa Cha thông ban Sự Sống của mình cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con) và Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su xác nhận sự sống của mình từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha.” (Ga 6, 57)
Một khi nhận được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giê-su không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.
Bằng cách nào?
Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để nên một với cây nho vườn.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.
Thế nên, Chúa Giê-su lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người thì được nên một với Người, được ở lại trong Người:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”
Những ai “ở lại trong Chúa Giê-su và có Chúa Giê-su ở lại trong người ấy”, thì kẻ ấy nên một với Chúa Giê-su và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Người, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
“Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 51)
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54)
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giê-su khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giê-su và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời.
Biến đổi con người thành Chúa Giê-su
Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giê-su trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giê-su khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định:
“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Ki-tô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy.” (Trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh)
Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giê-su, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa: “Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Ki-tô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Ki-tô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)
Lạy Chúa Giê-su,
Hồng ân Thánh Thể Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.
Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.
HIẾN LỄ TẠ ƠN- Lm. Trần Thanh Sơn
Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thật ra, trong bất cứ thánh lễ nào, chúng ta cũng đã suy tôn mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, vì muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Thể trong đời sống của mỗi kitô hữu, nên mẹ Giáo Hội đã chọn riêng một ngày để chúng ta có thời giờ nhiều hơn trong việc tôn thờ, suy gẫm và tạ ơn tình yêu Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể. Nếu như các bí tích nói riêng và các sinh hoạt phụng vụ nói chung là phương thế để chúng ta nhận lãnh ơn cứu độ của Đức Giêsu, thì với bí tích Thánh Thể, chúng ta được đón nhận chính Đức Giêsu là nguồn của mọi ân phúc. Chính vì thế sách Giáo lý chung của Hội Thánh Công Giáo số 1324 đã viết: “Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống kitô hữu”. “Những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó…”.
Mầu nhiệm về bí tích Thánh Thể rất phong phú, chúng ta không thể nào suy cho hết được. Do đó, trong giờ này, tôi muốn được chia sẻ cùng quý OBACE. về một trong những khía cạnh của bí tích Thánh Thể, đó là nhìn bí tích Thánh Thể dưới góc độ của một hiến lễ tạ ơn.
- HIẾN LỄ TẠ ƠN CỦA ĐỨC KITÔ
Khi nói đến hiến lễ, chúng ta không thể không nói đến lễ vật. Đức Giêsu chính là lễ vật được hiến dâng lên Thiên Chúa Cha làm của lễ đền tội cho chúng ta. Chính vì thế, khi thuật lại việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể, mặc dù là đang trong bữa tiệc với các môn đệ, thánh Phaolô đã nói: “Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, nầy là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con …”. Khi nhắc đến việc Đức Giêsu sắp bị nộp, thánh Phaolô muốn chúng ta nhớ đến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên thập giá. Hiến thân làm của lễ, Đức Giêsu đã thực sự trở nên tấm bánh bẻ ra cho chúng ta được sống.
Mặt khác, trong hiến lễ tạ ơn này, Đức Giêsu không chỉ là của lễ mà còn là người dâng. Đức Giêsu đã tự hiến dâng chính mình cho Chúa Cha làm của lễ đền bù tội lỗi cho chúng ta. Hơn nữa, không giống như các tư tế của Cựu ước hàng năm đều phải tiến dâng lễ vật, nhưng vẫn không xoá được tội lỗi như lời tác giả thư Do Thái: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và đang đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi”(Dt 10, 11). Trái lại, Đức Giêsu “đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”(Dt 9, 12).
Nhờ sự tự hiến này của Đức Giêsu, tất cả chúng ta đã được chữa lành khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi. Chính vì thế trước khi tường thuật lại phép lạ hoá bánh ra nhiều, thánh sử Luca đã cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã “chữa lành những kẻ cần được cứu chữa”. Đức Giêsu đã chữa lành những tật bệnh thân xác, như một dấu chỉ báo trước việc Ngài sẽ dùng chính Máu Ngài đổ ra trên thập giá, để chữa lành những vết thương do tội lỗi gây ra.
Như thế, Đức Giêsu chính là vị Thượng Tế đời đời theo phẩm hàm Melkisêđê. Chức tư tế của Ngài vượt trên mọi tư tế của Cựu ước, bởi lẽ các tư tế của Cựu ước đều là con cháu tổ phụ Abraham, mà tổ phụ Abraham lại phải dâng “một phần mười tất cả chiến lợi phẩm”cho Melkisêđê và nhận lời chúc phúc của ông như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một.
Đức Giêsu đã tự hiến dâng chính mình Ngài làm của lễ đền tội và ban chính Mình và Máu Ngài làm của ăn đem lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả chúng ta. Đồng thời, mỗi khi chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể, là lúc chúng ta nhận được lời mời gọi tiếp tục cử hành và sống hiến lễ tạ ơn này cho đến tận thế, như lời Đức Giêsu đã phán khi lập bí tích Thánh Thể: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.
- SỐNG HIẾN LỄ TẠ ƠN
Mỗi khi lãnh nhận Thánh Thể là lúc chúng ta lãnh nhận được sự sống Thần Linh của Thiên Chúa. Do đó, tâm tình đầu tiên phải có của mỗi người chúng ta, đó là tâm tình tạ ơn. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu bao la mà Ngài đã dành cho chúng ta. Nhất là chúng ta tạ ơn Đức Giêsu vì Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta chính Mình và Máu Ngài làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế này.
Mặt khác, với kinh nghiệm của mình, chắc hẳn mỗi người chúng ta cũng nhận ra rằng: một sự tri ân đích thực không chỉ là một tâm tình bên trong, nhưng cần phải được loan báo. Thực vậy, có một niềm vui thật trong lòng, chúng ta không thể dấu kín, nhưng luôn muốn kể lại cho mọi người cùng biết. Do đó, nhận được hồng ân sự sống từ bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng có nhiệm vụ loan báo cho anh chị em của mình, để tất cả mọi người đều cất tiếng ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa. Hay nói theo cách nói của thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.
Kế đến, lòng tri ân của chúng ta cũng không chỉ dừng lại ở một lời loan báo, nhưng cần được thể hiện bằng một hành vi cụ thể. Đức Giêsu đã tự hiến dâng thân mình Ngài, trở nên một tấm bánh bẻ ra làm của ăn cho tất cả chúng ta, đến lượt mình, chúng ta cũng phải biết tự hiến, biết cho đi bản thân mình làm của ăn cho anh chị em của chúng ta.
Trong bài Tin mừng, đứng trước nhu cầu của cả một đám đông dân chúng, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Đức Giêsu muốn các môn đệ làm một cái gì đó thật cụ thể, với hết khả năng của họ, cho dù đó chỉ là “5 chiếc bánh và 2 con cá”, để giúp đỡ đám đông, chứ không chỉ là một lời nhận xét, một lời góp ý xuông, hay chỉ là một lời bàn làm cách nào để mình được thoải mái, nhẹ nhàng nhất: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn”. Điều này xem ra thật quá dễ và hợp lý cho các môn đệ và Đức Giêsu, nhưng lại không phải là điều mà Đức Giêsu muốn. Điều Ngài muốn là các môn đệ bắt tay cùng cộng tác với Ngài để làm dịu cơn đói của đám đông đang theo Ngài.
Là chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài, mỗi người chúng ta cũng hãy dâng đời sống, lời ca ngợi, kinh nguyện và cả những đau khổ do tật bệnh trên thân xác, cùng với những lo âu trong cuộc sống… kết hợp với hiến lễ của Đức Giêsu trên thập giá, để dâng lên Chúa Cha trong Thánh Lễ mỗi ngày (x. SGL 1368). Nhờ đó, ngày càng có nhiều người nhận được ơn cứu độ do bởi hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá. Amen.
THÁNH THỂ, BÀN TIỆC TÌNH YÊU- Lm. Vũ Xuân Hạnh
Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật sống. Khi tôi ăn uống, thức ăn, thức uống trở thành tôi. Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên… nhờ bao nhiêu chất dinh dưỡng từ chút rau xanh, cá tươi, hoa trái…
Trừ những bữa tiệc, những độ nhậu phi nghĩa, phi đạo đức, nhằm mua quan, bán chức, hối lộ, mãi lộ, nịn hót. Hoặc những bữa tiệc, những độ nhậu mà người ta dùng như một cuộc hẹn hò làm ăn, bàn tính, thậm chí qua đó, người ta lên chương trình cho cả một hệ thống phi luân lý như cùng hợp tác với nhau giết người, cướp của, bóc lột dân lành, mánh mung, trả thù, bớt xén của công, chạy chọt để thoát sự trừng trị của pháp luật…
Trừ tất cả những bữa tiệc ấy, những bữa cơm, dù toàn những thức ăn sang giàu, hay chỉ đạm bạc, đơn giản vài trái cà gém, một chút mắm tôm của những gia đình nghèo, vẫn không bao giờ mất đi tính thiêng liêng và vẻ đẹp của nó. Nó cần nhận được sự tôn trọng của mọi người như: tránh gây gỗ, cãi vả, hiềm khích, đánh đập nhau. Câu nói nổi tiếng của ông bà từ ngàn xưa để lại cho con cháu: “Trời đánh tránh bữa ăn”, là câu nói rất hữu ích giáo dục lòng tôn trọng sự thiêng liêng và vẻ đẹp của bữa cơm. Những bữa cơm giàu tình yêu, nồng ấm tình gia đình, tràn ngập sự thành thực…, dù là những bữa cơm sang giàu hay đạm bạc đều là những bữa cơm quý phái, cần thiết cho cuộc đời.
Chúa Kitô đã nhiều lần sử dụng bữa cơm để mạc khải nhiều chân lý quý giá cho Giáo Hội. Càng suy nghĩ, ta càng nhận thấy Chúa Kitô thật là một nhà giáo dục tài ba. Vì có lúc nào tình yêu đằm thắm, lòng người tin tưởng nhau, và là nơi trổ sinh niềm vui cho bằng bữa cơm. Người đã dùng khung cảnh tốt đẹp của bữa cơm như thế để nâng hôn nhân lên hàng bí tích tại tiệc cưới Cana. Người đã đến nhà và dùng bữa tại nhà cô Maria, một phụ nữ tội lỗi, để tha tội cho chị, khi chị gục đầu khóc bên chân Người. và trong một bữa cơm, Người dạy người ta hãy ngồi vào chỗ rốt hết, vì “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, Người đã ăn với các môn đệ trên biển hồ sau khi sống lại để bày tỏ mầu nhiệm phục sinh… Còn nhiều, nhiều nữa những bữa cơm mạc khải như thế.
Liên quan tới bí tích Thánh Thể, Thánh Kinh cũng cho thấy nhiều bữa ăn mạc khải mầu nhiệm Thánh Thể. Chẳng hạn hai lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân trong thời gian Người giảng dạy. Hay bữa ăn cuối cùng trước khi rời xa các môn đệ. Chính trong bữa ăn này, Chúa Giêsu chính thức thành lập bí tích Mình Máu Thánh Người, qua lời truyền phép mà hôm nay thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô đã nhắc lại: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”và “Chén này là Tân Ước trong Máu Thầy. Mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi ta suy niệm một trong ba bữa ăn ấy. Đó chính là lần Chúa làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi sống năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con.
Chúa không làm phép lạ chỉ như một phép lạ mà thôi, càng không bao giờ làm phép lạ để khoe mẽ tài năng của mình. Nhưng phép lạ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá, gọi về một phép lạ khác lớn lao hơn. Đó là phép lạ hóa nên Mình Máu của chính Chúa Kitô để nuôi dưỡng linh hồn con người, không phải năm ngàn hay mười ngàn, nhưng là lớp lớp người từ đời này sang đời khác. Hóa ra phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều là để hướng lòng ta về chính Bánh là của ăn muôn đời trường tồn, là Bánh bất tử đưa ta vào sự sống nhiệm mầu và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Bánh ấy chính là Thịt máu Chúa Kitô.
Bữa ăn Thánh Thể do Thiên Chúa dọn cho chúng ta là một cuộc hạ sinh mới trong lòng người. Nếu đã có lần Chúa Giêsu sinh ra trong trần gian một cách thể lý, thì cuộc sinh hạ của Chúa trong lòng người ta là một cuộc sinh hạ không ngơi nghỉ. Mỗi khi ta rước Chúa Giêsu vào tâm hồn mình, là mỗi lần Chúa chấp nhận giáng sinh lại trong lòng ta. Người chấp nhận làm điều đó không nhằm lợi ích cho riêng mình, nhưng cho chính chúng ta. Vì các của ăn phàm trần, khi ăn vào, sẽ biến thành máu thịt ta, nhưng ăn Máu Thịt Chúa Giêsu, ta được “Thiên Chúa hóa”(ngôn ngữ chuyên môn của thần học gọi là “thần hóa”), nghĩa là trở nên giống Chúa hơn. Người sẽ ban cho ta sức mạnh của lòng tin, của tình mến để ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa, vững vàng trước mọi cám dỗ, không sa ngã và bảo vệ đức tin của mình thành toàn. Tắt một lời, Người hạ sinh trong lòng ta qua bí tích Thánh Thể để ta ngày một nên thánh thiện như Người.
Trên mọi bữa ăn, Thánh Thể là bữa ăn của hiệp thông trong tình yêu. Cuộc hiệp thông trong tình yêu này là một cuộc hiệp thông lớn lao đến mức tuyệt vời: Thiên Chúa tìm đến viếng thăm tâm hồn người thế và con người được diễm phúc đón nhận chính Thiên Chúa vô cùng cao cả ấy. Cuộc hiệp thông ấy lớn đến mức tuyệt vời nằm ở chỗ: siêu nhiên đến với tự nhiên, Thánh ở với người, cái vô cùng ở cùng cái hữu hạn. Một cuộc hiệp thông lớn đến thế, chỉ có thể thực hiện bởi tình yêu của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài tình yêu ấy, không còn một sự hiệp thông nào sánh ví.
Một cuộc hiệp thông cao cả như vậy, mang lại giá trị cho con người. Bởi Thiên Chúa đã không trao ban bất cứ một cái gì ngoài Người, nhưng là trao ban chính Con Một của mình cũng là Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế, nơi cuộc hiệp thông được thực hiện trong tình yêu của Chúa, chúng ta kín múc nguồn hạnh phúc là chính Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Đối. Có ai ngờ, nơi bí tích Thánh Thể, loài người bé nhỏ là thế, lại được gần Thiên Chúa đến nỗi nên một trong nhau. Do đó, loài người không còn chỉ là tạo vật đơn thuần, nhưng là tạo vật mang chiều kích vĩnh cửu.
Lãnh nhận tình yêu hiệp thông nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống yêu thương và hiệp thông với anh chị em của mình. Kinh Tạ Ơn II nói lên điều đó: “Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô”. Hoặc kinh Tạ Ơn III: “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”.
Lời cầu xin ơn hiệp thông khi cử hành Thánh Thể phải được cả cộng đoàn sống và áp dụng trên từng cá nhân. Chính vì điều này ta có thể nói, để đánh giá sức sống của một cộng đoàn Thánh Thể, tiêu chuẩn đúng nhất là sự hiệp thông, duy nhất nơi cộng đoàn đó. Một cộng đoàn chia rẽ không thể nói về “một thánh lễ sốt sắng”. Cũng như mỗi thành viên trong gia đình mà chia rẻ, rạn nứt, gia đình đó, dù chuyên chăm tham dự thánh lễ, lãnh bí tích Thánh Thể đến đâu, vẫn là gia đình đánh mất ơn hiệp thông, lẽ ra phải có, nhờ Thánh Thể Chúa Kitô.
Chúng ta có những bữa cơm hằng ngày, có khi đạm bạc, có khi sang trọng. Những bữa cơm ấy là nơi gặp gỡ và nuôi dưỡng tình gia đình, tình bạn, tình lối xóm, và biết bao nhiêu thứ tình cần thiết trong cuộc sống.
Trong chiều kích thánh thiêng của tâm hồn, chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể, để múc lấy tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó sống với anh chị em quanh mình. Tình yêu nơi bàn tiệc Thánh Thể không đơn thuần nuôi dưỡng tình con người, nhưng đi một bước cao hơn: thánh hóa mọi tình yêu nhân loại, vĩnh cửu hóa tình yêu ấy. Tình yêu nơi bàn tiệc Thánh Thể còn thần hóa những người yêu nhau và biến họ nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô.
Vì thế, mỗi một lần rước Chúa Giêsu Thánh Thể, bạn và tôi xin Người ban cho mình được chìm ngập trong tình yêu của Người, để nên một với Thiên Chúa và với anh chị em.
THÁNH LỄ NỐI DÀI GIỮA LÒNG NHÂN LOẠI – Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn
Trên đường về thành Bétxaiđa, đám đông dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu để nghe lời Người giảng dạy. Cùng với Chúa Giêsu, các môn đệ và đám đông, chúng ta đang ở nơi đồng vắng – nơi sẽ xảy ra phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi sống dân chúng. Sự kiện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều không chỉ đơn thuần là một phép lạ, mà còn là một một lời loan báo cho tương lai: nhân loại sẽ được dưỡng nuôi bằng bàn tiệc Thánh Thể trong đó nhiệm thể Chúa Kytô trở nên Linh dược Thần linh nuôi sống nhân trần.
Giữa nơi hoang vắng, ngày lại sắp tàn và với một lượng người quá đông đã khiến các môn đệ lo lắng. Các ông lo lắng là phải. Bởi các ông biết rằng đối với đám đông, các ông cũng có một vai trò nhất định nào đấy. Một điều dễ hiểu là để lời Thầy được thính giả lãnh hội thì công việc của các môn đệ trong vấn đề tổ chức chẳng dễ dàng gì. Chính vì thế, giữa đồng không hiu quạnh, các ông lo cho số phận của năm ngàn con người sẽ ra sao khi đêm về mà không có gì lót dạ. Lương thực dự trữ bấy giờ chỉ vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Thật chẳng thấm vào đâu với số người quá đông như thế. Vì thế, theo các ông, cách tốt nhất là giải tán đám đông, cho họ về nhà, nhẹ gánh nặng, thầy trò còn có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc. Hợp lý quá đi chứ. Nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như vậy. “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Tâm trạng của các ông có lẽ bực bội hơn là ngạc nhiên. Chúng con cho họ ăn ư? Ồ không đâu, thưa Thầy. Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá? Chỉ còn cách là chúng con đành phải lặn lội vào nơi gần nhất để mua lương thực cho ngần ấy người mà thôi. Chúa Giêsu không để các ông phải khổ sở với suy nghĩ rất ư bình thường như vậy. Điều Chúa muốn các ông làm là hãy bảo đám đông quy tụ từng nhóm năm mươi người, nằm ngã xuống và phân phát bánh cho họ.
Khi đám đông dân chúng đã ngã mình trên đồng vắng, nghĩa là như Israel xưa trong sa mạc, họ không còn lạc lõng, bơ vơ, tản mát nữa, tất cả đều được quy tụ trở thành cộng đoàn cùng nhau dự tiệc- một hình ảnh loan báo cho một dân tộc mới được mời gọi vào dự Tiệc cánh chung của Thiên Chúa, khi đó kẻ nghèo sẽ được ăn uống thoả thuê- Chúa Giêsu mở đầu bữa tiệc này theo đúng phong tục của người Dothái, nghĩa là bằng lời chúc tụng. Một điều thú vị là nếu đối chiếu với bản văn Tin mừng hôm nay với bản văn bữa Tiệc ly và bữa tiệc Emmau, chúng ta sẽ thấy 4 động từ sau đây như là nét đặc trưng của việc dâng lễ tạ ơn. Đó là việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ. Có khác chăng là ở đây là lời chúc tụng, còn trong bữa Tiệc ly là lời Tạ ơn (x. Lc 22, 19;24, 30). Như thế phép lạ hoá bánh ra nhiều không chỉ cho thấy Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ vượt trên mọi ngôn sứ của thời đại, như ngôn sứ Êlia xưa đã nuôi 100 người bằng 20 chiếc bánh lúa mạch (x. 2V 4, 42-44) mà còn có quyền năng trong việc quy tụ và nuôi sống dân Thiên Chúa. Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy chính Người là hình ảnh của Thiên Chúa đến trần gian để yêu thương con người, săn sóc và nuôi dưỡng họ bằng phương cách họ không thể ngờ. Hôm nay chính Người đã ban tặng cho họ ân huệ cao vời, đã nuôi sống họ cách dư dật.
Như ngôn sứ Êlia xưa, Chúa Giêsu hôm nay cũng dựa trên năm chiếc bánh và hai con cá của đám đông dân chúng hiến dâng để nuôi sống họ. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự mỗi ngày cũng vậy. Chính chúng ta cũng phải dâng hiến năm chiếc bánh và hai con cá, tức là những hy sinh, những đau khổ, bình an và hạnh phúc của cuộc đời lên cho Thiên Chúa. Năm chiếc bánh và hai con cá thật chẳng đáng là gì trước một đám đông đang đói lả, nhưng đó lại chính là phương tiện cần thiết để Chúa thi ân giáng phúc. Cũng vậy, với quyền năng, Chúa Kytô sẽ biến đổi, hiến thánh sự đói nghèo của chúng ta, Người sẽ tiến dâng lên Chúa Cha cuộc sống và những việc làm dù rất nhỏ bé của chúng ta trở nên điều thiện hảo mưu ích cho muôn người.
Bí tích Thánh Thể chính là việc Thiên Chúa muốn quy tụ, mời gọi và đón nhận mỗi người chúng ta vào dự Tiệc với Người. Bữa tiệc đó rất cụ thể, rất sinh động và sinh muôn ơn ích. Bàn tiệc mà chúng ta tham dự không đơn thuần là một bữa tiệc thông thường, mà là một bữa Tiệc Sự Sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến kín múc nơi bàn tiệc Thánh Thể để toàn thể con người chúng ta qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kytô, chúng ta được hiệp thông cách trọn vẹn với Thiên Chúa, được sống chính đời sống Thần linh của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể còn là một lời mời gọi chúng ta can đảm lên đường, đến với thế giới đang chia rẽ, đến với đồng loại đang đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn tù đày để liên kết, an ủi, nâng đỡ và cưu mang họ. Xin Chúa thánh hoá và biến đổi chúng ta hầu cuộc đời chúng ta mãi mãi là Thánh lễ nối dài giữa lòng nhân loại.
#cacbaisuyniemleminhmauthanhchuanamc #suyniemloichualeminhmauthanhchua #suyniemloichuagpbr