CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
VƯƠNG QUYỀN CỦA VUA GIÊSU – Chú giải của Fiches Dominicales 13
VƯƠNG QUỐC CỦA TÌNH YÊU, CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH (*)- Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông.. 20
ĐỨC GIÊSU LÀ VUA- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 35
NƯỚC TÔI KHÔNG THUỘC CHỐN NÀY (*) – Suy niệm chú giải của Giáo hoàng Học Viện Đà Lạt. 56
VUA SỰ THẬT– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt. 61
BẤT KHẢ BẠI DÙ PHẢI CHẾT- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ 65
CHÚA GIÊSU, VUA TÌNH YÊU- Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy. 69
VUA SỰ THẬT- Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng OP.. 73
BỊ CAN GIÊSU KITÔ VUA- Lm. Fx. Nguyễn Phạm Hoài Thương 77
SỰ THẬT LÀ GÌ- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa.. 87
ĐỨC GIÊSU LÀ VUA Ư?- Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn.. 92
VUA LÒNG TIN- Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long.. 97
VUA SỰ THẬT- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 100
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu”.
Trích sách Tiên tri Đaniel.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5
Đáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a) .
1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. – Đáp.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Đáp.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Kh 1, 5-8
“Người là thủ lãnh các vua trần thế: Người đã làm cho chúng ta nên vương quốc”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.
Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.
Chúa là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Đấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 11, 10
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavít tổ phụ chúng ta đã đến! – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 18, 33b-37
“Quan nói đúng: Tôi là Vua”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”
Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.
Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”
Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”. Đó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC KITÔ VUA (*)- Chú giải của Noel Quession
Đây là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Sau diễn từ cuối cùng quan trọng trước công chúng trong đó Đức Giêsu loan báo rằng, giữa “thời tai họa”, Người sẽ đến quy tụ toàn thể loài người để hưởng “một mùa hè tươi đẹp” Đức Giêsu đề cập đến cái chết của người và Người bước vào cuộc thương khó: Đó là phần kết và là đỉnh cao của “Tin Mừng” theo Thánh Máccô, mà chúng ta đã đọc suốt năm nay.
Chúa nhật cuối cùng này, chúng ta thay đổi thánh sử. Đây là một trang Tin Mừng của Thánh Gioan, nhưng đúng ra chúng ta vẫn ở trong cùng một mạch văn cũ, là trong cùng một kết luận. Thánh Gioan chỉ đưa ra tước hiệu là Vua trong cuộc thương khó, vừa đau khổ vừa vinh quang. Bỗng nhiên, liên tiếp ông nói về “Vua”, “Vương quyền” (Ga 18,33.36.37.39; 19,3.12.14.15.19.21) nhưng đó là một ông Vua bị đóng đinh mà vương miện của Người là những gai nhọn. Vậy thì rõ ràng là “Vương quyền” của Đức Giêsu ở trên một bình diện hoàn toàn khác với bình diện chính trị.
Ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Đức Giêsu và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do thái không?
Đức Giêsu bị buộc tội. Người bị ra tòa. Phiên xử này là phiên xử danh tiếng nhất trong mọi thời đại!
Thẩm phán là ông Philatô, lãnh tụ của đạo quân La Mã đang chiếm đóng. Ông là viên toàn quyền của một đế quốc đã từng đô hộ và để dấu ấn trên thế giới. La Mã lúc bấy giờ ngự trị nước Ý, Pháp, Tây Ban ba, Anh và một phần nước Đức, Ao, Nam Tư, Rumani, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Xyri, Libăng, Palextin, Ai Cập, Li bi, Tuynidi, Angiêri, Ma -Rốc. Hoàng đế lúc bấy giờ là Tibêriô, thừa kế của Augustô. Philatô là quan toàn quyền có nhiệm vụ chận đứng những vụ nổi loạn thướng chớm nở trong dân Do Thái. Người ta treo lên thập giá người Dêlôtê ngoài cổng thành. Hàng ngàn người đã bị treo lên thập giá, để áp đặt quyền lực của La Mã.
Bị cáo hôm đó; đối với Philatô là một “ông Giêsu nào đó” Mà cách đây ba năm chỉ là một anh thợ mộc giản dị và âm thầm tại Nagiarét, một thôn làng nhỏ, chính quyền cũng không biết tới họa chăng mới có một đội tuần tiễu đi qua.
Tôi nhìn ngắm hai người đối diện; Philatô và Chúa Giêsu, quan tòa và bị cáo.
Đức Giêsu hỏi lại ông ấy.
Thật là một điều quá đáng? Bị cáo bây giờ lại “hạch hỏi quan tòa”. Có phải vai trò bị đảo ngược không? Táo bạo thật, người bị cáo đáng thương! Người ấy là ai vậy?
Đức Giêsu đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?
Đức Giêsu thật tuyệt vời. Người biết rằng quan tòa này là toàn quyền. Tuy nhiên, Chúa muốn ông có một tương quan cá nhân, cố dẫn ông ra khỏi một cuộc tranh luận pháp lý, để bày tỏ một lập trường của riêng ông, “này, ông Philatô, có phải chính ông nói rằng tôi là Vua không?”. Phần lớn các vấn đề của thế giới kỹ thuật, hệ thống hóa, hành chánh hóa của chúng ta có lẽ đang nằm ở trong thái độ trên đây của Đức Giêsu, một con người đang- cố thoát khỏi mối liên hệ “quan tòa – bị cáo” để bước sang tương quan “người và người”. Chúng ta không ngừng đóng những vai trò” và ưa đeo mặt nạ: Chủ – thợ, y sĩ – bệnh nhân, thông gia – khách hàng, trợ lý xã hội với người được trợ giúp linh mục – con chiên, cha mẹ – con cái, thầy dạy – học trò, Giáo Hội giáo huấn và Giáo Hội thụ huấn. Này Philatô, hãy bỏ mặt nạ ra! Hãy nhìn thẳng vào mặt Ta. Ông hãy nói, ông nghĩ gì về Ta? ông đừng trả lời những bài đã học ở kẻ khác. Chính ông phải có lập trường. Chính ông phải “tuyên xưng Đức tin”.
Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?
Ta cảm thấy quan tòa hơi bực mình. Ông ta có ý tiến công. Ông ta khước từ không muốn bị kêu gọi bước vào lương tâm mình. ông quyết định trở lại với vai trò, với “mặt nạ” của mình. Tôi không phải ngồi đây để nói tôi nghĩ gì mà là để xử vụ án. “Ông đã làm gì?” Đức Giêsu đã cố gặp “một người”. Nhưng Philatô đóng vai trò “một nhân vật” Dù sao thì Philatô cũng đang “thống trị “, chính ông mới có uy quyền. Người thợ ở làng Nagiarét không thể có lý trước mặt César. Ai có thể nói hôm đó rằng, không phải là César, với gót giày của đạo quân bách chiến bách thắng, sẽ trở nên khuôn mẫu cho thế giới mai sau… nhưng lại là anh thợ mộc thấp bé, bị khinh khi. Từ người thợ mộc này sẽ phát sinh một nhân loại mới cho nhiều ngàn năm.
Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này
Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của quan tòa “ông đã làm gì?”. Chính Đức Giêsu không có ý thắng người đối thoại nhưng chỉ hướng cuộc đối thoại theo đề tài mà Người muốn bàn cãi.
Đức Giêsu giải tỏa mọi sự hiểu lầm về tước hiệu “Vua” mà Philatô đang tìm cách điều tra ít nhất có ba cách làm “Vua”. 1. Vua theo nghĩa chính trị, theo kiểu La Mã: Người ta thống trị kẻ khác bằng cách nô lệ hóa họ.
- Vua theo nghĩa Thiên sai, theo kiểu mong đợi của dân Do Thái: Một người thuộc dòng dõi Vua Đa-vít chính thức lên ngôi, và chiến thắng kẻ thù của Israel, của Chúa bằng cách đè bẹp chúng.
- Sau hết, Vua theo cách của Đức Giêsu: Một vương quyền huyền bí, không ép buộc ai, không đè bẹp ai “bạn có muốn theo tôi không?” “Các bạn cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Một vương quyền mà lại để “Vua” bị “Giao nộp” cho kẻ thù mà không kháng cự một tổng thống mà không có “vê binh” để bảo vệ mình, không có cận vệ để bao bọc trước đám đông. Một vương quốc không quân đội, không thiết giáp không hỏa tiễn.
(Một lãnh tụ Xô Viết trước kia đã hỏi một cách ngây ngô xem Đức Giáo Hoàng có được bao nhiêu sư đoàn thiết giáp!)
Đức Giêsu luôn hành động như Đấng có “Toàn quyền”: Người đã đuổi quỷ ra khỏi con người, đã đánh bại sự dữ, đã chế ngự biển khơii đang xung động, đã đổi mới cách giảng dạy Luật Do Thái với một uy quyền không ai sánh được. Nhưng trong khi làm như vậy, Người đã không bao giờ cưỡng bức ai.
Chúa là vị Thầy đã để cho chúng ta được hoàn toàn tự do, mà còn tự “Giao nộp” để cho chúng ta tấn công Người. (Tôi suy niệm về từ “Giao nộp” mà chính Chúa đã dùng ở đây). Đức Giêsu là chính dung mạo của Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (2 Cr 4,4). “Kẻ nào thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,8-11; Cl 1,15). Không ai đã thấy được Thiên Chúa, nhưng Con Một đã mạc khải Người cho chúng ta” (Ga 1,18). Trong nội dung rao giảng của Người được ghi lại trong ba Tin Mừng. Nhất lãm, Đức Giêsu đã không ngừng nói về “Nước Trời”, “Nước của Thiên Chúa”, nhưng đó không phải là một vương quốc như những vương quốc trần thế.
Đó là một vương quốc ẩn dật như một hạt cải nhỏ bé sẽ trở nên một cây lớn, như một nhúm men, người đàn bà trộn vào bột, như hạt lúa mì chết đi trong lòng đất để mang lại bông hạt. Đức Giêsu là “Vua”, vâng, nhưng theo cách của Thiên Chúa. Và rõ ràng Thiên Chúa không phải như chúng ta tưởng tượng Thiên Chúa “trị vì”, Thánh Vịnh đã hát lên như thế (Tv 46,9; 54,20; 58,14; 92,1; 96,1; 98,14; 145,10) và Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha “Xin cho Nước Cha trị đến”. Thiên Chúa không đè bẹp kẻ thù của Người. Thiên Chúa không bắt buộc con Người phải tin nơi Người. Người cho mặt trời mọc lên trên cả người công chính lẫn người bất lương, trên kẻ ác cũng như người lành, trên người vô thần cũng như trên các tín hữu (Mt 5,43-48). Thiên Chúa yêu thương những người không yêu thương mình mà Người yêu cầu chúng ta cũng làm như vậy. Người không phải là “Vua”! Không, tuyệt đối không phải là “Vua”! Người không giống bất cứ một ông Vua nào của trần gian.
Nhưng không! Nước Tôi không thuộc về thế gian này.
Sau khi đã phân biệt rõ ràng vương quyền của Người với tất cả vương quyền khác, bây giờ Đức Giêsu có thể tuyên bố Người là Vua…, bởi vì từ bây giờ trở đi không ai có thể hiểu lầm về ý nghĩa của vương quyền nữa. Vương quyền này không dính líu gì với những quyền lực dưới thế gian này.
Người quả quyết, Vương quyền này từ “nơi khác” đến. Người cảm thấy không cần nói rõ “nơi khác” mà từ đó Người đến. Người ta có thể giết Chúa, nhưng Chúa vẫn thắng, vẫn hiển trị. Cái nghịch lý của “nơi khác” thần thiêng này là Vinh quang của Người không thể bị suy giảm bởi những thử thách hay thất bại trên thế gian. Vương quyền (thần thiêng!) của Người không tránh cho Người phải chết về mặt thể xác. Vinh quang của Người là vinh quang được “nâng lên khỏi mặt đất” trên thập giá, và lên ngự bên phải của Chúa Cha.
Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?
Trên môi miệng của Philatô, đại danh từ “ông” được đặt sau động từ, trong bản văn Hy Lạp rất có ý nghĩa: “Vua ông”.
Sao? ông, người mạo danh, ông, mà người ta sắp xóa bỏ bằng một nét bút. Ông là người; mà tôi, sắp cho tiêu diệt ông, là người tù đáng thương không thể tự vệ được:
Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật.
“Đã đến”. Người đã nói “Tôi đã đến”, từ một ‘nơi khác’, đã đến thế gian.
Trong bài đọc 2 được đọc trong Chúa nhật này, chúng ta đã nghe Gioan định nghĩa Đức Giêsu như là “nhân chứng trung thực”. Chữ “Chứng nhân” này dịch từ chữ Hy Lạp “Martyr” do đó có chữ Pháp là “Martyr” có nghĩa tử đạo.
Người đã trả giá cho vương quyền của Người! cho việc làm chứng của Người!
Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi
Vậy thì vương quyền của Chúa Kitô Vua hệ tại điều gì? Đó là quy tụ lại để cùng lắng nghe “một giọng nói” tất cả những ai thuộc về sự thật”. Người “trị vì” nhờ Đức tin mà chúng ta dâng cho Người, nhờ thái độ tín thác mà chúng ta đặt vào Lời của Người, nhờ nếp sống hằng ngày của chúng ta luôn phù hợp với “Tiếng nói của Người. Không ai có thể thoát khỏi “Vương quyền” này.
Là con người, chúng phải chọn lựa thái độ theo hay chống lại “Sự thật”. Làm vinh danh Chúa Kitô Vua, không phải là đốt hương trầm cho Người, không phải là tổ chức những lễ long trọng mừng Người, giống như những danh vọng hư ảo của các Vua Chúa trần gian. Nhưng chính là lắng nghe tiếng nói của Người, và làm sao cho cuộc sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp và xã hội hoàn toàn phù hợp với “Tiếng nói đó”
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
VƯƠNG QUYỀN CỦA VUA GIÊSU – Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1/. Đức Giêsu Vua, nhưng khác với vua trần thế.
Ta đang tham dự vụ án xử Đức Giêsu trước toàn án Rôma, Giêrusalem trong dinh tổng trấn Philatô ông làm tổng trấn xứ Giuđê từ năm 26 đến 36.
Ngay lúc đầu cuộc thẩm vấn do Philatô đứng xét hỏi, phía nghịch đã nêu lên cáo trạng chống lại Đức Giêsu, tìm cách chuyển vụ án sang lãnh vực chính trị để đạt được mục đích của là lên án tử hình cho Đức Giêsu. Vậy quan tổng trấn hỏi: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”.
Léon-Dufour giải thích: “Cần lưu ý rằng, dưới thời đế quốc Roma cai trị, dân Do Thái thường xen lẫn ý nghĩ chờ đợi Đấng Mêsia với lòng mong mỏi độc lập cho quốc gia, do Đấng Mêsia thiết lập (Cv 1,6) và khởi đầu một thời đại mới. Trong Tin Mừng thứ bốn, ta thấy hai giai thoại phản ánh bầu khí này. Đó là sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, đám đông dân chúng Galilê đã muốn lấy “vị Ngôn sứ” để tôn lên làm vua; bấy giờ Đức Giêsu phải lên núi mới thoát khỏi (Ga 6,14-15). Rồi sau khi Chúa cải tử hoàn sinh cho Ladarô, niềm phấn khởi của quần chúng đối với Giêsu biểu lộ bằng việc từng đoàn lũ cầm cành vạn tuế, biểu hiệu của thắng trận, đi đón rước Chúa vào thành Giêrusalem, tung hô Ngài là “Vua Israel”, vì họ coi Ngài như vị cứu tinh giải phóng quốc gia. Bấy giờ Chúa đã tỏ rõ sự bất đồng tình của Người và tố giác sự ngộ nhận của cuộc đón rước bằng cách chọn một con lừa nhỏ để cỡi.” (“Lecture de l’evangile selon Jean”, tập IV, Seuil. 1996, tr. 82). Một lần nữa Đức Giêsu gạt phăng mọi hiểu lầm.
Trước hết, Chúa dùng một câu hỏi, truy tìm nguồn gốc của lời tố cáo này: “Ngài tự ý nói điều đó, hay những người khác đã nói với Ngài về tôi?”. Philatô nhìn nhận đó là cuộc tranh luận nội bộ của người Do Thái, nên trả lời: “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”.
– Sau đó, Chúa đã dùng câu trả lời phủ quyết. Nếu Ngài là vua, thì không theo kiểu cách của trần gian này, không theo kiểu cách các vua Amônê, là những người trị vì Israel trước khi đế quốc Rôma xâm chiếm. Nếu Ngài là vua, thì Ngài không phải là địch thủ của Xêda, và vương quyền của Ngài không có màu sắc chính trị; nó không thuộc thế trần: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.
Marchadour quảng giải: “Nước Chúa vừa không phải như dân Do Thái trông đợi, cũng không như Philatô hình dung, cũng không như nước của loại người thống trị nhờ sức mạnh quân đội và nhờ cuộc chinh chiến mở rộng biên cương. Nước của Người đến từ nơi khác, đến từ “xứ sở” nơi Đức Giêsu “sinh ra”, và từ đó Người “đã đến thế gian”, vì Người đã hiện hữu từ muôn thuở. Nước ấy được thiết lập không nhờ sức mạnh, nhưng nhờ trình bày lời mặc khải. Những ai đến nhận Lời thì trở nên công dân của Vương quốc, không chỉ ở cuối đời, mà ngay lúc này” (“L’evangile de Jean”, Centurion, trang 227).
2/. Đức Giêsu là vua, nhưng để làm chứng cho chân lý.
Bởi vì Philatô gạn hỏi: “Vậy ông là vua ư?”, Đức Giêsu phá tan mọi hiểu lầm bằng một câu xác quyết long trọng. Sứ mạng của Người nơi trần gian là “làm chứng cho chân lý” (từ “làrn chứng” trong tiếng Hy lạp là “martyr”: tử đạo). Chân lý này chính điều đã được nói đến trong chương Nhập đề của Tin Mừng thứ bốn (“Người Con duy nhất đầy ân sủng và chân lý”): Chân lý về Thiên Chúa, Chân lý cho biết Thiên Chúa là ai: Thiên Chúa là tình thương, Thiên Chúa cứu độ, mà Đức Giêsu là Người mạc khải, Người đã đến trần gian để đề nghị cho con người ơn thông hiệp vào đời sống thần linh. Người làm chứng bằng hành động, đến mức đổ máu để đóng ấn cho việc làm chứng. Đức Giêsu không chỉ đến cứu dân tuyển chọn mà thôi, nhưng để cứu “bất cứ ai thuộc về chân lý”.
Sứ mạng của Người, và có thể nói vương quốc của Người, đang thuộc về thế gian này, nhưng nó hoạt động ở thế gian này, trên thế giới này: nó mặc khải cho bất cứ người nào Chân lý về Thiên Chúa. Người làm việc đó ở đâu, bao giờ? Khi mà Người được nâng lên khỏi đất, được ngự trên tòa thập giá. Mọi người rồi phải tỏ rõ lập trường: “ Hễ ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi” Nếu Đức Giêsu thi hành quyền bính, thì chỉ bằng cách từ trên trời cao,thập giá Người lôi kéo người ta đến bằng đức tin và lòng yêu mến. Người không cai trị, nhưng chỉ mời gọi người ta tự nguyện đi theo người. Ta không thể lẩn trốn như Philatô, bằng cách đặt câu hỏi: Chân lý là gì?” (“Célébrer” tạp chí của Trung tâm phụng vụ toàn quốc, số 243, trang 42).
BÀI ĐỌC THÊM.
1/. Đức Giêsu, một vị vua đảo ngược mọi điều người ta suy diễn. (x. Léon-Dufour, trong “Lecture de l’evangile selon St Jean”, cuốn 4, Seuil, trang 21).
Phụng vụ tung hô Đức Kitô là “Vua Vũ Trụ”, một danh xưng xứng hợp, đoạn văn của Gioan là “một cuộc hiển linh của vi vua” Nhưng Đức Giêsu là vua theo nghĩa nào, đó là điều mà Gioan đã minh định bằng nhiều cách. Vị vua của dân Do Thái đến theo truyền thống của vua Mêsia mà Giao ước thứ nhất đã trông đợi, nhưng đã chu toàn việc chờ đợi này trên một bình diện khác. Suốt cuộc đời công khai của Người, vương quốc mà Đức Giêsu loan báo, thì thuộc về một trật tự khác. Lúc này, đối diện với quan tổng trấn Rôma, Đức Giêsu cả quyết rằng vương quốc của Người không đến từ thế gian, và nó chủ yếu là để làm chứng cho chân lý. Vị vua là “người”vừa bị đánh đòn, bị khoác áo đỏ và đội vòng gai làm triều thiên. Vị vua bị trưng bày như vua hề này ngày nay có còn cho phép người ta khoác lên vai tấm vải lừa dối, ảo tưởng nữa không? Vị vua này bị treo lên thập giá, bị mọi người ruồng rẫy. Vương quốc của Người được tước bỏ mọi giới hạn địa lý hoặc dân tộc: bởi vì “chân lý” mà Người công bố, liên quan đến mọi người. Gioan đồng quan điểm với Matthêu, tác giả trong dụ ngôn về cuộc phán xét cuối cùng chỉ rõ, người ta có thể gặp vị vua “ ấy ở đâu: Vua vinh quang phán: “Điều gì anh em làm cho một người nhỏ nhất trong các người thân của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40): để có thể tìm thấy “vua”, tôi cần phải tìm nơi người nghèo mà tôi gặp. Giêsu, người Nagiarét, vua dân Do Thái: bản án treo trên đầu thập giá mang tầm vóc toàn cầu. Trong câu 4,22 Đức Giêsu đã cả quyết với người phụ nữ Samari rằng, ơn cứu độ đến từ dân Do Thái. Trưng bày danh hiệu “vua dân Do Thái” phản ánh theo cách thế của Chúa sự tin tưởng của Người. Như vậy là đã công bố cho toàn cầu rằng lời hứa về “vị vua” đã được thực hiện: nó thành hiện thực nơi Đức Giêsu, người Nagiarét: ở nơi Người, giao ước vĩnh viễn của Thiên Chúa với loài người đã được đóng ấn.
2/. Đức Giêsu, phản vua (L’antiroi)
“Nước tôi không thuộc về thế gian này”, Đức Giêsu còn nhắc lại cho những người lính binh thánh giá và những. kẻ ham hố của mọi thời đại. Nước tôi không thiết lập do việc trưng cầu dân ý, cũng không do đi chinh phục. Nó không theo lề thói trần thế cũng không tuân theo luật lệ thế gian. Nó không tuân theo bắt cứ tiêu chuẩn tự phụ nào. Nó chỉ tuân theo chân lý, nó luôn là nó.
Philatô đã không hiểu gì. Những thượng tế cũng vậy, còn các môn đệ, những người đã tranh cãi để chiếm địa vị cao vì mơ tưởng ngày vinh quang, thì cũng không hiểu bao nhiêu.
Ngày nay cũng vậy, chúng ta còn cảm thấy khó hiểu được thái độ của Đức Giêsu, và còn thấy khó hơn để chấp nhận. Đức Kitô một phản vua, giống như người ta nói về phản-anh-hùng (antithéros) hoặc phản-siêu-sao (antivedettes). Người rất gần gũi, đơn giản và thân thiện.
Lòng tôn kính đối với Người không phải là tôn kính bằng sự vật và lời nói, cũng không chỉ là những định ước lễ nghi. Nó phải là tự trái tim. Quyền lực của Người là quyền lực của tình thương là sức mạnh là sức mạnh của tha thứ. Chinh phục của Người là mời gọi, và các môn đệ trung thành nhất của Người là những ai làm chứng cho chân lý… giống như Người.
Thành công của Người, cũng như những thành công của các bạn hữu Người, thường mang bộ mặt thất bại thảm thương. thập giá và máu, bạo hành và gông cùm. Tin Mừng bị nghi ngờ, phúc thật bị từ khước, canh tân và sám hối bị chê bỏ. Đức Kitô, là đầu của thân thể, không phải là cái đầu đột mão triều thiên, và Hội Thánh là thân thể của Người cũng không thoát khỏi bị bầm dập và chê cười. Cái thân thể này, nếu muốn là thân thể, chỉ cần làm một dấu lạ, như một mặt nạ gây phá sản che giấu sự trống rỗng và mời gọi người ta tôn thờ vẻ bề ngoài – chân lý bị lừa gạt.
Vương quyền của Đức Kitô nẩy mầm ở trong tâm trí và trong tâm hồn. Những cột cái nâng đỡ vương quốc là những người lính vô danh, những người trộm cướp bị treo thập giá, và những đại đội trưởng ngoại giáo. Cuộc sắc phong diễn ra tại Golgotha.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
VƯƠNG QUỐC CỦA TÌNH YÊU, CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH (*)- Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Mục đích của Chúa Giê-su khi thành lập Giáo Hội là thiết lập một vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình trên mặt đất. Nhiệm vụ của mỗi Ki-tô hữu phải là nắm men làm dậy lên tình yêu, công lý và hòa bình trong đống bột trần thế. Triều đại Thiên Chúa chỉ có thể trị đến bằng hành động tích cực của mỗi thành viên.
Đn 7: 13-14
Trong Bài Đọc I được trích từ sách Đa-ni-en, nhà thị kiến được tham dự vào lễ phong vương của một nhân vật mầu nhiệm, được gọi “Con Người”, lãnh nhận từ Thiên Chúa vương quyền hoàn vũ.
Kh 1: 5-8
Bài Đọc II là phần mở đầu sách Khải Huyền của thánh Gioan. Đây là một bài thánh thi chúc tụng Đức Ki-tô, “Người là Đấng vinh hiển và toàn năng đến muôn thuở muôn đời”.
Ga 18: 33-37
Tin Mừng được trích dẫn từ bài Thương Khó theo Tin Mừng Gioan: Đức Giê-su bị điệu ra trước tổng trấn Phi-la-tô. Ngài khẳng định mình là Vua, nhưng Nước Ngài không thuộc thế gian này.
BÀI ĐỌC I (Đn 7: 13-14)
Sách Đa-ni-en cốt yếu là một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Mục đích của tác giả là an ủi các tín hữu Do thái đang sống trong cảnh bị bách hại dưới thời vua An-ti-ô-khô Ê-phi-pha-nê (175-164 trước Công Nguyên). Tác giả tiên báo kẻ thù của họ sắp bị tiêu diệt và cuối cùng Thiên Chúa sẽ toàn thắng.
1/.Bố cục:
Ngoài phần phụ chương (ch. 13-14), sách Đa-ni-en gồm có hai phần chính:
– “Phần trình thuật” (ch. 1-6) kể lại tấm gương của thiếu niên Đa-ni-en bị lưu đày ở Ba-by-lon, qua đó, tác giả cho thấy Thiên Chúa phù trợ các tín hữu trung thành với Ngài ngay cả trong những cơn gian nan khốn khó nhất như thế nào.
– “Phần thị kiến” (ch. 7-12), theo thể loại văn chương khải huyền, trình bày những thị kiến liên quan đến lịch sử dân Ít-ra-en. Chính ở phần thứ hai nầy mà chúng ta gặp thấy bản văn nổi tiếng mô tả lễ phong vương của “Con Người”. Đức Giê-su đã đồng hóa mình với nhân vật mầu nhiệm này.
2/.Sứ điệp:
Vị ngôn sứ vừa mới trình bày một trong những thị kiến ban đêm, trong đó ông đã thấy xuất hiện từ biển bốn con quái vật, biểu tượng bốn đế quốc thống trị. Những đế quốc nầy không được nêu tên, xem ra cốt là bốn đế quốc tiếp nối nhau thống trị Ít-ra-en: Ba-by-lon, Ba tư, A-lê-xan-đê đại đế, triều đại của hai dòng họ La-gít và Sê-lơ-sít. Con thú thứ tư gây kinh khiếp nhất, chính là triều đại của dòng họ Sê-lơ-sít là vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê quỷ quyệt, được mô tả bằng những hình tượng huyền hoặc. Bốn đế quốc này đều sụp đổ để nhường chỗ cho Nước Thiên Chúa, được trao ban cho một nhân vật được gọi “Con Người”.
Trong ngôn ngữ Do thái, danh xưng “con người” viết thường là một thành ngữ Do thái được viết tắt từ cụm từ “con cái của loài người” (“son of Man”) để chỉ “một phàm nhân mỏng dòn yếu đuối” (x. Tv 80: 17; Gr 50: 40; 51: 43). Trong sách Ê-dê-ki-en, danh xưng này xuất hiện đến 93 lần mà tiêu biểu nhất là lệnh truyền của Thiên Chúa được ngỏ với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Còn ngươi, hỡi con người, hãy nói…” (Ed 7: 2). Qua danh xưng này, ngôn sứ Ê-dê-ki-en muốn nói rằng ông chỉ là một phàm nhân như bao nhiêu con người khác, nhưng Thiên Chúa toàn năng, Đấng cho ông thoáng thấy vinh quang của Ngài, đã trao ban cho ông lời hằng sống của Ngài để ông chuyển giao cho dân Ngài. Vì thế, có một khoảng cách khôn sánh giữa sứ điệp mà ông truyền đạt và con người của ông.
Tuy nhiên, trong sách Đa-ni-en, thành ngữ “Con Người” được viết hoa là một danh hiệu để chỉ một nhân vật có nguồn gốc thiên giới: “Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (7: 13). Theo biểu tượng Kinh Thánh, “mây trời” luôn luôn là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Con Người lãnh nhận “quyền thống trị, vinh quang và vương vị”, được Đấng Lão Thành, tức là Thiên Chúa hằng sống, trao ban. Trong khi những vương quyền trần thế lần lượt bị tiêu vong, thì vương quyền của Con Người “chẳng hề suy vong” và bao trùm mọi dân mọi nước cũng như toàn thể vũ trụ.
3/.Vương quyền của Con Người:
Toàn bộ chương 7 nầy cho thấy dung mạo “Con Người” vừa là một cá nhân vừa một tập thể, tương tự như dung mạo “Người Tôi Trung” của I-sai-a đệ nhị. Vả lại, Đức Giê-su đã đồng hóa dung mạo “Người Tôi Trung” và dung mạo “Con Người” vào Ngài. Viễn cảnh vừa cá nhân vừa tập thể này hoàn toàn phù hợp với não trạng Do thái: Con Người là một lãnh tụ điển hình của dân Thiên Chúa, đồng thời cũng là dân Thiên Chúa. Những câu theo sau giải thích rõ điều này: khi con thú thứ tư bị tiêu diệt vĩnh viễn, Thiên Chúa ban cho dân thánh của Đấng Tối Cao vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả trên mọi dân mọi nước (7: 18, 27).
Trong tất cả sấm ngôn, phải phân biệt “nghĩa hiện thời” và “nghĩa tương lai”. Nghĩa hiện thời mà tác giả sách Đa-ni-en nhắm đến là loan báo cho đồng bào của ông cuộc giải thoát chắc chắn sắp đến được ban cho họ qua các vị tử đạo vinh hiển của họ. Như vậy, về phương diện tập thể, Con Người là dân Chúa chọn được giải thoát và được tôn vinh. Tuy nhiên, những viễn cảnh cánh chung (nghĩa tương lai) không bao giờ vắng bóng trong các sách khải huyền. Đó là quy luật của thể loại văn chương này. Những biến cố được loan báo hiện thời bao gồm rồi bức tranh vĩ đại của thế giới sắp đến. Sách Khải Huyền của thánh Gioan cũng trình bày nghĩa kép như thế: tôn vinh các thánh tử đạo của thời kỳ bách hại cũng là tôn vinh toàn thể dân Chúa chọn, họ sẽ cử hành cuộc chiến thắng sau cùng của Con Chiên vào ngày tận thế.
Tiếp sau sách Đa-ni-en, các sách khải huyền Do thái lấy lại danh hiệu “Con Người” và ban danh hiệu này cho một cá nhân rất rõ nét, khi trao ban tước hiệu này cho một Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi Đa-vít, nhưng các sách này nhấn mạnh tính cách siêu việt và mầu nhiệm của nhân vật này, và tính cách này chỉ được bày tỏ vào thời tận thế.
Khi nhận tước hiệu Con Người về mình, Đức Giê-su đã cá nhân hóa tước hiệu tập thể này vào Ngài. Theo cách thức này, Ngài khẳng định vừa nhân tính vừa thiên tính của Ngài, Ngài thật sự là một con người có nguồn gốc thần linh: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3: 13). Khi Đức Giê-su tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do thái: “Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26: 64), rõ ràng Ngài ám chỉ đến nhân vật “Con Người” trong sách Đa-ni-en.
BÀI ĐỌC II (Kh 1: 5-8)
Sách Khải Huyền thánh Gioan được định vị vào trào lưu văn chương khải huyền Do thái, đặc biệt sách Đa-ni-en. Tác giả sử dụng những từ ngữ và hình ảnh tương tự, nhưng chủ đề thì biến đổi. Những sấm ngôn đã được ứng nghiệm. Đấng Thiên Sai đã đến giữa nhân loại, đã chết và sống lại; Ngài đã vào trong vinh quang của Ngài. Ngay từ đầu đoạn trích nầy, Đức Giê-su được xưng tụng là “Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian”.
Ở những chương đầu tiên, sách Khải Huyền được trình bày như một bức thư được gởi đến cho bảy Hội Thánh miền Tiểu Á. Theo thể loại thư tín của thời đại nầy, thư thông thường bắt đầu với lời chào được gởi đến người nhận, và cũng như trong các thư của thánh Phao-lô, lời chào này được Ki-tô hóa: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki tô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Kh 1: 2). Lời cầu chúc này tập hợp lời chào Hy lạp: “ân sủng”, và lời chào Do thái: “bình an”.
1/.Các danh hiệu của Đức Giê-su Ki-tô:
Danh hiệu đầu tiên của Đức Giê-su Ki-tô được kể ra là “Chứng Nhân trung thành”. Trong thư thứ nhất cũng như trong sách Tin Mừng của mình, thánh ký Gioan nhấn rất mạnh tầm quan trọng của chứng nhân. Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân của Đức Ki-tô; thánh Gioan Tông Đồ cũng là chứng nhân về điều mình đã thấy và đã nghe (x. 1Ga 1: 1-4; Ga 19: 35). Ở đây, danh hiệu “Chứng Nhân trung thành” được áp dụng cho Đức Giê-su Ki-tô. Chính Đức Giê-su Ki-tô làm chứng về những gì Ngài đã thấy và đã nghe ở trong cung lòng của Chúa Cha.
Những danh hiệu: “Chứng Nhân trung thành”, “Trưởng Tử” và “Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian”, không phải là ngẫu nhiên nhưng rất tương xứng với những danh hiệu của Đấng Mê-si-a (“Đức Ki-tô”) thuộc dòng dõi Đa-vít được mô tả trong Tv 89: 27-28, 38. Với danh hiệu “Trưởng Tử”, thánh Gioan thêm: “trong số những người từ cõi chết chỗi dậy” như thánh Phao-lô trong thư gởi tín hữu Cô-lô-xê (Cl 1: 15). Sách Khải Huyền rõ ràng là một bức tranh mô tả vô số những người được tuyển chọn vây quanh Đấng Phục Sinh.
2/.Bài thánh thi:
Đoạn trích này là một “bài thánh thi” mà các nhà chuyên môn gọi “Vinh Tụng Ca” ca ngợi những ân phúc của Đức Giê-su Ki-tô. Bài thánh thi ca ngợi những phẩm chất cao vời của vương quyền Đức Ki-tô: triều đại tình yêu, thời kỳ Đức Vua dâng hiến cho các thần dân của Ngài những thành quả cuộc Tử Nạn và Hy Tế của Ngài và cho họ dự phần vào vương quốc của Ngài. Sau khi đã thánh hiến họ và thanh tẩy họ khỏi vết nhơ tội lỗi, Ngài cho họ trở thành tư tế để tôn vinh Thiên Chúa là Cha của Ngài.
Vị vua nầy sẽ tỏ mình ra vào ngày tận thế: “Kìa Người ngự đến giữa đám mây” như Con Người trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en. “Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người”, ám chỉ đến sấm ngôn của Dcr 12: 10: “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu”, nghĩa là Đấng mà người ta long trọng loan báo cuộc Quang Lâm của Ngài là Đấng chịu đóng đinh trên thập giá.
“Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người”, vì đây là giờ xử án, giờ ăn năn sám hối. Như sách Khải Huyền, Tin Mừng Mát-thêu cũng đặt bên cạnh nhau sự ăn năn sám hối và thị kiến vinh quang: “Bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến” (Mt 24: 30).
Như sách Đa-ni-en, sách Khải Huyền là một bài thánh ca chứa chan niềm hy vọng vào sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các quyền lực của sự ác. Lời tung hô “A-men!…A-men!…” đem lại cho bài thánh thi tạ ơn nầy sắc thái phụng vụ.
Bài thánh thi kết thúc với lời công bố của Thiên Chúa. Lời công bố này gồm hai phần: phần thứ nhất: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga”, và phần thứ hai: “Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng”. Phần thứ nhất là một biểu thức lập đi lập lại nhiều lần trong sách Khải Huyền: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga” (chữ đầu và chữ cuối trong mẫu tự Hy ngữ) và âm vang lời Thiên Chúa công bố trong Is 44: 6: “Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta”. Phần thứ hai được gợi hứng từ lời Đức Chúa công bố cho ông Mô-sê trong sách Xuất Hành: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3: 14), nhưng được thích ứng vào viễn cảnh ngày tận thế nên được thêm vào ở đây: “Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng”. Ở Kh 22: 13, lời công bố nầy được quy cho chính Đức Ki tô: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Cùng Tận” .
TIN MỪNG (Ga 18: 33-37)
Sau khi sống lại, Đức Giê-su sẽ công bố quyền chủ tể hoàn vũ của Ngài; nhưng trong khi thi hành sứ vụ công khai, Ngài đã không ngừng tránh né danh hiệu nầy vì sợ dân chúng hiểu lầm danh hiệu này theo sắc thái chủ nghĩa dân tộc và chính trị. Còn đối với các môn đệ của Ngài, Ngài chỉ dạy cho họ một mẫu gương phải noi theo, mẫu gương phục vụ như Ngài: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20: 28). Chỉ khi Ngài bị bắt, bị nộp vào tay người đời và bất lực, Ngài mới công bố mình là Vua.
Trong bài Thương Khó, thánh Gioan dành cho hoạt cảnh Chúa Giê-su bị điệu ra trước quan tổng trấn Phi-la-tô một chỗ quan trọng hơn ba sách Tin Mừng Nhất Lãm. Thánh Gioan đặt ở nơi hoạt cảnh này dấu ấn của riêng mình, ý nghĩa sâu xa, pha lẫn với lời châm biếm nhẹ nhàng, sứ điệp ngẫu nhiên được dùng để nâng đỡ sứ điệp vĩnh hằng. Thánh Gioan là nhà thần học về cuộc Thương Khó.
1/.Đức Giê-su bị điệu ra trước tổng trấn Phi-la-tô:
Bản văn thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và tổng trấn Phi-la-tô đưa chúng ta vào trọng tâm của cuộc tranh luận. Các thượng tế tố cáo Đức Giê-su hai tội: “Ông nầy tự xưng mình là Con Thiên Chúa” và “Ông nầy tự xưng mình là vua”. Lời tố cáo thứ nhất mới thực sự là lời buộc tội, lời tố cáo thứ hai chỉ là cái cớ ngụy tạo cốt đặt vị tổng trấn Rô-ma và kẻ phá rối trị an đối diện với nhau. Vị tổng trấn không dễ bị mắc lừa; ông hiểu quá rõ mánh lới của các thượng tế, vì thế ông cần phải tra hỏi phạm nhân cho ra lẽ: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”.
2/. “Vua dân Do thái”:
Đối với tổng trấn Rô-ma, đây là một câu hỏi then chốt, vả lại đây là câu hỏi duy nhất thuộc thẩm quyền của ông: tội chính trị. Theo phương sách Chúa Giê-su thường dùng, phương sách này cho phép Ngài giữ thế phản công, thay vì trả lời câu hỏi mà quan tổng trấn đặt ra cho Ngài, Chúa Giê-su hỏi ngược lại ông Phi-la-tô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”, nghĩa là, “với tư cách quan tổng trấn, ông có những thông tin chính xác về những tham vọng chính trị của tôi, hay lời buộc tội đến từ các thượng tế mà ông chỉ nghe tin đồn?”. Như vậy, Đức Giê-su đặt tổng trấn Phi-la-tô trước trách nhiệm của ông.
Quan tổng trấn hiểu rõ điều nầy và ông trả lời với thái độ miệt thị các lãnh đạo Do thái: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”. Qua câu trả lời này, ông Phi-la-tô muốn nói rằng chính ông, với tư cách quan tổng trấn, tiến hành cuộc điều tra, chứ không dựa trên những lời đồn đại. Như chúng ta thấy, cuộc tranh luận được tiến hành không phải bởi quan tòa nhưng bởi kẻ bị cáo. Điều này cho thấy Đức Giê-su vẫn làm chủ tình thế, dù người chất vấn Ngài nắm trong tay quyền sinh sát đối với Ngài.
Câu hỏi “Ông đã làm gì?” là lời đáp trả cho câu hỏi vặn lại của Đức Giê-su. Đức Giê-su không trả lời thẳng câu hỏi sau cùng này: “Ông đã làm gì?”, nhưng cho câu hỏi đầu tiên: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”; Ngài gợi lên bản chất vương quyền của Ngài: Nước Ngài không thuộc về thế gian này, vì thế, quyền lực Rô-ma chẳng có gì phải bận tâm; và quân đội của Ngài không chiến đấu để bảo vệ Ngài, vì thế, quan tổng trấn chẳng có gì phải lo sợ.
Quan tổng trấn Phi-la-tô lại hỏi: “Vậy ông là vua sao?”, Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua”. Câu trả lời của Đức Giê-su vừa khẳng định nhưng vừa bỏ lửng, nghĩa là: “Đúng như ông nói, nhưng không theo cách ông nghĩ”.
3/.Sự thật:
Đức Giê-su tiếp tục tranh luận khi mô tả bản chất vương quyền của Ngài: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”. Một lần nữa, Đức Giê-su đặt tổng trấn Phi-la-tô trước trách nhiệm của ông: ông đứng về sự thật hay đồng lõa với sự dối trá. Bấy giờ, quan tổng trấn biết rõ các vị thượng tế bịa đặt lời tố cáo; vì thế ông đứng về phía sự thật. Quả thật, tổng trấn Phi-la-tô sắp công bố đến ba lần Đức Giê-su vô tội trước đám đông (Ga 18: 38; 19: 4, 6). Thánh Lu-ca còn xác định thêm nữa: “Bây giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: ‘Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay khích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo” (Lc 23: 13-14). Vì thế ông tìm mọi cách để tha bổng Chúa Giê-su, nhưng ông đành bất lực trước những áp lực từ phía giai cấp lãnh đạo Do thái.
“Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19: 7). Đây mới thật là tội danh dẫn Ngài đến cái chết. Ông Phi-la-tô không đủ can đảm đi cho đến cùng lời chứng của mình, nói lên tiếng lương tâm ngay thẳng của mình. Vấn đề trung thành với sự thật được đặt ra và được đặt ra rất kịch tính.
4/.Sứ điệp vĩnh hằng:
Bên kia sứ điệp bất ngờ của Đức Giê-su với tổng trấn Phi-la-tô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”, thánh ký nghĩ đến tất cả các Ki-tô hữu mà giáo huấn này được gởi đến họ. Đức Giê-su đã đến mặc khải cho con người sự thật đến từ Thiên Chúa; Ngài đã làm chứng sự thật nầy cho đến cả mạng sống mình, Ngài đã đồng hóa mình với sự thật. Tất cả những ai đón nhận, sống và chết cho sự thật này được liên kết với Ngài. Đức Giê-su không nói “Ai sở hữu sự thật”, nhưng “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đức Giê-su đã công bố Xa-tan là cha của sự dối trá, trong khi sự thật là một phần liên kết với Thiên Chúa và mở rộng cánh cửa Nước Thiên Chúa.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
ĐỨC GIÊSU LÀ VUA- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
– Bài đọc I (Đn 7,13-14) : Đaniên thấy một thị kiến trong đó Con Người được trao quyền thống trị mọi người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ.
– Tin Mừng (Ga 18,33b-37) : Đức Giêsu tuyên bố với Philatô “Tôi là vua”
– Bài đọc II (Kn 1,5-8) : Đức Giêsu là thủ lãnh mọi vương đế trần gian.
I/. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Hôm nay là Chúa nhựt cuối cùng của năm phụng vụ. Lời Chúa vạch cho chúng ta thấy lúc tận cùng của thời gian Đức Giêsu sẽ làm vua ngự trị trên toàn thể mọi sự và mọi người. Nhưng từ nay cho đến lúc đó, Chúa vẫn làm vua trong lòng những người tin cậy và yêu mến Ngài.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta nhận thức vị trí và vai trò làm vua của Chúa trên cuộc đời chúng ta, đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng ta phụng thờ Ngài cho xứng đáng.
II/. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta đã tôn thờ những “vua” khác không phải là Chúa, như tiền bạc, danh vọng, lạc thú v.v.
– Chúng ta không sống theo sự dẫn dắt của Chúa.
– Chúng ta không sống theo luật của Nước Chúa là luật yêu thương.
III/. LỜI CHÚA
1/. Bài đọc I (Đn 7,13-14)
Trong sách Đaniên, có một nhân vật rất đặc biệt được gọi là Con Người. Con Người đã phải chịu rất nhiều đau khổ. Tuy nhiên trong thị kiến của đoạn này, Đaniên thấy Đấng Lão Thành (tức Thiên Chúa) trao cho Con Người quyền thống trị tất cả loài người.
Nhân vật Con Người ấy chính là hình ảnh tiên báo Đấng Messia. Và Đức Giêsu chính là Đấng Messia hoàn thành lời tiên tri ấy.
2/. Đáp ca (Tv 92)
Thánh vịnh này thuộc loại Thánh vịnh vương giả : ca tụng Thiên Chúa là vua. Ngai vàng Người kiên cố tự ngàn xưa và triều đại Người tồn tại mãi qua muôn thế hệ.
3/. Tin Mừng (Ga 18,33b-37)
Đoạn Tin Mừng này là một phần cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Philatô. Philatô hỏi “Vậy ông là vua ư ?”. Đức Giêsu vừa đáp vừa giải thích :
– “Quan nói đúng, tôi là vua.”
– “Nhưng nước tôi không thuộc thế gian này.” : Nước của Chúa không giống nước trần gian.
– “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Chân lý” : Chúa làm vua cũng không giống cách làm vua của trần gian. Ngài làm vua để phục vụ chân lý.
– “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi” : Công dân của Nước Chúa là những kẻ yêu chuộng chân lý.
4/. Bài đọc II (Kn 1,5-8)
Đoạn sách Khải huyền này cũng mô tả Đức Giêsu là Vua : (1) Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã lấy máu mình rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta ; (2) Sau khi chịu nạn chịu chết, Ngài được tôn lên làm Vua mọi loài ; (3) Ngài làm cho chúng ta trở thành vương quốc của Ngài.
IV/. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Đức Kitô là Vua
Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan : “Homo homini lupus” : con người là lang sói của con người. Lang sói là một loài thu dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn tấn công nhau, cấu xé và giết chóc nhau.
Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự với nhận định bi quan của triết gia trên : lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Từ khi có loài người trên mặt đất này cho đến nay, có mấy khi mà loài người được hưởng thái bình ? Hầu hết thời gian lịch sử của loài người đều là chiến tranh. Gần đây nhất là 2 cuộc thế giới đại chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết ; cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết thêm 40 triệu sinh mạng nữa. Và hiện nay cả loài người đều phập phòng lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đại chiến lần thứ 3 với những vũ khí hạt nhân. Lần này không phải chỉ có 8.700.000 người chết, hay 40 triệu người chết mà là tất cả mọi người, trái đất sẽ nổ tung, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt.
Tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, một loài cao hơn tất cả mọi loài vật khác mà lại cư xử với nhau một cách ngu xuẩn như vậy ? Tôi nghĩ rằng trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người : tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ biết tính toán. Khi buông trôi theo tính thú thì loài người chiến tranh với nhau ; và nếu con người lại dùng cái trí khôn ngoan của tính người để phục vụ cho cái tính thú kia thì con người lại càng dã man hung dữ làm hại nhau còn hơn loài sang sói đích thực nữa. Điều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sự quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau.
Cho nên trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu nguyện cho loài người thôi đừng buông theo tính thú mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến với nhau ; nhưng mọi người hãy suy phục vương quyền Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Ngài, ĐGH coi đó là chấm dứt chiến tranh
Vương quyền của Chúa Kitô không xây dựng trên sức mạnh, không củng cố bằng bạo lực theo kiểu các nước trần gian. Bởi thế CG đã nói : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị bắt như thế này”. Nói cách khác, CG không thích chiến tranh, không muốn có phe phái, phe này chiến đấu chống lại phe kia. Vương quyền của Chúa xây dựng trên sự thật, như Lời Chúa nói “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật”. Nhưng sự thật là gì ? Là cái làm cho con người đúng là con người chứ không phải là lang sói. Con người phải phát huy cái tính người của mình và đồng thời dần dần loại bỏ đi cái tính thú trong mình. Con người cố gắng sống cho ra người, mọi người biết tôn trọng nhân phẩm nhân quyền của nhau, mọi người nhắc nhở nhau và giúp nhau làm những việc tốt mà lương tâm chân chính của con người dạy phải làm. Người nào sống như vậy thì là người sống trong vương quốc của Chúa ; người nào, cố gắng làm cho nhiều người khác cũng sống như vậy thì là đang xây dựng vương quốc của Chúa.
Nhưng xin được nói thêm cho rõ kẻo có người hiểu lầm : để làm công dân của Nước Chúa, điều cốt yếu là cố gắng theo Lời Chúa dạy để sống cho đúng là một con người, sống theo tính người chứ không phải theo tính thú. Do đó, xây dựng Nước Chúa, hay mở mang Nước Chúa cũng là cố gắng làm cho có thêm nhiều người biết theo Lời Chúa dạy mà sống theo tính người như vậy. Không nhất thiết người ta phải rửa tội, phải theo đạo, phải gia nhập Giáo Hội. Điều cốt yếu là người ta phải theo những giá trị mà Tin Mừng Chúa đã đề ra : sống theo lương tâm ngay chính, sống hoà thuận, thương yêu, làm những việc lành… Càng có thêm nhiều người sống như thế thì Nước Chúa càng mở rộng ; và khi nào tất cả loài người biết sống như thế thì là lúc Nước Chúa đã trị đến. Và khi đó là thời thái bình, hạnh phúc.
Sở dĩ loài người cứ luôn làm hại làm khổ lẫn nhau là vì loài người còn sống theo cái tính thú trong mình. Vậy nếu muốn cho loài người hoà thuận với nhau để cùng nhau chung hưởng thái bình thì loài người phải sống theo cái tính người, gồm có những đức tính mà Chúa đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Con người sống đúng là con người. Đức Giêsu gọi đó là Sự Thật ; còn ngôn ngữ phụng vụ hôm nay thì gọi đó là vương quyền, vương quốc của Chúa Kitô. Nước Chúa. Ai sống theo những giá trị Tin Mừng để thành người hơn thì người đó thuộc về Nước Chúa ; ai giúp cho người khác sống theo những giá trị Tin Mừng ấy thì người đó đang mở mang Nước Chúa ; và khi mọi người, dù có đạo hay không có đạo, đều sống theo những giá trị Tin Mừng ấy, thì đó là thời Nước Chúa đã trị đến.
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Tuần sau là Mùa Vọng, bắt đầu một năm Phụng vụ khác rồi. Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng này, cũng có ý nghĩa : đó là ước nguyện sao cho cuối cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hoà thuận yêu thương, một nước thái bình hạnh phúc.
Phần mỗi người chúng ta, hãy cố gắng xứng đáng là một công dân Nước Chúa, nghĩa là biết sống đúng tính người, sống theo lương tâm, sống hoà thuận, yêu thương, làm việc lành theo lời dạy của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cố gắng mở mang Nước Chúa bằng cách làm cho thêm nhiều người khác cũng biết sống hoà thuận yêu thương sống theo lương tâm và làm việc lành như vậy.
* 2. Một tước hiệu không xứng hợp
Trong số những tước hiệu mà ta có thể gọi Đức Giêsu, có lẽ tước hiệu “vua” là không xứng hợp nhất.
Khi nói tới “vua” là ta nghĩ đến ngai vàng, vương miện, hoàng cung, quyền lực, kẻ hầu người hạ, quan quân, vũ khí v.v. Thế mà khi nhìn vào Đức Giêsu ta chẳng thấy có gì cả. Ngược lại, ta chỉ thấy Ngài lang thang trên những nẻo đường bụi bậm xứ Palestine, với một nhúm môn đệ ít ỏi, vây quanh là những người nghèo nàn, tật bệnh, tội lỗi và những người bị xã hội loại trừ.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện siêu nhiên thì Đức Giêsu đúng thật là vua. Ngài là vua và là Vua trên tất cả các vua, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, Đấng thống trị vũ trụ.
Ngay cả trên bình diện tự nhiên, Đức Giêsu cũng xứng đáng là Vua, Vua của mọi người : Ngài là con người tuyệt vời nhất với đầy đủ những đức tính hoàn hảo nhất. Ngài đến với ai là vận mạng của người đó được thay đổi thành tốt hơn. Có những người tưởng rằng mình là người lớn bằng cách khiến cho mọi người cảm thấy nhỏ trước mặt mình. Nhưng người lớn đích thực là người làm cho ai nấy đều cảm thấy lớn lên. Theo nghĩa này, Đức Giêsu đích thực là Vua.
Chúng ta nên phân biệt quyền lực và ảnh hưởng. Philatô có quyền lực trên dân, nhưng kẻ có ảnh hưởng trên dân chính là Đức Giêsu. Ảnh hưởng của Ngài đem lại cho con người ơn tha thứ, sự phục hồi nhân phẩm, bình an, yêu thương, hạnh phúc. (Viết theo Flor McCarthy)
* 3. Đức Giêsu Kitô, vua vũ trụ
Đại Hội Trẻ Thế giới tại Pháp, hàng trăm ngàn thanh niên nô nức, tiến về thủ đô Paris dự đại hội để gặp gỡ, lắng nghe, và hiệp thông với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đấng thay mặt Đức Kitô ở trần gian.
Hệ thống xe điện ngầm Métro nổi tiếng của Paris dường như lúc nào cũng chật ních người. Hôm ấy, một cụ già ăn xin mù loà cũng cố chen lên một toa xe nhờ chú chó dẫn đường. Cụ vừa đi, vừa chìa cái đĩa nhôm để kêu gọi lòng hảo tâm của giới trẻ. Tuy ồn ào nhưng người ta cũng nghe được những tiếng kêu loảng xoảng của những đồng cắc rơi vào đĩa.
Đi ngược chiều với cụ, một cô bé xanh xao gầy còm cũng ngửa nón xin mọi người giúp đỡ. Khi hai người bất hạnh gặp nhau, cô bé tránh qua một bên cho người hành khất mù loà tiến bước. Và đầy kinh ngạc, các bạn trẻ không thể tin vào mắt mình, cô bé đã dốc hết số tiền kiếm được của mình đổ tất cả vào cái đĩa nhôm kia.
*
Mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm thế giới : gồm 6 tỷ người đang sống trên đó. Với bao cảnh thất nghiệp, nghèo đói, lạc hậu, bất công. Với bao tệ nạn tham nhũng, ma tuý, mafia, sida. Với bao nhiêu thiên tai lũ lụt, động đất, cháy rừng… Thế lực của sự dữ và tội lỗi đang tung hoành khắp nơi.
Mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên Vua của chúng ta. Một vị vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng treo trên thập giá. Một vị vua không cai trị bằng quyền uy vũ lực, nhưng dựa trên tình yêu thương. Một vị vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người.
Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của Sự thật : “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga.18,37). Sống theo sự thật chẳng dễ dàng chút nào, vì người thành thật thường thua thiệt, và kẻ dối trá lại được coi là khôn ngoan. Nhưng chỉ có những ai dám nói sự thật, chấp nhận sự thật, và sống theo sự thật mới được sống trong vương quốc của Người.
Vương quốc của Vua Giêsu còn là vương quốc của Tình yêu : “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ hiến mạng sống cho nhiều người” (Mc.10,45). Yêu mình, yêu thân nhân bạn bè thì dễ dàng ; yêu người xa lạ, yêu kẻ thù, mới thật là khó. Nhưng Chúa chính là vua Tình yêu, nên chỉ những ai sống yêu thương mới đích thực là thần dân của Người.
Cô bé ăn xin trên xe điện ngầm trong câu chuyện trên đây, đã biết cho đi tất cả những gì mình có, những gì cần thiết nhất để sống mà không tính toán so đo. Đó mới thật là công dân của Nước Trời, là thần dân đích thực của Giêsu, Vua Tình yêu.
Đối với người tín hữu, công dân tương lai của Nước Trời, thì yêu thương là lẽ sống của mọi cá nhân, gia đình, và cộng đoàn. Dường như sống yêu thương sẽ thấy đời đơn giản, cuộc sống nhẹ nhàng thênh thang. “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời”. Có Chúa trong tâm hồn họ luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc. Còn mọi thứ khác chỉ là kiểu cách, rườm rà, câu nệ, phô trương, là thanh la, não bạt, là tiếng muỗi vo ve.
*
Lạy Chúa, chúng con là đôi tay và đôi chân của Chúa, là miệng lưỡi và trái tim yêu thương của Người.
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa, xây dựng một thế giới yêu thương và chân thật, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến trong vinh quang là một ngày vui trọn vẹn, một ngày hội lớn cho toàn thể nhân loại. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
4/. Vua tình yêu
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa…
Lê Quang Độ (Ricardo Conelo) từ nhỏ vẫn được ba má yêu quí, đến trường tỏ ra là người học trò xuất sắc. Nhưng bầu khí nơi trường học không được lành mạnh. Ở tuổi lên 10, em Độ đã ghiền xì ke. Em nhớ không có lý do gì để ghiền cả ngoài tính tò mò.
Khởi sự em hút cần sa. Kế đến em nhập băng nhóm đi cướp giật. Lên 12 tuổi Độ đã được cảnh sát thành phố Sao Paolo của nước Braxin biết đến. Bố em tưởng có thể nhốt em trong phòng nhưng vô ích vì Độ luôn tìm ra cách thoát khỏi bàn tay của bố, với những gì có thể ăn cắp được nơi gia đình để tiếp tục hút. Chưa thất vọng, bố em dời gia đình đi nơi khác, nhưng Độ vẫn tìm cách nhập vào một băng nhóm ghiền Cocaine và những thứ nặng hơn nữa. Bố em hết chịu nỗi đành phải đuổi em đi để cứu nguy cho gia đình.
Không chỗ tựa, Độ càng sa lầy. Nhưng nếu người thiếu niên đáng thương này có cơ may làm lại cuộc đời thì nhờ sức mạnh nào ? Ai là người cuối cùng sẽ hoán cải được em để em nên người hữu ích cho xã hội ?
Bị đuổi khỏi gia đình, Độ trở nên mồi ngon cho tổ chức buôn ma tuý bất hợp pháp trong vùng. Tối đầu tiên đến với nhóm, Độ được mời tới dự bữa ăn, trong đó kẻ tố cáo bạn với cảnh sát đã bị bắn ngay nơi bàn ăn khiến Độ cũng bị bắn lây vào cẳng. Chàng liền chạy vào bệnh viện. Tưởng thoát khỏi sự truy lùng nhưng cảnh sát đã xuất hiện ngay bên giường. Họ chuyển Độ sang nhà tù dành cho thanh thiếu niên.
Chính ở đây Độ may mắn nhận sự giúp đỡ của Trung Tâm Hy Vọng, là tổ chức thiện nguyện giúp phục hồi niềm hy vọng nơi người ghiền ma tuý. Sau này Độ mới biết đó là tổ chức do linh mục Hoàng Tâm Phú (Haus Stapelp) là thân hữu của phong trào Focolare điều khiển. Độ được an ủi nhiều do bầu khí đón tiếp nồng hậu của Trung Tâm ngay tối hôm đầu tiên đến đó.
Độ sống chung với mười hai người trẻ khác, mà Độ là người trẻ nhất, nhưng lại là kẻ cứng đầu nhất, luôn gây chuyện và chơi khăm người khác, luôn hành động thiếu đắn đo.
Hãy còn có Chúa đón nhận con
Ba tháng sau người ta phải đưa Độ tới trung tâm dành cho thanh thiếu niên ghiền nặng hơn. Chính ở đây Độ khám phá những điều cơ bản nhất về bản thân. Lần đầu tiên Độ thốt lên lời than thở với Đấng em gọi là Thiên Chúa nhưng thực ra chưa bao giờ em được học biết Ngài. Cha mẹ em chỉ là người Công Giáo theo danh xưng mà thôi vì chưa bao giờ họ đi nhà thờ. Vậy em đã xin Chúa cho em cơ hội để bỏ hút xì ke, đổi mới cuộc đời và nên giống những người trẻ mà Độ biết là đã thành công theo lý tưởng sống vì người khác.
Quả thật, em đã được ban cho cơ hội giúp người khác là Lâm Đình Ái (Claudio). Đó là một bạn trẻ mắc bệnh AIDS ngủ cùng phòng với Độ. Bệnh nhân chỉ còn chờ chết, không thể tự mình lo lấy mình nữa. Ngày kia Độ đã xin Chúa để được thấy dung mạo Chúa nơi dung mạo bệnh nhân trẻ này. Thế rồi em được giao việc tắm rửa, cạo râu và giúp người bệnh này ăn uống. Điều em không thể cắt nghĩa được là em nghiệm thấy sự sống mới đang lớn lên nơi tâm hồn em nhờ mối tương quan sống động giữa em và Thiên Chúa.
Từ từ em khám phá ra nơi bản thân một tấm lòng quảng đại như thuộc bản năng đang được triển nở. Những người chung quanh em khó lòng tin được rằng điều gì đó thực sự đang xảy ra khiến em trở nên con người khác trước kia. Chẳng hạn, buổi tối hôm ấy em muốn đưa lời Tin Mừng ra thực thi, lời Tin Mừng mà Trung Tâm này sử dụng để chữa trị bệnh nhân, là “Hãy làm cho người khác điều bạn muốn người khác làm cho bạn.” Vậy tối hôm ấy em sắp bàn tử tế, đặc biệt để mừng sinh nhật một bạn trẻ ở Trung Tâm. Khi bạn ấy xuất hiện, em Độ đã niềm nở đưa bạn ấy ra ngoài và tặng chiếc áo mà chính Độ rất thích mặc để diện.
Người nhận được quà cảm động đến rơi lệ khiến Độ cũng rưng rưng hai hàng lệ. Đó là những con người chưa bao giờ nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, nay khám phá ra điều đó qua cử chỉ cho và nhận quà.
Em Độ nghiệm thấy ơn bình an như được gia tăng mỗi khi em làm điều này điều kia cho người khác. Tự nhiên em sốt sắng tham dự thánh lễ mỗi ngày.
Khi ấy em lên 17 và được giao việc chăm sóc bệnh nhân mới được Trung Tâm tiếp nhận để chữa trị. Trong nhóm này có một người đã 40 tuổi mà ai cũng nhìn nhận là người khó tính. Thế mà Độ đã thành công trong việc chinh phục người ấy.
Nhiều lần Độ trở về thăm gia đình nhưng chưa ai tỏ ra chú ý tới sự kiện là em không còn như trước nữa, kể cả mẹ em là người đã quá khổ vì em. Nhưng lần kia người anh của Độ đã trách mắng Độ cách thậm tệ trước mặt mọi người trong một cuộc họp mừng của gia đình. Người anh ấy rất ngỡ ngàng thấy Độ điềm tĩnh khác thường. Hơn nữa, còn xảy ra là khi Độ dọn đồ mà người anh ấy tỏ dấu ưa thích thứ thuốc thơm thoa xức sau khi cạo râu, em liền tặng lọ thuốc đó cho anh ấy !
Cứ như vậy Độ tìm lại được tình thương của gia đình để không còn phải trở về với Trung Tâm nữa. Nhưng quan trọng hơn vẫn là ơn Chúa thúc đẩy lòng em khiến em được thanh lọc khỏi những đam mê hầu sống sự sống hoàn toàn mới của Tin Mừng, để trở nên người hữu ích cho xã hội. Hiện em sống bình thường trong nghề giáo viên.
Cuộc hoán cải của Lê Quang Độ làm nổi bật tình thương của Thiên Chúa và sự ưu ái của Ngài dành cho những kẻ bé mọn. Thiên Chúa không bỏ rơi một ai, ngược lại, kẻ càng bị người đời khinh chê và gạt sang bên lề, thì Ngài càng ưu ái tìm kiếm và đưa vào Vương Quốc của Ngài.
Cựu Ước không thiếu lời khẳng định về tình yêu trước sau như một của Thiên Chúa đối với thọ tạo. Thánh vịnh gia nói : “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 26,10). Tác giả sách Huấn Ca còn nói “Thiên Chúa nhân từ và biết vật Người nắn lên. Người không huỷ, không bỏ, nhưng dung tha” (17,21). Còn sách Khôn Ngoan dạy : “Quả thật những gì có trong vạn vật, Người đều yêu mến. Vì Người nắn nên gì Người không ghét bỏ. Vả lại có gì tồn tại được nếu Người không muốn ? Làm sao nó được bảo tồn điều Người đã không gọi (đến tên) ? Với mọi vật, Người xử khoan dung vì chúng là của Người, lạy Chúa Tể hiếu sinh !” (12,24-26).
Thực ra Nước của Thiên Chúa là Nước mang lại cảnh hoà bình cho trăm họ, nhưng sự công chính của Thiên Chúa chủ yếu không khởi đi từ việc phân phối của cải để ai nấy nhận được những gì thuộc về mình. Tất cả những gì mà con người có cũng đều do Thiên Chúa ban nhưng không, dù là ngang qua cha mẹ hay do chính mình làm nên, cuối cùng cũng do chính Chúa là cội nguồn. Vậy sự công chính của Thiên Chúa khởi đi từ lòng ưu ái của Người dành cho dân nghèo. Cho nên Thánh Vịnh gia khi nói tới việc xét xử dân theo công lý thì nói ngay tới việc bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn và ra tay cứu độ kẻ nghèo khó (x. Tv 71,1-4)
Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên
Với Đức Giêsu trong Tân Ước, sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho người nghèo càng khiến ta phải ngỡ ngàng. Một trăm con chiên chỉ có một con bị lạc, chủ chiên cũng tập trung hết sự chăm chú của mình vào chiên lạc đó cho tới khi tìm được ; người đó sẽ vác nó lên vai đưa về và mở tiệc mừng. Mười đồng bạc mà một đồng bị mất thì người mất cũng thắp đèn tìm cho kỳ được ; người đó còn mời bạn bè xóm ngõ tới mừng vì đã tìm thấy. Phương chi người cha có hai con mà một đứa đi bụi đời này về, nào người cha đó lại không mở tiệc ăn mừng con trở về hay sao ? Đó là ba dụ ngôn trong Tin Mừng Luca (15,1-32) về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với tội nhân, là người nghèo cần Chúa thương xót. Tin Mừng Gioan cũng cho thấy lòng thương xót đó của Thiên Chúa, nhưng nhấn mạnh về cái giá Người sẵn sàng trả là chính mạng sống của Con Thiên Chúa làm người. Sau khi chữa người bại liệt, Đức Giêsu bị người Do Thái tìm cách giết (x. Ga 5,18). Khi người mù từ tuổi mới sinh được Đức Giêsu chữa lành, người đó liền bị cha mẹ bỏ rơi và giới lãnh đạo Do Thái giáo trục xuất (x. Ga 9,21 và 34) Nhưng Đức Giêsu đã không bỏ rơi anh, Người đã tìm đến với anh và tự mạc khải bản thân Người cho anh (cc 35-38). Người còn tuyên bố “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Đó chính là ý nghĩa mà Tin Mừng Gioan hiểu về lời tuyên bố của thượng tế Caipha khi nói “thà một người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
Bài Tin Mừng hôm nay với lời tuyên bố của Đức Giêsu là “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (c.37). Tin Mừng Gioan cho biết phản ứng của ông Philatô là nêu câu hỏi “Sự thật là gì ?” (c.38). Nhưng ông đã không muốn nghe Đức Giêsu trả lời. Ông đã ra ngoài để gặp người Do Thái nên ông đã không đứng về phía sự thật là chính Đức Giêsu Vua Tình Yêu, hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với cả loài người. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
V/. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, hôm nay Hội thánh suy tôn Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, vua hiền hậu, vua mà uy quyền là tình yêu tự hiến. Chúng ta cùng dâng lên Người lời cầu nguyện khiêm tốn sau đây :
1/. Đức Giêsu là Vua đến trần gian để làm chứng về sự thật, là chính Thiên Chúa / xin cho Hội thánh luôn tuân lệnh Người để làm chứng cho mọi người rằng Thiên Chúa là tình yêu.
2/. Đức Giêsu là Vua nhưng Nước Người không thuộc về thế gian này / Xin cho các nhà lãnh đạo các nước trần gian hiểu rằng : Nước Chúa không cạnh tranh với nước của họ / nhưng đem lại sự thật, công lý và hòa bình cho các nước trần gian.
3/. Đức Giêsu là Vua tự hiến để cứu độ mọi người / Xin cho những người đang bị áp bức, bóc lột, tù đày / và những người nghèo đói, dốt nát / sớm được Người giải thoát để sống như công dân trong Nước Chúa.
4/. Đức Giêsu là Vua tình yêu, Người cai trị bằng phục vụ / Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta là công dân Nước Chúa / biết noi gương phục vụ của Người.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, chúng con đã được Chúa mời gọi vào Nước Chúa, làm công dân của Nước Chúa, Xin giúp chúng con luôn hăng say hoạt động để Nước Chúa mở rộng đến mọi tâm hồn. Chúa là Đấng hằng sống…
VI/. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Trong ngày lễ kính Đức Giêsu là Vua hôm nay, chúng ta hãy đặc biệt cầu xin cho Nước Chúa mau trị đến trong cõi lòng mọi người.
– Trước rước lễ : Vua Giêsu đã thương mời chúng ta đến dự tiệc của Ngài. Chúng ta hãy đến dự tiệc thánh trong tâm tình biết ơn và cảm mến. “Đây Chiên Thiên Chúa…”
VII/. GIẢI TÁN
Trong khi chờ đợi ngày Đức Giêsu hoàn toàn làm Vua toàn thể nhân loại, mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm một công dân xứng đáng của Nước Chúa, đó là hằng ngày thực hiện giới luật yêu thương.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN -B
NƯỚC TÔI KHÔNG THUỘC CHỐN NÀY (*) – Suy niệm chú giải của Giáo hoàng Học Viện Đà Lạt
“Nước tôi không thuộc chốn này”: Chữ “chốn này” (enteuthen) tương đương với thế gian này tiếng mà Gioan tránh lặp lại lần thứ ba. Nhóm chữ “thế gian này” gần giống nhóm chữ “bởi đất” (3,31), “có tính cách trần thế” và tương đương với “phàm tục”, “có đặc tính của thế gian”; nên người ta cũng dịch được: “Vương quốc tôi không có tính cách trần thế”. Xin nhớ tiếng Aram rất ít tĩnh từ.
“Để làm chứng cho sự thật”: Tư tưởng Thánh Kinh đã nhận ra mối tương quan giữa khôn ngoan và vương quyền (x. 2 Sm 14,17-20). Vương quyền cánh chung mà Chúa Giêsu khai mạc trong thế gian, ngay lúc này, sẽ không dùng đến bạo lực; theo thánh ý của Cha, Đấng đã giao phó sứ mệnh cho Người. Vương quyền đó sẽ được thể hiện nhờ việc tiếp đón sự thật của Thiên Chúa biểu lộ trong Người, lời nhập thể (x. 14, 6; 3, 11.32; 8, 13-14.46).
“Ai thuộc về sự thật”: So sánh với 7, 17; 1 0, 26 và nhất là với 8, 47 (“Ai bởi Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa”), câu mà chữ bởi Thiên Chúa” đối ứng với chữ “thuộc về sự thật” của chung ta: ai thuộc về sự thật là bạn hữu của sự thật.
KẾT LUẬN
Vương quyền mà Chúa Kitô gián tiếp đòi hỏi khác biệt cách sâu xa với vương quyền mà các mục tiêu và phương tiện đều thuộc phạm vi thế gian; vương quyền Người không cần đến sức mạnh và phương pháp thông thường của hoạt động chính trị. Vương quyền Người, Người nhận từ Thiên Chúa.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1/. Trong bản văn này, chúng ta chứng kiến giai thoại sẽ đưa đến việc Philatô kết án tử hình cho Chúa Giêsu. Để quán triệt bản văn, cần nhắc lại rằng Philatô và Chúa Giêsu không đứng trên cùng một bình diện. Khi thốt lên tiếng “vua”, Philatô nghĩ đến một vương quyền chính trị trần thế. Còn lúc tự xưng là vua, Chúa Giêsu nói đến vương quyền thiên sai của Người. Phải xác định rằng Người tự xưng là Vua Messia theo một nghĩa vô cùng rộng lớn hơn ý nghĩa được quan niệm bởi các thủ lãnh dân Do thái, những kẻ chỉ thấy trong Đấng Messia tương lai một vì vua trần tục. Qua câu hỏi “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?” Chúa Giêsu muốn cho Philatô biết Người chẳng phải là vua theo cách ông ta tưởng nghĩ, và càng không phải là vua theo cách người Do thái quan niệm. Vì thế, sau câu đáp của Philatô. Chúa Giêsu nói: “Vương quyền không thuộc thế gian này”. Thế rồi ta đi đến diễn tiến kỳ lạ sau đây: người Do thái muốn làm cho Philatô kết án Chúa Giêsu, bởi vì Người tự xưng là đến từ một thế giới khác, nghĩa là từ Thiên Chúa. Vì đó không phải là nguyên do kết án đối với Philatô, nên họ đưa ra một cớ khác, là Người đã tự xưng là một vua trần thế chống lại hoàng đế Rôma, điều mà Chúa Giêsu tuyên bố là không phải. Chúa Giêsu bị kết án do quyền tài phán Rôma dưới danh nghĩa một vương quốc trần thế, trong lúc Philalô biết Người từ chối vương quyền này.
2/. Vương quyền của Chúa Giêsu là một việc làm chứng cho sự thật. Chúa Giêsu không phải là vua thuộc thế gian này nhưng là vua trong thế gian này, và trong thế gian này người làm chứng cho một thực tại thần linh. Quả thế, ở đây cần phải nắm vững ý nghĩa chữ “sự thật”. Sự thật, theo Tin mừng Gioan, không phải là một tri thức thuần lý phù hợp với thực tại đâu. Nó là thực tại của Thiên Chúa đến trong con người. Con người cảm thấy nó xâm nhập vào trong tất cả hữu thể mình và trong toàn cuộc sống. Nhưng con người cũng còn phải tiếp nhận. Việc tiếp nhận này không chỉ bằng lý trí: nhưng còn bằng tâm hồn, ý chí, toàn thể con người ta. Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật vì, xét như là kẻ được xâm nhập và biến đổi bởi kinh nghiệm về thần linh, người đề nghị tất cả hãy đi vào sự thông hiệp có sức thần hóa với Người, Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là vua khi, trong một nhân loại rất thường chống nghịch Thiên Chúa, con người đón tiếp “chứng” của Người, nghĩa là tin Người và hết lòng để cho Người thần hóa.
3/. “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Ta…”. Thuộc sự thật là gì? Đó là sẵn sàng đón tiếp thực tại thần linh mà Chúa Giêsu đem đến cho con người. Trong thực tế chúng ta hôm nay, điều này hệ tại thành thật đối với Thiên Chúa Đấng phán bảo qua Thánh Kinh và Giáo Hội, sống phù hợp với những gì Thiên Chúa mặc khải cho và theo Chúa Giêsu mà ta gặp thấy trong Tin Mừng, trong Giáo Hội, trong các nhiệm tích, trong anh chị em.Vương quyền của Chúa Giêsu không giống chút nào với cách thống trị của nhân thế, nhưng nó trở nên hữu hiệu khi con người cá nhân và tập thể, trong cuộc sống thực sự hiểu rằng mình đến từ Thiên Chúa và đi về cùng Thiên Chúa, cho nên hết. sức ra công để nhân loại nhận biết sự thật nhờ những nét đẹp nhất của khuôn mặt nó, là những nét của Tình Yêu.
4/. Chúa Giêsu là hiện thân của sự thật vốn tự mặc khải, sự thật của lòng trung thành và thương xót của Thiên Chúa; Chúa Giêsu bị vu cáo, đánh đòn, đội mão gai và bị lưỡi đòng của thế gian này đâm thủng là hiện thân của sự thật, của thực tại Thiên Chúa, của sự thật chấp nhận số phận đớn đau, của sư thật tự mặc khải cách vinh thắng oai hùng khi cam lòng chịu sự chế diễu của thế gian dối trá. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng Vua của chúng ta là một vị vua chỉ có vòng gai làm vương miện, chớ bao giờ quên rằng chúng ta là thần dân của một vương quốc không thuộc về thế gian. Nếu chúng ta có can đảm làm chứng nhân cho một vị vua và một vương quốc như thế trong trần gian này, thì những kẻ “thuộc sự thật” sẽ nghe lời chứng của chúng ta, và Chúa Kitô, Đấng đã bị treo lên trên thập giá, sẽ kéo họ đến cùng Người, và triều đại thanh bình vui tươi của Người sẽ được thiết lập trong tâm hồn chúng ta và trong tâm hồn anh em mãi mãi.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
VUA SỰ THẬT– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Chúa Giêsu thật là ngược đời. Khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi, muốn tôn Ngài làm vua thì Ngài không muốn. Ngài phản đối bằng cách trốn đi. Cũng như hôm vinh quang vào thành Giêrusalem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất phơ đón chào. Hôm ấy mà Chúa xưng vương thì quá thuận lợi. Thế mà Chúa phản đối bằng cách cỡi con lừa bé nhỏ, yếu ớt. Còn hôm nay, phận tội đồ đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thân tàn ma dại, chẳng còn hình tượng con người nữa, thì Ngài lại hiên ngang xưng mình là vua. Chẳng phải vô tình, nhưng là cố ý. Hôm nay, đối diện với cái chết, đối diện với quyền lực và đối diện với sự hận thù, Chúa Giêsu muốn xưng vương trong hoàn cảnh này để làm chứng cho sự thật.
Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là có một vương quốc khác, vượt xa mọi vương quốc trần gian. Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu: Ngoài cuộc đời này còn có một cuộc đời khác. Ngoài thế giới này còn có một thế giới khác. Đó là vương quốc của Chúa. Đó là Nước Trời. Vương quốc ấy là vương quốc sự sống vì sẽ không còn bóng dáng cái chết. Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương. Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết vương quốc của Ngài “không thuộc thế gian này”. Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa. Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.
Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là quyền năng của Chúa là trên hết. Khi một mình yếu đuối nhưng vẫn hiên ngang đối diện với Philatô tượng trưng cho quyền lực của đế quốc La mã bao trùm thiên hạ, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi quyền năng như Ngài đã trả lời Philatô: “Ông có quyền không bởi tự mình mà có, nhưng từ thành công ban cho”. Thánh nữ Xêxilia cũng nói: “Quyền uy ở đời giống như quả bong bóng. Nó không triển nở ở tự nó. Nó không tự mình tròn trịa được. Phải nhờ đến không khí. Nhưng chỉ một mũi kim cũng làm nó xẹp xuống”. Quyền uy trần gian mau tàn. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới bền vững. Chính vì thế Đức Giêsu không xưng vương khi tràn đầy uy tín, khi được dân chúng ngưỡng mộ. Vì nếu Ngài xưng vương khi được dân chúng tung hô vạn tuế, khi làm những việc kỳ lạ lớn lao, khi tràn đầy uy tín, thì vương quyền ấy chẳng hơn gì vương quyền của vua chúa trần gian khác. Nhưng hôm nay, khi mất hết mọi uy tín, không còn ai tung hô ủng hộ, Đức Giêsu xưng vương để cho ta thấy Ngài siêu thoát mọi quyền lực và vinh quang theo thói thế gian. Ngài chỉ trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế những ai muốn vào vương quyền của Ngài phải biết coi thường mọi vinh quang quyền thế ở trần gian.
Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là tình thương chiến thắng thù hận. Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.
Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa vương quốc của Ngài. Đó là vương quốc của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.
Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước đầy tràn Sự Thật và Sự Sống, nước công chính và tình yêu muôn đời.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Chúa Giêsu cho biết gì về vương quốc của Chúa?
2- Chúa Giêsu cho biết gì về quyền năng của Chúa?
3- Chúa Giêsu cho biết gì về cuộc chiến giữa tình thương và thù hận?
4- Muốn sống trong vương quốc của Chúa, ta phải làm gì?
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
BẤT KHẢ BẠI DÙ PHẢI CHẾT- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ
Bị bắt và bị giết, liệu có thể là người chiến thắng không? Tuần trước mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta đã thấy các ngài là những người không bị khuất phục dù phải chết; tuần này chúng ta lại được chiêm ngưỡng Đức Yêsu như vị vua trổi trang trên tất cả cho dù bị giết.
Vua làm chứng cho sự thật
Đức Yêsu bị bắt vì những người lãnh đạo không chấp nhận Đức Yêsu hơn họ, vì Đức Yêsu đã nói sự thật về họ, vì họ tưởng Đức Yêsu tranh giành ảnh hưởng trên dân chúng, làm họ mất uy quyền. Đức Yêsu bị thù ghét đến chết.
Để giết được Đức Yêsu một cách “hợp pháp”, họ đã giải Đức Yêsu tới quan tổng trấn Roma là Philatô, với tội danh “muốn nổi loạn xưng vua”. Chính Đức Yêsu cũng không ngờ mình “được” mang tội danh này: “quan tự ý nói thế, hay người khác đã nói với ngài về tôi?” Với những người ái quốc, khi nước đang bị ngoại bang đô hộ, mà có ai nổi lên chống lại, thì phải cùng cộng tác với người đó mới phải, đằng này lại đi chống lại, đem bắt người đó để nộp cho ngoại bang. Chính vì lẽ này mà Philatô nhận ra Đức Yêsu bị oan, vì thù oán riêng tư mà những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái muốn nộp giết Đức Yêsu: “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy”.
“Chính ngài nói rằng tôi làm vua. Tôi sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật, ai theo sự thật thì nghe tiếng tôi”. Thiên Chúa là sự thật. Sự thật là “Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng”, Thiên Chúa sẵn sàng làm tất cả cho con người, vì yêu thương con người, để con người được sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Cả đời Đức Yêsu là miệt mài làm chứng cho sự thật, ngay cả phải chết.
Vua yêu thương
Vua là người giỏi nhất, chiến thắng những người khác để làm vua. Chẳng hạn ở Việt Nam, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Huệ, đều là những người chiến thắng tất cả rồi xưng vương. Trong các môn thể thao, những nhà vô địch và giỏi thường được gọi là vua, chẳng hạn như Pelé được gọi “vua bóng đá”. Đức Yêsu là vua, vì Ngài đã trổi vượt trong tình yêu, vì không ai yêu bằng Ngài.
Yêu đến độ tự hủy để sống với người mình yêu. Yêu đến độ, bị từ khước vẫn tha thứ vẫn yêu. Yêu đến độ dám chết cho người yêu, sẵn sàng làm tất cả để người yêu được sống và được sống hạnh phúc.
Thiên Chúa là Đấng yêu con người, nên Ngài tin vào con người. Thiên Chúa tin tôi hơn tất cả những ai tin tôi nhất, hơn cả chính tôi tin tôi. Chính vì vậy Ngài vẫn chờ vẫn đợi, vẫn mời gọi tôi trở lại với Ngài, vẫn mong tôi đáp trả tình Ngài dù rằng bây giờ có thể tôi vẫn còn đang từ chối.
Con vua lại được làm vua
“Con vua lại được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Chúng ta là con Chúa, chúng ta được mời gọi để sống yêu thương như Chúa “hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em” (Ga.13, 34).
“Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, trừ ra tình yêu mến” (Rm.13, 8). Ơn gọi của chúng ta, chính là yêu thương. Yêu như Chúa yêu. Hãy để cho người khác hơn chúng ta về tất cả, nhưng cố gắng để không thua họ trong yêu thương. Ai khiêm tốn hơn, ai sẵn sàng tự hủy để đi bước trước trong việc làm hòa, là những người “yêu” hơn, giống Thiên Chúa hơn.
Xin Chúa giúp chúng ta sống yêu thương theo gương Chúa yêu thương. Tự sức chúng ta, không thể sống yêu thương. Ý thức mình bất lực, xin Chúa giúp. Thiên Chúa có thể làm tất cả cho chúng ta vì Ngài yêu chúng ta vô cùng, Ngài sẽ làm chúng ta yêu Ngài và yêu nhau.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1/. Bạn trổi trang nhất về điều gì?
2/. Có thể bạn không thể hơn người khác về nhiều điều, nhưng còn về yêu thương? Bạn có muốn không thua người khác về yêu thương không?
3/. Liệu có thể tập yêu được không? Bằng cách nào?
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
CHÚA GIÊSU, VUA TÌNH YÊU- Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Quốc Vương Thái Lan đã đi vào huyền thoại như người dân kể lại: “nhà vua làm kênh rạch, nên có nước về ruộng đồng. Nguồn nước này đến từ đập Pa Sak Jolasid do chính vua Bhumibol trực tiếp thực hiện.
– Khi mới lên ngôi năm 1950, từ đó năm nào đức vua cũng tự tay lái xe jeep, với hoàng hậu Sikirit bên cạnh, đi tổng cộng 50.000 km, tới những nơi hẻo lánh, xa xôi để quan sát đời sống người dân còn khốn khó. Trong tâm trí của những người dân Thái, nhà vua là một người thân thiện, với cuốn sổ và chiếc bút trên tay, luôn lắng nghe những người nghèo khổ để thay đổi cuộc sống của họ.
Quốc vương lập ra dự án của hoàng gia, xúc tiến các kỹ thuật gieo hạt tân tiến. Năm 1971, nhà vua đưa ra các biện pháp giúp người dân giải hạn, đào kênh rạch để trữ nước và phân phối nước cho ruộng đồng.
– Đức vua đã biến cung điện Chitralada rộng lớn của mình thành tổ hợp trang trại, cánh đồng, nhà máy chế biến – nơi nhà vua có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp. Từ đây, hơn 2.000 đề án do chính nhà vua khởi xướng đã được triển khai trên toàn quốc, cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở nông thôn.
– Vào năm 1997, chính đức vua đã ký sắc lệnh sửa đổi Hiến Pháp, theo đó đức vua không còn là người bảo hộ đạo Phật là quốc giáo của Thái Lan. Bản thân đức vua là người Phật Tử nhưng lại bảo hộ cho tất cả các tôn giáo khác, kể cả cộng đồng Hồi Giáo là người thiểu số ở miền nam Thái Lan, nơi thường xảy ra các cuộc xung đột. Điều này đã giúp cho ngài không chỉ được tín đồ Phật Giáo ngưỡng mộ mà cả người đạo Hồi cũng phải kính nể và khâm phục.
Anh chị em thân mến,
Quốc vương Thái Lan, đã hy sinh cả cuộc đời để đem lại hạnh phúc ấm no cho người dân Thái, nhưng Chúa Giêsu còn hy sinh cả mạng sống để cứu chuộc chúng ta. Tuy nhiên sứ mạng của Chúa Giêsu không giống như sứ mạng của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Chúa không giống như quyền bính của hoàng đế Rôma hay như bất cứ một vị vua chúa nào trên trần gian. Chính vì thế sau khi làm phép lạ bánh hoá nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua, nhưng Chúa đã lẩn trốn, nhưng khi Philatô hỏi: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu này, nhưng Chúa đã minh xác rằng: vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này.
Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Chúa lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Chúa Giêsu đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, con đường của tình yêu. Chính vì tình yêu cao cả này, Chúa Giêsu đã hiến thân hy sinh cho thần dân của mình. Như vậy, qua cuộc hiến tế, chúng ta nhận ra, Chúa Giêsu không chỉ là một vị vua hiền lành, nhân từ, nhưng còn là một vị vua hạ mình đến tận cùng, đến nỗi khi nhìn ngắm sự hạ mình của Chúa trong cuộc hiến tế thương đau, chúng ta chỉ còn biết lặng thinh, chiêm ngắm, thờ lạy, cảm tạ, chúc tụng, nguyện một lòng trung thành theo Chúa cho đến trọn đời.
Một sự kiện xảy ra cách đây không lâu: những người thợ lặn đã phát hiện ra một con tầu bị chìm cách đây 400 năm ngoài biển khơi vùng phía bắc Ireland. Một trong những kho tàng họ đã tìm thấy trên tầu là một chiếc nhẫn cưới. Khi đánh bóng, họ thấy trên mặt chiếc nhẫn khắc hình một bàn tay đang nắm giữ một trái tim. Phía dưới có khắc hàng chữ như sau: “anh không còn gì để cho em” (I have nothing more to give you).
Trong tất cả những kho tàng đã tìm thấy trên con tầu, không có sự gì làm cảm động những người thợ lặn cho bằng chiếc nhẫn và những lời cao đẹp đó.
– “Ta không còn gì để cho con” – có thể được đặt trên Thập Giá của Đức Giêsu, vì từ trên Thập Giá đó, Ngài đã cho chúng ta tất cả những gì Ngài có. Ngài cho chúng ta tình yêu và mạng sống. Ngài cho chúng ta tất cả những gì một người có thể trao ban cho người mình yêu: “không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).
Lạy Đức Giêsu Kitô, là Vua của vũ trụ, là Vua của nhân loại, và là Vua của tâm hồn con. Con xin phó thác tất cả mọi sự trong tay Chúa: mạng sống, tình yêu, hạnh phúc, ý muốn, khát vọng, những người thân yêu của con, hiện tại cũng như tương lai. Con xin phó thác cho Chúa tất cả để Chúa quyết định mọi sự theo thánh ý Chúa. Xin hãy giúp con ngày càng tin vững vào tình yêu và quyền năng của Chúa vì Chúa là Vua của tâm hồn con. Amen.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B
VUA SỰ THẬT- Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng OP
Chúa Giêsu có phải là vua thật không? Ngài là vua theo nghĩa nào? bài Tin Mừng trả lời cho chúng ta những câu hỏi đó trong phiên tòa Rô-ma xử án Chúa Giêsu. Người xét xử là tổng trấn Phi-la-tô, là ông quan của đế quốc Rô-ma đặt cai trị ở Do thái, vì lúc ấy dân Do thái đang ở dưới quyền đô hộ của người Rô-ma. Bị cáo là Chúa Giêsu, do người Do thái điệu Chúa đến đây để xin Phi-la-tô xét xử.
Phi-la-tô hỏi Chúa: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Để trả lời, Chúa hỏi lại: “Ngài tự ý hỏi điều ấy hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Hỏi như vậy là Chúa muốn vạch trần thâm ý của Phi-la-tô. nếu Phi-la-tô tự ý hỏi như vậy tức là Phi-la-tô muốn hỏi: “Anh có phải là tay lãnh tụ chính trị, dám chống lại chính quyền Rô-ma không?. Đối với Phi-la-tô, là vua Do thái chỉ có nghĩa như vậy. Mà nếu như thế thì câu trả lời của Chúa là “không”. Ngài không phải là vua theo nghĩa đó. Còn nếu câu Phi-la-tô hỏi là do các nhà lãnh đạo Do thái nhắc nhở cho, thì có nghĩa là Chúa Giêsu là vị cứu tinh của Do thái như Thiên Chúa đã hứa với dân tộc họ. Nếu như thế thì câu trả lời của Chúa là “có”. Ngài thực sự là vua. Nhưng không phải chỉ là vua của dân Do thái mà còn là vua của mọi người. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu là vua tâm linh, là vua lòng mọi người, chứ không phải là vua theo nghĩa thông thường trần gian. Nước của Chúa bao gồm những tâm hồn tin theo Chúa. Vì thế, vương quyền của Chúa có tính cách thiêng liêng chứ không có tính cách trần thế, không dùng phương tiện, sức mạnh, bạo lực của trần gian. Trái lại, phương tiện thực thi vương quyền của Chúa là nhập thể cứu chuộc và rao giảng sự thật. Chính Chúa đã khẳng định với Phi-la-tô: “Tôi là vua, nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
Như vậy, chúng ta có thể quả quyết: Chúa Giêsu là vua. Ngài là vua sự thật. Sự thật là gì? Chính Phi-la-tô đã hỏi Chúa điều đó. Chúa không đáp lại bằng lời nói mà bằng chính việc Ngài đang thực hiện trước tổng trấn. Việc đó là thực hiện việc của tình yêu cứu độ. Ngài vô tội, nhưng vì yêu thương nhân loại, đã cam lòng chịu chết để đền tội cho nhân loại. Sự thật là như thế. Đó là tình yêu cứu độ. Đó là sự thật mà Chúa muốn làm chứng và muốn nói tới. Và giờ đây, nhìn chung quanh trong nhà thờ này: các ảnh tượng Chúa, chúng ta cũng thấy sự thật cứu độ là như vậy: Chúa Giêsu trên cây Thánh giá, Chúa Giêsu trong phép Mình Thánh, Chúa Giêsu trong chặng đường thánh giá…Tất cả đều nói lên tình yêu cứu độ.
Tình yêu ấy đã được ban cho con người, chỉ cần con người đón nhận tình yêu ấy bằng một tâm hồn khiêm tốn, khao khát tình yêu cứu độ. Và bằng tâm hồn mở rộng ra, yêu thương bác ái đối với những người chung quanh. Sự thật cứu độ như vậy, nói thì đơn sơ dễ dàng, nhưng thực hiện thật là phức tạp và khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng của chúng ta. Bởi vì cuộc sống tất bật, chật vật, đầu tắt mặt tối, đầy lo toan khốn khổ, dễ đẩy chúng ta vào thái độ ích kỷ, nhỏ nhen, thấp hèn. Chúng ta không dễ nhường nhịn nhau, hòa thuận với nhau, mà ngược lại, muốn lấn lướt người, muốn được phần hơn, muốn loại trừ nhau, nhiều khi dùng cả những thủ đoạn độc địa, thô bỉ nữa. Như vậy, chúng ta chưa sống sự thật cứu độ, chưa rao giảng sự thật cứu độ, chưa làm chứng cho sự thật cứu độ. Điều đó có đúng không?
Chúng ta tôn xưng Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta là dân của Ngài. Chúng ta tôn xưng Chúa là vua sự thật, thì chúng ta là dân sự thật của Ngài, chúng ta phải làm sáng tỏ sự thật ấy. Cuộc sống chúng ta có rất nhiều dịp, nhiều lúc phải quyết định chấp nhận hay từ khước, nói có hay không dứt khoát: có thì nói có, không thì nói không. Một khi chúng ta trả lời “có” cho một người, tức là chúng ta trả lời “không” cho người khác. Khi chúng ta trả lời “có” cho Thiên Chúa, là chúng ta trả lời “không” cho ma quỷ cám dỗ. Không thể có trung lập giữa không và có, giữa Chúa và ma quỷ, giữa ánh sáng và bóng tối. Theo Chúa là phải có một quyết định, một lập trường, một triết lý sống thực hành thánh thiện, ngay thẳng, trung thực, chứ đừng ăn không nói có, lật lọng, dối trá, thay trắng đổi đen.
Nói rõ hơn, chúng ta phải tôn trọng sự thật: phải giữ thành thật trong lời nói, tư tưởng và việc làm. Không được làm chứng dối, thề gian, bỏ vạ, cáo gian, đổ tội cho người khác, vu khống người ta. Không được xét đoán vô căn cứ, kết tội khi chưa đủ bằng chứng, cả khi nói những lời gây thiệt hại danh dự của người khác…cũng đều lỗi phạm sự thật. Can đảm biện hộ cho sự thật khi cần đến và có sự thật buộc chúng ta phải giữ kín.
Chúng ta hãy nhớ: một người sống trung thực, chân thành, bác ái, yêu thương giữa một xã hội đầy dẫy những lừa lọc, gian dối, ích kỷ, ti tiện…có lẽ sẽ bị đánh giá là một người không giống ai, là một người lội ngược dòng nước cuốn, Nhưng chính việc lội ngược dòng, chính việc sống trung thực, yêu thương lại chính là thánh giá mỗi người cần phải vác hằng ngày. Chúng ta phải trở nên muối đất, trở nên ánh sáng thế gian bằng cuộc sống chứng nhân trung thực cho Chúa Giêsu Kitô.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
BỊ CAN GIÊSU KITÔ VUA- Lm. Fx. Nguyễn Phạm Hoài Thương
Trong Tin Mừng Gioan, cảnh Chúa Kitô trình diện trước Philatô diễn tiến theo một lược đồ được bố cục cách khéo léo. Ngay từ đầu trình thuật, thánh sử đã nói rõ: người Do thái không vào phủ Philatô để khỏi mắc uế hầu có thể cùng chiều hôm đó cử hành lễ Vượt qua (Ga 18,28); nhưng việc hỏi cung Chúa Kitô phải xảy ra bên trong phủ Philatô, do đấy có một lối dàn cảnh: Philatô phải đi ra để bàn cãi với người Do thái, rồi trở lại phủ để tra hỏi Chúa Giêsu. Vì vậy, trình thuật (Ga 18,28-19,16) chia ra làm bảy phân đoạn, theo các lần ra-vào của Philatô mà thánh sử đề cập rất tỉ mỉ. Bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay nằm trong phân đoạn II (Ga 18,33-38), có rất nhiều chỉ dẫn thần học về ý nghĩa đích thực của vương quyền Chúa Kitô. Tuy nhiên để hiểu được nó ta phải đặt nó vào trong văn mạnh của cả trình thuật.
1/. “Nộp” Chúa Giêsu
Nếu chỉ đọc lướt qua Tin mừng, ta có thể kết luận: chính Philatô đã nộp Chúa Giêsu, vì ông đã kết án tử và đã cho đóng đinh Người trên thập giá.
Tuy nhiên, đọc kỹ bản văn ta sẽ thấy: không phải Philatô, nhưng chính người Do thái, đại diện là các thượng tế và Biệt phái, đã muốn giết Chúa Giêsu. Trong Tin mừng, thánh Gioan không hề nói là Philatô đã kết án tử cho Chúa Giêsu mà còn nhấn mạnh: bởi xác tín Chúa Giêsu vô tội, nên Philatô đã muốn thả Người, và sở dĩ ông phó nộp Người để bị đem đi giết là chỉ vì ông sợ hãi trước áp lực của các thượng tế và Biệt phái mà thôi.
Ba lần Philatô xác quyết là chẳng tìm thấy một lý do nào để lên án tử (Ga 18,38b; 19,4; 19,6c); vì vậy, ông có ý định thả Chúa Giêsu (Ga 18,39; 19, 12). Tuy nhiên lòng yêu chuộng công lý nơi ông không mạnh đủ để đương đầu với các yêu sách của đám đông chuyên môn nổi loạn này. Để thắng những do dự cuối cùng của ông, người Do thái dọa tố cáo ông tại Rôma nếu ông tha bổng một tên đã tự xưng là “vua dân Do thái” (Ga 19,12.15c). Bấy giờ Philatô “phó nộp Người cho họ đóng đinh” (Ga 19,6).
Hơn nữa, một khuôn mặt khác, được chính Chúa Giêsu nhắc đến, nổi lên trên hậu cảnh của bi kịch: “… vì thế, kẻ nộp tôi cho ông đã mắc tội nặng hơn” (Ga 19,11b); Người có ý nói đến Giuđa, kẻ nhân danh Satan mà hành động (Ga 13,2.27). Và đây mới chính là kẻ nộp người: Satan, nhờ trung gian của Giuđa, đã nộp Chúa Giêsu cho Philatô.
Một câu hỏi được đặt ra: suốt thảm kịch này, Thiên Chúa, vị Thẩm phán tối cao đã làm chi? phải chăng Ngài đã không có thể ngăn chặn việc xử tử bất công đó? Chắc chắn là không phải vậy, vì Chúa Giêsu xác quyết trước Philatô: “ông chẳng có quyền gì trên tôi nếu từ trên không ban xuống cho ông” (Ga 19,11). Vậy, nếu Thiên Chúa đã chẳng can thiệp, là vì chính Ngài cũng đã muốn “nộp” Con Một Ngài cho thần chết (Rm 8,6-32).
Nhưng hành vi Chúa Cha “nộp” Con mình mang một nghĩa khác hẳn với hành vi của Satan, Giuđa hay người Do thái. Khi “nộp” Con mình, Chúa Cha tôn trọng tình yêu của Chúa Giêsu: chịu đau khổ vì nhân loại, cũng như tôn trọng sự tự do của con người: Giuđa, Biệt phái và các nhân vật khác trong cuộc Khổ nạn; nghĩa là: Ngài cho phép Chúa Giêsu bị bắt bớ được diễn ra. Như thế, xét trong nghĩa này, Chúa Cha “nộp” Chúa Giêsu, thể hiện một tình yêu vĩ đại. Chúa Giêsu đã tự do và tự nguyện chấp nhận để Chúa Cha và loài người phó nộp: “không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta” (Ga 10,18). Về phía Chúa Giêsu, việc phó nộp Người là một việc tự phó nộp hoàn toàn thuận ý. Nhưng về phía con người, việc phó nộp Người là một sự phản bội. Không thể so sánh hai việc phó nộp này, vì chúng phát xuất từ những “căn do” khác nhau. Đối với Chúa Cha và Chúa Kitô, căn do này là tình yêu và vì thế các Ngài vô cùng đáng ca tụng. Đối với Giuđa, căn do này là lòng tham của; đối với người Do thái, là thói ghen tương; đối với Philatô, là nỗi sợ hoàng đế, và vì thế, họ đáng bị luận phạt.
2/. Vương quyền của Chúa Giêsu Kitô được tỏ lộ
Việc Chúa Giêsu hầu tòa Philatô hoàn toàn bị vấn đề vương quyền của Chúa Giêsu chi phối: câu hỏi đầu tiên Philatô đặt ra cho Chúa Giêsu là: “ông là vua dân Do thái sao?” (Ga 18,33). Chúa Giêsu đáp: “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?” (Ga 18,34); cách trả lời này cho thấy nguyên cớ của câu Philatô hỏi là những luận điệu tố cáo của người Do thái. Philalô không đời nào có ý tưởng bắt Chúa Giêsu và lên án Người chiếm đoạt vương quyền nếu người Do thái không tố cáo. Sở dĩ Philatô phó nộp Chúa Giêsu cho người Do thái, là vì người đã tự xưng là “Vua dân Do thái”.
Họ chế giễu vương quyền mạo nhận của Chúa Giêsu. Binh lính Rôma là những kẻ đầu tiên. Được Philatô ra lệnh, họ đã đánh đòn Người: “Đoạn lính tráng, lấy gai tết một triều thiên đặt trên đầu Người và khoác cho Người một áo choàng đỏ; rồi chúng tiến lại bên Người mà nói: Kính chào vua Do thái, và chúng tát vả Người” (Ga 19,2-3). Màu đỏ là màu của vua, và triều thiên chỉ đội trên đầu vua chúa. Vì Chúa Giêsu đã tự xưng là vua, nên người ta cải trang Người thành vua và nhạo báng Người.
Philatô cũng nhảy vào trò chơi và bổ túc cảnh chế giễu, nhưng ý ông là để nhạo báng người Do thái trong con người vị vua Giêsu. Ông truyền dẫn Chúa Giêsu “đến nơi gọi là Nền đá, tiếng Hipri là Gabbatha” (Ga 19,13). Philatô đặt Chúa Giêsu, mặc áo choàng đỏ và đội triều thiên gai, lên ngồi trên một chiếc ghế tượng trưng ngai tòa, và bảo người Do thái: “Đây là vua các ngươi” (Ga 19,14). Màn nhạo báng quả lên tới tột điểm.
Cuối cùng, sau khi đóng đinh, Philatô cho đặt một tấm biển trên đầu Chúa Giêsu, mang giòng chữ “Giêsu Nadarét, vua dân Do thái” (Ga 19,19). Vua đáng thương hại chừng nào! Là vật khinh khi và đồ phế bỏ của nhân loại, là con người đớn đau và khổ sở như kẻ mà ai thấy phải giấu mặt chẳng dám nhìn. Người đã bị khinh khi và không được đếm xỉa tới (Is 53,3).
Tuy nhiên, cảnh bên ngoài đó lại cho thấy: Chúa Giêsu vẫn chiếm hữu vương quốc của Người như Người quả quyết: “Vương quốc của Ta không thuộc về thế gian” (Ga 18,36). Thành ngữ này trước tiên có nghĩa là vương quyền của Chúa Kitô không thuộc về hạ giới; nó không đặt cơ sở trên sức mạnh hay bạo lực, không dựa trên một quyền lực trần thế nào, nhưng là “từ trên” xuống (Ga 19,11), từ Thiên Chúa mà thôi.
Thành ngữ này cũng có nghĩa là vương quốc của Chúa Kitô mang tính vĩnh cửu, không tồn tại nơi thế gian chóng qua này (1Ga 2,17). Thành ra để chiếm hữu vương quốc Người, Chúa Kitô cần phải từ giã thế gian hiện tại để đi vào cõi vĩnh hằng, phải “qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha” (Ga 13,1), và như thế phải được “giương cao khỏi đất” (Ga 12,32). Chính khi chịu đóng đinh, Chúa Kitô chiếm hữu vương quốc Người.
Thánh Gioan mặc nhiên nhấn mạnh điều đó. Trước hết ông ghi nhận: địa điểm mà Philatô đặt Chúa Giêsu ngồi trên tòa, mặc cẩm bào lố lăng, được gọi là “Gabbatha” (Ga 19,13), tiếng Hipri có nghĩa là “nơi cao”. Dưới con mắt của thánh Gioan, hành động của Philatô không còn là một sự nhạo báng, nhưng đã mặc lấy một giá trị biểu tượng: Chúa Giêsu sẽ là vua nhờ việc “được giương cao”; sự kiện Người ngồi ở một nơi cao trên tòa, ăn vận như vua, tiên trưng việc Người được giương cao và ngồi bên hữu Thiên Chúa (Tv 109,1).
Tiếp đến, tấm biển mà Philatô cho đặt trên đầu Chúa Giêsu chịu đóng đinh: “Giêsu Nadarét, vua dân Do thái” (Ga 19,19) cũng có ý nghĩa tương tự. Chỉ khi được “giương cao” trên thập giá, Chúa Giêsu mới thật sự khai mạc vương quốc của Người; Người kéo lên với Người cả nhân loại, trong lúc Satan bị hạ xuống và sự thống trị của nó trên loài người chấm dứt (Ga 12,31-32).
Đấy là huống cảnh nghịch thường được nhấn mạnh qua các chi tiết mô tả cảnh Chúa Kitô hầu tòa Philatô và chịu đóng đinh thập giá: chính lúc mọi sự đều xem ra không thể cứu vãn theo quan điểm loài người, chính lúc Chúa Giêsu phải hiện ra như một vì vua giả tạo, thì đó là lúc Người bắt đầu thống trị nhờ được “giương cao” trên thập giá.
Chúa Giêsu là vua, đó là điều chắc chắn. Chính để làm vua mà Người đã sinh ra và đã đến trong thế gian. Vương quyền của Người mang lại ý nghĩa cho tất cả cuộc đời Người, cho việc đội mão gai, cho cái chết và cho Giờ mà vì đó Người đã đến (Ga 12,17).
3/. Những ai thuộc về vương quyền Giêsu Kitô-vua?
Hôm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu xin: “Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con, thì Con muốn là Con ở đâu, thì chúng cũng ở đó với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thiên lập địa” (Ga 17,24). Khi qua khỏi thế gian này mà về cùng Cha, Chúa Giêsu như một Môisen mới, kéo theo trong một cuộc Xuất hành mới, tất cả những ai muốn tháp tùng Người (Ga 12,25; 13,1). Một khi “được giương cao khỏi đất”, Chúa Giêsu lôi kéo nhân loại lên với Người (Ga 12,32); Người tụ tập tất cả họ trong nhà Cha (Ga 14,2).
Chúa Kitô thực thi vương quyền qua lời ban sự sống: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha, và để nhờ quyền năng mà Cha đã ban cho Người trên mọi xác phàm, Người ban cho những kẻ Cha đã trao cho Người sự sống vĩnh cửu” (Ga 17,1-2). Qua chữ “xác phàm”, Chúa Giêsu muốn ám chỉ: loài người xét như là “tạo vật” và vì thế phải chịu hư nát trong mộ phần. Thiên Chúa ban họ cho Chúa Kitô, họ thuộc quyền Người, để Người thông ban cho họ sự sống vĩnh cửu, là cuộc chiến thắng trên sự chết, trong vinh quang cánh chung (Ga 17,24).
Thiên Chúa đã đặt mọi sự dưới quyền của Con Ngài để Con ban sự sống cho tất cả. Vương quyền của Chúa Kitô được thể hiện nhờ việc trao ban sự sống cánh chung cho loài người: “Cha yêu mến Con, và đã ban mọi sự trong tay Người. Kẻ nào tin Con sẽ được sự sống vĩnh cửu; còn kẻ từ chối tin Con thì sẽ không thấy sự sống” (Ga 3,35-36).
Phải chăng như vậy con người chỉ trở nên “thần dân” của Chúa Kitô-vua khi họ giã từ cuộc sống hạ giới, đi qua thế gian này để về với Cha? Không, giây phút này chỉ đánh dấu một sự hoàn thành, một sự viên mãn, chứ không phải là một khởi đầu.
Để có sự sống vĩnh cửu, thì ngay từ cuộc sống trần gian này, phải “nghe” tiếng Chúa Kitô, nghĩa là vâng phục Người: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống vĩnh cửu; chúng sẽ chẳng bao giờ bị diệt vong và không ai giữ chúng khỏi tay Ta được” (Ga 10,27-28); chỉ những ai “giữ” lời của Chúa Kitô mới không bao giờ thấy sự chết (Ga 8,51-52). Thành thử Chúa Kitô thi thố vương quyền trên những kẻ sống trong thế gian phù hợp với thánh ý Người, thánh ý được biểu lộ trong giới răn duy nhất: “Các ngươi hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các ngươi” (Ga 13,34-35).
Như vậy, chúng ta đã lãnh nhận, ngay từ đời này, một mầm sự sống thần linh: lời Thiên Chúa (Lc 8,11; 1Pr 1,22-23; 1Ga 3,9), nghĩa là chính Chúa Kitô – Ngôi Lời (Ga 1,12-13). Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu cho chúng ta trên trái đất, và việc chúng ta vượt qua thế gian mà về cùng Cha chỉ là sự “biểu lộ” những gì đang được dấu ẩn trong bí mật thánh thiêng này (1Ga 3,1-2).
Vâng! Vương quyền của Chúa Kitô được thi thố qua việc ban sự sống cho loài người, Chúa Kitô-vua ngay từ bây giờ ngự trị trên chúng ta, nhờ sự sống Người đã ban cho chúng ta. Vương quốc của Chúa Kitô không “thuộc thế gian này” (Ga 18,36), vì là một vương quốc cánh chung, nhưng mầm sống của nó đã được gieo trong tâm hồn chúng ta, chờ ngày chúng ta vượt qua thế gian này mà về cùng Cha trên trời.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
SỰ THẬT LÀ GÌ- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Khi tổ chức, hay tiến hành một chương trình, một lễ hội, một cuộc thi đấu…thì ai cũng hiểu rằng “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng cũng đã thấy cái bầu khí của “buổi ban đầu” thường khá long trọng và hoành tráng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng điểm kết thúc mới có tính quyết định. Vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, khi Giáo Hội suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, thì cũng một cách nào đó muốn nhắn nhủ với con người cách chung và với đoàn con Kitô hữu cách riêng về ý nghĩa đời người. Tính quyết định của hạnh phúc con người có mối liên hệ tất yếu với nội hàm chân lý: Chúa Kitô là Vua vũ trụ.
Khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, Philatô đã hỏi lại: “Sự thật là gì?” (x.Ga 18,37-38). Tin mừng không tường thuật câu trả lời của Chúa Giêsu mà ngưng ở đó để rồi kể tiếp chuyện Philatô lại ra gặp người Do Thái.
Sự thật là gì? Mặc dù có nhiều cái nhìn, nhiều quan niệm khác nhau về sự thật nhưng vẫn có nét tương đồng căn bản. Sự thật là sự tương hợp hay sự đồng nhất giữa nội dung với hình thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, chẳng hạn như chất lượng sản phẩm hàng hóa đúng với những gì ghi ngoài nhãn hiệu, bao bì…Trên bình diện hữu thể thì có người cho rằng sự thật là sự đồng nhất giữa thực tại với cái biểu hiện. Cũng có người quan niệm sự thật là sự duy nhất, bất biến và thường tồn của thực tại.
- Sự thật về Đức Kitô:
Theo viễn kiến này thì duy chỉ có Thiên Chúa là sự thật đúng nghĩa. Người không chỉ là “Đấng có sao, có vậy” (x.Xh 3,14) mà người còn là Đấng là An-Pha và Omêga nghĩa là có từ nguyên thủy và tồn tại đến vạn đại thiên thu (x.Kh 1,8). Chính Chúa Kitô đã từng khẳng định Người là sự thật (x.Ga 14,6). Người là Đấng có sao, có vậy, là nguyên thủy và là cùng đích (x.Ga 8,24; 27; 57). Như thế khi nói với Philatô rằng mình đến thế gian là để làm chứng cho sự thật thì Chúa Kitô muốn minh chứng và khẳng định rằng chính Người là căn nguyên và cùng đích của mọi hiện hữu.
Cũng như vạn vật, con người tôi bởi đâu mà ra và rồi sẽ đi về đâu, một câu hỏi đã trở thành vấn nạn khó giải cho nhiều học giả, nhiều triết gia…mọi thời, nay đã có câu trả lời. Các hiện hữu ở đời này, sự hiện hữu của tôi trong cõi đời này có nguồn gốc và đích đến là chính Chúa Kitô. Trong thân phận một công dân, thì “quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người” (Đỗ Trung Quân), thì cũng thế và hơn thế nữa, trong thân phận con người, tôi chỉ thực sự là tôi khi ở trong tương quan với Chúa Kitô. Đúng hơn, sự hiện hữu của tôi, sự sống còn của tôi, ý nghĩa cuộc đời của tôi lệ thuộc vào Đức Kitô. Đây chính là một nội hàm của chân lý Chúa Kitô là Vua vũ trụ mà Giáo Hội long trọng tuyên xưng vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Tuyên xưng Chúa Kitô là vua có nghĩa là tuyên xưng sự lệ thuộc, sự suy phục của mình vào Chúa Kitô. Vì tất cả mọi loài mọi vật “đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (Col 1,16).
- Sự thật về con người:
Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x.St 1,27), con người cũng là sự thật khi nên một với Chúa Kitô. Đấng là hình ảnh Thiên Chúa vô hình đã tự xưng là Con Người. Thánh Tông đồ dân ngoại đã mạnh mẽ khằng định chân lý này: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng duới đất hữu hình với vô hình” (Col 1,15). Vì là sự thật nên con người phải được yêu quý và tôn trọng cũng như bảo vệ. Dù là một bệnh nhân, dù là một người nghèo khổ, một người thấp cổ, bé phận, dù là một bào thai dị tật… tất thảy đều đáng phải được kính trọng, yêu mến và bảo vệ hơn tất cả những thể chế, luật lệ, nghi thức hay truyền thống… Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này khi nhấn mạnh: “Ngày Sabat có ra là vì con người, chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabat” (Mc 2,27).
Là loài thọ tạo có vẻ mỏng manh và đầy yếu đuối nhưng con người lại được Thiên Chúa đặt lên làm chủ tể mọi loài trên trời dưới đất (x.St 1,26). Con người là chi mà Chúa nhớ đến, loài người là gì mà Ngài phải bận tâm? (Tv 8,5). Tất cả chỉ vì Thiên Chúa đã đoái nhận loài người làm dưỡng tử trong Con Một dấu yêu của Người là Đức Giêsu Kitô (x.Eph 1,5). Mặc dù có điểm khởi đầu, có kinh qua cánh cửa sự chết, nhưng hiện hữu của con người là bất tận, vì “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,32).
- Sự thật về hạnh phúc:
Con người đã được dựng nên là tồn tại mãi mãi. Thế nhưng số phận đời đời của mỗi người là được hạnh phúc viên mãn hay phải trầm luân vĩnh viễn còn tùy thái độ sống của mỗi người khi còn tại thế. Con người chỉ có hạnh phúc đích thật khi là chính mình như thuở ban đầu cuộc sáng tạo đó là trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là chính mình khi nên một với Đức Kitô, làm môn đệ của Người. Và Chúa Kitô đã khẳng định khi chúng ta yêu mến nhau như Người đã yêu mến chúng ta thì chúng ta sẽ ở trong tình yêu của Người và đích thực là môn đệ của Người (x.Ga 13,35; 14,9-11).
Chính con tim, tấm lòng của chúng ta dành cho tha nhân, nhất là cho nhũng người bé mọn sẽ quyết định về số phận đời đời của chúng ta (x.Mt 25,31-46). Thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,7-8).
Năm Phụng Vụ sắp kết thúc nhắc nhủ cho chúng ta sự thật này: cái chung cục mới thật quan trọng. Đảm nhận chức vụ này hay ở địa vị kia, sống bậc sống này hay bậc sống nọ, tất thảy đều hướng đến mục đích cuối cùng là được cứu độ, được hạnh phúc viên mãn. Để có hạnh phúc thật, chắc chắn phải đón nhận Sự Thật là Đức Kitô, vì không một ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6). Và dưới gầm trời này chỉ có một Danh mang ơn cứu độ là Giêsu Kitô. Khi đã đón nhận sự thật là Chúa Kitô thì chúng ta cũng sẽ biết được sự thật về con người cũng như con đường để đạt được hạnh phúc muôn đời.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
ĐỨC GIÊSU LÀ VUA Ư?- Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
“Chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian: ấy là để làm chứng cho chân lý. Phàm ai thuộc về chân lý thì nghe được tiếng tôi” (Ga 18:37).
Không ít người khi mới tìm hiểu về Kitô giáo, hoặc có dịp đọc qua một vài trang sách Phúc Âm, đã vội đưa ra vài nhận xét về Đức Giêsu như sau: Ngài không phải là một chính trị gia xuất chúng và cũng chẳng phải là một thương gia đại tài. Bởi vì những lời Ngài nói, những điều Ngài hứa hẹn không giống với các chính khách hay các nhà buôn thời nay tí nào. Thay vì lôi kéo quần chúng bằng những lời mời gọi hấp dẫn, có tính chất quyến rũ thị hiếu của người ta, để họ sẵn sàng đi theo ủng hộ, thì Đức Giêsu lại nói, “Ai muốn theo Ta, hãy chối bỏ chính mình, hãy vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Đã vậy rồi khi có người đi theo, Ngài lại phán thêm những câu mà mới nghe qua đã muốn bất mãn. Chẳng hạn như, “Ai không từ bỏ cha mẹ, anh em, vợ con và ngay cả mạng sống mình thì không xứng đáng làm môn đệ của Ta” (Lc 14:26); hoặc “Ta không đến để đem bình an, nhưng là gươm giáo” (Mt 10:34).
Thật là khác lạ! Thay vì hứa hẹn một cuộc sống sung túc nhẹ nhàng thoải mái, êm ấm bình an, thay vì cứ hoá bánh ra thật nhiều và hoá thường xuyên để nuôi dân chúng, và như thế thì làm gì mà họ chẳng theo, thậm chí còn ủng hộ, bỏ phiếu bầu mình làm thủ lãnh, chứ đàng này Ngài lại dạy phải chịu đau khổ, phải từ bỏ chính mình, phải nhân nhượng kẻ thù, hay nói cách khác là phải chịu mất mát thiệt thòi. Thế thì làm sao mà lôi kéo dân chúng được!
Khi suy luận như thế, tất nhiên sẽ có không ít người tin tưởng mình sẽ nắm chắc phần thắng khi đánh cuộc nếu Đức Giêsu mà ra tranh cử, dù thời xưa hay thời nay, thế nào cũng bị loại ngay từ vòng đầu thôi. Nhất là khi họ thấy thân xác của Ngài bị đóng đinh thê thảm trên thập giá, kết thúc cuộc đời không một chút oai phong vinh quang, thì chẳng mấy ai dám khẳng định Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Vua dân Do thái, hay là Chúa của muôn dân. Có chăng chỉ là một sự nhạo báng!
Ấy thế mà kẻ bị đóng đinh ô nhục trên thập giá giữa những tên trộm cướp, người đã từng bị nhạo báng là vua, là Mêsia, lại thật sự là Đức Kitô, Vua của muôn muôn tỉ tâm hồn.
Sẽ có người ngạc nhiên nêu vấn đề: Tại sao nghịch lý thế? Do đâu mà một tử tội lại được người ta bước theo đông đảo như vậy? Phải chăng vì người đó chính là chân lý-phải chăng vì người đó đã đến để giải thoát nhân loại bằng chân lý, và nay lại dám hiến mình chịu chết cho chân lý?
Nhưng “chân lý là gì”? Câu hỏi không cần câu trả lời của Philatô lại là đề tài suy tư của nhiều thế hệ. Chân lý đó chính là Thiên Chúa yêu thương con người. Bất cứ ai tin nhận chân lý này sẽ tìm thấy cho mình một sức sống phong phú, một niềm vui linh thiêng tràn đầy, nhất là sẽ múc được hồng ân cứu thoát, dù rằng người đó có đang quằn quại trong nỗi đau của thân xác như người trộm lành bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu.
Trong nỗi đau đớn tột cùng trước những hình khổ do quân Roma bày ra, anh trộm lành đã nhận chân con người của Đức Giêsu. Anh Đã bênh vực cho Ngài khi lên tiếng: “Ông này đâu có làm điều gì sai trái” (Lc 23:41). Nói cách khác, anh đã thừa nhận Đức Giêsu đã làm điều đúng. Ngài chỉ làm theo sự thật, đã sống cho chân lý yêu thương con người, và nay ngài chết cũng vì chân lý yêu thương đó.
Từ chỗ tin nhận và bênh vực sự vô tội của Đức Kitô, anh trộm lành đã khám phá ra vương quyền và thiên tính của Ngài. Kết quả, anh đã lên tiếng khẩn cầu: “Khi nào về Nước, xin Ngài nhớ đến tôi” (Lc 23:42).
Lạ quá! Làm sao trước một thân xác rã rời với đinh sắt, máu me thế kia mà anh ta có thể cất lên được lời kêu nài như thế là lời thỉnh cầu trước một quốc vương? Làm sao trước hình hài của một kẻ đang chịu đau khổ chẳng thua kém gì anh ta thế kia mà anh lại đem lòng thần phục như đối với một vị vua uy quyền như vậy? Câu trả lời sẽ là: Chân Lý đã gặp gỡ anh và anh đã tin nhận Chân Lý. Đức Kitô gặp anh và anh đã tin phục Ngài. Chính sự tin phục cùng tin nhận này mà ơn cứu độ, phần thưởng của sự sống linh thiêng được trao ban cho anh ngay trong ngày đó.
Đã có rất nhiều người gặp Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả đều nhận ra Ngài là Chân Lý, là Vua của tâm hồn, là Chúa của yêu thương. Philatô đã gặp Đức Giêsu đấy chứ, nhưng lòng ham mê quyền hành đã che khuất chân lý; những người luật sĩ biệt phái đã thấy Đức Giêsu đấy chứ, nhưng những ghen tương đố kị, những mưu cầu ảnh hưởng cá nhân đã làm lu mờ khuôn mặt của chân lý; rất nhiều người trong đám đông dân chúng Do thái về dự lễ Vượt qua ngày xưa đã thấy Đức Giêsu đấy chứ, nhưng chỉ vì thích hùa theo tính bạo động của đám đông, bất chấp chuyện đúng sai, bất chấp kẻ vô tội là Giêsu hay là Baraba. Thế nên, cuối cùng Chân Lý đã bị họ đóng đinh.
Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội muốn đặc biệt nhắc nhở với mọi người tín hữu về gương mặt của Chúa Giêsu Vua, gương mặt của chân lý yêu thương con người-chân lý duy nhất mang lại hạnh phúc và niềm vui tâm hồn. Thử hỏi chân lý yêu thương đó có ngự trị tâm hồn của tôi chưa? Tôi đã dám bước trên những gì là quyền hành, dù đó là quyền hành của một người cha, người chồng, hay người chủ, tôi có dám vượt thoát những gì là ghen tương đố kị, lợi ích riêng tư, tôi có can đảm chế ngự những bạo động của dục tình hay nóng giận để làm cho hình ảnh của chân lý yêu thương là Vua Giêsu được bừng sáng hơn trong gia đình và cộng đoàn tôi không?
Xét lại chính mình nhân ngày cuối năm phụng vụ để xác định thái độ tin phục và suy tôn cần có đối với Vua Giêsu, hầu sự bình an và niềm hạnh phúc thiên đàng mà Ngài đã tặng ban cho người trộm lành xưa, cũng chiếm ngự tâm hồn, gia đình, và cộng đoàn chúng ta.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
VUA LÒNG TIN- Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Khi nói đến một vị vua chúa nào dù đã chết hay còn đang tại vị, chúng ta nghĩ ngay đến quyền lực, đến giầu sang, đền đài, nghi lễ sang trọng, đền đời sống vương giả… Chúng ta thường chỉ nghĩ đến như thế thôi. Vì đã được nghe qua, hoặc đọc trong sách báo hay xem truyền hình về đời sống của họ. Nào mấy người có được cơ hội trải qua cuộc sống thực sự trong cung điện vua chúa. Và đời sống của vua chúa thường đồng nghĩa với đời sống xa dân. Thần dân có bổn phận kính trọng và nghe lời họ. Họ có quyền hành gần như tuyệt đối cai trị người dân.
Hình ảnh này về vua chúa không những chỉ đúng cho ngày xưa – cách đây chừng trên dưới nữa thế kỷ thôi như Nhật Hoàng, Nga Hoàng, vua xứ Brunei, vua xứ Thái Lan, vua xứ Chùa Tháp Campuchia… – nhưng phần nào cũng còn đúng cho các vị vua chúa trong xã hội cộng hòa dân chủ ngày hôm nay.
Người công giáo tuyên xưng: Chúng tôi cũng có một Vua, nhưng Vua của chúng tôi là Vua-lòng-tin! Vậy Vua-lòng-tin của chúng ta thì thế nào? Chúng ta có thể biết được chút nào về đời sống Vua-lòng-tin không? Vua-lòng-tin của chúng ta sống gần con người hay cũng xa dân như các bậc vua chúa khác?
Chúng ta hát ca ngợi Vua-lòng-tin như thế này: “Ôi Giêsu, Chúa Giêsu là Vua. Chúa muôn thuở là Chúa. Nhưng lòng Chúa không bến bờ, tự hiến thân nơi bàn thờ!”
Như thế danh xưng Vua-lòng-tin của chúng ta là Giêsu. Vương quốc lâu đài của Vua-lòng-tin là tâm hồn con người. Vương quốc này không có biên giới bờ cõi và cũng không bị giới hạn vào một thời điểm nào. Nó trải rộng khắp nơi vào mọi thời gian. Nơi nào có người tuyên xưng niềm tin vào ngài là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian khỏi vòng tội lỗi, nơi đó là vương quốc của ngài.
Còn cách thế cai trị của Vua-lòng-tin không dựa trên sức mạnh quyền lực, nhưng lấy tình yêu làm nền tảng. Chính vị vua này từng khẳng định: Thầy truyền cho chúng con giới luật mới, là các con thương yêu nhau (Gioan 13,34).
Và ngày sau cùng khi mọi người ra trước Vua để trả lời về đời sống việc làm của mình, ông không căn cứ vào thành tích đã đạt được, nhưng căn cứ vào tình yêu mà phân xử: Khi các con cứu giúp một người bé nhỏ lâm cảnh khốn cùng, đói rách, chính là các con làm cho ta. (Mátthêu 25,31-46)
Vị Vua này tự nhận: “Ta là người mục đồng tốt lành” (Gioan 10,11). Lời xác quyết này muốn nói lên: “Tôi quan tâm đến đời sống tâm hồn con người. Nỗi băn khoăn lo âu đè nặng tâm hồn họ, là băn khoăn của tôi. Tôi muốn giúp họ thoát khỏi gánh nặng này.”
Hình ảnh vị Vua mục đồng này nói lên lối sống của ông với thần dân: sống gần dân, cho dân và vì dân, như người mục đồng luôn đi sát đoàn vật chăm sóc chúng.
Ngai vàng của Ông là thánh giá gỗ, nơi ngài bị đóng đinh xử tử. Vương miện của ngài là vòng gai người ta chụp lên đầu khi bị điệu ra pháp trường.
Vua-lòng-tin của người công giáo đã bị xử tử đóng đinh trên thập giá, bị chôn vùi sâu dưới lòng đất, nhưng ông đã được Thiên Chúa cho sống lại. Ông sống trong trong tâm hồn những người tin theo ông. Ông hiện diện nơi bàn thờ, khi những người tin theo Ông cử hành thánh lễ, cử hành các bí tích, khi họ họp nhau đọc kinh ca hát cầu nguyện nhân danh Ông.
Vua-lòng-tin của người tín hữu công giáo là Vua tình yêu.
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B
VUA SỰ THẬT- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Chúng ta mừng lễ Đức Giêsu làm vua. Đáng lẽ Tin mừng phải diễn tả quang cảnh tôn vinh Đức Giêsu như một ngày lễ phong vương long trọng theo phong cách lễ nghi tôn vương của các vua trần gian. Nhưng Tin mừng chỉ kể lại phiên tòa xét xử Đức Giêsu. Trên ngai, chánh án toàn quyền Philatô; dưới quảng trường nguyên cáo là các thượng tế và dân chúng; đứng trước vành móng ngựa, bị cáo là Đức Giêsu đầu đội triều thiên gai, hai tay bị trói.
Chánh án hỏi: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Bị cáo hỏi lại Chánh án: “Ông tự ý nói điều ấy hay có ai khác nói với ông về tôi?”. Chánh án đáp: “Tôi đâu có phải là người Do thái, dân ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi”.
Toàn quyền Philatô đại diện hoàng đế La mã, cai trị nước Do thái. Thời đó, đế quốc La mã thống trị 8 nước Âu châu (Ý, Pháp, Anh, Đức, Áo, Nam Tư, Romani, Hy Lạp) 5 nước Á châu (Thổ Nhĩ Kỳ, Syrie, Lyban, Palestine, Do thái) và 5 nước Phi châu (Ai cập, Lybie, Tunisi, Algêrie, Marốc). Chánh án Philatô hỏi bị cáo Giêsu, Đức Giêsu không trả lời, nhưng hỏi lại Philatô và Philatô đã phải trả lời: “Tôi đâu có phải là người Do thái, dân ông và các trưởng tế đã nộp ông cho tôi”.
Câu trả lời của Philatô đã cho thấy ông thú nhận ba điều:
Thứ nhất: Philatô là chánh án xét xử Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu không bị dồn vào thế bị động, không bị xét xử, Người đã chủ động, đứng ra xét xử Philatô. Rõ ràng Philatô đã phải thú nhận mình không biết gì về Đức Giêsu, ông chỉ nghe dân chúng và các thượng tế tố cáo Đức Giêsu nổi loạn làm vua. Toàn quyền Philatô là chánh án không biết bị cáo có tội gì, không biết sự thật mà dám xét xử thì làm sao có công lý.
Thứ hai: Toàn quyền Philatô nắm giữ quân đội La mã hùng mạnh để giữ gìn an ninh trật tự, để chiến đấu dẹp những kẻ nổi loạn chống lại hoàng đế; thế mà ông không hề phải dùng quân lính dẹp loạn, quân ông không phải chiến đấu với Đức Giêsu. Như vậy, Đức Giêsu có nổi loạn đâu! Sao ông dám kết án Đức Giêsu nổi dậy làm vua? Ông đã xét xử mù quáng.
Thứ ba: Philatô thay mặt hoàng đế cai trị dân Do thái, như vậy, ông cũng là vua nước nhỏ, vua dân Do thái. Vua phải biết thương dân. Ông chưa biết người dân có tội, đã bắt trói, cầm tù, đánh đập, đội mạo gai, ông thật là thứ vua tàn ác, dã man. Quả thực, mấy năm trước đó, Philatô đã đóng đinh hàng ngàn người thuộc phái Nhiệt thành cuồng tín (Zelotes) nổi loạn (Lc. 13, 1-3).
Sau khi Philatô thú nhận tội lỗi của mình, Đức Giêsu mới tuyên bố: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước Tôi thuộc về thế gian này, thì người của Tôi đã chiến đấu không để Tôi bị nộp cho người Do thái”.
Trước hết, Đức Giêsu đã phân biệt nước Người không thuộc về thế gian này. Nước thế gian như đế quốc La mã, vua có binh hùng tướng mạnh, đi xâm lăng thống trị các dân tộc yếu hơn, bắt họ làm nô lệ cho đế quốc. Vua tha hồ bóc lột đàn áp để giết người cướp của. Vua độc tài, độc tôn muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết, muốn phong ai thì phong, dù là kẻ bất tài, thất đức.
Thứ đến, nước Đức Giêsu cũng không phải nước dân Do thái mong đợi. Nước Do thái mong ước là nước con vua Đa vít: bách chiến bách thắng để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, và còn thống trị muôn dân nữa. Vua Cứu thế sẽ khôn ngoan hơn Salomon để các vua chúa vương hầu khắp thiên hạ phải tôn vinh Ngài và “đổ về thủ đô Giêrusalem, nguồn phong phú biển cả, và của cải muôn dân đến cho ngươi. Lạc đà đàn đàn che rợp đất, tải vàng với hương trầm, hết thảy kéo lại cho ngươi” (Is. 60, 5-6). “Ngươi sẽ được gọi là Cố vấn kỳ diệu, thần Anh dũng, Cha muôn thuở, Vua thái bình, quyền bính vô tận trên ngai Đa vít” (Is. 9, 5-6).
Sau cùng, nước Đức Giêsu là nước không thuộc về thế gian này, không có quân tướng, vũ khí nên Người sẵn sàng nộp mình cho người Do thái. Nước Người là nước huyền nhiệm, nước trời muôn thuở, vô biên, không có lãnh thổ, không thuộc trần gian, nhưng có từ nguyên thủy đến tận cùng thế giới (Alpha và Ômêga), nước thuộc về Đấng đã có, đang có và sẽ đến.
Tiếp đến, Đức Giêsu nói: “Tôi sinh ra, đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật đều nghe tiếng Tôi”. Sự thật đó là gì? Sự thật đó là đường cứu độ đưa con người đến sự sống muôn đời. “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Nước Đức Giêsu khác hẳn nước thế gian. Nước thế gian chỉ đưa đến nô lệ, bất công, chiến tranh và chết chóc.
Đức Giêsu đã kêu gọi Philatô nghe tiếng Người đứng về phía sự thật. Nhưng bị đắm chìm trong quyền bính, danh vọng, Philatô đã đứng về phía gian ác của phường bất chính đổ vạ cáo gian nên đã trao Người cho lý hình đóng đinh và đâm thâu vào Thánh Tâm Người (Ga. 19, 34). Thánh Tâm đầy lòng thương xót đã rộng lòng khoan dung tha thứ:
“Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết”. Nhận ra vua sự thật, vua tình thương, anh trộm lành đã nói: “Ông này có làm điều gì sai trái đâu!”. Và anh đã cầu nguyện với Người: “Lạy Đức Giêsu, khi nào vào nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Anh chỉ dám xin nhớ, không dám xin cứu, không dám xin được vào nước Người vì anh thấy mình quá bất xứng, quá tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu thấy lòng thông cảm khiêm tốn của anh, Người đã dịu dàng nói với anh: “Tôi nói thật, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên nước thiên đàng” (Lc. 23, 41-42).
Nhận ra vua sự thật, vua tình thương, viên đại đội trưởng đã tuyên xưng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính”. Và tất cả đám người đã tụ tập đông đảo xem thấy cảnh tượng ấy, đều đấm ngực trở về nhà (Lc. 23, 47-48).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận biết Chúa là vua sự thật để chỉ đường chân thật cho chúng con đi, là vua nhân ái, đến hy sinh hiến mạng sống cho chúng con được sống muôn đời.
#cacbaisuyniemloichuachuanhat #suyniemloichuachuanhatxxxivthuongnienb #suyniemloichualeducgiesukitovuavutru