CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
CON NGƯỜI ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐƯỢC PHỤC VỤ, NHƯNG ĐỂ PHỤC VỤ – Chú giải của Fiches Dominicales. 15
TÔI TỚ CỦA MỌI NGƯỜI (*)- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm.. 22
PHỤC VỤ- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 38
AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (*) – Suy niệm và chú giải của Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt 57
ƯỚC MƠ THIÊN ĐÀNG HAY CHIÊM NGẮM ĐỨC KI-TÔ THẬP GIÁ– Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB.. 60
LÀM ĐẦY TỚ- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa.. 64
PHỤC VỤ LÀM NÊN QUYỀN BÍNH Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng 69
Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐAU KHỔ- Lm. Hồng Phúc.. 75
PHỤC VỤ VÀ HẠNH PHÚC- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm.. 78
CON DƯỜNG VƯƠNG GIẢ- Lm. Giuse Lê Quốc Hưng.. 82
HY TẾ- Lm. Giuse Trần Việt Hùng.. 88
AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT- Lm Giuse. Vũ Tiến Tặng.. 94
HẦU HẠ VÀ HIẾN MẠNG SỐNG- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 98
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22
Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).
Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.
Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
Xướng: Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16
“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 35-45 (bài dài)
“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc bài vắn này: Mc 10, 42-45
“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Ðó là lời Chúa.
KHIÊM TỐN PHỤC VỤ (*)- Chú giải của Noel Quession
Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”
Đây là hai chàng thanh niên con trai của ông Dêbêđê, làm nghề chài lưới, ở Bết-sai-đa một cảng nhỏ trên bờ hồ Ti-bê-ri-át. Mẹ của họ có lẽ là bà Xalômê, chị em với Đức Maria mẹ Đức Giêsu (Mc 15,10 – 16,l). Theo tục lệ tự nhiên trong nhiều nền văn minh phương Đông, họ cho là tự nhiên khi sử dụng các quyền của người trong dòng họ: Vì là anh em bà con với Đức Giêsu, họ đến xin người bà con cho “dòng họ” được tham dự vào sự thành công của một thành viên trong gia tộc.
Vả lại Đức Giêsu đã chẳng nói như thế sao: “Các ngươi hãy xin, thì sẽ nhận được”. Vậy họ đưa ra một lời xin: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn Thầy ban cho điều mà chúng tôi xin”. Đây là một dịp mà chúng ta cần phải nắm vững, vì đôi khi chúng ta cũng ngạc nhiên về một số lời cầu xin của mình không được chấp nhận, ‘như’ chúng ta mong muốn.
Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”
Lời cầu xin của họ quá mơ hồ. Đức Giêsu bảo họ hãy nói rõ lời yêu cầu đó.
Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy.
Lần thứ ba, Đức Giêsu vừa loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Người (Mc 10,32-34) “Nào chúng ta lên Giê-ru-sa-lem; Con Người sẽ bị giao nộp cho các Thượng tế. Họ sẽ lên án tử hình Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người”. Vào lúc Đức Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: Họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ (và đối với chúng ta?), đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự. Vậy tại sao lại không lợi dụng người anh em bà con để được thăng tiến, được hưởng đặc quyền, được tiến cử? Chúng ta chớ nên xét đoán các ông một cách khắt khe.
Chính chúng ta đã không làm như thế, khi chúng ta có dịp hay sao? Đó là chuyện thường tình của con người! Khi chúng ta quen lớn, thì tự nhiên chúng ta không muốn nhờ vả để trục lợi sao? Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn: Đời sống Kitô hữu của chúng ta có phải là một cuộc sống phụng sự Thiên Chúa hay không? Hay đó là một cuộc sống mà chúng ta chỉ muốn Thiên Chúa phục vụ chúng ta? Việc hành đạo của chúng ta có phải là một sự thờ phượng, ca ngợi và vâng phục hướng về Thiên Chúa không? Hay đó chỉ là một thứ “bảo hiểm cho đời sau”? Lạy Thầy, xin dành cho con một chỗ phụ chắc chắn ở trên trời.
“Các anh không biết các anh xin gì!”
Thực vậy, họ đâu có biết “ai” sẽ ở “bên phải và bên trái” của Đức Giêsu, khi Người ở trong “vinh quang” của Người trên thập giá? Họ đang xin mà không biết chỗ của hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Người trên đời. Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi, Đức Giêsu đang cố chuyển biến tư tưởng của họ từ “vinh quang của Đấng Mêsisa” sang “con đường dẫn đến vinh quang” đó. Chúng ta cũng vậy thường chúng ta không biết điều mà chúng ta xin: Đó là lý do tại sao những lời cầu xin của chúng ta không được chấp nhận.
Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa dời chúng ta đi, cho Người sửa đổi lời xin của chúng ta. Thiên Chúa nói: “Các con không biết các con xin những gì, các con hãy tin Ta hơn”. “Sự vinh quang” mà các ông xin, hỡi Giacôbê và Gioan, các ông sẽ nhận được vào một ngày nào đó! ước mộng tuổi trẻ của các ông sẽ được thực hiện trong tuổi chín muồi của các ông.
Thực vậy, Giacôbê sẽ là vị tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrông, bị khổ sai tại đảo Patmos (Kh 1,9).
Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Đức Giêsu dùng hai hình ảnh cổ truyền của Kinh Thánh để giúp họ sửa đổi lời yêu cầu và ý muốn của họ: Đó là chén đắng và phép rửa. “Chén” trong Kinh Thánh là “chén đắng”, thức uống ghê tởm, khó nuốt. “Chúa cầm chén trong tay”. Người rót một thứ rượu thuốc đã lên men: Họ sẽ uống rượu này, họ nốc đến cạn (Tv 75,9). ‘Phép rửa’ có một ý nghĩa tương tự: Đó là hình ảnh sự nhào nặn, chìm nghỉm; “Hết thảy nước đó sóng tràn ngập lút trên tôi” (Tv 42,9). Đức Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Người. Và Người hỏi hai môn đệ: “Các con có thể uống được chén đắng của sự thương khó Thầy không? Và chịu dìm vào phép rửa bằng máu của Thầy không? Như Thầy và cùng với Thầy, các con có chấp nhận vùi sâu dưới dòng nước chết đuối bi thảm này nghĩa là chia sẻ cái chết của Thầy không?
Các ông đáp: “Thưa được”
Họ tỏ ra quảng đại trong sự hăng say của tuổi trẻ.
Họ sẵn sàng trả giá bằng chính bản thân của mình, để ‘uống’ chén đắng và bị dìm sâu trong phép rửa. Chúng ta đừng quên rằng khi Máccô viết Tin Mừng của ông, thì đã có 2 bí tích đang được các Kitô hữu thể nghiệm, như chúng ta ngày nay. Chúng ta gán cho Phép rửa tội và Thánh Thể mà ta lãnh nhận ý nghĩa nào? “chén mà chúng ta hiệp thông có thông hiệp với sự hy sinh của Đấng đã hiến ban mạng sống của Người không? Đức tin ngày chịu phép rửa có làm cho chúng ta “Theo Đức Giêsu không? và theo tới đâu?
Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.
Khi Máccô ghi lại lời tiên tri này của Đức Giêsu, thì nó đã được thực hiện một phần rồi. Vào năm 44, Giacôbê đã tử đạo. Vào thời đó Vua Hêrôđê đã bách hại một số thành viên của Giáo Hội. ông ấy đã cho chém đầu Giacôbê, người “anh em” của Gioan. Và khi nhận thấy người Do Thái hài lòng về việc làm đó, ông lại cho tiến hành cuộc bắt giữ khác (Cv 12,2-3). Kitô hữu là theo Đức Giêsu!
Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.
Một lần nữa Đức Giêsu nói lên những lời khiêm nhường lạ lùng, trước Cha của Người: Người nói Người “không có quyền”. Người tỏ ra vâng phục. Qua lời này Người mời gọi chúng ta đến lượt mình, cũng để Thiên Chúa tùy nghi định đoạt về chúng ta. “Vinh quang” đó, Giacôbê và Gioan sẽ nhận được, nhưng không phải là thứ vinh quang mà hai ông ước vọng: Đó sẽ là vinh quang của Đức Giêsu cho. Do đó Chúa đã chấp nhận lời cầu xin của hai ông. Còn chúng ta thì sao? Khi lời cầu nguyện của chúng ta xem ra không được chấp nhận, chúng ta có luôn phó thác nơi Chúa, để Chúa chấp nhận, lời xin đó theo ý của Người hay không? Chính Đức Giêsu cũng đưa dẫn các bạn hữu của Người tới mầu nhiệm không thể dò thấu được của ý định Thiên Chúa.
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan
Các ông bực mình vì các ông cũng có tham vọng như thế!
Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân
Một lần Đức Giêsu nói về “chính trị” thì Người lại mô tả quá mạnh và khá mù tối. Ta không thể nói, Đức Giêsu muốn thiết lập một thế giới không có hệ thống hành chánh hay san bằng cấp bậc.
Nhưng, một lần nữa như đối với cách sử dụng (tiền bạc hay vấn đề tính dục), Người bác bỏ những lạm dụng: Quyền thế không được áp dụng như một cách để thống trị và hà hiếp, hay như một “tương quan lực lượng” mạnh được yếu thua. Đức Giêsu nói: “Không được như vậy”.
Nhưng giữa anh em thì không được như vậy
Đức Giêsu dứt khoát loại bỏ trong Giáo Hội, trong cộng đoàn Kitô hữu, kiểu quyền bính vẫn được thực thi trên thế giới.
Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.
Đây không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là “hiến chương” của Giáo Hội, của cộng đoàn các môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ của mọi người.
Hình ảnh mà Đức Giêsu đưa ra ở đây lại càng rõ nét. Ý mà chủ “đầy tớ” không nói ra ở đây, thì từ “nô lệ” lại nói lên một cách mạnh mẽ, bằng cách thêm ý “tùy thuộc” vào người mà ta phục vụ. Trong Giáo Hội, phải triệt để từ bỏ nguyên tắc thăng thưởng, quân hàm, công nghiệp, tước vị huy chương và chỗ danh dự. Chỉ có một nguyên tắc mà thôi: Đó là sự phục vụ, khiêm tốn. Cần nói về những vị có một vai trò đặc biệt, ta sẽ dùng kiểu nói “thừa tác viên” chữ này trong tiếng La tinh có nghĩa là “đầy tớ”. Không có lãnh tụ theo nghĩa thế gian trong Giáo Hội. Chỉ có những “thừa tác viên”, những “người phục vụ”.
Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Lý do căn bản của “hiến chương” nguyên thủy này của Giáo Hội, là Giáo Hội đương nhiên phải bắt chước Đức Giêsu. Cần lưu ý về ý nghĩa tích cực mà Đức Giêsu đã gán cho cái chết của Người. Trong ý thức của Người, Người không nghĩ về cái chết này một cách đau khổ; con đường thập giá đối với Người không phải là “chịu đau khổ” mà là “phục vụ”. Mặc dù Người có quyền hạn đầy đủ vì là con Thiên Chúa, thế mà Đức Giêsu đã không hành xử như một vị thống trị, nhưng như “một người đầy tớ”. Người đã không đóng vai “lãnh chúa” mà là “gia nhân” (Ga 13,13) bằng cách hầu bàn chiều Thứ Năm Thánh. Các bác cha mẹ Kitô hữu cũng phải hành xử như thế, đối với những kẻ dưới quyền của mình. Các người có trách nhiệm cũng phải hành xử như thế, đối với thuộc cấp của mình. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu một cách nghiêm chỉnh không? Chúng ta chớ nên xét lương tâm kẻ khác. Tôi đang có khuynh hướng “thống trị” ai? Tôi phải “thương yêu” ai? Tôi phải “phục vụ”ai?
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
CON NGƯỜI ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐƯỢC PHỤC VỤ, NHƯNG ĐỂ PHỤC VỤ – Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1/.Sau khi loan báo cuộc thụ khổ lần thứ ba
Trên đường lên Giêrusalem, lúc này đã gần tới nơi, bầu không khí càng lúc càng thêm bi thảm. “Người dẫn đầu các ông”, những người đi theo “kinh hoàng” và “sợ hãi”, tiến trên đường dẫn đến cái chết.
Đây là lần thứ ba Chúa loan báo cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Loan báo mà Đức Giêsu gởi tới nhóm Mười Hai, là tế bào đầu tiên và cũng là những người phụ trách cộng đoàn môn đệ của Người. Một lời loan báo rõ rệt hơn hai lần trước (8, 31-33 và 9,32-33), vì đã phác họa trước những gì sẽ xảy ra bị nhà cầm quyền Do thái kết án (xem 14,64), trao nộp cho quan Philatô, kẻ “ngoại giáo” (xem 1 5,1), bị phỉ báng và chịu cực hình: “chúng sẽ nhạo báng người” (xem 15,30-31) “chúng sẽ khạc nhổ vào Người” (xem 14,65 và 15,9), “chúng sẽ đánh đòn Người” (15, 15) “chúng sẽ giết Người” (xem 15, 37) “và ba ngày sau sẽ sống lại”. Cũng như các lần loan báo trước, lần loan báo thứ ba này gây ra những phản ứng; chứng tỏ các môn đệ không hiểu, nên Đức Giêsu phải giải thích cho họ.
2/.Thái độ không hiểu tái diễn nơi các môn đệ
Rõ ràng lời xin của Giacôbê và Gioan chẳng thích đáng chút nào trong bối cảnh đó (Đức Giêsu vừa mới loan báo về cuộc khổ nạn của Người). Hai ông đã từng là những người được gọi ngay thời kỳ đầu sứ vụ rao giảng (1,19-20), lúc Chúa hồi sinh con gái ông Giairô, hai ông đã có thể xác minh quyền năng của Người trên sự chết (5,37); hai ông đã cùng với Phêrô là những người duy nhất được chứng kiến Chúa hiển dung trên núi (9,28); và sau này cũng cùng với Phêrô chứng kiến Chúa hấp hối trong vườn Ghêtsêmani (14,33).
Khi Đức Giêsu vừa mới loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba, thì hai ông nóng lòng muốn bảo đảm chiếm cho được chỗ tốt, được một tương lai sáng lạn trong vương quốc. Các ông tiến lại thưa Chúa: “Xin cho hai anh em chúng con được ngồi một người bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Số phận mỉa mai thật! khi sau này Chúa hấp hối trên thập giá, hai người được đặt ở bên tả bên hữu Chúa là hai người trộm cướp (15,37) đang cùng chia sẻ cực hình với Người!
– Đức Giêsu cố gắng tỏ cho hai ông biết: đặc ân họ xin là quá lớn và họ thật quả vô tâm, nhưng vô ích. “Các anh không biết các anh xin gì”. Rồi dùng hình ảnh mạnh mẽ, như ‘chén phải uống’; “phép rửa phải chịu” để cho các ông thấy trước những gì sắp xảy ra: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa thầy sắp chịu không?”.
+ Trong Cựu ước, “Chén” đôi khi người ta nói chén chúc tụng, nhưng thường là nói về chén đắng để diễn tả những đau đớn trước lúc chết. Lúc hấp hối, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha cất chén đắng cho Người, nhưng cũng nói tiếp: “Nhưng đừng theo ý con, chỉ xin theo ý Cha mà thôi” (14,36).
+ Trong “Bí tích rửa tội”, toàn thân được dìm xuống nước, tượng trưng cho việc “chìm đắm” trong cái chết trước khi chỗi dậy trong đời sống mới. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu sẽ trải qua một phép rửa thật sự, Người sẽ bị dìm xuống làn nước chết, và chỗi dậy vào ngày thứ ba.
Xin được vinh dự bên cạnh Chúa trong Nước Người, tức là thuận theo cùng một con đường Người đã đi.
Hai môn đệ có dám theo Chúa tới đó không? “Thưa được” ông đáp không hề do dự, không đếm xỉa gì đến những điều Chúa đã cảnh báo.
Mười ông kia đã nghe rõ câu chuyện. Nếu họ “tức tối” thì hẳn không phải vì chê trách mưu đồ của Giacôbê và Gioan, mà vì sợ hai anh em ông này dành được chỗ nhất.
3/.Giáo huấn mới của Đức Giêsu: Sự đảo ngịch của Tin Mừng.
Đức Giêsu qui tụ nhóm Mười Hai lại và long trọng giảng giải cho các tông đồ về sự đảo nghịch của Phúc âm.
Khi nói với các tông đồ, cũng như với những người chịu trách nhiệm về các cộng đoàn Kitô hữu có mặt lúc đó hay trong tương lai, Đức Giêsu nêu lên một luật đối trọng với cách thế mà xã hội dân sự chủ trương về quyền hành: “Những người được là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người lớn thì lấy quyền mà cai trị dân”. Điều luật này chống lại lòng ham muốn thống trị và lòng khao khát quyền lực ta mang trong mình, như Giacôbê và Gioan và mười tông đồ còn lại. Điều luật này không chỉ là một điều luật bình thường, mà Đức Giêsu coi nó hiến chế cho các cộng đồng môn đệ Người: mỗi người là đầy tớ người (J. Delorme).
Đây là một đảo lộn tận gốc, một lý thuyết cách mạng bắt đầu cho một mối tương quan mới giữa người với người: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em (người phục vụ, tiếng hy lạp là diakonos, còn có nghĩa là thầy phó tế).
Lý do và gương mẫu cho nguyên lý cách mạng này chính là cách đối xử của Đức Giêsu, Người kết luận: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Câu này nhắc lại lời ngôn sứ nói về Người Tôi Tớ đau khổ (Bài đọc l), nhờ lời này soi sáng, Đức Giêsu nhận biết số phận của Đấng Mêsia-tôi tớ; Lời đó còn nói lên ý nghĩa sự sống và cái chết của Người và loan báo lời mà Chúa sẽ tuyên bố về “chén” vào thứ năm, trước khi Người bị bắt: “Này là máu Thầy, máu Giao ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. Để có thể sống như một Kitô hữu chân chính, cộng đoàn môn đệ hôm nay, hôm qua cũng như ngày mai, cần phải xét xem lối hoạt động của mình có hợp với ý và gương mẫu của Đấng Sáng lập, Đấng đã đưa tinh thần phục vụ đến tột đỉnh không.
BÀI ĐỌC THÊM.
1/.Vinh quang đầy mâu thuẫn của Con Người
Cuộc chuyện trò cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ (10,38-43) là cuộc thảo luận lần nữa về ngôi thứ trong cộng đoàn, như vậy, nó nối kết với ý tưởng của phần đầu chương này. Lời xin của hai anh em Giacôbê và Gioan đưa đến cuộc chuyện trò này, đồng thời cũng biểu lộ ước muốn chỗ cao nhất: ngồi bên tả bên hữu Chúa trong vinh quang.
Diễn tiến của ước muốn này mang dấu ấn của Máccô. Trước hết, khi hai tông đồ vừa tỏ lộ ước muốn của mình, Đức Giêsu hỏi ngay: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”. Đức Giêsu thăm dò, tìm hiểu hết mọi khát vọng của ta, đôi khi những ước muốn mà chính ta cũng không hiểu rõ (“Các anh không biết các anh xin gì”). Con đường mà ước muốn phải đi qua để tới đích không gì khác hơn là thập giá, ở đây được diễn tả bằng hai hình ảnh: chén và phép rửa. Cách nói lặp lại nhiều lần (ở đây lặp lại bốn lần) là đặc điểm của Máccô. Đối với ông, điều không thể tránh được trong cuộc sống Kitô hữu chính là thập giá. Còn vinh quang là một ơn hoàn toàn nhưng không, ta không thể biết trước, chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi. “Cho những lời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị”. Đối với những người xin nhiều, xin cả đến vinh quang Thiên Chúa, thì Máccô đề nghị họ sống theo tấm gương của Con Người, một tấm gương đi ngược lại cách sống của người đời: đến để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người (10,45).
Sống theo gương Đức Giêsu là đề tài rất phổ biến, nhất là khi cuốn sách “Gương Chúa Giêsu” xuất bản ở thời Trung cổ, trở thành nền tảng cho toàn bộ “luân lý” và chính thánh sử Maccô đãtrình bày cho chúng ta điều đó. Ngài đã nói lên mối hệ gần gũi giữa đời sống của Đức Giêsu (nhất là cuộc khổ của Người) và đời sống của người Kitô hữu. Mối quan hệ gần gũi đó luôn là ví dụ điển hình cho mọi nỗ lực tìm hiểu cuộc sống người Kitô hữu. Máccô mời gọi ta suy nghĩ lại những thói quen giữ đạo: những hoạt động, bi kịch, và khát vọng của ta dưới ánh sáng của tấn thảm kịch duy nhất của Đức Giêsu: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (9,31).
2/.Đối với Đức Giêsu, chức quyền là để phục vụ
Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải một địa vị thống trị, hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn. Trong Hội Thánh nói riêng, người cầm quyền là những thừa tác viên trong tiếng Latinh từ này có nghĩa là “đầy tớ” – Bản Hy lạp của Tin Mừng Máccô dùng hai từ diakonos = đầy tớ và doulos = nô lệ. Điều đáng buồn là ngày nay đôi khi còn có những người tranh giành quyền lực trong Hội Thánh. Đức Giáo Hoàng cũng tự xưng mình là “Tôi tớ các tôi tớ” của Thiên Chúa.
Thật vậy, cần phải đạt tới cách sống như thế. Người lãnh đạo giỏi là người biết làm cho người dưới cùng chịu trách nhiệm. Giáo sư giỏi là người biết khơi dậy sáng kiến của môn sinh. Chủ doanh nghiệp giỏi là người biết hỏi ý kiến của công nhân và cán bộ của mình. Cha mẹ tốt là người biết nghệ thuật làm triển nở con cái một cách tích cực. Những giáo xứ mạnh là nơi mà các tín hữu biết tham gia cộng tác với mọi tầng lớp và trong mọi việc.
Có lẽ người ta đã quên rằng từ “quyền thế”‘ trong tiếng Latinh: ‘auctoritas’ bởi gốc “augere” = làm cho lớn lên, thêm lên. Đối với Đức Giêsu, chính là như vậy: quyền hành là sự phục vụ trong một nhóm, nhằm giúp các thành viên lớn lên, dám tự mình chịu trách nhiệm. Người lãnh đạo chân chính là người biết nghe, hiểu, đánh giá, tôn trọng người khác, chứ không phải là người thống trị, hạ nhục, lợi dụng người khác, và để người khác thụ động vô trách nhiệm.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
TÔI TỚ CỦA MỌI NGƯỜI (*)- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Theo tâm lý chung của loài người, ai cũng muốn được giầu sang phú quí, muốn có địa vị cao, thích ăn trên ngồi trước, muốn được người ta hầu hạ… Nhưng những tiêu chuẩn đó không nhất thiết là của Chúa. Tham vọng lo liệu của những con trai ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã là dịp để Đức Giêsu nói rõ: sự cao trong đích thực ở tại cái gì?
Đức Giêsu không đáp ứng lời cầu xin của hai anh em Giacôbê và Gioan vì nó không thích hợp với đường lối của Ngài. Nhân dịp này Ngài dạy cho các ông là môn đệ đặc biệt của Ngài, và cũng là cho chúng ta một bài học: Sự cao trọng không cốt ở danh dự, giầu có, chức quyền danh vọng hay sức mạnh… nhưng ở tại sự phục vụ tha nhân. Chính vì vậy, Ngài mới nói:Ai muốn làm lớn phải làm tôi tớ mọi người”. Lời giáo huấn này đi ngược lại với lối hành xử của người đời, buộc chúng ta phải động não!
Đức Giêsu là vị Thượng Tế có thế giá, luôn chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Ngài cũng đã trải qua những đau khổ trong đời sống trần thế, đồng thời cũng hé mở cho chúng ta thấy được vinh quang của Ngài sau này khi đã sống lại. Mọi Kitô hữu đều có chức năng tư tế phổ quát, nên cũng phải sống và làm chứng bằng đời sống phục vụ. Và nếu cần, họ cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống để chứng tỏ sự trung thực của đời sống phục vụ của mình. Yêu thương là phục vụ, càng phục vụ, tình yêu càng dồi dào thắm thiết.
II/.TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 53,10-11
Hai câu trong bài đọc 1 là một trích đoạn của Bài Ca thứ tư về Người Tôi Trung của Isaia. Cho mãi đến thời Giêrêmia, tư tưởng tôn giáo Do thái mới nhận biết một mối liên hệ giữa việc đền tội với những đau khổ của người công chính bị bách hại. Người công chính đây là Người Tôi Trung hiến mạng sống của mình để chuộc tội cho dân Người. Cái chết của Người sẽ là khởi điểm của vinh quang Người và là suối nguồn của mọi ơn phúc cho những người khác.
Khi suy tư về những đoạn văn như đoạn văn này, các Kitô hữu tiên khởi đã đi đến một sự hiểu biết về những đau khổ và cái chết của Đức Giêsu.
+ Bài đọc 2: Dt 4,14-16
Đức Giêsu là vị Linh mục Thượng phẩm tuyệt hảo của chúng ta. Thánh Phaolô kêu mời chúng ta hãy vững tâm đến với Ngài để được tiến đến cùng Chúa Cha. Ngài về trời để làm trung gian cho chúng ta. Chính Ngài đã có kinh nghiệm bản thân về những thử thách, những đau khổ mà chúng ta đang phải chịu. Do đó, Ngài dễ dàng thông cảm với những yếu đuối của chúng ta, Ngài nâng đỡ chúng ta và cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa Cha.
+ Bài Tin mừng: Mc 10,35-46
Lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài cho các môn đệ, nhưng xem ra các ông chẳng hiểu gì. Họ vẫn còn giữ nguyên quan niệm của người Do thái là chờ đợi một nước vinh quang trần thế theo nghĩa chính trị.
Họ chỉ nghĩ đến địa vị trong nước mà Đức Giêsu sắp lập. Họ lo bàn cãi và tranh luận với nhau, lo chiếm cho mình một chỗ cao hơn trong vương quốc tương lai. Nhưng Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học: ở trong vương quốc của Ngài sự cao trọng thực sự không cốt ở trong uy thế và danh dự, nhưng ở trong sự phục vụ tha nhân đến tột cùng, nếu cần:Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Những lời nói này của Đức Giêsu có liên quan đến tất cả chúng ta. Nó làm xẹp đi những tham vọng, tính kiêu căng và những mơ ước quyền thế của chúng ta. Phục vụ là đòi hỏi của tình yêu. Phục vụ là con đường duy nhất của sự cao trọng đích thực.
III/.THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Trở nên tôi tớ mọi người
A/. AI CŨNG THÍCH QUYỀN CAO CHỨC TRỌNG
- Tâm lý người đời.
Ngày nay trên khắp thế giới, hầu hết các nước đều có cuộc bầu cử vào quốc hội, bầu Tổng thống hay một chức vụ tại một địa phương nào đó. Bất cứ ai ra tranh cử cũng tỏ ra mình có tài năng, xứng đáng lãnh nhận chức vụ, càng lên cao càng tốt. Thời nào và ở đâu cũng có những người tranh nhau làm lớn để lấy quyền hành áp chế dân, bắt dân phục vụ mình. Đó là lý do người đời tranh nhau địa vị trong xã hội.
Người ta tìm kiếm quyền bính vì những lý do khác nhau. Một số người thích có quyền lực đi chung với quyền bính: nó làm cho người ta cảm thấy quan trọng. Những người khác thích uy thế mà nó đem lại. Những người khác nữa thích được trả lương cao. Tất cả những lý do ấy đều có một điểm chung – quyền bính được xem như cơ hội để thăng tiến bản thân.
- Tâm lý các môn đệ Chúa.
Mặc dầu đã đi theo Chúa gần ba năm, nhưng các môn đệ cũng chưa lãnh hội giáo lý của Ngài được bao nhiêu. Ngay sau lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ sự Thương Khó của Ngài: “Nào chúng ta lên Giêrusalem… Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế. Họ sẽ lên án tử Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người”(10,32-34), các ông cũng không quan tâm đến lời loan báo ấy, có lẽ chẳng hiểu gì, hơn nữa đầu óc các ông còn đang mơ tưởng đến vương quốc Đức Giêsu sắp lập. Như vậy có nghĩa là vào lúc Đức Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: Họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ, đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự.
Riêng trường hợp đối với Giacôbê và Gioan, theo tục lệ tự nhiên trong nhiều nền văn minh phương Đông, họ cho là tự nhiên khi sử dụng đặc quyền của người trong họ: vì là anh em bà con với Đức Giêsu, họ đến xin người bà con “dòng họ” được tham dự vào vào sự thành công của một thành viên trong gia tộc như người ta thường nói:Một người làm quan, cả họ được nhờ”(Tục ngữ).
Có lẽ vì vậy mà hai anh em Giacôbê và Gioan đã lợi dụng người anh em bà con để được thăng tiến, được hưởng đặc quyền đặc lợi, được tiến cử. Các ông đã xin:Khi Thầy ngự trên ngai vinh hiển, xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy”{Mc 10,37).
Lời thỉnh nguyện này đã nói lên tham vọng của hai ông là muốn tham dự vào quyền điều hành trong vinh quang của Đức Giêsu. Thứ “vinh quang” mà các ông xin là vinh quang theo kiểu trần thế vì các ông tin Đức Giêsu sẽ lập nước Israel ở trần gian, chứ không phải vinh quang của Đức Giêsu sau khi tử nạn và phục sinh.
Đức Giêsu trả lời ngay:Các con không biết điều các con xin”. Khi nói câu này, Đức Giêsu mốn tỏ ra cho các ông biết lời thỉnh cầu của các ông thật là ngây ngô vì các ông chưa hiểu gì về việc tử nạn và phục sinh mà Ngài đã loan báo đến lần thứ ba này. Cho nên Ngài hỏi tiếp:”Các con có thể uống chén đắng Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không”? Nói như vậy có nghĩa là chấp nhận đau khổ và sự chết. Chúa có ý nói đến cuộc tử nạn của Ngài trên Thập giá. Chẳng hiểu gì, các ông thưa đại đi:Thưa được”.
Chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm hai từ “chén đắng” và “phép rửa”.
Trong Cựu ước, “Chén” đôi khi người ta nói đến chén chúc tụng, nhưng thường là nói về chén đắng để diễn tả những đau đớn trước khi chết. Lúc hấp hối, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha cất chén đắng cho Người, nhưng cũng nói tiếp:Nhưng đừng theo ý Con, cứ theo ý Cha”.
Còn “phép rửa” trong bí tích rửa tội, toàn thân được dìm xuống nước, tượng trưng cho việc “chìm đắm” trong cái chết trước khi “chỗi dậy” trong đời sống mới. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu sẽ trải qua một phép rửa thật sự. Người sẽ bị dìm xuống làn nước chết, trước khi chỗi dậy vào ngày thứ ba (Fiches dominicales, tr 304).
Câu “Thưa được” đã đưa Giacôbê và Gioan đến cái chết. Sự việc xẩy ra: ông Giacôbê đã bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44, Gioan chết trong tuổi già cuối thế kỷ I. Nhưng ông đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh. Ông thoát chết được do phép lạ Chúa làm. Sau đó bị phát lưu ở đảo Patmos trong cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, sống cũng như chết. Như vậy lời Chúa đã được thực hiện đúng.
B/. BÀI HỌC CỦA ĐỨC GIÊSU
- Khát vọng của người đời
Từ 2000 năm trước, Đức Giêsu đã cho thấy: những thủ lãnh các nước lấy quyền sai khiến dân như ông chủ. Ông chủ thời xưa là người đầy quyền lực muốn bắt đầy tớ làm gì, đầy tớ phải làm theo, dù cực nhọc, khốn khổ đến đâu cũng không được từ chối. Nhiều nơi, đầy tớ bị coi như nô lệ, chủ cho sống thì sống, muốn giết thì giết. Vì thế, Đức Giêsu nói:Các con biết: những người được coi là thủ lãnh thì cai trị dân như những bạo chúa, những người làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân”(Mc 10,42).
Tuy thế, có những loại quyền bính khác nhau. Jean Vanier phân biệt hai loại quyền bính: một quyền bình áp đặt, thống trị và điều khiển; và một quyền bính đồng hành, lắng nghe, giải phóng, phân quyền làm cho người dân tự tin và kêu gọi họ ý thức về những trách nhiệm của mình.
Còn có một loại quyền bính thứ ba thinh lặng, yêu thương và ẩn giấu – quyền bính yêu thương nhưng không dùng quyền lực, xây dựng lòng tín thác và đôi khi chờ đợi đêm ngày trong nỗi lo âu. Cha mẹ đôi khi phải chờ đợi suốt đêm trường mong sao đứa con mình lầm đường lạc lối trở về…
- Tiêu chuẩn của công dân Nước Trời
Giáo huấn mới của Đức Giêsu là sự đảo nghịch của Tin mừng. Khi nói với các tông đồ, cũng như với những người chịu trách nhiệm về các cộng đoàn Kitô hữu có mặt lúc đó hay trong tương lai. Đức Giêsu nêu lên một luật đối trọng với cách thế mà các xã hội dân sự chủ trương về quyền hành:Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân”. Điều luật này chống lại lòng ham muốn thống trị, như Giacôbê và Gioan và mười tông đồ còn lại. Điều luật này không chỉ là một điều luật bình thường, mà Đức Giêsu coi nó là Hiến chế cho các cộng đồng môn đệ Người: mỗi người là đầy tớ mọi người (J. Delorme).
Đây là một đảo lộn tận gốc, một lý thuyết cách mạng bắt đầu một mối tương quan mới giữa người với người:Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em”.
Đối với Đức Giêsu, chức quyền là để phục vụ. Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nhóm nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải là một địa vị thống trị hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn:Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”(Mc 10,45).
Người lãnh đạo trong Hội thánh là “đầy tớ”. Trong các văn kiện, Đức Giáo hoàng thường dùng danh hiệu “Servus servorum”: đầy tớ của các đầy tớ. Những chức vụ có vai trò đặc biệt chỉ nên gọi là thừa tác hay trợ tá theo đúng nghĩa của chữ Latinh “Minister” là tôi tớ, hoặc tiếng Hy lạp “Diakonos”: đầy tớ và “Doulos” là nô lệ.
Trong các vị lãnh đạo trong Hội thánh cũng phải có phẩm trật như người ta nói:Kim chỉ phải có đầu”(tục ngữ), cần phải có một người đứng đầu điều khiển một cộng đoàn, chứ không thể có cảnh “cá đối bằng đầu”(tục ngữ) mà mọi việc được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn phục tùng ai. Điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: không phải là hủy bỏ chức vụ của những người đứng đầu, chức vụ của những người lãnh đạo, nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính của mình để áp bức người khác.
Truyện: Đức Hồng y Roncalli
Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn tòa giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cộng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.
Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.
Sau này lên ngôi Giáo hoàng, Đức Gioan 23 vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.
III/. QUYẾT TÂM CỦA CHÚNG TA
Chúng ta có quyền tự do chấp nhận hay từ chối lời dạy của Chúa là trở nên tôi tớ của mọi người, nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm về quyết định đó vì hậu qủa của nó sẽ khôn lường. Hãy chọn con đường đúng mà đi.
- Hai hướng đi trước mắt
Con người chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, cứ bị dẫn đến những ngã ba đường: nghĩa là trước mắt ta luôn có hai ngả mà ta phải chọn một. Hai ngả đó thường dẫn đến hai chiều khác nhau; một hướng vị kỷ và một hướng vị tha.
Hướng vị kỷ có một sức mạnh tự nhiên lôi cuốn ta vào, nó khiến ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, quyền lợi hay trách nhiệm của mình. Nói chung, nó thu hút ta vào chính bản thân ta. Hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi trường hợp, đều bị lôi cuốn vào ngả này.
Còn hướng vị tha rất ít khi lôi cuốn ta, nhưng lương tâm ta lại thúc đẩy ta, đôi khi còn ép buộc ta bước vào. Nó đòi hỏi ta phải quên bản thân, quên những gì liên quan tới bản thân, để nghĩ đến người khác, đến đám đông bên ngoài ta, đến hạnh phúc hay đau khổ của họ. Dù đi vào hướng nào, thì sau khi đi một đoạn đường nữa, ta sẽ lại đến một ngã ba khác, cũng với hai hướng vị kỷ và vị tha trước mặt. Mỗi lần gặp ngã ba đó là mỗi lần ta phải lựa chọn hướng đi cho mình (JKN).
- Phải chọn một hướng đi
Đối với những người theo Chúa, hai hướng ấy vẫn luôn luôn mở ra đòi buộc họ chọn lựa mỗi lần họ phải quyết định để hành động.
* Chọn hướng vị kỷ: hướng vị kỷ sẽ cám dỗ họ lợi dụng con đường theo Chúa như một phương tiện để tiến thân, để bước vào vinh quang trần thế, với quyền lực, danh vọng, tiền bạc trong tay, là những thứ mà Giáo hội cũng như xã hội cống hiến cho họ, mong họ dùng chúng để phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và mọi người. Nhưng họ lại dùng chúng cho mục đích vị kỷ của mình, mặc dù trên danh nghĩa vẫn là để phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và tha nhân.
Truyện: Hòn đá vấp ngã
Một hôm, khách qua đường gặp một triết gia nổi tiếng người Hy lạp. Ông ta đứng ở góc đường và cười nắc nẻ một cách đắc chí. Ai cũng tưởng ông là người điên nên không thèm để ý.
Sau cùng, có một người đánh bạo đến gần và hỏi:
– Vì lý do gì ông cười như vậy?
Ông ta trả lời:
– Ông có thấy cục đá nằm giữa đường kia không? Từ sáng tới giờ không biết bao nhiêu người đã vấp ngã vì hòn đá đó, và họ bực mình chửi bới. Thế nhưng, không có một ai cúi xuống nhặt hòn đá vứt khỏi lối đi để người khác khỏi bị vấp ngã.
* Chọn hướng vị tha: Còn hướng vị tha sẽ khiến người theo Chúa coi việc theo Chúa như một phương cách hữu hiệu nhất để phụng sự Thiên Chúa, nhân loại, quê hương và tha nhân. Họ không quan tâm hay mong muốn chuyện thăng tiến bản thân, không bao giờ coi đó như một mục đích phải đạt tới trong cuộc đời. Nếu họ được giao địa vị, trách nhiệm, với những phương tiện hữu hiệu trong tay, họ sẽ lợi dụng tất cả những thứ ấy để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Điều họ quan tâm là: con người được hạnh phúc, và qua đó Thiên Chúa được vinh danh.
Chúng ta không bao giờ quên được những gương phục vụ một cách xả kỷ vô vị lợi như thánh Đamien tông đồ người hủi, thánh Maximilianô Kolbê xin chết thay cho một vị trung úy trẻ trong trại tập trung Đức quốc xã, các vị khác như Ozanam, chân phước Têrêsa Calcutta…
- Xem lại con đường đang đi
Đức Giêsu không nài ép chúng ta làm môn đệ Ngài, Ngài chỉ kêu mời chúng ta với tinh thần tự nguyện. Ngày nay chúng ta còn mang cái tâm trạng của các tông đồ ngày xưa khi Đức Giêsu chưa đi vào cuộc tử nạn và phục sinh không? Lời mời gọi của Đức Kitô hôm nay có giá trị đặc biệt để chúng ta xét lại thái độ của mình. Chúng ta lượng định thế nào về các thành công và tầm vóc quan trọng trong nội bộ Hội thánh, và ngoài xã hội? Chúng ta trân trọng những ai và khinh miệt kẻ nào? Cứ như cái nhìn của Tin mừng hôm nay, thì kẻ “vĩ đại” là người phục vụ kẻ khác. Nó mở mắt cho chúng ta thấy được tấm lòng “vĩ đại” trong nếp sống thường nhật chung quanh mình như người cha hy sinh, các bà mẹ chung thủy, dịu dàng, những người hiền lành khiêm nhường chất phác phục vụ không cần tiếng khen, không cần phần thưởng, cũng không cần lời cám ơn…
Phục vụ là một nhân đức gần gũi với đức bác ái. Nhân đức phục vụ bắt nguồn từ lòng yêu mến tha nhân. Như vậy quyền thế và phục vụ không xung khắc nhau, vì ai có nhiều quyền và quyền lớn thì có khả năng phục vụ nhiều hơn. Phục phụ phải là cái dấu chỉ của người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Hơn nữa, chính khi phục vụ tha nhân là lúc người ta tìm lại được chính mình vì “chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân”. Chính khi phục vụ tha nhân là lúc chúng ta tìm được hạnh phúc nhự thi sĩ Tagore người An độ đã viết:
Nằm ngủ, tôi mơ thấy đời sống toàn là Niềm vui và Hạnh phúc.
Tỉnh dậy tôi nhận ra sống là Phục vụ.
Tôi dấn thân Phục vụ và tôi khám phá ra rằng Phục vụ là Hạnh phúc.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
PHỤC VỤ- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Anh chị em thân mến
Ðức Giêsu dạy chúng ta nhiều điều rất ngược đời: đối với người đời, làm lớn thì có quyền sai khiến và được cung phụng, còn làm nhỏ thì phải hầu hạ người lớn. Ðức Giêsu dạy khác hẳn: “Ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ, ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ”.
Thực ra giáo huấn của Ðức Giêsu rất khôn ngoan. Nếu những người làm lớn đều biết phục vụ những kẻ dưới quyền mình thì xã hội sẽ rất bình an, và mọi người đều hạnh phúc.
Xin Chúa giúp chúng ta thấm nhuần bài học quý báu này.
II/.Gợi ý sám hối
Khi được làm lớn, chúng con không lo phục vụ những kẻ dưới quyền mình, trái lại thường hống hách bắt họ phục vụ chúng con.
Chúng con hay đòi hỏi người khác phục vụ chúng con mà không nhiệt tình phục vụ người khác.
Chúng con coi thường những công việc nhỏ nhặt ít người để ý tới.
III/. Lời Chúa
- Bài đọc I (Is 53,10-11)
Người Tôi Tớ Giavê bị nghiền nát vì đau khổ để hiến thân làm lễ vật đền tội và làm cho muôn người nên công chính.
- Ðáp ca (Tv 32)
Thiên Chúa cũng phục vụ loài người: Ngài để mắt trông nom người kính sợ Chúa, cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống họ trong buổi cơ hàn.
- Tin Mừng (Mc 10,35-45)
Chuyện xảy ra ngay sau khi Ðức Giêsu loan báo (đây đã là lần thứ ba) rằng Ngài sắp chịu nạn, chịu chết và sống lại.
– Hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại xin hai địa vị ưu tiên trong “nước” mà họ nghĩ Ðức Giêsu sắp thành lập. 10 môn đệ kia bực tức. Không phải vì cho rằng hai môn đệ này sai mà vì nghĩ họ đã muốn “chơi trội” hơn mình trong cuộc chạy đua tranh dành địa vị.
Trong bối cảnh đó, Ðức Giêsu dạy về Nước Thiên Chúa và nước trần gian, về cách cư xử của những người lớn trong hai nước đó:
Trong nước trần gian, kẻ làm lớn thì lấy quyền mà trị dân, bắt dân phục vụ mình.
Trong Nước Thiên Chúa, làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ.
- Bài đọc II (Dt 4,14-16) (Chủ đề phụ)
Ðức Giêsu là Vị Thượng Tế siêu phàm: (1) Ngài chính là Con Thiên Chúa; (2) Ngài cảm thông những nỗi yếu hèn của loài người vì chính bản thân Ngài cũng từng trải qua đau khổ. Bởi vậy chúng ta hãy mạnh dạn tiến đến gần Ngài để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp.
IV/.Gợi ý giảng
- Quyền bính để phục vụ
Một nhà tu đức tên là Jean Vanier, người sáng lập dòng Arche, phân biệt hai loại quyền bính:
Một loại quyền bính từ trên áp xuống. Người nắm loại quyền bính này tự coi mình là kẻ ở trên và những kẻ thuộc quyền mình là những người ở dưới. Người này bắt những kẻ dưới phải làm theo ý mình, nếu không theo thì phạt. Loại quyền bính này được dùng để cai trị, hay nói chính xác hơn là thống trị.
Loại quyền bính thứ hai không từ trên áp xuống mà đứng bên cạnh để giúp đỡ. Người nắm quyền bính này không coi mình là ở trên cũng không coi kẻ thuộc quyền mình là ở dưới. Người này không nhắm cho ý mình được người ta thực hiện, nhưng nhắm đến ích lợi chung và ích lợi của kẻ mình muốn giúp đỡ. Loại quyền bính này được dùng để phục vụ.
Khi hai người con ông Dêbêđê, tức là Gioan và Giacôbê đến xin Ðức Giêsu cho mình được hai chỗ bên tả và bên hữu Chúa là họ muốn loại quyền bính nào? Thưa là quyền thống trị.
Nhưng Ðức Giêsu đã từ chối. Lý do thứ nhất là Ngài thấy trong các tổ chức chính trị, hành chánh và xã hội, những người lãnh đạo đều thích loại quyền thống trị đó. Nhưng các tổ chức mà họ lãnh đạo người ta không được hạnh phúc gì cả, trái lại còn phải đau khổ. Lý do thứ hai là trong tổ chức mà Ngài thành lập, tức Giáo Hội, không có người trên kẻ dưới, không có người lớn kẻ nhỏ, mà tất cả đều bình đẳng với nhau vì tất cả đều là anh em với nhau, cùng là con của một Cha trên trời. Cho nên không có chuyện người này bắt người kia làm theo ý mình, nhưng mọi người đều giúp nhau để làm theo ý Cha trên trời. Bởi vậy trong Giáo Hội, quyền bính được trao không phải cho kẻ ham muốn kiếm tìm nó, mà trao cho những người nào có thiện chí và khả năng phục vụ.
Khi 10 môn đệ kia bực tức với hai người con ông Dêbêđê, thì họ cũng có quan niệm giống như hai ông này về quyền bính. Vì cùng ham quyền thống trị như nhau cho nên họ ganh tị nhau, bực tức nhau và tranh dành nhau.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: một chiếc đồng hồ đeo tay một hôm đi dạo ở công trường trước một nhà thờ. Nó nhìn lên tháp nhà thờ thấy một chiếc đồng hồ rất lớn nên thấy ghét. Nó nói: Anh tưởng là anh ngon lắm hả. Thực ra cái mặt anh to quá khổ chẳng đẹp chút nào, hai cánh tay thì dài thượt coi chẳng đẹp gì cả. Giọng nói thì khàn khàn. Chiếc đồng hồ lớn chỉ mỉm cười và nói “Hãy lên đây”. Chiếc đồng hồ nhỏ leo lên. Khi đứng bên chiếc đồng hồ lớn nhìn xuống thì nó mới hoảng sợ. Thì ra ở trên cao này nguy hiểm quá té xuống tan xác như chơi. Rồi lúc nào cũng bị bao nhiêu cắp mắt nhìn lên, và lại còn cô đơn nữa. Khi đó chiếc đồng hồ lớn khều nó nói “Ở dưới có người muốn biết giờ kìa. Em đưa mặt ra cho họ xem đi”. Chiếc đồng hồ nhỏ đáp: “Không được, từ đây xuống dưới xa quá mà mặt em nhỏ quá ở dưới xem không thấy đâu”. “Vậy thì em nói giờ cho họ nghe đi”. “Cũng không được, vì tiếng em nhỏ quá”. Khi đó chiếc đồng hồ lớn mới ôn tồn giải thích: “Ðó em thấy chưa. Em cũng không thể làm việc của anh, mà anh cũng không thể làm việc của em. Mỗi người chúng ta ai làm việc nấy, chỉ để phục vụ cho người ta thôi. Từ này về sau mình đừng chỉ trích nhau nữa nhé”.
Câu chuyện rất ý nhị: mỗi người có một nhiệm vụ để phục vụ người khác. Kẻ ở địa vị cao thì phải phục vụ nhiều hơn. Và ở địa vị cao thì càng gặp khó khăn nhiều hơn, có khi còn cô đơn hơn nữa.
Bởi vậy, khi hai người con ông Dêbêđê xin địa vị, Ðức Giêsu đã hỏi: “Chúng con có uống nổi chén đắng không?” Ðịa vị và quyền bính trong Giáo Hội luôn đi kèm với chén đắng, tức là những hy sinh, đau khổ.
2/.“Các anh không biết các anh xin gì”
Chuyện hai người con nhà Dêbêđê xin được hai địa vị trong Nước Ðức Giêsu không có gì lạ. Có lạ chăng là họ đã xin điều đó liền ngay sau khi Ðức Giêsu loan báo Ngài sẽ chịu nạn chịu chết.
Ai mà không thích địa vị. Nhiều người cũng giống hai môn đệ kia thôi, chỉ khác là không dám nói ra như họ.
Vả lại Ðức Giêsu cũng không muốn lập một Giáo Hội không có phẩm trật. Giáo Hội, như bất cứ tổ chức nào khác, cũng cần có phẩm trật, kẻ trên người dưới chứ.
Cái đáng nói là hai môn đệ ấy đã xin một điều mà họ không hiểu:
Họ không hiểu rằng trong Nước Chúa, địa vị rất khác với nước trần gian, vì địa vị là để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ mình.
Họ không hiểu rằng có địa vị trong Nước Chúa thì họ sẽ phải uống chén đắng chứ không phải sẽ ngồi đó mà hưởng thụ.
Tóm lại, họ không đáng trách vì đã ham muốn địa vị, nhưng đáng trách vì chưa hiểu mục đích và điều kiện của địa vị trong Nước Chúa, thế mà đã nhanh nhẫu xin cho bằng được.
3/.Phục vụ
Một lần Ðức Hồng Y Roncalli vừa từ trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn tòa Giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng Y có vương mấy cọng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xoà vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Ðức hồng Y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vòng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Ðức Hồng Y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.
Những cọng rơm trên vai áo Hồng Y đối với ngài chỉ cười xoà cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta một Hồng Y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.
Sau này lên ngôi Giáo hoàng, Ðức Gioan 23 vẫn tiếp tục sống nếp sống bình dị phục vụ.
Lần khác, cả giáo triều Rôma báo động: “Ðức Giáo hoàng mất tích”. Nhân viên an ninh đổ xô đi tìm. Cuối cùng người ta gặp ngài đang chuyện trò thân mật với các tù nhân trong khám đường Rôma.
“Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc.10,45).
Ðó là Hiến chương Nước Trời, là Hiếp Pháp Ðức Kitô đã tuyên bố cho Giáo hội. Từ đây, mỗi tín hữu Kitô phải là đầy tớ của mọi người.
Người lãnh đạo trong Giáo hội chính là “Ðầy tớ của các đầy tớ” (Sevrus Servorum). Chữ Latin “Minister” có nghĩa là đầy tớ. Vì thế, trong Giáo hội chỉ có kẻ thừa sai, người thừa tác, nữ tì, tôi tá, hay mục tử chăm lo cho đoàn chiên.
Mẹ của Giacôbê và Gioan xin Ðức Giêsu cho hai con bà được làm tể tướng trong nước của Người. Nhưng họ đã không hiểu rằng Ðức Giêsu không bước lên ngai vàng để thống trị, mà Người chỉ leo lên thập giá để hiến dâng mạng sống, để yêu thương và “yêu cho đến cùng”. (Ga.13,1).
Hôm nay, Chúa cũng mời gọi các tín hữu Kitô hãy noi gương Người: Phục vụ và hiến dâng mạng sống cho tha nhân. Trước nhất là yêu thương phục vụ những người trong gia đình: “Charity begin at home” (Bác ái bắt đầu từ gia đình), sau đó mới lan tỏa sang những người chung quanh, nhất là những người nghèo hèn, yếu đuối.
Nếu chúng ta chưa nên giống được như Cha Maximilien Kolbe xin chết thay cho bạn tù, như thánh Martino Porres bán mình làm nô lệ, hoặc như cha Damien tông đồ người hủi, thì ít là mỗi ngày chúng ta hãy âm thầm phục vụ hết mình những người thân yêu, những người Chúa giao phó trong gia đình mình, trong cộng đoàn mình.
Báo chí Pháp đăng hình của Cha Damien sau mấy chục năm phục vụ trong trại cùi, ghép cạnh hình cha hồi còn tẻ. Tấm hình gây xúc động cho biết bao con người. Khi nhìn vào tấm hình, mẹ Ngài không thể tin được con mình đã thay hình đổi dạng đến thế. Chính thái độ tận tụy phục vụ đã tiêu hao sức lực và tàn phá hình hài con người. Vì thế, chúng ta không thể phục vụ nếu không có sẵn một tấm lòng dấn thân quảng đại.
Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất. Albett Shweitzer đã nói: “Người hạnh phúc thật là người biết tìm cách sống thiện ích cho người khác”. Martin Luther King nói: “Chúng ta học bay như chim trên trời, học bơi như cá dưới nước, nhưng lại chưa học sống với nhau như anh em”. Ở giây phút định mệnh của mỗi con người chỉ có cường độ tình yêu và tinh thần phục vụ là có giá trị.
Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có một chút ham mê địa vị, chức quyền. Nếu Chúa xếp đặt cho chúng con một chức vụ nào đó, xin cũng ban chúng con một ơn này, là chức vụ càng cao, chúng con càng biết khiêm tốn phục vụ anh em nhiều hơn. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
4/.Hiến thân phục vụ
Thiên Chúa đã gọi Cha Kỷ bước ra khỏi vực thẳm của nghèo khó
Một cậu bé nhà nghèo bị bố bỏ rơi, 4 tuổi đã phải đi ăn xin. Xong tiểu học ở tuổi 13, Giuse Lê Ðình Kỷ (Joseph Wresinski) học được nghề làm bánh ngọt để sống tới tuổi 19. Qua trung gian phong trào Thanh Sinh Công, cậu được hướng dẫn theo ơn gọi linh mục.
Năm 1937 cậu nhập ngũ theo tuổi quân dịch. Hai năm sau, chiến tranh bùng nổ ở Pháp, cậu bị bắt làm tù binh nhưng trốn được và về học ở chủng viện Sinh Ðông (Soissons), nơi Thầy Giuse thụ phong linh mục năm 1946. Kế đó là 4 năm làm cha phó và 6 năm làm cha sở.
Năm 1956 Cha Kỷ được giao nhiệm vụ mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới không riêng cho cha. Cha ghi lại như sau:
Ðức Giám Mục đã phái tôi đến trại tiếp cư khẩn cấp vùng ngoại ô Noisy-le-Grand của Thủ đô Paris. Ngày đầu tôi tới đó là 14 tháng 7, 1956. Tôi được gặp những gia đình gợi nhớ tình cảnh túng quẫn của mẹ tôi. Trẻ con tới tấp tới quấy phá tôi, tôi kể đó là những người em trong gia đình tôi.
Ðó là hình ảnh của chính tôi, bốn mươi năm trước đây trên đường Gia-cô-bê của thành phố Aùnh Dương (Angers). Từ ngày tôi đặt chân tới trại, chính những gia đình ấy đã khởi hứng cho tôi về tất cả những gì tôi thực hiện nhằm giải phóng họ. Họ ôm chầm lấy tôi, ám ảnh tôi, thúc bách tôi, đưa đẩy tôi cùng với họ thiết lập một phong trào. Chính họ rèn luyện nên căn tính riêng và tự xưng là “Thế giới thứ Bốn”.
Ðể cha hiến thân phục vụ người nghèo
Tại sao gọi là “Thế giới thứ Bốn”? Cha Kỷ muốn người ta nhìn nhận phẩm giá của những gia đình đó. Ngài muốn nói lên thái độ của họ muốn từ khước túng quẫn. Chính vì muốn chấm dứt cảnh túng quẫn của họ nên Cha Kỷ đã khởi xướng kế hoạch phát triển cộng đồng cùng với họ. Cùng với những gia đình đó, cha Kỷ đã thiết lập phong trào Trợ Giúp người lâm bất cứ cảnh túng quẫn nào (Aide à Toute Détress (ATD), tức International Movement ATD Fourth World).
Nhật ký của Cha Kỷ ghi tiếp:
“Ngày đó, tôi nguyền làm cho thế giới biết đến những gia đình đó. Tôi đoan thề sẽ tìm cho họ nơi ở xứng đáng, thanh niên có việc làm, người trẻ được dạy nghề, trẻ con có trường để học hành. Hôm đó tôi chọn cho tôi con đường nhắm tới mục tiêu là làm cho người nghèo có chỗ đứng và chỗ đứng ấy được thế giới nhìn nhận và tôn trọng. Tôi sẽ phải làm thế nào để họ có cơ hội trèo lên những bậc thang của Liên Hiệp Quốc, của cơ quan Giáo Dục UNESCO, của Tổ Chức Lao Ðộng thế giới (ILO), của Hội Ðồng các nước Âu Châu và của Vatican, để tiếng nói của họ được nghe thấy.
Năm 1961 Cha Kỷ thiết lập Viện nghiên cứu đầu tiên để nghiên cứu về cảnh cùng cực (Research Institute on extreme poverty), lôi cuốn các chuyên gia đến từ các nước và các ngành khoa học. Qua những chuyến công du và những bài thuyết trình, nhiều dự án nghiên cứu của phong trào lan rộng đến nhiều nước Âu Châu và Hoa Kỳ.
Ðược thúc đẩy do thâm tín rằng túng quẫn phải được chấm dứt khỏi đời sống con người, những người thiện nguyện đầu tiên đến cộng tác với cha Kỷ từ năm 1960. Họ đến từ nước, thuộc nhiều quốc tịch, nhiều tín ngưỡng và nghề nghiệp. Một số có gia đình, một số độc thân. Con số những thành viên chí nguyện này hiện là 350 tại 20 quốc gia, trong số đó 200 người đã phụcvụ trên 5 năm và 35 người đã phục vụ trên 20 năm. Họ sống trong những cộng đoàn nơi họ phục vụ bằng cách cổ võ giao lưu giữa những gia đình nghèo và dân chúng nói chung.
Cuộc viếng Ấn Ðộ năm 1965 khiến Cha Kỷ có thêm phong trào Tapori, trong đó các em thiếu nhi từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội trở nên bạn thân với nhau. Song song nữa là phong trào thanh niên cũng nhằm mục tiêu là gây tình bạn vượt mọi rào cản.
Hai biến cố đánh dấu năm 1987 là năm chót đời cha Kỷ. Năm ấy cha đệ lên Hội Ðồng Kinh Tế và Xã Hội của Pháp Quốc một đề nghị tổng hợp nhằm diệt tận căn bệnh nghèo trường kỳ. Tài liệu của cha Kỷ nhan đề là “nghèo cùng cực và sự bấp bênh Kinh Tế và Xã Hội” khiến chó nước Pháp đã làm luật để bảo đảm đồng lương tối thiểu. Ðiều này đã gây hứng khởi cho những nước khác của Âu Châu và lôi kéo sự chú ý trên toàn cầu.
Cũng năm ấy, vào ngày 17 tháng 10, trước sự có mặt của trên 100,000 người từ khắp nơi trên thế giới, cha Kỷ đã đặt viên đá kỷ niệm nhằm tán dương những khổ đau và lòng can đảm của người nghèo. Viên đá kỷ niệm được đặt tại Công Trường Các Quyền Con Người tại Paris, đối diện tháp Eiffel. Bảng viết ghi rõ: “Bất cứ khi nào người nam hay nữ phải sống trong nghèo khổ thì quyền làm người của họ bị chà đạp (condemned). Ta có bổn phận cùng nhau bảo đảm cho những quyền đó được tôn trọng.”
Trong lễ an táng cha Kỷ tại nhà thờ chính toà Paris, Ðức Hồng Y Lustiger nói: “Thiên Chúa đã gọi cha Giuse Kỷ bước ra khỏi vực thẳm của nghèo khó để cha hiến thân trở nên sức hút nhằm loại bỏ tận căn tệ nạn người loại bỏ người. Ðiều dễ phát sinh ra căm hờn đã trở nên dấu chỉ của tình thương. Ðiều dễ phát sinh ra tàn phá đã mở lối vào để con người được triển nở, được nhận ra mình và khám phá ra phẩm giá của mình.
Lý tưởng cao đẹp nhất của người môn đệ Ðức Giêsu
Câu chuyện Cha Kỷ hiến thân phục vụ người nghèo được kể để giúp lãnh hội ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay. Ý nghĩa ấy quả thật ngược lại với xu hướng tự nhiên của Nhóm Mười Hai. Khởi sự là hai anh em trong nhóm, tức Giacôbê và Gioan, đã xin để được ngồi bên hữu bên tả Ðức Giêsu khi người thiết lập Vương quốc, nhưng Người đã giao cho hai ông vác thập giá theo Người. Lời hai anh em này yêu cầu cũng dễ hiểu vì cả nhóm đã từng: “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9,34). Tin Mừng Mátthêu còn cho thấy chính bà mẹ của hai ông nói lên lời thỉnh cầu của gia đình (Mt 20,20). Nhưng Ðức Giêsu đã phản ứng với lời thách đố: “các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38). Ðức Giêsu có ý nói tới cơn hấp hối và cái chết mà Người sẽ chịu. Hai anh em được thách đố để theo Ðức Giêsu đến cùng. Ðức Giêsu kết thúc đối thoại bằng cách đặt hai anh em trước một câu trả lời đòi họ phải được hoán cải để theo ý muốn của Thiên Chúa. Người nói: “Có thể Chúa Cha sẽ dành địa vị cho các anh, nhưng các anh phải sẵn sàng vác thập giá tôi vác, uống chén đắng tôi uống và chịu phép rửa tôi chịu.” Nghĩa là hai anh em phải bước theo Ðức Giêsu cho tới cái chết trên thập tự.
Không riêng hai anh em là Giacôbê và Gioan, mười người còn lại trong nhóm Mười Hai, đều bị chỉnh khi họ tỏ ra tức tối với hai anh em liên quan tới việc tranh giành ảnh hưởng giữa nhau. Ðể bước theo Ðức Giêsu cần phải dứt khoát loại bỏ thái độ “hống hách đối với người khác” (c.42). Là Kitô hữu có nghĩa là trở nên kẻ phục vụ tha nhân như Ðức Giêsu đã phục vụ (c.45). Ai ở địa vị cao nhất và uy thế nhất, người đó nhận lấy trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của mọi người theo gương Ðức Giêsu (c.44). Ðó là con đường đưa người môn đệ vào vinh quang của Ðức Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay liên quan trước hết tới hai môn đệ thân cận nhất của Ðức Giêsu là ông Giacôbê và Gioan (cùng với Simon-Phêrô, hai ông này được Ðức Giêsu chọn để tháp tùng Ngài lên núi biến hình (9,2-9) và có mặt trong cơn hấp hối tại Vườn Dầu (14,32-42)). Sứ điệp mà Tin Mừng Máccô có ý truyền đạt liên quan tới địa vị lãnh đạo trong Giáo Hội, họ phải là người đầu tiên “uống chén đắng” bằng cách phục vụ nhu cầu của anh chị em, bất cứ là nhu cầu nào họ nhận thấy và bất cứ trong hoàn cảnh nào họ nhận ra. Ðó quả là một đòi hỏi tận căn, hầu như không bao giờ người được giao trách nhiệm cảm thấy mình đã chu toàn được nhiệm vụ.
Nơi Cha Kỷ, ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay được sáng tỏ. Thiên Chúa đã an bài để Cha sinh ra trong khó nghèo hầu cả đời hiến thân phục vụ người nghèo. Cha không căm hờn người giàu nhưng đòi họ bằng mọi giá phải hoán cải bản thân. Bằng mọi giá họ phải trả lại cho người nghèo quyền lợi và phẩm giá thuộc về họ. Lý tưởng cao đẹp nhất được nêu cho người môn đệ Ðức Giêsu là họ phải cúi mình phục vụ người nghèo theo gương chính Ðức Giêsu. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
V/.Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Ðức Giêsu đã tuyên bố: “Con Người đến để được người ta hầu, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa thương chúng ta và dâng lời cầu xin:
- Ðức Giêsu đã nói với các tông đồ rằng: đối với anh em, ai muốn làm lớn thì phải làm bé hầu hạ / ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người / Xin Chúa cho các người lãnh đạo trong Hội thánh biết ứng xử đúng theo lời dạy của Chúa / để luôn sẵn sàng phục vụ mọi người.
- Ðức Giêsu cũng cho biết rằng / những người được coi là thủ lãnh các nước thì cai trị dân như những bạo chúa / và những người làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân / Xin Chúa cho các nhà cầm quyền ngày nay biết từ bỏ cách cai trị độc tài chuyên chế / để tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của mọi người.
- Khắp nơi trên thế giới vẫn còn rất nhiều người đang cần được giúp đỡ và phục vụ / Xin Chúa cho họ được nhiều người trong Hội thánh và trong xã hội / biết quan tâm và lo lắng cho họ.
- Ðức Giêsu đến trần gian để cứu độ bằng phục vụ, và Chúa phục vụ để cứu độ / Xin Chúa cho mọi người trong xứ đạo chúng ta biết noi gương Chúa / luôn sẵn sàng phục vụ để truyền giáo cho những người chung quanh.
Chủ tế: Lạy Ðức Giêsu, khi bắt đầu theo Chúa, các tông đồ còn mơ ước một cuộc sống giàu sang và quyền lực, nhưng sau các ngài đã hiểu và tự nguyện bước theo đường Chúa đã đi; Xin giúp mỗi người chúng con biết noi gương các ngài, chấp nhận hy sinh thiệt thòi, để phục vụ cho việc truyền giáo. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI/.Trong Thánh lễ
– Trước khi rước lễ: Ðức Giêsu đã hiến thân làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta sau khi rước Chúa vào lòng cũng biết hiến thân phục vụ anh chị em chúng ta.
VII/. Giải tán
Hôm nay chúng ta đã học được bài học phục vụ: người lớn phải phục vụ người nhỏ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ. Chúng ta hãy ra về và cố gắng thực hành bài học này.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN -B
AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (*) – Suy niệm và chú giải của Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt
1/.Đây là một bản văn mà các anh em phản chứng thường nhắc nhở và chú giải cách nhiệt thành: Chúa Kitô đã không bao giờ tán dương người trên, linh mục hoặc thủ lãnh. Đối với Người, điều làm nên môn đồ, chẳng phải là quyền bính, sự thông thái, nhưng là sự phục vụ. Chính Người đã từ chối dứt khoát cám dỗ của Satan là thống trị các dân tộc với các phép lạ lẫy lừng. Thầy ở giữa các con như một người phục vụ.
2/.Thế nhưng ta đều bị cám dỗ sử dụng những phương tiện điều hành, bởi vì đối với ta chúng có vẻ hữu hiệu để hướng dẫn con người hơn là sự thuyết phục, sự tự do và lòng yêu thương. Giacôbê và Gioan đã mong ước thực thi việc tông đồ ở trên ngai, và Chúa Giêsu đã cho hai ông biết sẽ thực thi việc đó ở trên thập giá.
3/.Chúa Kitô là thủ lãnh và là Thầy tuyệt hảo; muốn biết quyền bính trong Hội Thánh phải được thực thi như thế nào, hãy xem Chúa Giêsu dã sử dụng quyền năng Người ra sao. Đối với Chúa Giêsu, Vương quốc Thiên Chúa là một xã hội hoàn toàn khác với các quốc gia trần thế; nó không tự áp đặt cho con người do chính bản chất của mình, nhưng hằng tự do lương tâm. Lời mời gọi của Chúa luôn luôn là tự do: “nếu anh muốn làm tông đồ Ta… Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo… hạnh phúc cho các anh nếu các anh làm như vậy…”. Quyền bính Kitô giáo phải được thực thi bằng thuyết phục, bằng cảm hóa, soi sáng, dạy dỗ.
4/.Nhưng những thí dụ và lời giáo huấn của Chúa Giêsu quá trái nghịch với những tham vọng tự nhiên của các môn đồ, nên khó mà không gặp phản ứng thái độ ngây ngô của Giacôbê và Gioan vẫn còn là thái độ của nhiều người trong Giáo Hội. Ngày nay, người ta khám phá rằng quyền bính trong Hội Thánh không phải là quyền áp đặt những quyết định của thủ lãnh cho các cấp dưới, nhưng là khả năng khơi dậy sự hiệp thông. Vấn đề không phải là truyền lệnh hay là thanh trừng, nhưng là kêu gọi lương tâm và xác tín. Vị thủ lãnh không phải là người ra lệnh nhưng là người tạo nên một bầu khí tin tưởng, thương yêu, tôn trọng, một cộng đoàn cùng chung những quan điểm và khát vọng đến nỗi giải đáp của các vấn đề sẽ được thể hiện bằng một sự nhất trí luân lý.
5/.Chúa Giêsu đã không nói đến nguy hiểm và trật tự trọng Hội Thánh Người, nhưng Người đã nói nhiều đến nguy hiểm của một quyền bính tôn giáo được thực thi như một quyền bính trần thế. Chúa Giêsu đã không nói rằng các thủ lãnh phải cai trị bằng sự công bình và lòng nhân từ; Người đã nói rõ ràng rằng các thủ lãnh không được cai trị, nhưng hãy sống như các nô lệ và tôi tớ; người nào phục vụ nhất, người đó là thủ lãnh đích thực.
6/.Chỉ có một tinh thần Tin Mừng, chỉ có Thánh Thần của Chúa Giêsu mời có thể linh ứng cho các người có trách nhiệm phương thức thi hành sứ mạng tôn giáo. Để thực thi tốt quyền bính, cũng như để sử dụng tốt của cải, cần phải nói như Chúa Kitô: “Đối với con người là điều không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì tất cả đều làm được”.
7/.Ngai vàng duy nhất, uy quyền duy nhất, quyền bính duy nhất mà Chúa Kitô đã hứa cho Giacôbê và Gioan, là hãy yêu mến như Người, uống chén đắng, thí mạng sống và yêu anh em như Người.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
ƯỚC MƠ THIÊN ĐÀNG HAY CHIÊM NGẮM ĐỨC KI-TÔ THẬP GIÁ– Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
“Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”; thiết tưởng theo tư duy tự nhiên, thì lời khẩn cầu của hai anh em nhà Dê-bê-dê rất chính đáng. Phải chăng rất nhiều người chúng ta cũng đã từng có những ước muốn ‘chính đáng’ tương tự; chúng ta đã chẳng mơ ước được một chỗ cao sang trên thiên đàng, được giầu công nghiệp trước mặt Chúa, được phần thưởng trọng hậu là gì? Các môn đệ khác, chứ không cứ gì hai anh em, cũng đã không ít lần bàn cãi về chuyện đó, xem: “ai sẽ là người lớn nhất trong nước trời”. Trước thao thức của các ông, hình như Đức Giêsu muốn nhắc nhở rằng: công nghiệp hay chỗ cao trên thiên đàng là việc dành riêng cho Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”, môn đệ chân chính không nên quan tâm tới. Nếu hiểu đúng ý Đức Giêsu, thì điều duy nhất cần quan tâm trong việc sống Tin Mừng sẽ chỉ là theo sát Đức Kitô Thập Giá, và theo cho tới cùng, là “Uống chén thầy sắp uống, chịu phép rửa thầy sắp chịu”.
Trước hết, Kitô hữu chúng ta cần biết rõ: ‘chén của Thầy, phép rửa của Thầy’ là gì; trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh báo các môn đệ về cuộc thương khó và phục sinh sắp xảy ra (xem Mc 10:32-34), tuy nhiên bài học này lúc đó hình như các ông không kham nổi, đơn giản là vì các ông không thể hình dung nó sẽ ra sao? Kitô hữu chúng ta ngày nay thì không lạ lẫm gì về diễn biến Thập Giá, khi Đức Giêsu (Lời Thiên Chúa) tự hiến để phục vụ lợi ích thiết thực của con người nhân loại tội lỗi. Thập Giá là bằng chứng thuyết phục rằng: Người đến không phải để luận phạt theo lẽ công bình, mà để hiến mình cứu độ, qua đó chỉ cho mọi người thấy một Chúa Cha vô cùng nhân ái; chính vì vậy mà, trước cuộc thương khó, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, một biểu tượng của hạ mình phục vụ để thanh tẩy và tha thứ (xem Ga 13). Qua hành động này, Đức Giêsu chắc hẳn không nhằm dạy các môn đệ mình một ‘chiến thuật’ để chinh phục và cai trị thiên hạ, như Lão tử – nhà hiền triết Trung Hoa đã từng vịnh rằng: “Sông, biển để làm gì, để cai trị trăm ngàn thung lũng? Nó đặt mình nằm dưới tất cả và vì thế nó cai trị hàng trăm thung lũng. Nếu thánh hiền muốn làm đầu dân tộc hãy học nói năng cho khiêm tốn. Nếu muốn lãnh đạo dân hãy đặt mình vào chỗ rốt hết”; Những lời khôn ngoan thật đấy, nhưng đâu phải là Tin Mừng!
Môn đệ là những người ‘theo Đức Kitô’, vì thế họ có thể tự hào: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo thầy” (Mc 10:28). Nhưng họ cũng cần hiểu rằng: từ bỏ là để đi con đường Thầy đi, và đó là con đường phục vụ, phục vụ tới độ tự hủy, tới độ hiến cả mạng sống mình; “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Điều khó chấp nhận nhất chính là: sự vĩ đại của Thiên Chúa mà lại đồng hóa với việc cúi xuống phục vụ người thấp hèn. Thầy Giêsu đã làm gương và dạy môn đệ làm theo: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”.Phải mất một thời gian dài nữa, các ông mới hiểu được điều này; phải đợi tới khi được Thấn Khí tác động, các ông mới dứt khoát “trở nên mọi sự cho hết mọi người…”
Kitô hữu chúng ta cũng vậy thôi! Quyết định theo Chúa đấy, nhưng bài học quên mình phục vụ thì mãi vẫn chưa thuộc. Lý do là vì, chúng ta mơ ước quá nhiều về thiên đàng, còn chiêm ngắm Thập Giá thì lại quá ít. Duy nhất Thầy Giêsu mới là đường, là chân lý, và là sự sống! Do đó thiên đàng không phải là cùng đích, nhất là cái thứ thiên đàng mà ta vẫn thường vẽ ra trong đầu. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân ái và xót thương, thì thiên đàng phải là nơi chan hòa nhân ái; bên hữu hay bên tả của Thiên Chúa nhân ái trên thiên đàng đó sẽ chỉ dành cho những ai có lòng thương xót mà thôi; “Phúc thay những ai xót thương, vì họ sẽ đươc Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).
Nếu vậy, lạy Cha nhân ái, xin cho con được ngồi bên hữu Cha; không phải vì con đạo đức thánh thiện hơn người, nhưng chỉ vì con nhận biết Cha hằng xót thương những con người yếu hèn, nên sẽ yếu mến sự hèn kém của con. Đặc biệt, thể theo lời mời gọi của Cha, con sẽ quyết tâm chia sẻ lòng thương xót đó cho mọi người, đặc biệt cho các tội nhân thấp kém. Amen.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
LÀM ĐẦY TỚ- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Đọc Tin Mừng, ta thấy dường như duy chỉ có trường hợp hai anh em nhà Giêbêđê (hay chính người mẹ của hai ông này) đến xin Chúa Giêsu cho xí phần tả hữu khi Chúa được vinh quang nghĩa là khi Chúa làm vua, theo mộng tưởng của hai vị. Dù rằng mười vị còn lại có biết chuyện này, vì các vị đã tức tối ra mặt, nhưng không thấy vị nào mon men đến xin xỏ Thầy một chức vị nào đó cho sau này. Có lẽ lý do là đây: Điều xin thì chưa chắc được nhưng điều không xin thì lại phải bị gánh chịu. “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống, phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”(Mc 10,39-40).
Phen này đúng là thua to, hai vị nhà Giêbêđê im hơi lặng tiếng đủ nói lên tâm trạng của các vị. Thực ra không phải hai vị mà cả nhóm Mười Hai đã lầm. Cái lầm căn bản của cả nhóm đó là mong sẽ được có chức vị cao trọng ngoài xã hội, và dĩ nhiên sẽ được hưởng vinh hoa phú quý khi đi theo Thầy Giêsu. Vị tôn sư người Nagiarét đủ đầy quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn phải là Đấng Thiên Sai, nếu không thì cũng là một đại ngôn sứ. Với uy quyền cả thể như thế, chắc chắn Người sẽ giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ ngoại bang và sẽ được phong làm vua. Ngay cả trước khi Chúa về trời thì các ngài cũng còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quóc Israel không?” (Cvtđ 1,6).
Cả nhóm Mười Hai lầm thì cũng dễ hiểu vì các ngài chưa được nghe lời khẳng định của Thầy trước mặt Philatô rằng Người là vua nhưng nước Người không thuộc về thế gian này (x.Ga 18,33-38). Tuy nhiên cần khẳng định với nhau điều này: nơi con người, song hành với tính xã hội thì còn có bản năng thống trị. Ở giữa một tập thể, người ta có khuynh hướng tìm cách làm đầu kẻ khác. Dẫu sao đi nữa, làm dầu con tôm cũng hơn là làm đuôi con rồng. Dù lớn hay bé, khi đã được làm đầu thì không chỉ sẽ được kính trọng mà còn được cung phụng. Vì thế, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy đây là một chủ đề thường xuyên trở thành nguyên cớ tranh luận giữa tập thể nhóm Mười Hai.
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44). Lời khẳng định của Chúa Giêsu là một mệnh lệnh. Cả nhóm Mười Hai hôm ấy và cả chúng ta hôm nay, chẳng ai chối cãi hay biện bạch. Thế nhưng, thực tế minh chứng cho thấy chúng ta vẫn còn để mệnh lệnh ấy trên giấy cách nào đó. Không riêng gì người theo Chúa, quý vị nắm trọng trách ngoài xã hội cũng khẳng định rằng chính quyền là đầy tớ nhân dân. Thế mà chuyện đầy tớ ăn trên ngồi trước, còn các ông chủ thì khép nép tìm các hạt cơm thừa; đầy tớ thì chễm chệ ghế salon nệm dày, sở hữu nhà cao cửa rộng còn ông chủ lại vất vưởng trong các căn chòi ọp ẹp…đã trở thành “chuyện tử tế” của một thời và hình như là của mọi thời, nhiều nơi.
Có thể có nhiều lý do để biện minh về việc các ngài đầy tớ sở hữu cũng như sử dụng các phương tiện sang trọng. Các vị ấy cần có phương tiện thích ứng để làm đầy tớ tốt hơn, hữu hiệu hơn. Các vị ấy không chỉ cần có tác phong tương xứng, mà còn cần có những cái bên ngoài như y phục, đồ dùng, phương tiện đi lại…cách nào đó cho phù hợp với vai vế hay chức vụ đảm nhận mà thôi (noblesse oblige). Đây không phải là lời biện minh, nhưng là lời giải thích khá hữu lý và hợp tình. Thế thì đâu là dấu chỉ một người làm đầu đang thực sự làm đầy tớ?
Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta một dấu chỉ bằng chính cuộc sống, cung cách hành động của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Có thể nói việc hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho muôn người là bằng chứng của việc làm đầy tớ. Tác giả thư Do Thái triển khai việc làm đầy tớ qua hình ảnh vị Thượng Tế biết “cảm thương” nỗi yếu hèn của nhân loại (x. Dt 4,13). Ngôn sứ Isaia lại tiên báo việc làm đầy tớ bằng hình ảnh người tôi tớ trung thành chịu đau khổ để gánh lấy hậu quả tội lỗi con người (x. Is 53,10-11).
Số người được làm đầu con rồng trong Giáo Hội hay ngoài xã hội quả là không nhiều, nhưng số người làm đầu con tôm, tôm to, tôm vừa, tôm bé hay các loại tép thì đếm không xuể. Có một hoặc hai người thuộc quyền của chúng ta, dưới quyền của chúng ta, trong trách vụ của chúng ta thì chúng ta đang được đặt làm đầu. Đó là đàn chiên chúng ta đang chăn dắt, đó là con cái mà ta đã sinh thành, đó là nhóm học sinh ta đang dạy dỗ, đó là những người cô thân, bé phận ngoài xã hội hay trong Giáo Hội, đó là những người yếu đuối, tội lỗi đang cần chúng ta nâng đỡ, dìu dắt, chỉ lối, dẫn đường… Như thế, có thể nói hầu hết chúng ta đã được đặt làm đầu. Đã làm đầu thì phải làm đầy tớ.
Lịch sử cho thấy rằng những người “làm đầu” ngoài xã hội cũng như trong giáo hội, nếu xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn hay đã từng kinh qua nhiều gian khổ thì thường dễ “làm đầy tớ” cách thực sự và đúng nghĩa hơn. Quả thật, để thực sự làm đầy tớ, tiên vàn cần phải có sự đồng cảm, đồng thân, chung phận một cách nào đó. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta khi “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11).
Xã hội có ngày càng công bằng, văn minh, thinh vượng hay không, giáo hội có ngày càng tinh tuyền, thánh thiện hay không chắc hẳn phụ thuộc rất nhiều vào việc những người đứng đầu có thực sự sống tôn chỉ “làm đầy tớ nhân dân”, “làm tôi tớ của đàn chiên” hay không. Mong sao tôn chỉ ấy không dừng lại ở khẩu hiệu hay ở các bài phát biểu hùng hồn, nhưng được hiện thực hóa bằng việc làm và thái độ sống của những người làm đầu. Ngoài việc các đầy tớ phải hiến dâng mạng sống vì chủ, thì có thể nói một trong những tiêu chí để thẩm định các vai vế chủ – tớ có chính hiệu không, thì hãy xem các ông chủ tức là người dân, các con chiên, có được phép và được quyền mạnh dạn mở miệng nói lên suy nghĩ, nhận định của mình hay trình bày các nhu cầu chính đáng của mình trước các vị “đầy tớ” hay không, và dĩ nhiên không thể thiếu sự chân thành lắng nghe của các vị này.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
PHỤC VỤ LÀM NÊN QUYỀN BÍNH Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng
Trong một cộng đoàn, đăc biệt là Giáo hội luôn cần một cơ chế, một thể chế lãnh đạo. Vì thế, vai trò của người lãnh đạo rất cần thiết, tuy nhiên, lãnh đạo theo tinh thần của Chúa Giêsu không phải theo cách hiểu và sự hành xử quyền bính của thế gian. Lãnh đạo trong Giáo hội là một thừa tác vụ, một chức vụ để phục vụ làm phát triển con người và cộng đồng.
I/. Khám Phá Sứ Điệp Tin Mừng: Mc 10,35-45
Ngay sau lời loan báo về cuộc Thương khó, xem ra các môn đệ chưa hiểu và chưa lãnh hội được mạc khải của Chúa Giêsu, các ông đã vội vàng cầu xin một địa vị, một chỗ tốt trong vinh quang Nước Chúa. Nhân đấy, Chúa Giêsu dạy một bài học về tinh thần phục vụ của người lãnh đạo.
1/.Lời thỉnh cầu của anh em Giacôbê: Sau lời Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn, Thánh Máccô tường thuật tiếp câu chuyện hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin được ngồi bên hữu và bên tả Chúa trong vinh quang. Rõ ràng lời thỉnh cầu của hai ông thật phi lý và ngây ngô trong bối cảnh này. Chúa Giêsu đã trách cứ các ông: không biết điều các ông xin. Điều các ông xin là quá lớn, không thuộc quyền Chúa Giêsu ban mà thuộc quyền Chúa Cha. Điều các ông xin quả là vô tâm và vô ích, trong khi Thầy đang nói đến cuộc khổ nạn, các ông chưa hiểu, chưa cảm thông, chưa can đảm theo Thầy mà đã vội đòi hỏi vinh quang, đòi chỗ tốt.
2/.Lời mời gọi của Chúa Giêsu: Trước yêu cầu của hai anh em Giacôbê, Chúa Giêsu mời gọi họ uống chén Người sắp uống và chịu cùng phép Rửa Người sắp chịu. Hai hình ảnh Chúa Giêsu dùng “chén và phép Rửa” có nghĩa là chấp nhận đau khổ, chấp nhận tử đạo. Do đó, vinh quang chỉ có thể có, nếu biết can đảm đi vào con đường thập giá với Thầy mình.
3/.Con Người đến để phục vụ, chứ không phải để được người ta phục vụ: Lời thỉnh cầu của hai anh em Giacôbê đã tạo nên sự khó chịu nơi các môn đệ khác và cũng lộ ra tính ham địa vị, sự tranh dành địa vị giữa các ông. Chính các ông khi đi đường cũng đã từng tranh luận xem ai là người lớn nhất trong số họ. Với giáo huấn của Chúa Giêsu, mọi chức tước, quyền bính, địa vị đều nhằm mục đích duy nhất là phục vụ. Các thủ lãnh trong cộng đoàn Giáo hội của Chúa phải hiểu chức vụ của mình là một sự phục vụ. Làm lớn là làm đầy tớ của anh chị em, của mọi người. Như Chúa Giêsu, Người đến để phục vụ và thí mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người chứ không phải để thống trị, để bắt người khác phục vụ mình.
III/.Chiêm Ngắm Chúa Giêsu:
Tin mừng hôm nay cho thấy các môn đệ, và có lẽ là tuyệt đại đa số nhân loại luôn mơ ước và nhào nắn một mẫu người lãnh đạo lý tưởng là người có quyền thống trị, chi phối người khác và được người khác phục vụ. Nhưng Chúa Giêsu lại phác họa và đòi hỏi các môn đệ của mình một khuôn mẫu ngược lại. Người lãnh đạo phải là người tôi tớ, người phục vụ. Chính Chúa Giêsu khi nói lên điều ấy, Người đã đi trước, đã thực hiện trọn vẹn điều Người giảng dạy. Người đã hiến mạng, đã phục vụ sự sống nhân loại. Chúa Giêsu là con người phục vụ.
III/. Gợi ý bài giảng:
- Quyền bính trong Giáo hội đến từ sự phục vụ:
Các môn đệ xin Chúa được ngồi bên hữu và tả Người trong vinh quang, nghĩa là xin có một địa vị cao trọng, quyền thế trong Nước Chúa, trong cộng đoàn. Các ông cũng đã từng tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong số họ. Sự kiện này phản ánh não trạng tham chức, ham quyền, hám lợi danh của con người. Chỉ muốn mình được ở trên người khác, được người khác cung phụng, phục vụ. Lời dạy của Chúa Giêsu chỉ ra cách thế để có địa vị, để được làm lớn, làm lãnh đạo đó là hạ mình xuống làm đầy tớ phục vụ mọi người. Một lời dạy, một cách thế nghịch lý, nếu không muốn nói là phi lý. Đối với Chúa, điều làm nên môn đệ của Người không phải là quyền bính, chức tước mà là sự phục vụ. Quyền bính chỉ có thể đến với những ai biết phục vụ và chân thành phục vụ anh chị em mình. Ai càng biết hạ mình phục vụ, càng có uy thế trước cộng đoàn, trước Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã đi trước thực hiện trọn hảo điều Người dạy. Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại. Môn đệ Đức Kitô cũng phải đi vào con đường khiêm hạ phục vụ của Thầy mình. Ngày nay, là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta đã và đang hạ mình phục vụ như thế nào? Hay đang là những người mơ ước và tìm mọi cách ngay cả cách bất chính, bất công để tìm kiếm danh vọng địa vị trần thế.
- Để trở nên đầy tớ mọi người:
Chức quyền danh vọng, địa vị, tự thân nó không xấu. Trong một cộng đoàn, một xã hội luôn cần có người đứng đầu để điều hành, lèo lái thì cộng đoàn ấy, xã hội ấy mới có thể vận hành tốt và tiến tới. Việc làm hết sức mình vì lợi ích chung, vì mọi người của người lãnh đạo là thái độ phục vụ chân thành. Ngày nay, người ta cũng đã nhận thức được lãnh đạo là phục vụ: nào là “đầy tớ của nhân dân”; quan chức là “nô bộc của dân”… Nhưng để sống tinh thần hạ mình làm đầy tớ phục vụ mọi người theo tinh thần của Chúa Giêsu không phải là chuyện dễ dàng. Theo tinh thần của Lời Chúa dạy, sự phục vụ có nghĩa là làm cho cộng đoàn được chăm sóc, mọi người được chăm lo, được lớn lên. Do đó, Kitô hữu trở nên người đầy tớ phục vụ anh chị em mình là làm cho họ được yêu thương, được quan tâm, được khơi dậy những tiềm năng phát triển đời sống toàn diện. Ngai vàng, quyền bính mà Chúa Giêsu hứa và mời gọi mọi người là hãy yêu mến như Người, hãy thí mạng sống vì tha nhân như Người. q
III/.Lời cầu chung:
Mở đầu: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đến trần gian để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại chúng ta. Trong tâm tình tri ân, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
- Mọi quyền bính, phẩm trật trong Giáo hội đều là các thừa tác viên của Chúa, nghĩa là nhằm để phục vụ Giáo hội, con người và thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục và Linh mục luôn thấm nhuần và sống đúng tinh thần hạ mình làm đầy tớ phục vụ mọi người như Chúa Giêsu đã sống và dạy dỗ.
- Ai muốn làm lớn thì hãy tự làm đầy tớ anh chị em. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia được tràn đầy ơn thánh, luôn ý thức trách nhiệm phục vụ của mình để hết lòng tận tụy phục vụ, làm cho dân nước ngày càng phát triển, được thịnh vượng, tự do và hạnh phúc.
- Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết yêu thương phục vụ lẫn nhau trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ bằng sự hy sinh và sự giúp đỡ nhau chân thành.
Lời kết: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để phục vụ nhân loại chúng con bằng việc hy sinh chết trên thập giá để cho chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho mỗi người chúng con đây luôn biết mang lấy tinh thần phục vụ của Chúa để sống và đối xử chân thành với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN-B
Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐAU KHỔ- Lm. Hồng Phúc
Các bài phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa sự đau khổ trong chương trình cứu chuộc. Bốn câu thi văn của Isaia về người Tôi tớ đau khổ là chóp đỉnh của Cựu ước, là mạc khải ý nghĩa của sự đau khổ. Trước đây, người ta quan niệm sự đau khổ là hình phạt do tội lỗi. Đành rằng người phạm đến Thiên Chúa thì đáng lãnh nhận một hình phạt, nhưng rồi cả những ngươì trong trắng, các trẻ em vô tội và người công chính, các vị tử đạo cũng phải đau khổ. Người ta đi đến quan niệm rằng người công chính đau khổ có thể chuộc thay tội lỗi của người khác. Người Tôi tớ của Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu đến, dùng sự đau khổ để cứu chuộc nhân loại.
Thánh Thư Hêbrêô gọi Chúa Giêsu là vị Thượng tế, “vì Ngài trải qua thử thách bằng đau khổ, thì Ngài có thể đáp ứng những ai chịu chử thách” (Hêb. 2,17). Ngài cũng là người anh em của chúng ta, vì Ngài cũng chia sẻ sự yếu hèn của chúng ta, khi nhận lãnh sự cám dỗ trên núi, khi lo buồn hấp hối trong vườn Cây Dầu: “Xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41); “Nhưng nếu chén này không thể qua đi được mà con phải uống thì xin theo ý Cha” (c. 42). Với lời Fiat của Chúa Kitô, chúng ta có thể hiệp thông sự đau khổ của chúng ta làm giá cứu chuộc với Chúa vậy.
Phúc âm kể lại việc can thiệp của hai con của ông Giêbêđê, muốn được ngồi bên hữu và bên tả Thầy trong vinh quang. Việc đó đã gây bất bình cho các Tông đồ khác. Chúa Giêsu dùng dịp này để giải thích điều kiện làm lớn trong Nước Trời. Không có vấn đề nào lớn lao cho bằng vấn đề đau khổ. Vì sao đau khổ? Đây là câu trả lời của Chúa: Đau khổ là để phục vụ, một việc phục vụ công hiệu hơn cả. Cha Maximilien Kolbe đã hy sinh để cứu một người bạn tù khỏi chết phần xác thì Chúa Giêsu đã chết cho mọi người để họ được sống đời đời. Ngài nói: “Con người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Phục vụ là cứu thoát, là dấn thân. Vì thế, trước ngày đi chịu nạn, Chúa đã quì dưới dân các Môn đệ, rửa chân cho họ và phán: “Chúng con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu chúng con. Thầy ở giữa chúng con như một người tôi tớ”.
Như vậy, chúng ta mới hiểu vai trò của quyền bính trong Giáo Hội. Quyền bính được trao cho ai là để người đó giúp đỡ anh em có phương tiện phát triển, là để phục vụ kẻ khác chứ không phải để cho mình tiến thân. Người nắm quyền bính tối thượng trong Giáo hội là người “đầy tớ trên mọi đầy tớ”, servus servorum. Ngày này, không ai lại không biết Mẹ Têrêxa, thành Calcutta, một nữ tu Bác ái, áo trắng viền xanh, lặn lội với các chị em cùng dòng, để cứu giúp những người hấp hối nằm la liệt bên vỉa hè thành phố Calcutta, Ấn độ, để “cho họ được hưởng những giây phút hấp hối cuối đời xứng là một con người, trước khi chết”. Trước đây, có một vị Sư Phật Giáo nói với Mẹ: “Tôi biết và yêu mến Đức Kitô lắm. Nhưng tôi ghét Hội thánh của Ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ chúng tôi có thể gặp gỡ Hội thánh của Đức Kitô”. Sau một năm làm việc với Mẹ, vị sư phát biểu: “Tôi đã quan sát. Bây giờ tôi thực sự tin các chị chỉ làm việc để phục vụ người nghèo và xấu số nhất. Chúng tôi sẽ dâng cho các chị một ngôi nhà trong khuôn viên Chùa chúng tôi để làm bệnh xá miễn phí”.
Phục vụ người nghèo là phương cách làm cho kẻ khác biết Chúa và thương mến Giáo hội.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
PHỤC VỤ VÀ HẠNH PHÚC- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
Dường như hầu hết mọi người đều nghĩ: giầu sang chức quyền, được người khác phục vụ, là điều đáng ao ước và làm người ta hạnh phúc! Thái độ của các tông đồ trong Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy như vậy. Gioan và Yacôbê mong ước được ngồi bên phải bên trái khi Đức Giêsu “lên ngôi”, còn các tông đồ khác tức tối khi biết Gioan và Giacôbê “chơi gác” mình. Nếu các tông đồ khác không tham muốn như hai anh em Gioan và Giacôbê, chắc các ngài không đến nỗi phải tức bực như vậy.
Đức Giêsu không cho Gioan và Giacôbê điều các ông mong muốn, vì đó không là điều tốt cho hai ông: “các anh không biết điều các anh xin”! Và Đức Giêsu đã cho hai tông đồ Gioan và Giacôbê điều tốt hơn: “Chén thày uống các anh sẽ được uống”, còn chuyện ngồi bên phải hay bên trái (không cần thiết cho hai anh) thì tùy Thiên Chúa Cha xếp đặt. Ngài sẽ xếp đặt cho ai Ngài thấy tốt nhất, tốt nhất cho người đó và tốt nhất cho cả Hội Thánh nữa.
Có nhiều điều chúng ta xin mà không được, vì điều đó không tốt cho chúng ta.
Phục vụ là hạnh phúc
Đứng trước thái độ của các tông đồ, Đức Giêsu đã gọi họ lại, dạy cho họ biết rằng người đời thì tìm được phục vụ, còn trong vương quốc của Ngài thì không như vậy: “ai muốn làm đầu thì phải làm tôi tớ phục vụ người khác”.
Cảm nghiệm hạnh phúc khi phục vụ người khác, đó là một ơn mà ngay cả các tông đồ trong thời gian đầu tiên cũng chưa cảm nghiệm được. Ước gì con người hiểu rằng chính khi mình phục vụ, chính khi mình giúp người khác hạnh phúc, thì chính mình cũng được hạnh phúc.
Yêu thì hạnh phúc hơn là được yêu. Phục vụ thì hạnh phúc hơn là được phục vụ. Ai cảm nghiệm được điều này, thì không ai tước được hạnh phúc nơi họ. Đây là một ơn mà chúng ta cần xin cho nhau.
Phục vụ theo gương Đức Giêsu
Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng làm giá chuộc con người. Ngài trở nên giống con người mọi đàng, Ngài chia sẻ những giới hạn của con người. Có thể nói: ai bị cám dỗ thử thách như thế nào thì Đức Giêsu ít nhất cũng bị cám dỗ và thử thách như vậy.
Ngài trở thành tôi tớ phục vụ con người! Tại sao Ngài phải sinh trong chuồng chiên cừu nghèo hèn như vậy? Tại sao Ngài phải lang thang rong ruổi hết nơi này nơi kia để rao giảng Tin Mừng? Tại sao Ngài phải bữa đói bữa no? Tại sao Ngài phải ngủ bờ ngủ bụi “chồn cáo có hang chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu”? Tại sao Ngài phải nói sự thật để phải chết? Tại sao bây giờ Ngài vẫn tự hủy nơi bí tích Thánh Thể? Tất cả là để phục vụ con người, để con người biết sự thật về Thiên Chúa, về tình yêu Thiên Chúa đối với con người đến độ nào. Và Ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn là con người nhận ra sự thật, được giải phóng và hạnh phúc.
Phục vụ là thái độ của người tôi tớ. Tôi tớ không ra lệnh cho chủ, không đòi chủ làm theo ý mình, không đòi chủ phải tôn trọng mình, nhưng sẵn sàng làm tất cả để thực hiện ý chủ. Người tôi tớ là người sau khi phục vụ xong, phải luôn luôn coi mình là tôi tớ vô dụng (Lc.17, 10). Ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ người khác. Đức Giáo Hoàng vâng theo lời Đức Giêsu, nên coi mình là “tôi tớ của các tôi tớ”. Tuy vậy, các môn đệ của Chúa phải phục vụ lẫn nhau: “Thầy đã rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga.13, 14). Không ai được đòi người khác phục vụ mình, cũng như không ai được từ chối phục vụ. Thái độ đòi người khác phục vụ mình, cũng như từ chối người khác “rửa chân” cho mình, đều là thái độ của người kiêu ngạo, không phải là thái độ của môn đệ Đức Giêsu.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1/.Bạn được đánh động bởi gương phục vụ của ai nhất? Về điểm nào?
2/.Theo bạn, thái độ phục vụ đích thực đòi hỏi điều gì?
3/.Bạn có cảm nghiệm hạnh phúc khi phục vụ người khác bao giờ chưa? Làm sao để bạn hoặc người khác cảm nghiệm hạnh phúc khi phục vụ?
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN-B
CON ĐƯỜNG VƯƠNG GIẢ- Lm. Giuse Lê Quốc Hưng
Ước muốn làm lớn hay ước muốn được trở nên cao trọng luôn được ấp ủ trong nơi sâu kín của tâm hồn mỗi người chúng ta. Ai lại chẳng muốn làm lớn? Ai lại chẳng muốn trở nên cao trọng? Điều này là một thực tại phù hợp với bản tính con người, vì chúng ta là thụ tạo “linh ư vạn vật”, được Thiên Chúa cao cả yêu thương tạo dựng theo giống hình ảnh của chính Người mà!
Điểm đáng lưu ý ở đây là điều gì làm cho chúng ta trở nên cao trọng thực sự? Đây chính là một trong những chủ đề được nhận thấy trong Phụng Vụ hôm nay.
Trong đời sống xã hội, người ta thường quan niệm việc làm lớn hay trở nên cao trọng luôn gắn liền với quyền bính, chức tước, danh vọng. Như vậy, làm lớn đồng nghĩa với việc được phục vụ, được ca tụng, được ngưỡng mộ. Biết bao người đã xử dụng mọi thời giờ, vận dụng mọi tài sức, chấp nhận mọi hy sinh và lắm khi không từ nan mọi thủ đoạn đê hèn để thực hiện ước muốn đạt được danh vọng, chức tước, quyền bính trong nhiều lãnh vực khác nhau: chính trị, kinh tế, văn nghệ, thể thao…và cả tôn giáo nữa!
Các môn đệ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu vì vốn nghĩ Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai và Đấng Thiên Sai đầy quyền bính trong lời nói và hành động. Như thế, chắc hẳn sẽ có ngày Người đạt tới một thứ vinh quang cao trọng nào đó, như Thánh Vương Đavít năm xưa chẳng hạn. Và chắc chắn họ sẽ được chia sẻ vinh quang với Người. Như để nắm chắc được phần thưởng tương lai, hai anh em con Ông Giêbêđê trong Tin Mừng hôm nay đã mạnh dạn đến bày tỏ với Chúa Giêsu ước muốn thầm kín xưa nay của họ: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy” (Mc10:37). Chúa Giêsu không trách mắng các ông vì sự mê muội của các ông, nhưng Người nhẹ nhàng hướng các ông về mầu nhiệm Thập Giá khi nói các ông: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10: 38).
Vốn có cùng ước muốn làm lớn theo lối thế gian như hai anh em con Ông Giêbêđê, mười môn đệ còn lại trong Nhóm Mười Hai nghe chuyện đó liền bực tức với hai ông. Chúa Giêsu nhân cơ hội này đã dạy các ông một bài học để đời, một bài học về con đường vương giả dẫn đến vinh quang đích thực, giúp người ta đạt được ước muốn làm lớn thực, trở nên cao trọng thực.
Đó là con đường Thánh Giá, con đường yêu thương được thể hiện qua tinh thần khiêm nhường phục vụ, xả kỷ vị tha. Đó là con đường mà chính Chúa Giêsu đã khai mở và bước đi đến cùng để cứu độ nhân loại, để trở thành Vua lòng mọi người, để trở thành gương mẫu tuyệt hảo cho mọi người bước theo. Người nói: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10:42-45).
Hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu-Đấng Mêsia-được ngôn sứ Isaia đã diễn tả như Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa nơi bài đọc một: “Chúa đã muốn hành hạ Người trong đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ Người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của Người, Người sẽ thấy và sẽ được thỏa mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hóa nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ” (Is 53:10-11).
Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái trong bài đọc hai cũng nhắc lại việc Đấng Cứu Thế đã vì yêu thương loài người mà gánh lấy mọi đau khổ thử thách để cứu chuộc chúng ta. Chính vì thế mà Người đã trở thành Vị Thượng Tế đem lại ơn cứu độ cho chúng ta: “Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng Tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4:15).
Theo cùng một tinh thần ấy, tác giả sách Gương Chúa Giêsu nhận ra rằng Thiên Chúa chính là Đấng phụng sự con người hơn là Đấng để cho người ta phụng sự khi viết: “Mọi của con có, mọi cái con dùng để phụng thờ Chúa thảy đều là của Chúa! Mà xét lại, chính Chúa đã phụng sự con nhiều hơn là con phụng sự Chúa. Kìa, trời và đất Chúa đã tạo nên để mưu ích cho người đời; chúng sẵn sàng luôn và ngày ngày thi thành mệnh lệnh Chúa. Hơn nữa, Chúa đã tổ chức nên sứ bộ thiên thần cũng vì nhân loại. Nhưng cái trỗi vượt hơn cả chính là Chúa đã tự hạ để phụng sự người đời, và Chúa đã tự đoan sẽ ban cả mình Chúa cho người đời nữa” (Q. III, Ch. #10).
Bàn về sự cao trọng của con người, Mẹ Terêsa Calcutta nói: “Bạn được dựng nên cho những điều cao cả hơn: để yêu và được yêu”. Và Mẹ luôn tâm niệm: “Hoa trái của yêu thương là phục vụ” và “Yêu thương là trao ban đến đớn đau”. Đó là lý do khiến Mẹ từ giả đời sống êm đềm của một nữ tu dạy học để tìm đến phục vụ những người cùng khổ bị bỏ rơi trên những khu ổ chuột ở Calcutta và lập nên Dòng Thừa Sai Bác Ai. Đó cũng là lý do khiến Thánh Đamien đang là một linh mục Dòng Thánh Tâm tráng kiện tình nguyện đến sống và phục vụ những người phong cùi ở đảo Molokai, và chia sẻ cả bệnh phong cùi với họ, chết giữa họ. Đó cũng là lý do biết bao tín hữu Chúa Kitô tiếp tục dấn thân âm thầm phục vụ tha nhân đến hy sinh chính mình, trong mọi môi trường trong mọi nơi mọi thời mà chỉ có Chúa mới có thể thẩm định đúng mức sự cao cả của tình yêu trong trái tim họ.
Trong tác phẩm Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể về chứng từ của cô Sophie Berdanska. Vì túng nghèo, cô phải đi làm thuê cho một gia đình Do Thái tên là Merston. Công việc của cô là chăm sóc mấy đứa con của ông chủ. Biết Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là cô “không được giảng đạo” cho con cái ông. Tối hôm ấy, Sophie lấy một miếng giấy nhỏ ghi ít chữ vào đó rồi bỏ vào huy chương ba cô trối lại và đeo vào cổ. Các con ông chủ nhiều lần đòi coi huy chương ấy, nhưng cô không cho. Nhờ sự chăm sóc tận tâm của Sophie, các con ông Merston càng ngày càng ngoan ngoãn giỏi giang. Ít năm sau, các con ông lần lượt đau nặng. Cô Sophie tận tình lo lắng phục vụ lũ trẻ, và chúng lần lượt được bình phục. Nhưng vì quá tận tâm lo cho chúng, Sophie kiệt sức và qua đời. Ít lâu sau, ông Merston tình cờ mở chiếc huy chương nàng để lại và đọc được hàng chữ trong mảnh giấy trong đó: “Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn”. Chợt hiểu ra tất cả và cảm phục Sophie, cả gia đình Merston sau đó đã xin theo đạo! Sophie là người đã hiểu và bước theo con đường vương giả của Chúa Giêsu, đường yêu thương phục vụ, đường xả kỷ vị tha!
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của tình yêu mỹ diệu. Xin Mẹ dạy con biết trung thành và vui tiến trên con đường vương giả của Chúa Giêsu, đường yêu thương phục vụ, đường xả kỷ vị tha, để đạt được vinh quang đích thực là được nên giống Chúa Giêsu, nên một với Người, và cảm hóa mọi người thiết tha yêu mến Chúa và Mẹ. Amen.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
HY TẾ- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Khi bước vào trong nhà thờ Công giáo, chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh đau thương của Chúa Giêsu Kitô chết treo trên Thánh giá nơi cung thánh. Thân mình Chúa trần trụi, đầu đội mạo gai, hai chân hai tay bị đóng đinh vào thánh giá, cạnh sườn bị đâm thủng, mình mẩy dính đầy máu và chết trong tư thế gục đầu xuống. Cái chết của Chúa thật bi thương. Những người tin vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế đã kính thờ bái lạy và ghi dấu thánh giá trên mình. Chúa đã hiến thân mình làm hy tế để giao hòa nhân loại với Chúa Cha. Của lễ hiến tế là chính thân xác của Chúa Giêsu. Chúa Kitô đã chết trên Thánh giá và đã sống lại vinh hiển đang ngự bên hữu Chúa Cha. Nhiều người không biết và không tin vào Chúa Kitô, họ không thể hiểu tại sao người Công giáo lại tôn thờ một Đấng, bị xem như là tội nhân của đế quốc Rôma đã phải xử tội tử hình.
Tiên tri Isaia đã tiên báo về Đấng sẽ đến, người tôi tớ trung tín và công chính sẽ chịu khổ hình để gánh tội: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11). Làm người ai cũng muốn sống an vui và hạnh phúc, chẳng mấy ai muốn đời mình bị đau khổ. Thực ra, chỉ có đau khổ mới hoá giải được khổ đau. Nếu chúng ta không gặp đau khổ, chúng ta không biết thế nào là vui sướng hạnh phúc. Nếu chúng ta không có đau đớn bệnh hoạn, chúng ta không biết mình đang an khang khoẻ mạnh. Người tôi tớ công chính đã lãnh chịu mọi thống khổ ở đời để biến đổi nó thành hoa trái tốt lành của ơn cứu độ.
Người Tôi Trung của Tiên tri Isaia là hình ảnh của Đấng Được Xức Dầu, Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã chấp nhận thân phận con người yếu đuối, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã chọn con đường thánh giá để giao hoà. Thư gửi tín hữu Dothái đã viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 14,15). Con đường Chúa đi là con đường ngược chiều, có nhiều đau thương và chông gai. Thư Dothái gọi Ngài là Thượng Tế để gắn kết với hy tế mà chính Ngài đã hiến dâng. Hy lễ đền tội cho nhân loại hiến dâng lên Thiên Chúa Cha một lần là đủ.
Câu truyện trong bài Phúc Âm rất tuyệt vời. Thánh Marcô rằng hai anh em ông Giacôbê và Gioan đến gần Chúa và thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Sự khẩn cầu của hai ông cũng giống như sự cầu xin hằng ngày của mỗi người chúng ta. Mở lời cầu xin, nếu nhận được ơn ngay, thì dễ dàng quá. Ai cũng có thể cầu xin được. Chúa Giêsu vạch rõ con đường mà mỗi Kitô hữu phải đi qua: Đức Giêsu nói: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”(Mc 10,38). Không trải qua đắng cay thử thách, chúng ta không thể đạt được triều thiên vinh quang. Chúa Giêsu đã thẳng thắn trả lời cho hai ông và các Tông đồ về cách sống đạo. Muốn được hưởng vinh quang, các ngài phải uống chén đắng mà Chúa sắp uống. Có nghĩa là phải sống, phải tu luyện, phải phấn đấu trường kỳ và phải chịu mọi thử thách gian nan trong niềm tin.
Ngày nay, có những phong trào đưa dẫn nhiều người đi qua con đường tắt. Họ mở ra cho thấy hào quang thánh thiện hiện diện ngay trong đời sống mà không cần phải trải qua tu luyện và thử thách. Cứ đến mà xin, xin gì được nấy. Không phải tốn phí tiền bạc, thuốc thang, thời gian trị liệu hay phải hy sinh từ bỏ điều gì. Kiểu hành đạo quá nhẹ nhàng, dễ dãi và thoải mái, ai mà không mến chuộng. Có nhiều người quan niệm rằng chúng ta cứ tụ nhóm đọc kinh cầu nguyện và xin ơn chữa lành, Chúa sẽ ban cho tất cả. Trong khi đó chúng ta chối từ chén đắng của sự hy sinh, từ bỏ, sám hối, tránh tội, kiêng cữ và hãm mình. Chúng ta chỉ muốn thực hành đạo tại chỗ nơi hội họp và xin đừng nhắc đến đời sống riêng tư lầm lỗi. 2.000 năm trước, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các Tông đồ về hành trình theo Chúa. Các ngài phải qua thánh giá và đau khổ để bước vào vinh quang.
Chúa Giêsu rất hài lòng với câu trả lời của hai ông: Các ông đáp: “Thưa được”. Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”(Mc 10,39). Chúa Giêsu đã uống chén đắng qua tất cả những khổ đau mà Ngài phải chịu. Chúa bị người đời ruồng bỏ, chống đối, tẩy chay, khinh dể, nhạo báng, đánh đập, xô đẩy, khạc nhổ, la hét, phản bội, chối từ, đóng đinh và chết trên thập giá. Chúa chấp nhận tất cả như người tôi tớ trung tín để cảm thông mọi nỗi cơ cực của con người. Hai Tông đồ Gioan và Giacôbê đã đi trọn con đường theo Chúa. Tông đồ Giacobê là người đầu tiên trong mười hai tông đồ đã đổ máu đào làm nhân chứng cho Chúa Giêsu đã chết và sống lại. Thánh Gioan đã một đời rao giảng về tình yêu của Chúa và tín trung cho đến giây phút cuối cùng.
Tin vào Chúa là bước theo con đường Chúa đã đi. Chúng ta không thể đi theo con đường tắt để đạt vinh quang. Con đường vắn gọn, thư thái nhẹ nhàng chỉ là bánh vẽ và ảo tưởng. Muốn hành đạo tốt, chúng ta phải bước xuống: “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em”(Mc 10,43). Sống đạo phải khởi đi từ trái tim yêu thương. Chúa Giêsu đã trải nghiệm kiếp người trong khiêm hạ phục vụ. Chúa là Thầy và là Chúa đã quỳ xuống, lấy nước rửa và lau chân cho các môn đệ. Chúa đã không loại trừ một ai, cho dù Chúa biết có những đôi bàn chân không xứng đáng. Chúa đã hạ mình xuống tận cùng để lãnh nhận công việc của người tôi tớ. Từ đáy vực thẳm thấp hèn, Chúa đã nâng con người lên làm bạn hữu và được đồng thừa tự vinh quang trong Nước Chúa.
“Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”(Mc 10,44). Lấy tinh thần phục vụ để làm thước đo giá trị đời mình. Phục vụ trên môi miệng thì rất dễ dàng nhưng phục vụ qua hành động mới mang giá trị. Đôi khi thực hành một việc rất nhỏ nhưng có giá trị lớn. Tự hỏi: Ai là người tôi tớ phục vụ trong mái ấm đời sống gia đình? Phải chăng là người mẹ. Mẹ không than van hay quản ngại việc gì, dù bề bộn khó khăn, bẩn thỉu và dơ dáy. Hằng ngày mẹ lau chùi nhà vệ sinh, quét dọn nhà cửa, rửa ráy từng cái ly, cái chén mà chồng con đã vô ý chất chồng trong bồn rửa. Có khi người bố và các con nghĩ rằng đã có người làm việc trong nhà, nên cứ việc bừa bãi. Người mẹ cứ phải nai lưng chịu đựng (after you). Trong đời sống chung, chúng ta đừng quá ỷ lại vào người khác. Mỗi người có thể góp phần phục vụ lẫn nhau, có đi có lại mới toại lòng nhau.
Chúa Giêsu mở con đường phục vụ trong khiêm hạ: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mc 10,45). Một lời mời gọi phục vụ chân tình đối với tất cả các phẩm trật trong Giáo Hội. Đặc biệt trong các giờ phụng vụ thánh lễ và các nghi lễ, linh mục và các thừa tác viên có những trách nhiệm và bổn phận riêng phải chu toàn. Chúng ta hãy ý thức tôn trọng lẫn nhau, đừng dẫm chân lên nhau, đừng lớn tiếng phàn nàn, đừng tỏ thái độ cau có và xúc phạm danh dự của nhau. Chúng ta cùng đến để phục vụ cộng đoàn, chứ không phải được phục vụ.
Lạy Chúa, con đường Chúa đã đi xưa là con đường khổ giá, khiêm tốn và phục vụ, xin cho chúng con biết dõi theo lối gót của Chúa để cùng xả thân hy sinh phục vụ tha nhân.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT?- Lm Giuse. Vũ Tiến Tặng
Như chúng ta đã biết, vào thời điểm hiện nay tại Hoa Kỳ, người dân của cường quốc này đang chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống. Để lấy điểm dân chúng, các chiến dịch vận động tranh cử được các ứng cử tổ chức rầm rộ và quy mô, nhiều điều hứa hẹn được nêu ra qua các cuộc tranh luận…Tuy nhiên nói và làm là hai điều khác nhau. Đôi khi người ta không thực hiện được lời hứa. Có muôn ngàn lý do được nêu ra để thanh minh, nào là những khó khăn khách quan, nào là những hoàn cảnh ngoại cảnh tác động. Điều đáng nói ở đây vẫn là sự thiếu tinh thần trách nhiệm và thiếu tâm. Người ta vẫn nói rằng khoảng cách xa nhất vẫn là từ miệng lưỡi đến trái tim.
Nhân lời đề nghị của hai anh em trai Giacôbê và Gioan nhà Zêbêđê về chỗ ngồi trong nước vinh quang, Đức Giêsu đã cho các môn đệ của mình bài học về tinh thần trách nhiệm phục vụ trong bất kể chỗ đứng nào của mình: “Ai muốn làm lớn thì trở nên người phục vụ. Ai muốn làm đầu thì hầu tất cả mọi người” (Mc10, 43-44).
Đức Giêsu đã thực sự sống điều này trước khi nói ra cho các môn đệ mình. Hành động của Người luôn luôn phù hợp với những gì Người chỉ dạy. Nơi Người không hề có khoảng cách giữa lời nói và thực hành, “vì chưng Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mc10, 45). Đức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã tự hạ mình xuống tận đáy của nhân loại để chia sẻ kiếp phàm nhân với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, nhằm nâng chúng ta lên địa vị làm con cái yêu dấu của Thiên Chúa.
Với Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi đặt trọng tâm đến ý nghĩa của sự phục vụ hơn là tìm cho mình một chỗ đứng. Đó là điều căn bản để tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Đây cũng là cách thức nhìn nhận sự việc bằng con tim để tránh đi cái nhìn phiến diện bề ngoài.
Mỗi người đều có một chỗ đứng khác nhau để cùng xây dựng một kế hoạch chung trong tổng thể của việc cộng tác vào công trình sáng tạo. Tất cả công sức riêng của mỗi cá thể đều góp vào phần vào thành quả tốt đẹp chung. Cha Mẹ yêu thương con cái và làm hết bổn phận của mình để chúng được lớn lên về mọi phương diện. Người vợ và người mẹ được mời gọi trao hiến đời mình để phục vụ chồng và con. Cũng vậy, người chồng cần dấn thân để trở nên chỗ dựa cho vợ và con mình. Về phần mình, bậc làm con cần phải tôn trọng và vâng phục cha mẹ. Trong gia đình, mỗi thành viên thấy được chỗ đứng của mình để phục vụ người khác. Đó chính là bí quyết của hạnh phúc gia đình.
Trong khi suy niệm Lời Chúa của Chúa Nhật tuần 29 này, chúng ta nhớ đến thánh Phanxicô Khó Khăn, người đã muốn trở nên giống Đức Giêsu và sống sát với tinh thần Tin Mừng của Người. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên sứ giả của tình thương và hòa bình:
“Lạy Chúa từ nhân
Xin cho con biết mến yêu
Và phụng sự Chúa trong mọi người
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm
Ðem niềm vui đến chốn u sầu
Lạy Chúa xin hãy dậy con
Tìm an ủi người hơn được người ủi an
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí
Ơn an bình”.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B
HẦU HẠ VÀ HIẾN MẠNG SỐNG- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Ở Việt Nam thời đệ nhị Cộng Hòa, 11 liên danh tranh cử làm Tổng thống, 480 người tranh nhau 60 ghế Thượng Viện và 1650 ông bà tranh giành những chiếc ghế Hạ Viện.
Thời nào và ở đâu đâu cũng có những người tranh nhau làm lớn để “lấy quyền hành áp chế dân, bắt dân phục vụ mình”. Đó là lý do người đời tranh nhau địa vị. Nhưng khi họ gặp nguy khốn, họ bỏ chạy trốn trước nhất. Họ thật là hèn nhát!
Còn những chức vụ cần phải hy sinh gian khổ, như bầu Ban Hành Giáo các xứ đạo, các đoàn thể từ thiện, đạo đức thì chẳng thấy ai tranh cử. Ai được bầu thì tìm hết cách từ chối.
Từ hai ngàn năm trước, Đức Giêsu cho ta thấy: Những thủ lãnh các nước lấy quyền sai khiến dân như ông chủ. Ông chủ thời xưa là người đầy quyền lực muốn bắt đầy tớ làm gì, đầy tớ phải làm theo, dù cực nhọc, khốn khổ đến đâu cũng không được từ chối. Nhiều nơi, đầy tớ như nô lệ, chủ cho sống thì sống, muốn giết thì giết. Thật kinh khủng! Đặc quyền đặc lợi như thế, ai chẳng ham. Đang tuổi đầy tham vọng và lợi dụng là anh em chú bác với Đức Giêsu, hai anh em thanh niên Giacôbê và Gioan tưởng Thầy mình lên thủ đô Giêrusalem với quyền phép lạ lùng thế này, chắc sẽ lên ngai vua dễ dàng, nên hai anh đã đến xin cho mình được ngồi hai bên tả hữu của Thầy trong vinh quang nước Thầy. Đức Giêsu đã tức khắc sửa sai thói tham danh tham lợi trần tục đó và bảo: “Các anh không biết điều các anh xin! Các anh có uống nổi chén đắng Thầy sắp uống hay có chịu nổi phép rửa Thầy sắp chịu không?”.
Các anh thưa được. Các anh thưa đại đi, chứ các anh đâu có biết chén đắng đó là gì, phép rửa đó là gì. Mãi đến khi Người bị bắt, bị đánh đòn, bị vác thập giá, bị đóng đinh, bị đâm thấu tim, máu cùng nước chảy ra, lúc đó, các anh mới hiểu chén đắng là hy sinh chịu xỉ nhục chua xót, chịu đau khổ cay đắng. Chịu phép rửa là đổ máu và nước trong trái tim ra để yêu thương hiến mạng sống làm giá cứu độ muôn người. Thấy thế, các anh trốn mất, chẳng còn thấy các anh đâu nữa.
Thật đắng cay, chua xót đến chừng nào! Nhưng Đức Giêsu đã hết sức bình tĩnh chỉ dẫn thêm cho mấy anh: “Ai muốn làm lớn, phải làm kẻ hầu hạ, ai muốn làm đầu, phải làm đầy tớ mọi người, vì Con Người đến không để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người”. Con Người đây chính là Đức Giêsu. Lời đó chính là Hiến Chương Nước Trời, là Hiến Pháp của Đức Kitô tuyên bố cho Giáo Hội, cho các cộng đồng Kitô giáo, cho các môn đệ: Mỗi người đều phải là đầy tớ mọi người. Không phải bô bô ngoài môi, ngoài miệng mình là đầy tớ, nhưng là sống đầy tớ, phục vụ mọi người thực sự mới phản chiếu rõ nét hình ảnh của Đức Giêsu. Trong Giáo Hội cần nhấn mạnh đến nguyên lý đó, để từ bỏ những đầu óc vụ lợi, vụ những danh hiệu, chức vị, danh dự, huy chương, phong thần, phong tước.
Chỉ có một nguyên tắc độc nhất là tôi tớ khiêm tốn hèn mọn. Những chức vụ có vai trò đặc biệt chỉ nên gọi là thừa tác, trợ tá, theo đúng nghĩa chữ La tinh minister là tôi tớ, chứ không phải bộ trưởng, thủ trưởng theo lối dịch tôn ty phong thần của người đời, không phải của đạo Đức Kitô.
Trong Giáo Hội Đức Kitô chỉ có kẻ thừa sai, thừa tác, trợ tá, tôi tá, nhân viên phục vụ hay mục tử, là đầy tớ chăm lo, săn sóc chiên như Đức Giêsu. Đức Kitô dầu là Con Thiên Chúa quyền phép vô cùng, Người không đến để ngự trị, nhưng để hầu hạ, không đóng vai trò ông chúa, ông chủ, ông Seigneur, nhưng phục vụ như nô bộc, như nội trợ, như người mẹ đích thực, làm tất cả, phục vụ tất cả, hầu hạ tất cả vì yêu thương con cái. Hầu hạ con từ trong trứng nước tới khi sinh ra, cho đến khôn lớn: Hầu hạ từ những việc đê tiện nhất như hót phân, lót tã, lau nhà, giặt giũ mọi đồ dơ, tắm rửa, nấu nướng, nuôi dưỡng, bú mớm đến những việc cao quý nhất như dạy dỗ con cái thành nhân, thành thánh, thành con Chúa. Người yêu thương hy sinh không còn nghĩ đến mình, sẵn sàng chịu mọi thiệt thòi, vất vả, đau khổ đến hiến cả mạng sống vì hầu hạ con. Hầu hạ như thế còn cao chót vót hơn cả thái sơn, mạnh mẽ tuôn trào hơn cả nước nguồn chảy ra. Đó là tình yêu hy sinh tuyệt hảo xứng đáng là hình ảnh Đức Giêsu.
Hình ảnh của Người đã được thể hiện qua các vị thánh nhân như: Maximiên Kolbê xin xung phong chết thay cho một gia trưởng còn một đàn con dại; như cha Trương bửu Diệp xin chịu bắn thay cho cả đoàn người ẩn náu trong nhà thờ; như thánh Martinô Porres xin bán mình đi làm nô lệ để nhà dòng lấy tiền trả nợ …
Hầu hạ và hiến dâng mạng sống, không phải là thứ phục vụ vì trách nhiệm hay bổn phận bó buộc hay tệ hơn nữa, hầu hạ vì sợ sệt như nô lệ. Cũng chưa phải là hầu hạ và hiến dâng mạng sống khi người ta phục vụ vì thích hy sinh, thích dấn thân, hay hy sinh cầm chừng hoặc hiến dâng có tính toán.
Chỉ khi nào hầu hạ vì yêu thương sẵn sàng hy sinh hiến dâng mạng sống mình cứu giúp người mới đích thực nên giống Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Người đã uống chén đắng, đã chịu phép rửa trên Thánh giá, trở nên người tôi tớ phải tan nát vì đau khổ để thông cảm với mọi nỗi yếu hèn của chúng con, để hiến thân làm lễ vật đền tội chúng con, cho chúng con được ơn cứu sống. Xin cho chúng con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
#cacbaisuyniemloichuachuanhat #suyniemloichuachuanhat #suyniemloichuachuanhatxxixthuongnienb #suyniemloichuagpbr