CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON (*)- Chú giải của Noel Quession 7
NHẬN THỨC ĐẾN TRUYỀN GIÁO- Chú giải của Fiches Dominicales 15
PHÚC CHO NHỮNG AI KHÔNG THẤY MÀ TIN (*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông.. 24
TIN, YÊU VÀ GIỮ GIỚI RĂN- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 49
VÀO TRONG VINH QUANG NGANG QUA THẬP GIÁ- Lm. Đan Vinh HHTM 65
GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH– ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt 74
SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH- Lm. Phêrô Lê Văn Chính 80
NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI ANH EM– Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ 86
LÒNG THƯƠNG XÓT- Lm. Giuse Trần Việt Hùng.. 90
CHỨNG TÍCH LÒNG THƯƠNG XÓT- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC 96
CON MẮT THỨ BA- Lm. Inhaxiô Trần Ngà.. 101
ĐỨC TIN NHƯ TÔMA- Lm Giuse Đinh Tất Quý. 105
ĐỊNH NGHĨA LÒNG THƯƠNG XÓT- Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền.. 113
HIỆN RA CHO CÁC MÔN ĐỒ- Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. 116
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
Lễ Tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót
BÀI ĐỌC I: Cv 4, 32-35
“Họ đồng tâm nhất trí”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 117, 2-4. 16ab -18. 22-24
Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”.
2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
BÀI ĐỌC II: 1 Ga 5, 1-6
“Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.
Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31
“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người. Đó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON (*)- Chú giải của Noel Quession
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở… Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà đó.
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai lần Đức Giêsu Phục sinh “hiện ra” cách nhau tám ngày. Tự nhiên chúng ta dễ để tâm chú ý dện lần hiện ra thứ hai với “Tôma” hơn, vì ta thường đồng hóa với ông, khi trên thực tế ta cũng thấy nơi mình một “kẻ hồ nghi”, một “kẻ cứng lòng tin” và có thể gặp được nơi ông một thứ biện minh cho thái độ thiếu đức tin của ta.
Nhưng dù có thông đồng với Tôma, ta cũng không thể bỏ qua việc đọc trọn vẹn bản văn trên.
Trước tiên, ta cần lưu ý, Đức Giêsu hằng sống thường hiện ra vào Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần, đó có phải là điều ngẫu nhiên không? Ta quá biết rõ, thời đó các Kitô hữu tiên khởi đâu có ngày nào cũng họp nhau lại. Hằng ngày mỗi người đều phải lo sinh kế. Họ không thể luôn sống bên nhau. Vì thế, Đức Giêsu Phục sinh chỉ hiện “đến” trong khung cảnh buổi họp mặt hằng tuần của họ. Chúng ta có thể nhầm lẫn khi coi đức tin như một vân đề hoàn toàn “riêng tư” hay “cá nhân”: ta thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh đăc biệt được nhận biết, thấu cảm, và xác nghiện trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ tập thể. Họ cùng hiện diện với nhau, tập họp chung ‘trong Giáo Hội’.
Các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông.
Vào lúc thánh Gioan viết những dòng trên. Giáo hội đang gặp sợ hãi và bách hại. Các môn đệ Đức Giêsu đã có thói quen tụ họp này tại nhà ông này, mai tại nhà ông khác. Họ đón tiếp nhau. Họ kiểm tra lẫn nhau: có những người rút lui, có những kẻ bồ đức tin, bỏ nhóm. Họ đâm hoảng sợ. Họ đóng kín cửa. Nhưng giờ đây mỗi Chúa nhật như “Chúa nhật đầu tiên” này, “dấu chỉ” bữa tiệc ly lại được cử hành và một cách huyền nhiệm, Đức Giêsu lại lướt qua những kẻ thuộc về Người, trong “nơi mà họ hiện diện” tại Êphêxô, Côrintô, Giêrusalem, Rôma. Đúng vậy mỗi Chúa nhật là ngày Phục sinh! Chúa vẫn luôn hiện diện giữa cuộc sống chúng con. Chính Chúa làm cho chúng con sống động, dù không thấy Chúa nhưng chúng con vẫn tin.
Lạy Chúa, ngày nay chúng con cũng dễ khóa chặt cửa lại vì sợ hãi, khi Thánh Thần Chúa thổi đến, xin cho những bức tường vây hãm chúng con sụp đổ, để chúng con trở lại thời ca vang: Nào ta hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô Phục sinh.
Trước khi đi xa hơn trong việc suy niệm đoạn tin Mừng trên, chúng ta tự hỏi Đức Giêsu muốn giải thoát để phục sinh chúng ta khỏi những tình trạng nào? Khỏi tình trạng bí bức không lối thoát, khỏi tình trạng sợ hãi, đóng cửa cài then, khỏi tình trạng “nguy tử” cho mình? Đó có thể là tội lỗi, thử thách về sức khỏe, đau đớn và thất vọng, khó khăn thuộc phạm vi gia đình, nghề nghiệp. Đó là “Nơi các môn đệ đang hiện diện: đóng cửa cài then!”
Người nói với các ông: “Chúc anh em được bình an”. Thế rồi, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an!”.
Niềm vui Phục sinh, niềm vui Kitô hữu, trước hết không phải là niềm vui dễ dàng, niềm vui tự phát; nghĩa là niềm vui tự nhiên làm ta thấy phấn khởi khi mọi sự đều ổn thỏa, tình trạng sức khỏe khả quan, “tuổi trẻ” vẫn tràn đầy sinh lực, công việc đều thành công, tương quan bạn hữu và gia đình luôn thoải mái. Nhưng niềm vui Phục sinh là niềm vui đến ‘sau’ sự sợ hãi! Đó là niềm vui và sự bình an khơi dậy từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng (từ cái chết của một kẻ bị đóng đinh) mà từ đó trở đi không có gì để cướp đi khỏi họ niềm vui này: đó là niềm vui và sự bình an phát xuất từ “lòng tin” vào Đức Giêsu. Cũng như ngày thứ nhất trong tuần đó, mỗi buổi họp mặt Chúa nhật, Đức Giêsu đều chúc bình an cho ta, qua tiếng nói của Linh mục: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” và Công đồng Vatican II đã tái lập truyền thống xưa “hôn chúc bình an”: các Kitô hữu được mời gọi trao bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô: bắt tay nhau, ôm hôn, mỉm cười với nhau và chào chúc: “Bình an Đức Kitô. Đó không phải là cử chỉ tầm thường, nhưng là “trở nên Đức Kitô” đối với người gần cận của mình; “khi nhiều người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy hiện diện ở đó giữa họ”
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em.
Đó! Chúng ta đâu có thể tưởng tượng được một lời nói như vậy! Thế mà chính Đức Giêsu lập lại cho ta. Tôi là một con người đâu có ra gì, thế mà lại trở nên Đức Giêsu, được sai gởi đến với anh em tôi y như Người đã được “Chúa Cha” sai gởi đến trần gian. Chúng ta đừng lướt qua nhanh những lời trên. Cũng đừng vội vàng gán cho Tôma là kẻ cứng lòng tin. Hãy dừng lại nơi những lời nói trên đây của Đức Giêsu. Ta hãy hiểu biết trách nhiệm trọng đại mà Người trao phó cho ta: “sứ vụ” của Đức Kitô được trao phó cho Giáo Hội và một phần cho tôi. Tôi được Đức Giêsu “sai đi” như Đức Giêsu được Chúa Cha “sai đến”. Một lần nữa tôi phải tìm hiểu ý nghĩa của hai từ trên: “sứ vụ” có nghĩa là “sự sai đi” (bởi tiếng La tinh là “missus”) và “tông đồ” có nghĩa là “kẻ được sai đi” (bởi tiếng Hy Lạp là ‘apostolos’). Khi tôi gặp một người nào trong công việc làm ăn, trong môi trường sống của tôi, thì không phải chỉ nhân danh cá nhân, hay vì lợi ích riêng của tôi, mà chính vì tôi được Đức Kitô sai đến? Tôi phải truyền thông cho bạn một sứ điệp của Đức Giêsu: chính Người nói với bạn những gì tôi sẽ nói với bạn; Người luôn “sống động” trong tôi. Tôi là “miệng lưỡi” của Người, là “thân thể” Người, kề cạnh bạn, để thông tỏ cho bạn tình yêu của Chúa Cha.
Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Đó là việc ban Thánh Thần, một cuộc “tạo thành mới”: Thần Khí của Đức Giêsu được thông truyền cho các môn đệ. Đức Giêsu đã chết “đã tiến về gặp gỡ Chúa Cha” các Kitô hữu tiếp tục công trình của Người. Họ sẽ mang hơi thở sống động của Người, mang Thần Khí Người. Họ sẽ tiếp tục thể hiện những việc làm của Người. Sau này thánh Phaolô sẽ nói: “Anh em là thân hình Đức Ki tô. Anh em là Đền thờ của Thánh Thần”. Còn thánh Gioan cho ta biết, Đức Giêsu lập lại cử chỉ của Thiên Chúa Đấng tạo thành trong sách Sáng thế (St 2,7): “Lạy Thánh linh tạo dựng, xin hãy đến!”.
Đối với Gioan, việc Thánh Thần ngự đến đã xảy ra vào chiều ngày Phục sinh: hoạt động cốt thiết của Đức Giêsu sau khi chiến thắng tử thần, là thông ban “Thánh Thần, Đấng đã Phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết” (Rm 8,11). Trong kinh Tin kính đó là điều cốt yếu ta kháng định về Thánh Thần: “Người là Thiên Chúa, và là Đấng ban sự sống”. Thần Khí được trao ban cho các môn đệ ngay buổi chiều ngày Phục Sinh, sẽ hiện lộ ngời sáng trên công trường năm mươi ngày sau đó, vào ngày lễ Ngũ tuần. Đó là thần khí của Thiên Chúa vừa mới thành công rực rỡ, ta dám nói như thế – khi giật Đức Giêsu ra khỏi quyền lực tử thần, và mạc khải Ngài như con Thiên Chúa, nhờ cuộc Phục sinh. “Xét như Đấng đã được Thần Khí thánh hóa, Người đã được đặt làm con Thiên Chúa với tất cả quyền năng, do việc Người từ cõi chết sống lại” (Rm 1,4).
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.
‘Thắt buộc” và “tháo cởi”, “tha giải” và “cầm giữ”. Kiểu nói này là một hình thức văn phạm của tiếng Aramên: theo đó, người ta dùng hai từ nghịch nghĩa nhau để xác nhận một thực tại cách mạnh mẽ hơn, và để nhấn mạnh tới từ mang tính “tích cực” . Như thể, khi trao ban cho các môn đệ Thần Khí Ngài, Đức Giêsu cũng thông nho họ quyền tháo gỡ con người khỏi sự ác: kể từ đó, ngay tại trần gian, các ông trở nên những kẻ mang” tình xót thương của Thiên Chúa cho mọi người, cũng như Đức Giêsu đã trở nên hiện thân của tình thương đó! “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”. Người Kitô hữu cũng được trao ban cho chính sứ vụ mà Đức Giêsu đã tuyên bố là của Người, trong Hội đường Nagiarét, vào lúc khởi đầu tác vụ: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố một năm hồng ân của Chúa, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc, 4,18-19). Tôi có mang thần khí đó, Thần khí giải phóng, Thần khí ban sự sống, Thần khí yêu mến và tha thứ nhân danh Đức Giêsu không? Tha thứ là một ân huệ Phục sinh.
Một người trong nhóm Mười Hai, nên là Tôma, không có mặt khi Đức Giêsu đến. Ông nói: “Nếu tôi không thấy… tôi chẳng có tin”.
Đó là “con người chậm trễ”. Sau buổi lễ gặp mặt, ông mới tới. Trong Tin Mừng, Tôma luôn là người chỉ tin vào lương tri của mình, là người thiết thực nên nghi ngại cả thái độ liều lĩnh của Đức Giêsu: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu? (Ga. 14,15). Khi Đức Giêsu nói đến sự phục sinh cho Lagiarô, thì Tôma chỉ thấy trước mắt cái chết (Ga 11,15-16).
Tám ngày sau… Đức Giêsu lại đến và nói: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy, đừng cứng lòng tin nữa”.
Một tuần. Tôi thấy như Đức Giêsu đang mỉm cười hóm hỉnh trao đổi với Tôma. Người có vẻ đang nói với ông: “Này anh bạn, bạn tưởng tôi đã chết và khuất mặt, khi bạn bày tỏ thái độ không tin. Nhưng tôi vẫn hiện diện lúc đó, cách vô hình, chứng kiến các bạn nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, lúc đó tôi không tỏ mình ra với các bạn”. Đó là thái độ kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người đã chọn thời gian của Người.
Ong Tôma thưa Người: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”
Đó là tiếng kêu diễn từ một lòng tin của con người đã đòi “chạm, thấy”. Ong đã hiểu được Đức Giêsu cho dù không hiện hình, vẫn có đó! Người hiện diện cả vào giờ phút ông nghi ngờ.
Vì thấy Thầy, nên anh đã tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.
Đó là mối phúc, mối phúc cuối cùng. Những thực tại cao siêu nhất của Thiên Chúa, ta không thể tự mình thấy được. Chỉ có “đức tin” dẫn đưa chúng ta tiến sâu vào những thực tại đó. Và đó chính là hạnh phúc đích thực!
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
TỪNHẬN THỨC ĐẾN TRUYỀN GIÁO- Chú giải của Fiches Dominicales
*1) Từ ‘ngày đầu tuần’
Phần đầu của Phúc âm Chúa nhật này đưa ta đến “sau cái chết của Đức Giêsu, vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần ngày quy tụ phụng vụ của các Kitô hữu, thời gian thuận tiện để Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn mà Người quy tụ lại để chia sẻ Lời và Bánh, và để sai họ đi vào thế giới.
Các môn đệ quy tụ lại ở cùng một nơi: một kiểu nói mà thánh sử dùng để báo trước tính giáo hội của việc Chúa hiện ra mà ngài sắp tường thuật. Các cửa đều “đóng kín” vì “sợ người Do thái? Nỗi sự hãi cho đến lúc này vốn bao trùm những người Israel, đến nỗi họ không dám tuyên bố ủng hộ Đức Giêsu, thì từ nay còn là phận của các môn đệ thân tín của Chúa: các ông đang cảm nhận một tâm trạng lo âu sọ hãi mà lát nữa đây ơn bình an sẽ đối nghịch lại và khoả lấp hết.
Người ta dễ dàng nhận ra ba tiến trình đặc biệt của những lần gặp gỡ sau phục sinh: Đức Giêsu có sáng kiến (1), Người tự tỏ mình ra cho các môn đệ (2) người uỷ thác cho các ông một sứ mạng (3).
– Sáng kiến của Đức Giêsu:
+ Đức Giêsu “đến” như vậy là Người thể hiện lời đã hứa với các môn đệ trong bài diễn từ giã biệt: “Thầy sẽ đến cùng anh em” (14,18-28).
+ Người “đứng giữa các ông”, dịch sát nghĩa là “Người đứng dậy”, chuyển từ trạng thái đang nằm, ý nói là chết sang tư thế thẳng đứng của Đấng phục sinh.
+ “Chúc anh em được bình an”. Đó là những lời đầu tiên Đấng-hằng-sống gởi cho các môn đệ của Người đang tu họp. Đây không phải chỉ là lời chào hỏi thông thường “Shalom” của những người Do thái khi gặp nhau. Càng không phải là lời cầu chúc suông, nhưng là ơn huệ mang hiệu quả thực sự của Bình an, đúng như lời Chúa hứa: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy; Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (14.27).
Các môn đệ nhận biết Chúa.
Đức Giêsu cho họ xem “tay và cạnh sườn Người” (đối chiếu với ngọn giáo của Gioan 19,34). Chắc chắn từ nay đã qua rồi thời gian người hiện diện thể lý, nhưng Đấng đang đứng giữa họ lúc này vẫn là Đức Giêsu, nghĩa là cũng vẫn là Đấng mà họ đã thấy chết và được mai táng, nhưng từ nay đã biến hình đổi dạng nhờ mầu nhiệm Phục sinh. Và trong cái “nhận Thầy” do lòng tin ban cho, các môn đệ “tràn đầy niềm vui” niềm vui bất tận và Chúa đã báo trước cho các ông: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (16,22).
Trao phó sứ mạng:
Việc các môn đệ được gặp Đấng-đang-sống, cùng nhận ra Đấng đã trải qua và chiến thắng vẻ vang cơn thử thách của cái chết trên thập giá, không phải là đã hoàn tất. Cuộc gặp gỡ ấy giờ đây khai mở một sứ mệnh.
+ Sau khi đã làm mới lại ơn bình an: “Chúc anh em được bình an!”.
+ Đức Giêsu “thổi hơi vào các ông”, làm lại cử chỉ ban đầu khi tạo dựng con người, giống như trong Sáng thế ký 2,7: ở đây hành động này càng ám chỉ rõ nét là hành động sáng tạo của Chúa, nhất nữa vì đây là lần duy nhất Tân Ước sử dụng cách diễn tả của bản văn Sáng thế ký.
Đúng là một cuộc tạo dựng mới. Đức Giêsu vinh hiển thông ban Thần Khí tái sinh cho con người. Khi cho họ được chia sẻ sự hiệp thông với Chúa. “Như (chữ ‘Như’ ở đây không phải chỉ là một so sánh, nhưng ám chỉ một nền tảng, một liên hệ sâu xa) Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”.
+ Và nếu các môn đệ được sai đi, chính là để loan báo cho ‘mọi người tin mừng về ơn tha thứ của Thiên Chúa’. X. Leon- Dufour giải thích: “Tha/cầm giữ ” lối văn chương Do thái dùng một cặp từ trái nghĩa nhau để diễn tả một sự trọn vẹn ở đây cách diễn tả ấy có nghĩa là trọn vẹn quyền thương xót được đấng Phục sinh trao ban cho các môn đệ. Thể văn thụ động diễn tả hiệu quả đạt được đều ngụ ý rằng chính Thiên Chúa mới là Đấng ban ơn tha thứ, cách dùng thì (động từ) ở quá khứ hoàn thành có nghĩa là ơn tha thứ của Chúa là yếu tố quyết định. Người ta sẽ có thể giải thích một cách rộng rãi là khi cộng đoàn tha thứ, thì chính Thiên Chúa tha thứ vậy. (Lecture de l’evangile se lon Jean. quyển IV, Seuil. tháng 11/1996, trang 241).
*2) đến buổi tụ họp “tám ngày sau”
Lần hiện ra thứ hai đã được tác giả đặt vào ‘tám ngày sau’, tức Ngày Chúa nhật tiếp đó, ngày mà các Kitô hữu của Gioan quy tụ lại để cử hành Thánh Thể, để chia sẻ Bánh và Lời như chúng tôi đã viết ở trên. Ngày đó trong sách Khải Huyền, cũng được gọi là “Ngày của Chúa”. Đó là ngày tưởng niệm mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô.
Ông Tôma, được tác giả báo trước, “không có mặt khi Đức Giêsu đến”. Độc giả của Phúc âm thứ tư đồng hoá mình ngay với Tôma, bởi lẽ chính người ấy cũng được mời gọi chỉ dựa vào nguyên chứng từ của các Tông Đồ mà có được niềm tin phục sinh: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”.
Ngay lập tức, Tôma từ chối nhận chứng từ của cộng đoàn; ông đòi xem tận mắt, sờ tận tay, tự mệnh xác minh thì mới tin: “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
Thế là diễn ra lần hiện ra thứ hai của Đức Giêsu được mô tả cùng một kiểu cách như lần trước. Đức Giêsu lại hiện đến, mặc dầu các cửa đều “đóng kín”. Một lần nữa Người nói lời cầu chúc bình an cho các môn đệ, lời mang ơn cứu độ của phục sinh: “Chúc anh em được bình an!”. Người cho Tôma xem tay và cạnh sườn như để nhấn mạnh cho ông hiểu rằng Đấng bị đóng đinh xưa với Đấng nay được vinh hiển cũng là một. Giữa hai tình trạng đó vẫn có sự nối kết và liên tục. Rồi Người bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin”.
Tác giả chẳng cần nói đến chuyện người môn đệ kia không còn nghĩ đến việc đưa bàn tay ra để sờ và đặt vào cạnh sườn Chúa nữa. Ông kể lại phản ửng tức thời của Tôma là thay đổi hẳn thái độ; con người ấy một khi đã vấp phải chướng ngại là cái chết, thì giờ đây công khai tuyên xưng niềm tin tuyệt đối:
“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”, trong tư cách là người phát ngôn của cộng đoàn Kitô hữu. Độc giả nào tự cho mình có thái độ như thái độ đầu tiên của Tôma đều được mời gọi thực hiện một sự trở lại tương tự.
3) Cho tới Chúa nhật hôm nay, ngày chúng ta tụ họp
Câu chuyện Đức Giêsu hiện ra kết thúc bằng một mối phúc hứa ban cho tất cả. Những ai đang sống vào thời không còn sự hiện diện hữu hình của Đức Kitô, cũng hứa ban cho chính chúng ta, những con người hôm nay đang tụ họp nhân danh Người: “Ai không thấy mà tin, mới là người có phúc”.
Dufour kết luận: “Lời hứa này không còn liên quan tới Tôma nữa, nhưng là nhắm đến các môn đệ tương lai. Cộng đoàn Kitô hữu hôm nay không có gì phải nuối tiếc về khoảng cách và sự khác biệt về hoàn cảnh sống của mình. Nếu cách thức cộng đoàn tiếp cận niềm tin không giống như các tông đồ trước đây, thì những ai đang và sau này không thấy mà tin, chính họ là người có phúc vậy. Kinh nghiệm mà những chứng nhân tận mắt được hưởng là kinh nghiệm làm nền và không thể được tái diễn: kinh nghiệm ấy được ban cho họ không chỉ vì họ mà thôi, nhưng còn vì những thế hệ tương lai mà lòng tin sẽ dựa vào lời chứng được truyền lại cùng với sức mạnh của Thánh Thần, chứ không dựa vào những dấu chỉ cụ thể về sự Chúa hiện diện, xuyên qua các môn đệ đang đứng trước mặt Người lúc đó, Đức Giêsu hướng chú ý của Người tới tất cả những ai sẽ nối tiếp các ngài sau này tới tất cả con cái Thiên Chúa mà Người đã đến quy tụ lại nên một; vào buổi chiều lễ Vượt qua. Đức Giêsu há đã chẳng nói với các môn đệ của Người rằng sứ mạng của các ông từ nay sẽ diễn tả và nối dài sứ mạng của Người đó sao? Giờ đây lòng trí Người hẳn đang nghĩ tới những ai sẽ là thành quả của sứ mạng được sai đi rao giảng và làm chứng này.
Cuộc gặp gỡ của Đấng đang-sống với các môn đệ của Người không kết thúc bằng sự nghỉ ngơi. Cuộc gặp gỡ ấy vẫn luôn là một khai mở hàng về một tương lai vô tận trong niềm hân hoan tồn tại dù khi các chứng nhân tận mắt không còn nữa. Đó là điều đã được diễn tả khéo léo trong thư thánh Phêrô: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt, mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả” (1Pr 1,8-9) (O.C., trang 251-252).
BÀI ĐỌC THÊM.
*Từ những lần Đức Kitô hiện ra đến việc Người loan báo (G.Bessière, trong Thiên Chúa rất gần, Năm A”, Desclée de Brouwer, trang 53-54).
“Lời Chúa nói với Tôma: “Vì anh đã thấy Thầy, nên anh mới tin. Ai không thấy mà tin, mới là người có phúc” không đặt Tôma vào vị trí đối lập vời các tông đồ khác. Lời đó phân biệt ra hai lớp người tin: thế hệ các chứng nhân trực tiếp về đời sống Đức Giêsu và đông đảo các tín hữu sau này không được biết trực tiếp Đức Giêsu. Chế độ thông thường của đức tin sẽ là như vậy.
Câu chuyện kể về ông Tôma đánh dấu sự chuyển đổi từ những lần Đức Kitô “hiện ra” đến việc Người “loan báo”. Từ nay chứng từ phải khơi gợi nên sự gắn bó với “con đường” là chính Đức Giêsu. Ta sẽ gặp lại Người đang khi cùng với các anh em bước theo Người trên con đường ấy, và đang khi sống chan hoà tình cảm tạ, tình huynh đệ, tình hoà hảo, là những dấu chỉ thâm sâu của Chúa Thánh Thần.
Nhiều người vẫn muốn tìm kiếm những biến cố lạ thường, những dấu hiệu giật gân thuộc loại được Chúa hiện ra hoặc được thị kiến mà chẳng mấy khi quan tâm đến Phúc Âm của Đức Giêsu, hay đời sống của các Kitô hữu, cùng tất cả những gì Chúa làm trong cuộc sống đời thường của con người. “Ai không thấy mà tin, mới là người có phúc”. Tin là ngày qua ngày đi theo Đức Kitô phục sinh đồng thời đón nhận ơn Người thúc đẩy biến đổi đời mình theo lòng mong ước của Chúa Cha vậy”.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
PHÚC CHO NHỮNG AI KHÔNG THẤY MÀ TIN (*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Phục Sinh năm B tiếp tục tưởng niệm biến cố Phục Sinh và những thành quả mà biến cố nầy đem lại trong suốt Mùa Phục Sinh cho đến lễ Ngũ Tuần.
Cv 4: 32-35
Đoạn trích sách Công Vụ nầy trình bày cuộc sống gương mẫu của các Ki-tô hữu tiên khởi: chia sẻ cho nhau nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày như “cơm ăn áo mặc”.
1Ga 5: 1-6
Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta rằng niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh đã biến đổi những mối quan hệ giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa.
Ga 20: 19-31
Trong Tin Mừng Gioan hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, đặc biệt với thánh Tô-ma, qua người môn đệ cứng lòng tin nầy, Ngài nhắn gởi đến tất cả chúng ta: “Phúc thay những người không thấy mà tin”.
BÀI ĐỌC I (Cv 4: 32-35)
Trong suốt Mùa Phục Sinh, Bài Đọc I, trích dẫn từ sách Công Vụ Tông Đồ, trình bày cho chúng ta một cái nhìn bao quát trên cuộc sống cộng đồng tiên khởi, cộng đồng Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem.
Như chúng ta biết, sách Công Vụ bao gồm hai phần: phần thứ nhất vạch lại thuở ban đầu của Giáo Hội trong đó nêu bật nhân cách của thánh Phê-rô, vị thủ lãnh của Giáo Hội. Phần thứ hai dâng hiến cho hoạt động truyền giáo của thánh Phao-lô, vị Tông Đồ của dân ngoại, trong đó thánh Lu-ca là người đồng hành và là môn đệ của thánh nhân: tác giả tường thuật những biến cố mà mình được dự phần vào hay biết rất rõ.
Để mô tả thời kỳ mà tác giả đã không được trải nghiệm, thánh Lu-ca đã lợi dụng thời gian sống hai năm ở Pa-lét-tin khi thánh Phao-lô bị giam cầm ở Xê-da-rê (59-60), để điều tra, tìm hiểu từ những chứng nhân mắt thấy tai nghe. Chúng ta thấy những dấu vết của sự tra cứu tận nguồn này ở nơi văn phong, từ vựng, những ngữ điệu sê-mít điểm xuyến phần thứ nhất của sách. Trong khi đó, tác giả biên soạn phần thứ hai tùy thuộc vào chính kinh nhiệm của riêng mình.
Sự kiện Ki-tô giáo lan tràn nhanh chóng đã đánh động thánh Lu-ca. Thánh ký khám phá sức sống kỳ diệu của Giáo Hội tiên khởi, vừa ở nơi tác động của Chúa Thánh Thần (tác động nầy chiếm một chỗ quan trọng trong sách Công Vụ), vừa ở nơi sức mạnh lời chứng của các Tông Đồ cũng như cuộc sống gương mẫu của các Ki-tô hữu tiên khởi.
Ba lần thánh Lu-ca phác họa đời sống của các Ki-tô hữu nầy, chắc chắn hơi được lý tưởng hóa nhưng thật sự là mẫu mực, được phân phối theo chu trình ba năm Phụng Vụ: Bản tóm lược thứ nhất (Cv 2: 42-47) vào Chúa Nhật II Phục Sinh năm A, bản tóm lược thứ hai (Cv 4: 32-35) vào Chúa Nhật II năm B, và bản tóm lược thứ ba (Cv 5: 12-16) vào Chúa Nhật II Phục Sinh năm C.
Bản văn, trích dẫn hôm nay thuộc vào Chúa Nhật II năm B, nêu bật những nét đặc trưng của cộng đoàn tiên khởi như sau:
*1.Một lòng một ý:
Cộng đoàn Ki-tô hữu Giê-ru-sa-lem chắc chắn là một tập thể hỗn hợp gồm những người Ki-tô hữu gốc Do thái bản địa và những người Ki-tô hữu gốc Do thái hải ngoại hay còn gọi những Ki-tô hữu chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp (Cv 2: 9), họ sống cùng nhau tại Thành Thánh và các vùng phụ cận, thuộc đủ tầng lớp: giàu cũng như nghèo, dân thường cũng như tư tế (Cv 6: 7), không phân biệt nam hay nữ (Cv 5: 14). Bất chấp những nguồn gốc và tầng lớp khác nhau, họ đồng một lòng một ý với nhau: một niềm tin duy nhất gắn bó họ lại với nhau, đó là niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh vinh quang.
Thánh Lu-ca cũng không cố tình che dấu những bất đồng, những tranh cãi nhỏ nhặt trồi lên ở giữa lòng cộng đoàn hỗn tạp nầy, ví dụ như những lời kêu trách của các Ki-tô hữu Do thái hải ngoại đối với những Ki-tô hữu Do thái bản địa, nhưng những bất đồng mà thánh ký gợi lên không tác động đến sự duy nhất trong cùng một niềm tin của họ.
*2.Mọi sự đều là của chung:
Sự duy nhất niềm tin nầy tạo nên đức ái huynh đệ được cụ thể hóa bởi việc đặt của cải chung, điều nầy hàm chứa việc người giàu chia sẻ cho người nghèo những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như cơm ăn áo mặc. Việc chia sẻ nầy không bắt buộc, nhưng hoàn toàn tự nguyện. Phần tiếp theo nêu gương ông Ba-na-ba, một thầy lê-vi thuộc đảo Sýp. Có một thửa đất, “ông bán đi lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4: 37).
Mẫu gương của cộng đoàn Ki-tô hữu Giê-ru-sa-lem chắc chắn tạo nên những làn sóng thi đua. Lời chứng gần nhất với lời chứng của sách Công Vụ là cộng đoàn Ki-tô hữu Carthage cuối thế kỷ thứ hai. Cảnh tượng cộng đoàn nầy phô diễn cuộc sống huynh đệ đã lay động nhà biện giáo Tết-tu-li-a-nô lừng danh và không lạ gì đã lôi kéo nhà biện giáo nầy theo. Ông hết lòng ca ngợi đức ái sống động của cộng đoàn nầy ở nơi việc chia sẻ của cải, lòng ưu ái đối với những người nghèo.
*3.Không ai phải thiếu thốn.
“Tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các tông đồ”. Dường như thánh Lu-ca muốn mặc cho hành vi nầy một sắc thái phụng vụ. Quả thật, trong thời kỳ Ki-tô giáo tiên khởi, những của lễ mà các tín hữu dâng hiến đều được định vị trong khung cảnh phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể. Phụng sự Thiên Chúa hàm chứa “phục vụ anh em”. Không phải bàn Tiệc Thánh Thể dâng hiến mẫu gương tuyệt vời nhất ở đó mọi người, giàu cũng như nghèo, đều đón nhận cùng một của ăn thức uống đó sao?
*4.Mỗi người được phân phát tùy theo nhu cầu:
Ngôn từ thánh Lu-ca sử dụng ở đây thật đáng chú ý. Động từ “phân phát” được dùng ở đây cũng là động từ Đức Giê-su đã sử dụng khi Ngài bảo chàng thanh niên giàu có: “Hãy bán tất cả những gì anh có mà phân phát cho người nghèo” (Lc 18: 22). Việc ám chỉ đến câu chuyện Tin Mừng này kết thúc bức phác họa của thánh Lu-ca về cộng đoàn tiên khởi.
BÀI ĐỌC II (1Ga 5: 1-6)
Sau bài trích dẫn sách Công Vụ Tông Đồ, Phụng Vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy niệm các bản văn của thánh Gioan: các thư và Tin Mừng Gioan, chung cho ba cả ba năm Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh. Điều này phù hợp với một truyền thống rất lâu đời (chỉ trừ Chúa Nhật III Phục Sinh được trích từ Tin Mừng Lu-ca về hai người môn đệ trên đường Em-mau).
Ba bức thư không đề tên tác giả được quy cho thánh Gioan. Quả thật, tư tưởng và văn phong rất gần với sách Tin Mừng Gioan nên không thể không xếp chúng vào cùng một tác giả. Thư thứ nhất dài nhất và quan trọng nhất trong số ba bức thư nầy dường như gởi cho các cộng đoàn miền Tiểu Á bị tác động bởi các trào lưu ngộ đạo. Thánh Gioan nhấn rất mạnh trên đức tin. Chính nhờ đức tin mà chúng ta nhận ra Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (Đấng Mê-si-a) và là Con Thiên Chúa. Không thể tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đấng Ki-tô.
Thánh Gioan liên kết mật thiết đức tin với đức ái, vì tiêu chuẩn của đức tin Ki-tô giáo chính truyền là đức ái đối với anh em đồng loại, nghĩa là, “yêu người đích thật” là hoa trái của “mến Chúa thực lòng”. Cuối cùng, thánh Gioan cũng liên kết đức tin với lời chứng của Chúa Thánh Thần.
*1.Gắn bó với Đức Ki-tô.
Hành vi đầu tiên của đức tin là gắn bó với Đức Giê-su Ki-tô. Hành vi nầy dẫn đưa chúng ta vào trong cung lòng của Chúa Cha, Đấng sinh chúng ta ra làm con cái Thiên Chúa về phương diện siêu nhiên, và liên kết chúng ta với nhau trong mối tử hệ tình yêu nầy đến nỗi đức ái huynh đệ Ki-tô giáo là hệ luận tức khắc của đức tin.
Những khẳng định nầy là đòn đáp trả chí mạng cho những diễn từ sai lạc của hai trào lưu tư tưởng: học thuyết của những Ki-tô hữu gốc Do thái và ngộ đạo thuyết, đang hoành hành ở giữa lòng các cộng đoàn mà bức thư nầy gởi đến.
A.Học thuyết của những Ki-tô hữu gốc Do thái:
Trào lưu thứ nhất xuất phát từ những Ki-tô hữu gốc Do thái. Những người nầy không chấp nhận Đấng Ki-tô bị đóng đinh, vì thế họ phân biệt giữa Đức Giê-su, một phàm nhân là con của ông Giu-se và bà Ma-ri-a, và một nhân vật được biến đổi thành Đấng Ki-tô nhờ phép Rửa và nhờ việc Thánh Thần xức dầu tấn phong. Trở thành Đấng Ki-tô (nghĩa là Đấng được xức dầu tấn phong), Đức Giê-su đã có thể công bố một sứ điệp siêu việt và thực hiện các phép lạ, nhưng Đức Ki-tô thiên giới nầy tự tách ra khỏi Đức Giê-su phàm nhân vào giây phút Tử Nạn. Vì tự bản tính thần linh, Đức Ki-tô thiên giới nầy không thể nào chịu đau khổ và phải chết được.
Từ đó, chúng ta hiểu điểm nhấn của thánh Gioan: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (5: 1a). Trong một đoạn văn trước đó, với một giọng điệu mãnh liệt hơn, thánh Gioan viết: “Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô? Kẻ ấy là tên phản Ki-tô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con” (2: 22). Hai tước hiệu: Đấng Ki-tô và Con Thiên Chúa, không ngừng được lập đi lập lại trong bức thư nầy.
B.Ngộ đạo thuyết:
Trào lưu ngộ đạo nầy xuất phát từ những Ki-tô hữu gốc lương dân. Họ nhạy bén trước những tư tưởng thần bí của các tôn giáo mầu nhiệm rất thịnh hành vào lúc đó, đặc biệt trong miền Tiểu Á nầy được xem như chiếc nôi của trào lưu này. Những người truyền bá trào lưu tư tưởng nầy cho rằng không cần thiết phải qua Đức Ki-tô để đến Thiên Chúa. Con người có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua ơn thần khải nội tâm, sự xuất thần hay thậm chí nghi thức khai tâm.
Chống lại những suy luận nầy, thánh Gioan đề cập đến tử hệ thần linh mà Chúa Cha ban ngay tức khắc cho những ai tin vào Con của Ngài. Ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, người ấy thật sự sinh ra từ Thiên Chúa. Người nầy không thể nào không yêu mến Chúa Cha, bởi vì chính Chúa Cha là tác giả của cuộc sinh hạ siêu nhiên nầy.
Ngược lại với những suy luận trừu tượng nầy, thánh Gioan nêu lên việc thực hành “mến Chúa” và “yêu người” như tiêu chuẩn cơ bản của Ki-tô giáo chính truyền.
*2.Đức Tin và Đức Ái:
Từ đó, thánh Gioan mạnh mẽ xác quyết: “Căn cứ vào điều nầy, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa” (5: 2a). Đức ái Ki-tô giáo cắm rễ sâu vào tận nguồn mạch Thiên Chúa. Thánh nhân tố cáo ngụy đức ái theo đó yêu thương anh em của mình chỉ là một thứ tình cảm thuần túy nhân bản. Cội nguồn yêu thương độc nhất và chân thật là Thiên Chúa.
“Đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa, và thi hành các điều răn của Người” (5: 2b). Những điều răn nầy đã được xác định ở 3: 23, ở đó Chúa Cha đòi hỏi con người: phải tin vào Con của Ngài và phải yêu thương nhau. Việc đòi hỏi nầy không là gánh nặng: “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (5: 3). Ở đây ám chỉ đến lời của Đức Giê-su: “Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11: 30). Thánh Âu-gút-ti-nô đã quảng diễn lời nầy trong một biểu thức danh tiếng: “Ở đâu có tình yêu ở đó không có sự nhọc mệt; hay nếu có sự nhọc mệt, thì sự nhọc mệt được yêu” (De bono viduitatis, 26).
Đừng quên rằng những dòng nầy được ngỏ lời với những Ki-tô hữu trung thành sống điều răn kép: đức tin và đức ái, trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Vị tông đồ an ủi họ: “Vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian” (5: 4a). Đây là một chủ đề mang đậm nét Gioan: người Ki-tô hữu sẽ chiến thắng thế gian (thế gian được hiểu theo nghĩa thế giới tội lỗi, từ chối tin như trong sách Tin Mừng thứ tư). Trong thư thứ nhất của thánh Gioan nầy, động từ “chiến thắng” lập đi lập lại đến sáu lần.
“Và điểu làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là nhờ lòng tin” (5: 4b). Chúng ta lưu ý rằng thánh Gioan xưng hô: “chúng ta”, như thế thánh nhân liên kết mình vào cùng một cuộc chiến với những tín hữu của ngài. Thánh nhân nâng đỡ và khích lệ họ khi nhắc cho họ nhớ lý do cuộc khải hoàn của họ: đối diện với mọi diễn từ sai lạc, họ đã giữ vững niềm tin vào tính toàn vẹn bất khả phân của Đức Giê-su. Vừa là Đấng Ki-tô vừa là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã tỏ mình ra không chỉ trong nước Thánh Tẩy của Ngài nhưng cũng trong máu Tử Nạn của Ngài, nghĩa là không chỉ trong nước mà thôi như những nhà ngụy giáo khẳng định, nhưng cả trong máu hiến tế của Ngài nữa. Đây không là một Đức Giê-su phàm nhân, nhưng Con Thiên Chúa nhập thể đã đổ máu mình ra.
Chắc chắn thánh Gioan cũng nghĩ đến ân ban cao vời của Đấng Ki-tô, dù đã chết vẫn để máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của mình (x. Ga 19: 34-35). Vị Tông Đồ là chứng nhân nhãn tiền của những dấu chỉ về bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể.
*3.Chúa Thánh Thần làm chứng:
Nếu nước và máu là những chứng từ hữu hình, thì cũng có một chứng từ vô hình khác, chứng từ của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chân lý chiến thắng sự sai lạc, đức tin chiến thắng lạc giáo, điều nầy chứng thực sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chính Ngài bảo tồn sự thật.
Ở nơi lời nhắc nhở đạo lý nầy, chúng ta nhận ra một cuộc bút chiến. Vài trào lưu ngộ đạo tự nhận mình là “thuộc Thần Khí” và viện dẫn những ơn đặc sủng của mình cũng như ánh sáng “thần khải” của mình là “thuộc Thần Khí”. Ấy vậy, hành động của Thần Khí chỉ được xem là chính truyền nếu hoạt động nầy làm cho sự thật của Đức Giê-su hiện diện, bởi vì Chúa Cha làm chứng cho Chúa Con khi sai phái Chúa Thánh Thần đến. Đoạn trích thư này kết thúc với việc ghi nhận Ba Ngôi Thiên Chúa. Việc ghi nhận Ba Ngôi Thiên Chúa thường hằng được lập đi lập lại trong bức thư thứ nhất này của thánh Gioan.
TIN MỪNG (Ga 20: 19-31)
Đây là một trong những trang Tin Mừng thiết lập niềm xác tín của chúng ta: “Đức Giê-su của niềm tin thật sự là Đức Giê-su của lịch sử”. Chính các Tông Đồ chứng thực sự kiện Phục Sinh. Hơn nữa, nhờ sự cứng lòng tin của một trong số họ, vài ngày sau đó, các ngài hưởng được một sự kiểm chứng.
Theo truyền thống, bản văn nầy được đọc vào Tuần Bát Nhật Phục Sinh, bởi vì thánh ký nói với chúng ta Đức Giê-su hiện ra cho thánh Tô-ma “tám ngày sau”, nghĩa là cũng vào “chiều ngày thứ nhất trong tuần” sau đó. Quả thật, chúng ta đọc thấy nơi bài tường thuật nầy hai tình tiết: Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra cho mười Tông Đồ không có thánh Tô-ma vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần và Ngài hiện ra cho các Tông Đồ, đặc biệt cho thánh Tô-ma, cũng vào buổi chiều thứ nhất trong tuần sau đó. Việc chỉ dẫn thời điểm nầy rất quý: ngày thứ nhất trong tuần chính là ngày những người Ki-tô hữu đã chọn rất sớm để cùng nhau tham dự việc bẻ bánh, như vậy nhấn mạnh tính chất phục sinh của việc cử hành Thánh Thể.
*1.Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ không có thánh Tô-ma (20: 19-23)
Các Tông Đồ họp nhau lại gồm mười vị không có thánh Tô-ma. Dường như Tô-ma đã không tha thiết gì đến việc hội họp với các Tông Đồ khác nữa. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng chính thánh Phê-rô đã quy tụ họ để thông báo cho họ những sự cố vừa mới xảy ra: việc khám phá ngôi mộ trống: khăn che mặt không để lẫn với những băng vải liệm, sự kiện bà Ma-ri-a Mác-đa-la trong số vài người phụ nữ nói đã thấy Đức Giê-su Phục Sinh và Ngài đã nói với bà…
Các Tông đồ đang sống trong bầu khí hoang mang vừa hy vọng lẫn sợ hãi: “Nơi các môn đệ ở, cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái” (20: 19). Diễn ngữ: “vì sợ người Do thái”, được lập đi lập lại nhiều lần trong Tin Mừng Gioan, thậm chí trước cuộc Thương Khó, như cha mẹ của anh mù từ lúc mới sinh chỉ trả lời vòng vo “vì sợ người Do thái” (9: 22). Trong Tin Mừng thứ tư, người Do thái trước hết chỉ giáo quyền Giê-ru-sa-lem. Họ đã ra án tử cho Thầy phải chăng nay họ sẽ ra tay với các môn đệ?
Đức Giê-su thình lình xuất hiện giữa họ, dù “cửa khóa then cài”. Ngài tự đặt mình ở giữa nỗi sợ hãi của họ cũng như Ngài đã đồng hành bên cạnh nỗi buồn phiền của hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24: 13-32). Nỗi sợ hãi và buồn phiền sẽ sớm trở thành niềm vui.
A.Bình an cho anh em.
Theo các Tin Mừng Nhất Lãm, bà Ma-ri-a báo tin Chúa đã sống lại cho các môn đệ, nhưng bà đã gặp phải sự cứng lòng tin của các môn đệ (Mc 16: 9-11; Lc 24: 11); sau đó, Chúa Giê-su đích thân hiện ra với các môn đệ và “khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16: 14; Lc 24: 25). Theo Tin Mừng Gioan, trong lần hiện ra này, không có bất kỳ lời quở trách nào, Chúa Giê-su Phục Sinh chỉ đem đến cho các môn đệ bình an như Ngài đã hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14: 27; 16: 20-22).
Thật ra “bình an” là lời chào thường ngày của người Do thái, nhưng lời chào của Đức Giê-su trong bối cảnh này chẳng bao giờ là thường tình cả. Đức Giê-su đem đến sự bình an của Ngài cho những môn đệ nầy, những người đã bỏ rơi Ngài vì thất vọng. Bình an mà Ngài đem đến cho họ qua sự hiện diện và sự tha thứ của Ngài: không một lời quở trách, không một ám chỉ nào đến bất kỳ khuyết điểm nào của họ, cả nỗi cô độc mà họ đã bỏ rơi Ngài một mình trong cuộc khổ nạn của Ngài.
B.Những chứng tích của cuộc khổ nạn:
Để họ nhận ra Ngài, Đức Giê-su cho họ thấy những chứng tích ở “tay và cạnh sườn” của Ngài như chính thức đồng nhất hóa “thân thể phục sinh” của Ngài với “thân thể chịu đóng đinh” của Ngài. Ở đây, chúng ta thẩm định tầm quan trọng của việc khám phá ngôi mộ trống: một mặt, thân thể mang lấy những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài không bị phân hủy trong ngôi mộ; mặt khác, chính thân thể ấy mà Ngài hiện ra với các ông, chứ không như một bóng ma hay một ảo giác: một thân thể đang sống, có thể đụng chạm, gặp gỡ tiếp xúc. Lúc đó, “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (20: 20). Niềm vui này được Đức Giê-su báo trước rồi: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16: 20).
Chúng ta ghi nhận rằng thánh Gioan viết: “Người đưa cho các ông xem tay và cạnh sườn” (20: 20), trong khi thánh Lu-ca trong bài trình thuật song song viết: “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24: 40). Thánh Gioan là thánh ký duy nhất tường thuật tình tiết người lính Rô-ma lấy lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn của Đức Giê-su. Thánh ký đã chứng kiến “máu” cùng “nước” chảy ra, đây là hai ân ban tột cùng từ cái chết của Đức Ki-tô. Ở nơi hai ân ban này, thánh ký đã hiểu cuộc sinh hạ Giáo Hội trong “nước” (bí tích Thánh Tẩy) và trong “máu” (bí tích Thánh Thể). Trong bản văn hôm nay, thánh ký nhấn mạnh thêm một lần nữa Giáo Hội chào đời vào buổi chiều Phục Sinh, dưới hơi thở của Thần Khí và bởi lệnh truyền sai đi thi hành sứ mạng. Thật tương phản đến ngạc nhiên, với những người sợ hãi giam mình trong căn phòng cửa khóa then cài, Đức Giê-su ra lệnh cho họ lên đường, ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh “cho hết tất cả mọi người” không phân biệt một ai.
C-Sứ mạng sai đi:
Chúa Giê-su Phục Sinh chính thức ủy quyền cho các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (20: 21). Trong lời công bố này, nguồn gốc sứ mạng của Đức Giê-su là Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy”, nguồn gốc sứ mạng của các môn đệ là Chúa Giê-su: “Thầy cũng sai anh em”, như Ngài đã nói trong lời nguyện tư tế của Ngài: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”(17: 18-19).
Khi sai các môn đệ, Đấng Phục Sinh không để cho họ phải đơn độc trong sứ mạng của họ, vì sự hiện diện và quyền năng của Ngài sẽ ở với họ ở nơi ân ban Thánh Thần: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (20: 22). Một lần nữa, chúng ta thường nghĩ về Chúa Thánh Thần được ban vào ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng đó là việc Chúa Thánh Thần ngự xuống một cách chính thức và công khai để hướng dẫn sứ mạng của Giáo Hội tại thế. Đối với Tin Mừng Gioan, ân ban Thánh Thần, tự bản chất là mầu nhiệm, bắt nguồn từ cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su bao gồm Tử Nạn, Phục Sinh và Vinh Thăng của Ngài.
D.Ân ban Thánh Thần:
Khi ban Thánh Thần, Chúa Giê-su hiện thực những gì Ngài đã hứa. Trước đây, vào dịp bế mạc Lễ Lều, Đức Giê-su trích dẫn Kinh Thánh khi áp dụng vào chính mình: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”, và được người kể chuyện giải thích: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (7: 38-39). Vào lúc Ngài chịu chết, Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho nhân loại, biểu tượng nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâm của Ngài. Giờ đây, Đức Giê-su đã được tôn vinh, vì thế Ngài ban Thánh Thần trên các môn đệ, Đấng mà trong diễn từ Cáo Biệt, Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ, sẽ thế vì Ngài, hiện diện và hoạt động với họ (x. 14: 16-17, 26; 15: 26; 16: 7-15).
Cách thức Chúa Giê-su ban Thánh Thần nhắc nhớ câu chuyện sáng tạo: Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào A-đam (x. St 2: 7) như thế nào, thì Chúa Giê-su thổi hơi vào các môn đệ cũng như vậy. Ngoài ra, cách thức này cũng nhắc nhớ thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en về dân Ít-ra-en được tái sinh vào thời sau hết khi Thiên Chúa phán với các bộ xương khô: “Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống” (Ed 37: 5, 9-10). Trong ánh sáng này, việc Đấng Phục Sinh thổi hơi vào các môn đệ có thể được thấy như một cuộc tạo dựng mới vào thời cánh chung. Thiên Chúa đã thổi hơi ban sự sống cho nhân loại, nay Chúa Giê-su thổi hơi ban sự sống mới cho các môn đệ. Các môn đệ lãnh nhận sự sống này nhờ Thánh Thần, vì thế họ cũng được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên (x. 3: 3-8). Ở đây, các môn đệ có kinh nghiệm về mối dây liên kết giữa họ với Thầy qua hơi thở ban sự sống của Đức Giê-su, như trong diễn từ Cáo Biệt, Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống, anh em cũng sẽ được sống” (14: 19).
Đ.Tha thứ và cầm giữ:
Ở đây, sứ mạng của các môn đệ được trình bày cách cụ thể: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (20: 23). Theo Tin Mừng Gioan, tội chủ yếu là không nhận biết Đức Giê-su hiện thân Mặc Khải Thiên Chúa (x. 8: 24; 9: 39-41; 15: 22, 24). Dựa trên những lời Đức Giê-su nói và những việc Đức Giê-su làm, mỗi người phải tự xét xử chính mình là tin hay không tin. Công việc của Chúa Thánh Thần cũng được Chúa Giê-su mô tả như thế: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội… vì chúng không tin vào Thầy” (16: 8-9). Có Chúa Thánh Thần ở cùng, các môn đệ cũng làm chứng rằng phán quyết của Thiên Chúa được hoàn tất ở nơi Đức Giê-su, Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (1: 29). Những ai chấp nhận lời chứng của các ngài, tội của họ được tha; trái lại, những ai từ chối lời chứng của các ngài, tội của họ sẽ bị cầm giữ.
Hai mệnh đề: “Anh em tha tội cho ai” và “Anh em cầm giữ ai”, cho thấy tính hữu hiệu lời chứng của các môn đệ. Đồng thời, hai mệnh đề thụ động thần linh: “Người ấy được tha” và “người ấy bị cầm giữ”, cho thấy chính Thiên Chúa ẩn mình ở nơi lời phán quyết của các môn đệ. Sứ mạng của Đức Giê-su hình hành nên cuộc xét xử: được cứu độ hay bị kết án như thế nào, thì lời chứng của các môn đệ cho sứ mạng này cũng đòi hỏi được tha tội hay bị cầm giữ như thế.
Vì mục đích của sứ mạng nầy, Đức Giê-su tái tạo họ, chúng ta có thể nói như vậy, khi thổi Thần Khí của Đấng Phục Sinh trên họ và ban cho họ được quyền tha thứ cho anh em mình… như Ngài đã hứa với họ: máu Ngài đã đổ ra để tha thứ tội lỗi. Đó là sự phong nhiêu của biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.
*2.Chúa Giê-su phục sinh hiện ra cho các môn đệ, đặc biệt cho thánh Tô-ma (20: 24-29):
Chắc chắn thánh Tô-ma gắn bó mật thiết với Đức Giê-su. Thánh nhân đã yêu mến Ngài và tin vào Ngài. Vào lúc lên Giê-ru-sa-lem sau cùng, thánh nhân đã nói lên trọn tấm lòng của mình đối với Thầy khi mời gọi các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Người” (11: 16). Nhưng ông không ngờ Ngài phải chịu chết ô nhục trên thập giá, cái chết nầy đã làm giấc mơ của ông tan thành mây khói. Niềm thất vọng lẫn nỗi buồn phiền khiến ông tách biệt khỏi các bạn đồng môn khác. Chúng ta biết được nhân cách của Tô-ma chỉ nhờ Tin Mừng thứ tư. Tin Mừng nầy ba lần đưa thánh nhân vào hoạt cảnh (11: 16; 14: 5-7; 20: 14-29).
A.Những đòi hỏi của thánh Tô-ma.
Với một tâm trí thực tiển, trước đây trong bữa Tiệc Ly thánh nhân đã nêu lên cho Đức Giê-su một câu hỏi thực tế và thẳng thắn: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?” (Ga 14: 4-5); vì thế, thánh nhân từ chối tin vào sự kiện Phục Sinh nếu không có bằng chứng do chính mình kiểm chứng. Khi đòi hỏi “thấy” Đức Giê-su Phục Sinh, thánh nhân cũng không hơn gì các môn đệ khác. Dù đã nghe lời chứng của bà Ma-ri-a Ma-đa-la, nhưng họ đòi hỏi thấy mới chịu tin. Tuy nhiên, những đòi hỏi của thánh Tô-ma không đơn giản muốn được thấy, nhưng còn muốn được đụng chạm đến thân thể của Chúa Phục Sinh. Điều này làm cho ước muốn của thánh nhân càng trở nên sinh động hơn. Trong mỗi người chúng ta ẩn hiện một dáng dấp nào đó của thánh Tô-ma: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (20: 25).
B.Chúa Giê-su Phục Sinh đáp trả thánh Tô-ma:
Đức Giê-su Phục Sinh cảm thương người môn đệ có tâm hồn nhiệt thành nầy đang đắm chìm trong nỗi phiền muộn, trong khi các môn đệ khác hớn hở vui mừng. Vì thế, Ngài chấp nhận đáp ứng những đòi hỏi của thánh nhân.
Tám ngày sau (tức Chúa Nhật sau đó), Chúa Giê-su lại hiện đến với các môn đệ, đặc biệt với Tô-ma khi bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (20: 27a). Truyền thống cho rằng thánh Tô-ma nghi ngờ, tuy nhiên chúng ta không gặp thấy động từ “nghi ngờ” trong bản văn. Thay vì đó, Chúa Giê-su kêu mời thánh Tô-ma: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (20: 27b), nghĩa là chuyển đổi từ “không tin” (“apistos”) sang “tin” (“pistos”). Bản văn nhấn mạnh nhu cầu “thấy” để “tin”.
C.Thánh Tô-ma tuyên xưng đức tin:
Bản văn không nói cho chúng ta biết thánh Tô-ma có thực sự làm đúng như Thầy bảo, nhưng đúng hơn ông lập lại điều mà thánh Gioan đã nói về người môn đệ Chúa yêu khi chứng kiến các dấu chỉ trong ngôi mộ: “Ông đã thấy và ông đã tin” (20: 8). Khi được thấy bằng chứng của biến cố Phục Sinh, ngay lập tức thánh Tô-ma tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (20: 28).
Dù lúc đầu không tin, nay thánh nhân không chỉ tin, nhưng còn tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20: 28). Lời tuyên xưng này họa lại lời tuyên xưng của Tv 35: 23: “Lạy Thiên Chúa, lạy Chúa con thờ”. Đây cũng là Danh mà Thiên Chúa xưng với dân Ít-ra-en: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20: 2). Thật có ý nghĩa biết bao, trước đây Chúa Giê-su đã nói với thánh Tô-ma: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (14: 7). Nay với lời tuyên xưng của mình, thánh Tô-ma làm rõ ra những hàm ý ở nơi lời khẳng định của Đức Giê-su. Dĩ nhiên, người đọc đã biết vị thế độc nhất này của Đức Giê-su như đã được làm rõ ra ngay từ khởi đầu Tin Mừng:
“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1: 18).
Trong Tuần Lễ khai mạc sứ vụ của Chúa Giê-su, các môn đệ đã ban cho Chúa Giê-su một loạt những tước hiệu, điều này chỉ ra một sự hiểu biết tiệm tiến về Ngài. Ở đây, thánh Tô-ma ban cho Đấng Phục Sinh một tước hiệu sau cùng, tước hiệu vĩnh viễn: Đức Giê-su là “Chúa” và là “Thiên Chúa”. Tin Mừng Gioan kết thúc với lời khẳng định tuyệt đối về Thần Tính của Đức Giê-su. Lời tuyên xưng của thánh Tô-ma cho thấy niềm tin của ông vượt quá những gì thánh nhân đã thấy. Những gì thánh nhân đã thấy là Thầy mình đã chết nay sống lại, nhưng ông tuyên xưng Thần Tính của Đức Giê-su Như vậy, dù được diễm phúc thấy Thầy sống lại, nhưng cũng không miễn trừ đức tin của ông.
E.Phúc thay những ai không thấy mà tin:
Qua lời tuyên xưng của ông, Chúa Giê-su nhắn gởi đến những tín hữu của mọi thời: “Vì thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (20: 19). Đây là mối phúc duy nhất của Tin Mừng Gioan. Trước hết, mối phúc nầy chính xác dựa trên lời chứng của các Tông Đồ trong đó lời chứng của thánh Tô-ma là thấm thía nhất. Chính nhờ lời chứng của người môn đệ Chúa yêu đã thấy những băng vải liệm trong ngôi mộ trống, cũng như nhờ lời chứng của những người đã gặp gỡ chính Đấng Phục Sinh mà những ai sau này cũng có khả năng tuyên xưng đức tin như thánh Tô-ma. Đó cũng lời cầu nguyện Tư Tế của Đức Giê-su: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (17: 20-21).
Đó là những tín hữu sau nầy mà thánh Phê-rô ca ngợi đức tin của họ trong thư thứ nhất của thánh nhân: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng anh em vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người” (1Pr 1: 8-9). Mục đích của sách Tin Mừng Gioan đã được hoàn tất mỹ mãn: những biến cố được sưu tập cho thấy Thần Tính của Đức Giê-su đến nỗi nhờ tin người đọc có sự sống nhờ Ngài.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
TIN, YÊU VÀ GIỮ GIỚI RĂN- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
– Bài đọc I (Cv 4,32-35) : các kitô hữu ở giáo đoàn Giêrusalem thực hiện giới răn yêu thương bằng việc chia xẻ : họ đã tự nguyện để của riêng thành của chung.
– Bài đọc II (1 Ga 5,1-6) : nếu tin thì yêu, và nếu yêu thì giữ các giới răn Chúa.
– Bài Tin Mừng (Ga 20,19-30) : 2 mức độ tin : tin vì thấy và tin dù không thấy.
Như thế, bài giáo lý I này nhấn mạnh 3 điểm : tin, yêu và giữ giới răn.
*I. Dẫn vào Thánh lễ
Mặc dù đã được tái sinh thành con Chúa qua bí tích Rửa tội, chúng ta vẫn còn rất yếu như một đưa trẻ sơ sinh. Chúng ta cần được nuôi dưỡng thêm bằng Lời Chúa và bánh Thánh thể. Chúng ta cần được nâng đỡ bởi một cộng đoàn. Nhất là chúng ta cần được tác động bởi Chúa Thánh Thần. Ngày xưa Đức Giêsu phục sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ, thì hôm nay chúng ta cũng xin Ngài ban Thánh Thần cho chúng ta và nói với chúng ta “Bình an cho chúng con”.
*II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta còn ích kỷ, cần được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta tình bác ái huynh đệ.
– Chúng ta còn hoài nghi, cần được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng tin tưởng cậy trông.
– Chúng ta còn yếu tin, cần được Chúa Thánh Thần giúp cho đức tin chúng ta vững mạnh thêm.
*III. Lời Chúa
*1. Bài đọc I: Cv 4,32-35
Trong hai tác phẩm của mình là sách Tin Mừng và sách Công vụ, Thánh Luca thường viết những bảng toát yếu để thỉnh thoảng tóm lược lại những điểm chính của những đoạn mà Ngài đang viết. Trong phần thứ nhất của sách Công vụ (1,12—5,42) mô tả cách sống của các tín hữu trong giáo đoàn Giêrusalem tiên khởi, có 3 bảng toát yếu tóm lại những nét chính của cuộc sống này (2,42-47 ; 4,32-35 ; 5,12-16). Đoạn được chọn hôm nay là bảng toát yếu thứ hai. Ngoài những nét chung với 2 bảng toát yếu kia, nét riêng biệt của bảng này là việc để của riêng thành của chung :
– Đây không phải là một quy định có tính bó buộc (xem Cv 5,3-4 lời Phêrô nói với Khanania : “Khi đất còn đó, nó chẳng là của anh sao ? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao ?”), nhưng là việc làm tự nguyện để thực thi cách cụ thể giới luật yêu thương, vì yêu thương không phải chỉ bằng tình cảm hay bằng lời mà còn phải bằng hành động cụ thể.
– Thể thức : các tín hữu bán những bất động sản như ruộng đất, nhà cửa rồi đem tiền giao cho Hội Thánh giữ. Hội thánh phân phối lại cho các tín hữu theo nhu cầu từng người. Như thế, có kẻ góp ít (hoặc không góp gì) mà được hưởng nhiều và có kẻ góp nhiều mà được hưởng ít. Nhưng không ai phân bì, vì họ đã ý thức việc chia xẻ cho nhau.
– Kết quả là trong giáo đoàn không có ai phải túng thiếu.
*2. Đáp ca: Tv 117 (như Chúa nhật I Ps)
Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.
*3. Bài Tin Mừng: Ga 20,19-30
Đoạn này tường thuật hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh với các tông đồ cách nhau 8 ngày :
– Trong lần hiện ra thứ nhất, Đức Giêsu cho các ông thấy tay và cạnh sườn Ngài (tức là thấy những vết thương Ngài đã chịu trong cuộc chịu nạn). Khi thấy những dấu chứng đó, các tông đồ đã tin rằng người đang ở trước mặt họ là Thầy họ nên họ vui mừng. Sau đó, Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các ông và sai các ông đi (nhưng chưa nói là đi đâu và đi để làm gì). Nhưng lần đó không có mặt Tôma. Khi Tôma trở về và được các tông đồ kia thuật lại thì ông không tin. Ông đòi điều kiện là phải thấy (chẳng những thấy mà còn sờ) những thương tích của Đức Giêsu thì mới tin.
– 8 ngày sau, Đức Giêsu hiện ra lần thứ hai. Lần này có mặt Tôma. Đức Giêsu bảo riêng Tôma hãy đưa tay ông ra chạm trực tiếp vào các vết thương của Ngài. Nhưng khi đó Tôma không còn bảo lưu yêu cầu thấy của mình nữa. Ông tuyên xưng đức tin ngay. Ông gọi Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa”. Tôma đã vươn tới mức độ cao của đức tin : tin mà không cần thấy.
Như thế đoạn Tin Mừng này trình bày hai mức độ tin : mức độ thấp là tin vì thấy, nghĩa là tin dựa vào bằng chứng ; mức độ cao là tin mà không cần thấy, nghĩa là tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.
Đức Giêsu đánh giá mức độ thứ hai là cao hơn, và kêu gọi chúng ta – qua lời nói với Tôma – hãy cố vươn lên mức độ cao ấy : “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con tin. Nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin”.
*4. Bài đọc II: 1 Ga 5,1-6
Lý do khiến thánh Gioan viết bức thư này là để giúp tín hữu khỏi bị lây nhiễm những tư tưởng sai lệch của thuyết ngộ đạo.
Nói một cách rất tóm lược, thuyết ngộ đạo chủ trương rằng chỉ cần biết (“ngộ”) thì được cứu độ. Đành rằng “biết” là một điều rất quan trọng (trong quyển Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan cũng rất nhấn mạnh vào sự “biết” này), nhưng sai lầm của thuyết này là do quá đề cao sự “biết” nên bỏ đi hai điều khác cũng quan trọng không kém, đó là tin và yêu. Trong đoạn thư này, thánh Gioan lưu ý tín hữu về hai điều ấy :
– Tín hữu là người đã tin rằng Đức Giêsu là Kitô. Mà tin vào Đức Giêsu Kitô thì cũng phải yêu mến Đấng đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, tức là Thiên Chúa.
– Mà làm sao để biết mình yêu mến Thiên Chúa ? Thưa là qua cách sống cụ thể là thực hành các giới răn của Ngài.
*IV. Gợi ý giảng
* 1. Hành trình của Tôma
Hành trình của Tôma đi qua ba giai đoạn : vắng mặt – hồ nghi – và tuyên xưng đức tin. Đó cũng là hành trình đức tin của kitô hữu chúng ta.
– Khi Đức Giêsu hiện ra lần thứ nhất, Tôma không có mặt, cho nên ông không tin. Ông đòi thấy bằng chứng rồi mới tin. Thế nhưng nếu có bằng chứng rồi thì đã là chuyện hiển nhiên, đâu còn phải là đức tin nữa. Đức tin không thuộc phạm vi khoa học hay lý luận, nên không dựa trên bằng chứng.
– Nhưng đức tin không phải là mù quáng. Tuy không đòi bằng chứng nhưng phải có lý do. Lý do để tin là lời làm chứng của những người có uy tín. Tôma chưa tin khi nghe lời thuật của các bạn, nhưng khi nghe lời của Đức Giêsu thì ông tin ngay. Sau này ông còn trở thành nhân chứng để cho nhiều người khác cùng tin nữa. Tin theo lời làm chứng của ai đó bao hàm một tình cảm với người đó : vì mình có tình cảm với người đó nên khi người ấy nói thì mình tin. Điều này làm nên giá trị của sự tin vào lời chứng, cho nên Đức Giêsu nói “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”.
– Lý do để tin còn là những dấu chỉ. Dấu chỉ Đức Giêsu cho Tôma là những thương tích của Ngài. Chỉ cần thấy những dấu chỉ ấy, ông không đòi đụng chạm và sờ mó nữa, ông tin ngay. Ngày nay chúng ta không thấy Chúa, nhưng chúng ta có những dấu chỉ Ngài ban, đó là các bí tích, các biến cố và gương sống quảng đại của các tín hữu nhiệt thành. Chính chúng ta cũng phải là những dấu chỉ cho người khác nhận biết Chúa.
* 2. Hạnh phúc của tín hữu Giêrusalem
Các tín hữu Giêrusalem đã thể hiện đức tin bằng việc chia xẻ, không phải chia xẻ những cái mình dư thừa mà chia xẻ chính tiền bạc và tài sản của mình. “Đồng tiền liền khúc ruột”, chia xẻ tất cả tiền bạc của mình là chia xẻ chính sự sống của mình.
Kết quả của chia xẻ như thế là trong Hội Thánh không có ai bị túng thiếu và mọi người đều hạnh phúc.
Gương của các tín hữu Giêrusalem cho chúng ta hiểu được rằng : một đức tin sống động sẽ biến thành tình yêu. Và khi sống đức tin và tình yêu như thế thì người ta sẽ hạnh phúc, vì khi đó người ta sống sự sống của chính Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và chia xẻ.
* 3. Dấu chỉ của yêu thương
Làm sao biết được người đó thực sự yêu thương ta ?
– Có phải vì người đó luôn quấn quít bên ta ? Chưa chắc.
– Có phải vì người đó thường tặng quà cho ta ? Chưa chắc.
– Có phải vì người đó đề nghị sống chung với ta ? Chưa chắc.
Người thương ta thật là người tế nhị biết ý của ta và luôn làm theo ý ta.
Đó là điều Thánh Gioan nói : “Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa, là chúng ta thực hành các giới răn của Ngài”.
* 4. Phúc cho ai không thấy mà tin
Bài Tin Mừng này khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Điều thứ nhất khiến tôi suy nghĩ là điều kiện mà Tôma đặt ra : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Mặc dù xem ra Đức Giêsu không tán thành thái độ của Tôma, nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn tán thành, bởi vì đó là thái độ của người chín chắn, cẩn thận, không nhẹ dạ. Trong những giao tế xã hội, tôi vẫn giữ thái độ cẩn thận ấy. Chẳng hạn khi tôi đi mua hàng, tôi không thể chỉ dựa vào những lời quảng cáo của người bán hàng để rồi mau chóng tin theo mà bỏ tiền ra mua ngay một món hàng mà tôi chưa thử. Huống chi câu chuyện mà Tôma nghe các bạn thuật lại là một chuyện “động trời” chưa bao giờ xảy ra : một người chết sống lại ! Đòi hỏi phải kiểm nghiệm xong rồi mới tin là một đòi hỏi hợp lý.
Nhưng khi tôi tán thành với Tôma, phải chăng là tôi không tán thành với Đức Giêsu ? Ngài đòi tôi “không thấy mà tin”. Phải chăng Ngài đòi hỏi một điều không hợp lý ?
Suy nghĩ thêm, tôi mới hiểu rằng Đức Giêsu không coi nhẹ sự hợp lý, nhưng Ngài đề cao sự hợp tình. Trong tương quan giữa những người yêu thương nhau, không nên cái gì cũng đối xử với nhau bằng lý, mà phải đối xử với nhau bằng tình. Thí dụ cha mẹ nói với đứa con rằng “Con đừng thọc tay vào ổ điện nhé, điện giật chết đấy !” Nếu đứa con không tin, đòi thử nghiệm xong rồi mới tin thì nó sẽ ra sao ? Nó phải tin cha mẹ chứ, vì nó biết cha mẹ yêu thương nó. Vì Đức Giêsu yêu tôi nên Ngài có quyền đòi hỏi cao hơn sự hợp lý, Ngài có quyền đòi hỏi sự hợp tình.
Tôi cũng suy nghĩ về chữ “Phúc” trong câu Đức Giêsu nói với Tôma : “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Đọc Tin Mừng theo Thánh Matthêu, tôi đã biết có tám mối phúc. Bây giờ tôi biết thêm mối phúc thứ chín nữa. Tại sao không thấy mà tin thì có phúc ? Tôi nghĩ rằng hạnh phúc thường đi đôi với tình yêu. Khi yêu ai thì người ta dễ tin vào người ấy. Tin thể hiện Yêu, và chính vì yêu nên hạnh phúc. Đến đây tôi khám phá một dây liên hệ giữa ba điều : Yêu – Tin – và Hạnh phúc.
Và kết luận tôi rút ra được từ bài Tin Mừng này là :
– Trong tương quan với những người không thân thiết lắm, tôi có thể cẩn thận đòi hỏi sự hợp lý.
– Nhưng trong tương quan với những người thân yêu, tôi phải cư xử sao cho hợp tình.
– Nhất là trong tương quan với Chúa, tôi phải tin Ngài để chứng tỏ là tôi yêu Ngài. Và nếu tôi tin yêu Ngài như thế thì tôi là người hạnh phúc.
Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện về vị tu sĩ Hồi Giáo Nasruddin như sau :
Một ngày nọ, nhà của thầy bốc cháy. Để được an toàn, thầy vội trèo lên mái nhà. Các bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng, vì mạng sống Thầy chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ liền căng một tấm thảm, giữ lấy bốn góc rồi giơ cao và hô lớn :
– Nhảy đi, Thầy nhảy xuống đi !
Thầy Nasruddin nói :
– Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi thành một trò hề !
– Ôi, Thầy ơi ! Không phải trò đùa đâu, Thầy nhảy mau đi !
Thầy Nasruddin vẫn ngoan cố :
– Không ! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, tôi sẽ nhảy.
*
Tin là chấp nhận bấp bênh, là chấp nhận có thể bị lừa dối. Nhưng không thể sống mà không tin. Người ta không thể nói : “Có thấy mới tin”. Trên đời này có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin. Chẳng ai thấy rõ lòng dạ con người, nhưng họ vẫn tin vào tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn, tình làng xóm… Người ta cũng không thể nói : “Tôi chỉ tin vào Chúa nếu có bằng chứng”. Paul Misraki nói : “Nếu bạn chỉ đợi có bằng chứng mới tin, thì đức tin đã trở thành khoa học rồi”.
Khủng hoảng lớn nhất của thế giới ngày nay là khủng hoảng niềm tin. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi hãy giữ vững niềm tin.
– Tin vào Thiên Chúa và tin vào con người.
– Tin vào thế giới do Người tạo nên.
– Tin vào cuộc đời mà Người gởi ta đến.
– Tin vào vẻ đẹp và hạnh phúc Người tặng ban.
“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga.20,28). Người tín hữu Kitô là những người không thấy mà tin. Họ không thấy Chúa bằng con mắt thường, nhưng họ thấy Người bằng con mắt đức tin. Họ không thấy Chúa bằng giác quan, nhưng họ thấy Người với cả trái tim. Thiên Chúa muốn cho giác quan chúng ta ra tăm tối, để niềm tin được ăn rễ sâu trong Người.
Miguel de Unamuno viết : “Tôi tin vào Thiên Chúa như tin vào một người bạn, vì tôi cảm nhận được hơi thở tình yêu của Người, cảm nhận được bàn tay vô hình và khả giác của Người tác động đến tôi”.
Nhà sinh vật học Jean Henry Fabre sau 87 năm khảo sát và suy tư đã phải thốt lên : “Tôi không thể nói rằng tôi tin vào Thiên Chúa, mà là tôi trông thấy Người”. Thấy Chúa là Cha rất nhân từ hằng yêu thương chăm sóc con người, và thấy mọi người là anh em với nhau. Cha Michel Quoist có viết : “Tin Chúa, không phải là hướng mắt về Người để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn vào trần gian với ánh mắt của Đức Kitô”.
*
Lạy Chúa, xin cho chúng con được thấy Chúa đi ngang qua cuộc đời chúng con, để chúng con tin Chúa đang sống động, hiện diện, thật gần, ngay bên cạnh chúng con, trong cuộc sống và trong người anh em. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
* 6. Mảnh suy tư
– Điều cốt yếu thường không nhìn thấy được.
– Thế giới hữu hình chỉ là một phần của thế giới rộng lớn hơn bao gồm nhiều điều vô hình.
– Nhiều khi thị giác, thính giác và xúc giác lại là trở ngại cho cảm xúc và suy nghĩ.
– Đôi khi cần phải tin thì mới thấy được.
– Tối quá người ta không thấy, nhưng sáng quá người ta cũng chẳng thấy.
*V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, thánh Tôma đã đòi đụng chạm đến Đức Giêsu Phục sinh để có dấu hiệu chắc chắn nâng đỡ niêm tin của mình. Niềm tin của chúng ta cũng còn yếu kém lắm, chúng ta hãy sốt sắng nguyện xin :
- Xin cho Hội thánh Chúa ngày nay / là những người chỉ gặp Đức Giêsu trong đức tin / luôn vững tin vào Chúa Phục sinh / để nâng đỡ niềm tin cho nhiều người khác.
- Xin cho những người còn “cứng lòng tin” trên khắc thế giới / có được cơ hội gặp gỡ Đức Giêsu để dẹp bỏ thành kiến và mặc cảm / mà đón nhận tình thương cứu độ của Người.
- Xin cho những người đang gặp khủng hoảng về đức tin / hoặc đánh mất niềm tin vì gặp nhiều gian nan thử thách / tìm được những người biết cảm thông và chia sẻ niềm tin cho họ.
- Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta biết nêu gương sáng về đức tin cho nhau / bằng việc sống đức tin và truyền bá đức tin cho người khác.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã phán rằng : “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con là những người không được thấy Chúa, cũng luôn vững vàng tin rằng Chúa đã sống lại và ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa là đáng hằng sống và hiển trị muôn đời.
*VI. Trong Thánh lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta đã trở thành con Thiên Chúa. Vậy chúng ta cũng hãy cùng với Ngài và trong Ngài dâng lên Thiên Chúa lời kinh Lạy Cha.
– Chúc bình an : Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã ban bình an cho các môn đệ. Giờ đây chúng ta cũng hãy chúc cho nhau được bình an.
*VII. Giải tán
Anh chị em hãy nhớ lời Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Chúa sai anh chị em đi, anh chị em hãy đi bình an.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH -B
VÀO TRONG VINH QUANG NGANG QUA THẬP GIÁ- Lm. Đan Vinh HHTM
*1. LỜI CHÚA: Rồi Người bảo Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa Người: “”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,27-28).
*2. CÂU CHUYỆN: ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH PHẢI TRẢI QUA ĐAU KHỔ THẬP GIÁ
Một hôm do muốn cám dỗ thánh Martinô phạm tội, nên quỷ đã hiện hình thành một ông vua oai phong và phán rằng “Hỡi Martinô, Ta cám ơn con đã tin vào Ta, và Ta mong rằng từ nay con sẽ luôn ở bên Ta và vâng nghe lời Ta truyền dạy”.
Martinô chăm chú nhìn ông vua giàu sang kia và hỏi: “Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?”. Vua liền trà lời: “Ta là Vua Kitô đây !”
Martinô lại hỏi: “Vậy những vết thương ở tay chân của Đức Kitô đã biến đi đâu cả rồi ?” Vua liền đáp “Ta từ trời xuống, nên không cần đến các vết thương đó nữa !”
Bấy giờ Martinô nói: “Tôi sẽ không bao giờ tin vào một Đức Kitô không chịu khổ nạn và tay chân không mang thương tích!” Tên vua quỷ nghe vậy liền biến mất.
*3. SUY NIỆM:
*1) Từ thái độ bán tín bán nghi đến đức tin vững chắc vào mầu nhiệm Phục Sinh:
Các môn đệ của Chúa Giê-su không phải là những con người dễ tin. Đức tin của các ông đã trải qua một quá trình được các sách Tin Mừng ghi nhận như sau:
– Vào sáng ngày Thứ Nhất trong tuần, khi nghe bà Ma-ri-a báo tin xác Thầy biến mất, hai môn đệ Phê-rô và Gio-an đã chạy đến mộ để xác định thực hư. Gio-an đã đạt tới đức tin trước các anh em nhờ nhìn thấy những khăn liệm xác và các dây băng được xếp gọn để lại trong mộ và nhất là nhờ lòng mến đặc biệt dành cho Thầy Giê-su. Như vậy Gio-an “đã thấy và đã tin” nhờ đã quan sát những sự kiện thực tế và nhờ sự trực giác do lòng mến Chúa (x Ga 20,1-8).
– Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã gặp Chúa phục sinh nhưng không nhận ra Người mà bà nghĩ là ông giữ vườn. Bà chỉ tin nhận Chúa Phục Sinh khi nghe Người gọi đích danh tên của bà: “Ma-ri-a !” (Ga 20,16). Như vậy một người sẽ chỉ đạt tới đức tin sau khi đã cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương qua lời nói việc làm yêu thương phục vụ của các tín hữu.
– Hai môn đệ làng Em-mau đã được gặp Chúa phục sinh và đã nghe Người nói chuyện suốt cuộc hành trình, nhưng các ông vẫn nghĩ Người là một người dân ở Giê-ru-sa-lem. Các ông chỉ nhận ra Chúa khi lòng các ông đã nóng lên lòng mến khi nghe Người giải thích Kinh Thánh. Nhất là khi được tham dự lễ nghi Bẻ Bánh mà Đức Giê-su đã từng làm trước đó (x Lc 24,13-31). Như vậy đức tin chỉ có được qua một tiến trình như sau: Một là phải nghe Lời Chúa giáo huấn qua Hội Thánh để thêm lòng tin yêu và hai là phải năng dự thánh lễ với cộng đoàn.
– Bảy môn đệ cùng đi đánh cá tại biển hồ Ga-li-lê cũng chỉ tin Chúa Phục Sinh sau khi đã vâng lời Chúa “thả lưới bên phải mạn thuyền” và đã bắt được mẻ cá lạ lùng (x Ga 21,1-14). Như vậy các dấu lạ bắt nguồn từ việc thực thi Lời Chúa cũng giúp người ta nhận biết Chúa.
-Tuy nhiên đức tin của các môn đệ nói trên cũng chỉ ở một mức độ giới hạn. Các ông chỉ đạt tới một đức tin trọn vẹn sau khi đã tĩnh tâm cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a và các anh em Chúa trong Nhà Tiệc Ly suốt 10 ngày, và đã đón nhận được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần trong lễ Ngũ Tuần (x Cv 2,1-12); Nhờ đó, các ông đã hăng say chu toàn lệnh truyền loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19-20) và “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
*2) Về đức tin thực nghiệm của ông Tô-ma (x Ga 20,19-29):
Tin Mừng Gio-an hôm nay tường thuật hai lần Đức Giê-su hiện ra với các Tông đồ sau khi Người từ cõi chết sống lại. Cả hai lần Chúa đều hiện ra vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần nhưng cách nhau một tuần lễ. Lần thứ nhất khi Chúa đến thì Tô-ma vắng mặt. Khi nghe anh em thuật lại sự kiện Thầy đã phục sinh và hiện ra, ông Tô-ma đã khẳng định lập trường mang tính khoa học thực nghiệm là: ông chỉ tin Thầy thực sự sống lại khi được “mắt thấy tay sờ”. Do đó, trong lần hiện ra lần thứ hai sau một tuần lễ, Chúa Phục Sinh đã thỏa mãn đòi hỏi của Tôma bằng việc chỉ cho ông xem các lỗ đinh ở hai bàn tay và vết sẹo do lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn Người. Bấy giờ Tôma đã đạt tới đức tin trọn vẹn khi miệng ông thốt ra lời cầu với Chúa như sau: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).
Trước đây người ta thường coi Tô-ma tượng trưng cho những người cứng lòng tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Nhưng hiện nay người ta lại nhìn thái độ ấy với con mắt cảm thông và theo hướng tích cực. Vì nhờ không vội tin của Tô-ma, mà các tín hữu hôm nay mới có thêm những bằng chứng cụ thể chứng minh mầu nhiệm phục sinh của Chúa. Cũng vì các môn đệ Chúa không dễ tin mà đòi hỏi phải dựa trên cơ sở vững chắc, nên một khi các ngài đã tin thì niềm tin ấy sẽ có giá trị trở thành chỗ dựa vững chắc cho niềm tin của chúng ta hôm nay.
*3) Phúc thay những người không thấy mà tin:
Điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay là: Chúa đã chọn đi con đường theo thánh ý Chúa Cha là: “Phải qua đau khổ để vào trong vinh quang”, thể hiện qua việc Người đã thỏa mãn đòi hỏi của Tô-ma khi cho ông được nhìn xem những lỗ đinh ở bàn tay và kiểm tra vết thương ở cạnh sườn Người. Qua đó Người đã nhắn nhủ Tô-ma và qua ông nhắn nhủ các tín hữu chúng ta hôm nay: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29).
Ngày nay để tin Chúa phục sinh, chắc chắn chúng ta sẽ không có cơ hội “mắt thấy tay sờ” như ông Tô-ma xưa, nhưng chúng ta vẫn cần chấp nhận đi con đường của Chúa Giê-su đã chọn theo ý Chúa Cha là: “Qua đau khổ để vào vinh quang”, phải cùng chịu chết và được an táng với Chúa Giê-su để cùng được sống lại với Người. Mỗi ngày chúng ta phải biết “bỏ mình đi”, nghĩa là loại bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa qua lề luật và các lời giáo huấn của Hội Thánh. Mỗi ngày các tín hữu chúng ta phải quyết tâm loại trừ mối tội đầu của mình bằng việc tập luyện nhân đức đối lập như trong kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” đã dạy. Mỗi ngày chúng ta còn phải chấp nhận vác thập giá là vui lòng chịu đựng các tai ương bệnh tật và những điều trái ý cực lòng do hoàn cảnh hay do người chung quanh gây ra để bước theo chân Chúa trên đường thánh giá.
*4) Loan báo Tin Mừng hôm nay là thể hiện Lòng Chúa Thương Xót:
Giống như Tôma xưa, con người ngày nay cũng không dễ tin: họ luôn đòi phải được “mắt thấy tay sờ”, phải thấy được bằng chứng đáng tin. Do đó, các tín hữu cần trình bày khuôn mặt của Chúa Phục Sinh cho người khác thấy và tin.
Thực vậy: Làm sao họ có thể tin vào Chúa Phục Sinh, nếu không được xem những vết chai cứng nơi bàn tay lao động, những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi vì phục vụ những người nghèo khổ của các tín hữu chúng ta?
Làm sao họ tin Chúa đã yêu thương chịu chết đền tội thay và sống lại để ban sự sống đời đời cho loài người, nếu họ không nhìn thấy những dấu chỉ yêu thương quên mình phục vụ trong cộng đòan tín hữu hay các hội đòan công giáo tiến hành gần nhà…
Chúng ta phải noi gương yêu thương hiệp thông và bác ái chia sẻ của cộng đòan thời Hội Thánh sơ khai tại Giêrusalem đã được sách Công vụ Tông đồ ghi nhận như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải , lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ,. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47). Có thể nói cộng đoàn Hội Thánh Sơ Khai đã trở thành dấu hiệu đích thực của người môn đệ Đức Giê-su như Người đã dạy: “Ở điểm này , mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yệu thương nhau” (Ga 13,35).
Cũng vậy, con người ngày nay luôn đòi phải thấy những chứng tích tình yêu như thế nơi các tín hữu. Do đó, Hội Thánh đã chọn Chúa Nhật II Phục Sinh làm ngày kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót, để mời gọi mọi người chúng ta quan tâm tới tha nhân bên cạnh và thể hiện tình thương của Chúa cho họ. Cần tránh những lời nói, thái độ vụ luật bất nhân của bọn Biệt Phái và Kinh Sư Do thái khi xưa đã bị Chúa nặng lời quở trách, nhờ đó anh em lương dân mới dễ dàng đón nhận đức tin vào Chúa.
*4. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh.
Khi chúng con đi tìm kiếm Chúa trong nước mắt đau thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên bà Ma-ri-a đang khóc bên mộ Chúa khi xưa.
Khi chúng con chán nản muốn bỏ Chúa, xin hãy đi với chúng con trên những đọan đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường về làng Em-mau.
Khi chúng con đang đóng cửa lòng không muốn giao tiếp vì sợ hãi, xin hãy ban bình an cho chúng con, như Chúa đã đến ban bình an cho các môn đệ vào chiều ngày phục sinh.
Khi chúng con đang hòai nghi bất tín, xin hãy tỏ lòng thương xót và khoan dung tha thứ tội lỗi chúng con, như Chúa đã tỏ lòng thương xót khoan dung trước sự cứng lòng của Tôma.
Khi chúng con gặp phải thất bại trong cuộc sống, xin hãy đến nâng đỡ ủi an chúng con, như Chúa đã đến trao ban và phục vụ bữa sáng gồm bánh và cá nướng cho bảy môn đệ trên bờ biển hồ Ga-li-lê xưa.
Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin hãy tỏ mình ra cho chúng con thấy Chúa đang hiện thân nơi những người đau khổ cả về thể xác cũng như tâm hồn, để mời gọi chúng con hãy thể hiện lòng thương xót bằng viẹc quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất và nhiệt tình phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu sau này chúng con sẽ được Chúa liệt vào hàng các chiên ngoan trong đàn chiên Chúa.- Amen.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH– ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:
- Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngươì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.
- Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng.
Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con”. Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.
Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.
- Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.
Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.
Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.
- Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.
Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.
Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.
Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.
Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.
Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.
Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.
Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- A
SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH- Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Niềm vui và hạnh phúc bình an cùng sứ mạng rao giảng Tin mừng Chúa Phục sinh mà Chúa Giêsu Phục sinh đem lại cho các môn đệ thực là lớn lao. Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá và chôn táng trong mộ hôm qua không vĩnh viễn xa cách các môn đệ mà người đã Phục sinh vinh quang và hiện đến rạng rỡ với các ông. Ngôi mộ không thể giữ mãi Chúa Giêsu mà người đã bước ra khỏi mộ vinh quang mạnh mẽ và đến với các môn đệ. Niềm vui thực là ngỡ ngàng và lớn lao. Trong khi tâm trạng của các môn đệ còn sợ hãi vì những sự kiện khổ nạn thập giá vừa mới xảy ra, các ông còn co ro trong căn phòng đóng kín cửa vì sợ những người do thái, thì Chúa Giêsu đã hiện đến đứng giữa các ông và nói : « Bình an cho các con ». Lời chúc bình an vẫn là lời chào chúc thân quen của thầy Giêsu giờ đây lại trở về, và các môn đệ được tiếp xúc với thầy một cách mới mẻ, cũng là thầy Giêsu như ngày nào, nhưng nay đã Phục sinh vinh quang và lời chào bình an của Chúa Giêsu còn kèm theo những cử chỉ thân tình : người cho các ông xem tay và cạnh sườn của người, và nhất là người ban tặng Thánh Thần cùng với lời sai đi : « Bình an cho các con, như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ».
Sự hiện diện của Chúa Phục sinh thực là mới mẻ, vì người có thể đến với các môn đệ, người tỏ mình cho các ông được xem thấy người, người không còn bị giới hạn bởi những điều kiện vật lý của thế giới con người nữa. Người tỏ mình cho các môn đệ, hiện đến với thân xác của người, người chỉ cho các ông xem những vết thương, vết đinh và vết lưỡi đòng. Vẫn là thầy Giêsu của hôm qua nhưng giờ đây đã phục sinh. Không phải là chuyện tưởng tượng mà là sự Phục sinh vinh quang với thân xác đã được biến đổi. Thập giá và cuộc khổ nạn là giờ vinh quang của người như lời người đã báo trước với các môn đệ nhiều lần, giờ người được tôn vinh và bước vào sự Sống lại của đời sống vĩnh cửu. Vì thế lời chúc bình an của người giờ đây là lời chúc hiệu quả, đó là ân sủng của ơn cứu độ, ân sủng ban tặng niềm vui bình an, sức mạnh và sứ vụ rao giảng. Người thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ cũng chính là Thánh Thần của người, Thánh Thần mà người vẫn hằng được chia sẻ với Chúa Cha cùng với lời sai đi : « Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ».
Việc Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc báo cho các môn đệ là người không còn chết nữa mà hướng đến sứ vụ được sai đi và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh và công bố ơn cứu độ cho mọi người. « Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ». Chúc Phục sinh hiện đến trao ban sứ vụ cho các môn đệ. Sứ vụ này có nền tảng vững chắc từ Chúa Cha. Chúa Cha là Đấng đã sai Đức Giêsu thế nào, thì giờ đây thầy Giêsu cũng sai các môn đệ của người như vậy, cùng với sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa. Các ngài được sai đi để tiếp nối công việc thầy Giêsu, các ngài lãnh nhận Thánh Thần của Thiên Chúa, các ngài sẽ nói lời tha thứ và cầm buộc như chính thầy Giêsu đã nói lời tha thứ cho các tội nhân. Như thầy Giêsu đã lãnh nhận Thánh Thần và đã hoạt động đầy quyền năng thế nào, thì các môn đệ cũng lãnh nhận Thánh Thần và được sai đi đầy quyền năng. Các ngài có quyền tha tội, thanh tẩy tội lỗi của người khác với quyền năng Thánh Thần của Đấng Phục sinh. Thánh Thần của Đấng Phục sinh hiện diện trong những hoạt động và lời nói của các ngài đến độ khi các ngài tha thứ tội lỗi cho người khác hay cầm buộc tội lỗi của họ, thì chính Thiên Chúa cũng cầm buộc và tha thứ. Ân sủng của Chúa Giêsu Phục sinh tuôn trào qua hoạt động Thánh Thần của người nơi các môn đệ là những người đã tin và theo thầy Giêsu.
Tôma là một khuôn mặt tông đồ không có lòng tin vào sự Phục sinh của thầy Giêsu. Trong khi các môn đệ khác đã bắt đầu sống trong niềm vui của sự Phục sinh thì Tôma vẫn như đứng bên lề mọi diễn biến, không muốn cùng chia sẻ niềm vui Phục sinh với các bạn đồng môn khác của mình, thái độ của ông là thái độ muốn điều gì cũng phải rõ ràng, trung thực, không tưởng tượng hay giả tạo để rồi sai lầm. Chúa Giêsu lại hiện ra một tuần sau và thỏa mãn những đòi hỏi của ông, và Tôma đã tìm lại được lòng tin vào thầy Giêsu Phục sinh. Ông đã nói lên lời tuyên xưng mạnh mẽ : « Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi ». Lời tuyên xưng của Tôma được xem như đỉnh cao của toàn bộ Tin mừng, tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Tôma đã có khoảng khắc cứng lòng tin, nhưng rồi ông đã tìm lại được lòng tin khi được chính Chúa Phục sinh tỏ mình ra cho ông. Thái độ của Tôma không phải là mẫu mực, mà Chúa Giêsu còn mời gọi mọi người hãy có một thái độ mới mẻ đứng trước sự Phục sinh. Phục sinh là hồng ân sự sống của Thiên Chúa mời gọi con người bước vào tương quan chân thực và thân mật với Chúa Giêsu, vượt qua những giới hạn của những đòi hỏi duy lý để tin tưởng và đón nhận bình an và Thánh Thần : « Phúc cho những ai không thầy mà tin ». Thấy mà tin là điều bình thường, nhưng không thấy mà tin mới là điều cần thiết và đòi hỏi hơn. Tôma như muốn bảo vệ cho quan điểm của mình là phải thấy mới tin, nhưng Tin mừng Gioan muốn nhấn mạnh lòng tin không đơn thuần phải là thấy với thái độ thực nghiệm thỏa mãn mòi đỏi hỏi khả giác, lòng tin còn dựa vào lời rao giảng của thầy Giêsu vào lời chứng của Thánh Kinh cũng như lời chứng của các tông đồ đệ khác hơn là chỉ đóng kín trong những đòi hỏi chủ quan của mình.
Cộng đoàn các Giáo hội đầu tiên là cộng đoàn mới, được sinh ra từ lòng tin vào sự Phục sinh của Đức Giêsu và lời rao giảng của các tông đồ. Cộng đoàn này trở nên mẫu mực của mọi cộng đoàn Giáo hội. Mọi người đều hợp nhất trong lòng tin và thực hành lòng bác ái. Mọi người yêu thương nhau và chia sẻ mọi sự làm của chung đến độ không ai túng thiếu điều gì. Tình bác ái của các ngài đậm đà đến mức độ mọi người đều được yêu thương, và mọi người đều sốt sắng chia sẻ của cải của mình cho mọi người. Lòng tin vào Chúa Phục sinh phải thực sự biến đổi mỗi người, làm cho chúng ta biết mạnh mẽ thực hành các giới răn của Thiên Chúa. Thánh Gioan luôn nối kết lòng tin của người tín hữu và đời sống luân lý. Đời sống luân lý này có nền tảng là giới răn của Thiên Chúa và lòng tin không phải chỉ là tình cảm nồng nhiệt mà còn phải được biểu lộ trong đời sống, hiện tại hóa nơi những việc làm và chọn lựa của mỗi người. Chính khi đó, người tín hữu là những người tin vào Chúa Giêsu Phục sinh là Đấng đã chiến thắng thế gian bằng chính cái chết đẫm máu của người trên thập giá : « cứ dầu này chúng ta nhận biết chúng ta là con cái Thiên Chúa là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn của người ».
Lòng tin luôn vượt quá những gì chúng ta có thể chứng minh. Lòng tin vào Chúa Giêsu Phục sinh mời gọi chúng ta phải dấn thân tin tưởng và hoán cải để có thể gặp được Đấng Phục sinh vẫn đang hiện diện trong đời sống mỗi người chúng ta. Đấng Phục sinh vẫn hiện diện với mỗi người và đồng hành với mỗi người trong những khó khăn vất vả của cuộc đời. Thách đố của tin mừng Phục sinh mời gọi chúng ta ra khỏi sự đóng kín và sợ hãi của mình để tin tưởng và dấn thân theo Chúc Phục sinh cùng với cộng đoàn Giáo hội.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI ANH EM– Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ
Đức Giêsu đã phục sinh. Nhưng điều này đâu có quan hệ gì đến tôi, nếu Đức Giêsu cũng tương tự như bao người khác, cũng chỉ là một người như bao người khác: họ được nhưng đâu có nghĩa rằng toi được? Đức Giêsu Phục Sinh chỉ ảnh hưởng tuyệt đối đến tôi, nếu Ngài là Thiên Chúa.
Qua các tông đồ Thiên Chúa của Đức Giêsu Phục Sinh hiện diện
Sau khi Đức Giêsu phục sinh, với sự trợ giúp của Thánh Thần, các tông đồ đã nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa. Và dưới tác động của Thánh Thần các tông đồ đã can đảm tuyên xưng, rao giảng Đức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại. Và hôm nay sách tông đồ công vụ cho thấy những người tin vào Đưc Giêsu đã trở thành một nhóm đặc biệt, trở thành dấu chỉ của Đức Giêsu Phục Sinh cho con người thời đó.
Thánh Phêrô trở thành khí cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cho con người. Bóng của Ngài ngả xuống trên bệnh nhân nào thì người đó được khoẻ lại. Có người nghĩ: không chừng các tông đồ còn làm được những điều lớn lao hơn cả Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu cũng nói: “Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm người ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa, vì Ta về cùng Cha” (Ga.14, 12).
Ngày xưa khi Chúa về trời, các tông đồ đã thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện; và ngày nay qua Hội Thánh nơi các tín hữu, Thiên Chúa cũng hiện diện với con ngươi hôm nay.
Đức Giêsu Phục Sinh là Thiên Chúa
Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài đã nói những lời người Do Thái không thể chấp nhận được, như Ngài nhận Ngài có quyền tha tội (Mc.2,7), Ngài có trước Abraham (Ga.8, 58), Ngài la một với Thiên Chúa Cha (Ga.10, 30), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa Cha (Mc.14, 62). Người Do Thái không thể chấp nhận những lời đó, nên đã lấy đá định ném chết Ngài. Nếu Ngài không là Thiên Chúa, quả thật Ngài phạm tội “phạm thượng”: là người phàm mà dám nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Ngài đã sống lại, nghĩa là, những điều Ngài nói là thật, vì nếu Ngài nói dối, Thiên Chúa đâu có phục sinh Ngài! Như vậy, Ngài có quyền tha tội (mà chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa thật.
Ngài là Thiên Chúa thật, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Và do đó, người ta biết Thiên Chua yêu thương con người vô cùng, vì nếu không yêu con người, tại sao Thiên Chúa nhập thể làm người? Tại sao Ngài phải chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá? Tại sao Ngài mãi mãi là người? Chính vì tình yêu, vì yêu con người, mà Thiên Chúa trở thành một người như bao người. Thiên Chúa làm tất cả cho con người.
Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con
Khi hiện ra với các tông đồ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Như vậy, các tông đồ, và sau đó là các Kitô hữu, có cùng sứ mạng với Đức Giêsu.
Sứ mạng của Đức Giêsu, của Ngôi Lời nhập thể, là làm sao để con người nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa! Để làm được điều này, Lời Thiên Chúa đã nhập thể, đã sống như một người hoàn toàn, đã hiến mình làm của ăn cho con người, đã chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá vì yêu con người, đã yêu con người đến chết.
Sứ mạng của các tông đồ, của Hội Thánh ngày nay, của mỗi người tín hữu, là làm chứng cho tình yêu, làm cho thế gian biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng. Để làm được điều này, cũng đòi tín hữu phải hy sinh, phải yêu thương con người ngày nay đến độ quên mình như Đức Giêsu. Thập giá minh chứng tình yêu. Lửa thử vàng, gian nan thử tình yêu. Tình yêu cải biến, chinh phục lòng người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Theo bạn, do đâu các tông đồ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa?
- Các tông đồ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa khi nào? Tại sao bạn biết vậy?
- Sứ mạng của các Kitô hữu hôm nay là gì?
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH-B
LÒNG THƯƠNG XÓT- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Giáo Hội dành Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh để kính nhớ Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu. Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các môn đệ và nói rằng: Bình an cho các con (Ga 20,19). Bình an là món qùa vô giá. Sự bình an sẽ xóa bỏ mọi nỗi lo âu, sợ hãi, áy náy, buồn phiền và chán nản. Chúa đã ban cho các tông đồ một sự bình an nội tâm. Sự bình an đích thực trong tâm hồn. Chúa Giêsu sống lai đã mở con đường cứu rỗi trong ánh sáng chan hòa. Chúa đã tiêu diệt bóng tối sự chết và sự dữ. Chúng ta không còn sợ hãi con đường cụt hay vực thẳm của cõi nhân sinh. Chúa Kitô chính là niềm hy vọng và là đường dẫn chúng ta đến sự sống thật. Chúa Giêsu đã hứa:Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em (Ga 14,2).
Chúa Phục Sinh đã từng bước củng cố lại lòng tin yêu nơi các tông đồ. Ngài cảm thông sự yếu đuối, nỗi đau đớn và sợ hãi của các ông. Với lòng nhân hậu và khoan dung, Chúa không trách cứ về sự nghi ngờ và cứng lòng tin của các tông đồ. Tôma đòi hỏi được thọc ngón tay vào ban tay Chúa, Chúa cho ông toại nguyện:Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”(Ga 20,27).Đức tin là nhân đức đối than. Gọi là đức tin vì cần xác tín trong sự phó thác hoàn toàn. Các tông đồ đã nhìn thấy Chúa tận mắt, sờ tận tay và đối thoại trực tiếp với Chúa. Đây sự sự thật rõ ràng. Chúa Giêsu nói với Tôma rằng: Vì con đã xem thay thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin. Các tông đồ đón nhận tin vui với niềm hân hoan vui sướng có Chúa ở cùng.
Khi hiện ra với các tông đồ, Chúa không kể lại sự thống khổ mà Chúa đã phải trải qua. Chúa hiện đến với các tông đồ và chúc bình an. Với lòng khoan dung nhân hậu, Chúa khởi lại từ đầu để qui tụ các tông đồ đang tản mác, an ủi khích lệ, củng cố niềm tin và sai các ông ra đi làm nhân chứng Chúa Kitô song lại. Chúa không muốn khơi dậy sự yếu đuối hay hèn nhát của các ông. Chúa muốn các tông đồ hướng về phía trước và ra đi làm nhân chứng cho tình yêu. Lòng thương xót của Chúa vượt qua mọi biên giới tính toán hạn hẹp va ích kỷ của con người. Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót nhân loại trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúa đã xóa sạch mọi vết nhơ tội lỗi, lầm lạc và yếu hèn của mọi người.
Vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, trong dịp lễ phong thánh cho Dì Maria Faustina Kowalska, Tông đồ Lòng Thương Xót (1905-1938), Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã loan báo rằng Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa (Divine Mercy Sunday). Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ đời này tới đời kia. Mỗi một lời nói, hành động và ý muốn của Chúa đều diễn tả tình yêu nhân lành và lòng xót thương. Sự tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót được mọi người đón nhận một cách rộng rãi chân thành. Chương trình cứu độ của Chúa là một giao ước của tình yêu. Đây là tình yêu trao ban, tình yêu hiến thân và tình yêu vô điều kiện. Không mấy ai có thể đáp trả tình yêu thương xót của Chua cho cân xứng. Chúa chính là nguồn tình yêu tuôn đổ trong tâm hồn con người. Mọi người được ngụp lặn trong tình yêu lòng thương xót của Chúa.
Những tâm tình và lời cầu nguyện được gồm tóm trong lời kinh: Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu Cha, Chúa chúng con.Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới. Chuỗi hạt Lòng Thương Xót:Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô. Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Kết thúc:Lạy Đấng Chí Thánh, là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu. Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
Có nhiều người say mê cầu nguyện và tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót mỗi ngày. Những lời kinh đọc và những sự suy gẫm mang lại phần ích lợi cho tâm hồn chúng ta. Chúng ta cảm nhận được tình Chúa yêu thương. Trái tim bị đâm thâu luôn đầy ắp yêu thương, chúng ta chẳng cộng thêm điều gì cho Chúa. Điều quan trọng là chúng ta hãy sống những tâm tình từ bi, nhân hậu như Chúa đã đối xử đại lượng với chúng ta. Học nơi lòng thương xót của Chúa, chúng ta cũng phải trải rộng lòng xót thương của ta tới những người chung quanh. Chúng ta không chỉ ngồi chiêm ngắm, ca hát, suy gẫm, cảm thông, khóc than về cuộc khổ nạn đau thương và chịu chết của Chúa nhưng chúng ta hãy sống tinh thần xót thương. Chúa Giêsu đã dậy:Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7).
Chúa Giêsu chúc phúc cho ai biết xót thương người. Xót thương là biết cảm thông những nhu cầu cần thiết cả về tâm linh lẫn thể chất của người khác. Xót thương là muốn đem yêu thương hòa giải vào những nơi tranh chấp, oán ghét và hận thù. Xót thương là cùng chia xẻ cơm áo gạo tiền cho người đói khổ cùng khốn. Xót thương là sống thứ tha và rộng lòng quảng đại. Việc tốt luôn luôn là mot hạt giống tốt. Thực hành một việc tốt, dù nhỏ mọn cũng sẽ sinh nhiều bông hạt tốt lành. Lòng xót thương cứ thế mà nhân lên và sinh xôi nẩy nở. Hãy nhớ việc bác ái cần có thái độ: Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh (Mt 6,3).Điều hạnh phúc nhất là chúng ta sẽ được Chúa xót thương.
Tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta tuyên xưng: Lạy Chúa, chúng con tín thác nơi Chúa (Lord Jesus, I trust in you). Tin tưởng và phó thác cuộc đời trong tay Chúa, chúng ta không còn sợ bị cô đơn hay bị sai lầm lạc lối. Chỉ nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ tìm ra lẽ sống và cùng đích của cuộc đời. Con đường Chúa đã mở ra cho chúng ta rất rõ ràng minh bạch. Chúa đã khuyên dạy chúng ta về bổn phận đối với Thiên Chúa, cách đối xử với tha nhân và thái độ sống nội tâm cầu nguyện, bác ái, tha thứ, chân thật và yêu thương. Lời Chúa là tin mừng và là lời hằng sống cho mọi người trong mọi thời. Hãy chú tâm học hỏi, suy gẫm và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống, chúng ta sẽ cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương là dường nào.
Chưa từng có ai chạy đến xin ơn Chúa, mà Chúa chối từ. Thánh Matthêô diễn tả: Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt và Người đã chữa họ (Mt 4,24). Chúa Giêsu đã chữa lành cho từng người và từng tâm hồn. Chúa động chạm đến vết thương sâu kín riêng tư của họ. Chúa quan tâm đến đời sống tâm linh và nội tâm của từng người. Chúa chữa họ qua quyền năng của ý muốn, lời nói và cử chỉ hành động. Chỉ cần họ có lòng tin vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dậy: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt 7,7). Chúng ta hãycầu xin Chúa với lòng chân thành và tin tưởng. Chúa sẽ xót thương.
Chúng ta cùng cầu xin cho được ơn an bình, theo lời cầu của linh mục trong phần Hiệp Lễ: Chúa đã nói với các Tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin đừng chấp tội chúng con,nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa;xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con và xin nhậm lời chúng con khẩn nguyện.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
CHỨNG TÍCH LÒNG THƯƠNG XÓT- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC
Ngày 30/4 năm 2000, thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ Kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa nhật II Phục sinh, nhắc lại biến cố Đức Giêsu hiện ra tỏ cho thánh Tôma thấy những thương tích nơi thân mình của Chúa, nhất là cạnh sườn bị đâm thâu trào ra nước và máu suối nguồn ân sủng. Giáo hội coi đây là nguồn gốc phát sinh ra các Bí tích, nhất là Bí tích hòa giải nơi mà con người lãnh nhận được ơn tha thứ do lòng Chúa thương xót.
Tin mừng Gioan ghi lại, tám ngày sau, Đức Giêsu hiện đến với các môn đệ trong một căn phòng cửa đóng kín. Sau khi chúc bình an cho các ông, thì Chúa gọi riêng Tôma và bảo: “Tôma! Hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh, hãy thọc bàn tay con vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin”. Thế thì, tại sao Đức Giêsu không tỏ cho các môn đệ thấy hào quang sáng chói của Đấng phục sinh, mà lại tỏ cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Ngài?
Giả như Đức Giêsu hiện ra với một dung mạo sáng láng như biến hình trên núi Tabor, thì e rằng các ông tưởng rằng một vị thần linh nào đó hay là ma, nhưng ở đây Đức Giêsu tỏ cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Ngài là bằng chứng trong cuộc thương khó, Thầy đã bị đánh đòn, bị đóng đinh, bị lưỡi đòng đâm thấu cạnh sườn, Thầy đã chết, nhưng nay Thầy sống lại đến với các con đây, chứ không phải ma đâu, các con đừng sợ!”.
Chúng ta thấy những lần Chúa hiện đến gặp gỡ, không hề thấy Chúa trách mắng các môn đệ sao hèn nhát bỏ Thầy trong cuộc thương khó, mà chỉ trao ban bình an cho các môn đệ, biến các ông từ những người nhút nhát trở nên những chứng nhân của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa cho các ông nhìn thấy những vết tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Ngài thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23).
Đức Giêsu phục sinh ban cho các môn đệ năng quyền “tha thứ tội lỗi” để diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương nơi bàn tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua.
Ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục tận hưởng lòng thương xót tuôn trào từ Trái Tim Chúa, là nguồn mạch không bao giờ vơi cạn. Từ Thánh Tâm Chúa, phát ra hai luồng sáng, và Chúa giải thích cho thánh nữ Faustina biết. Màu đỏ tượng trưng cho máu chảy ra từ trái tim Cha, để nuôi sống linh hồn con người. Màu trắng tượng trưng cho nước tẩy sạch tội lỗi nhân loại.
Anh chị em thân mến,
Mỗi lần cử hành Thánh lễ là cử hành lòng Chúa thương xót. Trong giây phút linh thiêng vị linh mục cầm tấm bánh trong tay và đọc: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Rồi cầm chén thánh đọc: Này là chén máu Thầy, máu đổ ra cho các con, để nhiều người được tha tội”.
Như vậy, lòng thương xót của Chúa vẫn còn tiếp diễn khi bị nộp vì chúng ta. Khi đổ máu ra cho chúng ta để được ơn tha tội.
Trong cuốn nhật ký, Đức Giêsu nhắn nhủ chị Faustina thế này: “Cùng với việc tôn vinh lòng thương xót của Ta, con hãy thực hiện lòng thương xót phát xuất từ tình yêu Cha dành cho con, con đừng chạy trốn những công việc của lòng thương xót”. Có nghĩa là Chúa muốn nhắn nhủ hai điều:
1/ Cảm nghiệm lòng Chúa thương xót
Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi của con người cản trở, nhưng vẫn đong đầy cho những ai đến với Ngài. Lòng thương xót của Chúa vẫn xoa dịu những ai đang bất an bất ổn vì tội lỗi. Lòng thương xót ấy vẫn đang chữa lành những ai đang đau khổ bệnh tật tâm hồn cũng như thể xác.
Những ai nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, thì mới cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót. Bởi vì, không tội lỗi nào mà Chúa không tha thứ. Không virút nào mà Ngài không chữa lành. Không nỗi buồn nào mà Ngài không an ủi. Bởi vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2/ Sống chứng nhân lòng Chúa thương xót
Đức Giêsu nói với thánh nữ Faustina: “Ta khao khát lòng thương xót của Ta được tôn thờ. Con hãy phổ biến việc tôn kính lòng thương xót của Ta cho mọi tạo vật. Người nào tín thác nơi lòng thương xót của Ta, Ta sẽ không để họ hư mất đời đời. Con hãy là chứng nhân lòng thương xót với những người chung quanh con, mọi nơi, mọi lúc”. Chắc chắn Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy là một Faustina cho xã hội, đang đối diện với cơn đại dịch Covid 19.
Trong cơn đại dịch này, thế giới đang cần những chứng nhân lòng Chúa thương xót. Vậy mỗi người hãy tạo cho mình những sáng kiến yêu thương đầy lòng thương xót, biết quan tâm nâng đỡ nhau, cùng chung tay chung lòng chung sức bằng lời cầu nguyện, cùng với nghĩa cử yêu thương, cụ thể là chia cơm xẻ áo cho những người kém may mắn, trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, vì tất cả mọi người đều anh em với nhau con cùng một Cha, Đấng giàu lòng thương xót. Amen.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH-B
CON MẮT THỨ BA- Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Nhiều người cho rằng chỉ có những gì có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay mới có thật; còn những gì không thể nhìn thấy bằng mắt trần, bị xem là không có. Vì thế, khi một số người được hỏi tại sao không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau… họ trả lời thật đơn giản: “Có thấy đâu mà tin!”
Thế nhưng, có vô số điều dù không trông thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học … nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.
Đôi mắt trần có tầm nhìn rất hạn chế
Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.”
Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi, còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy, quả đúng như Antoine de Saint Exupéry nhận định: “Những thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được.” [“L’essentiel est invisible pour les yeux”]
Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý…
Cần có con mắt thứ ba
Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi; nhờ đó mà mới đây, nhà vi trùng học người Mỹ, tiến sĩ M. Blaser phát hiện có đến hơn 250 loài vi khuẩn chung sống ngay trên lớp da của mỗi người và ông gọi đùa làn da của chúng ta là một vườn thú rất lớn! (nguồn: http://vietbao.vn) và trên mỗi cm2 da của ta có khoảng 32 triệu vi khuẩn!
Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười hai tỉ năm ánh sáng (như kính viễn vọng không gian Hubble).
Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát… Chúng giúp các nhà quân sự phát hiện máy bay địch từ xa, giúp nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.
Đối với Đức Giê-su, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ phải có là Đức Tin. Nhờ Đức Tin, nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng, hoả ngục…
Tông đồ Tô-ma chưa có con mắt thứ ba. Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương rằng chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay… mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo: “Này Tô-ma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi”, Tô-ma cho là chuyện đùa.
Cho dù Tô-ma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giê-su hiện về. Vì thế, anh đòi kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa mới được.
Con mắt Đức Tin
Chúa Giê-su không hài lòng với quan điểm đó. Ngài nói: “Tô-ma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin.” Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin để nhận ra Chúa và những thực tại thiêng liêng khác.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin dạy chúng con đừng cậy dựa vào đôi mắt trần, vì chúng không thể giúp thấy được những thực tại cao cả, lớn lao. Xin ban Chúa Thánh Thần để Ngài khai mở cho chúng con đôi mắt đức tin, vì chỉ nhờ đôi mắt thiêng liêng này, chúng con mới có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân lành để tôn thờ và yêu mến; nhận ra những người chung quanh là chi thể của Chúa để hết lòng yêu thương và phục vụ, nhận biết trần gian chỉ là quán trọ và thiên đàng mới là quê thật của mình… Nhờ đó chúng con được cứu độ và được hưởng phúc muôn đời với Chúa.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
ĐỨC TIN NHƯ TÔMA- Lm Giuse Đinh Tất Quý
“ Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”(Ga 20,29)
Kính thưa anh chị em
Chúng ta vừa nghe một câu chuyện mà chúng ta đã thuộc lòng từ khi còn nhỏ. Câu chuyện hôm nay đã trở thành một gợi hứng cho rất nhiều bài suy niệm với rất nhiều khía cạnh khác nhau. Riêng tôi qua bài Tin Mừng hôm nay tôi chỉ xin chia sẽ với anh chị em một vài cảm nghĩ rất riêng tư của mình. Nói một cách rất vắn tắt tôi thấy Toma có những đức tính làm tôi nể phục.
*1. Trước hết là sự minh bạch và rõ ràng trong lập trường của ông.
Tôma không phải là người trung lập. Ông có một lập trường rất rõ rệt. Ông sống quyết liệt, không sống nửa vời. Ông nhất định không chịu nói là mình tin khi ông không tin. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ của mình xuống bằng cách làm như mình không hề nghi ngờ. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng.
Đó là thái độ mà tôi tưởng Chúa cũng thích. Chính vì thế mà không những Chúa không khiển trách Tôma mà còn xem như bằng lòng với ông khi hiện ra với ông trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa không thích thái độ dở dỡ ương ương, thái độ nửa vời vì nó là một thái độ rất khó chịu và rất nguy hiểm.
Để cho người ta thấy thái độ nửa vời nguy hiểm như thế nào thì chúng ta hãy nhớ lại một ít lời trong Kinh Thánh:
Trong Tin Mừng Luca Chúa bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với nước của Thiên Chúa (Lc 9,62)
Trong sách Khải Huyền. Chúa nói với dân Laoxiđê: “Ta biết các việc ngươi làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng ta (Kh 3,15-16)
Ngày hôm nay chẳng thiếu những người giữ đạo cho có, chỉ hình thức, lạnh chẳng ra lạnh, nóng cũng chẳng ra nóng. Những người như thế đang là mối nguy cho Chúa hôm nay.
Chúng ta hãy xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tình trạng dửng dưng lạnh nhạt và lười biếng tinh thần, dứt bỏ những ươn hèn của thân xác và linh hồn để được sống lại trong đời sống mới của ơn thánh, trong hăng say yêu mến và nhiệt thành phục vụ Chúa.
*2. Đức tính thứ hai mà tôi cảm phục nơi con người của Tôma là khi đã biết chắc chắn, ông sẽ đi cho đến cùng.
Đây là đức tính của những anh hùng. Người anh hùng khi đã biết chắc chắn, họ sẽ đi cho đến cùng. Khi Tôma nói: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi” thì ông đã biết ông phải sống như thế nào rồi. Tôma không đứng ở vị trí lưng chừng. Ông không làm bộ hoài nghi chỉ nhằm chơi trò ú tim tinh thần. Sở dĩ ông nghi ngờ là vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn tuân phục.
Theo một cuốn sách ngoại kinh có nhan đề “Các công việc của Tôma” thì người ta thấy Tôma được mô tả là một con người rất trung thực. Sau đây là một trích đoạn có liên quan đến Tôma.
“Sau khi Chúa sống lại, các môn đệ được phân bổ khu vực để đi rao truyền Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Mỗi người phải đến một nơi nào đó để mọi người trên khắp thế gian đều được nghe Tin Mừng. Tôma bắt thăm nhằm xứ Ấn độ. Thoạt đầu Tôma không chịu. Ông nói:
– Tôi là một người Do thái, làm sao lại có thể đến sống giữa những người Ấn độ mà truyền giảng chân lý cho họ được?
Tối đến, Chúa Giêsu hiện ra với ông và bảo:
– Này Tôma, đừng sợ, hãy đến Ấn độ và giảng ở đó, vì ân sủng của Ta ở cùng con.
Lúc đó có một thương gia tên Abbanes từ Ấn đến Giêrusalem. Ông này được vua Gundaphorus sai đi để tìm cho nhà vua một người thợ mộc giỏi để đem về Ấn độ. Tôma vốn là một thợ mộc. Chúa Giêsu đến cùng Abbanes ngoài chợ và hỏi:
– Ông có muốn mua một thợ mộc không?”
Abbanes đáp:
– Muốn.
Chúa Giêsu nói:
– Tôi có một tên nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán!
Rồi Chúa chỉ Tôma đang đứng đàng xa. Hai bên ngã giá và Tôma bị bán. Tờ biên nhận viết như sau: “Tôi tên là Giêsu, con trai Giuse thợ mộc, nhìn nhận có bán tên nô lệ của tôi là Tôma cho ông Abbanes, thương gia của Gundaphorus, vua dân Ấn”. Sau khi viết xong giấy bán, Chúa Giêsu đi tìm Tôma, đưa ông đến với Abbanes. Abbanes hỏi:
– Có phải người đó là chủ của anh không?
Tôma đáp :
– Phải.
Abbanes nói:
– Tôi đã mua anh từ ông ta.
Tôma yên lặng. Sáng hôm sau, Tôma dậy thật sớm để cầu nguyện, sau đó ông đến thưa với Chúa Giêsu:
– Lạy Chúa, con xin nhận bất cứ nơi nào Chúa muốn, nguyện ý Ngài được nên trọn.
Và sau đó ông lên đường.
Vâng! Đó chính là Tôma một người chậm tin, chậm thuần phục, nhưng khi đã thuận phục thì thuận phục hoàn toàn.
Câu truyện còn tiếp tục kể rằng vua Gundaphorus ra lệnh cho Tôma xây một cung điện, Tôma tâu với vua rằng ông có đủ khả năng để làm việc ấy. Nhà vua cấp tiền đầy đủ cho ông mua vật liệu và thuê nhân công, nhưng ông đem phân phát hết cho người nghèo. Ông luôn luôn tâu với vua rằng ngôi nhà đang được xây cất. Sau một thời gian nhà vua sinh nghi bèn cho gọi Tôma đến hỏi:
– Ngươi xây cung điện cho ta xong chưa?
Ông đáp:
– Bây giờ hoàng thượng chưa thể đến xem được, nhưng sau khi lìa bỏ đời này thì hoàng thượng sẽ thấy.
Thoạt đầu nhà vua muốn nổi cơn thịnh nộ và người ta tưởng là tánh mạng của Tôma lâm nguy, nhưng cuối cùng như một phép lạ, nhà vua tin Chúa. Và như thế, Tôma đã đem Kitô giáo đến Ấn độ.
Kính thưa anh chị em
Con người của Tôma là thế. Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Nhưng một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi. Ông là người muốn biết rõ và sau khi đã biết, ông đã sống chết với gì gì ông biết.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
ĐỊNH NGHĨA LÒNG THƯƠNG XÓT- Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Hôm nay lễ lòng thương xót Chúa. Thiết tưởng chúng ta cần hiểu lòng thương xót nghĩa là gì? Thương xót nghĩa là sự biểu lộ lòng xót xa đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Lòng thương xót đối với Chúa còn là sự khao khát muốn làm vơi đi những nỗi đau khổ đó. Như vậy, lòng thương xót của Chúa là sự biểu lộ tình thương trước những hoàn cảnh khó khăn của dân Chúa.
Lòng thương xót của Chúa không như con người. Vì con người thương xót nhưng có chọn lựa, có tính toán. Cùng hoàn cảnh nhưng chúng ta thương người này và có thể ghét người kia. Thế nhưng, lòng thương xót của Chúa thì trải rộng cho mọi người. Không toan tính. Không chọn lựa. Ngài yêu thương con người bất kể tình trạng luân lý của họ. Bởi vi, Chúa vẫn yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân.
Thế nên, lòng thương xót của con người chúng ta thì giới hạn. Chúng ta có thể xót thương kẻ cơ hàn. Xót thương những người già yếu, bệnh tật bị bỏ rơi. Xót thương những trẻ nhỏ bị lạm dụng, bị bóc lột nơi cha mẹ hay người nuôi dưỡng. Và chắc chắn chúng ta sẽ chẳng bao giờ xót thương những phường tội lỗi như: trộm cắp, mại dâm, hay tham ô. Chúng ta thường không thương xót họ mà có khi còn nguyền rủa họ.
Lòng thương xót Chúa thì không giới hạn. Ngài yêu thương mà không cần nhìn xem họ là ai? Ngài chỉ bận tâm đến nhu cầu của con người và ra tay nâng đỡ. Thánh Kinh bảo rằng: Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được. Thế nhưng, Chúa đã không chấp tội con người, Ngài cũng không giáng phạt theo như tội ta đã phạm. Lòng thương xót của Chúa trải rộng trên con người. Trên người lành cũng như người dữ. Ngài luôn biểu lộ lòng thương xót cho bất cứ ai đến với Ngài. Lòng thương xót ấy không dừng lại ở nơi kẻ yêu Ngài mà còn dành cho cả kẻ ghét Ngài, xỉ nhục và kết án Ngài. Chính trong đau thương khổ nhục mà Ngài vẫn xót thương những kẻ đang hành hạ Ngài khi Ngài cầu nguyện cùng Cha: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.
Có lẽ với bản tính con người, chúng ta sẽ thù hận kẻ giết hại chúng ta một cách oan uổng. Có lẽ chúng ta cũng kinh tởm kẻ vô ơn, phản bội với chúng ta. Thế mà, Chúa Giê-su dường như không còn nhớ đến tội lỗi của con dân thành Giê-ru-sa-lem. Ngài đã tha thứ cho kẻ làm nhục Ngài. Ngài cũng tha thứ cho những môn đệ đã bỏ Ngài trong tuần thương khó.
Vâng, khi Chúa sống lại Ngài không tìm ai để trách móc, kêu oan. Và dường như Ngài cũng không bận tâm đến lỗi lầm của các môn sinh. Ngài đã trao bình an cho các môn sinh mỗi khi hiện ra với họ. Ngài biết trong lòng các ông còn một nỗi buồn vì phản bội, vì bỏ rơi Thầy trong gian nguy. Ngài biết sau khi Chúa sống lại lòng các tông đồ còn rối bời hoang mang lo sợ, bất an vì mặc cảm tội lỗi, mặc cảm phản bội Thầy. Chúa đã biết điều đó nên đã đi bước trước để ban bình an cho các ông.
Sứ điệp lễ lòng Chúa thương xót là sứ điệp của yêu thương. Thiên Chúa vẫn tiếp tục xót thương dân Người. Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi của con người cản trở mà vẫn đong đầy cho những ai đến với Ngài. Lòng thương xót Chúa vẫn xoa dịu những ai đang bất an vì tội lỗi. Lòng thương ấy vẫn đang chữa lành cho những ai đang đau khổ bệnh tật tâm hồn hay thể xác. Lòng thương xót ấy vẫn là căn tính của Thiên Chúa rất yêu thương và xót thương dân Người.
Ước gì mỗi người chúng ta biết tín thác vào lòng thương xót Chúa cho dẫu chúng ta còn mang đầy những vết thương của yếu đuối lỗi lầm. Hãy để cho lòng thương xót Chúa chữa lành những tật nguyền của chúng ta. Ước gì khi chúng ta đã hưởng nếm lòng thương xót vô bờ của Chúa thì cũng biết trao ban lòng thương xót ấy cho anh em. Xin Chúa ban cho chúng ta cũng có một tấm lòng bao dung để gạt qua những thành kiến , những đố kỵ, ghen tương mà đón nhận nhau trong yêu thương chia sẻ. Xin Chúa giúp chúng ta cũng trở thành một chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa bằng tình yêu hiến dâng phục vụ tha nhân. Amen
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B
HIỆN RA CHO CÁC MÔN ĐỒ- Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
Làm môn đồ là có một sứ mệnh: chúng ta đã biết điều ấy qua diễn từ giã biệt (13,16.20; 15,1-8). Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thế gian, nay thành sự hiện diện trọn vẹn của Thiên Chúa, phải được các mon đồ nối dài. Tin Mừng Nhất lãm cũng đề cập đến những lần Chúa Giêsu hiện ra cho các nhóm môn đồ: chính lúc bấy giờ Người giao sứ mệnh cho họ (Mt 28, 16-20; Lc 24,47-49; Mc 16,15: không xác thực; xem Cv 1,8).
Nơi Gioan, cuộc hiện ra cho mấy môn đồ đang tụ họp nằm vào chính chiều ngày thứ nhất trong tuần. Các ông tụ họp đâu đó tại Giêrusalem. Về sau chúng ta sẽ biết là Tôma không có mặt lúc ấy. Mọi cửa đều đóng kín vì họ còn bị ám ảnh bơi nỗi sợ người Do thái.
Nhưng không gì ngăn chận được Đấng Phục sinh. Cách thức hiện hữu mới của Người chẳng còn bị chướng ngại vật chất nào cản trở. Chúa Giêsu đột nhiên đứng giữa họ. Trình thuật Luca 24,36-49 rất giống với trình thuật Gioan ở chỗ này. Các môn đồ thoạt tiên kinh hãi rồi được Chúa Giêsu trấn an. Người không nói như ngày xưa: Chính Ta đây… (6,20), vì sự hiện diện của Người từ nay thuộc một trật tự khác, sự hiện ấy đem lại bình an (14,27) và vui mừng (16, 20-24; 17,13). Lời chào theo thói quen: Bình an cho các con! ở đây vượt quá ý nghĩa thông thường của nó. Chúa Giêsu chúc và ban cho họ một sự bình an và một niềm vui đặc biệt, khả dĩ giúp ho thắng vượt cớ vấp phạm thập giá và những âm hưởng của nó trong cuộc đời họ (14,17).
Vì không có vấn đề quên! Bởi thế Chúa Giêsu trỏ cho xem các dấu vết Tử nạn của Người. Nơi Lc 24, 36-49, Chúa Giêsu đưa tay và chân chứ không đưa cạnh sườn, vì Luca đã chẳng nói đến nhát lưỡi đòng trong trình thuật Tử nạn của ông; vả lại trình thuật của ông chú tâm đến thực tại Phục sinh hơn: các môn đồ đã không thể chỉ tin vào lời nói của mấy người đàn bà, họ chỉ tin khi Chúa Giêsu hiện ra cho Phêrô và sau đó trỏ cho các sứ đồ còn đang sợ hãi xem tay chân của người cùng bắt đầu ăn trước mặt họ. Và kết luận của Lc là Người đã sống lại thực. Nơi Gioan, Chúa Giêsu đưa tay và cạnh sườn Người trong cùng mục đích ấy: chúng ta không đứng trước một hồn ma một sản phẩm của trí tưởng tượng đâu? nhưng đồng thời thánh sử muốn nhấn mạnh rằng sự phục sinh giả thiết phải có thập giá. Thập giá không thể loại trừ khỏi tư tưởng, phủ nhận như một giấc mộng hãi hùng. Cầu mong họ được bình an, thứ bình an trước hết liên hệ tới Người (16, 33) để họ học hiểu thập giá theo Kitô giáo!
Sau đó, mặc dầu thấy các môn đồ tràn ngập vui mừng, Người cũng lặp lại một lần nữa: Bình an cho các con! Việc lặp lại này chứng tỏ đây không phải là một công thức thông lệ, đồng thời cho thấy bình an được cầu chúc là thứ bình an tích hợp mọi dấu vết của cuộc Tử nạn, và như thế vượt quá bình an thông thường. Niềm đau chia ly không thể biến thành một nỗi mong thoáng qua, quên đi cuộc Tử nạn. Không, nỗi đau đó phải trở nên một niềm vui bền vững, nhờ đau khổ mà chín mùi, niềm vui của Chúa Giêsu cũng như niềm vui của họ, niềm vui không một ai cướp mất (16, 20-22). Niềm vui ấy là niềm vui của mùa gặt phát sinh từ nỗi gian khổ, cơ cực cửa Tử nạn (4,38; 17,13). Thật vậy, Chúa Giêsu giờ đay đến trao cho họ sứ mệnh Cha đã giao phó cho Người: Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con. Các hạn từ gần giống như trong lời nguyện thượng tế (17, 18). Chúa Giêsu ra đi, nhưng thực tại thần linh mà Người mang tới và hiện thân, vẫn ở trong họ và bên họ. Phận sự của họ là từ nay mang nó đến cho thế gian còn bỏ hoang. Cảnh này quả tóm tắt và thể hiện tư tường của diễn từ giã biệt vậy (x.Mt 28, 19- 20).
Nhưng nếu đã phải có phần khí trợ giup, các môn đồ mới hiểu được “chân lý”, thì huống là việc làm cho kẻ khác hiểu, họ lại cần Ngài phụ lực biết bao. Như Thiên Chúa đã thổi hơi sự sống vào con người đầ u tiên (St 2,7; Kn 15, 11), hôm nay Chúa Giêsu cũng thổi Thần khí vào các môn đồ để tái tạo họ cho sứ mệnh mới. Việc tuôn đổ Thần khí ở đây không hẳn có nghĩa là việc tái sinh họ trong Nước Thiên Chúa và trong sự sống (3, 3-8) cho bằng là chỉ sứ mệnh đã trao cho họ: sứ mệnh đem bao kẻ khác vào chính sự sống này.
Vì cùng với Thần khí, họ được ban quyền tha và cầm giữ tội trong Lc cũng vậy (24,47), việc loan báo đức tin có mục tiêu tha tội và có đối tượng là mọi dân nước. Trong Mt 16, 19, quyền trên được hứa cho Phêrô; trong Mt 18, 18, quyền năng cởi buộc ấy được ban cho Giáo hội. Thuật ngữ pháp lý bao hàm cả quyền phán xét. Nơi Ga 20,23, cầm giữ đối nghịch với tha thứ (Mc 7,8; x.Hc 28, 1: diatôrein). Trong tư tưởng thánh sử, quyền này là một tia sáng chói lọi của Con Người (Mc 2, 5 và ss; Lc 7, 47- 48), Đấng từ nay được đặt làm thẩm phán (Ga 3, 19; 5, 27; 9, 39; 12, 31- 32; 17, 2). Thành ra các môn đồ nhận được ở đây một quyền xét xử thật sự; họ tham dự quyền tài phán cánh chung của Con Người là Chúa Giêsu. Thế thật hữu lý khi Giáo hội coi lời Chúa Giêsu nói đây như nền tảng của quyền tha thứ tội lỗi bằng bí tích cáo giải. Nhưng tại sao thánh sử, mà trọng tâm tư tưởng là việc mặc khải, định nghĩa ở đây sứ mệnh các môn đồ bằng quyền xét xử chứ không bằng việc loan báo lời (17, 9- 21)? Người ta có thể ngạc nhiên về điều đó. Nhưng chắc chắn là Gioan ghi lại những lời của chính Chúa Giêsu. Trong Lc 24,47, Chúa Giêsu không nói đến việc tha tội; trong Mt 28,18 thì Người để ý tới quyền phổ quát và thần linh của mình. Như đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu (9,39), việc rao giảng Tin Mưng đem lại sự chia rẽ trong thế gian. Các môn đồ được công bố là có thẩm quyền phân biệt xem ai đáp lại sứ điệp; họ được quyền phán xét sau cũng như trước khi người ta lãnh phép rửa tội. Dĩ nhiên quyền này không độc lap với việc rao giảng, vì xét cho cùng chính “chân lý” mới giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi (8,32-34) và biến cải nên tinh tuyền (13, 10; 15,3). Lc 24,47 nhấn mạnh rnối dây liên kết chặt chẽ việc công bố đức tin.và quyền xét xử nhưng xem ra thiên về điểm đầu hơn. Trong Mt 28, 18- 20 quyền được trao ban bao gồm việc loan báo đức tin, quyền thanh tẩy và trông coi việc giữ các giới luật. Tư tưởng Gioan đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tài phán của các môn đồ, được xem như một tia sáng của quyền Con Người.
Người ta tự hỏi tại sao Thần khí đã được ban cho các môn đồ ngay từ Phục sinh, trái ngược với cảm thức của cộng đoàn Kitô giáo sơ khai là đặt việc tuôn đổ Thần khí vào lễ Ngũ tuần (Cv 2, 1-4). Luca chỉ nói đến một lời hứa sẽ được thực hiện vào lễ Ngũ tuần. Nhưng ông có thể đưa về phần thứ hai của tác phẩm mình, tức sách Cv.; còn Gioan thì không. Vậy phải chăng ta có thể coi Thần khí như một sản phẩm có điều kiện? Được ban theo lượng theo liều? Thật ra, việc chia sẻ Thần khí được thực hiện từ từ. Ngài đâu phải là một chân lý tĩnh, đặt trong túi như một đồ vật đáng giá. Đối với Kitô hữu, thần khí là sự sống tuyệt hảo. Ngài không ngừng được phân phối, vào lễ Ngũ tuần và sau đó trở đi. Việc tuôn tràn vào lúc Phục sinh, Hiện xuống và sau đó đều là những dấu hiệu của cùng một thực tại mà, từ lúc Chúa Giêsu được tôn vinh (7,37-39), đã cách mạng cả thế giới. (3, 3-8). Lối phân biệt việc ban Thần khí vào lúc Phục sinh và Hiện xuống chỉ là thứ yếu, nhất là đối với Gioan, vì theo ông, hai biến cố đều thuộc về cùng một Giờ. Tất cả mọi cuộc tuôn đổ Thần khí chỉ là một. Ngày Phục sinh, các môn đồ nhận được Thần khí để chuẩn bị sứ mệnh; Thần khí ấy trở lại trên họ khi dân mới của Thiên Chúa được thiết lập (Cv 2, 1-4); sau đấy Ngài còn tiếp tục giúp đỡ họ không cùng.
Gioan chẳng kể lại ChúaGiêsu giã từ thế nào và môn đồ phản ứng ra sao, không phải vì ông muốn qua đó ngụ ý sự hiện diện thường xuyên của Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần (Ga 16, 7; x.Mt 28,20) nhưng vì muốn tuân theo một cơ cấu văn tương phản ứng của Maria Mađalêna sau cuộc hiện ra cũng bỏ qua không bàn đến.
TÔMA (20, 24-29)
Chúng ta biết tính tình của Tôma Diđimô rồi. Là một con người thực tiễn, ông chỉ phê phán theo lương tri. Ong không mấy thích những chuyện điên rồ như việc đi thăm mồ Ladarô dạo nọ hay lang thang vô định trên con đường chẳng biết dẫn tới đâu (11,16; 14,5). Thế là nay người ta lại bảo với ông là đã thấy Chúa. Hãy nói với kẻ khác đi!
Họ đã thấy Chúa! Đó là lời rao giảng đầu tiên, lời chủ yếu liên hệ đến các sự kiện cụ thể, nhưng cũng đã bao hàm mọi khai triển khả dĩ của đức tin: họ đã thấy Người, và sẽ dần dần thay Người. Chúa của ho, sống và ở bên họ ra sao.
Tôma cũng đã thấy Người, một lần thay cho tất cả trên thập giá. Như thế là đủ; đừng tìm cách nói vớ vẩn trước mặt ông. Vết thương lỗ đinh, cạnh sườn đâm thủng, đó là thực tế. “Bao lâu Tôma chưa thấy chúng tận mắt, thì đừng kể chuyện ấy cho tôi”. Tôma nắm được một điểm chắc chắn, sự chắc chắn tàn nhẫn của cây thập giá, và ông diễn tả nó cũng tàn nhẫn không thua gì.
Và đây một tuần sau, đúng vào cùng ngày, Chúa Giêsu hiện đến với đầy đủ tang chứng đòi hỏi. Người hiện ra một ngày Chúa Nhật, không phải để tỏ dấu thích ngày đó, vốn sẽ thành Ngày của Người, song vì muốn hiện ra cho Tôma trong những hoàn cảnh in hệt lần đầu tiên. Như lần trước, mọi cửa đều đóng kín, như lần trước, người thình lình đến giữa họ, chào hỏi cũng với công thức: Bình an cho các con! Mọi cảnh đều được lặp lại Dầu giây phút hiện ra thế nào chăng nữa, Chúa Giêsu vẫn luôn là một. Không chờ câu trả lời, Người đến bên Tôma, và với một lối trả đũa đượm nét khôi hài, Người cho ông kiểm chứng lai lịch của Người, dẹp yên mối nghi ngại của ông và xin ông đừng cứng lòng tin, song hay dần dần trở nên kẻ thành tín. Chúng tôi dịch: lè ginou ra: (đừng trở nên cứng tin, mặc dầu nhiều tác giả vẫn phản đối kiểu dịch đó và dịch “đừng cứng tin, đừng có thái độ như người không tin”. Thật vậy, từ khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, Tôma dần dần trở nên người không tin. Thành ra ông phải từ từ đào sâu đức tin đầu tiên của mình lại. Niềm tin này phải được củng cố để trở nên một đức tin Kitô giáo trưởng thành; ông không được nằm lì nơi đức tin vào Đấng Messia, ông phải tin vào Con Người đã được tôn vinh trong cái chết.
Tôma rối loạn tâm thần! ông nói quá lố: gọi Chúa Giêsu là Thiên Chúa! Ta không tìm được chỗ nào trong Tin Mừng thứ tư một lời tuyên tín chấn động và rõ ràng hơn: Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi! Quả là một thành ngữ rất xứng đáng với vị thánh sử già nua (1Ga 5,20). Phải chăng Tôma đã phát biểu như vậy? Nhưng ai dám quả quyết rằng tôm, con người khô khan, hoàn toàn bối rối, đã không thể nào ăn nói trượt quá trực giác đức tin đầu tiên của ông được? Dầu sao, người ta có thể chấp nhận rằng việc quay đầu đột ngột từ sự tỉnh mộng thiên sai ác liệt nhất đến cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh đã có thể gợi hứng cho tôm một lời tuyên xưng hơi vượt quá sự nhận biết đơn thuần về Đấng Messia nơi ông. Đối với thánh sử, lời tuyên xưng tóm tắt trong vài chữ ấy thật hoàn toan thích đáng.
Nhiều diễn giả và độc giả hiện đại thường lấy làm khoái được bôi nhọ Tôma, con người gieo rắc nghi nan ấy. Câu nói sau cùng của Chúa Giêsu được họ giải thích như là lời quở trách nặng nề đối với Tôma, lơi quở trách mà những kẻ tin chân chính như họ thoát khỏi. Chúng ta đừng tưởng câu chuyện Tôma được giữ tại trong Tin Mừng với mục đích cho các thế hệ về sau cái thú phê phán kẻ khác. Thật ra, lời quở trách của Chúa Giesu không quá ác độc. Các sứ đồ khác đã chẳng phải thấy mới tin đó sao? (Mt 28,7; Mc 16, 11- 13. 14; Lc 24, 11. 25. 38. 41). Lời áy của Người có lẽ cũng đượm nét khôi hài không kém cử chỉ phô bày vết thương. Người nói nó ra với một nụ cười; vì còn hơn một tiếng quở trách, đó là một lời hứa, một lời chúc, lời hứa đẹp nhất mà thánh sử có thể ngỏ với mọi độc giả của ông, dù họ thuộc thế kỷ nào: Phúc cho những ai không thấy mà tin! không một thế hệ Kitô hữu nào sẽ bị kém ưu đãi so vớt thế hệ đầu tiên. Dĩ nhiên, cần những chứng nhân tận mắt, bởi vì chứng từ đức tin, dưới sự hướng dẫn cửa Thần khí (15, 26- 27), phải dựa tràn những sự kiện được dẫn chứng hợp cách. Song thực tại của việc Thiên Chúa hiện diện trong Chúa Giêsu (17, 17) tức là cái chân lý được chuyển thông bằng lời mặc khải (17,20) thì ban trực tiếp cho mọi người, tín hữu về sau cũng như chứng nhân của việc Sống lại. Tất cả họ đều ở trong cùng một tương quan đích thực và trực tiếp với Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu, với Chúa Cha (17, 21); họ không sống những cuộc hiện ra của Đấng Phục sinh, tuy nhiên trong đức tin họ van thấy Người sống (14, 19; 16, 16-20). Phúc cho ai lời cầu chúc Chúa Giêsu ngỏ với họ không phải chỉ là một lời khuyến khích hãy tin dù sao cũng mặc, nhưng thật là một lời cầu chúc hạnh phúc, vì người xác nhận rằng trong đức tin, họ sẽ có thể thấy Người và đến gần Người (1 Pr 1, 8-9).
KẾT LUẬN CỦA TIN MỪNG GIOAN (20, 30-31)
Nhiều dấu lạ khác nữa… Khi đặt bút kết thúc tác phẩm, Gioan biết rõ rằng nó chưa chấm dứt. Hỏi đời nào ta viết can ý một cuốn sách? Hay hơn nữa, có bao giờ ta minh chứng trọn vẹn đức tin của mình? Chính Chúa Giêsu cũng đã bảo trong diễn từ giã biệt: “Ta còn nhiều điều phải nói với các con…” (16,12). Theo gương Chúa Giêsu, Đấng tràn trề ao ước mặc khải Chúa Cha cho thế gian thế gian với tâm trí quá hẹp hòi hay đúng hơn với tâm hồn quá tự mãn khó có thể đón nhận đức Gioan nóng lòng trình bày cho độc giả cơn người của Chúa Giêsu trong chiều kích thật sự của Người, một con người gây nhiều ngạc nhiên vì là thần linh. Gioan có cảm tưởng tác phẩm của mình chỉ là một bức tượng bán thân. Chẳng những vì ông không nói hết: thật ra còn nhiều dấu lạ khác… (x. Hc 43,27; 1Mcb 9,22), nhưng nhất là vì trình thuật không bao giờ có thể trình bày đủ.
Rốt cục, ông có thể làm gì nếu không phải là thuật lại các dấu chỉ? Chúng ta hãy nhớ lại những dấu chỉ có tính cách thiên sai của phần đầu trong đời công khai (Ga 2-4). Ở đây quan niệm được mở rộng ra. Nó bao gồm những phép lạ dấu chỉ và công việc (12, 37) cũng như những lời nói và cả cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Lời nói và phép lạ luôn đi đôi với nhau, tạo nen một khối (12, 38); cả hai soi sáng cho nhau, vì phép lạ và lời nói chỉ là những dấu chỉ nói lên con người siêu nhiên của Chúa Giêsu. Người ta có thể chỉ dừng lại nơi những biểu lộ bề ngoài và kêu lên: phi thường thay, những phép lạ đó ý nghĩa tôn giáo sâu xa thay, những lời nói của Người!. Bao lâu phép lạ và lời nói không gợi được cho độc giả con người bên trong của Chúa Giêsu, bấy lâu chúng không đạt được mục đích. Thánh sử, với tư cách là tín hữu đích thực và văn sĩ sáng suốt, biết chắc rằng thực tại vượt xa ngàn trùng vi hình ảnh được diễn tả. Vì thế ông tha thiết kêu xin độc giả phải xuyên qua dấu chỉ và đi đến sự vật được dấu chỉ diễn tả, như ông đã làm dưới ánh sáng của Thần khí.
Độc giả cần phải có đức tin. Tin Mừng không được viết ra như một lời biện hộ gởi đến người không tin; trong trường hợp này, thánh sử có lẽ chứng tỏ mình thiếu chiến thuật. Thật vậy cho dù dán mắt vào các sự kiện, ông không quan sát chúng trên phương diện thuần lý, nhưng dưới ánh sáng của đức tin do Thần khí khơi dậy và soi sáng. Gioan viết cho các Kitô hữu đã tin, nhưng ông báo cho biết không bao giờ họ đi đến mút cùng đời sống đức tin của họ đâu. Dấu chỉ luôn bao hàm một thực thể không bao giờ tát cạn đối với ai muốn tin nhiều hơn. Đi từ lòng tin vào tính cách thiên sai của Chúa Giêsu, tính cách đã được làm noi bật trong phần đầu của Tin Mừng (Ga 2-4) và được củng cố do phản án.g đức tin đầu tiên của cộng đoàn Kitô hữu (vd Cv 2, 36), người Kitô hữu phải đi sâu vào lòng tin vào tử hệ thần linh của Chúa Giêsu, mối tử hệ được mặc khải rõ ràng vào Giờ tôn vinh. Và đức tin càng đào sâu thì sự sống thần linh và không thể phá hủy cành được trao ban nhờ danh – hay con người – Chúa Giêsu. Vì Chúa Cha đã ban cho Chúa Giêsu danh Ngài (17,11-12) đồng thời cả quyền thông sự sống vĩnh cửu (Ga 5, 26-40; 6, 53; 10, 10; 17,2). Ai tin vào danh Chúa Giêsu thì nhờ Người sẽ được sống muôn đời (1, 12; 3, 15-18; 12,50; 1Ga 5,13). Không! Tin Mừng không thể chấm dứt: là một tuyển tập các dấu chỉ, Tin Mừng vẫn còn là như vậy bao lâu lòng tin của độc giả chưa đạt đến đích. Và đích này khi nào sẽ đạt được? Khi người tín hữu thấy được vinh quang của Chúa Giêsu mà Chúa Cha ban cho Người khi Người trở về cùng Cha, thứ vinh quang thần linh đã hiện hữu trước mọi thời gian (17, 24).
(H. van den Bussche, Jean. Paris DDB, 1967. Tr 549-556)
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Bài Tin Mừng hôm nay thật súc tích; nó gợi lên cho ta ba điểm then chốt: nhấn mạnh ý nghĩa cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, biểu lộ sứ mệnh của Giáo Hội đã ghi khắc trong chiến thắng Phục sinh, và suy nghĩ về sự chậm tin.
- Chúa Giêsu sống: các môn đồ đã gặp lại Chúa Giêsu đang sống. Tin Mừng không ghi lại chính biến cố phục sinh, và các trình thuật hiện ra cũng rất ngắn gọn. Đây là một lời mời gọi đi thẳng vào điểm chủ yếu: hôm nay, Chúa Giêsu đang sống. Người đang hiện diện trong đời ta. Cũng như ngày trước, hôm nay Người cũng có thể vượt qua các bức tường ta đang ẩn úp bên trong, để hiện ra với ta. Đặc biệt trong hy tế tạ ơn ngày Chúa Nhật, trong lòng cộng đồng tín hữu đang tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu chết và sống lại, đang sống hôm nay, vừa đang hiện diện. Lời Người đang vang dội bên tai ta trong lòng Giáo hội đang họp nhau.
- Sứ mệnh của Giáo Hội: Cuộc gặp gỡ với Chúa hằng sống là nguồn mọi sinh động. Tin là tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội. Nhưng việc này không phải là một việc thuần nhân loại. Ta hãy tự hỏi mình có phải là tín hữu không? Mọi công việc ta làm có được thúc đẩy bởi Thần khí của Chúa Kitô không. Niềm vui cũng biểu thị đời sống của những kẻ đa gặp Chúa Kitô trong niềm tin. Không phải là một niềm vui dễ dãi chẳng biết đến gian nan thử thách, nhưng là niềm vui của đức tin, cắm chặt trong chiến thắng Phục sinh của Chúa Kitô.
- Phát triển đức tin: Tin không phải chỉ một lần. Đức tin là một cuộc sống. Mà sống là phải triển nở, lớn lên; mọi hữu thể sống động cần phải được bồi dưỡng bằng một thức ăn thích hợp. Làm sao trở nên sứ giả của Chúa Giêsu nếu mỗi ngày không cố gắng sống đời môn đồ Người? Sự kiện cả những kẻ thân cận của Chúa Giêsu cũng đã chậm tin không phải là một khích lệ cho ta sao? Ta thường hay tìm cách biện minh, tìm các dấu chỉ khả giác, kết quả.
2) Tin Mừng Gioan được gọi là Tin Mừng về các dấu chỉ: Chúa Kitô bắt đầu cuộc sống công khai của Người bằng dấu chỉ đầu tiên (nước biến thành rượu ở Cana xứ Galilê) và lời nói cuối cùng của Người là: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Gioan nói thêm: “… Còn nhiều dấu chỉ khác nữa,… các điều đã viết đây là để anh em tin”. Do đó, Tin Mừng Gioan đã tuyển tập các dấu chỉ của Chúa Kitô, kèm theo các diễn từ giải thích chúng, để cho thấy Chúa Giêsu là Đấng Messia và là Con Thiên Chúa, và để khơi dậy niềm tin, một niềm tin ban sự sống trong Ngươi? (Max Thurian). Vì thế Kitô hữu không chỉ mê say với các điều kỳ diệu trong Tin Mừng mà còn phải ham thích lời giải nghĩa cấc đieu kỳ diệu đó. Chúa Giêsu Phục sinh minh nhiên hiện đến với tôm là kẻ đã nói: “Nếu tôi không thấy Người, tôi sẽ không tin”, nhưng chính vì Tôma và nhất là vì chúng ta mà Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
3) Điều cốt yếu thì vô hình đối với con mắt” (Saint- Exupéry). Câu này đúng với thế giới duy vật của ta. Phải có các dấu chỉ về điều cốt yếu vô hình đó; chúng ta là những hữu thể có xác phàm, những hữu thể vat chất, nhưng cũng là những hữu thể tinh thần, tâm linh: xuyên qua các dấu chỉ vật chất, ta khám phá ra tình huynh đệ sâu đậm, tình yêu thương chân thành đang tự hiến cho ta.
4) Ta có tin vào các dấu chỉ không? Ta có tin rằng Tin Mừng giúp ta biết rõ các sự kiện để ta’ “nhận ra chúng” nhờ Thánh Thần mà Chúa Giêsu ban cho ta không? Ta có biết khám phá ra các dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong đời ta không?
5) Thánh Thể là một trong những dấu chỉ đặc biệt nói lên sự hiện diện của Chúa Kitô. Vì sao phép Thánh Thể ít hiệu lực đối với ta? Thưa vì ta thường hay dừng lại giữa đường: ta ít khi nhận biết Chúa Kitô đang ở đó như một Đấng sống động, một ngoi vị sinh động mà ngày hôm nay đang tự hiến cho Chúa Cha và cho ta… Ta không chịu đọc các dấu chỉ…
6) Phản ứng của Toma khi thấy các tông đồ báo tin cho ông việc Chúa Giêsu hiện ra cho chúng ta thấy khía cạnh đầu tiên trong hoạt động của “thế gian”. Vì việc sống lại của Chúa Giêsu vừa khó tin vừa gây bực bội, nên ta thường bị cám dỗ không chấp nhận. Cũng thế, Tôma giới hạn tri giác về thực tại và khả năng tri thức vào tiêu chuẩn của kinh nghiệm hay của khả năng suy tư. Những gì ông không thể hiểu, không thể sờ đến, đo lường, đều bị ông từ chối. Đó là tinh thần của thế gian muốn kéo lôi tất cả đến với nó và chỉ chấp nhận những gì nó chứa đựng.
7) Đức tin luôn bao hàm sự liều lĩnh, bởi lẽ nó không tự áp dụng bằng kinh nghiệm hay lý luận. Đức tin trở nên khó khăn đối với Tôma, thì cũng khó khăn đối với tấ cả chúng ta. Đức tin dạy điều khó tin vì giả thiết một sư vượt quá thường xuyên con người chúng ta, vì đức tin là một sự tăng trưởng, một bước tiến đến Đấng nào đó luôn bí ẩn, luôn gây ngạc nhiên.
8) Đức tin không những là một sự liều lĩnh mà còn là một cuộc chiến, một trận đấu. Đức tin không có gì là thoải mái tiện nghi; nếu đức tin xây dựng và tái tạo chúng ta, điều đó có thể thực hiện nếu chúng ta biết từ bỏ chính mình. Thế gian mà đức tin sẽ toàn thắng không phải là một thực thể trừu tượng, xa vời. Thế gian đó, là chính chúng ta với những sợ hãi, lo âu, khoe khoang, ghen ghét, tham vọng và quyến luyến. Bao lâu còn bám chặt thế gian, bấy lâu chúng ta còn bị thống trị. Và chúng ta hoàn toàn giống nhau, nên chúng ta thường biện minh cho nhau, tự làm cho mình ra vô tình và không áy náy trong việc bất tuân lời Chúa và khuyến khích nhau từ bỏ đức tin; thế gian cũng như não trạng tập thể của xã hội thấm nhiễm vào chúng ta đen nỗi nếu phải suy nghĩ hay sống khác biệt với tập thể này, chúng ta có cảm tưởng là mình theo tư tưởng của riêng mình, là không liên đới với những người khác và phá hủy một cái gì cao quí và cần thiết.
9) Tôma thật đáng quí vì tôi nhận ra tôi trong ông; nếu tôi gặp nhiều khó khăn thực sự khi phải chấp nhận tất cả dưới lý do là vì Giáo hội dạy; tôi lại ít sẵn sàng chấp nhận khi thấy Giáo hội không sống như lời giáo hội nói. Nếu là chân lý, tại sao giáo hội không sống phù hợp hơn với điều Giáo hội giảng? Trong những lúc nghi ngờ và khủng hoảng như thế, hãy lặp lại lòi nguyện khiêm nhường của Phúc âm “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin ban thêm đức tin cho con”.
10) Chúa Giêsu ba lần nói cùng chúng ta trong đoạn Phúc Âm này: “Bằng an cho các con”. Ngày nay, trong thế giới và Giáo hội với những lao động bất công và bạo hành, ước gì chúng ta sống trong bình an mà Đức Kitô phục sinh ban cho; chỉ khi nào đức tin toàn thắng thế gian trong con người chúng ta, khi đó chúng ta mới là kẻ xây dựng an bình.
#cacbaisuyniemloichuachuanhat #suyniemloichuachuanhatiiphucsinh