CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
KHIÊM TỐN XÓA BỎ ĐỜI MÌNH (*)- Chú giải của Noel Quession 7
CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG- Chú giải của Fiches Dominicalaes 15
HÃY VUI LÊN VÌ CHÚA GẦN ĐẾN (*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông 21
VUI MỪNG VÌ CHÚA SẮP ĐẾN- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 36
GIOAN TIỀN HÔ- Chú giải của Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt 50
CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG– ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt 57
LÀM CHỨNG VỀ ÁNH SÁNG- Lm. Luy Gonzaga Đặng Quang Tiến 61
ĐƠN GIẢN LÀ NHƯ THẾ– Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. 64
ÁNH SÁNG TIN MỪNG- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 71
ĐỨC TÍNH NGÔN SỨ HÔM NAY Lm. Joshepus Quang Nguyễn 75
CÓ NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA SAI ĐẾN…- Lm. Anphong Nguyễn Công Minh OFM 80
HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI- Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy. 86
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- B
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.
Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54
Ðáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (Is 61, 10b).
Xướng:
1) Ðức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa,
Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước.
2) Vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại,
Người quyền năng, và danh Người là thánh.
Ðức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia
dành cho những ai kính sợ Người.
3) Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo;
bọn giàu sang, Người đuổi về tay không.
Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa,
bởi nhớ lại lòng từ bi của Người.
BÀI ÐỌC II: 1 Tx 5, 16-24
“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.
Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.
Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Ðấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Ðấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)
Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28
“Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.
Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.
Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa. Ðó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- B
KHIÊM TỐN XÓA BỎ ĐỜI MÌNH (*)- Chú giải của Noel Quession
Có một người được Thiên Chúa sai đến, đó là Gioan. Ông đến để làm chứng…
Cùng với Đức Maria, Gioan Tẩy Giả là khuôn mặt lớn xuất hiện trong Mùa Vọng. Mỗi năm, Phụng vụ đều dành trọn Chúa nhật II và III Mùa Vọng nói về Gioan.
Một bài ca diễn Tin Mừng (bài hát được sáng tác từ nội dung Tin Mừng) đã ca tụng tuyệt vời vai trò duy nhất của Gioan: “Là vị Ngôn sứ cuối cùng, là chứng nhân đầu tiên cua Đức Giêsu Kitô, là tiếng kêu trong hoang địa, thế mà ông đã khiêm tốn tự xóa nhòa đời mình trước Đấng mà ông loan báo: Lạy Ngài, đó là sự cao cả, niềm vui của Ngài giờ đây đã nên trọn vẹn. Hỡi vị chứng nhân của ánh sáng, xin hãy nói cho chúng tôi hay, Đấng Mê-si-a sẽ đến với chúng tôi bằng con đường nào!”. Và những câu chuyện tiếp của bài ca đã lập lại một số lời của Gioan.
Thực sự, không ai tiêu biểu hơn Gioan trong Mùa Vọng. Ông là vị ngôn sứ cuối cùng và cao cả của Cựu ước (Lc 1,76; Mt 11,9): Do đó ông là con người nối kết giữa quá vãng và tương lai, giữa điều có trước và cái đến sau.
Lạy Chúa, xin giúp con biết trung thành với nguồn góc của chúng con trong quá khứ, nhưng cũng luôn mơ tới mọi cái mới mẻ mà Chúa muốn chúng con thiết lập Hôm Nay.
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng.
Chứng nhân của ánh sáng! Tước hiệu đẹp biết bao! Gioan là người chứng tá!
Ba Tin Mừng kia đều giới thiệu cho ta, Gioan Tẩy Giả như “người rao giảng lòng sám hối” chỉ có Tin Mừng thứ tư cho ta hay, ông được coi như “chứng nhân của ánh sáng”… “người chứng thứ nhất của Đức Giêsu Kitô”. Ta đừng quên rằng, từ chứng nhân, được sử dụng trong tiếng Hy Lạp, ở thuộc ánh “Martyros”, và trên thực tế, Gioan đã là vị “chứng nhân đầu tiên” của Đức Giêsu. Tin Mừng Thánh Gioan luôn lặp lại tư tưởng này: Thế gian “lên án” Đức Giêsu. Người ta phủ nhận và tố cáo Người. Cuộc kết án này chỉ nhằm đến một vấn nạn: “Nhưng ông ta là ai?” Khi đó các chứng nhân mới xuất hiện và làm chứng cho kẻ bị tố cáo. Từ “chứng tá” được sử dụng 14 lần, và động từ “làm chứng” được dùng tới 33 lần. Người chứng đầu tiên đã xuất hiện, đó là Gioan Tẩy giả: “ông đến để làm chứng về ánh sáng”. Liệu tôi có dám quyết định theo Đức Giêsu, khi người ta tố cáo Người không?
Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái đến hỏi ông: “Ông là ai? Tại sao ông làm phép rửa?”
Những câu hỏi trên cũng mời gọi ta tự vấn về vai trò chứng nhân của mình. Mọi Kitô hữu đều phải trở nên nhân chứng cho Đức Kitô. Do đó ta hãy nhìn coi, chính cách sống của Gioan đã đặt vấn đề cho những người đồng thời với ông. Người ta thắc mắc về lai lịch của ông. Chúng ta có trở thành vấn đề cho những người nhìn ngắm chúng ta sống không? Trong cung cách đối xử của ta có điều gì kích thích người khác phải suy nghĩ không? Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống cách nào để những người sống chung quanh chúng con, các bạn đồng sự, những người quen biết đều tự hối về “bí quyết” chúng con đang sống. Vậy ông là ai?
Tôi không phải là Đấng Kitô… cũng không phải là vị Ngôn sứ… tôi là một “Tiếng kêu”.
Vậy là sau lời hạch hỏi về lai lịch của Gioan, người chứng, lại đến lý lịch của Đức Giêsu mà người ta muốn tìm biết. Vấn nạn thực sự đang gây nóng bỏng trên môi miệng những kẻ thăm dò, đó là: “ông có nhận mình là Đức Kitô không?”. Rồi một câu hỏi khác lại được gợi lên: “Thôi được, vậy ông ấy là ai? ông có biết ông ta không?”
Câu trả lời của Gioan đáp ứng cả hai: ông khiêm tốn chậm rãi nói, ông không phải là Đấng Kitô… Rồi ông nói thêm, ông chỉ muốn là một “tiếng kêu, tiếng kêu về một người khác! Hôm Nay, Giáo Hội và mỗi Kitô hữu, cần phải lập lại chứng tá can trường của Gioan: “Hỡi Giáo Hội, Giáo Hội có thể nói gì về chính mình? Giáo Hội coi mình là ai? Hỡi Kitô hữu, bạn có thể nói gì về chính mình? Bạn coi mình là ai?”. Không, tôi không phải là Đức Kitô. Tôi chỉ là tiếng vang vọng của Đức Kitô. Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những tự phụ coi mình như chiếm hữu chân lý, như những “kẻ độc quyền thừa hưởng” Đức Giêsu Kitô.
Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.
Đấng Kitô không hiện diện ở một nơi duy nhất? Tôi tin rằng Đấng Kitô mà các ông đang kiếm tìm đó, đã ở giữa các ông, ở giữa những hy vọng, những cuộc giao chiến, những tình yêu nhân loại của các ông! Tính ưu việt duy nhất của Giáo Hội, của người Kitô hữu, là “nhận biết” và gọi tên ” Đấng mà con người đang mong đợi và dò dẫm tìm kiếm, Đấng đang hiện diện trong cuộc đời họ, chẳng hạn, vào ngày 10-12-1948, khi Liên Hiệp Quốc công bố bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, thì chúng ta nhận ngay ra rằng, đó là một sự hiện diện “của Đấng đang” ở giữa cho dù Người chưa được người ta nhận biết. “Ta đói các ngươi đã nhận ra quyền sống của ta… Ta ở tù, bị ngược đãi bị tra tấn, các ngươi đã nhận ra quyền được bảo vệ nhân phẩm cuả ta….Nỗi khát vọng lớn lao của nhân loại là được sống công bình hơn, thì đó là sự hiện diện của Đấng hoàn toàn công chính. Biết bao người thuộc mọi tôn giáo các vị lãnh đạo các quốc gia thuộc mọi ý thức hệ, đã có thể công bố một văn kiện như thế, thì đó không phải là một dấu chỉ thời đại sao? ở giữa các ông vẫn có một vị nào đó… cho dù các ông chưa gọi được tên Người. Dù là Kitô hữu nhưng có thể chúng ta đã miễn cương phải chấp nhận phong trào đề cao nhân quyền trên đây, bởi vì ta cũng thuộc vào số người thường nhạo báng những quyền đó, mỗi lần ta khinh miệt một người anh em. Nhưng làm sao ta lại không vui mừng trước yêu cầu phải tôn trọng mọi người đang lớn dần trong nhân loại. Hôm Nay, khi ta biết rằng, Thiên Chúa đã làm người, và trong Đức Kitô mà ban tính con người đã được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt và điều đó không phải chỉ có giá trị cho các kẻ tin Đức Kitô, nhưng đúng ra cho mọi người thiện chí, được ơn Thánh hoạt động cách vô hình trong tâm hồn…”, như Công đồng Vatican II đã quả quyết rõ ràng (G.S 22).
Vị mà các ông không biết… Người sẽ đến…
Suốt cuộc đời Đức Giêsu đã không được người đời nhận biết. Thiên Chúa không đến trong tiếng kèn thổi, trong sấm sét bão giông. Thiên Chúa không phải là “kẻ chà đạp” hay “thống trị”. Người như “tiếng gió thì thầm mà ta không biết đâu đến và sẽ thổi tới đâu”. (Ga 3,8). Thiên Chúa là “Đấng tự để cho người ta chà đạp, đóng đinh, buộc tội”. Như thế có ngược đời không? Không đâu! Đó là sự thật về Thiên Chúa, Đấng chỉ có thể là “Thiên Chúa dấu ẩn”, ta không thể nắm bắt được “Bản thể ” của Người. Và về căn tính của Đức Giêsu “(Vậy ông là ai’), tất cả mọi dò tìm của lý trí cũng đều bất lực. Người thực sư là “Thiên Chúa không thể biết được”, là “Thiên Chúa dấu ẩn”!
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra Chúa, ngay tại nơi Chúa ẩn dấu, con đang kiếm tìm Chúa trong sức khỏe, trong thành công, trong tình thân hữu, trong hạnh phúc được sống (và Chúa vẫn ở đó!). Thế mà con chỉ thấy bệnh tật, thất bại trong cuộc sống vợ chồng, bà con hay nghề nghiệp, và nghèo đói. Lạy Chúa, xin giúp con đừng bỏ qua mà không nhận ra sự hiện diện đáng bị che dấu của Chúa.
Này bạn, nếu bạn khám phá ra Tôi đang dấu ẩn, nhưng luôn hiện diện, thì bạn đã tìm được một nguồn vui sướng mà không ai, không gì có thể làm say mê bạn hơn được, niềm vui Magnificat của những người nghèo, niềm vui của Gioan Tẩy Giả khi ông thấy mình nhỏ bé đi, còn niềm vui của Người “bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3,29-30).
Tôi không đáng cởi quai dép cho Người…
Gioan Tẩy Giả là con người “khiêm tốn xóa bỏ đời mình trước Đấng ông loan báo” Gioan Tẩy Giả, đó là chứng nhân đúng nghĩa nhất. Ông chỉ hiện diện nhằm quy chiếu về một Đấng khác. ông từ chối tước hiệu Kitô (Ga 1,20). ông mong ước được ‘biến đi” để Người “lớn lên” (Ga 3,30). Ông không phải là ánh Sáng, nhưng chỉ là một cây đèn nhỏ đốt sáng trong đêm tối (Ga 5,35). Ông là người “tôi tớ” không xứng đáng cởi quai dép cho chủ (Ga 1,27). Ông chỉ là bạn hữu của chàng rể, đứng xa xa, bị xóa mờ (Ga 3,29). Ông đã hết sức hoàn tất “tác vụ ” của mình, bằng cách tự đình chỉ công việc của mình để làm ‘lợi ích cho Đức Giêsu, bằng cách hy sinh mọi môn đệ của mình để gđi họ đến theo một Đấng khác” (Ga 1,35-39). Cuối cùng ông đã chết trước khi thấy vinh quang của Đấng Phục sinh, trong cảnh hoàn toàn mù tối của nghi ngờ: “Thầy có phải là Đấng Thiên Chúa sai đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ” (Mt. 11,2). Như thế Gioan Tẩy Giả không những là một chứng nhân” tuyệt hảo, mà cũng là “mẫu tín hữu” tiêu biểu: “Kẻ không thấy nhưng vẫn tin “ (Ga 20,29).
Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin cầu cho chúng con.
Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin ban cho chúng con có khả năng tự xóa mờ và sống khiêm tốn như Ngài.
Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin ban cho chúng con “tình yêu điên cuồng” đó, biết hy sinh cho kẻ khác để niềm vui chúng con được trọn vẹn…
Tôi đây làm phép rửa bằng nước.
Đó là những chuyên viên “thanh tẩy”, các tư tế và trợ tế chính thức, được giấy tờ công nhặn hẳn hoi (Ga 1,19), đến kiểm chứng tư cách chính. thức của kẻ ngoại cuộc này, mà hoạt động “tha tội” (Mc l,4) của ông ta đáng bị tôn giáo tinh tuyền, tôn giáo của Giêrusalem ngần ngại và cấm đoán (Ga 1, 1 9). Bởi vì những kẻ đến hạch hỏi Gioan, chính là nhóm người pharisêu, những kẻ “sạch”, những “Peruoushim”, biết trọn vẹn lề luật, các quy định, những điều được phép hay cấm đoán… (Ga 1,24). Nhưng than ôi, những người Pharisêu trung hậu này, khi chăm chú đến những nghi thức đúng thực, lạy bỏ qua Đấng duy nhất có quyền tha tội. Phần lớn số người trong nhóm họ sẽ từ chối Ngài. Bởi vì chính Gioan Tẩy giả biết rõ Đấng đó: Không phải ông, người thừa tác và tôi tớ hèn mọn tha tội… vì ông chỉ làm phép rửa bằng nước… nhưng sau ông, sau cử chỉ làm phép rửa có tính nghi thức của ông, thì “chiên xóa bỏ tội trần gian” sẽ đến (Ga l,29).
Lạy Chúa, càng tới gần lễ Noen, xin giúp chúng con mau mau tới gần Chúa, vì chỉ mình Chúa mới xóa bỏ được tội lỗi.
Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan.
Họ đã từ Giêrusalem đến… từ thành thánh, trung tâm thế giới để phổ biến và giám sát lời Chúa. Thế mà, Thiên Chúa lại tỏ mình ra trên một miền đất lạ,, bên kia sông Giođan. Vị thánh sử rất tin vào tầm quan trọng của khung cảnh địa lý này, khiến ông nhấn mạch tới hai lần (Ga 1,28 và 10 40). Lạy Chúa, xin gúp chúng con trở nên nhưng “thừa sai”, không đóng khung mình trong ranh giới hạn hẹp của chúng con. Xin mở rộng lòng chúng con nhận ra sự hiện diện kỳ diệu của Chúa… trên bờ sông bên kia.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- B
CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG- Chú giải của Fiches Dominicalaes
1).Ngài chỉ là chứng nhân của sự sáng.
Bài đọc cho Chúa nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay lấy trong
Tin Mừng của thánh Gioan. Trong lúc lời mở đầu được viết như một thánh thi: “Từ đầu đã có Ngôi Lời…, thì bỗng nhiên cung giọng trên như bị ngắt ngang (6-8), tác giả làm xuất hiện “một người” tên là Gioan.
– Khi khẳng định Gioan được “Thiên Chúa phái đến”, thánh sử đã xếp ông vào hàng những ngôn sứ lớn.
Ngài được sai đến như “một chứng nhân” để làm chứng cho “Ánh Sáng”, bởi vì chính ngài không phải là ánh sáng.
2).Ngài chỉ là đấng mặc khải sự hiện diện huyền nhiệm.
Từ câu 19 đến câu 28, chúng ta thấy Gioan thực hiện điều mà đoạn mở đầu đã loan báo về ngài.
– Bị thúc bách bởi người Do Thái (phải hiểu là giáo quyền của phái Giuđa) muốn biết rõ ngài có phải là Đấng Mêsia họ đang mong đợi hay không, thì ba lần Gioan Tẩy Giả đều trả lời bằng cách phủ nhận:
Không, ngài không phải Đấng Mêsia cho dù hành động làm phép rửa của ngài gợi lên thời kỳ đã mãn đang đến, và có thể làm cho người ta tin như thế.
Không, ngài không phải là “Êlia”, đấng sẽ đến trước Đấng Mêsia như người ta khẳng định từ khi ông được cất lên trời trong cỗ xe bằng lửa (xem Mal. 3,23: “Này đây Ta sẽ sai Êlia, vị ngôn sứ trước khi ngày của Giavê đến”).
Không, ngài không phải là “vị tiên tri vĩ đại” nhân vật mà Môsê đã loan báo sẽ đến (trong Đệ Nhị Luật 18,15-18).
Trước sự gạn hỏi của đối phương: “Nếu ông không phải là Đấng Messia, là Êlia hay vị ngôn sứ vĩ đại, tại sao ông lại làm phép rửa?”. Gioan Tẩy Giả xác định vị trí của mình đối với Đấng ngài loan báo, ngài có hai vai trò:
Trước hết ngài là “tiếng kêu” mở đường cho Đấng mà họ không biết. Ngài thực hiện lời tiên tri trong Isaia 40 nơi bản thân và trong sứ mạng của ngài: “Tôi là tiếng kêu trong sa mạc: hãy san bằng đường của Chúa như ngôn sứ Isaia đã loan báo” (bài đọc thứ nhất Chúa nhật II Mùa Vọng).
Léon Dufour dẫn giải: Tự giới thiệu mình là “tiếng kêu”, Gioan đảm nhận phẩm cách cao trọng của Kinh Thánh. Nếu tự ngài không có gì cả cho riêng mình, ngài nhận lấy Lời Hứa trong chính bản thân ngài. Nếu thánh sử không diễn tả những nét đặc biệt của Gioan Tẩy giả, là vì muốn mặc cho ngài khuôn mặt của Cựu ước để qua nhân chứng này, chính Thánh Kinh của Israel nhận ra và chỉ rõ Đức Kitô là Đấng Mêsia. Từ lúc mở đầu cuốn sách cái nhìn này là chủ yếu trong suốt cuốn Tin Mừng của Gioan. (Sđd., Tr. 161).
Sau đó, ngài là đấng làm phép rửa “trong nước, phép rửa khai tâm để hướng về phép rửa “trong Thánh thần”. A. Marchadour viết: “Đối với Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu phải được tiếp nhận như một ân huệ nhiệm mầu của Thiên Chúa, đấng mà không ai biết nguồn gốc. Chính ông cũng không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài”, một việc chỉ do hàng tôi tớ làm mà thôi. Điều đó nói lên sự cách biệt giữa Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả” (“Tin Mừng thánh Gioan”, Centurion, tr. 43).
Sự hiện diện của Đấng Mêsia sẽ hoàn tất lời Chúa hứa với Israel. Điều cần thiết là biết được Đấng sẽ đến là ai. Ít lâu sau, Gioan Tẩy Giả sẽ chỉ cho thấy Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (Tin Mừng Chúa nhật II, năm B).
BÀI ĐỌC THÊM
“Đáp lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy sẵn sàng để đón rước con Thiên Chúa làm người”.
(Sintas trong: “Lời Chúa để suy gẫm và dọn bài giảng năm B”, Mediaspaul, tr. 14-15).
“.. Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ trong cả cuộc sống của ngài… lời dạy của ngài là một lời kêu mời sám hối và đền tội. Đến nỗi giáo quyền Giêrusalem lo lắng và sai người đến hỏi ông: “ông là ai?”. Đằng sau câu hỏi này, còn có một câu hỏi khác: ngài có phải là Đấng Mêsia mà tất cả truyền thống Do Thái chờ đợi không?
Gioan khẳng định ông không phải là Đấng “Mêsia”, đồng thời ông loan báo một điều lạ lùng: Đấng Mêsia đã ở giữa họ mà họ không biết. Họ hãy mau chuẩn bị. Nếu muốn nhận ra Người thì hãy đọc lại lời tiên tri Isaia. Lời đó sẽ nói cho hay cứ dấu nào họ sẽ nhận biết Người.
Isaia đã hứa những gì? Chúng ta vừa nghe ông nói. Đấng Mêsia không tỏ mình ra trong sự huy hoàng mà loài người thường gán cho thần thánh. Ngài đến với người nghèo để loan báo Tin Mừng cho họ. Ngài đến với người tàn tật để loan báo họ sẽ được lành. Ngài đến với tù nhân để loan báo họ sẽ được tự do.
Để gặp được Đấng Thiên Chúa sai đến, điều quan trọng là chúng ta nhận ra mình đứng về phía những người mà Người được sai đến. Nếu chúng ta không muốn sống nghèo giữa người nghèo, chúng ta sẽ không gặp được Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta không nhận ra mình là người bệnh hoạn, và trái tim tan nát hay bị tù đày, Giáng sinh đích thực sẽ không phải là của chúng ta.
Tự nhận và muốn mình là người nghèo của Thiên Chúa, đó là thống hối, đó là phép rửa mà chúng ta được Gioan mời gọi, nếu chúng ta muốn dọn mình để mừng Con Chúa làm người. Lẽ tất nhiên sự hoán cải này là bổn phận thiêng liêng và thuộc nội tâm. Nhưng nếu sự tiến triển bên trong không được diễn tả ra bên ngoài bằng việc làm và một đời sống cụ thể thì không có gì là thật. Bởi thế, Mùa Vọng mới gọi chúng ta đến gặp những anh em nghèo vật chất hay tinh thần, bệnh hoạn và tù nhân. Không phải với một thái độ trịch thượng, thương hại. Ta phải đến với họ như đến với người anh em, bởi lẽ những gì biểu hiện ra trong thân xác, trong cuộc sống của họ, là dấu chỉ những gì xảy ra trong thâm tâm ta. Chúng ta thuộc về họ và họ thuộc về chúng ta. Có lúc do nghề nghiệp mà chúng ta đến gặp họ. Nếu không, chúng ta cũng có thể tình nguyện đến gặp họ. Lẽ tất nhiên, trước vô vàn những khốn khổ, chúng ta cũng không làm được bao nhiêu. Nhưng ít ra nó cũng gợi lên trong ta niềm hy vọng đích thực mà đôi khi chúng ta cũng cần có. Niềm hy vọng ấy giúp ta quay trở về với Thiên Chúa để ước ao Ngài ban cho ta một Đấng Cứu Độ, Đấng có thể hoàn tất mỹ mãn những gì mà lòng quảng đại của chúng ta chỉ mới bắt đầu. Niềm hy vọng ấy cũng sẽ cho ta của những việc chúng ta định làm và đã bắt đầu dù cho là thật nhỏ bé.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- B
HÃY VUI LÊN VÌ CHÚA GẦN ĐẾN (*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng ngân vang lời mời gọi các tín hữu: “Hãy vui lên, Chúa sắp đến gần rồi”.
Is 61: 1-2a, 10-11
Bài Đọc I loan báo tin mừng cho những ai nghèo hèn, bất hạnh, bị giam cầm… biết rằng năm hồng ân của Chúa sắp đến rồi.
1Tx 5: 16-24
Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca hãy vui luôn mãi và không ngừng tạ ơn Chúa vì những thiên ân mà họ đã lãnh nhận được.
Ga 1: 6-8, 19-28
Tin Mừng tường thuật chứng từ của Gioan Tiền Hô, thánh nhân khẳng định rằng Đấng muôn dân mong đợi hiện đang ở giữa anh em.
BÀI ĐỌC I (Is 61: 1-2a, 10-11)
Vào Chúa Nhật II Mùa Vọng trước đó, chúng ta đã đọc lời khẩn nguyện của vị ngôn sứ thời lưu đày. Vào Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay, chúng ta đọc bài thánh thi của vị ngôn sứ thời hậu lưu đày. Đây là bài Thánh Thi Chúc Tụng được cộng đoàn xướng đáp.
Bài thánh thi này được đặt vào bối cảnh vài năm sau năm 538 trước Công Nguyên, năm những đoàn người lưu đày ở Ba-by-lon lần đầu tiên được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Tác giả của bài thánh thi nầy là một vị ngôn sứ nặc danh sống ở giữa những người hồi hương tại Giê-ru-sa-lem. Ông thường được gọi với biệt danh là I-sai-a đệ tam thời hậu lưu đày (Is 56-66) để phân biệt với hai vị tiền nhiệm của ông là vị ngôn sứ nặc danh khác thời lưu đày được gọi với biệt danh là I-sai-a đệ nhị (Is 40-55) và ngôn sứ I-sai-a đệ nhất thời tiền lưu đày (Is 1-39).
Bài Đọc I của Chúa Nhật III Mùa Vọng trích dẫn hai phần khác nhau của bài thánh thi này (Is 61: 1-11): đoạn trích thứ nhất (61: 1-2a) là phần mở, và đoạn trích thứ hai (61: 10-11) là phần kết.
1).Đoạn trích thứ nhất (61: 1-2a):
Trong đoạn trích thứ nhất, tác giả biện minh cho sứ vụ ngôn sứ của mình:
“Thần Khí của Đức Chúa, là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (61: 1).
Ông đã được Thần Khí Chúa xức dầu tấn phong. Đây là cuộc xức dầu tấn phong thiêng liêng bởi vì không có nghi thức xức dầu tấn phong cho các ngôn sứ. Chính Thiên Chúa đã chọn các ngôn sứ của Ngài và ủy quyền cho họ nói thay cho Ngài.
Ông có sứ mạng là “loan báo tin mừng cho những người nghèo hèn”(tác giả lấy lại diễn ngữ “tin mừng” của vị tiền nhiệm của mình là I-sai-a đệ nhị được trích trong Bài Đọc I của Chúa Nhật II Mùa Vọng trước đó). Tin Mừng nầy có thể được tóm lược như sau: “Phúc thay những người nghèo khổ!”, âm vang một trong những mối phúc thật của Đức Giê-su.
Những người hồi hương thật sự vỡ mộng trước thực trạng muôn vàn khó khăn trong công cuộc tái thiết quê hương. Họ là những người nghèo hèn với tấm lòng tan nát. Vị ngôn sứ gọi họ là “kẻ bị giam giữ” cho dù hiện nay họ đã được phóng thích. Qua những từ ngữ đó, ông muốn nhấn mạnh nỗi cùng cực khốn khổ của họ mà hình ảnh sau đó được giải thích rõ hơn: “công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa”, nghĩa là năm mà những người nô lệ được phóng thích, mọi nợ nần được tha bổng, đất đai được phân phối lại. “Năm hồng ân” được cử hành cứ năm mươi năm một lần. Năm Hồng Ân này thật ra khai triển “năm sa-bát”, năm được cử hành cứ bảy năm một lần (Năm Hồng Ân là năm thứ 50 của 7 x 7 = 49). Năm hồng ân biểu tượng một lý tưởng về sự công bình xã hội.
Đây là những “người nghèo của Đức Chúa”, những người mà Kinh Thánh gọi là “anawim”. Danh xưng “anawim” bao hàm những người nghèo khổ vật chất, nhưng khiêm hạ và tín thác vào Thiên Chúa. Đặc ngữ này mang một nét nghĩa căn bản là “còng lưng xuống”, còng lưng xuống dưới gánh nặng của sự nghèo khó, của sự nhục nhã, nhưng cũng “sấp mình xuống” vì thái độ tôn giáo của họ, tin tưởng phó thác hoàn toàn vào lượng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Đây là một khái niệm căn bản của Cựu Ước cũng như Tân Ước. Chính những kẻ hèn mọn nầy mà Đức Giê-su dành trọn niềm ưu ái cho họ. Một trăm năm sau đó, một vị ngôn sứ khác, Xô-phô-ni-a, đã tiên báo cuộc thăng tiến của những người nghèo nầy:
“ Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ;
chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa.
Số dân Ít-ra-en còn sót lại
sẽ không làm chuyện tàn ác bất công,
cũng không ăn gian nói dối
và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.
Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi
mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ nữa” (Xp 3: 12-13).
2).Đoạn trích thứ hai (61: 10-11).
Trong đoạn trích thứ hai, cộng đoàn xướng lên những lời hân hoan chúc tụng:
“Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Thiên Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!” (61: 10a).
Lý do của những lời hoan ca nầy được diễn tả qua hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất là “trang phục”: Giê-ru-sa-lem được mặc hồng ân cứu độ, được khoắc áo choàng công chính như chàng rể chỉnh tề khăn đóng, tựa cô dâu điểm trang lộng lẫy. Hình ảnh thứ hai là “khu vườn”: Giê-ru-sa-lem được sánh ví với khu vườn được Thiên Chúa chăm sóc tận tình để “trở hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân”.
3).Ý nghĩa của việc nối kết hai đoạn trích nầy:
Khi đặt hai đoạn trích đầu và cuối bài thánh thi nầy bên cạnh nhau, Phụng Vụ mời gọi chúng ta gẫm suy về mối liên hệ sâu xa giữa “ơn cứu độ” mà Đấng Mê-si-a hứa ban và “vẻ đẹp lộng lẫy” của Giê-ru-sa-lem được nhân cách hóa nơi dân Thiên Chúa. Sách Khải Huyền lấy lại hình ảnh Giê-ru-sa-lem thiên quốc như Tân Nương được điểm trang lộng lẫy nhờ máu Con Chiên.
Cách thức tiếp cận lịch sử như vậy có thể hiểu được nhờ những đau khổ của nhóm nhỏ trung thành còn sót lại, những “người nghèo hèn” nầy mà nỗi khốn khổ của họ lôi kéo lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Và chính qua họ mà lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa trải dài cho đến tận cùng thế giới.
BÀI ĐỌC II (1Tx 5: 16-24)
Thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Thê-xa lô-ni-ca là văn phẩm sớm nhất trong các văn phẩm Tân Ước. Bức thư nầy được viết vào mùa đông năm 50-51. Thánh Phao-lô thiết lập giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca vào mùa hè năm 50, nhưng ngài đã phải vội vả trốn chạy khỏi thành phố khỏi cơn thịnh nộ của người Do thái tìm cách giết ngài, vì lời rao giảng của thánh nhân khiến nhiều người Ít-ra-en lẫn lương dân ăn năn trở lại.
Vì thế, thánh nhân thật sự bận lòng đến cộng đoàn non trẻ bị hăm dọa nầy. Sau nầy, cộng tác viên của ngài là ông Ti-mô-thê quay trở lại Thê-xa-lô-ni-ca và thuật lại cho thánh nhân những tin tốt lành: dù bị người Do thái đe dọa và quấy nhiễu, cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca non trẻ nầy vẫn kiên vững trong niềm tin của mình. Thế nên, thánh Phao-lô viết bức thư nầy gởi đến họ với cung giọng nồng nàn chan chứa niềm hân hoan và cảm tạ. Đoạn trích thư hôm nay được định vị vào cuối thư bao gồm những lời khuyên bảo và khích lệ.
1).Vui mừng, cầu nguyện và tạ ơn:
Trong lời khuyên thứ nhất, Thánh nhân kêu mời ba điều quan trọng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”.
Trước hết, “Anh em hãy vui mừng luôn mãi”. Thánh Phao-lô thường nhấn mạnh niềm vui Ki-tô giáo. Niềm vui là hoa quả của Thần Khí, Đấng hằng ở với người Ki-tô hữu ngay cả trong gian nan thử thách. Chính thánh nhân luôn “chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Cr 7: 4). Niềm vui này phát xuất từ niềm xác tín là được dự phần vào vương quốc Thiên Chúa ngay từ cõi thế nầy.
Tiếp đó, “Hãy cầu nguyện không ngừng”. Thánh nhân hầu như luôn luôn khuyên cầu nguyện “không ngừng”, “mọi lúc”, “đêm cũng như ngày”. Chung chung, thánh nhân cầu nguyện với Chúa Cha, qua Chúa Ki-tô, nhờ Chúa Thánh Thần. Hiếm khi thánh nhân cầu nguyện trực tiếp với Chúa Ki-tô. Thánh nhân nói, chính nhờ Thần Khí mà chúng ta mới có thể thân thưa với Thiên Chúa là “Cha”.
Sau cùng, “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”. Tạ ơn là một cấu tố của lời cầu nguyện, xoay quanh lời chúc tụng. Truyền thống Do thái dành một chỗ đặc biệt cho tâm tình cảm tạ tri ân, chẳng hạn như bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus) của cụ già Si-mê-ôn là bài ca cảm tạ tri ân (Lc 1: 68-79). Thánh Phao-lô hầu như luôn luôn bắt đầu bức thư của mình với lời chúc tụng Thiên Chúa.
2).Ân ban Thần Khí:
Trong lời khuyên thứ hai, thánh Phao-lô kêu mời các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh em chớ dập tắt Thần Khí”. Cứ để mỗi người nói lên những ân ban mà mình nhận được, ngay cả ơn ngôn sứ. Điều quan trọng là phải biết “cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lấy; còn tất cả những gì xấu thì lánh cho xa”.
3).Ơn thánh hóa:
Trong lời khuyên thứ ba, thánh Phao-lô nói lên đề tài tâm đắc của mình: ơn thánh hóa, mà sau này, thánh nhân sẽ khai triển sâu xa hơn: chúng ta được thánh hóa nhờ tác động của Thiên Chúa chứ không do nổ lực cá nhân của mình.
Việc phân chia con người thành ba phần: thần trí, tâm hồn và thân xác, không gặp thấy bất cứ nơi nào khác trong các thư của thánh Phao-lô. Người Hy lạp cũng như người Do thái đều không quan niệm con người theo cách phân chia như thế. Ở đây, thánh Phao-lô chỉ muốn nói đến toàn diện con người. Theo thói quen của mình, thánh nhân khai triển chữ “toàn diện” đi trước và tô đậm chữ “thần trí” theo sau. Chữ “thần trí” này mang lấy ý nghĩa Ki-tô giáo: chính nhờ thần trí, con người rộng mở trước tác động của Thần Khí.
TIN MỪNG (Ga 1: 6-8, 19-28)
Tin Mừng hôm nay được trích từ hai đoạn văn khác nhau của Tin Mừng thư tư: một từ Tựa Ngôn (1: 1-18) giới thiệu “chức năng chứng nhân” của Gioan Tiền Hô (1: 6-8) và một khác từ Tuần Lễ khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giê-su (1: 19-2: 12) trình bày “lời chứng” của Gioan Tiền Hô (1: 19-28).
1).Chức năng chứng nhân của Gioan Tiền Hô (1: 6-8):
Tựa Ngôn là một bài thánh thi ca ngợi “Ngôi Lời” bị ngắt nhịp hai lần để giới thiệu Gioan Tiền Hô là chứng nhân của Đức Ki-tô (1: 6-8 và 15). Lần ngắt nhịp thứ nhất được trích dẫn ở đây như phần mở đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay.
Trong phần mở đầu nầy, tác giả Tin Mừng thứ tư không đề cập đến sứ điệp của Gioan Tiền Hô cũng như ý nghĩa phép rửa của thánh nhân, nhưng tô đậm “chức năng chứng nhân” của thánh nhân:
“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.
Ông đến để làm chứng,
và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (1: 6-8).
Đối với Tin Mừng thứ tư, “chứng nhân” là chức năng quan trọng bậc nhất, như tác giả nhấn mạnh trong thư thứ nhất của mình:
“Điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…
Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,
chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa…” (1Ga 1: 1-4).
2).Lời chứng của Gioan Tiền Hô (1: 19-28):
Sau khi giới thiệu chức năng chứng nhân của Gioan Tiền Hô, tác giả Tin Mừng thứ tư trình bày lời chứng của thánh nhân.
Thánh nhân phủ nhận tất cả những gì người ta nghĩ tưởng về ông để chỉ tập trung lời chứng của mình vào sự hiện diện của Đấng đến sau ông và hiện có mặt ở đây rồi. Ông không phải là Đấng Mê-si-a mà dân chúng đang mong đợi. Ông cũng không phải là Ê-li-a mà truyền thống truyền tụng theo đó vị ngôn sứ này được rước lên trời và sẽ trở lại trần thế để chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a. Ông cũng không phải là ngôn sứ vĩ đại mà Đức Chúa hứa với ông Mô-sê trong sách Đệ Nhị Luật: “Từ giữa anh em, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng…” (Đnl 18: 18).
Sau khi đã phủ nhận tất cả những nhân vật nổi tiếng mà người ta nghĩ tưởng về mình, thánh nhân công bố sứ điệp: “Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Đối với thánh nhân, Chúa Giê-su phải được đón nhận như một ân huệ mầu nhiệm của Thiên Chúa mà không ai biết thân thế của Ngài. Ở đây, có thể ám chỉ đến niềm tin dân gian vào một Đấng Mê-si-a ẩn mình cho đến khi ngôn sứ Ê-li-a tái xuất hiện và chỉ cho người ta nhận ra Ngài. Thật vậy, sách Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh hơn các sách Tin Mừng khác lời loan báo về Đấng Mê-si-a hiện ở giữa họ rồi mà họ không nhận ra.
Cuối cùng, thánh nhân làm chứng về sự cao cả của Đấng đến sau ông, nhưng trổi vượt hơn ông đến mức chính ông cũng “không đáng cởi quai dép cho Ngài” (1: 27), một công việc thấp hèn dành cho người nô lệ đối với chủ của mình. Về phương diện lịch sử, Đấng ấy sinh ra sau ông và thi hành sứ vụ sau ông, nhưng về phương diện thần linh, Đấng ấy hiện hữu trước ông.
Tại sao lời chứng của Gioan Tiền Hô về Đức Ki-tô mặc lấy một tầm mức quan trọng đến như thế? Để có thể lĩnh hội được Tin Mừng thứ tư, chúng ta cần phải giải mã những ẩn ý nầy. Tin Mừng thứ tư vốn giàu biểu tượng nên luôn luôn hàm chứa hai nghĩa: nghĩa trực tiếp và nghĩa ẩn dụ.
3).Nghĩa trực tiếp:
Theo nghĩa trực tiếp, chúng ta có thể gặp thấy chìa khóa ở nơi “Tuần Lễ khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giê-su” đối xứng với “Tuần Lễ bế mạc sứ vụ công khai của Ngài” tại thành thánh Giê-ru-sa-lem. Tuần Lễ Khai Mạc được trình bày thành bảy ngày và được phân định cách mặc nhiên hay minh nhiên qua biểu thức “Hôm sau”:
-Ngày thứ nhất: Gioan Tiền Hô làm chứng về chính mình và về Đức Ki-tô trước những chất vấn của các tư tế và các thầy Lê-vi được phái đến từ Giê-ru-sa-lem (1: 19-28).
-Ngày thứ hai: Gioan Tiền Hô làm chứng trước dân chúng về Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” và là Đấng mà Thần Khí ngự xuống vào lúc Ngài chịu phép rửa (1: 29-34).
-Ngày thứ ba: Gioan Tiền Hô làm chứng về Đức Giê-su cho hai môn đệ của mình là ông An-rê và người môn đệ khác. Hai môn đệ này liền rời bỏ thầy mình mà đi theo Đức Giê-su.
-Ngày thứ tư: Ông An-rê rũ em mình là ông Phê-rô cùng gia nhập với mình (1: 35-42).
-Ngày thứ năm: Ông Phi-líp-phê và ông Na-tha-na-en nhập đoàn với các môn đệ tiên khởi (1: 43-51).
Việc tác giả không kể ra ngày thứ sáu là có chủ ý, nhờ đó tác giả mới có thể bắt đầu dấu lạ Ca-na vào ngày thứ bảy như sau: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê”, trong đó các môn đệ tiên khởi đã “chứng kiến vinh quang của Ngài” và đã “tin vào Ngài”. Với diễn ngữ thời gian: “ngày thứ ba”, người Ki-tô hữu nghĩ ngay đến cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su, biến cố bày tỏ tuyệt mức vinh quang của Ngài.
Khi trình bày một tuần lễ khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giê-su như thế, tác giả Tin Mừng thứ tư thiết lập sự đối xứng với một tuần lễ sáng tạo thế giới, qua đó thánh ký muốn nói rằng Đức Ki-tô giáng trần để thực hiện một cuộc tạo dựng mới, hay đúng hơn, một cuộc tái tạo.
2).Nghĩa ẩn dụ:
Lời chứng của Gioan Tiền Hô được trích dẫn trong Tin Mừng hôm nay định vị vào ngày thứ nhất trong Tuần Lễ Khai Mạc. Trong tuần lễ sáng tạo thế giới, ngày thứ nhất được đánh dấu bởi việc phân tách Ánh Sáng ra khỏi bóng tối (St 1: 3-5).
Do đó, tất cả ý nghĩa sâu xa của đoạn Tin Mừng hôm nay chính là Gioan Tiền Hô đến để làm chứng về ánh sáng. Trái lại, các tư tế và các thầy Lê-vi được cử đến và trở về Giê-ru-sa-lem mà không đón nhận phép rửa tỏ bày lòng sám hối, vì thế, không rộng mở lòng mình ra để đón nhận ánh sáng. Tuy nhiên, họ đã được loan báo cho biết: “Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (động từ “biết” theo văn hóa Do thái không chỉ nói lên một sự hiểu biết thuần trí tuệ nhưng đặc biệt trọn cả con tim nữa). Như vậy, giáo quyền Do thái, ngay từ đầu, vẫn đắm mình trong bóng tối. Sự kiện nầy sẽ chi phối cách hành xử sau cùng của họ đối với Đức Ki-tô.
Cặp tương phản giữa ánh sáng và bóng tối nầy hình thành nên một trong những đề tài chủ đạo của Tin Mừng thứ tư. Việc đối lập nầy đã được minh chứng rồi ngay trong Tựa Ngôn.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
VUI MỪNG VÌ CHÚA SẮP ĐẾN- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
– Bài đọc 1 (Is 61,1-2.10-11) : “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Thiên Chúa”
– Đáp ca (Lc 1,46-48.49-50.53-54) : “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”
– Tin Mừng (Ga 1,6-8.19-28) : Gioan Tẩy giả giới thiệu về Đấng Messia “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”
– Bài đọc II (1 Tx 5,16-24) : “Anh em hãy vui mừng luôn mãi”
- DẪN VÀO THÁNH LỄ
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những niềm vui : vui khi thấy những nụ hoa hé nở trong vườn, vui khi nhìn những cặp vợ chồng trẻ hân hoan trong ngày cưới, vui với những tù nhân mãn hạn trở về… Ngày xưa, một ngôn sứ cũng đã dùng những hình ảnh tương tự để loan báo niềm vui khi Chúa đến. Thật vậy, khi Chúa đến, Ngài sẽ làm cho cuộc sống ta tràn ngập niềm vui. Vậy chúng ta hãy chuẩn bị đón tiếp Ngài.
- GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta không nghĩ rằng sống đạo là một niềm vui, trái lại nhiều khi còn coi đó là gánh nặng khó chịu.
– Chúng ta ít nghĩ đến việc làm cho những người chung quanh được vui tươi hạnh phúc.
– Chúng ta không sẵn sàng để cho Chúa giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc của tội lỗi và những đam mê bất chính.
III. LỜI CHÚA
- Bài đọc I: Is 61,1-2.10-11
Đoạn này thuộc phần thứ ba sách Isaia (các chương 56-66) do một (hoặc một số) tác giả không được biết tên nên người ta tạm gọi là Đệ Tam Isaia.
Có hai giả thuyết về thời gian soạn tác phần này : a/ Đó là thời sau lưu đày từ lúc xây xong Đền thờ mới cho đến năm 445 trước công nguyên (Nhóm dịch CGKPV) ; b/ Một vài năm trước khi kết thúc cuộc lưu đày. Nội dung đoạn được trích hôm nay xem ra phù hợp với giả thuyết thứ hai hơn.
Tác giả nghĩ đến lúc được giải thoát khỏi ách lưu đày.
– Trong phần đầu (cc 1-2), tác giả tự đồng hóa mình với một nhân vật được Thiên Chúa chọn làm sứ giả đặc biệt để loan tin vui ấy. “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.
– Trong phần sau (cc 10-11), tác giả lại tự đồng hóa mình với dân được giải thoát : “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, vì Ngài đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi…”
Sau này, trong bài ca Magnificat, Đức Maria đã lấy lại một số tâm tình của tác giả ; và Đức Giêsu, tại hội đường Nadarét, cũng đã áp dụng những lời này cho chính bản thân Ngài.
- Đáp ca: Trích bài Magnificat, Lc 1,46-48.49-50.53-54.
Bài ca diễn tả tâm tình của Đức Maria. Đó cũng là tâm tình của Đệ Tam Isaia ngày trước, mà cũng là tâm tình của Giáo Hội ngày nay : vui mừng vì được Chúa đến thăm và dùng mình làm sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa.
- Tin Mừng: Ga 1,6-8.19-28
Sứ giả loan Tin Mừng mà Đệ Tam Isaia đã tiên báo chính là Gioan Tiền hô, và Tin Mừng mà Gioan công bố chính là Đức Giêsu.
Đoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần trước đã cho biết Gioan là người dọn đường và ông đã dọn đường như thế nào. Đoạn Tin Mừng hôm nay (của thánh Gioan Tông đồ) cho biết nhiều hơn :
– Đấng Messia mà Gioan dọn đường chính là Ánh sáng. Ngài đến thế gian như ánh sáng chiếu soi trong đêm tối.
– Phần Gioan tiền hô, ông rất khiêm tốn : nói rõ mình không phải là Messia và tuyên bố Đấng Messia là Đức Giêsu cao trọng hơn ông.
- Bài đọc II : 1 Tx 5,16-24
Thêxalônica là một giáo đoàn mà thánh Phaolô rất quan tâm, bởi vì ngài mới thành lập giáo đoàn này không bao lâu thì phải bị buộc rời họ đi xa. Nhưng dù non trẻ, giáo đoàn này đã sống đạo khá tốt. Bởi thế khi biên thư cho họ, Phaolô bảo họ một mặt hãy luôn vui mừng trong Chúa và mặt khác hãy cầu nguyện không ngừng và cảm tạ Chúa trong mọi việc.
- GỢI Ý GIẢNG
* 1. Vui mừng theo đơn đặt hàng ư ?
Lời kêu gọi rất rõ của Giáo Hội trong Thánh lễ hôm nay là “Anh em hãy vui lên”.
Nhưng có thể vui mừng theo đơn đặt hàng như thế chăng ? Vả lại, trong cuộc sống cũng có nhiều nỗi buồn. Đâu phải bất cứ lúc nào hễ Giáo Hội kêu chúng ta vui lên thì chúng ta vui lên ngay được ?
Thiết tưởng ta nên phân biệt cho rõ. Cuộc đời gồm nhiều phương diện lắm khi không hoàn toàn phối hợp hài hòa với nhau. Bởi thế người ta vẫn có thể vui về phương diện này đang khi gặp điều không vừa ý thuộc phương diện khác. Chẳng hạn nghèo mà vui, bị sỉ nhục vẫn vui v.v. Phương diện lúc nào cũng có thể vui chính là phương diện siêu nhiên : vui vì Chúa, vui trong Chúa. Thứ niềm vui này ở tận trong lòng nên bất cứ thứ xáo trộn bên ngoài nào cũng không ảnh hưởng tới nó được.
Tác giả Sách Huấn ca đã viết : mọi việc đều có thời của nó. Có thời để khóc và có thời để cười, có thời để buồn và có thời để vui… Giáo Hội chỉ cho chúng ta biết rằng thời để vui chính là thời bây giờ đây, thời chuẩn bị đón Chúa Giáng sinh. Chúng ta vui vì Chúa đã “công bố năm hồng ân” (bài đọc I), vì “Chúa đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ” của chúng ta (Bài đáp ca) và vì ý Thiên Chúa muốn rằng chúng ta luôn được hân hoan hạnh phúc (Bài Thánh Thư).
* 2. Vui và sướng
Trong bài đọc II, Thánh Phaolô bảo : “Anh em hãy vui luôn”. Flor McCarthy có những suy nghĩ sau đây về vui và sướng (joy and pleasure).
Vui và sướng rất khác nhau :
– Ta có thể vạch kế hoạch để mình được sướng, nhưng không thể làm thế để được vui.
– Sung sướng đến ngay, còn niềm vui thường đến sau ; và niềm vui ngọt ngào hơn cả là thứ niềm vui đến sau đau khổ.
– Sung sướng đến do mình trả lời “có” với mình ; niềm vui đến do mình trả lời “không” với chính mình.
– Sung sướng giống như một ánh lửa loé lên trong đêm tối, chiếu sáng mọi sự trong giây lát rồi tắt lịm, sau đó ta cảm thấy tối tăm và trống rỗng hơn bao giờ hết ; Niềm vui giống như một ngọn lửa trong tim, sau đó dù lửa đã tàn nhưng vẫn còn để lại hơi ấm trong ta.
* 3. Vui luôn
Thánh Phaolô kêu gọi “Anh em hãy vui mừng luôn mãi”.
– “Luôn mãi” là cả khi bị người ta đối xử xấu với mình nữa chăng ?
– “Luôn mãi” là cả khi làm việc thất bại nữa chăng ?
– “Luôn mãi” là cả khi người thân bị chết hay bị bệnh nặng nữa chăng ?
– “Luôn mãi” ngay cả khi đã phạm tội chăng ? v.v.
Chắc chắn là thánh Phaolô đã nghĩ đến những tình huống đó, dù vậy Ngài vẫn kêu gọi “Hãy vui mừng luôn mãi”. Tại sao ?
Liền sau lời kêu gọi ấy, thánh Phaolô viết tiếp “Hãy cầu nguyện không ngừng”. Đúng rồi, nếu gặp phải những tình huống ấy mà biết cầu nguyện thì mọi buồn sầu lo lắng sẽ sớm tan biến và trở thành niềm vui.
- Có Đấng mà các ngươi không biết, Ngài sẽ đến sau tôi
Đấng mà người ta không biết chính là Thiên Chúa. Thật vậy, rất nhiều người không biết Thiên Chúa, thậm chí còn không tin là có Thiên Chúa. Điều này cũng tự nhiên thôi, vì chính Thánh Kinh cũng nói rằng khả năng con người không thể biết được Thiên Chúa : Thánh Gioan tông đồ đã viết “Chưa ai trông thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1,18) ; Thánh Phaolô cũng viết rằng Thiên Chúa là Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1 Tm 6,16).
Thế nhưng, vì yêu thương loài người, Thiên Chúa đã khấng cho loài người biết Ngài, qua Đức Giêsu con yêu dấu của Ngài nhập thế sống giữa loài người chúng ta. Gioan Tiền hô đã báo cho người ta biết tin vui đó : “Ngài đang ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết”.
Chúng ta là những người được biết, vậy chúng ta hãy vui mừng ; và cũng như Gioan, chúng ta hãy chỉ Ngài cho nhiều người khác được biết.
- Điều kiện của người làm chứng
Điều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình.
Gioan Tẩy giả là người làm chứng như thế. Đoạn Tin Mừng hôm nay viết : “Ông đến để làm chứng về ánh sáng”. Trung thực với chứng từ này, một mặt ông cố gắng chỉ cho người ta thấy Ánh Sáng là ai, mặt khác khi có người tưởng ông là Ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận. Rồi khi Ánh sáng xuất hiện, ông âm thầm rút lui : “Ngài phải sáng lên, còn tôi phải mờ đi”.
Câu chuyện sau đây được thuật lại trong quyển The Tablet (Tháng 5 năm 1998) :
Một cặp vợ chồng trẻ kia đều là bác sĩ. Họ đã học chung với nhau ở Đại học Y khoa, quen nhau, rồi cưới nhau. Người vợ là công giáo, người chồng thì không. Đã nhiều lần người vợ cố gắng thuyết phục chồng Rửa Tội, nhưng anh không hề quan tâm, có lẽ vì chưa thấy đạo công giáo có cái gì hay.
Thế rồi trong một đợt thanh lý công nhân viên, người chồng bị bắt đi cải tạo cùng với một số nhà trí thức khác. Người vợ không vào tù nhưng bị làm áp lực bỏ đạo và ly dị chồng. Nhiều nữ bác sĩ khác cùng cảnh ngộ đã đành chìu theo những áp lực ấy. Nhưng bà này vẫn cương quyết sống theo niềm tin và tình yêu của mình, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn.
Nhưng một ngày kia, người chồng được trả tự do cùng với nhiều bác sĩ khác. Xảy ra rất nhiều tình huống trớ trêu dở khóc dở cười : nhiều bà vợ vui mừng vì chồng trở về nhưng không dám đón chồng vì đã trót ly dị. Riêng cặp vợ chồng này thì niềm vui rất trọn vẹn.
Sau đó người chồng xin gia nhập đạo công giáo. Anh đã thấy được giá trị của đức tin và tình yêu hiện thân nơi vợ mình. Đó là một chứng từ, không phải bằng lời nói suông mà bằng cả cuộc sống.
Linh mục Anthony de Mello có kể một câu chuyện sau đây :
Có gia đình kia đi nghỉ hè một thời gian dài bên bờ biển. Ngày nọ, mấy đứa con đang nô đùa, xây những lâu đài bằng cát trên bãi biển, thì có một bà cụ xuất hiện. Tóc bà rối bời trong gió, quần áo bẩn thỉu rách rưới. Bà vừa lẩm bẩm một mình, vừa cúi nhặt những vật gì đó trên mặt cát rồi cho vào giỏ.
Cha mẹ lũ nhỏ gọi chúng lại và bảo chúng hãy tránh xa mụ đàn bà đó. Khi đi ngang qua, bà mỉm cười với họ, nhưng mọi người không hề tỏ dấu đáp lại.
Nhiều tuần sau, cả gia đình mới biết rằng đã lâu lắm rồi, người đàn đà ấy đã tự nguyện, làm công việc lượm các mảnh thủy tinh rơi rớt trên bãi biển, để bọn trẻ khỏi bị đứt chân.
*
“Giữa các ngươi có một Đấng mà các ngươi không biết” (Ga.1,26).
Sứ mạng của Gioan Tiền Hô là làm chứng cho Sự Sáng đích thật chính là Đức Kitô. Đức Kitô đến để chiếu ánh sáng cho trần gian. Toàn bộ Tin mừng Gioan chỉ là để trả lời cho câu hỏi này : “Giêsu Nagiarét, Người là ai ?” Gioan không dùng danh từ Phúc âm mà chỉ dùng từ ngữ “chứng nhân”. Động từ “làm chứng” được Gioan nhắc đến 33 lần. Tin mừng Gioan được khai mở bằng lời chứng của Gioan Tiền Hô và kết thúc với minh chứng của Gioan Tông đồ : “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra. Chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thực” (Ga.21,24).
Qua lối sống khổ hạnh khác người, qua lời rao giảng sám hối, và qua lời chứng : “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa : Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi” (Ga.1,23) đã minh chứng Gioan là vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế, là chứng nhân của Thiên Chúa. Gioan chỉ đứng ra làm chứng và báo trước ngày Chúa xuất hiện, rồi rút lui vào bóng tối.
Có thể nói, Gioan là người tôi tớ, còn Đức Giêsu là ông chủ, Gioan là đèn soi, còn Đức Giêsu là ánh sáng, Gioan là tiếng kêu, và Đức Giêsu là lời hằng sống.
Như Gioan, người tín hữu cũng sẽ là chứng nhân cho Đức Kitô trong cuộc sống. Về điểm này, Teihard de Chardin đã ví von rất sống động : “Ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”. Bà cụ trong câu chuyện của Cha Mello phản ánh một tấm gương sáng ngời về lòng thương người, luôn quan tâm tới kẻ khác. Cụ sống khó nghèo, âm thầm, hy sinh thời giờ sức lực của mình, để cho niềm vui của người khác được trọn vẹn.
Martin Luther King viết : “Chúng ta không chỉ làm chứng bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cuộc sống của mình”. Có những tâm hồn dần dần cải hóa nhờ việc làm của ta, nhưng chính ta lại không ngờ tới. J. Basquin nói : “Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”.
Ước gì khi nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng có thể nói như đã nói về Thánh Gioan Vianey “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.
*
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời rao giảng và bằng gương sáng đời sống chúng con. Xin cho chúng con biết sống khiêm nhường : không hiếu danh cũng chẳng ganh tị, không cao ngạo cũng chẳng cậy uy. Nếu có khi nào thành công việc gì xin cho chúng con biết hướng vinh dự về cho Chúa, để qua đó, người ta nhận biết Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương con người. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
- LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, chúng ta đã tiến đến Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng, niềm vui ngày Chúa đến dịp lễ Giáng Sinh đã gần kề. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy vui mừng cầu nguyện và tạ ơn. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những ước nguyện của chúng ta :
- Thánh Gioan đã dọn đường về Đức Giêsu là ánh sáng, là niềm vui cứu độ / Xin cho cộng đoàn Hội thánh trở thành chứng tá cho Chúa xuyên qua việc gieo rắc và bồi dưỡng niềm vui cho mọi người.
- Đức Giêsu được sai đi để đem Tin mừng cho người nghèo khổ bất hạnh / Xin cho các nhà cầm quyền trở thành những người bênh vực kẻ hèn yếu và đem an vui cho những người thiếu may mắn.
- Đức Giêsu đến trần gian để băng bó những tấm lòng tan nát / Xin cho những người nghèo đói thất nghiệp, tù đày, bị bỏ rơi / tìm được niềm an ủi và hy vọng nơi những người họ gặp gỡ.
- Chúng ta đã được hiệp thông với Đức Giêsu qua các Bí tích / Xin cho mọi người trong cộng đồng họ đạo chúng ta / luôn thắp lên trong đời mình ánh sáng của Chúa / để sưởi ấm và soi sáng cho mọi người.
Chủ tế : Lạy Chúa, chúng con đang sửa soạn để đón nhận niềm vui ngày Đức Giêsu Giáng Sinh, xin Chúa sai Thánh Thần Chúa đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con để chúng con trở thành niềm an vui cho mọi người chúng con gặp gỡ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG-B
GIOAN TIỀN HÔ- Chú giải của Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt
“Người Do thái”: Nơi Gioan, hạn từ này đôi khi ám chỉ các thành phần của dân Israel (3,25; 4,9.22..); nhưng trong hầu hết mọi trường hợp nó nhắm đến họ như những người đại diện cho một thế giới đang đi dần đến chỗ ngộ nhận rồi đối nghịch với Đấng Thiên Chúa sai đến, nghĩa là nó đặc biệt ám chỉ các quyền bính hiện hữu (2,18; 5,10-18; 7,1.13; 9,22 v.v.)
“Họ đã được biệt phái sai đến”: người ta không biết phải dịch câu 24 này sao cho đúng. Có thể hiểu rằng phái đoàn gồm có cả Biệt phái, hay chỉ gồm Biệt phái, hoặc do Biệt phái sai đi (như cách dịch của BJ và Nguyễn thế Thuấn ở đây muốn hiểu). Nhưng cách dịch sau cùng này, nếu đúng, lại khác nữa nghi ngờ sự hiểu biết mà tác giả Tin Mừng thứ 4 có thể có về Do thái giáo trước năm 70. Các biệt phái bấy giờ thù nghịch với các tư tế và Lêvi (l, 19) những người mà họ không, có quyền sai phái được. Thành thử câu này là một trong các!ý chứng để gán Tin Mừng thứ 4 không phải cho Gioan sứ đồ, con của Dêbêđê, nhưng cho một Gioan khác (“Gioan Trưởng lão”, mà papias đã nói đến?) môn đồ của vị sứ đồ.
“Vậy tại sao ông dám thanh tẩy?”: Cái làm bận tâm quyền bính tôn giáo hơn cả chính là phép rửa giao ban. Vì đây không phải là các nghi thức thanh tẩy thường thấy giữa người Do thái mà trong đó mỗi người tự rửa cho mình, sông là một phép rửa được ban với uy quyền do một người vốn là thừa tác viên độc hữu. Đàng khác, đây chẳng phải là Gioan làm phép rửa cho lương dân, để họ gia nhập Do thái giáo, nhưng là cho những người Do thái tinh ròng. Sau cùng, ông đặt phép rửa này tương quan với Nước Thiên Chúa mà ông loan báo là gần đến; khiến cho người ta phải nghĩ rằng ông có những tư tưởng, hoài bão thiên sai. Tất cả những điều đó phải được làm sáng tỏ kỹ lưỡng.
“Bêthania, bên kia sông Giođanô”: Khó xác định địa danh này. Thực vậy, một vài thủ sao ghi một tên rất là bác học: Bethabara, địa danh hy bá có nghĩa “chỗ lội qua được”. Cách viết này không hẳn là không nguyên thủy, nhung có thể ngày xưa, ngoài ngôi làng của Mátta và Maria, có một nơi gọi là Bêtania mà nay bị lãng quên. Nếu nhân cách đọc Bethabara, chỗ lội qua được”, thì đấy là một khúc cạn của sông Giođanô nằm phía bắc Biển chết. Như thế, Tin mừng được mặc khải tại chính địa điểm mà ngày xưa tuyển dân đã vượt qua sông Giođanô để đi vào đất hứa. Một lối điển hình luận như chẳng phải xa lạ với thánh Gioan. Thành thử không cấm ta đề cập đến nó, mặc dầu hình như đây là tư tưởng của origène hơn là của thánh sử.
KẾT LUẬN
Như vậy bản tổng kết của ngày thứ nhất này còn khá tiêu cực Lời nói của vị Tẩy giả như tạo nên một khoảng trống cần được lấp đầy. Gioan Tẩy giả không phải là Đức Messia. Cũng chẳng phải là Elia hay Đấng Ngôn sứ. Dĩ nhiên ông làm phép rửa, nhưng chỉ trong nước mà thôi. Ông tự nhận là không đáng cởi giây giầy cho Đấng đến sau mình. Như mọi người Do thái tới chất vấn, ông cũng chờ đợi Đức Messia. (ông không biết gì về Người hơn họ. Ông chỉ hay một điệu là ông xuất hiện trước Người. Để Chiên Thiên Chúa, tuyển nhân của Thiên Chúa được mặc khải, cần phải đợi “ngày” thứ hai.
Đem ra khỏi văn mạch chung, bản văn của chúng ta còn nhấn mạnh nhiều đến tính cách tương đối, tính cách phụ tùy hoàn toàn của công việc vị Tẩy giả. Nét này – nếu đem so sánh với Tin mừng Nhất lãm – đúng là nét căn bản trong hình ảnh mà Tin mừng thứ 4 phác họa ra cho ta về vị Tiền hô. Theo Tin mừng thứ 4, Gioan Tẩy Giả chỉ là nhân vật trong đó tập trung niềm chờ mong của cả Cưụ ước.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG.
– Cuộc xuất hành thứ nhất là cuộc xuất hành từ chốn nô lệ Ai cập về miền đất hứa dưới sự hướng dẫn của Môisen, ngang qua Biển đỏ và sa mạc, với manna làm của ăn và mạch suối hốc đá làm thứ giải khát. Cuộc xuất hành mới là cuộc xuất hành đưa người Do thái từ cảnh lưu đày Babylon về lại Thánh địa, dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, Mục tử của dân, ngang qua sa mạc Syria đầy chướng ngại đối với những kẻ thoát chỉnh lưu đày. Đó là cuộc phục hưng Israel để đợi chờ Đấng Messia đến. Vào thời của Đấng Messia, ta thấy cuộc xuất hành được làm lại. Gioan Tẩy giả, đứng ở sa mạc, bên bờ sông Giođanô, đưa đám người thống hối qua con sông thánh để tiến về Chúa Kitô (Mt 3, 1-11). Chúa Giêsu khai mạc cuộc đời công khai trong sa mạc của cám dỗ và của đói khát (Mt 4,1- 11). Việc người đi trên nước (Ga 6, 16-21) mở đầu cho lời hứa ban manna đích thực (Ga 6,31-34) là Mình Người, bánh sự sống chân thật (Ga 6,35), của ăn nuôi hồn (Ga 6,51-58). Việc Người bị gương cao trên Thập giá thể hiện hình ảnh biểu tượng con rắn đồng thời Xuất hành (Ga 3,4). Rồi Chúa Giêsu bàn về cuộc xuất hành của cái chết Người với Môisen và Elia trong cuộc biến hình trên núi (Lc 9,31). Vào ngày Thăng thiên, Người hoàn tất cuộc xuất hành về với Cha (Cv 1,9). Đến lượt chúng ta, trong Giáo hội của Chúa Kitô, chúng ta đi qua nước rửa tội và, nhờ được Thánh Thể nuôi dưỡng, chúng ta trở nên đủ sức thắng vượt các cơn cám dỗ vốn làm cho ta xa Chúa (lCr 10). Việc biến cải tâm hồn và lòng thống hối làm nên cuộc xuất hành của tội nhân, là kẻ chạy trốn ách thống trị của tội ác và tìm lại được, nhờ ơn tha thứ, sự bình an của tâm hồn (Mt 3,1-3.). Cái chết là cuộc Xuất hành đưa linh hồn nào đã dựa vào Chúa, tìm gặp Chúa Kitô và Thiên Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu (2Cr 5,6- 10).
– Sau bài tựa là phần nhập đề tổng quát và là tóm lượt của cuốn sách, Gioan đặt ngay đầu Tin mừng của ông khuôn mặt vị Tẩy giả. Đối với thánh sử, ông này rõ ràng là khuôn mặt của mùa Vọng, là điển hình của con người đứng giữa quá khứ vào thời Chúa giá lâm. Thành thử chúng lạ gì khi, suốt mùa Vọng, giáo hội nhắc đến khuôn mặt của Gioan trong nhiều bài Tin mừng Chúa Nhật, để nói cho chúng ta biết rằng mùa Vọng, mùa Vọng của chúng ta là gì: vì nếu Chúa đã đến, Người cũng còn phải đến thực sự. Người đã có đấy, nhưng vẫn còn là vị Thiên Chúa mai ẩn giữa chúng ta, và vì thế chúng ta vẫn luôn luôn là những kẻ không có nơi cư ngụ vững chắc đời này, vẫn còn là lữ khách xuất hành đứng giữa thời gian và vĩnh cửu, còn là những kẻ phải chờ đợi Chúa đến, những kẻ vẫn cử hành Mùa Vọng ngay cả trong mùa Giáng sinh, những kẻ phải hiểu rằng đây luôn là khởi điểm và thời gian của cuộc hành hương, đây luôn là cuộc hành trình đi qua thời gian trong nguy nan gian khổ, cuộc hành trình vững tâm đi đc’n ánh sáng vĩnh cửu mà chúng ta còn chờ đợi. Đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là vĩnh cửu chưa có đấy, nhưng không có nghĩa là chúng ta được phép bất quan tâm đến ánh sáng đã thắp lên, bất lưu ý tới trần gian này. Chúng ta phải lấy vị Tiền hô làm kiểu mẫu.
– Kinh thánh nói Gioan Tẩy giả đã bị các sứ giả của người biệt phái chất vấn về lai lịch, trong thâm ý xin ông làm một cử chỉ, nói lên một lời để hợp pháp hóa cuộc sống, công việc của ông. Và ông đáp lại: ”tôi không phải là Chúa Kitô”. rằng đời chúng ta há chẳng có chuyện tương tự, một kinh nghiệm tương tự, khi chúng ta phải kiên quyết mà bảo: Không! Tôi không phải thế. Tôi đâu có phải là một người mạnh, một kẻ chẳng cần Thiên Chúa và chẳng cần tìm hạnh phúc nơi Ngài”. Vấn đề luôn luôn là xem con người tôi có bám chặt vào ‘kinh nghiệm ấy chăng, có nói tiếng không chăng, vì ý nghĩa đích thực của đời tôi hệ tại chỗ thừa nhận ra sự yếu đuối của mình, tội trạng của mình và nhường chỗ cho cái duy nhất có thể đi vào đời tôi và ban cho nó ý nghĩa. Khắp nơi và luôn mãi, chúng ta phải từ bỏ sự tự tôn lẫn thói kiêu ngạo bằng cách bảo: “Tôi không phải thế. Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, theo kiểu nói của vị Tiền hô”.
– Ngày nay có nhiều kẻ đang bao quanh ta mà chất vấn: “Kitô hữu, bạn là ai?”. Họ là người ngoài Kitô giáo, người quan sát vô tư hay người lưu ý đến lối sống của ta. Cũng hỏi ta như thế lương tâm ta (“Mày nói sao về chính mày”) hay những kẻ, trong Hội thánh, đang coi sóc linh hồn ta và phải trả lẽ về ta trước mặt Chúa như: hàng giáo phẩm, cha giải tội, cha linh hướng.
– Nếu thành tâm, ta sẽ không chấp nhận bị tưởng lầm, tưởng lầm là Chúa Kitô (như thể ta đại diện Người hoàn toàn, hay thử coi mệnh ngang hàng với Người), tưởng lầm là các ngôn sứ có trách nhiệm về vận mạng của kẻ đồng đạo) và đòi bất khả ngộ, tưởng lầm như là bậc thánh vì chúng ta là những tội nhân (1Ga 1,8).
– Với lòng khiêm tốn của vị Tẩy giả, hãy chấp nhận trở thành một tiếng nói, một âm vang của Ngôi lời, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga1,1-2). Dù chúng ta là phản ảnh của vinh quang Chúa Kitô (2cr 4,6), là hình ảnh sống động của Con Thiên Chúa (Rm 8,29), đấy vẫn là một ân huệ nhưng không của Ngài (Ep 2,8). Dù có thể làm gì cho Ngài, chúng ta bao giờ cũng chỉ là những tôi tớ (Lc 16,16).
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- B
CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG– ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài. Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:
Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một “tiếng kêu trong sa mạc”. Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.
Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.
Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.
Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: “Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người” (Ga 1,27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).
Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.
Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.
Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.
Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- A
LÀM CHỨNG VỀ ÁNH SÁNG- Lm. Luy Gonzaga Đặng Quang Tiến
Tin mừng chúa nhật nầy gồm hai đoạn 1:6-8 và 1:19-28 thuộc 2 văn mạch khác nhau, tuy nhiên đều nói về Gioan, là chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô. Đoạn 1:6-8 nằm trong văn mạch của 1:1-13, nói về Ngôi Lời là ánh sáng (1:1-5) và Ngôi Lời đã đi vào lịch sử (1:6-13). Đoạn 1:19-28 nói về Gioan và công việc của ông.
Trong tin mừng Gioan, làm chứng là sứ mạng chính của Gioan, không phải là làm phép rửa (1:7[2].8.15.19.32). Để làm chứng, Gioan phải là một con người và được Thiên Chúa sai đến (c.6). Là con người, để Gioan có thể nói cho con người điều ông đã thấy và đã tin. “Được Thiên Chúa sai đến”, vì sứ mạng của ông là làm chứng cho Con Thiên Chúa (3:27). Bởi đó, Gioan không làm chứng cho một điều, mà cho một người. Mục đích của Gioan là làm cho mọi người tin vào Chúa Giêsu (c.7), để họ được làm con Thiên Chúa (1:12) và không còn thuộc về bóng tối nữa (1:5; 11:10; 12:35).
Chúa Giêsu là ánh sáng của trần gian (1:4; 9:5; 11:9; 12:35.36.46). Ánh sáng ấy là sự sống (1:4;8:12[2x]) và cũng là sự thật (1:9; 3:21). Gioan làm chứng cho ánh sáng, có nghĩa là làm chứng cho một sự sống Chúa Giêsu đang mang đến (1:15-16; 6:41.48.51) và một sự thật: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (1:32.35; 5:33). Đón nhận chứng từ của Gioan, nghĩa là tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là sự thật và sự sống (14:6) để được trở nên con cái Thiên Chúa (1:12). Khước từ chứng từ của Gioan là khước từ Chúa Giêsu và tiếp tục sống trong bóng tối (1:5; 8:12).
Gioan là chứng nhân, không phải là ánh sáng (1:8). Bởi đó, Gioan từ chối nhận mình là Đấng Kitô hay là Êlia. Ông nhận mình không xứng đáng cởi quai dép cho Đấng đang đến. Thành ngữ egò ouk eimi “Tôi không là” mà Gioan dùng cho mình (c.20.21.27; 3:28) đối nghịch với egò eimi “Tôi là”, được dùng độc nhất cho Chúa Giêsu: “Tôi là tôi” (4:26; 6:20; 13:19; 18:5.6.8), “Tôi là bánh ban sự sống” (6:41.48.51), “Tôi là ánh sáng trần gian” (8:12; 9:5), “Tôi là…” (10:9.11.14; 11:25; 14:6; 15:1.5; 18:37). Chính cách nói nầy cho thấy Chúa Giêsu, là ánh sáng, ngày mỗi tỏa sáng lên, còn Gioan, như là chứng nhân của ánh sáng, ngày mỗi tan biến dần (3:30). Gioan giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ của mình, và họ đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu (1:35-42), dân chúng đến với Chúa Giêsu thay vì đến với Gioan (3:26) và cuối cùng chết âm thầm trong ngục tối (3:24). Gioan, một chứng nhân chân thật và khiêm tốn vô hạn (10:41).
Gioan không là chứng nhân duy nhất của Chúa Giêsu. Chúa Cha (5:32.37; 8:18), Kinh Thánh (5:39), công việc của Chúa Giêsu (5:36; 10:25), chính Chúa Giêsu (8:14.18), Thánh Linh (15:26) và các môn đệ (15:27) tất cả đều làm chứng một điều: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Đến trần gian, Chúa Giêsu cần chứng nhân, vì không dễ tin Người là Con Thiên Chúa. Nếu tin, sẽ được làm con cái của Thiên Chúa. Nếu được làm con cái của Thiên Chúa, tất phải sống như con cái của Người.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- B
ĐƠN GIẢN LÀ NHƯ THẾ– Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật
Câu chuyện xảy ra tại một địa điểm ở phía Bắc Biển Chết, có lẽ cũng là nơi xưa kia dân Do-thái đã vượt qua sông Gio-đan để tiến vào Đất Hứa. Ông Gioan Tẩy Giả đang có mặt tại đó và làm phép rửa bằng nước. Chỉ một nghi thức sám hối này cũng đủ để phân biệt phép rửa của ông với những cách thức thanh tẩy khác nhau vốn đang thịnh hành trong các nhóm thời bấy giờ. Con người này là ai vậy mà biết bao người đang ùn ùn kéo đến với ông để lãnh nhận phép rửa ? Con người này có sứ mạng gì mà lời rao giảng của ông có âm giọng như tiếng kêu của các vị ngôn sứ, tính cho đến lúc này, đã im vắng được ba thế kỷ ?
Người Do-thái, hay chính xác hơn, một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đã muốn xác định xem ông là ai. Họ đặt câu hỏi và muốn xếp ông vào một trong số những hiểu biết của mình. Họ muốn kiểm chứng, họ muốn tin chắc vào hiểu biết của mình.
Trước hết, họ muốn biết có phải là Đấng Mê-si-a không. Trong giai đoạn căng thẳng lúc bấy giờ, có rất nhiều người mong chờ vị sứ giả của Thiên Chúa đến. Họ đã mường tượng ra dung mạo của vị sứ giả, nhưng là một thứ hình ảnh cứng ngắc. Trong thực tế, họ đã có nhiều hình ảnh mẫu, tuỳ theo thái độ chờ đợi, tuỳ theo khát vọng của mỗi người. Trong khi đó, các vị lãnh đạo dân đang cố gắng kiểm chứng danh tính của những người đang có ảnh hưởng trên dân chúng. Chính họ cũng có quan niệm về dung mạo của con người phải đến. Do đó, họ đã nêu vấn đề với ông Gioan khi thấy đám đông kéo đến với ông để nghe giảng và đón nhận phép rửa.
Ông có phải là ngôn sứ Ê-li-a không ? Một nhân vật khác được nêu lên sau khi ông Gioan đã tuyên bố ông không phải là Đấng Mê-si-a. Từ trước đến nay, người Do-thái vẫn công nhận ngôn sứ Ê-li-a là một chứng nhân vĩ đại về lòng tin. Ông đã được cất lên trời cách lạ lùng (2 V 2), và ông sẽ trở lại để dọn đường cho Đấng Mê-si-a đích thực. Lúc sinh thời, ngôn sứ Ê-li-a đã bị mọi người loại bỏ. Nhưng giờ đây, người ta đã biết ông là ai. Con người xưa kia bị bách hại, nhưng giờ đây lại được tôn phong.
Người ta vẫn dựa trên những hình ảnh quá khứ để nhận định về hiện tại. Nhưng mỗi người có vai trò riêng của mình, và ông Gioan Tẩy Giả là một trường hợp rất đặc biệt.
Đơn giản là một chứng nhân
Câu trả lời của ông Gioan cho thấy một thái độ khiêm tốn cần ngạc nhiên.
Ông tuyên bố ông không phải là Đấng Mê-si-a, không phải là Ánh Sáng. Ông không phải là ngôn sứ Ê-li-a trở lại, cũng không phải là vị Ngôn Sứ vĩ đại như người ta vẫn chờ đợi.
Ông chỉ là vị tiền hô, đơn giản là một chứng nhân, có vai trò hoàn toàn tuỳ thuộc vào Đấng ông loan báo. Ông là ngọn đèn do Thiên Chúa thắp lên để soi đường cho Đức Ki-tô đến, là tiếng nói của Thiên Chúa. Đơn giản chỉ có thế. Tất cả chỉ có thế. Ngọn đèn để soi sáng, tiếng nói để cung cấp lời.
Cách trả lời của ông Gioan Tẩy Giả cho thấy ông không để cho người ta xác định về mình. Ông không lặp lại quá khứ, nhưng mở ra tương lai. Vì vậy, ông là người của bất ngờ. Người ta không thể đóng khung vào một loại nào. Ông khước từ quan niệm coi ông là điểm dừng, ông chỉ muốn mình là điểm cần đi qua. Ông làm chứng về ánh sáng, một loại ánh sáng luôn vuột khỏi tầm với con người, nhưng lại soi chiếu cho họ trên con đường của mình. Ông Gioan chỉ muốn mình là người chỉ đường và không muốn người ta chăm chú vào mình. Một thái độ tuyệt vời và chính điều này làm ông trở nên cao cả. Đây cũng là đặc tính của mọi ngôn sứ Ít-ra-en.
Đàng khác, câu trả lời của Gioan là một thứ tuyên bố về lý lịch cá nhân, nhưng hoàn toàn tiêu cực, làm cho những người chất vấn chưng hửng, thêm thắc mắc. Người ta không thể xác định về ông, nhưng ông vẫn rất cần thiết và quý giá để chỉ cho mọi người thấy rằng: có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”.
Tuy vậy, phải nói rằng chính ông Gioan Tẩy Giả cũng không biết rõ về Đức Giêsu. Đang khi ông dìm người khác trong nước để thức tỉnh và thanh tẩy họ, thì chính ông lại sống trong nghi nan. Ông biết rằng ông có sứ mạng dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến. Ông cũng biết rằng Đấng Mê-si-a cao cả hơn ông nhiều: “Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” ; “có người đến sau tôi nhưng trỗi hơn tôi, vì có trước tôi” ; ông cũng cảm thấy một sự đứt đoạn, nhưng ông chưa thấy Người đến. Ông cũng không biết rằng Vị Sứ giả của Thiên Chúa, mà ông là người dọn đường, lại chẳng là ai khác hơn là người bà con của ông tại làng Na-da-rét, là ông Giêsu người thợ mộc.
Ông chỉ biết rằng chính ông không phải là Đấng Mê-si-a, và chỉ là kẻ dọn đường. Ông biết điều này rất rõ và ông sống đến tận cùng. Ông dấn thân trọn vẹn để thi hành sứ mạng ngôn sứ, giới thiệu Đức Ki-tô khi tới thời gian đã được ấn định. Ông biết rằng ông không phải là ánh sáng, nhưng ông có mặt để làm chứng về Ánh Sáng. Rồi đây, ông sẽ đưa tay ra để chỉ vào Đấng phải đến. Người là Đức Giêsu, Người đến và đem lại cho Thiên Chúa vô hình, Thiên Chúa không thể đụng chạm tới được một dung mạo, một thân thể.
Về một Thiên Chúa đã biết và chưa biết
Không ai thấy Thiên Chúa, không ai nghe được Thiên Chúa, và cũng không ai đụng chạm được Thiên Chúa.
Làm thế nào bây giờ trước một Thiên Chúa được gọi là Ánh Sáng nhưng không ai nhìn thấy được ? Đấng tự nhận mình là Chân Lý tinh tuyền nhưng lại xuất hiện dưới khuôn mặt không thực, Người là ai ? Đấng hiện diện ở khắp nơi nhưng dường như lại vắng mặt, Người là ai ?
Các nhà thần học luôn tìm ra những lý luận rất hay, nào là Thiên Chúa ẩn mình để tôn trọng sự tự do của chúng ta, hay để tạo cho chúng ta nỗi ngạc nhiên khi chúng ta chết, v.v… Tuy vậy, chúng ta cảm thấy không thoả mãn với những giải thích như thế, và chúng ta có cảm tưởng rằng những giải thích này cũng chẳng làm cho những người đã đề ra chúng được thoả mãn.
Thiên Chúa là Đấng không thể hiểu thấu: chúng ta phải chấp nhận sự kiện đó, một sự kiện không thể khác được. Chấp nhận không phải để buông xuôi, nhưng là để nhìn rõ chỗ đứng của chúng ta và nhất là để đặt Thiên Chúa vào đúng chỗ của Người, tức là Người có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ nơi nào chúng ta đang chờ đợi Người.
Như vậy, nếu Thiên Chúa không để cho cảm giác và lý luận của chúng ta đụng chạm tới Người, nếu Thiên Chúa không để cho chính lòng tin của chúng ta nắm bắt được Người, thế thì phải chăng chúng ta bị kết án phải tìm đến Người trong bóng đêm mịt mù ? Phải chăng chúng ta đang có nguy cơ đi lạc đường hay là chỉ chạy theo một ảo ảnh ?
Những câu hỏi như thế vẫn được đặt ra cho chúng ta và có lẽ không bao giờ chúng ta có được câu trả lời đầy đủ. Thiên Chúa vẫn luôn ở phía trước và mở ra những chân trời rộng lớn hơn. Người mời gọi chúng ta bước vào và trở thành nhân chứng cho Người.
Như ông Gioan Tẩy Giả, mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở thành người loan báo về một Thiên Chúa đang ẩn mình nhưng vẫn đang đến. Mỗi chúng ta đang được mời gọi đóng vai trò rất khiêm tốn nhưng không thể thiếu: giới thiệu về Thiên Chúa đang đến. Nói một cách khác, chúng ta được trao phó trách nhiệm lôi kéo thêm nhiều người cùng gia nhập vào cộng đoàn những người tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Chân Lý và Ánh Sáng, đang khi chính chúng ta phải trở thành ngọn đèn, thành tiếng nói. Đơn giản là như thế. Tất cả chỉ có thế.
* * *
Thiên Chúa của tôi vượt hẳn mọi thứ suy luận và mọi thứ đo lường.
Thiên Chúa của tôi là thế này: kỳ diệu, độc đáo và gây sững sờ.
Người là hữu thể, nhưng lại là chuyển biến,
Người là những gì đã có, hiện có và sẽ có,
Người là tất cả, nhưng không có gì là Người,
Chúa tôi gây sững sờ
là Đấng người ta tin nhưng không thấy,
người ta yêu mến nhưng không sờ được,
người ta trông chờ nhưng không nghe theo,
người ta chiếm hữu, nhưng không đáng được như thế.
(Juan Arias – Thiên Chúa mà tôi không tin, trang 32)
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG-B
ÁNH SÁNG TIN MỪNG- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Cách nay hơn 25 thế kỷ, hiền triết Platon, nước Hy lạp, thấy một thứ ánh sáng lạ lóe chiếu vào hầm tối. Mọi người trong hầm bừng tỉnh, niềm vui chan chứa. Họ đã thấy những tia sáng hy vọng tuyệt vời từ nơi cao thăm thẳm tới với họ. Họ tin chắc ánh sáng đó có ngày sẽ giải thoát họ khỏi hầm tối, cho họ tới nơi rực rỡ huy hoàng.
Gần đồng thời với Platon, sứ ngôn Isaia, nước Do thái, thấy một thứ ánh sáng kỳ diệu hơn nhiều: Ánh sáng thần trí Chúa phóng thích những tù nhân, ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân của Chúa. Họ vui mừng hớn hở được hưởng thời đại đầy ánh sáng cứu độ. Họ như được mặc áo choàng công chính trang điểm lộng lẫy như cô dâu chú rể. Họ được sống trong vườn hoa tươi mát đang đâm chồi nẩy lộc vinh quang, được sống trong thời đại tình thương Thiên Chúa toàn năng, chí thánh, chí tôn. Linh hồn họ hớn hở reo mừng ngợi khen Thiên Chúa đến muôn đời (Is. 61, 1-2. 10-11 và Đáp ca).
Gần sáu thế kỷ, Gioan đã dâng trót cuộc đời làm chứng về ánh sáng đó để mọi người tin.
Nhưng bóng tối của đế quốc Rôma, bóng tối của những đảng phái Do thái đang đe dọa Gioan. Gioan, một con người cô thân, cô thế, đang dấn thân vào bóng tối, để loan báo ánh sáng Tin mừng cho toàn dân chuẩn bị đón mừng ánh sáng. Trước con người kỳ lạ đang hoạt động trong hoang địa, đang làm nghi lễ ngoại lệ, đang loan báo một Đấng cứu tinh đến sau ông, quyền phép lạ lùng, chính ông không đáng cởi quai dép cho Người, bao nhiêu dân chúng đang tuốn đến nghe ông, họ đang lội xuống sông xin ông thanh tẩy, đến với Đấng họ hằng mong đợi. Cấp lãnh đạo Do thái đang hưởng một cuộc đời quyền quý, họ muốn yên thân, nhưng thấy Gioan hô hào dân chúng, họ lo cho địa vị của mình. Họ sai các tư tế và các Lêvi đến điều tra xem xét Gioan là ai. Họ sợ ông là Êlia sống lại, người đã thiêu sống hơn năm trăm tư tế của hoàng hậu Giêzabel thời vua Acab (A.Kap). Họ sợ ông là một ngôn sứ, như bao nhiêu ngôn sứ của Thiên Chúa, đến đe dọa họ, đưa những tin làm đảo lộn thời thế, làm mất địa vị quyền lợi của họ. Họ phải đề phòng, kiểm soát, canh chừng mọi bất trắc xảy ra. Họ đã biết có nhiều người được dân coi là Đấng Cứu Thế, nổi lên chống ngoại bang, làm cho bao nhiêu người phải chết lây, nhất là tầng lớp lãnh đạo tôn giáo lại càng sợ đế quốc tiêu diệt. Lịch sử thời đó cho biết: Sau cái chết của Hêrôđê đại đế, ở Pêrê có ông Simon nổi dậy đốt lâu đài của vua ở Giêricô, tự xưng làm vua. Rồi ở Giuđa, một mục tử là Ath-Ron đứng dậy lập chính phủ. Sau đó, ở Galilê, một người tên là Giuđa khởi nghĩa, chiếm kho vũ khí ở Sêp-pho-ri (Vie de Jesus Christ – Ricciotti p. 35-45). Họ cũng sợ Gioan nổi lên như thế. Họ muốn tìm cách dẹp ông đi, khỏi bị vạ lây. Họ là bóng tối, tham quyền cố vị. Họ không thể thấy ánh sáng. Tác giả Tin mừng thứ bốn đã báo trước: “Ánh sáng đến trong tối tăm, mà tối tăm không tiếp nhận ánh sáng. Họ muốn triệt hạ ánh sáng, nhưng ánh sáng vẫn thấu triệt tối tăm” (Ga. 1, 5).
Ánh sáng, mà Gioan làm chứng, đã lan tỏa trên giáo đoàn Thessalonica. Tuy mới được giải phóng khỏi tối tăm lầm lạc, giáo đoàn đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, một giáo đoàn trẻ đang nở rộ hoa công chính. Họ đã được sống hiệp thông với Đức Giêsu Kitô là nguồn ánh sáng. Thần khí ánh sáng đang bừng lên trong họ. Không thử thách gay go nào dập tắt được. Họ vui mừng luôn mãi, họ cầu nguyện không ngừng. Họ tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ. Thiên Chúa là nguồn bình an, thánh hóa toàn diện con người họ để thần khí, tâm hồn và thân xác họ được giữ gìn toàn vẹn (1Thes. 5,16-24).
Xin cho ánh sáng muôn thuở này chiếu tỏa trên khắp chúng ta. Chúng ta hãy vui mừng tiếp nhận ánh sáng, hãy thanh tẩy tâm hồn sạch mọi ham hố bất chính, sạch mọi bóng tối gian tà. “Hãy cân nhắc mọi sự. Điều gì tốt thì giữ lấy, còn tất cả những gì xấu thì tránh xa”. “Hãy không ngừng cầu nguyện. Hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh để chúng ta được hiệp thông với Đức Giêsu Kitô” trong ánh sáng cứu độ. Linh hồn, thần trí và thân xác chúng ta sẽ được hớn hở reo mừng trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng muôn dân, xin làm cho chúng con trở nên ánh sáng thế gian, soi sáng cho mọi hầm tối, làm cho hầm tối chan chứa niềm vui của thời đại hồng ân Thiên Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- B
ĐỨC TÍNH NGÔN SỨ HÔM NAY Lm. Joshepus Quang Nguyễn
Thánh Kinh cho biết ông Gio-an Tẩy Giả là vị ngôn sứ sau cùng của thời Cựu Ước tiên báo Đấng Cứu Thế đến. Ông cũng là người mở đầu cho một thời đại ngôn sứ mới trong Tân Ước, thời đại của những người biết Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và được mời gọi làm chứng cho Chúa Giê-su qua những lời họ loan báo và nhất là chính cuộc sống của họ. Vì vậy, hôm nay Lời Chúa nêu hai đức tính của ngôn sứ Gio-an Tẩy giả đồng thời mời gọi chúng ta những ngôn sứ đương thời hãy luôn có hai nhân đức này: khiêm nhường và can đảm nói và sống cho sự thật.
Thứ nhất nhân đức khiêm nhường, Gioan Tẩy Giả không bao giờ tìm cách đề cao mình, rao giảng về mình nhưng mọi hành vi, mọi cử chỉ và mọi lời nói của ngài đều qui về Đức Giêsu. Cụ thể, Tin Mừng kể Thánh Gioan Tẩy Giả sống đời sống rất khắc khổ: mặc áo lông, đồ ăn là châu chấu và mật ong rừng. Thánh nhân rao giảng sám hối và làm phép rửa. Đám đông dân chúng có nhiều người đã ngộ nhận Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng Thánh nhân xác quyết: “Tôi đây làm phép rửa anh em trong nước, nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Thánh Gioan tẩy giả được coi là vị ngôn sứ cao cả nhất trong dân Israen, đã qui tụ, thu hút được đám đông quần chúng mà chưa có vị ngôn sứ nào làm được công việc ấy như Ngài nhưng Ngài có lòng khiêm nhường tột độ, để cho mình nhỏ đi và để Chúa lớn lên.
Thứ hai nhân đức can đảm, Thánh Gioan tẩy giả đã can đảm nói và sống cho sự thật dù phải thiệt thân. Thánh Mác-cô kể rằng Vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình, thần dân thiên hạ ai cũng biết điều đó sai, luật không cho phép nhưng không ông thần này hay dân thường nào dám nói với vua không được lấy, nhưng Gioan tẩy giả đã nói. Thế là Bà Hêrôđia vợ của anh vua nay đã lấy vua làm chồng căm tức muốn giết ông Gioan tẩy giả nhưng bà không có quyền. Vua Hêrôđê biết Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông và che chở cho ông. Nhưng vì điệu nhảy của con gái bà Hêrôđia, nhà vua trót thề sẽ ban cho cô tất cả cái gì cô xin. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tẩy giả tới (Mc 6,17-28).
Giáo lý Hội Thánh dạy rằng nhờ bí tích Rửa tội, mọi người được tham dự vào chức tư tế (linh mục cộng đồng), sứ vụ ngôn sứ và vương đế của Chúa Giêsu. Như vậy, Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi người làm ngôn sứ không phân biệt phái tính, tầng lớp, đẳng cấp xã hội, giàu hay nghèo, lành mạnh hay khuyết tật. Điều đáng chú ý rằng ngôn sứ phải là người cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa và được chiếm hữu bởi Thần Khí và Lời Chúa qua nhiều cách thế khác nhau. Vâng, chính Thánh Phaolô nói: “Chính Thiên Chúa đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,11-13).
Cho nên, ngôn sứ là người được Thiên Chúa thánh hóa và sai đi nhiều hoàn cảnh, địa lý, xã hội, lịch sử, thời gian và thính giả khác nhau. Vì thế, khi đề cập đến hai đức tính này của Gio-an Tẩy Giả trong Mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở rằng chúng ta là những ngôn sứ của thời đại mới, những người tiếp tục loan báo Chúa Giê-su đến với người chưa biết Chúa, thì chính cuộc sống, lời nói và hành động của chúng ta phải làm chứng cho Chúa Giê-su trong thế giới hôm nay. Vì vậy, chúng ta phải khiêm nhường trước hết. Bởi vì tình thương của Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng sự khiêm nhường. Thánh Tôma Aquinô nói: “Kiêu ngạo là thích được đề cao hơn người khác, và kiêu ngạo là khoe khoang, là cay đắng, là tàn nhẫn, là chỉ nghĩ đến bản thân, cho nên kiêu ngạo khiến ta đố kỵ nhau. Bởi vậy, muốn yêu thương phải bắt đầu để cho tâm hồn mình thấm nhuần sự khiêm nhường và hiền lành”. Vì vậy, có khiêm nhường, chúng ta mới nhận được tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu ấy thúc bách chúng ta phục vụ yêu thương, tha thứ cho nhau, đồng thời hăng hái nói về Chúa cho mọi người. Cụ thể, Thánh Nữ Têrêxa Calcutta, nhìn bề ngoài của Mẹ Têrêsa với hình dạng nhỏ bé, da mặt nhăn nheo, lưng hơi gù với vẻ già nua và có đôi bàn tay xương xẩu gầy guộc, thế nhưng khi mọi người khi gặp mặt tiếp xúc đều thấy con người Mẹ có đời sống bình dị, dễ thương với đôi mắt sáng ngời và nụ cười trên môi rạng rỡ niềm vui, lời nói đầy thuyết phục, kèm theo một sự khiêm tốn, hiền lành chân thật. Chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau khi tìm hiểu về cuộc đời Mẹ đã phải thốt lên: “Tôi không đáng xách dép cho nữ tu Têrêsa”. Bởi vậy chính đời sống Thánh nữ đã thu hút biết bao nhiều người biết Chúa và trở về với Chúa.
Cuối cùng, can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm sống ngay chính thật thà giữa những bao điều dối trá trong đời. Nhờ can đảm, ta thắng được sợ hãi, đương đầu với thử thách và bách hại, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chính nghĩa cho “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi” (Tv 118,14). Vì vậy, trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nhắc bảo chúng ta rằng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1Tx 5,16-22). Vì vậy, trong tông thư gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngôn sứ được Chúa ban khả năng hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết những người anh chị em của mình. Cho nên, những ngôn sứ chứng tá cho Đức Giêsu sống ở thế giới này phải can đảm phân định và tố giác tội ác và những bất công trong xã hội đồng thời luôn đứng về phía những người nghèo và những người cô thân cô thế, bởi vì người ngôn sứ biết rằng chính Thiên Chúa đứng về phía họ (x.Số 4 phần II).
Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương Thánh Gioan tẩy giả là phải trở nên những người đi trước, dọn đường Chúa đến trong cuộc đời mình, cũng như người khác nhờ sống khiêm và can đảm. Amen.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG-B
CÓ NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA SAI ĐẾN…- Lm. Anphong Nguyễn Công Minh OFM
Vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, tức quãng năm 1959, ai cũng công nhận câu gán ghép của Đức Athenagoras, Thượng Phụ chính thống giáo Constantinople là chí lý, là rất đạt, là cực kỳ hay, khi vị thượng phụ này gán một câu Phúc Âm thời xưa để ghép cho một người thời nay, là vị giáo hoàng của Giáo Hội Công giáo Roma: “Có một người được Chúa sai đến, tên là Gioan”: Đây là câu Phúc âm chúng ta vừa nghe, được Đức Thượng Phụ Athenagoras Đông Phương ghép cho Đức Gioan 23, một Giáo Hoàng Roma Tây Phương.
Câu ghép này rất ý vị vì Đức Roncalli khi lên ngôi Giáo hoàng, lấy hiệu là Gioan (chứ nếu lấy Piô, Phaolô, Benedicto, thì sao gán ghép được); và câu ghép này thật chí lý vì quả Đức Gioan 23, nay đã được phong thánh, là người “được Chúa sai đến” thật, một vị đến làm đảo lộn, canh tân lại bộ mặt của Hội thánh, để Hội Thánh không tì ố, không vết nhăn, mặc dầu đức Gioan lúc đó đã ngót nghét 80 tuổi, khuôn mặt đã nhiều nếp gấp, khoé mắt nhiều dấu chân chim, nhưng đúng là người được Chúa sai đến, đến để làm chứng cho con người thế kỷ 20 và 21 này.
Hôm nay ta chỉ mở đề với thánh Gioan 23 để vào đề với thánh Gioan Tẩy giả. Đề tài bài suy niệm Tin Mừng hôm nay là: Gioan, Kẻ Làm Chứng. “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng.”
Vậy làm chứng là gì và làm chứng cái gì? Đó là 2 điểm ta sẽ trả lời.
1).Làm chứng là gì?
– Từ Điển tiếng Việt cho ta biết: Làm chứng là đứng ra xác nhận những gì mình đã thấy, đã nghe… Td: Làm chứng một tai nạn giao thông ; hai người làm chứng trong Hôn phối nghe và thấy rằng đôi bạn đã bày tỏ sự ưng thuận.
Người làm chứng thì không phải là đương sự. Như hai người làm chứng trong Hôn phối phải khác hai người ưng thuận lấy nhau. Ra toà, người làm chứng không thể là bị cáo hay nguyên đơn. Cũng vậy, Gioan được Chúa sai đến để làm chứng, thì cũng là để làm chứng về một điều gì, về một ai đó chứ không phải để làm chứng chính mình. Nếu có phải nói về mình là cũng chỉ nhằm làm chứng về người kia, như Gioan nói thẳng: tôi không phải là Êlia, không phải Kitô, không phải Ngôn sứ người ta trông đợi… “Tôi chỉ là tiếng kêu…” Gioan nói vậy để làm chứng cho những người đến dò hỏi Gioan, là hãy đi tìm Đấng Kitô nơi người khác đi.
– Nghĩa thứ hai của làm chứng mới đáng giá. Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan, ông đến để làm chứng. Phải mở chính nguyên bản Sách Thánh Hilạp xem tác giả Tin Mừng dùng chữ gì để khi nói đến làm chứng? Thưa: từ Marturios, cũng “từ” này còn có nghĩa tử đạo. Làm chứng tương đương với tử vì đạo, chết vì nghĩa. Kinh các thánh tử đạo: Lạy các thánh tử đạo là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô. Tiếng Anh, người tử vì Đạo là Martyr. Do đó, làm chứng không chỉ có nghĩa trả lời “có,” “không.” Tôi thấy cái này, tôi nghe cái kia, đưa ra bằng chứng, thế là xong, mà còn là bảo đảm cho điều mình làm chứng đi đến kết cuộc, dẫu có phải chết. Từ ngữ Việt phần nào nói được điều đó: LÀM chứng (chứ không phải “nói chứng,” “giơ chứng”: có một tích cực chứ không thụ động. Từ Hi lạp thì nói rõ: làm chứng là chết vì nghĩa. Quả Gioan đã chết vì làm chứng.
2).Làm chứng cho cái gì?
Bài Tin Mừng trả lời rõ ràng cho chúng ta: “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan, ông đến để làm chứng. Và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Chỉ một câu ngắn mà đã có ba chữ “ánh sáng.”
Ánh sáng rất cần để thấy. Mắt không mù, nhưng không có ánh sáng thì cũng không thấy gì. Như trong đêm tối, đêm ba mươi, không có một tí ánh sáng gì, ta mở mắt mà đâu có thấy, phải vận dụng đôi tay sờ soạng dò đường.
Gioan đến là để làm chứng cho Ánh Sáng. Người Do Thái mở mắt mà nhìn không ra. “Ở giữa các ông có một vị mà các ông không biết”… “Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dép cho Người.” Sau này chính Chúa Giêsu đã gọi Gioan Tẩy Gỉả là chiếc đèn (Ga 5,33-36). Đêm mà không có lửa thì không có ánh sáng, Ánh sáng dùng đèn như một phương thế để chiếu soi. ĐGH Gioan 23 khi trả lời cho câu hỏi của một phóng viên rằng ĐGH chờ đợi gì ở Công đồng Vatican này (ta nên nhớ ĐGH Gioan 23 là vị có sáng kiến triệu tập CĐ Vaticano 2). Bằng một hành động tượng trưng, đức Gioan đi về phía cửa sổ vừa mở ra vừa nói: “Chờ đợi gì ư? Một chút gió.” Mở cửa thì gió thổi vào được: Gió là Thần Khí. Mở cửa thì ánh sáng mới vào được. Ánh sáng là Đức Kitô.
Khi tiếp vị đại sứ, ĐGH Gioan (người được Chúa sai đến) nói: Phải rũ hết bụi đế quốc đã chồng chất lên toà thánh Phêrô kể từ thời vua Constantin! Bụi phủ nhiều làm sao ánh sáng lọt vào. Phải phủi bụi đi thì mới thấy rõ ràng được. ĐGH Gioan cũng nói về Giáo Hội, sau bao thế kỷ bị phủ lên mình một lớp bụi dày: bụi cơ cấu, bụi tuyệt thông, bụi tiên báo sự dữ và tai họa… Hãy phủi đi thì anh em ly khai sẽ về, thế giới người đời sẽ tới với Giáo Hội. Hãy phủi, hãy cất những màn che để Ánh sáng Chúa Kitô lọt vào.
Có một người được Chúa sai đến, tên là Gioan, ông tới để làm chứng và làm chứng cho ánh sáng.
Người có tên là Gioan: chính là Gioan Tẩy giả; và người có tên là Gioan là thánh Gioan 23 giáo hoàng. Cả hai đều muốn làm chứng cho ánh sáng.
Người có tên là Gioan còn là mỗi chúng ta. Khi lãnh nhận 2 bí tích Thánh tẩy và Thêm sức là chúng ta được Chúa sai đến. Trong bí tích Thánh tẩy, ta cầm nến trong tay. Trong bí tích Thêm sức, nến cũng ở trong tay ta. Điều đó muốn nói chúng ta hãy là ánh sáng, và chúng ta hãy để Ánh Sáng là Chúa Kitô đậu vào chiếu soi. Phải làm sao đích thực ta là bạn hữu của Kitô, bởi ta là Kitô hữu.
Ánh nến có 2 công dụng: sưởi ấm nhờ sức nóng và chiếu soi nhờ ánh sáng. Hãy an ủi sưởi ấm người cùng cực, đói khổ, rét mướt… Và hãy toả sáng đức tin bằng cách sống Đạo của mình trong niềm vui không ngơi (CN III Gaudete, hãy vui lên, màu hồng). ĐGH Phanxicô với tông huấn Niềm Vui Tin Mừng nhắc mãi điểm này. ĐGM giáo phận thì có sẵn mấy cái gương trong phòng, để soi gương và nở nụ cười với mình để đem vui cho người. Có lần đang mỉm cười trong gương, thì có cha muốn gặp. Mở cửa ra, linh mục đó nói ngay: hôm nay con xin điều này chắc thế nào cũng được, vì thấy đức cha đang mỉm cười.
Ánh nến có 2 công dụng: sưởi ấm nhờ sức nóng và chiếu soi nhờ ánh sáng. Cả 2 việc đó đều nhắm làm chứng cho Ánh Sáng. Chúng ta xin Đấng là Ánh sáng giúp chúng ta. Và chúng ta tuyên xưng Đấng là “Ánh sáng bởi Ánh sáng” trong kinh Tin Kính đây.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- B
HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI- Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Tin mừng Ga 1: 6-8.19-28: Khi Gioan xuất hiện, người Do Thái cho là Đấng Messia đã đến, nhưng Gioan trả lời: Tôi không phải là Đấng Messia, tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc chuẩn bị cho Đấng Messia đến…
Dân Do Thái đã trông chờ, cho đến ngày hôm nay vẫn còn đang trông chờ Đấng Mêsia.
Họ trông mong Đấng Mêsia đến sẽ mang hòa bình cho cả thế giới, chính vì thế họ mong đợi một vị tướng lãnh vô địch, sẽ cầm đầu quân đội quốc gia Do Thái đi chinh phục cả thế giới để đem hòa bình cho mọi dân tộc. Chính vì thế khi Gioan xuất hiện, người Do Thái cho là Đấng Messia đã đến, nhưng Gioan trả lời: Tôi không phải là Đấng Messia, tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc chuẩn bị cho Đấng Messia đến.
Vậy ông lấy quyền gì mà làm Phép Rửa?
Ông trả lời: “Về phần tôi, tôi làm Phép Rửa bằng nước, nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết, tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài”.
Quả thật Gioan đã đến Sông Giođan làm Phép Rửa và kêu gọi sám hối. Đây là điều kiện để lãnh nhận ơn Cứu Độ. Nhưng tinh thần sám hối đích thực thì luôn phải được thể hiện thành hành động, nghĩa là nó phải dẫn đến sự cải thiện, sửa chữa, chừa cải…Việc sám hối và tu sửa phải được thực hiện không chỉ nơi cá nhân mà trong Giáo Hội và xã hội nữa.
– Nơi cá nhân: cá nhân nào cũng đều có những tật xấu, khuyết điểm, kiêu căng, tham lam, đố kỵ, ghen hgét, lười biếng, hèn nhát…
– Trong Giáo Hội và xã hội: Giáo Hội hay xã hội nào cũng đều có bất công, những cơ chế phát sinh bất công, những luật lệ phi lý, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ nạn… tất cả đều làm cho con người trong tập thể đau khổ, trì trệ, không phát triển.
Hiện nay, trong đời sống tâm linh, rất nhiều Kitô hữu chỉ nghĩ tới việc nên thánh cá nhân, sự cứu rỗi cá nhân, mà quên đi chiều kích Giáo Hội và xã hội của ơn Cứu Rỗi và sự nên thánh. Họ quan niệm việc nên thánh hay cứu rỗi của họ có thể thực hiện một mình, độc lập với những người chung quanh…Nghĩa là họ có thể nên thánh, được cứu rỗi mà không cần nghĩ gì đến xã hội và Giáo Hội, bất chấp đến những bất công, trì trệ hay những thành quả tốt đẹp của Giáo Hội và xã hội. Họ cho rằng họ có thể nên thánh và được cứu rỗi mà không cần nghĩ đến những người chung quanh xem họ có nhu cầu gì, đau khổ hay hạnh phúc ra sao.
Thiết tưởng tinh thần cốt yếu của Kitô giáo là tình yêu, một tình yêu trải rộng đến mọi người không phân biệt bạn thù, giầu nghèo, giai cấp…Tiêu chuẩn cuối cùng để Thiên Chúa xét đoán sự công chính của mỗi người là tình yêu họ dành cho tha nhân (Mt 25,31-46). Nên sự sám hối cũng như sự tu sửa của người Kitô hữu để đón Chúa đến phải nhắm đến tình yêu, sự quan tâm của mình đối với tha nhân, đối với xã hội, quê hương, đất nước và toàn thể nhân loại.
Trong chiều hướng đó, Lời Chúa hôm nay “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” cần phải được hiểu không chỉ áp dụng cho bản thân mỗi cá nhân mà còn cho cả Giáo Hội và xã hội nữa.
Tuy nhiên, thực hiện việc Sám Hối không phải dễ, cũng như không phải làm một lần là xong như câu chuyện ” một nữ giang hồ trở thành một vị thánh”.
Angiêla là con gái của một gia đình quí phái ở thị trấn Phôlnhô nước Ý, lại sống giữa bầu không khí xa hoa và ảnh hưởng xấu xa nơi bạn bè, Angiêla (1248-1309) đã sớm trở nên một thiếu nữ trụy lạc. Sau khi lập gia đình, Angiêla vốn có tâm hòn nhạy cảm, ham khoái lạc, nên vẫn thích cuộc đời giang hồ nay đây mai đó.
Vào một ngày trong năm 1285, đang trên con đường gió bụi, Angiêla gặp cơn giông tố, chị hoảng sợ chạy vào một nhà thờ gần đó để kêu cầu Chúa ngự trong Thánh Thể giúp đỡ. Angiêla xin cha xứ ở đây giải tội cho chị, nhưng chị đã không xưng hết tội nặng, lại liều mình chịu Mình Thánh Chúa.
Hành động này đã làm tâm hồn chị xao xuyến, lương tâm cắn rứt đêm ngày không yên. Nhưng chị không ngã lòng nản chí, chị tha thiết cầu nguyện xin Chúa ban cho mình được gặp một linh mục giải tội khôn ngoan, thánh thiện để hoàn toàn tuân theo lời chỉ dẫn của ngài.
Sống trong tâm trạng lo âu, băn khoăn xao xuyến, nhưng chị vẫn tin tưởng vào Chúa, Ngài sẽ giúp chị vượt qua con đường gian nan này.
Rồi một đêm kia dưới ánh trăng dịu dàng, Angiêla nâng hồn lên khẩn cầu thánh Phanxicô Assisi giúp đỡ. Thánh nhân đã hiện ra với chị và nói:
– Nếu con xin cha sớm, thì cha đã cứu con, nhưng cha sẽ nài xin Chúa nhận lời con.
Sáng hôm sau, khi cảnh vật còn chìm trong giấc ngủ, Angiêla đã thức dậy thật sớm để đi lễ ở nhà thờ thánh Phanxicô Assisi, và xin Chúa cho chị được gặp linh mục để xưng tội. Khi trở về, chị ghé vào nhà thờ thánh Fêlixianô để viếng Thánh Thể. Ở đây, Angiêla đã gặp một cha dòng Phanxicô và chị đã xưng hết các tội đã phạm. Sau bao ngày ưu tư lo lắng, lương tâm ray rứt, giờ đây chị đã tìm lại được sự bình an đích thực trong tâm hồn.
Sau khi xưng tội rước lễ, Angiêla quyết xâv dựng cuộc đời mới, cuộc đời suy niệm sự đau khổ của Chúa Giêsu, khấn giữ mình trong sạch và khó nghèo.
Chị đem quần áo tốt đẹp phân phát cho người nghèo. Và để được kết hợp mật thiết với Chúa hơn, chị còn muốn bán hết gia tài làm phúc cho người nghèo rồi đi ăn xin. Nhưng vâng lời cha linh hướng, chị không bán nhà cửa, mà chỉ sống đời trần thế, suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa, và làm phúc cho người nghèo khó.
Năm 1291, Angiêla vào dòng ba Phan Sinh, chị sung sướng tuân giữ luật dòng, chị thường xuyên đi thăm viếng các bệnh nhân, phân phát những của đã xin được cho người nghèo, rửa tay chân cho họ, và đặc biệt lau chùi tay chân những người mắc bệnh phong cùi. Chị đã làm như thế suốt cuộc đời của chị.
Năm 1693, Đức Giáo Hoàng Innôxentê phong chị Angiêla lên bậc Chân Phước. Từ một người tội lỗi, Chân Phước Angiêla đã biết lấy tình yêu nồng nhiệt để bù lại những lỗi lầm quá khứ. Hành động đó là bài học muôn đời cho những con người tội lỗi biết ăn năn sám hối.[1] Amen.
—————————-
[1] Luy Gonzaga Maria, 101Giai Thoại Các Thánh, trg. 201-202
#cácbàisuyniệmlờichúachuánhật #lờichúachuánhậtiiimùavọngb