CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
PHƯƠNG CÁCH SỬA LỖI CHO NHAU(*)– Chú giải của Noel Quession 5
CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI NHAU- Chú giải của Fiches Dominicales. 13
YÊU THƯƠNG ĐỒNG LOẠI(*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông 23
ANH EM SỬA LỖI CHO NHAU- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 34
ANH EM SỬA LỖI NHAU- Chú giải của Giáo hoàng Học viện Đà Lạt 46
SỬA LỖI ANH EM– ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt 54
TRÁCH NHIỆM- Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 58
GIÚP NGƯỜI KHÁC NHẬN RA NHỮNG SAI LỖI CỦA HỌ– Lm. Inhaxiô Trần Ngà 63
BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI- Lm. Fx. Trần Phương. 68
CÁ NHÂN GIỮA CỘNG ĐỒNG- Lm. Bùi Mạnh Tín. 71
“HÃY ĐI SỬA DẠY NÓ”- Lm. GB. Phan Kế Sự. 74
SỬA LỖI NHAU THẾ NÀO?– Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng. 78
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Đây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết’; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng” (x. c. 8).
1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!
2) Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.
BÀI ĐỌC II: Rm 13, 8-10
“Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Đó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20
“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.Đó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN-A
PHƯƠNG CÁCH SỬA LỖI CHO NHAU(*)– Chú giải của Noel Quession
Đức Giêsu bảo các môn đệ:”Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình”.
Đoạn Tin Mừng ngày hôm nay được trích từ bài giảng lớn thứ tư của Đức Giêsu, theo cách bố cục Tin Mừng của Matthêu. Đây là những giáo huấn về đời sống “cộng đoàn”.
“Cộng đoàn” mà chắc chắn Matthêu nghĩ đến chính là nhóm nhỏ Kitô hữu, tập hợp mỗi Chúa nhật để cữ hành Thánh Thể, và tạo thành một Giáo hội địa phương. Ngay từ đầu, chúng ta nhận thấy tính chất thực tế của Đức Giêsu: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội…” Giáo hội không phải là một cộng đoàn gồm những “người thanh khiết các thánh”, nhưng những “người tội lỗi”. Đức Giêsu đã rất sáng suốt tiên liệu rằng “các Kitô hữu không tốt hơn những người khác”, như thỉnh thoảng người ta vẫn nói. Giáo hội được tạo nên bởi những con người mỏng dòn như xã hội thế tục. Đức Giêsu không mơ đến một Giáo hội không có vấn đề. Người sẽ đưa ra một thủ tục để thử giải quyết những khó khăn mà có ngày sẽ phát sinh trong mọi nhóm người.
Thật vậy điều Đức Giêsu nói ở đây có thể được áp dụng cho mọi môi trường sống của chúng ta với một tỉ lệ nào đó:Gia đình, nhóm, hiệp hội, nhóm bạn, các đồng nghiệp… Biết bao nhiêu là xung đột, căng thẳng, chống đối nhau!
Đôi khi lúc mới khởi đầu, mọi sự xem ra đơn giản và hài hòa. Và rồi với thời gian trôi qua, nhiệt tình xuống dần, nhóm có nguy cơ tan rã nếu không ai quan tâm đến sự liên kết và hiệp thông.
Không một nhóm con người nào tránh được tội lỗi, sự khốn khổ của con người… kể cả Giáo Hội!”Nếu anh em của anh trót phạm tội…”
Phải làm gì, bây giờ?
Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi của người anh em mình…
Chúng ta nhận thấy ngay, trong những chữ cô đọng ấy bầu khí mà Đức Giêsu đặt chúng ta vào. Đó là một bầu khí của tình yêu chứ không phải là của sự phán xét.
Than ôi, có những “vị quản giáo mắc khuyết điểm” lẫn lộn hết mọi sự, và lúc nào cũng sẵn sàng lên lớp những người khác trong một thái độ phê phán có hệ thống. Như thế là làm sai lạc tư tưởng của Đức Giêsu, vì đã có xu hướng “buộc tội” và “đè nặng” lên kẻ có tội. Tất cả Tin Mừng rõ ràng nói với chúng ta điều ngược lại. Và văn cảnh trực tiếp của bài giảng này về cộng đoàn chỉ nói về sự tế nhị và lòng nhân hậu đối với anh em mình. Ngay trước đoạn văn mà chúng ta đọc hôm nay, Đức Giêsu đã kể lại dụ ngôn con chiên lạc: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này… Hãy như người chăn chiên mất một con chiên chạy đi tìm nó…Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Matthêu 18,10-14). Và ngay sau bản văn của chúng ta về sự sửa lỗi anh em, Đức Giêsu sẽ đòi hỏi Phêrô “tha thứ bảy mươi lần bảy” (Matthêu 18,21-22) Kế đó Đức Giêsu sẽ lên án thái độ của người đầy tớ không biết thương xót, không có trái tim, không biết tha thứ một món nợ cho người bạn mình (Matthêu 18,23-35).
Như thế, chúng ta phải can thiệp, chỉ với một bầu khí của tình yêu thương. Người ta chỉ có quyền phê bình một người anh em nếu người ta ” yêu thương người ấy!Toàn bộ Tin Mừng cao rao với chúng ta Đức Giêsu nhân hậu với những người tội lỗi.
“Hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó…” “Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình..”
Người ta cảm thấy rằng Đức Giêsu rất muốn đó là giải pháp cho sự xung đột. Khi một người được món lợi là anh em mình thì trời cao sẽ xuống với đất?Đó chính là niềm vui của giải pháp ấy!
Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh.
Đức Giêsu thực hiện thêm một bước với biết bao sự tế nhị tâm lý!
Trước tiên là mặt giáp mặt trong sự kín đáo, để cho nếu có thể không ai biết có điều xấu và người phạm lỗi có thể giữ được tiếng- tăm và danh dự của mình… và rồi, đến lúc phải đem theo một, hai anh em khác là để tránh những phán đoán quá chủ quan trong đó người ta có thể đánh giá sai lầm, và cũng để ý số đông tìm thấy những lập luận có thể thuyết phúc hơn. Phải làm mọi sự để tránh sự hấp tấp và sự độc đoán.
Chỉ sau khi đã dùng hết cách khuyên nhủ, người ta mới phải cắt bỏ một cách đau đớn.
Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
Công thức này đụng chạm đến chúng ta, nhất là lại do Đấng là người ta đã gọi “bạn của những người thu thuế và những người tội lỗi (Matthêu 1 1, 19). Sự lên án khắc khe này chỉ có thể hiểu được một cách chính xác bởi người ta đã thử hết cách để cứu người anh em. Người ta cũng có thể nói rằng chính người anh em đã tự mình loại mình ra khỏi cộng đoàn với việc nhiều lần khước từ sửa lỗi. Đã ba lần, người ấy gạt bỏ bàn tay mà người ta đã giơ ra cho người ấy. Sau khi đã nhẫn nại đem lại cho người ấy mọi cơ may, cộng đoàn thấy mình bất lực đối với người anh em đó…
Nhưng phải nói thêm rằng, cả trong những trường hợp tối hậu ấy, chúng ta không giảm bớt lòng yêu thương người ấy, kẻ tội lỗi ấy… bới lẽ chúng ta phải yêu thương cả kẻ thù của mình (Matthêu 5,43~8). Và Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai của Chúa nhật này, nhắc chúng ta rằng “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” một món nợ không bao giờ trả hết (Rm 13,8).
Thầy bảo thật anh em:”Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì trên trời cũng cầm buộc như vậy, dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì trên trời cũng tháo cởi như vậy.”
Đức Giêsu không bao giờ chỉ là một nhà luân lý, một hiền giả, một nhà nhân bản. Những lời khuyên mà chúng ta đã nghe cho đến nay là những nguyên tác tâm lý sơ đẳng, có giá trị đối với mọi quan hệ của con người. Nhưng Đức Giêsu giờ đây đưa ra thêm một khía cạnh “thần học”. Người mạc khải một mầu nhiệm ẩn giấu. Thiên Chúa hiện diện trong toan tính cứu vớt anh em mình… Thiên đàng liên quan với những gì xảy ra trên mặt đất.
Ý muốn của Thiên Chúa là không một con chiên nào bị hư mất, nên sự sửa lỗi anh em trở thành một con đường của lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, nhiều người chỉ khám phá sự tha thứ của Thiên Chúa (trên trời) nếu họ khám phá sự tha thứ của anh em (dưới đất) được thực hiện bằng một thái độ nhân bản của lòng yêu thương cứu độ.
Vại trò “cầm buộc và tháo cởi” mà Đức Giệsu đã ban cho cá nhân Phêrô một vài ngày trước đó (Matthêu 16,19), cũng được ban cho toàn thể cộng đoàn, trong cùng những từ ngữ (Matthêu 18,18). Giáo hội là môi trường của lòng thương xót, nhân hậu. Những Kitô hữu đưa về Thiên Chúa. Ôi trách nhiệm to lớn biết bao?
Giữa “đất” và “trời” có sự tương giao?
Giữa “thời gian” và “vĩnh cửu”, có sự tương giao?
Sự mạc khải của Đức Giêsu là ở điều này:Điều mà người ta cầm buộc được hay tháo gỡ được ở trần gian này, trong lúc này… được “cầm buộc” hoặc “tháo gỡ” nơi Thiên Chúa mãi mãi…
Và không chỉ cho chúng ta, nhưng cũng cho những người khác Giáo Hội là một cộng đoàn ở đó mỗi người chịu trách nhiệm về đời sống Đức Tin của anh em mình. Chúng ta có thật sự gánh trách nhiệm cho nhau không?Giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái?Thông thường, chúng ta hay -hèn nhát chúng ta không quan tâm đến đức tin của những người khác, Một vấn đề thời sự nóng bỏng… Biết bao đứa trẻ đã từ bỏ đức tin của cha mẹ chúng. Biết bao anh em dường như đi theo con đường rời bỏ cộng đoàn đức tin..
Vậy có nên tuyệt vọng không?
Thầy còn bảo thật anh em: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời- cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”
Đức Giêsu lặp lại công thức nhấn mạnh long trọng:Thầy còn bảo thật anh em!Công thức ấy thường chỉ một mạc khải về mầu nhiệm đức tin, được che khuất khỏi sự nhận xét của con người. Và Đức Giêsu trở về chủ đề về sự tương quan giữa “đất” và “trời”.
Có nên tuyệt vọng khi chúng ta không “nhìn thấy” kết quả của những nỗ lực đối với những anh em, tội lỗi từ chối sống đời thánh thiện theo ơn gọi Kitô hữu của họ? ít ra bề ngoài là như’ thế? Đức Giêsu đáp lại “không” với chúng ta!
Bỏ vì, Người nói, cộng đoàn – Giáo Hội không phải là một hiệp hội như – những hiệp hội khác. May mắn thay!
Cộng đoàn đức tin này ít lệ thuộc vào những nỗ lực của con người để có thể kết thúc bằng sự thất bại mà lệ thuộc nhiều hơn vào: Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Đức Giêsu yêu cầu chúng ta phải tin vào hiệu quả… ẩn giấu ở trên trời của lời cầu nguyện, những hiệu quả mà những phương tiện thông thường của con người không thể nhận thấy được. Sự cầu nguyện ấy không phải là sự lười biếng, bởi vì người ta đã làm hết sức trước đó. Nhưng là phương sách cuối cùng Đức Giêsu khẳng định với chúng ta phải tin vào hiệu quả của phương sách đó. Đối với nhiều bậc cha mẹ trong gia đình, lời nói ấy của Đức Giêsu phải là ánh sáng quyết định mặc dù không kiểm chứng được… “Nếu ở dưới đất hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì lời cầu nguyện của họ sẽ có hiệu quả với Chúa Cha; Đấng ngự trên trời”…
Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy giữa họ.
Không, Giáo hội, cộng đoàn những người tội lỗi như mọi người khác, không phải là một hiệp hội như các hiệp hội khác:Đức Giêsu sống lại với tất cả quyền năng tinh thần của Thiên Chúa ở đấy giữa những người quy tụ nhân danh Người. ” ‘
Rõ ràng chúng ta không còn ở trong lãnh vực luân lý xã hội học, hay nhân bản. Chúng ta ở trong lãnh vực đức tin. Sự thống nhất của Giáo Hội ở bên trên những xung đột chia rẽ con người. Mọi nỗ lực hòa giải luôn phải được thực hiện. Nhưng khi những bàn tay chúng ta đưa ra không được tiếp nhận, thì chúng ta vẫn phải tin rằng điều mà con người không làm được, Thiên Chúa làm được” (Mt 17,20-19.26; Lc 1,37).
Một giấc mơ điên rồ chăng? Một ảo tưởng không có thật chăng? Không phải thế! Nhưng đó là một bí quyết tuyệt vời của chủ nghĩa lạc quan đi đến mức tin rằng không môt người nào, không một hoàn cảnh nào mà sau cùng không thể cứu vãn được (1Cr 8,11).
“Người anh em này mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc…”. Làm thế nào mà chúng ta lại thất vọng vì người ấy.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- A
CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI NHAU- Chú giải của Fiches Dominicales
1-Giáo Hội, một cộng đoàn huynh đệ.
Sau lần thứ nhất loan báo cuộc khổ nạn, Đức Giêsu cùng các môn đệ rời miền “Cêsarée Phiìipphê” đi lên Giêrusalem. Sau cuộc biến hình trên núi, giờ đây Ngài tới Capharnaum, tại đó, theo Matthêô Ngài đã loan báo diễn từ thứ tư trong Phúc âm Matthêu “diễn từ về đời sống Giáo Hội”. Những hướng dẫn, giúp cho cộng đoàn mà Ngài sáng lập phản ảnh được hình ảnh của “Cha trên trời”.
Potin báo trước: “Trong chương 13 này, Matthêu đã tập họp lại những lời nói khác nhau của Đức Giêsu về đề tài cộng đoàn. Rất nhiều lời đã được Đức Giêsu nói với các môn đệ trong tình thân mật, nhất là trong những tháng ngày Ngài bỏ Galilê để chuẩn bị lên Giêrusalem. Đức Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ sống trong một bầu khí yêu thương huynh đệ, khi phải xa lìa Ngài sau cuộc khổ nạn. Bất kể tương lai có ra sao, tinh thần quan tâm tới những kẻ bé nhỏ, yếu ớt tinh thần tha thứ lẫn cho nhau này phải tràn ngập cộng đoàn. Bốn mươi năm sau, lúc Matthêô viết Phúc âm, những lời mời gọi của Đức Giêsu vẫn còn hiện thực. Cộng đoàn mà Ngài nhắn nhủ gồm các Kitô hữu gốc Do Thái lẫn gốc dân ngoại, thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Đời sống cộng đoàn giữa anh chị em đôi lúc có khó khăn. Tới những lời Đức Giêsu nói với nhóm các môn đệ vẫn còn là thực tế. Chính vì thế, tác giả Phúc âm đã gom chúng vào trong một diễn từ, quảng diễn một chút cho phù hợp với Giáo Hội “của ông”, nghĩa là cộng đoàn của ông. Trước tiên, Đức Giêsu miêu tả cộng đoàn các môn đệ của Ngài như một cộng đoàn đặc biệt quan tâm tới những kẻ “bé nhỏ” tin vào Chúa, những Kitô hữu mà đức tin còn rất mỏng manh (18,1-10) và lo lắng cho những “con chiên lạc, người Kitô hữu tránh xa cộng đoàn và liều mình hư mất (18,12-14). Ngài trình bày một cộng đoàn sống động thực hành sự nâng đỡ và tha thứ lẫn cho nhau. Đó là thái độ phải có đối với một người “anh em” đã “phạm tội”.. Đó là thái độ phải có khi anh chị em bất hoà, xung khắc.
2-….Thực hành sự tương trợ và tha thứ lẫn cho nhau.
Sửa đổi anh em: một việc làm có tính chất Tin Mừng. Chỉ có sự âu yếm của Người Mục Tử tốt lành mới làm ta hiểu được hết chiều sâu của đoạn Phúc âm nói về người “anh em” đã “phạm tội” này. Bản văn không nói về tính chất của tội, nhưng lời Đức Giêsu cho thấy đó là một xúc phạm đến Thiên Chúa và xúc phạm đến một người anh em, đó cũng là một việc liên quan đến Giáo Hội, cộng đoàn Kitô hữu. Qua những luật lệ và các thực hành ít nhiều phịu ảnh hưởng của Do Thái giáo, việc xoá lỗi anh em vừa giúp duy trì sự hài hoà trong Giáo Hội vốn bị đe doạ vì lỗi của một thành viên trong cộng đoàn, vừa giúp che chở tội nhân khỏi những biện pháp khắc nghiệt, vội vã. Vì thế tác giả Phúc âm nhấn mạnh trên yếu tố xem ra nền tảng nhất đối với Ngài: đòi hỏi của Phúc âm về việc nâng đỡ, lòng thương xót và sự tha thứ lẫn cho nhau. Chính tinh thần ấy đã làm phát sinh ra những cuộc vận động tiệm tiến nhiều đợt nhằm chinh phục người anh em lầm lạc mà nếp sống làm tổn tưởng sự duy nhất và chứng tá của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Mục đích không phải để hoà giải với một anh em như trong Luca 17,3, nhưng là để “chinh phục”người anh em này, để đưa người ấy về với Chúa, đồng thời cũng về với cộng đoàn mà anh đã xa lìa vì tội lỗi. Sửa lỗi anh em: một cuộc vận động tiệm tiến. Bước 1, nói chuyện riêng, kín đáo giữa một người anh em với một người anh em mà anh có quyền mong đợi sự giúp đỡ ngược lại trong trường hợp chính anh ta lầm lỗi. Đó không phải là hạ nhục người tội lỗi, nhưng là giúp anh nhận ra lầm lỗi. Bước 2: nếu bước 1 không đem lại kết quả mong đợi sẽ đến bước 2: gặp gỡ có 2 hoặc 3 chứng nhân, theo đề nghị của sách Đệ Nhị luật 19, 1 như đã từng dược thực hành, dưới sự chứng giám của Phaolô, trong cộng đoàn tín hữu tại Côrintô (2Cr 13,l). Sự hiện diện của các chứng nhân báo đảm cho tính khách quan, đồng thời đưa vào đó 1 yếu tố cộng đoàn, dù luôn luôn kín đáo. Bước 3: nếu vẫn không có kết quả, ta còn một phương thế cuối cùng: đưa ra trước Giáo Hội: “trình bày sự việc trước cộng đoàn Giáo Hội”. Nếu tội nhân từ chối nghe Giáo Hội, thì, theo như bài Phúc âm, “ta hãy coi họ như người ngoại và người thu thuế”. Một công thức dứt khoát không phải là một khinh miệt hoặc kết án: Đức Giêsu đã trở nên “bạn bè với những người thu thuế kia mà. Công thức ấy chỉ tuyên bố rằng người tội lỗi tự loại trừ mình ra khỏi cộng đoàn và Giáo Hội chỉ chứng nhận sự tách lìa này và sẵn sàng đón nhận lại người mà một ngày nào đó, hy vọng thế, sẽ được ơn thánh thay đổi, giải phóng sửa lỗi anh em: một cuộc vận động từ đầu đến cuối đều nhờ lời cầu nguyện của cộng đoàn. Lời cầu nguyện theo dõi và yểm trợ tiến trình này từ đầu đến cuối. Lời cầu nguyện vẫn tiếp tục cả khi tội nhân đã lìa xa Giáo Hội, van nài cho người anh em lầm lạc được ơn hối cải. Đó là một lời cầu nguyện có sức nặng của sự hiện diện của Đấng đã hứa: “Khi có 2, 3 người tụ họp lại nhân danh Ta, Ta ở giữa họ”? C. Tassin bình luận: “Vì chính danh thánh Đức Giêsu đã qui tụ các tín hữu lại, nếu họ thực sự tụ họp lại chỉ để hành động nhân danh Ngài trong những vấn đề khó, họ chắc chắn họ sẽ có sự hiện diện chủ động và hiệu quả của Ngài. Vậy một coi sự thực hành việc “sửa lỗi anh em” là một bổn phận của các cộng đoàn tín hữu Ngài nhấn mạnh đến bầu khí cầu nguyện và ý chí hành động “nhân danh” Đức Kitô. Chính Đức Kitô sẽ nối kết mọi người đã tham dư cuộc vận động này”.
BÀI ĐỌC THÊM:
1) Việc sửa lỗi anh em (Mgr. L. Daloz, Le Règne des cieux s’est approché, DDB )
Đoạn Phúc âm này đưa ra một tiến trình hoà giải một trường hợp tế nhị trong đời sống các cộng đoàn: “Phải lành gì khi anh em ngươi phạm tội”. Câu trả lời không dễ Đức Giêsu nói gì? Hãy đi tìm nó và trách móc! Đó không phải là cách hành động. Ta thường cho rằng đó là việc cá nhân của người đó “vấn đề của nó” và rằng nó có tự do! Can thiệp, tìm gặp và trách móc, chẳng phải là tôi đã pha mình vào những việc không có liên hệ đến tôi, xen vào đời tư cá nhân; không kín đáo, không khoan nhượng, và liều mình gây gổ với anh ta sao? Ngay trong mối tương quan giữa tín hữu với nhau, ta vẫn thường hành xử như người đời quen làm trong xã hội. Ta không muốn pha mình vào công việc của người khác, ta né tránh. Dĩ nhiên trước khi can thiệp ta phải kiểm chứng xem có nên trách móc không, làm cách nào cho có kết quả. Hơn nữa xã hội ta đang sống khác với xã hội thời Đức Giêsu. Ta ít cảm thấy liên đới hơn. Tự do cá nhân là một cuộc chinh phục tương đối mới, và tuyên ngôn Nhân quyền là một hiến chương phần lớn dựa trên những tự do cá nhân này. Ta không muốn phá huỷ nó vì người khác và ta cũng không muốn người khác can thiệp vào đời sống, tư cách của ta. Ta khó chịu khi có ai đến cho ta một bài học luân lý! Còn nữa, thường thường điều mà ta không muốn nói trước mặt người khác, ta lại ít tế nhị khi nói sau lưng họ…
Đức Giêsu đã nêu lên thái độ phải giữ trong cộng đoàn môn đệ của Ngài. Ta không thể rập khuôn cách làm của ta theo những gì diên ra chung quanh. Cảm thấy có liên hệ đến những hành vi của anh em, đó là chuyện bình thường. Chính vì thế mà Đức Giêsu nói: Nếu anh em ngươi phạm tội… Anh em ngươi, đâu phải là người xa lạ, ngươi không thể nói rằng tội lỗi của nó không liên hệ gì tới ngươi. Vì sự sống của anh em ngươi, sự sống vĩnh cửu của anh ta, liên đới ngươi lắm chứ. Khi yêu ai, ta đâu dửng dưng để mặc người ấy lún sâu vào sự dữ. Ta sẽ tìm dịp cảnh tỉnh, giúp đỡ không làm anh ta phật lòng, không la mắng anh. Lỗi khuyên dạy của Đức Giêsu giả thiết ta phải có mối liên lạc huynh đệ. Phải chăng đó là vấn đề cần đặt ra cho đời sống cộng đoàn chúng ta? Có tình thân rồi, ta có thể nói với nhau nhiều chuyện, giúp đỡ nhau nhiều việc. Trách móc không có nghĩa là nói nặng lời, hung hăng, dữ tợn. Trái lại lời khuyên của Đức Giêsu kêu gọi ta hành động với sự tế nhị: “Nếu anh em ngươi phạm tội, hãy đi gặp và trách móc nó giữa hai người với nhau. Sự kín đáo của cuộc vận động tránh đưa tội lỗi ra công khai. Điều này hoàn toàn phù hợp với một mối liên lạc cá nhân, huynh đệ. Và Đức Giêsu nhấn mạnh đến mục đích của cuộc vận động: đó là cứu lấy anh em, chinh phục anh em, để nó đừng hư mất: nếu nó nghe ngươi, ngươi đã lợi được một người anh em. Đó không phải là lời nói gắt gỏng, của thói phê bình chỉ trích, hay đối nghịch. Đó không phải là từ ngữ hạ nhục, là sự dò xét chế tài của kẻ bề trên. Ai tiến hành cuộc vận động ấy cũng phải sẵn sàng đón nhận sự trách móc ngược lại.
2) Mô hình của mọi cuộc hoà giải trong Giáo Hội.
Trong chương 18 mà ta quen gọi là “diễn từ về cộng đoàn các môn đệ”, là sự miêu tả một tiến trình hoà giải trong Giáo Hội tạo nên, một cách nào đó, mô hình căn bản cho mọi hoà giải trong Giáo Hội. Đó là một tiến trình bao gồm cả gặp gỡ của cá nhân lẫn vận động của cộng đoàn. “Nếu anh em ngươi phạm tội, hãy đến nói với nó…” (Mt 18,15). Một cuộc hoà giải thực sự luôn luôn đòi có một tiếp xúc cá nhân bằng cách nào đó. Giáo Hội luôn ý thức về tầm quan trọng của tiếp xúc này. Chính vì thế, ở mọi thời, dù phép cáo giải có mặc hình thức nào đi nữa, vẫn luôn luôn dành chỗ cho một đối thoại cá nhân. Một đối thoại như thế thường rất khó khăn – Chính Đức Giêsu đã có kinh nghiệm đau đớn về điều đó – nhưng không phải vì thế bỏ cuộc: “nếu nó không nghe ngươi, hãy nhờ 1 hoặc 2 ngươi khác đi với ngươi… nếu nó từ chối nghe họ, hãy đưa ra cộng đoàn Giáo Hội…” (Mt 18,16-18). Hãy ghi nhận sự tiệm tiến của những phương thế được sử dụng để thoát ra khỏi tình trạng gãy dỗ: đó là phối hợp những cố gắng để nối lại đối thoại, nói lên sự thực và tìm lại được sự hiệp thông. Chính nhờ cộng đoàn mà quyết định được thi hành, trước mặt cộng đoàn mà sự hoà giải phải được ký kết. Trong trường hợp sự hoà giải thất bại, Phúc âm nói tiếp: nếu nó từ chối nghe Giáo hội, hãy coi nó như người ngoại hoặc như người thu thuế…. Rất nhiều nhà bình luận đã chú giải lời nói như kết án, loại trừ này: nhưng ta có thể hiểu một cách hoàn toàn khác hẳn, dưới ánh sáng của Phúc âm: vào thời Đức Giêsu, từ ngữ “ngoại đạo” chỉ những người, tuy theo một đạo (thời đó ai mà không có đạo?) nhưng vẫn chưa quay trở về với Thiên Chúa Hằng Sống và Chân thật còn về “những người thu thuế vào thời chiếm đóng của đế quốc La-mã, họ khép mình trong một hệ thống bất công. Tuy nhiên, trong Phúc âm ta thấy Đức Giêsu, dù người Do Thái đạo đức lấy làm vấp phạm, vẫn ăn uống với những người thu thuế, dưới ánh sáng của thái độ của Đức Giêsu, đối xử ai như “kẻ ngoại đạo và người thu thuế là một lời mời gọi hãy có thái độ đồng hành với những người, mà vì lý do nào đó, vẫn chưa có đức tin hoặc đóng kín trong sự bất công và không thể tự mình thoát ra. Họ chưa đón nhận được Tin Mừng của một Thiên Chúa “không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn ám hối và được sông (Ez 18, 23). Chính trong bối cảnh cầu nguyện cộng đoàn mà sự hoà giải có thể được thực hiện. Điểm cốt yếu trong cuộc vận động không gì khác hơn là ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ở đây ta gặp lại lời tuyên bố long trọng: “Thật, Ta bảo thật các người, điều gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc và điều gì các còn cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở (Mt 18,18). Lời nói đó được sử dụng để nói lên uy quyền của Phêrô là đầu Giáo Hội (Mt 15,19). Nhưng Đức Giêsu nói thêm: “… Ta lại bảo các ngươi: nếu hai người dưới đất hiệp ý với nhau” và xin sự gì, Cha Ta trên trời sẽ ban cho họ (Mt 18,19-20). Đây không đơn thuần là một giải quyết giữa anh em loài người, nhưng là cùng nhau đến trước tình yêu Thiên Chúa, chỉ mình Ngài có quyền Trong một bối cảnh như thế, người thi hành tác vụ hoà giải phải cư xử không phải như chủ nhân của sự tha thứ nhưng phải như tôi tớ của sự tha thứ của Thiên Chúa mà chính đương sự là kẻ đầu tiên được thụ hưởng. Trong lịch sử, mô hình Phúc âm này có lẽ đã được ứng dụng nhiều cách khác nhau mà chúng ta đã phần nào được thừa kế.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- A
YÊU THƯƠNG ĐỒNG LOẠI(*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nêu bật một chủ đề chung: yêu thương đồng loại.
Ed 33: 7-9
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en thi hành sứ vụ của mình bên cạnh những người đồng hương lưu đày như ông tại Ba-by-lon (đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên); ông cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cách ăn nếp ở của anh em của mình.
Rm 13: 8-10
Thánh Phao-lô khuyên bảo các tín hữu Rô-ma thực hành tình tương thân tương ái. Bổn phận duy nhất, món nợ duy nhất mà chúng ta phải có đối với anh em đồng loại là Đức Ái.
Mt 18: 15-20
Trong Tin Mừng, thánh Mát-thêu trích dẫn lời Đức Giê-su mời gọi các Ki-tô hữu đừng để cho một người anh em nào của mình phải lạc mất mà không tìm cách sửa lỗi cho người ấy, nhiều lần nhiều cách khác nhau với sự tế nhị cần thiết.
BÀI ĐỌC I (Ed 33: 7-9)
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sống vào cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Vào lúc đó, hoàn cảnh đất nước thật bi thảm. Vương quốc Giu-đa bị đế quốc Ba-by-lon xâm chiếm. Vua Na-bu-cô-đô-nô-so bao vây Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất, vào năm 598-597, tiếp đó một phần dân cư bị lưu đày, nhất là thành phần ưu tú. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en ở trong số những người lưu đày đầu tiên nầy. Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình chủ yếu bên cạnh những người đồng hương lưu đày cho đến khi ông qua đời, vào năm 571 trước Công Nguyên.
Ê-dê-ki-en trước khi thi hành sứ vụ ngôn sứ, đã là tư tế, vì thế, ông mang lấy ở nơi mình vừa trách nhiệm ngôn sứ vừa nghĩa vụ tư tế. Bản văn mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật nầy làm chứng điều nầy. Trách nhiệm ngôn sứ và nghĩa vụ tư tế hợp nhất bất khả phân ly ở nơi ông. Khung cảnh là làng Tel-Avi (nghĩa là “đồi lúa mì”) bên bờ sông Cơ-va không xa kinh thành Ba-by-lon, ở đó vị ngôn sứ cùng với một số người đồng hương sống trong cảnh lưu đày.
Từ những biến cố, ngôn sứ Ê-dê-ki-en biết rút ra bài học. Trước đây, các ngôn sứ đã kêu gọi vua, các bậc vị vọng và toàn thể dân chúng hoán cải, nhưng lời của các ngài không được lắng nghe, vì thế án phạt đã xảy đến trên toàn cõi vương quốc. Nét độc đáo của sứ điệp mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en gởi đến nhấn mạnh “trách nhiệm của mỗi cá nhân”. Đó là ý nghĩa của những lời Đức Chúa kêu gọi mà chúng ta đọc trong đoạn văn nầy.
*1. “Hỡi con Người”:
Kiểu xưng hô: “Hỡi con người” là đặc ngữ Do thái, có nghĩa đơn giản là “một con người”, “một cá nhân”. Ở đây, danh xưng: “con người” quy chiếu đến chính vị ngôn sứ. Đặc ngữ nầy thường xuất hiện trong các sấm ngôn của Ê-dê-ki-en với một nét nghĩa tiêu cực: “ngươi chỉ là một phàm nhân” không hơn không kém.
Mỗi lần Thiên Chúa giao phó cho ông sứ điệp của Ngài, Ngài đều đặt ông vào vị thế của ông để ông khỏi phải tự cao tự đại về những thị kiến hay xuất thần mà Thiên Chúa gởi đến cho ông. Qua đặc ngữ này, vị ngôn sứ nêu bật sứ điệp cao vời khôn ví của Thiên Chúa gởi đến cho ông và thân phận phàm nhân thấp kém của ông, người được diễm phúc đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa.
*2. “Người canh gác”:
Ở đây, vị ngôn sứ được Thiên Chúa đích thân tuyên bố: “Ta đã đặt ngươi là người canh gác cho nhà Ít-ra-en”. Những hình ảnh: “người canh gác”, “người canh thức”, “truyền lệnh sứ” rất quen thuộc trong Cựu Ước để mô tả sứ vụ ngôn sứ của dân Ít-ra-en. Như một phàm nhân, ông được Thiên Chúa giao phó trách nhiệm làm người canh gác cho những người đồng hương lưu đày như ông. Sứ vụ ngôn sứ của ông được mô tả cách đơn giản như sau: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết”.
Xa hơn một chút, ở cuối chương 33 này, chính Ê-dê-ki-en gợi lên hình thức thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình trong những cuộc trò chuyện của mình với những đồng hương lưu đày: “Phần ngươi, hỡi con người, con cái dân ngươi bàn tán về ngươi dọc theo các bức tường và trước các cửa nhà. Chúng bảo nhau, người nọ nói với người kia: ‘Nào chúng ta đến nghe xem Đức Chúa phán thế nào!’. Chúng đến với ngươi đông như trẩy hội. Dân Ta ngồi trước mặt ngươi; chúng nghe các lời ngươi nói…” (Ed 33: 30-32). Trong bầu khí chuyện trò thân tình này, qua những cuộc tiếp xúc gần gũi giữa người với người mà vị ngôn sứ có thể gởi đến cho từng người những lời cảnh báo huynh đệ.
*3.Trách nhiệm cá nhân:
Chết chính là đánh mất ân huệ của Thiên Chúa, Ngài là nguồn mạch của mọi thiện hảo đối với dân Ít-ra-en. Đó là cách nói quen thuộc của Cựu Ước để trình bày những huấn lệnh của Thiên Chúa trong viễn cảnh của một sự chọn lựa giữa sự sống và sự chết, hạnh phúc và bất hạnh, lời chúc phúc và lời nguyền rủa.
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhấn mạnh trách nhiệm của người biết huấn lệnh của Thiên Chúa, người ấy phải bổn phận giúp anh em mình được sáng tỏ: “Nếu Ta bảo đứa gian ác: ‘Tên gian ác kia, nhất định mi phải chết’, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác ấy, sẽ chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi”. Vả lại, ông là vị ngôn sứ vĩ đại đầu tiên nhấn mạnh sự thưởng phạt cá nhân: “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết; con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con” (Ed 18: 20). Tuy nhiên, số phận của mỗi người không bất di bất dịch như đinh đóng cột: người công chính có thể trở thành tội nhân; kẻ tội lỗi cũng có thể hoán cải để trở thành người công chính. Đây cũng là những lời Đức Giê-su khuyên các môn đệ của Ngài về việc sửa lỗi cho anh em mình trong Tin Mừng hôm nay.
BÀI ĐỌC II (Rm 13: 8-10)
Chúng ta tiếp tục đọc phần luân lý của thư gởi tín hữu Rô-ma. Thánh Phao-lô vừa mới nêu lên những bổn phận công dân mà người tín hữu phải phục tùng: vâng lời chính quyền dân sự, nộp thuế. Dù tất cả những nghĩa vụ nầy phải chu toàn, chúng ta vẫn phải là những kẻ mắc nợ đối với anh em đồng loại: món nợ tương thân tương ái không bao giờ hoàn tất được.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì yêu mến người, thì chu toàn lề luật”: Thập giới mời gọi phải tôn trọng nhân phẩm của tha nhân và của cải của họ, nhưng không nói rõ bổn phận yêu thương đồng loại; yêu thương đồng loại được sách Lê-vi công bố và thánh Phao-lô cũng trích dẫn: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18).
Theo Cựu Ước, “đồng loại” trước hết những người thuộc cùng chủng tộc. Đức Giê-su đã mở rộng tầm mức của huấn lệnh yêu thương đến tất cả mọi thành phần cộng đồng nhân loại, không có bất kỳ ngoại trừ nào, thậm chí phải yêu thương kẻ thù nữa. Thánh Phao-lô nêu lên không chỉ luật Mô-sê, nhưng luật mới Đức Ái Ki-tô giáo cũng đòi buộc nữa. Sở dĩ thánh nhân không đề cập đến huấn lệnh thứ nhất, huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa, vì lời khuyên của thánh nhân nhắm đến đức ái huynh đệ, vì lẽ huấn lệnh yêu thương đồng loại bất khả tách rời huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa. Chính từ yêu mến Thiên Chúa mà yêu thương đồng loại được khơi nguồn. Nếu yêu thương đồng loại vô giới hạn là do mẫu gương của tình yêu Thiên Chúa đối với con người vô cùng. Ở đây, thánh nhân nhấn mạnh tình tương thân tương ái, đó là “chu toàn lề luật”.
TIN MỪNG (Mt 18: 15-20)
Trong chương 18 nầy, thánh Mát-thêu tập hợp lại những huấn lệnh mà Đức Giê-su đã truyền đạt cho các môn đệ của Ngài, họ là hoa trái đầu mùa của Giáo Hội Ngài. Diễn từ nầy cũng được gọi “diễn từ về Giáo Hội”.
Việc sửa lỗi cho nhau mà Đức Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài thực hành đã được nhắm đến trong luật Mô-sê: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” (Lv 19: 17). Câu trích dẫn nầy đi gần sau huấn lệnh: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18). Như vậy, sửa lỗi cho anh em thuộc về luật đức ái.
Theo truyền thống Do thái giáo, người ta không được truy tố kẻ phạm tội mà không cảnh báo trước trong chốn riêng tư. Vào thời Đức Giê-su, các kinh sư phàn nàn là người ta không thực thi truyền thống tốt đẹp nầy. Đức Giê-su phục hồi truyền thống nầy trong tinh thần yêu thương khi Ngài đề nghị bốn cấp độ trong việc sửa lỗi cho anh em mình:
*1.Trong chỗ riêng tư kín đáo (18: 15)
Cấp độ thứ nhất quy chiếu đến những tội riêng tư hay ẩn kín. Ở đây, việc sửa lỗi phải được tiến hành trong chốn riêng tư, “một mình anh với nó mà thôi”, để tránh lỗi phạm của người anh em được mọi người biết, nhờ đó không làm thương tổn đương sự và cũng tạo dịp thuận tiện dễ dàng hơn cho đương sự thay đổi cách sống của mình.
*2.Với một hay hai người khôn ngoan (18: 16)
Nếu việc sửa lỗi trong chốn riêng tư không đem lại kết quả như mong đợi, cấp độ thứ hai được tiến hành: tìm gặp một hay hai người bạn, những người có ảnh hưởng hơn trên đương sự. Như thế, càng rõ là cả người lầm lạc cũng như người nhắc nhở đều không được phán đoán theo các tiêu chuẩn chủ quan, nhưng thấu tình đạt lý. Cả hai đều được tháp nhập vào cộng đoàn Ki-tô hữu nên cả hai đều được liên kết với nhau vào những quy tắc mà Đức Giê-su đã ban cho cộng đoàn.
*3.Trước Cộng Đoàn (18: 17-18)
Nếu đương sự không chấp nhận việc sửa lỗi, cấp độ thứ ba được tiến hành: người nầy bị xét xử theo hình thức pháp lý bằng cách quy chiếu đến uy quyền của Hội Thánh. Chỉ lúc đó, người này mới bị loại trừ, bị kể như một người dân ngoại hay một người thu thuế, nghĩa là người ấy bị vạ tuyệt thông, bị tách ra khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh. Ở đây, Đức Giê-su dùng thuật ngữ “Hội Thánh” theo nghĩa một cơ cấu xã hội, một cộng đồng hiện thực, hữu hình và khắn khít, phụ thuộc trực tiếp vào Người và nhóm Mười Hai cùng các vị kế vị của các ngài, họ có quyền tài phán mà chính Đức Giê-su xác nhận: “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”.
*4.Viễn cảnh Hội Thánh (18: 19-20)
Theo văn mạch của việc sửa lỗi anh em trong đức ái huynh đệ này, nếu như việc sửa lỗi anh em ở cấp độ thứ ba không đạt đến kết quả và người ấy bị khai trừ khỏi cộng đồng; tuy nhiên, công việc không được dừng lại ở đó, người anh em này vẫn ở trong tâm trí của cộng đoàn và đặc biệt trong lời cầu nguyện chung: “Thầy bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”. Tính hiệu quả của lời cầu nguyện chung này được bảo đảm chắc chắn vì Con Thiên Chúa làm người gần gũi với con người hơn bao giờ hết: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”. Nhờ lời cầu nguyện chân thành, tác động ân sủng của Chúa biến đổi người anh em mình, để người anh em ấy nhận ra lỗi lầm mà thay đổi đời sống và được gia nhận trở lại với cộng đoàn. Cộng đoàn Ki-tô hữu luôn luôn là cộng đoàn rộng mở đón người anh em lầm đường lạc lối.
Chúng ta phải ghi khắc trong tâm trí mình rằng Đức Giê-su tha thiết quy tụ mọi người, bất kỳ là ai thuộc chủng tộc nào, chung quanh Ngài để làm thành một cộng đoàn tín hữu chan chứa tình huynh đệ. Cách sống này ngược lại với thái độ dửng dưng “sống chết mặc bây”, chỉ biết sống cho riêng mình mà không quan tâm đến đời sống cộng đồng, một trong những đặc tính của người Ki-tô hữu (x. Mt 18: 15). Mặt khác, Đức Giê-su không hề có ý đề nghị các thành viên trong cộng đoàn phải giám sát nhau và phân loại nhau theo bậc thang giá trị luân lý. Các cấp độ mà Ngài đề nghị chỉ là nhằm diễn tả đức ái. Việc sửa lỗi anh em chỉ mang lại kết quả nếu phát xuất từ đức ái chân thành.
Thánh Mát-thêu cho chúng ta một hướng dẫn đúng để hiểu những lời khuyên này: “Cha anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (18: 14). Đây là bổn phận chăm lo anh chị em mình về mặt thiêng liêng. Giúp đỡ một anh chị em đang gặp khó khăn, chìa tay ra cứu vớt một anh chị em đang sa vào tội lỗi, là một đòi hỏi của tình yêu, một sự trung thành với công trình cứu độ của Đức Giê-su. Chúng ta không chỉ chịu trách nhiệm về bản thân mình mà còn phải chịu trách nhiệm về nhau, như lời dạy của thánh Phao-lô: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì yêu mến người, thì chu toàn lề luật” (Rm 13: 8).
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- A
ANH EM SỬA LỖI CHO NHAU- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
– Bài đọc I : Thiên Chúa ra lệnh cho ngôn sứ Êdêkiên sửa dạy kẻ gian ác.
– Tin Mừng : Đức Giêsu dạy các tín hữu trong cộng đoàn phải sửa lỗi cho nhau trong tình anh em.
Anh chị em thân mến
“Nhân vô thập toàn”, nghĩa là không ai trọn tốt trọn lành, nhưng ai cũng có lỗi lầm và khuyết điểm. Nếu đố kỵ nhau thì những lỗi lầm và khuyết điểm của những cá thể sẽ làm khổ cho cả tập thể. Nhưng nếu tập thể đó là một cộng đoàn huynh đệ, thì người này phải lấy tình thương mà sửa lỗi người kia, cộng đoàn sẽ ngày càng tốt hơn, cuộc sống cộng đoàn sẽ ngày càng hạnh phúc hơn.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy ta phải sửa lỗi cho nhau cách nào. Và chúng ta hãy tha thiết xin Chúa giúp mỗi người chúng ta can đảm lấy tình thương mà sửa lỗi cho những anh chị em của ta.
– Vì thiếu can đảm, chúng ta đã không dám sửa lỗi cho những anh chị em chúng ta.
– Vì thiếu quan tâm, chúng ta bỏ mặc khi thấy một người trong cộng đoàn phạm lỗi.
– Nhiều khi chúng ta không chú ý sửa lỗi, mà chỉ kết án anh chị em.
Thiên Chúa đặt ngôn sứ Êdêkien như người lính canh, với nhiệm vụ vạch tội của kẻ gian ác. Nếu ngôn sứ nói mà nó không nghe, thì nó chịu trách nhiệm về tội của nó. Còn nếu ngôn sứ không vạch tội và kẻ gian ác phải chết, thì ngôn sứ phải chịu trách nhiệm về cái chết đó.
Tác giả lên tiếng kêu gọi các anh em tín hữu của mình. Nhưng hình như tiếng của tác giả kêu vô ích trong sa mạc. Bởi thế tác giả mong rằng người anh em ý thức tiếng huynh đệ ấy cũng là tiếng nói của chính Chúa và đừng cứng lòng nữa.
Vấn đề được đặt ra là sửa lỗi anh em.
Tuy nhiên cần phải phân biệt hai trường hợp : Trường hợp của đoạn Tin Mừng này liên quan đến lỗi có hại cho cộng đoàn, khi đó vì tinh thần anh em trong cộng đoàn ta phải đi sửa lỗi ; còn trường hợp thứ hai được Thánh Matthêu ghi tiếp theo sau đoạn này (Mt 18,21-35) là lỗi giữa những cá nhân với nhau. Khi đó, giải pháp là tha thứ, tha “không chỉ 7 lần mà là 70 lần 7”.
Vậy khi một người anh em làm điều gì đó sai lỗi có hại đến cộng đoàn thì Đức Giêsu dạy ta phải sửa lỗi như thế nào ?
– Căn bản là vẫn đối xử như “anh em”. Chú ý trong đoạn Tin Mừng này, chữ “anh em” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
– Diễn tiến từ kín đáo đến công khai : “riêng ngươi và nó” à “đem theo một hoặc hai người nữa” à “Trình với cộng đoàn” à “Kể nó như người ngoại và người thu thuế”.
– Mục đích sự can thiệp sửa lỗi này không phải là để kết án người anh em mình, mà là để thu phục, làm cho người anh em trở lại với cộng đoàn. Nếu được như vậy thì kể như “đã lợi được một người anh em”.
Thánh Phaolô chỉ cho tín hữu Rôma biết cốt lõi của mọi lề luật, đó là “yêu mến nhau”. Ngài dùng hai kiểu nói : “Vì ai yêu người thì đã giữ trọn Lề luật” ; “Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.
*1. Tế nhị, khó khăn, nhưng cần thiết
Lời Chúa hôm nay trong bài Tin Mừng nhắc lại một vấn đề quan trọng nhưng rất tế nhị trong cuộc sống chung giữa con người với nhau : đó là việc sửa lỗi người khác.
Phải nói ngay rằng đó là một việc vô cùng tế nhị và hết sức khó khăn :
– tế nhị về phía người được sửa lỗi
– khó khăn về phía người sửa lỗi, muốn giúp người khác nên hoàn thiện.
Nói rằng đó là một việc tế nhị, vì thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng : muốn khỏi bệnh nhưng sợ uống thuốc vì thuốc đắng ; muốn nói lên sự thật nhưng ngại không dám nói vì sợ mất lòng. Đó là điều tế nhị thứ nhất. Điều tế nhị thứ hai ai cũng phải công nhận : Nhân vô thập toàn, người nào cũng có khuyết điểm, không ai vẹn toàn trăm phần trăm. Thế nhưng tâm lý tự nhiên người ta thường nói : đẹp đẽ khoe ra xấu xa che lại. Và không ai muốn vạch áo cho người xem lưng, vì ai cũng sợ người khác biết được khuyết điểm hay tính xấu của mình, tự nhiên ai cũng muốn người khác quên đi hay đừng nhắc tới quá khứ không đẹp của mình. Do đó việc sửa lỗi anh em gây khó khăn vì phía người sửa lỗi. Vì nếu không khéo hay vụng về cách nào đó thì anh em sẽ cho rằng chúng ta sửa lưng anh em chứ không phải sửa lỗi anh em, miệt thị, hạ giá anh em hơn là muốn anh em nên tốt. Và không khéo thì chúng ta sẽ bị anh em mắng lại : Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Thậm chí có khi lại bị anh em dùng chính Lời Chúa để “phang” lại : “Hãy lấy cái đà khỏi mắt anh đã”
Việc sửa lỗi anh em thật tế nhị và khó khăn. Nhưng Lời Chúa hôm nay xác định cách rõ ràng : sửa lỗi anh em là một hành vi tích cực của đức Bác Ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Đối với người có trách nhiệm hay bề trên sửa lỗi bề dưới còn là một điều cần thiết và là một bổn phận nữa.
– Sửa lỗi anh em trong đức ái không có nghĩa là dò xét bới móc, vạch lá tìm sâu, bé xé ra to, ít xít ra nhiều.
– Sửa lỗi anh em không phải là kể ra lỗi lầm của anh em với bất cứ ai.
– Sửa lỗi anh em trong đức ái là ý thức rằng tôi cũng có lỗi lầm, tôi cũng đầy khuyết điểm và tôi cũng cần người khác sửa lỗi.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được đầy tràn Thánh Thần tình yêu Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Đấng duy nhất “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi”.
– Xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần Chúa để khiêm tốn chấp nhận những sửa sai, những chỉ bảo của người khác về những lỗi lầm, thiếu sót của ta.
– Xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần Chúa để chúng ta có thể nói thẳng nói thật những lỗi lầm của nhau mà không làm thương tổn tình đoàn keết thân ái và mối dây thông cảm yêu thương.
– Xin Chúa cho chúng ta hiểu được một lời kia của Tuân Tử nói rằng : Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta. Kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta. Còn kẻ nịnh hót, tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại đời ta mà thôi.
– Lạy Chúa, hình như chúng con chỉ thích những lời khen và hình như chúng con thích nhất những lời nịnh hót tâng bốc, và chúng con không thích mấy, hay rất sợ, thậm chí rất ghét những ai sửa lỗi chúng con.
– Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết chọn lựa một thái độ đúng đắn qua Lời Chúa dạy hôm nay.
(Lm Đoàn vĩnh Thịnh. Chánh xứ An Lạc, trong CgvDt số đặc biệt Giáng sinh ’95, trang 244-245)
“Nếu người anh em của anh phạm lỗi…”
Từ sáng chói thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là từ “anh em”. Tại sao tôi phải đi gặp người vừa phạm lỗi nặng ? Bởi vì người ấy là anh tôi, em tôi. Chúng tôi là con cùng một cha. Người anh em ấy đang mắc sai lầm. Nhưng tôi không đến để “vạch mặt chỉ tên” mà đến nói chuyện tay đôi trong tình anh em, chỉ cho anh ta biết đâu là phải đâu là quấy. Tôi đến với anh như người mục tử bỏ 99 con chiên để đi tìm và chăm sóc con chiên lạc.
Nếu biện pháp nói chuyện tay đôi cũng không có kết quả, thì tôi sẽ nhờ đến cộng đoàn. Đây là biện pháp mà chỉ Tin Mừng theo thánh Matthêu mới có. Tin Mừng của Ngài viết cho những tín hữu là người do thái. Họ đã thuộc luật do thái. Theo sách Thứ luật, viết trước Đức Giêsu cả 6 thế kỷ, thì khi luận tội một người phải có ít là hai ba nhân chứng. Biện pháp tiếp theo cũng chỉ có trong Tin Mừng Matthêu : “Nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì hãy kể như anh ta là một người dân ngoại, một người thu thuế”.
Biện pháp sau cùng xem ra khắc nghiệt. Phải chăng đây là biện pháp loại trừ ? Chúa có loại trừ dân ngoại và người thu thuế bao giờ đâu. Vả lại hãy nhớ đến dụ ngôn người con hoang đàng, hãy nhớ đến thái độ của người cha đối với nữa con hoang đàng và hợp ý cầu nguyện cùng Cha cho người anh em được mau quay về đoàn tự trong nhà Cha.
Như vậy từ chói sáng thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay là từ “Cha”. Chúa nói : “Nếu hai người trong anh em họp nhau để cầu xin gì cùng Cha, thì họ sẽ được điều đó nhân danh Thầy”. Lời Chúa còn mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện âm thầm của Chúa : “Khi hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đó”. Cùng với Chúa, cả cộng đoàn thiết tha cầu mong cho người anh em trở về, thì nhất định anh ta sẽ trở về, vì cảm được nỗi chờ mong đau đáu của Cha, giữa họ. (Trích báo CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh ’98, trang 258-259)
*3. Dám sửa lỗi anh em là dấu hiệu của một tình thương cao độ
Thương ai thật là muốn điều tốt cho người đó. Muốn điều tốt cũng có nghĩa là không muốn điều xấu.
Vậy nếu ta thương người anh em mình thật thì khi thấy người anh em mình sai lỗi, ta phải tìm đủ cách để cứu người anh em ấy ra khỏi lỗi lầm.
Việc sửa lỗi cho anh em cũng khó khăn và thậm chí đau khổ, đau đớn. Cũng giống như nhảy vào lửa để cứu người.
Nếu không thương thì không nhảy vào lửa. Dám nhảy vào lửa là dấu hiệu của tình thương lớn lao.
a/ Sửa lỗi cách tế nhị
Đức Hồng y Roncalli (sau là Giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói :
– Tôi không biết phải cám ơn Ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được Ngài ưu ái như thế ?
Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói :
– Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo.
b/ Người anh em
Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc : ” Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng lên và nói : “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi !”
CT : Anh chị em thân mến
Thánh Phaolô dạy : “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật”. Với quyết tâm sống bác ái yêu thương, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1- Đời sống của Hội Thánh phải luôn phản ánh trung thực đới sống yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị Mục tử / luôn nhẫn nại và hiền hòa / nhưng cương quyết khi phải sửa chữa lầm lỗi của anh em mình.
2- Ngày nay / một số người / nhất là các thanh thiếu niên / do ảnh hưởng của những băng hình xấu / cổ võ bạo lực / thích dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn bất hòa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / biết lấy tình bác ái mà giải quyết những xích mích trong cuộc sống thường ngày.
3- Lòng bác ái thật không chỉ là giúp đỡ vật chất / hay an ủi người khác khi họ gặp hoạn nạn / nhưng còn là sửa dạy khi thấy họ lỗi lầm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ / cũng như những người có trách nhiệm đối với cộng đoàn / biết can đảm và khôn khéo sửa dạy con cái / và những người dưới quyền khi thấy họ lỗi lầm.
4- Đức Giêsu luôn chúc lành / và hiện diện giữa những ai có cùng một niềm tin / họp nhau để cầu nguyện / hay tham dự các nghi lễ phụng vụ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn hiểu được điều đó và có những tâm tình xứng hợp.
CT : Lạy Chúa Cha nhân lành, sửa lỗi cho nhau để giúp nhau nên tốt là một trong những bổn phận quan trọng của từng người trong chúng con. Xin ban cho chúng con lòng khiêm tốn thật để chúng con có thể vui lòng đón nhận những lời góp ý xây dựng của anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin nhờ…
– Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta đều là những kẻ có tội. Trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta sắp cùng nhau đọc, chúng ta hãy tha thiết xin Cha tha tội cho chúng ta và cho những người anh em của chúng ta nữa.
– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con can đảm và chân thành sửa lỗi cho nhau. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”
Trong tuần này, chúng ta hãy cố gắng sống tình anh em với mọi người, là anh em của nhau trong sự giúp nhau làm việc, mà cũng là anh em của nhau trong việc sửa lỗi cho nhau nữa.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN-A
ANH EM SỬA LỖI NHAU- Chú giải của Giáo hoàng Học viện Đà Lạt
“Nếu anh em ngươi trót phạm tội”: câu giả thiết này từ môi miệng Chúa Giêsu thốt ra trước tiên cho thấy rõ ràng al2 Giáo Hội không bao gồm những kẻ hoàn thiện, song là những tội nhân. Sáng kiến Chúa Giêsu khuyên kẻ chứng kiến lỗi anh em nên làm, xem ra mâu thuẫn với lời Người nói trong Diễn từ trên núi về “cọng rác và cái xà” (7, 1- 5). Nhưng động từ được dùng ở đây olegohô, (sửa lỗi, trách cứ) – cũng là động từ trong Ga 16, 8 xác định hành động của Chúa Thánh Thần “sẽ bắt lỗi thế gian” – cho thấy rõ một công việc như thế phải được thực hiện trong tình bác ái và phải diễn tả, không phải một sự khiển trách đầy khinh miệt hay quát mắng kiêu căng, nhưng là niềm hy vọng rằng một nỗ lực vì sự thật như thế sẽ tạo dịp cho hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng duy nhất minh xác được tội trạng và dẫn tội nhân ăn năn thống hối. Nếu người đáng khiển trách chịu nghe lời sửa lỗi, đó sẽ là một chiến thắng của Chúa Thánh Thần? “Ngươi đã lợi được anh em người”. Không phải “lợi được” một người bạn hay một nạn nhân trong một cuộc chiến đấu, nhưng là lợi được một phần tử của Giáo Hội mà người đó sắp lìa bỏ đi.
“Hãy kèm theo ngươi một, hai người nữa”: Chỉ thị này nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn phải có đối với tội nhân bướng bỉnh: bản văn Đnl 19, 15 mà chỉ thị này tham chiếu, đã đưa ra một lô biện pháp nhằm bảo vệ tội nhân khỏi sự độc đoán và việc vội vã áp dụng các biện pháp trừng giới. Đây không phải là những chứng nhân buộc tội mà ngươi ta đã kiếm lấy từ trước vì như thật thì thật là ghê tởm, song là những người trợ lực những kẻ có nhiều cơ may thành công nhất trong việc sửa lỗi tội nhân, trước khi phải nại đến thẩm quyền cao hơn hết.
“Hãy thưa với cộng đoàn (Thật là đáng tiếc khi BJ và Nguyễn Thế Thuấn dịch như thế, vì bản Hy ngữ nói rõ ràng “Giáo Hội”. Câu này, với 16, 18, là hai nơi duy nhất trong 4 Tin Mừng dùng chữ ekklêsia): Việc đưa tội nhân ta trước Giáo Hội không phải là một sự xét xử, song là một việc long trọng khuyên dụ hoán cải nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Trong trường hợp này, Giáo Hội chẳng còn làm gì khác hơn là công bố chính sứ điệp của mình: lời ân xá và tha thứ; nhưng lời này sẽ trở thành lời xét xử đối với những ai bác bỏ, khước từ. Chính vì công bố sứ điệp đó mà cộng đoàn nhận được quyền cầm buộc và tháo cởi (c. 18). Quyền bính của cộng đoàn không phải là quyền bính của một tòa án hay một cơ quan tài phán nhân loại đâu, vì nó hệ tại ở việc đặt lương tâm con người đối điện với Thiên Chúa công bình và nhân ái. Kết quả là kẻ “chẳng màng nghe Giáo Hội”, nghĩa là từ chối nghe lời mời gọi ăn năn, thì đương nhiên tự loại trừ khỏi cộng đoàn được xây dựng trên ân sủng trong Chúa Kitô đó; đương sự không còn là “anh em” nữa. Điều y đã làm khi phạm tội (cách riêng tư), giờ đây cộng đoàn chỉ còn công khai xác nhận và đòi y phải trả lẽ. Y đã tự tách khỏi cộng đoàn vì tội của y, nên cộng đoàn mới chứng thực sự kiện bằng cách ghi nhận y đã từ chối nắm bàn tay đưa ra để lôi y vào.
“Mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc”: Việc chuyển đột ngột từ số ít sang số nhiều nầy đặt ra vấn đề ý nghĩa của chữ “các ngươi”. Chúa Giêsu ngỏ lời với ai đây? Có kẻ nghĩ là các sứ đồ những người chấp chưởng và là yếu nhân trong phẩm trật Giáo Hội, hay một cách thái quá, là mỗi cá nhân Kitô hữu, cái nghĩa đã bị công đồng Trentô lên án nhưng không đưa ra một lời giải thích đích xác tích cực nào. Văn mạch bảo ta xem chữ các ngươi ấy là toàn thể các môn đồ có một trách nhiệm mục vụ trong cộng đoàn địa phương (xem cc.2. 10. 12. 13, nơi có cùng một chữ các ngươi như thế); nghĩa này đã được thánh Tôma bênh vực. Lời đây cũng song song với lời đã được nói dưới dạng thức một lời hứa cho Phêrô (16, 19). Chắc chắn Chúa Giêsu không có ý truất bãi quyền đã ban cho Phêrô như cho viên.quản gia của mình, nhưng đúng hơn Người muốn liên kết các môn đồ với kẻ nắm giữ chìa khóa ấy.
“Nếu hai người trong các ngươi “: Thoạt nhìn, giây liên lạc giữa các câu 19-20 với những gì đi trước không rõ ràng cho lắm. Kỳ thực có sự liên tục và khai triển cùng một chủ đề: mọi phán định chính thức của Giáo Hội sẽ được phê chuẩn ở trên trời và ngay cả mọi lời cầu xin của một số người hiệp nhau trong đức tin cũng sẽ được trên trời đoái nhậm. Khi hai người họp nhau trong đức tin trước nhan Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô là họ đứng với nhau trên cùng mảnh đất vững chắc của ân sủng, là họ nhận biết mình được hiệp nhất bởi cùng một lòng nhân ái, cùng một lòng tha thứ khiến họ thành anh em, thành conc ái của Cha trên trời. Nơi đâu người ta hiệp nhau “nhân danh Chúa Giêsu”, nghĩa là không phải trong niềm kiêu hãnh thiêng liêng và đức công chính riêng biệt, nhưng là trong việc cung xưng mình là “bé nhỏ”, trong việc nhìn nhận mình là tội nhân, thì chỉ nơi ấy mới có sự đợi chờ trong đức tin và vì thế sẽ được nhậm lời; Chúa Kitô ở đâu, Giáo Hội ở đó vậy.
“Ta ở giữa họ”: Trong sách “Tuyển tập danh ngôn tiên tổ”, một phần khả kính của truyền thống giáo sĩ Do thái, có một lời diễn tả cùng ý tưởng về lệ luật của dân Thiên Chúa: Khi hai người cùng ngồi bàn luận về những lời của sách Torah, thì Shékinah ở giữa họ” (Pirqé Abot 3,2). Thế mà Shékinah (tiếng Hy bá có nghĩa nơi ở”) thoạt tiên chỉ Đám mây sáng chói (Xh 40, 34-38;Cv 16,2) bay lượn giữa hai thần Kérubin trên nắp hòm bia. Đám mây sáng chói này được xem như là vật biểu lộ cách hữu hình việc cư ngụ thường xuyên của Giavê ở giữa dân Ngài. Bây giờ chính Chúa Giêsu hiển vinh đang ở giữa môn đồ Người, một cách gần gũi hơn bất cứ ai ở giữa những người khác.
KẾT LUẬN
Đoạn văn này cho ta thấy rõ mối giây liên kết mật thiết giữa tội lỗi của một cá nhân với đời sống của cả cộng đoàn. Tội ấy chẳng những liên can lời Giáo Hội chính thức, tới cái mà ngày nay la gọi là bí tích cáo giải, song còn liên hệ chặt chẽ với trách nhiệm của mọi phần tử trong cộng đoàn. Đây là một trách nhiệm được san sẻ và được diễn tả cách rõ ràng phân minh. Trước tiên mỗi người có bổn phận khuyên bảo anh em mình, rồi phải có nhiều người đến tiếp tay giúp đỡ, cuối cùng nại đến thẩm cấp tối cao, đến toàn thể cộng đoàn. Bình diện tích được nối kết với bình diện ngoại bí tích, và cả hai trực tiếp liên hệ đến việc cứu rỗi kẻ đã phạm tội.
Ngoài ra đoạn này còn cống hiến một hình ảnh rất sâu xa và rất đẹp về Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu khi người ta cùng tuyên xưa niềm tin vào danh Chúa Giêsu, cái danh mà nhờ đấy ta được cứu rỗi (Cv 4, 12). Và trong việc tuyên xưng đó. Chúa Giêsu trở nên hiện diện. Thiên Chúa ở giữa loài người như vậy đó. Ngài là Emmanuen, Thiên-Chúa-ở-cùng- chúng-ta. Chính sự hiện diện của Ngài qui hướng lời cầu nguyện chung và đảm bảo chắc chắn lời đó sẽ được chấp nhận. Chính nhờ sự hiện diện của Ngài mà lời phán quyết của cộng đoàn mới có sức mạnh thần linh. Sau cùng chính sự đảm bảo đó là lý do khiến Giáo Hội vững lòng cậy trông và không ngừng hân hoan trên cõi thế.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1-Không thể có vấn đề chú giải phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay (việc anh em sửa lỗi nhau) như là lời khuyến khích dò xét các người cùng xứ đạo với mình và nhận định họ theo giá tn luân lý của họ. Tất cả mọi lời khuyên đây của Chúa Giêsu chỉ có thể được hiểu như một biểu thức của tình bác ái.
Vì ta thấy chúng đi tiếp sau câu: “Nơi Cha các ngươi Đấng ngự trên trời không hề có ý để mặc hư đi một người nào trong những kẻ nhỏ này”. Và thật thế, ở đây Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho ta việc ân cần săn sóc anh em ta về mặt tinh thần, thiêng liêng. Giúp một người anh em đang gặp khó khăn, đưa tay đỡ nâng một người anh em đang trong vòng tội lỗi, là một yêu sách của tình yêu, một lòng trung tín với công việc của Chúa.
2-Nếu có một vài Kitô hữu chuyên xía vào chuyện thiên hạ, thì ngược lại có một số Kitô hữu khác lại kém dấn thân, chỉ biết mình với Chúa. Thế mà ở đây Chúa Giêsu dạy rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với nhau. Tôi không thể hững hờ trước tình cảm thiêng liêng của anh em tôi. Và vì chẳng ai thoát khỏi lầm lỡ hay yếu đuối nên rất có thể một ngày kia người khác cũng sẽ có dịp thi hành đối với tôi cái bổn phận nâng đỡ thiêng liêng ấy. Có lẽ họ sẽ sẵn sàng làm việc này, nếu họ đã thấy chính tôi thi hành với tất cả sự tế nhị và nhân ái cần thiết. Trong cộng đoàn môn đồ của Chúa Giêsu. “Không ai là một hòn đảo”….
3-Sở dĩ ta đến nhà thờ cầu nguyện, chính là để thờ lạy Chúa Giêsu đang hiện diện cách thể lý ở đó, dưới hình bánh hình rượu. Nhưng cũng là để gặp lại anh em ta và hiệp nhất với họ trong kinh nguyện. Và khi, trong một lời nguyện cầu đầy sốt sắng và khiêm tốn, ta đồng tâm nhất với trí kết hợp với anh em trong Giáo xứ, thì ta không chỉ ở trước Mình Thánh Chúa Kitô đang hiện hiện trong nhà tạm mà thôi, mà còn ở trong Mình thánh Người, và làm thành Nhiệm thể Người, vì Chúa Giêsu đã nói:Người sẽ hiện diện giữa ta. Và bấy giờ Chính Chúa Giêsu cầu nguyện ở trong ta. Làm sao chúng ta lại không được nhận lời vì Người đã long trọng tuyên bố: “Lạy Cha, con biết Cha hằng nhậm lời con” (Ga 11, 42)?
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- A
SỬA LỖI ANH EM– ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.
Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.
Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.
Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc?
Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.
Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.
Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.
Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.
Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.
Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1/ Sửa lỗi anh em, góp ý phê bình, dễ hay khó?
2/ Khi biết anh em lầm lỗi, bạn làm gì? Vạch mặt chỉ tên hay giả điếc làm ngơ?
3/ Trong gia đình, trong xứ đạo bạn, đã có sự góp ý tốt đẹp chưa?
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- A
TRÁCH NHIỆM- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Truyện kể: Một du khách đang rảo qua khu danh lam thắng cảnh ở Thụy Sĩ, ông dừng lại trước hàng rào của một khu vườn hoa đẹp đẽ bao quanh một lâu đài. Người làm vườn mừng rỡ và đón chào. Họ nói chuyện với nhau về các loài hoa. Ông du khách hỏi: Cụ ở đây bao lâu rồi? Thưa, được 24 năm. Cụ đã gặp chủ nhân được mấy lần rồi? Tôi đã gặp 4 lần và lần cuối cách đây ba năm. Vậy ông ta có thường liên lạc với cụ không? Thưa không. Vậy ai trả lương cho cụ? Viên quản gia của ông chủ. Người quản gia có năng tới đây không? Tôi chưa hề gặp ông ta, chúng tôi liên lạc bằng thơ từ thôi. Thế thì ai thưởng lãm cảnh đẹp này, mà cụ phải mất công chăm sóc kỹ lưỡng như vậy? Ô, thưa ông, tôi chu toàn trách nhiệm của mình và tôi làm như chủ tôi sẽ đến ngày hôm nay, ngay bây giờ. Ngoài ra chính khi làm đẹp khu vườn của ông chủ, vợ chồng tôi cũng được vui hưởng cảnh đẹp.
Ông Adong và bà Evà có hai con trai đầu, Cain và Abel. Vào một ngày kia, Thiên Chúa đã hỏi Cain: Abel, em ngươi đâu rồi? Cain thưa: Con không biết, con là người giữ em con sao? (Stk 4, 9). Vì ghen tương, Cain đã giết em mình, nhưng Cain đã chối từ trách nhiệm. Thiên Chúa thấu tỏ mọi sự trong lòng. Cain và Abel là anh em ruột, đương nhiên anh em là có trách nhiệm nâng đỡ bao bọc lấy nhau. Bất cứ việc gì xảy ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội, phải có người chịu trách nhiệm. Người ta thường nói rằng: Tội qui vu trưởng. Thường là người đứng đầu một tổ chức sẽ chịu trách nhiệm trước. Chúng ta không thể đổ thừa quanh. Nhân loại là một loài thụ tạo cao quý có trí khôn, ý chí và tự do. Trách nhiệm của con người liên đới được mở rộng qua các tổ chức xã hội để giúp nhau thăng tiến.
Khi dân số tăng trưởng, con người đã tổ chức cơ cấu đời sống gia đình và xã hội. Gia đình là đơn vị nhỏ nhất để xây dựng một cộng đoàn xã hội. Chúng ta biết mỗi một cá nhân đều có căn tính riêng biệt. Trong gia đình xã hội có nhiều thành viên khác nhau hợp lại, bao gồm có người khôn kẻ dại, người tốt kẻ xấu, người rộng kẻ hẹp và người mạnh kẻ yếu. Mọi người cần tựa dựa vào nhau để sinh sống. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm liên đới để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Tiên tri Ezekiel đã rao giảng về sự giúp nhau sửa đổi: Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi (Ez 33, 9). Chúng ta không thể nhắm mắt, bịt tai và làm ngơ trước những sự dữ hay sự xấu nơi những người anh chị em. Chúng ta có bổn phận nâng đỡ nhau nhận ra những sự sai trái và giúp nhau sửa đổi, đây là một món nợ của tình người.
Vì mang bản tính yếu đuối, hằng ngày mỗi người chúng ta đều phạm lỗi, kẻ ít người nhiều. Có những lỗi nhẹ, dễ dàng xí xóa bỏ qua. Nhưng đôi khi có những thói hư tật xấu đã trở thành thói quen thì cần được chỉ giáo và khuyên răn. Chúng ta biết sự xấu được ngụy trang dưới nhiều cách thế, chúng ta khó có thể lật tẩy để nhận diện ngay. Đôi khi những tật xấu núp dưới bóng của những cử chỉ và lời nói ngon ngọt, êm dịu và nhẹ nhàng. Có những phát biểu tưởng là góp ý tốt lành, nhưng ẩn ý là phê bình, chỉ trích, gièm pha, ăn không nói có… Tất cả cái xấu cũng do cái lưỡi không xương lắt léo nhiều đường. Lời nói như chiếc dao hai lưỡi rất nguy hiểm. Lời nói có thể xây dựng đoàn kết và cũng có thể gây hệ qủa xấu như chia rẽ, thù oán và hại người hại ta. Nếu không xét mình một cách thành thật, chúng ta rất khó nhận ra những lỗi lầm này.
Là anh chị em sinh hoạt chung trong một nhóm, hội đoàn hay cộng đoàn, chúng ta có trách nhiệm nhắc bảo và giúp đỡ nhau sửa sai. Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta sống tình tương thân tương ái giúp nhau nhận lỗi và sửa lỗi: Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em (Mt 18, 15). Biết rằng sửa lỗi anh chị em không phải dễ, vì chúng ta ai cũng phạm lỗi. Chúng ta biết người phạm lỗi là những người yếu đuối. Ít có ai muốn nghe những điều tiêu cực về chính mình. Vì chúng ta dễ tự ái, nên rất khó chấp nhận sự sửa sai của người khác. Thường thì việc người thì sáng, việc nhà thì đui. Chúa Giêsu mách nước cho chúng ta về sự sửa lỗi, trước hết hãy sửa dạy cách kín đáo và riêng tư. Chúng ta phải hết sức tế nhị gợi ý để người khác nhận ra lỗi của họ. Khi nói đến vết thương lòng thì rất dễ nhạy cảm. Những phản ứng tự nhiên của kẻ mắc lỗi thường thì gay gắt khó chịu. Nhưng với lòng từ bi và sự kiên nhẫn, chúng ta có thể thuyết phục người anh chị em chịu nhận sai lầm và trách nhiệm của việc sai trái.
Vì con người có ý chí tự do, nên mỗi người phải chịu trách nhiệm về việc mình đã làm trong cả tư tưởng, lời nói, chữ viết và hành động. Nơi cuộc sống chung, có những trách nhiệm cụ thể cá nhân và có những trách nhiệm liên đới tập thể. Trong đời sống gia đình, người cha, người mẹ và con cái có những bổn phận và trách nhiệm riêng biệt. Nơi cuộc sống xã hội, mỗi tổ chức đều có người chịu trách nhiệm trong lãnh vực của mình. Mỗi thành viên đều có bổn phận góp phần xây dựng cuộc sống chung tốt đẹp. Có phước cùng hưởng, có nạn cùng chịu. Người dám nhận lãnh trách nhiệm là người trưởng thành. Làm sai thì nhận lỗi sai. Công việc thành công hay thất bại là lẽ thường của đời sống. Khi chối tội, chạy tội, dấu tội hay đổ thừa lỗi lầm cho người khác là thiếu trách nhiệm. Sai thì sửa. Có lỗi thì xin lỗi. Làm tội thì chịu tội. Đối diện với sự xấu, sự dữ và sự thất bại, đôi khi chúng ta cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ và chối từ, nhưng chỉ có sự thật sẽ giúp chúng ta tìm lại được sự bình an đích thực.
Chúng ta đang trên đường lữ thứ trần gian. Mỗi ngày chúng ta sống là một ngày hồng ân. Chúng ta không biết chắc chắn về tương lai. Mọi sự cố đều có thể xảy ra. Anh chị em đừng để mắc nợ nhau sự gì. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Rôma đã khuyên: Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai, ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật (Rm 13, 8). Sống giây phút hiện tại cho tròn đủ. Đức ái là yêu thương, tha thứ, nhường nhịn và quảng đại. Chúa Giêsu tóm kết các giới răn vào hai điều: Mến Chúa và yêu người. Yêu thương nhau là tôn trọng nhau. Yêu thì không gây sầu, oán giận, gây thiệt hại hay thù ghét làm khổ người khác. Yêu thương nhau là muốn điều tốt cho nhau và cùng nhau tiến bước trên con đường hoàn thiện: Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật (Rm 13, 10).
Nếu không có ơn Chúa phù trợ, chúng con không thể làm gì được. Cầu nguyện là hơi thở trong đời sống đạo. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Nhưng đẹp ý Chúa hơn, nếu nơi nào có hai ba người đồng lòng hợp ý cầu nguyện, thì ơn Chúa sẽ tuôn đổ dồi dào hơn: Thầy bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó (Mt 18, 19). Hai người cùng cầu nguyện nói lên sự hỗ tương, yêu thương, hòa thuận và chung lòng chung ý. Một hình ảnh rất thuyết phục, các dòng tu thường sai từng hai tu sĩ ra đi rao giảng và phục vụ, giống khi xưa, Chúa đã sai từng hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa, chúng con là những Kitô hữu, mang danh của Chúa Kitô, xin cho chúng con biết yêu thương nhau và giúp nhau thăng tiến trên con đường trọn lành.
CHÚA NHẬT XXiII THƯỜNG NIÊN- A
GIÚP NGƯỜI KHÁC NHẬN RA NHỮNG SAI LỖI CỦA HỌ– Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Nhận ra lầm lỗi của mình là điều rất khó. Có người ví von rằng mỗi người đều mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình.
Ông Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ viết nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới quả quyết rằng: “Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi thì có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”
Chúng ta hãy nhìn lại trường hợp cụ thể về vua Đavít được thuật lại trong Kinh Thánh (Sách Samuen).
Một buổi chiều nọ, vua Đavít tản bộ trên sân thượng và chợt thấy một phụ nữ xinh đẹp đang tắm, đó là bà Bat-shêba, vợ của Uria. Vua sai người đưa bà đến với vua. Ít lâu sau đó, Bat-shêba báo tin cho vua hay là bà đã có thai với nhà vua.
Khi biết chuyện, vua Đavít tìm cách ‘bán cái’ cho chồng của bà là Uria.
Vua cho triệu Uria từ mặt trận trở về, cho ông ta ăn uống thật no say rồi truyền cho Uria về nhà thăm vợ. Hai đêm liền, Uria nằm ngủ trong đền vua với những tên lính canh mà không chịu về nhà.
Thấy kế hoạch ‘bán cái’ không xong, vua Đavít ra lệnh cho tướng Yôab mượn tay quân giặc giết chết U-ria ngoài chiến trường.
Sau đó, khi đã mãn tang chồng, Bat-shêba được vua Đavít đón vào cung làm vợ chính thức của nhà vua. ( II Sam 11 và 12)
Vua Đavít đã phạm một tội tày trời, thế mà vẫn ung dung như không có gì xảy ra. Đúng là trong hàng trăm lần phạm lỗi, may ra chỉ có một lần người ta nhận ra mình có tội. Và một khi con người không tự thấy được tội lỗi của mình để ăn năn sám hối thì cần phải có ai đó đến nhắc bảo họ.
Thế là Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến cảnh tỉnh vua. Khuyên vua thì phải lựa lời, không khéo thì mất đầu như chơi. Nhà tiên tri trình với vua: “Trong thành kia, có một người giàu sang phú quý có cả đến hàng ngàn chiên dê và bò, trong khi đó, một người nghèo bên cạnh chỉ có một con chiên nhỏ mà ông ta rất yêu quý, coi như đứa con gái của ông. Thế rồi khi người giàu có khách, ông tiếc của không dám bắt chiên mình đãi khách mà lại cho tôi tớ đi bắt con chiên độc nhất của người nghèo làm thịt”.
Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua quát: “Nó đáng chết, tên ác nhân đó! Nó phải bị trừng phạt và phải bồi thường gấp bốn vì việc nó đã làm.”
Tiên tri Natan thưa: “Người ấy chính là vua. Nhà vua đã có nhiều thê thiếp lại còn nhẫn tâm giết chết Uria và cướp vợ của ông ta”.
Bấy giờ vua Đavít mới nhận ra tội mình và ăn năn khóc lóc thảm thiết.
Nếu không được tiên tri Natan cảnh tỉnh, vua Đavít đã không nhận ra tội lỗi của mình và không thể hối cải. Tội của mình, mình chứa đựng trong cái gùi sau lưng nên không thấy được. Vì thế, giúp người khác nhận ra lỗi của họ là điều rất cần thiết và là một nghĩa vụ thiêng liêng.
Lời Chúa hôm nay thiết tha kêu mời chúng ta hãy ra công sửa lỗi cho anh em mình. Qua bài đọc I, Thiên Chúa dùng miệng tiên tri Ê-dê-ki-en răn dạy chúng ta: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi” (Edêkien 33, 7-9). Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu truyền dạy: “Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì ngươi hãy đi sửa lỗi nó”.
Hãy nên tấm gương soi cho người khác và để người khác làm tấm gương soi cho ta.
Tấm gương soi tuyệt đối cần thiết cho mọi người. Không có tấm gương soi, người ta không biết mặt mũi mình ra sao, có ghèn đầy mắt cũng không biết, có cơm dính cằm cũng chẳng hay, râu tóc rối bù như tổ quạ cũng chẳng biết gì. Tấm gương soi tuy tầm thường nhưng rất cần thiết giúp con người nhận ra những vết nhơ trên khuôn mặt mình. Thế nên dù nghèo hèn túng thiếu, nhà nào cũng cố sắm cho mình một tấm gương.
Tuy nhiên, tấm gương thuỷ tinh tráng thuỷ chỉ phản chiếu khuôn mặt mà không thể phản chiếu tâm hồn, chỉ cho thấy những vết nhơ trên trán mà không cho thấy vết bẩn trong tim, thấy những xấu xa trên khuôn mặt mà không thấy những sa đoạ trong tâm hồn hay trong cuộc sống. Vì thế, người ta cần thêm một tấm gương soi khác, đó là lời nhắc bảo của những người chung quanh. Thiếu những lời nhắc bảo nầy là thiếu mất tấm gương tối cần thiết để soi hồn.
Tiên tri Natan ngày xưa là tấm gương soi giúp vua Đavít thấy được những vết bẩn khủng khiếp trong tâm hồn. Thiếu tấm gương soi quý báu như Natan, vua Đavít không thể thấy được lầm lỗi của mình và sẽ không hề biết ăn năn sám hối.
Trở thành tấm gương soi cho người khác là một lệnh truyền rất quyết liệt của Thiên Chúa.
“Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi”. (Edêkien 33, 7-9).
“Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì ngươi hãy đi sửa lỗi nó”… (Matthêu 18, 15)
Vì lòng bác ái với anh em và vì lời Chúa truyền dạy, chúng ta hãy là tấm gương soi giúp người khác thấy được tội lỗi và những sai lầm của họ; đồng thời vui lòng để cho người khác trở thành tấm gương soi cho mình để chúng ta có thể nhận ra lầm lỗi của ta.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN-A
BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI- Lm. Fx. Trần Phương
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cùng nói đến vấn đề cứu độ, nhắm đến trách nhiệm của chúng ta đối với nhau trong cộng đoàn. Không ai là một hòn đảo, vì trong Đức Kitô, chúng ta đều là anh chị em, những phần tử của chung một gia đình.
Cuộc đời con người thật ngắn ngủi, do đó tất cả chúng ta cần phải nỗ lực hết mình để làm những việc lành phúc đức khi chúng ta còn có cơ hội, bằng cách quan tâm tới những kẻ yếu đuối và hèn kém, khi họ cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Điều đó không có nghĩa làm cho chúng ta trở thành những kẻ tò mò, thích xen vào chuyện của người khác hay can thiệp vào cuộc sống riêng của họ. Tình yêu dành cho tha nhân phài được xử lý một cách lịch thiệp và khôn ngoan và phải luôn nhớ rằng khía cạnh quan trọng nhất của một đời sống tốt đẹp chính là quên đi tất cả những việc mình đã làm cho người khác.
Thật vậy, không có cuộc sống chung nào mà con người không phải đau khổ vì đồng loại mình. Bài Phúc Âm hôm nay gợi ý cho chúng ta một phương pháp hữu hiệu để khuyên giải cho những kẻ lầm đường lạc lối. Tuy nhiên, việc sửa lỗi cho nhau rất khó thực hiện trong đời sống thường ngày. Vì thế, khi phải can thiệp vào chuyện khó xử này, chúng ta phải thật sự tế nhị, khéo léo và khôn ngoan. Bởi vì, thực tế đã chứng minh rằng, một lời nói bất cẩn hoặc khuyên giải một cách thái quá có thể gây nên sự đổ vỡ lớn lao hơn.
Xét trên một khía cạnh nào đó, việc sửa lỗi cho nhau giống như một “con dao hai lưỡi”, vì rất dễ dàng gây nên sự đụng chạm, thậm chí có thể cướp mất đi tình bạn thân thiết mà ta đã có trước đây. Cha ông ta thường nói, ‘im lặng là vàng’ nhưng cũng có lúc thì ‘im lặng là đồng lõa’. Trong một số trường hợp, chúng ta cần có một quyết định dứt khoát vì nếu không hành động kịp thời thì những việc làm sai trái đó tiếp tục có cơ hội hoành hành. Hơn nữa, nếu chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước những lỗi lầm của anh em mình thì chúng ta nên xét lại ý nghĩa và đòi hỏi của giới luật yêu thương mà chúng ta hằng tuân giữ. Trong những hoàn cảnh đặc biệt đó, những gì chúng ta làm phải được phát xuất từ lòng bác ái, chứ không phải là thái độ ‘bới lông tìm vết’ hoặc lên lớp dạy bảo người khác.
Chúng ta không thể gây nên đau khổ cho những người chung quanh, nếu chúng ta nói mình yêu thương họ. Thật vậy, một chút tâm tình kèm theo những lời nói chân thành có thể làm cho bầu khí trở nên nhẹ nhàng và làm cho vấn đề trở nên tốt đẹp hơn. Nên nhớ rằng, không một ai trong chúng ta là người hoàn hảo, nên khi nói lên điều sai lỗi của người khác, chúng ta cũng cần chuẩn bị để lắng nghe họ nhận định về những thiếu sót của mình.
Nếu mỗi người có thể chấp nhận sửa lỗi cho nhau và nếu chúng ta nhận thấy mình có sự khác biệt so với người khác, hãy sẵn sàng chấp nhận thiếu sót của mình và mở rộng lòng mình để giao hòa với nhau. Những ngôn từ nặng nề và thái độ hung hãn không phải là lối xử sự của những người được mệnh danh là Kitô hữu. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc giao hoà với anh chi em đồng loại khi Ngài nói: “Khi các con đến bàn thờ để dâng của lễ, nếu nhớ ra rằng mình đang có đìều bất hoà với anh chị em, hãy để của lễ đó, quay về làm hoà với anh chị em mình trước, rồi hãy đến dâng của lễ.” (Mt 5, 23-24).
Thử hỏi ai trong chúng ta là người chấp nhận Lời Ngài và đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày của mình?
CHÚA NHẬT XXiII THƯỜNG NIÊN- A
CÁ NHÂN GIỮA CỘNG ĐỒNG- Lm. Bùi Mạnh Tín
Cộng đồng được xây dựng trên sự liên đới của nhiều cá nhân. Các cá nhân sẽ ảnh hưởng trên cộng đồng, để rồi cộng đồng lại ảnh hưởng trên từng cá nhân. Đó là một liên đới có tính cách hỗ tương. Như vậy, trước cộng đồng, mọi cá nhân đều có trách nhiệm liên đới đối với nhau. Tôi làm xấu là xấu cho chính tôi, và cũng xấu cho cộng đoàn. Bạn làm tốt là tốt cho chính bạn, và cũng là tốt cho cộng đoàn.
Một xứ đạo, một đoàn thể Công Giáo hay một tu viện cũng vậy – và còn hơn thế nữa, vì chúng ta được kêu gọi trở nên một thân thể, một cây nho; do đó, trách nhiệm liên đới càng quan trọng hơn. Bài đọc 1, và nhất là bài Phúc âm hôm nay nhấn mạnh đến trách nhiệm này. Chúa Giêsu nói: “Nếu anh chị em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó…” Thực ra, không ai hoàn hảo, cũng không ai nhìn rõ tất cả những điều mình làm, nhất là những điều xấu; đó, tôi cần đến bạn, bạn cần đến tôi. Chúng ta cần đến nhau để sửa lỗi cho nhau, cùng xây dựng cho nhau, giúp nhau trở nên tốt hơn. Khi mỗi cá nhân không chấp nhận và thi hành trách nhiệm liên đới nầy, vì những lý do như: quá nể nang, quá sợ sệt, sợ bị liên lụy, sợ bị thiệt thòi, hay vì nhu nhược, tất nhiên nhiều điều đáng tiếc sẽ xảy ra cho cộng đồng và cá nhân. Trái lại, nếu các phần tử biết quan tâm đến nhau và đến ích lợi của cộng đồng, qua các sáng kiến tích cực và xây dựng, trong việc nhắc nhở anh chị em mình khi họ sai lỗi, thì chắc chắn cộng đồng và cá nhân trong cộng đồng sẽ mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để công việc mang lại ích lợi, chúng ta cần lưu ý:
– Người sửa lỗi: luôn thực tâm muốn cho tha nhân trở nên tốt, đồng thời phải khiêm nhượng và khôn ngoan trong cách thức sửa lỗi, như Chúa Giêsu đã chỉ dạy.
– Người sửa lỗi: luôn khiêm nhượng, nhận ra những sai trái của mình, chấp nhận sự nhắc nhở của tha nhân và cố gắng sửa đổi.
Sách Samuel 1 kể rằng: vì ghen tương, vua Saolo quyết tâm giết Davit, nhưng hoàng từ Gionathan đã lợi dụng cơ hội thuận tiện, khôn khéo và chân thành trình bày với vua cha: “Thưa Cha, con trộm nghĩ: Davit không làm gì chống lại Cha. Tất cả những điều anh ta làm đều tốt đẹp và hữu ích cho Cha cũng như cho dân Israel… Chính Cha đã thấy những việc anh ấy làm và Cha đã vui mừng…” Những lời nói chân thành và hợp tình hợp lý của Gionathan, khiến nhà vua suy nghĩ. Sau đó, nhà vua trả lời: “Vậy, nhân danh Thiên Chúa hằng sống, cha hứa sẽ không tìm giết Davit nữa.”
Được Chúa Kitô quy tụ qua bí tích Rửa Tội, thành một dân thánh, một đoàn chiên, một gia đình, chúng ta phải chân thành và tích cực giúp đỡ nhau, bằng việc sửa sai cho nhau. Biết rằng đây là công việc khó khăn và là một thứ thuốc đắng, nhưng rất cần thiết và hiệu nghiệm, nên chúng ta phải nhẫn nại, khôn khéo và can đảm. Ngoài ra, còn cần sự trợ lực của Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện và hy sinh. Chính khi chúng ta cầu nguyện và hy sinh, Chúa sẽ biến đổi chúng ta thành những dụng cụ tốt, để biến đổi con tim của tha nhân.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN-A
“HÃY ĐI SỬA DẠY NÓ”- Lm. GB. Phan Kế Sự
“Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi”
Sửa dạy anh em, sửa sai những lầm lỗi hay nắn lại những lệch lạc thường là những công việc “tế nhị nhạy cảm” và ai cũng muốn tránh; trừ một số người sinh ra để kết án anh em: kẻ độc tài và gian ác!
Trách người cũng chính là trách mình. Nhận xét người cũng chính là vạch trần những cái xấu của mình. Sửa sai người cũng làm cho chính mình bị nhột nhạt và khó chịu. Một điều thật đơn giản là ai trong chúng ta cũng thật nhiều lầm lỗi, lắm khi còn nhiều thiếu sót hơn anh em mình. Tệ hơn, nó còn là bình phong, là tấm lá chắn cho những lầm lỗi của mình.
* Chúa yêu thương và đặc biệt quan tâm đến từng người chúng ta. Chúa luôn luôn muốn chúng ta thuộc về Người và không muốn ai trong chúng ta phải hư đi. Nhắc nhở anh em, tạo điều kiện giúp anh em trở lại con đường ngay, là Chúa muốn từng người chúng ta, cùng với Ngài, giúp cho người anh em mình trở về chính lộ, tránh đi những sai lầm đáng tiếc để trở thành một con người tốt. Trong cách xử thế, Chúa dạy chúng ta trước hết phải biết tôn trọng anh em “riêng ngươi và nó thôi”. Tình thương của Thiên Chúa luôn tạo điều kiện, dịp may, cơ hội để mỗi người chúng ta sống tốt hơn. Ngừơi đời vẫn thường dạy “chị ngã em nâng”.
* Phải có lòng tự trọng. Việc sửa sai phải đặt nền tảng trên đức bác ái Kitô giáo, chứ chẳng phải là sự bố thí của kẻ trên với kẻ dưới, càng không phải là sự kết án độc tài, độc ác như là một quan tòa đối với một tội nhân. Thái độ đặt anh em như là đối thủ để lên án, mà không hề biết tôn trọng, hỏi han lý lẽ, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, chỉ làm cho anh em ngày càng đi sâu vào sự hận thù, mất niềm tin và thất vọng. “Hãy đi sửa dạy nó” Chúa muốn mỗi người khi sống bên cạnh nhau, luôn là những người bạn chân thành, quảng đại và có trách nhiệm với nhau trước những lầm lỗi của anh em mình. Ai trong chúng ta mà chẳng có lần lầm lỗi và yếu đuối. Chính vì thế, việc bảo ban, nhắc nhở cho anh em mình, cũng chính là cơ hội để mỗi người “tự thức tỉnh mình”. Hãy hết sức tránh thái độ kẻ cả với anh em, với cộng sự của mình.
* Nền tảng của luân lý rất rõ ràng “Phương tiện xấu không thể biện minh cho mục đích tốt”. Vì thế, việc sửa dạy nhau không dựa trên “những lời đồn đóan”, càng không thể dựa trên những lời vu khống, bịa đặt, bêu giễu của những kẻ ác tâm. Chuyện không đơn giản là sửa sai, trách móc hay trừng phạt anh em bằng mọi thủ đọan; mà chính là tính minh bạch, công tâm và nhất là vì lợi ích cho cộng đòan chứ không phải nhằm vào việc thi hành quyền lực.
Việc sửa dạy anh em không phải là chuyện dễ, càng không được tùy tiện! Mỗi người trong chúng ta đều có cái hay cái dở, vì chẳng ai trong chúng ta là hòan hảo. Phải biết đặt mình vào chính hòan cảnh cụ thể của anh em, bởi chính chúng ta khi sống trong hòan cảnh đó, nhiều khi tình trạng của chúng ta coi chừng lại còn tệ hại hơn. Cũng đừng đem bụng ta để suy đóan bụng người, vì nhiều khi chúng ta suốt đời chỉ sống trong nhung lụa, môi trường “đi nâng về hứng”, còn anh em luôn phải đối diện với bao khó khăn, nhục nhằn. Mục đích của việc sửa dạy là “Phải được lợi cho người anh em”, chứ không phải lợi dụng cơ hội để đạp anh em tận xuống đáy bùn đen!
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, con người chúng con thật yếu đuối lầm lỡ, bởi chúng con mãi mãi là một thụ tạo bất toàn và hay sa ngã. Xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn ý thức về sự bất tòan của mình để có đủ thiện chí tiếp nhận những lời nhắc nhủ của anh em và luôn sẵn lòng tha thứ cho anh em. Xin hãy uốn nắn chúng con thành những người con ngoan hiền, dễ dạy để mãi mãi là những người con yêu dấu của tình thương Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- A
SỬA LỖI NHAU THẾ NÀO?– Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng
Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây: Một hôm, khi Đức Giám Mục A-mô-la đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống. Vị ẩn tu này đã không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án: “Hôm nay ngài đã đến đây thì ngài phải giải quyết dứt khoát tình trạng bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia”. Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám Mục quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình thì hoảng sợ và bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng.
Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ngài ung dung đi thẳng đến chiếc thùng gỗ và ngồi trên đó để nghỉ chân, rồi bình thản ra hiệu gọi dân làng vào và bảo: “Vào đây, anh chị em hãy vào mà lục soát túp lều để tìm người phụ nữ”. Họ lăng xăng lục lọi, nhưng không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà. Khi ấy, Đức Giám Mục mới nói: “Bây giờ anh chị em phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ”. Nhưng sau đó, khi mọi người đã kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục tiến lại gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy”.
Hai thái độ khác nhau đối với một người lầm lỗi giữa dân làng và Đức Giám Mục A-mô-la có thể giúp chúng ta hiểu giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay về việc sửa chữa lỗi lầm của nhau. Chúng ta thấy, ngược với phản ứng của dân làng, Đức Giám Mục A-mô-la đã cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giêsu. Trong một tình trạng khó xử, chúng ta thấy, trước hết, ngài đã tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân, để có dịp thuận tiện nói chuyện diện đối diện với vị ẩn tu. Tiếp đến, ngài đã không sửa lỗi ông như một người có thẩm quyền, trái lại, ngài đã dùng thẩm quyền của mình bảo vệ cho vị ẩn tu, để sau đó có thể khuyên nhủ ông như một người anh em. Sau cùng, dầu không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu đang vấp phạm, nhưng cũng không im lặng làm ngơ, ngài đã nêu bật mối nguy hiểm của lỗi lầm này đối với phần rỗi của đương sự, qua một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn”.
Sửa chữa anh em là một điều rất hợp thánh ý Chúa. Ngài không muốn cho tội nhân phải hư mất mà được hối cải và được sống. Sửa chữa nhau là điều luật của bác ái: yêu tha nhân như Chúa yêu thương chúng ta. Mà yêu người là muốn sự lành cho người, là lo lắng kéo người ta ra khỏi tình trạng tội lỗi, đưa đến chỗ thánh thiện.
Nhưng để việc sửa chữa anh em đem lại kết quả mong muốn, thì ngoài sự cầu nguyện là việc rất cần thiết cho mọi cuộc trở lại, chúng ta phải thực hiện theo phương pháp và thứ tự như Chúa Giêsu dạy. Trước hết là gặp gỡ riêng giữa hai người, chỉ hai người thôi, ta và người sai lỗi, nếu chưa kết quả, nhờ một hay hai người khác cùng góp ý, nếu không kết quả mới đưa ra cộng đoàn hay trình lên những vị có thẩm quyền để giải quyết, hoặc tiếp tục cầu nguyện. Nếu làm hết cách theo khả năng mà chưa kết quả, hãy nhận sự giới hạn của mình và phó dâng người anh em cho lòng nhân từ của Chúa.
Như vậy, giúp nhau sửa chữa lỗi lầm, thiếu sót là một việc rất tốt và rất cần, nhưng khi làm việc này chúng ta phải nhớ là chỉ nên gặp gỡ trực tiếp cá nhân mà thôi, cùng lắm chúng ta mới nên nói qua trung gian, vì như vậy tránh được một người khác biết lỗi lầm đó, và càng tránh được nhiều bao nhiêu càng tốt. Đồng thời chúng ta hãy tự hỏi: “Nếu tôi là người được sửa sai đó, tôi sẽ phản ứng thế nào?”. Tự hỏi mình như thế chúng ta sẽ biết mình phải nói gì và phải cư xử ra sao, bởi vì mỗi người đều có lòng tự ái.
Tóm lại, cầu nguyện cho nhau, cầu nguyện với nhau và sửa chữa lẫn nhau, đó là ba đặc tính của các cộng đoàn Ki-tô hữu hoặc trong các đoàn thể, các gia đình, các giáo xứ. Cầu nguyện cho nhau thì dễ, cầu nguyện với nhau khó hơn một chút, vì phải đồng tâm nhất trí, nhưng sửa chữa nhau là điều khó hơn cả. Việc sửa chữa nhau đòi hỏi một tình yêu thương cao độ, thứ tình yêu mà thánh Phaolô nói là chu toàn được tất cả mọi điều luật, nghĩa là gồm tất cả các đức tính khác, thứ tình yêu thành thật, thiết tha, thông cảm, cởi mở, đến nỗi người sửa lỗi có thể nói được tất cả và người được sửa lỗi có thể đón nhận tất cả. Tình yêu nơi người sửa lỗi nhiệt thành, muốn cho anh em nên tốt thật, và sẵn sàng hy sinh thời giờ, sức khỏe, nhẫn nại, chịu đựng, cũng như đem tất cả tài năng để tìm ra những biện pháp cần thiết, không kém tế nhị, để đưa người anh em tới chỗ tốt lành thánh thiện. Tình yêu nơi người được sửa lỗi phải thiết tha với sự trọn lành, tỏ ra biết ơn người sửa chữa mình, khiêm tốn và vui vẻ đón nhận, cũng như cương quyết thi hành những điều sửa bảo để nên tốt.