CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG(*)– Chú giải của Noel Quesson. 6
ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI…- Chú giải của Fiches Dominicales. 14
ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN VÀ MUỐI CHO ĐỜI (*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông 23
SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 35
MUỐI CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN- Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt 46
MUỐI CHO ĐỜI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 54
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG- Linh mục Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 57
SỰ SÁNG– Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 63
VÌ ĐỜI VÀ CHO ĐỜI- Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng. 69
LÀ MUỐI LÀ ÁNH SÁNG- Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri 74
DỤ NGÔN HẠT MUỐI- Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền. 77
MUỐI ĐẤT– Lm. Giuse Vũ Thái Hòa. 81
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN-A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Này đây Chúa phán: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Như thế, ngươi gọi, Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Chúa sẽ phán: “Này Ta đây”. Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 111, 4-5. 6-7. 8a và 9
Ðáp: Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay (c. 4a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phước đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình.
Xướng: Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa.
Xướng: Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang.
BÀI ÐỌC II: 1 Cr 2, 1-5
“Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan; tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 13-16
“Các con là sự Sáng thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.
“Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
Ðó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN-A
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG(*)– Chú giải của Noel Quesson
Bài giảng trên Núi đã bắt đầu từ Chúa nhật vừa qua bởi các mối Phúc thật sẽ được tiếp tục trong năm Chúa nhật. Matthêu đã tập họp ở đây những lời dạy của Đức Giêsu mà Maccô và Luca đã đặt vào những bối cảnh khác. Đó là dấu chỉ người ta có thể đưa ra những lời giải thích khác nhau. Những lời dạy của Đức Giêsu thường khá mở rộng để đón nhận nhiều ý nghĩa khác nhau.
“Chính anh em là muối cho đời”
Đức Giêsu nói với những người sống theo các mối phúc Người nghèo khó, người hiền lành, người xây dựng Hoà bình, người bị bách hại.. “chính anh em là muối cho Đời. Hình ảnh này gợi cảm và rất cởi mở, có thể đón nhận nhiều ý nghĩa bổ sung. Vào thời của Đức Giêsu, muối dùng để làm cho đất màu mỡ, dĩ nhiên có trộn với phân bón… Như một loại phân bón để mùa màng được tươi tốt. Ngày hôm nay, muối luôn luôn dùng để bảo quản thực phẩm… nó ngăn cản hoặc làm chậm lại sự phân hủy. Nhưng vai trò thông thường nhất của muối là đem lại hương vị: có muối, ngon đấy… không có muối, tất cả thành nhạt nhẽo.
Đức tin dùng để làm gì? Liệu tin vào Đức Giêsu và sống các mối Phúc thật có thay đổi gì không? Đức Giêsu trả lời: “Đem lại hương vị cho đời?”
Con người hiện đại, còn hơn cả con người của các thời đại trước đây bị chìm ngập trong sự tầm thường và buồn chán mỗi ngày: những cử chỉ máy móc và vô vị của công nhân làm việc theo dây chuyền… những khuôn mặt nhợt nhạt dưới ánh sáng đèn những… những đồ vật được tiêu chuẩn hóa ‘bằng nhựa dẻo…” sự nhạt nhẽo trong rất nhiều câu chuyện trao đổi thường ngày… sự cào bằng trước những ý thức hệ… Đời sống có còn thú vị gì không? Nếu người ta nói nhiều về “chất lượng đời sống” thì một cách chính xác chẳng phải người ta đã đánh mất chất lượng ấy hay sao?
Chính trong bối cảnh hiện tại này mà NGÀY HÔM NAY Đức Giêsu lại nói với chúng ta: chính anh em là muối cho đời! Anh em hãy đem niềm vui, sự táo bạo, nhiệt tình vào cái tầm thường mỗi ngày. Anh em hãy đem ý nghĩa đến cho những thực tế, thông thường có nguy cơ trở thành nhạt nhẽo. Anh em hãy đặt Nước Thiên Chúa vào trong các thực tế ấy. Anh em hãy thách đố mọi chủ nghĩa vô thần hiện đại đã bắt đầu loại bỏ đi “khả đăng siêu việt”, tức là muối, của nhân loại… để rồi sau đó không ngừng tuyên bố rằng đời sống là “phi lý” và không có ý nghĩa. Với Đức Giêsu mọi sự đâu có thể mang một ý nghĩa, một “hương vị”; dù là sự đau khổ, sự bách hại, cả cái già và cái chết, sự thất bại cũng xây dựng. Một nhà hiền triết đã viết như thế. Rên rỉ để làm gì? Ai sẽ nói giá trị mầu nhiệm và huyền diệu của thử thách đời sống trong sự hiệp thông với Đức Giêsu?
“Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy cái gì muối cho nó mặn lại? nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi”.
Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Người phải “chính thống” không trở thành nhạt nhẽo. Một Kitô hữu đã đánh mất “mùi vị Thiên Chúa”, mùi vị đích thực duy nhất sẽ trở thành vô dụng “Tin Mừng chính là muối, và các bạn sẽ làm ra đường từ muối đó”. Paul Claudel đã cao rao như thế.
Đức Giêsu mạnh mẽ cảnh báo chúng ta: sau một thời gian sống quảng đại và ác liệt, đức tin của chúng ta có thể bị biến chất. Động từ mà chúng ta dịch là “nhạt đi” hay biến chất cũng có nghĩa “trở nên mất trí”… đánh mất lương tri trở thành điên đại! Theo nghĩa của Kinh Thánh…nghĩa là đánh mất. sự khôn ngoan mà đức tin vào Thiên Chúa ban cho (Is 19,11). Thánh Phaolô cũng đồng hóa “muối” với “sự khôn ngoan”: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4, 5-6).
Nếu chúng ta trở nên quá vô vị, đó là vì chúng ta đã để cho sức mạnh ăn mòn của muối trong Tin Mừng yếu đi trong đời sống chúng ta. Nếu muối nhạt đi.. Tôi phải đối với giả thiết ấy cho tôi và đời sống của riêng tôi. Nếu mọi Kitô hữu không còn là muối nữa thì người ấy trở nên vô dụng, Người Kitô hữu “con tắc kè” chấp nhận mọi phương thức và mọi tâm thức của thế gian, mặc lấy màu sắc của môi trường người ấy sống, và trở nên vô dụng. “Tôi làm như vậy, bởi vì mọi người đều nghĩ như thế… bởi vì khắp mọi nơi, người ta làm như thế”; chúng ta có đánh mất tất cả nhân cách để theo lối sống tiêu thụ và duy vật không kìm chế không? Chúng ta có thủ lợi từ những bất công xã hội không? chúng ta có để cho mình rơi vào thái độ không hành đạo hoặc chủ nghĩa vô thần viện cớ rằng nhiều người làm như thế xung quanh chúng ta?
Đối với những người trở nên vô vị, với những Kitô hữu đang trở thành một chất thải màu sắc, không mùi vị, Đức Giêsu nói: “Anh em phải khác với thế gian, nếu anh em muốn là muối cho thế gian”..
Một yêu sách, đúng vậy. Nhưng trong một sự khiêm nhường cao cả. Không phải vì người ta là Kitô hữu mà người ta tự động là một con người cao siêu. Mỗi người chúng ta điều biết những giới hạn và những tội lỗi của mình. Nhưng thứ muối mà chúng ta phải đem lại cho thế gian không phải là lòng kiêu ngạo của các nhân đức cũng không phải sự cao siêu của chúng ta mà chính là “điều ‘ Thiên Chúa đã làm trong chúng ta”.
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.
Cách nói bóng bẩy thứ hai này có cùng một hình thức và ý nghĩa như cách nói đầu, nhưng còn cao cả hơn nữa! Phải là “mặt trời” cho thế gian! Không có ánh sáng, sẽ không có màu sắc, vẻ đẹp và sự sống nào cả. Đức Giêsu đã sống trong một xã hội tiền khoa học không biết được nhiều điều, nhưng xã hội ấy gần gũi thiên nhiên hơn chúng ta và cũng hiểu được nhiều điều hơn chúng ta về các thực tại sống. Giờ đây chúng ta, nhờ khoa học mà biết rằng không có ánh sáng, không thể có sự sống. Thật vậy; mặt trời là nguồn gốc duy nhất và cần thiết cho mọi năng lượng tồn tại trên hành tinh chúng ta.
Không có sự quang hợp các chất diệp lục trong cây cỏ thì cũng không thể có bất cứ đời sống sinh vật hoặc con người nào. Không có mặt trời, sẽ không có than đá, dầu hỏa và điện năng… bởi vì không có rừng và thủy triều, mặt trời là một hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa: suối nguồn của mọi sự sống! Từ khi thế giới được tạo dựng, một ánh sángtràn trề chiếu soi mọi vật. “Hãy có ánh sáng!” (St 1,2)
Đức Chúa là ánh sáng và là sự cứu chuộc của tôi” (Tv 27,1) “Tôi là ánh sáng của thế gian, Đức Giêsu đã nói: “Anh em phải chiếu sáng, như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Trở thành ánh sáng của thế gian quả là một trách nhiệm to lớn.
Bản thân chúng ta rất ít tỏa sáng. Chớ lấy đó mà sinh lòng kiêu ngạo.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng của Chúa. Trong đạo Do Thái, chỉ có Luật của Môsê và Đền Giê-ru-sa-lem mới được gọi là “ánh sáng”. Chúng ta nhận thấy cuộc cách mạng phi thường mà Đức Giêsu định thực hiện? Trước mặt Người là những con người hèn mọn, tật nguyền, bệnh hoạn, những con người đau khổ bởi mọi thứ giày vò (Mt 4,23). Đó không phải là những người đàn ông và đàn bà xuất chúng, nhưng là những, người nghèo khổ, không có văn hóa và cũng không có ảnh hưởng. Những con người không sùng đạo hơn những người khác, với đám đông đó, Đức Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian!”. Chính họ không phải là “ánh sáng” nhưng họ chỉ để ánh sáng xuyên qua và tỏa sáng qua họ đức tin mà họ có trong Đức Giêsu. Đức Giêsu tạo ra cho Người ý tưởng kỳ diệu về nhân phẩm con người khi người để cho Thiên Chúa phong chức cho mình!
Một thành xây trên núi khống tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ”
Từ bờ Hồ Ti-bê-ri-a, người ta thấy thành Safed, ở trên cao với cao độ hơn một ngàn mét, thành được xây trên những núi nằm ngang của dãy núi Ga-li-lê, chiếu ánh sáng của nó ra xung quanh. Đức Giêsu đã thoáng thấy những căn nhà màu trắng của thành được mặt trời chiếu sáng. Trong căn nhà nhỏ của gia đình, Đức Giêsu cũng thường nhìn thấy Mẹ Người. Đức Maria đốt đèn trong ngày Sa-bát. Một cái đèn khiêm tốn bằng đất nung nhưng đủ để soi sáng “cả nhà” trong gian nhà duy nhất của những nhà người nghèo ở Phương Đông. Hãy soi Sáng Đức Giêsu nói chúng ta hãy soi sáng.
Vấn đề ở đây không phải là sự phô trương của chủ nghĩa đắc thắng, như ngày nay người ta nói. Vì sau đó, Đức Giêsu sẽ khuyên chúng ta: “Khi làm việc lành phúc đức anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy” (Mt 6,1). Không phải chính chúng ta tự tôn giá trị của mình như những cách phô trương của những người Pha-ri-sêu mà Đức Giêsu từng đả kích (Mt 6, 1.6). Chỉ ánh sáng của Thiên Chúa mới có thể soi sáng anh em chúng ta. Nhưng ánh sáng ấy muốn soi sáng thông qua chúng ta. “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa sáng ngời trên gương mặt Đức Kitô. Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi”. (2 Cr 4, 6-7).
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.
Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng của Matthêu. Chúng ta nghe Đức Giêsu nói về “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Đức Giêsu ở đây mạc khải một định hướng và trách nhiệm to lớn của các Kitô hữu trong thế gian là phải trở thành “muối cho thế gian, mặt trời của hoàn vũ… không không phải vì vinh quang của riêng mình. Vinh quang ấy dùng để tôn vinh Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã là một người hoàn toàn tách ra khỏi trung tâm của bản thân mình và hoàn toàn hướng về Chúa Cha. “Tôi không cần người đời tôn vinh”, Đức Giêsu đã nói như thế (Ga 5,41)
Về phần chúng ta là những người tội lỗi, rõ ràng nếu chúng ta có chút gì là “muối” và “ánh sáng”, điều đó chỉ do Chúa Cha mà đến. Nếu bạn mạnh khỏe, vui vẻ, quảng đại và tự nhiên thanh khiết, đó là vinh quang của bạn và càng tốt cho bạn. Nhưng nếu bạn là một người yếu đuối mà Thiên Chúa làm cho mạnh mẽ, một kẻ tội lỗi mà Thiên Chúa cứu độ, một người. Ô uế mà Thiên Chúa không ngừng thanh huyện, một người hay thù oán mà Chúa Cha đã dạy sự tha thứ, một người quan tật sâu xa đến tiền bạc mà Thiên Chúa đã giải thoát khỏi mọi thứ của “cải của mình. Nếu bạn là một trong số những người nghèo, khó ấy, đã thất bại nhiều trong mọi thứ công việc mà vẫn hạnh phúc” bởi niềm vui của các mối phúc thật… lúc đó, trường hợp của bạn có thể làm anh em của bạn quan tâm, bởi vì sự khốn khổ của bạn cũng là của anh em bạn và chính họ, họ cũng có thể hy vọng được cứu chữa. Khi nhìn thấy điều tốt lành mà bạn, một người rất yếu đuối đã làm, họ có thể tôn vinh Cha của bạn, Đấng ngự trên trời.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI…- Chú giải của Fiches Dominicales
Sứ mạng của các môn đệ.
Trong các mối phúc Đức Giêsu đã công bố hạnh phúc cho những người đáp lại lời mời gọi của Ngài và bắt đầu theo Ngài: đó là các môn đệ. Hạnh phúc được ban cho họ từ bây giờ như một quà tặng, ngay trong những hoàn cảnh cụ thể và đôi khi ngay trong những hoàn canh đau khổ tột cùng của đời sống “Nước Trời và của họ”; một ngày kia hạnh phúc ấy sẽ triển nở trong ánh sáng của đời sau: “Phần thưởng của anh em sẽ lớn lao trên trời”.
Tiếp theo lời mở đầu của bài giảng trên núi, Đức Giêsu xác định sứ mạng của các môn đệ Ngài: anh em là muối cho đời… anh em là ánh sáng thế gian. Chúng ta đã bao giờ có một định nghĩa hay hơn định nghĩa này về Giáo hội không? giáo Hội không phải là một cái bình xoay trong đó là những người được cứu độ (ngoài Giáo Hội không có sự cứu độ), nhưng vì ánh sáng trên núi cao chiếu tỏ ý nghĩa cuộc sống và cắm nọc tiêu chỉ đường cho những ai sống trong bóng tối (Is 60), ánh sáng này qui chiếu về nguồn mà nhờ đó nó tỏa sáng! (Cahier Evangile, số 9, tr. 11) trong thế giới sê-mít nơi Đức Giêsu công bố giáo huấn này và nơi Thánh Mátthêu viết Tin Mừng của ngài, muối là một thực tại hằng ngày chứa rất nhiều ý nghĩa biểu tượng. Được dùng trong việc chuẩn bị bữa ăn để cho các món ăn thêm hương vị, muối đã trở nên biểu tượng của tất cả những gì làm cho hiện hữu có hương vị và ý nghĩa, đàng khác một điều đáng chú ý là trong tiếng Latinh, “nếm” (sapere) và “khôn ngoan” (sapientia) có cùng một gốc và trong tiếng Hy lạp và tiếng Do thái, có cùng một động từ vừa có nghĩa “lạt đi” “trở nên lạt lẽo” vừa có nghĩa trở nên vô nghĩa”.
Được dùng trong việc bảo quản thức ăn, muối đã trở nên biểu tượng của sự vĩnh hằng và được sử dụng trong những nghi lễ giao ước – người ta nói Giao ước của muối” (2 Sb 13, 5 và Lv 2, 13) và trong những nghi lễ đón tiếp và cho khách ở trọ. Muối không được lạt đi! Cl. Tassin chú giải: các môn đệ đem hương vị cho đời và bảo đảm sự sống còn của thế gian trước mặt Thiên Chúa. Nhưng nếu họ không đảm đương được công việc này và đánh mất tinh thần các mối phúc, họ sẽ chẳng còn giá trị gì và Thiên Chúa sẽ từ bỏ họ”. (Tin Mừng thánh Mátthêu, Centurion, 1991, tr.62).
và “ánh sáng thế gian”.
Để giúp các môn đệ hiểu rõ hơn sự lớn lao và những đòi hỏi của sứ mạng Ngài trao, Đức Giêsu dùng hai hình ảnh.
Trước hết, Ngài nói đến một “thành xây trên núi” có lẽ cảnh trí của thành Safed đã gợi ý cho Ngài. Thành này nằm trên mũi đá phía đông-bắc rặng Haute-Galiê nên ban ngày, những ngôi nhà mầu trắng phản chiếu ánh sáng mặt trời và ban đêm nó tỏa sáng. “Trở nên ánh sáng thế gian”, đó là lời các ngôn sứ loan báo về tương lai của Giêrusalem vào thời Đấng Thiên sai: thành này sẽ là thành phố ánh sáng trên núi mà mọi dân tộc sẽ đi về đó. Là ánh sáng cho thế gian” là sứ mạng được trao cho cộng đoàn các môn đệ. Rồi Ngài nói với các môn đệ người ta đốt đèn không phải để giấu nó “dưới đáy thùng” -dùng để xếp đồ trong những ngôi nhà xứ Palestine- nhưng là để trên “giá đèn” hầu soi cho tất cả mọi người trong nhà. Cộng đoàn các môn đệ mà Ngài sai đến trong thế gian cũng phải như vậy.
Cl.Tassin kết luận: Giáo Hội sẽ thi hành sứ mạng là muối cho đời và là ánh sáng thế gian, bởi sự chôn vùi và sự tỏa sáng chứ không phải là tham vọng chinh phục về địa dư (Sách đã dẫn)
BÀI ĐỌC THÊM
Muối và ánh sáng:(Đức cha L. Daloz, trong “Nước Trời đến gần” Desclée de Brouwer, 1 994, tr.48-49)
“Anh em là muối cho đời”. Để có ích, muối không được mất vị của nó: nó chỉ là gia vị! Chính nó không phải là thức ăn, ít ra thường là như vậy: nó giúp cho thúc ăn có hương vị. Trở nên nguồn hương vị thơm ngon, đó là nét độc đáo của chúng ta, những người theo Đúc Kitô, trong thế giới chúng ta đang sống. Nét độc đáo này giúp chúng ta trở nên hữu ích cho đời nhờ sự khác biệt của nó. Chúng ta không được đánh mắt sự khác biệt này: Nếu muối: lạt đi thì lấy gì ướp nó mặn lại được? Sự khác biệt của chúng ta không ở nơi bản chất riêng của mình hay nơi những tính tốt chúng ta có, chúng ta không tự hào là những người tốt nhất hoặc muốn dạy người khác. Chúng ta cũng được nhào nặn bởi cùng một-thứ bột như tắt cả mọi người. Chúng ta cũng gặp những thuận lợi và những chướng ngại trong chúng ta và chung quanh chúng ta như mọi người. Nhưng chúng ta ra lạt khi không còn liên kết với Đức Kitô, khi không còn qui chiếu về Ngài, khi Ngài không còn là men cho đời sống chúng ta. Lúc đó cuộc sống chúng ta và thế giới chúng ta sống sẽ thiếu hương vị, bởi vì sứ mạng của chúng ta là làm cho thế giới này biết thưởng thức Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài! Hình ảnh ánh sáng nối tiếp và làm rõ hình ảnh về muốí: Anh em là ánh sáng thế gian ánh sáng là để nhìn, chúng tự nó không đủ. Nó vô dụng nếu nó không soi cho thấy gì hết. Đức Giêsu đặt các môn đệ của Ngài trong thế gian ta qui chiếu với thế gian. Ngài không kêu gọi họ đóng khép kín, tách rời người khác. Thánh Gioan cũng nói như vậy nhưng diễn tả cách khác: Con sai họ đến trong thế gian (Ga17, 18). Chính vì vậy, các Kitô hữu sống trong thế gian và trong những hoàn cảnh như mọi người không những là điều bình thường mà còn cần thiết nữa…không sống trong một thế giới khác! Chúng ta phải thực hiện những công việc của ánh sáng, nghĩa là những hành vi tốt hay những việc làm tốt được ánh sáng Thiên Chúa soi chiếu để trở thành những việc làm của chính Thiên Chúa. Nói vậy không có nghĩa là Thiên Chúa mời gọi chúng ta tin rằng mình là người tốt hơn người khác hoặc tự mình, mình có thể hành dộng tốt hơn họ, bởi vì mọi công việc chúng ta làm đều qui về vinh quang Thiên Chúa là nguồn ánh sáng: ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Nơi Đức Giêsu, ánh sáng đã tỏa chiếu trong thế gian. Chúng ta chỉ phản chiếu lại ánh sáng này. Đời sống, hành vi của chúng ta trở nên tấm gương phản chiếu vinh quang Thiên Chúa, trở nên nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người”.
“Thấm nhập vào nơi thâm sâu của thế giới bằng sức mạnh linh hoạt của muối và sự chiếu toả của ánh sáng”(J. Guiuet. Trong Giêsu trong niềm tin của các môn đệ đầu tiên, Desclée de Brouwer, 1995, tr.110-111).
“Matthêu đã xen kẽ hai đoạn ngắn với hình thức dụ ngôn về muối và ánh sáng vào giữa các Mối Phúc và những điều Đức Giêsu công bố về Luật (Do Thái). Cả hai đoạn này đều nhắm một nhóm riêng, phân biệt rõ ràng với những người đi theo nghe Ngài giảng, bởi vì nhóm này phải hành động theo lời Ngài dạy: “Anh em là muối cho đời”, “Anh em là ánh sáng thế gian” (Mt 5,16). Trong bối cảnh Bài giảng trên núi, rõ ràng Đức Giêsu nói với các môn đệ theo Ngài. Và nếu không loại bỏ đám đông náo nức theo Ngài, chúng ta có thể tin rằng sứ điệp của Đức Giêsu đã gây một tiếng vang nào đó trong đám đông và có thể một hạt nhân các môn đệ thành hình, gồm phụ nữ và đàn ông muốn theo Chú, tuy nhiên họ không làm thành một dân tộc mới, họ vẫn luôn thuộc về dân của Abraham, của Môi-sen: họ là những người mang sứ điệp mới trong dân tộc họ. Điều này không có gì là lạ bởi vì người Israel đã có thói quen nghe các ngôn sứ nói đến tương lai mà Thiên Chúa đang chuẩn bị, tương lai đó có lúc đen tối, có lúc lại rực rỡ. Tuy nhiên, tương lai Đức Giêsu phác họa hoàn toàn khác trước.
Ở đây sự song hành với biến cố Sinai giúp làm sáng tỏ hơn. Một nhóm nhỏ những người dân giã tương ứng với dân chúng đông đảo tụ tập dưới chân núi của Thiên Chúa. Nhưng trong khi ơn gọi của dân Israel là làm chứng cho Thiên Chúa và là dấu chl sự chúc phúc của Thiên Chúa ở giữa các dân tộc, thì sứ mạng của nhóm hạt nhân nhỏ này là thẩm nhập vào nơi thâm sâu của thế giới bằng bức mành linh hoạt của muối vô sự chiếu tỏa của ánh sáng. Abraham là người được Thiên Chúa chúc phúc và mọi dân tộc trên mặt đất đều được chúc phúc qua ông (St 12,1). Dân lsrael của Môisen phải trở nên một dân lớn và mọi dân tộc khác đều thán phục cách ăn ở và tinh thần của họ: Khi biết đến các lề luật này, họ sẽ thốt nên: Chỉ có một dân tộc khôn ngoan và minh mẫn, đó là dân tộc lớn này. Thật vậy, có dân tộc nào lớn đến nỗi các thần linh của họ gần gũi họ như Giavê, Thiên Chúa của chúng ta ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Ngài”. (Dnl 4,6) Theo Đức Giêsu chỉ có một số môn đệ. Tuy sống trong lòng một thế giới còn chưa biết đến mình, nhưng họ lại mang theo mình một sức mạnh khả dĩ biến đổi thế giới. Bởi vậy, sự tỏa chiếu của các mối phúc trở nên động lực cuộc sống.
“Xin hãy trao ban chính bạn làm muối ướp đời tôi”.(H. Denis, trong ‘100 từ để nói về niềm tin’, Desclie de Brouwer, 993, 95-96).
“Muối! Tại sao lại chọn vật nhỏ bé chẳng là chi hết ngoài công dụng như một thứ gia vị? Một số Kitô không còn quen dùng nữa. Giáo Hội đôi khi còn nuối tiếc việc bỏ không dùng muối trong bí tích rửa tội. Một sự tiếc nuối vô ích khi mà nó không thúc đẩy người ta dấn thân.
Muối Tin Mừng còn quan trọng hơn một nghi lễ rất nhiều Bạn hãy mường tượng và chúng ta còn sửng sốt về điệu này muối là chính bạn là chính tôi, là tất cả môn đệ Đức Giêsu. Môn đệ Đức Giêsu là phải là muối cho đời. Chỉ vậy thôi! Một tham vọng ghê gớm, nếu chứng tá tự cho mình là những người tốt nhất, là giả vị duy nhất trong đám đông nhạt thếch, không có vị mặn. Nhưng đó sẽ là một trách nhiệm lớn lao nếu Đức Giêsu trao cho chúng ta một sứ mạng như vậy và cách thế để thực hiện nó. Vâng, trước hết chúng ta có trách nhiệm của một loại giao ước giữa cái là muối và cái chưa phải là muối. Môt thế giới không có muối thì chẳng có một chút hương vị nào, nhưng nếu ở ngoài thế giới này thì muối cũng vô dụn, Kitô hữu và thế gian là hai thành phần liên kết với nhau. Cả hai được tạo dựng để trộn lẫn với nhau. Hơn nữa, người trước tiên được lợi chính là người Kitô hữu, vì họ phải ướp mặn nơi họ tất cả những gì chưa là Kitô hữu. Một trách nhiệm khác mầ bạn biết rất rõ, đó là đừng la nhạt. Bạn đừng nghĩ rằng để tránh điều này bạn phải trốn khỏi thế gian ắt hẳn sẽ có nguy cơ bị tan rã ở đó cách đơn thuần và dễ dàng. Nhưng muối mà chất đống và để nguyên một chỗ cũng có nguy cơ bị phân hủy đi. Vậy bạn hãy nói cho tôi biết, nếu giữa người với người, giữa những Kitô hữu với nhau, chúng ta cố gắng duy trì vị hương cho thế giới của chúng ta thì phải làm thế nào? Không thể chỉ cậy vào mình. Phải có thể nói: Xin đưa cho tôi chút muối? như là trong bữa ăn của đôi vợ chồng, của cha mẹ và con cái. Vâng, nếu có bao giờ Tin Mừng nơi bạn nhạt nhẽo đi thì luôn có một người anh, một người chị để bạn hoàn toàn tin tưởng nói với họ: “xin hãy trao ban chính bạn làm muối ướp đời tôi!”.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN- A
ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN VÀ MUỐI CHO ĐỜI (*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên năm A nhấn mạnh sức mạnh của lời chứng: sức mạnh này làm cho người tín hữu trở thành con người của ánh sáng (Bài Đọc I và Tin Mừng) và qua sự yếu đuối của phàm nhân, chứng thực quyền năng Thiên Chúa (Bài Đọc II).
Is 58: 7-10
Bài Đọc I được trích từ phần thứ ba của sách I-sai-a, phần này được biên soạn vào thời hậu lưu đày (sau năm 538 trước Công Nguyên). Vị ngôn sứ khuyên bảo hãy thực thi đức ái huynh đệ, quan tâm đến những người không nơi nương tựa, những người túng thiếu, đó là điều kiện để trở thành một con người chiếu giải ánh sáng Thiên Chúa.
1Cr 2: 1-5
Thánh Phao-lô nhắc cho các tín hữu Cô-rin-tô nhớ rằng khi đến với họ, thánh nhân đã cảm thấy yếu đuối và sợ hãi (thánh nhân vừa mới chịu thất bại ở A-thê-na, ở đó sự khôn ngoan của Tin Mừng đã đụng chạm đến sự khôn ngoan phàm nhân). Nhưng sự yếu đuối này bày tỏ sức mạnh của Thần Khí trong sứ mạng gian khó của ngài là làm chứng cho Đức Ki-tô chịu đóng đinh.
Mt 5: 13-16
Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su khuyên các môn đệ Ngài hãy làm chứng niềm tin của họ: như vậy, họ sẽ đem đến một vị mặn thần linh cho những sự vật trần thế và sẽ trở nên ánh sáng cho thiên hạ.
BÀI ĐỌC I (Is 58: 7-10)
Bản văn tuyệt đẹp này xem ra thuộc vào thời kỳ những người lưu đày ở Ba-by-lon trở về Giê-ru-sa-lem (cuộc hồi hương khoảng năm 538 trước Công Nguyên). Tác giả của nó chắc chắn là một môn đệ của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, ông được gọi dưới biệt danh là ngôn sứ I-sai-a đệ tam.
*1.Cách ăn chay mà Chúa ưa thích là thực hành đức ái:
Giáo Hội có chủ ý mời gọi chúng ta suy niệm bản văn này để chuẩn bị bước vào Mùa Chay. Quả thật, lời khuyên bảo được gởi đến những tín hữu thực hành chay tịnh và sám hối trong niềm mong chờ Thiên Chúa thi ân giáng phúc.
Vị ngôn sứ vạch cho thấy những khổ chế này chỉ là công việc đạo đức vô giá trị nếu không đi kèm theo việc thực hành đức ái. Cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích:
“Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước những anh em cốt nhục?” (Is 58: 7)
*2. “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông”:
Vị ngôn sứ sánh ví những thành quả của đức ái với ánh mặt trời vào lúc rạng đông. Trong những xứ sở Cận Đông ánh bình minh là một yếu tố thiết yếu của cuộc sống thường ngày. Ánh bình minh đồng nghĩa với hạnh phúc, niềm vui, thịnh vượng.
“Bấy giờ, ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành” (58: 8a)
Đây sẽ là một ngày mới, một cuộc tái sinh thực sự không chỉ về phương diện luân lý nhưng còn cả về thể xác nữa vì sức lực sẽ được phục hồi mau chóng.
*3. “Đức Công chính ngươi sẽ mở đường phía trước”:
“Đức công chính sẽ mở đường phía trước,
vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi” (58: 8b)
Trong vế thứ nhất của câu này, từ Híp-ri được dịch “đức công chính”, theo văn mạch cũng có nghĩa “chiến thắng”. Chắc chắn sắc thái ngữ nghĩa này phải được hiểu ở đây. Đức công chính mà người tín hữu thực hành được sánh ví với những chiến lợi phẩm sẽ mở đường phía trước người chiến thắng.
Vế thứ hai được dịch sát chữ: “Vinh Quang Thiên Chúa sẽ là hậu quân của ngươi”. Đây là hình ảnh của đám rước khải hoàn.
*4. Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả:
Nhịp tăng dần của nhà thơ còn đi xa hơn khi tác giả khẳng định rằng Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả người thực hành đức ái. Đây là cách thức diễn tả cuộc đối thoại thường hằng giữa Thiên Chúa và người công chính.
“Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!” (58: 9)
Vị ngôn sứ một lần nữa liệt kê những cử chỉ bác ái và một lần nữa sánh ví thành quả của chúng với thành quả của ánh sáng, nhưng lần này với ánh sáng nội tâm. Sự rực sáng của thiện nhân chẳng khác nào sự chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa:
“Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thỏa lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (58: 10).
BÀI ĐỌC II (1Cr 2: 1-5)
Trong đoạn trích thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô này, thánh Phao-lô tiếp tục biện luận về sự khôn ngoan Thiên Chúa và sự khôn ngoan phàm nhân. Thánh nhân giải thích cho các tín hữu Cô-rin-tô hiểu rằng sự khôn ngoan Thiên Chúa được bày tỏ qua những người khiêm hạ, điều này được kiểm chứng bởi muôn ân sủng mà họ nhận được.
*1.Quyền năng Thiên Chúa được bày tỏ ở nơi sự yếu đuối:
Bản thân thánh nhân là một trong những ví dụ đó. Khi đến với họ, thánh nhân đã cảm thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy, và chẳng có lời lẽ hùng biện. Chẳng phải sự hùng biện phải câm nín khi loan báo một Đức Ki-tô chịu đóng đinh sao? Thánh Phao-lô thích nhấn mạnh sự tương phản giữa sự yếu đuối của ngài, sự bé nhỏ của những phương tiện ngài sử dụng và ảnh hưởng của lời ngài rao giảng. Thánh nhân muốn công bố rằng “quyền năng Thiên Chúa được thực hiện ở nơi sự yếu đuối” (2Cr 12).
Đừng hiểu “sợ sệt và run rẩy” theo nghĩa đen, đây là một thành ngữ. Chúng ta gặp lại thành ngữ này trong thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô khi thánh nhân gợi lên việc các tín hữu này đã đón tiếp nồng hậu người cộng tác viên của ngài là ông Ti-tô: “Lòng anh ấy càng tha thiết quý mến anh em, khi nhớ lại anh em đã vâng lời, đã kính sợ và run rẩy đón tiếp anh” (2Cr 7: 15). Đây là cách diễn tả thái độ khiêm tốn và kính trọng, dẫu rằng vào lúc đó thánh nhân có nhiều lý do để lo lắng: những vết thương do việc đánh đòn mà thánh nhân đã chịu ở Phi-líp-phê chưa lành hẳn; những quấy nhiễu của người Do thái ở Thê-xa-lô-ni-ca đã buộc thánh nhân phải trốn chạy; mới đây, cách tiếp đón lạnh nhạt của dân thành A-thê-na.
*2.Hậu cảnh: cuộc thất bại ở A-thê-na:
Thánh Phao-lô đã đến Cô-rin-tô vào năm 50 từ A-thê-na ở đó thánh nhân đã nếm mùi thất bại. Ở nơi đỉnh cao của sự khôn ngoan và triết học, thánh nhân đã không được hiểu. Sứ điệp của Đức Ki-tô đã không dễ dàng hòa nhập vào giữa những suy luận ngoại giáo, thậm chí bởi những lời lẽ hùng biện. Vì thế, ở Cô-rin-tô, thánh nhân sử dụng một phương pháp khác. Thánh nhân không dùng “lời lẽ khôn ngoan để thuyết phục”, nhưng để cho Thần Khí hoạt động qua những lời đơn sơ giản dị của mình và cách hành xử khiêm hạ của mình.
Đừng nghĩ rằng thánh nhân kết án sự hùng biện, vì lẽ thánh nhân mượn ở nơi nghệ thuật này biết bao điều tốt đẹp, cũng không sự khôn ngoan phàm nhân, vì lẽ thánh nhân ca ngợi đức điều độ của người Hy-lạp. Nhưng thánh nhân kết án sự khôn ngoan khi mà nó tự phụ áp dụng những tiêu chuẩn của mình vào một sứ điệp vượt quá nó. Đây là điều mà những người Hy lạp này với tinh thần tinh tế xem ra cư xử Tin Mừng như một sự chọn lựa khôn ngoan hay lời dạy của nhà hùng biện.
TIN MỪNG (Mt 5: 13-16)
Bản văn này được trích từ Bài Giảng Trên Núi của thánh Mát-thêu và trực tiếp kết nối với các “Mối Phúc” (5: 3-12) qua trung gian của các câu 11-12 với cách xưng hô ở ngôi thứ hai số nhiều: “Anh em”. Bản văn này được gởi đến không phải cho những người môn đệ đặc biệt, nhưng cho tất cả những ai tự nhận mình là môn đệ của Chúa Giê-su. Qua bản văn này, cộng đoàn Ki-tô hữu được nhắc nhớ đến bổn phận truyền giáo. Khi đề cập đến sứ mạng của người môn đệ “trong thế gian”, Đức Giê-su khuyên các môn đệ Ngài hãy làm chứng niềm tin của họ, như vậy họ sẽ đem đến một bản sắc mặn mà thần linh cho những sự vật trần thế và sẽ trở nên ánh sáng chiếu soi thiên hạ.
*1.Muối cho đời (5: 13).
Đây không là một gợi ý hay một lời đề nghị về một lý tưởng nên theo, nhưng là một lời khẳng định về cách sống, một ơn gọi: “Chính anh em là muối cho đời”. Kiểu nói này có mối liên hệ với Xh 19: 6: “Còn các ngươi, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế cho Ta và một dân thánh”. Như Đức Chúa đã chọn dân Ngài giữa chư dân và xác định cách sống của họ, Đức Giê-su cũng chọn các môn đệ giữa loài người và giờ đây xác định sứ mạng của họ phải là “muối cho đời”. Với hình ảnh này, Đức Giê-su muốn nói lên điều gì?
Trước hết, muối là một thứ gia vị đem lại vị mặn mà cho thức ăn, muốn được như thế, muối phải hòa tan vào thức ăn. Như muối chấp nhận hòa tan vào thức ăn để đem lại vị mặn mà cho thức ăn như thế nào, thì người Ki-tô hữu là “muối cho đời” cũng phải chấp nhận hòa tan vào trần gian để đem lại vị mặn nồng cho những người chung quanh như vậy.
Thứ nữa, muối còn có công dụng là bảo tồn thức ăn cho khỏi hư, như ca dao Việt Nam đã nói: “Cá không ăn muối, cá ươn”. Từ đó, muối ám chỉ đặc tính “lâu bền” của một khế ước như Thánh Kinh nói: “giao ước muối”, nghĩa là một Giao Ước bền vững (Ds 18: 19; Lv 2: 13; 2Sb 13: 5). Thánh Mác-cô gợi lên biểu tượng này của muối: “Anh em hãy giữ muối trong lòng mình, và sống hòa thuận với nhau” (Mc 9: 50). Dâng hiến “bánh và muối”, chính là đề nghị tình bạn, ký kết một giao ước. Vì thế, với tư cách là “muối cho đời” người Ki-tô hữu có sứ mạng bảo tồn cho trần gian khỏi hư hỏng.
Ngoài ra, diễn ngữ: “muối cho đời” được dịch sát từ: “muối của đất”, để nói lên công dụng khác nữa của muối là làm phân bón cho đất thêm tốt. Ngày xưa, tại Ai-cập và tại Pa-lét-tin, nhà nông cho muối vào phân để phân tốt, nhờ đó đất sẽ phì nhiêu hơn, như thánh Lu-ca gợi lên công dụng này của muối: muối mà nhạt đi thì “dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp” (Lc 14: 34-35). Vậy khi Đức Giê-su nói: “Anh em là muối của đất”, Ngài muốn nói rằng người Ki-tô hữu phải làm sao cho thiên hạ được tốt, tốt mãi, tốt hơn.
Điều cốt yếu chính là muối vẫn là muối, thì mới giữ được giá trị và tính hữu hiệu của mình. Nếu muối mất đi vị mặn của mình thì trở nên vô ích, cũng vậy nếu cuộc đời của người Ki-tô hữu bị biến chất, mất đi tinh thần Bát Phúc thì chẳng còn có giá trị gì: “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?”.
Nói cho cùng, khi khẳng định các môn đệ là “muối cho đời”, Đức Giê-su cho hiểu rằng mỗi người Ki-tô hữu không chỉ nổ lực thánh hóa bản thân, nhưng cũng phải thánh hóa tha nhân. Khi khẳng định sứ mạng của người Ki-tô hữu là “muối cho đời”, Đức Giê-su nghĩ đến khía cạnh tiểu số của những người Ki-tô hữu. Trong đống bột nhân loại bao la, những Ki-tô hữu phải là một nhúm muối đem lại vị mặn mà của Thiên Chúa. Họ là những sứ giả của Tin Mừng, Tin Mừng không xuất phát từ thế giới này.
*2.Ánh Sáng cho trần gian (5: 14-16)
Kiểu sánh ví người môn đệ với ánh sáng là kiểu nói quen thuộc của Kinh Thánh: xưa kia, vua Đa-vít là ánh sáng cho dân Ít-ra-en (2Sm 21: 17), người Tôi Trung của Đức Chúa là ánh sáng cho chư dân (Is 42: 6; 49: 6) và dân Ít-ra-en là ánh sáng cho muôn dân nước để họ biết đường về cùng Thiên Chúa chân thật (Is 60). Kiểu nói này được dịch sát từ: “Ánh sáng của trần gian”, có nghĩa người môn đệ Chúa Ki-tô phải chấp nhận dấn thân vào trần gian như một công dân của trần thế để từ đó mới có thể làm cho thế gian rực sáng các mối Phúc. Khi nói: “Một thành xây trên núi”, Chúa Giê-su chắc chắn ám chỉ thành Giê-ru-sa-lem vào ngày Đấng Cứu Độ đến, như lời loan báo của I-sai-a (Is 2: 2-4). Thế thì, ngày cánh chung, Giê-ru-sa-lem, tức là Giáo Hội, sẽ chiếu tỏa xuống chư dân, vì chính tại Giê-ru-sa-lem, chư dân học biết Luật Chúa (Is 2: 3).
Chúa Giê-su dùng một hình ảnh rất thân quen: “Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại đặt dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế”. Trong mỗi căn nhà của người Do thái, người ta thường gặp thấy một cái đấu có dung tích khoảng mười hai lít ngũ cốc. Nhiều người nghèo dùng cái đấu này làm đế đèn. Công dụng của “đèn thắp sáng” là chiếu sáng cho mọi người trong nhà: “Đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà”. Cũng vậy, do ơn gọi, người Ki-tô hữu phải thông chia ánh sáng cho người khác. Chính họ không được để mình thiếu ánh sáng và không được thiếu trách nhiệm vì không tạo được ảnh hưởng cho môi trường sống chung quanh.
Đây không phải là sự phô trương mà Chúa Giê-su đòi hỏi ở nơi các môn đệ Ngài; nhưng họ phải chiếu giải ánh sáng của Thiên Chúa bằng những công việc tốt đẹp họ làm: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ”. Lúc đó, những ai nhìn thấy ánh sáng “sẽ tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Những lời này loan báo kinh Lạy Cha, chẳng bao lâu sẽ được Ngài dạy cho các môn đệ Ngài. Bản chất của ánh sáng chính là “những công việc tốt đẹp anh em làm”, hay chính xác hơn, “những việc thiện”. Những việc thiện là hoa trái của đức ái, đó là yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương chúng ta (x. Ga 15: 12).
Công Đồng Vatican II nhấn mạnh bổn phận của người Ki-tô hữu là làm tông đồ: “Giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội: để lãnh nhận Phép Rửa và Thêm sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ: đàng khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông phần và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không là muối của thế gian. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo Hội, ‘tùy theo độ lượng ân sủng Chúa Ki-tô ban cho’ (Ep 4: 7)… Bởi vậy, nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại” (Hiến Chế Giáo Hội, 33).
SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Anh chị em thân mến
Chúa nhựt vừa qua, Lời Chúa cho chúng ta biết chúng ta rất hạnh phúc vì được làm công dân Nước Trời. Lời Chúa hôm nay sẽ dạy chúng ta biết sứ mạng cao cả của người công dân Nước Trời.
Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa để hiểu sứ mạng ấy là gì, và chúng ta hãy sốt sắng xin Chúa giúp chúng ta thi hành sứ mạng cao cả ấy.
– Chúng ta chưa hãnh diện vì được làm công dân Nước Trời. Ngược lại có khi còn che dấu hoặc xấu hổ vì điều ấy.
– Sống với những người chưa biết Chúa, chúng ta chẳng những không mang lại điều gì tốt cho họ, trái lại còn lây nhiễm những thói xấu của họ.
– Sống giữa những người khác, chúng ta không nêu gương sáng, ngược lại có khi còn làm gương mù gương xấu.
Trong thời gian dân do thái bị lưu đày bên Babylon, không còn Đền thờ, không còn các lễ nghi, các tư tế và luật sĩ sợ đức tin của dân bị phai lạt nên đã nhấn mạnh rất nhiều vào những hình thức đạo đức như ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Đáng tiếc là vì quá nhấn mạnh đến hình thức, họ sao nhãng phương diện tinh thần. Khi dân do thái từ chốn lưu đày trở về, cách sống đạo của họ cũng nặng phần hình thức.
Đoạn này thuộc về phần III của sách Isaia (các chương 56-66, được gọi là Đệ Tam Isaia), được viết khi dân do thái từ chốn lưu đày đã được trở về quê hương. Tác giả nhắc nhở người ta phải sống đạo có chất lượng, để làm sao cho cuộc sống mình như một ngọn đèn tỏa sáng trước mặt mọi người.
Cách sống như một ngọn đèn tỏa sáng là :
– Lấy của cải mình giúp cho người nghèo đói.
– Đón vào nhà mình những kẻ tứ cố vô thân
– Đem áo cho kẻ trần truồng
– Không khinh bỉ người đồng loại
– Loại khỏi lòng mình những xiềng xích, hăm dọa, nói xấu v.v.
Được như thế thì “Sự sáng của ngươi tỏa rạng như hừng đông”
Tv 111 mô tả cách sống của người công chính : một mặt đầy lòng kính mến Chúa, mặt khác hết lòng yêu thương tha nhân. Người công chính được so sánh với ánh sáng xuất hiện trong đêm tối : “Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay.”
*3. Tin Mừng (Mt 5,13-16) : Các con là sự sáng thế gian
Sau khi công bố Tám mối phúc thật (Tin Mừng Chúa nhựt IV vừa qua), Đức Giêsu khuyến khích các môn đệ, những công dân mới của Nước Trời, hãy đem những giáo huấn của Ngài ra thi hành. Làm được như thế, họ sẽ trở thành muối ướp mặn cho đời và ánh sáng chiếu soi cho trần gian.
Văn mạch : Tín hữu Côrintô chia rẽ nhau (đoạn được trích đọc Chúa nhựt III), lý do là họ tự cho mình là khôn ngoan hơn người khác. Phaolô bảo rằng cái mà thế gian cho là khôn ngoan thì thực ra chỉ là điên dại trước mặt Chúa, còn cái mà thế gian cho là điên dại lại thì sự khôn ngoan (Chúa nhựt IV)
Trong đoạn được trích đọc hôm nay, Phaolô đưa bản thân mình ra làm gương :
– Về nội dung rao giảng : không giảng về sự khôn ngoan của loài người, mà về sự điên rồ của Thập giá.
– Về cách thức : không dựa vào uy thế của tài hùng biện, không dùng những lời quyến rủ của thế gian, nhưng chân thành đến với tín hữu “trong sự yếu hèn, run rảy và sợ hãi”.
Ánh sáng chiếu ra ngoài nó hay chiếu vào trong nó ?
Đương nhiên là chiếu ra. Cây đèn có sức chiếu sáng, nhưng không phải chiếu cho nó mà cho chung quanh nó. Chính Đức Giêsu đã nói : “Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của chúng con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
Hình ảnh cây đèn rất đơn sơ, nhưng lý giải được rất sâu sắc những bế tắc của đức tin nơi nhiều người môn đệ Chúa : Tại sao đức tin của họ không lớn mạnh lên mà còn nhỏ yếu đi ? Tại sao đức tin ấy như không đủ sức nâng đỡ cuộc sống của họ trong những lúc gian nan, chứ đừng nói chi đến nâng đỡ người khác ? Câu trả lời của cây đèn rất đơn giản mà rõ ràng : tại vì họ là đèn, thế mà chỉ biết quanh quẩn lo chiếu vào trong mình chứ không chiếu ra ngoài.
Nhiều người môn đệ Chúa cứ mãi lo tuân giữ luật Chúa, mãi lo tham dự đầy đủ các ngày lễ, mãi lo những sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội… Họ tưởng mình như thế là sống đức tin rồi đấy. Nhưng họ cứ băn khoăn : Tại sao Giáo Hội không phát triển ? Tại sao nội bộ Giáo Hội cứ lục đục hoài ?
Khi so sánh đức tin của người môn đệ với cây đèn và hạt muối, Đức Giêsu đã đưa ra một định hướng rất rõ : đức tin là để tỏa ra, đức tin là phải hướng đến người khác. Nếu không tỏa ra, đức tin sẽ là hạt muối lạt, cây đèn sẽ tắt… Chỉ còn ném bỏ.
Như thế, cách nuôi lớn đức tin là tập quên mình để sống cho người khác, sống vì người khác. Khi các tín hữu, nghĩa là người có đức tin, biết hướng đến người khác thì Giáo Hội sẽ phát triển, những khó khăn nội bộ của Giáo Hội cũng dần dần biến tan.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy làm ngọn đèn chiếu sáng trước mặt thiên hạ. Còn trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia dạy chúng ta cách nào để cho đời mình thành đèn chiếu sáng : cách tiêu cực là không khinh bỉ người khác, loại bỏ những tranh chấp, hăm dọa, nói xấu… ; cách tích cực là chia cơm cho kẻ đói, chia áo cho người nghèo, làm cho người đau khổ được hạnh phúc… Và Isaia bảo đảm : “Như thế, sự sáng của ngươi sẽ tỏa rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành mạnh nhanh chóng… ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong đêm tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.
Chúng ta đã biết mình có bổn phận làm gương sáng. Isaia dạy cho chúng ta biết thêm : không gương sáng nào sáng bằng tình thương ; không việc làm nào chiếu sáng bằng việc yêu thương.
Thời nay, những sứ điệp nói có một tầm quan trọng rất lớn (Radio, Tivi, sách báo v.v.) Trong Thánh Lễ, bài giảng rất quan trọng. Những nhà thờ có Cha giảng chán thì giáo dân thưa thớt, ngủ gục, lo ra… Những nhà thờ có Cha giảng hùng hồn, mạch lạc, truyền cảm thì giáo dân đông đúc, sinh động…
Tuy nhiên phẩm chất của lời nói và của người nói càng quan trọng hơn. Đó là kinh nghiệm tâm đắc của Phaolô, vị tông đồ thành công nhất của Giáo Hội : “Lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rủ của sự khôn ngoan loài người”, “Tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh”, “Tôi đến với anh em trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy”… Xem thế, Thánh Phaolô thành công không phải vì ngài nói hay, mà vì tư cách, phẩm chất và cả con người của Ngài thấm mặn Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đến nỗi Ngài có thể nói “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Nhờ đó, khi Ngài đi đến đâu, tiếp xúc với ai thì chất mặn của muối Tin Mừng từ trong Ngài tỏa ra và thấm vào mọi người chung quanh.
*4. “Chúng con là ánh sáng thế gian“
Nên để ý một chút đến văn phạm của câu nói này : Đức Giêsu không khuyến khích “Chúng con hãy là ánh sáng”, mà Ngài khẳng định “Chúng con là ánh sáng”.
Quả thực, chúng ta là ánh sáng, bởi vì khi tạo dựng chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khả năng làm những việc thiện giúp cho người khác :
– Chúng ta có đôi mắt để thấy
– Chúng ta có đôi tai để nghe
– Chúng ta có đôi tay để chăm sóc
– Chúng ta có đôi chân để bước tới
– Chúng ta có lưỡi để nói
– Chúng ta có quả tim để yêu thương
Nhưng tiếc thay, vì lười, vì ích kỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng ta dần lu mờ đi và có khi tắt ngấm.
Xin Chúa giúp chúng ta dám tin vào ánh sáng của mình và vào khả năng làm điều thiện của mình.
Ngày xưa có một nhà nghiên cứu Thánh Kinh suốt ngày ở trong phòng để tìm hiểu Lời Chúa và cầu nguyện, suy gẫm. Một hôm hay tin có một vị thánh nhân đến thành phố mình, nhà nghiên cứu này hăng hái đi tìm.
Ông tìm ở các nhà thờ lớn mà không gặp. Ông tìm ở các nhà nguyện nhỏ cũng không gặp. Tìm đến các dòng tu cũng không gặp. Cuối cùng đang khi đi ngang chợ thì ông gặp được vị thánh ấy. Ông liền trình bày thao thức của mình, cũng là lý do chính khiến ông muốn gặp vị thánh :
– Xin Ngài chỉ cho con biết làm thế nào để nên thánh.
Vị thánh hỏi lâu nay nhà nghiên cứu đã làm gì. Nhà nghiên cứu cũng thành thật kể rõ mọi việc. Cuối cùng vị thánh đưa ra lời khuyên :
– Làm thánh trong phòng thì dễ thôi. Hãy ra chợ và cố gắng làm thánh ở đó.
CT : Anh chị em thân mến
Đức Giêsu đã nói : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Với quyết tâm làm cho Danh Chúa được vinh quang rạng rỡ hơn, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1- Chúa Giêsu đã để trái tim bị đâm thủng khiến máu cùng nước chảy ra / hầu khơi nguồn bí tích dưỡng nuôi Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh không ngừng được sống nhờ Chúa đã chết và sống lại.
2- Ngày nay / một số sách báo nhảm nhí / không ít những hình băng đồi truỵ / cổ võ bạo lực / khuyến khích những chuyện không tốt / đã làm hư hỏng một số người trẻ / và rất nhiều lần đã dẫn đến phạm pháp nghiêm trọng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bạn trẻ / biết khôn ngoan xa lánh những thứ độc dược giết người ấy / và nỗ lực sống lành mạnh bằng việc đọc những sách báo tốt / cũng như chỉ xem những băng hình bổ ích / và tích cực tham gia vào công tác xã hội.
3- Chúa Giêsu nói / “Anh em là muối cho đời / là ánh sáng cho trần gian” / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người kitô hữu biết luôn cố gắng sống theo tinh thần Tám mối phúc thật / để nhờ đó mà trở nên những chứng nhân hữu hiệu của Chúa / trong xã hội họ sang sống.
4- Trách nhiệm của người Kitô hữu là giúp xã hội luôn thăng tiến / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết dùng khả năng Chúa ban / cũng như đời sống thấm nhuần tình bác ái yêu thương / mà giúp mọi người sống xứng với phẩm giá con người.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương chọn chúng con giữa muôn người và ban cho được phép làm con Chúa. Xin ban ơn giúp sức để chúng con luôn sống xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN-A
MUỐI CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN- Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
*1. Có lẽ các câu này là lời đả kích đường lối bí truyền hoặc việc xa lánh thái quá thế gian (do ảnh hường của nhóm Essêni). Các khuynh hướng ấy có phải là những cám dỗ thường xuyên của Kitô giáo không? Ngày nay chúng đội hình thức nào?
*2. Đâu là tầm quan trọng của muối trong thế giới cổ xưa.. phải chăng nó có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt? Một công dụng đặc biệt?
*3. Vì sao một thành phải được ưu tiên tọa lạc trên ngọn núi?
*4. Đâu là ý nghĩa của chữ “ánh sáng các con “ trong thành ngữ “ánh sáng các con phải chói lọi trước mặt mọi người?
*5. Các câu này có tạo nên mối liên hệ giữa người Kitô hữu và trách vụ truyền giáo của họ không? Mối liên hệ nào?
*6. Người Kitô hữu là muối cho đời theo nghĩa nào? (Xem Lv 2, 13).
*7. Làm sao dung hòa các câu 14- 16 với Mt 6, 1-18?
***
*1. Trong thế giới cổ xưa, muối và ánh sáng được xem như là hai thực tại chẳng ai có thể bỏ qua: không gì ích lợi hơn muối và mặt trời (Pline trưởng lão, Htst. nst. 31, 102). Cả hai cũng thường được nhắc đến trong Cựu ước.Muối là một sản phẩm cần thiết bậc nhất của dân Bedouin (Ả Rập phiêu cư) (Hc 39, 26); nó tiêu hủy những cái gì xấu (2V 2, 19- 21; Đnl 29, 22; Tl 9, 45; Gr 17, 6; Xp 2, 9; G 39, 6) Nó nên thực phẩm (G 6, 6; Cl 4, 6) và, vì là thứ gia vị chủ yếu của mọi bữa ăn và mọi hy tế (Xh 30, 35; Lv 2, 13; Ed 43, 24), nên muối trở thành biểu hiệu của sự hiếu khách, của minh ước và giao ước Lv 2, 3; Đnl 28, 69; Ed 4, 14). Sau hết nó là biểu tượng của sự khôn ngoan (xem Phụng vụ Bí tích rửa tội – liên hệ với Ed 16,4) mà thỉnh thoảng nó được nối kết với, trong lời giảng huấn của các giáo sĩ; bấy giờ nó chỉ sự khôn ngoan hoàn hảo mà người hiền triết sẽ thủ đắc trong thời thiên sai.
*2. Ánh sáng cũng năng được sử dụng như là một biểu tượng trong Thánh kinh, nơi nó thường chỉ sự mặc khải cứu độ của Thiên Chúa. Trong Isaia Đệ nhị, người Tôi tớ Giavê được công bố là” ánh sáng muôn dân (49, 6); Israel cũng phải là ánh sáng cho dân ngoại (42, 6). Trong sách các giáo sĩ, tước hiệu, “ánh sáng thế gian” được gán cho Thiên Chúa, cho Ađam, cho Israel, cho lề luật, cho Đền thờ và cho Giêrusalem. Trong Tân ước người ta xác quyết Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian” (Lc 2, 32; Ga 8, 12; 12, 35). Và theo gương Người, các môn đồ phải trở nên ánh sáng của nhân loại (P 12, 15; so sánh với Ep 5, 8-14).
Kiểu nói trực tiếp trong Mt “Các con là muối… là ánh sáng, được giải thích qua sự kiện dụ ngôn đi tiếp theo Tám mối phúc thật. Nếu các môn đồ biết từ bỏ của cải, biết sống hiền lành khiêm nhượng, nhân ái từ bi, can đảm trong thử thách, kiên quyết theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo, thì bấy giờ người ta mới có thể nói thực với họ: “Các vị là muối cho đời và là ánh sáng cho thế gian”. Phần tiếp của Diễn từ sẽ cụ thể cho thấy cách thức của người môn đồ tự tỏ mình là muối, là ánh sáng.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Các con là”: Thành ngữ có lẽ mượn ở Xh 19, 6: “Các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế và là một dân thánh cho Ta”. Giavê đã nói với dân Ngài đã chọn giữa muôn dân. Chúa Giêsu ở đây nói với môn đồ Người đã chọn giữa loài người. Như Giavê đã xác định ơn gọi của tuyển dân, Chúa Giêsu cũng minh định sứ mệnh của các môn đồ Người.
“Muối cho đời “: “Đời”, ám chỉ loài người, là một từ ngữ quen thuộc với Cựu ước. Ở đây “đời” song song với “thế gian” của câu 14. Người môn đồ chẳng phải là muối của đất, vì không bao giờ muối được dùng như phân bón, nhưng là muối cho đời cho thế gian. Ở đây Mt nhấn mạnh cốt để nói rằng “muối” không chỉ cần thiết cho bản thân người môn đồ, như là một phẩm chất nội tại, song còn cần thiết để chu toàn sứ mệnh của mình đối với nhân loại. Do đó phẩm chất cấu thành môn đồ không thể tách rời khỏi chức vụ truyền giáo của kẻ ấy. Đây là một nét nói lên chiều hướng phổ quát và truyền giáo mà Mt thích dùng.
“Nếu muối ra lạt”: Có thể giải thích hai cách:
*1. Hình ảnh dựa vào thứ muối dơ bẩn lấy ở phía Tây-Nam Biển Chết thời Chúa Giêsu (trên bờ dốc Djebel-ousdeum). Loại muối màu xanh lạt này, có pha trộn thạch cao và vôi, dễ biến thành bùn vô đụng dưới tác dụng của ẩm ướt. Ta vần có thể gọi nó là muối, nhưng thực ra không phải là muối nữa.
*2. Đúng hơn, có lẽ Chúa Giêsu đã muốn gợi lên một hình ảnh không thể có, để làm ta lưu tâm hơn đến tính cách nghịch lý của một môn đồ đã đánh mất cái tạo nên chính bản chất môn đồ.
“Thì lấy gì muối nó lại”: Phàm kẻ phải trở nên nguyên nhân hoàn thiện cho bao người khác thì không thể nhận lãnh từ họ cái mà y phải trao hiến cho họ. Nếu y đánh mất nhân đức, người khác không thệ hoàn lại cho y.
“Nó không còn ích gì”: Muối nhạt chẳng lợi ích gì nữa, ngay cả làm phân bón. Người môn đồ cũng vậy. Đánh mất sự cao quý của mình, kế đó trở nên đối tượng khinh khi, như thế mảng trong mình một sự thối nát đặc biệt; tình yêu ngày trước của y đi dần tới chỗ tiêu tán. Câu “Chỉ có việc đổ ra ngoài cho người ta dẫm đạp đi thôi “ gợi lên cảnh đường sá vương vãi rác rền cặn bã ở phương Đông ngay xứ. Đây là hình ảnh nói lên việc kết án người môn đồ đã mất tinh thần của ơn gọi mình.
“Ánh sáng của thế gian”: ánh sáng của thế gian có nghĩa là cho thế gian, chứ không phải thuộc về thế gian hay là bản chất của thế gian. “Một thành tọa lạc trên núi”: đây là hình ảnh của một xứ mà các thị trấn thôn làng thường được xây trên các cao điểm (để có vị thế chiến lược đề phòng mọi cuộc tấn công từ bên ngoài vào). Điều đó đặc biệt đúng đối với Giêrusalem, thành mà ta có thể thấy từ rất xa. Trong trường hợp này, tuyệt đối không thể che dấu thành được. “Ánh sáng của các con”: Lời Thiên Chúa được Chúa Kitô đem đến thì sống trong môn đồ và đơm hoa kết trái trong cách ăn nết ở của họ. Ánh sáng, chính là Chúa Kitô, Đấng đóng ấn người trên các môn đồ. Đức tin chân thành và ngay thật của họ phải tỏ hiện ra trong các việc họ làm. Các hành động này phải có một phẩm chất, một tính cách hoàn thiện thế nào đó khả dĩ khơi dậy được, lời những kẻ chứng kiến, lời ngợi ca Thiên Chúa.
“Ngõ hầu họ thấy việc lành các con làm”: Làm sao dung hòa câu này với 6, 1-18 (nhất là các câu 1-2. 5. 16)? Thưa động lực khác nhau trong hai bản văn: ở đây động lực là vinh quang Chúa Cha trên trời; còn trong 6, 1- 8 động lực là sự tìm kiếm lời khen ngợi bản thân để thỏa mãn lòng khoe khoang tự phụ (x. 6, 2-5: “hầu được vinh vang nơi người đời… hầu được bày ra cho người ta thấy…”). Cách hành động cũng khác nhau: ở đây, người môn đồ phải tỏ ra như là Kitô hữu: trong 6, 1-18 Chúa Giêsu kết án việc phô trương nhắm mục đích làm người ta chú ý.
KẾT LUẬN
Môn đồ Chúa Kitô nhất thiết phải ảnh hưởng trên nhân loại. Nếu chấp nhận hạnh phúc theo quan điểm của Chúa Kitô, thứ hạnh phúc của Bát phúc, thì người môn đồ mới có thể tỏa chiếu trong thế gian và ướp mặn môi trường sống của mình.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
*1. Người Kitô hữu toan thất vọng trước kết quả nghèo nàn của nỗ lực mình, phải can đảm lên bằng cách nhớ rằng mình thực sự quan trọng đối với thế giới hôm nay, mặc dầu bề ngoài có vẻ trái ngược, nhớ trong mình là muối và ánh sáng của trần gian. Nhân loại sẽ mất hết ý nghĩa nếu không có sự hiện diện là hành động của người Kitô hữu trong thế giới.
*2. Người Kitô hữu toan nhụt chí và bằng lòng với một cuộc sống tầm thường, cũng phải nhớ lại rằng, vì là muối và ánh sáng của vũ trụ, mình không thể chấp nhận đào ngũ hay buông thả mà không phản lại với bản tính sâu xa và lý do hiện hữu của mình.
*3. Chính việc can đảm thực hiện Bát phúc giúp người môn đồ Chúa ki tô trở nên muối và ánh sáng của vũ trụ. Còn tất cả mọi đường lối hoạt động khác chỉ đưa đến sự lạt lẽo vô vị hay tăm tối u minh.
*4. Lương dân sẽ trở lại trong mức độ thấy chung quanh họ có nhiều Kitô hữu xác tín sống không phô trương cũng chẳng khiếp nhược cuộc sống môn đồ Chúa Kitô trong nếp sinh hoạt đều đặn khiêm tốn thường ngày. Đó là “chứng tá của Kitô hữu, là hành động truyền giáo duy nhất có hiệu quả trong một thế giới tin vào việc làm nhiều hơn vào lời nói.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN-A
MUỐI CHO ĐỜI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong những dịp cuối năm, các bản tổng kết tình hình đều đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội đặc biệt trong lãnh vực giữ gìn đạo đức xã hội. Nơi nào có đồng bào Công giáo sinh sống, tệ nạn xã hội không có hoặc có rất ít. Nghe những nhận định trên, tôi rất vui vì thấy anh chị em tín hữu đang sống đúng tinh thần trở thành muối cho đời như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Khi nói đến muối Chúa Giêsu có ý dạy các môn đệ về cách thế hiện diện trong xã hội.
Đó là một hiện diện khiêm nhường
Hạt muối thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh thịt, cá, rau cỏ, muối chỉ đóng vai phụ. Người ta trưng bày những món ăn đắt tiền. Người ta giới thiệu những món ăn cầu kỳ. Không thấy ai trưng bày muối. Chẳng có ai giới thiệu muối trong bữa tiệc lớn. Xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu. Đó là một hiện diện quên mình.
Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.
Đó là một hiện diện tích cực.
Tuy bé nhỏ khiêm nhường và vắng mặt, nhưng hiện diện của muối là một hiện diện tích cực. Tích cực vì góp phần bảo trì thực phẩm khỏi hư thối, vì nâng phẩm chất món ăn. Tích cực vì là một thành phần hầu như không thể thiếu trong các món ăn. Tuy không thấy và không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu trong mỗi món ăn đều có muối.
Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của Người có những đặc tính của muối.
Người muốn các môn đệ của Người sống giữa nhân loại như muối ở trong thức ăn. Người muốn các môn đệ của Người hiện diện thật kiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ. Người muốn các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hòa tan trong thực phẩm.
Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối.
Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa dạy trong bài Tin Mừng tuần trước.
Giữ được vị mặn của Phúc Âm và hiện diện âm thầm trong phục vụ quên mình, người môn đệ Chúa sẽ thực sự góp phần bảo vệ nền đạo đức của xã hội. Dù không muốn, họ vẫn trở thành ánh sáng soi trần gian.
Lạy Chúa, Chúa tin tưởng con, nên đã gọi con là muối trần gian. Xin cho lòng con yêu mến Chúa tha thiết, để đem cho đời hương vị tình yêu. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1-Bạn nghĩ gì về hình ảnh hạt muối?
2-Làm muối, dễ hay khó?
3-Bạn đã bao giờ cảm thấy niềm vui được chìm đi để anh em được nổi nang chưa?
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG- Linh mục Giuse Vũ Khắc Nghiêm
“Chính anh em là muối cho đời”
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.
Chúa Giêsu đề cập đến muối và ánh sáng ngay sau Hiến chương Tám Mối Phúc. Phải chăng Người muốn giải thích tám phúc qua hai hình ảnh cụ thể: Muối và ánh sáng.
Ý nghĩa muối và ánh sáng có vẻ tương phản như kiểu nói: nghèo khổ, sầu đau, bị bách hại lại được phúc. Thực ra, kiểu nói đó không có gì là mâu thuẫn nhưng hoàn toàn ăn khớp với nhau, có sức làm nổi cộm những ý nghĩa sâu sắc như những hình ảnh nổi trên màn ảnh không gian ba chiều, muối như nền không gian ba chiều cho những ánh sáng nổi lên rõ nét.
Chắc chắn Chúa Giêsu không muốn nói đến cấu trúc khoa học của muối và ánh sáng, mà chỉ nêu ra những công dụng rất hữu ích và cần thiết của chúng.
1/ Ai cũng biết công dụng của muối là ướp đồ ăn khỏi hư thối, thêm hương vị đậm đà và dễ tiêu hóa, muối còn được dùng trong nhiều ngành công nghệ để làm chất thanh tẩy trong bột giặt, cho thủy tinh trong suốt, tơ sợi bền dai. Muối rất hữu ích, nhưng tự nó hòa tan dễ dàng. Hòa tan mà vẫn không biến chất: “Hòa nhi bất đồng”. Hòa tan bỏ mình đi để muối có sức thấu nhập tận cốt tủy của đồ ăn, của chất liệu cần dùng nó. Nhờ đó muối bảo tồn, gìn giữ vật khỏi hư thối, nguyên liệu được thanh tẩy, hương vị được thơm ngon đậm đà.
Phải chăng đây là ý nghĩa mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh hơn cả, nơi chính mình Người và cho môn đệ Người. Chính Ngài là Thiên Chúa đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa vinh quang, hủy mình đi (Semetipsum exinanivit … Phil. 2, 7). Hòa tan vào thân phận nô lệ phàm nhân để thanh tẩy mọi ô uế của phàm nhân, làm cho phàm nhân nên tươi tốt, đậm đà thơm ngát trong tình yêu Thiên Chúa, làm cho phàm nhân nên trong suốt phản chiếu ánh sáng chí thánh của Ngài để tỏa sáng vinh quang Ngài khắp nơi.
Ai tin theo Chúa Kitô cũng phải bỏ mình đi để hòa tan như Thánh Phaolô: “Tôi sống không còn phải là tôi sống, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Tại sao phải hủy mình đi? Bài đọc II cho thấy rõ lý do: “Khi tôi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt, run rẩy… nhưng tôi chỉ dựa vào Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá… chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thánh thần và quyền năng Thiên Chúa”.
Đức Kitô là muối, Phaolô cũng phải là muối để hòa tan biến đi, từ bỏ mình đi, hạ mình xuống làm nền như tảng đá để xây lên những thành phố cao, để làm chân đế của những ngọn đèn sáng chiếu soi cho mọi người trong nhà và trong khắp thế gian.
2/ “Anh em là ánh sáng cho trần gian”
Ánh sáng soi cho ta thấy mọi vật muôn sắc ngàn màu tươi đẹp. Ánh sáng kích thích cây cối hoa màu sống phát triển mạnh mẽ. Thiếu ánh sáng chúng bị úa, bị chết yểu. Thế kỷ thứ XX mệnh danh là thế kỷ ánh sáng. Biết bao nhiêu phát minh tân kỳ từ đèn điện, bếp điện đến những phát thanh truyền hình, rađa, quang tuyến, siêu âm, vi tính, cáp quang.
Từ những công dụng kỳ diệu của ánh sáng tự nhiên, Chúa Giêsu cho ta thấy một thứ ánh sáng siêu nhiên vô cùng lạ lùng.
Ánh sáng siêu nhiên vô cùng đó phát ra từ chính Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là nguồn sáng” (Tv. 1,1), là Đấng tạo thành ánh sáng mặt trời, mặt trăng và tinh tú (St. 1,16; Tv. 135, 7-9; Ga. 1,17). Cho nên uy linh Ngài như cẩm bào ánh sáng. Ngài hiện xuống núi, đến với dân trong ánh lửa (Xh. 19,12). Làm cho dung nhan Môsê tỏ ánh hào quang (Xh. 34,29). Lời Ngài như tia sấm sét (Xh. 20,18), nhưng thật êm dịu như ánh trăng thanh và dịu ngọt dường bao, hơn mật ong ngậm trong miệng (Tv. 118, 103-105).
Huyền diệu thay! Êm ái ngọt ngào thay! Ánh sáng chính là Ngôi Lời: “Ngôi Lời là Thiên Chúa… là ánh sáng thật đã đến trong thế gian, chiếu soi vào bóng tối cho mọi người… Ngôi Lời đã trở thành người phàm và ở trong chúng ta” (Ga. 1, 1-9).
Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta như Người đã xác nhận: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không mất đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Ga. 8, 12) và ban cho chúng ta ánh sáng, Người nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.
Người đã đến chiếu soi vào bóng tối cho mọi người thế nào?
Thưa Người “loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố ân xá cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”, “Tất cả những ai đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn đều được Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ lành, quỷ cũng xuất khỏi nhiều người” (Lc. 4, 18-19… 40-41). Người làm nhiều hơn thế: cho kẻ chết sống lại, chính Người đã chịu chết trên Thập giá để soi cho mọi người thấy ánh sáng dẫn tới nguồn sống.
Tất cả những ai đi theo ánh sáng đều phải là ánh sáng chiếu vào bóng tối soi cho mọi người như vậy: “Gần đèn thì rạng” “Hữu xạ tự nhiên hương”. Bài đọc I đã đề ra một số việc cụ thể của con cái ánh sáng phải thi hành là cứu người đói nghèo, đau khổ, bệnh tật, biết chia cơm xẻ áo, tiếp giúp kẻ bơ vơ không nhà, đẩy lùi áp bức, gông cùm.
Có ra sức chiếu sáng như thế mới được Người cho quyền trở nên con cái Thiên Chúa và được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác từ nguồn sung mãn của Người (Ga. 1, 12… 16).
“Hãy cảm tạ Chúa, vì Người nhân từ:
Cho Thái Dương soi sáng ban ngày,
đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm” (Tv. 135, 7-9).
“Cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta. Soi sáng cho những ai ngồi trong tăm tối và bóng tử thần; dẫn ta bước vào nguồn sáng bình an” (Lc. 1, 78-79).
Vậy chúng ta hãy:
“Chúc tụng Chúa đi, các Thiên sứ của Người; muôn ngàn đời hãy chúc tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú muôn ngàn.
Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây.
Chúc tụng Chúa đi, hết mọi loài muông thú.
Chúc tụng Chúa đi, tôi tớ phục vụ Người.
Nào chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Muôn ngàn đời cùng ca tụng suy tôn”
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN- A
SỰ SÁNG– Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Ngày kia trong lớp giáo lý, cô giáo lý viên nói với các em học sinh về đề tài ‘Chúa Giêsu’. Hôm nay, cô muốn nói với các em về một người mà các em sẽ gặp. Người đó yêu thương và chăm sóc các em hơn cả chính gia đình, cha mẹ, anh chị em và bạn bè của các em. Người đó hảo tâm hơn bất cứ người hảo tâm nào mà các em biết. Người đó tha thứ tội lỗi cho các em bất kể các em đã làm sai lỗi, nếu biết sám hối. Cô giáo để ý có một em nhỏ trai rất chú ý lắng nghe khi cô giảng. Đột nhiên, em không thể giữ im lặng được nữa. Em giơ tay phát biểu: Em biết người mà cô đang nói tới. Người đó sống ngay bên góc đường. Kitô hữu là người tỏ bày cho người khác những điều mà Chúa Giêsu yêu thích.
Từ thời rất xa xưa, trong cuộc sống xã hội đã luôn xuất hiện kẻ nghèo, người giầu. Thiên Chúa an bài trao ban cho mỗi cá nhân những khả năng chuyên môn tiềm ẩn và số mệnh riêng. Sự sống là một mầu nhiệm vô biên, mỗi người được chia sẻ một tí chút khả năng. Hiện hữu trên trần gian, không ai giống ai hoàn toàn và cũng không có sự đồng đều giữa mọi người. Có người được sinh ra trong nhung lụa ấm êm, có người vào đời có đủ ăn đủ mặc và có kẻ được sinh ra trong đói nghèo khổ sở. Giầu có hay nghèo đói mời gọi sự hỗ tương chia sẻ để đạt hạnh phúc đời này và đời sau. Người nghèo nương tựa người giầu và người giầu chia sẻ cho người nghèo. Mọi khả năng tiềm ẩn có được đều là món qùa nhưng không của Thượng Đế ban. Chẳng có điều gì chúng ta có, mà không bởi trên ban cho. Chúng ta nhận lãnh nhưng không thì cũng hãy chia sẻ nhưng không. Tiên tri Isaia mời gọi: Hãy chia sẻ của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi (Is 58, 7).
Giống như thời tiên tri Isaia của hơn 2,500 năm trước, thế giới hiện nay cũng thế, có biết bao nhiêu người nghèo, đói ăn và cùng khổ. Xã hội thời nào cũng có người giầu kẻ nghèo. Nghèo không phải là cái tội. Đôi khi họ nghèo tiền bạc, nhưng giầu lòng nhân ái. Chúa đã dựng nên mỗi người một cách đặc biệt không ai giống ai. Chúa dựng nên con người và chúc phúc cho loài người được sinh xôi nẩy nở đầy mặt đất. Con người có gia đình, xã hội và cộng đồng để cùng nâng đỡ chia sẻ với nhau trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi người đóng góp chút khả năng đặc biệt để cùng vun đắp và xây dựng một thế giới văn minh và tiến bộ. Hãy ngắm nhìn thế giới đa dạng chung quanh có muôn mầu, muôn sắc tuyệt vời.
Mỗi loài thụ tạo hay mỗi con người đều là một kỳ công của tạo hóa. Tạo hóa đã đặt để trong mỗi sinh vật một sứ mệnh riêng biệt. Các loài thụ tạo liên đới hài hòa để tiếp tục sinh tồn. Con người là thụ tạo cao quý được Thiên Chúa yêu thương ban cho nhiều khả năng. Tuy con người hiện hữu trong trần gian giới hạn, nhưng có ước vọng cao vời và vượt trên các loài. Con người được sinh ra trong thời gian hữu hạn, nhưng lại ngưỡng vọng cuộc sống vĩnh cửu. Bởi thế, loài người có sứ mệnh cao cả là phải luôn học hỏi, nghiên cứu và suy tìm để nhận biết, chúc tụng, cảm tạ và tôn vinh Đấng Tạo Hóa.
Truyện kể: Vào một ngày nọ, khi thầy dòng ẩn tu đang cầu nguyện thì chợt trông thấy một người ăn xin tật nguyền, đó là người mẹ nghèo đang đi xin thức ăn cho con nhỏ bệnh hoạn. Nhìn thấy thế, vị ẩn tu thân thưa với Thiên Chúa rằng: Lạy Thiên Chúa tốt lành, làm sao Chúa lại để sự khổ đau xảy ra mà Chúa không can thiệp chi? Trong tận đáy lòng, vị ẩn sĩ nghe Chúa đáp lời: Ta đã thực hiện một số việc. Ta đã dựng nên con. Chúng ta là tác phẩm tuyệt với của Thiên Chúa. Chúa Giêsu phán: Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che dấu được (Mt 5, 14). Anh em là ánh sáng soi dọi cho trần gian. Ánh sáng của cuộc sống tỏa chiếu qua nhiều cách thế cả tinh thần lẫn thể chất. Có thể chiếu tỏa qua gương sáng đạo đức, qua lòng bác ái vị tha, qua trái tim từ bi hỉ xả và qua các nhân đức tin, cậy và mến. Ánh sáng có thể diễn tả qua lời nói dịu dàng, cử chỉ thân mật, khuôn mặt tươi vui, hy sinh phục vụ và sự ân cần giúp đỡ.
Chúa Giêsu ước muốn mỗi người chúng ta hãy góp phần làm vinh danh Chúa Cha: Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (Mt 5, 16). Kitô hữu là muối ướp mặn đời và ánh sáng dọi chiếu muôn nơi để mọi người, mọi nơi được ánh lên vinh quang Thiên Chúa. Thực hành các nhân đức sống động trong môi trường chung quanh bằng việc tốt lành. Gieo nhân tốt thì sẽ phát sinh hoa trái tốt. Một suy nghĩ tốt, một lời nói tốt, một cử chỉ tốt và một hành động tốt sẽ sinh muôn vàn hương hoa tốt lành. Người tốt và việc tốt sẽ chiếu dãi tấm guơng tốt. Hữu xạ tự nhiên hương. Thiên Chúa tạo dựng mong muốn mọi loài chia phần vinh phúc và chiếu tỏa vinh quang Chúa khắp nơi hoàn cầu.
Sau khi trở thành tông đồ của Chúa Kitô, Phaolô đã dành cả cuộc đời còn lại để rao truyền danh thánh Chúa, bất chấp mọi khó khăn cản trở. Phaolô lên tiếng: Phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa (1Cor 2,1). Không dựa vào sự khôn ngoan hiểu biết của thế trần, Phaolô được chính Chúa Giêsu soi sáng thúc đẩy từ nội tâm. Ngài đã cố gắng rao giảng chân lý với lòng nhiệt thành nóng bỏng. Ngài thuyết phục mọi người hãy đặt niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, nguồn ơn cứu độ. Chân lý cứu độ hoàn toàn không do sự nhận biết suy nghĩ khôn ngoan của người phàm mà do chính Chúa Giêsu mạc khải: Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan của người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa (1Cor 2, 5). Chúa Kitô là nguồn sáng thật đã chiếu sáng vào tâm trí chúng ta sự sáng thật. Sự sáng tinh tuyền của ơn cứu độ giải thoát.
Ánh sáng có thể len lỏi vào mọi nơi, mọi chỗ để đẩy lùi bóng đêm. Đêm tối là do thiếu ánh sáng. Khi mặt trời khuất bóng, màn đêm buông xuống. Con người khuất phục bóng đêm bằng các nguồn sáng hạt nhân, điện lực, động cơ và các nhu liệu. Ánh sáng mặt trời giúp mọi loài phát triển không ngừng trong thiên nhiên. Con người đã biết lợi dụng nguồn năng lượng để đưa vào cuộc sống. Ánh sáng văn minh mở rộng biên cương và kéo dài thời khắc làm việc và vui sống. Nhưng xã hội rất cần những ánh sáng thật chiếu dãi vào trong tâm hồn con người. Con người cần sự ấm áp của tình yêu thương, sự cảm thông, lòng thương xót và liên kết tình người. Một trái tim cô đơn có thể được sưởi ấm giữa mùa sương tuyết lạnh. Ánh sáng của những việc từ thiện và quan tâm cần thiết soi dọi vào giữa cuộc sống đầy vô cảm này.
Thánh Phaolô đã tâm sự: Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy (1Cor 2, 3). Biết mình yếu kém vì đã từng đi bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu, khi luồng sáng đánh ngã ngựa, Saul bị mù lòa bước đi trong đêm tối của sự sợ hãi cho tới khi nhận được ánh sáng của Chúa Kitô. Phaolô can đảm nói lên sự thật về Chúa Kitô phục sinh. Ông đã bước đi trong sự sáng và chiếu dãi ánh sáng đó cho nhiều người và nhiều cộng đoàn tiên khởi. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta cũng đón nhận ánh nến đức tin được đốt từ cây Nến Phục Sinh, chúng ta trở nên ánh sáng Chúa Kitô. Chúng ta hãy sống như con cái sự sáng luôn sẵn sàng đèn nến thắp sáng để ra đón Chúa Kitô.
Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng và là sự sống. Xin ánh sáng của Chúa dẫn dắt chúng con ra khỏi bóng tối của sự dữ và sự dối trá. Xưa Chúa đã đem lửa xuống thế gian và mong cho lửa ấy cháy lên sưởi ấm mọi tâm hồn. Xin cho chúng con biết khơi dậy ngọn lửa yêu mến để nhiệt tâm sống chứng nhân cho tình yêu.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN-A
VÌ ĐỜI VÀ CHO ĐỜI- Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
Muối rất cần để bảo vệ thực phẩm. Và hình ảnh ấy cũng nói đến những con người đóng vai trò giáo dục, có bổn phận và trách nhiệm “bảo vệ và gìn giữ” những vẻ đẹp cao quý, thiêng liêng, những giá trị đạo đức nhân phẩm để con người sống “nên người”, sống “cho ra người” hơn. Ca dao Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Muối là gia vị làm cho thức ăn được ngon miệng, mặn mà. Từ đó nó gợi cho con người hình ảnh tình nghĩa đậm đà mà con người cần phải có để cuộc đời thêm đẹp, thêm ấm áp. Nếu không tình đời sẽ “lạt như nước ốc, bạc nhơ vôi”.
Ánh Sáng
Ánh sáng chiếu soi vạn vật, nhờ ánh sáng con người chiêm ngưỡng được vẻ đẹp cảnh vật quanh ta.
Nhờ ánh sáng, con người định hướng được hướng đi của đời mình. Nhờ ánh sáng con người vượt qua được nguy hiểm, tiếp tục cuộc hành trình an toàn, và đến bến bờ hạnh phúc. Như ánh sáng Hải Đăng cần thiết cho những cuộc hành trình ở Đại Dương bao la.
Ánh sáng thiên nhiên gợi cho ta hiểu ánh sáng tâm hồn. Đôi mắt mùa lòa làm cho con người đau khổ vì sống trong tăm tối, nhưng đôi mắt tâm hồn “mùa lòa” sẽ dẫn con người đến sự sụp đổ hoàn toàn. Mùa Xuân thiên nhiên có thể không đến với những con người mà đôi mắt đã bị cướp đi ánh sáng, nhưng nếu tâm hồn họ đã vươn lên được niềm hạnh phúc cao cả, nếu đôi mắt tâm hồn của họ đã nhìn xuyên thấu những giá trị cao quý của đời người, dù sống trong tăm tối, tâm hồn họ vẫn rực sáng với muôn điều hạnh phúc kỳ diệu sẽ đến trong thế giới nhiệm mầu của riêng họ.
Điểm chung của muối và ánh sáng
Muối và ánh sáng đều đem lại sự an bình. Không hư hao, và tránh những điều xấu có thể đến.
Muối và ánh sáng đem lại cho đời những điều tốt đẹp hơn. Mặn mà và tươi sáng.
Muối và ánh sáng đều chịu hao mòn. Tan biến và dần dần tự hủy đi tạo ra muôn thứ tốt đẹp và hữu ích. Những hạt muối hòa tan và mất đi để có những bữa ăn ngon. Những cây nến hao mòn và mất đi để cho đời ánh sáng. Mặt trời một ngày nào đó cũng tắt khi nguồn năng lượng cạn kiệt.
Muối và ánh sáng đều thầm lặng hy sinh. Khi dùng những món ăn ngon, người ta khen thịt, cá, rau, quả…không ai khen muối. Khi ngắm cảnh đẹp, người ta khen núi, sông, hoa, lá, mây trời… không ai khen ánh sáng.
Vì đời và cho đời
Muối thì phải mặn. Nếu muối mà không mặn thì có còn là muối không?
Ánh sáng thì phải chiếu sáng. Nếu ánh sáng mà không chiếu sáng, thì có còn là ánh sáng không?
Môn đệ thì phải theo gương thầy. Môn đệ mà không giống thầy, thì có còn là môn đệ thầy không?
Chúa Giêsu, Thiên-Chúa-làm-người. Ngài dành cả cuộc đời ở trần thế nầy để “vì đời và cho đời”.
Vì đời và cho đời như “muối và ánh sáng”.
Hãy nhìn vào cuộc đời của Đức Ki-tô, Đấng Cứu Thế, từ Bê-lem đến đỉnh Can-vê! Còn ai “vì đời và cho đời” hơn như thế không?
Nên môn đệ Chúa Giêsu phải là “muối” và “ánh sáng” theo gương của Thầy Chí Thánh của mình là Chúa Giêsu.
Chính anh em là muối cho đời (Mt.5,13).
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (Mt.5,14).
“Muối và ánh sáng vì đời và cho đời”.
Và tất cả múc nguồn từ Chúa Giêsu Ki-tô.
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. (Ga.1,14).
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. (Tv 119,105).
“Muối và ánh sáng vì đời và cho đời”, để đời có Niềm Tin, Hy Vọng và Vui Sống. Để đời biết sống đúng ý nghĩa kiếp người và tìm về bến bờ hạnh phúc vĩnh cửu trong Tình Yêu Thiên Chúa.
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga.14,6).
Lạy Chúa,
Xin dạy cho con,
và soi sáng cho con,
biết suy nghĩ và hành động,
theo thánh ý Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN-A
LÀ MUỐI LÀ ÁNH SÁNG- Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri
Khi người ta hỏi ông Gandhi, một người rất nổi tiếng đấu tranh dành độc lập cho dân tộc Ấn-độ, về việc phải làm thế nào để cho ngày càng có nhiều người biết chấp nhận và tuân giữ giáo lý khôn ngoan của Chúa, ông đã trả lời: “Các bạn hãy nghĩ về bí quyết của những bông hồng. Mọi người đều thích chúng vì ngoài vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ, hoa còn tỏa một mùi thơm kỳ diệu. Vậy, các bạn hãy “tỏa hương thơm”. Không chỉ tỏa hương thơm mà thôi, Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta hãy là muối đất và ánh sáng cho thế gian.
Là muối đất, vì muối mang lại hương vị cho thức ăn, giữ cho thực phẩm khỏi hư thối hoặc sát trùng chữa lành những gì hư hại… thì cách sống của chúng ta cũng phải có tác dụng tương tự với xã hội, nghĩa là phải nói năng, cư xử, hành động thế nào để cứu chữa thế gian này khỏi những gì xấu xa, khỏi hư thối vì tội lỗi và ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Là ánh sáng cho đời vì nhiệm vụ của ánh sáng là soi chiếu đêm đen. Cũng giống như Chúa Kitô là Ánh sáng thế gian, chũng ta phải trở nên đèn sáng, những hướng đạo soi đường chỉ lối cho mọi người khỏi tối tăm lầm lạc để biết tìm đến quê trời, tìm đến với Chúa là nguồn sống muôn đời.
Khi dạy chúng ta phải trở nên muối ướp thế gian, Chúa Giêsu đã muốn chỉ vẽ cho chúng ta một thái độ sống cụ thể nhằm áp dụng tinh thần 8 mối phúc thật vào cuộc đời chúng ta. Như vậy, chúng ta có sứ mệnh cứu vớt loài người khỏi cảnh sa đọa tối tăm và có bổn phận luôn là muối mặn và là ánh sáng cho đời.
Nói một cách khác, để giữ mãi vị mặn của muối và ánh sáng của đèn, chúng ta phải từ bỏ những gì là tội lỗi xấu xa và thực hành các nhân đức như thương xót, từ bi, nhân hậu, công bình, quảng đại và bác ái với mọi người như được mô tả trong bài đọc I mà chúng ta vừa nghe.
Khi biết sống đạo giữa đời như thế, chứ không phải chỉ trong 4 bức tường của nhà thờ, chúng ta trở thành muối đất đèn đời và phản ảnh được tấm lòng đầy yêu thương nhân hậu của Chúa chúng ta. Được như thế, sự sáng của chúng ta mới “bừng lên trong bóng tối và tỏ rạng như hừng đông”. Khi nhìn vào những việc lành công bình bác ái chúng ta làm, người khác sẽ có cảm tình với đạo Chúa và sẽ tin thờ Chúa với chúng ta.
Người ta kể rằng thời xưa mỗi lần ra khỏi nhà trong đêm tối, người Nhật thường dùng những chiếc lồng đèn. Có một người mù nhớ đường rất giỏi, anh ta có thể đi trong đêm tối chỉ với cây gậy mà không cần dùng đến đèn. Đêm kia, anh ta đến thăm nhà một người bạn. Khi trở về, thấy anh đi tay không, người bạn mới lấy một chiếc lồng đèn trao cho anh, nhưng người mù từ chối và nói: “Đối với tôi thì cầm chiếc lồng đèn để làm gì vì bóng đêm hay ánh sáng đều như nhau”.
Người bạn trả lời: “Tôi vẫn biết như thế, nhưng nếu anh không cầm đèn trong tay, kẻ khác sẽ không thấy anh và như vậy họ có thể đụng vào anh”.
Nghe thế, người mù đành cầm lấy lồng đèn ra về, nhưng đi được một đoạn đường, bất ngờ anh bị một người khác tông vào. Tức giận quá đỗi, anh quát tháo inh ỏi: “Bộ đui hay sao? Không thấy chiếc đèn tôi đang cầm hay sao?”.
Người kia mới xin lỗi và phân trần: “Ông ơi, đúng là ông đang cầm chiếc lồng đèn, nhưng ngọn nến bên trong đã tắt từ lúc nào rồi!”.
Vì thế, nếu cuộc sống đạo của chúng ta không chiếu sáng bằng một đức tin vững mạnh và bằng những việc lành cụ thể là bác ái yêu thương thì chằng khác nào một ngọn nến đã tắt ngúm trong chiếc lồng đèn và có thể sẽ gặp tai họa. Tai họa cho tha nhân, cho đạo Chúa và còn là tai họa cho chính bản thân chúng ta. Tha nhân mất đi một điểm tựa cho cuộc sống, Giáo hội Chúa mất đi những vẻ đẹp sáng ngời, mà chính chúng ta cũng tự đày đọa mình vào trong bóng tối tội lỗi.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết trờ nên muối đất đèn đời để thiên hạ xem thấy những việc lành chúng con làm mà nhận biết và ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.
DỤ NGÔN HẠT MUỐI- Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Hạt muối Bé nói với hạt muối To: “Em đến chia tay chị, em sắp được hòa trong đại dương”. Muối To trố mắt: “Em dại quá, sao lại để đánh mất mình như thế. Em muốn thì em cứ làm, chị không điên!“.
Muối To thu mình co quắp lại, nhất định không để biển hòa tan. Muối To lên bờ, sống trong vuông muối. Nó vẫn ngạo nghễ, to cứng và nhìn chúng bạn bé tí ti đầy khinh khỉnh. Thu hoạch, nông dân gạt nó ra ngoài, xếp vào loại phế phẩm, còn những hạt muối tinh trắng kia được đội lên đầu, hay bê bên lưng rồi đóng vào bao sạch đẹp… Lần đầu tiên nó thấy mình bị xúc phạm!
Sau một thời gian lăn lóc hết xó chợ này đến xó chợ khác, cuối cùng người ta cho nó vào nồi cám heo. Phải hóa thân phục vụ cho lũ heo dơ bẩn này ư? Nó tủi nhục ê chề! Lòng kiêu hãnh không cho phép nó “tế thân” cho lũ heo hạ tiện. Nó thu mình co cứng hơn mặc cho nước sôi trăm độ cũng không lấy được, dù là cái vảy da của nó.
Khi rửa máng heo, người ta phát hiện nó, và chẳng cần nghĩ suy, ném nó ra đường lộ. Người người qua lại đạp lên nó!
Hạt muối là để hòa tan. Hạt Muối phải chịu tan biến chính mình mới thể hiện giá trị đích thực của hạt muối. Muối đã lạt và không còn khả năng hòa tan thì cũng bị quên lãng hay vứt bỏ ta đường cho người qua lại dẫm đạp mà thôi!
Con người không được sống cho chính mình. Con người phải biết dấn thân, hòa nhập với xã hội mới thể hiện vai trò giá trị của mình trong cộng đồng. Nhân loại cũng bỏ rơi những con người lười biếng, vô dụng, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội. Muối đã lạt thì vứt đi. Con người lạt tình người, lạt trách nhiệm sẽ trở nên vô dụng và bị bị lãng quên.
Chúa Giêsu mời gọi người tín hữu phải biết hòa tan trong cuộc đời. Như hạt muối hòa tan trong môi trường để ướp mặn cuộc đời. Như ánh sáng hòa tan trong không gian để xua tan bóng tối. Muối và ánh sáng đều phải chịu tan biến mới sinh ích cho con người. Là người ky-tô hữu cũng phải hòa tan cuộc đời mình trong dòng chảy tình yêu để mang lại sức sống cho con người.
Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận hòa tan chính mình trong dòng chảy của cuộc đời. Ngài đã trở nên mọi sự cho mọi người. Ngài đã sống để dâng hiến và phục vụ con người trong yêu thương hết mình như thánh Gioan đã nói: “Ngài đã yêu thì yêu cho đến cùng”. Đỉnh cao của hòa tan là chấp nhận tiêu hao chính mình “như hạt lúa chịu mục nát để sinh nhiều bông trái”.
Năm nay Giáo hội mời gọi chúng ta “Phúc âm hóa” là dịp nhắc lại vai trò của người tín hữu giữa dòng đời. Là người tín hữu phải đem muối Phúc âm thẩm thấu vào trong thế gian. Là người tín hữu phải đem ánh sáng của Phúc âm dẫn dắt con người hôm nay đi trong chân lý. Thế nhưng, ở đâu dó vẫn có những tín hữu thiếu gia vị của tình yêu, thiếu cả gương sáng gây ô uế môi trường và gây gương xấu cho tha nhân. Ở đâu đó vẫn có những nhóm giáo dân thường co cụm chính mình mà ít cởi mở, thân thiện với tha nhân. Đó là lý do mà Giáo hội không thực sự có gía trị trong cộng đồng nhân loại. Làm sao Giáo hội có thể phúc âm hóa môi trường khi mà người tín hữu để muối đã lạt qua cách sống đạo hời hợt, đôi khi còn thiếu gia vị của tình yêu? Làm sao mà Giáo hội có thể Phúc âm hóa khi mà chính người ky-tô hữu vẫn còn làm gương xấu của gian dâm, của cờ bạc, rượu chè . . .
Ước gì đời sống của chúng ta luôn là lời ngợi ca và tôn vinh Chúa. Một đời sống thấm nhuần lời Chúa để đem tin mừng thẩm thấu vào trong thế gian. Một đời sống công bình bác ái như những ngọn đèn hải đăng thắp sáng trong bóng đêm của xã hội đầy bất công và hận thù. Một cuộc sống đi vào lòng nhân thế để phủ đầy ánh sáng của Phúc âm và hơi ấm của Tin mừng.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn hoàn thành đời mình như muối mặn, như ánh sáng hòa tan cho thế gian sức nóng và tràn ngập ánh sáng của Tin mừng. Amen.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN- A
MUỐI ĐẤT– Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tất cả chúng ta đều đã có lần nếm một món ăn nhạt nhẽo. Nhưng chỉ cần thêm vài hạt muối, món ăn trở nên đậm đà và dễ ăn. Người Việt chúng ta thường dùng nước mắm để nêm các món ăn. Tuy thế vẫn phải thêm muối, món ăn mới thêm hương vị và mặn mà! Vào thời Chúa Giêsu, muối tượng trưng cho tính hiếu khách. Khách đến nhà thường được tặng bánh mì và muối, biểu hiệu sự tiếp đón nồng hậu.
“Muối đất”: ngày xưa, khi khám phá ra phân bón, người ta dùng muối để làm đất trồng thêm phì phiêu. Khi chưa có tủ lạnh, muối còn được dùng để ướp cá, thịt và đồ ăn để giữ được lâu.
Một hình ảnh rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta, đó là đèn dầu. Một căn nhà có đèn sáng báo rằng nhà có người ở, có sự sống. Một người đi lạc trong đêm tối hẳn sẽ rất sung sướng khi thấy có ánh đèn. Ánh đèn này đem lại niềm vui và thu hút mọi người.
Chúa Giêsu sai các môn đệ đến trong thế gian như người ta nêm muối vào thức ăn để thêm hương vị và giữ được lâu. “Các con là sự sáng thế gian”. Đây không phải là lời xác nhận sự ưu thế của các môn đệ, nhưng là một công tác truyền giáo: qua đời sống của mình, qua lời nói và hành động, người Kitô hữu được mời gọi làm ánh sáng hy vọng cho những ai đang lần mò trong bóng tối tuyệt vọng, dẫn dắt họ đến với Chúa là Cha của họ và là Cha chung của mọi người. Trong bóng đêm mịt mùng, một ánh lửa nhỏ cũng có thể được nhìn thấy từ xa.
Chúng ta nhận xét thấy Chúa Giêsu không nói: các con hãy cố gắng làm muối đất và trở nên ánh sáng cho thế gian. Nhưng Ngài nói: các con là muối và là ánh sáng bởi vì các con là môn để của ta, vì các con đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.
“Các con là sự sáng thế gian”. Sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: “Ta là sự sáng thế gian” (Ga 8:12). Ngài muốn chúng ta như tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài cho mọi người và cho mọi nơi. Do đó ánh sáng được chiếu tỏa không phải cho chúng ta được vinh danh, nhưng cho vinh quang của Chúa: “Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
Muối đất, sự sáng thế gian: hai hình ảnh nhưng cùng diễn tả một lời mời gọi. Tiên tri Isaia, trong bài đọc 1, đưa ra những phương cách để giữ muối khỏi “lạt” và ngọn đèn luôn chiếu sáng: đó là sống bác ái: chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói, tiếp đón những kẻ bất hạnh vô gia cư, cho quần áo những người không đủ mặc… Khi ấy, “ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.
Có lẽ nhiều người sẽ tự nhủ: làm sao mình có khả năng và xứng đáng làm muối đất và sự sáng cho mọi người? Nắm muối gồm những hạt muối nhỏ dồn lại: đèn sáng được nhờ những giọt dầu góp lại. Những hạt muối nhỏ đó, những giọt dầu đó là những việc nho nhỏ mà chúng ta thực hiện trong đời sống hằng ngày: những nụ cười, lời nói nhã nhặn, lịch thiệp, những cử chỉ bác ái, khiêm nhường, kiên nhẫn, biết lắng nghe, tha thứ, biết nghĩ đến người khác v…v…
Bài Phúc âm hôm nay nhấn mạnh đến chứng từ của tất cả chúng ta. Nếu chúng ta thương yêu nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta, có lẽ chúng ta không cần giảng đạo nhiều, vì chính đời sống, việc làm, việc bác ái của chúng ta sẽ mang lại hương vị cuộc đời cho mọi người và chiếu tỏa trong bóng đêm như ánh sáng ban ngày, giúp đỡ họ, đồng hành với hot đến với Chúa là “nguồn ánh sáng và ơn cứu độ” (Tv 26:1)