CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
HÃY TẠ ƠN (*)– Chú giải của Noel Quesson. 6
HÃY BIẾT QUAY LẠI CẢM TẠ ĐẤNG CỨU ĐỘ TA- Chú giải của Fiches Dominicales 14
GẶP GỠ ĐỂ BÀY TỎ LÒNG BIẾT ƠN (*)- Lm. FX. Vũ Phan Long. 22
TÂM TÌNH BIẾT ƠN- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 34
NGƯỜI SAMARIA BIẾT ƠN- Chú giải mục vụ của Hugues Cousin. 46
ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 49
VÔ ƠN, BIẾT ƠN- Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng. 52
TÁN TỤNG HỒNG ÂN– Lm. Vũ Minh Nghiễm.. 57
TẠ ƠN LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA LÒNG TIN– Lm. Đỗ Bá Công. 63
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐƯỢC DIỄN TẢ QUA TRUNG GIAN CON NGƯỜI- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ. 67
MỘT TRÊN MƯỜI- Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật 71
LÒNG BIẾT ƠN– Lm Inhaxiô Trần Ngà. 77
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa”.
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.
Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.
Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).
Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!
Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13
“Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Ðức Kitô”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 11-19
“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.
Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.
Ðó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
HÃY TẠ ƠN (*)– Chú giải của Noel Quesson
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đi…
Một lần nữa, Luca nhắc chúng ta biến cố đang được chuẩn bị. Đức Giêsu đang sống những tuần lễ cuối cùng. Trước tiên tôi cần dành thời gian để dừng lại trên từng chữ đó: Đức Giêsu… đi… lên… Giêrusalem. Chúng ta hãy thử hình dung cảnh tượng. Hãy thử tưởng tượng những tư tưởng của Đức Giêsu lúc Người đang tiến bước. Giêrusalem! Mục tiêu của cuộc hành trình sau cùng.
Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê
Luca nhấn mạnh rằng Đức Giêsu đi qua miền Samari. Người không theo các quan điểm về chủng tộc của những người đồng thời: Người không ngần ngại đi qua miền đất ấy mà người dân ở Giêrusalem đã tuyệt thông. “Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với Người Samari” (Ga 4,9).
Khi vương quốc ở miền Bắc sụp đổ và dân bị đi đày năm 722 trước công nguyên. Quân đội chiến thắng Át-xi-ri đã đưa những đám nô lệ về định cư lại trên miền Samari. Những đoàn dân ấy thuộc mọi chủng tộc từ mọi miền chuyển về tạo thành một sự pha trộn về chủng tộc và tôn giáo. Các hội đoàn tôn giáo ở Giêrusalem vẫn coi họ như những người dị giáo.
Quan điểm phóng khoáng của Đức Giêsu phải tra vấn chúng ta. Chúng ta đã không giữ lại những hơi hướng khinh thị đối với một số hạng Người, một số chủng tộc, một số môi tường đó sao?
Điều lý thú mà Luca mang lại cho miền Samari là nó chứa đựng một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc: Chính trong tỉnh này mà “sứ vụ Tin Mừng hóa” đã thực hiện những bước đầu tiên bên ngoài vùng Giu-đê. Khúc dạo đầu của việc phát triển to lớn của Giáo Hội trong những vùng đất của dân ngoại.
Đối với những Kitô hữu, phải có những con người khác ngoài con đường mà Đức Giêsu đã mở đầu. Ngày hôm nay, có phải tôi tránh xa những “miền Samari”.
Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người.
Trong miền đất bị chúc dữ này; đây là những người bị chúc dữ nhiều nhất. Ở đây cũng vậy, tôi phải dám tưởng tượng ra cảnh tượng đó. Dưới từ ngữ “phong hủi”, trong tâm thức của Kinh Thánh (Lv 13 và 14); người ta gọi chung mọi bệnh tật trên da thịt, bề ngoài rất ghê tởm và không chỉ bệnh phong hủi theo nghĩa y học hiện đại.
Hơn thế nữa, Kinh Thánh nhìn trong bệnh phong hủi một hình phạt của Thiên Chúa, hình ảnh của chính tội lỗi làm hư hỏng con người.
Còn Đức Giêsu, Người không sợ. Là sự dịu dàng của Thiên Chúa. Người đã đến vì những người nghèo hèn nhất. Ngày hôm nay cũng thế, Đức Giêsu đã không ghê tởm tội lỗi của tôi, tội lỗi của những người gớm ghiếc nhất. Đức Giêsu đã đến vì điều đó để cứu chuộc, để chữa lành.
Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng.
Tôi tưởng tượng tiếng kêu của mười cái cổ họng ấy.
Ngay khi họ nhận ra có người nào đó ở đằng xa, họ có thói quen kêu lớn tiếng, một điều bắt buộc. Luật của Môsê thật hà khắc nhằm đóng khung dịch bệnh lan truyền: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên; “ô uế! ô uế!” (Lv 13,45). Không cần phải nói thêm rằng họ đương nhiên phải bị cấm đến ở những nơi có dân cư, và hoàn toàn bị đuổi ra khỏi những nơi thờ phụng. Những người nghèo ấy thuộc về hạng nghèo nhất.
Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!
Họ gọi Đức Giêsu bằng tên Người, một sự kiện tương đối hiếm thấy trong các sách Tin Mừng. Trong ngôn ngữ Aramêen, Jéshouah có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Kitô hữu Phương Đông gọi “kinh cầu Chúa Giêsu” chính là lời cầu xin ấy được lặp lại nhiều lần: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót. Chúng ta, cũng rất thường lăp lại kinh này trong thánh lễ: Kyrie eleison. Lạy Chúa, xin thương xót!
Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.
Cũng theo Luật (Lv 14,2). Các tư tế là những Người duy nhất có tư cách xác nhận sự lành bệnh. Vậy mệnh lệnh này của Đức Giêsu phải được họ hiểu như một lời hứa chữa lành.
Người ta không khỏi ngạc nhiên bới sứ cứng rắn bề ngoài của Đức Giêsu. Thay vì chữa lành họ ngay tức khắc, người đòi hỏi những người tội nghiệp khẳn khổ ấy ra đi như thế. Và chúng ta thấy họ ra đi, vẫn còn chứng bệnh phong hủi gớm ghiếc ở trên người.
Mọi sự xảy ra như thể Đức Giêsu muốn thử thách Đức tin của họ, có thể nói như thế. Và chúng ta nghĩ đến cùng một thử thách đức tin mà ngôn sứ Êlisê bắt ông Na-a-man, gốc Xyri phải chịu khi yêu cầu ông này phải tự mình thực hiện một biện pháp; điều này làm ông Na-a-man nổi giận!
Ngày nay đối với chúng ta cũng thế, đức tin thường là một thử thách đi qua đêm tối và không thấy, không hiểu chúng ta phải trông cậy vào lời Người. Chúng ta cầu xin Chúa để được giải thoát. Người hứa một ngày nào đó sẽ giải thoát chúng ta. Và chúng ta phải tiếp tục đi theo con đường của chúng ta với chỉ lời hứa của Người.
Đang khi đi thì họ được sạch
Một lần nữa, phép lạ hoàn thành trong sự kín đáo, ở một khoảng cách xa Đức Giêsu. Khía cạnh “giật gân” lạ lùng mà chúng ta rất thích đã cố tình bị làm cho mờ nhạt.
Chúng ta cũng ghi nhận những cộng hưởng tôn giáo của việc chữa lành này, một việc chữa lành không được mô tả dưới khía cạnh y học: Đấy là một sự “thanh luyện”. Lời cầu xin của các bệnh nhân hầu như là lời phụng vụ: “Xin thương xót chúng con”. Đức Giêsu đã yêu cầu họ “trình diện với các tư tế”.
Xuyên qua sự chữa lành đặc biệt này, chúng ta được mời gọi nhận ra một dấu chỉ. Đức Giêsu có thể thanh luyện tôi. Đức Giêsu có thể cứu tôi nữa.
Trước tiên chúng ta chớ xin Người những lợi ích vật chất “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy chữa lành tâm hồn con người hôm nay bằng Mình và Máu Chúa”.
Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn
“Vinh quang của Thiên Chúa! Hãy “cao giọng lên để” ca ngợi vinh quang của Thiên Chúa!”
“Sấp mình xuống dưới chân”! Một cử chỉ mà những Người phương Tây no nê không bao giờ làm nữa, trừ một vài người trẻ tuổi. Chúng ta có cái bụng quá căng khó mà sấp mình sát đất được. Chúng ta tưởng rằng chúng ta chỉ mang ơn chính mình, khả năng và công việc của mình, những tài sản mà chúng ta thừa mứa. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người Hồi giáo có thể gập mình làm đôi đến độ trán họ chạm vào mặt đất đó sao? Một ngày nào đó, bạn hãy thử làm ở nhà bạn không cần ai thấy. Và trong tư thế đó của thân thể, hóa ra không, bạn hãy để cho tư tưởng của bạn thoát đi đến những điều mà tư thế ấy hầu như bắt buộc bạn thực hiện: Con không là gì cả con đã nhận tất cả. Lạy Chúa, con đang ở trước mặt Chúa. Con chỉ là một kẻ quê mùa bẩn thỉu, một “Ađam”. Con chỉ là cát bụi trên mặt đất cát bụi này.
Trong Kinh Thánh, sự sấp mình xuống tận đất là một cử chỉ mà người ta chỉ làm trước Thiên Chúa. Ở đây, người phong hủi được chữa lành đã sấp mình sát đất “trước mặt Đức Giêsu”. Đức Giêsu tham dự vào vinh quang và sự vô cùng của Thiên Chúa: Một mầu nhiệm còn ẩn giấu đằng sau nhân tính rất người của Đức Giêsu!
“Mà tạ ơn!” “eucharistôn!”, “trong khi tham dự vào Thánh Thể “…
Ngày nay cũng thế, trong tiếng Hy Lạp hiện đại, “cám ơn” thì nói “efkaristo”. Thật là tai hại khi sự chuyển thể của ngôn ngữ đã làm chúng ta mất dần ý nghĩa của các từ. Ai trong chúng ta khi nói “tôi đến với Thánh Thể” thì một cách tự phát nghĩ rằng “tôi đến tạ ơn”… tôi sẽ nói lời tạ ơn Thiên Chúa! Thánh lễ trước hết chính là Giáo Hội bước vào một hành động cao cả, “hành động tạ ơn” Đức Giêsu khi “Người ra khỏi thế gian này để về với Chúa Cha”.
“Người cầm lấy bánh, người cầm lấy rượu, tạ ơn và nói: “này là Mình Ta, này là Máu Ta, chịu nộp vì các con”. Mọi bữa ăn của người Do Thái và đặc biệt là bữa ăn lễ Vượt qua đều bắt đầu bằng một bài “berakha” “kinh tạ ơn”. Đức Giêsu được đào tạo trong tín ngưỡng của dân tộc Người, đã không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì sự dịu dàng và lòng nhân hậu của Người dựng nên thế giới bao la và xinh đẹp và cho chúng ta biết bao điều tốt lành đặc biệt là lương thực để sống: (bánh và rượu). Người còn giải thoát và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn Người. Chúng ta không còn biết cám ơn Thiên Chúa.. Chúng ta luôn miệng nói tiếng cám ơn vì lịch sự về mọi việc, do thói quen mà không cần suy nghĩ ở bàn ăn, cửa hàng, trên đường phố; cũng không để nó tạo ra một quan hệ với một ai. Vả lại việc nói cám ơn phải làm chúng ta hiệp thông với một con người: thật ra, đó là một lời bộc lộ tình yêu thương. Nói cám ơn, thông thường phải nhìn thẳng vào người đã làm cho chúng ta hạnh phúc? Người phong hủi tội nghiệp của Tin Mừng, khi nhận được hạnh phúc của mình, đã đi được một khoảng xa. Trong sự vui mừng ngây ngất, người ấy muốn tìm lại khuôn mặt của Đức Giêsu. Anh ta đi ngược trở lại con đường. Anh trở về với Người để nói với Người lời cám ơn! Và giờ đây, tôi thử tưởng tương những cử chỉ, giọng nói và khuôn mặt của anh ta.
Anh ta lại là người Sa-ma-ri.
Vậy ra Người ngoại quốc, người dị giáo, người đáng khinh nhất đó đã có cử chỉ nhân bản nhất, tự nhiên nhất.
Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.
Đối với Đức Giêsu, phép lạ này là một thất bại; bởi vì nó không tạo ra hiệu quả mà Người có quyền chờ đợi: Đối với chín Người kia, phép lạ này không tạo ra “đức tin”. Điều thật sự đáng kể đối với Người. Và vì thế Đức Giêsu rất buồn.
Người Kitô hữu thật sự phân biệt với tất cả các “tín đồ khác không phải vì họ cầu nguyện, họ xin ơn và họ được ơn. Mà chính vì họ “cảm tạ” Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Cần phải đi từ đức tin sơ đẳng chỉ biết cầu xin đến đức tin phát triển biết hướng về Đấng Khác (Tha Thể Tuyệt Đối) để gặp gỡ thật sự Khuôn Mặt của Người.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
HÃY BIẾT QUAY LẠI CẢM TẠ ĐẤNG CỨU ĐỘ TA- Chú giải của Fiches Dominicales
*1. Từ Việc lành bệnh do lời cửa Đức Giêsu phán…
“Đức Giêsu đang đi lên Giêrusalem”. Lời nhắc nhở đó như một thứ điệp khúc mà Luca đặt ở đầu mỗi chương. Người đi theo lộ trình dẫn Người về với Chúa Cha và cũng là con đường đưa ta tới ơn cứu độ nhờ Người. Thánh sử còn xác định rằng “Người đi qua Samaria và Galilê”, cả hai miền đều bị miền Giuđê khinh rẻ; Samaria là xứ sớ của những chi tộc đã ly giáo, còn Galilê là miền biên giới, nơi người Do Thái và người ngoại giáo sống lẫn lộn. Vậy. mà, ở miền đất bị khinh khi, ở cái thế giới bị khai trừ ấy, Đức Giêsu thực hiện phép lạ chữa lành một đám người mắc bệnh phong cùi, thứ bệnh thời đó bị coi là cấm kỵ hết sức nghiêm ngặt. Cấm kỵ không chỉ vì lý do phòng bệnh, để tránh lây nhiễm, mà còn vì lý do tôn giáo; vì bệnh cùi là dấu chỉ tội lỗi làm biến dạng con người, nên những ai mắc bệnh ấy phải sống tách biệt khỏi cộng đồng và bị loại khỏi những nơi thờ phượng.
Sự việc xảy ra ở lối vào một làng kia. Một nhóm người phong cùi khốn khổ đón gặp Đức Giêsu. “Mười”: con số nhỏ nhất để họp thành một cộng đoàn hội đường; “Mười người tượng trưng cho cả một dân tộc, tượng trưng toàn thể nhân loại bị tội lỗi làm cho bệnh hoạn.
Họ cùng mang thương tật của một thứ bệnh, chịu đựng cùng hình phạt khai trừ, họ tiến lên đồng tâm nhất trí, không phân biệt chủng tộc. “Dừng lại đàng xa”, đúng theo Luật truyền, họ hô lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin đủ lòng thương chúng tôi”.
Thay vì chữa họ lành ngay tức khắc, Đức Giêsu muốn thử thách lòng tin của họ. Cũng như ngày xưa, ngôn sứ Êlisêô sai môn đệ nói với quan Naaman, người Siri rằng: “Quan hãy đi tắm ở sông Giođan bảy lần”, Đức Giêsu chỉ đáp lại bằng một câu đơn giản, như một lời hứa sẽ chữa lành: “Hãy đi trình diện với các tư tế. Thật vậy, vào thời đó, các thầy tư tế có quyền chẩn đoán bệnh phong cùi và công bố người mắc bệnh ấy là “không sạch”, thì họ cũng có quyền kiểm tra khi người ấy khỏi bệnh (Lv 14;3) và công bố chính thức người ấy được tái hội nhập vào cộng đoàn.
Khác với vị tướng lãnh Siri, lúc đầu đã từ chối thi hành điều người của Chúa truyền dạy, mười người phong cùi ở đây tức tốc thi hành, không mảy may chần chừ.
Vậy “đang khi đi thì họ được sạch”. Một việc chữa bệnh từ xa, được Luca tường thuật cách hết sức kín đáo, làm nổi bật quyền năng của lời Đức Gịêsu nói.
*2…. đến ơn cứu độ do tin vào Đức Giêsu Kitô.
Đến đây trình thuật làm nẩy sinh một vấn đề mới. Thật vậy trong khi 9 người tiếp tục đi “trình diện với các tư tế, thì riêng có một người, thay vì vâng lệnh Chúa và Luật dạy, “đến quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Thật ngạc nhiên, chỉ đến lúc này, lúc mà cách xử sự của anh đã gây ấn tượng tốt nơi chúng ta, thì chúng ta mới biết anh thuộc dòng tộc nào: anh là người Samaria. Đối với anh, tuy đã khỏi bệnh cùi, nhưng vẫn phải mang thân phận của người bị khinh khi vì lạc đạo, nên không có vấn đề đi đến Đền thờ. Hơn nữa, anh đã gặp Đấng Thiên Sai trên đường, Đấng vừa cứu chữa anh, như rồi đây ta sẽ thấy: chính nơi Đức Giêsu mà ta tôn vinh Thiên Chúa.
– Cử chỉ anh làm là một cử chỉ trong phục vụ, “anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn”. Anh nghĩ chắc chắn đó là cách tuyên xưng công khai Đức Giêsu là người gần gũi với Thiên Chúa. Rolanđ Meynet chú giải.: “Người Samaria vừa khỏi bệnh đã kết hợp Thiên Chúa với Đức Giêsu trong cùng một lời ngơi khen vì tạ ơn. Ơn cứu độ vừa đón nhận được anh công bố cho mọi người biết, đó là công trình của Thiên Chúa và của Đức Giêsu. Lòng tin của anh không phân biệt hai đấng ấy và anh sấp mình dưới chân Đấng đã làm cho anh nên sạch, như sấp mình dưới chân Đức Chúa (L’Evangile selon saint Luc, analyse rhétorique”, cuốn 2, Cerf, trg 171).
Đức Giêsu hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì 9 người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”. Như vậy để nhấn mạnh nét tương phản giữa sự vô ơn của chín người kia, là người Do Thái, và lòng biết ơn của người Samaria độc nhất này, Đức Giêsu gọi anh là người “ngoại bang”. Dưới ngòi bút của Luca, anh được coi như chứng tá sống động của ơn cứu độ được ban cho hết mọi người, vượt mọi biên giới; anh được coi như biểu tượng của những người ngoại giáo được vào Nước Thiên Chúa trước những người Do Thái, bới vì những người này đã biết nhìn nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa.
“Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”, Đức Giêsu kết thúc bằng một câu đầy ý nghĩa, mà Luca muốn đặt làm chóp đỉnh của trình thuật.
+ “Hãy đứng dậy”: động từ này rất thường được Luca sử dụng không chỉ để động viên lòng can đảm trong chiến đấu (như trong cảnh hấp hối: “hãy dậy mà cầu nguyện” (Lc 22,45), mà cũng để chỉ việc sống lại chỗi dậy từ cõi chết) nữa.
+ “Hãy đi”: Luca sử dụng động từ này nhiều lần để chỉ việc Đức Giêsu lên Giêrusalem. Étienne Charpentier giải thích: “Luca định nghĩa Kitô giáo như một con đường… ở đây, đang trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu nói với người được chữa lành: “Hãy chỗi dậy, lên đường!”. Và bởi vì trong toàn bối cảnh đi lên Gíêrusalem, ta đã dịch động từ này là “đi lên”, nên, nếu ta cho đặt vào môi miệng Đức Giêsu câu nói: “Hãy chỗi dậy, hãy cùng ta lên thập giá và vinh quang”, thiết tưởng cũng hợp với tư tưởng của Luca. (Assemblée du Seigneur, số 59, trg77)
+ “Đức tin con đã cứu chữa con”: mười người phong cùi vì tin vào lời Đức Giêsu, nên đã được chữa lành; nhưng chính người Samaria mới sống phép lạ như một cơ hội để tiến tới. một đức tin sâu sắc hơn, một đức tin sẽ mang lại cho anh một kết quả hoàn toàn khác, đó là ơn cứu độ.
Cousin kết luận: “Vì lúc nào Thiên Chúa cũng phải được quan tâm trên hết, nên Đức Giêsu tỏ ra bất bình với chín người. phong cùi đã không đến tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng lời Chúa nói về lòng tin mới là chóp đỉnh của trình thuật tất cả mười người phong cùi đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ có người Samaria biết ơn Chúa mới công bố là được cứu. Vậy thì ơn cứu độ còn quan trọng hơn ơn chữa lành phần xác. Và đức tin trọn vẹn của người quay trở lại tạ ơn thì mạnh hơn lòng tin tưởng đã thúc đẩy mười người ra đi trình diện với tư tế ngay cả trước khi họ được lành bệnh. Việc lành bệnh chỉ mở ra ơn cứu độ toàn diện cho con người, nếu họ nhìn nhận sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa đối với mình, và nếu họ đáp trả bằng cách dấn thân vào mối tương quan thực sự với Đức Giêsu: như thế mới là đức tin trọn vẹn”. (“L’ Evangile de Luc”, Centurion, trg 228-229).
Nhờ đức tin, dù là thuốc dân tộc nào, chúng ta đều được cứu độ. Vậy đến lượt chúng ta hãy lên đường theo chân Đức Giêsu. Không bao lâu sau, Đức Giêsu sẽ nói ở Lc 18,31 “Nào chúng ta lên Giêrusalem”. Lần này hiển nhiên bao gồm các môn đệ trong cuộc hành trình của người tiến về cuộc Khổ nạn Phục sinh.
BÀI ĐỌC THÊM:
Đường trở về dẫn đến lời tạ ơn: (Đức cha Daloz, trong “Dieu a visité son peuple” DDB, trg l30).
Câu chuyện mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành mà chỉ có một người trở lại tạ ơn, cũng chính là hình ảnh thường xảy ra với chúng ta, khi lâm cảnh túng cực, chúng ta biết tìm đến sự cầu nguyện: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Đức Giêsu tiếp đón mười người phong cùi đứng đàng xa lớn tiếng van xin người. Người sai họ đi trình diện với các tư tế và họ đón nhận lời Người với lòng tin. Họ được khỏi bệnh đang lúc đi đường. Nhưng họ mới đi được nửa con đường họ phải đi. Tất cả mười người đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ một người duy nhất nghe được câu nói khiến anh khám phá ra Đức Giêsu “Hãy đứng dậy, lòng tin của anh đã cứu anh”. Anh đã biết quay trở lại con đường cũ. Con đường ấy đã dẫn anh đến lời tạ ơn.
Như vậy, có nhiều con đường dẫn đến Đức Giêsu: có con đường đưa ta đến với Người khi ta lâm cơn quẫn bách, và có con đường dẫn ta quay trở lại với Người để nhận biết Người. Rất nhiều kẻ chỉ đi con đường thứ nhất. Họ không bị khước từ và được dẫn đường từ chuyến đi ấy. Đó mới là bước đầu. Thiên Chúa không keo kiệt khi ban ân huệ của Người: Người không cân đo lòng biết ơn của ta. Nên có những kẻ tiến xa hơn và trở nên môn đệ. Họ được hưởng ân huệ quý giá hơn nhiều, đó là được mạc khải một đức tin cứu độ: “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Họ cảm nhận được một điều gì đó thuộc về mầu nhiệm Đức Giêsu; họ tiến vào mối quan hệ hỗ tương với Người, mối tương quan của lời tạ ơn. Ước chi chúng ta thuộc về những người không dừng lại giữa đường!
Đức Giêsu, Người chữa lành hay Đấng cứu Độ?
Đức Giêsu đã chữa lành nhiều người, đó là điều không thể hồ nghi. Mỗi trang sách Tin Mừng đều chứng thực điều đó. Ngoài ra, làm sao Đức Giêsu có thể làm cho người ta tin phục mình là Đấng Mêsia, nếu Người đã không chữa bệnh? Vì đó là điều kiện cần thiết, phải có ở thời buổi của Người, điều mà người ta còn gặp thay nơi tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo thời nay. Vậy phải chăng Đức Giêsu chỉ là người chữa bệnh? Chắc chắn không phải như vậy? Đức Giêsu đến không phải để chữa bệnh, mà để cứu độ. Có thể nói rằng khi Người chữa bệnh là dấu chỉ người cứu độ. Người không nói: “Lòng tin của anh dã chữa anh lành”, nhưng nói: “Lòng tin của anh đã cứu anh”.
Vậy ơn cứu độ chính là khả năng sống cuộc sống của Đức Kitô, dù ta có yếu đau hay khỏe mạnh, sau khi chết cũng như trước khi chết. Việc chữa bệnh là một thứ dụ ngôn về sự sống lại. Một nhà chú giải Kinh Thánh đường thời đã có một nhận xét mà về phần tôi, đã soi sáng tôi nhiều. ông nói: ngay từ thời Giáo hội sơ khai, trong phụng vụ, người ta đã không bao giờ đọc một đoạn Tin Mừng về việc Chúa chữa bệnh để xin Người chữa các bệnh nhân có vẻ phù phép, nhưng chỉ đọc để loan báo việc Chúa sống lại.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
GẶP GỠ ĐỂ BÀY TỎ LÒNG BIẾT ƠN (*)- Lm. FX. Vũ Phan Long
Với giai thoại Đức Giêsu chữa mười người phong này (17,11-19), tác giả bắt đầu phần thứ ba (17,11–18,14) của bài tường thuật hành trình lên Giêrusalem: tại c. 11a, độc giả gặp lời nhắc về hành trình này lần thứ ba (hai lần trước: 9,51; 13,22). Cho dù c. 11b tạo ra một điểm khó giải thích (“thập giá của các nhà chú giải”) do có những lời quy chiếu về Samari và Galilê, độc giả vẫn không quên rằng mối bận tâm thần học của Lc là đưa Đức Giêsu về thành định mệnh, để tại đó công cuộc cứu độ loài người được vĩnh viễn hoàn tất.
Đây là giai thoại chỉ có trong Tin Mừng Luca.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Địa điểm (17,11);
2) Đức Giêsu chữa lành mười người phong (17,12-14);
3) Người Samari trở lại cám ơn Đức Giêsu (17,15-18);
4) Liên hệ giữa đức tin và cứu độ (17,19).
3.- Vài điểm chú giải
– Đức Giêsu đi qua giữa hai miền Samari và Galilê (11): “Đi qua giữa (dia meson) hai miền Samari và Galilê” có thể có nghĩa là đi trong giải đất làm thành biên giới giữa hai miền. Nếu thế, hẳn là Đức Giêsu đi theo con đường này để đến thung lũng Giođan phía Sythopoli và từ đó đi xuống tới Giêrikhô (18,35), rồi từ đó Người sẽ đi lên Giêrusalem. Từ ngữ meson (mesos, “giữa”) được dùng ở đối-cách, thay vì thuộc-cách (Đối-cách: accusative; thuộc-cách: genitive) và không có mạo từ dường như hỗ trợ cho cách giải thích này. Cả về mặt địa lý, cách giải thích này cũng chắc chắn hơn, bởi vì nếu Đức Giêsu đi về Giêrusalem, thì Người đi từ bắc xuống nam; nhưng nếu Người “đi qua Samari và Galilê” (theo một cách dịch), thì dường như Người đi từ nam lên bắc! Phải chăng chi tiết địa lý này có một ý nghĩa thần học? Trong trường hợp này, chắc là Lc viết “đi qua Samari và Galilê”, mà mắt nhìn lui về phía sau để ngó lại đoạn đường đã đi qua. Con đường và hoạt động của Đức Giêsu luôn luôn được hướng dẫn bởi Giêrusalem, nên bây giờ Người như đứng tại Giêrusalem mà nhìn ngược lại. Ta chỉ có thể hiểu được lộ trình, cuộc tiến bước và tất cả hoạt động của Người nếu khởi đi từ Giêrusalem, nơi số phận bi thương đang chờ Người. Phần tường thuật cuộc hành trình đã bắt đầu với một sự cố nhắc đến Samari, nay Samari cũng bắt đầu chặng cuối của cuộc hành trình. Như thế, Samari là cái cầu chuyển Lời Chúa từ Galilê đến Giêrusalem, rồi từ Giêrusalem đến với Dân ngoại. Sau khi sống lại, Đức Giêsu sẽ giao cho các môn đệ sứ mạng này: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê và miền Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Như thế, con đường Đức Giêsu theo hôm nay phác ra trước con đường Giáo Hội sẽ theo sau này: con đường của Giáo Hội là hoa trái của con đường Đức Giêsu.
Chúng ta ghi nhận rằng về phương diện ngữ học, cách giải thích thứ hai có thể chấp nhận được: cách dùng dia trong thể thơ với từ ngữ chỉ nơi chốn ở đối-cách, dù chỉ có ở đây trong Tân Ước, ta thấy có trong hy-ngữ sau này.
Cũng khó có thể chọn lựa dứt khoát cách giải thích nào. Theo N. Guillemette, nếu Lc đã muốn nói “ở biên giới của Samari và Galilê” như BJ (“aux confins de la Samarie et de la Galilée”) hoặc “dọc theo biên giới Samari và Galilê”, hẳn ông đã nói. Về phương diện này, dường như cách dịch của TOB (“Người đi băng qua Samari và Galilê”, “il passa à travers la Samarie et la Galilée”) tự nhiên hơn. Mặc dù cách giải thích thứ hai có thể khiến ta có ấn tượng là hơi ép về mặt thần học, nó lại hài hòa với các bận tâm thần học và địa lý của tác giả Luca. Vì thế, trong khi chờ đợi những khám phá mới, Guillemette nghiêng về cách giải thích này.
– mười người mắc bệnh phong (12): Rất có thể con số “mười” chỉ có nghĩa là một con số tròn.
– Hãy đi trình diện các tư tế (14): Đức Giêsu không chữa lành họ, mà bảo họ cứ đi gặp các tư tế trong tình trạng bệnh tật. Người gợi đến quy tắc Lv 13,49. Các “tư tế” đây có lẽ nói chung là giới chức phục vụ thánh điện, chứ không nhất thiết là tư tế Do-thái đang làm việc tại Đền Thờ Giêrusalem hoặc tư tế Samari đang phục vụ tại Núi Garidim.
– Anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn (16): Hành vi phủ phục cho hiểu là anh ta nhìn nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Địa điểm (11)
Vị trí địa lý cũng như ngôi làng đều không được xác định. Điều quan trọng là Đức Giêsu đang tiến về Giêrusalem; trên đường, Người đi qua cả Samari, là khối dân bị coi là bội giáo, và Người đã có những khám phá độc đáo.
* Đức Giêsu chữa lành mười người phong (12-14)
Vào thời Đức Giêsu, có câu tục ngữ nói rằng: “Có bốn hạng người có thể được coi như người chết, dù vẫn sống, đó là những người nghèo, người phong cùi, người mù và người không có con”. Mọi chứng bệnh đều bị coi như hình phạt của Thiên Chúa để trừng phạt tội lỗi, nhưng bệnh phong cùi được coi như là chính biểu tượng của tội. Người Do-thái nghĩ rằng Thiên Chúa dùng bênh phong cùi để trừng phạt kẻ ghen tị, kiêu căng, quân trộm cướp, giết người, thề gian và loạn luân.
Hôm nay Đức Giêsu gặp mười người phong. Đôi khi số phận cướp mất sự tự do hành động của con người, buộc con người phải sống một kiểu sống rất giới hạn. Ai mắc bệnh phong là rơi vào tình trạng đó. Người ấy bị dứt khoát loại khỏi gia đình và làng quê và phải sống bên lề cộng đồng nhân loại. Người ấy chỉ được sống chung với những người cũng mắc chứng bệnh đó. Vì sợ bị lây nhiễm, xã hội bắt họ phải la to hoặc rung chuông mà báo cho biết là họ đang đến; họ sống nhờ xin bố thí, nhưng luôn phải ở cách những vùng dân cư; họ được vào một làng, nhưng không được vào một thành có tường lũy bao quanh. Như thế, vì chứng bệnh này, họ phải sống một kiếp sống thê thảm bên lề xã hội. “Mười” có thể có nghĩa là “toàn vẹn”. Như thế, “mười người phong” tượng trưng cho tình trạng tội lỗi, là biểu tượng của tội, của tình trạng bần khốn của con người, của tình trạng xa lìa Thiên Chúa và người thân cận. Đức Giêsu đã gặp mười người đúng với hoàn cảnh của họ: họ đứng đàng xa và kêu lớn tiếng xin Đức Giêsu giúp đỡ. Đáng ghi nhận là nhóm này gồm cả người Do-thái lẫn người Samari. Hẳn là bệnh tật và sự bần khốn đã giúp xóa đi những tị hiềm giữa Do-thái và Samari (x. Lc 9,53; Ga 4,4-9). Sự bất hạnh đã đưa họ lại với nhau và làm cho họ thành bạn bè. Mười người phong cùi này không tách riêng nhau ra mà xin giúp đỡ từng người một; họ cùng đi với nhau mà gặp Đức Giêsu. Lời cầu xin của họ là lời thỉnh cầu của cộng đoàn: “Lạy thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi!” (c. 13).
Trong trường hợp bà goá Nain (7,11-17) và người phụ nữ còng lưng (13,10-17), Đức Giêsu đã lấy sáng kiến, đến gần và thương xót cứu giúp các bà. Trong trường hợp những người phong này, Người lại để cho họ có sáng kiến, họ cầu khẩn Người. Người cũng chẳng đến gần họ, mà lại bảo họ đi xa Người, như thể Người muốn tránh né họ. Người phái họ đến gặp các tư tế mà bề ngoài chưa hề làm gì để chữa họ cả. Theo quy định của Cựu Ước (Lv 13–14), các tư tế có thẩm quyền tuyên bố về các chứng bệnh này. Các vị phải xác nhận rằng một người phong đã thật sự khỏi bệnh. Nhờ phán quyết này mà một người đã hết bệnh được tái nhập xã hội. Mười người phong này cần được chữa lành đã, thì việc họ đi trình diện các tư tế mới có ý nghĩa. Đức Giêsu lại bảo họ cứ việc đi, vì Người đòi hỏi họ có lòng tin để hiểu rằng việc ra đi do Người truyền lệnh có một ý nghĩa và đưa đến một cùng đích. Trong khi đi đường, họ đã được khỏi bệnh.
* Người Samari trở lại cám ơn Đức Giêsu (15-18)
Cho tới lúc này, mười người phong được giới thiệu như một nhóm. Tất cả đều sống như nhau; tất cả đều sống một biến cố như nhau. Bây giờ có một người tách khỏi nhóm và quay lại với Đức Giêsu. Tại sao chỉ có một người trở lại bày tỏ lòng biết ơn? Tại sao Đức Giêsu than thở về chín người kia khi chính Người đã truyền họ đi và trình diện trước tiên với các tư tế? Phải chăng người Samari đã không vâng lời Người? Có lẽ những người khác cũng sẽ trở lại cám ơn Đức Giêsu, nhưng lúc này họ vội vã đến gặp các tư tế vì họ muốn được tuyên bố là sạch bệnh càng sớm càng tốt và thế là bỏ được số phận bi đát. Họ mong muốn được trở vào cộng đồng nhân loại càng sớm càng tốt, như là những thành viên có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ. Họ nhìn tới tương lai, chứ không nhìn lui về Đấng đã kéo họ thoát khỏi số phận bi thương. Chỉ có một người duy nhất đã “quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Chỉ có người Samari này đã nhận ra được Đức Giêsu là ai và muốn nhìn nhận tư cách đặc biệt của Đức Giêsu như là trung gian của Thiên Chúa. Chín người kia làm các công việc theo cách quy ước và đi theo những cách hành đạo truyền thống, họ không nhận thấy là một trật tự mới đã được thiết lập. Điều này đã xảy ra cho dân Israel. Những kẻ laic đạo, những người ngoại giáo là những người đầu tiên nhận ra rằng Đức Giêsu là Đấng trung gian đưa ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho trần gian.
* Liên hệ giữa đức tin và cứu độ (19)
Người Samari này ca ngợi Thiên Chúa và cám ơn Đức Giêsu. Anh coi điều Đức Giêsu đã làm cho anh là một ân huệ của Thiên Chúa. Tất cả mười người đều đã được lành. Nhưng chỉ đối với anh Samari này, cuộc chữa lành không những là dịp khôi phục sức khoẻ và đời sống chung với loài người, mà còn trở thành dịp gặp gỡ Thiên Chúa và Đức Giêsu. Chứng nan y đã đưa anh đến một tiếp xúc đầu tiên với Đức Giêsu, một cuộc gặp gỡ từ đàng xa. Sau khi được chữa lành, anh không chạy xa Đức Giêsu, nhưng đã trở lại với Người mà ca ngợi Thiên Chúa. Với lần thứ hai này, anh có thể gặp Người gần kề hơn, như Đấng đã tỏ lòng thương xót anh. Không những trong tư cách là người đã chữa bệnh phong, mà còn trong tư cách là người có ơn ban thường trực là kinh nghiệm này, Đức Giêsu chỉ cho anh lộ trình sau này. Tất cả giai thoại kết thúc bằng câu nói: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
Đức Giêsu không nói: “Tôi cứu chữa anh”, mà lại nói: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Anh đã nhận biết hoạt động của Đức Giêsu là Đức Chúa, anh đã đón nhận, nay anh dâng trả lại cho Người. Những người khác nhận được sự chữa lành như là một món nợ được trả, họ giữ ân huệ của Thiên Chúa lại cho mình. Chỉ có anh Samari này “quay trở lại”, “hoán cải” và nhận biết rằng anh ta mắc món nợ phải trả. Vì thế, chỉ có anh này mới thật sự “được cứu”.
Bằng việc quay trở lại với Đức Giêsu, người Samari cho chúng ta thấy rằng anh đã hiểu tại sao lúc đầu anh lại được sai đến với các tư tế. Anh phải nói cho họ biết tin này: Thiên Chúa đã sai đến Đấng từng được các ngôn sứ loan báo, Đấng làm cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, người chết trỗi dậy và người cùi được lành (x. Lc 7,22). Anh làm chứng rằng Thiên Chúa ở gần mọi người, kể cả người phong cùi. Từ nay sẽ không còn chia cách giữa người khỏe mạnh và người phong cùi, giữa người công chính và lẻ tội lỗi.
+ Kết luận
Đức Giêsu đã chiếu cố đến cả mười ngươi phong cùi, dù họ là người Do-thái hay là người Samari. Tuy nhiên cách Người chữa lành đòi hỏi sự cộng tác nghiêm túc của con người. Trước tiên, các bệnh nhân phải đi trình diện với các tư tế, y như thể họ đã lành: họ phải chứng tỏ đức tin bằng cách vâng lời Người mà đi đến với các vị lãnh đạo có quyền cho họ được tái tháp nhập vào trong cộng đồng. Sau đó, điều mà Đức Giêsu chờ đợi chứ không truyền lệnh: họ phải chứng tỏ đức tin vào Người bằng cách nói lên tâm tình biết ơn. Chỉ có một người bị coi là bội giáo, coi như kẻ ngoại, là người Samari, đã quay trở lại mà cám ơn, tức là nhìn nhận rằng điều tốt lành mình có được là do một Đấng khác. Chỉ khi thực hiện được cả hai điều này, vâng lời và cám ơn Thiên Chúa, người ta mới thực sự được lành mạnh trọn vẹn. Đức tin phát sinh từ việc nhận biết ân huệ Thiên Chúa ban và được diễn tả ra bằng một tiếng “cám ơn” không ngừng. Khi nhìn nhận người Samari đã được đức tin chữa lành, Đức Giêsu đã công nhận chỉ có anh này mới được chữa lành hoàn toàn.
5.- Gợi ý suy niệm
*a. Mười người phong cùi được lành bệnh đang khi họ đi đường với nhau. Tân Ước vẫn so sánh đời sống Kitô hữu như một hành trình dài, mệt nhọc. Sự lành mạnh thiêng liêng của chúng ta không xả ra tức khắc. Nếu chúng ta đã sống nhiều năm như một người “phong cùi”, chúng ta sẽ không được chữa lành đột ngột. Chúng ta phải đi với nhau, và trên đường đi, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả chúng ta đã được chữa lành.
*b. Nghĩ về thân phận người phong, chúng ta phải đặt ra cho mình câu hỏi: Ai là những người đang sống một cuộc sống bên lề cộng đồng chúng ta? Họ đang phải sống kiểu sống nào? Hôm nay, có những dạng bệnh và tật mới, hoặc một sự sa cơ thất thế, cũng khiến người ta có thể bị đẩy ra bên lề xã hội. Phải chăng chúng ta coi đó là chuyện đương nhiên, dễ hiểu?
*c. Thông thường khi nhận được một sự trợ giúp, người ta mau quên người đã giúp đỡ mình. Người ta say sưa với viễn tượng tương lai đang mở ra. Đối với Thiên Chúa, có khi ta còn đối xử tệ hơn. Bởi vì Người thường xuyên ban cho chúng ta qua nhiều ơn lành, chúng ta chẳng nghĩ rằng mọi điều ta có đều là do Thiên Chúa xót thương ban tặng. Chúng ta cứ lao tới trước, bỏ lại đàng sau chúng ta Đấng liên tục ban ơn để chúng ta có thể lao tới phía trước.
*d. Khi chúng ta nhận được một điều tốt lành, chúng ta nên đặt ra cho mình câu hỏi: Điều gì đáng giá hơn đối với chúng ta, ân huệ hay là người ban ơn? Cần phải đặc biệt đặt ra câu hỏi này cho mọi ơn lành nhận được từ Thiên Chúa. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến ân huệ (quà tặng), nghĩa là đến các của cải vật chất, đến sức khoẻ, v.v., thì trái tim của chúng ta còn giới hạn, còn ích kỷ. Nếu đi từ quà tặng, chúng ta chú ý đến tình yêu và lòng nhân ái của ân nhân, thì kinh nghiệm về ân huệ trở thành gặp gỡ mới mẻ và riêng tư với người ban ơn. Ân ban có thể là một sự trợ giúp lớn lao. Nhưng điều làm cho chúng ta sung sướng hơn nữa là có thể nhận biết sự tốt lành của Đấng ban và có thể cám ơn Ngài về điều đó. Không phải là Thiên Chúa nhận được gì từ lời cám ơn của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ nên nghèo nàn hơn nếu không cám ơn Ngài. Nếu chúng ta chỉ ích kỷ nhìn vào tặng phẩm, chúng ta đang mất khả năng thấy, trải nghiệm và nhận biết tình yêu của Đấng ban ơn.
*e. Cám ơn Thiên Chúa là dâng trả ân huệ về cho Ngài, là nhìn nhận Ngài là nguồn mạch tuôn trào ra ân huệ chúng ta đã lãnh nhận. Cám ơn là đi vào luồng tương giao tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta và trở lại với Ngài. Người vô ơn là người chặn đứng luồng tương giao này lại, không cho nó trở về với nguồn mạch, và sẽ làm cạn khô tương giao đang có. Công trình cứu độ của Đức Giêsu chỉ thực sự sinh hiệu quả nếu chính chúng ta cởi mở để cho mọi sự quay trở lại với Người.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
TÂM TÌNH BIẾT ƠN- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
– Bài đọc I : Lòng biết ơn của tướng Naaman người xứ Aram sau khi được khỏi bệnh cùi.
– Đáp ca : Ca tụng những ơn lành Thiên Chúa đã ban.
– Tin Mừng : Lòng biết ơn của một người cùi đối với Chúa Giêsu.
*I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
“Thánh lễ” còn được gọi bằng một tên khác đúng với ý nghĩa hơn, đó là “Lễ Tạ Ơn”. Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban cho chúng ta, đặc biệt các ơn Ngài ban qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.
Vậy giờ đây chúng ta hãy nhớ lại những ơn lành của Chúa để cảm tạ Ngài.
Nhưng trước hết, chúng ta cũng ý thức rằng rất nhiều lần mình đã vô ơn với Chúa, và thành tâm xin Ngài tha thứ cho chúng ta.
*II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Rất nhiều khi chúng ta nhận lãnh ơn Chúa ban, nhưng không biết tạ ơn Ngài.
– Nhiều lần chúng ta tham dự Lễ Tạ Ơn, nhưng trong lòng không chút tâm tình tạ ơn nào cả.
– Những thánh giá trong cuộc đời cũng là những ơn lành Chúa ban. Nhưng chẳng những chúng ta không vui lòng đón nhận, mà còn tìm cách trốn tránh.
*III. LỜI CHÚA
*1. Bài đọc I (2 V 5,14-17)
Chuyện ngôn sứ Êlisê chữa bệnh cùi cho tướng Naaman người xứ Aram :
– Được biết bên xứ Israel có ngôn sứ Êlisa đã từng chữa trị nhiều người khỏi bệnh, vua xứ Aram viết thư giới thiệu và đưa cho tướng Naaman đang mắc bệnh cùi đến cho Êlisê cứu chữa.
– Êlisê bảo Naaman xuống tắm 7 lần trong sông Giođan. Ban đầu Naaman không chịu. Nhưng do một người hầu gái thuyết phục nên sau đó Naaman làm theo. Và ông đã được khỏi bệnh cùi.
– Naaman trở lại tạ ơn ngôn sứ Êlisê và tuyên dương quyền phép của Thiên Chúa.
*2. Đáp ca (Tv 97)
Ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa : “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới vì Người đã thực hiện bao kỳ công”
*3. Tin Mừng (Lc 17,11-19)
– Thái độ của 10 người cùi trong đoạn Tin Mừng này : biết phận mình nên khi thấy Chúa Giêsu thì “dừng lại đàng xa” và kêu xin.
– Khi của Chúa Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”, Chúa Giêsu vừa thử đức tin của họ vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài :
+Thử thách đức tin : vì Ngài không chữa bệnh ngay
+ Mời gọi đức tin : nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa họ.
– 9 người cùi do thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.
*4. Bài đọc II (2 Tm 2,8-13)
Mặc dù đang chịu cảnh khổ sở vì bị giam trong tù, nhưng Phaolô vẫn ca tụng Thiên Chúa và quyết cùng chết với Chúa Giêsu để được cùng sống với Ngài.
*IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Suy nghĩ về lòng biết ơn
- Chi tiết đánh động nhất trong bài Tin Mừng này là trong số 10 người cùi đã được Chúa Giêsu chữa khỏi, chỉ có một người biết quay lại tạ ơn Ngài, mà người này lại là một người Samaria ngoại đạo. Tại sao thế ?
Thưa vì tâm lý thông thường của những kẻ “ở trong nhà” là nghĩ rằng mọi điều tốt mà người nhà làm cho mình là đương nhiên. Còn những “kẻ ở ngoài” thì nghĩ rằng mình chẳng có lý do nào để được những điều ấy, cho nên khi nhận được thì rất biết ơn. Câu chuyện của bài đọc I minh chứng điều đó : Tướng Naaman không phải là người do thái mà là một người Aram. Bởi đó khi ông được Thiên Chúa của Israel và ngôn sứ Êlisê chữa cho khỏi cùi thì ông vô cùng biết ơn. Ông mang nhiều lễ vật đến tạ ơn Êlisê, và ông lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.
Chúng ta muốn người chịu ơn ta phải tỏ lòng biết ơn ta, thế nhưng khi chịu ơn người khác chúng ta lại ít tỏ lòng biết ơn. Điều này bộc lộ khuynh hướng ích kỷ của chúng ta : chúng ta làm ơn là để được biết ơn. Nói cách khác, chúng ta làm vì mình chứ không vì người khác.
Chúa Giêsu thì ngược lại : Ngài muốn chúng ta tỏ lòng biết ơn Ngài không phải vì Ngài mà vì ích lợi của chín chúng ta. “Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa ?” Khi nói thế, Chúa Giêsu không nghĩ cho bản thân Ngài mà nghĩ cho những người cùi : Ngài muốn họ có tâm tình tốt đối với Thiên Chúa, từ đó sẽ có một liên hệ tốt với Thiên Chúa, và liên hệ tốt này lại phát sinh nhiều ơn lành khác nữa.
Biết ơn Thiên Chúa là một điều rất tốt, không phải tốt cho Thiên Chúa, mà tốt cho chính chúng ta : do bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta sẽ ý thức hơn về tình thương của Thiên Chúa ; do bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về thân phận nghèo nàn của mình ; hai ý thức ấy sẽ giúp chúng ta gắn bó với Chúa và nương tựa vào Ngài nhiều hơn.
Kẻ nào không biết cám ơn trong những việc nhỏ thì cũng không biết cám ơn trong những việc lớn. Vì thế ta cần phải tập cám ơn trong từng việc nhỏ.
Cám ơn Chúa vì những điều vừa ý mình thì rất dễ, nhưng cám ơn Chúa vì những điều trái ý mình mới khó. Vì thế ta cần phải tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho mình : chuyện vui cũng như chuyện buồn, thành công cũng như thất bại, sức khoẻ cũng như bệnh tật. Sự biết ơn về tất cả mọi điều xảy đến cho mình như thế còn phát sinh một ích lợi nữa là khiến ta biết nhìn đời mình một cách toàn diện, thấy cả hiện tại và quá khứ, từ đó ta sẽ nhận ra rằng đời mình được dẫn dắt bởi bàn tay yêu thương kỳ diệu của Chúa như thế nào. Thực vậy, khi nhìn lại quá khứ, ta sẽ thấy rằng những điều làm ta thích và những điều làm ta khổ không tách rời nhau, nhưng liên kết với nhau, đan xen nhau và đều góp phần dẫn ta đến cái hiện tại tốt đẹp ngày nay, từ đó ta có thể nói như Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng “Tất cả đều là hồng ân”.
* 2. Suy nghĩ về 9 người cùi vô ơn
Chín người cùi do thái không cảm thấy tâm tình biết ơn có lẽ vì trước đó họ chỉ thấy tình trạng khốn khổ của họ chỉ là ngoài da, và sau đó họ cũng coi tình trạng được khỏi của họ chỉ là ngoài da. Nói cách khác họ chẳng thấy gì khác ngoài một chứng bệnh da liễu : Họ bị da liễu, Chúa Giêsu chữa họ khỏi da liễu, thế là xong. Họ trở về với nếp sống cũ, với những thói quen cũ, những tật xấu cũ, những suy nghĩ cũ… Chẳng có gì thay đổi trừ ra một làn da hết bệnh.
Còn người cùi xứ Samaria, cũng như Naaman xứ Aram đã ý thức thân phận mình khốn khổ sâu xa như thế nào : đau đớn phần xác, mặc cảm tâm lý, tủi nhục tinh thần, cuộc đời như đã bị bỏ đi. Bởi vậy sau đó, cùng với sự khỏi bệnh ngoài da, họ còn được cứu chữa về tâm lý, tinh thần và đạo đức nữa. Họ trở thành những con người mới hẳn.
* 3. Suy nghĩ từ chuyện ông Naaman
Chuyện tướng Naaman mắc bệnh cùi rồi được chữa khỏi cho ta thấy từ đau khổ người ta có thể rút ra nhiều sự lành như thế nào.
– Naaman là một con người có nhiều quyền hành và thế lực vì ông là tướng chỉ huy quân đội nước Aram. Ông rất tự tin vào chính mình, chẳng cần gì đến Thiên Chúa.
– Thế rồi chứng bệnh cùi khủng khiếp đã làm ông mất tất cả, đầy ông từ chóp đỉnh xuống vực sâu của xã hội. Ông biết mình khốn khổ, ông cần ai đó cứu ông à Ông trở thành khiêm tốn hơn.
– Nhờ có người mách bảo, Naaman tìm đến với ngôn sứ Êlisê với hy vọng vị này chỉ nói một lời hay làm một việc gì đó thôi thì ông sẽ khỏi bệnh ngay. Nhưng Êlisê bảo ông đi tắm trong dòng sông Giođan nhỏ bé và phải tắm đến 7 lần. Ban đầu ông không chịu, nhưng sau đó ông chấp nhận à Ông đã biết chịu đựng và kiên nhẫn.
– Khi khỏi bệnh, Naaman ngoại đạo ấy còn khám phá một điều quan trọng hơn tất cả, đó là có một Thiên Chúa thực sự và quyền năng. à Ông có đức tin.
Cũng như Naaman trước khi bị bệnh, chúng ta ít nghĩ tới Chúa khi đời mình đang thuận buồm xuôi gió. Chúng ta cho rằng đời mình hoàn toàn tùy thuộc vào khối óc và đôi tay của mình.
– Khi gian truân khốn khổ ập đến, ta chợt ý thức rằng mình quá nghèo nàn và yếu đuối. Mắt ta được nhìn thấy mặt trái của cuộc đời, đầu ta biết cúi xuống, chân ta biết quỳ xuống, và lòng ta biết hướng lên cao.
– Như thế, đau khổ có rất nhiều lợi ích : nó đem ta đến gần Chúa hơn, nó khiến ta bớt duy vật hơn, nó còn cho ta thấy những khía cạnh tốt lành ẩn giấu trong những điều trái ý.
* 4. Dòng suối ân tình
Trong một chuyến bay từ Rôma về Nữu ước, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không đang đi lại phục vụ quí khách. Thấy cử chỉ lạ của Đức Tổng, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi :
– Thưa Đức cha, có chuyện gì mà Đức Cha lại nhìn con như thế ?
Vị Tổng Giám Mục nhoẻn miệng cười đáp :
– Vì đôi mắt của con rất đẹp !
– Vậy con phải làm gì để cám ơn Chúa đây ?
– Con ạ ! Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của từng người phong trong trại cùi Di Linh mà đem tặng cho con. Vậy con hãy đến đó chăm sóc cho họ mà đền đáp ơn Chúa.
Quả thật, chỉ ít lâu sau người ta đã thấy người phụ nữ xinh đẹp này ngày đêm tận tuỵ băng bó những vết thương lở loét cho các bệnh nhân phong, tại trại cùi Di Linh dưới lớp áo dòng nữ tu.
*
Phong cùi là một bệnh nan y khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Vào thời Chúa Giêsu nó còn khoác vào người bệnh nỗi nhục nhã trong tâm hồn, vì người ta cho rằng họ là những người bị Thiên Chúa phạt. Những người mắc bệnh cùi bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi xa mọi người, xa cả người thân. Phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và phải hô lên rằng mình có bệnh truyền nhiễm và nhơ nhớp để cho người lành biết mà tránh xa (x. Lv 13,1-44).
Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay kể lại chỉ một lời Chúa Giêsu phán ra thì vết thương của thể xác và nỗi đau trong tâm hồn bao năm đè nặng bỗng tan biến hết. Căn bệnh quái ác mà họ cứ tưởng phải gánh chịu suốt cả cuộc đời, nỗi ô nhục mà họ cứ tưởng sẽ vĩnh viễn theo họ sang bên kia thế giới, thì nay đã được hoàn toàn tẩy xoá. Chỉ nhờ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa mà họ như đã chết nay được hồi sinh, niềm vui rộn rã như vỡ oà trong tim.
Trớ trêu thay trong mười người được hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người Samari ngoại đạo. Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.
Chúa Giêsu phải thốt lên lời quở trách : “Không phải cả mười người được sạch cả sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17,17-18). “Sở dĩ Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, thì Người lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh. Người nói : “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.
Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp theo nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng cám ơn, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ tấm lòng tri ân ! Thú vật còn biết vẫy đuôi cám ơn khi ném cho nó cục xương, còn người vô ơn khi nhận được ân huệ chỉ biết trố mắt nhìn và câm lặng.
Một đứa trẻ mới bập bẹ tập nói trong một gia đình có giáo dục, thì tiếng “cám ơn” luôn nằm sẵn trên bờ môi. Một người có nhân cách thực sự là một người có lòng biết ơn. Một người luôn thể hiện lòng biết ơn mới đích thực là con người. Lòng biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người. Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Biết ơn là ý thức về tình liên đới với người khác. Biết ơn là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Vì thế, lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Một tiếng nói “cám ơn” với tất cả chân thành, một cử chỉ biết ơn sâu xa sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn.
Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một “bài ca tạ ơn”. Người tạ ơn Cha trước khi cho Ladarô sống lại, trước khi làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, trước khi lập phép Thánh thể. Người không chỉ là mẫu mực về lòng biết ơn mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn ấy : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Kể từ đó, mỗi thánh lễ mà Giáo Hội cử hành được gọi là Thánh lễ Tạ ơn.
Thánh Phaolô luôn dâng lời tạ ơn lên Chúa : “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô” (1 Cr 1,4). Ngài cám ơn tất cả những ai giúp ngài trong công việc mục vụ : “Quà anh em tặng cho tôi đó, chúng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận” (Pl 4,10). Như vậy, câu ngạn ngữ Anh nói rất chí lý : “Cho người có lòng biết ơn chính là cho vay”.
*
Lạy Chúa, suốt cuộc đời chúng con ngụp lặn trong đại dương ân huệ của Chúa, suốt đời chúng con được tắm mát trong dòng suối ân tình của anh em.
Xin cho chúng con luôn biết sống có tình nghĩa. luôn thế kiện lòng biết ơn, luôn quí trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban, và những gì mà anh em đã làm cho đời chúng con thêm tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Amen. (TP)
*5. Chuyện minh họa
David đang đi đường thì gặp một người ăn xin. Anh cho người ấy một số tiền rồi tiếp tục đi, lòng rất sung sướng. Nhưng chỉ một sau, anh cảm thấy bực bội khi chợt nhớ hồi nảy người ăn xin kia không cám ơn anh. Anh đem chuyện ấy kể cho một Rabbi nghe.
Vị Rabbi chăm chú lắng nghe, rồi hỏi :
– Khi anh cho tiền người ăn mày, anh cảm thấy sao ?
– Con thấy rất vui.
– Thế đó không phải là phần thưởng cho con rồi đó sao ?
– Nhưng con nghĩ rằng dù sao thì người ấy phải cám ơn con mới phải.
– Thế sao con đã không cám ơn Chúa ?
– Tại sao phải cám ơn Chúa ?
– Vì Chúa đã ban cho con cơ hội làm dụng cụ cho Chúa thực hiện tình thương của Ngài cho một con người khốn khổ. (FM)
*V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, luôn tạ ơn Chúa vì những hồng ân Người ban tặng cho ta là một trong những bổn phận quan trọng của người Kitô hữu. Với tâm tình con thảo, chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin :
- Hội thánh không ngừng quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh trong xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa chúc lành cho Hội thánh / trong công việc cao quý này.
- Ước mơ tha thiết của con người là được sống khỏe mạnh và hạnh phúc / nhưng trong thực tế / bệnh tật vẫn đem đến cho con người đau khổ và bất hạnh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những anh chị em đang đau khổ vì bệnh tật hành hạ / được Chúa thương nâng đỡ ủi an.
- Bệnh phong cùi đem lại mặc cảm lớn lao / và nỗi bất hạnh tột cùng cho các bệnh nhân / vì họ cảm thấy bị loại trừ ra khỏi xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều nhà hảo tâm / nâng đỡ những anh chị em kém may mắn này.
- Có một thứ bệnh phong cùi đáng sợ hơn là tội lỗi / vì nó làm hoen ố tâm hồn con người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết tẩy sạch bệnh phong cùi thiêng liêng này bằng bí tích Giải tội.
Chủ tế : Lạy Chúa, biết bao giờ chúng con mới tạ ơn Chúa cho cân xứng với tình thương hải hà của Chúa. Xin cho chúng con biết cố gắng đền đáp phần nào tình thương ấy bằng chính đời sống bác ái yêu thương và tận tụy phục vụ tha nhân. Chúng con cầu xin
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
NGƯỜI SAMARIA BIẾT ƠN- Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
Lần thứ ba, một điệp khúc về cuộc hành trình lên Giêrusalem làm giai đoạn trình thuật (c.11). Thay vì tiếp tục con đường xuống phiá Nam, dường như Chúa Giêsu rẽ qua hướng Đông, giữa Galilê và Samari, để đến thung lũng sông Giođan. Ghi chú này làm cho dễ chấp nhận việc có mặt của một người Samari trong nhóm người Do Thái bị phong cùi.
Trình thuật về việc chữa lành (cc. 12-14) rất ngắn và giống với 5,12-16, trong đó lần đầu tiên Chúa Giêsu đối diện với một trong những kẻ tiện dân bị loại khỏi cộng đoàn. Chắc hẳn ở đây họ không phục lạy nhưng họ chào kính Chúa Giêsu như một vị Thầy –như các môn đệ gọi Ngài. Họ kêu xin Ngài, mà không xin rõ được chữa lành (so sánh với 5,12) cũng không xin của bố thí. Chúa Giêsu báo họ đi đến các tư tế, là những người đúng theo luật lệ của Lv 14,1tt, có nhiệm vụ nhận xét về việc lành bệnh. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không làm một cử chỉ gì để chữa bệnh và như thế việc lành không xảy ra ngay tức khắc (so sánh với 5,13).
Khi nghe lời Chúa Giêsu chỉ dạy, mười người này chứng tỏ có lòng tin tưởng, một niềm tin trái ngược với niềm tin của đại tướng Naaman người Syri (x.4,27), thoạt tiên ông này từ chối làm theo lời báo của của ngôn sứ Êlisê (2V 5,10-12). Như vậy, việc chữa lành xảy ra từ xa.
Cho tới đây, trình thuật đề cao quyền lực lớn lao của lời Chúa Giêsu và, do đó, chuẩn bị cho câu giải đáp mà Ngài sắp nói với các người Pharisêu (17,21). Nhưng cao điểm của lời giải đáp này nằm ở những gì xảy ra sau khi chữa lành và sẽ minh hoạ khoảng cách giữa việc chữa bệnh và ơn cứu độ. Trong các câu 15-19, một trong các người phung cùi được chữa lành quay trở lại ngay cả trước khi vâng lệnh Chúa Giêsu và Lề Luật: vừa tôn vinh Thiên Chúa, anh vừa sấp mình –điều đã bị bỏ ở các câu 12-13, và nhất là tạ ơn Chúa Giêsu. Và điều đáng ngạc nhiên là chỉ tới đây, một khi thái độ của anh gây ấn tượng tốt cho ta, ta mới biết anh thuộc về chủng tộc nào: đó là một người Samari. Sự tương phản giữa lòng biết ơn của người này và sự vô ơn của chín người khác vẽ nên một đường ranh phân biệt giữa những người Do Thái và người mà chính Chúa Giêsu nói đến như một người ngoại bang (người Samari cũng như người Do Thái nhìn nhận uy thế của Luật Môsê, và như vậy nhìn nhận uy thế của những quy luật trong sách Lêvi về bệnh phong). Như trong dụ ngôn về người Samari tốt lành (10,30tt) và khi rao giảng ở Nagiaret (4,24-27). Trình thuật nhấn mạnh đến tình yêu mà các người ngoại bang bày tỏ. Do đó, Chúa Giêsu bác bỏ cái nhìn theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, theo đó Thiên Chúa chỉ tỏ mình ra cho người biết trong các thể chế văn hoá: chính bên cạnh Chúa Giêsu mà người ta tôn vinh Thiên Chúa.
Lúc nào cũng nghĩ đến Thiên Chúa trong những mối bận tâm của mình nên Chúa Giêsu trách cứ chín người tật phong khác vì đã không tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng chính lời Chúa Giêsu nói về đức tin (c.19) mới là đỉnh cao của trình thuật. Mười người phong cùi được chữa lành, nhưng duy nhất chỉ có người Samari biết ơn mới được tuyên bố là được cứu độ. Như vậy ơn cứu độ là điều cao quý hơn việc chữa lành thể xác. Và niềm tin trọn vẹn của kẻ quay trở lại thì cao quý hơn niềm tin tưởng đã thúc đẩy cả mười người đi trình diện với các tư tế trước khi được chữa lành. Việc chữa lành chỉ khai mở cho ơn cứu độ trọn vẹn khi con người nhận ra sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa đối với mình và nếu họ đáp lại bằng cách dấn thân vào một liên hệ thật sự với Chúa Giêsu: đó là niềm tin trọn vẹn.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu khổ hình, hoàn thành việc cứu độ. Chính lúc đi ngang qua Samaria, nhất là qua việc cứu chữa mười bệnh nhân phong, Chúa cho thấy một vài đặc điểm của ơn cứu độ.
Ơn cứu độ là phổ quát.
Chúa muốn cứu độ hết mọi người không loại trừ ai. Nên Chúa đi qua Samaria. Samaria là vùng đất cấm kỵ đối với người Do Thái. Đó là vùng đất ngoại đạo. Đó là vùng đất ô uế. Người Do Thái và người Samaria không giao thiệp với nhau. Nhưng Chúa đã vượt qua ranh giới cấm kỵ đó. Chúa muốn đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Tại Samaria Chúa còn gặp gỡ mười người phong cùi. Lại một cấm kỵ nữa. Người phong cùi vốn bị coi là hạng người tội lỗi, ô uế. Ai gặp họ đều trở nên ô uế. Họ bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Tại Samaria, những người phong cùi là những người ở tầng lớp cuối cùng của xã hội. Chúa đem ơn cứu độ cho mọi người, kể cả những người bị khinh miệt nhất, bị quên lãng nhất, bị hất hủi nhất. Ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng.
Ơn cứu độ là nhưng không.
Không ai dám nghĩ đến việc mời Chúa xuống trần gian. Không ai có công trạng gì khiến Chúa phải xuống trần gian để tưởng thưởng hay để đền đáp. Chúa xuống trần gian hoàn toàn do lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Cũng thế, người Samaria hoàn toàn bất ngờ khi Chúa đến miền đất của họ. Những người phong cùi lại càng không bao giờ dám mơ tưởng tới. Bản thân họ đã bị lên án, bị loại trừ rồi. Ngay việc gặp một người bình thường đã không được phép, huống chi là gặp gỡ Chúa. Nhưng Chúa đã đến gặp gỡ họ, ban ơn cứu chữa họ. Hoàn toàn nhưng không. Họ chẳng có công gì. Họ chẳng có quyền đòi hỏi gì. Họ chỉ có nỗi đau khổ tột cùng. Chính nỗi đau khổ đó đã khơi dậy lòng yêu thương của Chúa. Vì Chúa là tình yêu thương.
Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm tin.
Tuy ơn cứu độ được ban rộng rãi và nhưng không, nhưng để đón nhận đòi phải có niềm tin. Những người phong cùi hôm nay đã bày tỏ niềm tin qua hai thái độ. Thái độ thứ nhất là đồng thanh lớn tiếng kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Lạy Thày Giêsu, xin cứu chúng tôi”. Danh Thánh Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Từ cùng tận nỗi đau khổ, những người phong cùi đã kêu van bằng tất cả tấm lòng tha thiết và với niềm tin vững chắc. Chỉ có Chúa mới thương xót họ. Chỉ có Chúa mới đủ quyền năng cứu chữa họ. Thái độ thứ hai là đi trình diện với thày tư tế. Chúa không chữa họ ngay nhưng bảo họ đi trình diện với thày tư tế. Dù chưa được khỏi, nhưng họ vẫn tin tưởng lên đường. Đang khi đi đường thì họ được khỏi. Đức tin đã chữa họ.
Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm vui.
Đây là niềm vui trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người. Cốt lõi của ơn cứu độ là thiết lập mối tương giao, cho con người được trở nên con cái Thiên Chúa, đồng hưởng hạnh phúc với Chúa. Đó là cội rễ của niềm vui, niềm hạnh phúc. Chín người bệnh không trở lại chỉ có niềm vui được khỏi bệnh, nhưng không có niềm vui trong mối tương giao với Thiên Chúa. Họ có đức tin cầu xin nhưng thiếu đức tin gặp gỡ với Thiên Chúa. Niềm vui được khỏi bệnh rồi cũng sẽ nhạt phai. Chỉ có một người trở lại tạ ơn. Anh trở lại vì mối tương giao. Anh nhận biết nguồn gốc niềm vui của mình. Anh sụp lạy Chúa vì biết nguồn gốc hiện hữu của mình. Anh đã tìm thấy nguồn cội ý nghĩa đời mình. Niềm vui của anh sẽ còn mãi mãi. Đời anh sẽ là một đời tạ ơn không ngừng.
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến gặp gỡ Chúa để tạ ơn Chúa. Chính niềm vui tạ ơn này đem đến cho con hạnh phúc suốt đời con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Vì sao Chúa ban ơn cứu độ cho ta và ta phải đón nhận với thái độ thế nào?
2) Đức tin cầu xin và đức tin gặp gỡ Chúa khác nhau thế nào? Bạn đã tiến đến đâu trong đời sống đức tin?
3) Có những miền đất, những con người nào mà bạn coi là cấm kỵ khiến bạn chưa dám tiếp cận không? Với gương Chúa Giêsu hôm nay, bạn sẽ làm gì?
4) Biết ơn rất cần trong đời sống tự nhiên. Bạn có biết ơn trong đời sống siêu nhiên không?
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
VÔ ƠN, BIẾT ƠN- Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng
Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, theo thánh Lu-ca. đây là lần thứ ba Chúa đến đây và cũng gần tới ngày Chúa chịu nạn. Khi đi tới gần biên giới Samari và Ga-li-lê, thì gặp 10 người phong hủi van xin Chúa cứu chữa. Chúa không chữa ngay, nhưng bảo họ đi trình diện các tư tế. Đây là luật của người Do Thái, không phải các tư tế làm cho họ khỏi bệnh, nhưng là để xác nhận họ đã khỏi bệnh. Nghe lời Chúa, họ ra đi, và khi đi dọc đường, cả 10 người đều được khỏi, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa, tỉ lệ một phần mười, thật là đáng buồn. Đây cũng là điều chúng ta chú ý tìm hiểu và suy nghĩ: vô ơn và biết ơn.
Có người nói: “Con người thường hay ích kỷ: muốn người khác phải trả ơn mình, biết ơn mình, còn mình không để ý cám ơn ai”. Hơn nữa, người ta dễ quên ơn hoặc mau quên ơn, cũng như cả năm ngàn người được ăn bánh hóa nhiều lần thứ nhất và bốn ngàn người lần thứ hai; bao nhiêu người được hưởng sóng gió yên lặng, mẻ cá lạ, được chữa lành bệnh tật…Nhưng đến khi Chúa vác thập giá thì chỉ có một người vác đỡ Chúa, đó là ông Si-mon, nhưng là do quân lính bắt vác chứ không phải ông tự nguyện; chỉ có một phụ nữ cảm thương trao khăn cho Chúa lau mặt, đó là bà Vê-rô-ni-ca; rồi khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá thì chỉ có một người dám lên tiếng xưng đức tin, biện hộ cho Chúa là vô tội, đó là một người ăn trộm.
Đời là thế. Lẽ ra phải “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”, “có đi có lại mới toại lòng nhau”, lẽ ra phải “ăn cây nào rào cây ấy”, “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”… Đó là phép xã giao, lịch sự, tế nhị tối thiểu, bình thường, và phải cư xử như vậy mới là người biết điều. Lẽ ra phải như vậy, thì lại “ăn cháo đá bát”, “vắt chanh bỏ vỏ”, “có trăng phụ đèn”, “ăn mật trả gừng”, “ăn sung trả ngải”… Kẻ muốn được ơn thì quá nhiều, kẻ biết ơn, hàm ơn thì lại quá ít, đếm số người biết ơn thì dễ hơn số người vô ơn, vì số người này quá lớn, có những con cháu vô ơn, có những học trò vô ơn, có đủ thứ người vô ơn, thậm chí có người nói một cách chua chát: “Ném cho con chó một khúc xương, nó vẫy đuôi tỏ vẻ cám ơn, còn làm ơn cho một người, thì rồi bạn sẽ thấy người ấy làm gì cho bạn?”.
Chúng ta nhìn nhận rằng: làm ơn thì không đòi trả nghĩa, nhưng đã chịu ơn thì phải biết ơn: “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Tuy nhiên, nếu làm ơn mà mong người sẽ trả ơn lại mình thì đó chỉ là một việc bình thường và tầm thường, nếu không muốn nói là xấu, tính toán, ích kỷ và vụ lợi. Nhưng nếu làm ơn mà không đòi trả nghĩa thì đó mới là tấm lòng vàng, cao quý, cao thượng.
Ngược lại, nếu đã chịu ơn thì phải biết ơn. Bổn phận biết ơn không có nghĩa là đổi chác, bồi hoàn, nhưng là một sự bày tỏ điều mình nhận biết về giá trị tinh thần và vật chất đã nhận được. Một món quà chúng ta nhận được, không những có một giá trị vật chất bằng tiền của trong đó, nhưng còn gói ghém bao tình thương, tình cảm quý mến và hy sinh của người cho hay tặng món quà ấy. Có những món quà mà vật chất chỉ là vỏ, còn ruột là tình yêu. Nhận ra được như thế, hiểu được như thế mới thấy, mới biết ơn huệ là gì. Dĩ nhiên, chúng ta đừng chỉ coi những gì lớn lao mới là ơn, bất cứ những gì người khác đem lại cho chúng ta: một niềm vui, một sự bình an, một sự thăm hỏi…đều là ơn và chúng ta phải biết ơn. Chúng ta hãy nhớ: biết ơn người khác làm cho tấm lòng họ càng mở rộng thêm ra, đúng như câu nói: “một lần cám ơn là hai lần xin ơn”, một lời cám ơn được nói ra, không mất mát gì, không tốn kém gì, nhưng sẽ làm phát sinh nơi người làm ơn cũng như người thụ ơn một niềm vui lan tỏa. Một câu cám ơn trên môi miệng có giá trị như vậy, nên nếu chúng ta không biết ơn thì giá trị con người chúng ta chẳng hơn gì chín người phong hủi kia: “ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”. Biết ơn là một tập quán mà mọi người phải học tập, có nghĩa là chúng ta quý mến những gì người khác làm cho chúng ta và không coi chúng là những chuyện dĩ nhiên phải thế, không nhận nhưng không. Khi người khác làm gì cho chúng ta, nhất là những việc chúng ta không có quyền hy vọng được làm, thì việc tối thiểu chúng ta phải làm là nói “cám ơn”. Những người phong hủi không có quyền được chữa lành, nhưng chỉ có một người tỏ ra biết điều trở lại cám ơn Chúa.
Sống với nhau, chúng ta còn phải biết đối xử với nhau như thế, còn phải biết ơn người làm ơn cho mình, thì chúng ta lại càng phải biết ơn Thiên Chúa nhiều hơn nữa. Lòng biết ơn Thiên Chúa là thái độ làm con mà Chúa Giêsu đã làm gương, Ngài luôn luôn cảm tạ Chúa Cha thay cho chúng ta; thánh Phao-lô không ngừng tạ ơn Thiên Chúa thay cho các tín hữu và kêu gọi họ sống tâm tình biết ơn này. Lòng biết ơn Thiên Chúa còn là thái độ sâu xa nhất của lòng tin, đồng thời làm tăng thêm lòng tin vào Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ: tạ ơn Chúa là dấu tỏ lộ lòng tin vào Thiên Chúa, là tuyên xưng lòng tin của mình.
Tóm lại, đời chúng ta là kết tinh của bao công ơn, chúng ta phải biết ơn, cám ơn mọi người có liên hệ gần xa với chúng ta, tất cả đều là những ân nhân của chúng ta. Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải biết ơn và cảm tạ Chúa luôn luôn, bởi vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là những ơn Chúa ban. Cảm tạ Chúalà một sự công bằng, hợp lý, không bao giờ đủ, cả đời sống dương thế để mà tạ ơn Chúa cũng không đủ, huống chi chúng ta chỉ thỉnh thoảng cám ơn, thậm chí quên bẵng luôn những việc tạ ơn, thì thật là bất hiếu, bất kính biết bao.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
TÁN TỤNG HỒNG ÂN– Lm. Vũ Minh Nghiễm
Cách đây không lâu, trong kỳ nghỉ hè, một thanh niên Trung học tình nguyện đi làm việc xã hội ở Nicaragua. Chàng đi theo một nhóm y tế đến một làng nhỏ trên miền núi để chích thuốc ngừa bệnh tê liệt, bệnh đậu mùa, cho các trẻ em nghèo ở đó. Chàng thuật lại rằng:
“Cuối tuần đầu, tôi cảm thấy rất chán nản, nhớ nhà, nhớ bạn. Tôi đi ra ngoài trời, ngồi ủ rủ trong bóng tối và tự hỏi: Tại sao tôi lại tình nguyện đi tới một nơi xa lạ nghèo khổ như thế nầy? Bỗng tôi nghe có tiếng người nói trong đêm tối. Đó chính là José Santos, một giáo viên cũng là gia trưởng của gia đình tôi trọ. Ông kéo ghế ngồi gần bên tôi, mắt ngước lên nhìn trời.
Sau một phút thinh lặng, ông José bắt đầu nói:
“Thật là hùng vĩ”
Tôi hỏi:
– Thưa Thầy, Thầy nói gì vậy?
Ông José lại nói:
“Thật là hùng vĩ!”
“Đôi mắt ông vẫn ngước nhìn lên trời. Tôi cũng nhìn lên trời theo. Thì ra tôi đã không để ý rằng trên đầu tôi, hằng hà sa số những ngôi sao lung linh nhấp nháy, một quang cảnh rực rỡ vô cùng. Chúng tôi cứ ngồi đó mãi, mắt nhìn lên trời hoài, thưởng ngoạn sự huy hoàng của muôn vì sao trên không trung lồng lộng.”
Cảm nghiệm hôm đó, không bao giờ tôi có thể quên được. Sáng hôm sau, tôi đi tới một ngọn suối để tắm. Chung quanh tôi, cỏ cây mơn mởn tươi xanh. Vạn vật điều yên tĩnh, trừ ra tiếng nước chảy róc rách, hòa với tiếng bầy chim ca hát líu lo trên ngọn cây. Bây giờ tôi nhớ lại lời ông José nói trong đêm vừa rồi: “Thật là hùng vĩ!” Những cảnh tượng Thiên Chúa ban cho chúng ta thật là hùng vĩ. Và tôi cảm thấy tâm hồn sảng khoái lạ thường. Chưa bao giờ tôi cảm nghiệm được lòng biết ơn đối với Chúa sâu sa như vậy. Chưa bao giờ tôi cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương tôi bao la như vậy. Khi trở lại chích ngừa cho các em trong làng, tôi luôn luôn vui cười, từ đầu chí cuối, đến nỗi đau cả hai gò má.”
Câu chuyện nầy nhắc chúng ta nhớ đến hai hạng người mà Chúa Giêsu nói đến trong Phúc âm hôm nay. Hạng người biết tri ân đối với những ơn Thiên Chúa đã ban cho mình. Và hạng người vô ơn bội nghĩa.
Câu chuyện trên cũng cho chúng ta thấy rằng: Các em nào lớn lên mà hay vô ơn, là vì các em đó đã không được ai chỉ vẽ cho biết cách tri ân. Cậu sinh viên Trung học nói trên, sở dĩ học biết lòng tri ân đối với các ơn Thiên Chúa ban cho là nhờ có ông giáo viên José Santos dạy bảo cho.
Một hôm nà Ann Landers nhận được một bài do người nào đó cắt trong báo Wall Street Journal gởi cho bà. Bài đó như sau:
“Một hôm, có người hỏi một người miền Nam Hoa-kỳ rằng:
– Ranh giới miền Nam thực sự bắt đầu từ chỗ nào?
Người miền Nam kia đáp lại cách kiêu hãnh:
– Ranh giới miền Nam bắt đầu từ chỗ người ta thấy các trẻ em biết nói: ‘Dạ, thưa ông có’. ‘Dạ, thưa không’.
Thật ra, bài báo nói tiếp, phép lịch sự không phải là vấn đề địa dư. Nhưng phép lịch sự đó, các học được nơi cha mẹ, không phải nơi con dấu của bưu điện.”
Bài báo vừa rồi nhắc nhở cha mẹ có bổn phận dạy bảo con cái biết ăn nói lịch sự. Nhưng ăn nói lịch sự và có lòng biết ơn cũng là một. Chỉ có những ai lịch sự mới biết nói: “Cảm ơn”. Không phải bất cứ lời cám ơn nào, nhưng là lời cám ơn chân thành.
Một trong những phương pháp hữu hiệu để dạy con phải có lòng biết ơn, là phương pháp của José Santos dạy cậu học sinh Trung học Chicago nói trên. Đó là chia sẻ những lý do thúc đẩy mình biết ơn Thiên Chúa về những ơn lành Ngài đã ban cho.
Ông Byron, một người sinh trưởng tại Nebraska, nói: “Khi lên 8 tuổi, tôi có một con ngựa nhỏ tên Frisky. Một buổi sáng, khi tôi đang ngồi trên lưng, bỗng nó lồng lên, chạy nhảy như điên khùng. Tôi hết hồn hết vía, nhắm mắt cố ghì chặt lấy lưng ngựa. Sau cùng, may quá, tôi được thoát nạn, an toàn. Tối đó, trước giờ đi ngủ, ba tôi lên phòng, bảo tôi quì xuống đất bên cạnh người, rồi người lớn tiếng chúc tụng tạ ơn Chúa vì đã cho tôi được qua tai qua nạn khỏi. Đến nay đã 55 năm rồi, tôi vẫn nhớ mãi đêm đó. Đêm mà ba tôi dạy tôi biết tạ ơn Thiên Chúa về ơn lành Ngài đã ban cho tôi như thế nào. Và từ đó, tôi coi việc tán tụng hồng ân Thiên Chúa là bổn vụ thường xuyên hằng ngày của cuộc đời tôi.”
Trở lại với Phúc âm hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi thuộc hạng người nào? Tri ân hay phụ ân?
Nếu là phụ huynh, là cha mẹ, tôi có lo dạy bảo con em biết tạ ơn Chúa về các ơn lành Chúa ban cho không?
Bài Phúc âm hôm nay nói trong số mười người được chữa khỏi bệnh phong cùi, thì chỉ có một người biết tạơn Chúa thôi. Mà người nầy lại là người ngoại giáo. Còn chín người thuộc dân riêng Chúa đều phụ ơn.
Trước cảnh tượng nầy, Chúa Giêsu lấy làm buồn, hỏi:
“Không phải tất cả mười người đều được lành sạch cả sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang nầy?
Chúa buồn không phải buồn vì bị phụ ơn, cho bằng buồn vì thấy trong 10 người, chỉ có một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên Chúa.
Bệnh phong cùi là thứ bệnh nan y thời bấy giờ. Chỉ có một phép lạ do quyền năng của Thiên Chúa mới chữa lành được. Vậy việc Đức Giêsu chữa họ khỏi bệnh phong cùi là một lời tuyên bố Ngài là ai. Ngài là Đấng Thiên Sai đã được các tiên tri loan báo từ lâu đời về trước. Ngài đến để thuyên chữa các tật bệnh, đem hy vọng tới cho những người tuyệt vọng, những tù nhân.
Trong mười người chỉ có một đến tạ ơn Thiên Chúa, vì nhận biết rằng loài người trước mặt Ngài chỉ là những hành khất, những người đi xin bố thí. Và người đó là người dân ngoại. Còn chín người kia, những người thuộc dân Chúa chọn, thì vô ơn, coi ân huệ Chúa ban cho họ như tất nhiên. Như cha mẹ sinh con ra, tất nhiên phải lo gầy dựng cho con cái. Họ là những người mù lòa thiêng liêng, không nhìn thấy tình trạng thấp kém nghèo hèn của mình trước mặt Thiên Chúa. Chính sự mù lòa thiêng liêng của họ đây hơn là sự họ phụ ơn Ngài, làm cho Đức Giêsu phải buồn rầu.
Chúng ta biết rằng lòng biết ơn là một nhân đức trong đạo. Người Việt Nam gọi là hiếu nghĩa, hay là chữ Hiếu. Điều răn thứ IV dạy chúng ta phải có hiếu, phải biết ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên, và trên hết là biết ơn.
Chúa Trời, Đấng tạo thành vạn vật. Thánh lễ, trung tâm điểm của việc thờ phượng Chúa mà chúng ta đang cử hành trong giờ nầy, là do tiếng Eucharistia, một danh từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Tạ Ơn.
Dâng thánh lễ hay là dâng lời Tạ Ơn Thiên Chúa cũng là một. Thể theo lời truyền dạy của Chúa trong đêm Tiệc Ly, Giáo Hội dạy chúng ta năng đi dâng lễ, tối thiểu một tuần một lần trong ngày Chúa nhựt, hầu nhớ lại những ơn lành hồn xác Ngài ban cho chúng ta là những người mắc bệnh phong cùi một cách nào đó, là những người thực sự đi ăn xin bố thí trước cửa nhà Chúa.
Hội Thánh dạy chúng ta năng đi dâng lễ là để Tạ ơn Chúa. Thánh lễ là trung tâm điểm của việc thờ phượng Chúa. Cảm tạ hồng ân Chúa cũng phải là trung tâm điểm của đời sống tín hữu của chúng ta.
Để tóm lược: nhân bài Phúc Âm có giọng điệu u buồn hôm nay, mỗi một người trong chúng ta hãy tự xét mình:
Trước hết, tôi thuộc về hạng người nào trong hai hạng người của Phúc Âm. Hạng người biết ơn như người ngoại bang Samari? Hay hạng người vô ơn bội nghĩa cùng Chúa như chín người Do-thái kia?
Sau nữa, nếu là cha mẹ, phụ huynh, tôi có lo dạy vẽ cho con em biết cách xử thế lịch sự cùng mọi người, biết tạ ơn Chúa về những ơn Ngài đã ban cho, ít nhứt trước khi lên giường nằm ngủ, như cụ thân sinh của ông Byron nói trên chăng?
CHÚA NHẬT XXvIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
TẠ ƠN LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA LÒNG TIN– Lm. Đỗ Bá Công
Một thi sĩ đã tả lại một giấc mơ thế này: Thiên Chúa mở đại hội “trăm hoa đua nở”. Tất cả các loại hoa trên mặt đất đều gởi đại biểu đến tham dự. Thật là một rừng hoa tươi thắm muôn màu, xông hương khoe sắc trước nhan Chúa. Các đại biểu hoa, tay bắt mặt mừng chào hỏi thăm nhau, duy chỉ có hai loại hoa không buồn giáp mặt nhau. Đó là hoa Thi ơn và hoa Nhớ ơn.
Giấc mơ chỉ vắn vỏi chừng ấy, nhưng thật có ích cho ta, vì nó mô tả trung thực sự kiện xảy trong bài Tin Mừng: mười người phong hủi đã được Chúa chữa lành, nhưng chỉ một người trở lại tạ ơn Chúa. Cũng như ở đời có lắm người thi ân mà có ít người nhớ ơn. Ta hãy cùng nhau suy niệm:
– Con số thống kê một trên mười nói lên những điều gì?
– Khi ta đã ý thức tạ ơn là một biểu hiệu của lòng tin, ta phải tạ ơn thế nào?
“Chỉ một trên mười người phong hủi được lành đến tạ ơn, nói lên chẳng những là sự vô ơn, mà một cách sâu xa hơn, là sự thiếu lòng tin”. Với câu hỏi của Chúa Giêsu trên người phong hủi biết ơn đang sụp dưới chân Ngài: “Ngươi hãy đứng dậy mà về, vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Cha Féder giải rằng: “Chúa ngạc nhiên khi thấy chỉ có một người quay trở lại mà lên tiếng tôn vinh Chúa, nên Ngài cảm phục lòng tin tưởng đầy biết ơn của người Samari đó.”
Vâng, chính đức tin đã thúc giục người phong hủi trở lại tạ ơn Chúa. Bởi lẽ, việc Chúa chữa mười người phong hủi này khác hẳn với trường hợp khác. Khi thấy Chúa đi qua, mười người phong hủi đứng xa và la lớn rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng con”. Chúa không đến với họ, nhưng Ngài cũng từ xa lớn tiếng trả lời: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Thế là vâng theo lời Chúa dạy, mang thương tích mà đi. Và chỉ khi đã đi một đoạn đường xa, họ mới thấy mình lành mạnh. Như thế, Chúa Giêsu đã khuất bóng họ và có lẽ họ có cảm tưởng rằng, việc họ được sạch là một việc tình cờ chăng? Hơn nữa, có tạ ơn hay không, họ cũng đã sạch phong hủi rồi. Vì thế, việc đầu tiên của họ là đi trình tư tế, hầu được cấp giấy trở về với làng họ, với bà con. Duy chỉ người Samaria nghĩ khác mà trở lại cảm tạ Chúa.
Vâng, chỉ để ra một giây phút suy tư, một nháy mắt quan sát, ta có thể thấy đời ta tràn ngập hồng ân Thiên Chúa: Đây bầu không khí trong lành ta đang thở. Đây bát cơm ta đang ăn, chén nước ta đang uống. Đây tiếng chim thánh thót ta đang nghe, hương sắc những cánh hoa ta đang hưởng, tất cả đều nói cho ta hay tình yêu vô biên của Chúa chan hoà đời sống chúng ta.
Khi ta đã ý thức tạ ơn là một biểu hiệu của lòng tin, ta phải tạ ơn thế nào? Cái nhìn đức tin ấy có hướng chúng ta tới Thánh Thể để tạ ơn Chúa không?
Ta hãy đưa con người tướng quân Naaman được mô tả trong bài đọc I để làm gương sáng cho chúng ta. Khi Naaman đã xuống tắm bảy lần ở sông Giođan theo lời tiên tri dạy, da thịt ông lại trở nên hồng hào như da thịt đứa trẻ, thì việc trước tiên là ông và đoàn tùy tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông không cảm tạ Elisê, nhưng ông lớn tiếng và ngước mắt lên trời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa và tạ ơn Ngài. Nói xong Naaman mới lấy của lễ dâng Elisê. Elisê không nhận, Naaman cố nài ép nhưng tiên tri nhất định từ chối. Sự từ chối của Elisê đã mạc khải cho Naaman rằng: Chúa không muốn nhận của lễ vật chất và chỉ nhất thời, nhưng phải là một của lễ thiêng liêng và trường tồn hơn. Chính trong lúc ấy, Naaman nảy ra một sáng kiến. Ông nói: “Vậy xin ngài ban phép cho tôi được chở một xe đất đem về nước tôi, để dựng tế đàn trên đất ấy mà dâng lễ tế cho Yavê, vì tôi tớ ngài đây sẽ không còn dâng thượng hiến và tế lễ cho một thần linh nào khác.” Sáng kiến ấy được tiên tri Elisê tán thành.
Như thế, nếu việc tạ ơn đẹp lòng Chúa hơn hết trong Cựu ước là mỗi ngày dâng lễ toàn thiêu hoặc hy lễ lên Yavê Thiên Chúa, thì ngày nay trong Tân Ước việc tạ ơn đẹp lòng Chúa hơn hết cũng phải hướng về Thánh Thể – tức là Thánh lễ Misa, một của lễ cao quí dâng lên hằng giây phúc “để từ Đông sang Tây có một hiến lễ trong sạch dâng lên Chúa” (Kinh nguyện Thánh Thể III).
Vậy Thánh lễ có một tầm quan trọng như thế bởi vì chỉ trong Thánh lễ, chúng ta mới tìm được một Tư tế xứng đáng, một bàn thờ trong sạch và một của lễ vẹn toàn. Vị Tư tế ấy, bàn thờ ấy, của lễ ấy chính là Chúa Giêsu. Nói đến đây, xin mọi người hãy tự vấn lương tâm coi thử chúng ta có thấy triệt cái tầm quan trọng của Thánh Lễ chăng? Ta có hối hận chăng vì đã bỏ lễ ngày Chúa Nhật? Chúng ta nghĩ xem: ai sẽ thay thế chúng ta để cảm tạ Thiên Chúa về những ơn lành mà Ngài đã ban cho chúng ta trong bảy này qua? Bởi vì “nhận ơn thì đừng quên ơn”. Rồi ai sẽ thay thế chúng ta để xin ơn Chúa cho bảy ngày tới? Bởi vì không có Chúa, ta không làm gì được”.
Như thế, hôm nay đây trước nhan Chúa, chúng ta hãy cùng nhau đoan hứa quyết dốc lòng luôn cảm tạ Thiên Chúa với một niềm tin chân thành.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐƯỢC DIỄN TẢ QUA TRUNG GIAN CON NGƯỜI- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ
Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa. Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà ghét anh em mình, đó là người nói dối. Tình yêu đối với Thiên Chúa được diễn tả qua tình yêu con người đối với nhau. Thiên Chúa cũng yêu thương con người qua những trung gian của Ngài, cụ thể qua những con người sống chung quanh chúng ta.
Thay đổi con người, để có thể lãnh nhận hồng ân
Naaman trước khi xuống tắm bảy lần ở sông Jordan, đã phẫn nộ với tiên tri Êlisa vì ông tưởng rằng tiên tri sẽ đứng trước ông, giơ tay cầu khẩn cùng Thiên Chúa, và chữa ông khỏi. Đằng này, tiên tri chỉ sai người nói với Naaman: “đi tắm bảy lần ở sông Jordan, thì sẽ được sạch”. Naaman nghĩ: “Nước sông ở Đa-mát chẳng sạch hơn nước sông ở Jordan sao?” Và Naaman đã không muốn xuống tắm.
Naaman đòi người của Thiên Chúa phải làm theo suy nghĩ và cách thế của mình. Nhưng Thiên Chúa không muốn thế, và người của Thiên Chúa lại không muốn vậy. Đòi hỏi để được khỏi bệnh quá đơn giản đến độ Naaman không thể tin được, và không muốn tin. Nếu Naaman không khiêm tốn bỏ mình để làm theo lời sứ giả của tiên tri, thì chắc ông chẳng khỏi bệnh. Trong cuộc sống, người ta cũng thường đòi Thiên Chúa phải làm theo ý người ta, theo điều kiện người ta đặt cho Chúa. Trường hợp của Naaman cho thấy, nếu người ta không bỏ mình, e rằng người ta khó có thể đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.
Bao nhiêu yếu tố xảy đến giúp Naaman đón nhận hồng ân: người tớ gái “quá thơ ngây” suýt gây họa cho cả nhà vua nước mình, những đầy tớ của Naaman khuyên ông nên vâng lời vị sứ giả của tiên tri, và cả dòng sông nước không được sạch dưới con mắt của Naaman. Trong cuộc sống của mỗi người, dường như cũng được đan dệt bằng bao nhiêu lời, bao nhiêu biến cố nhỏ nhỏ, để làm nên mỗi người như hiện tại. Chúng ta có nhận ra đó là những hồng ân để tạ ơn Thiên Chúa không?
Đức Giêsu- tình yêu của Thiên Chúa cho con người
Người phong cùi, theo luật Do Thái, không được tiếp xúc với người lành. Chính vì vậy, họ đứng đàng xa và kêu xin Đức Giêsu thương xót, chữa lành họ. Họ đáng thương, không chỉ vì con bệnh hành hạ làm họ đau đớn thể xác, nhưng họ còn đau khổ hơn khi phải tách biệt với xã hội con người, với những người thân yêu: cha mẹ, vợ chồng, con cái của họ. Đức Giêsu giúp con người giao hoà với Thiên Chúa và giao hoà với nhau.
Đức Giêsu nói với những người phong cùi: “đi trình diện với các tư tế”. Luật Do Thái dạy những người phong cùi thấy mình khỏi bệnh, phải đi trình diện thầy tư tế, để được xác nhận là đã khỏi bệnh. Đang khi họ đi, họ được khỏi. Niềm tin phó thác biểu lộ qua thái độ vâng lời Đức Giêsu, làm những người phong cùi được khỏi bệnh. Thiên Chúa đòi con người tin tưởng và phó thác tất cả nơi Ngài. Tin tưởng phó thác tất cả nơi Thiên Chúa, đó là dấu chỉ của những người được thương và được cứu độ.
Chỉ có mỗi người ngoại trở lại để tạ ơn Thiên Chúa. “Chín người kia đâu? Không phải cả mười người được khỏi sao?” Chín người kia chắc chắn được khỏi bệnh phong cùi, còn người ngoại này không chỉ được khỏi bệnh thân xác, nhưng còn được nhiều ơn thiêng liêng khác nữa. Nhận ra hồng ân Thiên Chúa trong đời mình, là một dấu chỉ của người đang sống hạnh phúc.
Thiên Chúa vẫn muôn ngàn đời thành tín
“Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”. Đi theo Đức Giêsu, đòi chúng ta phải bỏ mình, bỏ những ham muốn của thế gian và xác thịt. Không chiều theo những ham muốn của xác thịt và thế gian, là một cách chết cho thế gian, cùng chết với Đức Kitô. Thiên Chúa vẫn muôn ngàn đời thành tín: nếu chúng ta chết cho thế gian cùng với Đức Kitô, chúng ta sẽ được cùng sống lại với Ngài.
“Nếu chúng ta chối Ngài, Ngài cũng chối chúng ta”. Sở dĩ vậy, vì nếu chúng ta cứng lòng và cố tình chối Ngài, đứng đối nghịch với Ngài. Ngài không thể làm khác được. Thiên đàng không thể có đối với người không muốn “lên thiên đàng”. Về phía Thiên Chúa, Ngài luôn luôn yêu thương con người, Ngài muốn con người ở trong tình yêu của Ngài, Ngài muốn họ “lên thiên đàng” nhưng Ngài không buộc họ phải lên thiên đàng. Nếu một người cố tình thù nghịch Ngài, Ngài phải chịu vì Ngài đã cho con người tự do.
“Nếu chúng ta bất trung, thì Ngài vẫn trung thành”. Nếu vì yếu đuối, chúng ta bất trung, thì Thiên Chúa vẫn thành tín, Ngài chờ đợi chúng ta trở lại với Ngài. Tình yêu Thiên Chúa đối với con người được cụ thể qua bí tích hoà giải, mỗi khi con người trở lại với Thiên Chúa, đều được lãnh ơn hoà giải với Ngài qua trung gian thừa tác viên của Giáo Hội. Hơn nữa, hối hận hay muốn trở lại, đã là hồng ân của Thiên Chúa cho tội nhân rồi.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Xin bạn cho một vài thí dụ cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người qua các trung gian!
- Đức Giêsu có là diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người không? Xin bạn chia sẻ quan điểm lập trường của bạn.
- Với kinh nghiệm bản thân, thay đổi bản thân nên có thể đón nhận hồng ân, hay, đón nhận hồng ân nên thay đổi chính mình? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm!
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
MỘT TRÊN MƯỜI- Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật
Câu chuyện được thuật lại cách giản dị, tự nhiên, nhưng hết sức linh động. Tất cả dường như đều diễn ra bình thường, hợp lề luật. Những người mắc bệnh phong ở riêng một nơi: họ là những người ô uế, nên phải ở ngoài làng. Đức Giêsu cư xử đúng đắn như một người chữa bệnh. Người tôn trọng Lề Luật (x. Lv 13,46 ; 14,2-3) khi truyền cho những người bệnh đi trình diện các tư tế.
Điều bất ngờ là danh xưng mà các người phung hủi sử dụng để thưa với Đức Giêsu: “Lạy Thầy Giêsu.” Đây là lần duy nhất Đức Giêsu được những người không phải môn đệ gọi là Thầy.
Điều bất ngờ hơn và là trọng tâm của tường thuật là: “Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari.”
“Người Samari” đổng nghĩa với “người nước ngoài”, “người ngoại đạo”, tức là không thuộc dân Ít-ra-en, không được Thiên Chúa yêu thương cứu vớt.
Người ta có thể nghĩ rằng, đối với 9 người kia, câu chuyện diễn tiến theo Lề Luật: sau khi được các tư tế chứng nhận là đã khỏi bệnh, họ được tái gia nhập cộng đoàn.
Chỉ có một người làm đảo lộn trật tự bình thường. Có lẽ người Samari không hiểu lệnh truyền của Đức Giêsu. Hoặc anh ta đã quên. Hay đúng hơn, vì không phải là người Ít-ra-en, anh không để ý đến tầm quan trọng của Lề Luật. Anh đã trở lại gặp Đức Giêsu để tạ ơn.
Những người kia ở lại trong chế độ lề luật, họ đã không bước vào thế giới ân sủng, thế giới của việc tặng ban và tạ ơn. Như vậy, phải chăng người ở ngoài dân được tuyển chọn mới có thể hiểu điều này? Vậy mà, đối với một số người, việc thuộc về dân của lời hứa lại không tạo nên một thứ bảo đảm giả tạo đó sao? Họ coi đó như một quyền lợi hơn là một sự ban tặng.
“Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc lại những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Đức Giêsu sẽ lên Giêrusalem và sẽ ra mắt các tư tế. Nhưng tại đó, Người sẽ phá tung trật tự của họ. Tại đó, Người sẽ mặc khải, sẽ tỏ bày tình thương do Chúa Cha ban tặng, tình thương làm cho sống. Và điều ấy, hôm nay, người Samari, đã loan báo.
Lời bộc bạch của người Samari
“Tôi bị bệnh phung hủi. Tôi rất mặc cảm, không những vì cái bệnh khốn khỗ nơi thân xác, mà còn về cả cái gốc gác lý lịch không được sạch trước mắt đạo Do-thái. Như thói quen thời ấy, những người phung hủi chúng tôi phải sống ở bên ngoài làng, không được giao tiếp với những người bên trong, vì chúng tôi là những người dơ bẩn, còn những người khác là người sạch.
“Tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ phải mang cái bệnh khốn khỗ đó cho đến chết, và mình sẽ sống cô đơn suốt đời, cô đơn cho đến chết. Chẳng có tài nào chữa được thứ bệnh quái ác này, và tôi sẽ cứ phải sống chui, sống nhủi. Chỉ có cái chết mới giải thoát được, còn bây giờ thì cứ sống mà như không phải là người.
“Khi nghe tin ông Giêsu của người Do-thái đi ngang qua, những người phung hủi chúng tôi đến xin ông cứu giúp, bởi vì chúng tôi đã được nghe nói về ông, và chúng tôi hy vọng ông sẽ chữa chúng tôi lành bệnh như ông đã làm cho nhiều người. Tuy thế, tôi vẫn sợ rằng mình không phải là người Do-thái nên ông sẽ loại tôi ra. Nhưng không, lời ông nói đã làm cho chúng tôi được sạch, những vết phung hủi biến đâu mất, và chúng tôi thấy mình lành lặn. Những người Do-thái, theo như lời ông Giêsu nói, đã đi trình diện các tư tế theo đúng Lề Luật của họ. Còn tôi, tôi là người Samari, tôi đâu có lề luật, mà các tư tế cũng đâu có chứng nhận cho tôi. Tôi biết trình diện với ai bây giờ? Ai chứng nhận cho tôi, tôi đâu có thuộc quyền ai?
“Bởi vậy, không có gì hay hơn là tôi trở lại với chính người đã cứu tôi, đã chữa tôi lành bệnh. Ông ấy không coi thường tôi, không xét đến lý lịch gốc gác của tôi, và tôi thấy mình hạnh phúc, hạnh phúc hơn cả những người Do-thái. Tôi đã trở lại với ông Giêsu, trở lại để cám ơn, vì ơn đó quá lớn, chẳng thể nào tin nỗi.
“Đúng thế, ân huệ đó quá lớn lao. Những mặc cảm, những bất hạnh của tôi đã được xoá bỏ. Từ nay tôi được vào một đời sống mới, tôi được công nhận là người như mọi người khác. Và vì thế, tôi đã trở lại với Đấng đã làm ơn cho tôi, trở lại để bày tỏ tấm lòng của tôi, và cũng để công bố cho mọi người biết, Đấng làm ơn cho tôi có tấm lòng yêu thương vô biên.”
Người ấy, có phải là chúng ta?
Những người phung hủi ấy tượng trưng cho chúng ta. Khi mọi sự yên ỗn, sức khoẻ, công việc làm ăn đều tiến triển tốt đẹp, chúng ta nghĩ rằng chúng ta có quyền hưởng những thành quả ấy đúng như sự khôn khéo và hiểu biết của mình. Chỉ cần một chút thông minh, một chút mánh lới là chúng ta sẽ tránh được những điều tệ hại. Chúng ta chẳng cần phải cầu xin: “Xin dủ lòng thương chúng con.” Chúng ta không cảm thấy mình bệnh hoạn, thiếu thốn, và khi ấy, Thiên Chúa không thể làm gì được.
Nhưng khi mắc phải bệnh phung hủi, khi tai hoạ ập xuống, khi xảy ra những nguy hiểm, những cám dỗ, những tật bệnh … khi bất thình lình, cuộc đời chúng ta thay đỗi, lúc ấy, một cách tự nhiên, chúng ta chạy đến với Đấng có thể cứu thoát và thưa: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng con.” Đó là tiếng kêu của ân sủng. Mặc dù có những lúc dường như Thiên Chúa không đáp lại, nhưng Người vẫn luôn nghe thấy. Không có tiếng kêu nào của con người bị bỏ quên, không có tiếng kêu nào của con người mà Thiên Chúa lại không nghe thấy. Người sẽ chữa lành, chữa lành toàn diện.
Như thế, chúng ta phải nhận thấy mình mắc bệnh và cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và khi đã phó thác, đã đặt niềm tin tưởng nơi Người, chắc chắn Người sẽ nhận lời, sẽ chữa lành, dù chúng ta thế nào chăng nữa. Thiên Chúa không xét chúng ta là ai, chúng ta như thế nào, Người chỉ cần lòng tin của chúng ta.
Và cũng như người Samari, chúng ta sẽ phải trở lại để tạ ơn Thiên Chúa, để nhìn nhận Đấng đã làm ơn cho mình, không chỉ là biết nhận ân huệ, nhưng còn phải nhận ra Đấng đã thi ân. Chính điều đó làm cho chúng ta nhận được thêm những ân huệ khác.
Người Samari đã vượt ra khỏi giới hạn của Lề Luật để bước vào thế giới ân sủng, bởi vì anh có tấm lòng. Nhận thức rõ ân huệ mình đã lãnh nhận, anh đã cư xử như nhận thức đó thúc đẩy, không theo một quy tắc nào cả. Không phải ai cũng có được tấm lòng như thế: Trong mười người, chỉ có một người trở lại mà thôi. Chúng ta có phải là người ấy?
* * *
“Ngay khi đọc câu chuyện chín người được chữa lành và mất dạng trong Tin Mừng, tôi liền khám phá ra nơi họ khuôn mặt của các cộng đoàn chúng ta, vẫn thường có tính hay quên và vô ân. Tôi cũng nhận thấy nơi người Samari trở lại để tạ ơn Đức Giêsu hình ảnh dân mới của Thiên Chúa. Con người mới này, con người xa lạ với Tin Mừng, con người không có thái độ chán ngán trước Lời Chúa, đã được Tin Mừng biến đỗi và đã làm cho Đức Giêsu phải ngạc nhiên.
Này đây Lời đã chết nơi những con người được coi là đạo đức, nay đang tái sinh ở ngoài họ, nơi một con người xa lạ với mọi nghi lễ tôn giáo của họ. Này đây Tin Mừng đang trỗi vượt lên cách bất ngờ bên ngoài mọi truyền thống và thói quen.
Chỉ một mình người lạ này, người đã trở lại để tạ ơn Thiên Chúa, là tất cả niềm hy vọng của Ít-ra-en, là lời mời gọi nhận ra sự hiện diện và quyền năng của Đức Ki-tô giữa trần gian. Đó chính là nét độc đáo của Tân Ước: Xưa kia, Cựu Ước kêu mời dân ngoại nhìn vào dân Ít-ra-en, còn giờ đây, Tân Ước kêu mời những người nhiệt thành hãy nhìn và lắng nghe sự thật đang được Đức Ki-tô bày tỏ giữa trần gian.” (theo G. Casalis)
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
LÒNG BIẾT ƠN– Lm Inhaxiô Trần Ngà
Sau một trận động đất dữ dội hoặc một vụ khủng bố tựa như đã xảy ra tại Trung Tâm Thương Mại NewYork tháng 11 năm 2001, một số người bị vùi dưới hàng khối bê tông và gạch đá, nhưng không bị chết ngay vì được nằm lọt vào một khoang trống. Trong khoảng không gian chật khít người, vừa tối tăm vừa ngột ngạt đó, họ dùng điện thoại di động gọi về gia đình, gọi cho nhân viên cứu hộ đến cứu giúp. Mạng sống của họ chỉ được tính từng giây!
Trong những giờ phút kinh hoàng như thế, người ta cảm nhận rằng được sống thêm mươi phút nữa, dù chỉ thêm mươi phút nữa thôi, cho đến khi toán cấp cứu đến kịp, là cả một hồng ân vô cùng lớn lao. Và đang lúc gần như bị chôn sống dưới cả một núi bê tông như thế, họ nghiệm thấy rằng được tự do hít thở như bao nhiêu người khác bên ngoài là một ân huệ vô cùng quý báu; được uống vài ngụm nước lúc nầy thì thật sung sướng không gì bằng…
Mươi phút sống… một chút không khí trong lành… mấy ngụm nước… là những gì mà những người lâm nạn hết lòng khao khát và ước mơ, nhưng những ước mơ giản dị đó đã không đến được với nhiều nạn nhân bị chôn vùi ở nhiều nơi vì tai nạn hầm mỏ, vì nạn khủng bố hay động đất… nhưng những ân huệ đó đang ở trong tầm tay chúng ta cách dồi dào và dư dật. Chúng ta có thừa những gì mà những người lâm nạn đang mơ ước. Thế mà chúng ta không xem đó là ân huệ, mà chỉ xem đó là chuyện thường tình.
Nước, không khí, ánh nắng mặt trời… chỉ là một vài trong vô vàn ân huệ Thiên Chúa rộng ban cho mọi người. Đếm sao cho xiết những ân huệ Chúa ban. Vậy mà số người nhận ra và tỏ lòng tri ân Thiên Chúa thì vô cùng khan hiếm.
Khi Chúa Giêsu đi qua biên giới Samaria thì gặp mười người phong cùi. Họ là những người mang số phận bi đát. Vì mắc bệnh truyền nhiễm đáng sợ, họ bị xã hội Do-thái thời bấy giờ xua ra khỏi gia đình, làng mạc, cách ly với tất cả mọi người. Những con người bất hạnh nầy tụ tập với nhau, sống trong các hang hốc ngoài đồi núi, áo quần tả tơi, đầu tóc bù xù và buộc phải để đầu trần, đi đâu phải lấy tay che miệng và hô lên báo hiệu cho người qua lại biết mà lánh xa. Vì thế, họ không được phép lại gần Chúa Giêsu để xin Ngài cứu chữa. Họ phải đứng đằng xa kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”.
Theo luật quy định, nếu có người nào mắc bệnh phong có cơ duyên lành bệnh, thì phải đến trình diện với các tư tế, để khám xét lại. Nếu thực sự được lành bệnh thì họ mới được cho hoà nhập với cộng đồng. Chúa Giêsu bảo mười người phong đến trình diện với các tư tế là vì lý do đó. Họ đã đi trình diện, đã được chứng nhận là khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người xứ Samari, người được xem là thuộc phường rối đạo, biết quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa và cảm tạ Chúa Giêsu. Còn chín người kia thì không. Chưa được ơn thì van vái cầu xin, được ơn rồi thì nín thinh như hến.
Chuyện kể rằng có hai thiên thần được Thiên Chúa sai xuống trần, một vị có nhiệm vụ thu gom những lời cầu khẩn van xin của con người; còn vị kia thì đi thu nhặt những lời tạ ơn người ta dâng lên Chúa. Chỉ vài giờ sau, vị thiên thần có nhiệm vụ thu gom lời cầu nguyện van xin của nhân loại vội vã trở về vì hai va-li lớn của ngài đầy cứng và nặng trịch vì những lời cầu khẩn, khiến ngài hầu như không cất cánh nổi để bay về. Chờ mãi không thấy thiên thần kia trở lại, Thiên Chúa lại sai một vị thiên thần khác xuống thế kiếm tìm, thì mới hay là thiên thần thứ hai đang rảo khắp phố phường, khắp hang cùng ngõ hẻm suốt cả tháng trời mà chẳng gom góp được bao nhiêu lời tạ ơn nên còn phải lặn lội đến những nơi xa xôi hiểm trở may ra có thể kiếm thêm được ít gì nữa chăng!
Dấu hiệu để nhận ra người có văn hoá là biết nói tiếng cám ơn. Trong xã hội văn minh, dường như hai tiếng cám ơn liên tục được phát ra làm ấm lòng người nghe và làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cám ơn, khi được người khác làm ơn cho mình, cả trong những điều nhỏ nhặt, được đánh giá là người văn hoá, văn minh.
Ước gì trong tương quan với Chúa, mỗi người chúng ta cũng không thua kém những người khác trong xã hội thế trần, biết nhận ra hồng ân Thiên Chúa bao phủ đời mình và luôn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Ngài tuôn ban trong suốt dòng lịch sử đời mình. Và lời tạ ơn đẹp nhất, xứng hợp nhất, là cùng với Chúa Giêsu dâng hy tế tạ ơn Thiên Chúa Cha qua mỗi thánh lễ hằng tuần.