CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC- (Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973) 2
TÔI VÀ CHÚA CHA LÀ MỘT (*) – Chú giải của Noel Quession. 6
TA LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH- Chú giải của Fiches Dominicales 13
ĐẤNG CHĂN CHIÊN ĐÍCH THỰC (*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông. 18
MỤC TỬ NHÂN LÀNH- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 32
VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm.. 51
CHÚA CHIÊN LÀNH– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 66
NGƯỜI MỤC TỬ (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý. 70
CHIÊN TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 77
ƠN GỌI– Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ. 82
KHAO KHÁT SỐNG ĐỜI ĐỜI- Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền. 85
MỤC TỬ NHÂN LÀNH- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC.. 89
ƠN GỌI TRONG LÒNG GIÁO HỘI – Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long 94
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH- NĂM C
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC- (Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
“Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do-thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.
Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.
Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 5
Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.
BÀI ÐỌC II: Kh 7, 9. 14b-17
“Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế.
Và một bô lão đã nói với tôi: “Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.
Ðó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 10, 14
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 10, 27-30
“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.
Ðó là lời Chúa.
TÔI VÀ CHÚA CHA LÀ MỘT (*) – Chú giải của Noel Quession
Tôi là…
Cần phải đặc biệt chú ý tới hai từ trên mà Đức Giêsu đã không ngần ngại sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4,26; 7,29; 8,58; 13,19; 14,20; 17,24; 18,5) Ta cũng biết rằng, hai từ đó gợi lên kiểu viết “bốn chữ cái không phát âm được là “Tên mầu nhiệm” mà chính Thiên Chúa đã tự mạc khải cho Môsê trong sa mạc Sinai.
YHVH được chuyển dịch thành YaHVeH và đọc là “Adonai”, “Đức Chúa”.
Hơn nữa, qua nhiều câu trích dẫn như dưới đây, Tin Mừng theo thánh Gioan đã sử dụng tới ba mươi lần hai từ trên “Tôi là…”, kèm theo một phẩm tính:
– “Tôi là Bánh hằng sống” (Ga 6,35-42,48-51).
– “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8.12-9,5).
– “Tôi là Sự sống lại và là sự Sống” (Ga 11,25).
-“Tôi là Cây nho thật” (Ga 15,l-5).
-“Tôi là Cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7-9).
-“Tôi là Mục tử nhân lành” (Ga 10,11-14).
Theo các nhà chú giải Kinh Thánh đúng đắn, những kiểu nói trên muốn diễn tả hữu thể thần linh của Đức Giêsu. Thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga l,14).
Tôi là Mục tử nhân lành (người chăn chiên đích thực).
Ở đây, Đức Giêsu không chỉ sử dụng một hình ảnh đẹp dân gian và đồng quê, nhưng trước hết đó là một kiểu nói Kinh Thánh vô cùng phong phú. Trong khắp vùng Đông Phương cổ, các vua chúa thường tự coi mình như mục tử chăn dắt dân nước. Chính Giavê cũng đóng vai trò đó khi giải thoát dân riêng khỏi Ai Cập: “Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc” (Tv 78,52). Đavit, một trong những nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của Israel, là một cậu chăn chiên tại Bêlem (1 S 17,34-35). Ông Vua lý tưởng của tương lai, Đức Mêxia, Đavit mới, cũng được loan báo như một “Mục tử”: “Ta sẽ chỗi dậy một mục tử duy nhất, Ngài sẽ chăn dắt chúng. Đó là Đavit, tôi tớ của Ta” (Ed 34,23).
Mọi thính giả của Đức Giêsu, cũng như chính Người, đều hiểu rõ những trích dẫn Kinh Thánh trên, đặc biệt là chương 34 nổi tiếng của ngôn sứ Êdêkien, diễn tả khá dài những mục tử xấu ác (các vua thời đó) không quan tâm chăm sóc đoàn chiên của họ trước khi quả quyết rằng, Thiên Chúa Giavê phán thế này: Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom chúng. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng tán loạn. Ta sẽ chăn nuôi chúng nơi bãi cỏ tốt. Chính Ta sẽ chăn nuôi chiên của Ta, sấm của Đức Chúa Giavê. Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm” (Ed 34,1-31).
Như thế, rõ ràng của Đức Giêsu cũng không thể lầm về địa vị đó. Họ rất hiểu ý định của Chúa: “Nhiều người trong nhóm họ nói: ông ấy điên khùng rồi? ‘Kẻ khác bảo: ông nói phạm thượng, ông là người phàm mà lại tự cho mình, là Thiên Chúa” (Ga 10,20-33). Chính vì thế, họ lấy đá để ném Đức Giêsu.
Có lẽ chúng ta nên cầu nguyện lâu hơn dựa vào hình ảnh “Mục tử” biểu trưng này, chẳng hạn dùng Thánh Vịnh 22: “Chúa là Mục tử chắn dắt tôi, Tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tưới, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi đến dòng nước trong lành, và bổ sức cho tôi”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang dẫn con đi. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang chăm sóc. Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu mến con. Và cầu nguyện như thế, không phải là một kiểu cầu nguyện chủ quan, nặng tình cảm và trống rỗng: Chúng ta sẽ nhận ra, Đức Giêsu còn tiếp tục gọi lên cho ta nội dung cầu nguyện phong phú hơn.
Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi.
Ngày nay, hình ảnh con cừu, hình ảnh đoàn vật dễ mang một nghĩa xấu: Đừng có u lì như lũ cừu? Đừng có tinh thần. đoàn vật? Thực sự, hình ảnh của Kinh Thánh mang ý nghĩa ngược lại. Ở đây, ba động từ được Đức Giêsu nói lên, là những động từ tác động rất phù hợp với con người: nghe, biết, theo.
“Nghe”: đó là một trong những thái độ cốt yếu, trong tương quan giữa hai người. Biết lắng nghe, là dấu chỉ của tình yêu đích thực. Biết bao lần, ngay trong một nhóm người, ngay lúc tụ họp chung quanh một bàn tròn, ngay trong một cuộc trao đổi mệnh danh là đối thoại, thế mà thực sự ta, chưa biết lắng nghe. Trong Kinh Thánh, các ngôn sứ không ngừng mời gọi Israel biết lắng nghe. “Hỡi Israel, hãy nghe đây?” (Đnl 6,4; Am 3,1; Tv 29,3-9). Lắng nghe, đó là khởi sự của lòng tin. Thánh Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu như Ngôi Lời, Lời Thiên Chúa mà Chúa Cha muốn ngỏ cùng thế gian. “Đây là Con yêu dấu của Ta. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5).
“Theo”: đó là một hành động không có gì là thụ động cả, nhưng diễn tả một thái độ tự do: dính kết toàn thân một người nào đó vào thân phận một kẻ khác. Theo nghĩa là gắn bó với… Đức Giêsu mời gọi: “Hãy theo tôi” (Ga l,42).
“Biết”: trong Kinh Thánh, từ này trước hết không mang một ý nghĩa tri thức. Chính tình yêu mới làm cho ta nhận biết người nào đó một cách đích thực, đến nỗi đoán được cả tâm tính họ. Sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, yêu mến sâu xa, hiệp thông tâm hồn, trí não, thân xác… là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng (St 4,l).
Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.
Đây đúng là một cộng đồng sinh mệnh giữa Mục tử và đoàn chiên, giữa Đức Giêsu và “những kẻ nghe tiếng Người và theo Người”. Đúng là một sự liên kết vĩnh viễn.
Lạy Chúa, khi cầu nguyện, con cố tưởng tượng ra, thực sự con đang ở trong “bàn tay Chúa”. Bàn tay mà Chúa đã giơ ra cho người bệnh để cứu chữa họ. Bàn tay Chúa đã chìa ra cho Phêrô lúc ông chìm sâu dưới lòng biển. Bàn tay đã cầm Bánh hằng sống, vào chiều Thứ Năm Thánh. Bàn tay mà Chúa đã dang rộng trên thập giá tại đồi Gôngôtha. Bàn tay bị thương tích do đinh đâm thấu qua, mà Chúa đã minh chứng với Tôma. Trong bàn tay đó, Chúa đã nắm chặt lấy con và không ai có thể cướp được con! Lạy Chúa Giêsu xin tạ ơn Chúa.
Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.
Như thế, chúng ta được cả “hai bàn tay” giữ gìn.
Như một bé thơ được cả cha mẹ giữ gìn, và hướng dẫn trong an toàn tuyệt đối, hình ảnh đó đẹp biết bao!
Lạy Chúa, con muốn dùng hình ảnh trên để cầu nguyện cùng Chúa. ‘Lạy Chúa Giêsu và Chúa Cha, xin giữ gìn những người con thương mến trong bàn tay của Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận ra rằng, đó không phải là cảnh sắc màu mè diễn tả những “mục tử hiền lành” và các chú cừu con lông xoăn”. Người mục tử Đông phương là một người du mục đáng gườm, một thứ lính chiến, có khả năng bảo vệ đoàn vật mình khỏi thú dữ… gấu hay sư tử đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (1 S 17,34-35).
Đức Giêsu, khi Người nói những lời đó, đã nghĩ đến cuộc giao chiến khốc liệt mà Người sẽ phải đường đầu trong cuộc Thụ khổ để đối phương “không cướp được” một chiên nào khỏi tay Người. Khác với kẻ chăn thuê, thường chạy trốn trước sói dữ, Đức Giêsu sẽ phó nộp và đành mất mạng sống mình vì chiên của Người (Ga 10,12-15).
Cùng với Đức Giêsu, tôi có khả năng, chiến đấu để cứu sống anh em tôi không?
Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.
Thế nhưng, lạy Chúa, làm sao giải thích được những hiện tượng bỏ hàng ngũ, bất trung thường thấy chung quanh chúng con, hay ngay trong đời sống chúng con?
Đó là mầu nhiệm của tự do! Nhưng một điều chúng ta cần biết, đó là không khi nào Chúa buông bỏ! Chỉ có con người rời bỏ bàn tay Chúa. Và ngay khi con người rời bỏ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tìm liên hệ lại. “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15,4-7). Vậy chúng ta đã tự tạo hình ảnh sai lầm nào về Thiên Chúa, để nghĩ rằng Người có thể kết án những tội nhân? Chớ gì chúng ta cần cố gắng ít phạm tội đối với Thiên Chúa yêu thương!
Tôi và Chúa Cha là một.
Các chiên của Đức Giêsu, Người nói chúng đã được Chúa Cha, Thiên Chúa trao phó cho Người. Nhưng chúng vẫn luôn ở trong bàn tay của Thiên Chúa.
Những kiểu nói như trên đã dẫn chúng ta bước vào một vực thẳm choáng váng, khi đứng trước con người Giêsu Nadarét: trong con người thực sự đã được sinh ra từ một phụ nữ, đã lớn lên, sắp phải đổ máu và bị giết đi, lại chính là Thiên Chúa đã hiện diện, nói năng và hành động. Đức Giêsu, chính là Thiên Chúa tự mạc khải trong tình thân hữu với con người. “Tôi và Chúa Cha là một”. Các Công đồng sẽ phải nỗ lực xác định và đưa ra những quan niệm, nhưng sẽ không khi nào có được một kiểu nói giúp ta hiểu được mầu nhiệm của con người Giêsu. Tất cả những gì đã nói, trong công thức trên, chỉ có thể phải “lắng nghe” trong đức tin: “Chúa Cha và tôi, chúng tôi là một… Thiên Chúa và tôi, Giêsu, chúng tôi là một”
Đó là lý do Đức Giêsu dám quả quyết, Người “ban sự sống đời đời”.
Đó là lý do, như chính Thiên Chúa, Người có thể tuyên bố: “Tôi là…”.
Đó là lý do Người đã bị buộc tội là một kẻ phạm thượng, bị người đời đóng đinh, nhưng được Thiên Chúa “minh chính hóa”, bằng cách cho Người từ cõi chết sống lại.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM C
TA LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH- Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
*1. Đức Giêsu, Đấng chăn chiên lành.
Bản văn Chúa nhật này quá ngắn, cần đưa trở lại văn mạch tổng thể một chút. Vào dịp lễ Lều, sau khi chữa một người mù bẩm sinh và anh ta bị trục xuất khỏi hội đường, Đức Giêsu tỏ ra là một “Đấng chăn chiên, hiến tặng đời mình cho đàn chiên” (Ga 10,11)
Giờ đây, chúng ta trở lại lễ Cung Hiến, lễ kỷ niệm hằng năm ngày cung hiến đền thờ và bàn thờ thời Giuđa Macabê. Đức Giêsu đi đi lại lại nơi hành lang Salômôn (nơi mà sau khi Chúa về trời, các môn đệ thường tụ họp, Cv 5, 12). Những người Do Thái – từ ngữ chỉ chung các thù địch của Đức Giêsu, trong Tin Mừng Gioan – tụ tập quanh Đức Giêsu (đúng ra là “quanh Người”: 10,22). Tin Mừng ghi: “Lúc đó là mùa đông” (Ga 10,22); nói thế, để từ thời tiết, chúng ta dễ nghĩ tới “sự băng giá” của lòng người theo thánh Augustinô sẽ viết sau này. “Nếu ông là Đấng cứu thế, hãy nói huỵch toẹt cho chúng tôi biết đi”.
Những người vây quanh không nắm rõ nội dung từ Cứu thế, nên Đức Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi, Người kêu gọi thính giả suy nghĩ về những công việc của một vị Cứu thế, nhất là việc chữa người mù bấm sinh mới đậy. A. Marchadour giải thích: “Các phép lạ được coi như nhũng dấu chỉ, nhờ đó mà nhận ra Đấng Cứu thế. Rồi, Người tiếp tục đề tài người chăn chiên, hình ảnh truyền thống của Đấng cứu thế dòng dõi Đavít; ở đây, Người nhấn mạnh đến những con chiên mà Chúa Cha trao phó cho Người.
*2. Làm một với Chúa Cha.
Và bây giờ, một đề tài mới, cho tới lúc này, chưa đề cập tới lần nào: sự thân mật với Chúa Cha: “Cha tôi và tôi, chúng tôi là một”. Một khẳng định xác lập cội nguồn sứ mệnh của Đức Giêsu. Tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu toàn bích bao bọc các con chiên đến nỗi không ai có thể cướp được một con nào. “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”
Đối với người Do Thái, nói thế là quá quắt rồi. Phạm thượng? Ai lại dám xưng mình là Cứu thế và lại còn thân mật quá thế với Thiên Chúa. Họ lượm đá để ném Người. Họ nói: “Ông chỉ là phàm nhân mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Tác giả Tin Mừng kết thúc: “Nhưng Người đã thoát khỏi tay họ”. Tác giả như muốn mời chúng ta đọc đoạn này dưới ánh sáng của cuộc tử nạn trên thập giá và sự Phục sinh từ cõi chết. Với ánh sáng ấy, chúng ta sẽ khám phá ra Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã hoàn tất tới cùng sứ mệnh của mình bởi tình yêu đối với các con chiên thế nào; trên con đường sự sống nào, Người muốn dẫn đưa những ai nghe tiếng Người và đi theo người; Mối tình hiệp thông yêu thương nào với Chúa Cha mà Người muốn dẫn đưa chúng ta tham dự vào?
BÀI ĐỌC THÊM
*1. Theo Đức Giêsu (G. Boucher, trong “Thiên đường tại thế”).
Lạy Chúa, chúng con không muốn mình bị đồng hóa với đàn súc vật. Con không thích là một chú chiên chỉ biết đi theo người chăn chiên..Con cũng không muốn kêu be be như con chiên. Con nói điều con nghĩ, đi nơi con thích. Con không muốn bị dắt đi.
Ngày nay, chúng con nhấn mạnh đến sự thức tỉnh của lương tâm: mỗi người sẽ chọn lấy hướng đì mà mình muốn. Mong sao có trong tay phương tiện thực hiện sự lựa chọn của mình. Ngày nay, chúng con thích chịu trách nhiệm về số phận mình. Chúng con không muốn trao tấm bảng trắng đời mình cho các nhà lãnh đạo hoặc những người chúng con bầu ra để họ muốn làm gì thì làm. Ngược lại, họ phải trả lời cho chúng con về những việc họ đã làm.
Nhưng, Chúa lại nói với con rằng: giữa con và Chúa là sự hiệp thông. Mong sao Chúa nói lời soi sáng và hướng dẫn đời con. Chúa thuộc một bình diện hoàn toàn khác.
Nghe Chúa và đi theo con đường Chúa đã vạch ra, con sẽ sống cuộc sống tốt đẹp và trọn vẹn, cho tới nỗi cuộc sống ấy sẽ không ngừng lại khi sự hiện hữu trần thế chấm dứt. Cuộc mạo hiểm mà Chúa dắt con đi sẽ dìm con vào sự sống vĩnh hằng.
Với Chúa, mọi sự sẽ đổi khác. Chúng con không còn nguy cơ sẽ bị huỷ diệt nữa. Không ai tiêu diệt được chúng con. Không gì có thể xâm phạm đến chúng con.
Nghe lời Chúa và đi theo con đường Chúa thiết lập là chúng con lên đường với Chúa. Con muốn nói: với Thiên Chúa. Với Thiên Chúa của sự sống và của sự vĩnh cửu. Với Thiên Chúa mà Chúa đã gọi là Cha.
*2. Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi (Sứ điệp của Đức Gioan-Phaolô II).
Ngày nay, vẫn còn nhiều nguyên do cản ngăn thanh thiếu niên và các bạn trẻ sống sự thực của tuổi đời mình trong sự gắn bó quảng đại với Đức Kitô. Biết bao bạn trẻ đang đánh mất năng lực phát triển đích thực.
Vậy nên mong đợi gì? Trong thâm tâm mỗi thế hệ luôn ẩn tàng một ước muốn tạo lập một ý nghĩa cho đời mình. Trên hành trình cuộc sống, các bạn trẻ luôn tìm một người biết thảo luận với họ, những vấn đề làm họ bức xúc và đồng thời đề ra được những giải pháp, những giá trị, những viễn cảnh đầu tư được sự dũng cảm đương đầu với tương lai.
Điều người ta đòi hỏi hôm nay là: một Giáo Hội biết trả lời cho sự kỳ vọng của tuổi trẻ. Đức Giêsu mong muốn thảo luận với họ qua thân thể người là Giáo Hội. Người muốn đề nghị với họ viễn cảnh của một chọn lựa có tính quyết định cuộc đời Như Người đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, Giáo Hội ngày nay cũng phải lên đường đồng hành với các bạn trẻ đầy ưu tư, bất mãn và mâu thuẫn, để loan báo cho họ Tin Mừng kỳ diệu của Đức Kitô phục sinh.
Điều người ta đang cần là một Giáo Hội cho các bạn trẻ, một Giáo Hội nói chuyện được với lâm hồn họ, hâm nóng con tim họ bằng niềm vui của Tin Mừng, bằng sức mạnh của
Thánh Thể, một Giáo Hội biết đón tiếp và mời gọi những ai đang đi tìm mục đích cuốn hút toàn bộ cuộc sống của họ; một Giáo Hội không sợ đòi hỏi nhiều sau khi đã cho đi không ít; một Giáo Hội không sợ đòi hỏi nơi bạn trẻ sự nhọc mệt của một cuộc mạo hiểm cao thượng và chân chính, cuộc mạo hiểm bước “theo” Tin Mừng.
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM C
ĐẤNG CHĂN CHIÊN ĐÍCH THỰC (*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Trong cả ba năm phụng vụ, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành”.
Cv 13: 14, 43-52
Khi thi hành công việc truyền giáo ở An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a, thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba, như những mục tử nhân lành, công bố ơn cứu độ phổ quát cho muôn người.
Kh 7: 9, 14-17
Thị kiến mà sách Khải Huyền mô tả chính xác là thị kiến về đoàn người được tuyển chọn đông đảo khôn kể xiết đứng chầu quanh ngai Thiên Chúa. Con Chiên đang ngự ở giữa họ “sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”.
Ga 10: 27-30
Đức Giê-su khẳng định Ngài là vị Mục Tử Thiên Chúa, liên đới với đoàn chiên của Ngài. Chính Ngài cho họ được sống và sống dồi dào trong sự hiệp nhất mật thiết với Chúa Cha.
BÀI ĐỌC I (Cv 13: 14, 43-52)
Phần thứ nhất sách Công Vụ Tông đồ (ch. 1-12), mà chúng ta đã đọc nhiều đoạn trích dẫn trong nhiều Chúa Nhật trước, nêu bật dung mạo Tông Đồ Phê-rô. Trong phần này, thánh Phê-rô loan báo Tin Mừng chủ yếu cho dân Ít-ra-en, ngoại trừ viên đại đội trưởng Rô-ma, ông Co-nê-li-ô và gia quyến của ông, những người Ki-tô hữu đầu tiên được chấp nhận vào Giáo Hội qua phép Rửa chứ không qua phép cắt bì.
Phần thứ hai sách Công Vụ Tông Đồ (ch. 13-28) nêu bật dung mạo thánh Phao-lô, thánh nhân thực hiện sự đột phá lớn lao trong công việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới lương dân. Bản văn chúng ta đọc hôm nay được trích dẫn từ bài trình thuật về cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất của thánh Phao-lô. Bản văn này chứa đựng lời tuyên ngôn nổi tiếng của thánh Phao-lô: trước việc dân Ít-ra-en từ khước, thánh nhân quyết định quay về lương dân (13: 46-47).
*1.Thánh Ba-na-ba:
Trong những năm tháng khó khăn sau cuộc hoán cải của mình, thánh Phao-lô may mắn gặp được thánh Ba-na-ba. Thánh Ba-na-ba xuất thân từ đảo Síp, nhưng đã đến định cư lập nghiệp ở Giê-ru-sa-lem. Khi trở thành Ki-tô hữu, thánh nhân đã bán hết sản nghiệp của mình và đặt dưới chân các Tông Đồ. Tên thật của thánh nhân là Giô-xếp, nhưng người ta đặt cho thánh nhân biệt danh Ba-na-ba, nghĩa là “con của sự an ủi”. Quả thật, thánh nhân xứng đáng với biệt danh này trong cách hành xử của thánh nhân đối với thánh Phao-lô. Khi thánh Phao-lô lần đầu tiên đến Giê-ru-sa-lem sau biến cố trên đường Đa-mát, kẻ bách hại đạo trước đây được tiếp đón với thái độ dè dặt. Thánh Ba-na-ba biết nhận ra cuộc hoán cải chân thành của thánh Phao-lô và đứng ra bảo lãnh cho thánh nhân trước các Tông Đồ.
Nhiều năm sau đó, thánh Ba-na-ba được cử đến An-ti-ô-khi-a, thành phố lớn chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp, ở đó nhiều người Do thái cũng như lương dân theo đạo càng lúc càng đông (An-ti-ô-khi-a là thành phố đầu tiên có cộng đoàn Ki-tô hữu gốc lương dân). Trước công việc lớn lao, thánh Ba-na-ba nảy sinh sáng kiến đi tìm thánh Phao-lô lúc này ở Tác-xô. Cả hai cùng làm việc ở An-ti-ô-khi-a trong vòng một năm, chắc chắn vào năm 43-44. Đoạn, được Thánh Thần đề xuất, cộng đoàn An-ti-ô-khi-a cử thánh Ba-na-ba và thánh Phao-lô đi truyền giáo (Cv 13: 1-3).
Thánh Ba-na-ba dẫn thánh Phao-lô đến đảo Síp, quê quán của mình. Nhưng chẳng bao lâu sau vai trò của hai người đảo ngược. Thật là có ý nghĩa biết bao, sau cuộc truyền giáo ở đảo Síp, thánh Lu-ca không còn viết Sao-lô nhưng Phao-lô, và không còn đặt ngài ở hàng thứ hai; từ đây thánh Lu-ca viết “ông Phao-lô và ông Ba-na-ba”.
*2.Thành An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a:
Từ đảo Síp, hai ông đáp tàu đến miền duyên hải phía nam thuộc miền Tiểu Á. Đoạn hai ông vượt đèo leo núi đến thành phố An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a ở độ cao 1200 mét. Để đến đó, hai ông phải băng qua đoạn đường 160 cây số, bằng cách vượt qua dảy núi Taurus, do bởi những con đường quanh co hiểm trở có nhiều khe suối, trong một miền đầy sào huyệt của quân trộm cướp. Chắc chắn thánh Phao-lô ám chỉ đến cuộc hành trình gian khổ này trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, trong đó thánh nhân gợi lên mọi nỗi gian truân mà ngài đã kinh qua (2Cr 11: 26).
*3.Cộng đồng Do thái:
Thành phố An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a là một trong những thủ phủ Rô-ma thuộc Á Châu và được hưởng quy chế thành phố tự do với những kiến trúc đô thị theo kiểu Rô-ma. Nằm trên trục giao thông, thành phố An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a đã có một nền thương mại phát triển thịnh vượng. Ở đây có một cộng đồng Do thái định cư lập nghiệp và có ảnh hưởng tôn giáo trên cư dân ở đây: có nhiều lương dân nhận ra Thiên Chúa Ít-ra-en là Thiên Chúa độc nhất, tôn kính Ngài, cầu nguyện với Ngài và tham dự vào những công việc từ thiện của cộng đồng; những người này được gọi “những người kính sợ Thiên Chúa”. Những lương dân này sẽ là đám thính giả đông đảo của thánh Phao-lô ở hội đường An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a này.
*4.Sứ điệp mang tính lịch sử:
Vào một ngày sa-bát, trong hội đường, lời rao giảng đầu tiên của thánh Phao-lô gây nên lòng mộ mến của nhiều người Do thái cũng như nhiều lương dân kính sợ Thiên Chúa. Vào ngày sa-bát sau đó, những lương dân kính sợ Thiên Chúa này kéo theo một phần lớn dân thành vào trong hội đường để nghe thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba thuyết giáo. Thấy thế, những người Do thái “sinh lòng ghen tức, họ nhục mạ và phản đối những lời của thánh Phao-lô”. Đây là lần đầu tiên người Do thái chống đối thánh Phao-lô. Sẽ có những chống đối khác nữa. Từ lúc này, thánh Phao-lô nhận ra dấu hiệu nghiêm trọng này. Đây là lần đầu tiên thánh nhân nói đến sự từ khước của dân Do thái, mà hệ luận tất yếu là lương dân gia nhập Ki-tô giáo.
Thánh Phao-lô công bố chiều kích phổ quát của sứ điệp Tin Mừng khi nhắc nhớ giáo huấn của các ngôn sứ và áp dụng cho chính mình ơn gọi của Người Tôi Trung: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”. Khi nghe sứ điệp của thánh Phao-lô, “lương dân vui mừng suy tôn Lời Thiên Chúa và tất cả những ai đã được Thiên Chúa tiền định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo”. Thánh Lu-ca sử dụng diễn ngữ xuất xứ từ văn chương kinh sư, theo đó người ta thường hay nói “được tiền định cho hưởng cuộc sống mai sau”. Diễn ngữ này không muốn nói đến số phận được tiền định, nhưng nhấn mạnh cuộc sống mai hậu này là ân ban của Thiên Chúa dành cho những ai tin vào Chúa Giê-su.
*5.Thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba bị trục xuất:
Chắc chắn, thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba lưu lại ở An-ti-ô-khi-a nhiều tháng. Trong thuộc địa Rô-ma này, những người Do thái không có quyền điều hành; họ phải vận động những nhân vật trung gian: sách động những phụ nữ thượng lưu đã theo Do thái giáo, và những người có quyền thế trong thành, xúi dục họ trục xuất hai vị truyền giáo ra khỏi lãnh thổ của họ. Sau khi bị trục xuất, hai ông “liền giũ bụi chân”, cử chỉ nói lên đoạn tuyệt và quy trách nhiệm cho các đối thủ này. Thánh Lu-ca nhấn mạnh một lần nữa mối phúc của những người bị bách hại: “Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và ơn Thánh Thần”.
BÀI ĐỌC II (Kh 7: 9, 14-17)
Chúng ta tiếp tục đọc sách Khải Huyền của thánh Gioan. Đoạn trích dẫn hôm nay rất phù hợp với Tin Mừng, trong đó Đức Giê-su công bố Ngài là Mục Tử đích thật. Thị kiến mô tả Con Chiên là Đức Ki-tô ở giữa những người được tuyển chọn như Người Mục Tử ân cần trao ban sự sống đời đời cho đoàn chiên của mình.
Chương 7 sách Khải Huyền chứa đựng hai thị kiến liên tiếp nhau: thị kiến thứ nhất về Giáo Hội chiến đấu, trong đó các Ki-tô hữu được đóng ấn ơn cứu độ trước khi đương đầu với những nỗi gian truân; thị kiến thứ hai là đối tượng của bản văn chúng ta.
*1.Một đoàn người thật đông không tài nào đếm được:
Trong khi xuất thần, thánh Gioan được đưa lên trời ở đó diễn ra một phụng vụ vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa và Con Chiên. Đoàn người được tuyển chọn thật đông không tài nào đếm được như dòng dõi mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Áp-ra-ham. Ơn cứu độ phổ quát được các ngôn sứ loan báo, được Con Chiên đạt được nhờ hiến dâng mạng sống mình “cho muôn người”, được đám đông “thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc và mọi ngôn ngữ” chứng thực. “Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế”: “Họ đứng”: dấu chỉ của sự sống và sự sống lại, “mình mặc áo trắng”: dấu chỉ của sự vô tội, và “tay cầm nhành lá thiên tuế”: dấu chỉ của sự khải hoàn.
*2.Cơn thử thách lớn lao:
Một trong các Kỳ Mục giải thích: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao”. Theo từ ngữ của các sách khải huyền, “cuộc thử thách lớn lao” chỉ những nỗi gian truân của thời cánh chung. Trước đây, Đức Giê-su đã gợi lên điều này khi Ngài nói với các môn đệ: “khi ấy sẽ có cơn gian nan khốn khổ đến mức từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra như vậy nữa” (Mt 24: 21).
Viễn cảnh của các sách khải huyền chủ yếu là cánh chung, nhưng được “lồng vào nhau” giữa hiện tại và tương lai. Các ngôn sứ nói về kỷ nguyên thiên sai theo cùng những từ ngữ như thế nào thì họ mô tả kỷ nguyên cánh chung theo cùng một cách thức như vậy. Sách Khải Huyền của thánh Gioan ngỏ lời với những người Ki-tô hữu bị bách hại đang đối mặt với cái chết vì đạo. Như chúng ta đã nói, sách này là một tác phẩm “được mã hóa”, theo đó ngôn từ hàm chứa hai cách đọc. Cuộc thử thách lớn lao ám chỉ đến cái chết khủng khiếp đang chờ đợi họ và những nhành lá thiên tuế mà họ đang cầm trong tay muốn nói cuộc khải hoàn của họ sắp đến gần: họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên vì họ đã dự phần vào cuộc Tử Nạn của Ngài bằng cách chấp nhận đổ máu mình để làm chứng cho Ngài.
*3.Thờ phượng muôn đời:
“Họ đứng chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người”. Chương 7 sách Khải Huyền tham dự trước các chương 20-22, các chương này mô tả thành đô Giê-ru-sa-lem trên trời. Thế nên, trong thành đô Giê-ru-sa-lem mới, không còn có Đền Thờ “vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành” (Kh 21: 22). Đây là một trong những phương thức của tác giả là dùng những biểu tượng Cựu Ước để diễn tả những thực tại mới: Đền Thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài, dấu chỉ bất toàn này rồi sẽ biến mất. Từ đó, Thiên Chúa đích thân vĩnh viễn hiện diện giữa dân Ngài và họ chúc tụng Ngài luôn mãi.
*4.Thiên Chúa ở cùng chúng ta:
Kinh Thánh được ứng nghiệm theo từng lời: con người được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa, Người chấm dứt mọi nỗi truân chuyên của họ: “Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”. Câu này rõ ràng trích dẫn gần như nguyên văn của Is 49: 10, nhưng thật đáng cho chúng ta lưu ý, tác giả sách Khải Huyền đã thay thế “Đấng” quy chiếu đến Đức Chúa trong bản văn Is 49: 10 bằng “Con Chiên” chỉ Đức Ki-tô. Con Chiên là nguồn gốc niềm hoan lạc của họ và Con Chiên này “sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”.
Bản văn Khải Huyền này cũng được đọc lại vào ngày lễ Chư Thánh để nhắc nhớ niềm hy vọng lớn lao của người Ki-tô hữu.
TIN MỪNG (Ga 10: 27-30)
Vào Phụng Vụ Năm C này, chúng ta đọc phần thứ ba và phần sau cùng của dụ ngôn “Người Mục Tử Nhân Lành” theo Tin Mừng Gioan.
*1.Bối cảnh:
Phần sau cùng này rõ ràng được tách riêng ra khỏi những khai triển trước đó: hoàn cảnh, thời gian, nơi chốn không như trước nữa. Quả thật, những câu 22-24 định vị dụ ngôn này vào trong bối cảnh của cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu: “Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-mon. Người Do thái vây quanh Đức Giê-su và nói: ‘Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết’”.
Ấy vậy, vào lúc cử hành lễ Cung Hiến Đền Thờ, trong phụng vụ người ta đọc chương 34 của ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Trong chương 34 này, Thiên Chúa truyền lệnh cho vị ngôn sứ tuyên sấm hạch tội những mục tử chăn dắt Ít-ra-en, vì họ chỉ biết lo cho lợi ích của mình mà không quan tâm gì đến cảnh sống cùng khổ của đoàn chiên Người: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đoàn chiên còn lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên bị lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (Ed 34: 1-6). Vì thế, vị ngôn sứ loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đích thân chăm sóc đoàn chiên của Người: “Đức Chúa phán thế này: ‘Đây chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta…Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi…Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó…” (Ed 34: 11-16).
Những người đối thoại với Đức Giê-su đã nghe nhắc lại sứ điệp của vị ngôn sứ. Để trả lời câu hỏi của họ: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”, Đức Giê-su tự đồng hóa mình với vị Mục Tử Thiên Chúa này mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã hứa. Lời công bố này khiến họ phẩn uất đến mức muốn ném đá Ngài như đoạn tiếp theo cho thấy.
*2. “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi”:
“Chiên Tôi thì nghe tiếng tôi”: Đây là thái độ của các môn đệ Ngài. Đức Giê-su đối lập thái độ này với thái độ của những đối thủ Ngài. Trước đây, Ngài đã nói cho họ: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa” (8: 47). Qua lời này, Đức Giê-su công bố một cách rõ ràng rằng Ngài chính là Lời Thiên Chúa hiện thân.
*3. “Tôi biết chúng và chúng theo tôi”:
Trước đây, Đức Giê-su đã khai triển sâu xa về sự hiểu biết hổ tương giữa người chăn chiên và đoàn chiên; động từ “biết” theo Kinh Thánh hàm chứa chuyển động của cả trí tuệ lẫn con tim; sự hiểu biết này dẫn đến niềm tin tưởng phó thác: “Tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Xuyên suốt Tin Mừng, động từ “theo” định nghĩa thái độ căn bản của người môn đệ, gắn bó với con người Đức Ki-tô.
*4. “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”:
Ở đây chúng ta chạm đến cao điểm của dụ ngôn, vang dội biến cố Phục Sinh. Đức Giê-su có thể thông truyền cho con người sự sống thần linh của Ngài vì Ngài sắp hiến dâng mạng sống mình cho đoàn chiên của Ngài: “Không bao giờ chúng phải diệt vong”. Không quyền lực nào có thể phân ly mối quan hệ hiệp nhất giữa người chăn chiên và đoàn chiên, vì mối giây liên kết này được thiết lập trên sự hiệp nhất của Đức Giê-su với Cha Ngài: “Tôi và Chúa Cha là một”. Trong Tin Mừng Gioan, nhiều lần Đức Giê-su khẳng định một lòng một dạ giữa Ngài và Cha Ngài. Đây là mặc khải quan trọng và rõ ràng nhất về Thần Tính của Chúa Giê-su và mầu nhiệm sâu xa của Thiên Chúa. Đây cũng là câu trả lời cho bè A-ri-ô về việc chối bỏ Thần Tính của Đức Giê-su. Cũng dựa trên lời này, Công Đồng Ni-xê-a năm 325 tuyên tín: Chúa Cha và Chúa Con đồng bản tính.
Chiều kích Giáo Hội của dụ ngôn thì rõ ràng. Những người Ki-tô hữu là đoàn chiên, họ gặp thấy ở nơi Đức Ki-tô ơn cứu độ của mình và sự sống thần linh phong phú. Qua Ngài, họ hiệp nhất dứt khoát vĩnh viễn với Chúa Cha. Phải đọc lại chầm chậm dụ ngôn và để cho lòng mình thấm đẩm tâm tình trìu mến yêu thương của Thiên Chúa mà dụ ngôn này làm chứng.
MỤC TỬ NHÂN LÀNH- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Anh chị em thân mến
Lời Chúa hôm nay trình bày Chúa Giêsu là người mục tử tốt lành: Ngài biết rõ từng người chúng ta, Ngài thí mạng sống vì chúng ta, và Ngài dẫn chúng ta tới sự sống thật. Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở thành chiên của Ngài, không phải những con chiên bướng bỉnh mà là những con chiên biết chủ mình là ai, biết tiếng chủ và ngoan ngoãn bước theo sự dẫn dắt của chủ.
GỢI Ý SÁM HỐI
-Chúa Giêsu muốn dẫn chúng ta tới sự sống thật, còn chúng ta nhiều khi từ chối không nghe theo sự hướng dẫn của Ngài.
-Chúa Giêsu biết rất rõ từng người chúng ta và yêu thương chúng ta vô cùng, thế mà lắm khi chúng ta hồ nghi tình thương của Chúa.
-Chúa Giêsu đã chịu biết bao đau khổ vì chúng ta, còn chúng ta nhiều khi gặp đau khổ thì nản lòng như kẻ không có đức tin.
LỜI CHÚA
*1. Bài đọc I (Cv 13,14.43-52)
Việc truyền giáo của Phaolô và Barnaba tại Antiôkhia miền Pixiđia:
-Theo thói quen, Phaolô rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái trước tiên.
-Nhưng vì họ từ chối, nên Phaolô quay sang rao giảng cho dân ngoại.
– Dân ngoại đã hân hoan đón nhận Tin Mừng và tôn vinh Thiên Chúa.
*2. Đáp ca (Tv 99)
Câu quan trọng nhất trong Tv này, và cũng là câu được dùng làp câu đáp, là: “Chúng ta là dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt”.
*3. Tin Mừng (Ga 10,27-30)
Chúa Giêsu mặc khải thêm một khía cạnh của mầu nhiệm bản thân Ngài: Ngài là mục tử: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi cho chúng được sự sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất”
*4. Bài đọc II (Kh 7,9.14-17)
Thị kiến của Gioan tông đồ về dân thánh Chúa:
-họ rất đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ
-họ đứng trước ngai Con Chiên
-Con Chiên sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.
GỢI Ý GIẢNG
* 1. Đồng cỏ xanh, dòng suối mát
Dương Ân Điển là đứa trẻ bị bỏ rơi, người ta nhặt được nó ở một quầy bán thịt, trong cái chợ nghèo vùng núi miền Nam đảo Đài Loan. Câu chuyện thương tâm này xảy ra năm 1974, ấy là lúc vừa lọt lòng, em đã không có hai cánh tay, chân phải thẳng đơ không thể co duỗi.
Thế mà, 25 năm sau, đứa bé tàn tật bất hạnh ấy đã trở thành nhà danh họa tài ba, chuyên vẽ tranh bằng chân và miệng. Cô đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ vàø Nhật, và là thành viên của Hiệp Hội quốc tế những người vẽ tranh bằng chân và miệng.
Cuộc đời cô thay đổi nhanh chóng như thế, thành công rực rỡ như thế, cũng là nhờ mục sư Dương Húc và vợ ông là Lâm Phương Anh nhận nuôi. Đặc biệt là ông Tưởng Kinh Quốc đã cho cô đi giải phẫu chỉnh hình cột sống, nắn chân phải, sửa đường làm cầu cho cô dễ dàng đi tới trường. Ông đã nói với cô: “Cháu không có tay, nhưng còn chân, và có thể làm được rất nhiều việc”. Chính tình thương, sự chăm sóc, và lời động viên của ông Tưởng Kinh Quốc đã thay đổi số phận của một con người.
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Thiên Chúa là chủ chiên nhân lành, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu cá biệt, cho dù chúng ta có què quặt đui mù, có xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu bao bọc của Chúa; mỗi người chúng ta đều có vị trí đặc biệt trong trát tim yêu thương của Người. Tấm lòng quảng đại yêu thương của ông Tưởng Kinh Quốc dành cho cô bé tàn tật Dương Ân Điển chỉ là hình bóng tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con chiên của Người.
Vâng, chiên của Chúa thì nghe Chúa, biết Chúa và theo Chúa.
– Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội, và những ơn soi sáng trong tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phao lô viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17).
– Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà chính là hiểu biết sâu xa, yêu mến thân tình, đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.
– Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng chính là từ bỏ, từ bỏ con người cũ, nếp sống cũ, đường lối cũ. Các môn đệ đã bỏ mọi sự, Mađalêna đã bỏ đường tội lỗi, Augúttinô đã bỏ đời trụy lạc, để đi theo Người.
Nghe Chúa, Biết Chúa và Theo Chúa để được những gì? Đức Ki tô đã trả lời: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Đoàn chiên đi theo chủ chiên nhân lành thì đồng cỏ xanh với dòng suối mát chắc chắn phải là đích đến của chúng, vì chủ chiên Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người không những ban cho chúng ta sự sống đời đời mà còn bảo đảm sự sống ấy chắc chắn không thể mất được.
Không chỉ Chúa Con mà cả Chúa Cha cũng gìn giữ, bảo vệ chúng ta trong bàn tay yêu thương của Người: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10,29). Chúa Cha đã trao ban đoàn chiên cho Chúa Con như quà tặng quí giá nhất, nên Chúa Con cũng gìn giữ và yêu mến đoàn chiên như Chúa Cha đã yêu mến và gìn giữ vậy. Như thế, chúng ta được bảo vệ an toàn tuyệt đối trong cả hai bàn tay, của cả cha lẫn mẹ, còn hình ảnh nào đẹp hơn thế nữa!
*
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên nhỏ bé đơn sơ để chúng con được nằm gọn trong bàn tay yêu thương của Chúa.
Giữa một thế giới ồn ào vì tranh giành quyền lực, của cải, xin cho chúng con lắng nghe được tiếng Chúa.
Giữa một thế giới chỉ biết tôn thờ vật chất, xin cho chúng con hiểu biết Chúa thật sâu xa để yêu mến Người thiết tha.
Giữa một thế giới chỉ biết chạy theo danh lợi thú, xin cho chúng con luôn đi theo Chúa là chủ chiên nhân lành của cuộc đời chúng con mà thôi. Amen. (TP)
* 2. Ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục
Trong một quyển chuyện đề tựa “Quyền lực và vinh quang”, nhà văn Graham Greene kể lại câu chuyện sau đây xảy ra tại một nước ở Nam Mỹ: Khi ấy một chính phủ ghét đạo lên nắm quyền và ra lệnh trục xuất tất cả các linh mục ra khỏi nước. Linh mục nào còn lén lút ở lại hoạt động thì bị bắt đem xử tử. Đa số các linh mục đã phải tuân lệnh ra khỏi nước, một số nhỏ can đảm ở lại thì cũng bị xử. Nhưng không ai ngờ là vẫn còn sót lại một linh mục. Ông này ở lại được vì không ai thèm để ý tới ông, bởi vì ông là một linh mục tội lỗi bê bối đã hồi tục. Ông không coi sóc họ đạo nào cả, cũng không lưu ý tới sự thiếu thốn của các con chiên. Hằng ngày ông lang thang đây đó để kiếm tiền và nhậu nhẹt. Về phần giáo dân, trước đây họ vẫn khinh rẻ ông, nhưng trong lúc thiếu linh mục thì họ lại cần tới ông. Người ta xin ông rửa tội, giải tội, dâng thánh lễ và xức dầu. Ông cũng sẵn sàng nhận với một điều kiện là phải có tiền: rửa tội một em bé là mấy đồng, giải tội một người là mấy đồng, xức dầu một người là mấy đồng, mỗi người dự lễ là mấy đồng… tất cả đều có giá hẳn hoi. Dĩ nhiên, như ai trong chúng ta cũng biết, ông càng làm các bí tích thì càng thêm tội bởi vì ông đang sống trong tình trạng tội lỗi. Nhưng ai ngờ con người tội lỗi ấy lại là phương tiện Chúa dùng để nuôi dưỡng đàn chiên Chúa trong lúc gian nan. Nhờ còn có ông mà giáo dân còn tiếp tục lãnh nhận được các bí tích và duy trì được đức tin của mình. Thế rồi dần dần nhà cầm quyền bắt đầu để ý đến tới những hoạt động của ông và ra lệnh truy nã ông. Ông cũng sợ bị xử tử nên lén vượt biên giới trốn sang xứ khác. Nhưng đang lúc ông sắp qua biên giới thì người ta chạy theo năn nỉ ông trở lại để giúp cho một người hấp hối. Không nỡ để một người chết không có bí tích nên ông linh mục này đã trở lại, và đã bị bắt, rồi bị đem ra pháp trường. Trước lúc bị bắn, ông đã ăn năn xin Chúa thứ tha hết mọi tội lỗi của ông và dâng linh hồn trong tay Chúa, rồi bình thản ngước đầu chờ đợi. Và ông đã trông thấy có một người lẫn trong đám đông đang đưa tay ban phép giải tội cho ông, đó là một linh mục khác vừa trốn về để tiếp tục công việc của ông, công việc của một chủ chăn đối với đàn chiên đang đói khát.
Câu chuyện cảm động trên cho chúng ta thấy hai điều:
Thứ nhất: linh mục rất cần cho đời sống đạo của giáo dân. Dĩ nhiên tín đồ của tôn giáo nào cũng cần vị lãnh đạo tinh thần của mình, nhưng người công giáo còn cần tới linh mục gấp bội. Có thể nói, cả cuộc đời người công giáo được bàn tay linh mục dẫn dắt nuôi dưỡng: Khi ta vừa mới sinh ra, bàn tay ấy đã đổ nước rửa tội cho ta; lớn lên bàn tay ấy đưa Mình Thánh Chúa cho ta rước lễ; khi ta sa ngã phạm tội, bàn tay ấy giơ lên thay quyền Chúa mà tha tội cho ta; khi ta lập gia đình, bàn tay ấy lại giơ lên chúc lành cho cuộc hôn phối của ta; và trước lúc ta nhắm mắt lìa đời, cũng bàn tay ấy xức dầu thánh chuẩn bị cho cuộc hành trình của ta về nhà Chúa. Nếu thiếu bàn tay ấy thì ta sẽ ra sao? Những người giáo dân trong câu chuyện trên mặc dù coi thường vị linh mục tội lỗi nọ nhưng họ vẫn phải cần tới ông, vẫn van xin năn nỉ ông, bởi vì trong lúc gian truân thiếu thôn ấy, chỉ có ông là có thể ban các bí tích cho họ.
Thứ hai: Linh mục là phương tiện cứu rỗi của Chúa. Chúng ta đã thấy ông linh mục trong chuyện trên đã mang ơn Chúa đến cho giáo dân nhiều như thế nào. Mặc dù ông tội lỗi, bất xứng nhưng các bí tích ông cử hành vẫn thành sự. Ông đọc ” Này là Mình Ta” thì Chúa vẫn ngự vào chiếc bánh trắng; ông nói “Ta tha tội cho con” thì Chúa vẫn ban ơn tẩy sạch mọi tội lỗi trong tâm hồn người xưng tội. Linh mục thực là phương tiện Chúa dùng để ban ơn cho giáo dân..
Hôm nay là ngày Giáo hội cầu nguyện cho ơn kêu gọi linh mục. Không cần nói thêm chi nhiều, chúng ta chắc cũng ý thức nhu cầu linh mục cấp bách đến thế nào cho Giáo Hội chúng ta: chúng ta đang thiếu linh mục. Rất nhiều họ đạo không có linh mục. Ngày xưa Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ thấy những đồng lúa chín vàng và bảo “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Chúng con hãy cầu nguyện xin chủ ruộng cho thêm thợ gặt đến đồng lúa của Ngài”. Chúa biết nhu cầu của chúng ta, nhưng Chúa muốn chúng ta phải cầu xin thì Chúa mới ban ơn. Xin gì?
Xin cho có nhiều thiếu niên, thanh niên quảng đại dâng mình cho Chúa để phục vụ các linh hồn.
Xin cho những người đang theo tiếng gọi của Chúa hôm nay, tức là các chủng sinh, các em dự tư, được bền tâm vững chí. Dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng Chúa đã nói “Ai bền đỗ tới cùng thì sẽ được rỗi”.
Xin cho các linh mục của chúng ta được xứng đáng là những phương tiện tốt Chúa dùng để ban ơn cho giáo dân, nghĩa là xin cho các ngài được thánh thiện và bình an chăm lo việc đạo đức cho giáo dân.
* 3. Bài giảng của Thánh Cyrillô thành Alexandria (+ 444)
Dấu hiệu phân biệt ai là con chiên của Đức Kitô, ấy là thái độ sẵn sàng lắng nghe và vâng phục, trong khi dấu hiệu cho biết những con chiên lạ là sự cứng đầu.
“Lắng nghe” là chấp nhận điều được nói. Những người “lắng nghe” như thế thì “được Thiên Chúa biết”, nghĩa là kết hợp với Thiên Chúa.
Thực ra chẳng ai mà Thiên Chúa không biết. Vì thế khi Đức Kitô nói “Ta biết các chiên Ta” thì có nghĩa là “Ta sẽ đón nhận chúng và cho chúng kết hợp với Ta bằng một sự hợp nhất huyền nhiệm và trường tồn”.
Đức Kitô còn nói: “Các chiên của Ta thì đi theo Ta”. Thực vậy, nhờ ơn thánh, các tín hữu đi theo những bước chân của Đức Kitô. Họ không tuân giữ những quy định của Lề luật, vì thực ra đó chỉ là hình bóng. Đúng ra là họ đi theo những giới răn của Đức Kitô và nhờ đó vươn mình lên tới tầm cao của ơn gọi làm con Thiên Chúa. Khi Đức Kitô lên trời, họ cũng được lên theo.
“Ta ban cho chúng sự sống đời đời”: đừng hiểu sự sống này chỉ là chuỗi ngày nối tiếp nhau mà chúng ta dù là người tốt hay xấu cũng đều sở hữu sau khi sống lại, nhưng phải hiểu đây là sống trong niềm vui. Ta cũng có thể hiểu “sự sống” này theo nghĩa bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô tháp nhập chúng ta vào chính sự sống của Ngài, các tín hữu được thông phần vào chính xác thịt Ngài, như lời Ngài nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời” (Ga 6,54)
* 4. Thuộc về đàn chiên của Chúa
Cảm giác được thuộc về Chúa Giêsu, được Ngài biết và yêu thương, đó là một cảm giác vô cùng an ủi. Ai mà không muốn thuộc về đàn chiên của Chúa! Thế nhưng thế nào là thuộc về đàn chiên Chúa? Muốn thuộc về đàn chiên Chúa thì phải làm sao?
-Thứ nhất là phải tin vào Ngài: chúng ta gia nhập đoàn chiên Chúa và trở thành tín hữu, nghĩa là người tin.
-Nhưng tin chỉ mới là bước thứ nhất. Bước thứ hai là phải nghe tiếng Ngài: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta”. Nghe tiếng Chúa Giêsu nghĩa là chú tâm đến những lời Ngài dạy dỗ.
-Thứ ba là đi theo Ngài: “Chiên của Ta đi theo Ta”. Theo Chúa là thực hành lời Ngài dạy.
Liên hệ giữa chúng ta với Chúa phải là hai chiều. Con chiên phải chọn thuộc về Chúa. Chúa Giêsu không muốn và cũng không thể cứu ta ngược với ý muốn của ta. Nhưng chỉ cần ta thực lòng muốn và cố gắng thuộc về Ngài thì Ngài sẽ chăm sóc ta trong cuộc sống và trong cái chết nữa. Ngài hứa ban cho ta sự sống đời đời: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong”.
Nhưng như thế không có nghĩa là hễ thuộc về Chúa thì sẽ được Ngài bảo đảm cho có một cuộc sống dễ chịu ở đời này đâu. Ngược lại là đàng khác. Những kẻ thuộc về Chúa có thể bị bách hại, nhưng ai vẫn trung thành thì sẽ được chia phần vinh quang của Ngài trên trời (bài đọc 2). Gian truân và thử thách là những cơ hội để ta chứng tỏ đức tin và lòng vâng phục Chúa.
Đàn chiên là hình ảnh của nếp sống cộng đoàn. Ngay cả trên bình diện nhân loại thôi thì ai cũng cần có cộng đoàn. Đó là lý do tại sao Chúa muốn những kẻ theo Ngài phải sống trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn, chúng ta tìm được sự nâng đỡ, khuyến khích và tình thân. Chúng ta không thể thuộc về Chúa Giêsu mà không thuộc về đoàn chiên của Ngài. (FM)
* 5. “Ta biết chiên của Ta”
Khoảng giữa thế kỷ 19, Thánh Gioan Bosco bắt đầu hoạt động phục vụ những người trẻ nghèo nàn ở thành phố Turinô nước Ý. Họ đã sớm nhận ra ngài thực sự là một người bạn của họ. Họ yêu quý ngài đến nỗi khi ngài lâm trọng bệnh thì họ tha thiết cầu nguyện tưởng như muốn xé rách bầu trời, có người còn xin Chúa cho mình chết thay ngài. Nhờ những lời cầu nguyện ấy, Thánh Gioan Boscô đã khoẻ lại. Tình cảm trìu mến ấy không thể có được nếu Gioan Bosco và đám trẻ ấy đã không gần gũi nhau, biết nhau và yêu thương nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói “Ta biết chiên của Ta”. Ngài biết chiên Ngài bởi vì Ngài là mục tử tốt lành. Có nhiều mức độ biết: có khi chỉ là biết mặt, biết tên; có khi biết như một người quen; có khi biết như một người bạn thân thiết.
Không biết người ta là một điều rất buồn thảm. Nhà văn Do Thái Elia Wiesel rất thương cha mình, nhưng người cha ấy đã chết trong trại tù Auschwitz năm 1944. Trong quyển tự thuật, nhà văn ấy tâm sự: “Tôi chưa bao giờ thực sự biết cha tôi. Thực đau lòng mà phải thú nhận như vậy. Tôi đã biết quá ít về người mà tôi yêu quý nhất đời ấy, người mà chỉ cần nhìn tôi một cái cũng đủ làm cho lòng tôi xao xuyến. Không hiểu những người con khác có gặp phải vấn đề như tôi không. Họ có biết cha họ không phải chỉ là một con người có nét mặt uy quyền, buổi sáng đi làm và buổi chiều trở về mang bánh đặt lên bàn ăn không?”
E rằng những lời buồn thảm trên đây cũng là tiếng than của rất nhiều đứa con khác. Ngày nay con cái không biết cha mẹ và cha mẹ không biết con cái. Muốn biết thì phải mất nhiều thời giờ và nhiều cố gắng, nhưng nó sẽ mang lại nhiều hoa trái. Còn nếu không biết thì sẽ phải gánh chịu nhiều mất mát. Đời sống trôi qua rất nhanh khiến chúng ta ít biết nhau. Mà không biết nhau thì không thể yêu thương nhau được.
“Biết” là điều rất quan trọng đối với những người-chăm-sóc (carers). Những người-chăm-sóc cần biết kẻ mà mình chăm sóc. Bước đầu là biết tên. Nhưng muốn biết thật thì phải biết cả lịch sử cuộc đời họ. Nếu không biết họ đến với ta từ một thế giới như thế nào và sẽ trở về một thế giới như thế nào thì ta chỉ coi họ như một chiếc bóng mà thôi.
Nhưng cái “biết” phải có hai chiều. Chúa Giêsu biết chiên của Ngài và chiên của Ngài cũng biết Ngài. Chúa Giêsu không sợ để cho người ta biết mình. Còn chúng ta đôi khi lại sợ. Chúng ta không muốn người khác đi vào cuộc sống chúng ta, biết chúng ta nghĩ gì, cần gì, đang lo buồn về chuyện gì và đang hy vọng những gì. Có lẽ vì chúng ta sợ người ta biết mình rõ quá rồi sẽ từ chối mình. Từ đó chúng ta chỉ muốn người ta biết chúng ta qua cái vẻ bề ngoài mà chúng ta cố tỏ ra. Thế nhưng làm sao chúng ta có thể tạo được một tình cảm trìu mến với người khác nếu chúng ta cứ giữ một khoảng cách với họ và không cho họ biết rõ chúng ta?
Đối với Chúa cũng vậy. Ngài là mục tử tốt lành. Ngài muốn ban cho chúng ta sự sống đời này và cả đời sau nữa. Nhưng phải có tương quan hai chiều. Chúng ta phải đáp lại tình thương của Ngài bằng cách lắng nghe tiếng Ngài và đi theo Ngài. (FM)
* 6. Chuyện minh họa
Trong một cuộc họp, có hai người được mời đọc Thánh Vịnh 22 “Chúa là mục tử của tôi”.
Người thứ nhất là một diễn viên nhà nghề nhưng không có đức tin. Anh phát âm rất chuẩn, giọng rõ ràng, ngắt câu hợp ý. Nghe anh đọc xong ai cũng vỗ tay.
Người thứ hai là một tín hữu xác tín về đức tin. Anh phát âm không chuẩn lắm, anh còn đọc hơi nhanh nữa. Nhưng giọng anh rất tình cảm. Ai nghe anh đọc cũng đều xúc động.
Khi hai người đọc xong, người diễn viên đến bắt tay người tín hữu và khen: “Xin chúc mừng. Anh đã đọc rất hay”. Người tín hữu đáp: “Không, anh mới là người đọc hay, còn tôi thì tệ quá.”
Người diễn viên phân tích: “Chắc chắn là anh đọc hay hơn tôi mà. Một điều rất hiển nhiên là: Tôi thì biết Thánh Vịnh 22, còn anh thì biết Người Mục Tử.”
Chúng ta hãy để ý: Tác giả Thánh vịnh 22 không nói “Chúa là một mục tử”, cũng không nói “Chúa là vị Mục tử”, nhưng nói “Chúa là Mục Tử của tôi”. Người tín hữu kia đã đọc Thánh vịnh 22 bằng cảm nghiệm sống của mình, cho nên anh đã làm cho người khác xúc động.
* 7. Ơn gọi yêu thương
Vết thương sâu nhất là vết thương lòng:
đó là cảm giác rằng mình không được yêu,
rằng mình chẳng quý giá gì đối với ai cả.
Ngày nay nhiều người bị thương trong lòng.
Mỗi người chúng ta đều có thể chữa lành vết thương cho họ.
Chúng ta có tay để làm có trí để hiểu
và nhất là có tim để yêu thương.
Chúa nhật hôm nay cũng là ngày ơn gọi.
Mà mọi ơn gọi đều là ơn gọi yêu thương (FM)
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã sống lại vinh hiển và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Chúng ta cùng chúc tụng Người và dâng lời cầu xin:
- Chúa đã đón nhận niềm tin yêu của thánh Phêrô / và trao cho người nhiệm vụ dẫn dắt đoàn chiên Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Đức Thánh Cha đương kim / cũng được niềm tin yêu như vậy.
- Chúa Giêsu là Vị Mục tử nhân hậu / đã chết để cho đoàn chiên được sống dồi dào / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử của chúng ta / cũng sẵn lòng hy sinh tất cả cho đoàn chiên Chúa đã trao ban.
- Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / ban cho Giáo hội Việt nam có được nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ / để đoàn chiên Chúa không bao giờ thiếu người chăm sóc dưỡng nuôi.
- Việc đào tạo linh mục tương lai cho các giáo phận / đòi hỏi phải đầu tư lâu dài và tốn kém / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết hết lòng cộng tác vào công việc cao quý này / bằng lời cầu nguyện và bằng việc quảng đại giúp đỡ Chủng Viện.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương, Chúa đã chết để cho chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng con cũng biết đền đáp phần nào tình thương của Chúa bằng chính đời sống bác ái yêu thương của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
TRONG THÁNH LỄ
– Kinh tiền tụng: nên dùng Kinh tiền tụng phục sinh số 2, vì có nói tới cuộc sống mới.
– Trước kinh Lạy Cha: Hiện giờ chúng ta rất giống với một đoàn chiên đang quy tụ quanh chủ chiên là Chúa Giêsu bên bàn tiệc Thánh thể. Chúng ta hãy hợp ý với Ngài dâng lên Thiên Chúa là Cha những tâm tình con thảo của chúng ta.
GIẢI TÁN
Anh chị em đã biết Chúa Giêsu là mục tử dẫn dắt đời mình, cho dù có khi xem ra Ngài đang dẫn chúng ta qua thung lũng tối tăm, nhưng điếm tới cuối cùng sẽ là đồng cỏ xanh tươi, suối ngọt và bóng mát. Vậy anh chị em hãy ra về trong niềm vui mừng phó thác trọn vẹn cho Chúa Giêsu dẫn dắt.
VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Chúa nhật thứ tư mùa Phục sinh của ba chu kỳ niên lịch phụng vụ được mệnh danh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Nghệ thuật Kitô giáo thuở xưa thường phác họa Đức Giêsu như Đấng Chăn Chiên Lành. Hình ảnh người chăn chiên đã được mô tả trong Cựu ước về Thiên Chúa như là Đấng chăn dắt dân Người (Tv 22). Người Do thái cổ xưa là dân du mục, vì thế văn chương của họ là những sách Cựu ước cũng thường đề cập đến đời sống chăn nuôi, du mục. Chính Đức Giêsu cũng dùng những hình ảnh về chăn nuôi quen thuộc để dạy ta những chân lý thiêng liêng về đạo giáo.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã xưng mình là Chủ Chăn. Ngài có đàn chiên để chăn dắt. Đàn chiên của Ngài có những đặc tính như Ngài đã tuyên bố :”Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27). Đàn chiên của Ngài có những đặc tính khác với đàn chiên của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái lúc bấy giờ. Những đặc tính đàn chiên của Ngài là : biết lắng nghe chủ chăn, nhận biết chủ chăn và bước theo chủ chăn.
Đức Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành, không trực tiếp điều khiển đoàn chiên dưới thế này, Ngài dùng các vị đại diện trong Giáo hội là Đức Giáo hoàng, các giám mục và các Linh mục mà hướng dẫn thay cho Ngài. Chính Ngài đã khẳng định với các Tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy”(Lc 10,16). Vì thế, nếu chúng ta đã gọi các vị lãnh đạo trong Giáo hội là chủ chăn, chúng ta có trách nhiệm phải yêu mến, thành tâm lắng nghe sự hướng dẫn của các ngài để đến với Chúa, và nhờ đó, sẽ được dẫn tới cuộc sống đời đời.
TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : Cv 13,14.43-52.
Một khúc quanh quyết định cuộc đời Tông đồ của thánh Phaolô. Trước tiên Phaolô và Barnabê loan báo Tin mừng cho người Do thái tại Antiochia miền Pysidia, nhưng rồi các ngài đã phải sớm chấm dứt việc rao giảng vì người Do thái tỏ ra “ghen tức” khi thấy một số đông dân ngoại cũng quan tâm đến Tin mừng (Cv 13,45).
Hai vị Tông đồ quyết định rời hội đường và dứt khoát đến với dân ngoại, không quên nhắc lại lời tiên tri về sứ mạng toàn cầu của Người Tôi Tớ đau khổ (Cv 13,47)
Do vậy, dân ngoại đã hân hoan đón nhận Tin mừng và tôn vinh Thiên Chúa. Lời Chúa được lan tràn ra khắp miền ấy.
+ Bài đọc 2 : Kh 7,9.14b-17.
Trong một cuộc thị kiến, thánh Gioan tông đồ đã thấy một đoàn người thật đông đảo. Họ là dân Thiên Chúa đã khải hoàn. Đoàn người đông đảo này :
– Họ rất đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.
– Họ đứng trước ngai Con Chiên, Đấng đã cứu độ muôn dân qua cái chết của Ngài.
– Con Chiên sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.
+ Bài Tin mừng : Ga 10, 27-30.
Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một vị Mục tử, một vị Mục tử tuyệt vời. Ngài biết rõ từng người chúng ta, Ngài bảo vệ và sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Vấn đề là : chúng ta có tin tưởng bước theo Ngài không ?
THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Bước theo vị Mục tử
ĐỨC GIÊSU LÀ MỤC TỬ.
*1.Bối cảnh.
Bài Tin mừng hôm nay rất ngắn, được trích ra từ cuộc tranh luận với người Do thái trong dịp Lễ Lều, nhân dịp kỷ niệm ngày thanh tẩy Đền thờ thời Maccabêô.
Đức Giêsu đang ở Giêrusalem trong dịp lễ này. Tại đây xẩy ra cuộc tranh luận với người Do thái về vấn đề Người có phải là Đấng Thiên Sai không, và cuối cùng Người đã xưng mình là Con Thiên Chúa bằng cách tuyên bố rằng : Cha Người ở trong Người và Người ở trong Cha trong sự hiệp thông trọn vẹn đồi sống và việc làm (Lc 10,22-41).
Bài Tin mừng hôm nay là một phần trích trong cuộc tranh luận và ghi lại lời Đức Giêsu quả quyết Người đồng bản tính với Chúa Cha.
Trước khi trả lời dứt khoát Người đồng bản tính với Chúa Cha, Đức Giêsu tuyên bố sự khác biệt nhau giữa người Do thái và “chiên của Người”, tức là những kẻ tin theo Người.
Đối với người Do thái, những lời Người nói và những việc Người làm là các phép lạ, không đủ thuyết phục họ, vì xét cho cùng họ có dã tâm và không muốn tin. Ngược lại, chiên của Người là những người biết ngoan ngoãn đón nhận, vì họ không cần đến nhiều dấu lạ bên ngoài để làm điều kiện cho việc đi theo Người.
Như vậy, Đức Giêsu khẳng định Người là Mục tử và Người có đàn chiên để chăn dắt và Người đưa họ đến cuộc sống đời đời mà không ai có thể cướp khỏi tay Người được.
*2.Hình ảnh người chăn chiên trong Cựu ước.
Hình ảnh người chăn chiên không chỉ là một hình ảnh đẹp ở vùng thôn quê mà nó còn có ở trong Thánh Kinh. Trong khắp vùng Đông phương cổ, các vua chúa thường tự coi mình như mục tử chăn dắt dân nước. Chính Giavê cũng đóng vai trò đó khi giải thoát dân riêng khỏi Ai cập :”Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc” (Tv 78,52).
Đavít, một trong những nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của Israel, là một cậu chăn chiên tại Belem (1S 17,34-35). Ôâng Vua lý tưởng của tương lai, Đức Messia, Đavít mới, cũng được loan báo như một “Mục tử” : “Ta sẽ chỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng. Đó là Đavít, tôi tớ của Ta” (Ed 34,23).
Chăn nuôi súc vật từng bầy là nghề chính của dân Do thái. Các tổ phụ vĩ đại của họ từ Abraham, Isaác, Giacob, Maisen, Đavít… đều là mục tử.
Do đó, người Do thái đã diễn tả về Thiên Chúa như là một mục tử nhân hậu, luôn hết tình yêu thương đàn chiên (Tv 22; Gr 31,10; Ed 24,11-16). Và Đức Giêsu đã tự mạc khải như là một Mục tử tuyệt với (Ga 10,11-14). Rồi đi xa hơn nữa, Người đã bầy tỏ cho nhân loại biết chính Người là Thiên Chúa (Ga 10,27-30).
NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA MỤC TỬ.
Những đặc tính của vị Mục tử được tóm gọn trong câu nói của Đức Giêsu :”Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27). Ở đây, ba động từ được Đức Giêsu nói lên, là những động từ tác động rất phù hợp với con người : nghe, biết và theo.
Chiên nghe tiếng người chủ chăn.
Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến 2000 năm qua. Cảnh những người mục tử Bedouin mang những đàn chiên của họ trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ. Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về qui tụ ở một chỗ uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau tù 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên bị lạc. Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”(Ga 10,27) (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 171).
Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội, và những ơn soi sáng nơi tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phaolô viết :”Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17) hay “Đức tin nhờ nghe : Fides ex auditu (Ga 3,2).
*2.Chiên và chủ chiên biết nhau.
Chiên rất thân thiện với chủ chăn. Khi đàn chiên đang nằm ngủ êm đềm, người chủ chiên có thể bước đi ngay giữa đàn chiên mà không gây rối loạn hay gây mất ngủ cho con nào cả. Trong khi đó chỉ một bước chân của người lạ mặt xâm nhập vào chuồng chiên đang lúc chiên nằm ngủ cũng đủ gây kinh hoàng và hoảng hốt cho cả đàn chiên. Dường như chiên đã coi người chủ chăn như một thành phần rất thân thuộc của chúng. Và sự liên hệ mật thiết phát triển dần dần đến độ chủ chăn có thể phân biệt và hiểu tiếng kêu của từng con chiên, tiếng kêu đau thương hay tiếng kêu hoan lạc. Chiên nghe lệnh của người chủ chăn để biết khi nào đi kiếm ăn hay lúc nào lên đường trở về nhà. Ngoài ra, người chủ chăn còn biết cả tên gọi và đặc tính của từng con chiên nữa.
“Biết” trong Kinh Thánh, từ ngữ này trước hết không mang một ý nghĩa tri thức. Chính tình yêu mới làm cho ta nhận biết người nào đó một cách đích thực, đến nỗi đoán được cả tâm tính họ. Sự thân mật, sự hiểu biết lẫn nhau, yêu mến sâu xa, hiệp thông tâm hồn, trí não, thể xác… là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng (St 4,1).
Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà là hiểu biết sâu xa, yêu thân tình đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực, đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.
Sự biết chí tình chí thiết này thực sự đã được thể hiện với hai thánh nữ Catarina và Têrêsa Hài đồng Giêsu. Catarina là người mù chữ chỉ học nơi Thánh tâm Chúa Giêsu và trở thành tiến sĩ Hội thánh. Têrêsa cũng chẳng học trường nào, chỉ học nơi tình yêu Chúa Giêsu Hài đồng, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm tiến sĩ Hội thánh tháng 08/1997 trong đại hội giới trẻ tại Paris.
*3.Chiên thì theo chủ chăn.
Những người chăn bò thường đi sau đàn bò dùng roi quất lên mình bò để lùa chúng đi thành đàn với nhau. Đối với chiên thì hoàn toàn khác hẳn. Người mục tử luôn đi trước để hướng dẫn đàn chiên theo sau. Nếu người chăn chiên đi đàng sau đàn chiên giống như chăn bò, chiên sẽ chạy tán loạn vì không biết đường đi. Chúng muốân được hướng dẫn, được bảo vệ và che chở.
“Theo” đó là một hành động không có gì là thụ động cả, nhưng diễn tả một thái độ tự do : đính kết toàn thân một người nào đó vào thân phận một kẻ khác. Theo nghĩa là gắn bó với Đức Giêsu mời gọi :”Hãy theo Ta”(Ga 1,42).
Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng tiếp cam.
Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng là từ bỏ như Phêrô bỏ chài lưới, vợ con, cha mẹ và mọi sự để theo Thầy; như Matthêu bỏ địa vị, tiền của để theo Chúa; như Mađalena bỏ đường tội lỗi bước vào đời sống mới. Đó là đổi đời, từ bỏ nếp sống cũ, một cuộc tái sinh vào đời sống mới.
TÂM TÌNH VỊ CHỦ CHĂN.
*1.Tận hiến cho đoàn chiên.
Người chủ chăn rất tha thiết với đàn chiên, họ coi đàn chiên như một phần trong thân thể mình. Họ không yên tâm khi một con chiên đi lạc. Họ không đành lòng bỏ con chiên bị thương mà không băng bó. Họ đã sẵn sàng vác cho chiên trên vai khi không đi được hoặc khi bị đi lạc.
Khi kẻ làm thuê trông coi con chiên, thì lũ cho sói không gặp rắc rối nào trong việc rình bắt đàn chiên. Ngay khi kẻ làm thuê nhìn thấy một con chó sói đang tiến lại gần, thì hắn ta liền bỏ rơi đàn chiên. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là cứu thoát bản thân mình mà thôi. Người chủ tốt của đàn chiên không làm như vậy. Họ bảo vệ đàn chiên chống lại sự tấn công của chó sói, thậm chí họ còn sẵn sàng liều mất mạng sống của mình nữa.
Đức Giêsu, Chúa chiên nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Mạng sống của Người không bị lấy đi, cũng không phải theo lệnh Chúa Cha. Chính Người đã tự ý trao ban, và trao ban một cách vui lòng. Người tự hiến cho đoàn chiên để mang chúng về đồng cỏ của sự sống đời đời. Hình ảnh cha thánh Đamien, tông đồ người hủi, đã nói lên tình thần tận hiến cho đàn chiên, những con người phong cùi xấu số bị bỏ rơi.
*2.Chiến đấu bảo vệ đàn chiên.
Người mục tử Đông phương là một người du mục đáng gờm, một thứ lính chiến, có khả năng bảo vệ đàn vật mình khỏi thú dữ… gấu hay sư tử đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (1S 17,34-35).
Đavít kể lại cho vua Saulê trước khi giết được tướng Goliat của quân Philitinh :”Hồi tôi tớ bệ hạ chăân chiên cho thân phụ, hễ sư tử hay gấu đực tha con chiên nào, tôi liền rượt bắt, đánh nó và cướp con chiên khỏi miệng nó. Nếu nó cự lại, tôi liền nắm lấy râu đánh và giết nó tức khắc. Tôi tớ bệ hạ đã giết sư tử cũng như gấu đực thì cũng sẽ thanh toán tên Philitinh không cắt bì này như vậy vì nó đã dám nhục mạ đạo quân của Thiên Chúa hằng sống”( 1Sm 17tt).
Đavít đã nêu gương hy sinh, vật nhau với sư tử, với gấu đực, để cướp lại một con chiên bị đem đi. Đavít vì tha thiết với bầy chiên, nên không ngần ngại đánh nhau với sư tử và gấu đen để cướp lại chiên. Đức Giêsu khi nói :”Không ai cướp được chúng” đã nghĩ đến cuộc giao chiến khốc liệt mà Người phải đương đầu trong cuộc khổ nạn, để đối phương “không cướp được” một chiên nào khỏi tay Người. Khác với kẻ chăn thuê, thường chạy trốn trước sói sữ, Đức Giêsu sẽ phó nộp và đành mất mang sống mình vì chiên của Người (Ga 10,12-15).
*3.Không bỏ rơi đàn chiên.
Người chăn chiên rất tha thiết với đàn chiên, lo lắng cho đàn chiên hết mình, không bao giờ để một con chiên nào bị bỏ rơi. Dụ ngôn con chiên lạc đã chứng tỏ điều đó :”Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chíùn con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”(Lc 15,4-7).
Chung quanh chúng ta hay ngay trong đời sống chúng ta có những hiện tượng rời bỏ hàng ngũ, bất trung thường xẩy ra, thì chúng ta nghĩ thế nào ? Thưa đó là những hiện tượng tự nhiên vì đó là mầu nhiệm của tự do. Nhưng một điều chúng ta cần biết đó là không khi nào Chúa ruồng bỏ ! Chỉ có con người rời bỏ bàn tay Chua. Và ngay khi con người rời bỏ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tìm liên hệ lại : dụ ngôn đứa con hoang đàng đã chứng tỏ điều đó (x. Lc 15).
*4.Ban cho chiên sự sống đời đời.
Con chiên đi theo chủ chăn thì sẽ được dẫn đến đồng cỏ xanh tươi đảm bảo sự sống. Cũng vậy, nhưng ai thực sự đi theo Chúa, tức là để Chúa dẫn dắt, thì sẽ được bảo đảm đưa đến sự sống đời đời.
Sự sống này, một đàng không thể mất được, vì đã được chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sựï Sống bảo đảm. Đàng khác, cũng không bị ai cướp đi được, vì một khi đã được Chúa dẫn dắt thì không còn sợ vấn đề Người không đủ khả năng chăm sóc và bảo vệ sự sống của đàn chiên nữa.
Trong một bài giảng, thánh Cyrillô thành Alexandria đã giải nghĩa câu “Ta ban cho chúng sự sống đời đời” như sau :”Đừng hiểu sự sống này chỉ là chuỗi ngày nối tiếp nhau mà chúng ta dù là người tốt hay xấu cũng đều sở hữu sau khi sống lại, nhưng phải hiểu đây là sống trong niềm vui. Ta cũng có thể hiểu “sự sống” này theo nghĩa bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô tháp nhập chúng ta vào chính sự sống của Người, các tín hữu được thông phần vào chính xác thịt Người, như lời Người phán :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời”(Ga 6,54).
NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN CHIÊN
Chúa Giêsu không thể trực tiếp hướng dẫn mọi Kitô hữu, nhưng Người đã dùng các vị đại diên là hàng giáo phẩm và giáo sĩ để thay quyền Chúa mà hướng dẫn. Vì Chúa đã nói với các tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Ta”(Lc 10,16).
Chúng ta hãy đọc một đoạn mà công đồng Vatican II nói về các Linh mục :”Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Đầu và là Chủ chăn theo phận vụ mình, các Linh mục nhân danh Giám mục tụ họp gia đình Thiên Chua ùnhư một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha. Để thi hành thừa tác vụ này cũng như các thừa tác vụ khác, các Linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để kiến thiết Giáo hội. Trong việc kiến thiết này, các Linh mục phải theo gương Chúa Kitô mà đối xử rất nhân đạo với hết mọi người…(Sắc lệnh về Linh mục, số 4)
Chúng ta thường gọi những người lãnh đạo trong Giáo hội là mục tử hay chủ chăn. Chúng ta đang sống dưới sự hướng dẫn của các ngài, chúng ta hãy tin tưởng các ngài, vì đức tin bảo cho chúng ta biết : Chính Chúa Giêsu, Mục tử tốt lành đích thực, đang trực tiếp chăn dắt chúng ta qua những người lãnh đạo trong Giáo hội, là Đức Giáo hoàng, các Giám mục, Linh mục. Vì thế, chúng ta có bổn phận nghe theo sự hướng dẫn của các ngài, công tác với các ngài, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của chúng ta, để duy trì và xây dựng đoàn chiên nhỏ bé là gia đình mình, tập thể mình đang sống, đang làm việc và đoàn chiên rộng lớn hơn là Giáo hội.
Một lần nữa chúng ta hãy lặp lại lời Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy”(Lc 10,16). Qua câu Kinh Thánh này, chúng ta có thể khẳng định rằng vâng nghe các vị lãnh đạo trong Giáo hội là vâng nghe Chúa, và như vậy, đây là một nhiệm vụ không tthể thiếu được, vì như người ta nói :
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.(Ca dao)
CHÚA CHIÊN LÀNH– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Hình ảnh chiên cừu dễ gây ngộ nhận vì người ta cho rằng chiên cừu chẳng biết làm gì hơn là ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng con chiên trong bài Tin Mừng ta vừa nghe hoàn toàn không có tính cách thụ động như thế. Trái lại phải tích cực, chủ động. Sự tích cực chủ động của đoàn chiên được Chúa Giêsu diễn tả bằng những từ “nghe” và “theo”: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.
Nghe. Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người. Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như tiếng vỗ của một bàn tay. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của từ bỏ mình, dẫn ta lên một ngọn đồi gai góc của thập giá hy sinh và thách thức ta phục vụ đến hy sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quý trên đời.
Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.
Theo. Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.
Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ. Mức độ thứ nhất: Thích nhìn, nghe người mình yêu. Mức độ thứ hai: Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu. Mức độ cuối cùng: Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống vì người yêu.
Như thế, theo tức là yêu thương ở cao độ. Con chiên đi theo Chúa như thế phải hoàn toàn chủ động và nhất là thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ đoàn chiên. Hành động của Chúa chiên tốt lành được Chúa Giêsu tóm gọn trong hai động từ: “biết” và “cho”.
Biết. Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta. Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội. Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá. Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giếtsimani và trên thập giá. Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người. Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.
Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.
Cho. Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quý giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Ngài. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Những giá trị bị đảo lộn. Những con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ anh chị em trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi guơn Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Lạy Chúa là là Mục Tử chăn giữ đời con, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa. Amen.
- Đã bao giờ bạn nghe được tiếng Chúa nói trong sâu thẳm tâm hồn bạn chưa?
- Có lần nào bạn cảm nghiệm được sự ngọt ngào được sống thân mật với Chúa chưa?
- Bạn cũng là Mục Tử của gia đình bạn, xóm bạn ở, sở nơi bạn làm việc. Bạn có là Mục Tử tốt lành không?
NGƯỜI MỤC TỬ (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý
“Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”(Ga 21,19).
Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn, chỉ gồm có 3 câu, thế nhưng chỉ với ba câu đó chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng đã đủ để phác họa nên một bức chân dung thật sống động về mối tương quan giữa Chúa và những kẻ tin vào Người. Chúa Giêsu tự coi mình như một mục tử và những kẻ tin vào Người như những con chiên cùng sống trong một ràn chiên của Chúa.
Người mục tử Chúa muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay là người như thế nào?
Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ: biết và cho và cũng chỉ với hai từ đó Chúa đã cho chúng ta thấy chân dung một người mục tử tốt là người như thế nào.
* Tôi biết chiên của tôi.
Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta.
Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư ? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội.
Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư ? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá.
Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư ? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giết-si-ma-ni và trên thánh giá.
Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư ? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người.
Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư ? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.
Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.
* Tôi cho chúng được sống đời đời.
Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quí giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Người. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.
Đó là chân dung người mục tử theo ý của Chúa.
Còn đâu là hình ảnh con chiên trong ràn của Chúa là hình ảnh như thế nào?.
Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ để diễn tả: “nghe” và “theo”
* Trước hết “Chiên cuả tôi nghe tiếng Tôi.”
Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người.
Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như một hơi thở. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của sự từ bỏ chính mình, dẫn ta lên ngọn đồi gai góc của thập giá hi sinh và thách thức ta phục vụ đến hi sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến chỗ dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quí trên đời.
Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật thính, thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.
* Ta biết chúng và chúng theo Ta”.
Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.
Chiên thì phải theo Chủ.
Có một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, thấy ba người chăn chiên dẫn bầy của mình đi ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:
– Men ah! Men ah ! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta !”)
Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy chung và đi theo người ấy lên đồi.
Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.
Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:
– Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như mấy người kia kêu, xem các con chiên của anh có theo tôi hay không.
Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu :”Men ah ! Men ah !”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi :
– Thế chiên của anh không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?
Người chăn Syrie trả lời :
– Ồ! có chứ! Nhưng đó là vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.
Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ.
Mức độ thứ nhất : Thích nhìn, nghe người mình yêu.
Mức độ thứ hai : Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu.
Mức độ cuối cùng : Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống của mình vì người mình yêu.
Như thế, theo tức là yêu thương ở mức độ cao. Con chiên đi theo Chúa phải hoàn toàn chủ động và nhất là phải thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ của mình.
Vâng! Kính thưa anh chị em
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Nhiều giá trị đang bị đảo lộn. Nhiều con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống đang xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ mọi người trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi gương Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giê su Kitô, Chúa chúng ta. Amen
CHIÊN TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi”. Bài Tin Mừng mở đầu bằng câu nói có vẻ tầm thường, nhưng thật quan trọng. Để biết quan trọng như thế nào chúng ta thử nghe một câu truyện lịch sử thế giới sau đây:
Đại Văn Hào Lêon Tolstoi nổi tiếng nhất nước Nga đã viết một tác phẩm tựa đề: Chiến Tranh và Hòa Bình, ông mô tả lại những chiến công hiển hách của Đại Đế Napolêon, một thiên tài xưa nay chưa từng có (1769-1821). Hầu như ông đã làm bá chủ Châu Âu, quân của ông bách chiến bách thắng. Chỉ còn chiếm thủ đô nước Nga là xong. Ông kéo năm trăm nghìn quân hùng tướng mạnh, chỉ trong vòng một tháng đã đánh chiếm thủ đô Moscow. Thế là xong. Sĩ quan, binh sĩ của ông reo hò ăn mừng như chiếm được thiên đàng trần gian. Thế là quan quân tha hồ hôi của, vơ vét, thành đoàn quân cướp phá, ăn chơi, hãm hiếp, đánh lộn nhau, làm rối loạn thủ đô huy hoàng của Nga Xô. Napolêon đại đế trước kia ra lệnh như sấm sét, quan quân răm rắp nghe theo. Nay tại thủ đô chiến thắng này, ông ra lệnh không còn ai nghe nữa. Binh hùng tướng giỏi của ông trở thành những con ngựa bất kham, chỉ lo ăn chơi, cướp của, hãm hiếp. Cuối cùng, ông đành bó tay rút khỏi Moscow (Mascova), lật đật chạy trốn về Pháp với hơn ba mươi nghìn quân thân tàn ma dại, chết đói, đến nỗi ngựa cũng không còn để giết mà ăn.
Hơn nửa triệu con chiên hùng dũng tuân lệnh ông, đã bách chiến bách thắng khắp Châu Âu. Khi những con chiên đó lao đầu theo tiền của, ăn chơi, chúng không nghe lệnh ông nữa, chúng đã phải chết rữa xác rải rác trên đường chạy trốn. Nếu chúng biết nghe tiếng ông, thì vinh quang biết mấy!
Khi Đức Giêsu nói: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”, chắc hẳn Người đã nhìn thấy hàng triệu, hàng tỷ những con chiên của Người đã biết lắng nghe tiếng Người, như Bài đọc II đã kể: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi. Họ thuộc mọi nước, mọi dân mọi chi tộc và mọi ngôn ngữ, mình mặc áo trắng, tay cầm lá thiên tuế… họ đứng chầu trước ngai Thiên Chúa”. Còn chúng ta có muốn được vào số những con chiên vinh phúc đó không? Nếu muốn thì phải “chiên tôi thì nghe tiếng tôi”
Thế nào là chiên biết nghe tiếng Chúa Giêsu? Chúng ta có nhiều lần được thấy những bầy chiên trên những cánh đồng cỏ xanh tươi qua màn ảnh nhỏ. Nhưng đoàn chiên của Chúa không phải là những bầy chiên thụ động như vậy. Nếu chúng ta nghĩ thế, thì thật sai lầm chua chát!
Hình ảnh trong Kinh thánh trái với ý nghĩa sai lầm đó. Ba hành động được Đức Giêsu đề cao ở đoạn Phúc âm này về con chiên là ba tư cách đầy nhân bản, đó là lắng nghe, biết chí tình và đi theo hết mình.
1- Lắng nghe: Là tư cách chăm chú quan tâm đến người nói, tôn trọng người nói, tỏ ra mình có một mối tương quan thân tình, thân hữu với người nói. Lắng nghe là thiết yếu trong tương giao sống động giữa người với người. Lắng nghe để thông hiểu, thông cảm và hiệp thông với nhau. Người ta nói: Người thông minh là người có tai thông, mắt sáng. Thiên Chúa dựng nên con người có hai tai, hai mắt, một miệng, như vậy là nói ít, nghe nhiều, nhìn cho kỹ. Trong thực tế, khi thảo luận, chúng ta lại “cãi nhau như mổ bò”; “ông nói gà, bà nói vịt”. Những tệ hại ấy xẩy ra từ thời xây tháp Babel đến giờ. Mỗi người nói một thứ tiếng, chẳng ai hiểu ai, họ chia rẽ nhau, chỉ vì kiêu ngạo đòi lên cao tới trời (St. 11). Cho nên các ngôn sứ không ngừng kêu gọi: “Hãy lắng nghe, hỡi Israel!” (Ds. 6, 4; Amos 3, 1; Giêrêmia 7, 2; Tv. 24, 3-9) và rất nhiều lần Đức Giêsu nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Lời Chúa thật nhẹ nhàng êm ái nhắc bảo chúng ta: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”. Đức Chúa Cha cũng kêu gọi: “Đây là Con Ta rất yêu dấu. Hãy nghe lời Người” (Mt. 17, 5). Những lời đó đang rót vào tai chúng ta để chúng ta được đức tin như Thánh Phaolô nói: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm. 10, 17) hay: “Đức tin nhờ nghe: Fides ex auditu” (Ga. 3, 2)
2- Biết chí tình: “Chiên Tôi biết Tôi”. Biết về Đức Giêsu do học hỏi lời Chúa và giáo lý thì chưa đủ. Biết ở đây là biết bằng con tim, bằng tình yêu mến chí thiết bằng lòng ái mộ nồng nàn, bằng những cảm nhận trực giác sâu đậm, bằng những rung động bắt đúng tầng số của trái tim Chúa bốc lửa rực sáng vì yêu con chiên và chết đi vì con chiên. Trái tim con chiên cũng phải bốc lửa bừng bừng yêu mến Chúa chiên nhân lành như vậy, để cả hai nên một như “Tôi và Chúa Cha là một”. Sự biết chí tình chí thiết này thật sự đã được thể hiện với hai Thánh nữ Catarina và Têrêxa Hài đồng Giêsu. Catarina là người mù chữ chỉ học nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, và trở thành Thánh Tiến sĩ Hội Thánh. Têrêxa cũng chẳng học trường nào, chỉ học nơi tình yêu Chúa Giêsu Hài đồng, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong làm Tiến sĩ Hột Thánh tháng 08/1997 trong Đại Hội giới trẻ thế giới tại Paris.
3- Chúng theo Tôi: Theo Tôi như Phêrô bỏ chài lưới, vợ con, cha mẹ và mọi sự để theo Thầy, như Mathêu bỏ địa vị, tiền của để theo Chúa, như Madalena bỏ đường tội lỗi bước vào đời sống mới. Đó là đổi đời, từ bỏ nếp sống cũ tiến theo nếp sống mới, một cuộc tái sinh vào đời sống mới, “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi” … và chắc hơn nữa: “Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Như vậy, chúng ta được giữ gìn trong hai đôi tay: Một bên là Cha, một bên là mẹ: Được dẫn dắt trong bình an và bảo đảm tuyệt đối. Thật là một hình ảnh tuyệt vời!
Lạy Chúa, xin cho chúng con được sống trong lòng bàn tay Chúa, bàn tay đã giơ ra cứu chữa bao nhiêu bệnh nhân, bàn tay đã giơ ra cứu vớt Phêrô khỏi chìm trong lòng biển, bàn tay đã cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: “Này là Mình Thầy”, bàn tay đã giang ra cho quân dữ đóng đinh. Chính bàn tay đó đang gìn giữ chúng con thật chắc chắn và không ai cướp được chúng con ra khỏi tay Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa Giêsu và Chúa Cha muôn đời.
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH- NĂM C
ƠN GỌI– Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ
Hôm nay Hội Thánh cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Xin cho nhiều người trẻ quảng đại đáp trả lời kêu mời của Thiên Chúa, để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người thời đại.
Tôi ban cho chúng sự sống đời đời
“Con chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, và chúng sẽ không hư mất”.
Ơn gọi tu sĩ linh mục chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc.3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Ngài trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.
Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài muốn tất cả được cứu độ (1Tm.2, 4). Ngài muốn ban sự sống đời đời cho tất cả mọi người. Sự sống đời đời khởi đầu ngay ở đời này. Nếu con người sống theo tiếng Chúa, theo lương tâm, thì người ấy được bình an. Bình an là điều kiện nền tảng để hạnh phúc.
Không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha tôi
“Không ai có thể giựt chúng khỏi tay tôi, vì Cha tôi đã ban chúng cho tôi, và Ngài lớn hơn tất cả, và không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha tôi. Cha tôi và tôi là một”.
Ơn gọi rất mong manh, và tưởng chừng ai cũng có thể phá huỷ được; nhưng thực sự không như vậy. Không ai có thể huỷ ơn gọi của một người, nếu không phải chính người đó cố tình phá huỷ. Thiên Chúa luôn trung thành, Ngài gọi ai thì Ngài mãi mãi trung thành. Ngài không thay đổi, Ngài không chỉ gọi ai một thời gian rồi thôi không gọi nữa. Nếu Ngài gọi ai, Ngài mãi mãi trung thành. Ơn gọi cũng như tình yêu, như được nối kết ràng buộc bởi “tơ trời” có vẻ rất mong manh nhưng vô cùng chắc chắn.
Ơn gọi không khởi đầu do con người, nên cũng không thể tiếp tục nếu chỉ tự sức con người. Thiên Chúa luôn ở với người Ngài chọn và gọi, để nâng đỡ và bảo vệ người Ngài tuyển chọn. Cụ thể, Thiên Chúa vẫn hay dùng những phương tiện con người, để gọi và bảo vệ những người được Ngài kêu gọi.
Dụng cụ ban ơn cứu độ
Thánh Phao-lô và Barnabas được tuyển chọn để sai đi. Hai ngài đã trở thành phương tiện Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ cho những người sẵn sàng mở lòng đón nhận Tin Mừng. Cuộc đời của Phaolô rất gian nan, nhưng Phaolô vẫn vui và hạnh phúc. Phaolô đã từng bị ném đá, bị đắm tàu tưởng chết, nhưng Phaolô vẫn kiên vững trong sứ mạng được trao.
Ơn cứu độ của con người, là chính Thiên Chúa. Được Thiên Chúa, nghĩa là, được Thiên Chúa ở cùng, được chia sẻ sự sống với Thiên Chúa, là được ơn cứu độ.
Mỗi người có thể là dụng cụ Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ cho những người sống xung quanh mình. Xin cho mỗi người nhận ra ơn gọi của mình, để hạnh phúc và trở thành dụng cụ Thiên Chúa dùng để đến với con người hôm nay.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
-Ơn gọi là gì? Làm sao biết một người có ơn gọi tu sĩ hoặc linh mục?
-Ơn gọi linh mục, tu sĩ và ơn gọi hôn nhân, ơn gọi nào cao quý hơn? Tại sao?
-Làm sao để nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi tu sĩ hoặc linh mục?
KHAO KHÁT SỐNG ĐỜI ĐỜI- Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Là người ai cũng khao khát được sống và sống đời đời. Không ai nghĩ rằng mình sinh ra – chết rồi hết một kiếp người. Con người dù có niềm tin hay không cũng đều khao khát được sống lâu và sống trường sinh.
Nhưng xem ra con người luôn bất lực trước cái chết. Con người phải nhắm mắt xuôi tay chiều theo số phận. Cho dù người có tiền, có quyền thế nhưng họ vẫn không bao giờ thỏa mãn nỗi khao khát sống trường sinh của mình. Nỗi khao khát đó được thể hiện qua nhiều thế hệ con người ra đi tìm một thứ gọi là linh dược trường sinh.
Có lẽ, ai trong chúng ta cũng từng biết đến Tần Thủy Hoàng nước Trung Hoa. Theo sử sách: vào Năm 221 trước công nguyên, Tần Doanh Chính diệt xong lục quốc, thống nhất toàn cõi Trung Hoa, xưng là Tần Thủy Hoàng đế, có ý muốn truyền ngôi đến vạn đời.
Tần Thủy Hoàng tin thần tiên, dùng bọn phương sĩ, muốn tìm thuốc trường sinh đặng sống lâu, vui hưởng hạnh phúc. Bấy giờ có một người nước Tề tên là Từ Phúc tâu rằng ở biển Đông có ba ngọn núi do thần tiên cai quản là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, ở đấy có thuốc trường sinh bất tử. Thủy Hoàng mừng lắm, bèn cấp nhiều thuyền lớn, một ngàn đồng nam đồng nữ và lương thực tiền bạc dồi dào để Từ Phúc vượt biển tìm thuốc trường sinh.
Nhưng Từ Phúc đi đã lâu mà không thấy về, chẳng rõ đã chết chìm ngoài biển hay không tìm được thuốc nên không dám về. Ông và đoàn tùy tùng đã ra đi mang theo hoài bão khao khát trường sinh của Tần Thủy Hoàng và của con người qua mọi thời đại.
Thực ra, ước muốn trường sinh bất lão không phải là một ước muốn xấu xa. Con người khao khát được sống mãi để yêu, để làm việc, để giúp đỡ người khác, để sáng tạo… Đây là ước muốn thật bình thường của con người. Thế nên, con người qua mọi thời đại đã không ngừng theo đuổi những phương cách khác nhau để thoát khỏi vòng quay “sinh lão bệnh tử”. Nhưng từ xưa đến nay, con người mới chỉ kéo dài sự sống thêm vài chục tuổi mà không ngăn được sự chết.
Thực ra, có một Đấng đã chiến thắng thần chết. Một Đấng đã trỗi dạy từ cõi chết. Ngài đã sống từ đời đời và cho đến muôn đời. Ngài chính là Đức Ky-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Ngài đã sinh ra trong thân phận con người. Ngài đã chia sẻ những thăng trầm của đời người. Ngài đã rao giảng về Nước Trời. Một vương quốc hằng sống. Ngài mời gọi con người tham gia vào vương quốc đó trong tư cách con dân của Nước Trời. Chỉ mình Ngài mới có thể làm thoả mãn khao khát sống trường sinh nơi con người mà thôi.
Cuộc sống trần gian là một hành trình tiến về Nước Trời. Hôm nay, Ngài mời gọi con người biết lắng nghe tiếng Người và đi theo Người như con chiên biết nghe tiếng chủ chiên. Khi con người biết nghe tiếng Ngài và bước đi theo Ngài, Ngài sẽ cho họ được tham dự sự sống đời đời với Ngài. Ngài sẽ dẫn con người đến bến bờ hạnh phúc nơi không con khổ đau, oan trái và hận thù, chết chóc. Nơi đó, con người được sống sung mãn trong hạnh phúc với Chúa là Đấng hằng sống.
Tiếng của Ngài luôn mời gọi con người làm điều lành tránh điều dữ. Tiếng của Ngài cũng mời gọi con người sống trong tình bác ái yêu thương. Sự bác ái không chỉ dừng lại ở việc yêu người yêu mình mà còn yêu cả kẻ thù. Tình yêu thương không dừng lại việc không làm tổn thương đến ai mà còn biết giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong vui buồn cuộc đời. Có như thế, chúng ta mới được tham dự sống sống đời đời với Chúa.
Hôm nay, ngày dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục và tu sĩ, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm nhiều vị mục tử tốt lành để chăm sóc đàn chiên của Chúa. Những mục tử biết hoạ lại khuôn mẫu của vị mục tử nhân lành luôn sống hết mình vì đàn chiên, luôn tận tuỵ chăm sóc đàn chiên của Chúa. Những mục tử biết say mê nói Lời Thiên Chúa để dẫn dắt dân Chúa đi trong chân lý vẹn tuyền. Chúng ta cũng xin Chúa cho những bậc làm cha, làm mẹ biết giáo dục và hướng dẫn con cái sống tinh thần tin mừng để cống hiến cho Giáo hội những mần giống ơn gọi tốt lành.
Nguyện xin Chúa Giêsu, mục tử nhân lành chúc lành cho hết thảy những ai đang khao khát dâng hiến cuộc đời để phục vụ cho lợi ích tha nhân và Nước Trời. Amen
MỤC TỬ NHÂN LÀNH- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC
Dân tộc Do thái thời Cựu ước phần đông là dân du mục, cuộc đời họ gắn liền với đàn vật và đồng cỏ. Cho nên khi Đức Giêsu rao giảng Tin mừng, Ngài dùng những hình ảnh trong đời thường, để minh họa cho dân chúng dễ hiểu những chân lý Tin mừng.
Tin mừng hôm nay gợi lên hình ảnh người mục tử và đàn chiên, để nói lên mối tương quan cao đẹp giữa mục tử Giêsu nhân lành và chúng ta là đàn chiên của Ngài. Người mục tử nhân lành cần hiểu biết chiên của mình.
Đức Giêsu nói: “Ta biết các chiên Ta…” (Ga 10, 27). Nhưng để hiểu biết, trước hết mục tử Giêsu phải từ bỏ trời cao xuống đất thấp để ở cùng, ở với chiên của mình.
Ngài hoà mình với dòng người tội lỗi nơi bờ sông Gio-đan, để xin Gioan cử hành phép rửa (Mt 3, 13-16). Ngài đồng bàn ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi (Lc 19,7). Ngài nâng ly rượu chúc mừng đôi tân hôn trong tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-11). Ngài khóc thương Ladarô bạc mệnh (Ga 11,35). Ngài cứu chữa những kẻ bệnh tật, vui đùa với các trẻ thơ… Nói tóm lại, tất cả mọi người đều có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim Mục tử Giêsu.
Do đó, Ngài thấu rõ tâm tư, tình cảm của chúng ta nữa. Ngài biết những thành công thất bại, những lo lắng buồn phiền của chúng ta. Ngài biết những bệnh tật mà chúng ta đang chịu. Ngài biết những ưu tư chúng ta đang mang trong tâm hồn.
Người mục tử nhân lành còn chăm sóc từng con chiên của mình.
Thánh vịnh 23 phác họa chân dung Mục tử Giêsu nhân lành tận tình nuôi dưỡng đàn chiên cách chu đáo, chẳng để chiên phải thiếu thốn điều gì.
“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
Trên đồng cỏ xanh rì, Ngài cho tôi nằm nghỉ.
Tới nguồn nước chỗ nghỉ ngơi, Ngài hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Ngài lo bồi dưỡng” (Tv 23, 1-3).
Lời tiên báo của ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã ứng nghiệm từng chữ nơi Mục tử Giêsu: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào lạc mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ chữa cho lành” (Edekien 34, 15-16).
Người mục tử nhân lành có ánh mắt quan tâm. Quan là nhìn, tâm là tim: là nhìn bằng con tim. Đức Giêsu nhìn chúng ta bằng trái tim mục tử. “Ngài chạnh lòng thương khi thấy dân chúng đi theo Ngài vất vưởng như đàn chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34).
Ngài chạnh lòng thương khi thấy dân chúng đói lã, nên hoá bánh ra nhiều cho họ ăn uống thoả thuê” (Mt 15, 32). “Ngài chạnh lòng thương trước bệnh tật của con người, nên ra tay chữa lành nhiều người” (Mt 14,14). Ngài chạnh lòng thương trước nỗi mất mát đau buồn của bà goá thành Na-im, vì con trai của bà đã chết, Ngài đến chạm quan tài để hồi sinh cho đứa con của bà” (Lc 7, 13-15).
Cuối cùng, người mục tử nhân lành hi sinh tính mạng vì đàn chiên. Chúa nói: “Tôi là mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hi sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11). Thật vậy, “Ngài tự hiến mạng sống vì chúng ta”(Ga 10,18).
Các mục tử trên đời này nuôi chiên để làm kinh tế. Người ta xén lông, xẻ thịt hoặc bán chiên lấy tiền; còn Mục tử Giêsu thì lại hiến mình chịu chết để chiên được sống: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga. 10, 10).
Ngài chấp nhận trao ban chính mình làm lương thực nuôi sống đàn chiên đang lầm than đói khát: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, sẽ không phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga. 6, 35).
Anh chị em thân mến,
Tại Đền thờ Thánh Phêrô, sáng thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, ĐTC Phanxicô, nhắn nhủ các Linh mục như sau: “Tôi xin anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi chiên của mình”.
Đức Thánh Cha gợi lên một hình ảnh thật ấn tượng: mục tử phải lấm mùi chiên. Nghĩa là người chăn chiên sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, lo lắng chăm sóc, bảo vệ đàn chiên của mình đến nỗi mùi chiên đã ngấm vào, không những áo quần mà cả da thịt nữa.
Thế thì, không chỉ Đức thánh cha, các giám mục, linh mục mới là những mục tử, mà là tất cả chúng ta đều được mời gọi theo gương Mục tử Giêsu.
Vì thế, trong giáo xứ, cha xứ phải là người mục tử sẵn sàng xả thân phục vụ giáo dân trong xứ đạo của mình.
Trong gia đình, cha mẹ cần có tấm lòng mục tử biết dành thời giờ, yêu thương chăm sóc, tận tình lo lắng cho con cái.
Nơi trường học, thầy cô giáo cần có tấm lòng mục tử, biết tận tâm, tận tình giáo dục học trò, trở thành những con người tốt cho xã hội và Giáo hội.
Ở bệnh viện, những y tá, bác sĩ cần có tấm lòng mục tử, “lương y như từ mẫu”, hết lòng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Đồng thời, hôm nay thường gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành, Giáo hội dành cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
Xin Chúa thương ban cho Giáo hội có nhiều thanh niên nam nữ, biết quảng đại đáp lại tiếng Chúa, để trở thành những mục tử nhân lành, theo gương vị Mục Tử Tối Cao, là hiểu biết tâm tư nguyện vọng của chiên mình, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hi sinh bản thân vì lợi ích cho đàn chiên. Amen.
ƠN GỌI TRONG LÒNG GIÁO HỘI – Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Xưa nay chúng ta thường hiểu những người đi tu làm linh mục hay Tu Sĩ Nam Nữ trong các Hội Dòng là những người có ơn Kêu Gọi hay được Chúa kêu gọi tuyển chọn.
Vậy Ơn kêu gọi là gì?
Bây giờ nếu có ai hỏi, phải cắt nghĩa ơn kêu gọi như thế nào cho những người Trẻ hiểu rõ, có lẽ không có một định nghĩa giống như một công thức trắng đen rõ ràng nào.
Vì ơn kêu gọi không phải là một đơn từ, một bài viết ra cho người đọc, người xem chấp nhận hay không chấp nhận. Nhưng Ơn kêu gọi là tiếng mời gọi âm thầm hầu như linh thiêng vang lên từ trong tâm hồn mỗi người.
Nếu có ai hỏi, thế tiếng mời gọi đó vang vọng phát ra âm thanh trong tâm hồn con người như thế nào và vào lúc nào?
Điều này cũng không có thể nói diễn tả ra đơn giản bằng ngôn ngữ hay chữ viết con số được. Vì tiếng mời gọi vang vọng trong tâm hồn không thành tiếng nghe được bằng thính gíac của đôi tai. Nhưng cảm nghiệm nhận ra được trong trái tim tâm hồn.
Phải, tiếng mời gọi truyền đi qua cảm nhận trong làn rung động của trái tim, hay từ tầng thần kinh cảm gíac. Và tiếng mời gọi đó xảy đến bất chợt không theo một thời gian nhất định nào.
Như thế, có thể hiểu là ơn kêu gọi vang lên rồi cứ thế triển nở khắc ghi trong tâm hồn người đó mãi mãi sao?
Không hẳn là như thế đâu. Vì như hạt giống gieo vãi xuống đất, có hạt gặp nền đất tốt, có nước, có ánh sáng mặt trời chiếu xuống cùng được chăm sóc vun xới, sẽ mọc lên thành cây sinh hoa kết trái tươi tốt. Trái lại, nếu thiếu những điều kiện căn bản đó, hạt giống sẽ mai một chết lịm dần đi.
Với tiếng mời gọi cũng tương tự như thế. Những điều kiện ngoại cảnh về môi trường giáo dục đào tạo, môi trường đời sống gia đình, nếp sống văn hóa lành mạnh, cùng nếp sống đạo đức giúp tiếng mời gọi phát triển lớn lên thành ơn kêu gọi phát triển đứng vững giữa dòng đời sống.
Trong dân gian có suy tư: Ánh sáng mặt trời chiếu tỏa hơi nóng nồng ấm. Còn gío thổi thì mang đến hơi lạnh. Vì thế bầu khí sinh sống, sự vun xới chăm sóc nếp sống đạo đức nơi gia đình, nơi xứ đạo tựa như ánh sáng mặt trời chiếu tỏa hơi nóng cần thiết cho mầm ơn kêu Gọi nảy sinh phát triển.
Ơn kêu gọi cần phải được vun trồng chăm sóc theo hướng tinh thần cùng đào tạo vươn tới Thiên Chúa, là Đấng kêu gọi, và hướng tới căn bản đời sống tình người, không chỉ cho hôm qua hôm nay mà còn phải liên tục mãi cho ngày mai.
Ngày xưa trong thời Cựu ước, Thiên Chúa kêu gọi cá nhân từng người, như Thánh Tiên tri Maisen, Thánh tiên tri Isaia, Edechiel làm sứ gỉa loan báo ý muốn của Ngài cho mọi con người.
Chúa Giêsu đến, Ngài kêu gọi hoặc từng người, như các Thánh Tông đồ Phero, Phaolo, Andre, Toma, Giacobe…là những người tin đi theo làm chứng nhân sứ gỉa cho phúc âm Chúa giữa dòng đời sống xã hội. Trải qua dòng thời gian luôn có những người, những Bạn Trẻ lớn lên đã cảm thấy có tiếng thôi thúc trong tận tâm hồn về một đời sống trong nhà Dòng, trong Chủng viện ở các Giáo phận về đời sống dấn thân cho việc làm chứng rao truyền tình yêu Nước Chúa ở trần gian trong lòng Giáo Hội. Đó là tiếng Chúa kêu gọi thôi thúc trái tim tâm hồn họ.
Hằng năm vào ngày Chúa Nhật 4 mùa phục sinh, còn gọi là Chúa Nhật Chúa chiên lành, năm nay vào ngày 12.05.2019, là ngày cầu nguyện cho ơn kêu Gọi Linh mục, Tu sỹ Nam Nữ trong các Hội Dòng trong lòng Giáo Hội Công Giáo.
Hãng xưởng, nhà máy sản xuất cần những thợ nhân công làm việc, nhưng họ cần hơn những vị kỹ sư hoạch định thiết kế công việc chế tạo. Cũng tương tự như vậy trong đời sống Giáo Hội. Lẽ dĩ nhiên, không dám cùng không được phép nói hay nghĩ cho rằng người tín hữu Chúa Kitô là những người thợ làm việc còn các Linh mục tu sỹ là những kỹ sư…
Không, không, không đâu. Mọi người trong Giáo Hội Chúa đều là những tín hữu Chúa Kitô như nhau. Nhưng mỗi người có bổn phận trách vụ khác nhau trong cánh đồng vườn nho của Giáo Hội Chúa ở trần gian.
Vì thế trong lòng Giáo Hội có những ơn Gọi khác nhau. Và Ơn kêu gọi cũng như đời sống của con người là con đường sống trải dài từ hôm qua sang ngày mai.
„ Ơn gọi được nảy sinh ngay trong lòng Giáo Hội. Từ khoảnh khắc một ơn gọi bắt đầu trở nên rõ ràng, ơn gọi ấy cần phải có “cảm thức” về Giáo Hội. Không ai được kêu gọi để dành riêng cho một vùng riêng biệt, hay cho một nhóm hoặc một phong trào nhưng là dành cho Giáo Hội và thế giới…
Ơn gọi lớn lên trong lòng Giáo Hội. Trong quá trình đào tạo, cáo ứng viên với những ơn gọi khác nhau cần học hỏi kiến thức về cộng đoàn Giáo Hội, vượt qua những giới hạn lúc đầu. Để khi kết thúc, họ nên cùng nhau thực hiện những trải nghiệm tông đồ với những thành viên khác của cộng đoàn, chẳng hạn như: cùng theo một khóa giáo lý, trao đổi các thông điệp Giáo Hội, gặp gỡ liên hội dòng, chia sẻ trải nghiệm việc truyền giáo tại các vùng ngoại vi, chia sẻ đời sống tu viện, khám phá nguy cơ đưa đến cám dỗ; liên hệ với các vị thừa sai để đào sâu hơn về sứ vụ đến với muôn dân; và trong cộng đoàn các linh mục giáo phận, để đi sâu vào kinh nghiệm đời sống mục vụ giáo xứ và giáo phận. Đối với những ai đã sẵn sàng cho việc đào tạo, cộng đoàn Giáo Hội luôn là môi trường đào tạo cơ bản.“ Đức Giáo Hoàng Phanxico, Sứ điệp ngày Thế Giới Ơn Gọi 2016: “Ơn gọi được sinh ra trong lòng Giáo Hội“