CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
TÔI SINH RA TỪ THIÊN CHÚA (*) – Chú giải của Noel Quesson. 6
TRỜI MỞ RA… (*)- Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông. 14
CHÚA GIÊSU LÃNH NHẬN SỨ MẠNG- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 25
KITÔ HỮU ĐÍCH THỰC- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm.. 42
PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG- ĐTGM Jos. Ngô Quang Kiệt 56
PHÉP RỬA– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 60
ĐẤNG GÁNH TỘI TRẦN GIAN– Lm. Inhaxiô Trần Ngà. 64
PHÉP RỬA TRONG THÁNH THẦN VÀ LỬA (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý 68
NGƯỜI CON YÊU DẤU- Trích Logos C.. 74
CON YÊU DẤU– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC.. 80
ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ. 85
BA DẠNG PHÉP RỬA- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An. 89
CHÚA CHỊU PHÉP RỬA, TA HÃY XIN ƠN SỐNG XỨNG ĐÁNG LÀ CON CÁI CHÚA – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ. 97
ƠN GỌI LÀM CON- Lm GB. Trần văn Hào, SDB.. 102
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC- Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973
“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10
Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).
1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.
BÀI ĐỌC II: Cv 10, 34-38
“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.
Ðó là lời Chúa.
ALLELUIA: x. Mc 9, 7
All. All. – Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”. – All.
PHÚC ÂM: Lc 3, 15-16. 21-22
“Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Ðấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ðó là lời Chúa.
TÔI SINH RA TỪ THIÊN CHÚA (*) – Chú giải của Noel Quesson
Tin Mừng theo Thánh Luca kể lại cho ta giai đoạn đầu, đời sống công khai của Đức Giêsu theo trình tự sau đây:
1*. Gioan Tẩy Giả rao giảng: Các ngươi hãy hoán cải …Ngài đang đến (Lc 3,1 -18).
2*. Gioan Tẩy giả bị cầm tù (Lc 3, 19-20).
3*. Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,21 -22).
4*. Gia phả của Đức Giêsu (Lc 3,23-58).
5*. Đức Giêsu chịu cám dỗ trong thời gian 40 ngày chay tịnh tại hoang địa (Lc 4,1-13).
6*. Đức Giêsu bắt đầu rao giảng, đặc biệt tại Na-gia- rét (Lc 4,14-30).
Một lần nữa, chúng ta lưu ý rằng, trước hết Luca không tìm cách thông tin cho ta về một chuỗi “sự kiện lịch sử”. Nếu chỉ có Tin Mừng Luca truyền lại, thì ta sẽ không biết “ai” đã làm phép rửa cho Đức Giêsu: vì Luca kể cho chúng ta việc cầm tù Gioan, trước khi cho chúng ta chứng kiến phép rửa của Đức Giêsu, mà trong nghi thức này, Luca cũng không nhác đến vị Tiền hô. Những người thời xưa (cả Luca và mọi kẻ khác) không có quan niệm tân thời như chúng ta về lịch sử. Mục đích của họ không phải là kể ra những sự kiện đơn thuần, nhưng nhằm nói với lương tâm tín hữu.
Đối với họ, ý nghĩa những sự kiện hoàn toàn thuộc về lịch sử. Do đó qua những thể thức văn chương thường được dùng đi dùng lại trong Kinh thánh, thánh sử trình bày phép rửa của Đức Giêsu vừa như một sự kiện lịch sử không thể chối cãi được (do đó có một nền tảng chung với những trình thuật đối chiếu khác), vừa như một “hành động tượng tương” (do dó, có những đặc điểm khác nhau trong mỗi Tin Mừng). Giải thích một sự kiện, không phải là chối bỏ sự kiện đó, mà cho nó là thực và định giá đúng tầm quan trọng của nó. Chẳng hạn, ở đây chúng ta thấy một sự “giải thích” của Luca: “Đức Giêsu khai mở một kỷ nguyên mới”. Giao uỡc cũ đã chấm dứt… Gioan Tẩy giả là một vị đại diện cuối cùng của giao ước cũ. Ong biến mất trước khi Đức Giêsu bắt đầu công trình của Ngài. Sự diễn giải lịch sử như thế là diễn giải đúng theo lãnh vực đức tin, nhưng chúng ta cũng không bị ngăn cản vận dụng trí tuệ để qua các chính sử khác, biết ràng thực ra, sự cầm tù Gioan Tẩy gỉa xảy ra sau đó rất lâu, và thời gian rao giảng của Đức Giêsu đã bị xén bớt rất nhiều (Mc 6,17; Mt 16,3).
Bài đọc phụng vụ Chúa Nhật này đã xếp gần lại những pha cảnh sau đây: 1. Cuộc rao giảng của Gioan (Lc 3, 15-16)… Và 2. Phép rửa của Đức Giêsu (Lc 3, 21 -22) bằng cách bỏ qua các câu trung gian kể lại sự vắng mặt của Gioan. Sự giải thích trên đây đã cho chúng ta hiểu tại sao. Phần chú giải lời rao giảng của Gioan, chúng ta gặp ở Chúa nhật thứ III Mùa Vọng, hôm nay chúng ta bắt đầu bài Tin Mừng dành cho Chúa Nhật này.
Khi toàn dân đã chịu phép rửa.
Kiểu nói phổ quát: “toàn dân” cũng là nét riêng của thánh Luca, mà ông thích dùng (Lc 1,10; 3,4). Luca, vị phát ngôn viên của Thiên Chúa lặp lại ở đây rằng, ơn cứu độ dành cho mọi người và sứ vụ của Đức Giêsu sắp bắt đầu sẽ dành cho tất cả. Kiểu nói này cũng muốn nói lên từ trước đến giờ Đức Giêsu hành động “như mọi người”. Và lúc Người bước ra hoạt động không có gì phân biệt Người với những công dân khác, với “toàn dân”. Đó là một người Do Thái tốt lành và tín trung, không cố tách riêng ra khỏi quần chúng Vì mọi người đều xin chịu phép rửa, nên Đức Giêsu cũng xin lãnh phép rửa.
Chúng ta lưu ý rằng, từ “toàn dân” này của Luca đúng thực biết bao: đó là đặc điểm mà ông nhấn mạnh và cũng là nét riêng của ông, so với trình thuật của các thánh sử khác.
Lạy Chúa, con nhận được sự mạc khải này, qua “từ” trên đã được linh hứng.
Tôi ngắm nhìn Đức Giêsu đã hoàn toàn “nhập thể” làm “người” đến độ Ngài làm “như toàn dân”. Tôi dùng trí tưởng tượng quan sát Đức Giêsu lẫn trong đám đông một cách vô danh. Ngài đang ở đó trong dãy dài những nam nữ bình thường đang đợi đến lượt mình để nhận phép rửa. Tôi cầu nguyện nhờ suy niệm mạc khải này.
Đang khi Đức Giêsu cầu nguyện.
Cầu nguyện cũng là nét riêng của trình thuật Luca thích minh chứng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đang cầu Nguyện (Lc 5,16 – 6,12 – 9,18. 28.29 – 10,21 – 11,1 – 22,23. 40,46 – 23, 34,46). Tôi cũng có thể ngừng lâu ở chi tiết này, để cầu nguyện.
Vậy thì theo Luca “hành vi đầu tiên” đánh dấu đời sống công khai của Đức Giêsu là cầu nguyện. Đây là việc đầu tiên mà chúng ta thấy Ngài làm với tư cách là một người trưởng thành. Lần đầu tiên nói tới Đức Giêsu bước vào tác vụ của Ngài, lại là nói đến việc Ngài: “đang cầu nguyện”. Và trong lúc cầu nguyện đó, Ngài sẽ nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Và khi kể lại giai đoạn đầu của Giáo hội, đến lượt mình, cũng sẽ nhận lãnh Thánh Thần (Cv 1,4-2,1-11). Do đó cầu nguyện là nhường chỗ cho Thánh Thần. Là dọn chỗ trống cho người ngự đến. Là tạo điều kiện cho người xuất hiện. Trong một đoạn khác của Tin Mừng, Luca sẽ nói với ta rằng, điều cần thiết chung nhất phải xin với Chúa, là xin người ban cho “Thần khí của Người” như thế tất cả những cái khác sẽ đến thêm sau. “Chúa Cha ngự trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11-13). Tôi có cầu nguyện với ý đó không?
Tôi có xin “phép rửa của Thần Khí” không? Theo lời loan báo của Gioan Tẩy giả: Ngài (Đức Giêsu) sẽ rửa các ngươi (sẽ dìm các người) trong Thánh Thần và lửa (Lc 3,16). Theo gương của Đức Giêsu cầu nguyện, tôi đã dành cho cầu nguyện vị trí nào trong đời sống của tôi? Cầu nguyện để “xin Thánh Thần” mà Chúa Cha sẵn sàng ban cho những kẻ kêu xin, có chỗ đứng như thế nào?
Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa.
Trước tiên, sự kiện trên hẳn làm ta dễ thắc mắc. Làm sao Đức Giêsu lại nhận “phép rửa tỏ lòng sám hối”? (Lc 3,3). Làm sao, Ngài không có tội lại cần phải chịu phép rửa? Câu trả lời ở phía sau, trong Tin Mừng này. “Đó là một thứ lửa mà Thầy đã đến để ném vào mặt đất. Đó là một phép rửa mà Thầy sẽ bị dìm xuống, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất (Lc 12,49-50). Phép rửa thật sự của Đức Giêsu, đó là cái chết cứu chuộc của Ngài. Khi xin chịu phép rửa “trong hàng ngũ các tội nhân” và trong suốt cuộc đời Ngài đã chấp nhận thái độ của một “hối nhân”, Đức Giêsu đã hoàn toàn liên kết với khát vọng của con người muốn cầu xin Thiên Chúa “cứu rỗi” và thanh tẩy mình. Ngài muốn thay thế cho ta là những tội nhân. Đức Giêsu không đến để lên án thế gian tội lỗi, nhưng để cứu chuộc (Ga 3,17).
Đức Giêsu “cũng chịu phép rửa”, nên không đứng từ trên cao xét đoán những yếu đuối đáng thương của tôi. Ngài liên đới với những yếu đuối đó. Phép rửa của Đức Giêsu là mô hình cho phép rửa của các Kitô hữu.
Lúc đó trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người.
Máccô nói: Bầu trời “xé ra” (Mc 1,10). Còn Luca lại viết: Trời “mở ra” không có vẻ gì là ác liệt của lối văn khải huyền cả, có thể nói còn mang tính dịu dàng nữa.
Vâng, Đức Giêsu bắt đầu một kỷ nguyên mới. Giao ước cũ đã chấm dứt. Thời Gioan Tẩy giả hăm dọa nhân loại bằng “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa (“nòi rắn độc” Lc 3,7) cũng đã chấm dứt. Một cuộc giao hòa mới được thiết lập giữa trời và đất. Trời không còn đóng kính nữa, mà đã “mở” ra. Và Thần Khí Thiên Chúa – phần của Thiên Chúa mà ta có thể thông hiệp được, đã được ban cho một người, Đức Giêsu trước khi được ban cách dồi dào cho tất cả những ai chịu “phép rửa trong Thánh Thần”: Vào ngày lễ Ngũ tuần và mỗi khi cử hành phép rữa. Tôi dành cho phép rửa của tôi một chỗ đứng nào? tôi dành cho phép rửa của các con tôi vị trí nào? Tôi dành cho Chúa Thánh Thần chỗ đứng nào trong cuộc sống thiêng liêng của tôi? Thánh Thần là Đấng không được biết nhiều ở Phương Tây, là Đấng mà Phương Đông đã bắt đầu mang lại cho chúng ta.
Đức Giêsu chính là “Đấng mà Thánh Thần ngự xuống” (Lc 4,1.4, 14.4,18).
Dưới hình dáng như chim bồ câu.
Đã có nhiều cách giải thích về câu chú thích về “dấu chỉ” dễ cảm nhận này. Phải chăng đó là nhắc lại bồ câu của biến cố Đại hồng thủy, nhằm báo trước một thế giới mới? (St 8,8). Phải chăng đó là tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa trong sách Diễm ca (Lc 2,14-5,2)? Phải chăng đó là nhắc lại cuộc sáng tạo thế gian mà Thần Khí bay là là trên mặt nước? (St 1,1).
Mỗi cách giải thích như thế, có thể trở nên khởi điểm cho một buổi cầu nguyện. Vâng, một tạo vật mới đang phát sinh. Một nhân loại mà Thiên Chúa không muốn trừng phạt nữa, vì người yêu thương nhân loại hết tình.
Lại có tiếng từ trời phán rằng.
Thiên Chúa nói với Đức Giêsu, một cách âu yếm như cha nói với con, đầy yêu thương.
Con là con của Cha.
Ở đây theo Luca, Đức Giêsu được xưng gọi theo Ngôi thứ hai. Trong khi đó, Mát-thêu kể lại cùng cảnh này, lại dùng Ngôi thứ ba: “Đây là con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17). Vậy theo lịch sử cách nói nào là đúng thực? Cả Luca lẫn Mátthêu đều không lưu tâm đến việc đặt câu nói như thế của thời chúng ta. Truyền thống Do Thái từ xa xưa vẫn khẳng định rằng, Thiên Chúa “duy nhất” chỉ nói bằng “một cung giọng duy nhất” (bình luận của Rachi về thập giới: Mười điều răn này được tuyên bố bằng cách chỉ phát ra một lời duy nhất, đó là điều con người không thể hiểu được, Thiên Chúa nói “một lời” và loài người nghe “nhiều lời”. Họ hiểu theo nhiều cách.
Ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.
Hiển nhiên, Luca diễn giải lời duy Nhất của Thiên Chúa bằng cách trích dẫn ngôn sứ Isaia 42,1 và Thánh Vịnh 2,7. Trích dẫn Kinh Thánh này sẽ được dùng nhiều lần để diễn tả tư cách “là con Thiên Chúa” và việc tái sinh của Đức Giêsu phục sinh, dưới cùng ngòi bút của Luca (Cv 13,33) và của một môn đệ khác của Phaolô (Dt 1,5-5,5).
Nhờ cầu nguyện, chúng ta hãy bước sâu vào mầu nhiệm của Đức Giêsu hôm nay, được sinh ra! Ở đây, không đề cập đến noãn sào của Đức Maria vào lúc đầu thai, cũng không bàn đến việc sinh hạ cậu bé còn quấn tã ở Bê-lem, nhưng lại nói về Đức Giêsu trưởng thành, vào lúc 30 tuổi! Đây là thông điệp cấp bách nhất cho nhân loại ngày nay: con người không thể mồ côi, không là kết quả của “ngẫu nhiên và tất yếu”. Nơi Đức Giêsu, nhân loại phát sinh từ một Thiên Chúa thương yêu nó. Đó là ý nghĩa phép rửa của tôi. Tôi sinh ra từ Thiên Chúa.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
TRỜI MỞ RA… (*)- Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Vào Chúa Nhật này, chúng ta tưởng niệm biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa trong nước bởi Gioan Tẩy Giả, và ngay liền sau đó, được Chúa Thánh Thần ngự xuống và được Chúa Cha chứng nhận: “Con là Con Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Đó là lý do tại sao các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Đức Ki-tô như một trong ba lễ Hiển Linh: Hài Nhi Giê-su tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Người (Mt 2: 11), Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình ra trong biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa bên bờ sông Gio-đan (Lc 3: 21-22; Mt 3: 13-17; Mc 1: 9-11) và Chúa Giê-su bày tỏ vinh quang của Người cho các môn đệ qua dấu lạ đầu tiên ở tiệc cưới Ca-na (Ga 2: 11).
Is 40: 1-5, 9-11
Bài Đọc I gợi lên gốc tích của thuật ngữ “Tin Mừng” được loan báo cho những người lưu đày ở Ba-by-lon.
Cv 10: 34-38
Tại nhà của viên quan ngoại giáo, ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô thuật lại phép Rửa của Đức Giê-su, khuôn mẫu phép Rửa của Ki-tô hữu.
Lc 3: 15-16, 21-22
Phép rửa của Đức Giê-su là nguyên mẫu phép rửa Ki-tô giáo. Chúng ta đã được lãnh nhận phép rửa dưới dấu chỉ của Thiên Chúa Ba Ngôi, “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
BÀI ĐỌC I (Is 40: 1-5, 9-11)
Sứ điệp an ủi này được gởi đến cho những người lưu đày ở Ba-by-lon khi mà cuộc thử thách đã quá dài lâu đến mức người ta không còn chịu đựng được nữa. Những người lưu đày đầu tiên, tiếp đó là những đợt lưu đày khác nữa, đã bị dẫn đến đất nước ngoại bang này đã gần năm mươi năm rồi.
1*.Bối cảnh:
Ở giữa những người đồng hương lưu đày của mình, một vị ngôn sứ đã đem đến cho những người chán chường thất vọng này một niềm an ủi khi ông hứa với họ cuộc giải phóng sắp đến gần. Người ta không biết một chút gì về vị ngôn sứ, ngay cả tên của ông; vì thế, người ta đặt cho ông biệt danh là I-sai-a đệ nhị, vì tác phẩm của ông (Is 40-55) được sáp nhập vào tác phẩm của vị tiền nhiệm của ông (Is 1-39). Vào lúc đó, trên chính trường Trung Đông, vua Ba tư, Ky-rô, nổi lên như một thế lực hùng mạnh. Vị ngôn sứ thoáng thấy nơi nhân vật này khí cụ của Thiên Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông quả quyết: Thiên Chúa sắp can thiệp để giải phóng dân Ngài khỏi cảnh đời lưu đày.
2*. “Hãy an ủi, an ủi dân Ta”:
“Hãy an ủi, an ủi dân Ta”. Đây là những lời đầu tiên của tác phẩm ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, chính xác được đặt dưới nhan đề “Sách An Ủi”. Diễn ngữ “dân Ta” này chắc chắn đã làm ấm lại lòng của những người lưu đày khốn khổ, họ cứ tưởng Thiên Chúa đã quên họ, không còn đoái hoài gì đến họ. Không, họ vẫn luôn luôn là “dân của Ngài”, dân Chúa chọn mà xưa kia đã được Ngài nuông chiều.
“Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem”. Tâm tư của những người lưu đày không bao giờ ngừng hướng về Thành Thánh. Bị trừng phạt vì tội bất trung dài lâu, điều quan trọng là dân được loan báo rằng Thiên Chúa tha thứ tội của dân và Ngài sẽ đích thân dẫn đưa dân trở về quê cha đất tổ.
“Thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm”. Chúng ta có thể hiểu diễn ngữ “gấp hai lần” theo sát nghĩa của từ, nếu chúng ta khảo sát hai cuộc thử thách lớn mà dân thành phải chịu: dân bị lưu đày đến Ba-by-lon và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài, bị phá hủy hoang tàn. Nhưng diễn ngữ này cũng được hiểu một cách đơn giản như ghi nhận muôn vàn đau khổ mà dân phải chịu.
3*.Một cuộc xuất hành mới:
Để trở về cố hương, những người lưu đày sẽ phải băng qua hoang địa (sa mạc Syri-Paléttin). Đây sẽ là một cuộc xuất hành mới ở đó Thiên Chúa sẽ lại hướng dẫn dân Ngài và thực hiện cho họ những điều kỳ diệu. Điều quan trọng là phải chuẩn bị tấm lòng đón nhận lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Ở nơi những hình ảnh của các câu “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu”, chúng ta gặp thấy một lời mời gọi hãy thay lòng đổi dạ, biến đổi sa mạc của tâm hồn. Các tác giả Tin Mừng sẽ nhận dạng vị ngôn sứ vô danh này, biệt danh là I-sai-a đệ nhị, là thánh Gioan Tẩy Giả.
4*. Nguồn gốc nguyên khởi của thuật ngữ “Tin Mừng”:
“Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao”. Chính ở nơi bản văn này mà các Ki tô hữu tiên khởi đã mượn diễn ngữ “Tin Mừng” để chỉ mặc khải của Đức Giê-su. Chính ở đây mà chúng ta ở nơi tận nguồn thần học về Tin Mừng. “Tin Mừng” này đòi hỏi phải được loan báo từ trên núi cao để mọi dân trong các thành miền Giu-đê được nghe, đó là Tin Mừng gì? Thưa, chính Thiên Chúa đích thân đến cứu dân Ngài, giải thoát những kẻ bị giam cầm và đưa họ trở về quê cha đất tổ.
Vị ngôn sứ tưởng tượng cuộc hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem như một đám rước khải hoàn; nhưng ông tô đậm chân dung Đức Chúa vinh thắng khi liên kết Ngài với hình ảnh của người mục tử tận tình chăm sóc đàn chiên của mình: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Thiên Chúa tha thứ và dẫn đưa dân Ngài về Đất Hứa, trước hết là Thiên Chúa tình yêu.
Đó là “Tin Mừng” đầu tiên báo trước một Tin Mừng khác dứt khoát hơn, phổ quát hơn: giải phóng những người tội lỗi. Vì thế, không phải đoàn rước khải hoàn mà vị ngôn sứ hình dung loan báo cuộc khải hoàn của những người được chọn về Thành Thánh Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc hay sao?
BÀI ĐỌC II (Cv 10: 34-38)
Đoạn trích Công Vụ Tông Đồ này thuật lại một biến cố đánh dấu một khúc quanh quyết định trong lịch sử Giáo Hội tiên khởi: đây là lần đầu tiên một lương dân và gia đình của ông được đón nhận vào cộng đoàn Ki-tô hữu qua phép Rửa.
Cho đến lúc đó, các Tông Đồ đã ngỏ lời với dân Do thái bằng cách chứng minh cho họ hiểu rằng Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nơi Ngài Kinh Thánh được ứng nghiệm. Ki-tô giáo được khai sinh từ Do thái giáo. Chiều kích phổ quát của sứ điệp được nhận ra qua các sấm ngôn: sẽ đến ngày muôn dân nước sẽ tiến về Giê-ru-sa-lem. Nhưng các Tông Đồ đã không nghĩ đến chiều kích đảo ngược: chính họ đến với lương dân để loan báo Tin Mừng cho họ.
Vào lúc đó, thánh Phê-rô, vị thủ lãnh Giáo Hội, lợi dụng thời kỳ tạm lắng dịu sau một cuộc bách hại giáng xuống trên các cộng đoàn Ki-tô hữu, để viếng thăm họ. Vào lúc đó, một viên đại đội trưởng Rô-ma trú đóng tại thành Xê-da-rê cho người đến mời thánh nhân. Lúc đó, thánh Phê-rô đang trọ tại Gia-phô, cách Xê-da-rê khoảng 50 cây số. Đây là lần đầu tiên thánh nhân bước vào nhà một người không cắt bì, bất chấp những cấm đoàn lâu đời, và đây cũng là lần đầu tiên thánh nhân loan báo Tin Mừng cho một lương dân và gia đình của ông. Đối với thánh Phê-rô, đây thực sự là một kinh nghiệm không thể quên được. Thánh nhân chắc chắn rất cảm động khi hiểu được những ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ tất cả mọi người. Phụng Vụ hôm nay trích dẫn phần đầu bài giảng của thánh Phê-rô tại nhà ông Co-nê-li-ô.
1*.Chiều kích phổ quát của ơn cứu độ:
Trước tiên, thánh Phê-rô khẳng định sự bình đẳng giữa lương dân và dân Do thái: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10: 34). Lời khẳng định này cấu thành một viễn cảnh đảo ngược mà dân Ít-ra-en thường nghĩ rằng đó là những đặc quyền của dân Chúa chọn. Vị thủ lãnh Giáo Hội, dưới tác động của Thánh Thần, chấp nhận viễn cảnh đảo người này khi công bố rằng “Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp đón” (Cv 10: 35). Ông Co-nê-li-ô là một trong số những người có thiện cảm với Do thái giáo, thuộc những người được gọi là “kính sợ Thiên Chúa”. Sách Công Vụ xác nhân những phẩm chất của ông Co-nê-li-ô: “một người đạo đức”, “rộng tay cứu trợ dân” và “luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Cv 10: 2).
Thánh nhân giải thích cho gia đình ngoại giáo này hiểu đặc quyền của dân Ít-ra-en: “Người đã gởi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an”. Con cái Ít-ra-en đã nhận một sứ mạng là chuẩn bị bình an, bình an giữa nhân loại, bình an giữa dân Do thái và lương dân. Bình an này có được “nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người”.
2*.Quyền năng của phép Rửa:
Tiếp đó, thánh Phê-rô tóm tắt sứ vụ của Đức Giê-su: Đức Giê-su đã chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả, sau đó Ngài đã được đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Từ đó, thánh nhân khai mở viễn cảnh đạo lý của Giáo Hội: ân ban của Chúa Thánh Thần không đơn giản là một điều gì đó mà người ta thủ đắc được, nhưng là một sức mạnh bùng nổ, một quyền năng thúc đẩy người ta chu toàn sứ mạng, làm chứng, thực thi những việc lành phúc đức, kiềm chế ma quỷ theo mẫu gương của Đức Ki-tô.
TIN MỪNG (Lc 3: 15-16, 21-22)
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ hai phân đoạn: phân đoạn thứ nhất (3: 15-16) về việc Đức Giê-su chịu phép rửa và phân đoạn thứ hai (3: 21-22) về cuộc hiển linh của Đức Giê-su.
1*.Ý nghĩa phép rửa của Đức Giê-su:
Thánh ký chỉ kể ra một cách ngắn gọn việc Đức Giê-su chịu phép rửa, nhưng rất có ý nghĩa: Đức Giê-su ở giữa đám đông dân chúng; Ngài hòa nhập vào dòng người tội lỗi, những người muốn thể hiện hành vi ăn năn sám hối. Như họ, Ngài bước vào dòng nước sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa, dấu chỉ bày tỏ lòng sám hối; kể từ giây phút này Ngài bày tỏ ý muốn của Ngài được liên đới với nhân loại tội lỗi. Cử chỉ công khai đầu tiên của Đức Giê-su tự nó đã là một cử chỉ cứu độ.
Dường như thánh Lu-ca gợi lên rằng việc Đức Giê-su chịu phép rửa kết thúc việc “toàn dân” đón nhận phép rửa, như để muốn nói rằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả đã đạt được mục đích của nó: chuẩn bị cho một sứ điệp khác và nhường chỗ cho một sứ vụ đang đến.
2*.Lời cầu nguyện của Đức Giê-su:
Khi bước ra khỏi dòng nước sông Gio-đan, Đức Giê-su cầu nguyện. Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất ghi nhận nét đặc trưng này; thánh ký luôn luôn chủ ý nhấn mạnh thái độ này của Đức Giê-su trong những giờ phút quan trọng hay có tính quyết định (Lc 5: 16; 6: 12; 9: 18, 28-29; 10: 21; 11: 1; 22: 32, 40, 46; 23: 34, 46). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, trong khi các Tông Đồ cũng đang cầu nguyện, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống (Cv 2: 1-6).
Khi Đức Giê-su cầu nguyện, thì “trời mở ra”, nghĩa là, một sự thông hiệp giữa thế giới thần linh và con người bởi một cuộc thần hiển kép: Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình dáng chim bồ câu và Chúa Cha tỏ mình ra qua tiếng phán từ trời.
3*.Chúa Thánh Thần tấn phong:
“Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su”. Phép rửa trong nước mà Đức Giê-su đón nhận bởi thánh Gioan Tẩy Giả trở nên phép rửa trong Chúa Thánh Thần, khuôn mẫu và nguyên mẫu phép rửa Ki-tô giáo. Đức Giê-su, đã hòa mình vào đám đông dân chúng tội lỗi, được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong; vì thế, Đức Giê-su đích thật là “Đấng được xức dầu”, nghĩa là, “Đấng Mê-si-a” theo tiếng Híp-ri, hay “Đấng Ki-tô” theo tiếng Hy-lạp. Xưa kia, các ngôn sứ đã được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong để có đủ tư cách thông truyền Lời Chúa. Cũng vậy, Đức Giê-su được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong làm ngôn sứ. Nhưng, phải nói một cách chính xác hơn, Đức Giê-su không đơn giản là một trong các ngôn sứ, được hiểu theo nghĩa “phát ngôn viên của Lời Thiên Chúa”, nhưng Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa tự thân, đã trở thành một phàm nhân.
Quả thật, Đức Giê-su, ngay từ khi thụ thai, được Chúa Thánh Thần ở cùng; Ngài sinh ra bởi tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng trong cuộc sống ẩn dật của Ngài, Chúa Thánh Thần đã không tỏ mình ra một cách rực rỡ. Vào ngày Đức Giê-su chịu phép rửa này đánh dấu khởi điểm sứ mạng của Ngài, Đức Giê-su được đảm bảo rằng Ngài sẽ luôn luôn được Chúa Thánh Thần phù trợ.
Chúa Thánh Thần tỏ mình ra qua một dấu chỉ bên ngoài “dưới hình dáng chim bồ câu”, như sau này, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ tỏ mình ra dưới “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” (Cv 2: 3). Như vậy, thánh Lu-ca muốn nói rằng Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị biệt phân với Chúa Cha. Quả thật, phép rửa của Đức Ki-tô là mặc khải đầu tiên về Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện. Các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Đức Ki tô như một ngày Lễ Ba Ngôi; và chính dưới dấu chỉ Ba Ngôi mà phép rửa Ki-tô giáo được ban “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Diễn ngữ “dưới hình dáng chim bồ câu” chắc chắn nhắc nhớ những câu đầu tiên của Kinh Thánh trong chuyện tích về cuộc tạo dựng: “thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1: 2). Vì thế, trên mặt nước của dòng sông Gio-đan một cuộc tạo dựng mới bắt đầu.
4*.Chúa Cha thánh hiến:
“Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Đây là câu trích dẫn từ Tv 2: 7, một thánh vịnh phong vương mang chiều kích Mê-si-a tuyệt vời. Vào ngày vua được phong vương, Đức Chúa công bố vị tân vương là “con của Ngài” (“thiên tử”). Thánh Vịnh này ngầm quy chiếu đến sấm ngôn của ngôn sứ Na-than được ngỏ lời với vua Đa-vít: “Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con” (2Sm 7: 13-14).
Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu cũng trích dẫn Tv 2 này, nhưng chỉ trích dẫn vế thứ nhất của câu 7: “Con là con yêu dấu của Cha” mà hai thánh ký liên kết thành một với bản văn của Is 42: 1 về ơn gọi của Người Tôi Trung: “Ta hài lòng về Người”, để loan báo Đấng Mê-si-a vừa là Vua, vừa là Người Tôi Trung: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3: 17) và “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1: 11).
Chỉ một mình thánh Lu-ca trích dẫn trọn vẹn câu 7 của Tv 2, theo đó Thiên Chúa xác nhận rằng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa”: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Lời công bố Đức Giê-su là Con Thiên Chúa này cũng sẽ được vang lên khi trời được mở ra vào biến cố Biến Hình (Lc 9: 35). Chính trên Con Thiên Chúa này mà thánh Lu-ca muốn nhấn mạnh: cuộc thần hiển ngay sau phép rửa là mặc khải công khai, chính thức, về mầu nhiệm của Đức Giê-su, Ngài thật sự là Con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ hai, những người phủ nhận Thần Tính của Đức Ki-tô đã khai thác vế thế hai của câu trích dẫn này để chủ trương rằng Đức Giê-su chỉ là một con người, con của ông Giu-se và bà Ma-ri-a, nhận được ơn nghĩa tử (được Thiên Chúa nhận làm con), ơn nghĩa tử này được công bố chính xác bởi những lời này “Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
Tư tưởng của thánh Lu-ca rất khác xa với một viễn cảnh như vậy. Rõ ràng ngay liền sau lời trích dẫn này, thánh ký tường thuật gia phả Đức Giê-su Ki-tô, ở đó thánh ký chủ ý lên cho đến A-đam, “con Thiên Chúa” (Lc 4: 38). Đức Giê-su là A-đam mới, được sinh ra từ Thiên Chúa, Ngài là thủ lãnh của một nhân loại mới. Phép rửa của Ngài là một sự khẳng định về một thực tại thần linh thường hằng ở nơi Ngài rồi. Qua phép rửa của chúng ta, nhờ kết hiệp với Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, nghĩa tử của Chúa Cha: “ngày hôm nay, chúng ta được sinh ra”.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA GIÊSU LÃNH NHẬN SỨ MẠNG- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
I*. Dẫn vào Thánh lễ
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là gạch nối giữa giai đoạn Chúa Giêsu sống ẩn dật với giai đoạn Ngài rao giảng công khai: sau thời gian sống với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng. Việc đầu tiên Ngài làm là lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông Giođan. Như thế, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là gạch nối giữa mùa Giáng sinh với mùa Thường niên: Chúng ta đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố giáng sinh và hiển linh. Kể từ hôm nay chúng ta sẽ cùng sống với Ngài qua các biến cố của đời rao giảng.
Trong dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống xác nhận Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó cũng chính là thân phận kitô hữu của mỗi người chúng ta: chúng ta cũng đã lãnh nhận phép rửa, cũng được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Vậy chúng ta cũng hãy noi gương Chúa Giêsu mà cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.
II*. Gợi ý sám hối
- Do bí tích Rửa tội, chúng ta đã được nhận là con của Chúa. Nhưng chúng ta chưa sống xứng đáng với danh nghĩa ấy.
- Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã sống như một Người Tôi Tớ hạ mình phục vụ mọi người. Còn chúng ta, chúng ta không thích hạ mình, không ưa phục vụ.
- Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngược lại chúng ta hay sống theo ý riêng.
III*. Lời Chúa
1/. Bài đọc I (Is 42,1-4.6-7):
Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa soi sáng đặc biệt nên đã hiểu Đấng Messia tương lai là một Người Tôi Tớ. Ông đã mô tả Người Tôi Tớ trong 4 bài thơ. Đoạn được phụng vụ trích đọc hôm nay nằm trong bài thơ thứ I:
- Đó là người được Thiên Chúa tuyển chọn và Thiên Chúa rất hài lòng.
- Người đó rất hiền lành và dịu dàng: “không lớn tiếng, không nở bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”.
- Sứ mạng của Người Tôi Tớ là: a/ Tái lập công bình; b/ nên ánh sáng cho muôn dân; c/ giải thoát những người khốn khổ.
2/. Đáp ca (Tv 28):
Bài thơ này ca tụng Thiên Chúa uy phong. Sự uy phong của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài thống trị các sức mạnh của thiên nhiên: Ngài ngự trên những ngọn thuỷ triều, tiếng Ngài vang rền trên sóng nước.
Chính Thiên Chúa uy phong ấy sẽ tấn phong Chúa Giêsu làm Đấng Messia của Ngài trong biến cố phép rửa.
3/. Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22):
Bài Tin Mừng này cho ta biết về người làm phép rửa và người được làm phép rửa:
-Người làm phép rửa là Gioan Tẩy giả: lời giảng và hoạt động của ông đã khiến ông nổi tiếng, đến nỗi dân chúng nghĩ rằng ông chính là Đấng Messia. Gioan đã khiêm tốn thanh minh ông không phải là thế, và còn giới thiệu cho họ biết Đấng Messia thực sắp đến sau ông và cao trọng hơn ông nhiều.
-Người lãnh nhận phép rửa là Chúa Giêsu. Chính Thiên Chúa (chim câu, tiếng từ trời) giới thiệu Ngài:
- Ngài là Con của Thiên Chúa (“Con là con của Cha”)
- Là Đấng Messia mà Tv 2 và ngôn sứ Isaia đã tiên báo (Kiểu nói “Con là con của Cha” là tước hiệu Isaia dùng để nói về Đấng Messia; kiểu nói “Hôm nay Ta sinh ra con” là của Tv 2 cũng nói về Đấng Messia).
4/. Bài đọc II (Cv 10,34-38):
Dân Do Thái có quan niệm hẹp hòi cho rằng Thiên Chúa là Chúa riêng của họ, và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được dành riêng cho họ. Vì thế, khi thánh Phêrô rửa tội cho ông Cornêliô một người thuộc dân ngoại, một số người Do Thái đã thắc mắc.
Thánh Phêrô biện minh rằng ông đã làm như thế cũng chỉ là theo đúng sứ mạng của Chúa Giêsu:
- Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, Ngài đã được Thiên Chúa tấn phong làm Đấng Messia: “Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Ngài”.
- Sứ mạng Messia của Chúa Giêsu là mang Tin Mừng cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, vì thế nên “Ngài đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người”. Phêrô còn nói: “Thiên Chúa không tây vị ai. Nhưng ở bất cứ xứ nào ai kính sợ Người và thi hành sự công chính đều được Người đón nhận”.
IV*. Gợi ý giảng
Mỗi người đều có sứ mạng
Hai tiếng “sứ mạng” nghe có vẻ nghiêm trọng quá. Nhưng thực ra mọi người, mọi sinh vật, mọi thụ tạo – nói chung là mọi “hữu thể” – đều có sứ mạng:
- Sứ mạng của mặt trời là sưởi ấm các sinh vật trên mặt đất
- Sứ mạng của cây lúa là nuôi sống con người
- Thậm chí những con vi sinh nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thấy được cũng có sứ mạng làm phân huỷ những chất thải.
Chúa Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo.
Mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi “Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo Hội, đối với anh chị em không cùng tín ngưỡng?”
Tôi được sinh ra trên đời là vì sứ mạng. Nếu tôi không chu toàn sứ mạng, hay tệ hơn nữa, nếu tôi không lưu tâm gì đến sứ mạng, thì sự hiện hữu của tôi là vô ích, chỉ là ăn hại. Chúa Giêsu đã nói “Nếu muối mà nhạt thì chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân”.
“Con yêu dấu”
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua phép rửa, chúng ta cũng trở thành con Thiên Chúa. Về phần Chúa Giêsu, Ngài đã được khen là “Con yêu dấu của Cha”.
Thế nào là một người “con yêu dấu”?
- là biết ý của cha mình: Chúa Giêsu luôn cầu nguyện để biết ý của Chúa Cha.
- và luôn làm theo ý cha mình: Chúa Giêsu nói “Lương thực của Ta là làm theo ý của Cha Ta”. Trong vườn Cây Dầu, sau khi đơn thành tỏ cho Chúa Cha biết Ngài rất sợ chén đắng của cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói tiếp ngay “Nhưng xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha”.
Nếu chúng ta muốn trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa thì chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu: luôn cầu nguyện, khi đã thấy được ý Chúa thì sẵn sàng bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.
“Nếu…”
Nếu tôi là dân Do Thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Chúa Giêsu suốt bốn năm ngày đường, tới sông Giođan để chịu phép rửa, mà không ngờ rằng Người là Đấng mà Gioan đang rao giảng. Khi tới nơi, chắc chắn tôi sẽ chen lấn Người để tôi được tới gần Gioan hơn. Tôi trố mắt nhìn và lắng tai. Gioan kêu gọi tôi sám hối. Tôi cảm động và rán lội tới sát Gioan. Tôi đẩy Người ra để xin Gioan rửa tôi trước, vì tôi nóng lòng mong đợi điều Gioan đang nói “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến”. Rửa xong, tôi an tâm ra về mà không ngờ Người là Đấng Cứu Thế đồng hành với tôi, đứng sát bên tôi, đã bị tôi gạt Người ra ngoài.
Thực tế hàng ngày đã xảy ra trăm ngàn lần tôi cư xử như thế đối với những người bên cạnh tôi. Tôi không ngờ rằng họ là chi thể Đấng Cứu Thế. Tôi bao nhiêu lần xô lấn những người bên cạnh tôi để tôi được hơn, được trước họ mà chẳng nhớ gì lời Chúa dạy: “Con phải kính nhường và yêu mến người bên cạnh con”. Thành thử ra tôi cũng không nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở với tôi.
Nếu tôi được làm địa vị của Gioan tiền hô, thì khi vừa thấy Đấng Cứu Thế, tôi sẽ tự đắc hô to: Đấy, tôi nói có sai đâu. Ngài đến đây nè… Rồi tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Ngài, hoan hô Ngài, đón rước Ngài, xin Ngài phất cờ giải phóng dân tộc, làm cho nước ta độc lập tự do giàu mạnh, đem quân xâm chiếm các nước, trở thành bá chủ hoàn cầu. Tôi rất phàn nàn và lấy làm tiếc vì không thể ngờ được rằng Gioan không làm như tôi mong muốn. Trái lại ông đã cúi mình xuống nhỏ nhẹ thưa với Ngài rằng “Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Ngài mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Ngài rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ”. Thật là con người đầy khiêm tốn, đầy tin tưởng, để rồi Gioan đã phó thác trót mạng sống mình cho Đấng Cứu Thế: dù phải chặt đầu, ông vẫn luôn quyết tâm chu toàn nghĩa vụ Thiên Chúa trao.
Còn Chúa Giêsu, Người rất từ tốn và ẩn mình tuyệt diệu hơn nữa. Người đã thưa lại Gioan: “Chúng ta cần phải chu toàn nghĩa vụ thánh như thế”. Người đồng hóa mình với dân chúng, chịu những kẻ cậy sức mạnh xô đẩy, chèn ép để thông cảm với mọi nỗi xót xa của cuộc đời những kẻ thấp mũi bé miệng, neo đơn, cô thế cô thân. Người đã cúi mình trước Gioan làm phép rửa cho Người để cho những tội nhân biết cúi mình xuống trước tòa giải tội. Người đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong dòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Người chôn mình trong bản tính hư nát của loài người để cho con người được trường sinh vinh phúc.
Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con biết kính nhường nhau. Đó chẳng phải là kính mến Chúa sao? Xin cho chúng con biết phó thác thân phận làm người, làm kitô hữu cho Đấng Cứu Thế. Chắc chắn chúng con sẽ được Người thanh tẩy và kết nạp chúng con vào nhà Cha chí ái trên trời. (Linh mục Vũ Khắc Nghiêm, “Xây nhà trên đá” Năm A)
Tình yêu cứu thế
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.
Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.
*
Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia, mới có thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.
Con Thiên Chúa trên tầng trời cao thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân.
Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân.
Đấng xoá tội trần gian, lại hoà mình trong đoàn người tội lỗi.
Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông “sám hối”.
Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu phép rửa của Gioan.
Chính hành vi rất mực khiêm hạ của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành cho con người.
Chính thái độ tự huỷ tột cùng của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta.
Vâng, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hoá thân làm kiếp phàm nhân:
- Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người.
- Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân.
- Để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.
Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người,
Người đã muốn nên anh em với chúng ta để chia sẻ những gì Người đã nhận từ Cha: “Mọi sự của Cha là của Con”.
Người đã muốn chung phận con người để chia sẻ phận Con Thiên Chúa: “Phàm là con cái thì chung huyết nhục, nên Người cũng chung phần huyết nhục với chúng ta” (Dt 2,14).
Người đã muốn chung phần khổ đau, để có thể cứu giúp những ai đau khổ: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”(Dt 2,18).
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là Tình Yêu: Một Tình Yêu vui lòng tự huỷ để cùng đồng hành với anh em cho đến cùng, một Tình Yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn cho anh em, một Tình Yêu chấp nhận cúi xuống để nâng anh em chỗi dậy cùng bước về nhà Cha.
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Giođan, chúng ta hiểu được thế nào là Hiệp Thông: Chính trong giây phút Hiệp Thông sâu đậm này mà Người cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm: “Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).
Ngày nay, chúng ta đã chịu phép Rửa của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi Hiệp Thông thân mật với Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là những anh em đang cần một Tình Yêu chia sẻ, đỡ nâng và trao ban trọn vẹn: Tình Yêu Cứu Thế!
Lạy Chúa, trong con mắt Chúa chúng con là tất cả. Xin cho chúng con luôn nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa, và yêu thương anh em chúng con bằng tình yêu trọn vẹn của Người. Amen. (TP)
Chuyện minh họa
Ở một nước kia có luật cấm đạo. Hai vợ chồng kia bị bắt đưa ra tòa vì tội là Kitô hữu. Người chồng tên là Moran.
Để cứu vợ chồng này khỏi tội, luật sư đã hùng hồn đọc bài biện hộ mà đại ý như sau:
- Hai thân chủ của tôi bị kết tội là Kitô hữu. Tôi xin chứng minh rằng sự thật không phải là thế.
- Họ có một cuộc sống đàng hoàng, siêng năng làm việc, không hề gian tham trộm cắp, không làm thiệt hại ai điều gì, không xích mích gì với hàng xóm… Như thế họ là những con người tốt, những công dân tốt. Không có gì sai trái.
- Ngày Chúa nhật họ đi dự lễ, ở nhà họ có bàn thờ và thường đọc kinh trước bàn thờ, họ đeo ảnh Thánh giá… Chính vì những biểu hiện bề ngoài này mà họ bị kết tội là Kitô hữu. Nhưng những biểu hiện bề ngoài ấy không đủ để kết luận họ thực sự là kitô hữu.
- Chính Thánh Kinh của Kitô giáo đưa tiêu chuẩn để xác định ai là kitô hữu thật: “Cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7,15); Mà hoa quả chứng minh ai là kitô hữu là những việc bác ái yêu thương, như một câu Thánh Kinh khác: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35). Nếu căn cứ vào những tiêu chuẩn này để xét, thì tôi dám khẳng định rằng thân chủ của tôi chắc chắn không phải là kitô hữu: mọi người đều không thấy họ có chút quan tâm nào đến những người nghèo, những người khổ sở, những người già yếu…; mỗi khi có cuộc lạc quyên để giúp thiên tai, hoạn nạn, họ cũng đóng góp nhưng chỉ đóng góp cho có với người khác chứ thực sự ít hơn mọi người khác.
- Vì những bằng chứng trên, tôi xin quý tòa hãy hủy bỏ tội danh Kitô hữu của thân chủ tôi.
Toà tạm ngừng để nghị án. Sau đó Tòa kết luận: Tội danh Kitô hữu không được thành lập. Hai vợ chồng Moran được tự do! (FM)
Bài giảng được gán cho Thánh Hippolite (+ 236)
Nếu Chúa chìu theo lời ngăn cản của Gioan mà không chịu phép rửa thì chúng ta đã bị mất mát biết bao điều quan trọng.
Trước đó các tầng trời bị đóng chặt, chúng ta không ai có thể đến được quê hương trên trời. Sau khi xuống thấp tận đáy, chúng ta không còn có thể trở về trên cao. Nhưng Chúa Giêsu đã chịu phép rửa. Không phải một mình Ngài chịu phép rửa, mà Ngài còn canh tân con người cũ và ban lại cho nó thân phận làm dưỡng tử của Thiên Chúa. Bởi thế lúc đó “trời mở ra”. Các thực tại hữu hình được giao hòa với những thực tại vô hình; các phẩm trật trên trời hớn hở vui mừng, dưới đất thì bệnh tật được chữa lành…
Suy nghĩ về phép rửa
Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa Tội trong Nhà thờ.
Chúng ta được rửa bởi tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời:
- Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn: đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì là gian trá và vô dụng.
- Chúng ta được rửa bởi những khổ đau, buồn rầu: đó là những dòng nước u ám nhưng có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.
- Chúng ta được rửa bởi niềm vui: đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.
- Chúng ta được rửa bởi tình yêu: đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.
Phép rửa là một hạt giống, cần phải nẩy mầm trong suốt cả đời sống.
V*. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy chúng ta cùng nguyện xin Người:
- Chúa Giêsu đã tự hạ / đến xin ông Gioan làm phép rửa / hấu chỉ lối khiêm nhường cho người Kitô hữu học đòi bắt chước / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết noi gương Chúa Giêsu mà phục vụ tha nhân trong yêu thương và khiêm nhường.
- Chúa Giêsu đã dùng phép rửa mà thánh hóa nhân loại / và mở cửa cho những người thống hối trở về / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho kẻ có tội biết từ bỏ đời sống tội lỗi / mà quay trở về nẻo chính đường ngay.
- Đức Kitô là ánh sáng muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ánh sáng đức tin cho hết thảy mọi người đang đi tìm Chúa.
4 Đức Kitô là nguồn hy vọng của những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết tìm đến Chúa khi gặp gian nan thử thách / để được Người nâng đỡ ủi an.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã được Chúa Trời tuyển chọn, Chúa không nỡ nghiền nát cây lau đã gãy, cũng chẳng nỡ dập tắt tim đèn còn cháy. Xin cho tất cả chúng con cũng biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI*. Trong Thánh Lễ
– Trước Kinh Lạy Cha: Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Vậy, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.
VII*. Giải tán
Thánh lễ đã hết, anh chị em lại trở về cuộc sống bình thường. Anh chị em hãy cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.
KITÔ HỮU ĐÍCH THỰC- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
DẪN NHẬP
Trước khi bước vào đời sống công khai đi rao giảng Tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đến xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình tại sông Giorđan. Ngài hòa nhập với dòng người đến nhận phép rửa, không phải để xin ơn tha tội vì Ngài là Đấng trong sạch vô cùng, nhưng Ngài nêu gương khiêm hạ cho mọi người; đồng thời thánh hóa nước để thanh tẩy trong phép Rửa tội mà Ngài sẽ thiết lập.
Sau khi được kéo ra khỏi nước và đang khi cầu nguyện, Chúa Giêsu thấy” trời mở ra và Thánh Thần hiện hình giống như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán rằng :”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,21-22). Đấy là lời Chúa Cha tuyên phong Đức Giêsu là Đấng Messia để ra đi rao giảng Tin mừng cứu độ.
Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Rửa tội để tha tội cho chúng ta. Mọi người đã được chịu phép Rửa tội đều được gọi là Kitô hữu, một danh hiệu vô cùng cao quí. Vì thế, mỗi Kitô hữu phải sống cho xứng với hồng ân được mang danh Chúa Kitô, được sát nhập vào Chúa Kitô. Mọi người phải lo chu toàn sứ vụ của mình đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo hội và đối với mọi người, để đời sống của chúng ta phải được ca ngợi là chứng nhân trung thành của Chúa, có một đời sống “nội thánh ngoại vương”.
- TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Is 42,1-4.6-7.
Khi ấy dân Do thái bị thử thách nặng nề, phải đi đầy ở Babylon. Để khích lệ họ,ïtiên tri Isaia loan báo : họ vinh dự được Thiên Chúa chọn làm đầy tớ lý tưởng của Ngài, có trách nhiệm giới thiệu Thiên Chúa cho dân ngoại.
Đây là bài thứ nhất trong 4 bài ca về Người Tôi Tớ trong sách đệ nhị Isaia. Vì được Thánh Thần ngự trên mình, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa là Đấng mạnh mẽ và sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Nhưng Ngài không thích dùng bạo lực, trái lại, Ngài yêu thương cứu vớt những kẻ tội lỗi yếu đuối, “không lớn tiếng”, “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn leo lét”.
Tất cả những nét Isaia mô tả Người Tôi Tớ đều được thực hiện nơi Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu sẽ đảm nhận vai trò Người Tôi Tớ. Vai trò này, Ngài sẽ hoàn thành khi biến tôn giáo của đức tin thành một sự ưng thuận thắm tình con thảo mà mọi người đều có thể nói lên, dù người ấy thuộc bất cứ nền văn hoá hay quốc gia nào. Theo gương Đức Kitô, các Kitô hữu cũng phải thực hiện nhiệm vụ trên.
+ Bài đọc 2 : Cv 10,34-38.
Đây là phần đầu bài giảng của thánh Phêrô ở Cêsarêa cho ông Corneliô, viên sĩ quan Rôma và gia đình của ông để giúp họ hoán cải và chịu phép rửa. Đây là một việc làm có tính cách cách mạng vì từ trước đến nay các tông đồ chưa nghĩ đến việc cho người ngoại gia nhập Giáo hội.
Trong bài nói chuyện với người Do thái, Phêrô cho biết sở dĩ Ngài dám làm như vậy vì “Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai, hễ ai thực hành sự công chính, đều được Ngài đón nhận”. Chính Đức Giêsu Nazareth đã được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng xức dầu tấn phong Ngài và Ngài đã đi khắp nơi để ban phát ơn lành.
+ Bài Tin mừng : Lc 3,15-16.21-22.
Cả 3 bài Tin mừng của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa có rất nhiều điểm giống nhau. Chúng ta có thể chia bài Tin mừng thành 2 phần :
* Phần một : Ông Gioan thanh minh là mình không phải là Đấng Kitô như người ta tưởng. Có Đấng sẽ đến sau ông và cao trọng hơn ông. Hiện nay ông chỉ rửa họ bằng nước, còn Đấng đến sau sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.
* Phần hai : Đức Giêsu nhận phép rửa của ông Gioan và trong nghi lễ này Đức Giêsu được tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu thế. Đó chính là ý nghĩa việc Thánh Thần hiện xuống,”các tầng trời mở ra”, cách diễn tả lấy lại của Isaia 63,11-14.19 khi công bố tấn phong một vị giải phóng mới. Có tiếng nói từ trời vang trên Đức Giêsu, tiếng nói ấy cũng thuộc về nghi thức phong vương một vị vua mới :”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.
THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Kitô hữu đích thực
- CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Phép rửa tại sông Giorđan
Chúng ta đang ở bên bờ sông Giorđan, nơi Gioan Tẩy giả rao giảng, kêu gọi mọi người sám hối, nhận phép rửa để được ơn tha thứ. Thế nhưng, chúng ta thấy rằng điều quan trọng không phải chỉ nhằm ở việc ông Gioan rao giảng, mọi người tuốn đến lãnh nhận phép rửa,… mà đó còn xẩy ra một sự kiện hết sức trọng đại : Chúa Giêsu cùng với bao nhiêu người khác đi vào dòng sông Giorđan để lãnh nhận phép rửa từ tay ông Gioan.
Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa không chỉ là bước khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin mừng mà Chúa sẽ thực hiện sau này; biến cố chịu phép rửa cũng không chỉ là việc Chúa Giêsu được Gioan Tẩy giả giới thiệu mà đó còn là một sự kiện xuất phát từ chính Thiên Chúa được minh chứng bằng những việc lạ lùng như việc trời mở ra và việc Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự trên Người cùng với lời tuyên phong của Chúa Cha.
Đời sống công khai của Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc Người chịu phép rửa (Lc 3,21). Mặc dầu phép rửa mà Chúa lãnh nhận không phải là bí tích rửa tội, nghĩa là không để được tha tội vì Người không có tội, phép rửa đó cũng đánh dấu quyết liệt trong đời sống của Người. Phép rửa đánh dấu cái sứ mệnh công khai của Người trong việc rao giảng và chữa lành. Người chịu phép rửa để thánh hóa nước để trở thành chất thể trong bí tích rửa tội do Người thiết lập.
Chúa Giêsu được tấn phong
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên ý tưởng một cuộc lễ phong vương. Ngày xưa khi một vị hoàng vương được tôn lên làm vua thì họ phải trải qua một cuộc phong vương gồm ba sự việc :
– Phải tắm rửa sạch sẽ.
– Phải được xức dầu.
– Phải được tôn phong làm vua.
Hôm nay khi sắp ra giảng đạo để thi hành sứ mệnh Thiên Sai, Chúa Giêsu cũng được tấn phong làm vua qua ba nghi lễ như sau :
+ Trước tiên Người chịu phép rửa của Gioan dưới sống Giorđan như một dấu ăn năn sám hối, mặc dầu Người là con chiên trong sạch.
+ Sau đó, “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người”(Cv 10,38b; Is 61,1), để trở nên Đấng Thiên Sai :”Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế”(Cv 10,38c).
+ Cuối cùng, Người đã được Chúa Cha công nhận là Vua Cứu Thế và là Con Thiên Chúa, như Tin mừng Luca viết:”Khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng :”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,22).
Dấu chỉ Bí tích Rửa tội.
Câu hỏi tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa ? Các thánh sử đưa ra nhiều khía cạnh như Matthêu (3,14-15), Luca (3,21) hay Gioan (1,31-34). Các thánh giáo phụ còn đưa ra nhiều lý do khác, ví dụ Chúa chạm đến nước để thánh hóa nước và làm cho nước được thần lực tẩy xóa tội lỗi trong Bí tích Rửa tội…
Chúa Giêsu xin đến rửa, không phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Người chịu phép rửa là có ý nói lên : từ nay, Người chung số phận với người tội lỗi và đó là tất cả ý nghĩa đời Người, và cuộc đời này chỉ hoàn tất với Phép Rửa cuối cùng, của sự chết (Lc 12,50) vì chết là cùng chung số phận của con người tội lỗi, con người bị sa ngã và là số phận bi đát nhất, tệ hại nhất.
Chúa Giêsu đến với ông Gioan để lãnh nhận phép rửa, nhưng chính ông Gioan đã khẳng định ông chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Chúa Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Chúa Giêsu đã khai mở bí tích Rửa tội cho những kẻ theo Người bằng việc đích thân Người xin lãnh phép rửa từ Gioan. Chúa Giêsu muốn chúng ta có sự tiếp nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới, tiếp nối giữa lời rao giảng của vị tiên tri cuối cùng cao đẹp hơn tất cả các vị trước với lời rao giảng của chính Người để thiết lập Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, lễ rửa này Người đã biến đổi để có thể thực sự khai mào cho Bí tích Rửa tội.
- HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI.
Khi Chúa Giêsu để cho Gioan dìm mình trong nước không phải là để thanh tẩy Người vì Người không vương tội lỗi, Người muốn nói lên một ý nghĩa khác, đó là loan báo cái chết và sự phục sinh của Người : dìm mình xuống nước là biểu hiệu cái chết, trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.
Khi chúng ta nhận lãnh bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào sự chết và sống lại của Người. Chúng ta vào đời khi được sinh ra, và vào đạo Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong phép rửa tội chúng ta được thanh tẩy mọi tội lỗi, tội tổ tông và tội riêng. Do đó, nó biến chúng ta thành “một tạo vật mới” (2Cr 5,17), một nghĩa tử của Thiên Chúa (Gl 4,5-7), được thông phần vào sự sống thần linh (2Pr 1,4), trở nên chi thể của Chúa Kitô (Rm 8,17) và được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,15).
Đó chính là ơn siêu nhiên, “ơn thánh hóa”, “ơn sủng của sự công chính hóa” mang lại các nhân đức đối thần và luân lý, cùng các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tóm lại, “toàn bộ cơ thể của sự sống siêu nhiên của người Kitô hữu bắt nguồn nơi bí tích Rửa tội (Giáo lý Công giáo, số 1266).
Ngày được chịu phép rửa tội là một ngày trọng đại, ngày đáng ghi nhớ của chúng ta. Đức Giáo hoàng Piô XI đã nói với hàng ngàn thanh niên nhân ngày kỷ niệm rửa tội của Ngài :”Ngày chịu phép rửa tội là ngày cao quí nhất của đời Cha. Cũng như ngày các con chịu phép rửa tội là ngày cao quí nhất của đời các con”.
Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, một hồng ân cao quí Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta cũng nên có một vài cảm nghĩ về phép Rửa tội.
Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa tội trong nhà thờ.
Chúng ta được rửa bởi tất cả các biến cố xẩy ra trong đời:
– Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn : đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì gian trá và vô dụng.
– Chúng ta được rửa bởi những đau khổ, buồn rầu : đó là những dòng nước u ám nhưng chỉ có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.
– Chúng ta được rửa bởi niềm vui : đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.
– Chúng ta được rửa bởi tình yêu : đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.
Phép rửa là một hạt giống, cần phải nảy mầm trong suốt cả đời sống.(Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm C, tr 119)
III. KITÔ HỮU, NGƯỜI LÀ AI ?
Tất cả những người chịu phép rửa tội đều được gọi là Kitô hữu, một danh hiệu cao quí mà chính thánh Phaolô đã gọi lần đầu tiên ở Antiochia :”Barnabê và Saulê đến thành Antiochia. Hai người gặp dân chúng trong nguyện đường và dạy dỗ nhiều người. Chính ở Antiochia lần đầu tiên, những tín hữu được gọi là Kitô hữu”(Cv 11,26)
Nhờ phép rửa tội, chúng ta được mang tước hiệu là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Đức Kitô, được mang danh Chúa Kitô. Kitô hữu là một Kitô khác (Alter Christus). Mỗi Kitô hữu là một nối dài của chính Đức Kitô. Đó là tước hiệu cao cả của chúng ta. Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè mà phải luôn chiếu tỏa từng giây phút của cuộc sống.
Truyện : Kitô là gì ?
Sau đệ nhị thế chiến, tại một vùng mỏ than bên Anh, người ta hỏi tụi con nít :
– Kitô là gì ?
Chúng trả lời :
– Là một tiếng chửi thề.
Điều tra ra mới biết người lớn ở vùng này dùng từ Kitô để chửi thề.
Ở Việt nam, trước giải phóng, có một hãng bột giặt lấy tên Kitô mà đặt cho một loại sản phẩm của họ, cũng như một hãng mì ăn liền lấy tên Phật Tổ để đặt tên cho mì chay họ sản xuất
Vậy mà người Công giáo lẫn Phật giáo chẳng thấy ai phản đối. Trong khi đó, ở Pháp, hồi cuối thập niên 50, hãng phô-mai sản xuất loại “con bò cười”, trước tiên gọi nó là “con bò cầu nguyện” (La vache qui prie), đã bị các Kitô hữu kiện, vì đã nhạo báng tôn giáo.(Thiện Cẩm, Trái chín đầu mùa, tr 13)
Kitô hữu phải là người mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài như thánh Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Rôma :”Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”(Rm 13,14). Mặc lấy Chúa Kitô là trở nên chính Chúa Kitô để có thể nói :”Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).
Một người đàn bà quan sát người ta phân phát quần áo cũ cho người lang thang ngoài đướng phố. Thình lình một ý tưởng đến với bà : Nếu mang áo quần của người khác, gầy dép của người khác, thì mình sẽ như thế nào ? Và từ đó bà khám phá ra ý nghĩa của Kitô giáo. Kitô hữu là người mang giầy của người khác : giầy của Chúa Kitô. Họ đi đến nơi mà Chúa Giêsu muốn đến và làm những gì Ngài muốn thực hiện. Và đó cũng là ý nghĩa của việc muốn trở thành Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay.
Khi mang giầy của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy dễ chịu đến mức độ nào ? Và đôi giầy làm tôi khó chịu ở chỗ nào ? Mỗi đặc tính đều có một động lực bên trong. Xin hãy để cho Chúa Kitô là động lực đó. Mỗi hành động đều có một ý nghĩa chính. Xin hãy để cho Đức Kitô là ý nghĩa chính đó (Henry Drummond).
Định nghĩa trên nghe cũng hay hay. Dùng những từ như : việc mặc lấy, mang lấy giầy của Chúa Kitô, để diễn tả phần nào thực thể người Kitô là ai, việc dùng từ như vậy, không diễn đạt hết thực thể của người Kitô. Người Kitô không phải chỉ là là kẻ mang giầy của Chúa mà phải là chính Chúa Kitô, Ngài như thế nào, chúng ta phải như thể ấy.
Khi nói về Kitô hữu, sử gia Tertullianô viết :
“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ đã và phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, bởi vì họ đã đi cùng một đường với Chúa.
Câu :”Kẻ muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cũng như bị cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng hiện hình. Hèn gì mà trên tín trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi trệch đường” .
- SỨ VỤ NGƯỜI KITÔ HỮU.
Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa là ngày Ngài được tôn phong để đi rao giảng Tin mừng cứu độ. Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng Thiên Sai, mà dân tộc Israel hàng ngàn năm mong đợi.
Đức Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo. Mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi :”Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo hội và đối với những anh em không cùng tín ngưỡng” ?
Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu phép rửa không thể không nhắc nhở chúng ta nhớ đến sứ vụ của người Kitô hữu. Nhờ Bí tích Rửa tội chúng ta được nhận làm con Thiên Chúa, được hưởng gia tài vĩnh cửu của Thiên Chúa và nhất là cùng được sai đi đến với mọi người. Không việc làm gì cụ thể khác hơn là chúng ta học theo mẫu gương của Đức Giêsu và thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng, để nối tiếp công việc của Ngài.
Là con cái Thiên Chúa quả là một hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nhưng chúng ta phải làm gì để Chúa Cha được hài lòng ? Nếu Bí tích Rửa tội được cử hành cần đến nước thì cuộc sống người Kitô hữu cũng cần được gội rửa trong nước để trở nên thanh sạch và bắt đầu cuộc sống mới, trở nên con người mới thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa. Muốn được như vậy mọi suy nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta phải phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, hơn là ý riêng của mình, và hãy để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt như Đức Giêsu.
Truyện : Nội ngoại đồng nhất.
Có hai người bộ hành đi đường xa mệt nhọc, đêm đến phải vào ngủ trong một cái miếu nổi tiếng là có ma quái. Một người là Kitô hữu tin tưởng vào sự che chở của Chúa nên không chút sợ hãi. Trái lại, người bộ hành không phải Kitô hữu lại cảm thấy lo sợ, nên đã đề nghị với người bạn cho mình mượn Thánh giá đeo cổ.
Quả thực, đêm đó yêu tinh xuất hiện, nó lần mò đến từng người, sờ vào cổ người Kitô để sát hại. Con yêu tinh mới thốt lên :”Người này có trong mà không có ngoài”, nghĩa là người này là Kitô đích thực, dù không đeo một dấu hiệu nào.
Sang người bộ hành kia, con yêu tinh chạm đến Thánh giá trên cổ người ấy mà nói :”Người này có ngoài mà không có trong”, nghĩa là người này tuy mang Thánh giá, nhưng không phải là Kitô hữu đích thực.
Chúng ta là những Kitô hữu. Chúng ta thi hành các bổn phận đạo đức, chúng ta mang trên mình nhiều hình ảnh của Chúa và Đức Mẹ, nhưng liệu tâm hồn chúng ta có đích thực là tâm hồn Kitô hữu không ? Hay có lẽ chúng ta chỉ có cái bên ngoài hào nhoáng của thời trang, mà bên trong lại trống rỗng (Mỗi ngày một tin vui, tr 119).
Chúng ta thường gọi vua Đavít là thánh vương. Người Á đông cũng gọi các vua đạo đức thánh thiện là “thánh vương” như vua Văn, vua Vu thời xưa. Người ta lấy câu nói của Vương Dương Minh làm châm ngôn cuộc sống của các vị ấy :”Nội thánh, ngoại vương”, bên trong là vị thánh, bên ngoài là một ông vua.
Người Kitô hữu được tham dự vào chức tư tế vương giả của Đức Kitô, và cung cách vương giả của Đức Kitô chính là lòng quảng đại, biểu hiệu một tâm hồn luôn liên kết với Thiên Chúa Tình yêu.
Ước gì mọi tư tưởng, mọi hành động của chúng ta đều là một thể hiện của niễm tin sâu xa của đời sống đạo đích thực, chân thành và không giả dối.
PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG- ĐTGM Jos. Ngô Quang Kiệt
Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m. suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.
Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.
Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.
Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người gìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.
Dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhướng là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.
Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.
Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)/
Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.
- Chúa Giêsu không ngừng đi xuống. Còn bạn, bạn có tự hạ, hay là lúc nào bạn cũng muốn gìm người khác xuống?
- Làm thế nào để trở nên “Con yêu dấu” của Đức Chúa Cha?
- Hằng ngày, bạn có cảm thấy cần phải chịu phép rửa khiêm nhường của Chúa Giêsu không?
PHÉP RỬA– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Ba bài đọc lời Chúa hôm nay diễn tả rất phong phú về Đức Giêsu chịu phép rửa. Đức Giêsu không chỉ chịu phép rửa của Gioan, mà còn chịc phép rửa của Thánh thần, phép rửa của Chúa Cha.
Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan: Người chịu phép rửa của Gioan để biểu lộ mầu nhiệm nhập thể, một phép rửa tự hạ mình xuống, tự hủy mình đi. Người là Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ mình xuống làm thân phận loài người, hòa mình với toàn dân, sống trong kiếp người, mang lấy ách đau khổ và tội lỗi của toàn dân, cùng chịu phép rửa với toàn dân không phân biệt già trẻ, nam nữ, Hy lạp hay Do thái, nô lệ hay tự do, người cùng sống với họ rất từ tốn, không kêu to lớn tiếng, chẳng ai nghe thấy người lên tiếng giữa đường phố. Cây sậy bị dập Người không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt. Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan là để hoàn toàn hội nhập vào hàng ngũ loài người.
Đức Giêsu chịu phép rửa của Thánh Thần: Một phép rửa trong tình yêu. Tình yêu của Thánh thần đã thúc đẩy Đức Kitô cảm thông được sức ép kinh khủng của tội lỗi, của đau khổ đè nặng trên loài người, khiến Người thốt lên những lời cầu nguyện tha thiết với Thiên Chúa, có sức làm cho trời mở ra và Thánh thần ngự xuống trên Người để Người trở nên tôi trung được Thiên Chúa nâng đỡ, thành người được Thiên Chúa tuyển chọn, và Thiên Chúa hết lòng quý mến, tấn phong ban sức mạnh phi thường cho Người. Nhờ sức mạnh Thánh thần tình yêu, Đức Giêsu đi đến đâu thi ân giáng phúc tới đó, chữa lành mọi kẻ bị quỷ ám, bị tội lỗi kiềm chế, mở mắt cho kẻ mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, khỏi ngục những kẻ ngồi trong tối tăm và làm phép rửa cho anh em bằng Thánh thần và bằng lửa.
Đức Giêsu chịu phép rửa của Chúa Cha: Sức mạnh lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã vang dội tới trời khiến từ trời phán ra: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Ngày hôm nay Đức Giêsu đã chịu một phép rửa cực kỳ quan trọng mà sau này trên đường hành trình lên Giêrusalem Người đã tỏ ra cho các môn đệ biết: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy đã ước mong cho lửa ấy đã cháy bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc. 12, 49-50). Ngày hôm nay Đức Giêsu được Chúa sinh ra làm Đấng Cứu thế, Đấng Mêssia muôn dân mong đợi, Người bắt đầu lãnh trách nhiệm cứu độ muôn dân để thi hành sứ mệnh cao cả đó, Người phải chịu một phép rửa bằng máu trên Thánh giá, bằng hy sinh chịu đau khổ, dìm mình trong sự chết, để chỗi dậy trong sự sống vinh quang của Thiên Chúa, làm Con chí ái đời đời ngự bên hữu Chúa Cha.
Toàn diện cuộc đời Đấng Cứu thế là một phép rửa từ khi nhập thể, ẩn dật, giảng đạo đến tắt hơi thở trên thập giá. Phép rửa này được Thánh Phaolô đã suy niệm và viết lại cho giáo đoàn Philipphê và chúng ta chiêm ngắm: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Người còn lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người trổi vượt trên mọi danh hiệu, như vậy khi vừa nghe Danh thánh Giêsu cả trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phip. 2, 6-11).
Lạy Chúa, mỗi người chúng con được rửa trong nước và Thánh thần, nhưng đời sống của chúng con chưa thực hiện được ơn phép rửa mà chúng con đã lãnh nhận. Xin cho chúng con biết tự hạ mình xuống sống khiêm tốn để thanh tẩy tính kiêu ngạo tự phụ, biết sống yêu thương để chia sẻ vui buồn với mọi người, nhất là những người đau khổ, biết sống hy sinh vác thập giá mình để tham dự phép rửa bằng máu của Đức Giêsu đem lại ơn cứu độ cho những anh em chưa tin Chúa.
ĐẤNG GÁNH TỘI TRẦN GIAN– Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Thánh Gioan, vị ngôn sứ cao cả bậc nhất thời cựu ước, đã từng giới thiệu cho các môn đệ của mình về Chúa Giê-su như sau: “Người mạnh thế hơn tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3, 16), “Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, Người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi vì Người có trước tôi.” (Ga 1,29-30)
Thánh Gioan còn giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng sẽ cử hành một phép rửa vượt xa phép rửa của Gioan: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước. Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (Mc 1, 7)
Thế mà Chúa Giê-su lại đến với thánh Gioan như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.
Tại sao Chúa Giê-su lại hạ mình đến thế? Hành động nầy xem ra không xứng hợp với một Đấng thánh được Thiên Chúa sai đến, không xứng hợp với địa vị cao trọng mà ngay cả thánh Gioan cũng thú nhận là mình không xứng đáng cởi quai dép cho Người, không xứng hợp với Đấng sẽ làm phép rửa cho muôn dân trong Chúa Thánh Thần.
Chúa Giê-su hoàn toàn vô tội thì cần gì phải xin Gioan làm phép rửa cho mình? Vì như thế là không chân thực.
Phải hiểu thế nào về hành động hạ mình quá đáng nầy của Chúa Giê-su?
Chắc chắn Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì Người có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Người mà vì tội lỗi của thế gian mà Người đã gánh lấy. Thánh Gioan đã từng giới thiệu Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai đến trần gian để làm chiên đền tội.
Thời cựu ước, người Do-Thái làm lễ xá tội bằng cách đặt tay lên đầu con bò hay dê, trút hết tội mình cho nó, rồi sát tế nó, để nó chết thay cho người tội lỗi. (Lê-vi 8, 14-20)
Thế nhưng “máu của các con bò, con dê không thể trừ khử được tội lỗi” (Do-thái 10, 4) nên Chúa Giê-su đã hiến mình làm Chiên mới, Con Chiên của Thiên Chúa, đến mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân. Chính vì thế mà Người trở thành tội nhân, như lời thánh Phao-lô dạy: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (II Cr 5, 21)
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” (II Cr 5, 21), nên Chúa Giê-su hòa mình với những tội nhân khác, xin Gioan làm phép rửa cho mình và cùng với bao tội nhân khác tỏ lòng ăn năn sám hối.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” nên Chúa Giê-su đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để cứu chuộc loài người tội lỗi, như lời thánh Phê-rô: “Tội lỗi của chúng ta, Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pr 2, 21-24)
Tuy hoàn toàn vô tội, Chúa Giê-su vẫn mang lấy tội của mỗi người chúng ta nên đã chịu thanh tẩy, chịu khổ nạn và chịu chết vì chúng ta. Còn chúng ta, dù mang nhiều tội lỗi, lại không chịu nhận lỗi và chịu trách nhiệm về tội của mình, mà lại thường đổ lỗi cho người khác, trút trách nhiệm lên đầu người khác!
Hình ảnh Chúa Giê-su vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng ta phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết nhận tội và thành tâm sám hối tội lỗi của mình.
Chúa Giê-su đã mang lấy tội lỗi chúng ta, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng ta. Vậy chúng ta hãy thông phần vào công cuộc cứu độ của Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu chữa các tội nhân.
PHÉP RỬA TRONG THÁNH THẦN VÀ LỬA (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.(Lc 3,16)
Phúc âm hôm nay nhắc tới ba dạng Phép rửa khác nhau:
Phép Rửa thứ nhất là Phép Rửa bằng nước. Đây là Phép Rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan là Phép Rửa sám hối.
Đây là một dấu cho thấy dân chúng ăn năn tội lỗi của họ và muốn tẩy xóa nó đi.
Phép rửa này là bước đầu tiên trong một cuộc hành trình dài. Nó chỉ là một dấu hiệu, một khởi điểm.
Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi ông nói: “Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối – Nhưng có một Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Linh và bằng Lửa. Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi chẳng xứng đáng cúi xuống cởi dây dép cho Người.”(Mt 3,11)
Nói một cách khác, theo Gioan thì Phép rửa của ông chỉ là chuẩn bị cho Phép rửa bằng Thánh Linh của Đức Giêsu. Vào cuối đời Chúa đã nói với các môn đệ như thế này: “Các con hãy đi đến với mọi người trên khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”(Mt 28,19).
Phép rửa thứ hai là phép rửa của Chúa Giêsu. Đây là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô.”(Cl 2,12-13)
Như vậy qua Phép Rửa này, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa đời sống thần linh của Ngài. Điều này dẫn chúng ta đến phép rửa thứ ba: Phép rửa thánh Gioan làm cho Chúa Giêsu.
Phúc âm hôm nay mô tả thật rõ những sự kiện xảy ra khi Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho Ngài: “Bầu trời mở ra, rồi Thánh Thần hiện xuống rồi sau đó một giọng nói từ trời vọng xuống: Đây là Con yêu dấu của Ta. Con đẹp lòng Ta”
Nếu phải đặt cho phép rửa này một tên thì ta có thể gọi đây là phép rửa Mặc khải. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta qua hình ảnh bầu trời, Thánh linh và giọng nói được vang ra.
Trước hết là hình ảnh bầu trời được mở ra.
Ngày xưa người Do thái tin rằng Thiên Chúa sống ở trên một góc trời nào đó bên trên bầu trời bao bọc trái đất như một bức chắn. Nếu Thiên Chúa muốn đi vào trái dất thì Thiên Chúa phải đi qua bức chắn này. Tiên tri Isaia cũng cùng một quan niệm như thế khi ông nói: “Xin Chúa hãy xé toang bầu trời ra và xuống cứu dân của Người”(Is 64,1).
Hình ảnh bầu trời được mở ra có nghĩa là Thiên Chúa đã nghe lời cầu xin của nhà tiên tri và đã xuống thế gian. Như thế là một thời đại mới đã bắt đầu: thời đại Thiên Chúa xuống để cứu dân của Người.
Bước qua hình ảnh thứ hai: Thánh thần Chúa lượn quanh trên Đức Giêsu. Hình ảnh này thật giống với hình ảnh trong sách Sáng Thế Ký: “Thần khí Chúa bay lượn là đà trên mặt nước”(St 1,2) vào lúc Chúa khởi đầu việc tạo dựng. Tại sao lại có một sự trùng hợp như thế. Đây không phải là ngẫu nhiên. Ở đây Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Thời đại mới mà Ngài xây dựng trên trần gian là một cuộc tạo dựng mới. Nói cách khác đây là một cuộc tái tạo lại trần gian.
Sau hết là việc Thiên Chúa xác nhận Chúa Giêsu là Con của Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta”(Mt 3,17). Qua lời xác nhận này Thiên Chúa muốn giới thiệu với con ngươì về Chúa Giêsu như một “Adam mới”
Thánh Phaolô đã khai thác ý tưởng này rất hay như sau: “Con người đầu tiên tức Adam đã được tạo dựng nên như một vật sống. Còn Adam cuối cùng tức là Đức Giêsu là Thần ban sự sống….Adam thứ nhất đến từ đất – Adam thứ hai đến từ trời…..Như chúng ta đã mặc lấy hình ảnh người bởi đất mà ra (tức Adam thứ nhất) thế nào thì chúng ta cũng mặc lấy hình ảnh của người từ trời mà đến như thế. Người từ trời đây chính là Adam thứ 2, tức là Đức Giêsu.(1Cor 15,45-49).
Như vậy thì ý tưởng đã rõ. Phép rửa Chúa Giêsu chịu là Phép rửa Mặc khải. Nó báo cho con người biết là một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Kỷ nguyên này là một cuộc tạo dựng mới với sự có mặt của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa như một Adam mới của nhân loại.
Như vậy là chúng ta đang được sống trong một kỷ nguyên mới trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Bởi thế, thánh Phaolô nói với chúng ta: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. (Cl 3,1-2)
“Sống đích thực của anh em là Đức Kitô và khi Ngài hiện ra thì anh em cũng được xuât hiện với Ngài đễ được cùng chia sẻ vinh quang với Ngài.”(Cl 3,1-4).
Một hôm duyệt binh, vua Alexandre thấy một anh bộ đội có vẻ yếu ớt và mang một cây gươm dỉ sét, Ngài đứng lại và hỏi tên, hắn thưa mình là Alexandre.
Nghe nói, vua liền nổi giận, nhìn thẳng vào con người lười biếng đó và bảo:
– Mày một là phải đổi tên, hai là phải đổi tính nết.
Alexandre là một ông vua trẻ trung, can đảm, hoạt động mà tên lính của Alexandre thì như vậy vua coi là một điều xấu hổ.
Mang danh hiệu Kitô hữu, có đạo Đức Chúa Giêsu mà cách ăn ở không có gì giống Chúa, thì chỉ làm xấu cho đạo. Nhiều khi trong đời sống người có đạo còn thua kém người bên lương: ăn gian, nói dối, lỗi đức công bình, bác ái…
Xin được kết bằng lời của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.(Ep 4,17.24)
NGƯỜI CON YÊU DẤU- Trích Logos C
Thế là Mùa Giáng Sinh đã qua, người ta tổ chức và mừng Lễ Sinh Nhật thật long trọng và đầy vẻ thơ mộng với nhiều màu sắc lung linh. Thật ra, hình ảnh Be Lem chỉ là một Biến cố âm thầm nhỏ Bé, lặng lẽ giữa một đế quốc La Mã huy hoàng tráng lệ.
Cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu cũng trôi vào dĩ vãng, chẳng mấy ai quan tâm để ý. Phải đợi đến lúc Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta mới dần dần sống lại những tâm tình mà họ đã nghe tiên tri Isaia loan Báo trước đây. Cùng với Gioan, họ đang “chuẩn Bị tinh thần” Bằng những việc làm mà Gioan rao giảng, họ vội vàng xin chịu Phép Rửa, ăn năn sám hối để đón Chúa Giêsu-Đấng Cứu Độ muôn dân.
Đây là Con Ta yêu dấu
Nào có ai ngờ được rằng, Đức Giêsu, Đấng Thánh thiện cao cả, Đấng mà tiên tri Isaia loan Báo, Gioan Tẩy giả giới thiệu, nói rằng :” Tôi không xứng đáng cởi dây dày cho Người”, giờ đây lại đến thật Bình thường, khiêm hạ, đang đứng xếp hàng trong hàng ngũ “các tội nhân“. Đấng đến làm Phép Rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu Phép Rửa sám hối của Gioan.
Thật là ngạc nhiên và khó tin Chúa Giêsu là “Đấng từ Trời mà đến” khi Người làm như vậy. Chúng ta tin Đức Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội mà. Do đó, Chúa Giêsu nhận phép Rửa, không phải để sám hối, cho Bằng để mạc khải Thiên tính và sứ mạng của Người. Đây là lúc Chúa Cha xác nhận cho nhân loại Biết Đức Giêsu là ai : “Người là Con Ta yêu dấu“, được xức dầu Thánh Thần để thi hành sứ mạng cứu độ. Sứ mạng cao cả được thực hiện trong thân phận làm người, thân phận của một “tôi tớ đau khổ” (Is 53, 4).
Khi chịu để được dìm xuống dòng sông, Người muốn xuống tận đáy vực thẳm của kiếp người đang Bị chìm sâu trong tội lỗi, hầu lôi kéo tội nhân Biết ăn năn sám hối, chuẩn Bị đón nhận Phép Rửa của Người, Phép Rửa của sự tái sinh. Khi xếp hàng Bên Bờ sông Giordan, Người muốn đứng chung với tội nhân để nâng đỡ, an ủi và giao hoà tội nhân với Chúa Cha.
Nếu không có đức tin,làm sao có thể chấp nhận được mầu nhiệm Nhập thể, một Đức Giêsu với hai Bản tính : Bản tính Thiên Chúa và Bản tính loài người. Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Chúa Giêsu đã làm người cho đến tận cùng với cái chết, chứ không chỉ trong một giai đoan, một thời gian nào đó, để chia sẻ với loài người trong kiếp sống lầm than khốn khổ. Người muốn liên đới với mọi người trong những đau thương, hèn yếu, để đem đến cho mọi người một sức sống mới, sức sống Bởi Thần khí và dồi dào ân sủng.
Là Con yêu dấu của Chúa Cha, không chỉ trong lúc cúi mình chịu Phép Rửa, mà còn trải dài trong suốt cuộc sống. Tất cả những hành vi Chúa Giêsu làm, những phép lạ : chữa lành Bệnh tật, cho kẻ câm nói được, kẻ què đi được… và kẻ chết được sống lại, Chúa Giêsu đã thực hiện không phải để tìm vinh danh cho mình, mà để thực thi Thánh ý và làm đẹp lòng Chúa Cha. Trước khi đi vào con đường khổ nạn, trên núi TaBor, Chúa Cha lại một lần nữa xác nhận : “Đây là Con yêu dấu của Ta“. Cuộc đời của Chúa Giêsu luôn là một thông điệp diễn tả về tình yêu Bao la vô Bờ Bến của Thiên Chúa đối với nhân loại nói chung, và cho mỗi người chúng ta nói riêng. Như thế, ta chẳng còn lý do gì để thoái thác trong những Bổn phận, trách nhiệm mà Chúa trao Ban cho mỗi người, chúng ta phải cố gắng chu toàn để “sống xứng đáng là con Thiên Chúa “.
Phép Rửa, chết để được sống
Thánh Phaolô nói : “Khi được Rửa tội, là anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong Phép Rửa tội, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô, và nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 4). Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, ta trở nên nghĩa tử của Chúa Cha, là anh em của Chúa Giêsu. Mỗi một người, trong từng thân phận, là một thể hiện của tình yêu đặc Biệt dành riêng cho từng cá nhân trong công cuộc tạo dựng. Con người là thụ tạo cao quí, chứ không phải là một sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Cũng chính vì thế, Chúa Giêsu luôn ước mong và tìm đủ mọi cách, để mỗi người chúng ta cũng được trở nên “người con yêu dấu” là khi chúng ta “trở nên đồng hình đồng dạng” với Người.
Chúng ta hãy lắng nghe Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong diễn văn nhận sứ vụ ngày 24/5/2005, xác quyết : “Chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa sống động nơi Đức Kitô, thì khi đó chúng ta mới hiểu cuộc sống là gì. Chúng ta không phải là những sản phẩm tình cờ và vô nghĩa của sự tiến hoá. Mỗi một người trong chúng ta là kết quả một ý nghĩ của Thiên Chúa. Mỗi một người trong chúng ta đều được chọn, mỗi một người đều được yêu thương, mỗi một người đều là cần thiết. Không gì đẹp hơn là được ngạc nhiên Bởi Phúc Âm, Bởi sự gặp gỡ với Chúa Kitô. Không gì đẹp hơn là được Biết Ngài, và nói với người khác về tình Bạn với Ngài”.
Phép Rửa – sứ mạng “sai đi”
Sau khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu được Thánh Thần ngự xuống, được Chúa Cha sai đi. Sứ mạng “sai đi“ ấy Chúa Giêsu đã thi hành trọn vẹn để Ban ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta tiếp nối sứ mạng đó, noi gương Người để sống như Người giữa Biển đời này. Trong môi trường chúng ta đang sống, ở đâu và lúc nào cũng đang cần nhân chứng cho sự khiêm tốn, dấn thân và quảng đại. Trong Bất cứ hoàn cảnh nào cũng đang cần chứng nhân cho lẽ phải, cho sự thật. Liệu chúng ta có dám hy sinh để gột Bỏ những đam mê Bất chính, dám Bị “đục đẽo” đi những tính toán vụ lợi, ích kỷ, để can đảm dám sống , dám chết, liên đới với tha nhân, chia sẻ những nỗi đau với các số phận hẩm hiu, long đong đang cần mỗi người chúng ta “yêu thương và phục vụ.”
Ngày nọ, một em Bé đi thăm một nhà điêu khắc khi ông đang loay hoay đục đẽo một tảng đá cẩm thạch sần sùi. Em chẳng thấy gì ngoài tảng đá thô ráp và các mảnh đá Bắn ra tung toé. Sau mấy tháng, em trở lại thăm nhà điêu khắc. Lần này em rất đỗi ngãc nhiên, thay vì tảng đá sần sùi, Bây giờ là một con sư tử với những đường nét rất linh động, như sư tử thật. Em xúc động chạy đến nhà điêu khắc và hỏi : Thưa ông, làm thế nào ông Biết được trong tảng đá có con sư tử (để đục cho nó thoát ra) ?.
Cuộc đời Kitô hữu chúng ta có khác chi tảng đá sần sùi thô ráp trong thế gian, với Phép Rửa của Đức Kitô, nhờ tài điêu khắc của Chúa Thánh Thần, cùng với những nỗ lực từ Bỏ và hy sinh, chúng ta sẽ trở nên những Kitô hữu sống động với những đường nét tuyệt đẹp mà hồng ân Chúa Ban cho, để mỗi người chúng ta cũng trở nên “con yêu dấu của Chúa”.
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
CON YÊU DẤU– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC
Lễ kính nhớ Đức Giêsu chịu phép rửa, là chúng ta kết thúc mùa Giáng sinh, và bắt đầu với Chúa nhật thứ I mùa Thường Niên. Trong mùa Giáng sinh, chúng ta chiêm ngắm Hài Nhi Chúa Giêsu bé nhỏ nằm trong máng cỏ.
Trong mùa Thường Niên, chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệu cứu độ của Đức Kitô, khởi đi bằng việc đồng hành với dân chúng, đến bờ sông Giođan xin Gioan cử hành Phép rửa. Như vậy, Đức Giêsu đã trải qua 30 năm âm thầm sống trong mái nhà Nazareth. Từ đây, Ngài bắt đầu cuộc đời hoạt công khai rao giảng Tin Mừng, trong công cuộc rao giảng, rất nhiều lần Đức Giêsu dùng nước để bày tỏ quyền năng và lòng thương xót của Ngài. Chẳng hạn Ngài đã dùng nước để biến thành rượu ngon đem lại niềm vui và hạnh phúc cho đôi tân hôn.
Rõ ràng nước là nhu cầu thiết yếu cho muôn loài thọ sinh. Nước đem lại sự sống cho con người và thanh tẩy mọi sự. Trong dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa dùng nước để thanh tẩy tội lỗi và kiến tạo một nhân loại mới.
Chẳng hạn như câu chuyện lụt Đại Hồng Thủy. Khi nhân loại đắm chìm trong tội lỗi, lúc bấy giờ Chúa cho mưa xuống 40 đêm ngày, Hồng Thủy tiêu diệt tất cả nhân loại tội lỗi xấu xa đó, trừ gia đình ông Noe, được Thiên Chúa tuyển chọn.
Rồi biến cố dân Do thái vượt qua biển Đỏ. Chúa làm cho nước rẽ ra như bức tường hai bên tả hữu, và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Khi quân Aicập đuổi theo trong lối đi ấy, thì Chúa cho nước ập lại vùi dập chiến xa và kỵ binh của vua Pharaon không còn tên nào sống sót.
Khi Gioan Tẩy Giả thực hiện sứ mạng, ông kêu gọi dân chúng dọn lòng đón đợi Đấng cứu thế. Lắng nghe lời ông, họ lũ lượt kéo đến bờ sông Giođan, bày tỏ lòng sám hối, xin Gioan làm phép rửa cho họ.
Phép rửa của Gioan là hình ảnh tiên trưng, để sau này Đức Giêsu sẽ rửa chúng ta bằng Máu Thánh của Ngài và trong Chúa Thánh Thần.
Tin mừng thánh Luca ghi lại, lúc Đức Giêsu từ dòng sông Giođan bước lên, đang lúc cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu. Lúc đó, có tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Đây là mạc khải đầu tiên về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.
Có thể nói rằng: Tiếng Chúa Cha từ trời phán “Con là con yêu dấu của Cha”. Tiếng nói ấy không chỉ dành riêng cho Đức Giêsu, mà còn cho tất cả những ai khi lãnh nhận Bí tích thanh tẩy đều trở nên con cái Thiên Chúa.
Chi tiết Chúa Thánh Thần ngự xuống mang một ý nghĩa sâu xa, làm chúng ta nhớ lại khởi đầu công trình sáng tạo, Thánh Thần Thiên Chúa bay là là trên mặt nước. Chi tiết này nói lên sự tạo dựng mới mà sau này Đức Giêsu sẽ thực hiện bằng phép rửa, là điểm khởi đầu công cuộc tái sinh mới trong Chúa Thánh Thần.
Như vậy, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được vén mở từ đây, để rồi sau này, chính Đức Giêsu sẽ còn mặc khải thêm cho các tông đồ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Và trước khi Đức Giêsu về trời, Ngài ra lệnh cho các Tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Anh chị em thân mến,
Trong kinh Vinh Danh có câu, chỉ có Chúa là Đấng Thánh, ấy thế mà tại sao Đức Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa? Khi đặt câu hỏi như thế, chúng ta mới thấy nổi bật lên Đức Giêsu hòa nhập với con người, Ngài muốn liên đới với con người, để rồi khi từ dưới dòng sông Giođan bước lên, Ngài muốn nâng rước họ lên trở thành con cái Thiên Chúa.
Thật đúng như lời thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ mình ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại Ngài đã hủy mình ra không, sống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi”.
Hơn 2.000 năm qua, từ thời các Thánh tông đồ cho đến nay, luôn luôn có những người bước theo gương Đức Giêsu, là đồng cảm với anh em đồng loại.
Chẳng hạn như: Cha Đamiêng tông đồ người hủi, thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Mẹ thánh Têrêsa Calcutta… những vị này không ngừng dấn thân vào khắp hang cùng ngõ hẻm, sống chung với những mãnh đời đau thương dập nát, nhất là những anh em nghèo khổ, bất hạnh, những người mà xã hội ít quan tâm, bằng đôi tay nâng đỡ, với con tim rộng mở, để xoa dịu và đem lại niềm vui bình an của Chúa cho họ.
Thế thì hôm nay, hành động của Đức Giêsu hòa mình với dân chúng lãnh nhận phép rửa nơi bờ sông Giođan muốn nói với chúng ta rằng: trong cuộc đời, có những lúc chúng ta gặp thất bại, đau khổ, buồn phiền, cách này cách khác, thì hãy tin rằng: Đức Giêsu vẫn đang đồng hành thiêng liêng, vẫn có mặt trong cuộc đời chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra ơn Chúa nâng đỡ hay không.
Mừng Lễ Đức Giêsu chịu phép rửa, xin Chúa ban cho chúng ta được ơn luôn là con cái của Chúa. Và khi cầu nguyện, chúng ta đừng đến với Chúa một mình, nhưng hãy liên đới với tất cả mọi người, đặc biệt những người bất hạnh, những người đang bị bỏ rơi. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ họ, giúp họ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Amen.
ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ
Kitô hữu ngày nay biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể; nhưng những người ngày xưa như dân Bêlem, dân làng Nadarét và cả những người nghe Đức Giêsu rao giảng, đều không biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Họ đã đối xử với Đức Giêsu như một con người. Vì thế, khi Đức Giêsu mặc khải Ngài ngang hàng với Thiên Chúa thì Ngài bị người ta kết án tử hình. Đối với người thời đó, không có chuyện Thiên Chúa ba ngôi vị, nên chẳng có chuyện Thiên Chúa nhập thể.
Đức Giêsu là con của Đức Maria ở Nadarét. Ngài đã được sinh trong chuồng chiên cừu ở Bêlem khi cha mẹ Ngài không tìm được chỗ qua đêm. Ngài sinh ra như một người nghèo hèn nhất trong thiên hạ. Không ai biết chân tướng của Ngài. Có lẽ cả Đức Maria và thánh Giuse cũng chỉ biết Đức Giêsu là một người rất đặc biệt, là người của Thiên Chúa, nhưng vẫn chưa biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Người ta chỉ biết Thiên Chúa là ba ngôi vị sau biến cố Đức Giêsu Phục Sinh.
Đức Giêsu đã sống một thời gian dài ở Nadarét như tất cả những người Do Thái thời đó. Ngài hành nghề lao động như bao người nghèo. Tin về Gioan con ông Dacaria rao giảng làm phép rửa sám hối đến làng Nadarét, chắc Đức Giêsu không phải là người duy nhất từ Nadarét muốn đi nhận lãnh phép rửa sám hối với Gioan. Có lẽ Ngài đã xin Đức Maria, và được sự đồng ý của Mẹ, Ngài đã lên đường tới sông Giordan. Ngài chờ đợi tới phiên mình. Ngài cũng gục đầu sám hối như bao người. Ngài cảm thấy mình liên đới với con người tội lỗi. Ngài thống hối xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho tất cả mọi người. “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian”. Ngài chịu phép rửa, vì Ngài gánh tội trần gian.
Đức Giêsu đã sống một thời gian dài sống ở Nadarét, vì Ngài không thấy Thiên Chúa muốn Ngài làm điều gì đặc biệt. Với biến cố này, Thiên Chúa thúc đẩy Ngài tới với Gioan để nhận phép rửa sám hối. Sau khi lãnh nhận phép rửa sám hối, Thánh Thần Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài vào sa mạc ăn chay cầu nguyện (Mt.4, 1tt). Ngài cầu nguyện để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì. Đức Giêsu là một người chia sẻ thân phận con người hoàn toàn, nghĩa là, Ngài cũng chấp nhận “đi tìm ý Thiên Chúa” như tất cả mọi người. Cũng chính trong bầu khí này mà người ta hiểu tại sao Ngài lại bị cám dỗ. Ma quỷ cám dỗ Ngài làm sai ý của Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài đã chống lại. Đức Giêsu đã chiến thắng.
Đức Giêsu cũng đã phải nhận định xem mình có nên chịu phép rửa hay không, vì Ngài thấy mình đâu có tội lỗi gì để mà phải nhận lãnh phép rửa sám hối. Đức Giêsu đã muốn liên đới với con người, với tội nhân, nên Ngài đã đi nhận lãnh phép rửa. Hành vi này của Ngài, đã được Thiên Chúa chuẩn nhận. “Khi Ngài đang cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con’”.
Hành vi Đức Giêsu nhận lãnh phép rửa sám hối, làm đẹp lòng Thiên Chúa. Khiêm tốn, liên đới với người nghèo và người tội lỗi, là cung cách hành xử của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã thực hiện đúng ý Người. Đức Giêsu luôn tìm kiếm ý Thiên Chúa, và một khi thấy thì Ngài thi hành:
Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta (Ga.4, 34),
Lạy Cha, nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha.
Đức Giêsu luôn tìm kiếm để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì. Sở dĩ vậy, vì Đức Giêsu chia sẻ thân phận con người hoàn toàn (Dt.2, 17; 4, 15). Con người không biết nên phải tìm kiếm ý Thiên Chúa, thì cũng vậy Đức Giêsu cũng chia sẻ tính vô tri này của con người, và Ngài cũng phải liên tục tìm biết ý Thiên Chúa.
Khiêm tốn là nhìn nhận sự thật về chính mình. Đức Giêsu đã nhìn nhận sự thật về chính Ngài, và hơn nữa, Ngài còn tự hạ mình, muốn chia sẻ thân phận của anh em mình vì yêu thương. Hành vi này của Ngài, đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Hành vi khiêm tốn, là hành vi chấp nhận sự thật về chính mình, và cũng là hành vi được điều khiển bởi tình yêu. Yêu thương sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình để anh em mình được sống.
Biến cố Đức Giêsu xuất hiện, đã được Giáo Hội nhìn như một biến cố đặc biệt mà Cựu Ước đã loan báo như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao; Hỡi kẻ loan tin mừng cho Yêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật lớn … kìa Thiên Chúa các ngươi đang tới”. Nơi Đức Giêsu, người ta thấy vinh quang của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến cách đặc biệt nơi Đức Giêsu.
Biến cố Đức Giêsu cũng đã chi phối và biến đổi đời sống của những người tin Ngài một cách dứt khoát. Đời sống của Kitô hữu phải dọi theo đời sống của chính Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu luôn chọn ý Thiên Chúa trên tất cả, Ngài luôn yêu thương anh chị em mình. Ngài yêu họ đến độ dám hy sinh chính mạng sống mình cho họ, nói cho họ biết Thiên Chúa yêu thương họ đến cùng khi cho Con Ngài nhập thể, cho dù khi nói như vậy Ngài bị người ta hiểu lầm và giết Ngài. Đức Giêsu là người đã đến sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Xin cho mỗi người chúng ta sống theo gương Ngài, yêu thương và khiêm tốn, để đem hạnh phúc cho những người chúng ta gặp gỡ và sống với.
-Theo bạn, tại sao Đức Giêsu chịu phép rửa khi Ngài thấy mình không có tội?
-“Đức Giêsu cũng đi tìm ý Thiên Chúa như mỗi con người”. Theo bạn, nói như vậy có hạ phẩm giá của Đức Giêsu không? Tại sao?
-Bạn thấy Đức Giêsu gần gũi hay xa lạ với bạn? Xin bạn chia sẻ.
BA DẠNG PHÉP RỬA- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là gạch nối giữa hai giai đoạn quan trọng: sống ẩn dật 30 năm âm thầm với gia đình tại Nadarét và rao giảng công khai sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đây cũng là gạch nối giữa hai mùa phụng vụ : Giáng sinh và Thường niên.
Hôm nay Chúa nhật I thường niên, Giáo Hội sẽ cùng đồng hành với Chúa Giêsu qua các biến cố của đời rao giảng, khởi đầu là sự kiện Chúa chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan.
Bài Tin Mừng nói đến ba dạng Phép rửa.
Phép rửa sám hối.
Đây là Phép Rửa bằng nước do Gioan thực hiện tại sông Giođan “Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối “(Mt 3,11). Ai chịu phép rửa đều phải có một thái độ nội tâm cũng như bên ngoài, phải tin vào sứ điệp của Gioan, phải trở lại thực lòng, phải quay về với Thiên Chúa.Tuy nhiên, phép rửa của Gioan chỉ có tính cách tượng trưng, tự nó không có sức xóa bỏ được tội lỗi mà chỉ là nghi thức nhắc nhở cho mọi người phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Phép rửa sám hối chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định : “Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, Ngài quyền phép hơn tôi, chính Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và bằng lửa”. (Mt 3,11). Gioan làm phép rửa sám hối để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế.
Phép rửa mạc khải.
Khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu tìm đến sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả cử hành phép rửa cho mình. Phép rửa Chúa Giêsu chịu là Phép rửa mạc khải về một kỷ nguyên mới đã bắt đầu.Chính khung cảnh thần hiển của bài Tin mừng kể là một mạc khải sống động về Ba Ngôi: Chúa Giêsu cúi mình trên dòng nước, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình bồ câu và tiếng Chúa Cha xác nhận “Này là Con Ta yêu dấu”.
Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc 1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài ” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là động thái gây kinh ngạc cho con người thời nay, vì khó hiểu: Đấng không có tội lại đi nhận phép rửa làm gì? Nhưng người ta cũng sớm hiểu ra rằng: phép rửa của Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Người còn hữu ý qua động thái có một không hai đó, công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Có ba dấu hiệu bài Tin mừng mạc khải không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.
-Dấu hiệu 1 : Trời mở ra.
Sách Sáng thế đã nói : Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Qua biết bao thế kỷ, Dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh Kinh ngụ ý là con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.
-Dấu hiệu 2 : Thánh thần ngự xuống như chim bồ câu.
Sách Sáng Thế có nói:Trước khi tạo dựng trời đất thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2) như để thông truyền sức sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu thì ngụ ý: Chúa Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới. Chính Thánh Phaolô xác định : “Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tạo vật mới” (Gal 6,15)
– Dấu hiệu 3 : Lời của Chúa Cha : “Con là con yêu dấu của Ta”.
Qua lời tuyên bố này chúng ta nhận biết Đức Giêsu là con thật của Thiên Chúa, và sau này Đức Giêsu dạy cho biết: những ai tin vào Người và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.
Phép Rửa tái sinh.
Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô.”(Cl 2,12-13). Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở thành thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của chính Thiên Chúa hằng sống. Bí tích Rửa tội chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.
Bí Tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).
Bí Tích Rửa Tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG #263).
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được tái sinh trong của Chúa Giêsu nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhờ Bí Tích Rửa Tội, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.
Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.
Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.
Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí tích Rửa Tội để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
CHÚA CHỊU PHÉP RỬA, TA HÃY XIN ƠN SỐNG XỨNG ĐÁNG LÀ CON CÁI CHÚA – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Tiếp theo lễ Chúa Hiển Linh, kết thúc mùa Giáng sinh, Giáo Hội cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Lễ này được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Bởi thế, vào những thời kỳ đầu các Giáo phụ đã đặc biệt quan tâm, vì tính cổ thời quan trọng của nó. Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, tượng trưng cho tất cả hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế. Để cứu rỗi nhân loại, dù vô tội, Chúa Giêsu đã đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mang trên mình tội lỗi của thế nhân. Hành động khiêm nhường và tự hủy này được Chúa Cha chứng dám : ” Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3, 22). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố Chúa Biến Hình.
Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?
Thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien cho biết : “Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo”. Nên dù Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích bài giảng của thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien). Thánh Phêrô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì : “Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gio-an đóng vai Đức Ki-tô ; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát”. Nên Gioan giảng: ” Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!” (Lc 3, 16). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa ; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra: “Chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu ” (Lc 3,21).
Tại sao khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, trời lại mở ra?
Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa xong, trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Người. Vì khi Ađam phạm tội, ông bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cửa trời đóng lại và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ… Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.
Tại sao Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu?
Thưa : Chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình . Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại trận hồng thủy trong Cựu Ước nhấn chìm trái đất và toàn thể loài người trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu ngậm cành ôlui xuất hiện để báo đại hồng thủy đã chấm dứt, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ đây, tất cả những điều này cũng tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi mới, điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và lòng thương xót Chúa… Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất. Nay Chim bồ câu báo tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế gian đã lui đi, thế gian không còn chìm ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta được phục hồi, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.
Lời ngôn sứ nói : “Tiếng Chúa vang rền trên nước… Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét” (Tv 28). Tiếng nào vậy ? “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người” (Is 42, 1). Đây là tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác :”Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”(Lc 3, 22).
Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau, trong mối liên hệ ấy với Thiên Chúa, chúng ta được tái sinh và trở nên con cái Thiên Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta được sống xứng đáng là con cái Chúa. Amen.
ƠN GỌI LÀM CON- Lm GB. Trần văn Hào, SDB
Biến cố Chúa chịu phép rửa được cả ba sách Tin mừng nhất lãm kể lại. Sự kiện này đánh dấu việc khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Đức Giêsu. Trình thuật cũng tiên báo về bí tích rửa tội mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài.
Một cuộc lễ phong vương trong khiêm hạ.
Ngày xưa, khi một người sắp được tấn phong làm vua, người ta tiến hành nghi thức gồm 3 giai đoạn: Tắm rửa sạch sẽ, xức dầu thơm và nghi lễ phong vương long trọng. Bài Tin mừng hôm nay cũng phác vẽ tiến trình ấy. Đức Giêsu được dìm xuống để tẩy rửa trong dòng sông Giorđan. Ngài được Thánh Thần xức dầu và đậu xuống trên Ngài. Sau cùng Ngài được chính Chúa Cha tấn phong qua lời tuyên bố ‘Đây là Con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng’. Tuy nhiên cuộc phong vương mà phụng vụ hôm nay gợi nhắc chỉ là hình bóng. Đức Giêsu sẽ thực sự được tấn phong làm Vua khi Ngài được tắm rửa bằng máu đổ ra trên Thập giá, được xức dầu tẩn liệm trong huyệt đá và được Chúa Cha cho Phục sinh để khai mở một triều đại mới, một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên ơn cứu độ.
Các chi tiết mà thánh Luca mô tả trong Tin mừng hôm nay đều mang chở những nội dung rất sâu xa. Trước hết, sự kiện trời mở ra diễn bày sự giao hòa giữa trời và đất. Theo quan niệm Do thái cổ xưa, Thiên Chúa ở tít trên cao và con người ở sâu tận trong vực thẳm dưới đất thấp. Có cả một khoảng cách mênh mông con người không thể vươn tới. Cửa trời mãi khép lại, và con người luôn bị ngập chìm trong bóng tối của tội lỗi và sự chết. Vì vậy trong Cựu ước, chúng ta nghe những lời rên xiết ai oán của dân Chúa vọng lên cao: “Lạy Chúa xin xé trời mà ngự đến với chúng con”. Khi Đức Giêsu thụ tẩy trong dòng sông Hòa giang, bầu trời đã mở toang ra, và đất trời được giao hòa. Đây là hình tượng tiên báo bí tích Thánh tẩy của Tân ước. Một khi được dìm trong máu Đức Giêsu, chúng ta cũng được tẩy sạch mọi tội lỗi và được nâng lên địa vị làm con cái Chúa. Con người từ đất thấp được vươn lên tới trời cao.
Thứ đến, Thánh Luca thuật lại việc Chúa Thánh Thần đậu xuống trên Đức Giêsu dưới hình chim bồ câu. Tác giả sách Sáng Thế mô tả Thần Khí như là nguyên lý tác sinh vũ trụ: “ Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 2). Khi Đức Giêsu sống lại, Ngài cũng hiện ra với các Tông đồ và ‘thổi hơi ban Thánh Thần’ (Ga 20, 22). Như vậy sự hiện diện của Thần khí chứng thực một cuộc tạo dựng mới, đem đến cho con người luồng sinh khí mới để chúng ta được sống sung mãn trong nguồn ân sủng. Chúa Giêsu lãnh phép rửa để khai mở ơn cứu độ. Ngài bắt đầu đi rao giảng Tin mừng, và đây là Tin mừng giải phóng, phục hồi nơi ta sự sống thần linh. Đó chính là sự tái tạo mà Đức Giêsu sẽ thực hiện qua cái chết và sự phục sinh vinh thắng của Ngài.
Cuối cùng, chúng ta nghe câu tuyên bố của Chúa Cha. Lời Thánh vịnh này cũng được lập lại trong đêm Giáng sinh: “Này là Con Ta yêu dấu, ngày hôm nay Ta đã sinh ra Con”. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng thực hiện một cuộc đản sinh mới nơi loài người. Phụng vụ hôm nay là cao điểm và kết thúc mùa Giáng sinh, mùa chúng ta mừng kính việc Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang của Ngài nơi Đức Giêsu. Hài nhi Giêsu đến trần gian để thực hiện thánh ý Chúa Cha, diễn bày sự giao hòa trời đất, và dẫn đưa chúng ta đi vào một tạo dựng mới, phục hồi cho chúng ta phẩm giá được làm con cái Chúa.
Văn hóa xếp hàng.
Ngày nay, xã hội nói nhiều về loại hình văn hóa này. Sự chen lấn xô đẩy, dành giật nhau là những gì chúng ta thấy xảy ra nhan nhản hằng ngày. Người văn minh rất khó chịu khi nhìn vào những cảnh tượng ấy. Nhiều người vẫn còn nhớ thời bao cấp, chúng ta phải xếp hàng rồng rắn có khi cả ngày mới mua được vé xe đò hay mua được vài ba ký lương thực theo chế độ tem phiếu. Nhưng không phải chỉ chúng ta mà hơn 2000 năm trước đây, Đức Giêsu đã từng đứng xếp hàng bên dòng sông Giorđan. Có điều khá lạ lùng, là Ngài đứng chung với những người tội lỗi để xin thụ tẩy theo lời mời gọi của Thánh Gioan tiền hô. Gioan đã từng tuyên bố cho dân chúng: “ Đây là Chiên Thiên Chúa, đấng gánh tội trần gian”. Thế thì tại sao Con Chiên vô tội ấy lại lặng lẽ đứng xếp hàng, chung với các tội nhân. Đây là một nghịch lý khó hiểu, không phải chỉ đối với Gioan, nhưng còn đối với tâm thức con người thuộc mọi thời đại.
Bài học ở đây không phải chỉ là bài học về ‘văn hóa xếp hàng’, nhưng Đức Giêsu muốn diễn bày một linh đạo sâu xa khi đứng chung với những con người tội lỗi. Ngài tự mang lấy muôn tội của loài người cho dù Ngài hoàn toàn vô tội. Ngài xin được thanh tẩy trong dòng sông, nhưng chính con sông Giorđan ấy mới cần được thanh tẩy. Nơi con người Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra hết nghịch lý này đến nghịch lý khác. Những nghịch lý đó nhằm diễn bày chân trời yêu thương rộng mở mà Đức Giêsu đã khai sáng. “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính Con một, để ai tin Người Con ấy sẽ được cứu độ” (Ga 3, 16). ‘Văn hóa xếp hàng’ mà Đức Giêsu đi bước trước, hàm chứa bài học sâu xa về sự khiêm hạ sâu thẳm.
Ơn gọi làm con.
Nhà văn Flannery O’Connor trong tác phẩm “Dòng sông” có viết một câu chuyện hư cấu với nội dung gần giống với câu chuyện chúng ta nghe trong Tin mừng hôm nay. Một giáo sỹ đang giảng đạo cho dân chúng bên cạnh một con sông nhỏ và mời gọi dân chúng sám hối để thụ tẩy. Một dãy người đông đảo đứng xếp hàng nối đuôi nhau để xin ông làm phép rửa. Chú bé Bavel cũng đứng trong dãy người chờ đến lượt mình. Vị giáo sỹ dìm đứa bé xuống nước và làm nghi thức, sau đó xách cổ đứa bé lôi lên khỏi mặt nước và nói: “Này chú bé, lúc nãy chú mày chẳng là cái thớ gì, nhưng bây giờ chú em có giá rồi đấy”. Mọi Kitô hữu chúng ta cũng trở nên có giá vì đã được dìm trong máu cứu độ nơi giếng rửa tội. Chúng ta mang nơi mình giá trị vô song vì được biến đổi hoàn toàn, được lãnh nhận thiên chức trở nên con cái Thiên Chúa. Phẩm giá ưu việt chúng ta có được nhờ vào sự thanh tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội.
Một vị Cha già đã chua chát nhận xét: “Nhiều vị linh mục ngày nay khi được mọi người gọi mình bằng cha, bỗng quên mất đi ơn gọi làm con của mình”. Đây là ơn gọi căn bản và cao quý nhất mà tất cả chúng ta, các Kitô hữu đều được chia sẻ. Cách đây vài thập niên ở Âu Châu, có một phong trào rộ lên đòi tự do một cách vô lối. Nhiều bạn trẻ Công giáo đặt vấn đề tại sao bố mẹ đem tôi đến nhà thờ để rửa tội mà không hỏi ý kiến trước. Họ phải đợi chúng tôi lớn lên, đủ trưởng thành để chúng tôi quyết định về sự tự do chọn lựa của mình. Khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đi thăm viếng mục vụ nước Pháp vào những năm thập niên 80, nhiều người đồng loạt ký tên xin ra khỏi Giáo hội vì não trạng và thái độ mang tính ngụy biện giống như vậy.
Không cần nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, không ít Kitô hữu vẫn có tên trong giáo xứ, nhưng cuộc sống của họ cũng giống như những con người vô thần, xa rời hẳn mẹ Hội Thánh. Ở bên Pháp người ta vẫn gọi họ là ‘le croyant mais non-practiquant’, chỉ tin trên lý thuyết còn thực hành thì không. Còn chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta đã sống ơn gọi Bí tích rửa tội như thế nào?
Kết luận
Phụng vụ hôm nay gợi nhắc về ơn gọi cao quý chúng ta đã lãnh nhận nơi giếng rửa tội. Chúng ta nhìn vào gương mẫu Đức Giêsu, một Con Chiên vô tội đã tự hạ, xếp mình ngang hàng với những tội nhân hèn mọn. Về phần chúng ta, chúng ta có đủ khiêm tốn nhận ra những bất toàn nơi con người mình để cố gắng sống thật sung mãn ơn gọi của Bí tích rửa tội hay không? Bí tích thánh thiêng ấy đã ghi ấn tích vĩnh viễn nơi tâm hồn chúng ta, một ấn tích không thể xóa nhòa. Còn lại, chúng ta có bổn phận phải phát huy và sống thật trọn vẹn ơn gọi cao quý này.