CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM B
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
CHÚA SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI TỪNG HAI(*)– Chú giải của Noel Quession 6
HÀNH TRANG CỦA VỊ THỪA SAI (*)- Lm Inhaxiô Hồ Thông. 13
CHÚA KÊU GỌI VÀ SAI CÁC ÔNG ĐI TRUYỀN GIÁO – Chú giải của Fiches Dominicales 29
NHỮNG NGƯỜI TIỀN HÔ CHO NHÀ VUA- Chú giải mục vụ của William Barclay 36
CHÚA SAI CHÚNG TA ĐI- Lm. Carolo Hồ Bắc Xái 43
SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA– Lm. Giuse Đinh Lập Liễm.. 70
HÀNH TRANG NGƯỜI MÔN ĐỆ- ĐTGM. Jos. Ngô Quang Kiệt 86
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B.. 91
GỌI VÀ SAI ĐI- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An. 91
SỨ MỆNH TÔNG ĐỒ– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm.. 98
SAI ĐI- Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn. 102
BÀI SAI- Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 107
SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG- Lm. Giuse Nguyễn Thành Long. 112
KHÔNG BÁNH MÌ, CŨNG CHẲNG TÚI TIỀN- Lm Nguyễn Ngọc Thế 116
THIÊN CHÚA NÓI QUA TRUNG GIAN- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ 128
CHÂN DUNG CỦA SỨ GIẢ TIN MỪNG – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền. 134
LÊN ĐƯỜNG THI HÀNH SỨ VỤ VỚI CHÚA GIÊSU- Lm Inhaxiô Trần Ngà 138
ĐÔI DÉP VÀ CHIẾC GẬY Trích Logos B.. 141
NGƯỜI SAI HỌ ĐI (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý. 145
ĐƯỢC MỜI GỌI VÀ SAI ĐI- Lm. Phêrô Lê Văn Chính. 153
HÀNH TRANG TRUYỀN GIÁO- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC 158
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta”.
Bài trích sách Tiên tri Amos.
Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”. Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. (2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. (3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.
BÀI ĐỌC II: Ep 1, 3-14
“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Đức Kitô. Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Đấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Đức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b
All. All. – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – All.
PHÚC ÂM: Mc 6, 7-13
“Người bắt đầu sai các ông đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
Đó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
CHÚA SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI TỪNG HAI(*)– Chú giải của Noel Quession
Chúa gọi Nhóm Mười Hai lại, và sai đi từng hai người một.
Một trong những việc làm đầu tiên của Đức Giêsu, ngay từ bắt đầu cuộc sống công khai, là chọn những cộng tác viên (Mc 1,16). Sau khi đã dần dần bổ sung nhóm môn đệ (Mc 2,14), cuối cùng Đức Giêsu đã chọn 12 vị. Con số tượng trưng ám chỉ ý định của Người muốn thành lập một dân tộc Israel mới, dựa theo mười hai Tổ phụ hay mười hai Chi tộc. Trong phần đầu của Tin Mừng, chúng ta thấy các Tông đồ đi theo Đức Giêsu và ở “với Người” (Mc 3,14).
Hôm nay, có thể nói, Đức Giêsu sắp ẩn mình đi và trao phó sứ vụ của Người trong tay các tông đồ. Lần đầu tiên các ông đi rao giảng một mình, không có Đức Giêsu. Đó là thời kỳ Giáo Hội đang bắt đầu. Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện dựa trên thái độ này của Người: Thiên Chúa của chúng ta, Người trao cho chúng ta những trách vụ quan trọng: Người không điều khiển chúng ta như những con rối. Tôi có những trách nhiệm nào? Lạy Chúa, Chúa chờ đợi gì nơi con?
Chúa sai họ đi.
Trong năm chương đầu của trình thuật, Maccô đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy “Đức Giêsu với các môn đệ”, tạo thành một nhóm duy nhất và hợp nhất đối lại với đám đông, với các đối thủ. Vào lúc “kêu gọi” các ông (Mc 3,13-14), Maccô ghi nhận, Đức Giêsu đã “thiết lập Nhóm Mười Hai” để ở với Người và để Người “sai họ đi”. Đó cũng chính là chuyển động của trái tim: Tâm trương… tâm thu… máu vào tim rồi chuyển đến các cơ quan. Hoạt động tông đồ thông thường cũng như thế: Sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, mang Đức Kitô đến khắp nơi trên thế giới. Đó cũng là hoạt động của đời sống Kitô hữu: Tập họp quanh Chúa vào mỗi Chúa nhật, tản mác trong cuộc sống hằng ngày để nên nhân chứng sống động của Chúa.
“Anh hãy đi! Anh em được sai đi” “Ite, Missa est” chữ Messe (Thánh Lễ) có nghĩa là “sự sai đi”. Chính Chúa đã thiết lập nhịp sống đó. Tôi có sống như thế không? Tôi có thường sống “với Chúa” trong suy niệm, trong nguyện cầu không? Tôi có ý thức mình được Chúa “sai đi” vào đời sống thướng nhật để làm một việc gì đó, có liên quan đến Chúa không?
Người sai đi từng hai người một.
Phải có hai người thì chứng tá mới có giá trị (Ds 17,6; 19,5). Dân gian đã khôn ngoan đặt ra nhiều câu ngạn ngữ để nói về điều này. “Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy, nhưng khốn cho kẻ đi một mình” (Gv 4,9).
Quy tắc đầu tiên của việc tông đồ là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu, trước khi bàn tới. “Các bạn hãy nhìn xem họ thương nhau biết bao!”. Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Đó là ý muốn rõ ràng của Đức Giêsu. Vậy tôi phải tự vấn về thái độ của tôi. Chủ nghĩa cá nhân có nhưng hình thức tinh vi và đáng sợ: Chúng ta không thích những người anh em khác kiểm tra thái độ sống của riêng mình. Tuy nhiên?
Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, trừ cây gậy; không được mang lương thực, mang bao bị, mang tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
Điều đáng lưu ý là chúng ta không thấy Đức Giêsu dặn dò các Tông đồ về nội dung giáo thuyết, “Sứ vụ” của các ông. Chúa không bảo các ông “phải giảng điều gì”. Người chỉ nhắc nhở các ông những chi tiết “phải sống”. Đối với Đức Giêsu, chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.
Thực tế lời khuyên duy nhất của Thầy liên quan đến đòi hỏi sống nghèo khó. Những người đại diện Chúa phải tỏ ra mình không cậy dựa vào sự giúp đỡ, vào uy tín nào của con người. Tất cả chỉ dựa vào niềm tin nơi Đấng đã sai họ. Thánh Phaolô sẽ khai triển đòi hỏi này khi khẳng định: “Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời lên gương mặt Đức Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình đất, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,6-7). Thánh Phaolô cũng khoe về sự nghèo khó của mình: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời nói hùng hồn hoặc triết lý cao siêu… nhưng tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy… có vậy đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (l Cr 2,1-5).
Vâng, điều Đức Giêsu muốn, đó là những đoàn ngũ phải nhẹ nhàng, không có những hành trang cồng kềnh, luôn sẵn sàng đi nơi khác. Lữ khách, phải là người sẵn sàng. Có lẽ, Giáo Hội không ngừng tự “làm nhẹ bớt” để sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Còn tôi? Tôi sống thế nào trước đòi hỏi nghèo khó này? Đức Giêsu đã nói rõ với các bạn hữu của Người, chỉ mang theo những vật hết sức cần thiết. Chiến thắng sự cám dỗ của tiền bạc là chiến thắng đầu tiên của Tin Mừng, là bài giảng đầu tiên rất cần thiết cho một thế giới tham lam, là trận chiến hàng đầu (nơi chính bản thân mình trước hết) chống lại một kẻ thù lớn của nhân loại: Sự chiếm hữu của cải! Nguồn gốc của chia rẽ, tranh chấp và kiêu ngạo!
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đến gần lý tưởng từ bỏ mà Chúa mong muốn.
Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.
Chúng ta ngạc nhiên vi tầm quan trọng của thái độ khước từ “tiếp nhận” trong diễn từ của Đức Giêsu. Nhưng môn đệ của Người có thành công lắm không? Hình như không được khá lắm. Người ta dễ dàng đoán được những ý nghĩ: “Các ông muốn chúng tôi trở lại chăng? Nhưng hiện nay chúng tôi rất tốt! Chúng tôi là những người Do Thái tốt theo truyền thống. Tại sao phải thay đổi những thói quen của chúng tôi? Xin các ông hãy đi giảng đạo nơi khác” Những khó khăn của Kitô hữu khi trình bày đức tin không phải chỉ ngày nay mới có, Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Các con chớ có lo lắng. Đây là điều Thầy đã tiên liệu, Thầy đã báo trước cho các con”. “Chúng ta chớ nên ảo tưởng”.
Ngày nay cũng như thời Đức Giêsu sứ điệp đích thực của đức tin vẫn bị đa số khước từ, không đón nhận. Vì thế điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta là: Luôn đứng vững đừng ngã lòng: “Nếu người ta không tiếp nhận các con, các con hãy đi nơi khác”. Chịu đựng thái độ không tin, lãnh đạm, chối bỏ,… điều đó xem ra hết sức bình thường đối với Đức Giêsu. Sự thật là khó khăn. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho những người được sai đi rao giảng Tin Mừng.
Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Họ đã làm đúng những gì họ thấy Đức Giêsu làm khi họ “ở với Người”. Nội dung của nỗ lực “truyền giáo” gồm 3 giai đoạn:
- Rao giảng lời Chúa, đòi hỏi một sự thay đổi đời sống, một cuộc hoán cải.
- Chiến đấu chống sự dữ, xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người để giải thoát họ.
- Hoạt động giúp người nghèo, cải thiện đời sống và chữa lành bệnh tật.
Hoán cải
Đó là nội dung thứ nhất của việc rao giảng: Hãy thay đổi cách sống. Hãy hoán cải. Chúng ta hiểu vì sao các Tông đồ được ít người nghe theo và bị từ chối. Thông thường, con người không thích “thay đổi” cách sống: Hãy để cho chúng tôi yên! Thế mà, Thiên Chúa lại hay gây phiền hà, Người yêu cầu chúng ta dấn thân vào một cuộc sống mới. Chữ Hy Lạp “mitanoa” dịch ra là “hoán cải”, có nghĩa là “đổi ngược tinh thần”. Vậy là phải đổi hướng: Chúng ta đã đi theo một hướng, bây giờ phải quyết tâm đổi ngược lại. Đây không phải là điều dễ. Tin Mừng luôn mang tính ác liệt. Chúng ta đã biến Tin Mừng trở nên loại gì? Một thứ học thuyết thiếu năng động? Một thứ thuốc ngủ? Một thứ nâng đỡ cho trật tự hiện hành? “Các Ngài đã kêu to” “ékèruxan” phải thay đổi cuộc sống “Metanoôsin”.
Trừ quỷ
Chắc hẳn Maccô đã dùng những cách mô tả theo tâm thức của những người đương thời, nhưng rõ ràng sứ vụ mang tính chất bi kịch. Đó là một cuộc chiến! Một cuộc chiến chống lại quyền lực của sự dữ trên thế giới. Những “nhà truyền giáo” những người được Chúa “sai đi” không quảng cáo cho một sản phẩm để bán chạy. Các Ngài đã lên đường để đương đầu với một đối thủ ghê gớm. Sự chống đối mà các Ngài gặp không chỉ đến từ những người khước từ vì không hiểu. Có một lực lượng đối kháng. Một sự chống lại Tin Mừng đến từ xa hơn: Đó là những điều chúng ta gọi là ‘tội lỗi thế gian’. Ngày nay, chúng ta có thể diễn tả thế nào về những thế lực xấu xa mà chúng ta phải chống lại để xua đuổi chúng.
Chữa lành
Lôi kéo con người ra khỏi những thế lực xấu làm cho họ hư mất, đó cũng là giúp họ thăng hoa phẩm giá một cách tích cực, là chữa lành họ. Đây là một trong những đòi hỏi rõ ràng của Đức Giêsu. Mệnh lệnh vẫn có giá trị, mặc dù trong bối cảnh văn minh hiện nay, nó mang một hình thức cụ thể khác.
Rao giảng Tin Mừng.
Không phải chỉ là “giảng dạy” mà đặc biệt còn là “giải thoát”. Ngày nay rao giảng Tin Mừng phải có những hình thức tân tiến và thích ứng thế nào để phù hợp với thời đại của chúng ta? Chúng ta phải chiến đấu chống lại những sự dữ nào? Xã hội chúng ta cần sự chữa lành nào?
Tin Mừng vẫn luôn mang tính thời sự, nhưng chính chúng ta không còn nghe được lời kêu gọi hoán cải của Tin Mừng nữa.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
HÀNH TRANG CỦA VỊ THỪA SAI (*)- Lm Inhaxiô Hồ Thông
Chủ đề Chúa Nhật XV năm B này là Sứ Vụ. Sứ vụ đem lại cho người lãnh nhận sự cao cả, niềm hân hoan, nhưng cũng không thiếu nỗi buồn phiền, vị đắng cay.
Am 7: 12-15
Trong Bài Đọc I, ngôn sứ A-mốt, vốn xuất thân từ vương quốc miền Nam, vương quốc Giu-đa, được Thiên Chúa sai đi truyền đạt sứ điệp của Ngài cho dân chúng vương quốc miền Bắc, vương quốc Ít-ra-en. Sứ vụ thật khó khăn, dù bị trục xuất trở về vương quốc Giu-đa, nhưng ngôn sứ A-mốt cũng đã hoàn thành sứ vụ ngôn sứ của mình.
Ep 1: 3-14
Trong phần mở đầu thư gởi các tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô cho biết ý định muôn thuở của Thiên Chúa là cứu độ nhân loại. Thiên ý này được Đức Ki-tô mặc khải, hoàn thành và chuyển giao cho Giáo Hội.
Mc 6: 7-13
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su sai nhóm Mười Hai ra đi thi hành sứ vụ với lời căn dặn phải có tinh thần siêu thoát triệt để, cũng như báo trước những thất bại có thể có.
BÀI ĐỌC I (Am 7: 12-15)
Các sự việc diễn ra ở vương quốc miền Bắc, dưới triều đại của vua Gia-róp-am II (787-747 tCN)
Hoàn cảnh lịch sử:
Để hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử ở đó ngôn sứ A-mốt được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình, xin được nhắc lại, sau khi vua Sa-lô-mon băng hà, vào năm 931 trước Công Nguyên, mười hai chi tộc Ít-ra-en chia rẽ nhau. Hai chi tộc vẫn trung thành với vương triều Đa-vít, tức vương quốc miền Nam, còn gọi là vương quốc Giu-đa. Mười chi tộc còn lại tách ra khỏi vương triều Đa-vít, tự chọn cho mình một vị vua mới, vua Gia-róp-am, và thiết lập vương quốc miền Bắc, còn gọi là vương quốc Ít-ra-en.
Vương quốc miền Nam có lợi thế là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đối lại, vương quốc miền Bắc xây dựng hai đền thánh: đền thánh Ghin-gan thuộc cực bắc xứ Pa-lê-tin, và đền thánh Bết-Ên thuộc cực nam cách Giê-ru-sa-lem khoảng chừng 15 cây số, ngỏ hầu dân chúng miền Bắc quên đi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đền thánh Bết-Ên có ưu điểm là nhắc nhớ tổ phụ Gia-cóp; chính ở nơi đây mà vị tổ phụ này đã có một giấc mơ được lưu truyền mãi (một chiếc thang nối liền trời với đất) trong đó ông đã nghe tiếng Đức Chúa phán. Vì thế vị tổ phụ đã gọi nơi nầy là Bết-Ên, nghĩa là “Nhà Thiên Chúa”.
Hai đền thánh nầy, cũng như các tư tế phục vụ chúng, hoàn toàn phụ thuộc vào vương triều, như ông A-mát-gia, tư tế đền thờ Bết-Ên, nói cho ngôn sứ A-mốt biết: “Đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều”.
Sứ vụ của ngôn sứ A-mốt:
Vốn là người sinh trưởng ở vương quốc miền Nam, vị ngôn sứ đã được Thiên Chúa sai đến vương quốc miền Bắc để thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình. Ngôn sứ xuất thân từ một thị trấn miền Bết-lê-hem; ông làm nghề chăn nuôi súc vật và chăm sóc vườn cây ăn trái, chính xác là châm những trái nho dại để làm cho chúng trở thành trái nho ngọt (phải chăng đây cũng chính là ý nghĩa sứ vụ ngôn sứ của ông?).
Sứ mạng của vị ngôn sứ gặp nhiều khó khăn. Ông phải ngỏ lời với dân chúng đang sống trong cảnh thanh bình, thịnh vượng và phú túc. Tuy nhiên, xã hội đầy dẫy những chuyện bất công. Những kẻ “lắm tiền nhiều của” liên kết với những kẻ “có thế có quyền” áp bức bốc lột những người nghèo hèn trong xứ. Sứ điệp của ngôn sứ gởi đến vương quốc miền Bắc thịnh vượng nầy thật nghiêm khắc: “Chúng ghét người sửa trị nơi cửa công và thù oán kẻ ăn ngay nói thật. Vậy, bởi các ngươi chà đạp kẻ yếu hèn và đánh thuế lúa mì của họ, nên những ngôi nhà bằng đá đẻo các ngươi đã xây, các ngươi sẽ không được ở; những gốc nho ngon ngọt các ngươi đã trồng, các ngươi sẽ không được uống rượu của chúng. Bởi Ta biết tội ác các ngươi nhiều vô kể, tội lỗi các ngươi nặng tầy trời: nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ, nào áp bức kẻ nghèo hèn tại cửa công” (5: 10-12).
Vị ngôn sứ phẩn uất trước những lễ hội xa hoa, những đám rước linh đình của những kẻ làm giàu trên xương máu của những người nghèo hèn. Ông nhận thấy ở nơi những lớp vỏ thịnh vượng vật chất giả tạo bên ngoài là thực chất của một xã hội bất công thối nát. Vì thế, vào thời buổi nầy, cách xử thế khôn ngoan nhất là “Dĩ hòa vi quý”, nhắm mắt làm ngơ trước hiện trạng bất công xã hội mà mình đang sống: “Bởi thế thời buổi nầy, ai cẩn trọng thì làm thinh, vì đây là một thời khốn quẩn” (5: 13). Tuy nhiên, ngôn sứ A-mốt không như thế, ông đã nhân danh Thiên Chúa tuyên sấm tố cáo lối sống gian trá của vương quốc nầy: “Vào ngày Ta trị tội Ít-ra-en Ta sẽ triệt hạ các bàn thờ của Bết-Ên: các sừng của bàn thờ sẽ bị bẻ gãy và quăng xuống đất. Biệt thự mùa đông, biệt thự mùa hè, Ta sẽ triệt phá; điện ngọc đền ngà sẽ sụp đổ, lâu đài dinh thự cũng tan hoang” (3: 14-15).
Sấm ngôn của A-mốt:
Thật ra, khi thấy hiểm họa xâm lăng của các đạo quân Át-sua, ngôn sứ A-mốt ra sức cảnh báo ngăm đe ngỏ hầu vương quốc Ít-ra-en, vương quốc miền Bắc, có thể hồi tâm trở lại cùng Thiên Chúa của mình, thay đổi đời sống mà tránh khỏi án phạt: “Hãy tìm Đức Chúa thì các ngươi sẽ được sống”. Ngôn sứ A-mốt không nêu đích danh Át-sua, ông chỉ nói đơn giản “quân thù”: “Quân thù sẽ bao vây lãnh thổ, sẽ triệt hạ sức mạnh của ngươi, và đền đài của ngươi sẽ bị cướp phá…” (3: 11). Rảo khắp các thành thị và đền thánh, vị ngôn sứ cảnh báo: liệu Thiên Chúa sẽ gìn giữ dân của Ngài, nếu dân vẫn cứ ngoan cố trong tội ác của mình? Sấm ngôn của ông càng lúc càng vang dội lời cảnh báo ngăm đe: “Hãy tìm kiếm điều lành chứ đừng tìm điều dữ rồi các ngươi sẽ sống”. Sấm ngôn của ông được ứng nghiệm. Vương quốc miền Bắc bị tiêu diệt dưới những cuộc tấn công của quân Át-sua và biến mất vĩnh viễn khỏi lịch sử vào năm 721 trước Công Nguyên.
Phẩm chất của ngôn sứ A-mốt:
Trước đó, tư tế A-mát-gia tố cáo ngôn sứ A-mốt với vua Gia-róp-am: “A-mốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ Ít-ra-en, và đất nước nầy không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. Vì A-mốt nói như thế nầy: Gia-róp-am sẽ chết vì gươm, và Ít-ra-en sẽ bị đày biệt xứ” (7: 10-11). Trong đoạn trích hôm nay, tư tế A-mát-gia, hoặc thừa hành lệnh vua, hoặc nhân danh quyền của mình là tư tế lãnh đạo thánh địa Bết-Ên, truyền lệnh cho ngôn sứ A-mốt ra khỏi thánh địa nầy mà trở về vương quốc Giu-đa: “Nầy thầy chiêm ơi, Mời ông ra khỏi nơi này, cuốn gói về xứ Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm!”.
Tư tế A-mát-gia vu khống ngôn sứ A-mốt khi đồng hóa ông với các ngôn sứ mạo danh, những kẻ xem việc tuyên sấm như một nghề để làm ăn, để kiếm tiền. Trước lời vu khống nầy, ngôn sứ A-mốt đáp lại: ông không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải xuất thân từ trường lớp ngôn sứ, nhưng chỉ là người chăn súc vật và chăm sóc vườn cây. Chính Đức Chúa “đã bắt lấy” ông khi ông đang làm công việc thường ngày của mình, nghĩa là, chính Thiên Chúa đã gọi ông và sai ông đi thi hành sứ vụ của Ngài mà ông không thể cưỡng kháng được. Đó là cứu thoát dân Ít-ra-en khỏi án phạt của Thiên Chúa sắp đến.
Sự nghiệp của ngôn sứ A-mốt:
Phải chăng lệnh truyền của tư tế A-mát-gia đã chấm dứt sự vụ của ngôn sứ A-mốt? Chúng ta không biết chính xác; nhưng xem ra sứ vụ ngôn sứ của A-mốt chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sứ điệp của ông vẫn lưu danh muôn thuở.
Ngôn sứ A-mốt là vị ngôn sứ bút ký sớm nhất mà sứ điệp của ông vẫn còn được bảo tồn bằng văn tự cho đến ngày nay. Ông đã khai sáng “độc thần giáo luân lý”, đây là nét đặc trưng của truyền thống ngôn sứ Ít-ra-en: “đưa đạo vào đời”. Ở nơi sứ điệp của ông, chúng ta gặp thấy âm vang lời dạy của Công Đồng Va-ti-can II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thật sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thật vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được quy tụ trong Chúa Ki-tô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi đem đến cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên đới mật thiết với loài người và lịch sử loài người” (Vui Mừng và Hy Vọng, số 1).
BÀI ĐỌC II (Ep 1: 3-14)
Thánh Phao-lô đã viết bức thư nầy khi ngài bị giam cầm ở Rô-ma vào những năm 61-63. Chủ đề của bức thư là ý định muôn thuở của Thiên Chúa không gì khác hơn là cứu độ nhân loại. Thiên ý này được Đức Giê-su mặc khải, hoàn thành và chuyển giao cho Giáo Hội.
“Chúc tụng Thiên Chúa…”
Đoạn văn mà chúng ta đọc là phần đầu của bức thư ngay sau lời chào hỏi mở đầu. Thánh nhân diễn tả tâm tình tạ ơn theo cách thức cầu nguyện của truyền thống Do thái, được gọi “berakah”: “Chúc tụng Thiên Chúa”. Dù với tư cách cá nhân hay cộng đoàn, lời nguyện nầy bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, không trừu tượng, nhưng luôn luôn vì những ân phúc rõ ràng. “Lời chúc tụng” nầy có thể là lời cầu nguyện tự phát cá nhân, điển hình như những lời kinh nguyện của bà An-na, mẹ ông Sa-mu-en, của ông Tô-bi-a, của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Đây cũng là lời kinh nguyện gia đình trước bữa ăn và đặc biệt long trọng vào bữa ăn Vượt Qua. Đức Giê-su đã đọc “lời chúc tụng” trên bánh và rượu. Sau cùng, lời chúc tụng là hình thức tuyệt vời nhất của kinh nguyện hội đường.
Thánh Phao-lô, trước đây là một Pha-ri-sêu, vẫn trung thành với hình thức chúc tụng nầy. Toàn bộ bài thánh thi nầy kể ra muôn phúc lộc mà Thiên Chúa đã tuôn xuống cho nhân loại. Thánh nhân cũng bắt đầu thư thứ hai gởi các tín hữu Cô-rin-tô theo cùng một cách như vậy: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi nhân ái, và là Thiên Chúa hằng sẳn lòng ủi an những ai lâm cảnh gian nan khốn khó…” (2Cr 1: 3).
Ý định muôn thuở của Thiên Chúa:
Trước tiên, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng Thiên Chúa là nguyên lý và nguồn mạch của muôn phúc lộc mà Ngài đã chuẩn bị kế hoạch muôn thuở của Ngài trên nhân loại.
Chúng ta ghi nhận rằng “lời chúc tụng” này được xây dựng theo kỷ thuật đóng khung rất quen thuộc với thánh Phao-lô, bắt đầu: “Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (1: 3) và kết thúc: “Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa, anh em đã nghe chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em đã được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (1: 13-14). Như vậy, lời chúc tụng này bắt đầu trong Đức Ki-tô, trong Ngài Thiên Chúa ban xuống muôn vàn phúc lộc của Thánh Thần cho chúng ta, để rồi kết thúc cũng trong Đức Ki-tô mà chúng ta nghe được Tin Mừng cứu độ và cũng trong Đức Ki-tô mà Thiên Chúa đóng ấn chúng ta bằng Thánh Thần, là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng Gioan: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1: 16).
Đức Ki-tô và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa:
Trong nhiệm cục xưa, mọi sự đều nhằm chuẩn bị cho cuộc giáng trần của Đức Ki-tô; trong nhiệm cục mới, mọi sự đều khởi đi từ Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô đặt ở trung tâm lời chúc tụng của mình công trình cứu độ của Đức Ki-tô. Chính nhờ Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, mà kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện. Việc mặc khải thiên ý mầu nhiệm nầy là một sự khai mở diệu kỳ, cao vời khôn ví, vượt quá sự khôn ngoan thông hiểu của loài người (chúng ta nhận ra ở đây một đề tài rất tâm đắc của thánh nhân trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô nầy).
Sau cùng, thánh nhân gợi lên vai trò của Đức Giê-su, “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô”. Ở đây, động từ Hy lạp “quy tụ” được thánh Phao-lô dùng một lần khác trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma để nói lên rằng giới luật Đức Ái “thâu tóm” tất cả mọi giới luật khác (Rm 13: 9). Trong đoạn trích này, ý nghĩa cũng như vậy. Đức Giê-su “thâu tóm” toàn thể vũ trụ vì ở nơi Người mà muôn loài trên trời dưới đất đều quy hướng về Người để gặp thấy sự hiện hữu của chính mình và ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Theo sau thánh Phao-lô, động từ “thâu tóm” đã đi vào trong từ vựng thần học, nhất là với thánh I-rê-nê, và trở thành đối tượng của biết bao sự khai triển.
Nói một cách chính xác, thánh Phao-lô không gán cho Đức Ki-tô vai trò vũ trụ, nhưng triển khai khái niệm “Nhiệm Thể”. Theo cách nầy, thánh nhân chống lại vũ trụ quan của Do thái như trong thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê, đồng thời cũng chống lại vũ trụ quan của phái khắc kỷ. Quả thật, trong vài môi trường Do thái, người ta gán cho các thiên thần một vai trò đặc biệt và xem các ngài là những người tổ chức và điều hành vũ trụ. Các Ki-tô hữu xuất thân từ Do thái giáo duy trì những niềm tin như thế có nguy cơ giảm nhẹ vai trò của Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô sửa sai vũ trụ quan này. Đối với phái khắc kỷ, họ thấy sự hòa điệu và trật tự của vũ trụ qua tác động của sức mạnh thần thiêng. Những biểu ngữ của thánh Phao-lô rất gần với phái khắc kỷ, nhưng thánh nhân loại bỏ tất cả khuynh hướng phiếm thần. Về điểm nầy, thánh nhân định vị tư tưởng của mình vào trong truyền thống minh triết Cựu Ước, nghĩa là thánh nhân mượn vài đề tài ở nơi trường phái khắc kỷ, nhưng định vị chúng vào trong viễn cảnh của Đức Chúa cao siêu mầu nhiệm (Hc 43: 26-28; Kn 1: 7; 7: 22-23; 12: 1, vân vân).
Kế hoạch của Thiên Chúa được diễn tiến trong lịch sử:
Lúc đó, thánh Phao-lô nhắm đến kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại được diễn tiến trong lịch sử, được gọi Lịch Sử Cứu Độ. Lịch sử cứu độ này được bày tỏ qua ba giai đoạn: Chúa Cha hoạch định, Chúa Con thi hành, Chúa Thánh Thần tác động.
Trước tiên, thánh nhân gợi lên việc tuyển chọn Ít-ra-en, dân Chúa chọn, để làm nhân chứng về việc trông đợi Con của Ngài. Ở đây, thánh nhân ngỏ lời với các tín hữu gốc Do thái mà ngài kể mình vào trong số họ với đại từ “chúng tôi”: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Ngài, đã tiền định cho chúng tôi đây…”. Tiếp đó, thánh nhân nói với các Ki-tô hữu gốc lương dân bằng đại từ “anh em”: “Trong Đức Ki-tô cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em…”. Sau cùng, thánh nhân đề cập đến việc Chúa Cha sai phái Chúa Thánh Thần một cách nào đó như là thực hiện lời cam kết theo đó Ngài đã hứa ban gia nghiệp, nghĩa là được sống bên Ngài để “ngợi khen vinh quang Thiên Chúa”.
Diễn ngữ “ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” lập lại đến ba lần (1: 6, 12, 14) như một điệp khúc trong lời chúc tụng nầy. Đó là mục đích tối hậu của kế hoạch Thiên Chúa: đó là cứu cánh của nhân loại.
TIN MỪNG (Mc 6: 7-13)
Trong chương trước, thánh Mác-cô đã tường thuật việc Đức Giê-su chọn nhóm Mười Hai và xác định sứ vụ của họ: “Người thiết lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (3: 14). Thánh Lu-ca tường thuật cùng một sự kiện và nói thêm: “Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6: 13). Thật ra, các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đã tránh dùng danh xưng “Tông Đồ” cho các môn đệ, trong khi thánh Gioan không bao giờ dùng thuật ngữ nầy, vì “Tông Đồ” tức là “người được sai đi” mà chỉ mình Đức Giê-su xứng đáng với danh xưng này: Người là Đấng được Chúa Cha sai đi. Chung chung, các thánh ký thường nói: “nhóm Mười Hai” hay đơn giản “các môn đệ”.
Nguồn gốc sứ vụ của các môn đệ:
Sau một thời gian chuẩn bị: “nhóm Mười Hai” đã sống với Người, đã nghe giáo huấn của Người và được Người giải thích mọi điều, đã thấy quyền năng của Người qua các phép lạ của Người, cũng như những thất bại của Người như ở Na-da-rét, Đức Giê-su cho rằng đã đến lúc đặt các ông vào trong thử thách khi sai các ông đi thi hành sứ vụ.
Thái độ nầy của Đức Giê-su thật sự là mới mẽ. Vào thời của Người, các kinh sư quy tụ chung quanh mình một nhóm môn đệ để chia sẻ cuộc sống của thầy; tuy nhiên, họ không bao giờ nghĩ đến việc sai các môn đệ ra đi và ủy quyền cho họ thi hành sứ vụ. Chính Đức Giê-su đích thân sai các ông đi và ủy quyền cho các ông thi hành sứ vụ, như sau nầy Người sẽ nói với họ trước khi từ giả các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi” (Ga 20: 21).
Sai đi từng hai người một:
Chúa Giê-su sai các ông đi từng hai người một. Thánh Mát-thêu đã bảo tồn cho chúng ta nhóm từng hai người một nầy: Phê-rô và An-rê, Gia-cô-bê và Gioan, Phi-líp-phê và Ba-tô-lô-mê-ô, Tô-ma và Mát-thêu, Gia-cô-bê và Ta-đê-ô, Si-mon và Giu-đa.
Có phải ở đây Đức Giê-su quan tâm đến tâm lý? Chắc chắn, công việc dễ dàng hơn nếu có hai người cùng nhau bàn bạc, bổ sung cho nhau và giúp đỡ nhau trên dặm đường truyền giáo; nhưng con số “hai” cũng là biểu tượng cộng đoàn, nghĩa là các vị thừa sai không làm việc đơn lẻ một mình, nhưng làm việc cùng nhau theo từng nhóm. Ngoài ra, theo quy định của Lề Luật, một lời chứng chỉ có giá trị nếu có hai nhân chứng (x. Đnl 17: 6; 19: 15; Ds 35: 30). Các môn đệ sẽ làm chứng từng hai người một về những dấu chỉ của Vương Quốc Thiên Chúa: trước hết, quyền năng trên những thế lực sự Dữ; thứ nữa, siêu thoát khỏi những bận lòng trần thế để nhắm đến những của cải tinh thần.
Hành trang của vị thừa sai.
Những căn dặn của Đức Giê-su cho các vị thừa sai nhắm đến hành trang thật gọn nhẹ, hay đúng hơn không trang bị gì cả: không lương thực, không bao bị, không tiền giắc lưng, không áo để thay đổi. Có vài chi tiết khác biệt giữa các Tin Mừng Nhất Lãm, tuy nhiên bài học thì rõ ràng: đức khó nghèo và sự phó thác hoàn toàn vào ơn Quan Phòng phải là những dấu ấn mà các vị thừa sai để lại trong lòng mọi người. Phong thái của họ cực kỳ đơn giản giống như những lữ khách lòng không vương vấn bất cứ điều gì cả. Họ được mô tả như những lữ khách luôn luôn sống trong tư thế lên đường, không tìm cách định cư ở một nơi nào nhất định, bởi vì còn có những nơi khác nữa cần đến sứ điệp của họ. Vào lúc dùng bữa sau cùng với các môn đệ, Đức Giê-su sẽ hỏi các ông: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”. Mọi người đồng thanh đáp: “Thưa không” (Lc 22: 35).
Quả thật truyền thống hiếu khách Đông Phương tạo cơ hội thuận tiện cho việc thi hành sứ vụ của các các môn đệ lữ hành. Tuy nhiên, Đức Giê-su căn dặn họ một sự ổn định nào đó: “Khi anh em vào nhà nào mà người ta đón tiếp, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi”.
Giũ bụi chân:
Vì là những người được sai đi rao truyền sứ điệp một cách vô vị lợi, nên họ được hưởng quyền được tiếp đón một cách vô vị lợi từ những gia đình mà họ viếng thăm. Nhưng Đức Giê-su cũng tiên liệu sứ điệp kêu gọi hoán cải mà họ rao giảng có thể có những người khước từ: “Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”.
Đây là tập tục của người Do thái sau cuộc hành trình trở về. Khi đặt chân lên miền đất Pa-lét-tin, họ giũ bụi đường khỏi giày dép để không đưa bụi phàm trần vào đất thánh của mình. Trong lời căn dặn của Đức Giê-su, không có bất kỳ một sự khinh bĩ nào đối với những người khước từ sứ điệp, nhưng hành động “giũ bụi chân” nói lên sự tuyệt giao.
Lời rao giảng của các môn đệ chưa trọn vẹn vì họ chưa rao giảng con người của Đức Giê-su – vả lại vào giây phút này họ chưa có thể hiểu đầy đủ về Ngài – nhưng chỉ chuẩn bị các tâm hồn: kêu gọi hoán cải. Như Đức Giê-su, lời rao giảng của họ kèm theo những dấu chỉ: trừ quỷ, xức dầu bệnh nhân và chữa lành bệnh tật.
Xức dầu bệnh nhân:
Vào thời Cựu Ước, người ta xức dầu để làm dịu vết thương; các tông đồ xức dầu, không như một phương thuốc, nhưng như dấu chỉ biểu tượng của một tác động siêu nhiên. Công Đồng Tren-tô đã thấy trong cử chỉ của các tông đồ nầy một trực giác, một phác thảo bí tích xức dầu bệnh nhân. Thư thánh Gia-cô-bê chứng thực rằng bí tích nầy đã được thực hành ngay từ thời các tông đồ: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội , thì sẽ được Chúa tha thứ” (Gc 5: 14-15).
Bệnh nhân được chữa lành, ma quỷ bị trục xuất, những cử chỉ này của các thừa sai được ghi khắc trên cùng bình diện với các cử chỉ của Đức Giê-su. Các sự dữ được gán cho tội lỗi, vì thế, việc chúng bị giảm đi loan báo thời đại lòng xót thương của Chúa.
Ý nghĩa:
Bài diễn từ sai các môn đệ lên đường nầy rất cổ kính vì mang đậm nét các phong tục thời xưa. Tuy nhiên, sứ điệp của nó rất hiện thực. Tin Mừng được truyền bá bằng những cuộc sống đơn sơ giản dị và trao ban một cách vô vị lợi, vì thế, mời gọi mọi người đón nhận nó cũng một cách vô vị lợi. Sứ điệp được đi kèm theo các dấu chứng chiến thắng của Đức Ki-tô trên sự Ác và Tử Thần là sứ điệp muôn thuở của bài trình thuật cổ kính nầy.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN-Năm B
CHÚA KÊU GỌI VÀ SAI CÁC ÔNG ĐI TRUYỀN GIÁO – Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
Công việc truyền giáo của Nhóm Mười Hai.
Ngay từ những trang đầu Tin Mừng của mình, Maccô đã muốn kể lại việc Chúa kêu gọi Simon và anh của ông là Anrê, cùng với hai anh em Giacôbê và Gioan khi Người đang đi dọc theo Biển Hồ Galilê (1,16-20); Người nói với các ông ấy: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!” Maccô cũng cho ta thấy khi tới Capharnaum vào một ngày Sabát, Đức Giêsu “cùng với các môn đệ đi vào thành” (1,21). Sau đó thánh sử còn cho ta thấy Đức Giêsu “Lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”(3,14-15). Con số Mười Hai ám chỉ mười hai chi tộc Israel là dấu chỉ Chúa muốn khai sinh một dân Thiên Chúa mới nơi bản thân các ông.
Giờ đây Maccô gợi nhớ lại buổi truyền giáo ban đầu của Nhóm Mười Hai mà Ngài lại đặt vào trong một nghịch cảnh là sau chuyến viếng thăm thất bại của Đức Giêsu khi trở về quê hương Nagiarét. Maccô viết: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi”. Hai động từ “Gọi, sai đi” diễn tả rõ rệt ơn gọi của các ông. Các ông sẽ là những “Tông đồ” của Đức Giêsu, nghĩa là những người được Chúa “sai đi”, như Tin Mừng thứ hai sẽ nói đến, khi các ông đi truyền giáo về (6,30).
Những lời tiếp theo là chỉ thị Đức Giêsu ban bố cho các tông đồ trước khi lên đường truyền giáo. M. Quesnel ví những lời đó như “một loại thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo” (“Comment lire un évangile?”, Seuil, trang 103).
– Đức Giêsu sai các ông đi: “Từng hai người một”.
Potin giải thích: đó là tập tục các kinh sư. Vẫn thi hành đối với các môn sinh của họ. Hai người có chứng từ phù hợp nhau chứng tỏ rằng họ cùng được sai đi từ một người. Thực vậy, sứ điệp họ mang đi không phải là của riêng các ông, mà là của Đức Giêsu “ (Jésus, l’histoire vraie”, Centurion, trang 266-267). Nhóm Mười Hai không được “tính toán cho mình”. Sứ mệnh của các ông bắt nguồn từ Đức Giêsu; đây là công việc của nhóm, là hành đông mang tính cộng đoàn.
Và thực tế như vậy, trong Công vụ Tông đồ, chúng ta sẽ thấy các nhà truyền giáo ấy thường lên đường với nhau “từng hai người một”. Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); giuđa và Sila (Cv 15,22).
– Đức Giêsu ra chỉ thị cho các kẻ Người gọi và sai đi như vậy phải có tinh thần khó nghèo và từ bỏ:
+ Khó nghèo xét về hành trang đi đường: “Một cây gậy, một đôi dép” là những gì Người cho phép. Người cũng không đồng ý cho mang hai áo”. Những kẻ được Chúa sai đi sẽ là những con người thanh thoát, không cồng kềnh, mà rong ruổi như Người và luôn sẵn sàng lên đường đi loan báo Tin Mừng.
+ Khó nghèo xét về những phương tiên sinh sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng”. Hành trình như vậy đặt các người được sai đi tong tư thế tùy thuộc. Họ sẽ nhận lương thực và tiền túi từ tay những ai sẽ tiếp rước họ.
Đức Giêsu không giấu giếm họ: con đường truyền giáo là con đường gian khổ. Cũng như Người họ phải đón nhận rủi ro bị chối từ hay xua đuổi Các ông phải đi theo Người đến độ phải bị chống đối, phải hy sinh thân mình.
Một sứ mệnh nối tiếp sứ mệnh của Đức Giêsu.
Sứ mệnh của Nhóm Mười Hai không phải là của riêng các ông, đó chính là sứ mệnh của Đức Giêsu nối tiếp nơi bản thân các ông: các ông rao giảng cùng một sứ điệp như Đức Giêsu là “Sám hối” (Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” Mc 1,14-15); các ông thực hiện cùng những dấu chỉ như Đức Giêsu là “trừ quỷ”và nếu Maccô ghi nhận rằng nhờ việc “xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” thì hẳn là để ám chỉ rằng các ông hành động nhờ quyền năng của một ai khác là Đức Giêsu vậy.
Là những người được kêu gọi và sai đi, Nhóm Mười Hai không được giới thiệu ở đây như là những chuyên viên có ít nhiều chuyên môn hay là những người chuyên trách rao giảng Tin Mừng. J. Delorme kết luận: “Maccô mang lại cho sứ mệnh của nhóm Mười Hai một chiều kích rộng lớn hơn cả không phủ nhận một sự thật là bất cứ tác vụ nào trong Hội Thánh đều có thể tìm thấy nền tảng nơi sứ mệnh của Nhóm Mười Hai, trình thuật này của thánh Maccô có thể nhắc cho mọi tín hữu nhớ rằng họ thuộc một Hội Thánh được sai đến với mọi người và họ phải là nhân chứng của Đức Giêsu trước mặt người đời”.
BÀI ĐỌC THÊM
“Sứ mệnh của Nhóm Mười Hai, một cột mốc quan trọng và mang nhiều ý nghĩa” (J. Delorme, “Assemblées du Seigneur” số 46, trang 49).
Không những mang giá trị lịch sử, bài trình thuật về sử mệnh của Nhóm Mười Hai ở Galilê, trong Tin Mừng Maccô còn hoàn thành một chức năng cao hơn. Trình thuật ấy ghi một cột mốc quan trọng, có ý nghĩa, ở buổi ban đầu của Hội Thánh cũng như trong sự triển khai một công trình vẫn được theo đuổi trong Hội Thánh và thế giới. Khi đọc trình thuật này Hội Thánh được mời gọi nhận ra ơn gọi của mình. Ơn gọi này bao hàm một sứ mệnh không cho phép Hội Thánh được tự kết cấu thành xã hội khép kín đối với chính mình hoặc đối với bất kỳ mô hình văn hóa-xã hội nào. Trong trình thuật của Maccô, khi sai Nhóm Mười Hai ra đi, không kèm theo một xác định rõ ràng nào về địa điểm, nơi chốn phải tới để hạn định các ông (so sánh với Mt 10, 5-6 và Lc 9,6; 10,1). Mà theo sau đó là cả một bài tập nghề khó khăn đối với các môn đệ, khiến Đức Giêsu phải gia tăng các phép lạ và những lời cảnh giác rút vào ngay trong Do Thái giáo (7,8-13). Theo cái nhìn của Hội Thánh, Nhóm Mười Hai chính là những bảo chứng cho phần vụ mà Hội Thánh phải gánh vác là giới thiệu Tin Mừng cho tất cả mọi người.
“Được liên kết với sứ mệnh của Chúa”
“Đức Giêsu cho con người liên kết với công việc chính Người đang thực hiện. Người mở rộng công việc rao giảng, rời bỏ làng mạc cùng gia đình, đi đến các làng chung quanh mà giảng dạy. Người gọi Nhóm Mười Hai để ở bên Người rồi sai họ đi. Các ông sẽ phải lao vào cùng một cuộc chiến như Chúa, nên Người ban cho các ông “quyền trừ quỷ”. Thế là các ông ra đi từng hai người một, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, trừ được nhiều quỷ, chữa nhiều người đau ốm khỏi bệnh. Rồi đây cuộc đời của các Tông đồ sau khi Chúa sống lại và ban Thánh Thần, sẽ như thế nào, thì lúc này đã được khởi sự như một bước thí nghiệm vậy. Bởi đấy người môn đệ của Đức Giêsu chia sẻ sứ mệnh của Người. Người môn đệ ấy loan báo và truyền đạt ơn cứu độ, ơn chữa lành ơn giải thoát. Đức Giêsu làm cho người môn đệ ấy trở thành cộng tác viên của Người. Người môn đệ mang cùng một tâm tư, có chung cùng hoạt động và những bận tâm như Thầy mình. Từ nay, những “ưu tư “ của người môn đệ trở nên đơn giản vì “Người chỉ thi cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. Đi theo Đức Giêsu, không phải là sống cách biệt với sứ mệnh. Nhưng là dấn thân đi đến gặp gỡ mọi người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo tin vui và mang đến cho họ ơn cứu độ”.
“Từ di sản đến cử chỉ đề nghị” (“Thư gởi người Công giáo Pháp”, Cerf, trang 36-37).
Cái thời mà Hội Thánh thực Sự hoá thân với đại bộ phận xã hội, dầu gặp phải nhiều chống đối và thách đố, công việc truyền bá đức tin đều được tiến hành gần như tác động, nhờ vào những bộ phận chuyên lo việc truyền bá này còn có mặt ở cả những cơ quan điều hành thông thường của xã hội nửa. Do đó mà kiểm chứng được câu ngạn ngữ cho rằng người ta không sinh ra làm người tín hữu, nhưng cử thành người tín hữu (có đạo theo kiểu cha truyền con nối).
Dần dà với thời gian, chúng ta phải nhìn nhận rằng hoàn cảnh xa xưa này có những điều bất tiện, bởi lẽ khi việc loan báo đức tin ít nhiều bị thu gọn vào công việc thi hành những thủ tục gần như tự động để truyền đạt, người ta khó mà nhận thấy được những lệch lạc có thể xảy ra. Có những lệch lạc thực sự đã dẫn đến một thứ tục hóa đức tin chừng nào đạo Công giáo nhắm trở thành một phận vụ của xã hội và Hội Thánh thì được coi như một dịch vụ bình thường của xã hội.
Hoàn cảnh hiện nay lại có những khó khăn mới. Thực vậy, việc truyền bá đức tin ngày nay đang bị thỏa hiệp, hoặc rất khó thực hiện trong những khu vực rộng lớn của xã hội Pháp.
Điều có vẻ nghịch lý là hoàn cảnh này đòi buộc chúng ta phải đón nhận chiều kích mới mẻ của đức tin và kinh nghiệm sống đức tin ấy. Chúng ta không còn có thể chỉ hài lòng với một di sản đã thừa hưởng dù nó có phong phú đến đâu. Mà phải mở lòng đón nhận ân huệ Chúa ban trong những điều kiện mới mẻ và đồng thời tìm lại được cử chỉ ban đầu của việc phúc âm hóa đó là thái độ đề nghị đơn sơ mà cả quyết của Tin Mừng đức ki tô (Giáo Hội chỉ rao giảng Tin Mừng như một đề nghị để mỗi người tự ý quyết định lựa chọn).
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN- Năm B
NHỮNG NGƯỜI TIỀN HÔ CHO NHÀ VUA- Chú giải mục vụ của William Barclay
Chúng ta sẽ hiểu rõ đoạn sách này hơn, nếu chúng ta có trong trí một hình ảnh về cách ăn mặc của người Do Thái tại Palestine vào thời của Chúa Giêsu. Có có năm trang phục.
1/ Phần áo lót mặc lên người trước nhất là cái chiton hay sindon, tức là áo trong. Áo này rất đơn giản, chỉ là một mẩu vải dài xếp đôi rồi may một bên. Nó khá dài đủ che phủ đến bàn chân. Hai góc ở phần trên được khoét để làm hai cánh tay ra. Loại áo này thường được bán mà chưa khoét cổ. Điều đó cho ta biết áo vẫn còn mới, để người mua tùy tiện khoét phần cổ sao cho vừa với khổ người của mình. Thí dụ như kiểu cổ áo của nam với nữ khác nhau. Cổ áo phụ nữ phải rộng để có thể cho con bú. Tóm lại chiếc áo trong chỉ khác hơn cái bao một chút có khoét hai lỗ ở hai góc phía trên. Trong hình thức phát triển hơn, nó có hai tay áo dài được khâu dính vào và đôi khi xẻ ở phía trước để tra nút và cài lại.
2/ Chiếc áo ngoài được gọi là himation. Ban ngày nó được dùng làm áo choàng và ban đêm làm mền. Nó gồm một tấm vải dài hơn 2 mét, khổ rộng khoảng 1,4 đến 1,5, rộng khoảng 0,4m mỗi bên được xếp và may lại, khoét lỗ ở phía trên để xỏ tay được. Vì thế nó gần như vuông vức. Thường thường nó là hai khúc vải, mỗi khúc dài hơn 2m, rộng khoảng 0,6-0,7m may dính vào nhau. Đường may nằm phía sau lưng. Nhưng chiếc áo ngoài đặc biệt có thể dệt cẩn thận nguyên tấm không có đường may như chiếc áo dài của Chúa Giêsu vậy (Ga 19,23). Đây là chiếc áo chính trong toàn bộ y phục.
3/ Có dây thắt lưng. Dây thắt lưng để buộc phía ngoài hai chiếc áo vừa kể trên. Khi cần làm việc hay chạy, người ta vén các vạt áo trong lên và giữ lại bằng giây thắt lưng. Có khi chiếc áo ngắn được vén lên ở phía trên dây thắt lưng, chỗ trống phía trước thắt lưng có thể đặt một bao hoặc một gói gì đó để mang đi. Dây thắt lưng thường được may hai lớp khoảng 4 tấc rưỡi từ mỗi đầu. Phần may hai lớp thường dùng làm túi đựng tiền.
4/ Có khăn vuông che đầu. Khăn vuông che đầu bằng vải, rộng khoảng 1m2, thường màu trắng, xanh hoặc đen. Thỉnh thoảng cũng có loại khăn bằng lụa màu, nó được xếp theo đường chéo góc, cột lên đầu để che gáy gò má và mắt cho khỏi sức nóng và tia nắng của mặt trời. Người ta cột nó vòng quanh đầu bằng một sợi dây da co giãn được sao cho dễ mở ra.
5/ Có đôi dép. Dép chỉ là những miếng da bằng phẳng có xoi lỗ, có khi bằng gỗ hoặc bện bằng rơm. Người ta xỏ dây và cột nó vào bàn chân để mang.
Túi tiền có thể là hai vật sau đây:
(a) Nó có thể là chiếc túi đi đường bình thường. Túi này được may bằng da dê con. Thường thì bộ da con vật được lột nguyên miếng nên vẫn giữ được hình dáng con vật, đủ cả chân, đuôi và đầu. Hai túi có dây để đeo trên vai. Trong đó người chăn chiên, khách hành hương, hoặc kẻ đi đường đựng bánh mì, nho, trái ôliu và bánh sữa đủ ăn một hai ngày.
(b) Có một điểm gợi ý rất thú vị ở đây. Từ Hy Lạp pera có nghĩa là chiếc bao quyên góp. Thường thường các thầy tư tế và người sùng đạo ra đi với chiếc bao này để góp nhặt các của đóng góp cho Đền Thờ. Họ được mô tả là “những tên trộm cướp ngoan đạo với các chiến lợi phẩm phình to thêm, từ làng này sang làng khác”. Có một tấm bia của một người tự xưng là nô lệ của nữ thần xứ Syri, cho biết mỗi chuyến đi như vậy, anh ta lại mang về cho nữ thần của mình 70 bao đầy.
Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa thứ nhất thì Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Ngài đừng mang theo thức ăn khi đi đường, nhưng phải tin cậy vào Thiên Chúa trong mọi sự. Còn theo nghĩa thứ hai, thì lời dạy ấy có nghĩa là họ không nên tham lam mà vơ vét như các thầy tư tế. Họ phải đi đây đi đó để cho đi chứ không phải để thâu gom của cải.
Ở đây còn thêm hai điều lý thú khác nữa:
1/ Theo luật của các Rabbi, thì khi vào đến các sân của Đền Thờ, người ta phải để lại đó chiếc gậy, đôi dép và túi bạc. Mọi vật tầm thường phải được xếp qua một bên khi vào nơi thánh. Có lẽ Chúa Giêsu đang nghĩ đến việc đó và Ngài ngụ ý dạy rằng các căn nhà khiêm tốn mà các môn đệ Ngài vào, đều là những nơi thánh thiêng như các sân trong Đền Thờ vậy.
2/ Bên phương Đông, việc ân cần tiếp đãi khách lạ được xem là một bổn phận thiêng liêng. Khi có người lạ vào làng, người ấy không cần đi tìm nơi trú ngụ vì chính làng ấy có nhiệm vụ tiếp đãi họ. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng nếu người ta từ chối không chịu tiếp đãi, đóng cửa, bịt tai lại, các ông cứ phủi bụi dính chân họ rồi đi nơi khác. Luật của các Rabbi dạy rằng bụi đất nơi dân ngoại vốn ô uế, nên khi một người từ xứ khác vào Palestine, phải phủi cho sạch không còn một hạt bụi ô uế nào. Chúa Giêsu muốn dạy nếu họ không chịu nghe các ngươi, việc duy nhất các ngươi có thể làm là đối xử với họ như cách người Do Thái khắt khe vẫn đối xử với nhà của người ngoại. Giữa họ và các ngươi chẳng còn có liên hệt gì với nhau nữa cả!.
Vậy chúng ta thấy dấu hiệu của một môn đệ Chúa là sống thật đơn giản, hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa và phải luôn luôn đem ơn phúc đến cho người khác chứ không phải mong thiên hạ làm phúc cho mình.
THÔNG ĐIỆP VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NHÀ VUA (Mc 6,12-13)
Nói vắn tắt, đây là bản phúc trình công tác mà các môn đệ đã trình lên Chúa Giêsu sau khi Ngài sai phái họ ra đi.
1/ Họ rao truyền sứ điệp của Chúa Giêsu cho quần chúng. Theo nghĩa đen, từ được dùng chính là từ dùng cho sự công bố của sứ giả tiền trạm. Khi các tông đồ đi ra rao giảng cho mọi người, các vị không hề tạo ra sứ điệp, các vị mang một sứ điệp. Họ không nói với mọi người điều họ tin hay thấy là đúng nhưng chỉ nói lại cho mọi người chân lý của Thiên Chúa. Sứ điệp của các ngôn sứ bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Đức Chúa phán vậy”. Người muốn mang một sứ điệp kiến hiệu và thành công đến cho kẻ khác, trước hết phải nhận từ nơi Chúa.
2/ Các vị mang theo sứ điệp của nhà vua đến cho mọi người và sứ điệp đó là “hãy hối cải”. Đây là một sứ điệp gây khó chịu cho mọi người. Hối cải có nghĩa là thay đối ý, sau đó hành động phù hợp với sự đối ý đó, có nghĩa là đổi ý và thay đổi luôn hành động nữa. Hối cải bao gồm sự thương tổn vì phải tự nhận con đường mình đang đi là sai lầm, đầy cay đắng. Hối cải bao gồm sự xáo trộn, vì nó có nghĩa là người ta phải hoàn toàn đảo ngược nếp sống.
Chính vì thế mà ít người chịu hối cải, vì hầu hết người ta không muốn bị quấy rầy. Trong một câu sống động, bà Asquith đề cập đến số người “lãng phí cho đến chết”. Nhiều người vẫn hành động như thế. Họ oán ghét mọi hành động gây căng thẳng, nỗ lực. Với họ, cuộc đời là “một vùng đất chỉ có buổi chiều”. Theo một vài phương diện, một tội nhân hung hăng, công khai xông vào mục tiêu tự chọn vẫn dễ cuốn hút hơn một người đi rông tiêu cực, ủ rũ trôi giạt cách nhu nhược và chẳng có một chút định hướng gì cho đời sống cả.
Trong tác phẩm Quo Vadis có một đoạn trong đó chàng thanh niên Roma Vinicius yêu một cô gái là Kitô hữu. Vì Vinicius không phải là Kitô hữu nên cô ta không muốn liên hệ với cậu. Cậu theo cô ấy đến những buổi họp thầm lén ban đêm của một số Kitô hữu, tại đó chẳng ai nhận ra cậu, và cậu lắng nghe Phêrô giảng dạy. Lúc đang nghe có một việc đã xảy đến cho cậu: “Vinicius cảm thấy rằng nếu muốn theo lời dạy ấy, cậu phải đặt trên đống lửa hừng tất cả mọi ý nghĩ, thói quen, tính tình, cả bản chất của mình cho đến khoảnh khắc nào đó và thiêu đốt tất cả ra tro, rồi tiếp nhận vào người sự sống khác hẳn, một linh hồn hoàn toàn mới mẻ”.
Đó là hối cải. Nhưng nếu một người không mong ước gì hơn là được để yên một mình thì sao? Sự thay đổi không nhất thiết chỉ từ chỗ trộm cắp, sát nhân, dâm loạn, cùng các tội tỏ tường khác. Sự thay đổi có thể xảy ra ngay trong một đời sống ích kỷ, tham lam, chẳng xem ai ra gì, thay đổi từ chỗ lấy cái tôi làm trung tâm, và mọi sự thay đổi như vậy ắt sẽ gây rất nhiều tổn thương. W. M. Macgregor có trích một câu nói của vị giám mục trong quyển “Những Kẻ Khốn Cùng” của Victor Hugo “Tôi luôn luôn gây rối cho một vài người trong đám họ, vì qua tôi, một luồng không khí từ bên ngoài đã thổi tới họ, sự có mặt của tôi giữa họ khiến họ cảm thấy như có một khung cửa được mở toang và họ ở trong vùng có gió lùa”. Hối cải không chỉ là hối tiếc về mặt tình cảm mà thôi, mà là làm cách mạng. Vì lý do ấy đã có rất ít người chịu hối cải.
3/ Các tông đồ đưa đến cho người ta ơn thương xót của nhà vua. Không phải họ chỉ đem đến cho người ta những đòi hỏi làm đảo lộn mà thôi, nhưng họ cũng cần mang đến sự trợ giúp và chữa bệnh nữa. Họ đem đến sự giải phóng cho những người bị quỷ ám cùng khổ. Ngay từ đầu Kitô giáo đã nhắm mục đích đem sức khỏe, sự lành mạnh cho cả xác lẫn hồn. Kitô giáo không chỉ nhằm cứu rỗi linh hồn mà thôi, nhưng là cứu rỗi con người toàn diện. Kitô giáo không chỉ đưa ra một tay kéo người ta lên khỏi chỗ suy đồi đạo đức, nhưng cũng đưa tay còn lại kéo người ta ra khỏi sự đau đớn, khổ sở của thân xác. Điều rất có ý nghĩa, là các môn đệ còn xức dầu cho mọi người nữa. Đời xưa, dầu được xem là thuốc trị bá chứng. Galen là y sĩ đại tài người Hy Lạp nói “Dầu là thuốc hay nhất để trị bệnh cho thân thể”. Khi đặt trong tay các tôi tớ của Chúa Cứu Thế, dầu được thêm một đặc tính mới. Điều lạ lùng là các môn đệ sử dụng những vật mà tri thức hạn chế của loài người thời bấy giờ vẫn biết rõ, nhưng Thần Khí Chúa đã ban cho họ một quyền phép mới và một đặc tính mới trong cách trị bệnh cổ truyền đó. Quyền năng của Chúa trở thành có giá trị trong mọi việc thông thường khi người ta có đức tin.
Vậy mười hai tông đồ đã đem đến cho nhân loại sứ điệp cứu rỗi, lòng thương xót của Nhà Vua, và cho đến ngày nay, đó vẫn là nhiệm vụ hằng ngày của Kitô hữu.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
CHÚA SAI CHÚNG TA ĐI- Lm. Carolo Hồ Bắc Xái
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I (Am 7,12-15) : Thiên Chúa sai ngôn sứ Amos đi nói tiên tri cho dân Israel.
– Tin Mừng (Mc 6,7-13) : Đức Giêsu sai 12 tông đồ đi rao giảng Tin Mừng.
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Chúng ta thường nghe nói tới hai chữ “thừa sai” : Giáo Hội chúng ta là một Giáo Hội “thừa sai”, mỗi tín hữu chúng ta là một “thừa sai”. “Thừa sai” là gì ? Là được sai đi. Ngày xưa Đức Giêsu đã sai 12 tông đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Ngày nay Ngài cũng sai chúng ta như thế.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa dạy cho chúng ta hiểu rõ hơn để chúng ta thi hành sứ mạng này.
GỢI Ý SÁM HỐI
– Xưa nay chúng ta chỉ lo “giữ đạo” mà không để ý đến “truyền đạo”.
– Chúng ta chưa ý thức mình được Thiên Chúa sai đi để mang Tin Mừng đến cho người khác.
– Trong những lúc khó khăn, chúng ta chưa phó thác đủ vào sự quan phòng của Chúa.
LỜI CHÚA
Bài đọc I (Am 7,12-15)
Amos sinh sống ở tiểu vương quốc Giuđa (miền Nam), nhưng Chúa sai ông lên tiểu vương quốc Israel (miền Bắc) để làm ngôn sứ nói lời Ngài.
Vì trung thực nói lời Chúa, nên Amos bị dân Israel ghét. Một vị tư tế tên Amasia còn đuổi ông về Giuđa.
Amos đáp lại : Ông chỉ là một nông dân chứ không thuộc dòng dõi ngôn sứ cho nên không quen làm ngôn sứ. Nhưng chỉ vì Thiên Chúa sai ông nên ông phải vâng theo.
Trong một đoạn khác không thuộc trích đoạn này, Amos còn nói một câu rất ý nghĩa cho thấy sự thúc bách của lệnh Chúa sai đi : “Sư tử gầm lên, ai lại không sợ ; Đức Chúa Giavê phán, ai lại không nói tiên tri ?” (Am 3,8)
Đáp ca (Tv 84)
Trích đoạn Tv 84 này có thể được coi là nối tiếp ý tưởng của bài đọc I : người được Thiên Chúa sai đi phải quan tâm “lắng nghe điều Thiên Chúa phán”, đó là những lời mang lại bình an và ơn cứu độ.
Tin Mừng (Mc 6,7-13)
Trong giai đoạn đầu của việc rao giảng Tin Mừng, trung tâm hoạt động của Đức Giêsu là thành Caphácnaum và những thành ven bờ hồ Ghênêdarét. Bây giờ bước vào giai đoạn 2, Ngài sai các tông đồ từng hai người một đi đến những vùng khác.
– Sứ mạng của các ông là rao giảng sự thống hối và trừ quỷ, chữa bệnh.
– “Phương tiện” của các ông chỉ có tối thiểu, còn tất cả những điều khác đều phó thác cho Chúa quan phòng lo liệu.
Bài đọc II (Êp 1,3-14)
Thánh Phaolô trình bày chương trình cứu độ của Thiên Chúa :
– Ngài đã chọn chúng ta trước khi tạo thành thế gian.
– Tiền định cho chúng ta được phúc làm con Ngài nhờ Đức Giêsu Kitô.
– Cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của chính Đức Giêsu Kitô.
– Ban Thánh Thần cho chúng ta.
GỢI Ý GIẢNG
* 1. Chúa cần đến chúng ta
Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, một ngôi làng bị pháo kích nặng nề. Giữa làng có một ngôi nhà thờ, trước nhà thờ có một tượng Đức Giêsu được đặt trên một cái bệ. Nhưng sau khi khói lửa của trận pháo kích tan đi, người ta chỉ còn thấy cái bệ, còn pho tượng thì biến đâu mất. Những người lính đồng minh cố gắng đi tìm và cuối cùng cũng tìm thấy tượng Chúa bị văng khỏi đó một khoảng khá xa. Tuy nhiên hai cánh tay của Chúa đã bị hỏng mất. Họ cung cấp một chiếc máy bay để chở pho tượng về Mỹ cho thợ làm lại hai cánh tay. Nhưng Cha Xứ từ chối. Cha bảo cứ đặt pho tượng lên bệ như cũ, phía dưới viết thêm hàng chữ : “Các con thân mến, hãy cho ta mượn đôi cánh tay của các bạn”.
Câu chuyện trên giúp ta hiểu sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay : Đức Giêsu kêu gọi các tông đồ tham gia công việc của Ngài. Ngài chia sẻ sứ mạng với họ. Ngài ban cho họ chính quyền năng và uy tín của Ngài. Rồi Ngài sai họ đi loan truyền Tin Mừng. Thực ra, họ chỉ là những người chài lưới, cả tài năng lẫn đức độ đều không có bao nhiêu. Nhưng Ngài vẫn chia sẻ sứ mạng cho họ, vì họ sẽ thi hành sứ mạng không phải bằng sức riêng của họ, mà bằng ơn Chúa.
Ngày nay, có nhiều đấng có thẩm quyền vẫn e ngại không chia xẻ công việc cho giáo dân ; mặt khác, nhiều giáo dân cũng e ngại không dám gánh trách nhiệm trong Giáo Hội. Cả hai phía đều tính toán thành bại dựa trên khả năng của con người. Nhưng đó không phải là tính toán của Thiên Chúa.
Hãy nhớ rằng Sách Thánh bắt đầu bằng chuyện Thiên Chúa giao cho loài người quyền hợp tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo vũ trụ ; bài đọc I hôm nay kể chuyện Thiên Chúa giao cho Amos sứ mạng làm ngôn sứ cho dân Israel mặc dù ông chỉ chuyên nghề chăm sóc cây sung ; và bài Tin Mừng kể chuyện Đức Giêsu sai 12 tông đồ vốn là những dân chài sứ mạng truyền giáo. (Viết theo Flor McCarthy)
* 2. Phó thác trong tay Chúa
Bài Tin Mừng này nói đến tinh thần Phó Thác mà Chúa muốn các Tông đồ phải có trong khi đi truyền giáo. Phó Thác là một nhân đức quan trọng, nhưng nhiều người không hiểu đúng.
. Chẳng hạn một người kia mắc bệnh, không lo chữa trị mà cũng chẳng có biện pháp giữ gìn sức khoẻ gì hết, mà lại nói “Tôi phó thác tất cả cho Chúa”. Như thế có phải là phó thác không ? Dĩ nhiên là không.
. Hay một người khác không chăm chỉ làm ăn, tiêu xài thì chẳng tính toán cân nhắc, rồi lâm cảnh túng thiếu. Cũng nó : “Xin phó thác tương lai trong tay Chúa”. Có phải là phó thác không ? Dĩ nhiên cũng là không.
. Xin thêm một thí dụ nữa : làm cha mẹ chẳng lo sửa dạy con cái, để cho chúng hư thân mất nết, rồi bảo “Phó thác cho Chúa”. Có phải là Phó thác không ? Cũng không phải.
Nếu những trường hợp kể trên mà là Phó Thác, thì Phó thác chẳng còn phải là một nhân đức nữa, nhưng là một tính xấu : tính lười biếng, thụ động. Đạo Công giáo mà chủ trương Phó thác kiểu đó thì cũng không oan ức gì khi bị người khác chế nhạo là đạo tiêu cực, đạo cảm trở sự tiến bộ….
Ngược lại, đứng trước một công việc mà mình lo lắng thái quá, làm như Chúa để một mình mình phải lo, thì cũng không phải là Phó thác. Rồi trong khi lo công việc mà quá cậy dựa vào những phương tiện vật chất, thế tục, không tin tưởng vào ơn Chúa giúp, cũng không phải là Phó thác.
Vậy Phó thác là gì ? Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa dạy các tông đồ có tinh thần Phó thác đúng nghĩa : khi các ông ra đi truyền giáo, các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ : một cây gậy để chống lại thú dữ dọc đường, một chiếc áo mặc, một đôi dép để đi, thế thôi. Đừng quá lo lắng về vật chất : không cần mang lương thực dự trữ, không cần thủ cho nhiều tiền trong túi, không cần tới hai áo, không cần mang bị theo để đựng quà biếu của người khác. Về nơi ăn chốn ở cũng thế, miễn sao có chỗ trọ là được, nhà nào cho mình trọ, thì cứ trọ bất kể giàu hay nghèo, đừng chọn lựa nhà này hay nhà khác để có tiện nghi hơn. Nhà nào không cho mình trọ thì mình ra đi không chút lưu luyến. Điều chính yếu quan trọng mà các ông phải cậy dựa vào, đó là quyền năng của Chúa.
Qua đoạn Tin Mừng trên, chúng ta hiểu Phó Thác là đứng trước một công việc, một mặt mình không được lười biếng buông trôi nhưng phải vận dụng hết sức mình để làm cho được ; mặt khác không ỷ sức riêng mình mà còn phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức. Và khi đã cố gắng hết sức mình đồng thời đã tin cậy vào ơn Chúa như thế, sau đó công việc diễn tiến thế nào đi nữa mình cũng không quá lo lắng sợ sệt, vì mình đã Phó thác cho Chúa.
Như thế, đứng trước một vấn đề khó khăn, nếu ta ngả lòng nản chí thì là thiếu Phó thác ; nhưng nếu ta quá lo lắng cậy dựa vào khả năng riêng của mình để giải quyết thì cũng là thiếu phó thác.
Chúng ta hãy làm như một đứa bé tập đi : bàn tay nhỏ bé của nó nắm chặt bàn tay Cha nó, đôi chân nhỏ bé của nó can đảm bước đi từng bước từng bước, và lòng nó thì rất an tâm, vì nó biết chắc có Cha nó luôn sẵn sàng nâng đỡ mỗi khi nó xảy chân. Phó thác là như thế.
* 3. Chúa sai tôi đi
Sau thế chiến thứ nhất, một linh mục trẻ người Pháp được bài sai đi coi xứ. Tay xách vali, cha mạnh dạn ra đi truyền giáo. Đến nơi chỉ thấy hầm sâu, tường đổ. Nhà thờ, nhà xứ, chỉ còn duy nhất một bức tường xiêu vẹo.
Không một chút sờn lòng, cha cùng với các tín hữu tích cực kiến thiết lại ngôi thánh đường đổ nát. Chẳng bao lâu sau, đền thờ vật chất đã hoàn thành khang trang đẹp đẽ. Giờ đây, cha lại tiếp tục xây dựng đền thờ tâm hồn. Nhờ đời sống gương mẫu, cha đã tu sửa lại lòng đạo đức của cả đoàn chiên.
Tuổi cha chưa cao nhưng đã kiệt sức, giữa lúc tình cha con đang mặn nồng, gắn bó. Dầu vậy, nằm trên giường bệnh, cha vẫn thản nhiên vui vẻ. Giờ hấp hối đến, cha nhỏ nhẹ nói với những người chung quanh :
– Giờ đây tôi vui mừng vì đã trung thành giữ lời nhủ bảo của thân phụ ngày tôi chịu chức linh mục : “Nay con làm linh mục Chúa, cha chỉ cầu ước cho con 3 điều : Thứ nhất, lúc con chết đừng nợ ai xu nào ; Thứ hai, khi qua đời con cũng chẳng còn xu nào ; Thứ ba, lúc lâm chung con đừng vướng một chút tội nào với Chúa”. Và ngài an bình đi về với Đấng mình đã trọn đời dâng hiến.
*
Vị linh mục trong câu chuyện trên đây, không những đã làm theo lời khuyên của thân phụ, mà còn thi hành đúng lời dạy của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Chúa phán : “Không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc…” (Mc.6,8). Hành trang của các ông chỉ là chiếc áo đang mặc, cây gậy và đôi dép đi đường. Vì chính Người đã từng nói : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, con Người khụng chạm ai và dễ được người ta chấp nhận, người ta còn thích mình nữa. Đó là kiểu khôn ngoan của tiên tri Amasia : ông đã nói những lời thuận tai vừa lòng những bậc vua chúa và những người giàu có, và họ đã ưu đãi ông, ông được hưởng một cuộc sống sung túc dễ chịu. Nhưng kiểu khôn ngoan đó không đem lại lợi ích thực sự cho dân. Dân Israel bị ru ngủ bởi những lời dễ chịu ấy cứ tiếp tục dấn sâu mãi trong những tội lỗi của mình, để rồi đến khi Thiên Chúa ra tay trừng phạt thì hối tiếc đã muộn. Năm 721 Chúa để cho đất nước họ bị xâm lược, dân chúng bị bắt, đi lưu đày. Tục ngữ cũng có câu “Thuốc đắng đã tật lời thật mất lòng”. Những lời nói thành thật, dám vạch ra những cái xấu thì thường không được người ta ưa nghe, lại còn làm cho người ta ghét mình nữa. Có thể coi đó là một thái độ ngu dại. Đó là cái ngu dại của Amos. Thế nhưng cái ngu dại ấy lại có ích. Nếu như dân Israel chịu nghe lời của Amos mà sửa đổi những tật xấu của mình thì họ đã được Chúa thương tha thứ.
Như vậy là có 2 kiểu nói : Kiểu nói thuận tai của Amasia và kiểu nói chói tai của Amos. Tự nhiên thì chúng ta thích nghe những lời nói kiểu Amasia. Thế nhưng nếu chúng ta muốn hoàn thiện đời mình thì chúng ta phải tập lắng nghe những lời nói kiểu Amos. Vậy ai là những Amos của chúng ta ngày nay ? Trước hết đó là những Linh mục có nhiệm vụ giảng dạy Lời Chúa. Kế đó là những người thiện chí muốn sửa đổi chúng ta. Và kế tiếp nữa phải kể cả những người không ưa chúng ta mà chỉ trích chúng ta. Trước những lời nói thẳng nói thật, nhiều người tức bực, chẳng những không là một người muốn kiếm ăn bằng nghề tiên tri. Chúng ta cũng có phản ứng tương tự khi tìm cách nói xấu lại người dám nói thẳng vạch cái xấu của chúng ta : nào là người ấy bịa chuyện, nào là bản thân người ấy cũng chẳng tốt lành gì, có khi còn vạch ra những cái xấu của người ấy hay thậm chí bịa ra những điều xấu gán cho người ấy để làm giảm uy tín của họ và để che giấu chính cái xấu của mình. Nghĩa là trên cương vị người nghe, chúng ta phải tập khiêm nhường để sẵn sàng lắng nghe những tiếng nói chói tai vạch những cái xấu của mình.
Còn trên cương vị người nói, nếu nói kiểu Amasia để làm vừa lòng người ta thì thật là quá đã, nhưng chúng ta phải tập cho có can đảm để dám nói theo kiểu Amos, dám vạch thẳng những cái xấu của người khác. Nhưng chúng ta đừng hiểu lầm Amos, cho rằng Amos đã làm gương cho chúng ta về việc nói xấu nói hành. Amos nói thẳng nói thật chứ không phải nói xấu nói hành. Người nói là thẳng nói thật là người nói trước mặt người nghe. Còn người nói xấu nói hành là người trước mặt thì nói tốt hoặc không dám nói, nhưng sau lưng thì nói xấu. Thực ra, biết được một điều xấu của người khác thì rất dễ, nhưng chỉ cho người ta biết cái xấu của họ một cách thẳng thắn thì là khó, và giúp cho người ta sửa được cái xấu ấy lại càng khó hơn nhiều. Vậy trong thực hành, khi chúng ta biết một điều xấu của người nào đó, nếu chúng ta có can đảm tới nói thẳng với người đó để người đó sửa lỗi thì chúng ta hãy nói, cho dù lời nói của mình có thể làm cho người ta khó chịu, người ta ghét mình. Còn nếu chúng ta không có đủ can đảm như vậy thì thà chúng ta im lặng, đừng nói lén sau lưng, đừng rỉ tai, đừng nói lại cho bất cứ ai nghe, vì như thế chẳng những không có lợi mà chỉ có hại và còn có tội nữa.
Tuy nhiên có lẽ chúng ta nên tìm một giải pháp dung hoà giữa hai thái độ của Amasia và Amos. Amasia chỉ nói ngọt nên được người ta ưa nghe nhưng không làm lợi cho người ta. Còn Amos thì nói lời chói tai nên người ta không chịu nghe, còn bị người ta ghét và xua đuổi. Thái độ dung hoà là nói thật nhưng ngọt ngào. Vừa dễ nghe vừa sửa được lỗi của người khác. Và ngọt ngào thì không gì ngọt ngào bằng yêu thương. Vì yêu thương người có lỗi mà ta nói, và nói làm sao để người nghe hiểu rằng ta nói vì ta thương họ ; và kết quả là vì họ biết ta thương họ nên họ sẽ cố gắng sửa mình để đáp lại tình thương của ta.
Con người có tai để nghe và lưỡi để nói. Trong chữ Nho, chữ “Thánh” là do 3 chữ ghép lại : chữ Vương ở dưới có nghĩa là vua, phía trên có chữ Nhĩ là lỗ tai và chữ Khẩu là cái miệng. Vậy Thánh, theo chữ Nho, có nghĩa là người làm chủ được sự nghe và sự nói của mình. Làm chủ được sự nghe là không phải chỉ thích nghe những lời nói khen mà còn dám nghe những lời phê bình thẳng thắn ; làm chủ sự nói là không phải bạ đâu nói đó, nói một cách vô trách nhiệm, nói hành nói xấu, nhưng là nói đúng, nói thật, nói khéo, nói với tình thương để lời nói của mình đem lại lợi ích xây dựng cho người khác.
Một tấm gương
Một tội nhân được giong đi pháp trường. Đến nơi hành quyết lính vây quanh thành ba vòng : vòng trong cầm gươm, vòng giữa cầm giáo, vòng ngoài cầm cờ, sĩ quan oai vệ cưỡi ngựa cưỡi voi. Bỗng tội nhân lên tiếng nói đôi lời với những người có mặt, sau đó nói riêng với viên chỉ huy. Với viên chỉ huy tội nhân nói :
“Tôi xin gửi quan 30 đồng tiền để xin quan một ân huệ : xin đừng chém tôi một nhát, nhưng chém ba nhát. Nhát thứ nhất, tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi, và đưa tôi đến đất Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành nên tôi. Còn nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí trong đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình. Và như thế họ đáng lãnh phần phúc cùng các thánh trên trời.”
Tội nhân là Đức Cha An vừa dứt lời, lính liền trói ngài vào cây cọc hình thập giá. Dân công giáo có mặt oà lên khóc. Lính chém Đức Cha ba nhát như ngài đã yêu cầu. Đầu và mình của vị tử đạo bị ném xuống sông. Có hai người lính thấm máu vị tử đạo liền bị tống giam. Đồ đạc sách vở của Đức Cha đều bị đốt.
Đó là ngày 20 tháng 7, 1857. Trước đó hai tháng, Đức Cha đã viết thư tạm biệt Đức Giám Mục và các linh mục trong Giáo Phận. Từ nhà ngục tỉnh Nam Định ngày 28 tháng 5,1857, Đức Cha An viết :
“Tù nhân trong Chúa gửi lời tạm biệt Đức Cha và các cha cho tới ngày gặp nhau trên trời. Xin tất cả anh em tha thứ cho những điều lầm lỗi và gương xấu tôi đã làm… Gông xiềng tôi đang mang được coi là những báu vật Đức Giêsu gửi cho tôi. Tôi vui mừng lắm và chỉ ước ao đổ máu vì Chúa, để máu tôi hoà với máu cực thánh Đức Giêsu rửa linh hồn tôi được sạch mọi tội lỗi. Xin anh em cầu cho tôi vững tin đến cùng…”
Giuse Diaz Sanjurjo cất tiếng chào đời ngày 26 tháng 10, 1818 tại tỉnh Lugo nước Tây Ban Nha. Cậu là con cả trong gia đình có năm anh em mà một người sau là nữ tu Antonia. Lớn lên cậu theo học chủng viện Lugo. Chiến tranh khiến việc học của cậu bị gián đoạn ba năm nhưng sau được vào đại học, cậu đã tìm đến với tỉnh dòng Đa Minh Rất Thánh Mân Côi là tỉnh dòng đặc trách lo việc truyền giáo tại Viễn Đông. Ở đây cậu đã lần lượt được nhận vào Tập Viện ngày 23 tháng 9, 1842 ; được tuyên khấn 24.9.1843. Cha Giuse Diaz Sanjurjo đến địa phận Đông Đàng Ngoài ngày 19.9.1845 với tên Việt Nam là An. Sau thời gian học tiếng Việt, cha An được giao nhiệm vụ coi sóc chủng viện tại Nam An.
Dưới thời vua Tự Đức cấm đạo gắt gao năm 1848, cha An đã phải đau lòng gấp rút giải tán chủng sinh, chôn giấu các đồ thờ phượng và nhìn chủng viện bị tàn phá. Trong thư gởi một bạn ở Tây Ban Nha, cha An viết : “Chúng tôi chẳng còn nhà, chẳng còn sách vở và áo quần, chẳng còn gì nữa… nhưng chúng tôi vẫn an tâm vì nhớ lời Thầy Chí Thánh nói “Con Người không có chỗ gối đầu…”
Nhiệt thành với tương lai giáo phận, cha An tái lập chủng viện tại Cao Xá. Thời gian này cha biên soạn cuốn văn phạm La ngữ bằng tiếng Việt.
Qua tông thư đề ngày 05.09.1848, Đức Piô IX thiết lập giáo phận Trung tách khỏi giáo phận Đông Đàng Ngoài. Giáo phận Trung gồm cả Bùi Chu và Thái Bình hiện nay, với dân số khi ấy là 140.000 giáo hữu rải rác trên 624 giáo xứ.
Người có công thuyết phục linh mục Marti Gia nhận chức vụ giám mục giáo phận mới thành lập chính là cha An. Trong bầu khí trao đổi thân tình, cha An đã phân tích các mặt của nhiệm vụ giám mục với những khó khăn trong thời cấm đạo. Kế đến cha nêu những nhu cầu của cộng đoàn dân Chúa mà vai trò phục vụ được giao cần phải đáp ứng. Cha An không ngờ sắc lệnh bổ nhiệm Đức Cha Marti Gia làm giám mục giáo phận Trung Đàng Ngoài, có ban quyền chọn giám mục phó. Đức Cha Gia liền chọn người đã thuyết phục mình nhận chức giám mục bản quyền, là cha An, làm giám mục phó.
Sau khi thụ phong giám mục, cha An lại trở về Cao Xá tiếp tục coi sóc chủng viện. Trong thư gởi gia đình, đức tân giám mục viết : “Ở đây thì chức vụ cao chỉ thêm công việc, con thường phải đi bộ, có khi phải đi chân không, nhiều lần phải lội bùn đến đầu gối, để trốn tránh những người lùng bắt.”
Tháng 3, 1850, Đức Cha An giao chủng viện cho cha San Pedro Xuyên coi sóc rồi đi kinh lý toàn tỉnh Hưng Yên. Cuộc kinh lý bị bỏ dở. Hai linh mục Việt Nam cùng đi với Đức Cha bị bắt. Đức Cha thoát nạn nhưng về bị sốt rét nặng một thời gian. Hai năm sau, Đức Cha Marti Gia lâm bệnh nặng và qua đời tại Hương Cảng ngày 26.4.1852. Thế là Đức Cha An phải đến ở toà giám mục Bùi Chu để điều khiển công việc giáo phận mà mũi nhọn là công cuộc truyền giáo. Số người được chịu phép rửa tội năm 1852 lên tới 28.355 người. Đức Cha An viết : “Đó quả là phần thưởng đầy khích lệ để các nhà truyền giáo tiếp tục trách nhiệm tông đồ bất chấp âm mưu của thần dữ. Không nản lòng trước những cơ cực thiếu thốn, trước nguy hiểm vây quanh và những nghịch cảnh có thể xảy đến…”
Xảy ra là từ năm 1854, tại miền Bắc có giặc châu chấu của Lê Duy Cự và Cao Bá Quát. Họ kêu gọi người công giáo tham gia nhưng Đức Cha An lên tiếng cấm bổn đạo không được chống lại chính quyền hợp pháp. Do đó các quan chức địa phương cũng nới tay trong việc thi hành sắc lệnh cấm đạo của nhà vua. Tổng đốc Nguyễn Đình Tuân biết chính xác trụ sở toà giám mục Bùi Chu nhưng vẫn làm ngơ. Ông còn hứa nếu bất đắc dĩ phải sai quân truy nã thì ông sai người báo trước.
Không may khi ấy có quan thượng thư từ kinh đô về Nam Định nhằm lúc có người làng Thoại Miên là Chánh Mẹo, lên tỉnh tố cáo rằng có đạo trưởng Tây tên An ở Bùi Chu. Quan Tổng đốc buộc lòng phải ra lệnh truy bắt nhưng cũng cho người đi báo tin cho toà giám mục. Tiếc rằng tin đến nơi thì Đức Cha An đã bị bắt. Khi lính đến bao vây, Đức Cha chạy đi ẩn náu liên tiếp ở bốn nơi. Nơi cuối cùng ở giữa bụi tre khá kín. Nhưng đúng lúc Đức Cha ngó đầu ra để xem lính đã đi chưa thì bị phát hiện và bị bắt.
Đức Cha An bị giải về Nam Định và bị biệt giam hai tháng trước khi có án tử hình từ kinh đô truyền chém đầu Tây dương đạo trưởng tên An. Nhưng Đức Cha An đã không bị cưỡng bức chịu tử hình. Ngài đã vui mừng đón nhận cái chết tử đạo vì yêu mến Đức Giêsu vị Mục Tử nhân lành. Do đó ngài đã xin được chém ba nhát mà nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của ngài để họ bền chí trong đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình.
Cuộc đời tông đồ và cái chết tử đạo của Đức Cha An được kể vì gắn liền với đời tông đồ và cái chết tử đạo của Mười Hai Tông Đồ xưa. Mỗi giám mục đều là người kế vị các tông đồ của Đức Giêsu. Chính Người gọi từng người môn đệ (Mc 1,16-20). Từ số các môn đệ ấy, Người tuyển chọn Nhóm Mười Hai (3,13-19) để Nhóm này ở lại bên Người hầu được huấn luyện. Mục tiêu của huấn luyện là để họ trở nên những người được Đức Giêsu sai đi như ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay (6,7-13). Họ có sứ mạng khử trừ các thần ô uế (c.7), đó là điều chính yếu. Nhưng họ còn được hướng dẫn về cách ăn vận, về đồ vật nào được mang theo, về nơi nào nên ở lại, về cách xử trí khi bị khước từ… Điều quan trọng là họ phải trở nên nhẹ nhàng cho việc di chuyển và phải đặt mình dưới sự săn sóc của Thiên Chúa.
Điều mà Tin Mừng Máccô gợi ý đối với các Kitô hữu xưa cũng như nay là chính họ cũng cần ở lại bên Đức Giêsu để được Người huấn luyện. Đức Giêsu hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi vẫn là một (Dt 13,8). Chính Người đứng đầu Giáo Hội. Người điều khiển mọi người nhờ Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh là Đấng làm vang lên tiếng gọi của Đức Giêsu nơi những tâm hồn quảng đại. Chúa Thánh Linh cũng là Đấng làm cho cuộc huấn luyện các môn đệ vẫn còn tiếp tục trong Giáo Hội. Thư Do Thái nói rõ tính chất của cuộc huấn luyện đó khi nói “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo của anh em, họ là những người làm cho anh em được nghe lời của Thiên Chúa và hãy xem cuộc đời của họ kết thúc như thế nào, để noi theo lòng tin của họ” (Dt 13,7).
Vậy bài Tin Mừng hôm nay đi đôi với cái chết tử đạo của các thánh tông đồ cũng như của các vị kế nghiệp Nhóm Mười Hai như trường hợp Đức Cha An, phải trở nên sức mạnh củng cố ta trong đức tin và thăng tiến ta trong đức ái nhằm vinh danh Chúa hơn. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
Chuyện minh họa
a/ Đóng góp
Một vị Thị trưởng mở một Lễ hội lớn và mời mọi thị dân đến dự. Phần thức ăn thì vị Thị Trưởng hứa cung cấp đầy đủ. Phần rượu thì ông kêu gọi mỗi người khi đến dự hãy mang theo một chai, đến đổ vào một thùng rất lớn rồi mọi người sẽ uống chung.
Tới ngày Lễ hội, ai nấy đều mang chai rượu mình đến đổ vào thùng. Khi mọi người đổ xong, vị Thị trưởng cầm ly đến múc từ trong thùng ra, rồi nâng ly tuyên bố “Lễ Hội chính thức bắt đầu”.
Tuy nhiên khi ông Thị Trưởng uống, thì ôi thôi chỉ toàn là nước ! Bởi vì ai cũng nghĩ rằng người ta sẽ mang rượu thật đổ vào đấy, chỉ một chai nước của mình thì có làm loãng bao nhiêu đâu ! Thế là Lễ Hội thất bại thê thảm, chỉ vì sự tiêu cực và ích kỷ của thị dân.
Chúa mời gọi chúng ta cộng tác vào công trình của Ngài. Chúng ta hãy là những người tích cực chứ đừng tiêu cực như những thị dân trong chuyện trên. Chúng ta đừng chỉ biết nhận mà cũng hãy biết cho.
b/ Trang bị đầy đủ
Một chàng hiệp sĩ chuẩn bị làm một chuyến viễn du. Chàng tính trước tất cả mọi tình huống có thể xảy ra, để trang bị tất cả những điều cần thiết để đối phó.
Chàng mang theo một thanh gươm và một bộ áo giáp để sẵn sàng chiến đấu với quân thù. Chàng mang thêm một bình dầu chống nắng để thoa lên da phòng khi phải đi giữa trời trưa nắng gắt. Lại mang thêm một cái rìu để đốn củi đốt lên phòng lúc đi lạc ban đêm trong rừng. Chàng còn mang thêm một cái lều và rất nhiều chăn mền phòng khi gặp tiết trời trở lạnh. Lại có cả nồi niêu xoong chão để nấu nướng kẻo có lúc không gặp được quán ăn. Và chàng cũng không quên chở theo mấy bao ngũ cốc cho con ngựa vì sợ dọc đường không mua được. Và với những hành trang rất đầy đủ đó, chàng bắt đầu lên đường.
Nhưng mới đi được một khoảng thì gặp một chiếc cầu cũ kỹ lung lay. Chàng mới đi được đến giữa cầu thì chiếc cầu gãy sụp vì không chịu nổi sức nặng của mớ hành lý. Thế là anh chàng hiệp sĩ chết đuối mà không hoàn thành được cuộc hành trình đã dự định.
Khi Đức Giêsu sai 12 tông đồ ra đi truyền giáo, Ngài căn dặn họ một mặt đừng mang nhiều hành trang, mặt khác hãy phó thác cho Chúa Quan Phòng. Muốn hành trình đi xa thì hành trang phải nhẹ nhàng. Tuy nhiên ra đi với hành trang nhẹ nhàng đòi hỏi phải có đức tin vững chắc.
c/ Chúng ta là công cụ của Chúa
Một ngày mùa đông, một người bộ hành bắt gặp một cậu bé đang ngồi ăn xin ở dạ cầu. Cậu bé vừa lạnh run vừa rất đói. Người bộ hành cảm thấy bất nhẫn nên nói với Chúa :
– Thưa Chúa, sao Chúa không làm gì hết để giúp cậu bé này ?
Chúa đáp :
– Ta đã làm rồi chứ.
Người bộ hành rất ngạc nhiên trước câu trả lời ấy nên vặn lại :
– Nhưng dù Chúa có làm gì đi nữa thì xem ra chẳng có hiệu quả gì cả.
– Ta đồng ý.
– Nhân tiện, xin mạo muội hỏi Chúa một câu nữa : Chúa đã làm gì nào ?
– Thì Ta đã tạo dựng nên con đó.
Chúng ta là dụng cụ Chúa dùng để lo cho người khác, và chúng ta có trách nhiệm về hạnh phúc của người khác.
d/ Ánh sáng của Chúa
Ở thành phố Dallas, bang Texas Hoa Kỳ, có một cặp vợ chồng thất nghiệp hàng ngày đi lượm những lon bia và lon nước ngọt để bán lại kiếm tiền sinh sống. Một hôm, đang khi tìm kiếm trong những thùng rác, họ gặp được một cảnh rất đau lòng, đó là một đứa bé bị cha mẹ vất bỏ và đã chết trong thùng rác. Họ báo cảnh sát để tìm cha mẹ đứa bé. Nhưng chẳng tìm ra. Cũng chẳng ai đứng ra lo chôn cất đứa bé xấu số ấy. Thế là hai vợ chồng nghèo này quyết định làm việc đó. Họ lấy hết số tiền đang có để mua một chiếc quan tài nhỏ và một bó hoa, rồi đưa tiễn đứa bé tới nơi an nghỉ cuối cùng. Có thể nói, những giọt lệ của họ trước nấm mồ của đứa bé cũng thánh thiện như những giọt lệ Đức Giêsu đã đổ ra trước nấm mồ của Ladarô.
Để trở thành ánh sáng tỏa chiếu trong thế giới tối tăm này, chúng ta không cần phải có nhiều tiền, mà chỉ cần có một tấm lòng biết hướng tới người khác.
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã sai 12 tông đồ đi loan báo Tin mừng. Chúng ta đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta cũng được sai đi để Tin mừng hóa anh chị em đồng bào chúng ta. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :
- Hội thánh có sứ vụ loan báo Tin mừng cho mọi dân tộc mút cùng trái đất / Xin cho các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong Hội thánh luôn hăng say thi hành sứ vụ Chúa đã trao phó / dầu gặp thuận lợi hay bất cứ khó khăn nào.
- Nhiều nhà cầm quyền trên thế giới còn hạn chế cấm đoán, và bách hại các sứ giả Tin mừng của Chúa / Xin cho họ biết dẹp bỏ mọi thành kiến sai lầm / vì việc Tin mừng hóa chỉ nhằm mục đích đem lại hạnh phúc thật cho con người.
- Chung quanh chúng ta còn rất nhiều người chưa biết Tin mừng của Chúa / còn sống trong mê tín dị đoan hoặc nô lệ vật chất / Xin cho họ sớm được nghe biết Tin mừng giải phóng của Chúa.
- Nhiều giáo hữu trong họ đạo chúng ta còn dửng dưng và chẳng quan tâm gì đến nhiệm vụ truyền giáo / Xin Chúa cho họ biết cầu nguyện và góp công góp của cho việc truyền giáo của Hội thánh.
Chủ tế : Lạy Chúa, xin cho mọi Kitô hữu chúng con biết nghe theo lệnh truyền của Chúa, để sẵn sàng cộng tác bằng bất cứ cách nào có thể, cho mọi người được nghe biết và đón nhận Tin mừng của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Khi cùng với Đức Giêsu dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha trên trời, chúng ta hãy đặc biệt xin cho ước Cha trị đến.
GIẢI TÁN
– Thánh lễ đã xong. Đây là lúc Chúa sai chúng ta đi. Chúng ta hãy mang tinh thần Tin Mừng của Chúa đến cho tất cả mọi người chúng ta sẽ gặp gỡ trong tuần này.
Bài đọc thêm
THƯ ÊPHÊXÔ
- Người Nhận Thư
Về người nhận thư, ta phải lưu ý tới 3 điều bất thường sau :
- Êphêxô là thủ phủ của Tỉnh hạt Asia (Tiểu Á), là một thành phố lớn, lại là nơi Phaolô thường xuyên lui tới và cư trú trong 1 thời gian lâu. Do đó có thể nói Êphêxô được Phaolô thân thiết hơn mọi giáo đoàn khác. Thế mà giọng điệu thư này có vẻ chung chung (impersonnel) chứ không có gì là thân thiết cả.
- Trong số các bản chép tay thư này, một vài bản chép câu 1,1 là “… kính gởi hàng thánh hữu ở Laođixê”
- Vài bản khác lại chép bỏ trống : “… kính gởi hàng thánh hữu ở…”
Vì 3 điểm bất thường trên nên có nhiều giả thuyết về người nhận thư :
a/ Là giáo đoàn Laođixê.
b/ Là một bức thư chung viết sẵn để muốn gởi đến giáo đoàn nào cũng được.
c/ Chúng ta theo giả thuyết của W. Harrington : đây là thư gởi trực tiếp cho giáo đoàn Êphêxô. Nhưng vì Êphêxô còn là thủ phủ của tỉnh hạt Asia rộng lớn, có nhiều liên hệ với các giáo đoàn khác trong tỉnh hạt (có thể coi đây là trung tâm của vùng truyền giáo), nên cũng gián tiếp gởi cho các giáo đoàn kia nữa. Nghĩa là qua trung gian Êphêxô, Phaolô cũng muốn nói với các giáo đoàn kia. Tóm lại, đây là một thư luân lưu cho nhiều giáo đoàn mà Êphêxô là người nhận đầu tiên.
Giả thuyết này cắt nghĩa được tất cả 3 điều bất thường trên : giọng điệu chung chung vì viết cho nhiều giáo đoàn ; những chỗ bỏ trống là để cho Êphêxô khi muốn gởi cho giáo đoàn nào khác thì điền tên giáo đoàn ấy vào ; “tại Laođixê” vì đó là một bản gởi đến Laođixê.
- Hoàn Cảnh
Thư này có nhiều điểm giống với thư gởi giáo đoàn Côlôxê :
– Viết lúc Phaolô đang bị cầm tù ở Rôma
– Nội dung tương tự nhau
– Cùng do một người mang đi là Tychique.
Chúng ta biết có hai thư khác của Phaolô cũng tương tự nhau là thư Galát và thư Rôma : khởi đầu Phaolô viết cho giáo đoàn Galát để giải quyết vụ “khủng hoảng Galát” (muốn được cứu rỗi thì ngoài niềm tin vào Đức Kitô còn phải giữ thêm luật lệ do thái nữa mới “chắc ăn&quo
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA– Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
DẪN NHẬP
Chúa nhật 15 hôm nay cho chúng ta biết : trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã quyết định chọn con người chúng ta làm nghĩa tử nhờ Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 2). Đồng thời cũng hé mở cho chúng ta biết chúng ta có ơn gọi và sứ mạng làm con, làm tiên tri và làm người rao giảng Tin mừng Cứu độ của Thiên Chúa. Đây thực là một hồng ân cao cả, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề phải chu toàn.
Sau một thời gian huấn luyện các Tông đồ, Đức Giêsu cho các ông đi thực tập truyền giáo. Ngài căn dặn các ông đủ điều để làm hành trang trên buớc đường truyền giáo : sống siêu thoát, nhịn nhục chịu đựng, phó thác…(Bài Tin mừng). Nhưng trên bước đường truyền giáo, những người thi hành sứ vụ ấy không phải lúc nào cũng được người ta tiếp nhận vui vẻ, nhiều khi còn bị người ta chống đối, bị xua đuổi như trường hợp tiên tri Amos (Bài đọc 1).
Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri tức là phải làm chứng cho Đức Giêsu như lời Ngài dạy :”Chúng con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng , vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là chứng nhân của Chúa, ngược lại chỉ là “phản chứng”.
TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Am 7,12-15.
Amos là một người chân chất sống ở tiểu vương quốc Giuđa (phía nam), làm nghề chăn nuôi súc vật, nhưng Chúa truyền cho ông phải đến vương quốc Israel (phía bắc) khiển trách lối sống phản tôn giáo và các tư tế ở đền thờ Bethel chỉ biết sống theo hình thức trong đời sống tôn giáo mà không có đời sống thực.
Vì trung thành nói lời Chúa nên Amos bị dân chúng ghét bỏ. Một trong các vị tư tế đền thờ là Amasias, được nhận bổng lộc của nhà vua, đã ra lệnh trục xuất ông khỏi xứ sở. Ông đã phản ứng lại một cách mãnh liệt, không chịu rời khỏi xứ ấy vì ông đã nhận được sứ mạng nói tiên tri, mặc dầu ông không thuộc dõng dõi tiên tri, cũng không quen làm nghề tiên tri.
+ Bài đọc 2 : Ep 1,3-14.
Thánh Phaolô gửi thư mục vụ cho tín hữu Êphêsô tiết lộ cho họ một mầu nhiệm : trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã quyết định chọn con người chúng ta làm nghĩa tử, nhờ Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Ngài còn cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của chính Con Ngài và nuôi dưỡng chúng ta bằng sự sống của Ngài dưới tác động của Thánh Thần.
Đây là mầu nhiệm tình yêu. Tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm phải đáp trả lại tình yêu ấy bằng cách phải tỏ ra xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu và tích cực cộng tác vào việc thi hành thánh ý Chúa.
+ Bài Tin mừng : Mc 6,7-13.
Sau khi rời bỏ Nazareth đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn Capharnaum làm trung tâm hoạt động. Công việc huấn luyện các Tông đồ tạm đủ, Ngài sai các ông đi từng hai người một đến những vùng xa hơn để rao giảng.
Ngài sai các ông đến với mọi người, dù họ là ai, và đặc biệt đến với những người nghèo khó nhất. Sứ mạng đặc biệt của các ông là rao giảng sự thống hối. Ngài cũng ban cho các ông quyền trừ qủi và chữa được nhiều bệnh tật.
Để bảo đảm cho sứ mạng của các ông thành công, Ngài ban cho các ông chỉ thị rõ ràng : phải có tinh thần vô vị lợi, không quá lo lắng về đời sống vật chất, không cần phải trang bị gì, cứ tin vào sự quan phòng của Chúa. Chúa sẽ nâng đỡ và làm cho những cố gắng của các ông thêm phong phú.
THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Ra đi làm chứng cho Chúa.
NHỮNG SỨ GIẢ ĐƯỢC SAI ĐI.
Các tiên tri.
Ngày xưa, khi Thiên Chúa muốn truyền cho dân điều gì thì Ngài dùng các tổ phụ hoặc các tiên tri. Bài đọc 1 chứng minh cho chúng ta qua việc Thiên Chúa gọi Amos là người xứ Giuđa đi nói tiên tri cho người xứ Israel. Ông phản đối mạnh mẽ việc lạm dụng tôn giáo và tính cách thiếu tôn giáo đang lan tràn tại Israel, đặc biệt ông nhấn mạnh việc thờ phượng mà thiếu luân lý lành mạnh là không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Khi ông tiên báo là vua Joroboam sẽ bị ám sát và Israel sẽ bị đi lưu đầy, thì vị tư tế Amasias ở đền Bethel phản đối và đuổi ông đi khỏi Israel.
Thời đó, ở Israel có trường dạy nghề tiên tri, một nghề để kiếm ăn. Do đó xuất hiện những tiên tri giả. Amos hiểu nghĩa của từ “thầy chiêm” mà Amasias dùng nên khẳng định : ông chỉ là người chăn chiên và đi hái sung vả, ông phải làm nghề này chỉ vì Chúa đã gọi ông :”Hãy đi nói tiên tri cho Israel dân của Ta”(Am 7,15).
Các Tông đồ.
Khi Đức Giêsu xuất hiện thì thời đại tiên tri chấm dứt với ông Gioan Tẩy giả, ông là tiên tri bản lề giữa Cựu ước và Tân ước. Lúc này Chúa không dùng các tiên tri nữa mà lại dùng các Tông đồ đi rao giảng Lời Chúa. Sau khi đã huấn luyện các Tông đồ một thời gian, Đức Giêsu muốn cho các ông được thử lông thử cánh, cho các ông truyền đạt cho người ta những điều Ngài dạy, biết va chạm vào thực tế với những thành công và thất bại để sau này các ông có kinh nghiệm truyền giáo, sau khi Đức Giêsu đã về trời (Bài Tin mừng).
Các nhà truyền giáo.
Khi Đức Giêsu đã về trời, các Tông đồ đã chia nhau đi rao giảng Tin mừng, có các người phụ tá và những người cộng tác với các ngài. Khi các ngài đã qua đi thì Giáo hội lãnh nhận công tác tiếp nối công việc của các Tông đồ mà rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng thế giới, không kể mầu da sắc tộc, ngôn ngữ. Lời Chúa phải được rao giảng cho mọi người. Và đến lượt các tín hữu, mọi người có trách nhiệm phải rao giảng cho người khác. Mọi người phải rao giảng Tin mừng, không trừ ai, nhưng Giáo hội trạch cử một số người chuyên đi rao giảng mà ta gọi là “các nhà truyền giáo”. Đức Giêsu không còn trực tiếp rao giảng như ngày xưa nữa mà cần loài người chúng ta phải cộng tác để đi đến các hang cùng ngõ hẻm đem Lời Chúa đến cho mọi người.
Truyện : Chúa cần bàn tay bạn.
Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công giáo. Bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.
Một hôm lính Mỹ đã giúp vị Linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị Linh mục đã từ chối. Ông nói :
– Tôi có một ý tưởng hay hơn : Chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay. Và chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này : BẠN ƠI, BẠN HÃY CHO TÔI MƯỢN ĐÔI BÀN TAY CỦA BAN” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr 494).
CÁC MÔN ĐỆ ĐƯỢC SAI ĐI LÀM CHỨNG.
Chúa sai các Tông đồ đi.
Trở lại bài Tin mừng hôm nay, chúng ta biết Đức Giêsu đã chọn cho mình 12 Tông đồ đểû trở thành những cán bộ nồng cốt cho việc rao giảng Tin mừng. Sau khi đã huấn luyện một thời gian, Ngài muốn sai các ông đi thực tập truyền giáo. Đây là bước sang giai đoạn thứ hai chương trình của Ngài : từ lý thuyết sang thực hành.
Các ông đã sống vối Ngài một thời gian, đã chứng kiến cuộc đời Chúa, đã nghe Ngài giảng thuyết, đã chứng kiến phép lạ Ngài làm, đã nhìn thấy những thất bại của Ngài ở Gherasa và ở Nazareth, đã nhận thức thái độ thù ghét của người biệt phái. Nay đã đến lúc thử để biết vàng hay thau. Ngài cần cho các ông biết phải hoạt đột theo tinh thần nào và những nguyên tắc nào.
Chúng ta hãy xem cách thức Đức Giêsu sai các Tông đồ như thế nào :
a) Từng hai người một : Ngài sai các ông đi từng hai người một để giúp đỡ nhau, biểu lộ tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ, đồng thời để làm chứng tích sống động về điều họ rao giảng là cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Nguời ta cứ dấu đó mà biết họ là những môn đệ của Chúa Kitô.
b) : Ban quyền lực : Quyền lực đây phải hiểu là “quyền trừ các thần ô uế”. Câu nói đó phải hiểu theo quan điểm đã ghi chép trong Mt 10,8 và Lc 9,1 nghĩa là khu trừ qủi ám vàø chữa lành các bệnh tật : vì theo quan niệm thời đó, tất cả các bệnh tật đều coi như là hậu quả của tội lỗi và không ít thì nhiều do ma qủi làm.
c) Môi trường hoạt động : Trước tiên hãy đến với dân Chúa tức là những người Do thái :”Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc nhà Israel”(Mc 10,5). Còn đối với dân ngoại, các ông sẽ đến với họ sau khi Chúa đã về trời.
d) Đề tài rao giảng : Các ông sẽ rao giảng sự thống hối. Vì công cuộc cứu chuộc chưa hoàn tất nên Đức Giêsu không dạy các ông giảng về Ngài. Điều đó Ngài sẽ dạy các ông rao giảng sau này khi Ngài đã chịu chết và sống lại để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế (Rm 1,3-4 ; 1Cr 1,23).
Tư cách của vị Tông đồ.
Khi sai các Tông đồ đi truyền giáo, Đức Giêsu căn dặn các ông kỹ càng nhiều điều để làm hành trang lên đường. Chúng ta có thể tóm tắt các lời căn dặn đó trong 3 điểm sau :
- a) Sống tinh thần khó nghèo.
Đức Giêsu đã từng nói về Ngài :”Con chồn có hang, con chim có tổ, Con người không có nơi tựa đầu”. Ngài di chuyển nay đây mai đó, không vướng mắc gì về phần vật chất nghĩa là sống siêu thoát. Vì thế, Ngài khuyên các ông đừng mang gì ngoài cây gậy. Thậm chí không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi. Người Tông đồ không chuẩn bị gì để lên đường, mọi sự đã có Chúa lo :”Tiên vàn các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho”.
b) Chấp nhận bị khinh dể.
Đức Giêsu đã bị hất hủi nơi quê hương mình :”Không có tiên tri nào mà không bị khinh dể nơi quê hương mình”. Các Tông đồ cũng sẽ rơi vào trường hợp đó. Các ông sẽ không được một số người tiếp nhận và còn bị ngược đãi nữa. Trong trường hợp đó, Ngài cho phép ra đi đến một nơi khác, và giũ bụi chân lại cho họ biết lỗi lầm của họ. Người Do thái có thói quen làm như thế khi họ đi từ vùng dân ngoại vào vùng đất của họ để minh chứng họ dứt bỏ mọi liên hệ xấu xa với dân ngoại. Vậy người môn đệ làm như thế để đánh thức những ai từ chối họ, và cho những người ấy biết rằng cách cư xử của họ như vậy là đã trở thành dân ngoại.
c) Phó thác nơi Chúa.
Phó thác được coi như một nhân đức, nhưng phải hiểu cho đúng nghĩa. Phó thác không có nghĩa giao khoán cho Chúa hoàn toàn, còn mình thị thụ động, không cộng tác, không làm gì cả. Ngược lại, phải cộng tác với Chúa theo khả năng của mình, phải có hành động theo sự soi sáng hướng dẫn của Chúa vì, theo thánh Giacôbê :”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Vậy phó thác là gì ? Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa dạy các Tông đồ phó thác theo nghĩa là khi các ông ra đi truyền giáo, các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ : một cây gậy để chống lại thú dữ dọc đường, một chiếc áo mặc, một đôi dép để đi, thế thôi. Đừng quá lo lắng về vật chất : không cần mang lương thực dự trữ, không cần thủ nhiều tiền trong túi, không cần tới hai áo, không cần mang bị theo để đựng quà biếu của người khác. Về nơi ăn chốn ở cũng thế, miễn sao có chỗ trọ là được, không cần tìm đến nhà giầu sang, chỗ nào không tiếp nhận thì đi chỗ khác… Điều chính yếu quan trọng mà các ông cần cậy dựa vào , đó là quyền năng của Chúa.
CHÚA SAI CHÚNG TA ĐI LÀM CHỨNG.
Mỗi khi tham dự Thánh lễ, trước khi ra về, Linh mục nói lên lời cầu chúc và căn dặn mọi người :”Ite, Misa est” : Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Linh mục không cầu chúc mọi người trở về nhà bình an mà cầu chúc mọi người ra đi rao giảng Tin mừng, vì Thánh lễ chưa kết thúc ở đây mà còn kéo dài trong cả ngày, trong cả cuộc sống. Chúng ta đã tiếp nhận được Lời Chúa trong Thánh lễ thì hãy đem lời Chúa gieo rắc khắp nơi nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa. Hãy đi làm chứng cho Chúa giữa lòng đời.
Làm chứng cho Chúa là gì ?
Làm chứng cho Chúa là lấy lời nói, nhất là cách ăn ở, việc làm mà tỏ cho người khác biết Chúa Kitô, vì người ấy giống Chúa Kitô trong tư tưởng, nói năng, xử sự, việc làm. Vì giống như vậy nên khi người ta gặp người ấy, thì người ta nhớ đến Chúa Kitô. Người ấy đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như thánh Phaolô nói:”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Chúng ta chỉ là công cụ của Chúa để nhờ đó người ta biết Chúa. Tuy công cụ nhỏ bé chẳng đáng kể nhưng lại cần thiết. Chúa không trực tiếp tỏ mình ra cho người ta mà dùng con người nhỏ bé của chúng ta để tỏ lộ cho mọi người biết Thiên Chúa cao cả. Chúng ta chỉ là phương tiện để Chúa đến với người ta và người ta đến với Chúa. Ví dụ : một người muốn biết ngôi sao mai trên trời nhưng không biết ngôi nào trong hàng ngàn ngôi sao, nhưng nếu chúng ta dùng bàn tay chỉ cho họ thì họ sẽ nhận ra ngôi sao mai trên trời. Bàn tay chỉ là phương tiện để người ta nhìn ra sao mai, nếu không có bàn tay ấy thì người ta không nhìn ra sao mai được.
Truyện : Công cụ của Chúa.
Một ngày mùa đông một người đàn ông đi đến một cậu bé đang ngồi ăn xin trên một cây cầu của thành phố, gió thổi lồng lộng. Cậu bé run lập cập vì lạnh và rõ ràng đang cần một bữa ăn ngon. Nhìn thấy cậu bé, người đàn ông rất tức giận bèn nói với Thiên Chúa :
– Lạy Chúa, tại sao Chúa không làm điều gì đó cho cậu bé này ?
Thiên Chúa đáp lại :
– Ta đã làm một điều gì đó cho nó rồi.
Điều này làm người đàn ông ngạc nhiên, vì thế ông nói :
– Con hy vọng Chúa không nói rằng : Bất cứ điều gì Chúa làm đều có vẻ như không làm.
Chúa đáp :
– Ta cũng đồng ý với con điều đó.
Người đàn ông hỏi :
– Nhưng bằng cách nào mà Chúa đã làm điều đó ?
Chúa đáp :
– Ta đã làm ra con (Flor McCarthy, Sđd, tr 492)
Cách thức làm chứng cho Chúa.
a) Mọi người có thể làm chứng.
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ những lời sau cùng:”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật”(Mc 16,15 ; Mt 28,19). Nếu Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân thì lệnh truyền ấy phải có thể thực hiện được : thực tế đã chứng minh, các ông đã đem Tin mừng đến mọi nơi, và từ 2000 năm nay vẫn còn tiếp tục. Dĩ nhiên với thời gian vắn vỏi các ông chưa có thể đi khắp thế giới rao giảng được, nhưng Giáo hội đã tiếp nối sứ mạng ấy và nhờ chúng ta là những phần tử trong Giáo hội tiếp tục sứ mạng ấy. Ai không rao giảng Tin mừng là một điều thiếu sót. Thánh Phaolô đã nói:”Khốn thân tôi, nếu không rao giảng Tin mừng”(1Cr 9,16).
Chúa về trời, ngài đã mượn miệng lưỡi chúng ta để rao giảng, mượn đôi tay chúng ta để thi ân, mượn đôi chân chúng ta để đi đến những người cùng khổ. Tuy về trời, Ngài vẫn hiện diện và hoạt động trong cuộc sống chứng nhân của mỗi Kitô hữu.
Mỗi người một cách làm chứng.
Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngành nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta. Chính vì vậy mà Chúa đã bảo các Tông đồ và chúng ta rằng:”Các con là chứng nhân của Thầy”(Lc 24,48).
Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết hay bất cứ một phương tiện nào , nhưng phương tiện có tính cách thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho Linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ Ngài về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ:”Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
Truyện : Thánh Phanxicô Assisi truyền giáo.
Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assise, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa… Về nhà, thầy dòng hỏi cha thánh :
– Giảng ở đâu ?
Cha thánh trả lời :
– Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn.
Trong cuộc sống văn minh đầy tiện nghi hôm nay, nhiều Kitô hữu đã lao mình vào cuộc sống vật chất, họ chỉ biết hưởng thụ, thu tích cho nhiều của cải mà quên đi vai trò làm chứng của mình. Họ là những Kitô hữu vô thần. Tại sao đã là Kitô hữu mà lại vô thần được ? Thưa, trên danh nghĩa thì họ là Kitô hữu thật, nhưng trong thực tế, cách sống của họ hoàn toàn là vô thần. Chúng ta có thể nói : họ còn vô thần hơn cả người vô thần nữa. Cách sống thiếu gương mẫu của họ vô tình biến đổi từ nhân chứng đến “phản chứng”, thay vì lôi kéo người ta đến với Chúa lại đẩy người ta ra xa Chúa hơn.
Truyện : Indira tầm đạo.
Inđira đến gặp một đạo sĩ Makia và ngỏ lời:
– Xin ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôi tôn thờ và một tôn giáo để sống theo.
Đạo sĩ Makia liền đem Indira đến toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi một vị thần được dành cho một căn phòng riêng.
Dừng chân đầu tiên trước tượng thần Batđa đạo sĩ giới thiệu :
– Đây là vị thần sẽ cất hết sự đau khổ khỏi thế giới.
Nhưng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. Trước vị thần thứ hai đạo sĩ Makia giới thiệu :
– Đây là nữ thần Sôpha có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.
Nhưng Indira cũng lại xin đạo sĩ đi nơi khác. Cuối cùng hai người dẫn đến trước một vị thần bị treo trên thập giá. Indira tò mò hỏi :
– Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế ?
Đạo sĩ chậm rải trả lời :
– Đây là thần của những người đạo Kitô.
Với chút xúc động lộ trên mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để trở thành đồ độ của Đấng chịu treo trên thập giá. Đạo sĩ ngạc nhiên hỏi :
– Này anh Indira, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần anh gặp lúc trước, một đề nghị cất hết mọi đau khổ, một đề nghị giúp tránh sự đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả. Tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của Vị chết nhục nhãø trên thập tự như thế ?
Indira giải thích :
– Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là hứa suông. Người ta không thể nào cất đi được những đau khổ. Và dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn, và người ta cũng không thể nào tránh được đau khổ. Nhưng nhìn vào vị thần của người Kitô chấp nhận sự đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm tin và an hòa sẽ trổ sinh trên thế giới này. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đấng chịu treo trên thập giá kia, và muốn làm đồ đệ của Ngài. Vậy xin đạo sĩ đưa tôi đến nơi người Kitô sống để được trở thành người Kitô.
Đạo sĩ dẫn Indira đến nhà thờ những người Công giáo để xin lãnh bí tích rửa tội.
Khi vừa bước vào làng thì hai người đã nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây một nhóm người đang cãi lộn. Nơi khác có những kẻ như đang sắp đánh giết lẫn nhau. Nơi khác nữa thì nghe vẳng lại những lời nói tục tĩu vô lễ. Bảng ghi “Coi chừng bị móc túi” được dán nơi công cộng.
Indira hỏi đạo sĩ :
– Đây là đâu ?
Đạo sĩ trả lời :
– Thôi, chúng ta hãy đi nơi khác. Tôi mộ mến và tin vào Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng tôi không muốn trở thành người Kitô hữu nữa.
Đức Giêsu đã dạy chúng ta :”Các con sẽ làm chứng về Thầy”. Chúng ta nghĩ thế nào về câu nói đó ? Đời sống đạo của chúng ta hôm nay là một chứng từ hay một phản chứng ?
Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Chúa”, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh chị em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng giầu lòng tha thứ.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
HÀNH TRANG NGƯỜI MÔN ĐỆ- ĐTGM. Jos. Ngô Quang Kiệt
Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.
Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.
Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.
Hành trang của người môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.
Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.
Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?
2- Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?
3- Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?
4- Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
GỌI VÀ SAI ĐI- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Ngài cho các ông sống bên cạnh mình. Ngài trực tiếp huấn luyện, bằng cách cho các môn đệ được nghe những lời Ngài giảng, được xem những việc Ngài làm. Sau đó, Ngài sai các môn đệ ra đi thực tập truyền giáo. Hai động từ “gọi, sai đi” diễn tả rõ rệt ơn gọi của các Tông đồ. Trước khi các học trò lên đường, Chúa Giêsu căn dặn nhiều điều như là hành trang cần thiết cho sứ vụ tông đồ. M. Quesnel ví những lời đó như “một loại thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo” (“Comment lire un évangile?”, Seuil, trang 103).
Hành trang người tông đồ
a.Hành trang đi đường: cây gậy, đôi dép, không mang hai áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.
Các môn đệ được tham dự vào ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Giêsu. Cây gậy của vương đế, đôi dép của tiên tri, và tấm áo của tư tế.
– Cây gậy
Cây gậy trong tay biểu trưng cho sức mạnh của Thiên Chúa thông ban cho người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ra đi với niềm tin vào năng quyền của Thiên Chúa trao ban: công bố Tin mừng cứu độ của Đức Kitô, chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống, xua trừ ma quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.
– Đôi dép
Đôi dép là hình ảnh luôn lên đường. Truyền giáo là ra đi. Đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân. Sứ vụ sai đi khởi phát từ Chúa Cha “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.
– Tấm áo
Người ra đi mang áo là mặc lấy tâm tình Chúa Giêsu. Nhờ đó, các môn đệ làm cho cuộc đời mình trở nên của lễ hiến dâng hợp với hiến lễ Chúa Kitô.
Chúa Giêsu trao cho các môn đệ những quyền năng Ngài có: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ. Đó là hành trang quan trọng hàng đầu. Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc: một chiếc áo đang mặc, một cây gậy và đôi dép khi đi đường.Với những hành trang như thế, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.
Phương tiện sinh sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc. Hành trình như vậy đặt các người được sai đi trong tư thế tuỳ thuộc. Gói hành trang chỉ gồm những chữ “không” và chữ “đừng”: “Đừng mang gì, …, không mang bị, mang bánh, không mang tiền trong túi, …, đừng mặc hai áo”. Một gói hành trang lạ thường. Nhờ vậy nên không vướng víu, không “mọc rễ” bất cứ đâu để nhẹ nhàng ra đi nơi đâu Chúa muốn.
Tương lai bấp bênh. Chúa Giêsu cũng không giấu diếm họ điều gì. Con đường truyền giáo là con đường đầy chông gai, lắm gian khó. Cũng như Ngài, họ đón nhận sự rủi ro bị từ chối, bị xua đuổi. Cần phải hy sinh bản thân. Đó là thân phận kẻ được gọi, được sai đi. Ra đi mà không gì bảo đảm, ra đi mà không mảy may dính bén. Sẵn sàng đến mà cũng sẵn sàng đi. Thành công cũng không thụ hưởng mà thất bại cũng chẳng đắng cay. Bởi lẽ như lời Thánh Phaolô nói: Tôi trồng, Apollô tưới, Chúa cho mọc lên.
Người truyền giáo luôn bị cám dỗ định cư, tìm an toàn bảo đảm bản thân, an nghĩ trong những thành công tạm bợ…và không muốn ra đi. Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu. Vì vậy, Chúa muốn các môn đệ luôn sẵn sàng ra đi. Lên đường bao giờ cũng đẹp. Hạnh phúc chỉ dành cho ai dám lên đường tìm kiếm.
Phương thức hoạt động:”từng hai người một”
Khi sai đi “từng hai người một “, Chúa Giêsu mong các ông hợp tác và liên đới với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau khi gặp khó khăn “Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy” (Gv 4,9). Hai người làm việc chung, nâng đỡ nhau biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc trưng của môn đệ của Chúa (x. Ga 13,35). Dấu chỉ này là một chứng từ sống động và lôi cuốn người khác.
Trong Công vụ Tông đồ, các nhà truyền giáo thường lên đường với nhau “từng hai người một”: Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22)… Hoạt động tông đồ luôn là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu. Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là dấu hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu, vừa là lời rao giảng sống động, hùng hồn nhất về Tin Mừng.
Tinh thần tông đồ là ra đi
Trao “Sứ vụ” cho các môn đệ, Chúa Giêsu không bảo các ông “phải giảng điều gì”. Ngài chỉ căn dặn các ông những chi tiết “phải sống”. Đối với Chúa Giêsu, ra đi làm chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.
Suốt mấy năm ra mặt với đời để thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu không ngừng đi rày đây mai đó. Ngài luôn ngang dọc trên mọi nẻo đường đất nước để truyền giáo. Từ hội đường này đến hội đường khác (Mt 4,23). Đôi khi ở ngoài trời, ở ngoài đường. Trên một sườn núi cũng có (Mt 5,1), bên một bờ hồ hiu quạnh cũng có (Mc 6,30-34). Có khi “mệt mỏi vì đường sá”, một mình ngồi trên thành giếng nói chuyện với người phụ nữ đến kín nước (Ga 4,6). Có lúc vì dân chúng chen lấn xung quanh đông đảo quá thì “Ngài mới lên một chiếc thuyền, thuyền của Simon và xin ông ấy chèo ra xa bờ một tí. Ngài ngồi xuống rồi từ ngoài thuyền nói vào mà giảng dạy dân chúng” (Lc 5,3). Chúa Giêsu thực hiện một cuộc hành trình liên miên. Theo ngôn ngữ của Phúc âm Maccô chương 1: Ngài bỏ Nazareth để đến gặp Gioan bên sông Giođan, rồi đến Galilê, dọc theo bờ biển Galilê, và Ngài đi rao giảng trong các hội đường khắp xứ Galilê. Trong chương 2: ít lâu sau, Ngài lại về Capharnaum… Ngài ngang qua đồng lúa … Cứ đi và đi như vậy mãi.
Chính giữa khung cảnh đường dài trời rộng thênh thang ấy mà lời giảng dạy của Chúa bao giờ cũng khởi hứng từ một hoàn cảnh cuộc sống. Các hình ảnh cuộc sống đời thường gần gũi tràn ngập trong lời rao giảng. Cánh huệ mọc ngoài đồng. Đàn chim sẻ đang bay. Một đám ruộng lúa chín vàng mở rộng đến chân trời. Một mẻ cá lớn bên biển hồ. Những hạt giống người nông phu gieo vương vãi trên đường mòn,giữa bụi gai, trên sỏi đá. Một đàn cừu người chăn lùa về buổi chiều tối. Từng tảng đá, từng hạt sạn người ta nhặt từ một đống muối rồi vất đi. Từng con còng người đánh cá nhặt ra bỏ lại bên bờ sau một mẻ cá…
Việc thu thập môn đệ, Ngài cũng vừa đi, vừa gọi, vừa nhận… Như các môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20). Chúa Giêsu không dừng lại, yên nghĩ, hưởng thụ hay cũng cố vị trí người ta dành sẵn cho mình. Sau một ngày thành công rực rỡ ở Capharnaum chẳng hạn: “Sáng đến, Ngài ra đi vào nơi hoang vắng. Dân chúng đi tìm Ngài và đến nơi Ngài,họ cố giữ Ngài lại, không để Ngài đi khỏi chỗ họ. Nhưng Ngài bảo họ: Ta còn phải đem Tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” (Lc 4,42-43).
Như thế, suốt đời Chúa Giêsu đã không hề có trụ sở, không hề có nhà thờ. Ngài đi khắp mọi nẻo đường trên thế giới Ngài đang sống.
Chúa Giêsu bị bắt lúc đang cầu nguyện giữa vườn Giệtsêmani hoang vắng. Bị điệu đến Hanna rồi Caipha. Từ toà đạo qua toà đời. Hết bị điệu đến dinh Philatô lại bị gửi qua dinh Hêrôđê, rồi bị đưa trả về cho Philatô. Không đầy một ngày một đêm mà kẻ tử tù đã phải đi không biết bao nhiêu dặm đường trên con đường “công lý” của loài người.
Bị kết án thập hình. Hai tay dang rộng, bị đóng đinh trên thập giá. Tảng đá lấp cửa mồ (Mc 14,32 -15,47). “Lính canh phòng cẩn mật, niêm phong tảng đá lại” (Mt 27,62-66).Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không dừng chân cả trong cái chết. Ngày thứ ba Ngài sống lại, vượt cái chết qua sự sống bất diệt.
Sau khi phục sinh, Ngài cũng đi nhiều nơi, đến với với các môn đệ, cũng cố lòng tin và sai họ ra đi loan báo Tin mừng.
Hoàn thành sứ mạng, “Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” (Mc 16,19) và luôn đồng hành cùng Giáo hội “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28,20).
Chúa Giêsu gọi các môn đệ và “thiết lập Nhóm Mười Hai” để họ ở với Ngài và để Ngài sai đi. Các môn đệ luôn tin tưởng, phó thác vì biết mình đã tin vào ai. Tin yêu dù biết rằng mình chẳng là gì, chẳng có khả năng gì, chỉ là một mục đồng bé nhỏ như Amos, chỉ là một ngư phủ ít học như Phêrô, nhưng lại được chính Thiên Chúa nắm lấy và bảo hãy đi (bài đọc I). Lên đường với trọn niềm tín thác, người môn đệ dành cả đời mình cho sứ vụ, bởi biết mình đã được Chúa Giêsu kêu gọi, được Chúa Cha tuyển chọn và được Chúa Thánh Thần đóng ấn, được ủy thác sứ mạng hoàn tất ý định yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, muốn qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (bài đọc II).
Giáo hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, ra đi đến với muôn dân. Ra đi là dấn thân đi đến gặp gỡ mọi người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo tin vui và mang đến cho họ ơn cứu độ.
Cuộc đời người Kitô hữu cứ phải ra đi không ngơi nghĩ. Ra khỏi cái cũ và đi tới cái mới. Ra khỏi cái đang có để đi tới cái chưa có. Ra khỏi cái mình đang là để đi tới cái mình phải là. Như thế, hành trình xa xăm nhất lại chính là hành trình của con tim.
“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi.
Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ra đi từ trời cao xuống đất thấp, mang Tin mừng chiếu soi nhân trần. Xin sai chúng con ra đi nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin Chúa giúp chúng con chỉ biết cậy dựa vào Chúa. Chỉ mình Chúa là đủ cho chúng con. Amen.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
SỨ MỆNH TÔNG ĐỒ– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Tôi hình dung ngày Chúa nhật, Chúa Giêsu gọi tất cả chúng ta đến xum họp chung quanh bàn thờ để hiệp dâng Thánh lễ với Ngài. Rồi sau đó, Ngài sai chúng ta đi đưa Tin mừng, như các môn đệ sống thân mật bên Chúa Giêsu đã được sai đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Thực vậy, Chúa Giêsu đã sống hiệp nhất với Chúa Cha và được sai xuống trần gian. Các môn đệ đã chung sống với Chúa Giêsu để rồi được sai đi, thì chúng ta xum họp với Ngài trong Thánh lễ để rồi cũng được sai đi thi hành sứ mạng tông đồ của Chúa Giêsu. Lời chúc cuối Thánh lễ là: Ite, missa est: Hãy đi, thi hành sứ mệnh được ủy nhiệm. Sứ mệnh đó là sứ mệnh tông đồ (Apostolorum missio), cũng là đầu đề của bài Tin mừng này,
Trước khi đi, Đức Giêsu đã gọi nhóm Mười hai lại và sai đi với những lời chỉ dẫn sau đây: “Đi từng hai người một”. Hai người làm chứng thì chứng có giá trị hơn một người. Trước tòa án cần có hai nhân chứng, chứng đó mới thật. Trước dân chúng, cần cóhai người chứng, chứng đó mới mạnh mẽ. Mạnh mẽ hơn nữa khi hai người sống thành cộng đồng thương yêu nhau như Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con”, “Cứ dấu đó, thế gian sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy”.
Các môn đệ đã chung sống với Thầy, đã được Thầy yêu thương thế nào, các ông cũng phải chung sống và thương yêu nhau như vậy, để làm chứng về Thầy. Đó là ý muốn rõ nhất của Chúa Giêsu khi chỉ thị cho chúng ta thực hiện sứ mệnh tông đồ.
Lối sống yêu thương được thể hiện hơn qua cách sống nghèo: có khó mới bó lấy nhau, nên chỉ thị thứ hai là “Không mang gì đi đường”, đừng mang lương thực, bao bị, tiền bạc, quần áo, thêm phức tạp, nặng nề, phiền toái. Chỉ có giầy và dép là hành trang của kẻ bộ hành luôn luôn sẵn sàng lên đường đến các làng chung quanh, đến các thành thị, qua các bờ biển xa xăm. Chỉ thị của Thầy đòi hỏi chứng nhân sống nghèo khó, thanh bạch, siêu thoát, không cậy dựa vào của cải, giàu sang, không cậy thế, cậy quyền, như Thầy đã trả lời một kinh sư: “Con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu”. Quyền thế, danh vọng, chỉ bắt người ta phục vụ mình, còn Đức Giêsu: “Con Người đến phục vụ như một đầy tớ hy sinh mạng sống để cứu người ta”. Cho nên thánh Phaolô nói: “Chính nhờ Máu thánh Đức Kitô mà ta được giải thoát, được tha tội … được hồng ân dồi dào phong phú … được Thiên Chúa đóng ấn bằng Thánh Thần … là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Bài đọc 2).
Chứng nhân chỉ cậy dựa vào Đấng đã sai đi và ban quyền cho mình thôi: “Người ban cho các ông quyền trừ quỷ”. Như Thầy đã trừ quỷ, các môn đệ cũng trừ quỷ. Quỷ là thủ lãnh, là tướng, đầu mối gây ra tội lỗi, sự dữ, sự ác, đau khổ và sự chết. Cho nên các ông đã ra đi rao giảng kêu gọi người ta sám hối, từ bỏ mọi sự của ma quỷ, trở về với Thiên Chúa là nguồn sự sống, sự thánh thiện và ơn phúc.
Sau Thánh lễ chúng ta được Chúa Giêsu sai đi như mười hai tông đồ vậy. Khi chúng ta lo trừ khử tội lỗi, sửa thói hư tật xấu, trừ khử sự dữ, sự ác, đau khổ nơi mình và người khác là chúng ta trừ quỷ, là rao giảng Tin mừng.
Khi chúng ta cầu nguyện kết hợp với Chúa và làm cho người ta sống kết hợp với Chúa để mến Chúa, yêu người, là chúng ta rao giảng Tin mừng.
Khi chúng ta cố gắng làm mọi việc thiện, mọi việc ích lợi cho hồn xác người khác, là rao giảng Tin mừng. Chúa Giêsu đã từng nói: “Kẻ nào cho người bé mọn chỉ một bát nước vì danh nghĩa là môn đệ, sẽ không mất phần thưởng” (Mt. 10, 41; Mc. 6, 42).
Rao giảng Tin mừng như thế ai làm cũng được. Bài đọc một cho biết Amos là người chăn bò trồng sung, thế mà Chúa sai ông đi công bố lời Chúa cho dân Israel. Một ông già rách rưới gầy còm như ăn mày, đứng chen chúc trên xe đò, vẫn cầm tràng hạt đọc kinh, hướng lòng lên với Chúa, cầu nguyện cho mọi người đứng chật chội trên xe là rao giảng Tin mừng. Một đứa trẻ học giáo lý, đọc đi đọc lại, rót vào tai người lớn, đó là rao giảng Tin mừng. Một thanh niên biết khéo léo rủ bạn đi làm, xa tránh nghiện ngập rượu chè, đó là rao giảng Tin mừng.
Có trăm ngàn cách rao giảng Tin mừng, vì có trăm ngàn việc thiện đem lại vui mừng cho người ta.
Lạy Chúa, mỗi Thánh lễ là một bài sai chúng con đi thi hành sứ mệnh tông đồ, đi rao giảng công trình cứu độ của Chúa. Xin cho chúng con biết liên kết với nhau hăng hái đón nhận bài sai của Chúa để làm sáng danh Chúa giữa muôn người.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
SAI ĐI- Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
Vào thế kỷ thứ 8 trước khi Chúa Giêsu sinh ra, sau một cuộc tranh chấp ác liệt, đất Do thái bị chia làm đôi: hai chi tộc phía Nam là Giuđa và Bengiamin làm thành quốc gia Giuđa với Giêrusalem là thủ đô; mười chi tộc còn lại ở phía Bắc lập thành nước Israel với Samaria là thủ phủ. Dưới triều đại của Giêrôbôam II (786-726 BC), đất nước Israel trở nên hưng thịnh. Vương quốc được mở mang và trở nên giàu có.
Để lôi kéo thêm dân chúng từ các nơi về, và để dân trong nước không đi lên đền thờ Giêrusalem trong các dịp lễ, Giêrôbôam và các vua trước ông đã cho lập đền thờ tại Bethel, cách Giêrusalem chừng 14 dặm Anh về phía bắc. Hàng tư tế tại đây được ưu đãi và khuyến khích lập ra những lễ nghi đặc biệt, để tạo nên không khí huy hoàng và sầm uất, hầu làm lu mờ những hình ảnh sinh hoạt tôn giáo tại Giêrusalem. Đây là một mưu đồ chính trị nhằm củng cố việc chia đôi đất nước và phân rẻ một dân tộc mà Giavê đã tuyển chọn nhằm tái tạo sự hiệp nhất giữa trời cao với đất thấp-giữa Thiên Chúa và con người.
Nhưng Giavê không thể làm ngơ trước cảnh tượng đó. Ngài đã chọn Amos, một người chăn chiên tại Tekoa, bên bìa sa mạc Giuđa, để đi làm ngôn sứ cho Giavê Thiên Chúa bên nước Israel.
Nhân danh Thiên Chúa, Amos cảnh cáo những âm mưu nuôi dưỡng tình trạng chia rẽ để trục lợi, lên án những cuộc sống sa đoạ bất công trong xã hội, công kích sự an tâm giả tạo khi người ta lấy lễ nghi tôn giáo để che đậy cho những việc làm xấu xa.
Sau một thời gian ngắn thi hành sứ vụ tại Bethel và Samria, Amos đã bị trục xuất ra khỏi Israel.
Khi mà quyền lợi cá nhân bị đụng chạm, miếng cơm bị đe doạ, người ta khó lòng để yên. Vì thế Amasia, một tư tế của đền thờ Bethel đã cậy vào uy thế của vua Giêrôbôam và nhân danh hàng tư tế của vương quốc miền Bắc để đuổi Amos về lại Giuđa. Ông cho Amos là hạng thầy bói nói mò hòng kiếm miếng cơm. Amasia cấm Amos không được tuyên sấm ở Bethel nữa, vì theo ông, những sứ điệp đó không phù hợp với đường lối chính trị của nhà vua và cả vương quốc Israel.
Nhưng ngôn sứ Amos không chấp nhận lập luận của Amasia. Ông khiêm nhường nói với vị tư tế bụt thần này rằng ông không làm nghề tiên tri, cũng không phải là con của một tiên tri. Trước kia ông chẳng hề nghĩ đến việc đi tuyên sấm, ông chỉ biết chăn chiên và hái trái sung. Nhưng rồi một hôm, đang lúc bước theo đàn chiên, Giavê Thiên Chúa đã gọi ông và truyền phải đi tuyên sấm cho nhà Israel, cảnh báo họ về một tai hoạ khủng khiếp sẽ giáng xuống: quân thù dày xéo đất nước, tàn sát dân chúng, bắt đi lưu đày những kẻ còn sống sót (Am 7:17).
Như vậy việc Amos đi loan truyền sứ điệp tiên tri cho các vua quan, tư tế, và dân chúng, không vì khả năng tự nhiên hay tài đức hơn người, song là vì Giavê đã trao Lời và sai ông ra đi. Thế nên sứ mạng của ông không gì khác hơn là nói lại Lời đó trong vai trò của một ngôn sứ. Có thể sứ điệp do ông truyền đạt sẽ được nhiều người đón nhận, nhưng cũng không chắc tránh khỏi tình cảnh bị từ khước, xua đuổi, hay giết hại. Dẫu sao, người được sai đi vẫn ra đi và không ngừng tiến bước. Không nản lòng. Không thất vọng. Không đầu hàng. Đó mới là thái độ của người môn đệ Đức Kitô.
Phúc âm tường thuật việc Chúa Giêsu sai mười hai tông đồ đi đến các làng mạc miền Galilê, rao giảng sự ăn năn thống hối. Ngài thấy trước những thất bại có thể sảy ra, và sự thất bại đáng kể nhất sẽ là bị khước từ. Song thất bại không thể là yếu tố làm chùn bước chân của vị sứ giả Tin Mừng. Bởi vì như lời Đức Giêsu phán dạy: “Nếu nơi nào không tiếp đón các ngươi thì hãy ra khỏi chỗ đó, phủi bụi chân lại” (Mc 6:11) rồi tiếp tục tiến bước. Cũng như trong bài Phúc âm tuần trước, khi bị những người đồng hương đồng hạt khinh dể thì “Chúa Giêsu đã rảo qua các làng xung quanh và giảng dạy” (Mc 6:6b).
Khách quan mà xét, hành trình rao giảng của Chúa Giêsu cũng có thất bại, nhưng không vì đó mà Ngài thất vọng ngã lòng. Trái lại Ngài vẫn tiến bước ra đi. Đi cho đến chặng đường cuối cùng là thập giá.
Như thế, người tông đồ của Đức Kitô cũng không thể tránh khỏi thập giá, vì “môn đệ không thể hơn thầy.” Nhưng dù có gặp từ khước, khó khăn, trắc trở, lao tù, xiềng xích trên hành trình rao giảng, Lời Chúa vẫn “không bị xích xiềng” và “Đức Kitô vẫn được truyền rao” (Ph 1:18).
Thế nhưng tôi tự hỏi: Nếu ngày nay Lời Chúa bị xiềng xích và Đức Kitô không được rao truyền là bởi các lý do bên ngoài hay những yếu tố bên trong? Vì người ta không nghe Tin Mừng tôi loan báo hay vì những tham lam, lợi nhuận, bất công, và cả những hình thức, lễ nghi trang trọng nhưng vô hồn, như của dân Do thái trong thời ngôn sứ Amos, đã trói buộc chân lý Phúc âm?
Thế nên, Lời Chúa lại nhắc nhở tôi về thái độ nghèo khó để được tự do trong khi rao giảng: không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, không mặc tới hai áo. Giá trị của Tin Mừng không hệ tại nơi áo quần, tiền bạc, cơm bánh. Chúa Giêsu không chọn con đường cứu nhân độ thế bằng sự đáp ứng của cải vật chất, song là chính Lời Hằng Sống của Ngài.
Vì vậy, hành trang rao giảng của người môn đệ Chúa Kitô phải luôn là Đức Giêsu Kitô-Lời Thiên Chúa mà họ tiếp cận và tìm thấy “sự sống phong phú dồi dào” (Ga 10:10b)-chứ không phải bao bị, giày dép, tài năng, bạo lực hay bạc tiền. Đây cũng chính là nguyên lý căn bản mà Giáo hội đã dùng để trả lời cho thần học “giải phóng” khi xác định: Chỉ có “chân lý mới giải thoát con người” (Ga 8:32). Và chân lý đó chính là Đức Giêsu. Vì Ngài là đường, là chân lý, và là sự sống cho nhân trần mọi thời và mọi nơi.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
BÀI SAI- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Tiên tri Amos xuất hiện khoảng năm 760 trước Công Nguyên dưới thời của Vua Phương Nam Uzziah (783-742) và Vua Phương Bắc Jeroboam II (786-746).
Tiên tri Amos làm việc nơi đồng áng và chăn nuôi súc vật. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi rao giảng sám hối tại trung tâm miền Bắc Bethel và Samaria. Quan niệm thần học tập trung việc cảnh cáo dân Do-thái rằng Thiên Chúa sẽ trừng phạt và phá hủy dân Israel bởi vì tội lỗi của họ. Amos kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối và cải đổi đời sống theo giới răn của Chúa.
Phúc âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi. Chúa ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Với lời nhắn nhủ sống đơn sơ chân thành và đi làm nhân chứng với hai bàn tay trắng. Các ông đã ra đi vào các làng mạc chuẩn bị các tâm hồn đón nhận ơn Chúa. Các ông hoàn toàn cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta biết Chúa Giêsu đã chọn những con người tầm thường, họ không có nhiều tài năng chuyên môn, không có của cải và không có chỗ đứng trong xã hội. Chúa chọn những người bình thường để làm những việc phi thường cho Nước Chúa.
Thật lạ lùng, Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi loan truyền sứ mệnh quan trọng nhưng không ban cho các phương tiện, tiền bạc hay của cải. Ngày nay trong công tác mục vụ, chúng ta thường chuẩn bị rất kỹ càng, nào là tiền mặt, thẻ tín dụng, thức ăn thức uống, bản đồ, áo trong áo ngoài, máy móc đủ loại và các dụng cụ cá nhân. Nếu khi phải ở qua đêm, chúng ta còn cần nhiều thứ lỉnh kỉnh nữa. Chúng ta lo lắng cho những nhu cầu vật chất như chỗ ăn chỗ ở, cái ăn cái mặc và những tiện nghi tối thiểu. Đôi khi chúng ta lại quá lo lắng cậy dựa vào những nhu cầu vật chất của đời thường. Theo thông lệ một số các đấng bậc khi thăm viếng mục vụ, các giáo đoàn phải chuẩn bị đón tiếp long trọng và đôi khi còn phải chi tiêu hao tốn, thiếu đi tinh thần nghèo khó và sự phó thác.
Mỗi năm kết khóa, mùa Hè là mùa ra trường. Các ứng sinh lãnh nhận những mảnh bằng tốt nghiệp đã bắt đầu bước vào đời. Những vốn liếng thu lượm qua việc trau dồi học hỏi trên ghế nhà trường nay đem ra áp dụng theo những sở trường và khả năng. Trong sứ mệnh dâng hiến, mỗi năm Giáo Hội đón nhận nhiều tu sĩ nam nữ khấn dòng, khấn tạm hoặc vĩnh khấn, các chủng sinh lãnh nhận chức đọc sách, giúp lễ, phó tế và các tân chức linh mục. Mỗi tu sĩ hay tân chức sẽ lãnh nhận những bài sai từ bề trên để ra đi làm nhân chứng cho Chúa Kitô. Các sứ giả phúc âm không được tự chọn cho mình nơi chỗ, nhưng được sai đến bất cứ nơi nào để phục vụ Giáo Hội và tha nhân.
Tháng Sáu vừa qua, tôi rất hân hạnh được tham dự thánh lễ truyền chức linh mục tại Đài Đức Mẹ, Tân Hiệp, Địa phận Long Xuyên. Lễ phong chức cho 18 tân linh mục rất là hoành tráng. Với trên hai trăm linh mục trong Giáo phận có mặt và có thêm nhiều vị từ khắp nơi đổ về. Với sự hiện diện trên mười ngàn Giáo dân vui mừng hân hoan tụ về tham dự nghi lễ phong chức linh mục. Ngay sau thánh lễ truyền chức, một vị linh mục đại diện đã công bố Bài Sai của Đức Giám Mục Địa Phận cho từng tân linh mục. Một sự chọn lựa cắt đặt các tân chức vào các sứ vụ tùy theo khả năng thích hợp của mỗi tân linh mục.
Chúng ta biết rằng lãnh nhận thiên chức linh mục không phải riêng cho mình, nhưng cho Giáo Hội và chung cho mọi người. Các tân chức nhận những Bài Sai khác nhau như về trụ sở Tòa Giám Mục, các Giáo Xứ và có những Bài Sai về nơi truyền giáo vùng sâu vùng xa. Niềm vui trào dâng khi nhận lãnh thiên chức cao cả. Khi nghe rao báo Bài Sai, các tân chức cũng có những cảm tình vui buồn lẫn lộn. Có những bà mẹ nhảy cẫng vui mừng vì con mình được về giáo xứ giầu có ổn định. Có những gia đình vỗ tay hãnh diện vì tân linh mục nhà mình được về xứ lớn ở trung tâm thành phố. Có những vẻ mặt không được vui lắm khi nghe Bài Sai sẽ đi phục vụ ở những nơi khai hoang truyền giáo. Thật vậy, được sai đi nơi đâu, cũng là để phục vụ tha nhân. Chúa Kitô vẫn luôn là trung tâm điểm của đời sống mục vụ và phục vụ.
Câu truyện vào thời chiến, có một sự kiện xảy ra nơi một làng nhỏ ở nước Đại Hàn. Trước nhà thờ có một tượng Chúa Giêsu bị trúng mảnh bom làm vỡ bể. Một nhóm binh sĩ Hoa Kỳ đã giúp linh mục lau dọn và thu thập các mảnh vỡ vụn để gắn đặt lại tượng Chúa. Họ tìm thấy mọi phần của tượng Chúa, trừ một cánh tay bị vỡ tan. Các binh sĩ đề nghị với linh mục là đưa tượng Chúa về Hoa Kỳ để tu sửa và làm cánh tay mới. Linh mục bổn sở từ chối. Ngài nói: Tôi có một ý tưởng. Cứ để tượng như thế, thiếu một cánh tay. Chúng ta hãy viết trên bệ cho các khách hành hương chú ý: Hỡi bạn, cho tôi mượn cánh tay của bạn.
Trong cách này, mỗi tu sĩ nam nữ, các thiện nguyện viên hay các linh mục ra đi giúp mọi người nhận ra những nhu cầu trong sứ mệnh phục vụ của mình. Chúng ta sẽ là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu để xây dựng lại những đổ nát và hư mất. Cùng một suy tưởng, Chúa cần những đôi chân của chúng ta để đi tìm kiếm những ai đã lạc bước. Chúa muốn những đôi tai của chúng ta để nghe những tâm sự cô đơn buồn chán của tha nhân. Chúa dùng miệng lưỡi của chúng ta để nói những lời thân thương, khuyến khích, ủi an và nâng đỡ những kẻ đau buồn, khổ sở và thất vọng.
Trong thơ gởi cho tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô đã viết rằng: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người (Eph 1, 4). Sau khi hồi đầu, Phaolô đặt trọn niềm tin nơi Đức Kitô. Chúa đã chọn và gọi Phaolô một cách đặc biệt. Biến đổi ông từ một người bách hại các Kitô hữu trở nên nhân chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Phaolô đã được sai đi rao giảng tin mừng cho dân ngoại. Tông đồ Phaolô đã không ngại gian khó rong ruổi khắp các thành thị và làng mạc để loan báo về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô.
Giáo Hội luôn kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho ơn gọi dâng hiến. Có rất nhiều tâm hồn đã và đang quảng đại đáp lại tiếng Chúa trong ơn gọi tu trì. Mỗi tín hữu đều có bổn phận góp sức mình, của cải và khả năng để xây dựng và loan truyền tin mừng cứu độ. Chúng ta không thể đổ dồn trách nhiệm cho môt thành phần riêng biệt nào. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm sống động trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Sự cộng tác của chúng ta bằng lời cầu nguyện, nâng đỡ tinh thần và khuyến khích hơn là sự chỉ trích, gây chia rẽ, đàm tiếu hoặc phá đổ. Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát, xin Chúa sai thêm những thợ gặt lành nghề. Chúng con cảm tạ Danh Chúa đến muôn ngàn đời. Amen.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG- Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Sau khoá huấn luyện “trung cấp” 2 năm về “kỹ năng” loan báo Tin Mừng, hôm nay Chúa Giêsu đặc phái các môn sinh của mình lên đường thực tập sứ vụ trước khi cấp “chứng chỉ tốt nghiệp ra trường” cho các ông. Ngay trước lúc lên đường, Chúa Giêsu đã không quên ân cần dặn dò các môn sinh cách thức để việc loan báo Tin Mừng mang lại hiệu quả như ý. Tựu trung lời dặn dò đó chứa đựng 3 bí quyết, như là “kim chỉ nam” cho các nhà truyền giáo mọi thời mọi nơi.
Loan báo Tin Mừng – sứ mạng phải được thực hiện trong chiều kích cộng đoàn
Cá nhân chủ nghĩa không có chổ đứng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Bởi chưng, Chúa Giêsu không sai các môn đệ đi từng người một, lẻ loi, đơn độc, để rồi các ông cứ mãi hát khúc hát “Cô đơn một cõi đi về”. Ngài sai họ đi là sai từng hai người một, cùng với các Tông đồ khác tạo thành nhóm, thành cộng đoàn. Qua đó, các ông được huấn luyện tinh thần làm việc chung, làm việc với người khác. Tinh thần làm việc chung, việc nhóm mới có khả năng tạo nên sức mạnh kỳ diệu (các giải thưởng Nobel trong những năm gần đây chứng minh điều này. Hầu hết đó là những công trình của một tập thể, một nhóm). Hơn nữa, trên phương diện chứng tá, chứng của hai người trở lên bao giờ cũng có giá trị hơn. Giá trị còn là vì cộng đoàn tính nói lên tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ. Cộng đoàn tính còn là lời chứng sống động về tình huynh đệ yêu thương mà họ rao giảng. Bởi thế, ta không ngạc nhiên khi thấy các vị thừa sai thường được phái đi từ 2 hoặc 3 người đến một giáo điểm hay một vùng miền nào đó để làm việc Tông đồ truyền giáo.
Chính Chúa Giêsu khi được Chúa Cha sai đến trần gian, Ngài không đi một mình, nhưng có Chúa Thánh thần cùng đồng hành và cùng hoạt động với Ngài.
Loan báo Tin Mừng – sứ mạng cần được thực hiện với tinh thần siêu thoát
Siêu thoát khỏi những dính bén với của cải vật chất, tiền bạc để sẵn sàng lên đường, sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu một cách nhanh nhẹn và vui tươi. Siêu thoát với mọi thực tại đời này để toàn tâm, toàn ý cho sứ mạng được giao phó. Thái độ siêu thoát cũng là dấu chứng nói cho người khác biết lòng tin tưởng phó thác của người môn đệ vào sự quan phòng của Chúa. Chúa Quan Phòng phải là người bạn đường của người loan báo Tin Mừng. Nếu gạt Chúa Quan Phòng sang một bên, người tông đồ chỉ còn loay hoay vun vén, “đào hang”, “xây tổ” cho riêng mình.
Chúa Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ của Ngài về tinh thần siêu thoát và tín thác. Khi đến trong trần gian, Ngài không mang theo gì ngoại trừ tình yêu của Chúa Cha. Khi sống trong trần gian, cũng như khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài hoàn toàn sống phó thác vào sự quan phòng của Chúa Cha. Chính Ngài đã bộc bạch: “Chim có tổ, cáo có hang; còn Con Người không có chổ tựa đầu” (Lc 9,58).
Loan báo Tin Mừng – sứ mạng phải được thực hiện với năng quyền của chính Chúa
Lệnh truyền và sứ điệp loan báo Tin Mừng không đến từ con người, nhưng đến từ Thiên Chúa. Do đó, để có thể chu toàn sứ mạng, cần đón nhận năng quyền Thiên Chúa ban. Đó là năng quyền rao giảng: công bố Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô. Đó là năng quyền chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống và phong hoá trần gian. Đó còn là năng quyền trừ quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.
Kinh nghiệm của các Tông đồ ngày hôm nay cũng cho thấy Thiên Chúa luôn dẫn dắt chúng ta đi: “Ơn ta đã đủ cho ngươi”. Đức Tổng Giám mục Vacchelli, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ý quốc, khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng Trưởng của Thánh Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc và Chủ tịch Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo, ngài cho hay: “Gia nhập vào Thánh Bộ là chịu trách nhiệm trực tiếp với 1.100 giáo phận trên toàn cầu, 2.000 giám mục và vô số các giáo sĩ, nam nữ tu sĩ. Và trên hết vấn đề chính không chỉ là nghèo đói, nhưng là xây dựng một đời sống theo đường lối Kitô giáo. Vì thế, phạm vi rộng hơn nhiều”.
Đối mặt với lượng công việc đồ sộ như vậy, ngài vẫn tràn trề hy vọng nói: “Khi anh làm việc cho Thiên Chúa, Người luôn đi trước anh, thu xếp tính hèn yếu của anh bằng ân huệ của Người”. Nếu ý thức được như thế, các vị thừa sai của Chúa sẽ bớt sợ bớt lo khi thấy trách nhiệm năng nề, đồng thời sẽ bớt tự mãn kiêu căng khi làm được việc này việc nọ.
Qua Bí tích Rửa Tội, đặc biệt là Bí tích Thêm Sức, người Kitô hữu, cũng là người được sai đi. Được sai đi cùng với người khác, được sai đi với tính thần siêu thoát và được sai đi với ơn sức của Chúa. Đối tượng mà chúng ta cần nói cho biết về Chúa, không ở đâu xa mà ngay trong gia đình, gia tộc và xứ đạo của mình. Họ là những người thân thích với ta, là bà con lối xóm của ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người cùng nghề cùng sở làm với ta…
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là khi thực hiện ơn gọi loan báo Tin Mừng, tôi đã nêu cao tinh thần chung, tinh thần cộng tác với anh chị mình chưa hay vẫn còn cá nhân chủ nghĩa? Tôi đã đề cao tinh thần siêu thoát chưa, hay còn quá dính bén với những thực tại đời này, và quá chú trọng đến việc “xây tổ”, “đào hang” cho mình? Và nhất là tôi đã hết lòng giương cao sức mạnh của Chúa chưa, hay chỉ toàn cậy dựa vào tài cán và sức riêng mình?
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
KHÔNG BÁNH MÌ, CŨNG CHẲNG TÚI TIỀN- Lm Nguyễn Ngọc Thế
* Vài hàng sơ lược
– Sau khi bị người đồng hương Na-za-réth của mình chối từ (Mc 6, 1-6a), thay vì bực mình giận dữ, Giêsu vẫn thản nhiên và Ngài tiếp tục lên đường đến các làng chung quanh để giảng dạy. Sau đó, Ngài sai các môn đệ ra đi thi hành sứ mạng giảng dạy như Ngài.
– Đoạn này có thể chia như sau: (1) 6b-7: Chuyển tiếp (câu 6b) và dẫn vào câu chuyện. (2) 8-9: Chỉ thị các môn đệ phải trang bị những gì khi ra đi. (3) 10-11: Chỉ thị các môn đệ về phản ứng trước sự đón tiếp của người khác. (4) 12-13: việc rao giảng và chữa bệnh của các môn đệ.
– Trong cái nhìn nhất lãm, thì Luca nêu đoạn 9, 1-6, tương hợp với đoạn phúc âm của Mác-cô ở đây. Còn trong Mát-thêu thì cũng nêu lên trong Mt 10, 1-15. Theo Helmut Klein thì Luca đã lấy lại đoạn phúc âm này của Mác-cô. Tuy nhiên, có một vài sự khác biệt: Luca không đề cập đến việc đi giày trong chỉ thị sai đi của Giêsu. Ngoài ra, Luca nêu bật ý nghĩa và nội dung của việc Giêsu sai đi, trong khi Mác-cô thì lại không. Ý nghĩa nằm trong câu: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc 9,2). So sánh với Mát-thêu thì có khá nhiều sự khác biệt. Mát-thêu nêu tên 12 tông đồ (câu 2-4). Đích đến cũng được Mát-thêu nêu rõ: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (câu 6). Ý nghĩa việc sai đi của Mát-thêu thì gần giống như Luca.
* Suy niệm
“Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.”
Các làng chung quanh ở đây là các làng nằm chung quanh Na-za-réth. Trong mạch văn của Mác-cô, thì việc giảng dạy của Giêsu ở đây có ý nghĩa hướng dẫn các môn đệ vào trong sứ mạng rao giảng sắp tới.
“Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.”
Nhóm Mười Hai mà Giêsu thành lập (ss. Mc 3,14) giờ đây được Giêsu gọi lại và bắt đầu sai họ đi. Sứ mạng thực sự bắt đầu. Sau những ngày được kêu gọi để ở lại với Giêsu (Mc 3, 14), để đi sâu vào tương quan với Giêsu, để học biết tinh thần của Ngài, thì giờ đây có lẽ các môn đệ đã phần nào “chín chắn”, nên Giêsu sai các ông lên đường. Ngài sai các ông đi từng hai người một. Tại sao lại từng hai người một? Theo các nhà chú giải thì trước hết liên quan đến việc làm chứng của người Do-thái. Chỉ có một người làm chứng sẽ không có tác dụng gì cả, hay nói mạnh hơn là không phải là người làm chứng. Nếu chỉ có một người làm chứng thì không thế dẫn tới quyết định trong tòa án, mà cần phải có hai người hay ba người làm chứng: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét.” (Đnl 19,15)
Ngoài ra, trong Thánh Kinh còn có một số đoạn nhắc đến cặp “hai người”, như trong cuộc tranh luận với người Pha-ri-sêu về bản thân của Người, Giêsu đã nói: “Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật. Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi.” (Ga 8,17-18), hay ở Mt 18,19: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
Như vậy, việc làm chứng của “hai người” còn có ý nghĩa là làm cho sự thật được sáng tỏ, sự thật về chính Đức Kitô, con Thiên Chúa, đến trần gian để rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người. Sự thật về tin mừng này sẽ được tỏ lộ một cách thật rõ ràng và chất lượng hơn, khi có hai người cùng đi chung để rao giảng và loan báo.
Có lẽ đây là điều quan trọng trong sứ mạng rao giảng, nên ngay từ đầu chúng ta đã thấy các cặp đi rao giảng chung, như trong Tông Đồ Công Vụ đề cập đến: Phao-lô và Ba-na-bê, Phêrô và Gioan.
Và Giêsu đã ban cho họ quyền trừ quỷ. Điều này được Mác-cô nêu bật trong Phúc Âm của mình (ss. Mc 1, 21-28), qua đó quyền năng của Giêsu được “tô đậm”, quyền năng giải phóng con người khỏi thần dữ. Vâng, Mác-cô chủ ý nêu bật điều này, vì độc giả của ông là những người kitô giáo trở lại ở Roma. Họ cần nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa, ngay cả khi thần dữ đang chế ngự. Sự gần gũi và quyền năng Thiên Chúa chính là bảo đảm cho sự tự do của những người con cái Thiên Chúa.
Trở về với đoạn Phúc Âm, các môn đệ ra đi với quyền năng của Giêsu để trừ quỷ.
Thực, trong trận chiến đấu với thần dữ, thì nếu không mang vũ khí của Thiên Chúa ban cho, thì không thể nào chiến thắng được: “Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.” (Ep 6, 10-13) Đây chính là vũ khí thiêng liêng các môn đệ cần đến.
Với sự sai đi và với quyền năng trừ quỷ của Giêsu ban cho, các môn đệ và giáo hội nhận được một sứ mạng mới, sứ mạng loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, và sứ mạng trừ khử thần dữ trong thế giới.
“Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”
Lời nhắn nhủ của Giêsu ở trên được coi như là chỉ thị, tiếng Hy-lạp là paragge,llw (paraggellò). Theo từ điển chú giải Tân Ước của Horst Balz và Gerhard Schneider xuất bản (Exegetisches Woerterbuch zum Neuen Testament), thì động từ này xuất hiện 31 lần trong Tân Ước. Trong các sách Phúc Âm, chỉ có Giêsu là người ra lệnh cho thần ô uế (Lc 8,29), và chỉ thị cho nhóm 12 (Mc 6,8)…. Ở đây, trong đoạn phúc âm của Mác-cô, theo R. Pesch, với chỉ thị này Giêsu muốn đặt nền tảng cho nguyên tắc sai đi của Ngài. Nguyên tắc đó là gì vậy?
“Không được mang gì đi đường”, nghĩa là phải từ bỏ của cải và không còn có nhu cầu gì cả. Đó là nguyên tắc rất triệt để. Như vậy, trong bối cảnh xã hội thời đó, thì người môn đệ của Giêsu còn phải triệt để hơn cả những nhà triết gia Kyniker, những nhà thuyết giảng khắc khổ đi khắp mọi nơi. Và khi các triết gia Kyniker đi, thì họ không có nhu cầu gì cả, nhưng họ có đem theo gậy, túi xin tiền và chiếc áo mantel giành cho nhà triết gia. Còn các môn đệ của Giêsu thì có gậy đấy, nhưng không có túi xin tiền hay ba lô hay túi ngủ gì cả, và cũng chẳng có tiền buộc bụng, đến cả của ăn đàng cũng không có nữa. Dù vậy, có áo, nhưng chỉ là một thôi chứ không phải là hai hay là ba.
Nhưng tại sao lại phải từ bỏ những vật dụng đó?
Không mang lương thực đi đường, không bánh trái gì cả. Điều này còn vượt trội hơn các triết gia khắc khổ Kyniker thời đó, vì khi họ ra đi thì họ đem theo bánh, trái vải và bình nước. Như vậy, người loan báo tin mừng của Đức Kitô sẽ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, và cũng tự do và khiêm nhường đón nhận tất cả những gì anh chị em ban cho mình. Ai cho ăn gì thì ăn nấy. Ai cho ly nước thì uống nước, ai mời tách trà thì sẵn sàng ngồi lại nhâm nhi. Thật đơn sơ và giản dị.
Giản dị hơn nữa, khi chẳng đem theo bao bị, chẳng có ba lô trên vai. Rũ bỏ tất cả. Tự do hoàn toàn. Không vương vấn điều gì, không giữ lại sự gì cả. Như vậy, thì không chỉ chân rảnh, mà tay cũng rảnh, người cũng nhẹ và đầu óc cũng trở nên trống rỗng hoàn toàn, để tất cả cho Tin Mừng mà thôi.
Tất cả vì Tin Mừng nên tiền bạc cũng chẳng màng tới. Và nhờ vậy mà tránh được biết bao nhiêu phiền toái tiền bạc có thể gây ra. Không tham lam, không thu gom, không cất giữ, đỡ phải mệt mỏi ôm đống tiền trong lòng, đỡ phải phí phạm chẳng đáng gì. Hơn nữa, trong xã hội Đông Phương thời đó, thì khi không mang tiền bạc trên mình, sẽ tránh được sự trấn lột của kẻ cướp qua đường.
Thật là tuyệt, nếu tự do hoàn toàn với tiền bạc, tự do với thế lực của đồng tiền mà người đời thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được.”
Vật được mang theo là gậy và dép, còn áo thì chỉ một cái thôi nhé!
Tại sao vậy? Cây gậy ở đây là vật dụng cần thiết cho người lữ hành, cho người giảng thuyết phải đi khắp mọi chốn để loan báo tin vui. Với cây gậy trên tay chứ không vũ khí nào khác, người giảng thuyết xuất hiện rất đơn sơ và giản dị trước mọi người. Không ai phải sợ sệt người giảng thuyết cả, và người rao giảng Tin Mừng cũng không cần phải hãi sợ ai hết: “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 26-28a) Và người rao giảng sẽ “không phải chết, nhưng sẽ sống, để loan báo những công việc CHÚA làm.” (Tv 118,17)
Dép được nhắc ở đây chính là Sandalion, tiếng Hy-lạp là sanda,lion, có thể mường tượng như giày Sandal có quai như hiện giờ, là một vật dụng cần thiết cho người rảo bước khắp mọi nơi loan báo Tin Mừng. Sandal được sử dụng rất thường trong xã hội Do-thái thời đó, và rất cần thiết cho những chặng đường dài, từ miền đất này qua miền đất khác. Cũng nên nhớ rằng, ở Ít-ra-en có những miền đất sa mạc rất khô cằn và nóng, vì thế Sandal thực là cần thiết. Còn khi đi chân không, thì đó là dấu hiệu của sự tang tóc và chay tịnh. Vâng, người rao giảng tin vui đâu có ăn chay, đâu có mang tang tóc, vì thế cần phải đi Sandal vào, và như vậy thì mới khỏe khoắn nhanh nhẹn rảo bước, sẵn sàng lên đường đi bất cứ nơi đâu, đến với bất cứ ai đang cần đến Tin Mừng.
Ngoài Sandal và gậy ra, người loan bao tin vui được phép mang theo áo, nhưng chỉ một mà thôi. “Áo” ở đây dịch từ ngữ Hy-lạp citw,n (chitòn). Theo từ điển chú giải Tân Ước của Horst Balz và Gerhard Schneider, thì áo này là một loại áo dài bằng vải thô hay len, dài có thể tới đầu gối che thân mình trên và thân mình dưới, có cả hai loại tay ngắn và tay dài.
Ngoài ra, theo Adolf Pohl, trong xã hội Đông Phương thời đó, quần áo là dấu hiệu nói về sự giàu sang phú quý. Người giàu sang là người có nhiều quần áo, trong khi người nghèo khổ chỉ có mỗi một chiếc áo che thân. Để khoe khoang và muốn mọi người tiếp đón mình đàng hoàng, người giàu có thường thay đổi áo và mang trên mình nhiều áo khác nhau. Nhưng cũng vì sự khoe khoang này, mà họ trở thành nạn nhân của kẻ cướp đường.
Người loan báo tin mừng của Giêsu không cần phải khoe khoang, không cần phải sửa soạn nhiều, không cần phải mang áo có hiệu vào mình. Vâng, khi mọi người chẳng sợ hãi gì trước người loan báo tin mừng, thì cũng thế, không ai phải ganh tị với người loan báo tin mừng về áo quần cả.
Như vậy, tinh thần của người loan báo tin mừng là trở nên tự do hoàn toàn với mọi thứ. Mọi thứ đều trở thành thứ yếu. Chỉ có Tin Mừng, Nước Thiên Chúa và ơn cứu rỗi cho mọi người là tất cả. Không có gì hơn cả. Cả quần áo, cả tiền bạc, cả lương thực, cả balô. Vâng, nói theo tinh thần của thánh I-nhã, thì người môn đệ của Chúa cần phải trở nên bình tâm và tự do hoàn toàn, để luôn sống theo thánh ý Chúa, và luôn ao ước được trở nên nghèo khó như Đức Kitô, Vị Giảng Thuyết đơn sơ nghèo hèn, nhưng đem lại biết bao nhiêu ơn lành cho mọi người.
“Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.”
Sau các chỉ thị về việc từ bỏ tất cả những gì không cần thiết để lên đường, Giêsu căn dặc các môn đệ thêm hai nguyên tắc, khi đi đến với những người mà họ rao giảng. Điều thứ nhất liên quan đến lòng hiếu khách và đón tiếp. Trong tục lệ Do-thái, sự hiếu khách đóng một vai trò quan trọng. Sự hiếu khách hứa hẹn sự chúc phúc, và còn là sự tha thứ cho người lầm lỡ. Ngay cả đối với kẻ thù, thì cũng khó lòng mà từ chối không đón tiếp. Về phía khách, ở đây là những người rao giảng tin vui, thì không được phép thay đổi chỗ ở tùy ý. Trong ý nghĩa mà Mác-cô diễn tả ở đây, có thể việc rao giảng và xây dựng một cộng đoàn đòi hỏi nhiều thời gian, nên không không được thay đổi chỗ ở liên hồi. Trong khi Tin Mừng chưa “đâm rễ” vào lòng người, vào cộng đoàn, thì cần phải ở lại.
“Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”
Nguyên tắc thứ hai ở đây liên quan đến sự từ chối, không đón tiếp, không lắng nghe của chủ nhà. Khi chối từ người rao giảng và sứ điệp anh ta đưa lại, là chối từ chính Đấng sai anh ta. Sự chối từ đem lại hậu quả. Như trong phản ứng của Giêsu với những người Na-za-réth, Giêsu nói với các môn đệ mình hãy đi ra khỏi đó, và giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ. Thái độ giũ bụi này trong xã hội Do-thái thời đó, được người Do-thái làm, mỗi lần họ từ đất dân ngoại trở về lại biên giới của đất thánh. Theo truyền thống của các Rabbi, thì bụi đó có thể sẽ làm ô uế. Vì vậy, họ muốn tẩy rửa và giũ lại tất cả những gì dơ bẩn.
Theo các nhà chú giải, thì trong đoạn phúc âm này, thái độ giũ bụi chân là biểu tượng của chứng từ mà người rao giảng tin mừng để lại, và hy vọng có ngày người chối từ Tin Mừng sẽ suy nghĩ lại, tự chất vấn lại thái độ của mình đối với Tin Mừng và đối với Đấng là chủ của Tin Mừng.
“Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.”
Nhóm Mười Hai ra đi theo lời sai đi của Giêsu, và họ đã làm được nhiều điều tốt lành. Cụ thể họ đã ra đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Không chỉ thế, với quyền trừ quỷ mà Giêu đã trao, họ đã trừ được nhiều quỷ. Mác-cô lại làm nổi bật điều này, để qua đó nói lên quyền năng của Thiên Chúa trên thần dữ. Quyền năng giải thoát con người khỏi bóng đêm. Thêm vào đó họ đã xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Như vậy, khi ra đi theo lời kêu gọi của Đức Kitô, và sống đúng theo chỉ thị và tinh thần của Ngài, các môn đệ đã cùng với Đức Kitô đem lại Tin Mừng cho rất nhiều người, và qua đó họ nhận được sự tự do làm con cái Thiên Chúa, sự tự do với bình an và niềm vui sống mà mọi người có thể tìm thấy trong Nước Trời.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
THIÊN CHÚA NÓI QUA TRUNG GIAN- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ
Thiên Chúa luôn làm việc. Ngài trực tiếp tác động nơi tâm hồn mỗi người, và Ngài cũng sai một số người đặc biệt để nói với con người của mọi thời đại. Mỗi một người rao giảng đều phải là người đã biết lắng nghe và vâng nghe Lời Chúa trong đời sống.
Amos đã được sai để nói nhân danh Thiên Chúa cho dân Ngài
Con người là tạo vật được yêu thương. Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người, Ngài mong ước con người sống hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Khi cần can thiệp để hướng dẫn dân một cách đặc biệt, Thiên Chúa dùng các tôi tớ Ngài, cụ thể là các tiên tri. Sách tiên tri Amos cho thấy tiên tri Amos không phải là tiên tri “chuyên nghiệp”, nghĩa là, Ngài không thuộc nhóm tiên tri, hoặc con cháu tiên tri. Ngài là một người chăn cừu, người đi hái trái sung, nhưng đã được Thiên Chúa gọi đi nói tiên tri, đi làm ngôn sứ.
Tiên tri Amos đã được Chúa sai tới nói với dân ở phía bắc, tại đền thờ ở Bethel, nên đã bị tư tế Amaziah đuổi: “hãy cút đi, hỡi nhà thị kiến, hãy trở lại đất Juđa mà nói tiên tri, mà kiếm cơm ở đó”. Amos không là người kiếm cơm bằng nghề tiên tri, thầy chiêm, bói toán. Amos được Thiên Chúa gọi để làm ngôn sứ, nói với dân nhân danh Thiên Chúa. Amos đã đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, ông đã tới miền bắc để nói tiên tri, để loan báo những gì sắp xảy ra cho dân, để cho dân biết rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương dân; những tai họa sắp xảy tới là do nhà vua và dân chúng phía bắc đã không tuân giữ giao ước của Thiên Chúa. Nếu vua chúa và dân không nghe, không đổi đời, thì sẽ có tai họa xảy tới, sẽ bị mất nước. Khi rao giảng như vậy, dĩ nhiên vua chúa và đa số dân chúng thuộc vương quốc phía bắc không đồng ý. Người ta muốn nghe điều tốt lành, chứ không ai muốn nghe nói tai họa sẽ xảy ra. Tư tế Amaziah của đền thờ tại Bethel đã trục xuất tiên tri Amos và không cho ông rao giảng nữa.
Tiên tri, là người của Thiên Chúa. Amos đã vâng nghe Chúa, đáp trả lời mời gọi của Ngài. Ông đã bỏ nghề, đã đi tới vùng đất xa lạ và thậm chí nói cả điều mà chính ông cũng biết sẽ không được người ta chấp nhận. Những nhà tiên tri “chuyên nghiệp”, kiếm cơm bằng nghề bói toán (thầy chiêm, tiên tri) sẽ không dám nói mất lòng dân chúng vì như vậy đâu có kiếm cơm được. Nhiều tiên tri “thật” trong lịch sử đã phải khốn khổ vì đã nói lên sự thật, đã làm điều mà nhiều người cho là ngu dại. Một tiên tri đúng nghĩa, là người của Thiên Chúa, vâng theo Chúa bất chấp những gì xảy tới cho mình.
Đừng mang theo gì cả trừ cây gậy
Sau khi nhận phép rửa tại sông Yordan với Yoan Tẩy Giả, Đức Giêsu đã ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, đã rong ruổi rao giảng khắp đất nước Do Thái. Khi đi rao giảng, Đức Giêsu không có gì ngoài chính con người của Ngài. Ngài không sợ đói, không sợ vất vả, không sợ phải màn trời chiếu đất (Mt.21, 18; Lc.21, 37). Đức Giêsu chấp nhận tất cả, Ngài chỉ có sứ mạng phải nói với dân chúng, và chính Ngài đang là Lời cho dân chúng qua cách sống và cách ứng xử của Ngài.
Đức Giêsu cũng sai các tông đồ đi rao giảng. Có lẽ Ngài đang huấn luyện các tông đồ cho sứ vụ tương lai. Ngài ban cho các ông quyền trên thần ô uế, sai các ông đi từng đôi một, dạy các tông đồ đừng mang gì cả ngoại trừ cây gậy. Hành trang của một người tông đồ rất đơn giản: không trang bị lương thực, không bao bị rương hòm, không hai áo! Chả có gì phải bận tâm ngoại trừ chính sứ điệp phải rao giảng.
Người tông đồ của Chúa không chọn ở chỗ này chỗ kia vì được tiện nghi hay kính trọng, nhưng cố gắng diễn tả tính thành tín của Thiên Chúa bằng việc ở tại nhà nào thì ở lại đó cho tới khi ra đi. Nếu người ta không nghe, thì hãy ra đi và không mang theo gì cả, kể cả bụi chân, cũng không ra đi với lòng hận thù hay nguyền rủa. Người của Thiên Chúa mang bình an tới, nhưng nếu người ta không đón nhận, nghĩa là họ không đủ điều kiện để sống bình an, thì người tông đồ của Chúa cũng chấp nhận họ như Thiên Chúa đã chấp nhận họ.
Người được sai cũng là quà tặng của Thiên Chúa cho con người
Thiên Chúa tạo dựng con người qua Lời của Ngài. Thiên Chúa ban cho con người tự do. Qua lương tâm, Thiên Chúa mời gọi con người sống vươn lên từng ngày, từng giây phút sống trọn vẹn trong yêu thương, để thành con cái yêu quý của Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình yêu thương con người, Thiên Chúa đã sai Lời Ngài đến ở giữa con người, thành một người rất cụ thể là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đã sống trọn vẹn thân phận con người, Ngài cũng phải chọn lựa từng ngày, từng hành vi để thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn. Đức Giêsu không là một người giầu có về vật chất tiền bạc, Ngài không là một người có địa vị chức quyền, Ngài trắng tay như bao người nghèo khác. Ngài chỉ có Thiên Chúa là Cha, và sống trọn vẹn cho Thiên Chúa mỗi ngày.
Thiên Chúa muốn ban tất cả cho con người, không chỉ là sự hiện hữu của mỗi người; nhưng Ngài còn muốn ban cho con người tất cả trong Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là mẫu gương, để mỗi con người nhìn vào và dõi theo, để sống yêu thương và hạnh phúc từng ngày. Đức Giêsu là quà tặng vô cùng quý mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Qua Đức Giêsu, con người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người biết bao, Thiên Chúa sẵn sàng cho con người tất cả trong Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là tất cả, diễn tả tất cả những gì Thiên Chúa muốn cho con người.
Đức Giêsu Kitô là điều gì vô cùng mới, theo thánh Phaolô, được dấu kín từ muốn thuở nay được tỏ lộ. Đức Giêsu Kitô là mặc khải tuyệt vời của Thiên Chúa. Với Đức Giêsu Kitô, người ta hiểu hơn Thiên Chúa là ai, là Đấng yêu thương con người đến độ nào, là Đấng có nhiều sáng kiến tuyệt vời như thế nào để yêu thương con người. Đức Giêsu đúng là Lời của Thiên Chúa, là mặc khải của Thiên Chúa cho con người, là bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Đức Giêsu là bình an của con người, hiểu theo nghĩa, qua Đức Giêsu con người biết Thiên Chúa yêu thương mình vô cùng, đến độ mình có thể phó thác tất cả cho Thiên Chúa và sống bình an.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
- Bạn có nghĩ rằng bạn là người được Thiên Chúa sai để làm điều gì chăng? Nếu có xin chia sẻ.
- Theo bạn, Đức Giêsu được sai tới để làm gì? Ngài có làm trọn sứ mạng của Ngài không?
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
CHÂN DUNG CỦA SỨ GIẢ TIN MỪNG – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Một cuộc đời đẹp là một cuộc đời dấn thân vì lợi ích cho tha nhân. Một tâm hồn thanh cao là tâm hồn luôn thanh thoát khỏi những bon chen vật chất, những vinh hoa phù phiếm mau qua. Đó chính là mẫu người mà xã hội hôm qua cũng như hôm nay đang cần, rất cần họ để điểm tô cho xã hội thêm phong phú nhờ những cống hiến vô vị lợi và đầy lòng quảng đại của họ.
Đó cũng chính là chân dung của các sứ giả Tin mừng. Họ đã để lại cho nhân thế những bước chân thật thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng đầy tình người. Họ là những người được tuyển chọn để cứu nhân độ thế. Họ dấn thân vào đời để giải cứu thế gian khỏi ba thù hiểm độc. Thế gian có quá nhiều mưu mô và xảo quyệt. Ma qủy có quá nhiều phương cách để cám dỗ. Họ cần phải ra đi với đôi chân nhẹ nhàng và lòng thanh thoát. Họ không được mang bao bị, không mang bạc tiền của nhân thế. Họ là những người chấp nhận cuộc sống nổi trôi “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”. Sứ mệnh của họ là đẩy lùi sự dữ và thi thố tình thuơng. Họ không thể bận tâm đến của cải thế gian. Họ không để lòng mình bị ràng buộc bởi nhu cầu vật chất và tiện nghi. Nếu họ quá quan tâm đến mình sẽ quên đồng loại. Nếu họ quá chú trọng đến vật chất sẽ dẫn đến lo hưởng thụ và tích góp cho bản thân. Thiện chí sẽ mất. Hướng đi sẽ chệch đường lạc lối. Lý tưởng ban đầu sẽ bị đảo ngược. Thay vì cứu đời sẽ chỉ còn lại sự lợi dụng địa vị chức quyền để vun quén cho bản thân.
Người ta kể rằng: có một đệ tử muốn từ bỏ mọi sự của thế gian để sống tu trì. Anh quyết định vào rừng vắng sống ẩn tu. Hành trang duy nhất anh mang là chiếc áo ăn mày để khất thực sống qua ngày.
Ngày kia, anh đau đớn vô cùng khi thấy chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn nát tả tơi. Không còn cách nào khác, anh phải vào trong làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo thứ hai này cũng bị cùng chung số phận, nát tả tơi vì chuột cắn. Anh nghĩ rằng chỉ có nuôi mèo mới giữ được chiếc áo. Anh quyết định nuôi mèo. Thế nhưng, khi có mèo anh lại phải lo kiếm thêm phần ăn cho con mèo được nuôi để đuổi chuột.
Ngày ngày vác bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, anh cố gắng chắt chiu để kiếm tiền nuôi một con bò để thêm phần thu nhập. Nhưng có bò lại phải kiếm cỏ cho bò ăn. Chăn nuôi gia súc khiến anh không thể có thời giờ cầu nguyện, tối mặt vì công việc, anh lại phải thuê người cắt cỏ nuôi bò. Càng ngày bò càng sinh sản, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ đã biến thành một trang trại rộng lớn. Gia súc và người làm ngày càng thêm đông. Con người đã một thời muốn từ bỏ mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên trở thành một ông chủ trang trại.
Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có người chia sẻ công việc của mình. Anh cưới vợ và sinh con. Anh trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình hạnh phúc. Thế là lý tưởng ban đầu đã hết. Anh đã đánh mất lý tưởng chỉ vì mải lo gìn giữ một cái áo rách. Chuyện có vẻ hoang đường nhưng lại là thật. Ma qủy thường cám dỗ từng bước. Ma qủy thường gợi lên những điều rất hấp dẫn để dẵn dắt con người đi theo chương trình của nó. Adam – Evà đã nhìn thấy trái táo thơm ngon mà quên đi thân phận phải vâng lời Thiên Chúa. Khi tỉnh lại chỉ còn thất vọng và hổ thẹn lương tâm. Người tu sĩ đã lạc bước khi quá bận tâm đến nhu cầu vật chất, đến đồng tiền bát gạo, khiến tâm hồn anh không còn thời giờ để vun đắp, định hướng cho hướng đi của mình. Cái thất bại của anh thật tẻ nhạt, chỉ vì mải lo gìn giữ một chiếc áo rách.
Thực vậy, vì tiền bạc, mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời.Vì tiền mà cái tính bổn thiện của con người ban đầu đã không còn. Vì tiền mà người ta có thể chối bỏ niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Đó là bài học cho tất cả chúng ta. Đồng tiền thật cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Đừng quá lệ thuộc vào của cải vật chất. Nó chính là con dao hai lưỡi có thể làm hại cuộc đời chúng ta, nếu không khôn ngoan, sáng suốt để nhận định đúng giá trị của nó. Chúng ta cần can đảm để trong khi mưu tìm của cải vật chất, chúng ta cần có đủ nghị lực khước từ mọi hành vi bất chính, mọi thoả hiệp với lừa đảo, gian trá của thế gian. Chúng ta không thể vì tiền mà đánh mất tính người. Vì tiền mà đánh mất tình người. Vì tiền mà lòng mang dạ sói để hại người, hại đời, để làm tôi cho ma quỷ sai khiến ra đi gieo vãi sự dữ cho trần gian.
Con người luôn hướng về sự thiện. Con người luôn mong muốn cống hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Đó chính là mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Thế nhưng ma quỷ luôn vẽ lối chúng ta đi sai đường Chúa. Ước gì lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta, hãy lo tìm kiếm những điều đẹp ý Chúa hơn là thế gian. Hãy để tâm làm việc phụng sự Chúa hơn là làm tôi cho tiền bạc và tiện nghi. Đừng để lòng mình lệ thuộc vào vật chất mà quên đi gía trị tinh thần. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống theo lời Chúa để được phúc lành mai sau. Vì “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ”. Amen.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
LÊN ĐƯỜNG THI HÀNH SỨ VỤ VỚI CHÚA GIÊSU- Lm Inhaxiô Trần Ngà
Mười hai môn đệ lên đường theo lệnh Chúa Giêsu mà chẳng mang theo gì cả: không lương thực, không tiền bạc, không mang thêm chiếc áo thứ hai, không bao bị, ngoại trừ hai vật dụng tối cần là cây gậy và đôi dép (Mc 6, 8-9). Ngoài ra, các môn đệ lại là những người ít học, khả năng khiêm tốn…
Vậy mà các ngài đã đạt được những thành quả tuyệt vời: Xua trừ nhiều ma quỷ, chữa lành nhiều bệnh nhân, kêu gọi người ta ăn năn sám hối! (Mc 6,13).
Nhờ đâu các ngài đạt được những thành quả phi thường nầy?
Tất cả là do quyền năng Thiên Chúa.
Khi sai các môn đệ lên đường không chút hành trang, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu hoạt động qua các vị như đôi bàn tay của Người.
Chúng ta là chi thể của Chúa Giêsu
Từ ngày lãnh bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Giêsu như cành liền cây, như bàn tay nối liền cơ thể và từ đó, chúng ta được thông dự vào sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Giêsu.
Từ đó, Chúa Giêsu muốn rao giảng qua chúng ta là môi miệng của Người; Chúa Giêsu muốn chăm sóc bệnh nhân và người đau khổ qua chúng ta là đôi tay của Người; Chúa Giêsu muốn tỏ lòng thương xót nhân loại qua chúng ta là trái tim của Người.
Thế nên, chúng ta phải cùng hoạt động với Chúa Giêsu và để Người sử dụng chúng ta như chi thể của Người mà tiếp nối sứ mạng loan Tin Mừng và đem ơn cứu độ cho thế giới.
Chúng ta không thể viện cớ mình nghèo nàn, ít học, yếu đuối để từ khước sứ mạng Chúa giao, vì mười hai môn đệ đầu tiên được Chúa sai đi cũng không có nhiều khả năng, nhiều điều kiện hơn chúng ta hôm nay. Các vị lên đường theo lệnh Chúa Giêsu dù không mang lương thực, không tiền bạc, không bao bị, không cả chiếc áo thứ hai mà vẫn đạt được thành quả tốt đẹp khác thường. Chúng ta cũng có thể đạt được hiệu quả như thế nếu chúng ta hiến mình cho Chúa Giêsu sử dụng.
Đừng trở nên bàn tay tê bại
Nhân loại hôm nay đông đảo gấp hàng triệu lần so với thời các môn đệ đầu tiên nên nhu cầu loan báo Tin Mừng lúc nầy càng cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết. Hôm nay Chúa Giêsu vẫn liên lỉ kêu mời mỗi người chúng ta tham gia sứ vụ loan Tin Mừng như các môn đệ xưa.
Là chi thể của Chúa Giêsu, chúng ta không thể từ chối tham gia vào công việc cứu độ của Người.
Một chi thể không cùng các chi thể khác tham gia vào các hoạt động của thân mình là một chi thể tê bại hoặc là một chi thể thừa (như ngón thứ sáu -ngón tay thừa- trên một bàn tay).
Một chi thể tê bại (hoặc thừa) chẳng những không mang lợi ích gì cho thân mình mà còn trở nên chướng ngại cho hoạt động của toàn thân.
Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn làm một chi thể tê bại trong Thân Mình Chúa.
Vậy thì hãy sẵn sàng hiến thân làm khí cụ cho Chúa Kitô.
Khi chúng ta hiến đời mình để Chúa Giêsu sử dụng như bàn tay của Người, chắc chắn nhiều điều kỳ diệu sẽ được Người thực hiện qua con người mỏng giòn yếu đuối của chúng ta.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
ĐÔI DÉP VÀ CHIẾC GẬY Trích Logos B
Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu “gọi” các môn đệ. Qua từng lần gọi, Người đưa các ông liên kết chặt chẽ hơn với chính Người và với sứ vụ cứu thế. Lần đầu tiên bên bờ biển Hồ, Người gọi các ông đi theo (x. Mc 1, 16-20), một thời gian sau, Người lên núi gọi nhóm Mười Hai ở lại với Người (x. Mc 3, 13-19), và hôm nay, Người lại gọi để các ông bắt đầu làm tông đồ, làm người được sai đi loan báo Tin mừng.
Trong chuyến đi đầu tiên, các tông đồ lên đường với hành trang bên ngoài thật gọn nhẹ, chỉ là chiếc áo đang mặc với đôi dép và cây gậy đi đường, nhưng trên vai là cả gánh nặng của sứ mạng truyền giáo, và trong tim đã phải đong thật đầy mến yêu và tín thác.
Mang theo và để lại
Những gì không được phép mang theo cho thấy tính cấp bách của chuyến đi. Không lương thực để khỏi phải bận tâm tính toán dự trù, hoặc khỏi phải mất giờ cho những trạm dừng nghỉ giữa đường. Không bao bị để khỏi phải để dành hay thu nhặt, để đừng làm chậm lại bước chân đang cần đi thật nhanh thật nhẹ. Không tiền bạc để khỏi phải nghĩ đến việc sắm thêm những tiện nghi cho riêng mình. Không mặc hai áo để thấy rằng chỉ cần những gì vừa đủ, dù một chút dư thừa cũng sẽ thành cồng kềnh và thêm nặng.
Những gì phải trang bị lại cho thấy chuyến đi chắc chắn sẽ là vất vả. Đôi dép sẽ cần thiết trên những nẻo đường sỏi đá khó khăn. Người tông đồ phải luôn sẵn sàng cho cuộc hành trình không ngơi nghỉ. Cây gậy sẽ làm vững bước chân khi rong ruổi qua những dặm dài sứ vụ. Người môn đệ phải biết cách tự bảo vệ mình giữa những bất trắc trên đường.
Lên đường trong tư thế thanh thoát và nhẹ nhàng, người được sai đi mới thực sự là môn đệ của vị Thầy chưa hề tìm cho mình một chỗ dựa đầu, người luôn còn phải đi nơi khác, để còn liên lỉ rao giảng Nước Trời (x. Mc 1, 38). Với đôi dép và chiếc gậy, phải đi từ nơi nọ đến nơi kia, không định cư, không cố định điểm dừng, nhưng sẵn sàng rời đi, dù đang được ân cần tiếp đón.
Rao giảng và phục vụ
Các tông đồ ra đi, đến những nơi Chúa Giêsu sẽ đến (x. Lc 10, 1), kêu gọi mọi người hoán cải để tiếp nhận Tin mừng cứu rỗi. Nhưng lời rao giảng không phải lúc nào cũng được lắng nghe, lời mời gọi sám hối không phải ở đâu cũng có tác dụng, và những cánh cửa không phải lúc nào cũng rộng mở. Vẫn luôn có những tâm hồn từ chối tin vui. Người tông đồ biết mình không phải lúc nào cũng thành công, nhưng vẫn kiên trì rao giảng. Dù có phải đau lòng giũ bụi chân để bỏ đi, nhưng rồi lại sẽ tiếp tục lên đường.
Khi sai các môn đệ cùng đi từng hai người một, Chúa Giêsu muốn các ông cùng nhau làm chứng cho tính xác thực của lời rao giảng, đồng thời cũng cho thấy truyền giáo là trách nhiệm chung của cả cộng đoàn. Hai người đi chung để thực thi cùng một sứ vụ, để loan báo cùng một Tin Mừng và xây dựng Nước Trời duy nhất. Có mặt bên nhau để chung tay phục vụ, để đem đến cho con người ơn giải thoát khỏi sự ác và sự dữ, để mang lại niềm vui trọn vẹn cả hồn lẫn xác. Đi chung còn để cùng chia sẻ thành công cũng như thất bại.
Lên đường với sứ mạng cao cả, người tông đồ cùng đi với Thầy để thực thi thánh ý Chúa Cha, để làm những gì Thầy vẫn làm : loan báo Tin vui cứu độ, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Bằng rao giảng và phục vụ, các môn đệ, và cả chúng ta hôm nay, được sai đi đến với mọi người, để nói cho họ về Chúa, trao cho họ ân sủng tình yêu và đem họ đến với Chúa.
Tin yêu phó thác
Khi bảo các tông đồ ra đi không mang theo lương thực, không bao bị, không bạc tiền, Chúa Giêsu hẳn đã muốn các ông sống hết mình cho sứ vụ, đồng thời cũng dám đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào Đấng đã sai các ông đi. Yêu mến nên sẵn sàng chấp nhận vất vả vì Nước Trời, tín thác nên dám lên đường mà không có một chút gì bảo đảm theo kiểu trần thế. Tin tưởng vì biết mình chẳng bao giờ bị bỏ rơi, phó thác vì biết mình đã tin vào ai. Tin yêu dù biết rằng mình chẳng là gì, chẳng có khả năng gì, chỉ là một mục đồng bé nhỏ như Amos, chỉ là một ngư phủ ít học như Phêrô, nhưng lại được chính Thiên Chúa nắm lấy và bảo hãy đi (x. bài đọc I).
Lên đường với trọn niềm tín thác, người môn đệ dành cả đời mình cho sứ vụ, bởi biết mình đã được Chúa Giêsu kêu gọi, được Chúa Cha tuyển chọn và được Chúa Thánh Thần đóng ấn, được ủy thác sứ mạng hoàn tất ý định yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, muốn qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (x. bài đọc II).
Đọc lại lần nữa bài Tin Mừng, mỗi người chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta cũng đang được sai đi trong cùng một sứ vụ như các tông đồ ngày xưa. Không phải đi đâu xa, nhưng là ở đây và ngay hôm nay, trong gia đình, trong xứ đạo, trong cộng đoàn, và trong cả môi trường sống chung quanh.
Hãy sẵn sàng lên đường với đôi dép của tình yêu, để bước chân nên nhẹ nhàng thanh thoát trên đường từ bỏ, hy sinh ; đôi dép của ân sủng, để đủ sức bước tới giữa gai góc sỏi đá trên đường phục vụ ; đôi dép không là đôi hia bảy dặm, nhưng sẽ giúp mỗi người chúng ta, từng bước một nhưng lại có thể vượt vạn dặm dài để đi tới bất cứ nơi nào Chúa sai chúng ta đến.
Hãy tiến bước với chiếc gậy của niềm cậy trông, giữ chúng ta đứng vững trong từng cơn thử thách ; chiếc gậy của tin yêu, chống đỡ chúng ta trên mỗi bước đi theo Chúa ; chiếc gậy là chính Chúa giúp chúng ta kiên tâm chu toàn mọi trách vụ Chúa trao, dù là trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc sống.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
NGƯỜI SAI HỌ ĐI (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa sai 12 các tông đồ đi thực tập truyền giáo. Đây là lần thực tập đầu tiên. Cũng có thể coi đây là cuộc thử nghiệm. Vì là cuộc thực tập đầu tiên và vì các tông đồ mới bước vào cuộc, cho nên trước khi ra đi, Chúa đã đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể và cần thiết cho các ngài.
Họ phải giảng điều gì và phải giảng như thế nào?
+ Về nội dung lời giảng, thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Nội dung này cũng chính là nội dung mà Chúa Giêsu (Mc 1,15) và Gioan tẩy giả đã rao giảng cho mọi người (Mc 1,4). Và đây cũng chính là nội dung mà Hội Thánh sẽ tiếp tục rao giảng sau này cho đến ngày tận thế.
+ Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn giảng:
a/ bằng việc làm chứng (c 7: Họ đi từng nhóm hai người, đúng quy định của luật Môisê về điều kiện để sự làm chứng giá trị)
b/ bằng việc giải thoát người ta khỏi xiềng xích của thế lực gian tà (“trừ qủy”)
c/ bằng việc giải thoát người ta khỏi đau khổ thể xác (“chữa bệnh”).
+ Về tác phong người của người rao giảng. Có thể tóm lược trong hai điều: Nghèo khó và luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
Cách rao giảng.
Cách giảng hữu hữu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là chính cuộc sống của mình và cuộc sống tốt nhất đối với Chúa là cuộc sống nghèo và luôn biết tin tưởng vào Chúa.
Đã có lần Lênin nói về Thánh Phanxicô Assisi với những người nghe ông như thế này: “Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy cũng đủ rồi”(Trích “mỗi ngày một niềm vui”)
Vâng! Chẳng có chứng tá nào bằng chứng tá của cuộc sống.
Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ, ông Gordon Marsuel đã xin một tín đồ Ấn độ giáo, đến sống bên cạnh để dạy ông học tiếng bản xứ. Nhưng tín đồ Ấn này từ chối, anh ta nói:
– Thưa Ngài, tôi không thể đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì lẽ tôi không muốn trở thành Kitô hữu.
Nhà truyền giáo trả lời:
– Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao tiếp với những người chung quanh để hiểu biết họ hơn, chứ không nhằm bắt họ trở lại với đạo Chúa.
Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:
– Thưa ngài, tôi biết vậy. Nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không một ai có thể sống bên cạnh ngài mà không bị ngài cảm hóa để tin vào Chúa. Tôi không thể dạy ngài vì tôi đã nghĩ, không thể nào sống bên cạnh ngài mà không trở thành Kitô hữu.
Còn chứng nhân của Chúa ngày hôm nay.
Lacordaire từng nói: “Kitô hữu là một người đã được Chúa Giêsu Kitô phó thác những người khác cho mình.”
Công Đồng Vaticanô II trong hiến chế Ad Gentes số 2 xác định thật rõ “Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha”.
Bằng cách nào đây?
Chắc chắn cũng không có cách nào khác hơn là cách chính Chúa Giêsu đã làm và các tông đồ của Người đã noi gương.
Một ngày kia Đức Hồng y Hume, trong một buổi thuyết giảng về việc rao truyền Phúc âm, đã nói rằng: “Muốn cho sứ điệp được lắng nghe, người rao giảng cần phải có những đức tính cần thiết như thành thật, thâm tín, vui tươi. Tiên quyết ở đây hẳn không phải là một giáo trình, một giáo sư, một lối biện bác. Người nghe thường lưu tâm trước hết đến lời nói chân thành, mức độ thâm tín được bộc lộ trong cuộc sống, niềm vui tuôn tràn từ tận đáy lòng và mong được chia sẻ vì yêu thương của người rao giảng”.
Đức Phaolô VI: “Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy ấy là những chứng nhân”
Còn đức Hồng Y L.J. Suenens một trong những guơng mặt nổi bật nhất của Công Đồng chung Vaticano II thì quả quyết: “Người ta chỉ có thể tin vào sứ điệp Kitô giáo một khi môn đệ Chúa Kitô thực hiện đức tin của mình trong cuộc sống hằng ngày. Con người ngày nay chán ngán các lý thuyết ý thức hệ hoặc lối nói quảng cáo. Nên, việc loan báo Phúc âm phải nhập thể, phải gắn liền với thực tế.”
Chính đời sống đem lại cho lời nói sức thuyết phục. Mỗi Kitô hữu đều được gọi để trở nên một Phúc âm sống mà mọi người đọc được.
Khi diễn tả về những đòi hỏi phải làm chứng nhân bằng đời sống, Wallace E. Norwood đã bộc lộ tâm tình của mình qua một bài thơ khá hay làm cho nhiều người phải suy nghĩ. Bài thơ đó có tên “Chính bạn là Cuốn Phúc âm”.
Đây là câu truyện đẹp nhất kể cho nhân loại
Đã được viết lại từ thuở thật xa xưa
Bởi Máthêu, Marcô, Luca và Gioan
Để mạc khải về Chúa Kitô và sứ mạng Ngài trên trần thế.
Còn bạn, bạn cũng viết Phúc âm, mỗi ngày mỗi chương;
Bằng chính cuộc sống của mình, tệ hại hay ngay lành là tuỳ ở bạn
Khi kẻ khác đọc, họ sẽ nghĩ gì về cuốn Phúc âm do bạn viết?
Phúc âm là truyện tình tuyệt diệu,
Rạng chiếu nơi cuộc sống thần thánh Chúa Kitô.
Ôi chân lý ấy ước gì còn kể lại
qua truyện đời của bạn và của tôi.
Bạn vẫn viết, viết cho người khác, mỗi ngày một chữ,
Hãy cố làm sao cho chữ bạn viết thật ngay lành,
Vì Phúc âm gần nhất mà người ta đọc được,
Lại là Phúc âm mà chính đời bạn viết nên”.
Quả đúng như vậy thưa anh chị em. Mỗi người chúng ta phải là một cuốn Phúc âm sống. Đó là cách thức hay nhất qua đó chúng ta có thể đem Chúa Giêsu đến với mọi người.
Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với một thầy dòng:
– Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo.
Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi:
– Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!.
Thánh Phanxicô đáp:
– Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?
Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan.
Chúng ta hãy rao giảng. Chẳng cần phải đi đâu xa. Hãy rao giảng ngay cho những người trong gia đình của chúng ta, những người trong khu xóm của chúng ta, trong chỗ chúng ta làm việc, với những người chúng ta có dịp gặp gỡ hằng ngày. Hãy rao giảng cho họ về một cuộc sống không phải là một cuộc sống giầu sang, nhiều tiền nhiều bạc, cũng không phải là một cuộc sống đầy ắp những tiện nghi vật chất, lúc nào cũng hợp mốt hợp thời, nhưng là một cuộc sống có ý nghĩa, đáng nể phục và là một cuộc sống đáng sống, đáng sống ngay tại đời này và nhất là đời sau khi chúng ta lìa bỏ tất cả để trở về với Chúa là Cha đầy lòng yêu thương chúng ta. Amen.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
ĐƯỢC MỜI GỌI VÀ SAI ĐI- Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Nước Thiên Chúa được thực hiện cách cụ thể bằng việc Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi thực tập rao giảng Tin mừng. Đồng thời Nước Thiên Chúa làm phát sinh những ơn gọi đặc biệt như tông đồ là những người được tuyển chọn và sai đi cùng với quyền năng của Chúa Giêsu để rao giảng và làm chứng cho Nước Thiên Chúa. Bài Tin mừng chúa nhật tuần này tường thuật việc Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi rao giảng và nhắc nhở những cách thức căn bản trên con đường truyền giáo. Các ngài nhận được từ chính Chúa Giêsu quyền năng xua trừ ma quỉ và cũng được nhắc nhở không được mang theo gì dọc đường như bánh, bao bị, tiền bạc dắt lưng, chỉ trừ cây gậy. Các ngài cũng được nhắc nhở hãy cứ ở lại nhà nào đã đón tiếp các ngài cho tới khi ra đi và nơi nào không đón tiếp và không nghe lời các ngài, các ngài có quyền phủi bụi chân ra đi như một dấu chứng tố cáo họ. Theo nguyên ngữ hy lạp, chữ tông đồ có nghĩa là được sai đi. Các ngài được chọn gọi và sai đi cách chính thức với thẩm quyền của Chúa Giêsu. Trong tường thuật truyền giáo này, chúng ta cũng chú ý tới những chi tiết như các tông đồ được sai đi từng hai người một. Theo luật Môisen, cần phải có hai nhân chứng để lời chứng có giá trị. Ngoài ra số hai cũng là số biểu tượng để chỉ cộng đoàn, có nghĩa các người được sai đi không hoạt động một mình hay đơn lẻ, nhưng thành từng nhóm hai người với ý nghĩa hoạt động của các ngài có tính cộng đoàn. Và nhất là chính Chúa Giêsu ban cho các ngài quyền năng trừ quỉ vốn là dấu hiệu của Nước Thiên Chúa đã được khai mạc.
Trong những lời căn dặn của Chúa Giêsu, điều đánh động chúng ta, đó là những lời nhắn nhủ đặc trưng cổ thời làm cho chúng ta hình dung hình ảnh những nhà truyền giáo lưu động và khó nghèo. Các ngài phải đi từ làng này qua làng khác cũng như từ thành này qua thành khác, và dừng chân nơi những nhà đón tiếp các ngài. Ngay những nhu cầu cần thiết như bánh ăn và tiền túi, các ngài không được mang theo mà lãnh nhận từ quà tặng của những người đón tiếp các ngài. Trang phục và hành lý của các ngài cũng phải đơn giản gọn gàng để không trở nên cồng kềnh vướng bận, không được mang theo hai áo, nhưng được phép mang dép. Vào thời Chúa Giêsu, người ta thường đi chân không, nhưng để đi xa, thì cần phải mang dép và gậy. Những sứ giả của Tin mừng được quyền nhận sự tiếp đón của người khác vì đã mang Tin mừng biếu không. Nhưng Tin mừng là lời mời gọi mọi người đón nhận cách tự do, nên không hề ép buộc ai phải đón nhận Tin mừng ngoài ý muốn. Nếu như thành nào hay làng nào từ chối đón nhận Tin mừng, thì các tông đồ sẽ ra đi và phủi bụi chân làm dấu chứng đã không được đón tiếp bởi thành đó. Theo nghi thức của đông phương xưa kia, người ta làm dấu phủi bụi chân như dấu chỉ đoạn tuyệt đối với thành hay nơi nào thù nghịch. Cứ như thế, các tông đồ đã ra đi loan báo Nước Thiên Chúa và mời gọi hoán cải. Các ngài cũng làm được nhiều phép lạ, xua trừ ma quỉ. Các ngài xức dầu trên nhiều bệnh nhân và chữa lành cho họ khỏi mọi bệnh tật.
Sứ vụ được sai đi rao giảng là sứ vụ khẩn cấp vì để rao giảng sự sám hối. Sứ vụ này rất khẩn thiết đến độ các tông đồ không được phép mang hành lý cồng kềnh dù cho là rất cần thiết cho hành trình dài của các ngài. Sứ vụ này cũng rất cần thiết đến độ các ngài không được phép ở lại nơi những người không đón tiếp các ngài. Sứ vụ này rất quan trọng cho nên các ngài được lãnh nhận từ chính Chúa Giêsu quyền năng để xua trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Bởi vì tội lỗi và ma quỉ giam cầm con người trong quyền lực của nó, cần phải có chính sức mạnh thần linh của Chúa Giêsu mới có thể giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Sứ vụ này cũng là sứ vụ sám hối để nhờ đó, con người xứng đáng đón nhận ơn tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa. Lời mời gọi sám hối này vốn không ngừng được nhắc nhở qua các tiên tri là những người được Thiên Chúa trao ban sứ mạng. Tiên tri Amos là người được Thiên Chúa chọn và sai đi một cách đặc biệt để đến rao giảng cho Israel là vương quốc phía Bắc lời mời gọi sám hối. Khi đến rao giảng ở đây, ông bị thẩm quyền địa phương xua đuổi ngăn cấm vì lời rao giảng của ông làm cho những người Israel khó chấp nhận. Nhưng tiên tri Amos vẫn can đảm thi hành sứ vụ của mình và mạnh mẽ công bố rằng mặc dù ông chỉ là một người chăn bò và hái trái sung, nhưng ông nhận được lệnh truyền đặc biệt của Thiên Chúa để đi đến xứ Israel rao giảng lòng sám hối cho mọi người. Ông không sợ hãi và chùn bước trước lời đe dọa nào.
Ơn gọi là điều lạ lùng vì nâng cao người được kêu gọi, làm cho họ thi hành một sứ vụ quan trọng. Ơn gọi cũng phát xuất từ thánh ý Thiên Chúa là Đấng ban phát ơn gọi cho mỗi người. Cả tiên tri Amos lẫn các tông đồ đều là những người được chọn gọi và sai đi bởi Thiên Chúa. Các ngài vốn là những người có nghề nghiệp rất khiêm tốn và các ngài cũng không tự chọn sứ mạng này. Nhưng các ngài được chọn gọi và sai đi để trở nên tiên tri và tông đồ với sứ mạng rao giảng Tin mừng, rao giảng lòng sám hối và nhận lãnh quyền lực để xua trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Đối với mỗi người chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi và sai đi. Theo thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi đến một đời sống thánh thiện, chúng ta được tuyển chọn để được làm con Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, được tha thứ mọi tội lỗi, được hưởng phần gia nghiệp vinh quang muôn đời. Đời sống người tín hữu cũng là được chọn gọi và sai đi để làm chứng cho Tin mừng bằng chứng ta của đời sống hằng ngày của mình. Ý thức được điều này, mỗi người phải cố gắng sống xứng đáng và trở nên chứng nhân cho Tin mừng bằng việc cần mẫn và chuyên chăm trong sứ vụ và ơn gọi của mình.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B
HÀNH TRANG TRUYỀN GIÁO- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC
Kính thưa …
Trong sứ vụ loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu không làm một mình, nhưng Ngài muốn con người cùng cộng tác. Đầu tiên, Ngài chọn gọi các tông đồ và sau một thời gian huấn luyện, thì Chúa “sai từng hai người đi” truyền giáo với gói hành trang 3 “không”: không mang bị, mang bánh, không mang tiền trong túi, …, đừng mặc hai áo”.
Chúa Giêsu mặc dù là Thiên Chúa quyền năng, làm được mọi sự; Ngài là Đấng giàu có vô cùng, nhưng khi được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian, Ngài cũng đến với hai bàn tay trắng.
Thật vậy, Ngài không đến cư ngụ trong thành phố nguy nga tráng lệ, nhưng đến trong thôn làng Nazarét nào có cái chi hay! Và rồi trên hành trình truyền giáo, Ngài lang thang khắp các nẻo đường Palestine. Ngài nói: “con cáo có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có nơi tựa đầu”.
Ngài không đến để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Ngài không đến như vị quan tòa nghiêm khắc, nhưng đến như một người nhân hậu đầy lòng xót thương.
Ngài không đến để làm theo ý riêng mình, nhưng thi hành thánh ý Chúa Cha trọn vẹn.
Ngài không đến trong những trang phục lộng lẩy, nhưng hiến dâng mạng sống trần trụi trên cây thập giá không có tấm áo che thân. Thậm chí ngay cả nấm mồ cũng không. Tóm lại cuộc đời của Chúa Giêsu: “sinh vô gia cư, tử vô địa táng”. Sinh không có nhà; chết không có mồ.
Như vậy, khi ra lệnh cho người tông đồ: “Không mang bị, không mang bánh, không mang tiền trong túi, …, đừng mặc hai áo”, Chúa Giêsu muốn các ông đừng quá bận tâm về của cải vật chất, nhưng hãy phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa. Hành trang của người tông đồ phải là “không” đối với mình, để Thiên Chúa đổ đầy cái “có” là ân sủng của Ngài. Và từ cái “có” đó, Ngài muốn chúng ta trao ban lại cho những người khác.
Cũng như hành trang của Chúa Giêsu gồm những chữ “không”, nhưng Ngài lại có năng lực ân sủng trao ban cho những ai đón nhận Ngài, như lời khẳng định của thánh Gioan tông đồ mà chúng ta vừa nghe trong câu xướng trước Phúc âm: “Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa”.
Quyền được làm con Thiên Chúa là một vinh dự lớn lao, không do công trạng của chúng ta, nhưng là một hồng ân mà Thiên Chúa ban qua Đức Kitô, như lời xác quyết của thánh Phaolô nói trong bài đọc II: “Thiên Chúa đã chọn chúng ta trong Đức Kitô trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được trở nên thánh thiện và tinh tuyền … Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô”.
Anh chị em thân mến,
Mỗi người chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí tích rửa tội và thêm sức, chúng ta được trở nên môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng có bổn phận làm chứng cho Chúa trong nhiệm vụ trong khả năng, trong môi trường sống của mình. Chớ gì hành trang của chúng ta cũng là những chữ “không” và chữ “đừng” như lời dạy Chúa dạy các tông đồ năm xưa.
Chúng ta “không mang theo mình cái bị của lòng giận hờn, ghen ghét; không mang trong túi của mình những đồng tiền gian lận, gian dối. Và đừng nói hành, nói xấu sau lưng người khác.
Đồng thời, khi thi hành việc truyền giáo, chúng ta cũng cần có trái tim biết chạnh lòng thương.
Ngày xưa, Chúa sai các tông đồ đến với những người đau yếu bệnh tật, những người bị ma quỉ hành hạ. Những người kém may mắn; Những người nghèo khổ cùng cực. Những người bị xã hội bỏ quên.
Ngày nay, Chúa cũng sai chúng ta đi đến những người như vậy. Nhưng để cho việc tông đồ mang lại kết quả như lòng Chúa mong muốn, chúng ta phải gắn bó mật thiết với Chúa và phó thác mọi sự trong tay Ngài.
Đồng thời phải có tình liên đới biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh chị em mình. Với tình yêu mến Chúa, chắc chắn việc tông đồ sẽ sáng danh Chúa. Với tình yêu mến tha nhân, chắc chắn việc tông đồ sẽ đem lại lợi ích cho các linh hồn. Amen.