CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN– NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
DỤ NGÔN VIÊN NGỌC, KHO TÀNG, LƯỚI CÁ- Chú giải của Học viện Giáo Hoàng Đà Lạt 6
DỤ NGÔN KHO BÁU VÀ NGỌC QUÝ, CHIẾC LƯỚI– Chú giải của Fiches Donimicales 10
ĐỨC GIÊSU DÙNG DỤ NGÔN MÀ NÓI (*)- Suy niệm Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông 16
GIÁ TRỊ VÔ SONG- Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long. 26
SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC- Lm Giuse Đinh lập Liễm.. 39
THIÊN CHÚA LUÔN BAN SỰ TỐT LÀNH CHO CHÚNG TA- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 52
TÌM KIẾM SỰ KHÔN NGOAN (*)- Suy niệm của Noel Quession. 64
KHÔN NGOAN TÌM NƯỚC TRỜI – ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt. 73
KHO TÀNG VÀ VIÊN NGỌC QUÝ NƯỚC TRỜI- Lm. Phêrô Lê Văn Chính 76
KHÔN NGOAN VÀ SÁNG SUỐT– Lm. Giuse Đinh Tất Quý. 81
TÌM ĐƯỢC NƯỚC TRỜI LÀ NIỀM VUI CỦA CUỘC ĐỜI- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 87
TÌM KIẾM KHO TÀNG HẠNH PHÚC – Lm. Trần Ngà. 94
KHO TÀNG NƯỚC TRỜI- Trích Logos A.. 99
HÃY LÀM MỌI SỰ ĐỂ CÓ ĐƯỢC NƯỚC TRỜI- Lm Antôn Nguyễn Văn Độ 105
——————————————————————-
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan”.
Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, tại Gabaon, ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Salomon thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Đavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?”. Điều Salomon kêu xin như trên đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 57 và 72. 76-77. 127-128. 129-130
Đáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)
1) Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
2) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.
3) Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ.
4) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.
BÀI ĐỌC II: Rm 8, 28-30
“Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Nhưng những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi họ, và những ai Người đã kêu gọi, thì Người cho họ được vinh quang.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: 1 Pr 1, 25
All. All. – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – All.
PHÚC ÂM: Mt 13, 44-52
“Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy. “Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”. Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.
Đó là lời Chúa.
——————————————————————
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
DỤ NGÔN VIÊN NGỌC, KHO TÀNG, LƯỚI CÁ- Chú giải của Học viện Giáo Hoàng Đà Lạt
“Về Nước Trời thì cũng giống như một kho báu”: Không phải là Nước Trời được so sánh với một kho báu, nhưng điều xảy ra khi một người tìm thấy kho báu được so sánh với điều xảy ra (hay phải xảy ra) khi một người khám phá Nước Trời.
“Người kia gặp thấy”: Câu chuyện thật quá giản dị. Kho báu này không phải là vật do tổ tiên để lại hay phải tìm kiếm một cách gian khổ khó khăn; nó được chôn dấu, nhưng chẳng phải là ở một nơi nào hiểm trở, kẻ đến đầu tiên có thể bắt gặp được. Như Nước Trời trong con người Chúa Giêsu, kho báu đang nằm đấy, trước mặt con người không chủ ý tìm kiếm này. Nhưng một khi khám phá ra, tự nhiên anh ta bỏ rơi mọi điều khác. Sự từ bỏ theo tinh thần Tin Mừng không phải là phương thế để đạt đến Nước Trời, nhưng là hậu quả của việc khám phá Nước đó.
“Anh đi bán tất cả những gì anh có”: Anh làm một công việc mà chẳng người lân cận nào trông thấy mà không thắc mắc. Anh bán tất cả: giá thửa ruộng cao đến độ con người ấy phải phá sản, dĩ nhiên là một gia sản chẳng đáng bao nhiêu, nhưng điều quan trọng không phải là ở chỗ đó mà ở chỗ anh bán hết không để lại tí gì. Chính đấy là điểm mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh trong dụ ngôn của người: Nước Trời là một kho báu đòi ta phải bỏ ra tất cả những gì mình có, kể cả bản thân, để tậu nó cho được.
“Một thương gia rảo tìm ngọc quý”: Có lẽ đừng xem việc người thương gia rảo tìm ngọc quý như là biểu tượng của việc tìm đạo; chẳng qua là ông ta làm nghề buôn bán thôi. Cái mà ông muốn tìm, đó là những viên ngọc đẹp, quý, chứ không phải là những viên ngọc “đắt giá”. Thế mà ông lại bắt gặp một kho báu bất ngờ… Thành thử rốt cuộc dụ ngôn viên ngọc cũng tương tự và có cùng một ý nghĩa như dụ ngôn kho báu.
“Về Nước Trời thì lại còn giống như chiếc lưới”: Như các dụ ngôn trước, phải hiểu Nước Trời không đồng hóa với chiếc lưới (là một phương tiện tạm thời), cũng chẳng với cá bắt được, mà với toàn thể công việc được miêu tả.
“…đã được thả”: Trái với cách dịch của BJ (“người ta thả”) động từ Hy lạp nói rằng lưới đã được thả, và được thả do ơn Chúa (thể thụ động ngụ ý Thiên Chúa là tác giả của hành động; điều này được xác nhận qua sự kiện không có câu nào đề cập đến các ngư phủ).
“Mọi thứ”: Trong văn mạch, điều này muốn nói: Cá tốt lẫn cá xấu, như c. 48 sẽ bảo. Biển Galilê nổi tiếng là có rất nhiều giống cá. Cá “xấu” có lẽ là thứ bị luật Torah cấm ăn (Lv 11, 9-12; Đnl 14, 9-10) hay là quá bé nhỏ.
“Sẽ phân tách kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi quăng chúng vào lò lửa..”. Phải nhận là ở đây chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh tiêu cực của việc lựa lọc. Việc Nước Trời đến cách sung mãn không còn chịu được cảnh vàng thau lẫn lộn như trước nữa, và đòi hỏi phải triệt để loại bỏ kẻ dữ ra khỏi lòng mình. Trong lúc đoạn kết của lời chú giải dụ ngôn cỏ lùng (c. 43) gợi lên vinh quang của các người công chính “sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha họ”, thì nơi đây lại không giống thế. Chắc hẳn một muốn chấm dứt diễn từ dụ ngôn của ông bằng lời cảnh giác có phần nghiêm khắc này, để thúc giục Kitô hữu hãy luôn cẩn thân canh chừng, chứ đừng buông thả.
“Các con có hiểu các điều ấy không? – Có”: Như đã thấy nơi dụ ngôn người gieo giống, động từ hiểu được tác giả Tin Mừng gán cho một tầm quan trọng đặc biệt. Ở đây, qua câu hỏi này, Chúa Giêsu cố ý quy về tất cả những điều Người đã nói với dân chúng bằng dụ ngôn. Câu trả lời là một tiếng tán đồng ngấn ngủi: Có, Ai trả lời? Văn mạch ngụ ý là các môn đồ đã hỏi Chúa Giêsu trước đây (c.36). Nhưng vì không minh nhiên đề cập đến các ông ấy, nên chắc là một muốn ngầm bảo là mọi độc giả Tin Mừng, mọi Kitô hữu phải có trách nhiệm trả lời: chính câu trả lời đó đưa ta từ thân phận “đám đông” đi sang địa vị “môn đồ”.
Tất cả mọi dụ ngôn đều nói cho ta về Nước Trời; hết thảy chúng đều mặc khải một khía cạnh nào đó và trước hết diễn tả thực tại Chúa Giêsu, biến cố trung tâm của lịch sử và là giao điểm dứt khoát giữa đất và trời: trong Người, Nước Trời đã đến gần nhân loại một lần thay cho tất cả.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
–Nước Trời buộc ta phải bán hết thảy một khi ta đã khám ra ra nó. Không phải Nước Trời dẹp bỏ mọi thứ khác đâu, nhưng là chiếm đoạt tất cả để ban cho tất cả một chiều hướng, ý nghĩa mới. Cái nhân bản không bị xua trừ, nhưng được nâng lên để được đào sâu biến đổi, canh tân và đi vào thiên giới. Người ta chỉ dẹp bỏ trong cái nhân bản ấy những gì là chướng ngại vật của tình yêu. Kẻ đã tìm thấy Nước Trời là một người mới, sống động, rũ bỏ được mọi thần tượng, và trở nên trắng tay để nhận lãnh từ Thiên Chúa hiện tại và tương lai của mình.
–“Tâm tình nào đã nung nấu hai kẻ tìm thấy kho tàng và bắt gặp viên ngộc đắt giá? Tâm tình mừng vui. Họ “hết sức vui mừng”! Cũng vui như thế khi tình yêu của Thiên Chúa, của phục sinh và Thập giá Ngài tràn ngập trong đời ta, khiến ta được nâng lên và bị chinh phục. Bấy giờ cái mà từ trước vẫn được xem như quý hóa thì mất hết giá trị, so với cái vừa mới nhận được, một cái thật cao giá vô cùng. Ai có Thiên Chúa là có tất cả vì chỉ mình Ngài là đủ. Đấy là một chân lý chỉ có thể hiểu được nhờ kinh nghiệm sống. Não trạng “trần tục” của ta, không lo sợ mất mát hay thiếu một vật nào, nỗi ám ảnh muốn được bảo đảm an toàn, chương trình sống ích kỷ dò ta lập ra, sẽ luôn va chạm với chân lý căn bản này: chỉ Thiên Chúa mới có thể làm mãn nguyện những cõi lòng hiến dâng cho Ngài trọn vẹn.
-Dù không gặp sự dữ ở đời này, dù xem ra được tranh công, được kính nể yêu vì, dù có vẻ tốt lành và chăng đáng bị chỉ trích, thì con người nào đó cũng chỉ lộ phẩm chất đích thực của mình trong ngày sau hết, vào lúc chung thẩm (như trong dụ ngôn lưới cá). Điều ấy mọi người phải ý thức rõ, dù là các Kitô hữu đã có một ngày nào tìm gặp viên ngọc quý hay kho báu chôn giấu trong ruộng đồng. Vì rất có thể đời sống thực của họ được che giấu dưới một mặt nạ đạo đức. Vì rất có thể họ là loại “xấu” nếu chỉ đi tìm kiếm bản thân, thay vì kiếm tìm một mình Thiên Chúa.
————————————————————————
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
DỤ NGÔN KHO BÁU VÀ NGỌC QUÝ, CHIẾC LƯỚI– Chú giải của Fiches Donimicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
Chọn lựa Nước Trời là điều khẩn trương…
Từ hai tuần qua, chúng ta đã khởi sự đọc “Bài giảng bằng dụ ngôn”, với dụ ngôn người gieo giống. Hôm nay chúng kết thúc với những dụ ngôn kho báu và ngọc quí dụ ngôn chiếc lưới và lời kết thúc bài giảng.
Như một cặp, nên hai dụ ngôn kho báu và ngọc quí đều được xây dựng cách cân đối. Không muốn ta chú ý đến những sự vật là kho báu ngọc quí vì cho ta ít giáo huấn- hai dụ ngôn muốn tập trung chú ý của ta vào thái độ ửng xứ của các nhân vật. Việc họ khám phá ra kho báu, viên ngọc chỉ làm nên điều giả sử đã có, sẽ cho phép ta hiểu được ngay cách hành xử mà hai người đã chọn.
+ Người thứ nhất là một người làm công nhật, cầy ruộng của một người khác, tình cờ trong lúc làm ruộng, anh gặp thấy chôn giấu miếng đất một kho báu. Một kho báu mà theo con mắt của anh là vô giá, nên anh liền “đi bán tất cả những gì có là mua thửa ruộng ấy”.
+ Người thứ hai là một thương gia buôn bán ngọc quý. Tình cờ trong khi chạy hàng anh đã tìm được một viên ngọc thượng thặng, liền bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”.
Cả hai đều không muốn bỏ lỡ cơ hội có một không hai, không muốn để cho vận may của cuộc đời qua mất, và vì thế họ hành động. Lời đáp trả cho sứ điệp Tin Mừng về Nước Chúa, như J. Dupont chú giải, có thể khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh và ơn gọi của mỗi cá nhân; nhưng không làm tất cả những gì cần thiết để được vào Nước Chúa, không lợi dụng vận may hiếm có đưa đến, đó là tỏ ra một thái độ khờ dại không thể tha thứ được. Chẳng có gì là phải trả giá quá đắt đối với -sự thiện có được: lấy tất cả những gì ta có, đem tất cả con người của mình để đặt cọc cho sự thiện này, đó chính là việc mua bán tuyệt vời. Đã cam kết trọn vẹn, lẽ nào lại keo kiệt, đắn đo? Hiểu như vậy, ta mới thấy hai dụ ngôn khó ăn ý với nhau để minh hoạ cho lời rao giảng ban đầu của Chúa Giêsu: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17) (cf. Assemblées du Seigneur, số 48, trang 20).
Đang khi đợi chờ ngày Chúa đến:
Tiếp theo là dụ ngôn chiết lưới, đúng hơn là lưới vét: một loài lưới để là, hoặc là được kéo đi nhờ hai thuyền, hoặc được một thuyền đánh cá bố trí, rồi dòng giây dài vào bờ mà kéo đi.
+ Rất gần gũi với dụ ngôn cỏ lùng và hạt giống tốt, dụ ngôn thứ bảy và cũng là dụ ngôn cuối cùng này đưa chúng ta gặp lại biển, bờ biển cùng những người ngồi trên bờ lúc Chúa bắt đầu giảng (Phúc âm Chúa nhật thứ XV). J. Dupont giải thích: “Đức Giêsu loan báo việc Nước Chúa đến là điều sắp xảy ra. Thế nên mọi người biết rằng việc đến này phải bắt đầu bằng một cuộc tẩy rửa lớn lao… Bởi vậy, người ta chờ đợi xem Đức Giêsu bắt đầu cuộc thanh tẩy: luận phạt kẻ có tội, qui tụ người công chính chung quanh Người. Nhưng sứ vụ của Đức Giêsu lại chẳng tương xứng chút nào với sự mong chờ đợi này… Đức Giêsu phải tự giải thích. Người thực hiện điều này bằng nhiều cách khác nhau: Sứ mệnh của Người liên can tới những người tội lỗi mà Chúa muốn cho họ được cứu độ (Mt 20,1-15; Lc 15); làm cho giờ xét xử đến trước thời gian, việc đó không thuộc quyền Người… Thiên Chúa xử sự không khác với các ngư phủ; họ gom tất cả vào lưới rồi mới tiến hành việc lựa chọn. Bởi vậy lòng nhân từ yêu thương Đức Giêsu tỏ ra đối với những người tội lỗi không được là căn cớ gây nên xì-căng-đan: trong viễn ảnh ngày cánh chung khi mà Thiên Chúa ra tay can thiệp, thì sứ vụ của Đức Giêsu được coi là giai đoạn một, giai đoạn mà lưới được đầy cá đủ loại. Thời điểm tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính hãy còn chưa tới. Nhưng sẽ tới, đó là điều chắc (O.C., trang 22-23).
+ Lời giải thích tiếp theo ngay dụ ngôn này rõ ràng có một sự chuyển hướng tầm nhìn. Trong dụ ngôn, Đức Giêsu có ý cắt nghĩa tình trạng hiện hành là việc trà trộn người tốt với kẻ xấu. Còn cách giải thích của Phúc âm thứ nhất thì nhấn mạnh đến sự trừng phạt sẽ giáng xuống những kẻ có tội vào ngày tận thế, vào giờ sẽ thực hiện sự lựa chọn. J. Dupont kết luận: “Trong lời cảnh giác nghiên nhặt này, người ta nhận thấy mối bận tâm có tính huấn giáo của thánh sử. Ngài lo lắng vì thấy có biết bao tín hữu mà nơi họ lời Chúa vẫn trơ trơ không sinh kết qủa gì” (O.C. trang 24).
BÀI ĐỌC THÊM:
Chỉ có một thực tại đáng kể, kính là Thiên Chúa (J. Potin, trong “Jésus, l’histoire vraie” NXB Centurion, 1994, trang 134).
Bằng hai dụ ngôn nhỏ này. Đức Giêsu gợi ý rằng nước Trời là giá trị tuyệt đối không thể đem ra so sánh được với cái gì khác. Mọi sự còn lại đều mờ nhạt khi ta nhận thức được Nước Trời là gì và cao quý thế nào. Nhân vật trong dụ ngôn như bị thôi miên, bị choáng ngợp vì sự khám phá của mình, từ nay trở đi chỉ có một cái đó là đáng kể đối với anh mà thôi. Và để cái đáng kể đó trở thành của mình, anh sẵn sàng rũ bỏ mọi sự. Đức Giêsu chỉ cho thấy chỉ có một thực tại đáng kể chính là Thiên Chúa, Đấng mà ta phải loại trừ và hy sinh tất cả mọi sự khác ở trần gian này để mà chiếm lấy”.
“Đức tin, trường học ưu tiên và hấp dẫn”
Vì thế phải nhìn Kitô giáo trong sự thực sâu xa của nó. Không phải là tôn giáo chủ trương tìm kiếm đau khổ hay cam chịu đau khổ, không phải là tôn giáo sùng bái những hy sinh và từ bỏ chỉ vì phải từ bỏ, hy sinh. Đức tin mới là trường học được ưa chuộng nhất và hấp dẫn, là bước dẫn đến kho báu đích thực làm cho cuộc sống và trọn vẹn cuộc sống được phong phú. Sứ điệp và giáo huấn của Đức Kitô là Tin Mừng chân lý và hạnh phúc.
Đối diện với kho báu, chúng ta bị dồn vào thế phải chọn lựa và chọn lựa ngay không tên hoãn: bán đi để có được, từ bỏ để chiếm hữu, khước từ để được tự do. Chắc chắn là phải khởi sự đi tìm và tìm cho được, bởi lẽ tài sản quý giá vô cùng này, viên ngọc vô giá kia được chôn giấu trong đất mà chúng ta vẫn dằm lên mỗi ngày. Kho báu và viên ngọc quý ấy hoà trộn vào cái làm nên sinh hoạt đời thường của ta. Bởi vậy ta có thể đến gần nó mà không biết, xéo lên chúng mà lại vô tình. Vì thế ta phải biết chú ý đến “những dấu chỉ của thời đại”, những tiếng gọi bí ẩn vang dội lên mỗi ngày và trong mọi trường hợp. Bị loá mắt nếu không muốn nói là mù quáng bởi ánh sáng của những của cải phù vân giả dối, chúng ta có nguy cơ bỏ qua “chiếc đồng hồ vàng” và lạc đường khi đuổi theo những ảo ảnh. Bí tích Thánh Thể là phút dừng chân đặc biệt trong cuộc săn đuổi tìm kiếm kho báu. Hãy mượn lời ca của thánh vịnh để hát lên: “Niềm hy vọng của con, chính là lời Chúa! Nhờ để tâm lắng nghe Lời khôn ngoan, lòng ta “bừng cháy”. Việc khám phá ra tài sản quý giá không xa. Nhưng liệu ta có đủ tin tưởng và lòng tin để bán đi những gì ta có hầu mua lấy viên ngọc quí hoặc thửa ruộng có kho báu ấy chăng?
——————————————————————–
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
ĐỨC GIÊSU DÙNG DỤ NGÔN MÀ NÓI (*)- Suy niệm Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Vào Chúa Nhật này, Phụng Vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy niệm về “đức biện phân”.
1V 3: 5, 7-12
Bài Đọc I trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất: để cai trị dân Chúa chọn, vua Sa-lô-mon cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một con tim “biết lắng nghe” và một khối óc “biết phân biệt thị phi”. Thiên Chúa nhậm lời vua và ban cho vua một tâm hồn hiểu biết và khôn ngoan.
Rm 8: 28-30
Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc cho các tín hữu nhận ra rằng Thiên Chúa tiền định cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài và làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Ngài.
Mt 13: 44-52
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta phải biết nhận ra giá trị khôn sánh của Nước Trời và sẵn sàng hy sinh mọi sự để thủ đắc cho bằng được Nước Trời.
BÀI ĐỌC I (1V 3: 5, 7-12)
Vào năm 970 trước Công Nguyên, vua Sa-lô-mon lên ngôi kế vị vua cha là vua Đa-vít. Lúc đó, vua chỉ là “một thanh niên chưa từng trải”, như chính nhà vua nói trong lời cầu nguyện của mình. Theo sử gia Giô-sê-phút, khi lên ngôi, vua ở độ tuổi mười bốn; còn theo truyền thống Kinh Thánh, vua ở độ tuổi mười hai.
Giấc mộng của vua Sa-lô-mon:
Vua đi đến thánh địa Ghíp-ôn, cách Giê-ru-sa-lem khoảng chín cây số về hướng tây-bắc, để tế lễ, chỗ ấy là nơi cao trọng nhất, vì lúc đó, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem chưa được xây dựng. Vua Sa-lô-mon dâng lễ tế lên Đức Chúa. Đêm sau đó vua được một mộng báo.
Giấc mộng đóng một vai trò quan trọng tại các dân tộc thời xưa. Các Pha-ra-ô Ai-cập và các vua miền Lưỡng Hà Địa luôn có các nhà giải mộng bên cạnh. Ở Hy-lạp, các tín đồ ngủ trong các đền thánh với hy vọng là mình nhận được một sứ điệp thần linh trong khi ngủ. Dân Ít-ra-en chắc hẳn cũng đã biết những mặc khải thần linh được thông truyền trong những giấc mơ. Đây là một trong ba hình thức thông truyền mặc khải thần linh rất phổ biến vào thời xưa: mộng báo, thị kiến và thần hiển.
Lời cầu xin của vua Sa-lô-mon:
Sa-lô-mon tỏ cho thấy một con người khôn ngoan trước tuổi; vua cầu xin Chúa ban cho mình một con tim “biết lắng nghe” và một khối óc “biết phân biệt phải trái” để vua có thể cai trị dân Chúa chọn, một dân lớn mạnh như thế.
Như người nông dân gặp được kho báu hay một thương gia gặp được viên ngọc quý trong Tin Mừng hôm nay, vị vua trẻ biết nhận ra những giá trị đích thật. Khi thức dậy, vua hiểu lời báo mộng của Đức Chúa. Quả thật, vua điều hành việc nước một cách khôn ngoan (ít ra trong giai đoạn đầu của triều đại mình). Trong giấc mộng, nếu vua từ chối những phú quý giàu sang, tuy vậy, vua được Thiên Chúa ban cho không chỉ sự khôn ngoan như lời vua cầu xin, nhưng còn muôn vàn vinh quang tuyệt bực.
Tính chất thần học của chuyện tích:
Chuyện tích không có tính chất lịch sử theo nghĩa nhặt. Quả vậy, các nhà biên soạn hai sách Các Vua (qua nhiều giai đoạn biên soạn) đã tra cứu những tài liệu bằng văn bản và đã thu thập những truyền khẩu, trong suốt thời gian làm việc nghiêm túc; nhưng nỗi bận lòng hàng đầu của họ thuộc trật tự thần học. Chìa khóa của lịch sử Ít-ra-en nằm trong tay Thiên Chúa. Về vấn đề này, chuyện tích về giấc mộng của vua Sa-lô-mon cho thấy hai khía cạnh quan trọng.
Trước tiên, chuyện tích này nhấn mạnh tính cách đặc biệt của vương quyền Ít-ra-en. Vương quyền này thuộc trật tự “ân sủng”. Chúng ta biết rằng dân Chúa chọn đã từ lâu ghê tỡm ý tưởng tôn một vị vua cho mình. Đối với họ, chỉ mình Đức Chúa là Vua duy nhất của họ. Tuy nhiên, những hoàn cảnh đã dẫn họ đến thể chế quân chủ; nhưng để thể chế quân chủ này được tín nhiệm, điều quan trọng là vị quân vương nhận ra mình chỉ là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Chúng ta nên lưu ý rằng vua Sa-lô-mon không nói “dân của tôi”, nhưng “dân của Ngài” khi vua ngỏ lời với Thiên Chúa. Về vấn đề này, mộng báo ở Ghíp-ôn đáp ứng mọi thỏa mãn và mặc lấy tinh cách của việc Thiên Chúa trao quyền.
Thứ nữa, những phẩm chất đặc biệt của con vua Đa-vít và vinh quang của triều đại vua hiển nhiên phải là lời đáp trả của Thiên Chúa, Đấng, ngay từ khởi đầu việc lên ngôi của vị vua trẻ, cầm tay vị vua bé nhỏ để hướng dẫn vận mệnh của vua. Như vậy, khi đọc lại lịch sử của dân tộc mình, người thuật chuyện có thể phát hiện ở đây Lịch Sử Thánh.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 28-30)
Đoạn trích thư của thánh Phao-lô này là phần kết của chương 8 thư gởi tín hữu Rô-ma. Phần kết này được bài ca Đức Ái kèm theo. Đây là bản văn gây nên những suy luận thần học về tiền định, ngay từ thời thánh Âu-gút-ti-nô.
Vấn đề:
Phải hiểu những lời này của thánh Phao-lô: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Con của Người, để Đức Ki-tô làm trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc” như thế nào?
Trước tiên, chúng ta nên đặt những phát ngôn này trở lại mạch văn của chúng. Một cách khái quát, thánh Phao-lô lấy lại sự khai triển của mình trên sự công chính hóa nhờ đức tin và trên vinh quang của những người được tuyển chọn. Khởi điểm lập luận của thánh nhân là ý định rộng lớn của Thiên Chúa về nhân loại. Từ ngữ “ý định” luôn luôn được thánh Phao-lô dùng theo nghĩa phổ quát, không giới hạn. Một đàng, thánh Phao-lô nhấn mạnh lời kêu gọi của Thiên Chúa và lời đáp trả của con người. Đằng khác, về phía Thiên Chúa, Ngài “biết trước”, về phía con người, họ “được kêu gọi”; giữa Thiên Chúa và con người có “sự tự do”. Cứu cánh của con người là ơn gọi, chứ không là tiền định. Không còn có bất kỳ chỗ nào cho việc tiền định phải chịu kết án cả.
Tình Chúa yêu thương:
Đây là đề tài chủ đạo. Tiếng gọi của Thiên Chúa là tiếng gọi của tình yêu. Những người đáp trả tiếng gọi của Ngài, tức là “những ai yêu mến Người”, sẽ thấy rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho họ”. Lợi ích hiển nhiên là ơn cứu độ chung cuộc, nhưng chắc chắn cũng là lợi ích tinh thần đối với thời hiện tại. Từ ngữ “mọi sự” chỉ những thế sự thăng trầm, cũng như những gian nan thử thách mà mỗi người phải chịu. Khi dẫn dắt các biến cố, Thiên Chúa muốn cứu độ những ai yêu mến Ngài, đôi khi Ngài dùng những phương cách gây sửng sốt bằng cách “làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho họ”.
Khái niệm yêu mến thậm chí ở nơi những lời: “Những ai Người đã biết từ trước”, vì từ ngữ Híp-ri tương đồng luôn luôn có một âm vang tuyển chọn xuất phát từ tình yêu. Chắc chắn thánh Phao-lô biết quá rõ ý nghĩa thâm sâu này. Sự kiện Thiên Chúa “biết từ trước” này không đồng nghĩa với sự chọn lựa cho bằng cái nhìn biện phân của Thiên Chúa, qua thời gian, đối với những ai đáp trả tiếng gọi của Ngài bằng đức tin.
Nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài:
Một lần nữa, thánh Phao-lô có một cái nhìn đầy lạc quan của mình trên chương thứ nhất của sách Sáng Thế, trong đó người ta rất dễ thấy một dấu chỉ đầy lạc quan này. Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài; người Ki-tô hữu, trở nên con cái của Ngài, được ân sủng nhào nắn, được tiền định trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, như Chúa Con đồng hình đồng dạng với Chúa Cha. Việc hiệp nhất của người Ki-tô hữu với Đức Ki-tô cho phép “phục hồi hình ảnh và họa ảnh nguyên thủy”.
Tiếp đó, thánh Phao-lô trở về khởi điểm của mình (kỷ thuật đóng khung); thánh nhân vạch lại những giai đoạn cứu độ: tiếng gọi của Thiên Chúa, câu trả lời của con người bằng đức tin, ơn công chính hóa và vinh quang. Chúng ta lưu ý rằng thánh Phao-lô đặt vinh quang mà người Ki-tô hữu nhận được không ở thì tương lai mà ở thì quá khứ: “Người đã cho hưởng vinh quang” để diễn tả một điều chắc chắn. Về việc sử dụng thì quá khứ để diễn tả điều chắc chắn trong tương lai, chúng ta gặp thấy một ví dụ khác trong Tin Mừng Mác-cô: về việc cầu nguyện, Đức Giê-su nói: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11: 24).
Chúng ta nên đọc lại bản văn: nếu có tiền định, thì không gì khác hơn đó là Thiên Chúa yêu thương chúng ta từ muôn thuở. Chủ đề về niềm hy vọng đem lại cung giọng cho toàn bộ chương 8 này: ý định của Thiên Chúa chính là hướng dẫn con người đến vinh quang và cho Con của Ngài trở nên “trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc”.
TIN MỪNG (Mt 13: 44-52)
Vào Chúa Nhật này, chúng ta hoàn tất bài diễn từ dài trong đó Đức Giê-su rao giảng bằng những dụ ngôn. Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại ba dụ ngôn mới: hai dụ ngôn “kho báu” và “ngọc quý” có ý nghĩa rất gần với nhau, còn dụ ngôn “chiếc lưới” rất gần với dụ ngôn “người gieo giống” và dụ ngôn “cỏ lùng”.
Dụ ngôn “kho báu” và dụ ngôn “ngọc quý”:
Hai dụ ngôn này được phân biệt rất rõ nét với các dụ ngôn trước đó. Các dụ ngôn trước đó liên quan đến lời loan báo về Nước Trời và sự phát triển của nó; chúng mang tính cách chủ yếu “miêu tả”. Dụ ngôn kho báu, cũng như dụ ngôn ngọc quý, là những “khuyến dụ” cá nhân, khẩn trương, đanh thép, nhằm thay đổi đời sống. Nếu chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta vào vương quốc của Ngài và Đức Giê-su là con đường dẫn chúng ta đến đó, lúc đó việc chúng ta kết hiệp với Đức Ki-tô là chuyện đương nhiên, không chậm trễ, trọn vẹn, không thể nào đảo ngược được; và việc chúng ta từ bỏ mọi sự cho điều cốt yếu duy nhất này là điều tất yếu dễ hiểu! Với sự hiện diện của Đức Ki-tô, Nước Trời hiện có mặt ở đây rồi. Kho báu này và ngọc quý này ở trong tầm tay của chúng ta. Việc từ bỏ mọi sự để có được kho báu này và ngọc quý này là nguồn vui lớn lao, niềm vui của sự tự do, niềm vui vì được giải thoát khỏi những điều bất tất.
Dụ ngôn “chiếc lưới”:
Dụ ngôn “chiếc lưới” này là dịp cho các môn đệ sống lại những kỷ niệm về nghề nghiệp xưa kia của mình. Dụ ngôn này lập lại những chủ đề của dụ ngôn “người gieo giống” và dụ ngôn “cỏ lùng”. Như người nông dân gieo hạt giống trên cánh đồng, thì ngư phủ thả chiếc lưới xuống biển. Như người nông dân chờ đợi mùa thu hoạch, thì ngư phủ phải chờ đợi mẽ cá hoàn tất. Các Tông Đồ đã trở thành những người lưới người như lưới cá – và Giáo Hội tiếp nối bước chân của các ngài. Giáo Hội phải biết kiên nhẫn hết mực. Số phận đe dọa bọn ác nhân được diễn tả theo cùng những ngôn từ như ở phần kết của dụ ngôn “cỏ lùng”.
Ý nghĩa lời kết của Chúa Giê-su:
Đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc với cuộc đối thoại ngắn của Đức Giê-su với các môn đệ trong đó Đức Giê-su hỏi các ông để bảo đảm rằng các ông đã hiểu những lời dạy của Ngài và căn dặn các ông: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như gia chủ kia lấy từ kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”. Câu này được hiểu theo hai cách:
Trước hết, kinh sư Do thái được dân chúng kính trọng như một bậc thầy dạy, vì ông là một chuyên viên Kinh Thánh và là nhà ứng dụng Kinh Thánh vào đời sống. Vì thế, các nhà chú giải coi câu nói này liên quan đến chân dung kín đáo của tác giả Tin Mừng này, tức “Mát-thêu Hy-lạp”. Người ta tin rằng tác giả này, trước đây là một “kinh sư Do thái”, một chuyên viên Kinh Thánh, nay đã trở thành một trong các môn đệ của Đức Giê-su, ông đem áp dụng các sở trường của mình vào việc biên soạn Tin Mừng. Chỉ cần nghĩ đến sự tinh tế của việc “ứng nghiệm lời ngôn sứ” đã từng gặp thấy trong sách Tin Mừng này cũng đủ để xác nhận về những điều được nêu trên.
Thứ nữa, ở đây, Chúa Giê-su sử dụng thuật ngữ “kinh sư” để quy chiếu đến các Tông Đồ, họ sẽ là những bậc thầy dạy trong Giáo Hội của Ngài. Quả thật, các Tông Đồ và những người kế nghiệp các ngài, các Giám Mục, là những bậc thầy dạy của Giáo Hội: họ có uy quyền và sứ mạng giảng dạy. Đức Thánh Cha và các Giám Mục thực thi quyền này cách trực tiếp với sự cộng tác của các linh mục. Các thành viên khác của Giáo Hội hình thành nên các môn sinh của Giáo Hội, tức là “Giáo Hội thụ huấn”.
Vì thế, lời rao giảng của các vị mục tử không phải là điều gì mới lạ, nhưng là một chân lý duy nhất bất biến được chứa đựng trong kho tàng Mặc Khải. Trong hai ngàn năm qua, Tin Mừng đã luôn luôn là “tin vui, tin mừng”. Cách thức thánh Mát-thêu biên soạn Diễn Từ Dụ Ngôn phải là mẫu mực cho các vị hữu trách trong Giáo Hội: phải luôn biết trở về cái “Cũ”, tức là truyền thống chứa đựng những lời nói của Chúa Giê-su, nhưng đồng thời cũng phải mạnh dạn biết vận dụng truyền thống này, bằng cách khai triển và bổ sung nhằm cung ứng cho các nhu cầu “Mới” của các cộng đoàn Ki-tô hữu, như lời thánh Âu-gút-ti-nô “Thiên Chúa là Đấng vừa rất cổ xưa vừa vô cùng mới mẽ”.
Tuy nhiên, mỗi môn đệ của Chúa Ki-tô, mỗi người Ki-tô hữu đã nhận được giáo huấn của Chúa Ki-tô, đều có nghĩa vụ thông truyền giáo huấn này cho những người khác, bằng ngôn từ mà người ta có thể hiểu được; vì thế, người ấy phải đảm bảo mình hiểu đạo lý Ki-tô giáo. Kho tàng Mặc Khải phong phú đến mức nó có thể cung ứng giáo huấn cho mọi thời mọi lúc, bởi vì Lời Chúa soi sáng mọi thế hệ và luôn luôn là nguồn sống cho mọi cảnh huống.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
———————————————————————
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- Năm A
GIÁ TRỊ VÔ SONG- Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long
Tất cả các dụ ngôn đều ưu tiên mạc khải về Đức Giêsu, là biến cố trung tâm của lịch sử, biến cố đánh dấu cuộc gặp gỡ chung kết giữa trời với đất.
Ngữ cảnh
Diễn từ của Đức Giêsu bằng các dụ ngôn liên hệ đến các khó khăn và những ngờ vực xuất phát từ tình trạng tương phản giữa hoàn cảnh hiện tại và các nỗi chờ mong nhắm đến Nước Trời và Đấng Mêsia. Nếu khi Đức Giêsu xuất hiện, quyền chúa tể của Thiên Chúa cũng bắt đầu được khẳng định, thì tại sao sứ điệp của Người không được mọi người vui mừng đón nhận? Tại sao Thiên Chúa không buộc người ta phải nhìn nhận Ngài bằng một loạt những chiến thắng lẫy lừng? Tại sao Ngài không thiết lập những phân biệt rõ ràng? Trong dụ ngôn Người gieo giống, Đức Giêsu đã cho thấy rằng hạt giống tốt chỉ có thể sinh hoa kết quả trên một mảnh đất tốt, tức là tính hữu hiệu của sứ điệp cốt yếu tùy thuộc những người đón nhận sứ điệp và tùy thuộc cách sống của họ. Với các dụ ngôn Hạt cải và Men, Người cho thấy rằng một khởi đầu bé nhỏ không loại trừ một sức phát triển to lớn và một khả năng đạt hiệu quả lớn lao. Các dụ ngôn Cỏ lùng giữa lúa tốt và Lưới cá cho thấy rằng vẫn còn tình trạng người tốt kẻ xấu ở bên nhau, nhưng không kéo dài vĩnh viễn. Giá trị cao vời của Nước Trời, niềm vui vô biên đi liền với việc khám phá ra giá trị ấy và sự dấn thân phải có khi đã thuộc về Nước Trời, tất cả những điểm này đều được làm sáng tỏ xuyên qua các dụ ngôn Kho báu và Ngọc quý. Đức Giêsu muốn loại bỏ các hiểu lầm và giúp các thính giả có lối sống thanh thoát thích hợp.
Bố cục
Có thể chia bản văn thành ba phần:
1) Ba Dụ ngôn
- a) Dụ ngôn 1: Kho báu chôn giấu (13,44),
- b) Dụ ngôn 2: Ngọc quý (13,45-46),
- c) Dụ ngôn 3: Chiếc lưới (13,47-48).
2) Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (13,49-50).
3) Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (13,51-52).
Hoặc cũng có thể cho rằng bản văn có năm đơn vị:
1) Dụ ngôn 1: Kho báu chôn giấu (13,44);
2) Dụ ngôn 2: Ngọc quý (13,45-46);
3) Dụ ngôn 3: Chiếc lưới (13,47-48);
4) Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (13,49-50);
5) Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (13,51-52)
Vài điểm chú giải
– Nước Trời giống như một kho báu (44): Không phải là Nước Trời được ví với một kho báu, nhưng là “những gì xảy ra” khi một người khám phá ra một kho báu được so sánh với “những gì xảy ra” (hoặc phải xảy ra) khi một người khám phá ra Nước Trời.
– kho báu chôn giấu trong ruộng (44): Vào thời Thượng Cổ, vì không có hoặc có rất ít nhà băng, hơn nữa Paléttina lại phải chịu nhiều cuộc chiến tranh do vị trí ở giữa Ai Cập và Mêsôpôtamia, người ta giữ của cải an toàn bằng cách chôn xuống đất. Do đó, thỉnh thoảng, có người khám phá ra một khối của cải chôn dưới đất, chẳng hạn một cái chum chứa những đồng tiền vàng hay các loại đá quý.
– thương gia (45): Emporos là người buôn bán sỉ, vừa xuất vừa nhập hàng. Vào thời Đức Giêsu, ngọc quý thường được nhập từ Ấn Độ.
– chiếc lưới (47): Sagênê, “chiếc lưới”, có kích thước dài khoảng 250 đến 450m và rộng khoảng 2m; mỗi đầu có thắt một sợi dây.
– thả xuống biển (47): Blêtheisê, động từ ballô ở dạng participe aoriste passif để nói quanh thay tên Thiên Chúa. Động từ với dạng ấy có nghĩa là chiếc lưới đã được thả xuống biển rồi, và do chính Thiên Chúa thả.
– Anh em có hiểu (51): Trong dụ ngôn Người gieo giống, chúng ta đã thấy tầm quan trọng tác giả gán cho động từ “hiểu”. Ở đây, Đức Giêsu hỏi về tất cả những gì Người đã nói bằng dụ ngôn cho đám đông. Câu trả lời thật gọn: “Thưa hiểu (Nai)”. Ngữ cảnh cho thấy là những người trả lời là những môn đệ đã hỏi Đức Giêsu trước đây (x. c. 36). Nhưng khi không nêu ra chủ từ minh nhiên, tác giả Mt muốn ám chỉ bất cứ độc giả nào, bất cứ Kitô hữu nào. Chính câu trả lời này đưa người ta đi từ tình trạng “đám đông” sang tình trạng “môn đệ”.
– kinh sư (52): Cộng đoàn Mt đã có những định chế (“Nhóm Mười Hai”: 10,1; Phêrô: 16,18-19). Dựa theo bản văn ở đây, rất có thể trong lòng cộng đoàn cũng có các “thầy dạy” được gọi là “kinh sư” vì cộng đoàn vẫn tôn trọng cái gốc Do Thái của mình.
Ý nghĩa của bản văn
Các câu dẫn nhập 31, 33, 44 và 45 của các dụ ngôn Hạt cải, Men, Kho báu và Ngọc quý và cấu trúc các dụ ngôn rất giống nhau.
* Dụ ngôn 1 và 2: Kho báu chôn giấu và Dụ ngôn Ngọc quý (44-46)
Những gì Đức Giêsu kể về việc khám phá ra kho báu và ngọc quý thật đơn giản và rõ ràng. Rất có thể
đây là một người thợ đi cày trong ruộng của người khác và đã khám phá ra một kho tàng gồm các đồng tiền và vật trang sức được chôn trong ruộng. Dĩ nhiên là ông rất vui mừng, vì ông không bao giờ dám mơ tới khối của cải này. Cũng lưu ý là ông tìm ra kho báu không phải như một phần thưởng cho công lao khó nhọc hay do bác ái. Quan trọng là việc ông sẽ làm bây giờ.
Ông sẵn sàng hy sinh tất cả mọi nguyện vọng và dự phóng cũng như mọi lo toan để thủ đắc cho được thửa ruộng. Cách xử sự của nhân vật này không lương thiện về mặt luân lý, nhưng điều này không làm tác giả bài dụ ngôn phải bận tâm. Đức Giêsu kể lại một hoạt cảnh của đời thường, như sau này Người kể truyện người quản lý bất lương, những người làm vườn nho sát nhân: Người không nhắm tới tính luân lý. Điều này ta thấy rõ nơi truyện người đi săn ngọc quý: không hề có bận tâm gì đến tính luân lý. Trong cả hai trường hợp (khám phá kho báu và tìm được viên ngọc quý), vấn đề được đề cập là khám phá ra và nhận biết ý nghĩa của một thứ có giá trị lớn lao và tuyệt mỹ, và đây là chuyện một người hết sức vui sướng hy sinh tất cả những lợi lộc và vận dụng mọi phương tiện mà thủ đắc một điều gì; “ông bán tất cả những gì mình có” (cc. 44.46). Điểm nhắm của tác giả các dụ ngôn là điểm ấy. Đấy chính là Nước Trời; Nước Trời cao trọng hơn bất cứ tài sản nào.
Trong sứ điệp về Nước Trời, Đức Giêsu loan báo rằng Thiên Chúa Cha đứng về phía chúng ta. Với quyền năng trổi vượt của Ngài, Chúa Cha là Chúa tể độc nhất, Ngài nắm mọi sự trong tay. Mặc dù thế giới đang có những vô trật tự, những sự dữ và những tai họa, Ngài vẫn tốt lành với tất cả chúng ta và muốn ban cho chúng ta được thành công trọn vẹn và hạnh phúc viên mãn trong sự hiệp thông với Ngài. Thực tại này trước tiên phải được khám phá ra và hiểu đúng. Thực tại này chính là một kho báu được chôn giấu; tự nó, nó không buộc ai nhận biết nó cả. Có nhiều thứ khác lôi cuốn hơn nhiều, dường như quan trọng và hứa hẹn hơn nhiều. Chúng ta phải mở lòng mình ra và để mình bị chinh phục bởi sự kiện Thiên Chúa, tình yêu của Ngài đối với chúng ta và sự hiệp thông của chúng ta với Ngài có một giá trị vô song và không bao giờ bị vượt quá. Với sự hiểu biết này, niềm vui gia tăng và đồng thời cũng gia tăng ước muốn được đi vào làm chủ một giá trị như thế.
Kho báu ấy không phải là phần thưởng cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể thủ đắc nó bằng cách vận dụng tất cả sức lực chúng ta. Không phải để tự nhiên mà có sự kiện chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Có biết bao ước muốn, mục tiêu, giá trị, nhiệm vụ trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta phải đặt chúng đàng sau để thuộc về Thiên Chúa. Trên tất cả mọi sự, cần phải có sự quy hướng về Thiên Chúa, liên kết với Ngài và chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Tất cả các giá trị khác, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội, của cải, tiện nghi, sức khỏe, lợi lộc, những thú vui… không phải là những giá trị và tiêu chuẩn tối hậu, nhưng phải được đưa vào trong dây liên kết với Thiên Chúa và được cứu xét trước nhan Ngài và theo ý muốn của Ngài. Tất cả tùy thuộc việc thuộc về Thiên Chúa, mà chúng ta chỉ thuộc về Thiên Chúa nhờ luôn ý thức sống trước nhan Ngài. Càng hiểu giá trị của việc thuộc về Thiên Chúa, ta càng sống vui, cho dù có những mệt nhọc, bề bộn với công việc và phải từ bỏ nhiều điều.
* Dụ ngôn 3: Chiếc lưới và Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (47-50)
Dụ ngôn Chiếc lưới song song với dụ ngôn Lúa tốt vả Cỏ lùng (cc. 24-30.36-43), và nêu lên cũng những vấn đề như nhau. Trong dụ ngôn trước, “cánh đồng” tượng trưng Nước Trời; trong dụ ngôn sau là “chiếc lưới”.
Tại hồ Ghennêxarét, có hơn hai mươi loại cá. Bao lâu cá còn ở trong hồ hoặc ở trong lưới, chúng bơi loạn xạ, lớn nhỏ lẫn lộn, có thứ cá ăn được, có thứ không. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng luôn luôn như thế. Khi lưới được kéo lên bờ, các người dân chài ngồi lựa: cá tốt thì được gom lại, cá xấu thì bị quăng đi. Tư thế “ngồi” của các dân chài có thể khiến nhớ tới tư thế “ngồi” Con Người thẩm phán thế gian (19,28; 25,31; 26,64). Các tính từ “tốt” (kalos) và “xấu” (sapros, “vô ích”) khiến ta nhớ tới hình ảnh các cây với trái của chúng (x. 7,16-20; 12,33), hiểu là các việc làm hoặc lời nói. Bằng dụ ngôn này, Đức Giêsu lại hướng mắt nhìn về cuộc phán xét cuối cùng và về số phận hoàn toàn khác nhau của người tốt và người xấu. Ở đây, trên mặt đất này, dường như chúng ta có quan tâm đến Thiên Chúa hay không, cũng không quan trọng gì; giữa người tốt và người xấu, không hề có sự phân biệt nào. Dường như tốt xấu cũng như nhau. Cộng đoàn Kitô hữu, tượng trưng Nước Trời, là một cộng đoàn đa tạp. Nhưng Đức Giêsu lưu ý chúng ta: Anh em đừng để mình bị lừa! Anh em đừng tưởng rằng mọi sự sẽ cứ như thế mãi! Anh em hãy biết chắc rằng sẽ có một cuộc phân biệt rõ ràng, nên hãy sống hôm nay thế nào để khi đến cuối, anh em được Thiên Chúa đón nhận!
Thật ra, việc Người giảng dạy đã là một tiên báo về phán xét: Người đang ở tại “hồ” (13,1-2), có một đám đông “đã tụ họp lại” (“gom cá”) trên bờ, trong khi Đức Giêsu “ngồi” trên thuyền và nói bằng dụ ngôn. Lời nói của Người đã gây ra sự phân biệt giữa dân chúng và các môn đệ. Cuộc phân biệt này báo trước cuộc phán xét sau này. Những gì Đức Giêsu đã gây ra lúc này sẽ được lặp lại vào ngày phán xét.
Kết luận dụ ngôn Chiếc lưới, tác giả TM I nêu lên một chi tiết tương tự trong dụ ngôn Cỏ lùng: “các thiên sứ sẽ … quăng kẻ xấu vào lò lửa” (x. 13,31). Các Kitô hữu đang đau khổ vì sự hiện diện của những kẻ xấu, tác giả an ủi họ bằng cách cho biết rằng cuộc phán xét cánh chung đã gần kề; cuộc phán xét này sẽ tái lập thế quân bình cho cuộc sống của họ.
* Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (51-52)
Dụ ngôn Vị kinh sư này là một câu trả lời cho câu hỏi và lời xin của các môn đệ (cc. 10.36). Họ là những người đã hiểu sứ điệp hàm chứa trong bài giảng của Đức Giêsu. “Hiểu” không chỉ có nghĩa là “nắm được ý nghĩa” mà còn là “chấp nhận”, “làm cho nên hiện thực trong đời sống mình”. Nếu đúng như thế, các môn đệ đã trở thành những người thực sự bước theo Đức Giêsu, họ đã là “con cái Nước Trời” (c. 38). Do đó, họ cũng là những kinh sư mới, những thầy dạy mới trong Nước Trời. Kinh sư Kitô hữu đề nghị cả các chân lý cũ (palaia) lẫn các chân lý mới (kaina) trong giáo huấn của mình. Cũng rất có thể đây là cách tác giả tự giới thiệu về mình.
+ Kết luận
Tất cả các dụ ngôn đều nói với chúng ta về Nước Trời. Chúng đều ưu tiên mạc khải về Đức Giêsu, là biến cố trung tâm của lịch sử, biến cố đánh dấu cuộc gặp gỡ chung kết giữa trời với đất: nơi Đức Giêsu, Nước Trời vĩnh viễn đến gần con người. Các bài dụ ngôn cũng cho thấy rằng việc từ bỏ theo Tin Mừng không phải là phương tiện để đạt tới Nước Trời, nhưng là hậu quả của việc khám phá ra Nước Trời.
Sự lộn xộn và rối loạn thật đáng kể. Có biết bao giá trị và mục tiêu xuất hiện ra như là quan trọng và hứa hẹn cho ta được hạnh phúc. Đức Giêsu đánh tan mây mù và làm sáng tỏ. Người cho thấy điều gì là quan trọng, chúng ta phải vận dụng sức lực quá giới hạn của mình vào chuyện gì. Điều quan trọng là luôn luôn sống với tinh thần trách nhiệm và đặt quan hệ với Thiên Chúa tại trung tâm đời ta. Như thế, chúng ta có thể nhìn về kết cuộc không hề nao núng.
Gợi ý suy niệm
-Vấn đề không phải chỉ là dời các giá trị khác ra phía sau để nhường bước cho giá trị lớn là Nước Trời, nhưng là coi mọi sự khác không còn giá trị nữa trước giá trị duy nhất là Nước Trời. Người ta chỉ thật sự là Kitô hữu nếu hiểu rằng Nước Trời là “tất cả” trong cuộc đời, cần thiết hơn cả cơm bánh mỗi ngày. Suy biết như thế là “hoán cải”, thay đổi lòng trí. Nhưng chỉ dừng lại mà chiêm ngắm sự cao cả của Nước Trời thì không đủ, còn cần phải quyết định, phải chọn lựa, phải nỗ lực suốt đời để chiếm lấy giá trị này. Truyện người thanh niên giàu có minh họa rất rõ điểm này (Mt 19,21.27.29).
-Nước Trời là một điều thiện hảo được đặt vừa tầm tay mọi người, nhưng không phải là mọi người đều “tìm thấy” Nước Trời bởi vì không phải là mọi người đều đi tìm kiếm Nước Trời. Tìm kiếm là điều kiện thiết yếu để có thể gặp được Nước Trời (x. Mt 10,39; 12,29; 17,14; 18,13). Điều này đúng ngay cho cả bình diện trí thức: khi nghiên cứu, nếu chúng ta không có ý tìm điều gì, thì chúng ta sẽ không thấy các trang sách nói gì cả; chỉ khi nào cố ý tìm một điểm gì đó, chúng ta mới thấy sách có vô vàn gợi ý về điểm đó. Dù vậy, Nước Trời không phải là kết quả đương nhiên của cuộc tìm kiếm, Nước Trời vẫn là một ân ban.
-Niềm vui là tiêu chuẩn cho thấy người ta đang kinh nghiệm về các giá trị cách sâu sắc. Tôi có thể tự hỏi về niềm vui tôi đã cảm nhận khi nghe được sứ điệp về Nước Trời: tôi có vui mừng không? Các giá trị Nước Trời đã đi vào đời tôi, tôi có cảm thấy vui không? Ai có Thiên Chúa thì có tất cả; Thiên Chúa đủ cho tôi rồi. Tôi có xác tín về điều này chăng? Do đang còn mang não trạng “thế gian”, do đang lo lắng sợ mất điều gì đó hoặc thiếu điều gì đó, do cứ muốn nắm được mọi sự trong tay, do muốn lên chương trình sống hoàn toàn theo ý mình, chúng ta có thể đang còn vấp phải dữ kiện căn bản này: một mình Thiên Chúa có thể lấp đầy một con tim hiến dâng trọn vẹn cho Ngài.
-Cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Một ngày nào đó, khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Rất có thể hôm nay cuộc sống thật của người ta còn đang được che giấu dưới một cái mặt nạ đạo đức, nhưng đến ngày đó, “mặt thật” của con người sẽ lộ rõ: người ta chỉ hoàn toàn là “xấu” nếu tận đáy lòng, người ta chỉ tìm kiếm chính mình, thay vì tìm kiếm một mình Thiên Chúa.
———————————————————————–
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- Năm A
SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC- Lm Giuse Đinh lập Liễm
DẪN NHẬP.
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay thúc dục chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan. Vua Salomon trong bài đọc 1 đã không xin Chúa điều gì khác ngoài sự khôn ngoan. Lời cầu xin ấy làm đẹp lòng Chúa nên Salomon đã được như ý và Chúa cho ông trở thành người khôn ngoan nhất trên đời.
Dụ ngôn kho tàng và viên ngọc qúi trong bài Tin mừng cũng nhắc cho chúng ta phải đi tìm kiếm sự khôn ngoan. Hai người tìm được kho tàng và viên ngọc qúi tỏ ra khôn ngoan, sẵn sàng bán hết của cải để mua cho được hai thứ đó. Người Kitô hữu đã được biết Chúa Giêsu, là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, đã lãnh nhận được đức tin thì phải dứt bỏ tất cả để chiếm hữu cho được của qúi giá ấy, mặc dầu phải hy sinh .
Đức tin là một kho tàng vô giá, nó đem đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu và sự sống bất tận của Thiên Chúa. Chính nhờ Đức tin chúng ta chiếm hữu được Thiên Chúa là nguồn mọi sự thiện hảo. “Đức tin cho ta biết liên hệ giữa đời này và đời sau, giữa người ta và Thiên Chúa. Với Đức tin ta được đón nhận ánh sáng siêu nhiên để nhận biết ở trong ta những khả thể mà đến nay ta không biết. Đức tin đổi mới cái nhìn của ta về Thiên Chúa, về vũ trụ và về chính chúng ta. Nó làm cho ta có cái nhìn siêu việt của Thiên Chúa” (Lm Thân văn Tường trong tập “Đối diện với Chúa”).
TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : 1V 33,5.7-12.
Bài đọc 1 cho chúng ta biết Salomôn là ông vua sáng chói nhất trong Cựu ước và của riêng dân Israel. Vị vua này lúc 20 tuổi lên kế vị cha là vua Đavít vào năm 960 trước công nguyên. Salomôn đến Gabaon và cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện, Thiên Chúa hiện ra và bảo :”Ngươi muốn xin gì thì hãy xin và Ta sẽ ban cho”. Salomon không xin sống lâu, được giầu có, tiêu diệt quân thù mà lại xin được ơn khôn ngoan để biết suy xét và lãnh đạo dân chúng. Thiên Chúa khen ông và ban cho sự khôn ngoan, đến nỗi sau này trong lịch sử, ông được mang tên là “Ông Vua Khôn Ngoan”. Sự khôn ngoan biến thành từ ngữ “Khôn ngoan như vua Salomôn”.
Nhưng bất hạnh thay, lúc về già, vua Salomôn thay tính đổi nết, đã trở nên dại dột, đã làm những điều ngang trái và đây là cả một sự tai hại lớn cho Israel.
+ Bài đọc 2 : Rm 8,28-30.
Trong thư gửi cho tín hữu Roma, thánh Phaolô đã đề cập đến ơn “Tiền định”. Theo đó, tiền định đây chỉ có nghĩa là ngay từ trước khi tạo thành thế giới, Thiên Chúa đã định cho loài người nên con cái của Người, theo hình ảnh của Con của Người, Đấng đã trở nên người Anh Cả của một đàn em đông đúc.
Đối với những người được Thiên Chúa thương yêu thì :
– Người giúp họ được sự lành,
– Người kêu gọi họ nên thánh,
– Người kêu gọi họ và sẽ cho họ được vinh quang.
+ Bài Tin mừng : Mt 13,44-52.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để khuyến khích thính giả hy sinh tất cả, không do dự, để sở hữu được Nước Trời.
Hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc qúi dạy chúng ta rằng Nước Trời là một thứ qúi giá nhất, đối tượng của mọi nỗ lực tìm kiếm của ta, đáng cho mọi người bán đi tất cả để mua lấy.
Dụ ngôn mẻ lưới kéo nhiều cá từ biển lên cũng cùng một ý nghĩa với dụ ngôn lúa và cỏ lùng của tuần trước. Dụ ngôn nhắc cho chúng ta : trong Nước Trời có người tốt kẻ xấu sống lẫn lộn. Thiên Chúa chỉ phân xử trong ngày tận thế để lựa lọc : kẻ tốt sẽ được thuởng, còn kẻ xấu sẽ bị phạt trong lửa đời dời.
THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan.
Người ta thường nói :”Khôn sống mống chết” hay “Khôn sống bống chết” nghĩa là khôn ngoan thì sống, dại dột đần độn thì chết. Tục ngữ “khôn sống mống chết” dùng nói về việc ở đời, nếu biết cách lo liệu, tính toán làm ăn, cư xử thì mọi việc đều đạt được đời sống khá giả. Ngược lại, sẽ lâm vào cảnh thất bại, khổ sở.
Trong đời sống thiêng liêng, người Kitô hữu cũng phải biết khôn ngoan lo cho tương lai của mình . Đời sống mai hậu hoàn toàn tùy thuộc ở nơi mình : được hạnh phúc vĩnh cửu hay trầm luân đời đời. Nước Trời là đối tượng của mọi sinh hoạt nơi trần thế, nhiều khi phải từ bỏ tất cả để chiếm hữu được Nước Trời, vì Nước Trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh (regnu coelorum vim patitur). Theo Kinh thánh thì “Đầu mối sự Khôn ngoan là lòng kính sợ Chúa”.
Ý NGHĨA BA DỤ NGÔN..
Dụ ngôn Nước Trời giốâng như kho báu chôn trong ruộng có vẻ hơi lạ đối với một số người, nhưng lại hoàn toàn tự nhiên đối với dân chúng ở Palestine. Trong thời Chúa Giêsu và cả ngày nay nó cũng vẽ ra bức tranh mà dân ở Đông phương đều biết cả.
Người thường dân hay cất giấu tài sản qúi giá nhất dưới đất, xem đó là nơi an toàn. Trong dụ ngôn về các nén bạc, người đầy tớ không trung tín chôn giấu nén bạc mình dưới đất để khỏi mất (Mt 25,25) đều nói lên thói quen đó. Ở Việt nam chúng ta thỉnh thoảng cũng có người tình cờ đào được chum vàng hay những vật qúi giá chôn dưới đất từ lâu mà nay đã mất chủ.
Truyện : Kho tàng ở Sidon.
Thompson trong quyển “Xứ thánh và Kinh thánh” xuất bản đầu tiên năm 1876 kể lại một trường hợp chính ông đã chứng kiến một kho tàng ở Sidon. Trong thành phố đó có một đại lộ nổi tiếng có trồng cây, một số công nhân đang đào xới trong một khu vườn trên đại lộ đã khám phá ra nhiều hũ bằng đồng chứa đầy những đồng tiền vàng. Họ có ý giữ kín chuyện khám phá này, nhưng vì họ đông và vì quá mừng nên chuyện lộ ra và chính quyền địa phương sung công kho tàng ấy. Đó là kho tàng của Alexandre đại đế và phụ hoàng Philippe. Thompson cho rằng khi Alexandre bất ngờ qua đời ở Babylon và tin này đến Sidon thì một số viên chức chính quyền đã chôn giấu số tiền này với ý định chiếm đoạt chúng trong cuộc khủng hoảng sau cái chết của Alexandre.
Cả ba dụ ngôn này có ý nói rằng Chúa muốn dạy chúng ta phải là người khôn ngoan chân chính, là người biết đi tìm Nước Chúa, biết lo phần rỗi linh hồn mình, lo việc Chúa trước đã. Nói thế không phải là không lo đến đời sống vật chất, đời sống gia đình. Chúng ta phải lo việc Chúa trước đã “Mọi sự khác Chúa sẽ ban cho sau”.
NÓI VỀ SỰ KHÔN NGOAN.
Nếu nói về chuyện” khôn dại dại khôn” thì chúng ta hãy nói đến chuyện vua Salômon. Vua Salomon xem ra “dại” nhưng thực ra lại quá “khôn”. Chúa đã bảo :”Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Ông dại quá, không xin giầu có, không xin sống lâu, không xin một thế lực hùng mạnh… mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên, thực ra ông quá khôn, bởi vì Khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác : nhờ khôn ngoan nên sau đó ông giầu có, triều đình ông vững bền, đất nước ông giầu mạnh… và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ.
Thi sĩ Nguyễn bỉnh Khiêm, sau khi đã chán ngán với đường danh vọng, và bị ảnh hưởng triết lý “vô vi” của Lão Tử đã về ở ẩn. Ông đã nói lên cái “triết lý dại khôn” của ông trong một bài thơ :
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người tìm chốn lao xao.(Nguyễn bỉnh Khiêm)
Ở đời, có những người khôn mà không ngoan, có người ngoan mà không khôn. Có những người khôn vặt, khôn láu cá, khôn lỏi, cái khôn mà Thánh Kinh gọi là sự Khôn ngoan của con cái tối tăm. Nghĩa là chỉ biết khôn ngoan trong việc trần thế vật chất, tội lỗi, mà không có một chút khôn ngoan trong sự sáng, biết phân biệt lành dữ, biết lo phần rỗi. Chúa phán :”Được mọi sự thế gian, nghĩa là khôn ngoan nơi trần thế mà mất linh hồn thì nào được ích gì “? Vì thế người ta mới nói :
Khôn thế gian làm quan địa ngục,
Dại thế gian làm quan thiên đàng.
Muốn có sự khôn ngoan, con người phải dùng đến lý trí và lương tâm trong sáng mới đạt được, nghĩa là đừng để cho vật dục lôi kéo, trấn áp, làm cho tâm trí trở nên mê muội. Có những người học thức cao, bằng cấp đầy mình mà hành động hết sức thiếu khôn ngoan. Trường hợp của vua Salomon cũng nói lên điều đó. Salomon là vị vua khôn ngoan nhất trần gian, sáng tác được những câu châm ngôn tuyệt vời, không ai sánh bằng, nhưng khi về già đã đổi tính đổi nết, kết hôn với những người đàn bà ngoại đạo, đưa các thần ngoại vào trong triều đình, khiến nhà vua mất khôn ngoan sáng suốt, làm những việc ngu xuẩn khác với thời trước.
Truyện : Ngọc bích họ Hòa.
Nước Sở có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói :”Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hoà là nói dối, sai chặt chân trái.
Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói :”Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa là nói dối, sai chặt nốt chân phải.
Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở-sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hoà thưa:”Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là “Ngọc bích họ Hòa”.(Nguyễn văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, tr 144)
CÁCH HÀNH XỬ CỦA TA.
Phải can đảm chọn lựa.
Trong cuộc đời có nhiều sự chọn lựa. Quyền chọn lựa là do mỗi người và mỗi người phải nhận lấy hậu quả của sự chọn lựa ấy. Không một chọn lựa nào có thể hoàn toàn bảo đảm cho tương lai, nên con người luôn bị day dứt về sự lựa chọn : bởi vì có người lựa chọn trong sự khôn ngoan sáng suốt, có người lựa chọn trong sự u tối mờ mịt. Nhưng riêng trong việc lựa chọn Nước Trời luôn là một sự lựa chọn khôn ngoan, một chọn lựa đúng hướng. Muốn lựa chọn Nước Trời, chúng ta phải có thái độ can đảm, dám hy sinh tất cả, dám gạt bỏ mọi trở ngại trong việc tìm kiếm, dám nhận lấy cái nhãn hiệu là “người dại, người khờ”
Hai người trong bài Tin mừng hôm nay rất khôn ngoan : người thứ nhất khám phá một kho tàng giấu trong một thửa ruộng. Anh vội về nhà bán hết tài sản rồi trở lại mua thửa ruộng đó. Người thứ hai thấy được một viên ngọc qúy, cũng về nhà bán hết tài sản để trở lại mua viên ngọc qúy đó. Ai trong chúng ta khám phá một kho tàng hay một viên ngọc qúy mà không làm như hai người ấy ! Đương nhiên chúng ta sẽ làm như họ thôi. Chúng ta dám bỏ tất cả vì chúng ta biết mình sẽ được lại cái còn qúi giá hơn nhiều.
Truyện : cách bắt khỉ.
Muốn bắt khỉ, người ta cho quả táo vào cái ống to, miệng nhỏ, chỉ để vừa tay con khỉ thò vào, đầu kia gắn vào gốc cây, rồi người ta ngồi rình chờ. Khỉ đến thấy quả táo ngon thì thò tay vào lấy luôn nhưng không rút tay ra được vì vướng miệng ống. Muốn rút tay ra được thì phải buông quả táo ra. Nhưng con khỉ không biết buông quả táo ra mà cứ nắm chặt lấy nó mà la hét. Người ta đến bắt dễ dàng.
Con khỉ thật dại dột, không biết buông quả táo ra để có thể rút bàn ta ra khỏi ống mà cứ khư khư giữ lấy quả táo thì không bao giờ có thể rút tay ra được. Con khỉ không biết bỏ cái nhỏ mà chọn lấy cái lớn, không biết bỏ quả táo đi mà giữ lấy bản thân.
Chúng ta đôi lúc cũng hành động như vậy. Chúng ta muốn thờ Thiên Chúa vừa muốn thờ thần Mammon, trong khi đó Chúa đã nhắc nhở :”Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Bao lâu chúng ta còn hành động theo kiểu “bắt cá hai tay” thì không bao giờ thành công, phải chọn một trong hai. Muốn vào Nước Trời thì phải hy sinh, phải từ bỏ những gì làm cản trở :”Không phải cứ kêu Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai làm theo ý Cha trên trời”. bởi vì Nươc Trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh, sức mạnh tinh thần (regnum coelorum vim patitur). Chúng ta dám bỏ tất cả để được một kho tàng, để chiếm được một viên ngọc qúi. Tại sao chúng ta không dám bỏ tất cả để chiếm hữu được Nước Trời.
Chuẩn bị cho Giờ của Chúa.
Hình ảnh chiếc lưới vét hết mọi loại cá thường được dùng chỉ ngày tận thế, ngày cuối cùng của lịch sử (x.Lc 21,34). Điều khác biệt với dụ ngôn trên đây là vào ngày đó, tất cả mọi người, dù muốn hay không đều phải ra trình diện truớc toà phán xét. Ngày ấy sẽ là cuộc thanh lọc người dữ người lành. Sự lành sự dữ không thể được xếp đồng hạng với nhau. . Sẽ có thời điểm phân tách để thưởng phạt công minh. Như vậy người khôn ngoan là người sống hôm nay mà đang chuẩn bị cho tương lai ngày mai. Họ sống trên trần gian nhưng không thuộc về trần gian, vì họ luôn hướng về Quê Hương vĩnh cửu. Tuy vậy, hạnh phúc đời đời không làm chúng ta quên đi bổn phận đối với anh em, đối với cuộc sống hiện tại. Vì hạnh phúc vĩnh cửu chính là kết quả của những gì chúng ta đã thực thi trong cuộc đời này.
Truyện : Cần phần rỗi linh hồn
Attila xâm chiếm nước Italia với các binh đoàn hùng hậu của ông. Khi đã chiếm đóng làm chủ khắp mọi nơi thuộc đế quốc Roma, ngày kia quân lính đến báo cáo với ông ta rằng :”Ở vùng ông ta đang trú đóng có một vị ẩn tu rừng” Attila, ông vua hiếu chiến, hung dữ, rất kiêu căng này luôn muốn mọi người run sợ sụp lạy trước mặt mình nên ông ta nảy ra ý định thử đến gặp vị ẩn sĩ xem sao.
Tưởng rằng vị tu hành sẽ sợ hãi khi đối diện với nhà chinh phục khét tiếng này, không ngờ, người của Thiên Chúa chẳng những không run khiếp, trái lại còn tỏ ra ung dung tự tại khiến Attila vừa nể phục vừa cảm mến. Sau khi trò truyện với một người khôn ngoan, có tài đáp ứng mau lẹ, Attila bèn hứng chí nói :”Ta sẽ cho ngươi tất cả những gì ngươi có thể ước muốn trong vương quốc ta”. Lúc đó, vị ẩn sĩ vừa ngửa tay chìa về phía Attila vừa nói :”Thưa Ngài, trong toàn vương quốc của Ngài, tôi chỉ ước muốn một điều duy nhất : Phần rỗi của linh hồn Ngài thôi”.(Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 98)
Phần rỗi linh hồn là một điều quan trọng và khẩn thiết nhất trong cuộc đời. Đức tin đưa chúng ta đến phần rỗi đời đời. Như người lái buôn tìm được ngọc quí, ông ta về bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. Người Kitô hữu được Thiên Chúa tặng ban cho Đức tin là một hồng ân quí giá, chúng ta hãy về bán tất cả để giữ cho được cái kho tàng ân sủng ấy, có nghĩa là chúng ta phải dứt khóat từ bỏ những sở hữu phàm trần như : những đam mê thấp hèn, lòng tham danh vọng, tiền tài vật chất quá lẽ, tính ích kỷ kiêu căng, sự thờ ơ trước những đau khổ của người khác…
Suy gẫm các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn này là muốn mỗi người chúng ta phải nhận thức cho bằng được bài học quan trọng này : đang lúc còn sống ở trần gian, ai cũng phải ghi tâm khắc cốt rằng không có gì cao qúi và quan trọng cho bằng NƯỚC TRỜI. Nước Trời là kho báu tuyệt vời mà mọi người đáng mong ước. Xác tín như thế, người ta mới dám hy sinh từ bỏ mọi sự khác, hy sinh cả bản thân mình để chiếm được hạnh phúc thiên đàng.
————————————————————————
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
THIÊN CHÚA LUÔN BAN SỰ TỐT LÀNH CHO CHÚNG TA- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Hằng ngày, hằng phút, hằng giây chúng ta sống trong tình thương ấp ủ của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không ý thức điều đó, cho nên nhiều khi chúng ta bi quan chán nản, và mặt khác chúng ta không đáp lại tấm lòng của Chúa.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến những ơn lành Chúa đã ban, và khơi lên trong lòng mình những tâm tình cảm mến và biết ơn Ngài.
GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta ít suy gẫm về tình thương của Chúa đối với chúng ta.
– Chúng ta ít biết ơn Chúa mặc dù đã nhận được rất nhiều ơn từ bàn tay rộng rãi của Ngài.
– Ơn quý trọng nhất mà Chúa ban cho ta là Nước Trời. Nhưng xem ra chúng ta không coi trọng ơn này.
LỜI CHÚA
Bài đọc I (1V 3,5.7-12)
Salomon lên ngôi vua kế vị Đavít. Salomon biết mình còn trẻ nên thiếu khả năng. Ông cũng biết rằng trách nhiệm rất nặng nề. Ông còn ý thức rằng vương quyền của Oâng là do Thiên Chúa ban, để phục vụ cho dân của Chúa. Bởi vậy khi Thiên Chúa bảo ông muốn xin bất cứ điều gì thì Ngài sẵn sàng ban cho, Salomon chỉ xin một điều duy nhất, đó là được khôn ngoan. Thiên Chúa rất hài lòng về lời xin đó, nên đáp lại Ngài chẳng những ban cho ông được khôn ngoan, mà còn nhiều ơn khác nữa.
Đáp ca (Tv 118)
Thánh vịnh này cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban Luật cho dân Ngài. Tác giả rất đề cao Luật Chúa :
– Luật pháp Chúa quý hơn vàng bạc châu báu
– Luật pháp Chúa là nguồn vui sướng
– Luật pháp Chúa là phần gia nghiệp
Tin Mừng (Mt 13,44-52)
Đoạn Tin Mừng này gồm 3 dụ ngôn :
– Hai dụ ngôn đầu (kho báu dấu trong ruộng và viên ngọc quý) dạy rằng Nước Trời là thứ quý giá nhất, đáng cho người ta bán mọi thứ để đổi lấy.
– Dụ ngôn thứ ba (mẻ lưới gồm nhiều thứ cá) mang cùng một ý nghĩa với dụ ngôn lúa và cỏ lùng (Tin Mừng tuần vừa qua) : Hiện tại trong Nước Trời có người tốt và kẻ xấu lẫn lộn. Nhưng đến ngày tận thế thì sẽ có sự lọc lựa : kẻ tốt sẽ được thưởng, còn kẻ xấu sẽ bị phạt.
Bài đọc II (Rm 8,28-30)
Thánh Phaolô nói đến tình thương Thiên Chúa đối với kẻ mến yêu Ngài :
– Ngài giúp họ được sự lành
– Ngài kêu gọi họ nên thánh
– Ngài tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con của Ngài.
– Ngài kêu gọi họ và sẽ ban cho họ được vinh quang.
GỢI Ý GIẢNG
Thương thì cho
Thương thì cho : thương ít cho ít, thương nhiều cho nhiều. Nếu muốn biết người nào đó thương mình thật không thì hãy xem người đó có cho mình cái gì không.
Nhưng nói như trên cũng chưa đúng lắm, vì còn tuỳ của cho là tốt hay xấu, có ích hay có hại đối với người nhận nữa. Người ta nuôi chim bồ nông, hằng ngày cho chúng ngửi thuốc phiện. Rồi người ta tròng vào cổ chúng một cái vòng, xong thả chúng đi kiếm cá trên mặt biển. Vì có cái vòng trên cổ nên những chú bồ nông này chỉ nuốt được những con cá nhỏ. Còn cá lớn thì chúng cứ ngậm trong miệng. Tới lúc cơn ghiền thuốc phiện hành, chúng bó buộc phải trở về tàu, nhả cá lớn ra. Những người nuôi chim này cũng cho, nhưng không phải vì thương các chú chim bồ nông kia đâu. Thương thật thì phải cho những thứ tốt, những thứ có ích cho người nhận.
Thiên Chúa yêu thương loài người, và thương thật tình.
– Chính vì thương nên có nhiều điều tuy chúng ta cứ nằng nặc xin Ngài nhưng Ngài biết có hại cho chúng ta nên Ngài không cho : …
– Ngài cho chúng ta những điều mà Ngài biết là tốt nhất, có ích cho chúng ta nhất. Đó là những điều mà các bài đọc hôm nay kể cho ta biết : sự khôn ngoan, luật Chúa, ơn làm con Chúa và nhất là Nước Trời.
Ơn khôn ngoan
Bài đọc 1 khiến chúng ta nhớ lại những chuyện về những lời ước : một vị thần tiên cho hai vợ chồng nghèo 3 điều ước. Chồng ước một thứ, vợ ước một thứ ngược lại, cuối cùng họ đã sử dụng hết 3 điều ước nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Chuyện vua Salomon cũng thuộc loại đó, nhưng ý nghĩa lại rất khác. Vua Salomon xem ra “dại” nhưng thực ra là quá “khôn”. Chúa đã bảo ông : “Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Ông dại quá, không xin giàu có, không xin sống lâu, không xin một thế lực hùng mạnh… mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên thực ra ông quá khôn, bởi vì Khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác : nhờ khôn ngoan nên sau đó ông giàu có, triều đình ông vững bền, đất nước ông giàu mạnh… và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ.
Trong 7 ơn của Chúa Thánh Thần, đứng đầu là ơn Khôn ngoan.
Khôn ngoan là gì ? Thưa là nhận biết cái gì là đúng cái gì là sai, cái gì là chính cái gì là phụ, cái gì là quan trọng cái gì là thứ yếu, cái gì là bền vững cái gì là chóng qua. Sách Thánh còn chỉ cho chúng ta biết : “Kính sợ Chúa là đầu mối sự khôn ngoan”
Chúng ta hãy tự kiểm điểm xem chúng ta có khôn ngoan hay không :
– Nhiều người ham tiền. Đối với họ, tiền là trên hết, hay nói cách khác, không có gì trọng bằng tiền. Nhưng thử hỏi tiền có bền vững mãi mãi không ? Dĩ nhiên là không. Rất nhiều bằng chứng về điều này… Vậy, người suốt đời lo kiến tiền và chạy theo tiền là người dại.
– Nhiều người hám danh. Họ ham được khen, họ thích địa vị. Họ bỏ tiền ra để mua danh. Nhưng thử hỏi Danh có bền vững mãi không ? Cũng không. Và cũng có rất nhiều bằng chứng… Cho nên hám danh cũng là dại.
– Nhiều người mê tình : tình yêu trai gái, tình bạn, tình dục v.v. Cũng thế thôi.
Một câu chuyện : Người kia có 3 người bạn. 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng tỏ ra trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án mà còn được thưởng nữa.
Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng. (Trích “Phúc”)
Bỏ để được
Bỏ ít để được nhiều là khôn. Bỏ cái tầm thường để được cái quý giá là khôn.
Hai người trong bài Tin Mừng hôm nay rất khôn ngoan : người thứ nhất khám phá một kho tàng dấu trong một thửa ruộng. Anh vội về nhà bán hết tài sản rồi trở lại mua thửa ruộng đó. Người thứ hai thấy được một viên ngọc quý, cũng về nhà bán hết tài sản để trở lại mua viên ngọc quý đó. Ai trong chúng ta khám phá một kho tàng hay một viên ngọc quý mà không làm như hai người ấy ! Đương nhiên chúng ta sẽ làm như họ thôi. Chúng ta dám bỏ tất cả vì chúng ta biết mình sẽ được lại cái còn quý giá hơn nhiều.
Qua bài Tin Mừng này, Đức Giêsu không dạy chúng ta cách kiếm thêm nhiều tiền bạc của cải, mà dạy chúng ta kiếm một thứ còn quý hơn tiền bạc của cải vô cùng, đó là Nước Trời. Tiền bạc của cái mang lại sung sướng về vật chất, Nước Trời mang hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần, cả tự nhiên lẫn siêu nhiên. Tiền bạc của cải giúp ta sung sướng đời này, Nước Trời làm ta hạnh phúc mãi mãi.
Chúng ta dám bỏ tất cả để được một kho tàng, để được một viên ngọc quý. Tại sao chúng ta không dám bỏ tất cả để được Nước Trời ?
Chuyện minh họa
a/ Tìm lại được kho báu của mình
Một viên chức kia luôn cố gắng vươn lên ngày càng cao trên chiếc thang danh vọng, vì thế mà ông bỏ hết thời giờ và công sức vào việc tạo dựng sự nghiệp, chẳng còn thời giờ chăm sóc vợ con, cũng chẳng có giờ để giải trí. Nhìn cách sống của ông, ai cũng biết kho báu mà ông tìm nằm ở đâu.
Thế rồi ông bị một cơn đau tim quật ngã, phải vào bệnh viện, nằm ở đấy nhiều ngày trong tình trạng hôn mê. Trong những cơn mê, ông thấy lại cuộc sống của mình, những công việc của mình và những người mình gặp gỡ. Và ông cảm thấy mọi sự, mọi người đều như xa lạ quá. Cảm giác ấy khiến ông rất cô đơn và chán nản. Một ngày kia ông bắt đầu tỉnh lại, ông thấy một số khuôn mặt mờ mờ hiện ra trước mắt. Một lúc sau nhìn rõ hơn thì đó là những khuôn mặt của vợ con ông, những người duy nhất ngày đêm túc trực bên giường bệnh của ông, trong khi các bạn bè đồng nghiệp đều biến đâu mất hết.
Biến cố ấy đảo ngược lại mọi giá trị đời ông. Nó giúp ông hiểu rằng gia đình chính là mục tiêu ông phải nhắm tới và cũng chính là kho báu của đời ông.
Kho tàng chôn dưới đất
Một anh thợ may nằm mơ gặp một vị thần cho biết là có một kho báu chôn dưới đất trong sân của hoàng cung. Anh liền lên đường tìm đến hoàng cung. Tuy nhiên anh không vào được vì ở đó lính gác đông quá. Nhưng anh không bỏ cuộc. Anh nán lại đấy nhiều ngày và tìm cách kết thân với vị chỉ huy. Khi đã thân thiết với nhau rồi, anh thành thật bày tỏ ý định của mình là vào hoàng cung đào lấy kho báu. Anh đề nghị vị chỉ huy hợp tác và hứa sẽ chia đôi.
Vị chỉ huy nghe xong phì cười và cũng chia xẻ lại : Tôi cũng vừa có một giấc mơ, trong đó tôi cũng thấy một vị thần cho biết là có một kho báu đang chôn trong sân nhà của một người thợ may giống hệt như anh vậy.Nghe xong, người thợ may vội vàng trở về nhà và đào bới mảnh đất sau vườn. Quả thật ở đó có một kho vàng.
Lời bàn : Kho báu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người được chôn dấu không phải ở đâu xa, mà ngay trong con tim người đó.
Kho tàng bị quên lãng
Vincent Van Gogh là một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Một hôm ông bệnh nặng, và dĩ nhiên phải gọi bác sĩ đến. Sau một thời gian điều trị lâu dài, ông khỏi bệnh. Nhưng vì không có tiền trả cho bác sĩ nên Van Gogh đã cố gắng vẽ một bức tranh để tặng. Tuy nhiên ông bác sĩ này không thích hội họa nên cũng chẳng biết thưởng thức bức tranh. Ông lấy nó làm tấm chắn cửa sổ. Với thời gian, nắng mưa đã làm cho bức tranh ấy hư hao dần và cuối cùng mục nát.
Về sau, người ta tìm thu thập những bức tranh của Van Gogh. Mỗi bức trị giá hàng trăm ngàn đôla. Nhưng có một bức không ai tìm lại được. Đó chính là bức tranh nhà danh họa đích thân vẽ tặng cho vị bác sĩ nọ.
Lời bàn : Thiên Chúa cũng tặng cho mỗi người chúng ta một kho tàng vô giá là phẩm vị làm con của Ngài. Đừng để nó bị tàn phai hủy hoại như bức tranh kia.
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Nước Trời quả là một kho tàng vô giá, một viên ngọc quý báu mà bất cứ người khôn ngoan nào cũng đều nhất quyết chiếm cho bằng được. Với ước mong chiếm hữu được Nước Trời, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1- Chúa đã trao phó cho Đức Thánh Cha nhiệm vụ săn sóc Hội Thánh trên khắp hoàn cầu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Người được lòng tin mạnh mẽ / lòng trông cậy vững vàng / và lòng yêu mến thiết tha.
2- Xưa Chúa đã lưu lạc nơi đất khách quê người / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa an ủi đỡ nâng / những kẻ đang phải sống xa gia đình / xa quê hương yêu dấu của mình.
3- Giáo lý của Chúa thật quý báu và cần thiết biết bao / cho đời sống đức tin của người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết chuyên cần học hỏi giáo lý của Chúa / để nhờ đó mà hiểu biết yêu mến Chúa nhiều hơn.
4- Muốn được vào Nước Trời / người tín hữu phải từ bỏ những gì không phù hợp với lề luật Chúa / chấp nhận hy sinh gian khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết chọn con đường hẹp là con đường dẫn đến cõi trường sinh.
CT : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con được phúc làm con Chúa, được Hội Thánh là mẹ chăm sóc, được Tin Mừng Chúa hướng dẫn trong cuộc sống thường ngày. Xin cho cuộc đời chúng con là một lời cảm tạ Chúa không ngừng. Chúng con cầu xin nhờ…
——————————————————————–
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
TÌM KIẾM SỰ KHÔN NGOAN (*)- Suy niệm của Noel Quession
Đức Giêsu nói với đám đông các “dụ ngôn” sau đây.
Đức Giêsu như mọi người kể chuyện ở phương Đông, không giảng dạy một cách trừu tượng, người đưa ra những hình ảnh đẹp những từ ngữ chứa đựng những biểu tượng phổ quát mà mọi người có thể hiểu gợi ra nhiều ý nghĩa hơn định nghĩa của các từ ngữ và do đó thường có thể có nhiều cách giải thích khác nhau. Cũng như trong văn nói, những sự lặp lại, những điệp khúc cho phép khắc ghi một bài học vào trong trí nhớ.
Những dụ ngôn của Đức Giêsu, dù được đọc chỉ một lần, không thể nào quên được. Người ta cũng nghĩ rằng Đức Giêsu cũng như những kinh sư của thời đại Người thực tế là đã dạy cho các thính giả của Người thuộc lòng những bản văn ngắn. Nhưng như thế thì rất dễ. Vậy chính các bạn hãy thử lại xem-! Các bạn hãy đọc một dụ ngôn và sau đó đọc lại bằng trí nhớ của mình.
Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
Một “kho báu”! Mỗi người có thể hiểu điều đó theo cách hiểu của mình. Trên khắp trái đất, trong mọi nền văn minh, con người đều có những đồ vật mà họ coi như những “kho báu’: một vật gì đó đáng được ao ước làm người ta thèm muốn, ở Palestin, vào thời của Đức Giêsu, không có nhiều ngân hàng để gởi những món tiết kiệm mà một gia đình dành dụm cho được an toàn. Vậy, người ta chôn món tiền ấy trong một góc của cánh đồng. Và có khi chủ sở hữu chết di mà không thể tiết lộ nơi giấu kho báu cho ai. Khi làm ruộng, một nông dân sau này có thể tình cờ khám phá ra.
Người nào đã khám phá ra… liền chôn giấu lại!
Thái độ này kỳ lạ… kích thích sự tò mò. Người ấy sắp làm gì?
Rồi vui mừng, đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
Rõ ràng đây là cao điểm của bài dụ ngôn mà Đức Giêsu muốn gợi ý cho chúng ta. Các bạn có đồng ý với cách làm đó không? Nếu các bạn gặp được một sự may mắn như thế, một cơ hội tương tự, bạn có làm giống vậy không. Phải, trong đời sống của chúng ta, chúng ta có thể thực hiện những hy sinh to lớn vì một điều mà chúng ta ấp ủ ở trong lòng: các sinh viên làm việc không nghỉ ngơi khi kỳ thi và một kỳ thi tuyển mà họ mơ ước một cách mãnh liệt sắp đến… các vận động viên kiêng cữ đủ thứ để tiến hơn trong bộ môn thi đấu và phá kỷ lục… cha mẹ trong gia đinh hy sinh cho con cái họ… các chính khách trong lãnh vực chính trị và công đoàn bỏ qua các thú vui và sự thư giãn vì chính nghĩa mà họ đang chiến đấu… Đối với Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa là một thực tại rất cao quý đến nỗi đáng để hy sinh tất cả, để khám phá, và để sống. Ở đây chúng ta ghi nhận rằng Đức Giêsu nói về “niềm vui chúng ta đoán được niềm vui ngây ngất của Người thấy một kho báu”. Trong sự vui mừng, người ấy bán tất cả những gì mình có…” Đối với Đức Giêsu, sự hy sinh không phải là một việc đau buồn:
Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Rõ ràng ở đây có cùng một bài học, với cùng một điệp khúc. Nhưng thêm một khía cạnh quan trọng. Người làm thuê tình cờ khám phá được kho báu… còn người bán kim hoàn “tìm kiếm” như một người sưu tập tìm một món đồ quý hiếm. Chúng ta cũng thế, chúng ta đều đi tìm hạnh phúc. Nhưng, than ôi; nhiều người trong chúng ta đã lầm lẫn khi tìm những hạnh phúc không giá trị gì, những viên ngọc giả cũng sáng như những viên ngọc thật, nhưng không giá trị như những viên ngọc thật… và chỉ đánh lừa người dốt nát… Đức Giêsu, Người biết hạnh phúc thật của chúng ta là gì. Người đề nghị chúng ta phải trả giá và phải làm tất cả để có được hạnh phúc ấy. Không có niềm vui chân thật và lâu dài bên ngoài sự hiệp nhất với Thiên Chúa… điều mà Người: gọi là Nước Trời!
Để sống hạnh phúc vô giá, tuyệt vời ấy, hãy mua cho được viên ngọc đó… phải làm gì đây?
Ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng trong thực tế cảnh tượng mà Đức Giêsu kể lại. Xung quanh con người “bán tất cả những gì mình có”, hẳn người ta phải nói: “Thằng cha này điên! Vậy sao? Chính vì những người khác không biết. Khi bán tất cả tài sản của mình, người ấy biết rằng mình không mất gì cả… bởi vì người ấy biết giá trị của viên ngọc! Và tôi cố tưởng tượng Đức Giêsu đang kể lại câu chuyện lôi cuốn này. Không chút lưỡng lợ. Đức Giêsu quả là con người có những quyết định cao cả, có vẻ điên rồ. Trong thực tế Người đã cho tất cả, đã đặt vào đó cái giá tối đa. Ngày hôm nay, thật là tốt đẹp khi có những con người, nam cũng như nữ nghe được tiếng gọi “hiến dâng tất cả” một cách triệt để lập tức thánh hiến cả cuộc đời mình cho Nước Trời qua đời sống linh mục và tu trì.
Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.
Đức Giêsu có lẽ đang nói về các thủy thủ ở bờ hồ Tibêria. Người nói về Thiên Chúa xuyên qua ngôn ngữ và những hoàn cảnh người ta đang sống. Đó là một biểu mẫu tốt nhất cho những cách dạy giáo lý về mầu nhiệm của Thiên Chúa, nếu chúng ta cũng quan tâm một cách cụ thể đến cuộc sống hàng ngày của anh em.
Nước Trời! Matthêu sử dụng công thức này để tránh nói ra từ ngữ về Thiên Chúa đối với dân Do Thái. Cách diễn tả này cũng có ý nghĩa như “Nước” của những con người hoàn hảo về mọi phương diện, là một sự quy tụ đủ mọi hạng người… tốt và ít tốt hơn! Chúng ta đã thấy tư tưởng này có trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì: Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi những kẻ tội lỗi và… cho họ có thời gian.
Trước hết, Thiên Chúa chịu đựng tôi và cho tôi một thời gian. Nhưng hãy coi chừng! Sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi không thể được giải thích như một sự “bỏ mặc” khiến chúng ta sống thụ động, sống chờ thời và sống dửng dưng. Chúng ta hãy nghe phần tiếp theo…
Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính rồi quăng chúng vào lò lửa, ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
Một lời cảnh báo hết sức nặng nề! Lòng nhân từ của Thiên Chúa không phải là sự đồng lõa với điều xấu. Vừa rồi, Đức Giêsu nói về niềm vui! Giờ đây Người nói về khóc lóc và nghiến răng… sáu lần công thức đe dọa này trở lại trong Matthêu (8,12; 13,12; 13,50; 22,13; 24,51; 25,50). Chúng ta thường có xu hướng quên rằng sẽ có một sự phán xét. Thái độ của chúng ta không trung lập: chúng chuẩn bị cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta, Đức Giêsu nói. Và chúng ta phải mau lẹ hoán cải. Bởi sự nghiêm khắc này, Đức Giêsu muốn thức tỉnh chúng ta.
Không có gì là sự thích thú đày đọa trong những công thức ấy nhưng là tình yêu của một người sáng suốt muốn làm cho ta hiểu rõ cái được cái mất của đời sống. Khi bác sĩ phẫu thuật đưa con dao mổ vào vết thương mưng mủ, đó không phải vì ông dữ tợn mà vì ông muốn cứu người bệnh. Ngay cả khi dùng đến ngôn ngữ khải huyền (“khóc lóc và nghiến răng” là một phần của văn phong thời đại đó) rõ ràng là Đức Giêsu muốn tạo ra trong chúng ta một cú sốc sinh ơn cứu độ.
Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?
Thiên Chúa không áp đặt. Người tra hỏi chúng ta. Người tôn trọng tự do của chúng ta. Nhưng Người hỏi chúng ta “hiểu” không? Anh em có hiểu không? Từ “hiểu” là một từ được Matthêu lặp lại: Mt 12,7; 13,13; 13,14-15-19-23-51; 15,10-17; 16,9-11-12; 17,13; 19,11-12;21,45-46; 24,15-32-33-43. Đây là câu hỏi nền tảng.
Chẳng phải là trong lòng tôi có nhiều ngõ ngách của cuộc đời mà tôi không muốn hiểu đó sao? Chẳng phải là có những hoàn cảnh mà tôi không muốn đối chiếu với Tin Mừng đó sao? Lạy Chúa, xin thương nhắc con câu hỏi của Người: “Con có hiểu không?”
Họ đáp: “Thưa hiểu”.
Trong sự ngay thẳng, con cũng muốn nói rằng “con hiểu” những dự án của Thiên Chúa trong đời con. Nhưng con xin Chúa sức mạnh để hoàn thành chúng cho đến cùng, cho đến sự lựa chọn cao cả sau cùng, khi Chúa đưa ra ánh sáng “điều gì tốt” và “điều gì không có giá trị” trong cuộc sống.
Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
Đức Giêsu không khinh thường khoa học của các “kinh sư” các học giả về Luật, cho dù nhiều người trong bọn họ thực ra đã chống lại cái mới của Tin Mừng. Chính Matthêu soạn ra Tin Mừng, ngài tự giới thiệu như một “kinh sư” một người hiểu biết sâu xa Truyền thống của Cựu ước… nhưng có khả năng rút ra từ truyền thống ấy điều mới mẻ!
Dụ ngôn nhỏ này và cũng là sau cùng làm kết luận cho một loạt các dụ ngôn mà chúng ta đọc từ ba Chúa nhật và mang đầy tính thời sự. Cuộc tranh luận của những người theo xưa và theo nay. Sự đối lập giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến. Đối với Đức Giêsu, người “theo truyền thống” thật sự không thể chỉ là người lặp lại cứng ngắc. Để không phản bội tư tưởng của Đức Giêsu, phải hiểu biết tư tưởng ấy từ nền văn hóa và ngôn ngữ của thời đại mình và vì thế, làm sáng tỏ tư tưởng ấy và thích ứng nó với thời đại của chúng ta mà vẫn tôn trọng ý nghĩa sâu xa của nó. Đức Giêsu hầu như không mã hóa gì cả. Bởi vì ‘Thiên Chúa là người cùng thời với chúng ta”: Người nói với chúng ta ngày hôm nay. Truyền thống (cái cũ) là chân chính nếu nó sống động, đầy những chồi nụ (cái mới). Cái mới chân chính không hủy hoại truyền thống: đối với những vấn đề mới, nó rút ra những lời giải đáp mới phù hợp. Với sự khôn ngoan của mọi thời đại. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chú ý đến mọi “cái mới” trong Giáo Hội “cũ xưa” của Chúa. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn trung tín với Người.
———————————————————–
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
KHÔN NGOAN TÌM NƯỚC TRỜI – ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt.
Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt. Ông đã xử những vụ án rất khó khăn một cách khéo léo không khác gì Bao Công. Bà hoàng hậu Saba ở mãi tận phương nam cũng phải đến nghe sự khôn ngoan của ông. Nhưng khôn ngoan nhất là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan. Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa. Nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông mọi điều mong muốn. Chúa muốn tôi bắt chước vua Salomon, biết xin ơn khôn ngoan và biết khôn ngoan trong những lựa chọn. Nhất là biết khôn ngoan lựa chọn Nước Trời như những người trong bài Tin Mừng hôm nay.
Những người trong bài Tin Mừng hôm nay khôn ngoan vì thao thức đi tìm. Sự thao thức đi tìm được thấy trong thái độ bôn ba đây đó, khảo sát đất đai. Chắc phải đào bới nhiều mới thấy kho tàng chôn giấu trong ruộng. Sự thao thức đi tìm cũng thấy trong việc ra khơi thả lưới. Vất vả chài lưới rồi còn phải lựa chọn. Dù vất vả, họ quyết tìm cho ra Nước Trời.
Họ khôn ngoan vì biết phân định. Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám, như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá. Giữa những giá trị ấy ta phải biết phân định. Lựa chọn những giá trị cao quý, tốt đẹp. Biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu. Biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì dơ bẩn. Biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu. Biết giá trị của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.
Họ khôn ngoan vì dám dấn thân. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng. Dấn thân trọn vẹn nên bán tất cả những gì mình có để đổi lấy kho tàng, viên ngọc quý. Dấn thân quyết liệt vì bán hết nhà cửa rồi thì không thể quay về chốn cũ, chỉ còn gắn bó với quê hương mới mà thôi. Dấn thân tuyệt đối, bỏ hết tất cả chỉ vì một viên ngọc. Dấn thân như thế là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát mãnh liệt. Đó chính là thái độ phải có khi đi tìm Nước Trời.
Họ khôn ngoan vì biết từ bỏ. Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn lao. Dứt lìa những gì mình gắn bó còn đau đớn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng. Nhưng không có cách nào khác. Phải bán tất cả mới đủ sức mua viên ngọc Nước Trời. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.
Họ từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Nên từ bỏ rồi họ cảm thấy vui tươi. Họ từ bỏ một cách mau mắn vì họ đã dứt khoát với những gì xưa cũ. Lòng trí của họ chỉ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy.
Đó là những thái độ khôn ngoan đáng cho ta noi theo trên con đường đi tìm Nước Trời. Biết thao thức đi tìm. Biết phân định giá trị. Biết mau mắn từ bỏ. Biết hăng hái dấn thân đến cùng.
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn có thực sự coi Nước Trời là kho tàng quý giá nhất không?
2) Bạn đã thực sự bán hết mọi sự để mua Nước Trời chưa? Còn những gì bạn còn luyến tiếc chưa muốn bán?
3) Bạn nghĩ thế nào về sự khôn ngoan. Bạn muốn trở thành người khôn ngoan thực sự không?
————————————————————————
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
KHO TÀNG VÀ VIÊN NGỌC QUÝ NƯỚC TRỜI- Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Câu chuyện của bài Tin mừng tuần này một lần nữa trở lại với chủ đề dụ ngôn về Nước Trời. Một loạt ba bài dụ ngôn có những nét khá gần giống nhau, nhất là hai dụ ngôn về kho báu trong ruộng và viên ngọc quí đều nói lên sự mau mắn nhanh nhẹn làm mọi cách để sở hữu kho báu và viên ngọc quí của người tình cờ gặp được và thương gia sau bao ngày vất vả bôn ba tìm kiếm, riêng dụ ngôn thứ ba nói về lưới cá với tính chất bất ngờ của nó chụp xuống biển, bắt được mọi giống cá. Chủ đề chính của những dụ ngôn này nhấn mạnh đức tính khôn ngoan nhanh nhẹn của những người nhận ra giá trị của Nước Trời, họ phải tìm mọi cách thế, bằng mọi giá, để sở hữu Nước Trời bởi vì Nước Trời như là kho báu, như là viên ngọc quí, giá trị và quí giá hơn rất nhiều so với những gì mà họ đang có. Ngoài ra tính chất bất ngờ của Nước Trời cũng được nhấn mạnh qua hình ảnh lưới chụp xuống bắt được mọi thứ cá. Vì thân phận của con người không thể tránh thoát được giờ phút phải đối diện với việc xét xử của Thiên Chúa, nên cần phải khôn ngoan hành động ngay từ trong cuộc đời hiện tại . Ý tưởng khôn ngoan hiểu biết để hành động chính xác và hiệu quả nhanh nhẹn quyết đoán được nhắc lại ở câu kết luận của bài Tin mừng: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước Trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới cũ trong kho mình”.
Ba dụ ngôn Chúa nhật tuần này là phần kết của bài giảng về các dụ ngôn của Phúc âm Matthêu. Hai dụ ngôn đầu tiên, kho tàng chôn dấu trong ruộng và viên ngọc quí, có cùng một mẫu thức hành động. Mặc dù người tình cờ tìm gặp được kho tàng chôn giấu trong ruộng do may mắn và người thương gia nhẫn nại đi tìm viên ngọc quí, nhưng cả hai khi gặp được điều mong ước, đều vội vàng bán mọi sự mình có, mua cho được thuở ruộng cũng như viên ngọc quí đó. Khi một người “gặp được”Nước Trời, dù là do may mắn hay kiên nhẫn tìm kiếm, thì mỗi người trong họ đều “bán những gì mình có”. Ðiều này cho thấy trong hai trường hợp, một sự thay đổi hoàn toàn dứt khoát với đời sống trước đây mà họ đã sống vì nhận thấy giá trị trổi vượt của Nước Trời. Nhằm để “mua” được Nước Trời, hiểu theo cách nói về kho tàng chôn dấu và viên ngọc quí, thì phải dám tự nguyện hy sinh tất cả mọi thứ khác. Trên bực thang giá trị, Nước Trời chiếm ưu tiên hơn tất cả những gì khác. Điều đạt được, là Nước Trời, thì giá trị hơn tất cả mọi sự, bởi vì không có gì có giá trị hơn Nước Trời. Vì thế cần phải hành động mạnh mẽ quyết liệt để đạt cho được.
Ðiều mà ba dụ ngôn gợi ý qua các nhân vật, đó là sự khôn ngoan để nhận ra Nước Trời. Khôn ngoan là chủ đề của bài đọc thứ nhất, là điều mà Salomon ao ước hơn mọi điều gì khác, hơn sức khoẻ hay của cải hay mạng sống quân thù. Đứng trước trách nhiệm được trao phó, Salomon đã nhạy bén để chỉ xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan để biết xét xử dân Chúa là một dân đông đảo mà Salômon có trách nhiệm dẫn dắt. Điều bất ngờ vượt mọi dự đoán của Salômon, đó là điều ông cầu xin lại đẹp lòng Chúa đến độ Ngài ban cho ông sự khôn ngoan vượt bậc không ai sánh bằng và còn ban cho ông thêm cả những điều ông không xin như của cải và sức khoẻ. Quả thực, Truyền thống khôn ngoan minh triết vốn đã phát triển và đào sâu ở Israen với nhiều Sách Thánh khác nhau. Tựu trung khôn ngoan được lần hồi đồng hóa với Lề luật (Tv 19,8). Bậc hiền triết hiểu biết nơi dân tộc Israen hẳn phải biết và xem Lề luật như diễn tả tối hậu của khôn ngoan, được diễn tả qua Thánh vịnh đáp ca chúng ta nghe đọc, nhấn mạnh đến những lệnh truyền, giới luật và lời Thiên Chúa ban cho dân Chúa : “Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao. Lạy Chúa con xin xưng thực, kỷ phần của lòng con là tuân giữ những lời ban dạy của Chúa. Luật pháp Chúa là sự sung sướng của lòng con”. Riêng bài Tin mừng còn nhấn mạnh hơn nữa yếu tố mới đóng góp vào truyền thống minh triết này. Sự khôn ngoan không chỉ dừng lại ở Lề luật Cựu ước thôi, mà còn hướng tới Đức Giêsu, Đấng sẽ mạc khải những điều mới mẻ và là Đấng cao trọng hơn lề luật : “thầy thông luật phải giống như chủ nhà kia, biết lợi dụng cái mới cũ trong kho của mình”. Đây cũng là kinh nghiệm thông thường, người chủ nhà khéo tay hay làm, biết dùng cả những cái mới cũ trong kho của mình. Chúa Giêsu khéo léo hòa hợp những lời dạy của Sách Luật và tiên tri, cùng những lời dạy mới mẻ mà Người mang đến. Thầy thông luật do thái không chỉ biết những điều cũ trong sách Luật mà thôi, mà còn nhạy bén đón nhận những lời dạy mới mẻ về Nước Trời nơi Đức Giêsu
Ba dụ ngôn về Nước Trời mô tả những cách thế tìm kiếm Nước Trời khác nhau, do tình cờ may mắn, do kiên nhẫn tìm kiếm, do biện phân cẩn thận. Mỗi hoàn cảnh khác nhau mà chúng ta gặp trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta một đáp trả thích hợp khác nhau. Dù sao, điều đòi hỏi chúng ta là phải khôn ngoan để nhận thức giá trị lớn lao của Nước Trời và có hành động quyết liệt mau mắn. Sự khôn ngoan mà Salomon cầu xin và nhờ đó mà ông nổi danh là một trong những đức tính có giá trị nhất của Truyền thống Cựu ước. Cũng như Salomon, chúng ta cũng cần phải cầu xin sự khôn ngoan để có thể nhận thức kho tàng lớn lao của Nước Trời. Như thế, chúng ta cần một trái tim hiểu biết để khôn ngoan và mạnh mẽ vững vàng để nhận thức sự hiện diện của Nước Thiên Chúa được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu.
Một tâm hồn hiểu biết thực cần thiết để giúp chúng ta phân biệt điều gì có giá trị với điều không có giá trị. Salomon khôn ngoan vì đã biết cầu nguyện để xin điều quan trọng nhất là có được một tâm hồn khôn ngoan hiểu biết để sống và hành động chu toàn bổn phận theo thánh ý Thiên Chúa. Điều đáng chú ý, đó là Thiên Chúa yêu thích lời cầu nguyện này của Salômon, và Thiên Chúa ban cho ông cả những điều ông không xin. Phải chăng của cải vật chất lại làm cho chúng ta khó khăn để có thể có cái nhìn hướng về kho tàng chân thực? Phúc âm Chúa nhật này nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc sống đòi hỏi chúng ta hãy biết chọn lựa khôn ngoan tĩnh táo và quyết liệt giữa nhiều giá trị khác nhau. Chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi những giá trị khác trong cuộc sống che mờ đi viên ngọc Nước Trời, hay kho báu chôn giấu trong ruộng. Đó cũng là điều thánh Phaolô nhắc nhở qua cách nói “ơn gọi nên thánh” của người kitô hữu. Ơn gọi của kitô hữu là trở nên giống như người Con một Thiên Chúa, đón nhận người Con một này như người Trưởng Tử của Thiên Chúa, người sẽ dẫn đưa chúng ta đến thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời dành cho chúng ta theo dự định đời đời của Thiên Chúa. Điều quan trọng là nhận thức giá trị lớn lao mà chúng ta đang được ban tặng nhờ người Con một Thiên Chúa để sống những chiều kích mới này trong cuộc đời chúng ta.
——————————————————————-
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
KHÔN NGOAN VÀ SÁNG SUỐT– Lm. Giuse Đinh Tất Quý
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”Mt 13,44).
Mấy tuần nay chúng ta có dịp cùng nhau suy niệm về mầu nhiệm Nước Trời. Nước Trời hay Giáo Hội ở trần gian được bắt đầu một cách thật khiêm nhường, như một hạt cải, vượt qua mọi khó khăn để thành hình và vươn lên, hiện đang có mặt ở trần gian như men trong bột, thực sự đang có nhiều ảnh hưởng tốt cho trần gian. Tuy nhiên Nước trời ở trần gian chưa phải là một thực tại vẹn toàn. Nó còn là một thực tại pha trộn. Nhưng thử hỏi tình trạng này sẽ kéo dài tới bao giờ thì Bài Tin Mừng hôm nay sẽ hé mở cho chúng ta câu trả lời.
–“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”(Mt 13,47-48)
Với những lời như thế, Chúa cho chúng ta biết tình trạng pha trộn giữa tốt và xấu sẽ được phân loại một cách rõ rệt và số phận của mỗi hạng người sẽ được phân định một cách dứt khoát không còn có thể lẫn lộn được nữa. Thế nhưng trong giai đoạn tại thế thì Nước Trời hay Giáo Hội của Chúa phải chấp nhận một thực tế pha trộn xem ra có vẻ không tốt lành gì.
Về vấn đề này, Cha Jacques Loew đã có một cái nhìn đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Giáo Hội là nơi Chúa chọn để gặp gỡ nhân loại trong suốt dòng lịch sử. Chỉ có chiều kích Tình yêu vô biên của Thiên Chúa mới có thể làm cho một ý đồ như thế trở nên có thể tin được.
Giáo Hội là Mầu nhiệm vì Giáo Hội trà trộn với tội lỗi của con cái mình nhưng coi tội lỗi như một địch thù mà Giáo Hội phải chiến đấu cho đến ngày tận thế.
Giáo Hội là mầu nhiệm vì Giáo Hội thánh thiện nhưng đồng thời không phải là lý tưởng mà là Giáo Hội của Lịch sử, là thân thể của Đức Kitô kéo dài trong nhân loại.
Phải, mầu nhiệm của một Giáo Hội mà thân mình thì liên đới với Lịch Sử thế giới còn ngọn thì ở trên trời. Một Giáo Hội vừa thánh thiện vừa gần với những phần tử tội lỗi”
Vâng Giáo Hội là như thế. Và chúng ta có thể nói đó là ý muốn của Thiên Chúa.
Vậy thì chúng ta phải nhìn Giáo Hội với thái độ như thế nào?
Cũng trong bài Tin Mừng Chúa còn nói với chúng ta về kho báu và viên ngọc quí đồng thời ở cuối bài Tin Mừng, Chúa đề cập đến thái độ của những thầy thông giáo am tường về Nước Trời cũng như chủ nhà kia biết lợi dụng cái cũ cái mới trong kho của mình.
Lời nói của Chúa rõ ràng khiến người ta liên tưởng đến thái độ khôn ngoan mà Chúa đã đề cập đến ở một nơi khác.
Người nông dân và người lái buôn trong hai dụ ngôn vắn hôm nay rõ rệt là hai người khôn ngoan theo cái nhìn của Chúa. Đây là thái độ khôn ngoan của người công dân nước trời. Nó khác với thái độ khôn ngoan có tính cánh thế trần như sự khôn ngoan của Salomon mà bài sách thánh thứ nhất hôm nay thuật lại. Salomon xin Chúa cho ông được khôn ngoan, nhưng ông chỉ khoanh vùng sự khôn ngoan trong cách cai trị dân. Ông xin và Chúa đã cho ông điều đó. Về phương diện trần thế thì phải nói là Salomon đã thành công tuyệt vời, nhưng về đời sống đạo đức thì Salomon đã hoàn toàn thất bại. Ông đã quá nhu nhược để cho ảnh hưởng ngoại giáo du nhập tràn lan vào quê hương làm băng hoại nhiều giá trị tốt đẹp của tôn giáo độc thần và đối với đời sống cá nhân của ông, ông cũng đã phạm nhiều sai lầm để rồi sau khi ông chết đi tất cả những công trình của ông cũng bị tiêu tan.
Trong hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí, Chúa cho chúng ta thấy người nông dân và người lái buôn sau khi đã biết được giá trị của kho báu và viên ngọc quí thì sẵn sàng bán tất cả những gì mình có để sở hữu cho bằng được kho tàng và viên ngọc quí đó. Người buôn ngọc chắc phải bán nhiều hơn người nông dân, nhưng cả hai đều phải bán tất cả. Bán tất cả để mua kho báu và viên ngọc quí…đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây.
Nếu giả sử như bây giờ Chúa đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải bán tất cả để mua lấy Nước Trời thì thử hỏi ta sẽ có thái độ như thế nào?
Liệu chúng ta có thể có được thái độ thanh thản như hai người trong bài dụ ngôn hay là chúng ta khó chịu như anh chàng thanh niên giầu có khi Chúa đòi hỏi anh ta phải bán tất cả những gì anh có, chia cho người nghèo khó, sau đó đến mà theo Chúa. Anh thanh niên giầu có đó đã không dám bán. Tại sao thế? Tại vì anh ấy chưa thấy được việc theo Chúa, việc gắn bó với Chúa là một giá trị….Anh ta chưa thấy được Chúa là nguồn mạch sự sống, là sự sống đời đời mà anh đang khao khát tìm kiếm….Và chính vì thế mà anh không dám từ bỏ sự vững chãi của hiện tại để đi theo Đấng mà anh không biết chắc tương lai sẽ như thế nào. Như vậy vấn đề là chúng ta phải biết, phải thấy.
Đức Hồng Y Martini thường hay kể câu truyện sau đây mà Ngài rất tâm đắc: Có một người đến gặp một vị ẩn sĩ ẩn tu ở trong sa mạc và hỏi:
– Thưa Cha, cha là người có nhiều kinh nghiệm, xin cha giải thích cho con rõ tại sao có nhiều người trẻ vào tu trong sa mạc này nhưng sau đó lại có nhiều người bỏ về và chỉ có một ít người bền đỗ?
Vị ẩn sĩ trả lời. Ngài không trả lời trực tiếp như một khẳng định nhưng như một câu chuyện. Ngài nói:
– Chuyện này giống như chuyện một con chó đuổi theo con thỏ, vừa đuổi vừa sủa inh ỏi. Nhiều con chó khác thấy nó sủa và thấy nó chạy liền chạy theo. Nhưng chẳng bao lâu sau những con chó này thấm mệt và bỏ cuộc không còn con nào chạy theo nữa chỉ có con chó đầu tiên lúc nào cũng bám sát đối tượng cho đến khi chộp được con thỏ. Chỉ có con chó này thấy được con thỏ còn những con khác thì không. Cho nên mới có sự bền đỗ hay bỏ cuộc.
Như vậy vấn đề là ta có thấy được nước trời như một kho báu và Chúa Giêsu như một viên ngọc quí hay không. Nếu ta thấy được Ngài như một kho báu hay như một viện ngọc qui thực sự thì vấn đề từ bỏ sẽ không có gì khó lắm. Ngược lại chúng ta sẽ chẳng bao giờ dám.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có được cặp mắt khôn ngoan và sáng suốt để biết nhìn thấy những gì có giá trị thực sự cho cuộc sống của chúng ta và những gì là giả tạo để chúng ta có thể có được những chọn lựa thật chính xác để rồi nhờ đó mà sự sống của chúng ta khỏi bị đánh lừa và nhất là chúng ta sẽ chiếm hữu được Nước Trời mai sau. Amen .
——————————————————————————–
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
TÌM ĐƯỢC NƯỚC TRỜI LÀ NIỀM VUI CỦA CUỘC ĐỜI- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Xuyên suốt trong các Chúa Nhật vừa qua, hình ảnh nổi bật trong các bài Tin mừng là ruộng đất. Từ hạt lúa gieo trên ruộng đồng đến lúa tốt và cỏ lùng chen vai mọc lên trên ruộng đất và Chúa nhật hôm nay là kho báu chôn giấu trong ruộng lúa.
Palestine là miền đất có nhiều tranh chấp và nguy hiểm rình rập: chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát, cướp bóc, nô lệ… hay bất cứ một sự bất hạnh nào cũng có thể lấy mất tài sản và cuộc sống của người dân. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất, hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ trở lại, nhưng có nhiều người ra đi vĩnh viễn. Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.
Dụ ngôn ‘Kho báu chôn dấu trong thửa ruộng” là một câu chuyện không có gì xa lạ với dân chúng Do Thái, bởi vì họ vẫn thường kể cho nhau nghe về một câu chuyện cổ tích tương tự như thế.
Ngày hôm ấy, Abba Giuđa đang cố gắng cày nốt thửa ruộng còn lại, thì bỗng con bò của anh ta bị ngã qụy và gãy mất một chân vì gặp phải một cái hố nhỏ. Bực mình, anh ta dừng lại vuốt những giọt mồ hôi trên trán, rồi qùy xuống nâng chân con bò lên.
Đột nhiên, Đức Giavê mở mắt cho anh ta và anh ta đã nhìn thấy một kho tàng quí giá ngay trong cái hố nhỏ ấy. Anh ta tự nhủ :
– Chính vì chú bò này mà mình được lợi đây.
Kho tàng ấy là của một ai đó đã chôn dấu, có lẽ từ lâu lắm, vì sợ trộm cắp, giặc giã hay chiến tranh. Anh ta cẩn thận vùi đất lại, trở về nhà, thu góp tiền bạc, bán tất cả những đồ đạc, để gom cho đủ số tiền hầu mua thửa ruộng đó, bởi vì anh ta chỉ là một nông dân nghèo đi cày thuê cuốc mướn mà thôi.
Dĩ nhiên, anh ta mua được thửa ruộng ấy, dù với một giá hơi mắc, nhưng anh ta trở thành triệu phú, bởi vì luật pháp đã qui định : kể từ ngày làm chủ mảnh đất, anh ta cũng làm chủ tất cả những gì có trong mảnh đất ấy.
Có lẽ Chúa Giêsu đã lấy chính câu chuyện bình dân này để nói về Nước Trời.
Ý nghĩa của dụ ngôn chính là thái độ của người nông dân: tìm được kho tàng, anh ta rất vui mừng, vội chạy về nhà, tìm đủ mọi cách như bán tất cả đồ đạc, thậm chí kể cả việc vay mượn bà con lối xóm, để có đủ tiền mua thửa ruộng ấy. Hành động của anh ta thật khôn ngoan, nhanh nhẹn và hợp lý. Anh đã dám liều, dám hy sinh tất cả vì kho tàng quí giá ấy.
Dụ ngôn “Viên ngọc quý”: thương gia khi đã khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình có để mua cho được viên ngọc ấy. Đây là một sự lựa chọn đáng ca ngợi và khích lệ.
Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và ‘Viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời.
Nước Trời có một giá trị tối thượng
Chúa Giêsu nói về kho báu và viên ngọc mà người cày ruộng và thương gia dám bán tất cả những gì họ có để mua lấy. Bởi đó là giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời họ. Đó là điều làm cho họ hân hoan vui sướng, dám đánh đổi tất cả mọi sự trên trần gian để có nó (GLCG # 546). Tính chất cao quý ấy được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von. Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông không ai như ông và sau ông không ai bằng ông. Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”. Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.
Chọn lựa và quyết định
Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định. Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33).
Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: ‘Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).
Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu ; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc quý là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời.
Tìm được Nước Trời là niềm vui cuộc đời
Người nông dân, vị thương gia đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.
Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.
Thái độ “vui mừng bán tất cả”, không phải ai cũng dễ dàng có được. Câu chuyện Phúc âm “Người thanh niên giàu có” là một ví dụ. Anh ta đã sụ mặt xuống và quay đi vì anh ta có nhiều của cải khi nghe Chúa Giêsu bảo : “Anh hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo, rồi hãy đến theo Ta…”. Làm sao bán hết Chúa ơi khi con đã một đời vất vả tảo tần để có được cơ nghiệp như ngày hôm nay ? Làm sao vui mừng để từ chối một mối tình vụng trộm mà con mới cất công xây nên ? Làm sao con từ bỏ một thói đã đem lại cho con nhiều thích thú và thỏa mãn sự biếng lười ? Làm sao con có thể bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền chỉ để giữ luật Ngày Chúa Nhật ? Làm sao con có thể bố thí nhiều đến thế, cho dù con sẵn sàng bỏ ra gấp trăm ngàn lần để nhậu nhẹt mua vui? Làm sao con có thể hạ mình xuống trong khi con là đấng bậc vị vọng? Làm sao con có thể bỏ học thêm để dành cho việc học giáo lý?…Và cuối cùng chắc con cũng sẽ sụ mặt xuống quay đi, vì con có quá nhiều tham vọng và của cải…
Cuộc đời vẫn luôn có những “chàng thu thuế Lêvi” sẵn sàng bỏ cả địa vị hái ra tiền để đi theo Đấng không có viên đá gối đầu. Vẫn còn những Giakêu, sẵn sàng chia nửa gia tài cho kẻ nghèo và đền gấp bốn những ai bị thiệt hại. Vẫn còn những Phanxicô Xavie, Phanxicô Asissi, vẫn còn những Têrêxa Calcutta…bỏ cả cuộc đời để ra đi rao giảng tin mừng và phục vụ người nghèo; vẫn còn những Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên dám bỏ cả mạng sống để đáp đền mạng sống…
Điều quan nhất là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.
Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại. Ai chân thành với Đức Kitô sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu. Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy. Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.
————————————————————————–
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
TÌM KIẾM KHO TÀNG HẠNH PHÚC – Lm. Trần Ngà
Một học giả uyên thâm đã già, sau khi nhìn lại quãng đời quá khứ, đã chia sẻ kinh nghiệm về hành trình tìm kiếm kho tàng của ông như sau:
Giai đoạn thứ nhất: tìm kiếm kho tàng tri thức
Hồi còn niên thiếu, tôi nhận thấy tri thức là tối cần và trong tôi có một khao khát cháy bỏng là được học nhiều, biết nhiều, tích luỹ thật nhiều kiến thức để trở thành nhà thông thái. Thế là tôi đam mê việc đèn sách hơn mọi thứ trên đời. Tôi cho đó là phương thế tốt nhất để trở nên thông thái và thành đạt. Tôi đã đem hết nghị lực của tuổi thanh xuân và tiêu tốn gần hết gia tài cho việc học tập nghiên cứu. Cuối cùng tôi cũng đạt được thành quả mong muốn: được nhìn nhận là bậc thức giả của xã hội đương thời.
Thế nhưng khi đến tuổi sáu mươi, tôi mới nhận ra một thực tế phũ phàng là bao nhiêu kiến thức mình thu thập được suốt gần cả đời người, giờ đây gom góp lại không bằng mớ dữ liệu được lưu trữ trong ổ đĩa máy vi tính.
Và điều làm cho tôi ngỡ ngàng là đứa cháu nhỏ mới mười lăm tuổi của tôi chỉ cần ngồi vào máy tính có nối mạng và chỉ mất mươi phút là có thể truy xuất được nhiều kiến thức chính xác và phong phú về mọi lãnh vực, mà chính tôi, người đã dày công nghiên cứu học tập hơn nửa đời người, cũng chưa nắm bắt được một cách chính xác và đầy đủ như thế.
Điều nầy làm tôi liên tưởng đến câu chuyện một đạo sĩ phải mất năm mươi năm khổ luyện mới đạt được một thành tích thượng thặng là có khả năng đi trên mặt nước. Với khả năng nầy, ông ta có thể rảo bước trên mặt nước như đi dạo trong vườn, có thể vượt qua con sông rộng mà không cần đến thuyền bè. Thế nhưng sau đó, khi nhìn thấy một em bé nhà quê chẳng học tập tu luyện gì ráo, chỉ cần bỏ ra mươi đồng để trả tiền đò là có thể qua mặt ông để lướt qua sông, ông cảm thấy trong người hụt hẫng: giá như ông tận dụng thời gian năm mươi năm khổ luyện ấy để đổi lấy điều gì đem lại lợi ích thiết thực hơn. Đó cũng là tâm trạng lúc nầy của tôi.
Rồi thỉnh thoảng đọc báo, xem truyền hình, tôi được biết có những nông dân thất học lại có thể xây dựng được hàng chục chiếc cầu treo, chế tạo được hàng trăm máy hút bùn, máy cắt lúa, xén cỏ… lại có cả những những người thuộc dân tộc thiểu số tạo ra được máy lảy bắp, máy gieo hạt… Những nông dân mù chữ nầy đã cống hiến nhiều tiện ích cho những người lao động chân tay, còn tôi với bao nhiêu kiến thức được tích luỹ hơn nửa đời người, mà chưa có phát minh hay sáng chế nào đem lại ích lợi cho làng xóm của tôi.
Thế là từ đó, tôi cảm thấy nỗ lực chiếm hữu kho tàng tri thức của mình trong suốt nửa thế kỷ qua là một đầu tư không đúng hướng. Và bấy giờ tôi nghĩ rằng giá như mình có thể phát minh sáng tạo được chút gì tương tự như những nhà ‘khoa học chân đất’ nói trên thì mới bỏ công miệt mài đèn sách suốt bao năm qua.
Giai đoạn thứ hai: tìm kiếm kho tàng đem lại hạnh phúc
Sau đó, tôi lại nhận ra rằng nhân loại hôm nay tuy có nhiều máy bay, nhiều xe hơi, nhiều tiện nghi hơn những thế kỷ trước, nhưng số người bất hạnh lại nhiều hơn, số người tự tử cao hơn, số người mắc bệnh tâm thần đông đảo hơn, số gia đình tan vỡ vượt trội, số phạm pháp gia tăng…
Thế là cuối cùng khi cuộc đời đã về chiều, tôi mới học được bài học thứ hai: dồn mọi nỗ lực vào việc phát minh và sáng chế chưa hẳn là điều tốt cho nhân loại, vì con người hôm nay, cho dù được sở hữu nhiều máy móc hiện đại, được hưởng nhiều tiện nghi tuyệt vời nhưng đời sống có phần bất hạnh hơn, và do đó, lòng khao khát hạnh phúc của con người hôm nay càng mãnh liệt hơn.
Quả vậy, không có gì quý bằng hạnh phúc nên điều tốt nhất là cống hiến cho nhân loại phương thế đem lại hạnh phúc. Đó là điều mà nhân loại hôm nay đang mong đợi một cách khẩn thiết. Từ đó, tôi cất bước kiếm tìm một vị tôn sư có thể chỉ giáo cho tôi phương cách đem lại hạnh phúc cho đời mình và cho nhân loại. May thay, cuối cùng tôi đã tìm được điều tôi mong đợi nơi Chúa Giêsu và kho báu Tin Mừng.
* * *
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết có một kho tàng, một viên ngọc vô cùng quý báu mà mọi người nên đánh đổi tất cả để sở hữu cho bằng được, đó chính là Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. (Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người chỉ là một).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô là kho tàng chứa đựng sự khôn ngoan của Ba Ngôi Thiên Chúa, đã được Chúa Giêsu mang từ trời xuống ban tặng cho thế gian.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô là kho tàng quý báu vì có sức đem lại sự sống đời đời cho nhân loại như lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68)
Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người là ánh sáng cho thế gian: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8, 12)
Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người là con đường dẫn đến sự thật, bình an và hạnh phúc. “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Chỉ trong Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người, con người mới có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực. Đó là khám phá của thánh Augustino: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Ngài, và hồn con khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Ngài.”
* * *
Lạy Chúa Thánh Thần,
Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người là kho báu cao quý và cần thiết nhất cho toàn nhân loại, nhưng tiếc thay, phần đông nhân loại đã bị bức màn vật chất và dục vọng che chắn nên đã không nhận ra giá trị của Kho Báu nầy.
Xin thương chiếu dọi ánh sáng của Chúa vào tâm trí con người, để họ nhận ra giá trị cao quý của Tin Mừng và quyết tâm chiếm hữu cho bằng được.
Và xin cho chúng con luôn kiên trì tiếp tay với Chúa Giêsu trong sứ mạng giới thiệu kho báu nầy cho thế giới. Amen.
———————————————————————
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
KHO TÀNG NƯỚC TRỜI- Trích Logos A
Một trong những truyện cổ tích Ba Tư được nhiều người biết đến là truyện “Ali Baba và Bốn Mươi Tên Cướp”. Câu truyện như sau :
Ngày xưa, nhà kia có hai anh em, anh là Catxim giàu có và em là Ali Baba nghèo khó. Ngày kia, Ali Baba vào rừng đốn củi, tình cờ nhìn lén thấy 40 tên cướp vào một cái hang bí mật. Âm thầm theo dõi, chàng học được câu thần chú mở cửa hang : “Vừng ơi, hãy mở ra !” và đóng cửa hang : “Vừng ơi, hãy đóng lại !”.
Đợi cho bọn cướp bỏ đi, Ali Baba vào hang và thấy đó là một kho tàng đầy vàng bạc châu báu. Khôn ngoan và thận trọng, chàng chỉ lấy một số vàng đem về nhà. Từ đó, Ali Baba trở nên giàu có. Người anh là Catxim biết được bí mật của kho tàng, cũng đến hang và lấy thật nhiều của cải vàng bạc. Nhưng vì lòng tham đã làm cho anh ta mất trí khôn, nên khi trở ra, anh ta quên mất câu thần chú, đành bị nhốt trong hang và bị bọn cướp giết chết.
Ali Baba vì khôn ngoan, về sau đã diệt trừ được bọn cướp và sở hữu trọn kho tàng.
Chìa khóa để mở kho tàng trong câu truyện không chỉ là câu thần chú, nhưng còn là sự khôn ngoan nữa. Phụng vụ lời Chúa hôm nay đề cập đến những con người khôn ngoan đã tìm kiếm và chiếm hữu được những kho tàng vô giá.
Sự khôn ngoan của vua Salomon.
Bài đọc I, trích sách Các Vua quyển thứ nhất kể lại : vua Salomon lên ngôi kế vị vua Đavit. Salomon biết mình còn trẻ nên thiếu khả năng. Ông biết trách nhiệm của mình rất nặng nề. Ông cũng ý thức rằng vương quyền của ông là do Thiên Chúa ban, để phục vụ Dân Chúa. Bởi vậy, khi Thiên Chúa bảo ông xin bất cứ điều gì, Người sẽ ban cho. Vua Salomon chỉ xin một điều duy nhất : đó là sự khôn ngoan. Thiên Chúa rất hài lòng vì lời xin đó, nên Người chẳng những ban cho ông sự khôn ngoan, mà còn ban nhiều ơn khác nữa.
Khôn ngoan chính là chiếc chìa khóa mở ra kho tàng ân sủng quý giá của Thiên Chúa. Nhờ sự khôn ngoan, vua Salomon đã biết cai trị, xét xử Dân Chúa theo đúng ý Người. Nhờ vậy, ông đã đạt được biết bao ơn lành của Thiên Chúa : sự giàu có, triều đại vững bền, đất nước hưng thịnh … Nhất là luôn được Thiên Chúa bảo vệ chở che.
Điều thế gian cho là khờ dại, thì đó lại là sự khôn ngoan đối với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan trên trời, hơn là tìm kiếm sự khôn ngoan dưới đất. Chọn lựa Chúa và đi theo Ngài, đó chính là con đường khôn ngoan dẫn ta đến kho tàng trên trời.
Sự khôn ngoan của bác nông dân.
Trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn “Kho Tàng Chôn Giấu” để diễn tả hình ảnh về Nước Trời. Chúa ví Nước Trời giống như kho tàng quý giá chôn giấu trong thửa ruộng, được người nông dân tìm thấy. Vì là người nông dân nghèo phải đi làm thuê, nên mảnh ruộng ấy không phải của ông ta. Nhưng ông đã khôn ngoan âm thầm trở về nhà bán tất cả tài sản mình có, để mua thửa ruộng ấy. Như vậy, ông đã sở hữu kho tàng quý giá một cách hợp pháp.
Vào thời Chúa Giêsu, ở Palestina, cuộc sống người dân bất ổn, phải luôn di chuyển chỗ ở. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất. Sau đó, có thể vì lý do dịch tễ hay loạn lạc, họ đã ra đi vĩnh viễn. Vì thế, có những kho tàng trở thành vô chủ. Người nông dân đã dám đánh đổi tất cả những gì mình có để làm chủ một mảnh ruộng tầm thường. Theo cách suy nghĩ thông thường, người ta sẽ cho rằng người nông dân kia thật khờ dại. Nhưng họ đâu ngờ, đó lại là người khôn ngoan, vì đã biết đánh đổi một tài sản nhỏ để có được một kho tàng lớn lao !
Chúng ta cũng phải hy sinh từ bỏ tất cả những gì thuộc trần thế này, để đổi lấy kho tàng vô giá là hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời.
Sự khôn ngoan của người lái buôn.
Chúa Giêsu còn kể dụ ngôn “Viên Ngọc Quý” để diễn tả hình ảnh Nước Trời. Người buôn ngọc trong Tin Mừng chắc hẳn là người có nhiều vốn liếng, hiểu biết rộng rãi và am tường kiến thức về những viên đá quý. Vì thế, khi tìm được viên ngọc giá trị, ông đã trở về bán mọi của cải mình có, để mua cho bằng được viên ngọc đó. Người lái buôn đã tính toán một cách khôn ngoan khi bán tài sản đi để mua viên ngọc quý. Ông nắm chắc phần lời trong tay.
Có thể bề ngoài viên ngọc còn thô thiển chưa được mài dũa, nên trông thật tầm thường. Nhưng với đôi mắt tinh tường, ông nhìn thấy giá trị lớn lao của nó nằm ẩn khuất bên trong. Vì vậy, chính sự khôn ngoan sáng suốt đã giúp ông nắm được kho tàng vô giá trong tay.
Nước Trời là viên ngọc quý không gì sánh được. Nhưng người ta chỉ có được viên ngọc quý đó, nếu biết hy sinh đi tìm kiếm trong vất vả cực nhọc, như người lái buôn kia.
Nước Trời cũng là viên ngọc quý chỉ có thể chiếm hữu, khi người ta dám bán tất cả để mua nó. Bán đi của cải trần thế, bán đi cuộc sống tầm thường với những lỗi lầm khuyết điểm, bán đi cả những hư danh phù phiếm và những đam mê thấp hèn.
Nước Trời cũng là viên ngọc quý ẩn giấu bên trong cái vỏ bề ngoài xù xì thô nhám. Nước Trời chưa được tỏ hiện rõ ràng trên thế gian. Chỉ có những đôi mắt đức tin mới nhận ra được giá trị vô song của Nước Trời. Chỉ có những người khôn ngoan mới dám “đầu tư ” tất cả cho một kho tàng còn đang ẩn giấu đó.
Sự chọn lựa khôn ngoan.
Hôm nay, Chúa còn kể dụ ngôn “Chiếc Lưới Cá ”, cũng để diễn tả hình ảnh về Nước Trời. Bác ngư phủ sau khi kéo được mẻ cá, đã ngồi trên bờ biển lựa cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu bỏ đi.
Trước hết, hình ảnh chiếc lưới chứa đủ mọi thứ cá : cá tốt được chọn lựa, cá xấu bị loại bỏ, diễn tả viễn cảnh ngày cánh chung : người lành được ân thưởng, kẻ dữ phải chịu án phạt.
Thứ hai, hình ảnh chiếc lưới đầy cá còn nhắc nhở chúng ta phải có sự lựa chọn dứt khoát : hoặc trở nên “người lành” được ân thưởng, hoặc trở thành “kẻ dữ ” bị sửa phạt.
Có nhiều con đường đang mở ra trước mắt chúng ta để chúng ta chọn lựa. Con đường rộng rãi thênh thang sẽ dẫn đến diệt vong. Con đường chật chội vào qua cửa hẹp, sẽ dẫn đến hạnh phúc Nước Trời. Chọn con đường hẹp, ta bị thế gian coi là khờ dại, nhưng lại là điều khôn ngoan đối với Thiên Chúa. Vì con đường hy sinh, được đánh dấu bằng những thập giá, sẽ dẫn ta đến kho tàng quý giá trên trời.
Ngày xưa, họa sĩ nổi tiếng người Ý Raphael (1483-1520) vào một quán ăn mà trong túi không có một đồng xu. Lúc ấy, trong lòng ông đang ôm ấp một đề tài về hình ảnh người mẹ ru con. Bất chợt, nguồn cảm hứng trào dâng trong tâm trí ông. Vì không có vải, không có giá vẽ, ông liền mượn chủ quán cái nắp thùng rượu để vẽ. Vẽ xong, ông đổi cho chủ quán lấy một bữa ăn chưa tới 100 đồng.
Ngày nay, bức tranh “Ru Con”, một kiệt tác của Raphael, trị giá hàng triệu đôla, đang được trưng bày ở viện bảo tàng Florence, nước Ý.
Một kho tàng quý giá chỉ được đánh giá bằng một bữa ăn thanh đạm ! Nước Trời cũng là kho tàng vô giá đang ở rất gần chúng ta, thế mà chúng ta không hay biết ! Ta hãy xin Chúa cho ta đủ khôn ngoan để tìm thấy và chiếm hữu được kho tàng ẩn giấu ấy.
———————————————————————
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- Năm A
HÃY LÀM MỌI SỰ ĐỂ CÓ ĐƯỢC NƯỚC TRỜI- Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhìn vào bên trong để khám phá ra cái được cất giấu là Nước Trời : “Nước trời giống như kho báu chôn giấu trong ruộng” (Mt 13,44). Nói đến kho báu là chúng ta nói đến một cái gì đó có giá trị đặc biệt. Kho báu mà Chúa Giêsu nói đây được chôn giấu kỹ lưỡng trong tâm hồn của chúng ta, nơi sâu thẳm của mỗi người. Kho báu đó chính là Nước Trời. Nước Trời thôi thúc chúng ta vui vẻ đi tìm kiếm Nguồn Nước Hằng Sống, Chân, Thiện, Mỹ, và khi đã tìm thấy thì người ta vứt bỏ tất cả những gì là không cần thiết để có bằng được kho báu.
Có một số người như thánh Phaolô, và thậm trí ngay cả amh Trộm Lành cũng tìm thấy Nước Trời ngay lập tức, không cần phải suy nghĩ khi đối diện với Nước Trời, vì đường lối của Chúa là vô cùng vô hạn, nhưng để có được kho báu bí mật này, người ta phải cất công đi tìm kiếm: “Nước trời giống như người buôn nọ đi đi ngọc quí” (Mt 13,45). Những người tìm thấy kho báu được chôn giấu ấy có thể là vì họ không bằng lòng với cái vắn vỏi ở đời này.
Theo dòng thời gian, chúng ta đang nói về những người lo lắng hay quá tham vọng ở đời, nhưng trong thế giới thiêng liêng họ là những người lành thánh. Bằng chứng là họ không ngần ngại bán tất cả những gì mình có để mua cho bằng được thửa ruộng, nói theo kiểu thánh Gioan Thánh Giá: “Để có được tất cả, bạn hãy coi những thứ mình có là chẳng có giá trị gì”.
Nước Trời, là chủ đề hạnh phúc chúng ta tìm kiếm, đôi khi có thể được tìm thấy một cách tình cờ, như người kia tìm được kho tàng khi cày ruộng. Nó cũng có thể là kết quả của cuộc tìm kiếm lâu dài, như người buôn nọ đi tìm ngọc quý (Mt 13, 45). Và khi đã tìm được kho tàng, hay viên ngọc quý rồi, điều trước tiên như Chúa Giêsu nói là bán hết những gì đang có, để mua bằng được kho tàng và viên ngọc.
Kho tàng hay viên ngọc quí ấy là chính Đức Kitô, là tình yêu của Người. Tiên vàn hãy tìm kiếm Chúa Kitô trước đã. Điều ấy không phải là dễ, vì quanh chúng ta còn có quá nhiều ràng buộc, ngăn cản chúng ta gắn bó với Đức Kitô. Chúa Giêsu hỏi chúng ta dành cho Người tình yêu trên hết, chúng ta phải là kitô hữu 100%.
Chúa Giêsu tuyên bố: ” Không ai có thể làm tôi hai chủ » (Mt 6,24). Chỉ có « kho tàng trên trời ” chúng ta mới có thể lựa chọn để gửi gắm lòng mình : ” Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó ” (Mt 6, 20s). Thánh Phaolô nói rõ : ” Nước quê ta là trời cao ” (Ph 3,20).
Để có Đức Kitô, hay để có được Nước Trời cần phải dứt bỏ tất cả như Chúa Giêsu gọi mời : ” Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta ” (Mt 16,24). Và chỗ khác Người nói : ” Nếu ngươi muốn được trọn lành, thì hãy đi bán những gì ngươi có mà cho kẻ khó “, sau cùng Người thêm: ” đoạn hãy đến theo ” (Mt 19,21). Không những thế còn phải phấn đấu, ” bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy “. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta rằng không thể có được Nước Trời, nếu chúng ta không từ bỏ tất cả những gì chúng ta đang có : vinh quang, giầu có, địa vị và tất cả những sự tìm kiếm khác.
Qua dụ ngôn chiếc lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá, (Mt 13, 47) Chúa Giêsu cảnh báo. Đừng có lựa chọn và hành động nửa vời : cần phải hoán cải và tách mình ra khỏi tội lỗi là những thứ ngăn cản chúng ta đi tìm Thiên Chúa và Nước Trời.
Chúng ta hãy nài xin Chúa Giêsu, nhờ lời Đức Mẹ, ban cho mỗi người ơn can đảm vứt bỏ tội lỗi, ma quỉ, thế gian và xác thịt như chúng ta vẫn tuyên xưng vào Đêm Vọng Phục Sinh, và cam kết chọn Chúa Giêsu là lẽ sống của chúng ta, đồng thời cố gắng làm mọi sự có thể để có được Nước Trời. Amen.