CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
ĐÓN TIẾP (*)- Suy niệm Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông. 6
TỪ BỎ MÌNH ĐỂ THEO ĐỨC GIÊSU- Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long 17
BIẾT ĐÓN NHẬN THA NHÂN- Lm Giuse Đinh lập Liễm.. 25
CHIA SẺ THÂN PHẬN CỦA ĐỨC KITÔ- THÁI ĐỘ ĐÓN TIẾP- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái 39
NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ – ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt. 53
SIÊU THOÁT- Lm. Giuse Đỗ Vân Lực. 57
ĐỨC TÍNH NGƯỜI MÔN ĐỆ– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC 63
ĐƯỢC VÀ MẤT- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An. 66
CÙNG VÁC THẬP GIÁ VỚI CHÚA GIÊSU – Lm. Trần Ngà. 71
NGHỊC LÝ CỦA TIN MỪNG- Lm Antôn Nguyễn Văn Độ. 80
————————————————————–
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
BÀI ĐỌC I: 2 V 4, 8-11. 14-16a
“Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa”.
Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó”. Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): “Bà muốn chúng ta làm gì cho bà?” Giêzê nói rằng: “Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già”. Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.
2) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.
3) Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của Israel.
BÀI ÐỌC II: Rm 6, 3-4. 8-11
“Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 14, 5
All. All. – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – All.
PHÚC ÂM: Mt 10, 37-42
“Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó. “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.
Ðó là lời Chúa.
——————————————————————–
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
ĐÓN TIẾP (*)- Suy niệm Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Chủ đề Chúa Nhật XIII Thường Niên năm A này có thể được gọi là Chúa Nhật của sự đón tiếp. Đây là chủ đề được bàn đến trong bản văn Cựu Ước, cũng như trong bản văn Tin Mừng.
2V 4: 8-11, 14-16
Bài Đọc I, được trích từ sách Các Vua cuộn hai, thuật lại một người phụ nữ ngoại giáo xứ Su-nêm đã đón tiếp ngôn sứ Ê-li-sa, người của Thiên Chúa, một cách vô vị lợi vào thế kỷ IX tCn.
Rm 6: 3-4, 8-11
Từ Chúa Nhật XIII này cho đến Chúa Nhật XXIV Thường Niên năm A, chúng ta đọc thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Bản văn hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về bí tích Thánh Tẩy.
Mt 10: 37-42
Tin Mừng Mát-thêu hôm nay được trích từ diễn từ về “sứ mạng truyền giáo” của Đức Giê-su, trong đó Đức Giê-su khuyên các môn đệ từ bỏ chính mình và mời gọi các cộng đồng Ki-tô hữu tiếp đón họ như chính Ngài: “Ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy”.
BÀI ĐỌC I (2V 4: 8-11, 14-16)
Hai cuộn sách “Các Vua” tường thuật lịch sử mười chín vua Ít-ra-en và hai mươi vua Giu-đa. Trong toàn bộ Cựu Ước, hai tác phẩm này được minh họa bằng một số lượng lớn những chuyện truyền kỳ ý nhị, ly kỳ, về những ngôn sứ có đời sống tôn giáo rất tinh tế.
Những chuyện truyền kỳ về các ngôn sứ trong hai sách Các Vua:
Các ngôn sứ chiếm một vị thế đáng kể ở trong hai tác phẩm này. Về lãnh vực “chính trị”, họ là những người gây dựng và phá đổ các vua; về lãnh vực “tôn giáo”, họ là những người bảo vệ lòng trung tín đối với Đức Chúa; về lãnh vực “thần thông”, họ có quyền phép thực hiện những điềm thiêng dấu lạ. Ba ngôn sứ vĩ đại trổi vượt trên tất cả các ngôn sứ khác: Ê-li-a, Ê-li-sa vào thế kỷ IX, và I-sai-a vào thế kỷ VIII tCn.
Ngôn sứ Ê-li-sa là một điền chủ giàu có, được ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi trở thành môn đệ truyền chân của mình. Không một chút ngần ngại, ông đã từ bỏ tất cả mà theo thầy. Từ đó, ông trở thành bạn đồng hành trung thành và kế nghiệp thầy sau khi thầy biến mất một cách mầu nhiệm. Như thầy mình là ngôn sứ Ê-li-a, ngôn sứ Ê-li-sa thi hành sứ vụ của mình trong vương quốc miền Bắc, chủ yếu dưới triều đại của vua Giô-ram (852-841 tCn).
Tập truyện về ngôn sứ Ê-li-sa thì đầy dẫy những kỳ tích chẳng kém gì tập truyện của ngôn sứ Ê-li-a. Chắc hẳn các môn đệ của vị ngôn sứ này, vì muốn độc giả thấy rằng thầy mình chẳng thua kém vị tiền nhiệm của thầy nên đã gán cho ông những kỳ tích tương tự, thậm chí giống y như những kỳ tích của ngôn sứ Ê-li-a. Chẳng hạn như ngôn sứ Ê-li-sa thực hiện phép lạ khi làm cho bình dầu của một bà góa không hề vơi (2V 4: 1-7) có thể sánh ví với phép lạ mà ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho bà góa xứ Xa-rếp-ta. Phép lạ này mở đầu cho câu chuyện về lòng hiếu khách của một người phụ nữ xứ Su-nêm được trích dẫn hôm nay.
Lòng hiếu khách của người phụ nữ xứ Su-nêm:
Su-nêm là một thành phố nhỏ bé miền Ga-li-lê, gần thành Na-im, dưới chân núi Hê-môn. Vào thời Cựu Ước có nhiều người Su-nêm sinh sống ở đây. Người phụ nữ Su-nêm nổi tiếng nhất là vị hôn thê của sách Diễm Tình Ca. Đó cũng là người phụ nữ xứ Su-nêm của sách Các Vua cuộn hai này. Bản văn nói với chúng ta rằng bà “thuộc giới thượng lưu”, nghĩa là “một mệnh phụ”.
Lòng hiếu khách vốn là tập quán của các dân tộc thời xưa. Việc tiếp đãi khách vừa tự phát vừa quảng đại. Cựu Ước cung cấp cho chúng ta nhiều mẫu gương về lòng hiếu khách này. Tuy nhiên, lòng hiếu khách của người phụ nữ xứ Su-nêm này không là chuyện thường tình. Người khách mà bà tiếp đón tận tình trong nhà mình, không chỉ là một khách qua đường nhưng còn là “một người của Thiên Chúa”, nghĩa là một ngôn sứ. Bà bảo xây cho vị ngôn sứ một phòng nhỏ trên sân thượng, là nơi hảo hạng ở đó người ta thích ẩn mình hay nằm nghỉ qua đêm vào những lúc khí trời nóng nực.
Lòng hiếu khách được đền đáp:
Ngôn sứ Ê-li-sa muốn đền đáp sự tiếp đón thịnh tình của bà bằng một cử chỉ biết ơn. Ông cho mời bà Su-nêm đến. Bà đến đứng ngoài cửa. Lúc đó vị sứ giả của Thiên Chúa cho bà một lời hứa mà chỉ có sứ giả của Thiên Chúa mới có thể thực hiện được bởi vì vào lúc đó bà không thể sinh con, còn chồng bà đã cao niên: “Sang năm, cũng vào thời kỳ này, bà sẽ có cháu trai bồng”. Chuyện tích này được điểm tô với những hồi ức của sách Sáng Thế, trong đó ba sứ thần Đức Chúa ban cho bà Sa-ra cùng một lời hứa như vậy (St 18: 10).
Phần cuối câu chuyện không trích dẫn cho chúng ta trong bản văn hôm nay. Con trẻ chết bất đắc kỳ tử. Ngôn sứ Ê-li-sa phục sinh cậu như ngôn sứ Ê-li-a đã phục sinh con trai bà góa xứ Xa-rếp-ta. Hai chuyện tích này xem ra như bộ đôi, nằm giữa truyền thuyết và lịch sử. Người kể chuyện đã muốn nhấn mạnh rằng việc tiếp đón vô vị lợi và nhân ái có một tầm quan trọng dưới thánh nhan Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay trở lại chủ đề này về tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với những ai thực hành lòng hiếu khách này.
BÀI ĐỌC II (Rm 6: 3-4, 8-11)
Chúng ta đã đọc rồi nhiều đoạn trích thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Năm Phụng Vụ này trình bày quan điểm đầy đủ nhất của thư này. Như vậy, chúng ta sẽ đọc thư Rô-ma này từ Chúa Nhật XIII này cho đến Chúa Nhật XXIV Thường Niên năm A.
Ngữ cảnh:
Xin được nhắc lại rằng thư này được viết từ Cô-rin-tô vào mùa đông năm 57-58 trong đó thánh Phao-lô trình bày một tổng thể đạo lý rộng lớn nhất trong các thư của thánh nhân.
Trong đoạn trích thư hôm nay, thánh Phao-lô trình bày thần học cách hùng hồn và mạnh mẽ về bí tích Thánh Tẩy. Thần học này phù hợp với thần học mà chính Đức Giê-su ngỏ lời với ông Ni-cô-đê-mô: “Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3: 5).
Những gì thánh Phao-lô khai triển ở đây dựa vào hình thức tiên khởi của bí tích Thánh Tẩy: nhận chìm mình trong nước. Dự tòng bước xuống bể nước Thánh Tẩy và khi người ấy bước lên khỏi nước, người ta mặc cho người ấy một chiếc áo trắng tinh tuyền, dấu chỉ của sự đổi mới nội tâm. Đây là chiều kích biểu tượng đầu tiên về bể nước thanh tẩy và ơn thánh hóa. Chính thánh Phao-lô đã gợi lên điều này nhiều lần khi thánh nhân viết cho tín hữu Cô-rin-tô“Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!” (1Cr 6: 11), và khi thánh nhân viết cho tín hữu Ê-phê-xô: “Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống” (Ep 5: 25-26).
Nhưng trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân diễn tả các nghi thức Thánh Tẩy thành biểu tượng của sự chết và cuộc tái sinh, thậm chí cả cuộc phục sinh, biểu tượng này liên kết cách biểu cảm hơn giá trị thánh hóa của bí tích Thánh Tẩy với cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Biểu tượng của cái chết:
Bể nước thanh tẩy được sánh ví với ngôi mộ trong đó người chịu phép Thánh Tẩy như được mai táng: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để nên một với Đức Ki-tô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người”.
Cái chết của Đức Ki-tô là “chết đối với tội”. Khi chấp nhận cái chết thể lý, Đức Ki-tô làm cho mình trở nên liên đới với nhân loại tội lỗi. Người chịu phép Thánh Tẩy, bằng cách tái hiện cái chết này một cách mầu nhiệm, người ấy cũng chết vì tội lỗi, vì thế nên một với Đức Ki-tô người ấy có thể chiến thắng sự dữ.
Biểu tượng của sự sống:
Vì thế, việc trồi lên khỏi nước có thể được sánh ví với cuộc tái sinh, khai mở một cuộc sống mới, theo sát nghĩa: một cuộc hành trình vào một đời sống mới. Sức mạnh đầy năng động của Chúa Thánh Thần mà dự tòng nhận được ở bí tích Thánh Tẩy được gợi ý cách mặc nhiên.
Ngoài ra, người ấy được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, đó là bảo chứng cho cuộc phục sinh: “Cũng như Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết do quyền năng vinh hiển của Chúa Cha… Chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”. Thánh Phao-lô cũng sẽ viết cho tín hữu Cô-lô-xê theo cùng những từ ngữ như vậy, khi thánh nhân bị giam cầm ở Rô-ma: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được chỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2: 12). Như vậy, ngay từ bây giờ chứ không phải đợi đến cuộc sống mai hậu, nếu chúng ta chết đối với tội, Đức Ki-tô cho chúng ta được sống bằng sự sống của Ngài.
TIN MỪNG (Mt 10: 37-42)
Thánh Mát-thêu đã tập hợp những lời dạy của Đức Giê-su thành năm bài diễn từ: diễn từ trên núi, cũng được gọi “Hiến Chương Nước Trời” (bắt đầu với các mối phúc thật), diễn từ về sứ vụ truyền giáo, diễn từ về các dụ ngôn, diễn từ về Giáo Hội và diễn từ về thời cánh chung. Diễn từ về “sứ vụ truyền giáo” hình thành nên một đơn vị rất rõ nét: Đức Giê-su vừa mới chọn nhóm Mười Hai và trình bày cho họ những gì Ngài chờ đợi từ họ. Vào Chúa Nhật XIII này, bản văn chỉ trích dẫn những huấn thị sau cùng.
Người Tông Đồ và sự từ bỏ:
Đức Giê-su đòi hỏi các Tông Đồ phải từ bỏ cách triệt để. Đây là lời mời gọi theo Đức Giê-su không một chút do dự, không lưu luyến quá khứ, yêu mến Ngài vô giới hạn, trên cả những mối tình thâm ruột thịt. Rồi, dưới Giao Ước Cũ, chi tộc Lê-vi, được thánh hiến để phụng sự Đức Chúa, bị đòi hỏi phải từ bỏ tương tự. Lê-vi là “người đã nói về cha mẹ nó: ‘Tôi không nhìn thấy họ’, anh em nó, nó không nhìn nhận, con cái nó, nó không biết” (Đnl 33: 9).
Chính Đức Giê-su đã cho một mẫu gương, Ngài đã rời bỏ gia đình mình, bà con làng xóm mình, nghề nghiệp mình mà ra đi thi hành sứ vụ mình bằng việc tận hiến cho tha nhân. Khi những thân nhân của Ngài tìm cách ngăn trở sứ vụ của Ngài, Đức Giê-su trả lời: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12: 49-50; Mc 3: 31-35; Lc 8: 19-21).
Các Tông Đồ đã hiểu những đòi hỏi này khi Ngài cất tiếng gọi họ: “Hãy theo tôi”. Hai anh em ông Phê-rô và An-rê đã để lại thuyền và lưới mà đi theo Ngài. Hai anh em ông Gioan và Gia-cô-bê cũng đã làm như vậy, thậm chí cả cha già của mình nữa. Ông Mát-thêu, viên chức thu thuế, đã không một chút do dự từ bỏ nghề nghiệp béo bở hái ra tiền cũng như gia đình cùng bạn bè mà theo Ngài.
Người môn đệ và sự đau khổ:
Huấn lệnh khắc nghiệt này: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”, được ngỏ lời không chỉ với những người ưu tuyển mà còn với hết mọi người. Quả thật, thánh Mác-cô viết: “Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: ‘Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo’” (Mc 8: 34), còn thánh Lu-ca thì lại viết: “Rồi Đức Giê-su nói với mọi người….” (Lc 9: 23-24 và 14: 26-27).
Người ta tự hỏi phải chăng Đức Giê-su đã sử dụng diễn ngữ: “vác thập giá mình” như quy chiếu đến cuộc Khổ Nạn tương lai của Ngài, mà ngay vào lúc này các môn đệ chưa thể nào hiểu được. Hay phải chăng Đức Giê-su đã dùng những kiểu nói dễ hiểu hơn như “gánh nặng”, “cái ách” thay cho hình ảnh thập giá như Ngài làm ở chỗ khác? Chúng ta không thể cho rằng hình ảnh “thập giá” không phải hình ảnh Đức Giê-su đã nói vào lúc này, bởi vì hình phạt thập giá không là điều gì xa lạ đối với những người đương thời. Hai mươi năm trước đó, chính quyền Rô-ma đã trấn áp cuộc nổi loạn của nhóm Nhiệt Thành bằng cách ra lệnh đóng đinh hàng trăm kẻ phản loạn. Và vào năm thứ tư trước Công Nguyên, quan tổng trấn Xy-ri-a, Quintilius Varus, đã ra lệnh đóng đinh vào thập giá hai ngàn người Do thái, việc này đã để lại trong ký ức một hồi ức khủng khiếp.
Qua hình ảnh “thập giá”, Đức Giê-su báo trước nỗi đau khổ đang chờ đợi những ai muốn là môn đệ của Ngài. Đức Giê-su không tìm cách làm nhẹ đi lời nói của Ngài. Ngài đã loan báo rồi những bách hại sẽ giáng xuống trên họ (Mt 10: 17-25). Tình yêu mà Ngài đòi hỏi ở nơi họ là phải đi cho đến mức liều mất mạng sống mình vì Ngài. Sau lời loan báo đầu tiên về cuộc Khổ Nạn của Ngài, Đức Giê-su sẽ lập lại những đòi hỏi căn bản này: vác lấy thập giá mình mà theo Ngài, đừng cố cứu mạng sống mình, nhưng liều mất mạng sống mình vì Ngài để gặp thấy sự sống đích thật (Mt 16: 24-26 và Mc 8: 34-35; Lc 17: 33 và Ga 12: 25). Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su còn nói rõ hơn: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12: 25).
Cộng đoàn và sự đón tiếp:
Bù lại, những ai dám từ bỏ cách anh dũng như vậy, cộng đoàn Ki-tô hữu phải niềm nở đón tiếp họ và thấy ở nơi họ chính Đức Ki-tô và “Đấng đã sai Ngài”. Như vậy, sau khi đã phác họa một bức tranh nhiều gam màu khổ đau, Đức Giê-su lại đặt niềm tin tưởng vào các môn đệ Ngài: Ngài đồng hóa các ông với Ngài, Ngài cho các ông được liên đới với sự hiện diện của Thiên Chúa mà các ông sẽ là dấu chỉ. Đối với những ai đã từ bỏ gia đình xác thịt, Ngài hứa một gia đình thiêng liêng.
“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính”. Hai thuật ngữ: “ngôn sứ” và “người công chính”, được mượn ở Cựu Ước, ở trong bản văn Tin Mừng này xem ra thuật ngữ ngôn sứ chỉ ra các nhà truyền giáo và thuật ngữ người công chính chỉ ra các tín hữu.
“Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. “Những kẻ bé nhỏ” mà Chúa Giê-su muốn nói trước hết chính là các Tông Đồ, họ thuộc về những kẻ bé mọn mà những mặc khải về Nước Trời đã được hứa ban cho họ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11: 25). Tuy nhiên, thuật ngữ này có một ngữ nghĩa rộng lớn hơn. Thánh Mác-cô và thánh Lu-ca tường thuật rằng vào lúc đó Đức Giê-su đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9: 48; Mc 9: 36-37).
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
———————————————————————-
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- Năm A
TỪ BỎ MÌNH ĐỂ THEO ĐỨC GIÊSU- Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long
Ngữ cảnh
Chúng ta đang ở trong Bài diễn từ về Truyền giáo của Tin Mừng Mt (Mt 9,36–11,1). Toàn bài có bố cục như sau:
– Dẫn nhập (9,36–10,5a):
- a) Các yếu tố xác định (9,36-38),
- b) Việc trao ban quyền và các tên gọi (10,1-5a);
– Phần chính (10,5b-42):
- a) Nhiệm vụ của các tông đồ (cc. 5b-15),
- b) Những khó khăn và cách thức thắng vượt (10,16-42);
– Kết (11,1).
Riêng phân đoạn 10,16-42 có bố cục như sau:
-Sự bách hại các tông đồ phải chịu (10,16-39):
- a) Hoàn cảnh tởng quát của các sứ giả (10,16),
- b) Loài người sẽ xử tệ với các ông (10,17-23),
- c) Số phận chung của môn đệ và thầy (10,24-25),
- d) Lý do khiến các ông không được nao núng (10,26-31),
- e) Tương quan của các ông với Đức Giêsu (10,32-39);
– Việc tiếp đón các tông đồ (10,40-42).
Bố cục
Bản văn 10,37-42 có thể chia thành hai phần:
-Ưu tiên chọn lựa Đức Giêsu (10,37-39);
-Tiếp đón các tông đồ (10,40-42).
Vài điểm chú giải
– Ai yêu (37): Đức Giêsu “ghen” trong chiều hướng của lòng ghen của Thiên Chúa, được Cựu Ước nói tới (Đnl 29,20; 32,16;…). Nhưng “yêu” ở đây không phải là động từ agapân (x. 5,43; 19,19; 22,37tt) để chỉ tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại; đây là động từ philein, thường được Mt dùng theo nghĩa tiêu cực: “gắn bó với”, “đem lòng thương mến”, “thích điều này điều nọ” (x. 6,5; 23,6; 26,48). Tuy nhiên, không phải Đức Giêsu dạy sự bất hiếu, bất kính (x. Lc 2,49; Mc 3,33-35). Ngài chỉ muốn nói rằng đứng trước ý muốn của Thiên Chúa, công việc của Thiên Chúa, bản thân Người, mọi giá trị khác và mọi người khác đều phải xuống hàng thứ yếu.
– không xứng với Thầy (38): Đây là sự xứng đáng hiện sinh. Ai không đoạn tuyệt với những liên hệ thân thương nhất (nếu cần) để đi theo Đức Giêsu, thì đã tự làm cho mình nên bất xứng với Ngài.
– mang lấy thập giá (38): Bước theo Đức Kitô, là theo Ngài trên một con đường đầy đau khổ tàn bạo và công khai (như người tử tội vác thập giá đi giữa hai hàng người thích thú man rợ và đối xử dã man với mình). Vậy phải tiên liệu và chấp nhận sự chống đối dữ dội và hầu như công khai do mình là môn đệ của Đức Kitô.
– một trong những kẻ bé nhỏ (42): Đây là người không có trách nhiệm gì đặc biệt trong cộng đoàn Kitô hữu. Dù chỉ là “môn đệ” chứ không là gì khác, người ấy cũng được đặt ngang hàng với tất cả mọi người. Những người ấy không làm gì ngoài việc “tin” (x. 18,6), cũng đáng được trân trọng và yêu thương đặc biệt.
Ý nghĩa của bản văn
* Ưu tiên chọn lựa Đức Giêsu (37-39)
Phân đoạn 10,32-39 nhắm vào quan hệ với Đức Giêsu. Lời văn có vẻ nghịch lý, nhưng để nói rằng coi trọng Đức Giêsu hơn, duy trì bằng mọi giá sự hiệp nhất với Ngài, là con đường duy nhất để có sự hiệp nhất với Thiên Chúa và được sống. Ở đây vẫn là ý tưởng cần phải chọn giữa Thiên Chúa và loài người, như đã thấy ở 10,26-31. Những nhân vật liên hệ với nhau trong tương quan được mô tả ở 10,32-33, là: Cha trên trời của Đức Giêsu (ở 10,20.29: Cha anh em), Đức Giêsu, cá nhân, loài người. Cá nhân phải tự quyết định, phải chọn lấy sự hiệp thông công khai và được tuyên xưng thẳng thắn với Đức Giêsu để qua Đức Giêsu, đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa. Ngược lại, ai chối Đức Giêsu thì cũng tách khỏi Thiên Chúa. Một hình thái cho thấy là người ta nhìn nhận Đức Giêsu công khai, đó là loan báo không sợ hãi sứ điệp của Ngài (x. 10,27). Ở 10,34-39, tác giả không còn nói rõ ràng đến Thiên Chúa Cha nữa, cũng chẳng nói đến loài người cách tổng quát nữa. Tương quan được giới hạn lại với Đức Giêsu, với các thành viên của một gia đình và với từng cá nhân. Một lần nữa, lại cần phải chọn lựa rõ ràng. Đức Giêsu, sự hiệp nhất với Ngài, phải được coi trọng hơn mọi người, cho dù điều này tạo ra những mâu thuẫn với những thành phần của gia đình mình. Và cuối cùng, phải chọn đi theo Đức Giêsu trên con đường đưa tới thập giá; sự hiệp nhất với Đức Giêsu phải là sự hiệp nhất với Ngài trong tất cả thực tại của Ngài và phải được coi trọng hơn cả chính mạng sống mình. Chỉ người nào chịu mất mạng vì Đức Giêsu, thì mới tìm được mạng sống (10,39). Điều được nói ở 10,32-39 là lý do quyết định khiến người ta loan báo không sợ hãi, nhưng còn đi xa hơn, nghĩa là nó xác định rằng trong mọi trường hợp, sự hiệp nhất với Đức Giêsu phải được coi trọng hơn mọi sự và mọi người.
* Tiếp đón các tông đồ (40-42)
Sang phần này, Đức Giêsu nói về tư cách của các môn đệ. Từ ngữ “anh em” ở c. 40 nhắm tới các môn đệ cũng là tông đồ, lại được diễn giải bằng ba danh từ “ngôn sứ”, “người công chính” và “kẻ bé nhỏ”: các ông giúp hiểu đúng đắn ý Thiên Chúa, các ông cũng chia sẻ đời sống của mọi tín hữu, nhưng các ông chấp nhận đời sống truyền giáo trong nếp sống nghèo khó và khiêm tốn (x. cc. 9-10).
Tiếp đón các tông đồ được coi như là tiếp đón Đức Giêsu, và tiếp đón Đức Giêsu thì cũng như tiếp đón chính Thiên Chúa (= Đấng đã sai Đức Giêsu). Mười hai tông đồ là những sứ giả của Đức Giêsu (x. apostellein ở 10,5.16), còn Đức Giêsu thì được Thiên Chúa cử đi (x. apostellein ở 10,40; 15,24; 21,37). Nguồn mạch tối hậu của mọi sứ vụ là chính Thiên Chúa, Đấng đồng thời là chủ mùa gặt và Đấng sai phái các thợ gặt (9,36-38). Sự liên kết này giữa các cuộc sai phái là nền tảng cho thấy vì sao có sự tương đương trong việc đón tiếp; và sự tương đương trong đón tiếp lại cho thấy giá trị và tầm quan trọng của hoạt động của các tông đồ của Đức Giêsu. Cả phần thưởng cho việc tiếp đón cũng dựa trên sự liên kết ấy giữa các cuộc sai phái. Ở 10,14t, sự trừng phạt cánh chung dành cho việc không tiếp đón lại chứng tỏ tầm quan trọng của công việc của các tông đồ. Ở 10,41t, ngược lại, phần thưởng cánh chung (x. 5,12: trên trời; 6,1: nơi Cha anh em, Đấng ngự trên trời) dành cho việc tiếp đón cũng có chức năng như thế.
+ Kết luận
Đã gắn bó với Đức Giêsu, thế nào người môn đệ cũng phải đi vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm công khai; và không có một “cuộc dấn thân” nào theo lệnh Đức Kitô, mà lại không đồng thời là hành vi thâm sâu và riêng tư nhất (mất mạng sống). Người môn đệ sẽ phải chia sẻ thập giá với Đức Giêsu. Nhưng bất cứ người môn đệ nào, dù là người bé nhỏ khiêm tốn nhất, cũng có quyền coi tất cả những gì được nói ở đây là nói cho chính họ: họ được sai đi, và họ được liên kết với số phận của Thầy chí thánh.
Gợi ý suy niệm
-Thật ra bước theo Đức Giêsu không có nghĩa là không yêu thương cha mẹ hoặc con cái mình. Phải nói là trái lại nữa: ai thật sự bước theo Đức Kitô thì đạt được sự tự do mới, một tự do đích thực, khiến người ấy có thể thật sự yêu thương cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, tình yêu này là một tình yêu được “nâng cấp” bởi tình yêu đối với Đức Kitô: ta yêu thương người khác vì Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng để được như thế, người môn đệ phải dứt khoát chọn Đức Kitô.
-Chọn lựa làm ki-tô hữu có thể đẩy người ta vào tình trạng ngặt nghèo, có thể gây khó khăn cho những dây liên hệ thân thương nhất. Tuy nhiên, khi đứng trước cái ngưỡng cửa là thử thách lớn lao nhất (tử đạo), người ta không được để cho mình chao đảo bởi lòng thương đối với con cái hoặc cha mẹ mình. Hoàn cảnh có thể là tế nhị và khó khăn, nhưng phải can đảm quyết định; nếu không, người ta có thể phản bội Đức Kitô và phải gánh chịu những hậu quả bi đát (c. 33).
-Tất cả những ai cộng tác cách nào đó vào hoạt động truyền giáo và ngôn sứ, thậm chí chỉ cho một chén nước lã mà thôi, thì cũng được chia sẻ những mệt nhọc và công trạng của các vị thừa sai. Họi Thánh là một thân thể, nên bất cứ thành viên nào cũng phải chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng của toàn thân thể, cho dù chỉ đảm nhận một phận vụ khiêm tốn. Cho dù chỉ giúp đỡ các sứ giả, các ngôn sứ, các tín hữu tầm thường, về mặt vật chất, người ta cũng đang tham dự vào công cuộc loan báo Tin Mừng.
—————————————————————-
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- Năm A
BIẾT ĐÓN NHẬN THA NHÂN- Lm Giuse Đinh lập Liễm
DẪN NHẬP
Các bài đọc Chúa nhật hôm nay nhắc ta hãy lưu tâm đến việc tiếp nhận tha nhân, nhất là đón nhận những người nghèo hèn, bé mọn, cô thế cô thân, bị bỏ rơi… Đón tiếp tha nhân chính là đón nhận Chúa Kitô. Muốn đón tiếp phải có lòng yêu thương, thành thật, hy sinh, từ bỏ, tế nhị, cởi mở. Biết đón tiếp là bước khởi đầu của tình yêu. Chúa Giêsu hứa sẽ ban thưởng bội hậu cho những ai có lòng quảng đại biết tiếp rước những người nghèo hèn, làm phúc bố thí cho họ dù chỉ một bát nước lã.
Qua bài đọc sách Các Vua, một bà già son sẻ sang trọng miền Sunêm rất giầu lòng quảng đại đã mời tiên tri Elisê dùng bữa khi tiên tri đi ngang qua. Do lòng quảng đại bác ái đó, bà đã khám phá ra đây là người của Thiên Chúa. Bà lại càng trân trọng tiếp đãi nồng hậu hơn : dọn phòng trên lầu, có giường, có ghế, có đèn… Qua nghĩa cử “cho khách đỗ nhờ”, bà ta đã được đền đáp xứng đáng : sẽ có được con trai trong lúc hai ông bà đã cao niên.
Sự đón tiếp cần phải với tấm lòng. Đón tiếp vào nhà, với tinh thần chỉ có thể thực hiện nếu có sự đón tiếp với tấm lòng chúng ta, vì nói cho cùng, đón tiếp là tự hiến dâng : đấy là biết từ bỏ sự thỏai mái riêng tư, sự yên tĩnh của mình để lo cho người khác. Một sự hiến dâng như thế chỉ có thể thực hiện theo lệnh của con tim chúng ta. Sự hiến dâng này chỉ đầy đủ ý nghĩa nếu nó biểu hiện sự đón tiếp từ trong lòng, làm cho tình thương nên trong sáng và bất vụ lợi. Chúa Giêsu đã nói :”Kẻ nào đón tiếp các ngươi là đón tiếp chính Ta”.
TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : 2V 4,8-11. 14-16
Trên đường sứ mạng, ngày kia tiên tri Êlisê ghé thăm nhà một người đàn bà ở Sunêm. Bà này tỏ ra rất qúi trọng nhà tiên tri vì bà coi ông là vị thánh của Thiên Chúa. Được sự đồng ý của chồng, bà đã dọn cho tiên tri một phòng ở trên lầu với đầy đủ những thứ cần thiết, để bất cứ lúc nào tiên tri cũng có thể đến trú ngụ.
Đáp lại tấm thịnh tình của bà, tiên tri đã cầu khẩn Thiên Chúa ban tặng cho bà một đứa con vì bà hiếm muộn và chồng bà đã già. Lời cầu xin của ông đã được chấp nhận. Ông nói với bà :”Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng” (2V 4,16).
+ Bài đọc 2 : Rm 6,3-11.
Bài đọc 2 chỉ là chủ đề phụ. Trong thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô dạy cho các tín hữu biết rằng nhờ Phép Rửa chúng ta đã cùng được mai táng với Đức Kitô, và sẽ được cùng với Ngài sống lại hiển vinh để hiệp thông một cách nhiệm mầu vào chính sự sống của Thiên Chúa :”Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6,11).
+ Bài Tin mừng : Mt 10,37-42.
Đức Giêsu đưa ra một điều kiện rất khắt khe đối với những người muốn bước theo Ngài. Theo Chúa thì phải yêu mến Ngài trên hết, trên cả cha mẹ vợ con và trên cả thân mình. Như vậy Ngài có ý nói theo Ngài thì không được để bị ràng buộc bởi gia đình.
Ngoài ra, Chúa đòi chúng ta yêu mến Ngài hơn tất cả trong việc vác thập giá theo Ngài và biết đón tiếp người khác nhất là những người bé mọn. Điều này đòi hỏi người theo Chúa phải quên mình. Quên mình là từ bỏ những gì liên quan đến con người và mọi liên hệ của bản thân từ sự sống cho đến tình cảm.
THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Thương người có mười bốn mối
Mỗi sáng Chúa nhật chúng ta đều đọc kinh “Thương người có mười bốn mối : 7 mối qui về thể xác và 7 mối qui về tinh thần , nghĩa là thương con người toàn diện. Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta phải lưu tâm tiếp đón mọi người, không những phải tiếp đón các sứ giả của Chúa một cách cẩn trọng mà còn đón tiếp tất cả những kẻ bé mọn vì tất cả đều là môn đệ của Chúa.
BÀI HỌC CHÚA DẠY HÔM NAY
Nhà triết học hiện sinh Pháp, ông Jean Paul Sartre, có nói một câu làm cho chúng ta ngạc nhiên :” L’enfer c’est les autres”: Tha nhân là hỏa ngục đối với ông. Thật là một câu nói quái gở vì nó đi ngược hoàn toàn với Tin mừng.
Tha nhân là ai ? Họ ở đâu ? Làm thế nào tìm được họ ? Thưa, họ là mọi người ở quanh chúng ta, chúng ta có thể tìm thấy dễ dàng, có thể động chạm đến họ. Nếu chúng ta hỏi Chúa Giêsu : người khác hay tha nhân là ai ? Chúa Giêsu sẽ trả lời ngay :”Tha nhân chính là Ta” bởi vì Ngài đã khẳng định :”Sự gì ngươi làm cho một người bé mọn nhất vì danh Ta, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi buộc các môn đệ của Chúa phải yêu mến Chúa trên hết, hơn cả cha mẹ anh em, ngay cả mạng sống của mình. Đây là một đòi hỏi rất khắt khe và dứt khoát. Sau đó, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy tiếp đón các môn đệ của Chúa.
Trước hết để xác định sự duy nhất giữa Đấng sai đi và người được sai đi :”Ai tiếp đón các con là tiếp đón Thầy, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Sau đó, để phân biệt chi tiết sự đón nhận theo ba mức độ giảm dần một cách nghịch lý : các “tiên tri”, những “người công chính”, những “kẻ bé mọn”, và long trọng xác nhận họ có tư cách xứng đáng là sứ giả của Phúc âm.
Các “tiên tri” hiển nhiên là những Kitô hữu. Họ đã thi hành một tác vụ được chấp nhận trong Giáo hội sơ khai.
Những “người công chính” có lẽ là những thành phần được kính trọng trong cộng đoàn Kitô hữu.
Còn những “kẻ bé mọn” là các môn đệ, họ chẳng làm gì hơn là “tin” vào Đức Kitô. Họ cũng đáng được trân trọng và yêu mến đặc biệt (Fiches dominicales, năm A, tr 215).
Tất cả những điều nói trên chung qui lại cũng chỉ nói về “môn đồ Chúa Giêsu”, nghĩa là Kitô hữu thông thường, kẻ được sai đi và liên kết với sứ mạng của Thầy mình. Ngay cả người Kitô hữu khiêm hạ nhất, tức là kẻ “bé mọn”, cũng có thể gán cho mình những điều đã nói trên.
Ta phải lưu tâm đến hết mọi người và phục vụ họ ngay cả trong những chuyện tầm thường nhất, như cho một ly nước lã. Vì bất cứ một sự lưu tâm nào đối với kẻ “bé mọn” nhất cũng là một sự lưu tâm đối với Chúa. Khi mở rộng lòng mình cho tha nhân như thế, ta sẽ “được sự sống” là điều duy nhất có thể làm cho ta thỏa mãn.
GƯƠNG SÁNG VỀ SỰ ĐÓN TIẾP
Trong Kinh thánh chúng ta thấy còn ghi lại một vài nét đẹp của sự tiếp đón đáng cho chúng ta bắt chước. Những gương sáng này vẫn luôn giữ được tính cách thời sự của nó.
Ông Abraham (St 18)
Ông là một con người hiếu khách và quảng đại. Khi thấy ba khách lạ đang đi trong sa mạc nắng cháy, không những ông mời mà còn năn nỉ họ vào nhà nghỉ và ân cần săn sóc họ một cách chu đáo. Ba người khách lạ đó là ai ? Đó là ba sứ giả của Thiên Chúa.
Đáp lại tấm thịnh tình và lòng quảng đại của ông, ba sứ giả ban cho vợ chồng hiếm muộn này một đứa con trai đầu lòng. Đó là cậu Isaác.
Một gia đình ở Su-nêm
Khi tiên tri Elia qua Su-nêm, một bà giầu có rất hiếu khách đã mời Elia vào nhà dùng bữa với sự săn sóc tỉ mỉ. Bà còn dọn cho tiên tri một phòng trên gác đầy tiện nghi để tiên tri có thể lui tới tự do.
Đáp lại tấm lòng quảng đại của bà, Elia cũng hứa ban cho bà một đứa con vì bà son sẻ :”Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng” (Bài đọc 1).
Gia đình ba chị em ở Bêtania
Chúa Giêsu rất thương ba chị em này, mỗi khi đi qua Bêtania, Chúa và các môn đệ thuờng ghé thăm chị em và nghỉ ngơi. Chị cả Matta rất hiếu khách, dọn cho Chúa những bữa ăn ngon. Còn cô em Maria đón tiếp Chúa bằng cách ngồi dưới chân Chúa mà nghe Ngài dạy dỗ, cách đón tiếp này cũng làm cho Chúa rất hài lòng. Còn Lagiarô là đàn ông thì tiếp theo kiểu đàn ông là nhậu và chuyện trò với Chúa.
Đáp lại sự đón tiếp ân cần và thành thực của ba chị em, Chúa Giêsu đã làm cho Lagiarô sống lại sau khi chết bốn ngày.
Truyện : Một nghĩa cử tuyệt đẹp.
Một hôm, hòang đế Napoléon của Pháp vào một nhà hàng nọ. Đi theo hòang đế chỉ có một vị sĩ quan tùy viên. Vì không muốn cho ai nhận ra mình là hòang đế, nên Napoléon và viên sĩ quan cận vệ cải trang ăn mặc như thường dân.
Sau khi đã ăn uống xong, bà chủ nhà hàng đến tính tiền. Tổng cộng số tiền phải trả là 14 quan. Viên sĩ quan cận vệ mở chiếc cặp xách tay để lấy tiền. Bỗng mặt ông tái mét đi vì trong cặp không có đồng tiền nào cả.
Thấy thế, Napoléon hiểu ý nói nhỏ với viên sĩ quan :”Đừng lo, để tôi trả cho”. Nói rồi ông móc túi lấy tiền. Nhưng sờ túi trên, túi dưới, túi trước, túi sau, ông không thấy có đồng tiền nào cả. Napoléon nhìn viên sĩ quan nhướng mắt, nhún vai.
Trước tình thế đó, viên sĩ quan nói với bà chủ :
– Thật là rủi ro cho chúng tôi, chúng tôi quên không đem tiền theo. Xin bà vui lòng cho tôi thiếu một tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ trở lại thanh tóan với bà được không ?
Bà chủ nhất định không chịu và dọa rằng nếu hai người không chịu trả tiền ngay, thì bà sẽ gọi cảnh sát.
Một anh bồi bàn theo dõi công việc từ đầu cảm thông với hai người khách nên nói với bà chủ :
– Quên đem tiền trong túi, đó là điều thường xẩy ra. Vì thế, xin bà đừng gọi cảnh sát làm gì ! Theo tôi thì hai ông đây là người rất thật thà, không có ý lường gạt đâu.
Nghe anh bồi bàn nói, bà chủ vẫn không chịu và cứ nằng nặc đòi kêu cảnh sát.
Thấy thế, anh bồi bàn móc túi lấy ra 14 quan trao cho hai người khách và nói :”Đây tôi cho hai ông mượn để thanh tóan với bà chủ”.
Thế là nhờ anh bồi bàn mà Napoléon và viên sĩ quan mới có thể rời khỏi nhà hàng.
Một lát sau, viên sĩ quan tùy viên trở lại nhà hàng. Ông gặp lại bà chủ và nói
– Bà đã tốn kém mất bao nhiêu để tạo lập nhà hàng này ?
Bà chủ trả lời :
– 30.000 quan..
Viên sĩ quan mở chiếc cặp da xách tay lấy ra 30.000 đặt trên bàn và nói :
– Vâng lệnh của chủ tôi là hòang đế Napoléon, tôi xin bà sang lại nhà hàng này cho anh bồi bàn, người đã giúp chúng tôi đang lúc chúng tôi kẹt không có tiền.
CÁCH THỨC ĐÓN TIẾP
Trong việc tiếp đón, người ta phải chú ý đến phương diện vật chất và tinh thần. Phương diện nào cũng quan trọng để làm cho khách được hài lòng, nhưng phương diện tinh thần thì quan trọng hơn.
Phương diện vật chất
Khi đón khách vào nhà, ai cũng muốn khách được hài lòng : dọn dẹp nhà cửa, trang bị đồ dùng cần thiết, cơm nước ngon lành… Phần trang bị vật chất càng đầy đủ càng nói lên lòng hiếu khách, nếu không sợ khách phê bình “khẩu thiệt đãi chi”. Gia đình ở Su-nêm chẳng những đón tiếp tiên tri Êlia mà còn dọn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới đã có chỗ trọ. Dĩ nhiên, mến khách thì càng tốn kém, nhưng đó là điều kiện bắt buộc.
Phương diện tinh thần
Khía cạnh tinh thần trong việc đón tiếp khách mới là quan trọng. Người đời thường nói :”Người ta thèm lòng chớ không thèm thịt” hoặc câu khác :”Cách cho thì qúi hơn của cho”. Cách tiếp đón qúi ở chỗ thành thực, quảng đại và cởi mở, chú trọng đến con người hơn là của cải. Tiếp đón không chỉ là đón người vào trọ trong nhà mình, cho họ ăn, cho họ nghỉ. mà còn là biết quan tâm tới nhu cầu của người khác và đáp ứng theo khả năng của mình.
Đối với hai trường hợp đón tiếp khách ở trên, tại sao những chủ nhà ấy quảng đại đón tiếp khách ? Thưa, vì họ không chỉ nghĩ đến mình mà còn quan tâm tới người khác.
Abraham lo cho ba người khách kia đi trong sa mạc sẽ bị đói khát và không có chỗ nghỉ ngơi để lấy sức.
Gia đình ở Su-nêm lo sợ tiên tri Êlia phải bơ vơ nơi miền đất lạ, không có chỗ nương nhờ trong hoàn cảnh khó khăn đó.
Gia đình ở Bêtania thì muốn dành cho Chúa Giêsu và môn đệ có chỗ nghỉ ngơi sau những ngày giờ làm việc mệt nhọc. Gia đình kiếm cho Chúa có chỗ dừng chân mỗi khi đi qua Bêtania.
PHẦN THƯỞNG DÀNH CHO SỰ ĐÓN TIẾP
Khi tiếp đón, dĩ nhiên chúng ta phải mất mát : mất thì giờ, mất tiền của, mất công… Nhưng tất cả sẽ được Chúa thưởng công cho ở đời này hay đời sau.
Trở lại ba việc đón tiếp trên, phần thưởng của lòng quảng đại ấy là gì ? Là sự sống : hai đứa con đầu lòng cho hai vợ chồng son sẻ, và mạng sống được trả lại cho Lagiarô đã chết bốn ngày. Xét cho cùng, ơn ban sự sống ấy không phải do những người khách, mà chính Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, ban cho họ.
Theo bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định không có việc gì làm cho người khác mà bị bỏ quên, Chúa ghi nhớ tất cả và sẽ thưởng công cho, mặc dù việc ấy rất nhỏ nhặt :”Kẻ nào cho một trong những kẻ bé mọn này uống chỉ một bát nước lã thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.
Đến ngày phán xét, ngày thưởng phạt đích đáng, Chúa Giêsu sẽ nói với mọi người chúng ta :”Mỗi lần các ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Ngược lại là chúng ta đã không làm cho Chúa và sẽ phải lãnh hình phạt đời đời.
Truyện : Một chén ân tình
Willton Rix có kể một câu chuyện đầy kịch tính như sau :
Vào sáng một mùa đông tuyết lạnh, Sadhu Sundar Singh và một người bạn du lịch qua miền núi Bắc Ấn độ. Thình lình một cơn bão tuyết ào ào đổ tới, gió lạnh gào thét bên tai họ, khiến hai người phải chống trả hết sức khó khăn.
Đang lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, họ lại thấy một người đàn ông nằm vất vưởng bên đường chờ chết. Sadhu muốn dừng lại để cứu giúp người bị nạn, nhưng bạn ông cho rằng, nỗ lực ấy chỉ hoài công thôi. Vì để cứu lấy chính mình trong lúc này cũng đã vất vả lắm rồi. Và ông bạn ấy đã bỏ đi.
Chạnh lòng thương, Sadhu ở lại bên cạnh kẻ bất hạnh, xoa nóng tay chân con người dở sống dở chết ấy. Với sức lực còn lại, Sadhu cố gắng cõng anh ta trên lưng và khó nhọc đi qua vùng bão tuyết. Hơi ấm của hai thân thể hoà quyện lấy nhau khiến người kia hồi sinh và cả hai cùng mạnh sức.
Đi khoảng một dặm, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một xác chết lạnh cóng bên vệ đường. Họ càng sững sờ hơn nữa khi nhận ra đó chính là anh bạn cùng đi với Sadhu sáng nay (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, tr 85).
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn đưa ra một điều kiện nghịch lý cho các môn đệ Người theo :”Ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39). Cứ thực hành đi rồi sẽ thấy nó không nghịch lý nữa.
Chúng ta thấy nghĩa cử yêu thương của Sadhu đã minh chứng hùng hồn cho lời nói của Chúa Giêsu ở trên. Bạn của Sadhu đã cố giữ lấy mạng sống mình nên đã mất mạng, còn Sadhu liều mạng “vì anh em” nên đã được sống. Một người không có khả năng từ bỏ mình vì anh em thì họ cũng không có khả năng yêu thương. “Phải liều mất đi” để “tìm thấy lại”. Đó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã trải qua để nêu gương cho chúng ta. Người đã sẵn lòng chịu chết ô nhục để rồi sống lại vinh quang cũng để nói lên lời yêu thương con người.
Mỗi ngày Chúa nhật đọc kinh “Thương người có 14 mối”, chúng ta hãy xem lại con người chúng ta còn thiếu sót những mối nào trong kinh ấy, hãy cố gắng thực hiện tất cả. Mỗi lần chúng ta làm cho tha nhân điều gì thì đó là chúng ta đang làm cho Chúa dù cho người bé mọn chỉ một chén nước lã thôi.
“Một chén nước lã” đối với Chúa là “một chén ân tình”. Điều đó cho thấy, Thiên Chúa không hề bỏ sót một nghĩa cử yêu thương nào, cho dù chỉ là nghĩa cử bé nhỏ âm thầm, một khi đã được khoác vào tấm áo tình yêu thì nó trở nên vô cùng cao cả. Tình yêu chính là trọng tâm của đời sống Kitô hữu.
———————————————————-
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
CHIA SẺ THÂN PHẬN CỦA ĐỨC KITÔ- THÁI ĐỘ ĐÓN TIẾP- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
– Bài đọc I (2V 4,8-11.14-18) : “Người đến trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa”
– Đáp ca (Tv 88) : “Tôi sẽ ca ngợi tình thương Chúa đến muôn đời”
– Tin Mừng (Mt 10,37-42) : “Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó” – “Kẻ nào tiếp đón các con là tiếp đón Thầy”
– Bài đọc 2 (Rm 6,3-4.8-11) (Chủ đề phụ) : “Nếu chúng ta chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”
Sợi chỉ đỏ :
Lời Chúa hôm nay có hai chủ đề :
– Chủ đề tiếp đón: được diễn tả qua chuyện một gia đình miền Sunam cho ngôn sứ Êlisê đến trọ tại nhà (Bài đọc I), và phần thứ hai của bài Tin Mừng : “Kẻ nào tiếp đón các con là tiếp đón Thầy”
-Chủ đề chia xẻ thân phận của Đức Giêsu : được diễn tả qua phần đầu của bài Tin Mừng : “Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó”, và bài đọc II : “Nếu chúng ta chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”.
DẪN VÀO THÁNH LỄ
– (Nếu chọn chủ đề I) : Anh chị em thân mến
Trong xã hội thời nay, người ta thường sống theo kiểu chủ nghĩa cá nhân : mạnh ai nấy lo, sống chết mặc bây, đèn nhà ai nhà nấy sáng. Kết quả của lối sống này là một xã hội thiếu vắng tình thương, ích kỷ, thờ ơ.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biết quan tâm tới người khác, yêu thương người khác và tiếp đón người khác như tiếp đón chính Chúa.
– (Nếu chọn chủ đề II) : Anh chị em thân mến
Lời Chúa hôm nay trình bày một nghịch lý : “Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất ; Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó”.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu được chân lý lạ lùng đó, và nhất là dám liều mạng sống vì Chúa, để được chia sẻ sự sống của chính Chúa.
GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta rất thờ ơ với những anh chị em sống chung quanh chúng ta.
– Chúng ta coi thường những người nghèo nàn, thất học và không có địa vị.
– Chúng ta ít khi hy sinh vì Chúa.
LỜI CHÚA
Bài đọc I (2V 4,8-11.14-18)
Tường thuật câu chuyện giữa ngôn sứ Êlisê và một phụ nữ xứ Sunam :
– Trên đường sứ mạng, ngày kia Eâlisê đến vùng Sunam
– Ở đấy, một phụ nữ đã mời Ông vào nhà dùng bữa. Sau đó bà còn nói với chồng mình rằng Eâlisê là một vị thánh của Thiên Chúa. Được sự đồng ý của chồng, bà còn dọn sẵn cho Eâlisê một căn phòng có đầy đủ những thứ cần thiết, để bất cứ lúc nào ngôn sứ cũng có thể đến trú ngụ.
– Đáp lại lòng tốt của vợ chồng này, ngôn sứ Eâlisê đã làm phép lạ giúp họ đang son sẻ mà có được một đứa con trai đầu lòng. (Sau này đứa con ấy chết, Eâlisê lại làm phép lạ cho nó sống lại).
Đáp ca (Tv 88)
Tv này ca ngợi tình thương của Chúa. Tác giả còn nguyện sẽ ca ngợi như thế mãi tới muôn đời.
Tin Mừng (Mt 10,37-42)
Có thể chia đoạn Tin Mừng này thành 2 phần :
– Phần đầu (các câu 37-39) Đức Giêsu dạy các môn đệ về sự từ bỏ : Nếu muốn làm môn đệ xứng đáng của Ngài thì phải từ bỏ rất nhiều : tình yêu gia đình, mạng sống ; và còn phải sẵn sàng vác thập giá mình mà đi theo Ngài.
– Phần sau (các câu 40-42) dạy về sự tiếp đón : ai tiếp đón các sứ giả Tin Mừng thì được coi như là tiếp đón chính Đức Giêsu, thậm chí là tiếp đón chính Thiên Chúa là Đấng đã sai Đức Giêsu đến ; ai tiếp đón một kẻ bé mọn thì cũng được phần thưởng.
Bài đọc 2 (Rm 6,3-4.8-11) (Chủ đề phụ)
Văn mạch : Phaolô đang đưa ra những lập luận để chứng minh rằng người ta được công chính hóa không phải nhờ việc làm, mà nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Đoạn tuần trước là lập luận thứ nhất : con người đã mất ơn nghĩa với Thiên Chúa do tội của Adam, nhưng con người lại được ơn nghĩa nhờ cái chết của Đức Giêsu Kitô. Cho nên muốn được ơn nghĩa thì phải tin vào Đức Giêsu Kitô.
Đoạn tuần này đưa ra lập luận thứ hai : muốn được ơn nghĩa với Thiên Chúa thì phải liên kết với Đức Giêsu bằng phép rửa :
– Chịu phép rửa nghĩa là cùng chết với Đức Giêsu để được cùng sống lại với Ngài.
– Như thế, kẻ đã lãnh nhận phép rửa hãy dứt khoác chết cho tội lỗi để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa.
GỢI Ý GIẢNG
Những nét đẹp của sự Tiếp đón
Thánh Kinh ghi lại những cuộc tiếp đón rất đẹp và rất dễ thương : 1/ Abraham thấy 3 người khách lạ đang đi trong sa mạc. Ông chạy ra năn nỉ họ vào nhà và ân cần chăm sóc họ. Đó là 3 sứ giả của Thiên Chúa. Đáp lại tấm lòng của Abraham, 3 sứ giả này ban ơn cho vợ chồng son sẻ của Abraham có con trai đầu lòng (St 18) ; 2/ Một gia đình ở Sunam chẳng những tiếp đón ngôn sứ Eâlisê, mà còn dọn hẳn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới có chỗ trọ. Đáp lại, Eâlisê cũng giúp họ thoát khỏi tình trạng son sẻ (bài đọc I) ; 3/ Gia đình Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania là nơi thường xuyên tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Đáp lại, Đức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại.
Qua những chuyện trên, chúng ta hãy tìm hiểu thêm hai vấn đề :
-Tại sao những chủ nhà ấy quảng đại tiếp đón khách ? Thưa vì họ không chỉ nghĩ đến mình mà còn quan tâm tới người khác : Abraham lo cho 3 người khách kia đi trong sa mạc sẽ bị đói khát và không có chỗ nghỉ ngơi để lấy lại sức ; gia đình ở Sunam lo sợ ngôn sứ Eâlisê phải bơ vơ tứ cố vô thân ở một miền đất lạ ; gia đình Bêthania thì muốn Đức Giêsu và các môn đệ được nghỉ ngơi sau một thời gian mệt mỏi vì công việc rao giảng Tin Mừng. Trong hai chuyện sau, còn một lý do nữa, là những chủ nhà ấy ý thức rằng những người khách mà mình tiếp đón là sứ giả của Thiên Chúa.
-Phần thưởng của tấm lòng quảng đại ấy là gì ? Là sự sống : hai đứa con trai đầu lòng cho hai vợ chồng son sẻ, và mạng sống được trả lại cho Ladarô đã chết 4 ngày. Xét cho cùng, ơn ban sự sống ấy không phải do những người khách, mà chính Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, ban cho họ.
Những câu chuyện rất đẹp trên đây khuyến khích chúng ta hãy quảng đại tiếp đón :
-Tiếp đón không chỉ là đón người vào trọ trong nhà mình, cho họ ăn, cho họ nghỉ, mà còn là biết quan tâm tới nhu cầu của người khác và đáp ứng theo khả năng của mình.
– Khi tiếp đón, dĩ nhiên chúng ta phải mất mát : mất giờ, mất tiền của, mất công… Nhưng Thiên Chúa sẽ trọng thưởng chúng ta : Ngài sẽ cho sức sống thần linh của Ngài thêm lớn mạnh trong sự sống chúng ta.
Chúa Giêsu là số mấy ?
Phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay đặt vấn đề : người môn đệ của Đức Giêsu đặt Ngài ở số mấy trong đời họ ?
Bình thường, người ta coi bản thân là số một, vợ chồng số hai, gia đình số ba, thân nhân số bốn… Chúa thì có lẽ cao lắm cũng chỉ từ số năm trở xuống.
Trong đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu kể ra những người dành cho Chúa vị trí số hai :
– một là cha mẹ, hai là Chúa
– một là con cái, hai là Chúa
– một là mạng sống mình, hai là Chúa
Được xếp ở vị trí số hai như thế cũng là được coi trọng lắm rồi. Nhưng Đức Giêsu vẫn không chịu. Ngài nhất quyết đòi vị trí số một : “Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy ; ai yêu mến con trai con gái hơn thầy thì không xứng đáng với Thầy” ; Ngài còn đòi chúng ta phải dám mất mạng sống vì Ngài nữa !
Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi : phần tôi, tôi xếp Chúa vào vị trí số mấy ?
Nhiều loại từ bỏ
Có nhiều loại từ bỏ :
– Tôi soạn lại tủ áo của tôi. Nhiều áo quá. Có những chiếc đã cũ và lỗi thời, tôi có thể bỏ bớt để đem cho người nghèo.
– Trong sân nhà tôi có hai cây mọc cạnh nhau. Nếu cứ để như thế thì hai cây vẫn sống, nhưng không cây nào lớn mạnh tốt được. Tôi nên bỏ bớt một cây để cây kia mọc tốt hơn.
– Nha sĩ khám thấy có một chiếc răng của tôi đang bị hư nặng. Ông bảo phải bỏ nó đi, nếu không, nó sẽ lây cho những chiếc bên cạnh.
Đức Giêsu kêu gọi người đi theo Ngài hãy từ bỏ. Bỏ những gì và bỏ cách nào ?
– Có những thứ ta có thể bỏ. Thí dụ bớt chút thức ăn, bớt chút giờ ngủ khi ta ăn chay hãm mình.
– Có những thứ ta nên bỏ để cuộc sống của ta nên tốt hơn. Thí dụ khi ta nhường nhịn không trả đũa, không đòi lại của cải hoặc danh dự bị người khác làm tổn thương, mất mát.
– Có những thứ ta bó buộc phải bỏ như : tội lỗi, thói xấu, dịp tội.
Hai chi tiết quan trọng trong bài Tin Mừng
Trong bài Tin Mừng này, có hai chi tiết mà nếu ta không dừng lại tìm hiểu kỹ thì sẽ để vuột mất những ý nghĩa rất sâu sắc :
– Câu 38 (quyển Bài đọc ấn bản 1970 bỏ sót không in câu này) “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy” : Theo cách xử tử của Rôma, người bị kết án tử đóng đinh thập giá phải tự vác lấy thập giá của mình (chỉ vác thanh ngang, còn thanh dọc để sẵn ở pháp trường) đi ra pháp trường. Vì thế, kiểu nói “vác thập giá mình” có nghĩa là bị kết án tử. Do đó, câu nói của Đức Giêsu có nghĩa là ai muốn xứng đáng làm môn đệ đi theo Chúa thì phải chấp nhận thân phận mình như là người đã bị kết án tử.
– Câu 39 “Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó” : chữ hy lạp psyche có nghĩa rất rộng, chỉ “lòng”, “trí”, “tim”, tổng quát là cả “cuộc sống”, toàn thể “con người”. Như thế, “đành mất mạng sống” có nghĩa là dám mất tất cả. Và như vậy thì kiểu nói này cũng đồng nghĩa với ý tưởng coi mình như người đã bị kết án tử mà ta vừa phân tích ở trên.
Những bài toán
Thông thường người ta thích làm toán cộng và toán nhân, nghĩa là cứ muốn có thêm và có thêm thật nhiều thật nhanh.
Nếu ta đọc kỹ lại những lời Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ thì thấy Ngài dạy ta làm hai bài toán khác, đó là toán trừ và toán chia : làm toán trừ là từ bỏ, làm toán chia là bố thí, chia xẻ, phân phát cho người khác.
Tuy làm toán trừ và toán chia thì ta sẽ bị mất mát. Nhưng chính Thiên Chúa sẽ đích thân làm toán cộng và toán nhân cho ta : “Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng mà bây giờ ngay ở đời này lại không nhận được… gấp trăm… và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30).
Chuyện minh họa
Tiếp đón
Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.
Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói : “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.
Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.
Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.
Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.
Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói : “Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta”.
Mất và được
Tái ông thất mã: Ngày xưa có một ông lão ở gần cửa ải mất một con ngựa. Có người đến thăm phàn nàn cho sự rủi ro. Ông đáp : “Biết đâu chuyện mất ngựa chẳng là điều may.” Vài ngày sau, con ngựa cũ trở về lại rủ được một con ngựa Hồ rất hay. Có người cho đó là điều may mắn. Ông nói : “Chưa hẳn được ngựa là may đâu.” Ông có đứa con trai, thấy ngựa Hồ hay, liền bắt cởi thử, chẳng may bị ngã ngựa té gãy chân. Nhiều người cho rằng xui xẻo. Ông lại nói chưa biết chừng đây là điềm báo trước điều phúc cho gia đình ông. Qua năm sau, giặc Hồ tràn sang nước ông. Theo lệnh vua, các trai tráng trong làng đều phải sung vào cơ ngũ đi dẹp loạn, 10 người chỉ sống sót được một. Con trai ông vì tàn tật nên được miễn dịch, nhờ đó mà thoát chết, gia đình ông được an toàn. Nên việc họa phúc không biết đâu mà ngờ được. (Trích “Phúc”)
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Muốn dấn thân theo Chúa Giêsu, người kitô hữu phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Người. Với quyết tâm bước theo Chúa đến cùng, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.
1- Hội Thánh dùng Lời Chúa để giáo dục đức tin của người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết lắng nghe lời giáo huấn của Hội Thánh / để nhờ đó mà đức tin ngày càng trưởng thành hơn.
2- Đời sống thường ngày cho chúng ta thấy có một số người chỉ thích sống an nhàn / chỉ lo hưởng thụ mà không thích nghe đề cập đến hy sinh gian khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lúc nào cũng có nhiều người quảng đại / sẵn sàng phục vụ những người bất hạnh nhất của xã hội.
3- Tận tình giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn / những nạn nhân của thiên tai / những người mắc bệnh nan y / những người mất hết niềm hy vọng để vui sống / là nghĩa vụ của những người tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu biết cố gắng thực hiện lời dạy của Thánh Phaolô / “vui với người vui, khóc cùng người khóc”.
4- Hết lòng nâng đỡ / và chân thành cộng tác với các mục tử trong sinh hoạt của giáo xứ / là trách nhiệm của mỗi kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn biết rộng rãi giúp đỡ / và tích cực cộng tác với các Linh mục trong việc mục vụ thường ngày.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trải qua con đường đau khổ rồi mới bước vào vinh quang. Xin cho chúng con hiểu rằng : nếu muốn được chia xẻ vinh quang thiên quốc với Chúa, chúng con cũng phải đi qua con đường thập giá, con đường đòi hỏi nhiều hy sinh gian khổ, nhưng chính là con đường dẫn đưa đến sự sống bất diệt. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen
————————————————————–
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ – ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt.
Chuẩn bị nhân sự tiếp nối công việc truyền giáo ở trần gian, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ. Tuyển chọn rồi Chúa còn đào tạo để các ngài nên những chứng nhân trung thành của Chúa. Hôm nay, Chúa nêu lên những đức tính cần thiết của người môn đệ.
Người môn đệ của Chúa phải có tâm hồn quảng đại.
Tiên tri Elisêô đã hào phóng đối với gia đình tiếp đón Ngài. Tiên tri là hình ảnh đẹp về các môn đệ của Chúa. Người môn đệ là đại diện cho Đấng sai mình. Người đại diện tốt phải là người trình bày được dung mạo của Đấng sai mình. Chúa Giêsu, Đấng sai ta là người vô cùng rộng lượng. Người đến trần gian không phải để thu tích mà để ban phát. Trọn cuộc đời, Người ban phát không biết mệt mỏi. Người đến không phải để xét xử, luận phạt, nhưng để tha thứ. Người tha thứ một cách dễ dàng cho tất cả những tội nhân đến với Người. Người đến không phải để giết chết, nhưng là để cứu chữa. Người đến cho ta được sống và sống dồi dào. Người môn đệ của Chúa cũng phải có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bao dung như Chúa.
Người môn đệ của Chúa phải sống khiêm nhường.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là những người bé mọn. Chống lại những thói kiêu căng, phô trương, Chúa Giêsu luôn thao thức sao cho các môn đệ của Người trở nên bé nhỏ, khiêm nhường. Bé nhỏ trong tâm tình đạo đức để phó thác mọi sự trong tay Cha. Bé nhỏ về của cải, đừng mang “hai áo, mang theo túi tiền”. Bé nhỏ trong cách cư xử với nhau, đừng tranh giành chỗ nhất, nhưng hãy chọn chỗ chót. Bé nhỏ để quỳ xuống phục vụ: “như Thầy đã rửa chân cho các con, các con hãy rữa chân cho nhau”. Bé nhỏ để sau khi làm mọi việc rồi, hãy nhận mình là “tôi tớ vô duyên bất tài”.
Người môn đệ của Chúa phải biết tập trung vào Chúa Kitô.
Người môn đệ là người chọn Chúa Kitô làm lý tưởng. Người môn đệ cũng là người đi làm chứng về Chúa Kitô. Vì thế mọi lời ăn tiếng nói, cả đến tâm tư tình cảm phải qui hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô phải chiếm vị trí ưu việt trong tâm hồn người môn đệ. Nói thế không có nghĩa là người môn đệ chối bỏ mọi tình cảm chính đáng, dứt lìa những mối liên hệ gia đình. Nhưng có nghĩa là từ nay người môn đệ có yêu thương ai thì cũng là yêu thương trong tình yêu của Chúa Kitô và bằng tình yêu của Chúa Kitô.
Người môn đệ của Chúa sống cho Chúa và chết cho Chúa.
Chúa Giêsu không sống vì mình và cho mình. Người luôn sống vì và cho người khác. Người sống vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Nên mọi việc Người làm đều vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Người là tình yêu hoàn hảo dâng tặng Chúa Cha. Nên Người đã “vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá”. Người sống vì con người và cho con người. Nên người đã ban tặng chính sự sống của Người cho nhân loại, đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại.
Nên thánh Phalô khuyên người môn đệ của Chúa hãy bắt chước Chúa mà chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô. Hãy yêu mến, sống cho Chúa và chết cho Chúa. Chắc chắn ta không chết một lần, nhưng sẽ chết dần mòn. Chết cho tội lỗi để không bao giờ phạm tội nữa. Chết trong quên mình âm thầm. Chết trong những hy sinh nhỏ bé. Chết trong nhiệt thành phục vụ nước Chúa. Chính khi chết đi như vậy, ta lại được một sự sống mới tràn ngập tâm hồn, sự sống sung mãn, phong phú của Thiên Chúa. Chỉ có những ai đã trải qua cái chết, mới cảm nghiệm được sự sống ấy, Thánh Phanxicô chắc chắn đã trải qua cuộc lột xác ấy nên mới thốt ra được những lời bất hủ: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Vì thế thánh nhân đã trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Lạy Chúa, xin thanh luyện tâm hồn con, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
CÂU HỎI GỢI Ý:
1- Chúa Giêsu muốn cho môn đệ của Chúa có những phẩm chất nào?
2- Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ, Người có thực hành không?
3- Đào tạo nhân sự cho Hội Thánh. Bạn nghĩ đến việc này thế nào? Quan tâm? Giúp đỡ? Đóng góp?
————————————————————————–
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
SIÊU THOÁT- Lm. Giuse Đỗ Vân Lực
Đức Giêsu có phải là một mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc đời này không? Một đàng, Người nêu gương và kêu gọi mọi người hi sinh chính bản thân. Một đàng, Người lại muốn biến bản thân thành trung tâm cuộc sống con người. Thế nghĩa là gì?
THEO THẦY
Không gì thân thiết với con người bằng tương quan gia đình. Chính từ gia đình, con người hiện hữu và phát triển. Càng sống dưới mái ấm gia đình, con người càng đi sâu vào tương quan tình cảm và nội tâm. Thế nhưng trước những đòi hỏi Tin Mừng, các giá trị đó trở thành tương đối, vì “Nước Trời đã đến gần,” (Mt 10:7) và “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17:21) Không có gì cao trọng hơn Nước Trời. Nước Trời là một giá trị tuyệt đối, đến nỗi người ta phải “bán tất cả những gì mình có” (M6 13:44.46) mới mua sắm nổi. Nước Trời là tất cả ý nghĩa và giá trị cuộc đời. Quả thực, “chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ.” (1 Tx 1:5)
Để mua được một giá trị siêu việt đó, người ta phải hi sinh cả tương quan gia đình. Tương quan gia đình vượt lên trên “những gì mình có” và rất gần “những gì mình là”, tức là chính bản thân. So với Nước Trời, bản thân cũng là một giá trị quá nhỏ. Nhưng giá trị nhỏ bé này vẫn là một thực tại vô cùng quí giá không dễ gì đánh đổi. Chỉ đức tin mới thấy được chiều kích vĩ đại của Nước Trời và mới mạc khải cho ta biết Nước Trời chính là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16:16) “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội thánh,” (Cl 1:18) và “chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.” (Ep 5:30) Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10:39) Cái tôi nhỏ bé hòa nhập vào cái tôi vĩ đại. Không những không mất mát, mà còn tìm thấy chính mình trong một chiều kích lớn lao và một giá trị tuyệt vời hơn.
Nhưng trong cuộc sống, nhiều lúc hi sinh gần như đồng nghĩa với đổi chác. Người ta hi sinh là để tìm lại được cái gì cân xứng hoặc trổi vượt hơn. Thật vậy, những hi sinh của “một phụ nữ giàu sang” (2 V4:8) tại Sunêm cho ngôn sứ Eâlisa đã không uổng phí. Vì hiếu khách, vợ chồng đã đặc biệt dành nơi ăn chốn ở xứng đáng cho ngôn sứ Eâlisa, “là một người của Thiên Chúa, là một vị thánh.” (2 V4:9) Phần thưởng của ngôn sứ thật trọng hậu. Không những bà được ông bảo đảm có con trai (x. 2 V 4:8-17). Sau này, khi con bà chết, ông cũng đã làm cho cậu sống lại và trả lại cho bà (x. 2 V 4:31-37). Như thế, chính khi hi sinh thời giờ, sức lực và tiền của cho ngôn sứ, bà đã được đền bù cân xứng.
Nếu một ngôn sứ còn đem lại được phần thưởng lớn lao như thế, Đức Giêsu sẽ có phần thưởng nào cho người môn đệ? Khi chạm tới mạng sống, mọi hi sinh đều phải khựng lại, mọi tính toán đều phải chấm dứt. Thế mà Đức Giêsu dám đòi hỏi người môn đệ phải hi sinh chính bản thân là giá trị đáng quí nhất trên đời. Đó là một đòi hỏi tuyệt đối. Dĩ nhiên hi sinh đó sẽ được đền bù cân xứng. Đúng hơn còn vượt quá điều người ta mong đợi. Đức Giêsu khẳng quyết: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gập bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19:29; Mc 10:28-30; Lc 18:28-30) Bỏ đi những liên hệ tình cảm để đi sâu vào nguồn mạch tình yêu vô cùng lớn lao là Thiên Chúa, còn gì lợi hơn? Một khi đã đón nhận được nguồn tình yêu đó, ngay từ đời này, người môn đệ đã được quan tâm và che chở. Thực tế, “khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm trong cái chết của Người,” (Rm 6:3) để “chúng ta cũng được sống một đời sống mới như Người nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha.” (Rm 6:7) Đời sống mới “đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1:14) Nói khác, khi theo Đức Giêsu, người môn đệ sẽ “trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12), và hoàn toàn được giải thoát (x. Ga 8:36). Đó là phần thưởng dành cho những ai “theo Thầy” và “đón tiếp Thầy”. Từ đó, cuộc sống tự nhiên trở thành một chứng từ mãnh liệt trước mắt mọi người.
Thực ra, khi kêu gọi môn đệ “theo Thầy” và “liều mất mạng sống mình vì Thầy”, Đức Giêsu không có ý thổi phồng cái tôi của mình. Hi sinh cái tôi để đánh đổi lấy một cái tôi khác, dù cái tôi này có vĩ đại tới đâu, cũng chỉ là chuyện “đánh bùn sang ao”. Chính Đức Giêsu cũng phải hi sinh cái tôi để làm theo thánh ý Chúa Cha. “Thực vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình.” (Rm 15:3) Trong vườn Cây Dầu, Người đã “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:39) Ý Cha đã thực thi hoàn toàn trong cái chết của Đức Giêsu. Như vậy, Người đã từ bỏ chính mình. Muốn “theo Thầy”, môn đệ cũng “phải từ bỏ chính mình.” (Lc 9:23)
Xét cho cùng, khi sống kiếp phàm trần, Đức Giêsu cũng chấp nhận chỉ một mình Chúa Cha mới là nguyên ủy tuyệt đối. Từ lời nói tới việc làm, Đức Giêsu luôn qui hướng về Chúa Cha (x. Ga 14:10). Bởi đấy, nếu “vì yêu mến Thầy” (Ga 16:27) mà anh em đã “liều mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 10:39) thì “chính Chúa Cha sẽ yêu mến anh em.” (Ga 16:27) Nơi đỉnh cao tình yêu đó, con người có thể vượt lên trên tất cả để đạt tới “một cái gì tuyệt đối, tột đỉnh và nền tảng.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Như thế, “theo Thầy” không có nghĩa là đi từ hư vô này sang hư vô khác, nhưng tới một hiện hữu tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Thực vậy, “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10:40) Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:30) Không những Người hiệp nhất với Chúa Cha, nhưng còn đồng hóa với các môn đệ (x. Mt 10:40) và người nghèo (x. Mt 26:40). Như vậy, khi “theo Thầy”, người môn đệ biết mình theo ai và phải làm gì.
SIÊU THOÁT
Càng từ bỏ càng siêu thoát. Nhân loại hôm nay đang cần những con người biết từ bỏ mọi sự để tìm chân lý. Nói khác, con người siêu thoát là một nhu cầu cấp thiết nhất cho sự sống còn của nhân loại. Nếu chết dí dưới đống dữ kiện khoa học và kỹ thuật, con người sẽ không tìm được hướng giải thoát cho chính cuộc sống. Nhân loại hôm nay đang căng thẳng vì lo âu mọi mặt. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thúc đẩy các Kitô hữu hãy cống hiến cho những người đang ưu tư đau khổ “những câu giải đáp của chân lý và hi vọng” bằng cách trình bày cho họ một triết lý siêu việt (Zenit 24/06/2002). Triết lý đó không đến với những con người suốt ngày cắm đầu vào những đống dữ kiện khổng lồ và chết ngộp trong đời sống dư thừa vật chất. “Song song với những khám phá khoa học lạ lùng và những tiến bộ kỹ thuật kỳ diệu, chúng ta đang chứng kiến hai mất mát lớn: mất mát Thiên Chúa và hiện hữu, mất mát linh hồn và nhân phẩm. Đôi khi sự kiện này sinh ra những hoàn cảnh khó khăn cần đến những câu trả lời trong chân lý và hi vọng.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Nếu không từ bỏ chính mình, con người sẽ không bao giờ tìm thấy những câu trả lời đó và sẽ không bao giờ khám phá thấy mình là ai. Quả thực, “văn hóa ngày nay nói và biết nhiều về con người, nhưng hình như không biết con người là ai. Thực vậy, con người chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn về chính mình trong ánh sáng Thiên Chúa. Con người là “hình ảnh Thiên Chúa – được tình yêu tạo dựng và được an bài sống hiệp thông đời đời với Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Hình ảnh này chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu và những ai đang“theo Thầy”.
———————————————————————-
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
ĐỨC TÍNH NGƯỜI MÔN ĐỆ– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC
Để tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã chọn gọi các môn đệ. Ngài đào tạo, sai đi thực tập. Nhưng người môn đệ muốn giới thiệu Chúa cho người khác đem lại hiệu quả cao thì cần có những đức tính căn bản sau đây:
Khi đến trần gian, Chúa Giêsu không dạy điều gì mà Ngài không làm gương trước cho chúng ta. Ngài từ bỏ trời cao xuống đất thấp để ở với chúng ta. Ngài từ bỏ địa vị Thiên Chúa, mặc lấy thân phận con người. Ngài từ bỏ mạng sống để cho chúng ta được sống trong ơn làm con Chúa.
Noi gương Chúa, người môn đệ cần có đức tính từ bỏ. Từ bỏ những tính hư tật xấu. Từ bỏ tình cảm thân thiết nhất như cha mẹ, anh em, bạn bè. Thật ra, Đức Giêsu không bắt chúng ta phải khước từ cha mẹ, anh em, bạn bè đâu. Điều Chúa muốn đó là chúng ta phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi tương quan, ngay cả trên chính mạng sống mình. Điều kiện mà Chúa đòi buộc chúng ta phải có thái độ dứt khoát, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận hy sinh, mất mát ở đời này. Đó chính là con đường khổ giá mà Chúa đi trước và muốn chúng ta đi theo, như chính Chúa đã làm gương cho chúng ta.
Khi sống giữa nhân loại, Chúa Giêsu vô cùng quảng đại, bao dung và tha thứ. Ngài đến không phải để xét xử, luận phạt, nhưng là để tha thứ. Ngài tha thứ cho Phêrô đã ba lần chối Thầy. Tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình “Ta không kết tội chị”. Tha thứ cho đám lý hình đã hành hạ Ngài “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Tha thứ cho người trộm lành “Ta bảo thật ngươi, ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta”. Ngài đến không phải để giết chết, nhưng là để cứu chữa. Ngài đến để cho chúng ta được sống và sống dồi dào.
Vậy, để trình bày được dung mạo của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Người môn đệ của Chúa cần phải có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bao dung và tha thứ như Chúa đã từng quảng đại bao dung tha thứ cho chúng ta.
Chúa Giêsu nói “Thầy sống giữa các con như một người tôi tớ”. Thật vậy, trong đêm tiệc ly đang dùng bữa tối với các môn đệ, Chúa Giêsu khiêm tốn quỳ gối xuống rửa chân cho các ông. Đấng tạo hóa rửa chân cho thụ tạo. Thầy rửa chân cho trò. Thiên Chúa rửa chân cho con người. Rồi Chúa cặn dặn: “Ta là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho các con, vậy các con cũng hãy rửa chân cho nhau”.
Chúa Giêsu không mời gọi chúng ta học nơi Ngài cách làm phép lạ. Học nơi Ngài cách chữa bệnh hay đi rao giảng, nhưng Ngài chỉ mời học nơi Chúa một bài học đó là hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Như vậy, người môn đệ của Chúa không phải là người rao giảng hay, cũng không phải là người có tài năng làm phép lạ hay biết chữa bệnh….. nhưng người môn đệ đích thực của Chúa là người có tâm hồn hiền lành và khiêm nhường trong lòng mà thôi.
Bởi vì tất cả những gì chúng ta có là do ơn nhưng không Chúa ban. Mà ơn riêng Chúa ban là để phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn. Khiêm tốn trong cung cách ứng xử, đừng chọn cho mình chỗ nhất, nhưng hãy chọn chỗ rốt bét. Bởi vì Chúa ghét kẻ kiêu ngạo và đề cao kẻ khiêm nhường.
Cuối cùng, để trở thành môn đệ theo ý Chúa muốn, không những Chúa đòi hỏi phải từ bỏ mọi sự, quảng đại dấn thân vác thập giá mình mà theo, nhưng Ngài còn hứa phần thưởng bội hậu cho những ai theo Chúa thì sẽ được gấp trăm ở đời này, và phần thưởng ở đời sau nữa.
Mỗi lần tham dự Thánh lễ, Chúa sẽ ân thưởng cho những kẻ phụng thờ Chúa. Chính Lời Chúa, và Bí tích Thánh Thể, là phần thưởng cao quý nhất mà Chúa sẽ dành cho những ai quảng đại dấn thân theo Chúa, và phục vụ anh em, đặc biệt những người nghèo khổ cùng cực đói rách. Amen.
————————————————————————
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
ĐƯỢC VÀ MẤT- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.
Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.
Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.
Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích lợi gì?”. Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.
Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất. Trái lại nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất. Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời. Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả. Mọi sự nếu họ mất vì Thầy Giêsu thì họ sẽ được lại. Mất tạm thời để giữ được mãi mãi. Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.
Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Theo Thầy là đi vào con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên Chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết treo trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả. (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt).
Từ bỏ là một quy luật.
– Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.
– Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.
– Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.
– Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.
Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác.
Làm môn đệ Chúa Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải “từ bỏ mình”. Cái phần “mình” được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần “Chúa” được gia tăng bấy nhiêu. “Từ bỏ mình” hoàn toàn thì sẽ trở thành “Kitô khác” hoàn toàn.Như thế tuy bỏ nhưng không mất, mà lại được, không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.
Theo Thầy là đi vào con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.
Lời Chúa hôm nay gởi đến sứ điệp: từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu. Trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.
Qua cuộc tử nạn và cái chết, Chúa Giêsu cũng khẳng định chân lý: “Ai tìm mạng sống mình, sẽ mất. Ai đành mất mạng sống mình, sẽ gặp lại”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo. Và đó cũng là chân lý của cuộc đời. Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết. Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.
“Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đẵ chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.
Xin dạy chúng con biết rằng chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.
Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.
Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.” (Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta).
———————————————————————–
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
CÙNG VÁC THẬP GIÁ VỚI CHÚA GIÊSU – Lm. Trần Ngà
Vào năm 1976, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình sống rất chật vật. Hồi ấy có một ông lão nghèo cùng với đứa con gái lớn ở Sài Gòn ra thăm người em đang sống ở Ninh Thuận để kiếm chút gì đắp đổi qua ngày.
Thương ông anh từ Sài Gòn lặn lội ra thăm mình, người em tặng anh những sản phẩm cây nhà lá vườn, gồm một bị khoai, một bị xoài và dăm nải chuối để mang về Sài Gòn làm quà cho vợ con.
Về lại Sài Gòn, hai cha con xuống xe cuốc bộ về nhà. Người cha tuổi đã già, gầy gò ốm yếu, chịu khó mang bị xoài bên vai phải, khoác bị khoai bên vai trái, còn đôi tay gầy guộc thì xách mấy nải chuối bằng tay này và giỏ áo quần bằng tay kia. Trong khi đứa con gái cưng song hành bên cạnh thì chỉ đeo chiếc bóp đầm xinh xắn trên vai, đi tênh tênh bên bố mà chẳng để ý đến lưng bố đang còng xuống vì sức nặng của hành lý, chẳng thấy mồ hôi bố lấm tấm trên khuôn mặt nhăn nheo, y như cô chủ giàu sang đi bên cạnh tên nô lệ khốn cùng.
Người cha già chịu còng lưng mang nặng những món quà đó về nhà cho ai hưởng? Cho người mẹ, cho đứa em út của cô gái này và cho chính cô. Chính cô cũng được hưởng phần trong đó!
Thế mà cô cứ để mặc cha già của mình còng lưng mang nặng mà chẳng động lòng thương xót, chẳng đụng vào một ngón tay.
Đây đúng là đứa con bất hiếu và hoàn toàn bất xứng, khi thấy cha vác nặng mà con thì chẳng mó tay vào.
Thế nhưng, lắm lúc chúng ta cũng xử sự như cô gái kiêu sa, vô cảm này.
Dẫu biết rằng hôm nay Đức Giê-su, Chúa chúng ta đang tiếp tục chịu khổ nạn (GLHTCG số 1323. TĐCV 22, 6-8) để cứu độ chính ta và anh chị em chúng ta, nhưng ta cứ làm ngơ như không nhìn thấy; ta cứ đi tênh tênh trên con đường lạc thú của mình mà chẳng động lòng trắc ẩn đối với Chúa là Đấng đang tiếp tục chịu khổ nạn để đền tội cho chúng ta.
Thật là người môn đệ bất xứng khi Chúa vác thập tự giá đền tội cho ta, còn chúng ta thì cố tìm kiếm lạc thú trần gian mà chẳng kê vai vác cùng với Chúa.
Chính vì thế, Chúa mới cảnh báo rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).
Nhưng vác thập tự giá với Chúa thế nào đây?
Chúa Giê-su dạy chúng ta vác thập giá với Ngài qua 2 câu nói tiếp theo:
Câu thứ nhất: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất” (Mt10.39) có nghĩa là kẻ nào chỉ biết chăm lo cho bản thân mình mà thôi, chẳng thiết gì đến Chúa và anh chị em chung quanh, thì sẽ không được hưởng sự sống đời sau;
Và câu thứ hai: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt10.39) có nghĩa là ai từ bỏ nếp sống vị kỷ để sống vị tha, quên mình đi để hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân thì sẽ được sống đời đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Người con để mặc người cha gánh nặng một mình mà không kê vai gánh giúp là con bất hiếu; người môn đệ của Chúa để mặc Thầy chịu khổ nạn, chịu vác thánh giá mà không vác cùng thì không xứng đáng là môn đệ trung thành.
Hôm nay Chúa vẫn còn tiếp tục chịu khổ nạn, chịu vác thập giá cách nhiệm mầu (GLHTCG số 1323. TĐCV 22, 6-8) để cứu độ chúng con, lẽ nào chúng con để mặc Chúa gánh vác một mình mà không chia sẻ gánh nặng của Chúa.
Xin cho chúng con sẵn sàng cống hiến thời giờ, công sức… của mình để chăm sóc, phục vụ người khác. Làm như thế là cùng vác thập giá với Chúa; làm như thế thì mới xứng đáng là môn đệ của Chúa và mới được hưởng phúc thiên đàng.
—————————————————————
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A
CHIA SẺ- Trích Logos A
“Chiếc lá cuối cùng” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn O’Henry, người Mỹ. Truyện có nội dung cảm động như sau :
Trong khu phố nghèo nàn, có một cô gái tên Giônxy mắc bệnh sưng phổi. Bệnh cô càng ngày càng trầm trọng vì lý do sau đây : hằng ngày, qua khung cửa sổ, cô thường nhìn vào một cây thường xuân đang leo trên bức tường của ngôi nhà bên cạnh. Vì là mùa thu, cây thường xuân bắt đầu rụng lá. Cô gái có một ý nghĩ kỳ lạ là ngày nào cây thường xuân rụng hết lá, thì cô sẽ chết. Ý nghĩ ấy luôn ám ảnh cô. Vì thế, mỗi ngày, khi những chiếc lá rụng xuống, bệnh cô càng nặng hơn.
Vào một đêm mưa bão, cây thường xuân chỉ còn bốn chiếc lá, mọi người đều lo rằng cô sẽ không qua khỏi sau đêm ấy, vì mưa gió sẽ làm cho những chiếc lá rụng xuống.
Trong số những người thương yêu cô và lo lắng cho cô gái, có một ông họa sĩ già tên Becman, cả đời chỉ mơ ước vẽ một bức tranh kiệt tác. Ông tìm mọi cách để giúp cô vượt qua cơn bệnh.
Sáng hôm sau, mọi người ngạc nhiên khi thấy trên cây vẫn còn một chiếc lá xanh tươi. Đó là chiếc lá cuối cùng. Khi thấy chiếc lá, cô gái bắt đầu hồi phục sức khỏe. Hôm sau, chiếc lá vẫn còn trên cây, cô gái càng khỏe hơn.
Nhưng cũng trong ngày hôm ấy, mọi người nghe tin ông họa sĩ già chết. Thì ra, chiếc lá cuối cùng kia là chiếc lá giả. Chính ông họa sĩ già đã vẽ chiếc lá ấy trong suốt đêm mưa bão lạnh lẽo. Ông bị sưng phổi và qua đời. Đó chính là bức vẽ kiệt tác mà ông hằng mơ ước vẽ được.
Câu chuyện cảm động vì người họa sĩ già đã chia sẻ tình thương cho cô gái bệnh tật. Ông đã hy sinh mạng sống mình để cứu cô gái.
Chính Chúa Giêsu cũng đã chia sẻ tình yêu cho chúng ta. Ngài đã chết để cứu chuộc chúng ta. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cũng hãy biết chia sẻ thân phận của Đức Kitô và chia sẻ tình thương cho nhau. Vì chia sẻ chính là được nhận lãnh dồi dào.
Chia sẻ thân phận của Đức Kitô
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu dạy các tông đồ : “Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó ”.
Đó là lời mời gọi của Chúa dành cho những ai đi theo Ngài. Đi theo Chúa là chia sẻ thân phận của Chúa, chia sẻ khổ cực đắng cay, chia sẻ thập giá và cuộc tử nạn của Ngài.
Đi theo Chúa là chia sẻ một cuộc sống phiêu lưu “không có nơi gối đầu”, chia sẻ cuộc sống nghèo khó vất vả của Chúa.
Đi theo Chúa là chia sẻ những thất bại, những lời nhạo cười, phỉ báng dành cho Ngài. Đi theo Chúa là chia sẻ những giây phút cô đơn và phiền muộn của Ngài.
Đi theo Chúa là chia sẻ đòn vọt, mũ gai và cái chết nhục nhã trên thập giá với Ngài. Đi theo Chúa là chia sẻ thân phận của một ngôn sứ.
Đi theo Chúa là “đành mất mạng sống” giống như Ngài, là đổ máu để hiến trao sự sống cho người khác.
Tóm lại, theo Chúa là từ bỏ, một sự từ bỏ đến tận cùng : từ bỏ cha mẹ, từ bỏ gia đình, từ bỏ chính bản thân và những gì gần gũi thân thiết nhất của mình. Đi theo Chúa là chọn lựa Chúa như gia nghiệp cuộc đời, là đặt Chúa vào vị trí trung tâm trong trái tim mình.
Chia sẻ tình thương cho nhau
Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai hôm nay kể lại câu chuyện thú vị về tiên tri Êlisê. Một ngày kia, tiên tri Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một gia đình đã đón tiếp ngài rất trọng vọng vì biết ngài là người của Thiên Chúa. Họ đã làm cho ngài một căn phòng để ngài nghỉ ngơi.
Đáp lại lòng quảng đại của gia đình ấy, Thiên Chúa đã ban cho họ một người con trai nối dõi tông đường.
Sách Sáng Thế cũng kể lại câu chuyện ông Abraham đã đón tiếp ba người khách lạ đi trong sa mạc. Ông đã mời họ vào nhà và đón tiếp họ một cách nồng hậu. Đó là ba sứ giả của Thiên Chúa. Đáp lại tấm lòng quảng đại của Abraham, ba sứ giả đã ban cho vợ chồng Abraham son sẻ được người con trai đầu lòng (St 18).
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ tấm lòng quảng đại của hai vợ chồng người Sunam và hai vợ chồng ông Abraham. Tấm lòng quảng đại ấy được biểu lộ qua thái độ niềm nở đón khách vào nhà. Họ sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho những vị khách. Sự chia sẻ đó được Chúa Giêsu đánh giá cao. Vì thế, Ngài đã dạy các môn đệ Ngài về tinh thần quảng đại và chia sẻ ấy : “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Chúa đã chia sẻ kiếp người với chúng ta. Ngài đã chia sẻ cho ta tình yêu và sự sống của Ngài. Chúa cũng muốn chúng ta chia sẻ cho nhau tất cả những gì đã nhận lãnh. Như dòng suối tình yêu của Chúa : càng múc, nước càng tuôn trào, càng cho đi, ta càng trở nên giàu có.
Chia sẻ để nhận lãnh
Lời Chúa hôm nay trình bày một sự nghịch lý : “Tìm mạng sống mình thì sẽ mất, đành mất mạng sống vì Chúa, sẽ tìm lại được”. Sự nghịch lý ấy nói lên tấm lòng rộng lượng bao giờ cũng được Chúa đáp trả. Chúng ta càng chia sẻ chính mình cho Chúa, chúng ta càng hy sinh vì Chúa, chúng ta càng chia sẻ tình thương cho nhau, chúng ta càng được Chúa ban trả lại gấp bội.
Nếu người môn đệ đi theo Chúa mà chỉ tìm kiếm sự sống cho riêng mình, người ấy sẽ mất tất cả. Trái lại, nếu ta chịu hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em, ta sẽ tìm được sự sống sung mãn dồi dào của chính Ngài.
Hơn ai hết, thánh Phanxicô Khó Khăn đã cảm nghiệm được chân lý ấy, nên ngài đã viết lên bài ca bất hủ : “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Vào một ngày mùa đông giá lạnh, chàng hiệp sĩ Martinô đang phi ngựa dọc hè phố. Chàng bỗng gặp một người ăn xin nghèo khổ, áo quần rách rưới, đang co ro bên hè phố. Không có tiền trong túi, không có lương thực để cho, chàng hiệp sĩ liền xuống ngựa, tuốt gươm cắt nửa tấm áo choàng của mình và đắp lên tấm thân gầy guộc của người ăn xin.
Đêm hôm đó, Martinô nằm mơ thấy Chúa Giêsu hiện ra với nửa tấm áo choàng trên mình, nói với các thiên thần : “Chính Martinô đã mặc nửa tấm áo choàng này cho Ta”.
Chàng hiệp sĩ ấy chính là thánh Martinô thành Tôrinô. Hằng năm, tại Tôrinô, người ta vẫn diễn lại vở kịch “xẻ áo” ấy, kể lại việc làm đầy tình bác ái của ngài.
Hôm nay, chúng ta được mời gọi để “chia cơm sẻ áo” cho tha nhân. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta hãy biết chia sẻ tấm lòng cho nhau. Khi ta chia sẻ cho tha nhân, là ta đang chia sẻ cho chính Chúa.
———————————————————————-
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- Năm A
NGHỊCH LÝ CỦA TIN MỪNG- Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi làm bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, chúng ta cũng đều nghĩ tới lợi ích vật chất mà công việc này đem lại cho chúng ta. Nếu có lợi, chúng ta mới làm. Đây là điều phải lẽ, nhưng có khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bỏ quên lợi ích lâu dài, và trường tồn. Có những việc trước mắt xem ra thiệt hại, nhưng thực ra mang lại rất nhiều lợi ích. Đó là những nghịch lý nhưng không vô lý.
Thật vậy, càng lo nắm giữ, càng không có, nhưng càng cho đi, nghĩa là mở ra thì lại được rất nhiều. Đây là một điều xem ra có vẻ nghịch lý, nhưng lại là một chân lý. Chân lý này hôm nay, một lần nữa được Đức Giêsu xác nhận qua lời khẳng định của Ngài: “Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 39).
Một nghịch lý…:
Trở lại với bài Tin mừng, chúng ta thấy lời kêu gọi các môn đệ của Đức Giêsu thật là khác thường, nếu không muốn nói là chẳng giống ai. Bình thường, tất cả các thầy dạy, hoặc những ai muốn mọi người đến với mình theo mình, đều hứa hẹn thật nhiều. Họ vẽ lên một bức tranh thật đẹp trước mắt người nghe. Họ hứa thật nhiều cho dù từ trong thâm tâm, họ biết họ sẽ không thực hiện nổi. Điều này từng người chúng ta có thể nhận ra thật rõ nơi những lời hứa hẹn của các ứng cử viên trước các cuộc bầu cử, hay lời quảng cáo của các công ty. Khi ra ứng cử, người nào cũng hứa là sẽ làm cho “dân giàu, nước mạnh”, “làm tôi tớ cho nhân dân”, nhưng khi đã trúng cử thì lại lợi dụng chức quyền để tìm mọi cách thu lợi riêng cho mình, đến nỗi, hiện nay, nạn tham nhũng đang là một “Quốc nạn” đối với dân tộc Việt Nam chúng ta.
Trái lại, khi gọi các môn đệ theo mình, Đức Giêsu lại nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 38). Đọc lại lời kêu gọi này, tôi tự nghĩ: Đây đúng là một lời kêu gọi thật chẳng khôn ngoan gì. Vì thập giá là điều mà mỗi người chúng ta, tôi và quý ông bà anh chị em đều muốn tránh né, không muốn nghĩ đến, nói đến, chứ chưa nói đến việc là ham muốn vác thập giá. Đáng lẽ Chúa phải nói: “Ai muốn làm lớn, giàu có, vinh sang phú quý, thì hãy theo Thầy” mới phải chứ! Nếu Chúa hứa như thế, chắc có lẽ trước mắt sẽ có nhiều người theo Chúa hơn.
. … nhưng không vô lý:
Tuy nhiên, sau khi bình tâm suy nghĩ kỹ hơn một chút, tôi chợt nhận ra rằng: Đức Giêsu không có ý muốn mỗi người chúng ta chịu đau khổ, nhưng Ngài chỉ muốn cho chúng ta thấy rõ, con đường theo Ngài là con đường đi ngược với mọi suy nghĩ, mọi tính toán theo kiểu của con người. Và chính vì thế, chắc hẳn sẽ đòi hỏi mỗi người chúng ta một nỗ lực không ngừng để chiến đấu với bản thân, làm chủ con người của mình cùng với những dục vọng, đam mê, tự ái của nó.
Hơn nữa, vì con đường của Đức Giêsu là con đường của sự thật mà “sự thật thì mất lòng”, cho nên sẽ những người muốn đi theo con đường đó, chắc hẳn phải đối mặt với sự chống đối của những thế lực sự dữ. Có khi sự chống đối này không chỉ đến từ những người xa lạ, mà nó còn xuất hiện nơi những người thân cận của chúng ta như: giữa cha mẹ và con cái; giữa vợ chồng, anh chị em, bạn bè thân thích với nhau… Tất cả những điều đó, lắm lúc tạo nên nơi mỗi người chúng ta một tâm lý thoả hiệp, “ba phải”, ai nói sao cũng gật, cũng ừ cho vừa lòng mọi người.
Con đường đưa đến sự sống
Thế nhưng, Đức Giêsu lại không đồng ý như thế, Ngài muốn mỗi người chúng ta có một chọn lựa dứt khoát thật sự nếu muốn trở thành môn đệ của Ngài “kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”. Và hôm nay, chúng ta cũng có thể nói thêm “kẻ nào yêu mến tiền bạc, danh vọng, chức quyền, và danh dự bản thân hơn là sống theo lời dạy của Đức Giêsu, thì quả thật không xứng đáng là môn đệ của Ngài”.
Theo Đức Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận cả những thiệt thòi về vật chất cho những công việc chung, như người đàn bà miền Sunam trong bài đọc một đã không quản ngại tốn phí lo chỗ ăn nghỉ cho ngôn sứ Êlisê. Và việc làm của bà đã không trở nên vô ích, bà đã được Thiên Chúa chúc phúc cho bà có được con trai nối dòng.
Mặt khác, đối với thánh Phaolô, theo Đức Giêsu, không chỉ là chấp nhận những mất mát, thiệt thòi về vật chất, lắm lúc chúng ta còn phải chấp nhận chết đi con người cũ, để có thể nhận được sự sống mới trong Đức Kitô, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” . Chúng ta sẽ như chết đi khi dám dấn thân phục vụ công việc chung, mà trước mắt sẽ không có một quyền lợi nào, nhưng đó chính là lúc chúng ta nhận được một phần thưởng là sự sống đời đời như lời hứa của Đức Giêsu: “Kẻ nào đành mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”. Tin tưởng vào lời hứa của Đức Giêsu, sau này thánh Phanxicô, trong bài ca Hoà Bình cũng đã ca lên: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Trân trọng cả những điều nhỏ nhặt nhất:
Con đường của Đức Giêsu đã vạch ra cho những ai muốn theo Ngài thật rõ ràng: đó là con đường của hy sinh, con đường của sự dấn thân phục vụ cách vô vị lợi trong mọi sự, kể cả những việc bé mọn nhất. Đối với Đức Giêsu không có việc nào lớn, danh giá, cũng không có việc nào nhỏ bé tầm thường, nhưng điều quan trọng là làm với động lực nào. Chính động lực thúc đẩy chúng ta hành động mới là quan trọng. Đức Giêsu nói: “Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri, và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa là người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính”, nghĩa là nếu chúng ta dấn thân phục vụ với tinh thần nào, sẽ nhận được phần thưởng của tinh thần ấy. Nếu dấn thân phục vụ với ý thức đây là việc của Thiên Chúa, của Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng của Thiên Chúa. Còn nếu chúng ta phục vụ chỉ vì danh dự cá nhân, để chứng tỏ mình, thì trước mặt Chúa sẽ chẳng có giá trị gì.
Việc phục vụ này có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ, bình thường như nấu cơm, quét nhà, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa của người vợ; hay việc sửa lại một cái ghế, cánh cửa của người chồng; việc học bài, coi em của các em thiếu nhi trong gia đình, hay đó chỉ là việc chia sẻ với những người đang gặp thiếu thốn, khó khăn chung quanh chúng ta… Tất cả những điều đó, nếu làm với một tấm lòng yêu mến, thì tất cả sẽ có một giá trị vô song trước mặt Thiên Chúa.
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, với sự trợ lực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, từng người chúng ta đủ can đảm và sức mạnh sống trọn vẹn những đòi hỏi xem ra nghịch lý của Tin mừng, để nhờ đó, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng muôn đời nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen.