CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- NĂM A
ĐỨC TIN- Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
Bài Tin mừng này thuật lại hai lần hiện ra của Đấng Phục Sinh với các tông đồ sau khi Ngài sống lại. Lần đầu tiên không có sự hiện diện của tông đồ Tôma. Rồi sau đó tám ngày, lúc “các tông đồ họp nhau lại trong nhà, và có Tôma ở với các ông”, thì Đấng Phục Sinh lại hiện ra với họ một lần nữa. Khi nghe đọc đoạn Tin mừng này, chắc có lẽ trong tâm trí mỗi người chúng ta đều nghĩ tới sự cứng tin của tông đồ Tôma. Mặt khác, kết thúc đoạn Tin mừng này, thánh sử Gioan cũng viết: “Những điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng: Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người”.
Như thế, đức tin chính là chủ đề quan trọng của phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta cùng xem lại các bài đọc Kinh thánh mà chúng ta vừa nghe.
Đức tin, ân ban của Thiên Chúa
Khởi đầu bài Tin mừng, thánh Gioan thuật lại: “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái”. “Ngày thứ nhất trong tuần”, nghĩa là ngày thứ ba kể từ khi Đức Giêsu chịu chết trên cây thập giá, ngày mà Đức Giêsu đã ba lần báo trước cho các môn đệ là Người sẽ Phục Sinh (x. Mt 16, 21-23; 17, 22-23; 20, 17-19). Vậy mà các ông vẫn ở trong nhà “cửa đóng kín vì sợ người Do-thái”. Điều đó cho thấy: mặc dù đã đi theo Đức Giêsu, cùng ăn, cùng ở với Ngài suốt ba năm, đã nghe Đức Giêsu giảng dạy chung với dân chúng, cũng như nhiều lần tâm sự riêng với Ngài. Thế nhưng, các tông đồ vẫn chưa thật sự xác tín vào Đức Giêsu. Họ còn nghi ngờ, không biết lời Ngài nói có thật không. Tâm hồn họ đang hoang mang, xao xuyến.
Thế rồi ngay giữa lúc họ đang bối rối, băn khoăn như thế, Đấng Phục Sinh đã đến với họ. Ngài đã đi ngang qua “cửa nhà còn đóng kín” để đến với họ. Vừa gặp họ, Ngài liền nói: “Bình an cho các con”. Đức Giêsu Phục Sinh đã đến và ban cho các tông đồ sự bình an, nghĩa là Ngài đến để ban và củng cố niềm tin của các ông, giúp các ông hiểu thấu tất cả những gì Ngài đã nói, đã thực hiện. Thậm chí, Ngài còn chiều lòng để hiện ra lần nữa với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.
Như thế, chúng ta có thể thấy được: đức tin trước hết là một ân ban của Thiên Chúa. Ngay sau khi Phục Sinh, vào ngày thứ nhất trong tuần, chính Đức Giêsu đã chủ động đến với các tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông. Rồi sau đó, Ngài còn hiện ra lần nữa để củng cố lòng tin cho tông đồ Tôma, và qua Tôma, Ngài cũng muốn ban ơn đức tin cho mỗi người chúng ta.
Các tông đồ là những người đã chứng kiến tận mắt, sờ tận tay, nghe tận tai lời của Đấng Phục Sinh (1 Ga 1, 1-2). Các ngài chính là những chứng nhân sống động cho sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Mặt khác, nhận được ơn đức tin, các tông đồ cũng không giữ cho riêng mình, theo lệnh của Đấng Phục Sinh, các ngài đã ra đi khắp nơi, loan báo cho muôn dân về Tin mừng Phục Sinh của Đức Giêsu. Như thế, đức tin của mỗi người chúng ta hôm nay, trước hết là một ân ban của Thiên Chúa, kế đến đức tin đó còn được đặt nền tảng trên các tông đồ là những thị chứng nhân đầu tiên của Đấng Phục Sinh.
Tuy nhiên, để đức tin này dù sao, cũng chỉ là một khởi đầu, để đức tin đó thực sự sống động, mỗi người chúng ta cũng cần đóng góp phần mình để mầm đức tin đó ngày càng được phát triển một cách sung mãn hơn.
Phương thế phát huy đức tin
Sách Công vụ tông đồ thuật lại: “Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các tông đồ, việc hiệp thông huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện…Họ bán tài sản tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người”. Dựa vào đó, chúng ta có thể nói rằng: đức tin của của các tín hữu ban đầu đã được nuôi dưỡng, và phát triển nhờ việc họ thường xuyên kết hợp với Chúa và chia sẻ với anh chị em.
Trước hết là việc kết hợp với Đấng Phục Sinh. Đây là điều hết sức quan trọng và cần thiết, nếu chúng ta muốn đời sống đức tin của mỗi người chúng ta ngày càng lớn mạnh và vững chắc, chúng ta cần thường xuyên kết hợp với Đấng Phục Sinh, bởi lẽ Ngài chính là Đấng ban ơn đức tin cho chúng ta. Các tín hữu thuở ban đầu đã kết hợp với Chúa bằng cách “bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các tông đồ, việc bẻ bánh và cầu nguyện chung với nhau”. Lúc đó, chưa có Thánh Lễ như chúng ta hôm nay, nhưng họ vẫn thường xuyên tụ họp với nhau để nghe lời giáo huấn của các tông đồ, rồi sau đó, họ đã cùng tham dự việc “bẻ bánh”, nghĩa là các tín hữu đã cùng tham dự sốt sắng bàn tiệc Lời Chúa, lẫn bàn tiệc Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể chính là lương thực không thể thiếu trong đời sống đức tin của mỗi người tín hữu. Chính vì thế trong tông thư “Mane nobiscum Domine!” về Năm Thánh Thể, Thánh Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã mời gọi chúng ta: “Hãy cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật một cách trọng thể, biến ngày đó thành ngày của Chúa và ngày của Giáo Hội” (Sđd, số 23).
Và rồi cũng giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, sau khi đã đón nhận được lời Chúa và Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh, các tín hữu thuở ban đầu đã nhiệt thành “bán tài sản tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày, họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau”. Nhờ đó, “Hằng ngày, Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi”. Như thế, đời sống bác ái chia sẻ, cùng với sự hiệp nhất yêu thương của mỗi người chúng ta từ trong gia đình cho đến cộng đoàn giáo xứ trong cuộc sống thường ngày, sẽ là một dấu chứng sống động cho thấy mức độ kết hợp của chúng ta với Đấng Phục Sinh. Cũng trong Tông thư nói trên, lấy lại lời của thánh Phaolô, Thánh Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã nói tiếp: “Việc cử hành Thánh Thể sẽ thiếu sót nếu không thực thi việc chia cơm, sẻ áo cho những người túng nghèo” (Sđd, số 28).
Cuối cùng, theo cái nhìn của thánh Phêrô trong bài đọc hai, đức tin của chúng ta còn được phát triển nhờ chính những thử thách, gian truân trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Những khó khăn trong cuộc sống của chúng ta chính là “ngọn lửa” Thiên Chúa gởi đến để tôi luyện đức tin của chúng ta, để nhờ đó chúng ta “được ngợi khen, vinh quang và danh dự”.
Từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được nhận lãnh hồng ân đức tin. Giờ đây, noi gương các tín hữu thuở ban đầu, chớ gì từng người trong giáo xứ chúng ta cũng nhiệt thành, sốt sắng hiệp dâng Thánh Lễ và hiệp lễ mỗi ngày, nhất là ngày Chúa Nhật, để nhờ đó, đức tin của chúng ta ngày càng vững chắc hơn. Đồng thời, khi rời ngôi Thánh Đường này trở về nhà, chúng ta hãy sống yêu thương, hiệp nhất với nhau, như là một cách thế cụ thể nhất để biểu lộ niềm tin của chúng ta. Amen.