CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
KHÔNG THẤY MÀ TIN- Chú giải của Noel Quesson (*) 6
ĐỨC GIÊSU HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ- Lm. FX Vũ Phan Long, ofm 14
HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ KHÔNG CÓ ÔNG TÔMA- Chú giải của Alain Marchabour 29
BÌNH AN CHO CÁC CON- Lm Giuse Đinh lập Liễm.. 34
GẶP GỠ CHÚA KITÔ PHỤC SINH – ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt. 48
PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN- ĐGM. Phêrô Nguyễn văn Khảm 53
CHÚA LÀ ĐẤNG XÓT THƯƠNG– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ. 59
TÔMA VÀ CON MẮT THỨ BA- Lm. Inhaxio Trần Ngà. 65
CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG TIN LÀ CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG MẾN- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 69
LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG- Lm. Jos Tạ Duy Tuyền. 76
NGÀI VẪN CÓ ĐÓ TRONG CUỘC ĐỜI- Trích Logos A.. 81
ĐỨC TIN- Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn. 86
————————————————————
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24
Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).
1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”.
2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Đấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
BÀI ĐỌC II: 1 Pr 1, 3-9
“Nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Đức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 20, 29
All. All. – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – All.
PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31
“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Đó là lời Chúa.
————————————
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- NĂM A
KHÔNG THẤY MÀ TIN- Chú giải của Noel Quesson (*)
Vào chiều hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần… các môn đệ khi đó tụ tập lại… Tám ngày sau, các môn đệ lại ở trong nhà…
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai sự hiện tỏ của Đức Giêsu đã sống lại, cách khoảng 8 ngày. Một cách tự nhiên, chúng ta có xu hướng tập trung chú ý vào cuộc hiện ra lần thứ hai, đó là với Tôma… bởi vì chúng ta thường khi tự động hóa mình với ông, và tìm được một giải pháp thực tiễn là có dưới tay mình một người nào đó hoài nghi, một người nào đó khó tin… và tìm ra được nơi ông một thứ biện minh cho sự thiếu lòng tin của chính chúng ta.
Nhưng những sự thông đồng của chúng ta với Tôma không ngăn chúng ta đọc toàn thể văn bản. Trước hết chúng ta lưu ý rằng Đức Giêsu hằng sống hiện ra, chuyện đó có phải tình cờ không? Vào Chúa nhật. Ngày thứ nhất trong tuần. Chúng ta biết rất rõ những Kitô hữu ban đầu không họp nhau mỗi ngày đâu. Chính họ, họ cũng có cuộc sống hằng ngày của mình. Họ không thể luôn luôn ở với nhau được. Vì thế, chính trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ hằng tuần của họ, mà Đức Giêsu sống lại đến thăm. Chúng ta có thể sai lầm khi nghĩ rằng đức tin là một công việc có nhiều tính cách riêng tư hay cá nhân: chúng ta nhận thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô sống lại chủ yếu được người ta thử nghiệm, nhận biết, cảm thấy trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ cộng đoàn. Họ ở với nhau,…hội họp lại… trong Giáo Hội.
Các môn đệ đã gài chốt các cửa nơi họ ở, bởi vì họ sợ. Đức Giêsu hiện đến và ở giữa họ.
Khi thánh Gioan viết điều đó, thì lúc ấy luôn luôn là thời gian sợ hãi và bách hại. Các môn đệ của Chúa Giêsu có thói quen khi hội họp ở nhà người này, khi ở nhà kia. Họ đón tiếp nhau… Họ tin cậy nhau. Có những vụ bỏ cuộc, những người bỏ đức tin và nhóm… Họ cũng sợ… Họ cài chốt các cửa lại. Nhưng ở mỗi Chúa nhật, dấu chỉ của phòng tiệc ly được làm lại, Chúa nhật đầu tiên này: một cách huyền nhiệm, Đức Kitô lẻn vào giữa những người thân của Người, tại nơi họ đang ở: E-phê-sô, Cô-rin-tô, Giêrusalem, Roma. Vâng, mỗi Chúa nhật, chính là lễ Phục sinh! Chúa ở đó, ngay giữa cuộc đời chúng con, và chính Chúa đã làm cho chúng con được sống… Không thấy Chúa, chúng con vẫn tin.
Lạy Chúa hôm nay, chúng con cũng bị cám dỗ cài chết cữa nhà một cách sợ hãi. Khi Thần Khí thổi vào, chớ chi các bức tường trong nhà tù của chúng con sập đổ, chớ chi thời giờ ca hát của chúng con trở lại: Chúng ta hãy mở cửa nhà chúng ta cho Đức Kitô sống lại!
Trước khi đi xa hớn trong cuộc suy niệm Tin Mừng này chúng ta hãy xin Đức Kitô, để giải thoát chúng ta, làm cho chúng ta sống lại khỏi tình huống chết chóc nào. Như tội lỗi, như thử thách về sức khỏe, như những gò bó đau đớn và tuyệt vọng, như khó khăn gia đình và nghề nghiệp… Nơi mà ở đó họ đã gài then cửa!
Người nói với họ: “Bình an cho anh em!”.Nói xong Người cho họ xem bàn tay và cạnh sườn Người. Các môn đệ tràn ngập vui mừng khi thấy Chúa. Đức Giêsu lại nói với họ: “Bình an cho anh em!”
Niềm vui Phục sinh, niềm vui Kitô giáo trước hết không phải là một niềm vui dễ dãi, niềm vui tự phát, thứ niềm vui nâng chúng ta lên cao khi mọi chuyện xuông xẻ, khi sức khỏe được tốt lành, tuổi trẻ ở đó đầy sức sống, khi các doanh nghiệp của chúng ta thành công, khi các quan hệ bạn bè và gia đinh được dễ chịu. Niềm vui Phục sinh, chính là niềm vui đến sau sợ hãi! Đó là niềm vui và sự bình an đi trở lên từ một tinh huống về cơ bản là thất vọng (cái chết của một Đấng bị đóng đinh) mà không gì có thể tước đoạt được! Đó là niềm vui và sự bình an đến từ lòng tin vào Đức Giêsu, ở mỗi cuộc hội họp Chúa nhật, giống như ngày đó, Đức Giêsu nguyện chúc sự bình an qua tiếng nói của vị linh mục: “Bình an cho anh chị em!”. Và Công đồng Vatican II đã lập lại truyền thống xưa “hôn bình an: các Kitô hữu được mời ban bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô. Trao cho nhau một cái bát tay, ôm lấy nhau, mỉm cười với nhau, trong khi vừa chúc với nhau: Bình an Đức Kitô. Đó không phải là một cử chỉ tầm thướng… chính là “trở nên Đức Kitô” với người gần ta…, khi nhiều người họp nhau lại nhân danh Ta. Ta sẽ ở giữa họ.
“Như Chúa Cha đã sai Thầy. Thầy cũng sai anh em..”
Đấy! Chúng ta không tin là nói quá tốt như thế!chính Đức Kitô nói lại với chúng ta… Tôi, người đàn ông đáng thương người đàn bà đáng thương, tôi là “Giêsu” được sai đến cùng anh em tôi… đúng như Người đã được Cha mình sai đi. Ta đừng đi quá nhanh trên các từ này. Ta đừng đi quá nhanh để bắt kịp Tôma, người cứng lòng tin. Hãy nán lại trên các từ về Đức Giêsu. Chúng ta hãy nghe trách nhiệm cao vời mà Người trao cho chúng ta: “sứ mệnh” của Đức Kitô được trao cho Giáo Hội, cho tôi, một phần. Tôi được Đức Giêsu sai đi… như Đức Giêsu đã được Cha sai đi! Tôi còn phải khám phá ra ý nghĩa của hai từ này, thêm một lần nữa, đó là những từ Latinh và Hy Lạp không được dịch ra, hỡi ôi. “Sứ mệnh” có nghĩa “sự sai đi” (từ missus trong Latinh)… và “tông đồ có nghĩa là “người được sai đi” (từ Apostolos trong tiếng Hy Lạp)…
Khi tôi gặp gỡ một người nào, trong công việc của tôi, trong môi trường cuộc cống của tôi, tôi không ở đó chỉ nhân danh riêng tôi, vì lợi ích của tôi: Tôi được Đức Giêsu sai đến đó nhân danh Người, vì lợi ích của chính Người! Như Đức Giêsu đã được Cha Người sai đi! Tôi còn phải nói với một sứ điệp của Đức Giêsu: chính Người nói cho bạn biết điều mà tôi sắp nói với bạn… người đang sống trong tôi là đôi môi và thân xác của Người, ở gần với Người, để tỏ ra cho bạn tình yêu của Chúa Cha.
Khi đã nói xong. Người thổi hơi trên họ và Người nói với các ông: “Anh em nhận lấy Thánh Thần”.
Ơn huệ của Thánh Thần, sự sáng tạo mới… Thần Khí của Đức Giêsu được truyền đạt cho các môn đệ của Người. Đức Giêsu đã chết, “trở lại cùng với Cha”. Nhưng người Kitô hữu nhận lấy đà tiếp sức! Họ là những người mang hơi thở đầy sinh lực và Thần Khí Người… họ đi theo công trình của Người: Thánh Phaolô sẽ nói: “Anh em là Thân thể Đức Ki- tô, anh em là Đền Thờ của Thánh Thần. Thánh Gioan, chính ông cho chúng ta thấy, vì lợi ích chính mình, Đức Giêsu lập lại cử chỉ của Thiên Chúa Sáng Tạo trong sách Sáng Thế (St 2,7): “Lạy Thần Khí Sáng Tạo, xin hãy đến (Veni, Creator Spintua)”.
Đối với Gioan, Lễ Hiện Xuống, chính là buổi chiều ngày Lễ PS cái chính yếu trong hoạt động của Đức Giêsu sau khi Người chiến thắng cái chết, chính là ơn huệ của Chúa Thánh Thần, Người đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ trong những kẻ chết (Rm 8,11). Trong kinh Tin Kính, đó là điều mà chúng ta khẳng định một cách chính yếu về Chúa Thánh Thần: Ngài là Đức Chúa, và Ngài ban sự sống. Thánh Thần được ban cho con người ngay chính chiều ngày Phục sinh, và Ngài sẽ tỏa sáng rực rỡ trên công trường năm mươi ngày sau, vào ngày lễ Hiện Xuống, chính cùng một Thánh Thần này, vừa mới thành công một đòn bậc Thầy nếu ta cấm nói như thế, bằng cách kéo Đức Giêsu khỏi sự chết, đồng thời mạc khải Người là Con Thiên Chúa nhờ sự Phục sinh. “Nhờ sự Phục Sinh Người được lập là Con Thiên Chúa theo Chúa Thánh Thần”.
“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha..”
Trói buộc, và tháo gỡ, tha thứ và cầm buộc… các tội lỗi. Lời lẽ này là một công thức ngữ pháp aramên: người ta dùng hai từ trái nghĩa để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa một thực tại, và nhấn mạnh lên từ “tích cực”. Vì thế, khi ban cho họ Thần Khí của Người, Đức Giêsu cũng ban cho các môn đệ của Người quyền tháo gỡ con người khỏi sự xấu của mình: Từ nay, trên trần gian này, họ là những người mang theo lòng thương xót của Thiên Chúa… như Đức Giêsu khi trước: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Các Kitô hữu được mặc lấy sứ mệnh mà chính Đức Giêsu đã nói là của Người, trong giáo đường Na-da-rét, đầu tác vụ của Người: Thần Khí Thiên Chúa ngự trên tôi, Thần Khí Thiên Chúa đã thánh hóa tôi. Người đã sai tôi đi mang Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo một năm hồng ân do bởi Thiên Chúa, giải thoát những người tù đầy ” (Lc 4,18-19). Tôi có phải là người mang tinh thần đó, Thần Khí giải phóng, của Thần Khí ban sự sống, của Thần Khí yêu thương, và tha thứ nhân danh Đức Giêsu không? Sự tha thứ là một ân huệ Phục sinh.
Một trong Nhóm Mười Hai, Tôma, lúc đó không ở với các ông, khi Đức Giêsu hiện đến… ông tuyên bố: “Nếu tôi không thấy… tôi sẽ không tin…”
Đấy là “người đến trễ, đến sau cuộc lễ Gặp gỡ. Tôma, luôn luôn, trong Tin Mừng, là người chỉ tin vào lương tri của mình, con người tích cực ngờ vực những hành vi táo bạo của Đức Giêsu. “Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu” (Ga 14,15). Khi Đức Giêsu nói về sự sống lại của La-da-rô, thì chính Tôma chỉ thấy sự chết (Ga11,15-16).
Tám ngày sau… Đức Giêsu lại đến: “Đặt ngón tay anh vào đây, hãy xem tay Thầy, đừng cứng lòng tin nữa…”
Đức Giêsu, dù đã sống lại, vẫn có tính khôi hài? Người đã để cho Tôma, bên ngoài, xem ra có lý trong một tuần. Chính với một cách mỉm cười mà tôi đã xem Đức Giêsu nói thẳng với Tôma. Đức Giêsu như có vẻ nói với ông: Anh bạn đáng thương của tôi ơi, bạn đã tưởng tôi chết, và vắng mặt, khi bạn nói với các bạn khác, bảo với họ là bạn không tin… nhưng tôi vẫn ở đó, vô hình, có nghe chuyện bạn nói. Dẫu vậy, tôi không tỏ mình cho bạn lúc đó. Ôi! Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người luôn có tất cả thời gian của Người.
Tôma nói: “Lạy Chúa của con và Thiên Chúa của con”.
Đó chính là tiếng kêu đức tin của một người mà đối với anh ta, sự đụng chạm cũng thành vô ích. Anh ta đã hiểu rằng Đức Giêsu, dù vồ hình, vẩn có ở đó. Ngay giờ phút ông hoài nghi, thì Người cũng có mặt ở đó.
Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin.
Một mối phúc thật, mối phúc cuối cùng. Người ta không thể trông thấy những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới đó. Đó chính là hạnh phúc đích thực.
(*) Tựa đề do BTT. GPBR đặt
————————————————–
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- NĂM A
ĐỨC GIÊSU HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ– Lm. FX Vũ Phan Long, ofm
Ngữ cảnh
Dựa theo bố cục tổng quát của TM Ga, đoạn văn này nằm trong chương 20 là chương cuối cùng của phần B (Sách về Giờ của Đức Giêsu), kèm theo lời kết cho thấy mục tiêu của tác giả khi viết Tin Mừng.
Trong tình trạng tranh tối tranh sáng lúc bình minh, Maria Mácđala đi đến mộ Đức Giêsu và thấy mộ đã được mở và trống không. Cho tới nay, có hai sứ điệp của Đức Giêsu Phục Sinh đã bao trùm ngày Phục Sinh (20,2.17). Vào buổi chiều ngày dài này, Đấng Phục Sinh đã đến gặp các môn đệ Người. Người gặp họ khi họ đang ở trong phòng cửa đóng kín: họ còn đang ở trong mộ của nỗi sợ hãi, chứ chưa được thông dự vào sự sống của Người. Đức Giêsu đã đưa các môn đệ ra khỏi tình trạng bế tắc do phản bội, do sợ hãi. Và Người đã trao sứ mạng để các ông trở thành sứ giả đi khắp nơi mà ban ơn tha tội, ban sự bình an.
Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
-Đức Giêsu hiện ra với các môn đê không có Tôma (20,19-23):
a) Lời chào “bình an” thứ nhất với việc chứng minh (cc. 19-20),
b) Lời chào “bình an” thứ hai với sứ mạng (cc. 21-23);
– Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma (20,24-29):
a) Tôma không tin anh em (cc. 24-25),
b) Đức Giêsu và Tôma (cc. 26-31);
-Kết luận Kitô học: Tóm tắt mục tiêu sứ mạng của Đức Giêsu (20,30-31).
Vài điểm chú giải
– Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần (19): Cuộc hiện ra xảy ra tại Giêrusalem vào ngày Chúa Nhật. Bản văn Lc 24,33-49 cho biết Đức Giêsu hiện ra vào buổi chiều, bởi vì vào lúc xế chiều, Người đã ngồi ăn với hai môn đệ tại Emmau, rồi hai ông đã trở lại Giêrusalem ngay trước khi Đức Giêsu hiện ra với cả nhóm. Rất có thể tác giả dùng từ ngữ “ngày ấy” mà chỉ ngày Chúa Nhật ấy là có ý coi đây là ngày cánh chung, ngày mà Đức Giêsu ban Thánh Thần để ở lại mãi mãi với các môn đệ (xem thêm cc. 14,20; 16,23.26).
Tác giả dùng công thức “Ngày thứ nhất trong tuần” cho cả hai lần hiện ra ở đây (lần sau đúng một tuần sau) rất có thể là vì ông muốn nhắc đến thói quen của các Kitô hữu cử hành Thánh Thể vào “ngày thứ nhất trong tuần” (Cv 20,7; xem thêm 1 Cr 16,2).
– các cửa đều đóng kín (19): Lý do nêu ra trong bản văn là “vì các ông sợ người Do Thái”, nhưng có lẽ tác giả cũng còn muốn cho thấy là thân thể Đức Giêsu Phục Sinh có thể đi qua cửa đóng kín. Đây cũng có thể là một ghi nhận về hoàn cảnh hiện tại của các môn đệ.
– Bình an cho anh em (19): Trong tiếng Hípri, shâlôm (= bình an, HL eirênê) là một lời chào thông thường. Nhưng trong văn cảnh long trọng ở đây, lời của Đức Giêsu có ý nghĩa khác, không phải chỉ là “Cầu chúc anh em được bình an”, như thể họ còn phải chờ đợi sự bình an đến trong tương lai. Ở đây, lời Đức Giêsu nói là một nhận định về thực tại: chắc chắn họ đang có sự bình an của Người.
– Như Chúa Cha đã sai Thầy (21): Trong các Tin Mừng khác, cũng có lời sai đi này (x. Mt 28,19; Lc 24,47), nhưng ở đây, mẫu mực cho việc sai đi là quan hệ của Con với Cha (một đề tài thần học của Ga, xem 17,18).
– Người thổi hơi vào các ông… Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (22): Hành động này nhắc nhớ đến làn hơi sáng tạo của Thiên Chúa trong St 2,7. Làn hơi của Đức Giêsu chính là Thánh Thần. Trên thập giá, Người đã “trao Thần Khí” (paredôken to pneuma; trước đây, vì không quan tâm đến thần học của tác giả Ga, người ta đã dịch là “trút hơi thở”) (19,30): Người đã trao ban Thánh Thần cho những người đứng dưới chân thập giá, đặc biêt cho thân mẫu Người, tượng trưng Hội Thánh hoặc Dân mới của Thiên Chúa, và cho người môn đệ Người thương mến, tượng trưng các Kitô hữu.
– Anh em tha tội cho ai …; anh em cầm giữ ai… (23): Câu này có vọng lại Ds 22–24 bằng tiếng Hy Lạp (Bản LXX), Truyện Bilơam: chẳng hạn so sánh Ga 20,23 // Ds 22,6 LXX. Theo bản văn Hípri, vua Balác xác tín rằng “kẻ nào bị ông nguyền rủa thì mắc họa/bị nguyền rủa” (Ds 22,6 Hípri), nghĩa là sẽ bị nguyền rủa qua lời nguyền Bilơam tuyên bố. Ông không bận tâm với quyền năng của Thiên Chúa Israel, là Đấng có đồng ý thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa (Ds 22,12; 23,8). Ngược lại, trong bản văn Hy Lạp, lời của Balác ở 22,6 có một ý nghĩa có thể giải thích theo hai hướng: có thể hiểu “được phúc” (eulogêntai) và “mắc họa/bị nguyền rủa” (kekatêrantai) vừa theo nghĩa một hậu quả sẽ xảy ra trong tương lai gần (bản văn Hípri: dạng phân từ và vị hoàn), vừa theo nghĩa một lời thú nhận không chủ ý rằng chỉ những ai đã được Thiên Chúa chúc phúc hoặc bị Thiên Chúa nguyền rủa thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa. Đó chính là điều Thiên Chúa đã nói với Bilơam: “Ngươi không được đi với chúng! Không được nguyền rủa dân đó, vì nó đã được chúc phúc (estin gar eulogêmenon)”. Bilơam không thể nguyền rủa kẻ đang sống trong tình trạng được chúc phúc, từ đó chúng ta hiểu là kẻ nào ông nguyền rủa được, kẻ ấy đã đang bị Thiên Chúa nguyền rủa rồi. Balác đã nói như thế và ông có lý, mà ông không biết.