CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN CHÚA TUYỂN CHỌN- Chú giải của Noel Quesson 5
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA- ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 12
GIỚI THIỆU CHÚA KITÔ – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống. 15
NÀY CHIÊN THIÊN CHÚA– Charles E. Miller. 21
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA- Chú giải của Fiches Dominicales. 24
CHÚA GIÊSU LÀ AI?- Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái 29
ĐỨC GIÊSU, CHIÊN CỦA THIÊN CHÚA- Lm Giuse Đinh lập Liễm.. 38
LỜI CHỨNG CỦA GIOAN- Lm FX Vũ Phan Long, ofm.. 54
CHÍNH NGÀI LÀ CON THIÊN CHÚA– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ. 71
“CHIÊN THIÊN CHÚA”- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An. 74
ĐẤNG CỨU CHUỘC- Trích Logos A.. 79
————————————————————————–
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta được vinh danh nơi ngươi”.
Và bây giờ, Chúa phán, Người đã huấn luyện tôi khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở nên tôi tớ Người, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel quanh Người. Tôi được ca tụng trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi. Người đã phán: “Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu”.
ÐÁP CA: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật Chúa ghi tận đáy lòng con.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.
“Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta”.
Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.
All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.
“Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”. Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa”.
————————————————————–
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- NĂM A
NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN CHÚA TUYỂN CHỌN- Chú giải của Noel Quesson
Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình…
Như ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng của Gioan mở đầu sứ vụ của Đức Giêsu bằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Giođan. Những, như những Thánh sử khác, và còn hơn thế, Gioan khởi đi từ sự kiện lịch sử này (xảy ra khoảng năm 27) để cho chúng ta một suy tư thần học (mà ngài có thời gian nghiền ngẫm đến chín muồi đến khoảng năm 95 lúc biên soạn).
Gioan không mô tả “phép rửa” của Đức Giêsu, ngài chỉ dùng một từ để gợi ra ý đó.” Gioan không nói rộng việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả kêu gọi hoán cải. Sau phần lời tựa (Ga 1,1-18) là một thứ thi ca về Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, Gioan “xây dựng” một thứ “tuần lễ đầu tiên” của Đức Giêsu, nhắc lại tuần lễ cao trọng đầu tiên của việc Sáng Thế: ngày đầu tiên (Ga 1,19): chứng từ tiêu cực của Gioan Tẩy Giả: tôi không Phải là Đấng Kitô… nhưng kìa người đến ở giữa các ông”. ngày thứ hai (Ga 1,29): chứng từ tích cực của Gioan Tẩy Giả đây là một đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay. Ngày thứ ba (Ga 1,35): theo sự chỉ dần của Gioan Tẩy Giả, bốn môn đệ của ông đi theo Đức Giêsu. Ngày thứ tư (Ga 1,43): ơn gọi của Philípphê. Và của Na-tha-na-en. Ngày thứ bảy (Ga 2,1): “Ba ngày sau những cảnh diễn ra ở bờ ông Giođan gần với Gioan Tẩy Giả, có tiệc cưới ở Cana miền Galilê và Mẹ Đức Giêsu cũng ở đó, và Đức Giêsu cũng được mời các môn đệ” “Dấu chỉ” đầu tiên!
Trong suốt tuần lễ khai mạc này, và chắc chắn không phải bởi sự ngẫu nhiên, Gioan tích lũy những “tước hiệu” thần học mà những Tin Mừng khác tiết lộ tuần tự sau này.
Qua lởi tựa, Gioan đã tức khắc kéo chúng ta lên đỉnh cao. Đức Giêsu là “Ngôi Lời đã trở thành người phàm” (Ga 1,1-2-14) “Ánh sáng của thế gian” (Ga 1,4-9) “Con Một của Thiên Chúa Cha mà không một ai đã thấy bao giờ” (Ga 1,14-18) “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29-36) “Đấng có trước” (Ga 1,15-30) “Con của Thiên Chúa có Thần Khí từ trời xuống và ngự trên Người” (Ga 1, 32.33.34) “Thầy hay Rápbi” (Gioan 1,38-49) “Đấng Mêsia hay Kitô” (Ga 1,41) “Đức Giêsu Nagiarét con ông Giuse” (Ga 1,45) “Đấng mà Luật pháp vàcác Ngôn sứ đã nói” (Ga 1,45) “Con Thiên Chúa và Vua Israel” (Ga 1,49); và sau hết là Con Người (Ga 1,51). Bản văn rữc rỡ này, hoàn toàn đốt mọi giai đoạn mà các môn đệ phải từ từ khám phá ra căn tính của Đức Giêsu; nó báo cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể giữ mãi một cách đọc và lý giải nông cạn và có tính giai thoại.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con vượt qua những vẻ bề ngoài. Biết bao lần, chúng ta không biết nhìn những người sống với chúng ta, và khư khư với những sự đánh giá mặt ngoài.
Rất nhiều người vào thời Đức Giêsu. đã không hiểu Người là ai. Vậy chúng ta hãy lắng nghe những chứng từ của Gioan Tẩy Giả kèm theo một loại “phát xạ” bổ sung mà Gioan nhà thần học và là chứng nhân đã đưa vào bằng sự suy niệm lâu dài của ngài. Bởi vì lúc đó, Gioan Thánh sử cũng có mặt trên bờ sông Giođan ấy.
Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.
“Đây là” không chỉ là môt tiếng bình thường, một từ dùng để chỉ. Từ gốc Do Thái ” in neh” hoặc “zeh” là một từ ngữ Kinh Thánh rất thường gặp để chỉ “một mặc khải”, bắt người ta phải tin: Chúng ta không trông mong gì, nhưng rồi đây là “Này (Đây là) trinh nữ sẽ thụ thai” (Is 7,14). “Đây là Môsê, chúng ta không biết điều đã xảy đến với ông” (Xh 32,1). “Đây là người sẽ nắm quyền trên dân Ta” (1 Sm 9,17).
“Chiên Thiên Chúa” “Đấng xóa bỏ tội trần gian”
“Chiên”! “Tội”! Hai tiếng ấy không đi vào trong những phạm trù trí tuệ của con người hiện đại hậu công nghiệp. Những từ mà chúng ta lặp lại và ca hát nhiều lần ở mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, đó là những từ “phát xạ” nếu như chúng ta biết nhận ra sự tỏa sáng của chúng. Những từ dùng để tuyên xưng đức tin của các cộng đoàn đầu tiên.
Những từ chứa đựng cả một nền thần học cả một quan điểm về lịch sử và về con người. Những từ mà người ta không thể chỉ lấy ý nghĩa ngây thơ của chúng: sự hiền lành, yếu đuối và âu yếm của con chiên nhỏ. Những từ ấy chỉ có thể hiểu được trong sự sâu sắc của Kinh Thánh, bằng việc chấp nhận nền văn hóa mà những từ ấy chuyển chở. Chúng ta hãy thử để cho mình được “chiếu xạ” bởi sức chứa nóng bỏng của chúng, nhưng vẫn luôn ở trong hiện tại.
Đối với các thính giả Do Thái, sự ám chỉ về “chiên” xuất hiện rõ ràng ở đền thờ Giêrusalem, mỗi ngày, người ta hiến sinh một con chiên để thanh tẩy tội lỗi của dân. Với máu của một con chiên vượt qua bị cắt cổ vào mùa xuân khi sự sống hồi sinh sau mùa đông, người ta bôi máu đó lên cửa nhà; để nhớ lại kỷ niệm bồn chồn của ngày giải phóng khỏi sự áp bức của Ai Cập (Xh 12). Theo sau Giêrêmi, các ngôn sứ đã so sánh Israel bị lưu đầy với chiên con vô tội để người ta đem đi sát tế mà không mở miệng nói một lời nào (Is 53,7; Gr 11,19). Các giáo trưởng đã giới thiệu Đấng Mêsia sẽ đến như một con cừu đực vinh quang, với cặp sừng mạnh mẽ, sẽ quật ngã những kẻ thù của Thiên Chúa. Phải chăng chúng ta không còn có những chuồng chiên dịu dàng. Chúng ta bị chìm ngập trong tính thời sự khắp nơi. Bạo lực, đàn áp đủ loại. Mọi thời đại và thời đại của chúng ta cũng thế, niềm hy vọng giải phóng luôn chỗi dậy: NGÀY HÔM NAY. Khoa học tiến bộ kỹ thuật, những cuộc đấu tranh xã hội và chính trị được đẩy tới mức huyền thoại hóa những lãnh tụ đấu tranh thành những người cứu độ. Than ôi! Những cuộc cách mạng, khi đã hoàn thành thường chỉ là đổi chỗ những bất công và những sự chuyên chế áp bức. Và con người vẫn còn mãi đói khát một sự giải phóng, một sự cứu độ triệt để.
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Cơ cấu áp bức bên ngoài chỉ là sự biểu hiện một sức mạnh khác ở nội tâm: cái xấu, ác ở bên trong; trong tôi, trong bạn, trong họ. Tôi ở đây là danh từ dùng ở số ít, không phải là chuyện nhỏ mà phải hiểu là toàn thể! Đức Giêsu sẽ gánh lấy, và làm biến mất toàn thể tội lỗi của thế gian trong một cuộc chiến đấu đẫm máu, Người sẽ đổ hết máu mình làm vật hiến tế trước những tay đao phủ. Đức Giêsu, Cứu Chúa của chúng ta! Đấng cất bỏ tội lỗi. Ơ đây Thánh Gioan dùng một từ ngữ Hy Lạp có nghĩa kép mà thánh sử thích dùng cả hai: “airein”, vừa có nghĩa “gánh vác, lãnh nhận” vừa có nghĩa “cất đi, lấy đi làm biến mất” Đức Giêsu không phát triển công cuộc giải phóng bằng cuộc chiến đấu bên ngoài theo kiểu “đội đặc công” trả đũa áp bức bằng bạo lực; nhưng bằng cách lãnh nhận trên chính người, bằng cách chịu đựng trong sự liên đới với mọi người bị áp bức của thế giới.
Bạn hỡi! khi bạn hát đến những lời này trong thánh lễ, bạn hãy để cho những lời ấy làm bạn tỏa sáng, mà chớ dừng lại ở bề mặt các từ ngữ và cử chỉ. Đồng thời, nếu bạn làm một cử chỉ chúc bình an hãy nghĩ đến sự súc tích của cử chỉ ấy: Sự hòa giải chân thật, tình huynh đệ chân thật tình yêu thương chân thật với người đối diện. Mọi nỗ lực hiểu biết người khác không ở trong tầm tay của bạn, dù khi bạn luôn giơ tay mình ra. Đó là một ơn mà bạn phải nhận từ Thiên Chúa và mọi nỗ lực của bạn tuy cần thiết cũng không thể kiến tạo sự hiểu biết ấy. Bạn hãy mở bàn tay bạn ra. Bạn hãy nhận lấy Mình Chúa bi nộp vì bạn. Bạn hãy tiếp nhận Golgotha vào lòng bạn.
Chính Người là Đấng mà tôi đã nói tới khi bảo rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người. Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel. tôi đến để làm phép rửa trong nước”.
Về mặt lịch sử và con người, Gioan Tẩy Giả đã được thụ thai và sinh ra trước Đức Giêsu. Nhưng phải vượt qua những vẻ bề ngoài, những sự hiển nhiên duy lý. Đức Giêsu đến từ nơi khác. Nếu Người có thể “cứu chúng ta một cách triệt để, bởi vì Người hơn một con người. Lấy lại sự suy niệm của lời tựa, Gioan nói lại với chúng ta sự có trước của Ngôi Lời. “Nhờ Người, vạn vật được tạo thành”, được Chúa Cha sinh ra từ thuở đời đời. Đức Giêsu thực hiện lại hành động Sáng Thế. Vũ trụ, bị tội lỗi làm hư hỏng, bị bao lực làm tổn thương, bị sự không có tình yêu làm cho nhiễm độc; sẽ được “tái tạo” toàn bộ, từ đầu đến cuối: Đó là “tuần lễ đầu tiên” của sự canh tân. “Tôi đã không biết Người” Gioan Tẩy Giả nói. Tuy nhiên đó là em họ của ông. Chúng ta không biết Đức Giêsu chừng nào chúng ta vẫn còn ở lại trên bình diện con người.
Ông Gioan còn làm chứng: tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuồng và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.
Đàng sau vẻ bề ngoài tầm thường của con người Nagiarét, Cả một mầu nhiệm được che giấu. Người được xức dầu, thánh hiến, được thấm nhuần. Thần Khí của Thiên Chúa xuống trên Người và ở lại trong Người! Sự hiện diện không ai biết. được che giấu. Tôi đã không biết Người. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận” (Ga 1,5-10). Đôi khi chúng ta thường nghĩ rằng mình biết Đức Giêsu, thật ra chúng ta không bao giờ hết chấm phá ra Người. Chúng ta phải hoàn toàn nhỏ bé, nghèo khó, hoàn toàn mở ra cho sự mạc khải.
Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.
Một vài thủ bản cho bản văn mà các nhà chú giải thấy đúng hơn và bản dịch tiếng Việt theo bản văn đó: “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” thay vì “Con Thiên Chúa”. Cách diễn tả này tương đương với “Người yêu dấu” “Con yêu dấu” “Con Một”; ám chỉ đến các bài thơ của Người Tôi Tớ mà chúng ta đọc hôm nay và Chúa nhật vừa qua trong bài đọc một (Is 42,1 – 49,5).
Bạn hỡi, vào lúc mà con yêu dấu bắt tay thực hiện một sự sáng thế mới, giải thoát mọi người khỏi tội lỗi đã bắt sự sáng thế đầu tiên phải hàng phục, lúc ấy bạn sẽ để cho mình được tái tạo. Phải chăng bạn sẽ chấp nhận Đức Kitô tái tạo bạn. Bạn sẽ chấp nhận phép rửa và sự nhúng chìm mình trong Chúa Thánh Thần, bạn sẽ để mình đổi mới từ bên trong; bạn sẽ để mình được nhân bản hóa đến cùng trong sự “tham dự vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Ngày nay, hai thanh niên gặp nhau đó là Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Một thế giới mới bắt đầu; một thế giới của tình yêu thương.
———————————————————
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM A
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA- ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.
Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.
Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.
Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.
Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.
Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.
Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.
Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.
Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) “Chiên Thiên Chúa” gợi lên những ý tưởng nào nơi bạn?
2) Là ‘con chiên của Chúa’ bạn phải sống thế nào cho xứng đáng danh hiệu ấy?
3) Thánh Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với tất cả ý nghĩa sâu xa của danh hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Hôm nay, nếu phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người chung quanh, bạn sẽ dùng danh hiệu nào?
—————————————————
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM A
GIỚI THIỆU CHÚA KITÔ – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống
Nếu khởi đầu Mùa Quanh Năm là sự nhận diện thiên tính của Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa nơi sông Giođan và cũng là nhận diện phẩm giá Kitô hữu khởi đi từ ngày họ lãnh phép Rửa Tội, thì Chúa Nhật thứ hai Thường Niên được xem như một khai triển phẩm giá ấy về mặt sứ vụ. Thật vậy, đảm nhận cuộc sống làm người và đón nhận cuộc đời làm con Chúa, tín hữu không chỉ sống đơn lẻ mà còn sống giữa những người khác, thế nên nét tươi tắn nhất trong sứ vụ của họ là giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ xung quanh mình. Nhưng vấn đề là phải làm sao để giới thiệu Chúa Kitô cho có hiệu quả.
Dựa trên trang Tin Mừng hôm nay về việc Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ đương thời, ta gặp thấy những tiêu chuẩn xác định hiệu quả cho việc giới thiệu ấy.
Giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân
Đây là tiêu chuẩn quan trọng có khả năng đi vào lòng người, bởi lẽ “con người hôm nay ít thích nghe những lời dạy cho bằng nghe những chứng tá” (Gioan Phaolô II). Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một học thuyết, thì dẫu chủ quan mình có nắm vững và say mê, Đức Kitô ấy vẫn chỉ là một lý tưởng còn xa lạ chưa đụng chạm thiết thực với đời người. Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một hệ thống tín điều, thì dù cho có xác tín đến đâu, Đức Kitô ấy vẫn còn xa vời, chưa phải là điểm quy chiếu thiết thân cho cuộc sống.
Thế nên, tiêu chuẩn hàng đầu là cần giới thiệu Đức Kitô như một Đấng mà mình đã tiếp cận, gặp gỡ và kết thân. Hiện nay mình đang sống trong Người như kiểu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, và do thúc bách bởi sự sống ấy mà mình giới thiệu Người cho người khác. Người là khởi điểm đồng thời cũng là đích điểm cho việc giới thiệu này.
Với kinh nghiệm bản thân, ta giới thiệu sự xác tín của ta vào Đức Kitô và đó cũng chính là sự khả tín của điều ta giới thiệu.
Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã không làm điều gì khác ngoài việc giới thiệu qua chứng từ về một kinh nghiệm ở ngôi thứ nhất số ít: “Tôi đã thấy và tôi xin làm chứng”.
Giới thiệu Đức Kitô là Đấng Cứu Độ
Có một thực tế không thể phủ nhận là khi giới thiệu Đức Kitô, thường ta hay rơi vào một trong hai thái cực:
Hoặc quá chủ quan: giới thiệu một Chúa Kitô không như Người là mà như mình tưởng, mình nghĩ. Coi chừng! Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng xem ra con người lại có khuynh hướng nắn đúc một Thiên Chúa theo như mình nghĩ, “giống hình ảnh con người”. Có lẽ chuyện dân Do Thái ở Ai Cập năm xưa lấy hình ảnh bò vàng làm tượng thờ phải được xem như một kinh nghiệm đau lòng.
Hoặc quá chung chung: giới thiệu một Chúa Kitô không minh bạch xác đáng, có nguy cơ giản lược đánh đồng coi Kitô giáo cũng chỉ là một trong nhiều tôn giáo ngang hàng và Đức Kitô không còn là Đấng Cứu Độ duy nhất nữa. Có lần đến thăm nhà một tân tòng, tôi gặp thấy cảnh tổng hợp nhiêu khê: truyền thống gia đình ông bà cha mẹ theo Phật Giáo, con trai theo Tin Lành, cô gái vào Công Giáo, còn cậu em là đối tượng một đảng nên không theo tôn giáo nào. Bà mẹ gia đình nói trổng như muốn phân bua về việc tự do chọn lựa niềm tin của con cái: “Ôi! Đạo nào cũng tốt, đều dạy ăn ngay ở lành cả ấy mà”. Trong suy nghĩ của người mẹ này, Đức Kitô cũng ngồi chung chiếu với những vị cổ võ đạo đức nhân sinh. Thế thôi.
Thiết nghĩ, giới thiệu Đức Kitô là phải trình bày cho thấy Người là Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại, là Đấng Cứu Độ trần gian, là Đấng từ trời xuống để đem ơn giải thoát đến tất cả mọi người và đạt tới từng người. Nét độc sáng của Kitô giáo chính là đây. Và Đức Kitô sở dĩ thiết thân đối với người đời bởi Người chính là Đấng Cứu Thế.
Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dứt khoát giới thiệu Đức Kitô cho dân chúng bằng một hình ảnh đặc biệt cho thấy Người là Đấng Cứu Độ: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
Giới thiệu Đức Kitô nhờ Thánh Thần
Giới thiệu Đức Kitô là công cuộc dài hơi, thậm chí là công việc một đời, vì thế đòi hỏi người giới thiệu không chỉ như kẻ chào hàng tiếp thị, mà phải đầu tư để học biết và học hiểu, học tập và học hành, học ngang và học dọc, học tới và học lui; nghĩa là phải nỗ lực hợp tác với ơn thánh bằng vận dụng hết công suất những khả năng Chúa ban mà chu toàn nghĩa vụ cũng là ý nghĩa cuộc đời mình. Ngày nào còn là Kitô hữu, ngày đó còn phải gắn bó và giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Đó là yếu tố thuộc về căn tính.
Giới thiệu Đức Kitô cũng là một công trình thuộc về sứ vụ truyền giáo của mọi thành viên trong Giáo Hội, nghĩa là thuộc về lẽ công bình. Ai đã nhận được lẽ sống Đức Kitô thì cũng canh cánh bên lòng một đòi buộc phải tiếp nối sứ mạng giới thiệu sự sống ấy cho những người mình gặp gỡ trong mọi cảnh ngộ cuộc đời. Chả thế mà sứ vụ cũng đồng nghĩa với sự lên đường. Đồng quà tấm bánh có thể giữ lại chứ sự sống mà giữ lại thì cũng đồng nghĩa với sự thui chột ngột ngạt ngay trong vòng tay ôm chặt của người sở hữu.
Giới thiệu Đức Kitô như thế cũng là cuộc hiến thân làm chứng, đón nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, quên mình xóa mình, thao thức miệt mài, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Không dễ dàng, không dễ dãi và không dễ chịu. Thế nên đó là một công trình sức người tự mình không làm nổi ngoài ơn của Thánh Thần. Vả chăng chính Thánh Thần mới giữ vai trò chủ động trong công trình lớn lao này, còn con người dẫu hết lòng hết sức cũng chỉ là dụng cụ góp phần.
Nếu hôm qua Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dựa vào dấu chỉ Thánh Thần để nhận biết Đấng Cứu Thế: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần”, thì hôm nay tín hữu cũng dựa vào Thánh Thần để chu toàn sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho người đồng thời với mình.
Tóm lại, giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân, giới thiệu Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và giới thiệu Chúa Kitô nhờ Thánh Thần. Đó là những tiêu chuẩn giúp cho việc giới thiệu này mang lại hiệu quả mong muốn.
Vì thế, Kitô hữu không chỉ là người mang Chúa Kitô trong mình, không chỉ thuộc về Chúa Kitô mà còn là người phải giới thiệu Chúa Kitô cũng như biết cách giới thiệu Chúa Kitô làm sao cho có hiệu quả nữa. Như một người chào hàng không mệt mỏi, như một chứng nhân luôn trung thành, và như một lẽ sống hạnh phúc, ta quyết chí lên đường.
Trong buổi chia sẻ của những tân tòng lớp trước dành cho lớp sau, một cô gái mười sáu tuổi đã chân thành cho biết lý do mình gia nhập đạo Công Giáo: “Tôi theo đạo vì lúc nhỏ học chung với một người bạn Công Giáo. Bạn ấy rủ tôi đi lễ, tôi đi theo dẫu chẳng hiểu gì. Nhưng vì bạn ấy đối xử tốt với tôi, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của bạn ấy, dần dà tôi hiểu ra lẽ đạo và cuối cùng tôi tìm đến với lớp giáo lý khai tâm, và hôm nay được nhận Bí tích Thanh Tẩy”.
Mong rằng đây không chỉ là chuyện cá biệt mà là chuyện điển hình đã được nhân lên trong mọi cộng đoàn tín hữu.
——————————————————–
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM A
NÀY CHIÊN THIÊN CHÚA– Charles E. Miller
Môn chơi chữ có thể rất vui. Một số người nói một từ và bạn có thể trả lời theo những gì đến trong tâm trí bạn. Thí dụ, tôi nói “nhỏ” và bạn nói “lớn”. Tôi nói “bóng đá”, bạn nói “bóng chày”. Gioan Tẩy Giả nói Đây Chiên Thiên Chúa” và chúng ta có thể nói “cái gì?”.
Để trình bày Chúa Giêsu. Thánh Gioan tẩy Giả đã có thể làm tốt hơn khi tuyên bố: “Hãy chiêm ngắm, đó là Chúa của các ngươi” hoặc”Đó là Đấng Cứu Độ” hay “đấy là Đức Kitô” không hay hơn sao? Tất cả những tước hiệu này xem ra diễn tả rõ ràng hơn: “Chiên của Thiên Chúa”.
Thật ra, đối với người Do thái, tước hiệu mà Gioan Tẩy Giả rao giảng thì từ: “Chiên Thiên Chúa” gợi lên trong tâm trí họ toàn bộ giáo lý đức tin của dân riêng Thiên Chúa. Ngay lập tức, họ nghĩ rằng không phải là một con chiên nhỏ bé nhưng là sự lớn lao của quyền năng và lòng thương xót Chúa hướng đến họ qua dấu máu của con chiên, nhờ đó họ được cứu thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và được mang đến sự tự do và đời sống mới nơi đất Hứa. Mỗi năm và dịp lễ Vượt Qua, họ lại tưởng nhớ và mừng lễ Cứu Độ bằng việc tham dự vào bữa ăn tối Vượt Qua.
Trong Thánh Lễ, việc mừng sự cứu độ của chúng ta trong Đức Kitô, chúng ta nhìn lên Mình và Máu Chúa, chúng ta nhận biết Người bởi chúng ta hiểu những lời của vị linh mục: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Khi chúng ta nghe những lời này trước khi rước lễ, chúng ta được mời gọi nhớ lại những gì mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta, Người như Chiên Vượt Qua. Chúng ta diễn tả niềm tin của chúng ta trong những lời tuyên xưng Thánh Thể. Khi nhớ chiên Vượt Qua đã bị hy sinh sát tế như thế nào, chúng ta được mời gọi suy niệm về chung kết là việc Chúa ngự đến như là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ thế gian này: “Đức Kitô đã chết, Đức Kitô đã sống lại, và Chúa Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang”.
Khi suy niệm về sự giải thoát đã ban cho các tổ phụ chúng ta, trong đức tin, chúng ta được mời gọi suy niệm về việc được giải thoát khỏi tội lỗi của chúng ta: “Lạy Chúa, bằng thánh giá và sự Phục Sinh của Người, Người đã cho chúng con được tự do. Chúa là Đấng Cứu Độ thế gian”. Khi suy nghĩ về đời sống mới của các tổ phụ tinh thần của chúng ta nơi đất Hứa, chúng ta được mời gọi suy niệm đời sống mới của chúng ta trong Đức Kitô: “Bằng cái chết, Người đã tiêu diệt sự chết nơi chúng ta, bằng việc sống lại, Người đã phục hồi sự sống cho chúng ta”. Khi suy niệm về các tổ phụ đã kỷ niệm sự giải thoát của mình bằng việc dự phần vào bữa tối Vượt Qua, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm việc chúng ta cử hành ơn cứu độ của chúng ta nơi bữa tiệc Thánh Thể: “Lạy Chúa Giêsu Kitô khi chúng con ăn bánh và uống chén này, chúng con tuyên xưng việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.
Khi mời gọi mọi người lên hiệp lễ, vị linh mục nói: “Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” hay là câu “Hạnh phúc thay những người được gọi đến dự bữa tối với Người”. Bữa tối hoặc tiệc đây không phải ám chỉ bữa tối sau hết nhưng là tiệc cưới của Con Chiên Thiên Chúa trên thiên đàng nơi mà các tín hữu của Chúa mừng Giao Ước tình yêu và trung tín (Kh 19,9). Bữa tiệc huy hoàng và đời đời là số phận của chúng ta bởi vì chúng ta nên một với Chiên Thiên Chúa ở trên trời.
Không có từ đơn giản nào mà thích hợp như một câu trả lời khi chúng ta nghe xướng: “Đây Chiên Thiên Chúa”, nhưng một cuộc suy niệm sâu xa về sự phong phú của tước hiệu này sẽ giúp chúng ta hiểu biết Chúa Giêsu tốt hơn và dẫn chúng ta tới dự phần đầy đủ hơn nơi bữa tiệc Thánh Thể của Chiên Thiên Chúa.
——————————————————–
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – Năm A
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA- Chú giải của Fiches Dominicales
Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa.
Trong một bối cảnh thù nghịch cuộc vận động của các thầy cả, thầy lêvi yêu cầu Gioan tự xác định vai trò trong cuộc chờ đợi Đấng Cứu Thế: “ông là ai”. Gioan Tẩy Giả đã trả lời trước hết bằng ba phủ định: ông không phải là Đấng Cứu Thế, không phải là Êlia, cũng không là một đại tiên tri. Rồi ông tuyên bố. “ở giữa anh”, “một người mà anh em không biết; chính Ngài đến sau tôi nhưng tôi không xứng đáng cởi dây giày cho người” (l,2-27).
Bây giờ, Gioan Phúc âm xác định là ngày hôm sau, đối diện với các môn đệ, sau khi nhóm người điều tra bỏ đi.
+ Gioan Tẩy Giả thấy Chúa Giêsu “tiến về phía Ngài”. Không phải là để xin rửa tội như ta tự nhiên nghĩ tới vì phép rửa đã xảy ra, nhưng để làm ứng nghiệm lời sấm của Isaia 40,10 “Chúa đến”.
+ Cũng trong chiều hướng làm ứng nghiệm lời tiên tri Isaia 40,2 đã loan báo cho Israel biết rằng “tội lỗi họ đã được tha thứ”, Gioan tuyên bố: “Đây là hiểu ngầm một lời mời hãy nhận xem chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội tràn gian. Một nhận dạng mà ta sẽ gặp lại ở chương 1,36.
Sự đối chiếu với Chiên Thiên Chúa có thể có 3 nền tảng trong Cựu ước. Hoặc con chiên của Israel 53,7: “Như con chiên bị đưa đến lò bát tế, như cừu đến trước mặt kẻ xén lông… Trong trường hợp này, thánh sử Gioan đã thấy nơi Đức Giêsu khuôn mặt của Người Tôi Tớ đau khổ gánh lấy tội lỗi thế giới. Nhưng cũng nên biết rằng cùng một từ ngữ Aram ấy có thể có 3 nghĩa: “trẻ em”, “tôi tớ” hoặc “con chiên”. Hoặc con chiên bị sát tế và đứng trong sách Khải Huyền, có thể thắng vượt tội lỗi và sự chết, là Đức Kitô phục sinh (Kh 5,6; 14,10; l.7,14). Hoặc con chiên vượt qua. Thực vậy, theo Gioan 19,14, Đức Giêsu bị kết án vào giờ mà các thầy cả bắt đầu sát tế chiên để mừng lễ Vượt qua. A. Marchadour nhận định: “Một tước hiệu như thế có thể có 3 ý nghĩa. Một độc giả không am hiểu bối cảnh Kinh Thánh của từ ngữ sẽ ghi nhận rằng có 2 so sánh vay mượn. Ở thế gian động vât: con chiên Thiên Chúa và chim bồ câu từ trời xuống. Hai hình ảnh của sự bất bạo động này rất thích hợp với bản chất của Đức Giêsu và với công cuộc nối kết với thế giới của Thiên Chúa”. Và làm chứng: “Chính Ngài là Con Thiên Chúa”. Rồi, khi gợi lại phép rửa ở sông Giođan, Gioan Baotixita, người đã loan báo trước về Đấng Messia mà không biết (“Tôi không biết Ngài câu 31 và 33), đã làm chứng: “người đã thấy Ngài quả quyết 2 lần như vậy (câu 32 và 34): “Mọi người sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa và ơn cứu độ Nơi Đức Giêsu, trên Ngài Gioan đã nhìn thấy “Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống từ trời và đậu lại”, Thiên Chúa đã mạc khải cho ông biết đó là Con Thiên Chúa…X lon Dufour nhận xét: “Sự chứng nhận này hiển nhiên phù hợp với lời tuyên bố của Thiên Chúa khi Đức Giêsu chịu phép rữa: Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người (Mt 3,17). Nhưng đây không phải là tiếng nói từ trời cao. Đó là tiếng nói của người phàm, Gioan Tiền hô đã nói.
Trong tước hiệu “Con Thiên Chúa” độc giả Kitô hữu tìm ra ý nghĩa vượt quá lời tuyên xưng về Đấng Messia, tước hiệu ấy nối kết với tước hiệu “Con duy nhất” đã được nhấn mạnh ở phần nhập đề. Đó chính là ý nghĩa mà bản văn này nhẩm tới, vì Phúc âm đã viết “để anh em tin rằng Đức Giêsu, Đấng Messia là con Thiên Chúa (20,31).
BÀI ĐỌC THÊM:
Dấu chỉ đến từ Thiên Chúa. (Mgr. L. Daloz, “Nous avons vu ta gloire”, DDB).
Nơi ngọn nguồn của việc tỏ mình ra của Đức Giêsu, chứng từ của Chúa Cha: “Đấng mà trên Người ngươi sẽ thấy. Thần Linh xuống và ở lại, chính người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần”. Ta chỉ nhận biết Đức Giêsu sau lời mạc khải của Chúa Cha. Đức Giêsu thường nhắc lại: “Ai nghe lời Cha và đón nhận thì đến với Ta” (6,45). Và chính Thánh Thần do Chúa Cha sai đến đã chỉ cho Gioan Tẩy Giả biết Đức Giêsu. Nhờ ông, ta đi vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ta chỉ nhận biết Đức Giêsu khi Thánh Thần Thiên Chúa đến mở mắt và chỉ cho ta thấy. Nếu không có Thánh Thần, không có lời chứng của các chứng nhân, ta sẽ không nhận biết Người. Người đâu phải là đối tượng của khoa học nhân văn mà ta có thể nhận dạng nhờ việc nghiên cứu và suy gẫm. Người là ngôi vị Con Thiên Chúa mà ta chỉ nhận biết được khi chính Thiên Chúa tỏ ra cho ta. Người là đối tượng của một chứng từ, không ai có thể nhận biết Người nếu họ không có trái tim rộng mở đón nhạn những dấu chỉ của Chúa Thánh Thần.
Con đường của Con Chiên. (H. Denis, 100 mots pour dire la foi. DDB).
Hằng bao lần ta đã chẳng đọc và nghe: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian sao? Thư thánh Phêrô sử dụng một đề tài Kinh Thánh cổ xưa như chuyện phiêu lưu của Môsê bên Ai Cập, tôi muốn cùng các bạn đi lại con đường của Con Chiên Thiên Chúa, Người đi từ sự báo oán giải phóng đến sự bất bạo động hoà bình.
Con đường ấy khởi đi từ một lịch sử đẫm máu. Dân Thiên Chúa được cứu khỏi Ai Cập nhờ máu Con Chiên. Con Chiên sẽ trở nên biểu tượng của công cuộc giải phóng Israel. Vì, ta đừng quên điều này, cuộc gặp gỡ của Môsê ở bụi gai cháy đỏ không, phải là một câu chuyện thần bí phóng đại hoặc truyện trẻ em ham thấy Chúa Mẹ hiện ra. Không, Môsê đã giết ngọt một tên Ai-cập đáng ngờ và Thiên Chúa của ông, dù chưa rõ tên Ngài, đã hứa nghe thấy dân Ngài đang bị nô lệ kêu xin. Như thế Con Chiên thuộc về phía cánh tay báo oán của Thiên Chúa, cùng với tất cả sức mạnh của Người. Nhưng chẳng bao lâu, đặc biệt với các ngôn sứ (Is 53, Gr 11…) Con Chiên này sẽ trở nên kiểu mẫu của những ai chết cho dân Người, như con cừu câm rùn bị dẫn tới lò sát sinh…
Thiên Chúa rời bỏ ngai Đấng toàn Năng. Ta nói rằng Người đứng về phía Con Chiên chịu đau khổ. Như thể thời gian dần dần chín mùi để đón nhận một Đức Giêsu nào đó, được Gioan tuyên xưng là Đấng xoá tội trần gian, còn thư Phêrô thì nhận là Con Chiên không khiếm khuyết, không tì vết, giải thoát ta khỏi cuộc sống không mục đích như là chiên vất vưởng lầm lạc. Nhưng sự đảo ngược hình ảnh chưa hoàn toàn. Cuộc giải phóng bằng việc báo oán của Thiên Chúa chưa chuyển hoá thành lễ dâng của một vát hy sinh tự nguyện và tự hạ. Thật vậy, Con Chiên phải mặc lấy những màu sắc và những hình thức của Sự Sống thực sự và của Vương triều thiên quốc. Đó chính là Con Chiên của sách Khải Huyền, hiện diện trong biết bao trang sách khi thời gian viên mãn. Điều đó nhắc tôi nhớ tới một bức bích hoạ rất đẹp và rất cổ xưa ở vùng ngoại ô Lyon, trong đó ta thấy Đức Kitô vinh hiển dưới hình Con Chiên mặt người. Đó là cuộc khải hoàn của niềm bình an, sức mạnh của sự bất bao động của Thiên Chúa. Vâng, chỉ Con Chiên mới có thể ban sự Bình An của lễ Phục Sinh, niềm bình an được hứa ban cho thế giới đã được giải phóng. Xin ban bình an cho chúng con.
——————————————————–
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM A
CHÚA GIÊSU LÀ AI?- Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Từ hôm nay bắt đầu mùa thường niên: Phụng vụ muốn dẫn chúng ta từng bước đồng hành với Chúa Giêsu. Việc đầu tiên là phải biết Ðấng mà mình đồng hành là ai.
Xin Chúa cho chúng ta biết Ngài, yêu mến Ngài và gắn bó đi theo Ngài trọn cuộc hành trình dương thế của chúng ta.
GỢI Ý SÁM HỐI
- Tuy là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta chưa cố gắng tìm hiểu để biết rõ Ngài.
- Chúng ta chưa “yêu mến Chúa trên hết mọi sự.”
- Chúng ta thường đi theo đường lối của riêng mình chứ không đồng hành với Chúa trên con đường của Chúa.
LỜI CHÚA
Bài đọc 1: Is 49,3.5-6
Ngôn sứ Isaia hình dung Ðấng Messia là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Ðoạn trích này thuộc bài thứ hai trong 4 bài ca về Người Tôi Tớ:
- Người Tôi Tớ của Thiên Chúa được giao sứ mạng “quy tụ dân Israel trước mắt Thiên Chúa”.
- Người Tôi Tớ của Thiên Chúa còn là “ánh sáng của các dân tộc”, làm cho “ơn cứu độ của Thiên Chúa tràn lan khắp địa cầu”.
Tất cả những nét Isaia mô tả Người Tôi Tớ đều được thực hiện nơi Chúa Giêsu.
Ðáp ca: Tv 39
Tv này bày tỏ tâm tình của người tín hữu đối với Thiên Chúa: cậy trông nơi Thiên Chúa, hân hoan hát mừng ca tụng Ngài, và nhất là luôn thực thi thánh ý của Ngài.
Không ai ngoài Chúa Giêsu có những tâm tình hoàn hảo ấy.
Tin Mừng: Ga 1,29-34
Theo bố cục của Tin Mừng thứ tư, đây là lần đầu tiên Ðức Giêsu xuất hiện trước dân chúng. Vì dân chúng chưa biết Ðức Giêsu, nên Gioan Tẩy giả giới thiệu Ngài, bằng hai kiểu nói:
- Ðức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”: Trong lễ nghi Ðền tội của Do Thái Giáo, tội nhân đem một con chiên lên Ðền thờ, úp tay mình xuống con chiên tỏ ý trút hết tội mình lên nó; tiếp theo, tư tế sẽ giết con chiên. Nó chịu chết để đền tội thay cho tội nhân. Bao nhiêu tội lỗi của tội nhân đều được tẩy xóa. Ngay từ buổi đầu gặp Chúa Giêsu, Gioan Tẩy giả đã biết Ngài sẽ chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, nên ông giới thiệu “Ðây là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian”.
- Ðức Giêsu là “Con Thiên Chúa”: Nhờ ơn soi sáng đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong biến cố làm phép rửa cho Ðức Giêsu, Gioan Tẩy giả còn được biết Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Thực ra, trong lịch sử, các vua Israel cũng xưng mình là con của Thiên Chúa. Nhưng đó chỉ là một cách nói, ngụ ý họ được Thiên Chúa nhận làm con nuôi, nghĩa tử. Riêng đối với Ðức Giêsu, Gioan Tẩy giả giới thiệu Ngài là con ruột của Thiên Chúa và cũng chính vì thế cho nên Ðức Giêsu sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.
Bài đọc 2 (chủ đề phụ): 1 Cr 1,1-3
* Từ Chúa nhựt II đến Chúa nhựt VIII, bài đọc II đều trích từ thư 1 Côrintô.
Côrintô là một thành phố cảng với những nét đặc trưng là: dân cư hỗn tạp (nhiều sắc dân khắp nơi đến làm ăn), đời sống kinh tế và trí thức tương đối khá, nhưng không đoàn kết, xã hội có nhiều tệ đoan. Chính dân Côrintô đã đuổi Phaolô ra khỏi thành phố này.
Khi ở Êphêxô, Phaolô nghe nhiều tin tức không tốt về giáo đoàn này, nên ông viết bức thư này cho họ nhằm củng cố một số điểm giáo lý và sửa sai một số tệ nạn.
Ðoạn này chỉ là những lời chào đầu thư Thánh Phaolô gởi đến các tín hữu Côrintô. Tuy vậy nó cũng xác định rõ tư cách của người viết thư và những người nhận thư:
- Người viết thư (Phaolô) là kẻ được Thiên Chúa kêu gọi làm tông đồ của Ðức Giêsu Kitô.
- Những người nhận thư (tín hữu Côrintô) là những kẻ được kêu gọi nên thánh và được thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô.
GỢI Ý GIẢNG
Ðộc hành hay đồng hành
Khi phải làm một chuyến hành trình dài, người ta cần có bạn đồng hành, để có bạn đường mà chia vui xẻ buồn, nói chuyện với nhau, và giúp đỡ nhau. Hai môn đệ hành trình Emmau nhờ đi chung với nhau nên đã san sẻ cho nhau nỗi buồn nặng trĩu sau những biến cố đau thương xảy ra tại Giêrusalem. Họ lại có được một bạn đồng hành nữa là Ðức Giêsu Phục Sinh. Chính Người Bạn đồng hành này đã xóa tan mọi sầu lo của họ và làm cho niềm tin của họ sống lại.
Ðời người trên dương thế là một cuộc hành trình dài thăm thẳm, không biết bao giờ mới xong, cũng không chắc sẽ đi đến đích hay không. Vậy mà có nhiều người cứ mãi độc hành: một mình tìm đường, một mình đi, một mình xoay trở trước những khó khăn… Thật là phiêu lưu!
Mùa thường niên của năm Phụng vụ cũng là một cuộc hành trình, nhưng không phải độc hành, mà là đồng hành với Chúa Giêsu: chúng ta cùng với Ngài đi qua những chặng đường từ Nadarét đến Galilê để tới Giêrusalem; từ gian khổ đến vinh quang; từ chết đến sống lại. Có Ngài cùng đi với chúng ta, chúng ta không sợ lạc đường. Cùng đi với Ngài, cho dù nhiều lúc gặp khó khăn, chắc chắn chúng ta sẽ tới đích. Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta nghĩa là Ngài sẽ vui khi chúng ta vui, Ngài sẽ buồn khi chúng ta buồn; chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ta sẽ được vui niềm vui của Ngài và buồn với nỗi buồn của Ngài. Ðời ta không cô độc, buồn tẻ…
Tuy chỉ là “mùa thường niên” không có những lễ trọng, nhưng nếu chúng ta sống mùa này như một người đồng hành với Chúa, cuộc đời chúng ta chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa.
Người Con và Người Tôi Tớ
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu với hai nét tương phản nhau: Ngài là Người Con yêu quý của Thiên Chúa cao sang, và Ngài là Người Tôi Tớ khiêm tốn thấp hèn.
Thực ra hai nét trên không đối chọi nhau mà làm nổi bật nhau và soi sáng cho nhau: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cao sang do cách Ngài sống như một Người Tôi Tớ; và Ngài là Người Tôi Tớ tuyệt hảo bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa cao sang.
Nhìn Chúa Giêsu, chúng ta rút ra được một triết lý sống: sống cao thượng trong hoàn cảnh tầm thường; và sống hoàn cảnh tầm thường với tâm hồn cao thượng.
Cùng sống với Chúa Giêsu qua những biến cố mỗi tuần trong Mùa thường niên này, chúng ta có thể thực hiện được triết lý sống tuyệt vời ấy.
Con Chiên gánh tội trần gian
Thời Cựu Ước, trong ngày lễ Ðền tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó Tư Tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.
Khi Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Ðức Giêsu là “Con Chiên Thiên Chúa, Ðấng gánh tội trần gian”, phải chăng Thánh Gioan cũng có ý rằng Ðức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi chúng ta nên từ nay loài người không còn tội gì nữa? Ðơn giản và dễ dàng thế sao?
Quả thực Ðức Giêsu đã gánh lấy tội trần gian. Việc này có nghĩa là nhờ Ngài mà tội lỗi chúng ta được tha thứ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không phải làm gì cả.
Cần phân biệt rõ giữa tội và thân phận tội lỗi. Ðức Giêsu gánh lấy và tha thứ tội lỗi chúng ta, như con chiên đã mang tội lỗi dân Do Thái vào sa mạc. Nhưng thân phận tội lỗi của chúng ta vẫn còn. Và Ðức Giêsu muốn giúp chúng ta cải thiện thân phận ấy, dĩ nhiên là với sự hợp tác của chúng ta.
– Ngài giúp chúng ta thế nào? Bằng cách đến với chúng ta, sống gần chúng ta, gieo vào mảnh đất tâm hồn chúng ta hạt giống sự tốt lành và thánh thiện của Ngài.
– Chúng ta hợp tác thế nào? Bằng cách tiếp nhận Ngài, sống với Ngài và để cho những hạt giống ấy lớn lên trong lòng mình.
Sự tha thứ của Chúa và bí tích giải tội không phải là một thứ phù phép, mà là một trợ lực, một hạt giống.
“Ngài cao trọng hơn tôi”
Ngày xưa một vì vua bảo một ông quan: “Khanh hãy đi khắp đất nước tìm về cho trẫm một người tốt”. Ông quan này tính tình hung dữ, gian dối và không có bạn. Sau một thời gian đi tìm, ông trở về triều, tâu: “Thần đã đi khắp nơi, gặp hết mọi người. Nhưng chẳng tìm được người nào tốt cả. Ai cũng hung dữ, gian dối và không có bạn”.
Nhà vua sai một quan khác: “Khanh hãy đi khắp đất nước tìm về cho trẫm một người xấu”. Ông này có lòng nhân từ, quảng đại và được mọi người thương mến. Sau một thời gian đi tìm, ông cũng trở về triều và tâu: “Hạ thần không thể chu toàn sứ mạng mà Bệ Hạ giao phó. Hạ thần đã gặp nhiều người gian lận, trộm cắp, tham lam… Nhưng chẳng có người nào thực sự xấu cả. Dù họ đã làm những điều ấy, nhưng trong thâm tâm ai cũng tốt”
Câu chuyện trên muốn nói rằng ta có khuynh hướng nhìn người khác không theo lòng họ mà theo lòng ta.
Thánh Gioan Tẩy giả thì không thế. Nếu như mọi người thì Gioan sẽ coi thường Ðức Giêsu, bởi Ngài đến sau ông; chẳng những thế ông còn coi Ngài là đối thủ của ông, bởi Ngài đang lấn dần ảnh hưởng của ông. Nhưng Gioan đã nghe theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần nên đã hiểu đúng về Ðức Giêsu và đã nhiệt tình giới thiệu Ngài cho mọi người: “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi vì Ngài cao trọng hơn tôi”.
Ðược kêu gọi nên thánh
Trong thư gởi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô định nghĩa tín hữu là “những người được kêu gọi nên thánh”.
Nhưng “thánh” là gì? Theo thần học, chỉ có một mình Thiên Chúa là “thánh” (Kinh Sáng Danh: “Chỉ có Chúa là Ðấng Thánh”). Theo Thánh Kinh, những ai và những gì thuộc về Thiên Chúa cũng được gọi là “thánh”, chẳng hạn Ðền thánh, Luật thánh, thánh nhân…; việc dâng hiến một người hoặc một vật cho Chúa được gọi là thánh hiến.
Vậy tín hữu là những người được kêu gọi nên thánh có nghĩa là tín hữu được mời gọi ngày càng thuộc về Chúa hơn, ngày càng giống Chúa hơn.
Nhưng làm thế nào để được như vậy? Cách tốt nhất là thường xuyên ở bên Chúa, nhìn vào Chúa và noi gương Chúa. Ðó là điều mà phụng vụ các ngày chúa nhựt quanh năm muốn giúp chúng ta.
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT: Anh chị em thân mến
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người là Ðức Giêsu Kitô nhập thế làm người, chịu chết trên Thập giá để xóa tội lỗi trần gian. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
- Chúa đã đặt Hội Thánh làm dấu chỉ ơn cứu độ cho muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh luôn trung thành với sứ mạng của mình.
- Cánh đồng truyền giáo này nay thật bát ngát bao la / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phấn dân Chúa / ý thức được trách nhiệm rao giảng Tin Mừng của mình / và dùng chính đời sống theo Tám mối phúc thật / để giới thiệu Chúa cho những ai chưa nhận biết Người.
- Sống an bình và hạnh phúc / là ước mơ tha thiết của mỗi người đang hiện diện trên trái đất này / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho thế giới hôm nay được hòa bình và thịnh vượng / để điều mà môi người chân thành ước mơ / có thể sớm trở thành hiện thực.
- Như Thánh Gioan tẩy giả / mỗi kitô hữu đều có bổn phận phải giới thiệu Chúa cho người khác / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu rằng / giới thiệu Chúa bằng đời sống bác ái yêu thương và phục vụ hết lòng / là cách tốt nhất để giúp người khác nhận biết Chúa.
CT: Lạy Chúa là Cha nhân hậu, chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã thương ban cho chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con chỉ tin tưởng cậy trông và phó thác cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa mà thôi. Chúng con cầu xin…
TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha: Chúa Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã thương chia sẻ quyền làm con ấy cho chúng ta nữa. Giờ đây, chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa là Cha những tâm tình con thảo của chúng ta.
– Trước Rước lễ: Ðức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Ngày xưa Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Ðức Giêsu thế nào, thì hôm nay Giáo Hội cũng giới thiệu Ðức Giêsu cho chúng ta như thế: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian…”
GIẢI TÁN
Trong Thánh Lễ này, anh chị em đã biết Chúa Giêsu là ai, đã được cảm nghiệm tình yêu thương của Ngài. Lễ đã xong, giờ đây anh chị em hãy đồng hành với Ngài trên những bước đường của cuộc sống.
————————————————————
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – Năm A
ĐỨC GIÊSU, CHIÊN CỦA THIÊN CHÚA- Lm Giuse Đinh lập Liễm
DẪN NHẬP.
Ngay từ lâu tiên tri Isaia đã nói về Người Tôi Tớ kỳ diệu của Giavê. Ông mô tả người tôi tớ này là người hiền lành khiêm nhường nhịn nhục như con chiên bị đem đi làm thịt mà không một lời kêu ca phản kháng. Người Tôi Tớ đó là ai ? Sau đó, tiên tri Giêrêmia cũng nói về mình giống như người tôi tớ Giavê khi ông viết :”Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều ác chông lại tôi”. Sau này, chính Gioan Tẩy giả đã giới thiệu cho dân chúng biết Người Tôi Tớ mà Tiên tri Isaia đã mô tả khi ông chỉ vào Đức Giêsu mà nói:”Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”(Ga 1,29).
Gioan tự thú trước đây ông chưa từng biết Đấng Cứu Thế mặc dầu ông là bà con với Đức Giêsu. Nói như vậy chỉ có nghĩa là ông không biết hoặc biết không chắc chắn Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ông chỉ biết được điều đó từ trên mạc khải cho khi Đức Giêsu đến xin ông làm phép rửa cho, và chính Thiên Chúa đã báo cho ông biết qua tiếng nói từ trời :”Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người ấy chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, ông bắt đầu làm chứng và khẳng định rằng “Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
Sau khi đã biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, chúng ta cũng có trách nhiệm phải giới thiệu Ngài cho những người khác bằng chính cuộc sống cụ thể của chúng ta. Chúng ta phải trở nên ánh sáng cho thế gian để soi cho người ta biết Chúa như lời Ngài dạy:”Aùnh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ trông thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời”(Mt 5,16). Ngòai ra, theo lời khuyên nhủ của thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay, chúng ta cũng phải cố gắng nên thánh để xứng đáng là môn đệ của Chúa, xứng đáng là con của Đấng đã phán :”Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng thánh”(Lv 11,44).
TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Is 49,3,5-6.
Tiên tri Isaia được soi sáng để nhìn thấy trước Người Tôi Tớ Giavê và được mô tả trong bốn bài thơ. Trong lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Người Tôi Tớ cũng được đề cập và được rút ra từ bài thơ thứ nhất. Hôm nay Người Tôi Tớ được rút ra từ bài thơ thứ hai.
Theo tiên tri Isaia, người tôi trung có những đặc điểm sau đây :
– Biểu lộ vinh quang của Chúa.
– Dẫn đưa nhà Giacóp về qui tụ dân Israel chung quanh Ngài.
– Trở thành ánh sáng muôn dân để đem ơn cứu độ đến cho mọi người.
Đấy chỉ là người tôi trung nào đó được mô tả, còn người tôi trung này chỉ được thực hiện hòan hảo nơi Đức Giêsu.
+ Bài đọc 2 : 1Cr 1,1-3.
Bài đọc 2 là lời chào thăm của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Côrintô, giáo đòan mà ngài đã thành lập trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai vào những năm 50-52.
Trong phần mở đầu vắn tắt được đọc lại hôm nay, thánh Phaolô dùng hai lần từ ngữ “kêu gọi” : Ngài được Chúa kêu gọi và họ cũng là những người được Chúa kêu gọi. Ngài được Chúa kêu gọi để làm tông đồ đi rao giảng Tin mừng của Đức Kitô, còn họ là những người được kêu gọi nên thánh và được thánh hóa trong Đức Giêsu Kitô.
+ Bài Tin mừng : Ga 1,29-34.
Đức Giêsu lần đầu tiên xuất hiện nơi công chúng. Khi thấy Ngài tiến về phía mình, thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng : Người là Chiên Thuiên Chúa và là Con Thiên Chúa.
Chiên của Thiên Chúa : Khi nói Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa, có thể Gioan đang nghĩ đến Con Chiên của lễ Vượt Qua vì bấy giờ là lễ Vượt Qua cũng sắp đến (Xh 2,13). Gioan là con trai của thầy tư tế, chắc ông biết rõ mọi chi tiết liên hệ đến việc dâng của lễ : hằng ngày buổi sáng và buổi chiều, luôn luôn có một con chiên được dâng làm của lễ trong đền thờ để chuộc tội cho dân chúng (Xh 29,38-42). Trong lễ nghi đền tội của Do thái giáo, tội nhân đem một con chiên lên đền thờ, úp tay mình xuống trên con chiên tỏ ý trút hết mọi tội mình trên nó; tiếp theo, tư tế sẽ giết con chiên hoặc thả nó vào rừng. Nó chịu chết để đền tội thay cho tội nhân. Bao nhiêu tội lỗi của tội nhân đều được tẩy xóa.
Con Thiên Chúa : Chúng ta thắc mắc đặt dấu hỏi : Tại sao trong bài Tin mừng hôm nay Gioan Tẩy giả lại nói ông chưa từng biết Đức Giêsu vì ông đã biết Ngài lúc chịu phép rửa và là bà con của người nữa ? Đúng thế, Gioan đã biết Ngài là Con Thiên Chúa (trong lúc rửa tội) và có họ hàng với nhau, chắc chắn đã quen biết nhau. Không phải Gioan nói ông không biết Đức Giêsu là ai, nhưng ông muốn nói là mình chưa từng nhận biết Ngài là Đấng Messia (Chúa Cứu Thế), ông mới được mạc khải rằng Giêsu này chính là Con Thiên Chúa, là Con ruột của Thiên Chúa, chứ khong phải là con nuôi, là nghĩa tử.
THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Con chiên gánh tội trần gian
Gioan giới thiệu đức giêsu.
Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức sám hối thay cho cả nhân lọai qua phép rửa của Gioan, và kết thúc cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức đền tội thay cho cả nhân lọai qua cái chết thê thảm trên thập giá. Và hôm nay, ít ngày sau khi Gioan rửa tội cho Đức Giêsu, ông liền giới thiệu cho dân chúng biết Ngài là ai, và một phần nào báo trước cái chết của Ngài :”Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”! Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của những lời giới thiệu ấy.
Đây Chiên Thiên Chúa.
Muốn giới thiệu khuôn mặt của một người thì người ta phải giới thiệu một khuôn mặt hấp dẫn, đàng này thánh Gioan lại không theo khuôn thức đó. Người ta kể rằng : một tu sĩ kia muốn họa lại chân dung của Đức Giêsu. Được phép của bề trên, ông đi rảo khắp nơi để tìm cho kỳ được người mẫu thích hợp. Thế nhưng, càng tìm kiếm, ông càng khám phá ra rằng, không thể có người nào trên trần gian này hòan tòan giống Đức Giêsu. Từ đó, ông đi đến kết luận : Gương mặt Đức Giêsu phải là tổng hợp của tất cả vẻ đẹp của con người trên trần gian này. Do đó, thay vì chỉ chọn một người mẫu, ông đi thu nhặt tất cả những nét đẹp trên mọi gương mặt mà ông đã gặp.
Thầy dòng kia đã quá băn khoăn về khuôn mặt Chúa Cứu thế, còn thánh Gioan tẩy giả, qua bài Tin mừng hôm nay, thì lại quá đơn giản. Ngài giới thiệu Chúa, bằng một hình ảnh và một tên rất thường :”Đây Chiên của Thiên Chúa”.
Biểu tượng “Con Chiên” mang một dòng lịch sử súc tích. Nó có liên hệ chặt chẽ với những biến cố của ơn cứu độ. Theo truyền thống Do thái trong sách Xuất hành, Thiên Chúa đã phán với Maisen :”Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con
chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng , con kia vào buổi chiều”(Xh 29,38-39)
Theo đó, qua suốt thời gian dài cho đến năm 70, khi đền thờ bị phá hủy, mỗi ngày vào buổi sáng sớm và buổi chiều, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ tòan thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy, tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa đáng lẽ phải trả giá bằng sinh mạng của chính con người, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận để con chiên chết thay con người. Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh như thế :”Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”(1Cr 5,7).
Trước Gioan Tẩy giả rất lâu, các tiên tri đã nói về người tôi tớ kỳ diệu của Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên, như Isaia đã mô tả :”Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta”(Is 53,7-8).
Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Đức Giêsu khi ông viết :”Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi”(Gr 11,19).
Thành ngữ “Chiên của Thiên Chúa”là một thành ngữ hết sức kỳ diệu. Tác giả sách Khải huyền đã dùng thành ngữ ấy 29 lần trong sách của mình, và trở thành một trong những danh hiệu quí báu nhất của Chúa Cứu Thế. Chỉ trong một chữ, thành ngữ tóm tắt được tình yêu thương, đức hy sinh chịu khổ và chiến thắng khải hòan của Đức Giêsu.
Gioan Tẩy giả cho rằng mình chưa từng biết Đấng Cứu thế, nhưng ông lại là bà con với Đức Giêsu, chắc chắn Gioan và Đức Giêsu đã quen biết nhau, nhưng Gioan không biết hoặc biết không chắc chắn Giêsu là Đấng Thiên Sai. Chỉ khi Đức Giêsu đến với ông xin chịu phép rửa và sau đó có những dấu chứng từ trời cao, ông mới biết điều đó cách chính xác. Vì chính Thiên Chúa đã báo trước cho ông điều ấy :”Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, Gioan bắt đầu làn chứng về Ngài.
Đấng xóa tội trần gian.
Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói :”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu : Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa tội trần gian.
Khi gọi Đức Giêsu là “Chiên của Thiên Chúa”, Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là “Đấng xóa tội trần gian”, Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là “tôi tớ đau khổ của Giavê” như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.
Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân lọai. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ, nghĩa là sự tha thứ tội lỗi.
Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ Adong cho đến tội của người sau hết của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân lọai. Từ nay nhân lọai đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.
Chúng ta cũng phải giới thiệu đức kitô.
Mỗi người Kitô hữu là một người mang sứ mạng của Gioan, nghĩa là giới thiệu Đức Kitô cho người khác biết. Cách thức giới thiệu đó có thể khác nhau : người thì dùng lời nói, kẻ khác bằng hành dộng bác ái, xã hội, hoặc đời sống chân chính theo đúng nghĩa Kitô giáo. Chúng ta có thể giới thiệu Chúa Kitô cho người khác bằng một số việc sau đây :
Sống xứng đáng người Kitô hữu.
Chúng ta đã biết rõ lý lịch của Đức Giêsu, Đấng mà chúng ta xưng tụng bằng danh hiệu : Con Thiên Chúa, Chiên Thiên Chúa, Người Tôi Tớ Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Tất cả những danh hiệu này đã được Chúa Cha ban tặng cho Ngài qua miệng các tiên tri loan báo trong Thánh Kinh, nhất là chính Ngài đóng trọn những vai trò, đã sống gương mẫu thực tế một cách tuyệt hảo những danh hiệu của mình.
Chúng ta cũng được Chúa ban cho nhiều danh hiệu như dân tư tế, dân thánh, dân được tuyển chọn, dòng tư tế vương giả, môn đệ Chúa, bạn hữu với hàng thần thánh, Kitô hữu… Vậy thử hỏi chúng ta đã sống đúng chức năng của những danh hiệu ấy chưa ? Đối với danh hiệu “Kitô hữu” chúng ta đã sống thế nào ?
Kitô hữu là một danh hiệu mà thánh Phaolô tông đồ lần đầu tiên đã tặng cho các tin hữu ở Antiochia. Thời kỳ đầu các tín hữu đã có một cuộc sống rất gương mẫu làm cho dân ngọai phải ngạc nhiên. Sách Công vụ Tông đồ còn ghi lại :”Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”(Cv 2,44-47).
Người Kitô hữu là muối, là linh hồn của thế gian. Họ là thành phần của đám đông nhưng lại hành động như men. Họ không thể phân biệt khỏi quần chúng, nhưng họ khác biệt hòan tòan. Một tác giả vô danh hồi thế kỷ thứ 3 đã viết trong tác phẩm gửi cho Diognetus như sau:
“Người Kitô hữu không khác với những người khác về cư trú, về ngôn ngữ hay về lối sống. Bởi vì họ không cư ngụ thành nào riêng biệt, cũng không dùng ngôn ngữ nào khác thường và nếp sống của họ chẳng có chi khác biệt. Không phải do suy tư hay bận tâm tra cứu mà họ khám phá được các giáo thuyết. Họ không chủ trương một giáo điều nào của lòai người như một số người nọ. Họ sống rải rác trong các thánh phốâ Hy lạp lẫn trong các thành thị của người Mandi, tùy theo số phận dun dủi. Họ sống theo tập tục của dân bản xứ trong cách phục sức, ăn uống, và cách sống nhưng bộc lộ một thái độ sống khiếân nhiều người cho là lạ lùng, khó tin nữa. Họ sống trong quê hương của họ mà như những kẻ ở đâu. Họ tuân thủ mọi cái chung như các công dân khác và chịu mọi gánh nặng dường như ngọai kiều. Miền xa lạ cũng là quê hương của họ nhưng mọi quê hương chỉ là đất khách cho họ mà thôi. Họ cũng dựng vợ gả chồng như ai và sinh đẻ con cái, nhưng chẳng hề bỏ con. Họ đồng bàn nhưng chẳng đồng sàng…”(Trích Các bài đọc II, Mùa Phục sinh, tr 84).
Muốn chiếu giãi ánh sáng Chúa Kitô cho người khác, chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Kitô bằng cách học hỏi Lời Chúa, áp dụng vào đời sống hằng ngày để chúng ta có thể nói được như thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,19). Nếu Đức Kitô sống ta, Ngài sẽ hóan đổi dần con người của ta để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ chiếu giãi Chúa Kitô cho người khác được.
Truyện : Nét mặt Chúa Giêsu.
Du khách đến Roma thường đi thăm ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, vì phía trên bàn thờ có một tượng thánh giá rất đặc biệt : bất cứ ai đến quì trước thánh giá cầu nguyện với tất cả lòng thành đều được sức mạnh và niềm an ủi thẳm sâu.
Người ta kể rằng : Tác giả tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mất rất nhiều năm mới hòan thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập bỏ, vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông muốn. Khi ông bắt tay vào công trình lần thứ ba thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tị nên tìm cách hạ uy tín ông. Vợ con ông qua đời trong những hòan cảnh thật đáng thương.
Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thánh giá không còn là phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ muốn tháp nhập vào đó (Thiên Phúc, Tất cả là Hồng ân tr 52-53).
Phải nên thánh.
Trong bài đọc 2 hôm nay, trong phần đầu thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô hai lần nhấn mạnh từ “kêu gọi”. Ngài được Chúa kêu gọi vào sứ mạng tông đồ, còn họ được “kêu gọi” nên thánh. Nên thánh không có nghĩa là phải làm những việc lạ lùng phi thường, nhưng tùy theo khả năng và môi trường, phải hành động để nối tiếp công việc của Chúa Giêsu, Đấng xóa tội trần gian, cứu thóat thế gian khỏi vòng tội lỗi.
Người Á đông thường lấy câu nói của Vương Dương Minh làm châm ngôn trong cuộc sống :”Nội thánh, ngọai vương” : bên trong là một vị thánh, bên ngòai là một ông vua. Có lẽ đây là lời người ta khen vua Thương và vua Thang là những ông vua tốt lành gương mẫu xứng đáng cho người ta gọi là “thánh vuơng”. Khác với hai vị vua này là vua Trụ và vua Kiệt là hai vị vua độc ác đến nỗi người đời phải tặng cho hai chữ “bạo vương”.
Vua Đavít đã thực hiện được câu châm ngôn “Nội thánh ngọai vuơng”, xứng đáng cho người ta gọi là thánh vương Đavít. Còn chúng ta không phải là bậc vua chúa mà chỉ là một Kitô hữu bình thương, chúng ta có thể thực hiện được câu châm ngôn ấy không ? Chắc chắn là được !
Cần nhất phải có cái nội là thánh vì nó là điều căn bản, còn cái ngọai vuơng là gì cũng được, là vua hay dân cũng được và có thể là bất cứ ai, ở vào bất cứ hòan cảnh nào.
Nếu ta là vua thì cái “ngọai vuơng” đó làm cho người ta biết rằng Thiên Chúa là vua trời đất, vua tối cao, vua trên hết các vua, chúa trên hết các chúa, mọi người phải phụng thờ Ngài.
Nếu ta là người giầu có thì cái ngọai vương của ta làm cho người ta biết Thiên Chúa là Đấng giầu sang khôn ví, Ngài đã tạo dựng nên vạn vật và đã ban mọi sự cho con người, hãy biết ơn và cảm tạ Ngài.
Nếu ta là người nghèo khó, hèn hạ thì cái ngọai vương của ta phải làm cho họ biết rằng Thiên Chúa giầu sang phú quí, vì yêu thương nhân lọai đau khổ đã bỏ mọi vinh quang trên trời, xuống thế làm người ở với con người, đã trở nên nghèo hèn cho giống con người và sau cùng chịu chết trên thập giá để cứu chuộc con người.
Khi chúng ta đã có một đời sống lành thánh bên trong thì tự nhiên bản thân ta sẽ phát ra một cái gì tốt lành khả dĩ khiến người khác phải mến phục. Từ chỗ họ mến phục cuộc sống chúng ta, họ sẽ mến đạo, tin theo đạo và tất nhiên họ sẽ tìm đến Chúa.
Tuy người ta chưa biết Chúa ngay, nhưng qua trung gian chúng ta họ sẽ biết Chúa từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ cái xa đến cái gần, từ cái ngòai đến cái trong, từ con người của ta đến với Chúa. Nên người đời thường nói :
Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng.
hoặc
Xem mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
Muốn được thế, chúng ta phải thực hành Lời Chúa: “Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha của các con, Đấng ngự trên trời”(Mt 5,16).
Sống khiêm nhường nhịn nhục.
Trong cách giới thiệu của Gioan về Đức Giêsu, ta thấy ông luôn luôn làm cho Đức Giêsu nổi bật lên, đồng thời tự làm cho mình lu mờ đi :”Ngài phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3,30). Gioan đã phải từ bỏ “cái tôi” của mình để thể hiện được sự quên mình theo tinh thần tự hủy của Đức Giêsu (Pl 2,6-8).
Lão Tử đã đưa ra chủ trương “Nhu nhược thắng cương cường”, cái mềm yếu lại thắng cái mạnh mẽ. Do đó quan niệm “Nhu thắng cương, nhược thắng cường” (mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh) có thể làm cho chúng ta dễ chấp nhận. Đúng vậy, thánh Phaolô đã nói thẳng :”Tôi vui thỏa trong các nỗi yêu đuối… vì khi tôi yếu thì chính bấy giờ là Tôi mạnh”(2Cr 12,10). Nhà thơ La Fontaine có một câu truyện ngụ ngôn rất thích hợp với đề tài của chúng ta.
Truyện : Cây dẻ và cây sậy.
Cây dẻ tự hào mình là thứ cây cổ thụ cao lớn đồ sộ, hiên ngang đứng giữa trời đất giang tay đón gió. Dẻ đưa mắt nhìn xuống đám cây lau sống lụp xụp trong bùn dưới chân mình. Dẻ tỏ vẻ khinh khi bảo :”Kìa lòai chi chúng bay mà ta vừa rung lá, bay đã cúi đầu lo sợ”. Khóm lau trả lời :”Chúng tôi cúi đầu mà không gẫy thân. Còn ông hãy coi chừng”. Và cứ thế, lời qua tiếng lại mỗi ngày. Bỗng một ngày kia, trận bão từ biển Đông thổi vào. Cây dẻ cứ đứng vững như trồng, còn lau đua nhau cúi sát mặt. Nhưng trên gió cứ thổi lên, thổi lên từng hồi. Dẻ ta vẫn đứng sừng sững, còn lau nằm sát nước. Bỗng một tiếng đổ sụp vang trời dội đất. Cây dẻ đã trốc rễ và vật mình nằm sõng sượt không thốt lên lời. Qua cơn bão táp, lau đứng dậy vững vàng .
Vâng, lau cúi mình nhưng lau không bị gẫy. Lời thánh Phaolô “trong lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh” là thế đó !
Tinh thần biết ơn Chúa.
Chúng ta biết Cựu ước chỉ là hình bóng của Tân ước và hình bóng của luật cũ đã nên trọn vẹn trong Luật mới. Không chỉ trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu được gọi là Con Chiên. Thánh Phêrô cũng nói về Đức Kitô là Con Chiên. Trong sách Khải huyền, thánh Gioan gọi Con Chúa là Con Chiên ít nhất 28 lần. Ông đã chỉ rõ Đức Kitô là Con Chiên bị chết vì tội lỗi lòai người, của các dân tộc. Ông cũng nhấn mạnh sự thật rằng : Con Chiên đây là Con thật của Thiên Chúa, rằng Ngài tăng cường sức mạnh cho những kẻ tin theo Ngài, Ngài chiến thắng Satan. Do đó, chúng phải tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa Giêsu, Con Chiên Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi định mệnh mất ơn nghĩa đời đời. Chúa Giêsu đã tự ý và yêu thương mà hy sinh mạng sống Ngài cho chúng ta được sống.
Truyện : Được sống nhờ con chiên.
Trên mái một nhà thờ ở Werden, nước Đức, người ta có thể nhìn thấy một tảng đá chạm trổ một con chiên. Đây là câu chuyện về tảng đá đó. Một công nhân đang làm trên mái nhà thờ này thì dây thừng an tòan bị đứt, anh công nhân bị rớt xuống sân nhà thờ, mà sân thì xếp đầy những đống đá lớn. Thế nhưng anh công nhân không bị thương nặng. Có một con chiên đang gặm cỏ giũa hai khối đá lớn. Anh công nhân rớt xuống trên con chiên và đè nó chết, làm tiêu tan điều được coi là cú rơi định mệnh.
Để nhớ ơn, anh công nhân đã chạm trổ một con chiên bằng đá và đặt trên mái nhà thờ. Đó là một cách tốt đẹp bày tỏ lòng biết ơn của anh ta đối với một con vật đần độn, đã cứu mạng anh mà nó không biết (Arthur Tonne).
Thánh lễ nào cũng là thánh lễ tạ ơn. Chúng ta sốt sắng dâng Thánh lễ này để cảm tạ Chúa vì công ơn cứu chuộc Đức Kitô đã dành cho chúng ta, và trước khi rước lễ, chúng ta cầu xin với Chúa Giêsu bằng lời nguyện “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Liền sau lời nguyện đó, Linh mục chủ tế cũng giới thiệu Chúa Giêsu Thánh Thể cho chúng ta bằng những lời Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với dân chúng năm xưa :”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…” Lúc ấy, chúng ta hãy sốt sắng hiệp cùng Mẹ Maria nài xin Chúa Giêsu Thánh Thể mà ta sẽ rước vào lòng cho ta biết kết hợp mật thiết với Người, để nhờ Người và trong Người ta sẽ sống như những con chiên đích thực của Chúa, những con người biết sống yêu thương tha thứ và hiệp nhất trong tình yêu thương.
———————————————————-
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- NĂM A
LỜI CHỨNG CỦA GIOAN- Lm FX Vũ Phan Long, ofm
Ngữ cảnh
Nhờ có Lời Tựa và lời chứng giải thích của Gioan, chúng ta được chuẩn bị đón Đức Giêsu đến. Bây giờ tác giả TM thông tin lần đầu tiên cho chúng ta biết Người xuất hiện. Ông chưa mô tả công việc Người làm, mà chỉ cho biết là Gioan thấy Người đến và làm chứng cho Người thế nào mà thôi. Lời chứng này về Đức Giêsu có tầm quan trọng đặc biệt. Quả thật, ta không thấy ngay được là Người thật sự là ai. Không phải chỉ cần nhìn thấy Người là đã đủ để hiểu Người là ai và mang đến điều gì. Do đó, Gioan đã được phái đến để làm chứng về Người.
Bố cục
Bản văn được kết cấu theo dạng chuyển hoán như sau:
- 29
- 34
Gioan thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: Đây là Chiên Thiên Chúa
Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (là Con TC?)
- 30
- 33b
Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi
Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần
- 31
- 33a
Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước
Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi
- 32
Gioan còn làm chứng: Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người
Cả khối có tính thống nhất nhờ được đóng khung bởi hai câu làm chứng của Gioan, cc. 29 và 34. Đỉnh cao hoặc khúc ngoặt là c. 32 (Thần Khí). Vậy, do cấu trúc, đoạn văn này tập trung vào thị kiến về Chúa Thánh Thần từ trời xuống và ngự trên Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là đối tượng để Gioan làm chứng.
Vài điểm chú giải
– Tôi đã không biết (31.33a): Hai câu 31 và 33 đóng khung c. 32: Gioan đã không biết (oida) Đấng mà ông phải làm chứng cho. Trong TM IV, có hai động từ “biết”:
Ga I, II, III Ga Kh
Ginôskein 56 26 04
eidenai (oida) 85 16 12
Gioan ưa dùng động từ oida hơn: trong các bản văn Ga, không hề có danh từ gnœsis (sự hiểu biết). Theo các nhà chú giải (như I. de la Potterie, Spicq, Abbott), ginôskein có nghĩa là “đạt được hiểu biết về”, còn eidenai (oida) là “biết rõ về”. Ginôskein thường được Ga dùng để nói về sự hiểu biết bằng những phương tiện con người (x. Ga 4,1; 6,15); còn eidenai (oida) thường được dùng để nói về sự hiểu biết sâu xa, hiểu biết bằng trực giác (c. 31). Tuy nhiên, có những khi tác giả dùng cả hai động từ theo cùng một cách như nhau: Đức Giêsu biết Cha (eidenai trong 7,29; 8,55; ginôskein trong 10,15; 17,25); Đức Giêsu biết mọi sự hoặc mọi người (eidenai trong 16,30; 18,4; ginôskein trong 2,24); “nếu các ông biết tôi thì hẳn cũng biết Cha tôi” (eidenai trong cả hai phần của 8,19; ginôskein và eidenai trong 14,7); thế gian không biết Cha hoặc Đức Giêsu (eidenai trong 7,28; 8,19; 15,21; ginœskein trong 1,10; 16,3; 17,25; 1 Ga 3,1.6).
Dù sao, ở đây, tác giả không có ý nói rằng Đức Giêsu chỉ là một người xa lạ đối với Gioan, mà muốn nói rằng ông chỉ không biết Người trong tư cách Mêsia: ông chưa nhận được ánh sáng đức tin, ông chưa thấy được Người là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn. Về điểm này, Gioan còn ở trong tình trạng tương tự với người Do Thái (Ga 1,26), họ cũng chưa biết gì về chân tính của Đấng đang ở giữa họ. Câu truyện sông Giođan có vai trò mạc khải, đưa lại cho Gioan cái nhìn đức tin.
Việc Gioan thấy Thần Khí có hai mục tiêu: kéo ông ra khỏi tình trạng tăm tối (không biết) và đặt để ông trong ơn gọi đích thật. Khi đó, từ tư cách người làm phép rửa trong nước, ông trở thành chứng nhân của Thần Khí, hoặc đúng hơn, chứng nhân của Đấng có Thần Khí ngự trên. Chính vì việc này mà ông đã đến. Phép rửa trong nước chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho vai trò chủ yếu này. Điều này được diễn tả bằng luật ngữ pháp: So sánh Ga 1,31, “Tôi đến làm phép rửa (baptizôn: phân-từ hiện tại diễn tả một sự kiện) với Ga 1,7, “ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (mệnh đề chỉ mục đích) và với Ga 1,31, “Tôi đến làm phép rửa trong nước để (hina) Người được tỏ ra cho Ít-ra-en”. Thị kiến đã lôi Gioan ra khỏi tình trạng không biết, lại tỏ bày cho ông biết sứ mạng đích thực của ông, đồng thời giúp ông có khả năng hoàn tất sứ mạng ấy.
– Tôi đã thấy Thần Khí (32): Lời chứng của Gioan bắt đầu với lời tuyên bố này ở c. 32, “Tôi đã thấy (tetheamai) Thần Khí”, và ở c. 34: “Tôi đã thấy (heôraken [horan] và tôi làm chứng” (= vì tôi đã thấy, tôi làm chứng). Vậy việc làm chứng được đặt trên một việc “thấy” (Ga 3,11.32; x. 1 Ga 1,2; 4,14).
Thật ra, cái nhìn khả giác cũng quan trọng, nhưng là để giúp người ta biết một điều người ta không thấy và làm chứng về thực tại ẩn giấu này. Tại sông Giođan, Gioan đã thấy một sự kiện bên ngoài: Thần Khí xuống và ngự trên Đức Giêsu (Ga 1,32), nhưng điều ông làm chứng là tư cách Mêsia của Đức Giêsu. “Thấy” ở đây không phải là một cái nhìn tầm thường, nhưng là cái nhìn đưa tới đức tin, cái nhìn khám phá ra rằng biến cố là một dấu chỉ. Người nào đã thấy thì làm chứng về ý nghĩa của biến cố được kể lại. Có thể nói người ấy làm chứng về ý nghĩa đó như đã thấy trong biến cố. Tác giả diễn tả những sắc thái này qua 5 động từ đều có nghĩa là “thấy” sau đây:
(1) blepein: “Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình” (c. 29). Động từ này diễn tả một tri giác thị giác mà thôi.
(2) theasthai: “Tôi đã thấy Thần Khí” (c. 32). Động từ này diễn tả việc “thấy” như một sự chiêm ngưỡng, quan sát biến cố đang diễn tiến để khám phá ra ý nghĩa. Nó diễn tả một sự tiệm tiến về tri giác: “Tôi đã thấy Thần Khí xuống (phân từ katabainon) … và ngự (aorist lối trình bày[1] emeinen)”.
(3) horan: Động từ này diễn tả việc “thấy” kèm theo hiểu biết thật sự. “Ngươi thấy Thần Khí…” (c. 33b): động từ ở thì aorist lối tiếp thuộc đệ nhị[2] để diễn tả điều ông sắp được thấy. “Tôi đã thấy nên xin chứng thực” (c. 34): động từ ở thì quá khứ hoàn thành lối trình bày[3] để diễn tả rằng Gioan đã nhạn được mạc khải về tư cách Mêsia của Đức Giêsu ở mức sâu sắc đến nỗi kể từ nay, ông có thể làm chứng cách đảm bảo và bền bỉ.
(4) theôrein: “Nhìn” có sự tập trung, phải mất nhiều giờ hơn blepein, từ đó có một sự hiểu biết sâu xa hơn blepein: cái nhìn này đưa tới việc chấp nhận Đức Giêsu là Đấng làm những điềm thiêng dấu lạ, một con người kỳ diệu, nhưng đấy chưa phải là đức tin thật sự (x. 2,23; 4,19; 6,2). Thật ra cũng có những luật trừ: a) nghĩa “nhận thức sâu xa” (6,40; 17,24); b) nghĩa thể lý, tức tương tự blepein (20,12.14; 14,17; x. 1 Ga 3,17).
(5) idein: tương tự horan, tức là “thấy” kèm theo sự hiểu biết thật sự (4,48; 6,14.30). Nhưng có khi idein cũng được dùng để nói về cái nhìn thể lý (1,39; 5,6; 6,22.24; 7,52; 12,9; x. 1 Ga 5,16; 3 Ga 14).
R.E. Brown cho rằng nếu đi từ dạng vật chất nhất của cái nhìn đến dạng cao siêu nhất, thì nên xếp theo thứ tự: blepein, theôrein, horan, idein (eidon), theasthai, với bảng thống kê sau:
Ga 1, 2, 3 Ga Kh TƯ
Blepein 17 1 13
Theôrein 24 1 2 58
Horan 31 8 7 114
idein (eidon)36 3 56
theasthai 6 3 22
– Thần Khí: Đối tượng trung tâm của thị kiến là Thần Khí, giống như trong các TMNL: Mt 3,16 (Thần Khí Thiên Chúa: Theou, không quán từ); Lc 3,22 (Thánh Thần); Mc 1,10 (Thần Khí); Ga 1,32 (Thần Khí, nhưng thêm “từ trời” [ex ouranou, không quán từ] để nói về nguồn gốc thiên giới, tức là Thần Khí Thiên Chúa, là Thánh Thần).
– ngự trên Người (32): Ga, cũng như Mt và Lc, nói rằng Thần Khí ngự xuống “trên (epi) Đức Giêsu” (Mc: eis). Điều tuyệt đối thuộc về Ga, đó là Thần Khí “ngự (ở lại) trên” Người (menein epi: cc. 32.33). Các nhà chú giải thường nghĩ đến Is 11,2: “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này (anapausetai ep’auton) …”. Chỉ có điều là Bản LXX dùng động từ anapausetai (to rest upon). Tác giả TM IV chọn động từ menein (to dwell) có lẽ do ngài quen sử dụng động từ này theo nghĩa thần học. Cũng như sự kiện Thần Khí ngự trên mầm non nhà Đavít trong Is 11,2, động từ menein trong Ga 1,32-33 là một dấu chỉ được ban cho vị Tẩy Giả biết về quan hệ thường hằng, thân mật và hoàn hảo giữa Thần Khí Thiên Chúa và Đức Giêsu. Động từ “ở lại” có tính cách tĩnh, nối với epi để diễn tả đặc tính sống động của quan hệ này (F. Godet).
– tựa chim bồ câu từ trời (32): Cả ba TMNL đều nói đến điểm này, với hôs (as; like) để so sánh (Mt dùng hôsei để nhấn mạnh). Lc xác định rằng Thần Khí đã ngự xuống “dưới một hình dáng” (sômatikê eidei; in bodily form: Lc 3,22). Còn tại sao con bồ câu lại trở thành biểu tượng của Thần Khí, thì không hoàn toàn rõ ràng. Rất có thể hành động bay lượn của Thần Khí trên mặt nước nguyên thủy trong St 1,2 đã gợi ra hình ảnh một cánh chim bay lượn (tương tự trong Đnl 32,11), nhưng bản văn ấy không hề nói là một con bồ câu (trừ một bản văn thuộc truyền thống kinh sư). St 8,8 thì nói rằng Nôê đã thả một con bồ câu, nhưng không hề khẳng định rằng con bồ câu này là Thần Khí. X. Léon-Dufour gợi ý con bồ câu có thể gợi ra tình yêu của Thiên Chúa (x. Dc 2,14; 5,2) hoặc cuộc tạo dựng mới (x. St 1,2).
Trong truyền thống Do Thái, con bồ câu có một ý nghĩa biểu tượng, liên hệ đến Israel, đặc biệt với Israel đang lưu đày (Hs 7,11; 11,11; Is 60,8; Tv 55,7-8; 68,13; 74,19; Dc 1,15; 2,14; 5,2; 6,8) và cũng được các nền văn chương ngụy thư hoặc kinh sư sử dụng. Từ đó A. Feuillet cho rằng con bồ câu đi xuống và ngự trên Đức Giêsu tượng trưng và tiên báo điều sẽ là hoa trái chính của cuộc đổ tràn Thần Khí: đó là việc thành lập Israel mới, cộng đoàn hoàn hảo của thời đại ân phúc. Vậy, điều được diễn tả không phải trực tiếp là Thần Khí, mà là hậu quả đối với dân Thiên Chúa khi Thần Khí hiện diện nơi Đức Giêsu. Cũng như vào ngày lễ Ngũ Tuần, các lưỡi lửa không trực tiếp tượng trưng Thần Khí, nhưng là các ngôn ngữ mà các Tông Đồ được ơn Thánh Thần soi sáng sẽ nói ra, và sâu xa hơn, tượng trưng công việc phúc-âm-hóa thế giới, thì cũng vậy, con bồ câu trong Phép Rửa diễn tả ý tưởng này là Dân thiên sai phải chọn điểm khởi hành nơi bản thân Đức Giêsu-Mêsia, là Vua và Tôi tớ của Đức Chúa (YHWH).
– Chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (33b): Đây là công thức cung cấp chìa khóa chú giải cho thị kiến, vì công thức này giải thích ý nghĩa của bản thân Đức Giêsu trong tương quan với Israel. Công thức này cũng có trong các TMNL và trong Cv, nhưng có khác biệt đáng kể: trong Mt (3,11) và Lc (3,16), lời loan báo phép rửa trong Thánh Thần được liên kết với hình ảnh lửa và quay hướng về Đấng “mạnh hơn” sắp đến, đó là Đấng Mêsia đến để thực hiện cuộc phán xét cánh chung. Trong viễn tượng ấy, Thần Khí, vì được liên kết chặt chẽ với lửa, là sức mạnh của Thiên Chúa, là hơi thở vô địch, sẽ thực hiện cuộc phán xét này (x. Is 4,4tt). Đây là trận gió vũ bão sẽ giết chết những kẻ gian ác (x. Is 11,4).
Tuy nhiên, công trình này cũng là công trình ân phúc, nhằm thiết lập Dân Thiên Chúa của thời cánh chung, Dân được thanh luyện và thánh thiện (Mc 1,8 không nói đến lửa; x. Cv 1,5). TM IV cũng ở trong chiều hướng này, nhưng điều nổi bật vẫn là bản thân Đức Giêsu:
(1) Bằng ba lần Gioan xác định tư cách của mình (Ga 1,26.31.33), tác giả không nhắm đối lập hai phép rửa mà là hai nhân vật Gioan – Giêsu;
(2) Bằng việc sử dụng phân-từ hiện tại với quán từ xác định để diễn tả một chức năng lâu bền và tiêu biểu, chứ không chỉ là một hành động đúng lúc: “Chính là Đấng làm phép rửa (ho baptizôn, “le baptisant”) trong Thánh Thần” (1,33b).
Vậy có hai nhân vật được đặt đối lập trong vai trò lịch sử, chứ không phải là hai vai trò: Gioan có vai trò làm chứng; Đức Giêsu có vai trò làm phép rửa trong Thánh Thần.
Bởi vì không có quán từ đứng trước “Thánh Thần”, ta hiểu tác giả không muốn lưu ý về chính Thánh Thần, nhưng lưu ý về hành động, ảnh hưởng của Ngài. Do đó có thể dịch: “trong quyền lực Thánh Thần”. Nhưng công thức này có nghĩa gì?
(1) Trong viễn tượng của TM IV, phép rửa trong Thánh Thần ấy không có nghĩa là cuộc phán xét cánh chung theo truyền thống Mt–Lc;
(2) Đây cũng không phải là phép rửa được nói đến ở Ga 3,22 và 4,1, bởi vì phép rửa ấy không phải là phép rửa trong Thánh Thần.
Vậy, phải chăng là phép rửa Kitô giáo? Rất có thể, theo nghĩa gián tiếp; nhưng ở đây viễn tượng được mở rộng hơn nhiều. Phép rửa trong Thánh Thần nhắm đến và xác định hoạt động, công trình của Đức Giêsu, nhìn toàn bộ. Sứ mạng của Đức Giêsu đối với loài người chủ yếu sẽ là một phép rửa “trong Thánh Thần”. Hầu như các nhà chú giải đều đồng ý quy chiếu công thức ấy về các bản văn Cựu Ước loan báo cuộc tuôn đổ Thần Khí Thiên Chúa xuống trên cộng đoàn vào thời cánh chung (Is 32,15tt; 44,3tt; Ed 36,25-29; Ge 3,1tt). Mục tiêu là để có một dân tộc thánh thiện, quy phục lề luật Chúa, một dân tộc “nhận biết” Ngài (x. 1 QS IV,19-23…). Do có Thánh Thần ngự xuống và cư ngụ nơi mình, Đức Giêsu được coi là người thực hiện cuọc tuôn đổ Thần Khí thời cánh chung. Chính Người thực hiện việc này. Điều mới mẻ trong mạc khải Tân Ước là Đức Giêsu, Đấng Mêsia, được làm một công việc mà Cựu Ước dành riêng cho Thiên Chúa (x. Cv 2,32tt).
– Chiên Thiên Chúa (29.36): Tác giả nghĩ đến con chiên Vượt Qua, hay là con chiên được sát tế tại Đền Thờ, hoặc Người Tôi Tớ Đức Chúa trong sấm ngôn Is 53,7? Dường như khó có thể cho rằng đây là con chiên Vượt Qua hoặc con chiên của hy lễ thường ngày, bởi vì không có chỗ nào cho thấy chúng đền tạ tội lỗi. Riêng quan niệm đây là “con chiên Vượt Qua” thì cũng khó vững, tuy có câu “không một khúc xương nào sẽ bị đánh dập” được cho là của Xh 12,46 (x. Ga 19,36). Bởi cũng có câu Tv 34,21: “Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không dập gãy”, mà câu này thì nói về những người hiếu trung được Thiên Chúa bảo vệ. Đàng khác, những câu trích Cựu Ước trong phần II của TM IV, ngoại trừ Dcr 12,10 (x. Ga 19,37), đều xuất phát từ Bộ Thánh Vịnh (Tv 41,10 = Ga 13,18; Tv 35,19 và 69,4 = Ga 15,25; Tv 22,18 = Ga 19,24; Tv 22,16 = Ga 19,28), khiến chúng ta dễ cho rằng tác giả đang nghĩ tới Tv 34 hơn là Xh 12.
Người ta có thể nghĩ đến liên hệ với Is 53: bởi vì cả hai bản văn đều trình bày lễ hy sinh dưới dạng một con chiên gánh lấy tội lỗi thế gian. Tuy nhiên, trong sấm ngôn Is, con chiên được sử dụng không phải để nói đến thân phận hy lễ, nhưng để nói đến sự hiền lành, chịu đựng, phục tùng của Người Tôi Tớ. Hơn nữa, động từ airein (“xóa bỏ”; take away) của Ga không tương đương với động từ pherein (“mang lấy, gánh chịu; to bear) của Is 53,4. Cũng nên ghi nhận rằng quan niệm về một Đấng Mêsia chịu đau khổ hoàn toàn xa lạ với thời ấy (x. quan niệm của Gioan Tẩy Giả trong Mt [3,12; 11,2-3] và Lc [3,17; 7,18-19]), và sự kinh ngạc của các tông đồ khi nghe loan báo Khổ Nạn (Mc 9,32; Lc 24,21…).
Do đó, tuy có những học giả (x. NJBC) cho rằng hình ảnh “con chiên” tổng hợp Xh và Is, ta có thể diễn tả như sau: Vào giờ Đức Giêsu chết, trong khi dường như Người hoàn toàn bị bỏ rơi, Chúa Cha không bỏ rơi Người. Ga thích diễn tả tư tưởng này (Ga 8,29; 16,32). Đoạn Dcr 12,10 cũng diễn tả một cái chết đưa tới chiến thắng. Những ai đã đâm Đức Giêsu sẽ phải nhìn lên Người như nhìn một vị chiến thắng, để từ nơi cạnh sườn đã bị đâm thủng, họ nhận được ơn cứu độ bởi nước và máu, tức những biểu tượng của bí tích Rửa tội và Thánh Thể (ý tưởng của Is 53).
– Xóa bỏ: Động từ airein có nghĩa là “nâng lên”, từ đó vừa có nghĩa là “mang, vác trên mình”, vừa có nghĩa là “lấy đi, cất đi, làm biến mất”. Tác giả TM IV thường dùng động từ này theo nghĩa thứ hai (x. Ga 2,16; 5,8-12; 10,18; 1 Ga 3,5).
– Tội trần gian: Cụm từ này ở số ít nhắm đến toàn bộ tội lỗi của thế gian trong tất cả chiều rộng lẫn những hậu quả.
Ý nghĩa của bản văn
Công việc làm chứng của Gioan, tác giả đã nói đến trong Lời Tựa (Ga 1,6-8.15) và trong phần đầu của TM. Gioan làm chứng trước mặt phái đoàn được gửi đến từ Giêrusalem (1,19-28) và trước các môn đệ của ông nữa (1,35-37). Ở đây, mọi sự tập trung vào nội dung lời chứng của ông. Ông nói cho biết Đức Giêsu là ai và Người sẽ làm gì, và cho thấy chính ông đã được Thiên Chúa làm cho có khả năng nêu ra chứng từ ấy.
Gioan bắt đầu và kết thúc việc làm chứng bằng cách chỉ cho thấy Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (1,29) và là “Con Thiên Chúa” (1,34). Ông cho thấy hai hành vi căn bản của Đức Giêsu là nhận lấy nơi mình tội lỗi trần gian và ban phép rửa trong Thánh Thần. Con Thiên Chúa đến như là Chiên Thiên Chúa: công thức này cho thấy bản chất của việc Người đến, tương quan của Người với loài người và với Thiên Chúa, và công trình của Người cho loài người. Đức Giêsu không đến với quyền lực lật đổ mọi sự và ánh sáng chói loà: Người đang ở giữa loài người, nhưng loài người không biết Người (1,26). Gioan cũng chẳng biết Người trước khi được mạc khải (1,31.33). Do đó, Đức Giêsu có thể dễ dàng bị bỏ quên như một con chiên. Người đến với loài người, không phương thế tự vệ, không quyền lực hay sức mạnh (x. Mt 10,16). Người muốn chinh phục lòng tin và sự ưng thuận tự ý của họ, chứ không ép buộc hoặc lấn lướt họ; cũng vì thế, Người có thể phải gánh chịu bạo lực và ý thích của loài người. Nhưng trong tư cách là Chiên Thiên Chúa, Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa; Thiên Chúa là mục tử của Người, nên Người hoàn toàn được an toàn.
Công việc của Chiên Thiên Chúa hệ tại việc nhận lấy nơi mình tội lỗi của thế gian và xóa nó đi. Trước mặt Người là một thế giới mang dấu ấn của tội lỗi, của lối cư xử sai lạc đối với Thiên Chúa. Bởi vì đối với các thọ tạo, chỉ đạt được ý nghĩa tròn đầy của cuộc sống và thành công nếu chúng sống trong tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, thì tội lỗi chính là đánh mất ý nghĩa của cuộc đời và phải chết. Trước tiên, Đức Giêsu được nhìn nhận như là Đấng mang trên mình tất cả tội lỗi và giải thoát toàn thể tạo thành khỏi tình trạng mất hướng và khỏi phải chết (Ga 4,42; x. 3,17). Sứ mạng của Người khiến nhớ tới Bài ca IV về Người Tôi Trung, trong đó có câu Is 53,12: “Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”. Đức Giêsu sẽ hiến dâng mạng sống theo lệnh của Chúa Cha (Ga 10,17-18), và khi đã bị treo trên thập giá, Người trở thành dấu chỉ ơn cứu độ (3,14-15). Trong tư cách Chiên Thiên Chúa và Con Thiên Chúa, Đức Giêsu hành động như Thiên Chúa và cất đi tội lỗi của thế gian: bằng cách đó, Người tỏ bày lòng thương xót của Thiên Chúa. Cũng có thể nói chính Thiên Chúa, qua Con của Ngài, tỏ bày lòng thương xót và tình yêu của Ngài đối với thế gian trong khi thế gian lại rất thiếu sót đối với Ngài (x. 3,16).
Đấng đến trong sự khiêm nhường và không vũ khí đó lại có một phẩm giá vô song. Gioan đã tuyên bố là ông không xứng đáng làm một việc phục vụ khiêm tốn nhất của nô lệ cho Người (Ga 1,27); bây giờ ông lấy lại lời chứng trước đó (1,15) để nói về Người: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (1,30). Tất cả mọi sự đã được tạo thành nhờ Người (1,3.10) và Người cũng đã can thiệp vào trong lịch sử Israel (x. 8,56; 12,41). Nền tảng của tất cả những điều này là đời sống của Người luôn luôn hiệp thông với Chúa Cha (x. 1,1-2).
Gioan cũng có khả năng nhận biết Đức Giêsu và loan báo Người là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (Ga 1,33). Đức Giêsu không chỉ cất đi tội lỗi và củng cố lại tương quan với Thiên Chúa, mà còn nhờ Thánh Thần, ban sự sống không bao giờ cạn kiệt của Thiên Chúa và thiết lập một tương quan mới với Ngài. Phép rửa của Người có sức thanh luyện và tái sinh. Ai nhận phép rửa của Người thì đạt tới sự sống thần linh do Chúa Cha và Chúa Con dẫn tới. Nếu Đức Giêsu làm được như thế là vì Người là Con Thiên Chúa (1,34), Người sống từ muôn đời trong sự hiệp thông bình đẳng với Thiên Chúa.
Gioan cho thấy tư cách chứng nhân của ông là hợp pháp. Bởi vì có hai lần ông đã nhận định rằng ông đã không biết Đức Giêsu bằng sức riêng (Ga 1,31-33); ông không biết Đức Giêsu bằng đầu óc hoặc cảm hứng riêng. Chính Đấng đã sai phái Người, đã dạy cho ông biết dấu chỉ hầu nhận biết Người, đó là việc Thần Khí ngự xuống (1,33). Như thế, Gioan không chỉ làm chứng về điều ông đã thấy, nhưng cả về ý nghĩa của điều đó: phẩm giá và hoạt động của Đức Giêsu.
+ Kết luận
TM IV không tường thuật phép rửa của Đức Giêsu, nhưng nhắc tới phép rửa này dưới dạng một lời chứng của Gioan về Đức Giêsu, dựa theo sự hướng dẫn của Thánh Thần: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực”. Các bản văn cổ nhất (x. Mc) gợi ý rằng cuộc thần hiển sau phép rửa được dành cho riêng Đức Giêsu mà thôi. Ngoài ra, lời tuyên bố từ trời, các thính giả không thể hiểu được, bởi vì họ chưa nghe Đức Giêsu giảng. Tuy nhiên, tác giả TM đã liên kết Gioan vào kinh nghiệm này vì muốn cho thấy ông là vị tiền hô của người môn đệ, là kẻ thấy và tin. Đối với tác giả, trước tiên không phải là tiếng nói của Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng là sự hiện diện của Thánh Thần trong Người.
Chính là đi từ điểm này mà tác giả TM xác định tính chân thực của phép rửa Đức Giêsu mang lại, là phép rửa ban sự sống của Thần Khí (x. Ga 3,5). Người tín hữu có thể chú ý đến sự phong phú của phép rửa Kitô giáo: nhờ phép rửa này, ta được đi vào trong đời sống thần linh bởi sự sống mà Con Thiên Chúa đổ vào lòng ta nhờ Chúa Thánh Thần.
Gợi ý suy niệm
Nội dung của lời chứng Gioan cho thấy vị trí tuyệt đối duy nhất và sứ mạng của Đức Giêsu. Ở đầu và ở cuối TM IV, tác giả nhấn mạnh về sự cần thiết phải có việc làm chứng để có thể đến với Đức Giêsu, bởi vì Người không cho người ta nhận biết Người qua các thị kiến, các soi sáng bên trong hoặc những bằng chứng bên ngoài. Gioan, vị chứng nhân, đã đưa các môn đệ đến với Đức Giêsu (Ga 1,35-37); tới lượt mình, các ông này cũng trở thành chứng nhân (x. 1,41.45; 19,35) và được mời gọi làm chứng (x. 17,18; 20,21).
Đức Giêsu đến như là Người Tôi Trung của Đức Chúa. Chúng ta nhớ lại một vài câu của Is 53 nói về nhân vật huyền bí này: “Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. […]. Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,6-7.12). Đức Giêsu sẽ thay mọi người gánh lấy tội lỗi và các hậu quả của tội lỗi. Người im lặng, không hề phản kháng, Người mang trên mình tất cả những đau khổ và hiến dâng chính mạng sống mình. Nhờ đó, Người có thể đưa lại ơn cứu độ và đời sống ân sủng cho chúng ta. Chúng ta tưởng niệm công trình cứu độ Đức Giêsu đã thực hiện và học lấy bài học của Người khi ra đi tìm cách cứu thế với Người.
Trước khi lên rước lễ, chúng ta nhắc lại câu nói của Gioan: “Đây Chiên Thiên Chúa”. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Phải chăng đây chỉ là một hình ảnh thi vị, lãng mạn, nhưng xa lạ với dân Á-đông (con chiên) khiến chúng ta phải nghĩ đến việc tìm một hình ảnh thay thế (hội nhập văn hóa!)? Hay là đây là một hình ảnh đầy ắp những ý nghĩa thuộc Cựu Ước, những ý nghĩa liên quan đến việc cứu độ chúng ta? Có nhận thức rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta mới khiêm tốn thưa, như viên sĩ quan (Mt 8,8): “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”.
Chúng ta cũng suy nghĩ về cung cách làm chứng của Gioan. Ông biết tư cách của mình và biết công việc phải chu toàn. Được Thiên Chúa hướng dẫn qua các dấu chỉ, ông đã nêu lên một chứng từ đơn giản và rõ ràng về Đức Giêsu. Người tín hữu bắt chước vị Tiền Hô, cứ làm chứng trong mức độ hiểu biết lúc này. Qua dòng thời gian, Thiên Chúa sẽ tiếp tục dạy dỗ để người ấy có thể nêu lên một chứng từ rõ nét và sắc bén hơn về Đức Giêsu.
[1] aorist indicative.
[2] subjunctive second.
[3] perfect indicative.
——————————————————
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- NĂM A
CHÍNH NGÀI LÀ CON THIÊN CHÚA– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bước vào Chúa nhật II thường niên A, thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ sinh động và đầy ấn tượng mà ông chứng kiến tận mắt giữa thầy mình là Gioan Tẩy Giả với Chúa Giêsu, ông viết : “Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình” (Ga 1, 29). “Thấy Chúa Giêsu tiến về mình”, đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả ‘ngày mai’. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Bằng từ ‘ngày mai’, chúng ta bắt đầu một ngày mới, Năm Phụng vụ mới khai mào. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” (Ga 1, 29)
Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa
Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu đến trần gian với một sứ vụ đặc biệt là giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhưng người ta tự hỏi : Người giải thoát con người bằng cách nào ? Thưa, bằng tình yêu. Bởi tình yêu là khí cụ duy nhất để chiến thắng sự dữ và sự tội. Chúa Giêsu yêu chúng ta bằng một tình yêu thế mạng. Người là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là chúng ta. Không những thế, Người còn phục hồi tất cả những ai sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa ; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con mình tới làm giá chuộc muôn người (x. Ga 3,16; Mc 10, 45), Chúa Giêsu đã trở nên Con Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.
Là Đấng xóa tội trần gian
Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời ? Chắc chắn phải hủy diệt sự chết. Chúa Giêsu là Đấng vô tội đã gánh chịu những đau khổ và mang lấy tật nguyền của chúng ta (x. Is 53,4) Người đã vui lòng chịu chết trên thập giá và hiến tế vì chúng ta, đúng thật Người là Con Chiên đã chịu chết và sống lại để tiêu diệt sự chết và tẩy xóa tội khiên. Khi cử hành lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: “Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu ? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu ? “(1 Cr 15,55 ; Os 13,14…) ” Ðức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật ” (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời nguyền của tội lỗi. Người đích thực là Con Chiên vượt qua, bị nhấn chìm trong dòng sống tội lỗi để thánh tẩy chúng ta.
Sống đời nhân chứng
Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả đời sống mình. Ngài đã chỉ vào Chúa và nói với dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian”. Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.
Có người đặt vấn nạn : Giữa một xã hội gian dối lọc lừa, ích kỷ, hưởng thụ, ghen ghét, hận thù và coi nhẹ sự thủy chung, chúng ta làm chứng cho Chúa thế nào được ?
Ðức Thánh Cha Phanxicô gợi lên cho chúng ta câu trả lời : làm chứng cho Chúa có nghĩa là gì nếu không phải là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một “thành trì bị vây hãm”, nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Ðức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn” (Kinh truyền tin Chúa nhật 19/01/2014).
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin giúp chúng con biết dùng lời nói và việc làm để loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.
————————————————————————–
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- NĂM A
“CHIÊN THIÊN CHÚA”- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Trong mỗi Thánh lễ, vị chủ tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và giới thiệu với cộng đoàn: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”, ngài lặp lại lời Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với môn đệ : Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng mà thầy vẫn nói với các con đó (x.Ga 1,29-34).
Tại sao gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”?
Chiên bị sát tế để hy sinh đền tội thay cho con người
Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam. “Aben làm nghề chăn chiên” (St 4,2) nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, “Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” lên Ngài (St 4,4).
Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x.Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên nơi khung cửa đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x.Xh 12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó, việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.
Về sau, tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân (Xh 29,38-46). Đúng ra, ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Thiên Chúa chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.
Các tiên tri trước Gioan đã nói về người tôi tớ kỳ diệu của Thiên Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên. Isaia mô tả : “Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta”(Is 53,7-8); “Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”(Is 53,6-7.12). Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu : “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi”(Gr 11,19).
Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” bị sát tế để cứu nhân loại
Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế nên giới thiệu cho mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”(1Cr 5,7). Sách Khải Huyền cũng dùng đến 27 lần từ “Con Chiên” để chỉ về Đức Giêsu, thánh Gioan còn xác quyết: Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta.
Thánh Phaolô viết: “Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy” (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: “Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ’ (Dt 10,10), vì Ngài là “Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết” (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. “Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben” (Dt 12,24). “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Đặc tính của con chiên là sự ngây thơ, hiền lành, nhẫn nhục, trong sạch. Đó là những đức tính quý báu của Đức Giêsu Kitô, con chiên không tì vết.
Đấng xóa tội trần gian.
Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói : “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa tội trần gian.
Khi gọi Đức Giêsu là “Chiên của Thiên Chúa”, Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là “Đấng xóa tội trần gian”, Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là “tôi tớ đau khổ của Giavê” như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.
Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa nên Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân lọai. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho hân loại.Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, Con Chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.
Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ Ađam cho đến tội của người sau hết của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân loại. Từ nay nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.
Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.
Người tín hữu thường được gọi là “con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại “chiên” trong ngày phán xét. Ðược đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Ðược vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Uớc mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
——————————————————
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- NĂM A
ĐẤNG CỨU CHUỘC- Trích Logos A
Để diễn tả Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân loại, cha Jack McArdle đã kể câu chuyện sau :
Một cậu thiếu niên kia sống trong một gia đình gần bờ biển. Cậu rất say mê và yêu quí những con thuyền buồm. Một ngày kia, cậu dùng gỗ đẽo gọt một chiếc thuyền buồm rất đẹp cho riêng mình.
Sau đó, cậu đem chiếc thuyền buồm thả xuống biển, rồi say mê nhìn con thuyền bập bềnh trên sóng nước. Nhưng chỉ một lúc sau, con thuyền bị sóng biển đưa ra xa. Cậu vội đuổi theo, nhưng không kịp, con thuyền bị gió biển thổi đi thật xa, rồi mất hút trên biển cả. Cậu thiếu niên buồn vô hạn vì đánh mất một vật mà cậu rất mực yêu quí.
Thế rồi, một ngày kia, tình cờ đi qua một cửa tiệm bán đồ chơi, cậu giật mình khi nhìn thấy chiếc thuyền buồm của cậu được trưng bày trong cửa tiệm. Cậu gặp chủ tiệm và xin lại, nhưng ông ta nói rằng bây giờ nó đã thuộc về ông ta, nếu muốn lấy lại, cậu phải bỏ tiền ra mua.
Cậu về nhà lấy hết số tiền đã dành dụm từ trước, chạy ra tiệm đặt số tiền lên quầy hàng và mang con thuyền yêu dấu về nhà. Cậu vui mừng khôn xiết vì đã tìm lại được con thuyền lạc mất.
Kể xong câu chuyện, cha Jack McArdle kết luận : “Bạn là con thuyền, còn Chúa Giêsu là cậu thiếu niên ấy” (“150 Stories for Preachers and Teachers”).
Câu chuyện trên như một ví dụ khá đầy đủ về tình thương xót của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc trần gian. Chúng ta như những con thuyền lạc lối trong sóng gió cuộc đời. Chúng ta như những cánh buồm bị mất hút trong lầm lạc tội lỗi giữa biển cả trần gian. Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất, đã tìm kiếm và cứu chuộc chúng ta.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, hình ảnh Đấng Cứu Chuộc đã được phác họa qua lời giới thiệu của thánh Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu : “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.
Chiên Thiên Chúa.
Hình ảnh “con chiên xóa tội” xuất phát từ trong Cựu Ước. Vào ngày lễ Đền Tội, người Do Thái bắt một con dê đem đến cho vị tư tế. Vị tư tế này đọc một danh sách kê khai các loại tội của dân và kêu gọi mỗi người sám hối. Sau đó, vị tư tế đặt tay trên đầu con dê, ngụ ý trút hết tội lỗi trên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là “con chiên gánh tội”.
Qua lời giới thiệu của thánh Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước muốn diễn tả Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua của Lễ Vượt Qua Kitô giáo. Nhờ cái chết, Ngài giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Như trong thời Xuất Hành, máu chiên vượt qua đã giải thoát dân Do Thái khỏi sự huỷ diệt của thiên thần Chúa (Xh 12, 13).
Hình ảnh “con chiên bị dẫn đến lò sát sinh” (Gr 11, 19) cũng được áp dụng cho Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Vì thế, qua lời giới thiệu của mình, thánh Gioan Tẩy Giả cũng tuyên bố một chân lý cao cả về sứ mạng của Chúa Giêsu. Sứ mạng của Chúa là chịu chết để xóa tội dân mình. Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa mà tiên tri Isaia đã tiên báo trong bài đọc I. Ngài đến để dẫn đưa những người tội lỗi về với Thiên Chúa, Ngài “quy tụ dân Israel quanh Thiên Chúa”. Người Tôi Tớ của Thiên Chúa còn là “ánh sáng của các dân tộc, làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan tràn khắp địa cầu” (Bài trích sách Isaia).
Đấng xóa tội trần gian.
Chúa Giêsu là “Đấng xóa tội trần gian” nghĩa là Ngài đã gánh lấy tất cả tội lỗi chúng ta trên đôi vai của Ngài như con chiên mang tội lỗi của dân Do Thái vào sa mạc. Chúa Giêsu là “Đấng xóa tội trần gian” có nghĩa là nhờ Ngài mà tội lỗi chúng ta được tha thứ. Chúng ta được Ngài xóa bỏ tội lỗi không có nghĩa là chúng ta trút bỏ tất cả tội lỗi cho Ngài, rồi chúng ta an tâm hưởng ơn cứu chuộc “một lần cho tất cả”. Thực ra, Chúa Giêsu “xóa tội” chúng ta bằng cách gánh lấy tội lỗi chúng ta, để chúng ta biết đứng dậy theo Chúa với tâm hồn tự do và tràn ngập niềm vui của người con Chúa.
Chúa Giêsu “xóa tội” chúng ta qua bí tích Giải Tội, để chúng ta quyết tâm cải thiện cuộc sống. Ngài tẩy sạch trang sách tâm hồn chúng ta và viết lên đó nét mực của lòng xót thương.
Chúa Giêsu “xóa tội” chúng ta bằng cách đổ đầy ân sủng của Ngài vào thân phận yếu hèn của chúng ta, để trợ giúp chúng ta tiếp tục chiến đấu và chiến thắng tội lỗi.
Tại nước Ý, có một ngọn tháp bị nghiêng tên là Pisa rất nổi tiếng. Hằng năm thu hút nhiều du khách tới tham quan. Mỗi năm, ngọn tháp này nghiêng thêm một chút. Vài năm trước đây, người ta không dám cho du khách lên tháp nữa, vì sợ không an toàn. Họ lập ra nhiều phương án sửa chữa cho tháp không nghiêng thêm nữa. Một phương án được chọn lựa là : người ta đổ nhiều tấn chì xuống phần móng của bên tháp không nghiêng để tạo sự cân bằng cho tháp. Nhờ vậy, hiện nay tháp Pisa không nghiêng thêm nữa và người ta lại tiếp tục đón du khách lên tháp.
Đó là hình ảnh minh họa cách thức Chúa “xóa tội” trần gian. Ngài không phá huỷ “công trình con người” đã bị nghiêng đổ vì tội lỗi, nhưng Ngài đã cứu chữa bằng cách đổ tràn đầy ân sủng của Ngài xuống cho con người đang sa ngã trong tội lỗi. Ân sủng và tình thương Chúa tuôn đổ dạt dào chan chứa xuống thân phận mỏng dòn yếu đuối của chúng ta, để làm cho chúng ta nên thanh sạch như lời thánh Phêrô: “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4, 8).
Người đàn ông kia có hai chiếc bình lớn. Một chiếc bình hoàn hảo và nguyên vẹn, còn chiếc bình kia có một vết nứt dưới đáy bình. Mỗi khi ông ta dùng hai chiếc bình xách nước từ suối về, nước trong chiếc bình nứt chỉ còn một nửa.
Chiếc bình nứt rất khổ tâm vì lỗi lầm của bản thân. Một hôm, nó nói với ông chủ : “Tôi thật xấu hổ về vết nứt nơi thân mình và muốn xin lỗi ông”. Nhưng ông chủ dịu dàng bảo với chiếc bình nứt : “Ta biết rõ điều đó, nhưng ngươi thử nhìn con đường dẫn về nhà. Ngươi có thấy một lối đi mọc đầy hoa không ? Chính dòng nước chảy ra từ vết nứt của ngươi đã tưới gội những hạt giống hoa ta đã gieo trồng, để chúng mọc lên những bông hoa rực rỡ xinh tươi”.
Tất cả chúng ta đều có những “vết nứt” trong tâm hồn do tội lỗi gây nên. Nhưng từ những “vết nứt” đó, Thiên Chúa đã cho dòng nước ân sủng tuôn chảy, để những bông hoa luôn thắm nở trên mảnh đất cuộc đời chúng ta và tô điểm cho người, cho đời.
Hôm nay, khi hướng nhìn về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc trần gian, chúng ta ý thức được thân phận tội lỗi của mình, để luôn cậy trông, phó thác vào tình thương Chúa. Cũng nhờ vậy, chúng ta biết sống quảng đại và khiêm nhường theo gương thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài chính là “chiếc bóng mờ” âm thầm bên cạnh Chúa Giêsu, để làm chứng : “Một người đến sau tôi, nhưng có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi”.