CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBTK/HĐGMVN.. 2
LUÔN NHẬN LỜI CẦU NGUYỆN- Chú giải của Noel Quesson 6
THIÊN CHÚA ĐÁNG TIN CẬY– Lm PX Vũ Phan Long, ofm.. 14
HÃY CẦU NGUYỆN LUÔN– Lm. Inhaxiô Hồ Thông (*) 27
CẦU NGUYỆN- ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 37
CẦU NGUYỆN KIÊN TRÌ- Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái 40
KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN- Lm Giuse Đinh lập Liễm.. 51
CẦN PHẢI CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ 67
CHÚA GIÊSU DẠY CẦU NGUYỆN- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 71
CẦU NGUYỆN – Logos năm C.. 77
—————————————————————
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBTK/HĐGMVN
BÀI ĐỌC I: Xh 17, 8-13
“Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận”.
Bài trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim, Ông Môsê nói với ông Giosuê rằng: “Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi”. Ông Giosuê thực hiện như lời ông Môsê đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môsê, Aaron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Đáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất (c. 2).
1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất.
2) Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té; Đấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Đấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say.
3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Đấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm.
4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến; Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi và khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.
BÀI ĐỌC II: 2 Tm 3, 14 – 4, 2
“Người của Thiên Chúa được hoàn hảo, để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”.
Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.
Cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Đức Kitô, Đấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết, nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 14, 23
All. All. – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – All.
PHÚC ÂM: Lc 18, 1-8
“Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.
Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Đó là lời Chúa.
————————————————————-
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
LUÔN NHẬN LỜI CẦU NGUYỆN- Chú giải của Noel Quesson
Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
Như thế, chúng ta không phải là những người đầu tiên gặp những khó khăn trong việc cầu nguyện. Chính các tông đồ cũng “nản chí”. Và Đức Giêsu bắt buộc phải nâng tinh thần họ lên.
Thật vậy thường thì chúng ta bắt đầu cầu nguyện với lòng quảng đại. Chúng ta đã quyết định dành một ít thời gian mỗi ngày cho việc cầu nguyện. Một đôi khi, chúng ta đây mua một tranh thánh để đặt ở góc nhà và nó nhắc chúng ta “phải cầu nguyện”. Và rồi trong một vài ngày hoặc một vài tuần, chúng ta dùng một đoạn Tin Mừng và chúng ta cũng đã thử. Nhưng không có gì đã xảy ra! Chúng ta chỉ đụng phải sự im lặng của Thiên Chúa. Những sự phân tâm, chia trí đã chiếm hết thời gian suy niệm của chúng ta. Thế rồi, chúng ta đã ngừng lại…
Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí! Lạy Chúa, Chúa nói với chúng con như thế. Biết được Chúa hiểu những khó khăn của chúng con, tốt cho chúng con biết bao. Có một ngàn lý do để không cầu nguyện. Mọi khung cảnh của thế kỷ XX đều nói với chúng ta về hiệu quả tức thì của năng suất. Khoa học và kỹ thuật đã làm cho chúng ta tin rằng sau cùng con người có thể làm được mọi việc, ngay lập tức. Và rồi, bị sự tiêu thụ gặm nhắm, chúng ta chạy hết tốc độ. Chúng ta không còn có thời gian để dừng lại trừ lúc bị nhồi máu cơ tim. Bạn biết đấy, giữa những thời gian, học tập, công việc, lúc thư giản, tham gia; tôi không có thời gian cầu nguyện. Buổi sáng Chúa nhật là thời gian duy nhất để tôi nghỉ ngơi. Bạn biết đấy, tôi không đi dự thánh lễ được.
“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí!”
Và rồi, cầu nguyện để làm gì? Bạn thấy rõ Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của bạn. Bất công tiếp tục tồn tại trong thế giới. Thế thì tốt hơn hết là phải chiến đấu chống lại nó một cách cụ thể thay vì mất thời gian để cầu khẩn cho “Nước Cha trị đến” bởi vì xem ra Nước Cha không bao giờ đến.
Phải cầu nguyện luôn luôn và liên tục
“Phải cầu nguyện không được nản chí… vững vàng trong sự cầu nguyện… với lòng can đảm, kiên trì…
Độ là hai hình thức rất thường gặp dưới ngòi bút của thánh Phaolô, thầy của Luca (2Tx 1,11; Cl 1,3; Phl 4; Rm 1,10; 2 Tx 3,13; 2 Cr 4,1-16; Gl 6,9; Ep 3,13).
Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu.
Một lần nữa, Đức Giêsu đã chọn một thí dụ hắc ám hết mức để làm cho chúng ta hiểu điều Người sắp nói. Một ông quan tòa phương Đông một mình làm nhiệm vụ trong một thành phố nhỏ, không có sự kiểm tra của cấp trên, và có thể kéo dài vụ kiện tuỳ thích. Một người chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng sợ hãi ma quỷ và khinh khi mọi người. Đối đầu với ông ta là một “bà góa”, chính là biểu tượng của những người nghèo không nơi nhờ cậy và không có tiền của, bị những người giàu có thù địch tha hồ bóc lột; “một người đàn bà” không có chỗ dựa về pháp lý, không không để bênh vực.
Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.
Đấy là trong một ít từ, vẽ ra chân dung của một người ích kỷ và vô liêm sỉ. Nếu có khi nào ông ta làm điều tốt lành, “trả lại công bằng” thì người ta chớ có ảo tưởng mà nghĩ rằng đó là hành động của lòng nhân từ. Đơn giản là một sự tình cờ may mắn đã lằm cho lời ích của người khác trùng hợp với lợi ích riêng của ông ta. Ong ta luôn luôn chỉ hành động “vì mình”. Khi làm đen tối thêm bức tranh về sự châm biếm mạnh mẽ, Đức Giêsu muốn đẩy chứng minh của Người đến cùng cực. Mọi người đều chấp nhận rằng một người độc địa như thế có thể nhận lời một bà góa mà ông ta khinh miệt; đơn giản chỉ vì để bà góa đừng “quấy rầy” ông ta nữa.
Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”
Vậy đây là một dụ ngôn dùng sự trạng phản, trong đó bài học được rút ra “trái ngược” với ví dụ được nêu ra: Một quan tòa bất chính, bất công, không có lương tâm và lòng nhân từ (1). ông ta từ chối (2) thực thi công bằng một thời gian dài. Sau cùng, bởi lòng ích kỷ phải nhường bộ một bà góa nghèo hèn (3) chẳng là gì đối với ông ta; để bà góa thôi quấy rầy ông ta nữa.
Trái lại, và với lý luận còn mạnh hơn rất nhiều, Thiên Chúa thì vô cùng (1) nhân từ, Người sẽ mau chóng “thực thi công bằng” cho những kẻ Người đã tuyển chọn (3) mà Người yêu thương vì những kẻ ấy kêu cầu Người.
Nếu một người độc ác như thế và nhẫn tâm sau cùng lại chấp nhận một lời cầu xin thì Thiên Chúa vốn nhạy cảm với những lời cầu nguyện của người nghèo sẽ còn phải làm nhiều hơn thế nữa.
Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người tuyển chọn sao?
Trong những dòng Tin Mừng này, bốn lần chúng ta nghe Đức Giêsu nói những từ đó lặp lại như một điệp khúc: Thực thi công bằng”; “Trả lại công bằng”; ông quan tòa bởi nghề nghiệp của mình phải là hiện thân của công lý. Công lý là một trong những giá trị cao nhất của nhân loại; liên quan đến những “quyền căn bản của con người”. “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người có quyền được xét xử công bình và công khai bởi một tòa án độc lập và vô tư” (Tuyên Ngôn Quốc Tế về Quyền Con Người: 10 tháng 12 năm 1948).
Đức tin Kitô giáo đòi buộc chúng ta phải bảo vệ và thăng tiến công lý. Lời cầu nguyện của chúng ta chỉ trở nên chân thật nếu chúng ta đi tìm công lý. Mà nếu chúng ta “không thực thi công lý” thì Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chính Thiên Chúa, Người “sẽ thực thi công lý”.
Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.
Đúng vào lúc lên Giêrusalem, lúc mà Đức Giêsu sáng suốt ý thức rằng Người đang tiến đến một sự kết án bất công bởi các quan tòa không công bằng thì Luca đã báo tạo thuật lại các lời đó của Đức Giêsu: “Người sẽ mau chóng bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn”. Người sẽ mau chóng thực thi công lý. Khẳng định này có vẻ nghịch lý, khi chúng ta nói rằng sự bất công tiếp tục thống trị thế giới thì chẳng phải là chúng ta được mời Soi thanh luyện ý tưởng mà chúng ta tạo ra cho mình về sự chiến thắng của công lý? Chiến thắng của Thiên Chúa, quyền năng của Người phải được thực hiện theo một cách hoàn toàn khác với cách chúng ta chờ đợi. Chúng ta luôn có xu hướng thích những quan niệm của con người, những quan niệm thiển cận của chúng ta hơn là những quan niệm của Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện của chúng ta thường giống một thứ đòi nợ và chúng ta yêu cầu Thiên Chúa vâng lời chúng ta. Thiên Chúa như “máy phát quà tự động” là một thần tượng giả dối: bạn bỏ vào khe một đồng tiền, bạn kéo cái nút và cái máy đưa ra cho bạn một cái bánh sôcôla mà bạn yêu cầu!
Khi chúng ta có cảm tưởng không được nhận lời, chúng ta được mời gọi hiệp thông với Đức Giêsu. Người được nhận lời một cách khác! xin Cha cất chén này khỏi con”. Chén đau khổ không được cất đi. Nhưng, bởi cái chết, Người đi qua niềm vui mừng của sự Phục sinh.
Tuy nhiên bằng kinh nghiệm mà chúng ta biết điều này: Không phải lúc nào chúng ta cũng xin Thiên Chúa điều tốt nhất. Chúng ta không thể hiểu thấu tư tưởng của Chúa. Chúng ta sẽ ra sao nếu nhu mọi thói ngông cuồng ấu trĩ của chúng ta được nhận lời? Chúng ta giống như mọi sinh vật và cây cỏ: Cần phải có nhịp điệu của mùa màng, sự luân phiên của nắng mưa, của mùa hè và mùa đông và cả những cơn gió mạnh để lớn lên từ hạt đến hoa và đến quả. Một hạt mầm rẽ ra sao khi nó từ chối mọi thử thách trong dòng phát triển và muốn đòi có mùa gặt ngay hôm sau ngày gieo hạt?
Đức Giêsu biết rõ Chúa Cha! Người nói chúng ta phải có lòng trông cậy: “Thầy nói cùng anh em điều này, Thiên Chúa sẽ thực thi công lý cho những kẻ Người đã tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với Người”.
Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?
Thay vì có những “tín hữu” kêu cầu lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đụng phải những người “vô tín” ngày đêm đều không cầu nguyện. Một câu nói thể nghi vấn và đau đớn. Phải chăng rồi sẽ có một ngày người ta sẽ không còn hỏi liệu Thiên Chúa có nhận lời cầu nguyện hay không, bởi vì sẽ không còn có những lời cầu nguyện?
Nỗi đau của Đức Giêsu, nỗi đau của Thiên Chúa… khi đến gần cái chết sẽ xảy ra, không có được đức tin của dân Người chọn. Mầu nhiệm của tự do con người; tự do có thể từ chối tin, từ chối cầu nguyện.
Bất chợt, chúng ta khám phá rằng Đức Giêsu cảm thấy nỗi lo âu. Người lo âu thật sự trước việc sứ mạng và sứ điệp của Người bị từ khước.
Chính những người được tuyển chọn bị đe dọa bỏ đạo, bỏ đức tin. Sự tuyển chọn bởi phép rửa tội không phải là một bảo đảm. Đời sống trong một cộng đoàn Giáo Hội trong một khoảng thời giàn nào đó không chắc làm cho người ta không trở thành vô tín. Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta; còn chúng ta? Một câu hỏi nặng nề: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất?” Ngày mai, tôi sẽ còn đức tin không? và trong ngày tôi sẽ chết? ngày mà Đức Giêsu sẽ đến để gặp tôi?
Sau khi đã lặp lại rằng Thiên Chúa nhân từ và luôn luôn nhận lời cầu nguyện, Đức Giêsu cho chúng ta thấy lý do thật sự những thất vọng của chúng ta: Thiếu đức tin, cùng lời cảnh cáo nghiêm khắc đó được lặp lại hàng ngàn lần trong Tin Mừng (Lc 4,18-26; 21,23,50; 8,5-15; 9,41; 10,21-24; 11,29-32 v.v…).
Ngày nay, người ta nói về “khủng hoảng đức tin”. Đức Giêsu đã nói về nó. Cám dỗ bỏ đức tin không phải chỉ thời đại chúng ta mới có. Ngay từ hôm nay, tôi sẽ làm gì để nuôi dưỡng đức tin? Phải chăng tôi cầu nguyện.
—————————————————————–
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
THIÊN CHÚA ĐÁNG TIN CẬY– Lm PX Vũ Phan Long, ofm
Ngữ cảnh
Sau khi đã trả lời câu hỏi của người Pharisêu về biến cố Nước Thiên Chúa đến, Đức Giêsu ngỏ lời với các môn đệ để dạy họ về ngày Con Người tỏ mình ra (Lc 17,22-37). Có những từ hoặc câu được dùng làm móc liên kết các câu văn với nhau: động từ “[tôi] đến”, được dùng ở c. 20a (“đến”) và 22b (“sẽ đến”); hai câu tương tự: “«Ở đây này!» hay «Ở kia kìa»!” (c. 21a) và “Người ở kia kìa! hay Người ở đây này!” (c. 23b).
Ngay sau lời giáo huấn mang tính cánh chung của Đức Giêsu về [các] ngày của Con Người, tác giả Lc thêm một dụ ngôn để minh định điều Người đã nói, đó là Dụ ngôn Quan tòa bất chính (18,1-8).
Cũng như có một phương diện trong lối xử sự của người quản lý bất lương được đề ra như điển hình cho lối xử sự của Kitô hữu (16,1-8a), ở đây một quan tòa bất chính được dùng như một biểu tượng của Cha trên trời. Tuy nhiên, để độc giả khỏi hiểu sai hướng, bản văn có thêm cc. 7-8a giúp điều chỉnh hình ảnh của Thiên Chúa nếu như đã bị hiểu méo mó.
Chúng ta có thể đọc Hc 35,12-20 và coi đoạn này như là bối cảnh của dụ ngôn Tin Mừng.
Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
+ Câu mở: Mục tiêu Đức Giêsu nhắm khi giảng dạy (18,1);
+ Dụ ngôn Quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy (18,2-5):
+ Biến một chi tiết của dụ ngôn thành ẩn dụ (18,6-8a):
– Câu chuyển mạch (c. 6),
– Cách xử sự của Thiên Chúa (cc. 7-8a);
+ Biến cả dụ ngôn thành ẩn dụ (18,8b).
Vài điểm chú giải
– phải cầu nguyện luôn (1): Từ “luôn” được dịch từ Hy Lạp pantote có nghĩa là “trong mọi tình huống, bất kể hoàn cảnh thế nào”. Đây không phải chỉ là một nhân đức hay là một bổn phận, mà là một sự cần thiết trong chương trình của Thiên Chúa (HL. dei).
– nản chí (1): Động từ Hy Lạp egkakeô có nghĩa gốc là “ở trong một con đường xấu”, từ đó có nghĩa là “chán chường; buông xuôi”.
– một bà góa (3): Hình ảnh của bà góa trong bản văn phù hợp với hình ảnh Cựu Ước: thường các bà không được xử công bình (x. Xh 22,22-24; Đnl 10,18; 24,17; Ml 3,5; R 1,20-21; Ac 1,1; Is 54,4; Tv 68,5). Lưu ý là truyền thống Lc (Lc-Cv) nói nhiều đến các bà góa (Lc 2,37; 5,25-26; 7,12; 20,47; 21,2-3; Cv 6,1; 9,39.41).
– Bà này đã nhiều lần đến (3): Động từ êrcheto ở thì vị-hoàn (imperfect) cho biết bà đã đến liên tục và còn đến. Bởi vì tình trạng của bà là tuyệt vọng, bà chỉ còn vũ khí cuối cùng là kiên trì.
– xin ngài minh xét cho tôi khỏi tay đối phương (3): Bà không xin quan toà trừng phạt đối phương, nhưng xin ông minh định quyền lợi của bà.
– kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc (5): Động từ hypôpiazein có nghĩa là “đánh dưới mắt” (ngôn ngữ quyền Anh); vả, tát”, từ đó có nghĩa là “gây phiền hà, dằn vặt”.
– quan toà bất chính (6): “Bất chính” là từ ngữ đánh giá lối cư xử trước đây của ông, chứ không không phải là đánh giá về quyết định của ông đối với vụ việc của bà góa (x. 16,8a: “người quản lý bất lương”).
– nói đó! (6): Kết luận này chuyển sự chú ý đi từ bà góa sang cách xử sự và suy nghĩ của ông quan tòa. Độc giả được gợi ý để hiểu ngầm: Phương chi Thiên Chúa! Ngài sẽ đáp ứng lời thỉnh cầu tha thiết của con người khi họ kêu cầu Ngài.
– những kẻ Người đã tuyển chọn (7): Từ ngữ “kẻ được [Thiên Chúa] tuyển chọn” có một lịch sử dài trong Kinh Thánh, với ý nghĩa tổng quát là những kẻ được Thiên Chúa để riêng ra vì Ngài yêu thương họ, tức là vô điều kiện, không hề bị ép buộc, hoàn toàn tự do. Từ này đặc biệt có liên hệ với thời bách hại.
– lòng tin trên mặt đất (8): nghĩa là lòng tin gợi hứng cho lời cầu nguyện tha thiết. Câu hỏi này cần được liên kết với lời mở ở c. 1.
Ý nghĩa của bản văn
* Câu mở: Mục tiêu Đức Giêsu nhắm khi giảng dạy (1)
Trước đây (x. Lc 11,1-13), khi các môn đệ thỉnh cầu, Đức Giêsu đã dạy các ông Kinh Lạy Cha, và nhấn mạnh rằng Thiên Chúa còn sẵn sàng chấp nhận lời con cái Ngài kêu xin hơn là các người cha trần thế. Ở chương 11, tác giả Lc đề cập đến việc cầu nguyện cá nhân. Nhưng nội dung của câu mở (Lc 18,1) ở đây lại nói trực tiếp đến việc kiên trì cầu nguyện, chứ không nói đến sự tin tưởng là Thiên Chúa sẽ đáp lời ta xin, nên để đón nhận được bài học, chúng ta cần hiểu ngữ cảnh bản văn đang suy ngẫm.
Bản văn Lc 17,20-37 kết thúc chương 17 trả lời cho hai câu hỏi “Khi nào Nước Thiên Chúa đến?” và “Nước ấy đến ở đâu?”. Vậy lời dạy của Đức Giêsu về việc cầu nguyện liên tục và không được nản chí là nhằm có được tư thế sẵn sàng cho biến cố chung cuộc, Nước Thiên Chúa đến. Chính động từ egkakeô, “chán chường; buông xuôi”, được dùng ở đây (xem thêm Lc 17,20; 21,36) cũng như trong các Thư Phaolô (2 Cr 4,1; Gl 6,9; x. Ep 3,13; 2 Tx 3,13) thuộc về bối cảnh cánh chung (Ngày Quang lâm). Do đó, ở đây có thể hiểu là Đức Giêsu muốn khuyên bảo các môn đệ: trong thời gian này là thời gian chờ đợi Người trở lại, thời gian đầy thử thách, các ông không được chểnh mảng hay bỏ mất việc cầu nguyện, vì bất cứ lý do gì. Đây là một sự cần thiết (chứ không phải là một sự chọn lựa tùy nghi), liên tục (“luôn luôn”, chứ không thỉnh thoảng) và “không được nản chí” (phải kiên trì chứ không được chán nản buông xuôi).
* Dụ ngôn Quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy (2-5)
Bây giờ Đức Giêsu kể một dụ ngôn nhằm cho thấy rằng các môn đệ có thể tin tưởng vô điều kiện vào Thiên Chúa, là chắc chắn Ngài chấp nhận lời các ông cầu nguyện, cho dù sự chấp nhận không xảy ra ngay và các ông cứ phải lặp lại nhiều lần lời cầu nguyện.
Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được nói đến lại không phải là bà góa đang gặp khó khăn, mà là ông quan tòa. Nơi chốn mang tính tổng quát: “Trong một thành kia”, nhằm nêu bật đặc tính điển hình. Còn ông quan toà thì tỏ ra độc lập và tự phụ; ông chỉ biết chính ông, lợi lộc của ông và sự thoải mái của riêng ông mà thôi. Ông không hề kính trọng Thiên Chúa, chẳng sợ ngày nào đó phải ra trước tòa Ngài; ông cũng chẳng nể sợ ai cả, tức là một kẻ không tuân giữ Luật Thiên Chúa (“yêu mến Thiên Chúa hết lòng, và yêu người thân cận như chính mình”). Quả thật, các Thánh vịnh có nói đến những hạng quan tòa như thế (x. Tv 58,2-3; 82,2). Ngôn ngữ Kinh Thánh gọi hạng người này là “quân gian ác”. Giới thiệu ông quan tòa bất chính trước như thế, hẳn là tác giả muốn tập trung chú ý vào tình trạng không thể làm gì được nữa: không mong có một cơ may nào cho bà góa kia đâu, bởi vì mọi sự đã qua rõ ràng. Một quan tòa không giữ lề luật, cũng chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì, chắc chắn sẽ không đề lòng mình mềm ra vì một người đàn bà, phương chi một bà góa.
Còn bà góa, chúng ta không biết gì về tuổi tác, thu nhập, mức độ lệ thuộc, hoặc kẻ thù của bà, chỉ biết rằng bà thuộc về một trong ba hạng người thất thế về phương diện xã hội (quả phụ, cô nhi và di dân). Chính vì thế ông quan tòa chẳng có gì phải quan tâm đến bà. Nhưng hẳn là các thính giả cảm thấy xót xa khi nghe nói là bà phải gặp một quan tòa “chẳng coi ai ra gì”. Tuy nhiên, bà góa nghĩ rằng vụ việc của bà là đúng, và không có một chi tiết nào trong bài dụ ngôn gợi ý là vụ việc của bà không đúng, dù ta không biết là việc gì. Do đó, bà kiên trì kêu cứu. Bà kiên trì đến mức ông quan tòa cứng lòng và khinh người đã phải xét vụ việc của bà và cho bà được như ý. Để có thể làm chuyển động ông quan tòa đó, nại đến lương tâm thì không ích gì; phải chạm đến tính ích kỷ của ông: Ông phải minh xét vì không muốn bị quấy rầy liên tục như thế.
* Biến một chi tiết của dụ ngôn thành ẩn dụ (6-8a)
Thế rồi Đức Giêsu hỏi hai câu: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (c. 7), mà không chờ câu trả lời, vì biết rằng ai cũng biết câu trả lời: “Chắc chắn Thiên Chúa sẽ minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, và Ngài sẽ không trì hoãn”. Nhưng Đức Giêsu lại nhấn mạnh hơn đến phản ứng của Thiên Chúa trước lời cầu nguyện: “Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (c. 8). Câu trả lời của Người vừa vững chắc, vừa tin tưởng, lại vừa thách đố: làm sao có thể khác được, khi Thiên Chúa là Thiên Chúa và khi những kẻ Người đã tuyển chọn đúng là như thế (“ngày đêm hằng kêu cứu với Người”)?
Để nêu bật sự mau mắn của Thiên Chúa trong việc đáp ứng những kẻ Ngài đã tuyển chọn, Đức Giêsu dùng một hình ảnh phản diện: ông quan tòa bất chính. Nếu lời cầu xin bền bỉ đã khiến cho kẻ có tính ích kỷ phải đáp ứng, thì càng khiến Thiên Chúa phải quan tâm, bởi vì Ngài không hề ích kỷ chút nào. Thật vậy, khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Đức Giêsu đã bảo các ông thưa với Thiên Chúa như với “Cha” (Lc 11,2). Thêm vào bài học diễn tả qua hình ảnh ông quan tòa, hình ảnh bà góa lại củng cố những ai đang lung lay trong việc cầu nguyện. Như thế, bằng sự tương phản giữa hai dung mạo, Đức Giêsu đưa các thính giả đến chỗ đồng ý rằng quả thật không hề có một lý do gì mà nói rằng việc cầu nguyện kiên trì với vị Thiên Chúa vô cùng yêu thương và toàn năng lại không được chấp nhận.
Tuy nhiên, vì công thức “những kẻ Người đã tuyển chọn” có liên hệ đến thời bách hại, bài học của đoạn Tin Mừng này, ngoài mục tiêu là Ngày Tận Thế, cũng nhắm tới các hoàn cảnh khó khăn của những người đang bước theo Đức Giêsu và khuyến khích họ cứ vững tin vào Thiên Chúa.
* Biến cả dụ ngôn thành ẩn dụ (8b)
Đến đây Đức Giêsu lại hỏi: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người có tìm được lòng tin trên mặt đất chăng?”. Câu này đưa thính giả đi từ giọng điệu tích cực và khích lệ của cc. 6-8a sang một giọng điệu ưu tư, thách đố, bằng cách gợi ý là rất có thể Con Người không tim được “lòng tin” (tên pistin, ở dạng xác định, với quán từ xác định, chứ không ở dạng bất định) khi Người trở lại vào Ngày Phán Xét. Mô tả Đức Giêsu là “Con Người” có nghĩa là xác định Đức Giêsu sẽ phán xét loài người vào lúc tận thế. Còn “lòng tin” được nói đến ở đây hầu chắc có nội dung chuyên biệt có Đức Giêsu là trung tâm cùng với giáo huấn của Người. Như vậy, Người hỏi là khi trở lại, liệu Người trong tư cách “Con Người” có tìm được chăng lòng tin nơi Người và nơi giáo huấn của Người. Nhưng “lòng tin” đây còn có thể là điều tập trung trực tiếp hơn vào vấn đề được bài dụ ngôn nói đến: lòng tin nâng đỡ việc cầu nguyện liên tục, mà nếu không có lòng tin này, các môn đệ sẽ không cầu nguyện liên tục, sẽ nản chí. Vậy “lòng tin” đây còn có thêm nét này, là xác tín rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ nghe lời chúng ta cầu nguyện và sẽ mau mắn đến với chúng ta.
+ Kết luận
Bản văn chúng ta đang đọc có hai điểm nhắm: Ở c. 1, điểm nhắm là người cầu nguyện phải kiên trì; ở cc. 6-8a, tác giả lại tâp trung vào thực tại Thiên Chúa chắc chắn nhận lời cầu nguyện. Vậy, một đàng, tác giả muốn giúp các độc giả kiên trì cầu nguyện, đừng nản chí, cho dù có được đáp trả thế nào; đàng khác, ngài bảo họ là đừng bao giờ nghi ngờ là Thiên Chúa không nghe lời các kẻ Ngài đã tuyển chọn và không mau mắn đáp ứng họ. Bài dụ ngôn về Ông quan tòa và bà góa giúp giải thích hai điểm giáo huấn ấy. Tuy nhiên, tác giả cảm thấy cũng phải đưa vào câu nói cuối cùng của Đức Giêsu: liệu người môn đệ có thật sự tiếp tục tin vững vàng rằng Thiên Chúa quá yêu thương dân Ngài, nên không thể nào không mau mắn đáp lại lời họ cầu nguyện chăng?
Sự tương phản giữa việc cầu nguyện không nản chí và việc Thiên Chúa mau mắn đáp lời cầu nguyện là do hai hoàn cảnh khác nhau: một bên là sự chờ đợi Phán Xét chung cuộc quá lâu; bên kia là tình trạng chịu bách hại. Đối với những người chịu bách hại, Thiên Chúa sẽ mau mắn can thiệp; còn đối với những người nản chí, hãy nhớ rằng Con Người sẽ đến kết thúc thế giới này.
Cuối cùng, có thể nói cốt lõi của bài học là nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa đối với người cầu nguyện và tin vào tình yêu ấy. Chính Đức Giêsu cũng đã phải đối diện với thách đố này: chính Người đã nghĩ rằng điều tốt hơn cho Người là tránh cái chết. Chỉ có sự tín nhiệm nơi tình yêu của Cha Người đối với Người mới khiến Người nói, mỗi khi Người nói rằng Người không muốn chết: “Xin cho ý Cha, chứ không phải ý con, được thực hiện” (Lc 22,42). Ở đây, cũng như trong mọi tình huống của cuộc đời, Người luôn để cho sự hiểu biết về tình yêu của Cha Người hướng dẫn mọi quyết định và hành động của Người. Việc Người cầu nguyện liên tục cho thấy lòng tin của Người đặt nơi tình yêu của Cha Người đối với Người; Người trở thành một điển hình để trả lời cho mối bận tâm của tác giả Lc, đó là cầu nguyện luôn và không được nản chí. Lời khuyến cáo duy nhất Người nói với các môn đệ khi ở trong vườn là: “Dậy mà cầu nguyện” (Lc 22,46). Quả thật, Thiên Chúa luôn tìm thấy Đức Giêsu kiên trì cầu nguyện (cả trên thập giá) cho đến tận lúc Ngài đến đưa Người về với Ngài.
Nói tóm, nếu một quan tòa bất chính và khinh người, mà chỉ vì muốn yên thân, đã xử công bình, thì một Người Cha yêu thương sẽ làm gì? Tình yêu của Ngài sẽ khiến Ngài cứ lần lữa, hay là làm cho Ngài mau mắn hành động? Bà góa đã thắng vụ kiện do liên tục quấy rối ông quan tòa bất chính; dưới ánh sáng của hoàn cảnh của bà, ta có thể nói gì về việc cầu nguyện liên tục với Thiên Chúa? Chúng ta còn có thể nghi ngờ là một việc cầu nguyện kiên trì không đưa lại hiệu quả gì cho chúng ta sao?
Gợi ý suy niệm
+ Người ta thường đặt ra các câu hỏi như sau: Việc cầu nguyện có giá trị gì chăng? Thiên Chúa có quan tâm đến người cầu nguyện không? Phải chăng lời cầu nguyện chỉ như hơi thở hòa vào trong gió? Người ta hỏi như thế vì ghi nhận rằng dường như Thiên Chúa không phản ứng, và có biết bao người đã từng ngỏ lời với Ngài mà không nhận được sự trợ giúp của Ngài. Nếu lời cầu nguyện không có hiệu quả gì, thì nó có giá trị gì? Hợp lý nhất chẳng phải là ngưng cầu nguyện, để khỏi phí thì giờ sao? Tốt nhất không phải là tránh mọi ảo tưởng sao? Nếu đã không xoay trở được một mình hoặc không tìm được sự trợ giúp của người khác, chúng ta lại không phải suy ra rằng chúng ta cũng chẳng có thể trông mong gì được nơi Thiên Chúa sao? Đức Giêsu đã kể dụ ngôn Quan tòa bất chính để trả lời các vấn nạn này.
+ Nếu chúng ta cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, thì không phải là vì Thiên Chúa không quan tâm đến ta, nên ta phải quấy rầy Ngài. Thật ra khi đó, chúng ta sống được tương quan hiếu thảo với Ngài vì Ngài là Cha chúng ta, và ta cũng hiểu được chương trình Ngài đang theo để biết cộng tác vào. Thiên Chúa không phải là một quan tòa bất chính, hoàn toàn lãnh đạm đối với chúng ta, nhưng Ngài là Cha chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta với tất cả mối quan tâm từ phụ. Đối với Ngài, chúng ta không phải là những sinh vật vô nghĩa, không giá trị, mà là những kẻ Ngài tuyển chọn, những con cái được Ngài yêu thương. Tương quan này giữa Thiên Chúa và chúng ta là lý do khiến chúng ta không bao giờ được ngưng cầu nguyện; đã thế, chúng ta lại hoàn toàn có thể tin tưởng rằng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được chấp nhận. Do đó, không phải là vì Thiên Chúa, nhưng là vì chúng ta, chúng ta cần cầu nguyện kiên nhẫn, không ngừng.
+ Nếu chúng ta không cầu nguyện nữa, nếu chúng ta không tin tưởng Thiên Chúa nữa, chúng ta không nhìn nhận Ngài là Cha chúng ta và coi Ngài như là một Đấng bất lực hoặc như một nhà độc tài lãnh đạm. Do đó, cùng đi kèm với lời chúng ta cầu nguyện, phải có lòng tin của chúng ta đặt vào Thiên Chúa như là Cha chúng ta. Cho dù chúng ta có phải chờ đợi, cho dù chúng ta có không cảm nhận được sự gần kề của Thiên Chúa, cho dù lời chúng ta cầu nguyện có khi như rơi vào khoảng không, Thiên Chúa là và vẫn là Cha chúng ta. Chúng ta cần thưa gởi với Ngài, chúng ta phải duy trì cho sống động dây liên kết con cái với Chúa Cha. Nếu chúng ta ngưng cầu nguyện, mà coi việc cầu nguyện không có ý nghĩa, chúng ta cũng cắt đứt tương quan này. Ai không cầu nguyện nữa và chỉ cậy dựa vào sức riêng, người ấy độc lập đối với Thiên Chúa và loại trừ Ngài.
+ Bởi vì Ngài là Cha chúng ta, Thiên Chúa không thể không nhận lời chúng ta thỉnh cầu. Tuy nhiên, chúng ta không được quy định cho Ngài cách thức và thời điểm Ngài phải nhận lời chúng ta. Chỉ có một điều chúng ta biết chắc chắn, đó là Ngài sẽ minh xét cho chúng ta, sẽ cứu chúng ta. Ngài có thể thử thách chúng ta lâu dài, nhưng cũng có thể can thiệp rất nhanh, mà ta không ngờ. Dù thế nào, Ngài cũng không bao giờ bỏ chúng ta, không để chúng ta phải hư mất. Đối với Đức Giêsu, sự trợ giúp của Thiên Chúa là chuyện tuyệt đối chắc chắn, bởi vì quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa là những thực tại tuyệt đối chắc chắn. Chính vì thế, chắc chắn việc cầu nguyện vừa cần thiết vừa có ý nghĩa.
+ Nếu chúng ta không tin tưởng vào Thiên Chúa và loại trừ Ngài, chúng ta sẽ không được Ngài trợ giúp nữa, không phải vì Thiên Chúa không muốn giúp đỡ chúng ta, nhưng bởi vì chúng ta không mở lòng ra với Ngài để đón nhận Ngài. Do đó, câu hỏi của Đức Giêsu ở cuối bài Tin Mừng là một lời mời gọi chúng ta tin rằng nhờ đức tin và lời cầu nguyện, chúng ta luôn kết hợp với Thiên Chúa, và như thế, chúng ta sẵn sàng đón lấy sự trợ giúp và ơn cứu độ Ngài ban.
———————————————————-
CHÚA NHẬT XXIXTHƯỜNG NIÊN – NĂM C
HÃY CẦU NGUYỆN LUÔN– Lm. Inhaxiô Hồ Thông (*)
Chúng ta có thể lấy lời mời gọi của Chúa Giê-su: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”, làm chủ đề cho Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này.
Xh 17: 8-13
Sách Xuất Hành thuật lại ông Mô-sê cầu bầu suốt ngày đến mệt nhoài cho dân Do thái trong cuộc chiến chống quân A-ma-lếch, và kết quả là dân Do thái đã chiến thắng.
2Tm 3: 14-4: 2
Thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê nhắm đến một chủ đề hơi khác biệt: nhắc nhở ông Ti-mô-thê về ơn linh hứng Kinh Thánh, nhờ đó, người của Thiên Chúa được trang bị đầy đủ cho công việc mục vụ.
Lc 18: 1-8
Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn về quan tòa bất chính và bà góa. Dù ông quan tòa bất chính khăng khăng từ chối, bà góa vẫn cứ nhất quyết khẩn khoản nài van, cuối cùng ông đành phải chịu bênh vực bà; “huống hồ gì” Thiên Chúa giàu lòng xót thương lại không bênh vực cho những kẻ liên lĩ khẩn cầu Ngài, không hề nản chí sao?
BÀI ĐỌC I (Xh 17: 8-13)
Chuyện tích Xuất Hành không nói rõ cho chúng ta ông Mô-sê cầu nguyện; nhưng đôi tay ông giơ lên trời diễn tả thái độ cầu nguyện. Đôi tay biểu tượng quyền lực của lời cầu nguyện: khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì quân A-ma-lếch thắng thế. Ông Mô-sê là người cầu bầu tuyệt vời.
Cây gậy của ông Mô-sê:
Thật ra, ông Mô-sê cầm trong tay một cây gậy mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Trên đỉnh đồi, ông cầm gậy giơ lên cao để mọi người có thể nhìn thấy dấu hiệu tập họp này, bằng chứng về sự bảo vệ che chở của Đức Chúa.
Trong Cựu Ước, có những giai thoại dân gian về cây gậy, nhánh cây, ngọn lao và thậm chí cả những mũi tên nữa. Đó là cây gậy của ông A-ha-ron, tức là cây gậy của gia tộc Lê-vi, “đã đâm chồi, trổ bông và kết trái hạnh đào”, còn mười một cây gậy của các gia tộc kia vẫn là khúc gỗ (Ds 17: 16-23); đó còn là ngọn lao của ông Giô-suê đang cầm trong tay hướng về thành Ai, cho phép chiếm thành này mà không phải giao tranh (Gs 8: 18-19); đó cũng là mũi tên của vua Ít-ra-en (2V 13: 18-19).
Cây gậy của ông Mô-sê là cây gậy mà Chúa đã trao cho ông trên núi Khô-rếp, khi Ngài ủy thác cho ông sứ mạng đưa dân Do thái ra khỏi đất Ai-cập. Cây gậy đã giúp ông Mô-sê chiến thắng chiếc đủa thần của những phù thủy của Pha-ra-ô (Xh 7: 12) và thực hiện một loạt những điềm thiêng dấu lạ hầu cho toàn thể triều thần Ai-cập phải khiếp đảm (Xh 7: 20; 9: 23; 10: 15). Sau cùng chính với cây gậy này mà ông Mô-sê đã “rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào” (Xh 14: 16).
Chính cũng cây gậy này mà ông Mô-sê giơ lên trời với đôi tay cầu xin cho dân Ít-ra-en được chiến thắng. Sau này, vài bản văn được tu chỉnh, cho thấy một phản ứng chống lại những mê tín dị đoan cổ xưa. Như sách Xuất Hành gán cho cây gậy của ông Mô-sê nước phun vọt lên từ tảng đá (Xh 17: 5-6), trái lại, trong sách Dân Số, chính “lời” của ông Mô-sê mới thực hiện phép lạ (Ds 20: 7-8).
Người A-ma-lếch:
Việc người A-ma-lếch tấn công dân Do thái là cuộc đối kháng đầu tiên mà dân Do thái gặp phải trong cuộc hành trình băng qua sa mạc. Dân chưa đến chân núi Xi-nai thì phải giao chiến rồi. Cuộc chiến đầu tiên này được lưu truyền trong ký ức qua nhiều thế kỷ.
Người A-ma-lếch là những bộ tộc du mục xuất thân từ miền Nam đất Pa-lét-tin; tổ tiên của họ là A-ma-lếch, hậu duệ của ông Ê-sau. Người A-ma-lếch này còn được kể lại trong vài giai đoạn lịch sử của dân Ít-ra-en (Ds 14: 40-45; Tl 3: 12-13; 6: 1-7; Sm 15: 30); nhưng truyền thống đã làm cho họ trở thành kẻ thù tiêu biểu của dân Ít-ra-en. Một đoạn văn sách Đệ Nhị Luật long trọng công bố: “Anh em hãy nhớ A-ma-lếch đã xử thế nào với anh em trên đường, khi anh em ra khỏi Ai-cập: nó đã đón đường anh em và đánh tập hậu mọi kẻ lết theo sau, trong khi anh em mệt lả và kiệt sức; nó đã không kính sợ Thiên Chúa. Vậy khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, cho anh em được thành thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em làm gia nghiệp để anh em chiếm hữu, thì anh em sẽ xóa hẳn tên tuổi A-ma-lếch, khiến dưới gầm trời, không còn ai nhớ đến nó nữa: anh em đừng quên!” (Đnl 26: 17-19).
BÀI ĐỌC II (2Tm 3: 14-4: 2)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi cho ông Ti-mô-thê. Đây là một trong những bức thư được gọi là “thư mục vụ”. Trong cảnh giam cầm ở Rô-ma, thánh Phao-lô biết rằng giờ chết của mình sắp đến gần rồi, nên đã truyền ngọn đuốc đức tin cho những người kế nghiệp ngài, như ông Ti-mô-thê ở Ê-phê-xô. Thánh nhân diễn tả ước muốn không nhân nhượng của ngài, đó là ông Ti-mô-thê phải tôn trọng tính toàn vẹn của sứ điệp. Đức tin phải được cắm sâu vào hai điểm tựa vững chắc: giáo huấn mà ông Ti-mô-thê đã học được, bởi vì giáo huấn này bắt nguồn từ các Tông Đồ; và Kinh Thánh, bởi vì đây là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng.
Giáo huấn mà ông Ti-mô-thê đã học được và đã tin chắc:
Ông Ti-mô-thê phải kiên vững trong chân lý chặc chẽ của sứ điệp mà ông đã học được và đã tin chắc, không được thêm vào đây bắt cứ sở thích của riêng mình: “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc”.
Thánh Phao-lô là một trong số những thầy dạy của ông Ti-mô-thê, vì thế thánh nhân nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ: “Anh biết anh đã học với những ai”. Rõ ràng thánh nhân vừa mới nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ lại mọi điều mà ông đã thụ huấn khi được ở bên cạnh thánh nhân trong suốt cuộc đời truyền giáo của ông: “Phần anh, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi; anh đã biết những cơn bắt bớ , những sự đau khổ tôi đã gặp ở An-ti-ô-khi-a, I-cô-ni-ô, Lýt-ra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào…” (2Tm 3: 10-11).
Nhưng thánh Phao-lô đã không là thầy dạy duy nhất của ông Ti-mô-thê. Chính không phải nhờ thánh nhân mà ông Ti-mô-thê lãnh nhận đức tin của mình. Khi thánh nhân gặp ông ở Lýt-ra, thì ông Ti-mô-thê đã là người Ki-tô hữu rồi và thậm chí một người Ki-tô hữu được toàn thể cộng đồng đánh giá cao. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng việc loan báo Tin Mừng ở Ê-phê-xô và những vùng phụ cận đã được thực hiện sau khi Hội Thánh Giê-ru-sa-lem bị phân tán, tiếp theo sau việc giáo quyền Do thái bách hại những người Ki-tô hữu gốc Do thái theo văn hóa Hy-lạp (thánh Tê-pha-nô được phúc tử đạo đầu tiên vào dịp này). Trốn chạy khỏi Giê-ru-sa-lem, những người Ki-tô hữu gốc Do thái theo văn hóa Hy-lạp này mang Lời Chúa ra bên ngoài xứ Pa-lét-tin; họ là những nhà truyền giáo đầu tiên.
Ơn linh hứng của Kinh Thánh:
Bản văn này của thánh Phao-lô là lời khẳng định Ki-tô giáo đầu tiên liên quan đến ơn linh hứng Kinh Thánh: “Tất cả những gì được viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”. Do thái giáo từ lâu đã công bố rằng Lề Luật (bộ Tô-ra, Ngũ Thư) là Lời Thiên Chúa, tiếng nói của Đức Khôn Ngoan. Bên cạnh Lề Luật, còn có các Ngôn Sứ, những sứ giả của Thiên Chúa. Vì thế, khi thánh nhân khẳng định ơn linh hứng Kinh Thánh, đồng lúc thánh nhân nhận ra sự liên tục của Do thái giáo và Ki-tô giáo.
Thánh nhân nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ rằng ông đã được thụ hưởng biết bao điều hữu ích khi ông đã được biết Kinh Thánh và đã được Kinh Thánh nuôi dưỡng “từ thời thơ ấu” như thế nào. Cha ông là người Hy-lạp còn mẹ ông là người Do thái. Vì thế, mẹ ông và bà ngoại của ông rất am tường những bản văn Kinh Thánh. Bà ngoại của ông đã theo đạo Ki-tô giáo trước, rồi đến mẹ ông: “Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kêu, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (2Tm 1: 5). Nhờ họ, ông Ti-mô-thê phải nhận ra rằng Kinh Thánh “có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” và Kinh Thánh là dụng cụ “hữu ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn , và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành”.
Công việc mục vụ lớn lao:
Thánh Phao-lô tiếp tục những lời khuyên của mình khi long trọng công bố giá trị di chúc tinh thần: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh”. Và thánh nhân khẩn khoản nài van ông Ti-mô-thê tuân theo chương trình mà thánh nhân đề ra cho ông về công việc mục vụ: “Hãy rao giảng Lời Chúa”, đây là công việc cốt yếu của người đảm nhận trọng trách trong Giáo Hội. Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến một sự cố xảy ra trong cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi về việc các bà góa trong nhóm các Ki-tô hữu gốc Do thái theo văn hóa Hy-lạp bị bỏ quên. Bởi thế, nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6: 2-4).
Người lãnh đạo cộng đoàn phải chu toàn những trách nhiệm của mình: “Hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”, phải là người hướng dẫn luân lý và tinh thần: “Hãy biện bác, ngăm đe”, phải là người mục tử có tấm lòng từ bi nhân hậu, đầy nhiệt huyết và chú tâm dạy dỗ: “Khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại”. Đây là bản tóm lược quyền giáo huấn của Giáo Hội mà thánh nhân đề ra.
TIN MỪNG (Lc 18: 1-8)
Trong số các tác giả Tin Mừng, thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng nhấn mạnh nhiều nhất đến cầu nguyện: Chúa Giê-su cầu nguyện vào tất cả những giờ phút quan trọng trong sứ vụ của Ngài; trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ của Ngài “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.
Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí:
Lời khuyên này gợi nhớ lời khuyên của thánh Phao-lô, thánh nhân mời gọi hãy chuyên tâm cầu nguyện, kiên vững trong lời cầu nguyện, cầu nguyện trong mọi lúc (x. Rm 12: 12; Ep 6: 18; Cl 1: 3, vân vân). Đôi khi người ta đặt nhan đề cho Tin Mừng Lu-ca là “Tin Mừng thánh Phao-lô”. Quả thật, những dấu nhấn của thánh Phao-lô không thiếu trong sách Tin Mừng này. Thánh Lu-ca đã là môn đệ và là bạn đồng hành của thánh Phao-lô: sự cộng tác của họ, tình bạn trung thành và thân thiết của họ.
Lời khuyên khởi đầu này dẫn vào dụ ngôn và trước tiên hướng sự chú ý đến bà góa. Theo truyền thống Kinh Thánh, bà góa gợi lên một con người cô thân cô thế, được liệt vào hàng những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người thua thiệt này mà Thiên Chúa lắng nghe những lời kêu cứu của họ và đứng ra báo oán cho họ.
Dụ ngôn giản dị này không xác định phải chăng bà góa chịu hàm oan; điều này chỉ là giả sử. Vả lại chẳng quan trọng gì. Chính đức tính kiên trì bền bĩ của bà được đưa ra làm gương và ruốt cuộc đã thắng sự khăng khăng từ chối của ông quan tòa bất chính. Đó là hiệu quả của lời khẩn nguyện, cứ lập đi lập lại không biết mệt, cho đến Chúa phải mệt.
Tin tưởng vào sự công minh chính trực của Thiên Chúa:
Nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giê-su khai triển cách hành xử của ông quan tòa hơn là trên thái độ của bà góa. Trọng điểm của dụ ngôn là ông quan tòa bất chính “chẳng kính sợ Thiên Chúa và chẳng coi ai ra gì”. Ấy vậy, ông đành phải chịu thua trước những lời khẩn khoản nài van của bà góa cứ đêm ngày xin ông minh oan cho bà. Những động từ trong bản văn đều được dùng ở thì vị hoàn muốn nói rằng ông quan tòa vẫn một mực từ chối, nhưng cuối cùng ông đành phải nhượng bộ trước những lời khẩn khoản nài xin liên lĩ của bà góa mà đứng ra minh oan cho bà. Chúa Giê-su thốt lên: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó!”.
Người ta gặp thấy trong giáo huấn của các kinh sư những ví dụ thuộc loại này, được chọn lựa một cách rõ ràng ngỏ hầu câu kết có thể bắt đầu bởi liên từ “huống chi”, “huống hồ gì”. Đó là trường hợp dụ ngôn này. Nếu viên quan tòa bất chính đành phải minh oan cho bà góa vì những lời khẩn cầu van xin liên lĩ của bà; “huống hồ gì” Thiên Chúa vị quan tòa hoàn hảo, Ngài sẽ không kiềm lòng được nữa trước những lời khẩn cầu của “những người được tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”.
Chung chung, thánh Lu-ca không dùng từ “người được tuyển chọn” (chỉ một lần duy nhất nhưng được viết hoa, “Người Được Tuyển Chọn”, tước hiệu được các vị thủ lãnh Do thái gán cho Đức Ki-tô trên thập giá: Lc 23: 35). Nhưng thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô dùng danh xưng này cho những người được chấp nhận vào trong Nước Thiên Chúa. Vì thế, phần cuối dụ ngôn là quay trở lại những viễn cảnh cánh chung. Ở phần nầy, Chúa Giê-su trả lời cho sự nôn nóng của những người mong ước ngày Quang Lâm của Con Người mau đến, đây là sự nôn nóng của thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên. Thiên Chúa nghe những tiếng kêu cứu của họ, dù trì hoãn đi nữa, thì chắc chắn Ngài cũng sẽ mau chóng bênh vực cho họ.
Nhưng một vấn đề được nêu lên: tại sao Thiên Chúa bắt họ phải chờ đợi? Trong khi ông quan tòa bất chính chậm trễ là do lòng chai dạ đá của ông, còn Thiên Chúa trì hoãn là do tấm lòng nhẫn nại và xót thương của Ngài.
Những từ “trì hoãn” hay “mau chóng” là thuật ngữ Kinh Thánh được dùng để diễn tả Thiên Chúa chắc chắn can thiệp để cứu độ, mà không xác định một thời điểm nào. Thiên Chúa thì ở ngoài thời gian, như lời dạy của thánh Phê-rô: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trể thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trể. Kỳ thực Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn sám hối” (2Pr 3: 8).
Đức tin:
“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Câu nói bí ẩn này là một trong những câu gây sửng sốt của sách Tin Mừng. Được đặt vào mạch văn ở đây, câu này ám chỉ đến tội bội giáo, tội này phải đi trước ngày Thiên Chúa ngự đến, theo những viễn cảnh được phát triển thông thường trong các sách khải huyền. Một nổ lực kháng cự sau cùng của Xa-tan phải đặt đức tin của các tín hữu vào sự thử thách dữ dội. Thánh Mát-thêu viết: “Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người” (Mt 24: 10-12).
Trong Thư thứ hai gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô cũng kể ra: “Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng” (2Tx 2: 3). Đề tài này không hẳn hoàn toàn chịu ảnh hưởng ngoại giáo, đặc biệt thần học về nhị nguyên của I-ran, theo đó thần Ác sẽ mở một cuộc chiến sau cùng chống lại thần Thiện và Ánh Sáng, trước khi bị đánh bại vĩnh viễn. Các bản văn Qum-ran nói về cuộc chiến giữa con cái Ánh Sáng chống lại con cái Bóng Tối, cuộc chiến này sẽ đạt đến tột điểm. Ở đây, tư tưởng của Chúa Giê-su chính là mời gọi “hãy cầu nguyện luôn, không được nản chí”.
(*)Tựa đề do BTT. GPBR đặt
————————————————————–
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
CẦU NGUYỆN- ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Đây là một dụ ngôn dễ hiểu. Chúa Giêsu đưa ra hai tình ảnh trái ngược. Một bên là bà goá nghèo khổ, bé nhỏ, không có tiếng nói trong xã hội. Một bên là ông quan toà bất nhân, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Thật là một hoàn cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không có tiếng nói. Nhưng nhờ kiên trì, bà đã đạt được ý nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích: dạy các môn đệ hãy noi gương bà goá, cầu nguyện luôn không được nản chí. Bà goá nêu gương cầu nguyện cho ta ở 4 thái độ sau:
Thái độ khiêm nhường. Người đàn bà này rất khiêm nhường vì bà tự biết mình bé nhỏ nghèo hèn. Bị người ta ức hiếp mà chẳng thể tự bảo vệ. Không có sức khoẻ để chống lại người ác. Không người bênh vực chống lại bất công. Không có cả tiền bạc để mua lấy sự bình an. Bà mất tất cả. Chẳng còn gì. Chẳng có gì. Nói gương bà, khi cầu nguyện ta phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết mình nghèo nàn yếu đuối, biết mình chỉ là thân phận tro bụi. Khiêm nhường biết mình đã cùng đường, không còn nơi nương tựa. Khiêm nhường biết mình bất tài bất lực không thể thoát khỏi hoàn cảnh bi đát này.
Thái độ phó thác. Bà goá này không còn nơi nương tựa. Chỉ còn trông cậy vào ông quan toà như lối thoát duy nhất. Bà đặt niềm tin vào ông quan toà. Đó là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng. Bà bám víu lấy ông quan toà. Bà phó thác vận mạng trong tay ông quan toà. Sự sống của bà ở nơi ông quan toà. Cũng thế, khi ta cầu nguyện, hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh cho Chúa. Chúa là lối thoát duy nhất. Chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp ta. Hơn nữa Chúa là người Cha toàn năng và giầu lòng thương xót. Ta là đứa con bé nhỏ, yếu ớt. Hãy đặt vận mệnh ta trong tay Chúa. Hãy tin tưởng Chúa sẽ sắp xếp cho ta những gì tốt đẹp nhất.
Thái độ kiên trì. Chỉ còn một con đường duy nhất để sống, nên bà kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Thất bại không làm bà nản lòng. Bị hất hủi không làm bà bỏ cuộc. Niềm tin của bà thật lớn lao. Sự kiên trì của bà thật bền bỉ. Bà đã đi đến cùng và bà đã thành công. Cũng thế, khi cầu nguyện ta hãy kiên trì. Kiên trì chứng tỏ sự phó thác trong tay Chúa. Kiên trì chứng tỏ ta hoàn toàn yếu hèn chỉ biết trông cậy vào Chúa. Kiên trì chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa tha thiết. Chắc chắn Chúa sẽ dủ lòng thương ta.
Thái độ khao khát. Bà khao khát vì đó là con đường sống duy nhất. Bà khao khát được sống. Bà không ngồi đó chờ đợi. Nhưng làm hết cách, hết sức mình để đạt được khao khát đó. Bà không chán nản an nghỉ. Nhưng bà làm việc liên lỉ cho ước nguyện của mình. Cũng thế, khi cầu nguyện ta phải có lòng khao khát cháy bỏng. Lòng khao khát đó được biểu lộ trong hành động. Ta không ngồi chờ, nhưng đứng lên, ra đi và bắt tay hành động. Không lùi bước trước khó khăn, nhưng tìm hết cách để đạt được ước nguyện. Lòng khao khát chứng tỏ ta tha thiết với lời cầu nguyện. Lòng khao khát cùng với nỗ lực phấn đấu sẽ được Chúa thương chấp nhận.
Chiêm ngắm tấm gương của bà goá, ta nhận thấy rất nhiều khi ta chưa cầu nguyện cho đủ. Chưa thực hiện sự khiêm nhường nhận biết sự thực về mình. Chưa hoàn toàn phó thác vận mệnh trong tay Chúa. Chưa biết kiên trì đủ. Và nhất là chưa tha thiết tới mức ta tích cực làm hết sức mình cho nguyện ước đó. Hôm nay với bài học của Chúa, ta sẽ biết cầu nguyện hơn. Khi biết cầu nguyện hơn, chắc chắn lời cầu nguyện của ta sẽ đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều lợi ích cho linh hồn ta hơn.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Kể ra những thái độ của bà goá mà ta cần noi theo khi cầu nguyện.
- Đối với bạn Chúa là gì? Có phải là nguồn hy vọng duy nhất? Hay chỉ là một chỗ cậy nhờ như những chỗ khác?
- Bạn có phấn đấu làm việc cho ước nguyện của mình không? Hay bạn chỉ ngồi chờ Thiên Chúa ban tặng?
- Trong 4 thái độ cần có, bạn thiếu thái độ nào nhất?
————————————————————-
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
CẦU NGUYỆN KIÊN TRÌ- Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
“Xin ngài minh xét cho tôi”(Lc 18,3)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Nhờ Môsê cầu nguyện mà quân do thái đã chiến thắng quân của Amaléc.
– Tin Mừng : Gương kiên trì nài xin của một bà góa.
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Cầu nguyện và Tin luôn gắn liền với nhau : vì chúng ta Tin nên chúng ta cầu nguyện, và nhờ cầu nguyện nên đức tin của chúng ta được củng cố thêm. Bởi thế Chúa Giêsu dạy các tín hữu Ngài phải cầu nguyện luôn, nghĩa là không chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện gì khó khăn, mà phải cầu nguyện trong mọi lúc.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa dạy chúng ta biết cầu nguyện và giúp chúng ta cầu nguyện luôn, để đức tin của chúng ta ngày càng thêm vững mạnh.
GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta thường mải mê với công việc mà lười biếng cầu nguyện.
– Tuy chúng ta có cầu nguyện nhưng chúng ta không cầu nguyện cách kiên trì.
– Nhiều khi chúng ta cầu nguyện mà trong lòng không mấy tin tưởng vào Chúa.
LỜI CHÚA
Bài đọc I (Xh 17,8-13)
Chuyện này kể về thời dân do thái đang tiến vào Đất Hứa. Họ phải giao chiến với những dân đã định cư sẵn trong miền đất đó. Đoạn này thuật cuộc giao chiến với quân Amaléc :
– Môsê giao cho ông Giôsuê dẫn quân đi giao chiến. Phần ông thì ở trên núi giang tay cầu nguyện.
– Khi nào Môsê còn giang tay cầu nguyện thì quân Israel thắng thế ; ngược lại khi Môsê mỏi mệt quá bỏ tay xuống thì quân Israel thua. Người ta mới lấy một tảng đá kê cho Môsê ngồi, lại cử thêm hai người giúp Môsê nâng tay lên. Nhờ đó Môsê có thể giang tay cầu nguyện lâu giờ, và kết quả là Israel đã toàn thắng.
Chuyện này muốn nói rằng chiến thắng không phải do sức mạnh của quân Israel, mà nhờ sự phù hộ của Chúa do lời cầu nguyện của Môsê.
Đáp ca (Tv 120)
Thánh vịnh này tiếp nối ý tưởng của bài đọc I : “Ơn phù trợ tôi bởi nơi nao ? Ơn phù trợ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời”
Tin Mừng (Lc 18,1-8)
Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này là dạy “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn có hai vai :
– bà góa : trong xã hội do thái, các bà góa chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà góa này có lẽ bị người ta ức hiếp nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.
– thẩm phán : lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà góa vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.
* Bài học : một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.
Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng : “Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”.
Bài đọc II (2 Tm 3,14–4,2) (Chủ đề phụ)
Phaolô biết rằng mình sắp chấm dứt cuộc đời nên viết thư cho môn đệ mình là Timôtêô để khuyên ông này giữ vững những gì đã học được từ Sách Thánh.
GỢI Ý GIẢNG
* Vai trò của cầu nguyện
Không ai có thể sống đời Kitô hữu tốt mà không cầu nguyện. Nhưng chúng ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu nguyện thế nào.
Có 3 người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này ?
– Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
– Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.
– Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói “Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con”.
Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa ; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.
Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Trên đây là 3 thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện :
– Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất giờ. Vì anh không có đức tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu bạn không tin Chúa thì cầu nguyện với Ngài sao được ?
– Người thứ hai coi cầu nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì thế sau khi cầu nguyện xong người ấy ngồi chờ Chúa giúp. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta cũng nhiều lần cầu nguyện cách này, đặc biệt là khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để ta khỏi làm việc.
– Người thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm bất cứ việc gì có thể để đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp ta cảm nhận rằng Chúa ở kề bên ta và không bỏ mặc ta trong cảnh khó khăn.
* Cầu nguyện luôn
Đoạn Tin Mừng hôm nay bắt đầu như sau : “Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Nhiều người chưa thấy giá trị của sự cầu nguyện liên tục. Họ nghĩ chỉ cần cầu nguyện khi có việc cần Chúa giúp, thế là đủ. Chuyện sau đây là câu trả lời cho những người ấy.
Có một thành phố nhỏ kia có đầy đủ mọi cơ quan và dịch vụ cần thiết như bệnh viện, trường học, nhà thờ, tòa án, chợ, tiệm may, tiệm ăn v.v. Chỉ thiếu một điều là không có thợ sửa đồng hồ. Bởi vậy các đồng hồ lớn đồng hồ nhỏ của những cư dân thành phố này dần dần cái thì hư, cái thì chạy sai. Một số người quẳng đồng hồ vào tủ. Một số khác cố gắng tự mình lau chùi, sửa chữa rồi tiếp tục dùng tạm mặc dù những chiếc đồng hồ ấy chạy không được chính xác lắm.
Một ngày kia có một người thợ sửa đồng hồ đến thành phố. Mọi người rất mừng, ai nấy đều mang đồng hồ đến nhờ anh sửa. Tuy nhiên anh nói thật : “Tôi chỉ có thể sửa những chiếc đồng hồ nào còn chạy. Còn những chiếc nào đã ngưng chạy từ lâu thì tôi không sửa nỗi vì chúng rỉ sét hết rồi”.
Cầu nguyện luôn cũng giống như giữ cho chiếc đồng hồ đời ta luôn luôn chạy.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải cầu nguyện luôn, vì :
– Sự cầu nguyện luôn soi sáng niềm hy vọng và những dự định của chúng ta.
– Sự cầu nguyện luôn giúp ta phân biệt được điều gì là quan trọng, điều gì là tầm thường.
– Sự cầu nguyện luôn giúp ta khám phá ra những ước vọng chân thật, những ray rứt lương tâm bị bóp nghẹt, những nỗi khát khao bị quên lãng.
– Sự cầu nguyện luôn chỉ cho ta thấy những lý tưởng cao đẹp cần vươn tới.
– Và nhất là sự cầu nguyện luôn giữ ta thường xuyên gần gũi với Chúa.
* Hai tư thế cầu nguyện
Hồi còn bé, chúng ta được dạy chấp tay lại khi cầu nguyện. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thấy Linh mục cầu nguyện giang tay. Đó là hai tư thế cầu nguyện.
Cầu nguyện chấp tay có nghĩa là chúng ta tạm dừng những hoạt động để chuyên tâm nghĩ đến Chúa. Còn cầu nguyện giang tay là để tỏ ra rằng chúng ta là những người nghèo nàn trước mặt Chúa, chúng ta làm như người ăn xin đưa hai bàn tay không ra để xin ơn Chúa.
Hai tư thế cầu nguyện trên đều tốt. Và ngay cả những khi đôi bàn tay hoặc đôi cánh tay chúng ta đều không chấp lại hay giang ra, chúng ta cũng đừng bao giờ quên ý nghĩa của hai tư thế ấy. (FM)
* Cầu thay nguyện giúp
Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng : “Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 30O đồng nhé”.
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.
Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. HọÏ cũng mở ra đọc, thư viết như sau : “Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng !”
*
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé : Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ “chỉ tiêu” chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.
Tin Mừng hôm nay Chúa dạy các môn đệ : “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.
Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi người.
Thường chúng ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết chúng ta là người biết rõ những điều mình cần xin. Nhưng thánh Phao lô dạy : “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,21-27). Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen viết : “Pytago. đã cấm môn sinh của ông không được cầu nguyện cho chính họ vì họ không biết điều gì là lợi ích cả”. Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ ông chỉ xin những điều tốt lành, vì lẽ Thiên Chúa biết tường tận những gì là lợi ích. Dốt nát và yếu đuối nên chúng ta phải xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm đẹp lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.
Như thế, cầu nguyện không phải là việc xin ơn này ơn nọ, theo óc vụ lợi của chúng ta, cầu nguyện không phải là việc tránh né bổn phận để Thiên Chúa làm tất cả, cầu nguyện cũng không phải là việc liệt kê ước muốn để mong chờ Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện đích thực chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện thánh ý Người. Thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Chúa Giêsu than thở : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18,8). Vậy, cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại liên lỉ và kiên trì với Thiên Chúa trong Đức Tin để trung thành với Chúa cho tới khi Người lại đến.
*
Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối, bất toàn và bất nhẫn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải đạo.
Xin cho chúng con biết khiêm tốn, vâng theo ơn soi sáng của Thánh Thần, để chúng con biết sống theo Thánh ý Chúa, hầu bền đỗ trong đức Tin và trung thành theo Chúa đến cùng. Amen. (TP)
Mảnh suy tư
a/ Cầu nguyện là dầu giữ cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng.
– Hoa trái của cầu nguyện là đức tin
– Hoa trái của đức tin là tình yêu
– Hoa trái của tình yêu là phục vụ
– Và hoa trái của phục vụ là bình an.
b/ Lời cầu nguyện của ta được Chúa đáp lời, không phải khi chúng ta có được điều chúng ta xin, mà khi chúng ta được Chúa ban cho ý thức Chúa đang gần gũi mình.
– Lời cầu nguyện của bệnh nhân được đáp lời, không phải khi anh khỏi bệnh, mà khi anh cảm nhận được Chúa vẫn ở cạnh mình, nhờ đó anh ý thức rằng cơn bệnh không phải là hình phạt của Chúa, cũng không phải là dấu Chúa đã bỏ anh.
– Có thể sự cầu nguyện không thay đổi thế giới, nhưng nó giúp ta có thể trực diện với thế giới.
c/ Hồi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cầu nguyện bằng cách đọc kinh. Bây giờ đã lớn, chúng ta hãy học cầu nguyện bằng cách mở rộng cõi lòng ra cho Chúa.
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, trải qua bao thế hệ, Đức Kitô đã muốn cho Hội thánh, nhiệm thể của Người, phải không ngừng tiếp tục đời sống cầu nguyện và lễ tế hy sinh mà Người đã khởi sự khi còn sống ở trần gian. Với quyết tâm tuân giữ lệnh truyền của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
+ Ngay từ đầu / các tín hữu đã chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy / luôn sống với nhau trong tình huynh đệ / siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người Kitô hữu ngày nay / biết noi gương các tín hữu ngày xưa mà siêng năng nguyện cầu.
+ Khiêm tốn và kiên trì khi cầu nguyện / là điều mà bài Tin mừng hôm nay muốn nói với tất cả mọi Kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết khiêm tốn dâng lên Chúa lời cầu khẩn thiết tha của mình.
+ Hội thánh kêu mời mọi tín hữu cầu nguyện theo lối các Giờ Kinh Phụng vụ / kể cả những người mà luật không buộc phải cử hành Thần vụ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu biết sốt sắng tham dự các Giờ Kinh Phụng vụ / vì đây là một trong những phương tiện giúp chúng ta nên thánh.
+ Lời kinh tuyệt vời Chúa Giêsu đã để lại cho người Kitô hữu là kinh Lạy cha / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết vừa đọc vừa suy niệm / và sống tinh thần của lời kinh quan trọng nhất / trong đời sống đức tin của mình.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã truyền cho chúng con : Phải cầu nguyện luôn và không bao giờ được chán nản. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết triệt để thực thi lệnh truyền của Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
————————————————————-
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN- Lm Giuse Đinh lập Liễm
DẪN NHẬP.
Người ta thường nói :”Hữu chí cánh thành” : Có chí thì nên. Kinh nghiệm trường đời cho chúng ta thấy muốn thành công, bất cứ ai, bất cứ công việc gì cũng đòi phải có ý chí, lòng kiên nhẫn bền tâm để vượt qua khó khăn. Chúng ta thấy thanh niên thường hay hát một bài rất có ý nghĩa :
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí cũng làm nên.
Kinh nghiệm này không những đúng cho đời sống vật chất nhưng còn đúng cho cả đời sống tinh thần và tâm linh nữa.
Để nói lên tính cách cần thiết của sự kiên nhẫn trong việc cầu nguyện, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn một bà góa và vị thẩm phán. Vị thẩm phán này là một người bất lương, tham nhũng, chỉ biết có tiền của, không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể ai, mà phải chịu thua bà góa cô thế cô thân. Bà nghèo khó, không có tiền của để đút lót, bà chỉ có một thứ vũ khí duy nhất để chiến đấu, đó là sự kiên trì. Bà cứ quấy rầy vị thẩm phán làm cho ông phải nhức óc, sau cùng ông phải mở phiên tòa để minh oan cho bà.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta về sự cần thiết phải kiên trì trong khi cầu nguyện. Thánh Luca không dám so sánh Thiên Chúa với vị thẩm phán đâu, nhưng ngài chỉ có ý cho chúng ta thấy vị thẩm phán vô lương tâm như thế mà còn chịu thua sự kiên trì quấy rầy của bà góa. Còn Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân từ thương xót lại không nghe lời cầu xin của chúng ta mà minh oan, mà ban cho chúng ta những điều cần thiết sao ? Hãy tin tưởng vào lời Chúa hứa :”Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cửa cho”(Mt 11,9). Nếu Chúa còn trì hoãn chưa đáp ứng lời cầu xin của ta, đó là dấu Ngài có một kế hoạch đặc biệt có lợi cho ta, hãy tin tưởng và chờ đợi kế hoạch đó được thực hiện.
TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Xh 17,8-13.
Trên đường tiến về Đất Hứa, dân Do thái phải giao chiến với những dân đã định cư sẵn trong miền đất đó. Không phải là vũ khí tối tân, cũng không phải là các kế hoạch hành quân sắc bén sẽ đưa đến chiến thắng mà chính là lời cầu nguyện tha thiết của ông Maisen.
Sách thuật lại : khi nào ông Maisen giơ tay lên cầu nguyện thì quân Israel thắng thế, ngược lại khi ông Maisen mỏi mệt hạ tay xuống thì quân Amalếch thắng. Người ta mới lấy một tảng đá để cho ông Maisen ngồi và cử hai người cầm tay ông giơ lên, nhờ đó quân Israel chiến thắng.
Trận đánh không được miêu tả vì tác giả nhằm mục đích khác : Thiên Chúa phù hộ quân Israel nhờ lời cầu nguyện của ông Maisen.
+ Bài đọc 2 : 2Tm 3,14-4,2.
Phaolô biết rằng mình sắp chấm dứt cuộc đời nên viết thư cho Timôthêô khuyên ông trung thành với truyền thống cũng như Kinh Thánh, là hai nền tảng đức tin Kitô giáo. Điều ông Timôthêo giảng dạy thì ông đã nhận được nơi thầy mình. Sinh ra trong truyền thống Do thái giáo, được Kinh thánh nuôi dưỡng, Timôthêô phải lấy đó là căn bản để giảng dạy. Ngày phán xét chung, ông sẽ phải tính sổ về sứ mạng rao giảng Tin mừng mà ông đã được trao.
+ Bài Tin mừng : Lc 18,1-8
Trong bài Tin mừng hôm nay thánh Luca có ý nhắc cho chúng ta một thái độ căn bản trong khi cầu nguyện : phải kiên trì. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn một bà góa bị người ta hà hiếp bất công, bị thiệt thòi mà không có ai bênh vực. Bà phải chạy đến kêu cứu với quan tòa xét xử công bình cho. Ông thẩm phán này là một ngưới thiếu trách nhiệm, không bênh vực bà vì bà chẳng có lợi gì cho ông. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.
Nếu một người cứng cỏi và vô lương tâm như viên thẩm phán này mà còn xiêu lòng trước lời năn nỉ của bà góa, huống chi Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu , chắc chắn là Ngài sẽ nghe lời ta cầu xin thôi. Vậy còn đợi gì chúng ta không xin Chúa ban những ơn cần thiết cho hồn xác chúng ta.
THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Phải kiên trì cầu nguyện.
DỤ NGÔN BÀ GÓA VÀ THẨM PHÁN BẤT LƯƠNG.
Đức Giêsu đã nhiều lần nói về sự cầu nguyện, dạy các tông đồ cầu nguyện, đặc biệt trong kinh Lạy Cha. Chắc chắn các tông đồ cũng gặp khó khăn trong việc cầu nguyện, thậm chí các ông có thể “nản chí”, nên hôm nay, Đức Giêsu đã khuyên các ông :”Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc 18,1). Vì thế Ngài đã đưa ra dụ ngôn vị thẩm phán bất luơng và người đàn bà quấy rầy để dạy cho các ông một bài học : Phải cầu nguyện liên tục và kiên trì.
Vị thẩm phán.
Theo William Barclay, vào thời Đức Giêsu sống, có hai loại thẩm phán. Thẩm phán Do thái, xét xử trước các vị trưởng lão. Thẩm phán của Hêrôđê hay đế quốc Rôma : xét xử trước công chúng. Theo thánh vịnh 82,2-7 đã nói lên sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho các thẩm phán :”Hãy công minh xét xử kẻ bị áp bức và bà góa…”. Vị thẩm phán trong chuyện này là một trong những thẩm phán ăn lương được bổ nhiệm hoặc bởi Hêrôđê hoặc bởi đế quốc Rôma. Họ là những người tham nhũng, xét xử theo tiền bạc hối lộ. Ông thẩm phán được đề cập trong dụ ngôn thuộc loại này, thuộc loại bất lương vì “không kính sợ Thiên Chúa cũng không kiêng nể người ta”(Lc 18,5).
Bà góa.
Theo văn hóa và truyền thống của các quốc gia miền Cận Đông, bà góa là những người bị áp bức, bị xã hội bỏ rơi, không được ai nâng đỡ. Bà không có tiền để hối lộ, làm sao thẩm phán có thể xử cho bà được. Nhưng bà có một thứ võ khí duy nhất để đấu tranh là sự kiên trì và bền bỉ :”Vì bà góa này cứ quấy rầy mãi”(Lc 18,5).
Dụ ngôn không có ý so sánh Thiên Chúa với thẩm phán bất lương, nhưng sánh ngược lại với con người như thế, Đức Giêsu có ý nói : Thẩm phán bất chính còn như thế, lẽ nào Thiên Chúa không xem xét bênh vực những đứa con yêu ngày đêm kêu xin Ngài ? Chắc chắn Ngài sẽ vội vàng cứu giúp họ. Và như vậy, dụ ngôn đưa ra hai nhân vật để nói lên sự tương phản giữa sự bất lương của vị thẩm phán và lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Vị thẩm phán xét xử cho bà góa.
Bà góa này nhận thấy mình cần phải được minh oan, nhưng làm sao xin ông thẩm phán mở phiên tòa được vì ông không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kiêng nể ai, bà lại không có tiền để đút lót. Vì thế bà không thể làm gì hơn là phải quấy rầy vị thẩm phán bằng cách kiên trì nài van, làm cho ông thẩm phán phải nhức óc, cho đến khi ông nhượng bộ để xét xử cho bà.
Ở đây, chúng ta nhận thấy, vị thẩm phán tuy chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng kiêng nể ai , thế mà lại chịu thua sự kiên trì của bà góa. Đứng trước sự kiên trì của bà góa, dù có bất nhân như ông thẩm phán trong dụ ngôn chăng nữa, cũng phải xiêu lòng, chịu thua. Như vậy, điều ấy nhắc cho chúng ta rằng nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện thì Thiên Chúa vốn có lòng nhân từ thương xót lại không lắng nghe lòi cầu xin của con cái mình sao ?
Đối với Thiên Chúa, thân phận chúng ta được ưu đãi hơn nhiều. Chúng ta không bị cô thế cô thân như bà góa vì chúng ta có Đấng trung gian là Đức Giêsu Kitô cứu giúp chúng ta trước mặt Chúa Cha. Ngài đã thương yêu hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng ta, tuyển chọn chúng ta làm con Thiên Chúa. Bà góa cần được minh oan thế nào thì chúng ta phải khẩn thiết cầu nguyện để Chúa cứu chữa chúng ta khỏi tay ba thù hơn thế.
PHẢI KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN.
Nói về sự cầu nguyện.
a) Cầu nguyện cần thiết.
Đức Giêsu đã nhiều lần nói về sự cần thiết của việc cầu nguyện, chúng ta đã nghe nhiều, không cần trưng ra đây. Ngay những người đời, những nhà thông thái, bác học cũng cảm thấy sự cầu nguyện là cần thiết. Chúng ta hãy nghe bác sĩ Alexis Carrel, người được giải thưởng Nobel năm 1912, nói về sự hiểu biết của một y sĩ chuyên khoa dày kinh nghiệm :
“Không gì gây nghị lực mạnh mẽ cho bằng cầu nguyện. Đó là một sức mạnh rõ rệt như sức thu hút của trái đất. Là y sĩ, tôi thấy nhiều người dùng thuốc gì cũng vô ích. Họ chỉ bình tĩnh tụng niệm là lành mạnh. Tụng niệm tức là cầu ở Thượng Đế nguồn khí lực vô biên để tăng khí lực hữu hạn của bạn. Nhờ đó, tâm hồn lẫn cơ thể được thanh lọc, và lành mạnh hơn. Chẳng ai nguyện cầu một chốc mà không thấy kết quả”.
Bác sĩ Carl Jung cũng cho biết kinh nghiệm khi ông nói :”Trong 30 năm trời gần đây, có nhiều người từ các nước văn minh tới phòng mạch của tôi. Tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân trên 35 tưổi, rút cuộc người nào cũng phải tìm một giải pháp tôn giáo mới hết bệnh. Họ đau vì mất quân bình, mất tin tưởng”.
Giải pháp ông nói đây chính là sự Cầu nguyện.
Ông Gandhi, người mà dân An độ nâng lên bệ thánh, đã thú nhận rằng :”Nếu không nhờ tụng niệm thì tôi hóa khùng đã từ lâu rồi”.
b) Năng lực của lời cầu nguyện.
Lời cầu nguyện có một năng lực to tát. Nó gây ảnh hưởng đần tiến trình các biến cố và thay đổi cả cuộc đời của nhiều người. Bác sĩ Alexis Carrel một lần nữa đã bình luận về năng lực to tát này như sau :”Cầu nguyện là hình thức năng lực hùng mạnh nhất mà con người có thể phát sinh ra. Đối với chúng ta, ảnh hưởng của nó trên toàn tâm trí và thân xác của con người cũng hiển nhiên chẳng khác gì các hạch nội tiết. Nó là một lực có thật không khác gì hấp lực của trái đất”.
Truyện : Toa thuốc chữa bệnh.
Một hôm, một bệnh nhân trạc độ 40, đến gõ của phòng mạch bác sĩ.
Người bệnh nói :
– Đã lâu rồi tôi mắc bệnh mất ngủ. Tôi đã uống nhiều loại thuốc an thần, thuốc ngủ. Ban đầu uống một viên. Sau đó, uống hai viên. Hiện bây giờ tôi uống đến những ba viên, mà cũng chẳng tài nào ngủ được. Hết muốn sống.
Bác sĩ là một tín đồ Thiên Chúa giáo, liền cho một toa thuốc an thần, thật bất ngờ, lại không mất tiền mua :
– Từ nay ông đừng uống thuốc ngủ nữa. Thế vào đó, trước khi lên giường, ông hãy đọc một câu kinh cho sốt sắng, và dâng phú những lo lắng của ông vào lòng Thượng Đế. Đã lâu lắm bệnh nhân kia chẳng hề đọc kinh chiều. Chiều hôm ấy, chàng áp dụng toa thuốc của bác sĩ cho một cách nghiêm chỉnh. Một tuần sau, thần kinh bớt căng thẳng, chàng được lành mạnh, ăn ngon ngủ ngon, và làm việc như thường lệ (Vũ minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 42-43).
Thể xác mệt mỏi chưa chắc đã làm cho tâm hồn bệnh họan. Nhưng tâm hồn mệt mỏi bao giờ cũng làm cho thể xác bệnh hoạn. Bác sĩ Alexis Carrel thật có lý :”Bao nhiêu người đang rên siết trên giường bệnh trong các nhà thương, sẽ được lành mạnh, nếu họ quyết không chiến đấu một mình với đời, mà biết sớm quay đầu nguyện cầu cùng Thượng Đế”.
Ở Vienna, thủ đô nước Ao, có một trường Thần-kinh-bệnh-học. Họ chủ trương rằng : nhu cầu về tinh thần của loài người cũng mãnh liệt như nhu cầu vật chất. Theo Frankl, bác sĩ Giám độc trường, khoa học bắt đầu nhận rằng loài người cần có lòng tin Thượng Đế, thì mới sống vui vẻ khỏe mạnh được. Mà nguyện cầu là một phương tiện để ta thấy rằng Thượng đế là năng lực trong đời sống (x. “Luyện tinh thần”, Nguyễn hiến Lê dịch, Phần VII, ch 2).
c) Vai trò của sự cầu nguyện.
Không ai có thể sống đời Kitô hữu mà không cầu nguyện. Nhưng chúng ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu nguyện thế nào.
Có 3 người kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này?
– Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
– Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã qùi gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.
– Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức, vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhãi, nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói “Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con”.
Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Ở đây chúng ta thấy có ba thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện :
Đối với người thứ nhất, đó là phung phí thời gian. Vì ông ta không có đức tin nên thái độ của ông ta là hợp lý. Nếu bạn không tin vào Thiên Chúa, bạn có thể cầu nguyện với ai ?
Đối với người thứ hai, cầu nguyện thay thế cho hành động. Vì thế, một khi ông đã cầu nguyện xong, ông ngồi lại không làm gì và chờ Thiên Chúa đến cứu giúp ông. Phần nhiều chúng ta cầu nguyện như thế, đặc biệt khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Nói đúng hơn, đó là một sự thoái tháchành động.
Người thứ ba đã tin tưởng cầu nguyện, nhưng không lấy đó để thay thế cho hành động, nhưng như một sự thúc đẩy hành động. Cầu nguyện xong, ông lập tức làm một việc gì mà ông có thể. Sự cầu nguyện của ông có mục đích giúp ông thêm can đảm và hy vọng. Nó cũng cho ông cảm giác Thiên Chúa ở bên cạnh ông và một sự bảo đảm Thiên Chúa không bỏ rơi ông. Ông rút ra sức mạnh cao cả từ sự cầu nguyện ấy (Carôlô, Sợi chỉ đỏ C, tr 773 và Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật và lễ trọng C, tr 658).
d) Tư thế khi cầu nguyện.
Từ khi còn bé chúng ta được dạy rằng khi cầu nguyện phải chắp tay lại. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thấy Linh mục cầu nguyện giang tay. Đó là hai tư thế cầu nguyện.
Cầu nguyện chắp tay có nghĩa là chúng ta tạm dừng những họat động để chuyên tâm nghĩ đến Chúa. Còn cầu nguyện giang tay là để tỏ ra rằng chúng ta là những người nghèo nàn trước mặt Chúa, chúng ta làm những người ăn xin đưa hai bàn tay không ra để xin ơn Chúa.
Hai tư thế cầu nguyện trên đều tốt. Và ngay cả những khi đôi bàn tay hoặc đôi cánh tay chúng ta đều không chắp lại hay giang ra , chúng ta cũng đừng bao giờ quên ý nghĩa của hai tư thế ấy (McCarthy).
Trong bài đọc 1 của Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy ông Maisen cầu nguyện với đôi tay dang rộng ra trên dân Do thái, trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân Amalếch. Điều đó có ý muốn diễn tả quyền lực của sự cầu nguyện. Chừng nào mà dân Do thái còn đặt niềm tin vào Thiên Chúa, họ còn tiến lên. Chừng nào họ quên không nhìn đến Thiên Chúa, họ buộc phải rút lui.
Truyện : Cầu nguyện là thể hiện lòng tin.
Ông Trilussa, thi sĩ La mã (1871-1950) đã kể lại câu chuyện ông bị lạc đường ban đêm giữa một khu rừng rậm rạp và đã gặp một bà lão mù. Sau khi nghe ông trình bầy hoàn cảnh thì bà lão liền nói với ông :”Nếu ông không biết đường, tôi sẽ đưa ông đi vì tôi thuộc đường lối ở đây”. Vừa ngạc nhiên vừa nghi ngờ ông nói :”Tôi lấy làm lạ, bà không thấy gì cả mà lại có thể dẫn đường chỉ lối cho tôi được sao”? Bà lão không cần giải thích thêm, liền nắm lấy tay ông và ra lệnh “tiến bước”. Kể xong câu chuyện, ông Trilussa kết luận : đó là đức tin.
Nói về sự kiên trì.
a) Hữu chí cánh thành.
Người xưa thường nói :”Hữu chí cánh thành” : có chí thì nên. Kinh nghiệm đời thường cho chúng ta thấy : muốn làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng phải dầy công vất vả : người nông dân muốn có mùa gặt, phải làm đất, gieo hạt, nhổ cỏ, vun xới đất, tưới tắm chăm sóc cây lúa. Có như thế mới có thu hoạch. Học sinh muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư phải vất vả và học hành bao nhiêu năm trời đèn sách. Có như thế mới có thể trở thành người có chuyên môn có khả năng giúp ích cho gia đình và xã hội.
Kiên trì lao động là đều kiện cần thiết cho sự thành đạt của mọi công việc. Nói cách khác, kiên trì lao động chắc chắn sẽ đem lại thành công. Kinh nghiệm ấy được cha ông ta đúc kết thành câu châm ngôn :”Có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu châm ngôn này không những chỉ đúng trong lãnh vực tự nhiên mà còn đúng cả trong lãnh vực tâm linh.
Một văn sĩ kể :”Mỗi ngày ba tôi đem một tấm ván dầy ra bắt tôi dùng lưỡi dao nhỏ rạch lên đó một cái, chỉ một cái thôi. Tôi thật vô cùng ngạc nhiên, nhưng ba tôi không hề hé môi giải thích. Tôi cứ tiếp tục rạch mỗi bữa vào chỗ cũ như vậy, và cuối cùng, sau mấy trăm ngày, tấm ván đứt ra làm hai. Bấy giờ, ba tôi mới vịn vai tôi mà bảo rằng :
– Con thấy không ? Với sự bền chí cầm con dao bé nhỏ này cứa mỗi ngày một cái, con có thể làm cho tấm ván dầy đứt ra làm hai. Bao nhiêu việc đời cũng chỉ như thế mà thôi : Người ta nếu biết quyết chí mỗi ngày làm mãi công việc mà mình đeo đuổi thì ắt phải có ngày thành công. Đó là bài học luyện chí mà ba nghĩ là một gia tài lớn lao nhất ba truyền lại cho con vậy”.(Nguyễn văn Y, Có chí thì nên tr 20-21).
Ngoài ra chúng ta còn có những câu tục ngữ diễn tả ý tưởng đó :
– Kiến tha lâu đầy tổ.
– Góp gió thành bão.
– Năng nhặt chặt bị.
– Ngồi lâu câu bền.
b) Kiên trì trong cầu nguyện.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dạy ta kiên nhẫn cầu nguyện. Bài trích sách xuất hành hôm nay ghi lại lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông Maisen. Khi ông giang tay cầu nguyện thì dân Chúa thắng thế. Còn khi ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân Amalếch thắng. Thánh Phaolô trong thư căn dặn Timôthêô phải kiên nhẫn và trung tín cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa trong Thánh Kinh. Rồi đến dụ ngôn bà góa trong Tin mừng. Bà góa nài nẵng xin thẩm phán xét xử công lý cho bà. Để bà khỏi quấy rầy, ông thẩm phán, mặc dù là người bất lương , cuối cùng cũng phải xét xử vụ kiện của bà.
Cuộc trờ lại của thánh Augustinô là một ví dụ điển hình nói lên lòng kiên nhẫn trong việc cầu nguyện của bà mẹ là Monica, phải mất gần 20 năm trời lời cầu xin của bà mới được chấp nhận. Qua dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay, Chúa hứa đáp ứng lời cầu nguyện của ta, nhưng là theo đường lối của Chúa. Bao giờ Chúa mới ban ơn, ta không biết được, nhưng ta phải đặt tin tưởng phó thác vào Chúa.
Dù Chúa có trì hoãn : Chắc chắn Ngài sẽ can thiệp, nhưng theo cách thức của Ngài. Mỗi khi chúng ta có cảm tưởng Chúa trì hoãn không bao giờ theo ý chúng ta xin, chúng ta hãy nhớ lại lời cầu của Đức Giêsu xin Cha cất chén đắng cho Ngài, nhưng lời xin ấy đã không được Cha chấp nhận cất chén đắng đau khổ đi. Vì chính nhờ Đức Giêsu đã trải qua đau khổ của thập gía để vào vinh quang Phục sinh, mà loài người chúng ta mới được ơn cứu độ. Trong thực tế, có nhiều điều ta tưởng là tốt nên nài xin Chúa ban cho mình, nhưng thực ra nó có hại cho ta mà ta không hay biết, nên Chúa đã không ban. Chúng ta sẽ ra sao nếu mọi ước muốn ngông cuồng hay ấu trĩ của chúng ta đều được Chúa nhận lời hết ?
c) Hữu cầu tất ứng.
Người ta thường nói :”Có khấn có thiêng, có kiêng có lành”. Lời nói ấy hợp với lời Đức Giêsu đã từng nói :”Các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”(Lc 11, 9), đúng là ‘hữu cầu tất ứng”. Nhưng khi nói dụ ngôn này, Đức Giêsu không có ý nói phải cầu xin cho thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhận lời, làm như thể Ngài cũng như ông thẩm phán kia, cứ để cho người ta phải xin thật nhiều thật lâu thì mới ban cho.
Qua dụ ngôn này, Ngài muốn ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, chứ không phải khuyên ta cầu xin cho dài hay phải lặp đi lặp lại cho thật nhiều lần lời cầu xin của mình. Chính Ngài cũng đã khuyên :”Khi cầu nguyện, các con đừng lải nhải như dân ngọai; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”(Mt 6.7-8). Như vậy, Chúa bảo chúng ta phải chú ý đến chất lượng hơn là số lượng, nghĩa là phải cầu xin với tất cả lòng tin yêu, phó thác như đứa con đối với cha mình.
Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng đôi lúc Chúa trì hoãn, và việc trì hoãn đáp ứng lời cầu xin của chúng ta cũng có lý do mà chỉ Ngài biết. Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Ngài. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Ngài ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu cho mọi người.
Truyện : Ông có muốn vào không ?
Một người đưa tin phóng ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín. Ông gõ cửa nhưng không ai mở cả. Ông biết trong nhà có người vì trước đó ông đã nhìn qua cửa sổ thấy họ. Bởi đó ông nổi cáu vừa la lớn tiếng vừa dùng hết sức mình đập vào cánh cửa. Sau khi ông đập của tới 30 lần thì một cái đầu mới thò ra qua một lỗ nhỏ trên cánh cửa, hỏi :
– Ông có muốn vào không ?
– Muốn vào không ư ? Tôi đã kêu cửa muốn khàn cả cổ rồi đây này.
– Xin ông thông cảm. Mỗi ngày rất nhiều đứa bé hàng xóm cứ đến gõ cửa để phá chơi rồi lại chạy trốn. Ban đầu chúng tôi tưởng ông cũng thế. Nhưng khi nghe thấy ông vẫn kiên trì kêu cửa, chúng tôi biết ông muốn vào thật nên mới mở cho ông (Bruno Hagspiel).
- d) Liệu sau này còn niềm tin như thế ?
Chúng ta nghĩ thế nào khi Chúa nói :”Thầy bảo các con : Chúa sẽ kíp giải oan cho họ” trong khi kẻ dữ thắng thế người lành, những bất công không được xét xử ? Chúng ta chỉ biết tin vào Chúa vì Ngài bảo chúng ta đừng lo. Thiên Chúa không làm ngơ mãi đâu. Tuy bề ngoài có vẻ là Chúa chậm trễ, nhưng hãy nhớ : thời giờ là của Chúa. Ngài đòi ta phải kiên nhẫn, phải ăn năn trở lại (2Pr 3.8-15). Loài người chỉ có thời gian, nhưng Thiên Chúa là đời đời. Ngài luôn đến đúng lúc để cứu giúp ta.
Cuối cùng Đức Giêsu hỏi một câu đượm vẻ buồn:”Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng”? Có còn những kẻ thật lòng tin Đấng Kitô, yêu Ngài và trông đợi sự trở lại của Ngài ? Câu này tách rời khỏi dụ ngôn, loan báo sự phản đạo thời cánh chung. Những kẻ được chọn sẽ bị thử thách đến nỗi họ có thể bị mất kiên nhẫn mà trở thành vô tín (x. Mc 13,20-22). Chính vì thế mà Đức Giêsu khuyên các môn đệ đừng sống buông thả, nhưng phải kiên trì cầu nguyện dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, giống như bà góa kia luôn bền tâm vững chí trước thái độ thờ ơ của vị thẩm phán bất lương. Trong thời gian có vẻ lâu dài giữa việc Đức Kitô ra đi và trở lại, phải cầu nguyện liên lỉ và đừng nhàm chán thì mới có thể đón nhận ơn cứu độ.
Một đại chủng sinh đã viết :”Con lấy làm vinh dự sống trong gia đình nghèo hèn, chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến bánh mì và thịt, họa may đôi ba lần trong một năm. Tuy hơn 10 đứa con lớn bé đang chờ chực đĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, mẹ vẫn mời họ ngồi ăn chung với chúng con”. Bà mẹ đó chính là mẹ Đức Giáo hòang Gioan 23, một vị Giáo hoàng vĩ đại của hòa bình được cả thế giới mến phục, được giải thưởng Nobel hòa bình, và là vị Giáo hòang của Công đồng Vatican II. Nhờ đâu một bà mẹ quê mùa, nghèo khó biết dạy dỗ con nên người vĩ đại như vậy : Thưa, chính là nhờ lời cầu nguyện với niềm tin sắt đá. Liệu bây giờ Chúa còn thấy được lòng kiên trì cầu nguyện nơi chúng ta nữa không ?
———————————————————–
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
CẦN PHẢI CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu: “Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng”. Dụ ngôn nói về một bà goá gây phiền hà. Để trả lời cho câu hỏi “Chúng ta phải cầu nguyện bao lâu?” Chúa Giêsu trả lời, “phải cầu nguyện luôn!” (Lc 18, 1-2).
Bà góa trong dụ ngôn tin chắc vào vụ kiện của bà, bà chứng tỏ rằng bà đáng được đền bù, nên không ngại đấu tranh vì điều đó, bà có đủ lý do để lo lắng, vì các thẩm phán hành động không theo công lý, “họ không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta”(Lc 18, 3). Đức Giêsu không ngại gọi ông là “vị thẩm phán bất lương nói”(Lc 18, 7). Vị thẩm phán bất lương này không có ý định xử vụ bà góa kiện, ông không để ý đến vụ kiện của bà. May mắn thay, câu chuyện kết thúc tốt đẹp: khi ông từ chối mãi, cuối cùng ông mất kiên nhận vì sự quấy rầy của bà, nên xét xử cho bà, để ông có sự yên tĩnh.
Và Đức Giêsu phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương đó nói”. Cuối cùng vị thẩm phán đó cũng mang lại công lý, hơn nữa chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ nghe lời chúng ta. Đức Giêsu tuyên bố một cách long trọng rằng: “Thầy bảo các con, Chúa lại sẽ kíp giải oan cho họ !” (Lc 18, 8).
Để chúng ta yên tâm Thánh Luca giải thích rằng “Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng”. Nguy cơ chán nản thất vọng, khiến chúng ta ngã lòng là vì Thiên Chúa nhân lành không nhận lời chúng ta ngay? Nghĩa là Thiên Chúa có thể trì hoãn đáp lời chúng ta. Đáng ngạc nhiên nhất Đức Giêsu bảo chúng ta “phải luôn luôn cầu nguyện không ngừng”, cần phải kiên trì.
Để giúp chúng ta giải quyết nghịch lý này, phụng vụ cho chúng ta đọc sách Xuất Hành (Xh 17, 8-13) có Môisen cầu bầu cho dân Israel trong trận chiến với người Amalec kẻ thù cha truyền con nối. Tình trạng của dân Israel cũng giống như bà góa trong Tin Mừng (Lc 18 ; 1-8). Israel chiến thắng là do tác động của Thiên Chúa chứ không chỉ bằng vũ lực của các chiến binh. Vì thế, khi nào Môisen mệt mỏi, hạ tay xuống, thì Israel thua trần, còn nếu ông cứ giơ tay lên, thì dân Israel thằng trận (Xh 17, 12). Thực tế cho thấy sức mạnh và sự kiên trì cầu nguyện là chìa khóa để chiến thắng. Môisen đã thể hiện niềm tin của mình vào Thiên Chúa công bình, khi cánh tay của ông giơ cao, dân chúng thấy sức mạnh của lời cầu nguyện. Tóm lại, Bài đọc I cho thấy niềm tin vào Thiên
Chúa có thể đảo ngược những tình huống tuyệt vọng nhất. Thiên Chúa ban ơn cách mau lẹ, Ngài mau đáp lời, nhưng một cuộc chiến vẫn được thực hiện, ân sủng phải được thể hiện trong nhân loại, chúng ta cần có thời gian để khám phá. Sự kiên trì cầu nguyện của con người và sự đáp trả từ từ của Thiên Chúa không phải là mâu thuẫn.
Điểm này khai sáng trang Tin Mừng. “Thầy bảo các con,” Đức Giêsu trả lời chúng ta. Đây không phải là một câu hỏi nhưng một điều chắc chắn: Thiên Chúa nhân lành vẫn lo lắng và ban cho con cái mọi điều chúng cần. Dụ ngôn giúp chúng ta hiểu những gì Chúa quan tâm: “Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Thật vậy, Thiên Chúa sẽ minh oan cho người Ngài tuyển chọn “kẻ ngày đêm kêu cầu Ngài”. Trong số những người nghe dụ ngôn, làm thế nào “kêu cầu cùng [Thiên Chúa ] ngày và đêm”? Đây là lý do tại sao chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện và kiên trì nữa để duy trì lòng tin của chúng ta!
Sự cầu nguyện, như tình yêu, không chịu sự tính toán. Một người mẹ đâu có hỏi bà phải thường yêu con mình bao lâu, hay là một người bạn đâu có hỏi mình phải yêu một người bạn bao lâu? Có thể có những mức độ khác nhau trong sự cân nhắc đối với tình yêu, nhưng không có những khoảng cách nhiều hay ít điều hòa hơn trong sự yêu đương. Với sự cầu nguyện cũng vậy. Lý tưởng của sự cầu nguyện kiên trì này được thực hiện trong nhiều hình thức bên phương Đông và phương Tây. Kitô giáo phương Đông thực hành điều ấy với “Kinh cầu nguyện Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con!”
Thánh Augustine dạy rằng bản chất của sự cầu nguyện là sự ước muốn. Nếu sự ước muốn đối với Thiên Chúa là kiên trì, thì sự cầu nguyện cũng vậy, nhưng nếu không có sự ước muốn nội tâm, bấy giờ bạn có thể la hét nhiều như bạn muốn với Thiên Chúa bạn lặng thinh.
Bây giờ, sự ước muốn bí mật đối với Chúa, một công việc của trí nhớ, của nhu cầu đối với sự vô cùng, của sự tưởng nhớ đến Chúa, có thể vẫn sống động, cả khi người ta có những sự khác phải làm: “Cầu nguyện lâu giờ cũng không là một sự như quì gối hay chấp tay lâu giờ. Cầu nguyện đúng hơn hệ tại sự đánh thức một sự thúc đẩy kiên trì và thành kính tâm hồn đối với Đấng chúng ta cầu khẩn.”
Chính Chúa Giêsu cho chúng ta gương cầu nguyện không ngừng. Người đã cầu nguyện ban ngày, ban chiều, sớm ban mai, và thỉnh thoảng Người thức suốt đêm cầu nguyện. Sự cầu nguyện là sợi giây liên kết của toàn diện sự sống của Người.
Nhưng gương Chúa Giêsu nói với chúng ta một cái gì quan trọng khác. Chúng ta tự phỉnh gạt mình nếu chúng ta tưởng rằng chúng ta có thể cầu nguyện luôn, biến sự cầu nguyện thành một thứ hơi thở của linh hồn giữa sinh hoạt hằng ngày, nếu chúng ta không chỉ ra những thời gian ấn định cho sự cầu nguyện, khi chúng ta tránh khỏi mọi sự bận việc khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin hướng lòng chúng con về với Chúa, giúp chúng con kiên trì cầu nguyện với Chúa không ngừng, xin Chúa dạy chúng con cầu nguyện, để linh hồn, thể xác, trí khôn chúng con luôn hướng về Chúa. Amen.
————————————————————
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
CHÚA GIÊSU DẠY CẦU NGUYỆN- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Theo tục lệ của người Do thái, Chúa Giêsu cầu nguyện một ngày 3 lần: buổi sáng khi mặt trời mọc, buổi chiều vào lúc cử hành hy tế trong đền thờ Giêrusalem (3giờ chiều) và ban tối khi màn đêm buông xuống. Trước và sau bữa ăn còn có những lời kinh tạ ơn. Các giờ cầu nguyện đó là thói quen hàng ngày của bất cứ người Do thái đạo đức nào. Nhưng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu còn có một cái gì đó vượt cao hơn mô hình truyền thống Do thái.
Chúa Giêsu cầu nguyện.
Các sách Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu cầu nguyện vào những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); đêm trước khi chọn các môn đệ (Lc 6,12); trước khi biến hình (Lc 9,28); trước khi chữa bệnh cho nhiều người (Ga Lc 5,16); trước khi đặt ra cho các môn đệ câu hỏi quan trọng: người ta bảo Thầy là ai?; khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); khi các môn đệ đi truyền giáo lần đầu tiên trở về; trước khi chịu thương khó (Lc 22,34-46); trong bữa Tiệc Ly; đêm thương khó; trên Thánh giá (Lc 23,34.46)… Lời cầu nguyện đã nuôi sống tất cả sứ mạng của Người.
Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Thầy cầu nguyện. Có lẽ khi Thầy cầu nguyện có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn tỏa ra từ nơi con người Thầy.
Vào một buổi sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã ra khỏi nhà ông Phêrô để tìm một nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Mc 1,35). Chúa Giêsu phấn khởi trong Thánh Thần, Ngài ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Con ngợi khen Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn những điều mà Cha giấu không cho những bậc khôn ngoan và trí thức biết” (Lc 10,21).
Chúa Giêsu ngước mắt lên trời tâm sự với Chúa Cha rằng: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã nghe lời con cầu xin. Vâng, con biết rằng lúc nào Cha cũng vẫn nghe lời con xin. Sở dĩ con nói thế là để những người đang đứng bên con đây tin rằng Cha đã sai con” (Ga 11,41-41). Đặc biệt là trong phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để cầu nguyện với Chúa Cha. Tâm sự ngỏ với Cha rất nhiều lời tha thiết (Ga 17).
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu quỳ gối và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu đựoc thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, xin chỉ thực hiện ý của Cha” (Lc 22,42).
Lúc hấp hối trên Thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện gởi lên Cha ba lời tâm sự tha thiết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm; Lạy Cha, sao Cha bỏ con?; Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện, ta có thể hiểu rằng:
– Tư thế cầu nguyện rất linh động: có thể quỳ, có thể đứng, có thể ngồi…Ánh mắt ngước lên trời cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Cha trong cõi vô biên, hoặc nhắm mắt lại để cho hồn xoáy vào vô biên ấy.
– Nội dung cầu nguyện là ngỏ bày tâm tình của mình cho Chúa Cha. Tâm tình có khi là ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ, có khi là thống hối, cầu xin. Luôn luôn kết thúc bằng hai ý nguyện: xin đừng theo ý con mà là theo ý Cha và con xin phó thác hồn con trong tay Cha.
– Nơi chốn cầu nguyện có thể là một nơi thanh vắng (Lc 5,16), trên núi (Lc 6,12;9,28), mà cũng có thể là nơi chỗ đông người (Ga 12,28).
– Thời gian cầu nguyện là bất cứ lúc nào, nhưng tốt nhất là sáng sớm tinh mơ hay lúc đêm về.
– Đỉnh cao của cầu nguyện chính là “xin đừng theo ý con mà theo ý Cha”.
Chúa Giêsu dạy cầu nguyện
Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28; Mt 5,34); kiên trì và tin tưởng cầu nguyện (Lc 11,5-8.9-13; Mt 7,7-11); cầu nguyện với lòng khiêm tốn để nhận ơn tha thứ (Lc18,9-14); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)… Khi các môn đệ xin Người dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4; Mt 6,9-13). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.
Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu dạy về sự cần thiết và hiệu nghiệm của lời cầu xin. Phải cầu nguyện liên lỉ, đừng bao giờ nhàm chán, đừng ngã lòng. Chúa dùng Dụ ngôn minh hoạ, ông quan toà bất lương gặp bà goá kêu nài.
Bà góa cô thân cô thế nhưng lại kiên trì cương quyết, bà tin chắc cứ kêu nài, cứ van xin, thế nào quan tòa cũng chịu xét xử. Quan tòa là người chẳng sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng cũng chịu thua bà góa. Ông minh xử cho bà goá không phải vì yêu thương, chẳng phải vì trách nhiệm mà là vì sợ bị quấy rầy. Một quan tòa vô đạo, bất công mà còn xét xử cho người van xin thì huống là Thiên Chúa, Đấng công minh chính trực, thưởng phạt công bằng, Đấng giàu lòng xót thương, luôn bênh đỡ những kẻ bé mọn kêu cầu Ngài!
Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu không có ý nói phải cầu xin thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng Người muốn chúng ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, bởi vì “Có người cha nào, khi con mình xin cái bánh mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,9-11).
Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện
Sống lời Chúa Giêsu dạy, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu cầu nguyện liên tục, không ngừng, ngày đêm. Ngài nói lên sự cần thiết của cầu nguyện bằng những lời tâm tình mời gọi: “Hãy chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12); “Anh em hãy bền đỗ cầu nguyện, tỉnh thức cầu nguyện và tạ ơn” (Co 14,2), “Đừng ngớt cầu nguyện” (1Thes 5,7; Rm 8,26-27).
Cầu nguyện là một vấn đề cần thiết, tối quan trọng, là một vấn đề sinh tử. Thánh Gioan Kim Khẩu so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện với chuyện cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu cá bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn sống siêu nhiên cần phải cầu nguyện, nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dà họ sẽ mất sự sống siêu việt không khác nào cá phải chết vì không có nước.
Thánh Bênađô cũng đã so sánh sự hô hấp cần thiết cho con người như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng cần thiết cho con người như vậy. Đối với linh hồn, cầu nguyện cần thiết cũng như hô hấp cần cho cơ thể con người. Nếu con người hô hấp khó khăn thì thân xác sẽ thành tiều tuỵ, và nếu hô hấp đình chỉ thì con người sẽ chết. Cũng thế, khi ta ít cầu nguyện, linh hồn biến thành bạc nhược, và khi ta không cầu nguyện tí nào, linh hồn ta sẽ chết đi trước mặt Chúa.
Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của người Kitô hữu. Một đức tin không có cầu nguyện thì chỉ là một niềm tin vô ngã, vật chất.
Cầu nguyện là lẽ sống. Lời cầu nguyện có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động.
Đỉnh cao cầu nguyện
Phần đông người tín hữu chúng ta ít khi biết cầu nguyện trong thinh lặng. Hễ cầu nguyện là chỉ biết đọc kinh. Đọc kinh ở nhà thờ, đọc kinh ở nhà. Có khi đọc kinh nhiều mà cầu nguyện chẳng bao nhiêu. Nhưng phút giây thinh lặng là những phút giây quan trọng để lắng nghe Chúa nói. Đỉnh cao của cầu nguyện là thinh lặng kính thờ Chúa.
Cầu nguyện không phải là vấn đề của kiến thức hay kỹ thuật. Cầu nguyện luôn đi đôi với đức tin và lòng mến. Vì thế phải cầu nguyện trong Thánh Thần (Rm 8,1), đơn sơ (Lc 18,15-17), khiếm tốn (Lc 18,14), trong thầm kín (Mt 6,6).
Khi cầu nguyện tâm trí được nâng lên cùng Thiên Chúa hầu suy tôn, tán tụng, cảm mến, tạ tội, xin ơn. Trình độ cầu nguyện cao nhất là: xin đừng theo ý con mà theo ý Cha.
Trong một thế giới ồn ào náo động như hiện nay, một thế giới bị ô nhiễm về môi sinh và bị ô nhiễm về tinh thần, người Kitô hữu phải là chứng nhân cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện vì muốn nên giống Chúa Giêsu, Đấng hằng cầu nguyện liên lỉ với Cha và dạy chúng ta cách thức cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, chiêm ngắm Chúa cầu nguyện, lắng nghe Chúa dạy cầu nguyện, chúng con nhận thấy đời sống cầu nguyện thật cần thiết cho đời tâm linh. Xin cho chúng con luôn yêu mến đời sống cầu nguyện; xin cho chúng con xác tín rằng, tự sức riêng, chúng con không làm được gì cả, nhưng với ơn Chúa, chúng con làm được nhiều điều tốt lành trong cuộc sống hàng ngày. Amen.
————————————————————–
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
CẦU NGUYỆN – Logos năm C
Khi nói về nỗi oan ức một người phải gánh chịu, người ta thường gọi là “nỗi oan Thị Kính”. Đó là một sự tích được người đời kể lại như sau :
Ngày xưa có một nàng con gái tên Thị Kính vừa thùy mị lại vừa xinh đẹp, lấy một người chồng tên Thiện Sỹ. Hai vợ chồng đang sống yên ổn thì một biến cố xảy ra. Một ngày nọ, vô tình nàng Thị Kính cầm con dao đứng bên giường người chồng đang ngủ. Anh ta thức giấc thấy vậy liền nghi ngờ vợ có ý giết mình. Thị Kính một mực kêu oan, giải thích thế nào người chồng và gia đình chồng cũng không hiểu. Cuối cùng, Thị Kính bị đuổi ra khỏi nhà. Nàng Thị Kính đau khổ đi đến một vùng thật xa và cải trang thành nam nhi vào tu tại một ngôi chùa, lấy tên hiệu là Kính Tâm. Tưởng thế là yên phận, không ngờ lại một biến cố nữa xảy ra cho Kính Tâm. Trong làng có một cô gái hư hỏng tên Thị Mầu chửa hoang, đã đổ thừa cho chú tiểu Kính Tâm là cha của đứa bé. Kính Tâm kêu oan thế nào cũng không được, bị mọi người sỉ vả và đuổi ra khỏi chùa. Người ta còn bắt Kính Tâm phải nuôi đứa bé. Kính Tâm đành phải nhận lấy đứa bé về nuôi. Vì quá đau khổ, sức khoẻ hao mòn, Kính Tâm kiệt sức và chết trong nỗi oan ức dày vò. Đến khi liệm xác, người ta mới vỡ lẽ ra rằng Kính Tâm là gái giả trai. Nỗi oan ức được giải tỏa, nhưng Kính Tâm thì không còn sống nữa. Dân làng hối hận lập miếu thờ Kính Tâm. Một ngày nọ, Đức Phật hiện ra và phong cho Kính Tâm làm Phật Quan Âm, chuyên phù trợ cho những người bị oan ức ở trần gian.
Hình ảnh của Quan Âm Thị Kính đã gợi lên hình ảnh bà góa bị oan ức trong câu chuyện Phúc Âm theo thánh Luca hôm nay. Có điều khác là Thị Kính bị oan ức đến chết, còn bà góa thì được giải oan. Bà góa bị hàm oan đến xin vị thẩm phán minh oan. Khởi đầu, ông thẩm phán không chịu xét xử, nhưng vì bà góa cứ kiên trì xin minh oan, cuối cùng, ông ta cũng phải giúp đỡ kẻo bà ta quấy rầy mãi. Khi kể dụ ngôn ấy, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ biết kiên trì cầu nguyện không thất vọng buông xuôi.
Cầu nguyện, cuộc đối thoại của những trái tim.
Chúa Giêsu luôn kết hợp mật thiết với Chúa Cha không phải chỉ vì Ngài là Ngôi Hai nhập thể, nhưng còn kết hợp bằng mối tương giao nhiệm mầu “Cha trong Con và Con trong Cha” (Ga 17, 21). Có thể nói, đó là sự kết hợp kỳ diệu giữa hai trái tim, sự liên kết bền chặt bằng mối dây tình yêu. Vì thế, những giây phút cầu nguyện giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là những cuộc đối thoại giữa hai trái tim.
Chúa Giêsu cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc như một nhu cầu thiết yếu. Trong những giây phút ấy, trái tim Con và Cha cùng chung nhịp đập. Chúa Giêsu thường tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mc 1, 35). Có lúc Chúa Giêsu thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha (Mc 6, 12). Chúa Giêsu cầu nguyện sau những lúc rao giảng Tin Mừng thành công, nhưng Ngài còn cầu nguyện ngay cả những lúc đau khổ và thất bại. Chúa cầu nguyện với những giọt mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu (Lc 22, 39-46; Mc 14, 32-42). Ngài cầu nguyện bằng những lời thống thiết trên cây thập giá (Lc 23, 34). Chúa dạy các môn đệ hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Mc 14, 38). Chúa còn dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha (Lc 11, 1-4).
Những giây phút cầu nguyện của người tín hữu với Thiên Chúa cũng là những cuộc đối thoại của trái tim. Cầu nguyện giúp chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa trong tình yêu. Cầu nguyện còn là hương thơm của đức tin tỏa bay lên từ cuộc sống chất chứa nhiều đau khổ và thất vọng, giúp chúng ta nâng tâm hồn lên tới Chúa. Ngày nào người tín hữu không còn cầu nguyện, đời sống đức tin sẽ bị sa sút. Ngày nào chúng ta thôi cầu nguyện, niềm tin sẽ không còn tồn tại như Lời Chúa cảnh báo hôm nay : “khi Con Người đến liệu có còn gặp được lòng tin trên mặt đất này nữa chăng ?”.
Cầu nguyện, hơi thở của người tín hữu.
Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy luôn sống trong bầu khí cầu nguyện : “nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho” (Mt 18, 19). Bầu khí cầu nguyện ấy luôn phải bao trùm đời sống gia đình, cộng đoàn, làm cho mọi người luôn hít thở không khí thánh thiện như nhu cầu của sự sống. Vì vậy, cầu nguyện chính là hơi thở của người tín hữu. Nếu không cầu nguyện tâm hồn chúng ta không thể sống và sống dồi dào được.
Chúng ta được mời gọi để cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc : cầu nguyện khi gặp thành công và cả những lúc thất bại. Cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn; cầu nguyện tại nhà thờ cũng như ngoài phố chợ; cầu nguyện cho mình và cho mọi người.
Nhưng điều quan trọng hơn, hãy cầu nguyện một cách kiên trì không thất vọng buông xuôi. Bài đọc 1 (Trích Sách Xuất Hành) đã thuật lại cảnh dân Do Thái tiến vào đất hứa. Họ phải chiến đấu với các cư dân ở đó. Khi nào Môisen còn giang tay cầu nguyện thì quân Israel thắng thế; còn nếu Môisen mỏi mệt bỏ tay xuống thì quân Israel thua trận. Người ta phải cử hai người nâng tay ông Môisen lên. Nhờ đó ông có thể cầu nguyện lâu giờ và kết quả là dân Israel đã toàn thắng. Hình ảnh ông Môisen luôn giang tay cầu nguyện nhắc cho chúng ta cũng hãy biết cầu nguyện liên lỉ và kiên trì. Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta ngày nào chúng ta còn kiên nhẫn trông cậy, phó thác vào tình thương của Chúa.
Đức cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận kể lại : trong thời gian ngài bị cầm tù, có những lúc vì quá đau khổ ngài không thể cầu nguyện được. Những lúc ấy Chúa lại dùng một ai đó để giúp ngài cầu nguyện.
Trong trại giam có một ông quản giáo xin ngài dạy tiếng Latinh để có thể đọc các tài liệu của Giáo Hội. Ngài đã dạy ông ta bài hát tiếng Latinh “Thần Khí Sáng Tạo Xin Hãy Đến” (Veni Creator Spiritus). Thế là từ đó, ông quản giáo luôn miệng hát lớn tiếng bài ca ấy. Đức Hồng y đã kết luận : thật lạ lùng, một người cai tù ngoại giáo đã giúp một vị Giám mục cầu nguyện khi vị đó quá yếu nhược và mất tinh thần đến nỗi không còn cầu nguyện được nữa. Đó là việc làm của Chúa Thánh Thần.
Trong cuộc sống của chúng ta, có những lúc chúng ta phải đối diện với một cuộc sống đầy vất vả lầm than; có khi chúng ta bị chìm đắm trong một cuộc đời đầy nước mắt vì khổ đau. Những lúc ấy, chúng ta muốn buông xuôi trong thất vọng và không thể cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Chính lúc ấy, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ngự đến dạy chúng ta thưa lời thân thương với Chúa : Abba, Cha ơi… chỉ một lời cầu nguyện thật ngắn ngủi nhưng đầy thương yêu ấy sẽ giúp chúng ta vượt qua được những sóng gió cuộc đời.