Chúa nhật V mùa Chay – Năm C
THIÊN CHÚA GIẦU LÒNG THƯƠNG XÓT
Lm Giuse Đinh lập Liễm
***
Tuần trước chúng ta đã được thánh Luca kể lại câu truyện đứa con hoang đàng để nói lên lòng thương yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tuần này chúng ta lại được thánh Gioan tông đồ kể lại câu truyện người phụ nữ bị ném đá vì phạm tội ngoại tình và thái độ của Đức Giêsu trước cảnh tượng này. Tất cả đều nói lên lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa.
Trong bài Tin mừng hôm nay, các luật sĩ và biệt phái gài bẫy Đức Giêsu để tìm cách bắt Ngài hay ít ra làm cho Ngài mất uy tín hay bớt ảnh hưởng với dân chúng, nhưng Ngài đã xử lý một cách rất khôn ngoan : Ngài không bị mắc kẹt trong việc đòi ném đá hay tha ném đá cho người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, mà còn cho họ một bài học đích đáng : đừng xét đoán, đừng lên án ai, trái lại phải có lòng thương cảm đối với người tội lỗi.
Chúng ta thấy có một nghịch lý đáng buồn và cũng đáng trách : một đàng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng mà lại đầy lòng thương xót và khoan dung đối với người tội lỗi… Còn con người thì ai cũng mắc tội không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ lại hay xét đoán, phê bình chỉ trích và lên án người khác nhất là những kẻ tội lỗi. Do đó, nhiều khi đã vô tình xô đẩy thêm kẻ có tội vào vũng lầy không lối thoát.
Hôm hôm nay Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án, còn chúng ta là nghững người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân. Về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hòa với Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và lên án ai.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Is 43,16-21.
Đoạn này được trích trong phần II sách Isaia. Hoàn cảnh lúc đó là dân Do thái đang bị lưu đầy bên Babylon. Vị tiên tri nói với dân bị lưu đầy nhằm khích lệ họ và mở ra cho họ thấy những viễn cảnh tương lai. Cuộc hồi hương sau cuộc lưu đầy sẽ còn phi thường hơn cuộc xuất hành khỏi Ai cập ; cuộc xuất hành mới sẽ còn tuyệt vời hơn lần đầu.
Như vậy, bài đọc 1 chứa đựng một bức thông điệp của niềm hy vọng gửi cho người Do thái đang bị lưu đầy : sẽ có một cuộc xuất hành mới, rất vinh quang, đến nỗi nó sẽ đẩy lùi những sự việc vĩ đại của cuộc xuất hành đầu tiên vào bóng tối. Và tất cả những điều này sẽ xẩy ra, bởi vì Thiên Chúa là Đấng trung thành với dân của Ngài.
+ Bài đọc 2 : Pl 3,8-14.
Ở đây thánh Phaolô cho thấy đối với ngài việc biết Đức Kitô là thế nào, một khám phá khiến mọi sự còn lại xem ra như không vậy. Biết Đức Kitô là tìm cách chiếm đoạt Ngài sau khi đã được Ngài chiếm đoạt. Là nhờ Ngài mà đạt đến quyền năng phục sinh của Ngài. Bằng cách chấp nhận thông phần vào đau khổ của Ngài.
Thánh nhân được Chúa mời gọi tiếp tục chạy bộ không ngừng trên đường xuất hành. Để được sống lại với Đức Kitô, ông phải chia sẻ với Ngài sự đau khổ và sự chết, bằng cách liên tục vượt qua chính mình và luôn luôn hy vọng.
+ Bài Tin mừng : Ga 8,1-11.
Biết Đức Giêsu thương người tội lỗi, nhóm luật sĩ và biệt phái tìm cách gài bẫy Ngài để Ngài mất uy tín với dân chúng. Họ dẫn đến trước mặt Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo luật Maisen, ai bắt được người phạm tội quả tang, kẻ ấy có quyền xét xử tội nhân. Trước khi ném đá người phụ nữ này, họ hỏi Đức Giêsu :”Theo luật Maisen thì người phụ nữ này phải bị ném đá, vậy theo ý Ngài thì người phụ nữ này sẽ bị xử như thế nào” ?
Đức Giêsu trả lời bằng cách hỏi lại họ, làm cho họ phải thức tỉnh, không dám kết tội người khác :”Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá đi” (Ga 8,7). Đúng là một gáo nước lạnh giội lên đầu họ vì không ai trong bọn họ là người vô tội. Họ lần lượt rút lui trong sự thẹn thùng.
Qua câu trả lời ấy, Đức Giêsu cho chúng ta biết chỉ mình Thiên Chúa là người vô tội, là người có quyền xét xử. Nhưng Chúa đã xét xử theo lòng từ bi thương xót. Thay vì luận phạt, Ngài đã cứu chị ta. Một người tuyệt vọng như người phụ nữ ấy, đã tìm được nguồn hy vọng. Quả thực, Thiên Chúa là Đấng chẳng làm cho ai tuyệt vọng.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Tôi không kết án chị đâu
I. BA HỒI CỦA MỘT VỞ KỊCH.
Trong Mùa Chay chúng ta hay đọc câu thánh vịnh:”Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung”. Người Do thái vẫn đọc câu thánh vịnh này, nhất là những luật sĩ và biệt phái, nhưng họ chưa hiểu được hết nội dung của nó. Lòng thương xót của Chúa quá thẳm sâu, ai hiểu thấu được. Câu truyện người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay không phải là đề tài chính, không chủ ý nhằm nói lên tội của con người mà chỉ là cơ hội thuận lợi để nói lên lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa và khuyên bảo chị ta đừng phạm tội nữa :”Tôi cũng thế, Tôi không kết án chị đâu” (Ga 8,11).
Đọc câu truyện người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta coi câu truyện này như một vở kịch được chia làm ba hồi. Tất cả đều nói lên lòng thương xót của Chúa.
- Hồi nhất : Xử án người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-5).
Người Do thái có nhiều lễ trong một năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong suốt 8 ngày sốùng ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính sau cuộc lễ này mà xẩy ra câu truyện trong bài Tin mừng.
Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ Lều Trại của người Do thái, Đức Giêsu đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.
Tình cờ người ta đem đến cho Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Tất nhiên tội ngoại tình bị lên án, nhưng các người tố cáo thời đó, dù họ là luật sĩ cũng không yêu sách lắm về cách áp dụng khoản luật trong sách Lêvi dạy ném đá người ngoại tình (Lv 20,10). Tuy thế, các luật sĩ và biệt phái muốn dựa vào hai đoạn văn của lề luật : ra lệnh giết chết người đàn ông và người đàn bà ngoại tình (Lv 20,10) và dạy ném đá người đàn bà ngoại tình với người tòng phạm (Đnl 22,22-24) , để cố ý ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Các luật sĩ và biệt phái dựa vào cơ hội này để thử thách Đức Giêsu (Ga 8,3-6). Họ thật thâm độc, họ đặt Đức Giêsu và thế gọng kìm, tiến thoái lưỡng nan. Nếu Đức Giêsu đồng ý cho ném đá, Ngài sẽ bị kẹt vào hai điều : trước hết, vi phạm luật của chính quyền Rôma, chỉ chính quyền Rôma mới có quyềàn xử tử hình mà thôi. Thứ đến, Ngài mất uy tín, và ảnh hưởng của Ngài như một người bạn của những người tội lỗi và bậc thầy giảng dạy về tình yêu thương tha thứ. Mặt khác, nếu Ngài từ chối giữ luật Maisen, không ném đá người phụ nữ ngoại tình, tức là Ngài ủng hộ cho hành động vô luân lý, như vậy làm sao xứng danh một tiên tri, một Đấng Thiên Sai đến từ Thiên Chúa được ?
- Hồi hai : Đức Giêsu với việc xử án (Ga 8,6-9).
Đứng trước câu hỏi hóc búa này, Đức Giêsu đã có một cách giải quyết rất khôn ngoan. Ngài không trả lời mà chỉ ngồi mà vẽ xuống đất cái gì đó. Vậy Ngài viết những gì ? Theo thánh Giêrônimô, Đức Giêsu viết tội những kẻ đứng tố cáo. Còn bản Tân ước tiếng Amêri dịch như sau :”Chính Ngài cúi xuống, lấy ngón tay viết trên mặt đất để tuyên bố tội lỗi họ, và họ thấy nhiều trọng tội của họ trên mặt đất”. Ý ở đây là Đức Giêsu đã viết trên mặt đất các tội lỗi của chính những kẻ đang tố cáo người phụ nữ ấy. Điều này có thể đúng, vì từ viết “Katagraphein” được dùng ở đây có nghĩa là viết (một bản cáo trạng) chống lại một người nào. Có thể Đức Giêsu buộc những kẻ đang tố cáo người khác phải đối diện với bản liệt kê các tội lỗi của chính mình.
Dầu vậy, các luật sĩ và biệt phái vẫn một mực đòi hỏi Đức Giêsu phải trả lời, và họ đã được trả lời :”Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá mà ném trước đi”(Ga 8,7). Ai có thể là người vô tội ? Trong thư thánh Gioan Tông đồ Ngài dạy rằng :”Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”(1Ga 8,7). Người phụ nữ phạm tội ngoại tình thì quá rõ ràng. Còn những luật sĩ và biệt phái đang tố cáo người phụ nữ với hậu ý rất thâm độc và một lòng thù ghét Đức Giêsu, họ đang tìm cách giết Ngài. Tội của họ còn lớn lao hơn tội người phụ nữ ! Nhưng họ lại tự lừa dối mình là những người đạo đức. Chúa đã vạch tội họ ra cho thấy rằng làm sao một người tội lỗi lại lên án một tội nhân khác được ?
Cúi xuống và viết tội là Chúa nhìn thẳng vào quá khứ và cuộc đời tội lỗi của những người đang tố cáo. Chúa hỏi :”Ai trong các ông sạch tội thì cứ ném đá trước đi”. Câu nói đó chắc là đã khơi động lương tâm các người tố cáo, già thì nhiều tội hơn, lại bị cắn rứt nhiều hơn nên đã tự biết mình rút lui trước, cho đến người cuối cùng.
- Hồi ba : Tha án cho người phụ nữ (Ga 8,10-11).
Sau khi họ đã rút lui hết, chỉ còn lại có một mình Đức Giêsu và người phụ nữ, Ngài mới hỏi chị ta :”Không còn ai lên án chị sao” ? Chị ta đáp:”Thưa không”. Ngài phán :”Ta cũng không lên án chị. Hãy đi làm lại cuộc đời và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
Khi bàn về câu truyện này, thánh Augustinô dùng hai từ bằng tiếng La tinh rất khéo là “Miseria và misericordia” : bây giờ chỉ còn lại một nỗi khổ đau tràn đầy và một tấm lòng thương xót vĩ đại , bởi vì “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”(Ga 3,17).
II. BÀI HỌC TỪ MỘT VỞ KỊCH.
- Thiên Chúa giầu lòng thương xót và tha thứ.
Qua câu truyện này, chúng ta mới thấy rõ tâm tình của Thiên Chúa qua Đức Giêsu là lòng thương xót đối với tội nhân. Đứng trước lỗi lầm của con người, Đức Giêsu luôn có lòng thương cảm. Ngài không hề phạm tội (x. 1Pr 2,22), nhưng Ngài lại không lên án ai. Ngài đã từng chịu ma quỉ cám dỗ, nên Ngài rất am hiểu sự yếu đuối của con người. Vì thế, đứng trước người phụ nữ này, Ngài hiểu biết những tình huống đã dẫn chị ta đến cơn cám dỗ, và từ cơn cám dỗ đến những hành vi tội lỗi. Ngài hoàn toàn thông cảm với chị. Ngài ghê tởm những kẻ tuy cũng cảm thấy mình yếu đuối như chị, cũng đã từng sa ngã khi gặp cám dỗ như chị, nhưng lại muốn kết án chị. Dường như kết án chị, họ mới thỏa mãn lòng kiêu hãnh phát xuất từ một ảo tưởng rằng họ vô tội. Họ thích sống trong ảo tưởng đó, và muốn củng cố ảo tưởng đó bằng cách kết án người khác. Họ nghĩ càng kết án càng chứng tỏ mình sạch tội, vô tội.
Vì thế cần phải biết hồi tâm. Bằng chứng: chỉ vài phút trước đó, người ta hung hăng tố cáo đòi ném đá, và bây giờ người ta lại lặng lẽ rút lui. Một sự chuyển biến bất ngờ phát sinh từ lời mời gọi của Đức Giêsu :”Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá trước đi”. Khi người ta đòi ném đá tha nhân, người ta tự cho mình là kẻ sạch tội và có quyền lên án kẻ có tội. Nhưng khi người ta khám phá ra mình cũng là tội nhân, người ta không dám lên án nữa vì như thế cũng là lên án chính mình. Sự khám phá có được là do cái nhìn về phía bên trong chính mình.
Chúng ta đều đã phạm tội nên đáng chịu hình phạt ném đá như người phụ nữ kia, nhưng Chúa luôn thương xót chúng ta, không nỡ đoán phạt chúng ta. Tiên tri Ôsê (2,4-25) đã so sánh dân Israel với một người vợ được Chúa yêu thương mà lại “ngoại tình” bằng những hành động “đáng điếm”. Mọi sự lìa bỏ Chúa đều là một thứ ngoại tình, vì xúc phạm đến một Thiên Chúa dễ bị tổn thương và si tình. Nhưng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương một cách không mệt mỏi và tha thứ cho người vợ bất trung, là nhân loại tội lỗi. Chúng ta là dân Israel mới, cũng như người phụ nữ ngoại tình đáng bị trừng phạt nhưng Thiên Chúa luôn xót thương và tha thứ.
Truyện : Hoàng đế Napoléon và lòng thương xót.
Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đãõ rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ :
– Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.
Hoàng đế Napoléon trả lời :
– Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót.
Bà mẹ nói :
– Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.
Hoàng đế Napoléon đáp :
– Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó.
Và ông sai thả người thanh niên đó ra.
(Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr 192)
- Đừng xét đoán và lên án ai.
Qua câu trả lời của Đức Giêsu :”Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá người phụ nữ này đi”, chúng ta tìm ra nguyên tắc của Đức Giêsu là chỉ người vô tội mới được đoán xét những lỗi lầm của người khác. Ngài đã cảnh cáo chúng ta :”Các ngươi đừng đán xét ai, để mình khỏi bị xét đoán”(Mt 7,1). Khi nhìn vào người khác chúng ta chỉ biết được cái vỏ bề ngoài, còn cái ruột người khác thì làm sao biết được. Vì thế người ta mới nói :
Dò sông dò biển dễ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
Một trong những lỗi lầm thông thường nhất trong đời sống là chúng ta đòi hỏi người khác đạt những tiêu chuẩn mà chính mình không hề cố gắng đạt tới; nhiều người trong chúng ta kết án người khác về những lỗi lầm mà chính mình đã mắc phải. Không thể dựa trên kiến thức để xét đoán kẻ khác, vì ai cũng có tri thức. Phải dựa trên sự thành đạt đạo đức để xét đoán, nhưng không ai trong chúng ta là người toàn thiện cả. Thực trạng của con người cho thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, lý do hết sức đơn giản là không ai lành thánh đủ để đoán xét kẻ khác.
Thích xét đoán và kết án người khác là cái chuyện trầm kha của con người. Không ai nghĩ đến cái xấu của mình mà chỉ nghĩ đến cái xấu của người khác. Chính vì thế ông bà tổ tiên chúng ta đã để lại một lời than trách nhắc nhở chúng ta đừng xét đoán người khác vì mình cũng có tội :
Chân mình thì lấm lê mê
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
Truyện : Không ai là người vô tội.
Ngày xưa, có một người đàn ông bị bắt vì tội trộm cắp, và bị giải ra trước mặt nhà vua, ngay tức khắc, nhà vua liền ra lệnh treo cổ người đó. Tuy nhiên, khi bị áp tải đến giá treo cổ, người đàn ông đó đã nói với người cai ngục rằng anh ta biết một điều bí mật, do cha của anh chỉ dạy. Anh tuyên bố rằng khi xử dụng bí quyết này, thì anh có thể trồng một hạt giống của cây lựu, và làm cho nó mọc lên, trổ sinh hoa quả chỉ trong một đêm. Anh ta nói rằng thật đáng tiếc, nếu bí quyết này bị chôn vùi đi theo cái chết của anh, và sẵn lòng bộc lộ bí quyết này cho nhà vua.
Viên cai ngục quá bị gây ấn tượng, đến nỗi anh ta lưỡng lự trong việc thi hành án, và giải tù nhân trở lại trước mặt vua. Tại đó, người ăn trộm đào một cái lỗ trong lòng đất, lấy hạt giống cây lựu ra và nói :
– Thưa bệ hạ, hạt giống này phải được trồng từ bàn tay của một người nào chưa bao giờ lấy cắp bất cứ thứ gì không thuộc về người đó. Vì là một tên trộm, nên tôi không thể trồng nó được.
Thế rồi anh ta quay sang một trong những viên quan của nhà vua và nói :
– Ngài có thể trồng hạt giống này được chứ ạ ?
Nhưng vị quan này từ chối, nói rằng :
– Khi còn trẻ, tôi đã giữ một vài thứ không phải là của tôi.
Sau đó, người ăn trộm quay sang người giữ kho tàng của nhà vua và nói :
– Vậy ngài có thể trồng hạt giống này chứ ?
Nhưng người canh giữ kho tàng cũng từ chối :
– Từ nhiều năm nay, tôi đã giữ nhiều tiền bạc. Bây giờ và một lần nữa, tôi đã có thể giữ một ít tiền cho bản thân tôi.
Và cứ như thế, cuối cùng chỉ còn lại có một mình nhà vua. Quay sang nhà vua, người ăn trộm nói :
– Có lẽ bệ hạ sẽ vui lòng trồng hạt giống này ?
Nhưng nhà vua nói :
– Ta xấu hổ mà phải nói rằng, có một lần ta đã lấy một chiếc đồng hồ của cha ta.
Sau đó, người ăn trộm nói :
– Tất cả các ngài đều vĩ đại và có quyền lực, không còn gì để mong muốn nữa. Tuy nhiên, không một ai trong các ngài có thể trồng được hạt giống này, trong khi tôi đã ăn cắp một thứ nhỏ nhoi, chỉ vì tôi đang chết đói thế mà tôi lại bị kết án treo cổ.
Nhà vua tha thứ cho anh ta. Câu chuyện này sẽ có kết thúc khác hẳn, nếu nhà vua không được chuẩn bị để lắng nghe. Thay vào đó, nhờ sự kiên nhẫn của nhà vua, và nhờ óc tưởng tượng của người đàn ông đã bị kết án, mà không phải chết, và tất cả đều học được một bài học bổ ích.
(Flor McCarthy, sđd, tr 193-194)
- Phải biết thông cảm và tha thứ.
Điều khác nhau căn bản giữa Đức Giêsu và nhóm Do thái là họ muốn kết tội, còn Đức Giêsu thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy họ chỉ muốn ném đá người phụ nữ này cho chết, và họ cảm thấy rất thích hợp làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi hành quyền kết tội, còn Đức Giêsu vui sướng khi hành quyền tha thứ. Đức Giêsu nhìn tội nhân với sự thương cảm phát xuất từ tình yêu thương, còn các luật sĩ và biệt phái nhìn tội nhân với thái độ ghê tởm, bắt nguồn từ việc coi mình là thánh thiện.
Đức Giêsu thực sự có lòng thương xót đối với tội nhân. Đây là một thứ tình cảm đặc biệt ngoài “thất tình” mà chúng ta vẫn biết : hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Vậy thương xót là gì ?
Thưa là một tâm trạng đặc biệt vừa êm đềm ngọt ngào (thương) vừa đau đớn đắng cay (xót) Hai cảm giác mâu thuẫn vừa thương lại vừa xót ấy trổi dậy trong lòng chúng ta khi chúng ta đứng trước một người chúng ta thương nhưng người ấy vừa phạm một lỗi lầm.
Khi đó chúng ta phải đối xử thế nào ? Lên án chăng ? Không được, vì làm như thế là không thương. Bỏ qua chăng ? Cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu. Vậy phải làm thế nào bây giờ ? Chúng ta hãy nhìn Đức Giêsu : Ngài nói với người phụ nữ ngoại tình “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Nếu Ngài lên án thì chị này phải chết, không còn cơ hội nữa. Nếu Ngài bỏ qua thì chị này sẽ tiếp tục phạm tội, cũng không có cơ hội. Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời (Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm C , tập 1, tr 198).
Một khi đã thông cảm với tội lỗi người khác, thì chỉ còn biết tha thứ, bỏ qua, rồi lại tiếp tục yêu thương, tôn trọng họ, tạo điều kiện và khuyến khích họ sống tốt lành hơn.
Truyện : Tha thứ cho người vợ.
Câu truyện xẩy ra ở một hải đảo của nước Ý. Tại đây người ta qui định : Nếu một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta sẽ buộc vào cổ người đàn bà này một tảng đá lớn, và quẳng xuống biển cho chết chìm.
Vào một ngày kia, một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội này. Bà đã bị kết án tử hình theo như luật định. Nhưng đến ngày xử mà người chồng vẫn còn đánh bắt cá ngoài khơi, khiến tòa án phải gia hạn thêm mấy ngày nữa. Người ta đã phải gia hạn nhều lần mà vẫn không thấy anh chồng trở về. Cuối cùng họ quyết thi hành án tử hình cho chị vợ, cho dù chồng có mặt hay không. Họ định ngày xử án dùng thuyền đưa chị ra vùng nước sâu, cột một hòn đá vào cổ chị ta, trước khi quăng chị ta xuống biển cho chết chìm.
Nhưng thật lạ lùng, ngày hôm sau mọi người đều kinh ngạc khi thấy chị ta xuất hiện ở trong làng. Thì ra, ngay từ đầu, nhờ được hai người bạn thân giúp đỡ, người chồng đã hay biết mọi sự. Cho dù bị vợ phản bội, nhưng người chồng vẫn luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ tội bất trung của vợ. Anh và mấy người bạn kia đã đặt ra một kế hoạch hoàn hảo để giải cứu người vợ. Do đó, thay vì sớm xuất đầu lộ diện để tham gia xét xử, anh ta đã lẩn trốn trong rừng một thời gian để làm kế hoãn binh. Đến ngày thi hành án, anh bí mật bơi lặn đến núp dưới một tảng đá ngầm, ngay tại nơi mà người chị vợ sẽ bị quăng xuống biển. Khi chị vợ bị quăng xuống, thì người chồng đã mau tiến lại gần, dùng dao cắt đứt sợi dây cột đá và bí mật đưa vợ đi đường tắt về nhà.
- Hãy đi xưng tội.
Mọi người đã phạm tội, cần phải ăn năn sám hối và làm hòa với Chúa. Cách giao hòa với Chúa hay nhất là đi xưng tội, đặc biệt cho những người phạm tội trọng. Những người phạm tội trọng muốn được tha tội, trong những điều kiện bình thường, chỉ còn cách duy nhất là đến tòa giải tội. Những người phạm tội nhẹ, tuy không buộc phải xưng tội, có nhiều cách để được tha, nhưng việc xưng tội sẽ đem lại cho họ được nhiều lợi ích.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi bí tích giải tội là con đường thanh tẩy và kết hợp với Đức Kitô. Ngài nhận định rằng bí tích Giải tội có mục đích không chỉ tha tội nhưng còn và trên hết dẫn đưa người tín hữu vào cuộc gặp gỡ sâu xa với Đức Kitô.
Khi tiếp kiến với các Linh mục và chủng sinh đang tham dự một khoa học về “internal forum” do tòa Âân giải tổ chức, ngài bầy tỏ suy tư về những phương diện chính yếu của bí tích này :”Hoa trái của việc xưng tội”không những chỉ là tha thứ tội lỗi, điều cần thiết cho bất cứ ai đã phạm tội” nhưng còn mang lại “sự phục sinh thiêng liêng” thực sự, một sự phục hồi phẩm giá và những điều thiện hảo cho sự sống của con cái Thiên Chúa, mà điều quí giá nhất là “Tình bằng hữu với Thiên Chúa”.
Do dó, “sẽ ảo tưởng cho việc nên thánh, tùy theo ơn gọi Chúa ban cho mỗi người, mà không thường xuyên và sốt sắng lãnh nhận bí tích sám hối và thánh hóa này” như Đức Giáo hoàng đã khẳng định.
Truyện : Thánh Phanxicô Salêsiô với việc xưng tội.
Ngày kia thánh Phanxicô Salêsiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhường và hết lòng ăn năn. Thánh nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi :
– Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con ?
– Bây giờ cha nhìn con như một đấng thánh.
– Chắc cha phải nói ngược lại mới được.
– Không, Cha nói theo lương tâm của cha. Con bây giờ hoàn toàn khác trước rồi.
– Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà ?
– Không phải thế đâu con ạ. Khi bà Mađalena đã ăn năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.
– Nhưng đối với cha, con muốn biết cha nghĩ thế nào về quá khứ của con ?
– Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.
Nói xong, thánh nhân khóc. Người kia bỡ ngỡ hỏi :
– Cha khóc à ? Chắc cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá ?
– Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.
Thánh nhân biết rõ phép giải tội không phải chỉ là che giấu tội, phủ kín tội ta đã phạm, nhưng là rửa sạch hết mọi tội ta đã khiêm nhường xưng ra.