Chúa nhật V mùa Chay – Năm C
LÒNG NHÂN HẬU
Trích Logos năm C
***
Trong những năm gần đây, qua các phương tiện truyền thông, người ta biết đến một số vụ án lớn trong nước được đem ra xét xử : vụ án “Nước Hoa Thanh Hương – Nguyễn Văn Mười Hai”; “Tamexco – Phạm Huy Phước”; “Epco – Minh Phụng”; vụ án “Năm Cam”; và gần đây nhất là vụ án “Lã Thị Kim Oanh” đang được thông tin trên báo chí.
Người ta mở ra những phiên tòa để xét xử các bị cáo và đa số các phiên tòa ấy đều dẫn đến bản án tử hình dành cho kẻ có tội, hoặc ít ra họ cũng phải ngồi tù nhiều năm hay chung thân.
Tuy nhiên, trong tất cả những phiên tòa từ trước đến nay cũng có những phiên tòa không có lời kết tội hoặc được “trắng án”.
Tin Mừng theo Thánh Gioan hôm nay thuật lại một buổi xét xử không có lời kết án đó.
Phiên tòa không có bản án :
Khi Chúa Giêsu đang ngồi giảng dạy dân chúng trong đền thờ thì các luật sĩ và biệt phái dẫn đến một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và xin Chúa xét xử.
Đây là một cái “bẫy” các luật sĩ và biệt phái giăng ra để bắt lỗi Chúa. Nếu Chúa kết tội theo “luật Môisen” thì người thiếu phụ này sẽ bị ném đá. Như vậy, Chúa sẽ vi phạm “luật Roma” vì người Do thái không có quyền xét xử phạm nhân. Hơn nữa, nếu kết án người có tội thì trái với “luật yêu thương” mà Chúa giảng dạy. Còn nếu không kết án người thiếu phụ thì Chúa không tuân thủ luật Môisen. Như thế, những luật sĩ và biệt phái có lý do để tố cáo Chúa chống lại lề luật.
Chúa Giêsu xử trí thế nào ? Chúa Giêsu cúi xuống dùng ngón tay viết trên đất, như muốn người ta im lặng để suy nghĩ và tự vấn lương tâm mình. Họ thúc giục Chúa trả lời. Chúa đứng lên và nói : “Ai sạch tội hãy ném đá chị này trước đi”.
Nghe nói thế họ bỏ đi từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất.
Chúa Giêsu không bênh vực tội lỗi, nhưng chống lại điều xấu. Chúa không kết án, nhưng để cho những luật sĩ và biệt phái kết án chính mình. Chúa không muốn ném đá người phụ nữ phạm tội, nhưng muốn những người tố cáo chị ta hãy ném đá chính mình.
Khi chỉ còn Chúa Giêsu và người thiếu phụ, Chúa đã nói với chị : “Ta không kết tội chị, hãy về và đừng phạm tội nữa”.
Chúa lên án tội lỗi,nhưng không kết án kẻ tội lỗi. Chúa tha thứ cho họ bằng tấm lòng đầy tình thương xót.
Phiên tòa cho chính mình :
Thiên Chúa tha thứ cho con người tội lỗi, nhưng con người lại kết án Thiên Chúa vô tội.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả có quyền xét xử người tội lỗi, nhưng vì lòng nhân hậu vô biên, Ngài không kết án con người, trái lại tha thứ cho con người là những tội nhân đáng phải chết. Ngược lại, con người kết án Chúa là Đấng vô tội. Trước tòa án Philatô, tiếng gào thét của dân chúng : “Đóng đinh nó vào thập giá” vẫn tiếp tục vang vọng trên giòng lịch sử chứng minh sự thật : con người đã kết án và đóng đinh một Thiên Chúa chí thánh. Lời lên án ấy vẫn tiếp tục vang vọng trong cuộc đời chúng ta mỗi khi sa ngã phạm tội. Lúc ấy, chúng ta lại kết án và đóng đinh Chúa một lần nữa.
Thiên Chúa tha thứ cho con người, nhưng con người lại kết án nhau.
Khi các luật sĩ và biệt phái dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa, chắc hẳn họ đắc thắng trong lòng vì đã bắt quả tang người phạm tội. Họ muốn lên án người tội lỗi theo đúng luật dạy. Họ trở thành những quan tòa nghiêm khắc trước tội nhân. Nhưng Chúa lại muốn họ tự xét xử và lên án chính mình. Đó cũng là thái độ chúng ta phải có để thay vì xét xử người khác, trước hết chúng ta hãy xét xử chính mình. Mỗi ngày chúng ta hãy mở ra phiên tòa cho mình và kết án “cái tôi” với bao khuyết điểm, lỗi lầm. Trước khi “ném đá” kẻ khác, hãy “ném đá” vào bản thân và tuyên án tử cho con người cũ để mặc lấy con người mới là Đức Kitô. Hãy ném “viên đá sám hối” vào mặt nước hồ phẳng lặng của tâm hồn để thức tỉnh và đối diện với chính mình trong cuộc hoán cải và canh tân.
Vào năm 1990, tại Việt Nam người ta chiếu bộ phim nổi tiếng mang tên “Sám Hối”. Bộ phim này do đạo diễn người Nga tên Abuladze thực hiện và đoạt giải đặc biệt trong Liên Hoan Phim Cannes tại Pháp. Bộ phim đã gây ra một chấn động lớn khắp thế giới và đặc biệt tại Liên Xô cũ. Vì bộ phim đã đặt ra vấn đề đổi mới (Perestroika) tại Liên Xô. Muốn canh tân, tất cả mọi người phải “sám hối” về những khuyết điểm và sai lầm của mình (thời Stalin).
Cũng thế, chúng ta hãy nhìn vào chính mình, nhận ra những yếu đuối và lầm lỡ để sám hối và sửa chữa. Có như vậy, chúng ta mới trở thành con người hoàn thiện. Con đường sám hối là con đường ngắn nhất dẫn chúng ta về với Thiên Chúa và canh tân cuộc sống.
Trong một cuộc hành quyết, người ta sắp xử tử một tên sát nhân cướp của giết người. Trước mặt đức vua và bá quan văn võ, tên tử tội đứng run rẩy vì khiếp sợ. Chỉ một lát nữa thôi, đầu hắn sẽ lìa khỏi cổ !
Trước khi chém đầu hắn, đức vua cho hắn một ân huệ cuối cùng : “Ngươi muốn xin ta điều gì ?”, hắn đáp : “Tôi xin được uống nước”. Người ta đưa đến cho hắn một ly nước. Nhưng vì sợ hãi run rẩy nên hắn không sao cầm ly nước để uống được.
Thấy thế, đức vua nói : “Đừng sợ ! Nếu ngươi chưa uống nước, thì mạng sống ngươi vẫn toàn vẹn. Ta sẽ đợi đến khi ngươi uống nước xong mới chém đầu ngươi”.
Nghe vậy, tên tử tội liền buông rơi ly nước xuống đất bể tan tành. Hắn không uống chút nước nào, nghĩa là mạng sống hắn mãi mãi toàn vẹn.
Tên tử tội nói với đức vua : “Xin Ngài hãy giữ lời hứa !”, Đức vua mỉm cười đáp : “Phải, ngươi đã thắng ta. Ta không thể phản bội lời hứa, dù ngươi là một tên sát nhân! Ta tha chết cho ngươi !”.
Hôm nay, Chúa nói với người thiếu phụ ngoại tình cũng là nói với chúng ta: “Ta không kết án con, hãy về và đừng phạm tội nữa”. Chúa luôn luôn giữ lời hứa và chờ đợi chúng ta trở về với Ngài. Vì Ngài là Đấng đầy lòng khoan dung và nhân hậu.
Tiên Tri Isaia (trong bài đọc I) nhắc lại việc Thiên Chúa đã mở đường giữa Biển Đỏ cho dân Do thái đi qua để về Đất Hứa. Thiên Chúa tiếp tục mở một con đường mới để dẫn đưa dân tới đời sống thịnh vượng và hạnh phúc. Trên con đường mới đó, Thánh Phaolô (trong bài đọc II) cũng đang đuổi theo đích đến là sự hoàn hảo trong Đức Kitô.
Con đường mới cũng là con đường tình yêu Chúa mời gọi chúng ta bước đi. Con đường đó dẫn chúng ta đến với Chúa bằng tâm hồn sám hối ăn năn và đến với tha nhân bằng trái tim bao dung đầy tình nhân ái.