Chúa nhật II mùa Chay – C
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Logos năm C
***
Trong lịch sử văn hóa Trung Hoa, con hạc là biểu tượng của sự trường thọ, sự thanh cao và diễn tả khát vọng của con người muốn vươn lên đến Chân, Thiện, Mỹ…
Vì thế, có một huyền thoại về con hạc như sau :
Ngày xưa hạc là loài chim thấp bé, và xấu xí. Khi nghe biết ở Xứ Mặt Trời có loài dạ thảo ăn vào sẽ trở nên xinh đẹp. Thế là vào một buổi sáng kia, hạc cất cánh bay về phía mặt trời. Hạc vươn cổ, duỗi chân mải miết vỗ cánh đuổi theo mặt trời. Nhưng mặt trời xa quá. Lúc thì lặn xuống, khi thì mọc lên. Hạc cứ bay mãi, bay hoài, bay từ ngày này sang ngày khác mà cũng không đến được Xứ Mặt Trời.
Một buổi chiều, khi cánh hạc đã mỏi rã rời, thân xác hạc hao gầy, hạc rơi xuống nằm gục bên bờ suối. Buổi sáng khi mặt trời mọc lên, hạc soi mình vào dòng suối. Ô kìa ! hạc không nhận ra mình nữa ! Cổ hạc đã dài ra, chân hạc trở nên thon nhỏ, thân mình hạc trông hết sức thanh nhã. Có ngờ đâu, sau những tháng ngày dài cứ mãi vươn cổ, duỗi chân, vỗ cánh đuổi theo mặt trời từ đông sang tây, rồi lại từ tây sang đông đã làm cho hạc thích nghi với những tư thế đầy cố gắng và trở nên xinh đẹp như thế.
Cuộc đời người tín hữu là một cuộc hành trình của niềm tin hướng về Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ, là Hạnh Phúc Vĩnh Cửu. Có thể nói, đó là cuộc “leo núi” đầy gian khổ để gặp gỡ Chúa. Vào những lúc ta tưởng như mình kiệt sức và thất bại, thì chính lúc ấy Chúa sẽ “hé lộ” vinh quang của Ngài, cho ta nếm thử niềm hạnh phúc ngọt ngào để nâng đỡ và củng cố đức tin của chúng ta.
Đây chính là kinh nghiệm của ba Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan mà Tin Mừng Thánh Luca thuật lại hôm nay : các tông đồ đã theo Chúa lên núi cầu nguyện. Có lẽ sau cuộc “leo núi” mệt nhọc, các ông đã nằm ngủ mê mệt. Lúc ấy, Chúa đã biến hình với ánh vinh quang rực rỡ, có Môisen và Êlia cùng đàm đạo với Ngài. Các tông đồ tỉnh giấc cảm thấy hạnh phúc ngây ngất trước cảnh huy hoàng sáng láng ấy. Chúa muốn dạy các tông đồ : phải qua thập giá mới đến vinh quang. Đó cũng là cách Chúa nâng đỡ và củng cố đức tin của các ông.
Đây cũng chính là kinh nghiệm của Môisen. Thiên Chúa đã mời gọi Môisen lên núi Sinai để ký kết giao ước và ban bố lề luật (Xh 24, 1-18). Thiên Chúa cũng đã tỏ hiện vinh quang của mình trước mặt Môisen. Có thể nói, cuộc hành trình lên núi của Môisen được đo bằng những yếu đuối và sa ngã của dân Do thái trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc để về Đất Hứa. Đó là cuộc hành trình của niềm tin. Trên cuộc hành trình ấy, Thiên Chúa luôn biểu lộ tình thương, sức mạnh và vinh quang để nâng đỡ họ.
Đây cũng là kinh nghiệm của Êlia.
Êlia đã bị bà Izabel lùng giết nên đã chạy trốn trong sa mạc (1V 19, 1-18). Đó là cuộc hành trình trong gian khổ và đói khát. Có lúc Êlia thất vọng và buông xuôi, nhưng Thiên Chúa đã sai sứ thần đem bánh và nước đến nuôi dưỡng, để ông tiếp tục cuộc hành trình lên núi Khoreb. Nơi đó ông đã gặp gỡ Thiên Chúa trong vinh quang và được sức mạnh của Ngài phù trợ.
Đây cũng là kinh nghiệm của Abraham. Vâng lệnh Thiên Chúa, ông từ bỏ quê cha đất tổ, đi đến một nơi vô định. Trên cuộc hành trình của niềm tin đầy gian nan thử thách, Thiên Chúa đã nâng đỡ dìu dắt ông, ban cho ông một giòng dõi đông đúc và một vùng đất mênh mông trù phú (Bài Đọc I).
Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô.
Khởi đi từ con đường Đamas, Phaolô đã bị Chúa quật ngã khi hăng say đi bắt bớ đạo Chúa, Ngài đã bước vào một cuộc hành trình mới : cuộc hành trình đức tin của một tông đồ. Cuộc hành trình rao giảng Đức Kitô đầy gian nguy và đau khổ, nhưng với ơn Chúa, Ngài đã vượt qua tất cả để đi đến cùng. Vì thế, thánh Phaolô đã có thể khích lệ chúng ta tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa để được biến đổi nên vinh hiển như Người (Bài Đọc II).
Cuộc hành trình đức tin của chúng ta:
Người ta nói rằng trên những đỉnh cao của dãy núi Hy Mã Lạp Sơn có một loài hoa rất quí gọi là hoa Nàng Thơm (tên hoa : Brahm Kamal; tên khoa học : Sugandhit Pushpa). Nó trông giống hoa sen nhưng ngào ngạt hương thơm. Trên độ cao hơn 5000 mét, loài hoa này sống mạnh mẽ trong phong ba bão táp, dưới ánh nắng chói chang hay bị vùi lấp dưới những lớp tuyết dày. Loài hoa quí này là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều du khách, các nhiếp ảnh gia, các họa sĩ tài danh,… họ muốn leo lên đỉnh núi để được nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt diệu của nó. Nhưng muốn được thế, họ phải trải qua một cuộc hành trình leo núi đầy cực khổ và nhiều người đã mất mạng trên đường đi.
Cuộc hành trình đức tin của chúng ta cũng là cuộc “leo núi” như thế. Không phải chúng ta đi tìm một loài hoa quí, nhưng chúng ta đi tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa là niềm hạnh phúc và vinh hiển đời ta. Trên cuộc hành trình đức tin ấy, Chúa luôn nâng đỡ và dìu dắt ta bằng tình yêu và sức mạnh của Ngài. Miễn là chúng ta luôn cậy trông và phó thác nơi Ngài.
Có chàng trai kia muốn tìm thầy học võ. Người ta mách rằng ở trên ngọn núi cao gần làng có một võ sư nổi danh là thầy dạy võ cự phách. Thế là anh ta cất công leo lên núi xin làm môn sinh. Vị võ sư kia chấp thuận. Nhưng có điều ông ta chẳng dạy cho người môn sinh kia điều gì cả. Hàng ngày ông cho người môn sinh làm chỉ một việc duy nhất : dùng tay vuốt một thanh sắt. Hết ngày này sang ngày khác, người môn sinh cũng chỉ làm một việc nhàm chán ấy. Đến một ngày kia, vì quá thất vọng và chán nản, chàng trai từ bỏ sư phụ và xuống núi về nhà. Xuống tới chân núi, chàng trai gặp một bọn cướp chận lại để cướp của. Anh ta chống cự lại, nắm lấy tay một tên trong bọn, thì lạ lùng chưa ! Cánh tay của tên cướp bị tuột da đau đớn. Bọn cướp thấy vậy sợ hãi bỏ chạy mất dạng. Có ngờ đâu, bao ngày tháng vuốt cây sắt, bàn tay của chàng trai bây giờ cứng như sắt nguội và đầy sức mạnh. Chàng trai vội vã trở lại gặp sư phụ xin tiếp tục học. Nhưng ông ta đã không chấp nhận người học trò thiếu kiên nhẫn kia nữa.
Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Phải chăng đó là bài học dành cho chúng ta hôm nay ? Đức tin không được tôi luyện bằng gian nan thử thách thì không phải là đức tin bền vững. Bài học lớn nhất về niềm tin là bài học từ cây thập giá.
Lạy Chúa, cuộc đời người Kitô hữu là một cuộc thao luyện đức tin, xin hãy nâng đỡ và củng cố đức tin chúng con nên vững mạnh để chúng con trung kiên đi theo Chúa tới cùng. Chúa đã vác thập giá lên đỉnh đồi Canvê. Đây chính là cuộc hành trình đức tin mà chúng con đang đi. Xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ dìu dắt chúng con.