Chúa nhật II mùa Chay – C
BIẾN HÌNH (*)
Lm Inhaxiô Hồ Thông
***
Trong cả ba năm phụng vụ, Chúa Nhật II Mùa Chay là Chúa Nhật của biến cố Biến Hình. Biến cố Biến Hình vừa soi sáng mầu nhiệm Nhập Thể, đồng thời cũng vận mệnh nhân loại. Chúng ta sẽ khám phá mầu nhiệm này trong các bản văn của Chúa Nhật II Mùa Chay năm C này.
St 15: 5-12, 17-18
Lộ trình tâm linh của nhân loại được vén mở lên cho đến kinh nghiệm tôn giáo của ông Áp-ra-ham, vị tổ phụ đặt trọn niềm tin của mình vào những lời hứa của Chúa.
Pl 3: 17-4: 1
Theo thánh Phao-lô, cuộc Biến Hình của Đức Giê-su loan báo cuộc “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”, đó là giai đoạn cuối cùng lộ trình của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải trung tín.
Lc 9: 28-36
Tin Mừng tường thuật biến cố Biến Hình theo thánh Lu-ca.
BÀI ĐỌC I (St 15: 5-12, 17-18)
Chuyện tích này được trích từ “chuyện dài nhiều tập” của tổ phụ Áp-ra-ham từ chương 12: 1 đến chương 25: 18 sách Sáng Thế. Chuyện tích này tường thuật cuộc Thần Hiển. Nỗi sợ hãi của tổ phụ Áp-ra-ham trước việc Thiên Chúa tỏ mình ra có thể sánh ví với nỗi khiếp sợ của thánh Phê-rô và các bạn đồng môn vào lúc Chúa Giê-su bày tỏ vinh quang của Ngài trong biến cố Biến Hình.
Đức Chúa tái khẳng định những lời hứa mà Ngài đã hứa cho tổ phụ Áp-ra-ham. Ngài đã hứa ban đất cho người du mục lang thang này (St 12: 2-3 và 12: 7) và cũng đã hứa ban một hậu duệ đông đúc như sao trên trời cát dưới biển cho một cụ già hiện nay không con này (St 13: 14-16). Nhưng những lời hứa này chậm được thực hiện, vì thế, vị tổ phụ bắt đầu sốt ruột. Trước hết, Đức Chúa trấn an ông, đoạn đưa ra một lời cam kết long trọng được đóng ấn bởi một hy lễ.
1.Tổ phụ Áp-ra-ham, con người của niềm tin
Đức Chúa tái khẳng định với tổ phụ Áp-ra-ham rằng ông sẽ có một đứa con nối dõi tông đường sinh ra từ huyết thống của ông (St 15: 4), đoạn Ngài bảo ông ngước mắt lên trời thử đếm các vị sao và nói với ông: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”.
Đức Chúa mở ra cho vị tổ phụ một viễn cảnh không thể tin được, ấy vậy, “ông tin Đức Chúa”. Đây là lần đầu tiên trong Cựu Ước động từ “tin” xuất hiện. Theo ngôn ngữ Híp-ri, từ ngữ này có cùng ngữ căn với từ “A-men”, từ gợi lên sự vững bền, chắc chắn. Như vậy cuộc mạo hiểm của tổ phụ Áp-ra-ham không chỉ đánh dấu việc chào đời của một dân tộc, nhưng còn khai mào lịch sử của niềm tin, bước khởi đầu của lịch sử cứu độ. Tổ phụ Áp-ra-ham là người tín hữu đầu tiên; ông tin lời Thiên Chúa, bất chấp mọi sự việc có thể khiến ông nghi ngờ. Ông là cha của những người tin. “Đức Chúa kể ông là người công chính”, nghĩa là, ông sống một lòng một dạ với những gì Thiên Chúa chờ đợi từ ông. Chúng ta biết thánh Phao-lô sẽ khai triển thần học của mình từ câu này, qua đó thánh nhân sẽ minh họa đề tài đức tin của mình: chính nhờ đức tin, chứ không Lề Luật và công nghiệp của mình, mà chúng ta được ơn công chính hóa.
2.Tổ phụ Áp-ra-ham, con người của Giao Ước:
Lời hứa thứ hai nhắm đến việc sở hữu đất. Đức Chúa lập lại lời hứa này cho ông Áp-ra-ham: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ua của người Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu”.
Biểu thức tiêu biểu cho phần dẫn nhập của một hiệp ước, như người ta đọc thấy trong nhiều bản văn miền Cận Đông, vào giữa thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Vị bá vương đề xuất giao ước của mình, mở đầu với việc nhắc lại những ân lộc mà ông đã ban cho chư hầu của mình. Sách Xuất Hành dẫn nhập Thập Giới hay điều khoản Giao Ước Xi-nai theo cùng một cách như vậy: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20: 1).
3.Hy tế Giao Ước:
Tổ phụ Áp-ra-ham xin Thiên Chúa một dấu chỉ. Dấu chỉ này sẽ là một hy tế có tính chất đặc biệt, một hy tế giao ước. Trong loại giao ước này, những con vật bị sát tế, được xẻ đôi và hai bên ký kết đi qua giữa các tế vật xẻ đôi, nữa này đối diện với nữa kia, theo cách nào đó gợi lên số phận sẽ là như vậy, nếu hai bên không chu toàn những lời cam kết của mình. Từ đó, nguyên ngữ Híp-ri “cắt một giao ước” đồng nghĩa với ký kết một giao ước. Loại hy tế này còn được gợi lên vào thời ngôn sứ Giê-rê-mi-a, vào thời đó, Đức Chúa công bố Ngài sẽ trừng phạt những ai đã không tuân giữ huấn lệnh bảy năm một lần phóng thích những người nô lệ: “Những kẻ đó, Ta sẽ biến thành một con bò tơ cho người ta xẻ làm đôi và băng qua giữa hai phần” (Gr 34: 18).
4.Giấc ngủ mê:
“Lúc mặt trời gần lặn, thì một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ra-ham”. Từ ngữ Híp-ri được dùng ở đây không chỉ giấc ngủ tự nhiên. Từ ngữ này chỉ xuất hiện trong Cựu Ước để diễn tả giấc ngủ siêu nhiên. Cũng một từ ngữ được dùng để chỉ giấc ngủ của nguyên tổ A-đam vào lúc Đức Chúa lấy cái xương sườn của ông để dựng nên người đàn bà. Chuyện tích về giấc ngủ của nguyên tổ A-đam và giấc ngủ của tổ phụ Áp-ra-ham đều có chung một tác giả Gia-vít. Giấc ngũ huyền nhiệm nầy muốn nói rằng con người không xứng đáng được nhìn thấy công việc của Thiên Chúa. Trong tất cả văn chương tôn giáo, giấc ngủ hay cái chết muốn nói lên cuộc vượt qua từ một cách sống này đến một cách sống khác cao vời hơn. Tổ phụ Áp-ra-ham sắp trở thành người cùng phe với Thiên Chúa, người được ân nghĩa với Thiên Chúa. Đức Chúa cam kết với ông, và lời cam kết này được chuẩn nhận bởi một hy tế.
Vì chính Thiên Chúa có sáng kiến ký kết Giao Ước với ông Áp-ra-ham, nên chỉ mình Thiên Chúa, dưới hình ngọn lửa, đi băng qua giữa những tế vật: “Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bổng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật bị xẻ đôi”. Việc Thiên Chúa ký kết Giao Ước với ông Áp-ra-ham căn cứ trên đức tin của tổ phụ và có tính cách đơn phương về phía Thiên Chúa. Giao Ước Xi-nai sẽ là đôi bên và căn cứ trên Lề Luật.
BÀI ĐỌC II (Pl 3: 17-4: 1)
Trước khi đề cập đến câu chuyện Biến Hình theo Tin Mừng Lu-ca, chúng ta đọc đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Phi-líp-phê, trong đó thánh nhân nói về sự thay hình đổi dạng của chính chúng ta. Thánh nhân không trực tiếp dựa trên sự kiện Biến Hình của Chúa Ki-tô, nhưng trên cái lô-gíc của biến cố Phục Sinh. Quả thật, thánh Phao-lô trước tiên là nhà thần học về biến cố Phục sinh: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”.
Xin được nhắc lại rằng thánh Phao-lô thành lập Giáo Đoàn Phi-líp-phê, thuộc miền Ma-xê-đô-ni-a, vào những năm 49-50. Bức thư mà thánh nhân gởi cho cộng đoàn này xem ra được viết vào năm 56 hay 57, lúc đó, thánh nhân đang bị cầm tù, chắc chắn ở Ê-phê-xô.
1.Bắt chước thánh Phao-lô như thánh nhân bắt chước Đức Ki-tô:
Thánh Phao-lô đã sinh ra các tín hữu Phi-líp-phê trong đức tin; lòng nhiệt thành tông đồ của thánh nhân được sánh ví với nỗi bận lòng của một người cha mong muốn con cái noi gương mình mà sống phù hợp với giáo huấn của Đức Ki-tô: “Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em”. Thánh nhân liên kết những cộng tác viên của mình vào chung cùng mẫu gương mà thánh nhân đưa ra. Đây không là lần duy nhất thánh nhân diễn tả ước nguyện của mình (x. 1Cr 4: 16; 11: 1; 1Tx 1: 6; 2Tx 3: 7-9). Trong thư gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân xác định: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô” (1Cr 11: 1).
2.Hai con đường:
Thánh Phao-lô phác họa hai bức tranh tương phản: bức tranh thứ nhất nêu lên tất cả những người “chỉ nghĩ đến những sự thế gian” và bức tranh thứ hai nói về những công dân Nước Trời.
Ở đây, chúng ta nhận ra đề tài kinh điển về hai con đường như trong Thánh Vịnh 1, sách Đệ Nhị Luật (11: 26-28; 30: 15-20), sách Châm Ngôn (8: 32-36), cũng như sự đối lập giữa hai con đường thường được sử dụng trong các giáo huấn của các kinh sư. Chúa Giê-su lấy lại kiểu nói này trong dụ ngôn của Ngài về hai con đường: con đường thênh thang dẫn đến họa diệt vong, còn đường chật hẹp thì dẫn đến sự sống. Theo giáo huấn của thánh Phao-lô, con đường dẫn đến họa diệt vong là con đường mà những kẻ phóng đãng, những kẻ trụy lạc đi theo: “Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn”. Tuy nhiên, qua những từ ngữ này, chúng ta không thể loại trừ rằng thánh Phao-lô nhắm đến những Ki-tô hữu gốc Do thái vẫn duy trì quá mức những kiêng cử đồ ăn thức uống theo luật Mô-sê; còn trầm trọng hơn nữa, họ vẫn cứ đòi buộc những người Ki-tô hữu gốc lương dân phải chịu phép cắt bì. Quả thật, kiểu nói: “cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn” gợi lên điều này, bởi vì thánh nhân vừa mới bàn đến những kẻ cắt bì giả mạo và những người cắt bì đích thật, tức là những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Giê-su Ki-tô, chứ không cậy vào tính xác thịt (Pl 3: 2-3).
3.Trời và Đất:
Dù thế nào, thánh Phao-lô đối lập những công dân Nước Trời với những người mà Chúa của họ là cái bụng. Dường như thánh nhân đã chọn kiểu nói này khi quy chiếu đến thể chế chính trị đặc biệt của thành phố Phi-líp-phê. Thành phố này là thuộc địa của Rô-ma, dân cư có “quyền công dân”; vì thế họ là công dân Rô-ma. Thánh nhân nói cho họ biết rằng quê hương đích thật của người Ki-tô hữu là Nước Trời.
Chính ở nơi tước vị công dân Nước Trời này mà chúng ta mong đợi sự thay hình đổi dạng của chúng ta: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta”. Thánh Phao-lô dùng cùng những ngôn từ như khi thánh nhân nói về Đức Ki-tô trong bài thánh thi ở đầu thư gởi tín hữu Phi-líp-phê này. Như vậy, sau khi tự hạ mình và chịu chết, Đức Ki-tô được tôn vinh để đảm bảo sự thay hình đổi dạng của chúng ta.
TIN MỪNG (Lc 9: 28-36)
Câu chuyện Biến Hình được cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại. Mỗi năm trong ba năm phụng vụ trình bày một trong ba bài trình thuật này vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Vào Phụng Vụ Năm C này, chúng ta đọc bài trình thuật theo thánh Lu-ca.
Xét về cơ bản, cả ba bài trình thuật khá giống nhau. Tuy nhiên, chính những sắc thái của mỗi bài trình thuật làm cho chúng khác nhau. Thánh Lu-ca đem đến những xác định riêng của mình.
Trước tiên, thánh ký gợi lên khoa thần học về vinh quang được liên kết với viễn cảnh của cuộc Tử Nạn; nhờ sắc thái này, bài trình thuật của thánh nhân mang một âm hưởng của Tin Mừng Gioan. Người ta đã nghĩ rằng nguồn thông tin của thánh ký đã có thể là thánh Gioan, một trong ba nhân chứng trực tiếp của biến cố Biến Hình này.
Thứ nữa, như thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, thánh Lu-ca định vị biến cố Biến Hình chỉ vài ngày sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô và lời loan báo đầu tiên của Chúa Giê-su về cuộc Tử Nạn của Ngài. Tuy nhiên, thánh Lu-ca đặt lời tuyên xưng của thánh Phê-rô ngay liền biến cố Bánh Hóa Nhiều, như thánh Gioan, chứ không sau này như thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu.
Ngoài ra, thánh Lu-ca cũng khác biệt hai Tin Mừng nhất lãm kia về một điểm có ý nghĩa khác, ngay trước bài trình thuật của mình về cuộc Biến Hình. Khi Chúa Giê-su loan báo cho các môn đệ của Ngài cuộc Tử Nạn sắp tới của Ngài, Ngài liên kết lời loan báo của Ngài với hai thị kiến để làm yên lòng các môn đệ: thị kiến “Con Người từ cõi chết sống lại” và thị kiến “Con Người ngự đến trong vinh quang”. Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu viết: “Con Người ngự đến trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8: 38; Mt 16: 27); còn thánh Lu-ca đính chính: “Người ngự đến trong vinh quang của mình và vinh quang của Chúa Cha” (Lc 9: 26). Theo thánh Lu-ca, vinh quang của chính Chúa Giê-su sẽ là một nét đặc trưng trong bức tranh về biến cố Biến Hình.
Biến cố này phải được khảo sát dưới hai khía cạnh: cuộc Biến Hình được sống bởi Chúa Giê-su và cuộc Biến Hình được sống bởi các nhân chứng.
1.Biến cố Biến Hình đối với Chúa Giê-su:
A-Chúa Giê-su cầu nguyện:
“Đức Giê-su lên núi cầu nguyện”. Địa danh của Núi không được nêu tên, có lẽ một ngọn đồi miền Ga-li-lê mà Đức Giê-su có thói quen rút lui một mình. Nhưng trong Kinh Thánh, núi được liên kết với mặc khải của Thiên Chúa. Vả lại, núi này sắp mặc lấy một dáng dấp núi Xi-nai trong vài giây phút. Hơn nữa, khi kể ra việc Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện, thánh Lu-ca có chủ ý nhấn mạnh thái độ này của Đức Giê-su. Quả thật, chỉ một mình thánh ký kể ra việc Chúa Giê-su cầu nguyện vào giây phút này, cũng như chỉ một mình thánh ký đã chỉ ra việc Chúa Giê-su cầu nguyện khi Ngài chịu phép rửa của Gioan Tầy Giả. Trong cả hai trường hợp, “Trời” đã đáp trả bằng mặc khải hầu như giống nhau.
Trong khi Chúa Giê-su cầu nguyện, “dung mạo của Ngài bổng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. Thánh Lu-ca mô tả những thay đổi như vậy để tránh kiểu nói: “biến đổi hình dạng” được dùng bởi thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, bởi vì đối với thánh Lu-ca, kiểu nói: “biến đổi hình dạng” âm vang ngôn từ ngoại giáo. Như vậy, thánh ký định vị biến cố Biến Hình ở lòng cuộc sống nội tại của Chúa Giê-su, như một thực tại thần bí xuất phát từ chính Chúa Giê-su; Ngài không đón nhận biến cố này từ bên ngoài; vào lúc đó, nhân cách thực sự của Ngài được bày tỏ ra một cách tỏ tường.
B-Sự hiện diện của hai nhân chứng có thế giá: ông Mô-sê và ông Ê-li-a:
“Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a”. Rõ ràng, thánh ký ám chỉ luật Mô-sê, theo đó tính xác thực của một sự kiện chỉ được chấp nhận nếu ít nhất có hai nhân chứng (Đnl 19: 15). Cả hai nhân vật này: ông Mô-sê và ông Ê-li-a, đều đã gặp gỡ Thiên Chúa trên núi thánh; và cả hai, theo truyền thống, đều được đưa lên trời bên cạnh Thiên Chúa một cách mầu nhiệm: ông Ê-li-a được đưa lên trời trên một chiếc xe lửa, trước mắt của người môn đệ mình là ông Ê-li-sê (2V 11-12); còn ông Mô-sê, không ai đã thấy ngôi mộ của ông (Đnl 34: 5-6). Chắc chắn ông Mô-sê tiêu biểu Lề Luật, còn ông Ê-li-a đại diện trào lưu ngôn sứ, nhưng trên hết, không ai xứng đáng hơn hai nhân vật này làm chứng về Đấng Mê-si-a.
“Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển”. Đây là lời ghi chú riêng của thánh Lu-ca, ông Mô-sê và ông Ê-li-a được dự phần vào ánh vinh quang của Thiên Chúa. “Họ nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. Chỉ một mình thánh Lu-ca xác định điều này. Từ “xuất hành” gợi lên rằng Chúa Giê-su là Mô-sê mới, Đấng sắp giải phóng con người khỏi cảnh đời nô lệ và hướng dẫn dân Ít-ra-en Mới về vương quốc Thiên Chúa, qua cuộc Vượt Qua của Ngài từ Tử Nạn đến Phục Sinh.
Như vậy, biến cố Biến Hình nhằm củng cố niềm tin của chúng ta: hậu cảnh của cuộc quy tụ ở trên núi Biến Hình này là đồi Gôn-gô-tha và vinh quang sau này của Ngài. Vào lúc Chúa Giê-su khởi sự phần khó khăn nhất của sứ mạng Ngài, Ngài nhận được niềm an ủi đặc biệt. Chúa Giê-su được đảm bảo rằng con đường đau khổ mà Ngài sắp đi qua, sẽ dẫn Ngài đến vinh quang, vinh quang mà Ngài đã sở hữu trước khi nhập thể, và vào lúc này Ngài lấy lại một thoáng ánh vinh quang này. Biến cố Biến Hình là sự nâng đỡ tâm lý và tinh thần quan trọng bậc nhất mà Chúa Giê-su đã đón nhận trong suốt sứ vụ của Ngài, ít ra trong chừng mực mà chúng ta có thể biết.
2.Biến cố Biến Hình đối với ba môn đệ:
A-Họ sẽ là những nhân chứng:
Đức Giê-su “đem theo các ông Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê”. Đây cũng là ba vị Tông Đồ mà Chúa Giê-su cũng đã chọn làm nhân chứng về cuộc phục sinh bé gái của viên trưởng hội đường, ngỏ hầu họ hiểu một cách chính xác mối liên hệ giữa Biến Hình và Phục Sinh. Cũng chính ba người môn đệ này mà Chúa Giê-su sẽ đem theo riêng với Ngài vào vườn Ô-liu ở đó họ sẽ là nhân chứng về cơn hấp hối của Ngài.
B-Giấc ngủ của ba môn đệ:
Trong khi Chúa Giê-su cầu nguyện, các môn đệ “ngủ mê mệt”. Sự kiện chính xác sẽ được tái diễn ở vườn Ô-liu ở đó cũng chính ba môn đệ này ngủ mê mệt. Chắc chắn là giấc ngủ tự nhiên, trừ phi là một trong trong những giấc ngủ đánh dấu khoảng cách giữa con người và mầu nhiệm Thiên Chúa, như giấc ngủ của tổ phụ Áp-ra-ham trong bài đọc I, hay giấc ngủ của ông A-đam trong sách Sáng Thế.
“Khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Chúa Giê-su và hai nhân vật đứng bên Người”. Việc kể ra vinh quang của Chúa Giê-su ở trung tâm bài trình thuật của Lu-ca khiến người ta nghĩ đến Tựa Ngôn của Gioan: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1: 14). Sau này, thánh Phê-rô và các bạn đồng môn của ông sẽ phải đảm nhận một công việc khó khăn là rao giảng một Đức Ki-tô bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp, vào giây phút này lại chiêm ngưỡng cũng một Đức Giê-su vinh quang giữa hai nhân vật nổi danh của lịch sử Ít-ra-en. Núi Biến Hình là phản đề của đồi Gôn-gô-tha.
C-Cuộc thần hiển:
Thánh Phê-rô, bốc đồng và nhiệt thành, muốn dừng thời gian lại, cố định thị kiến này mãi mãi. Thánh nhân đề nghị dựng ba cái lều, một cho Đức Giê-su, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a; thánh nhân không nghĩ đến mình, cũng như các bạn đồng môn của mình. Có thể thánh nhân nghĩ đến Lễ Lều, biểu tượng sự chờ đợi Đấng Mê-si-a…Nhưng “ông không biết mình đang nói gì”; biến cố vượt quá khả năng hiểu biết của thánh nhân.
“Ông còn đang nói, thì bổng có một đám mây bao phủ các ông”, như quyền năng của Chúa Thánh Thần đã bao phủ Đức Ma-ri-a, và như Đám Mây trong Cựu Ước biết bao lần vừa bày tỏ vừa che phủ sự hiện diện của Thiên Chúa, đó cũng là đám mây trên đó Con Người sẽ ngự xuống vào ngày cánh chung…
“Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ”. Đám mây này bao phủ các ông, như vậy hiệp nhất các ông với Đức Giê-su và liên kết các ông với mầu nhiệm của Ngài, vào trong bí mật của một mặc khải mà các ông sẽ không dám thuật lại cho bất kỳ ai về những điều mình đã chứng kiến.
Một tiếng nói vang lên ngỏ lời với các ông, một tiếng nói công bố Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Cha đã chọn, như vào lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa, nhưng thêm vào một mệnh lệnh khẩn thiết: “Hãy vâng nghe lời Người”. Mệnh lệnh này chắc chắn ám chỉ đến kinh “Shema Israen” , kinh bắt đầu với “Hãy nghe, hỡi Ít-ra-en”. Thánh Phê-rô và các bạn đồng môn đại diện dân Ít-ra-en mới.
“Hãy vâng nghe lời Người!”: mọi điều Thiên Chúa muốn nói cho nhân loại Ngài đã nói qua Đức Ki tô, thời gian viên mãn đã đến (x. Dt 1: 1). Thánh Gioan Thánh Giá giải thích: “Hãy chăm chú nhìn vào một mình Ngài, vì ở nơi Ngài Ta đã nói và mặc khải cho con mọi điều, và ở nơi Ngài con sẽ gặp thấy thậm chí nhiều hơn điều con xin và ước muốn…Hãy lắng nghe Ngài, vì Ta không có thêm niềm tin để mặc khải, cũng không có thêm những điều gì để tuyên bố” (Ascent o f Mount Carmel, book 2, chap. 22, 5).
3.Bài học của cuộc Biến Hình:
Qua cuộc Biến Hình, Đức Giê-su củng cố đức tin của các môn đệ Ngài bằng cách mặc khải thân thể vinh quang của Ngài sau khi Ngài sống lại. Ngài muốn họ nhận ra rằng cuộc Tử Nạn của Ngài sẽ không là dấu chấm hết nhưng đúng hơn con đường Ngài phải đi qua để đạt đến vinh quang của Ngài. “Đối với một người đi liền một mạch trên đường, người ấy phải có một sự hiểu biết nào đó về cùng đích – giống như một cung thủ sẽ không bắn liền ngay mũi tên trừ khi trước hết người ấy thấy mục tiêu…Điều này đặc biệt cần thiết nếu con đường thì cam go hay gập ghềnh, cuộc ra đi nặng nhọc, thì cùng đích lại thú vị” (St Thomas Aquinas, Summa theologiae, III, q. 45, a. 1).
Qua biến cố Biến Hình, Đức Giê-su vén mở một trong những phẩm chất của thân thể được tôn vinh, thân thể của các thánh sẽ rạng ngời vinh hiển như lời của Chúa Giê-su được ghi lại trong Tin Mừng Mát-thêu: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ” (Mt 13: 43). Về phẩm chất thân xác được tôn vinh này, thánh Phao-lô khi thì gọi vinh quang: “Gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang” (1Cr 15: 43), khi khác thì gọi vinh hiển: “Người có quyền năng…mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3: 21). Về vinh quang này dân Ít-ra-en đã chiêm ngắm hình ảnh nào đó trong sa mạc, khi gương mặt của ông Mô-sê, sau cuộc gặp gỡ và trò chuyện với Thiên Chúa trên núi Xi-nai, đã chói sáng rạng rỡ đến mức họ không thể nhìn vào gương mặt của ông (Xh 34: 29; 2Cr 3: 7). Tất cả mọi thân thể của các thánh sẽ không bị hư nát, nhưng dự phần vào hạnh phúc trọn vẹn bên cạnh Thiên Chúa.
(*) Tựa đề do BBT. WGPBR đặt