Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa
KITÔ HỮU ĐÍCH THỰC
Lm. Giuse Đinh lập Liễm
***
Trước khi bước vào đời sống công khai đi rao giảng Tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đến xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình tại sông Giorđan. Ngài hòa nhập với dòng người đến nhận phép rửa, không phải để xin ơn tha tội vì Ngài là Đấng trong sạch vô cùng, nhưng Ngài nêu gương khiêm hạ cho mọi người; đồng thời thánh hóa nước để thanh tẩy trong phép Rửa tội mà Ngài sẽ thiết lập.
Sau khi được kéo ra khỏi nước và đang khi cầu nguyện, Chúa Giêsu thấy” trời mở ra và Thánh Thần hiện hình giống như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán rằng :”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,21-22). Đấy là lời Chúa Cha tuyên phong Đức Giêsu là Đấng Messia để ra đi rao giảng Tin mừng cứu độ.
Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Rửa tội để tha tội cho chúng ta. Mọi người đã được chịu phép Rửa tội đều được gọi là Kitô hữu, một danh hiệu vô cùng cao quí. Vì thế, mỗi Kitô hữu phải sống cho xứng với hồng ân được mang danh Chúa Kitô, được sát nhập vào Chúa Kitô. Mọi người phải lo chu toàn sứ vụ của mình đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo hội và đối với mọi người, để đời sống của chúng ta phải được ca ngợi là chứng nhân trung thành của Chúa, có một đời sống “nội thánh ngoại vương”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Is 42,1-4.6-7.
Khi ấy dân Do thái bị thử thách nặng nề, phải đi đầy ở Babylon. Để khích lệ họ,ïtiên tri Isaia loan báo : họ vinh dự được Thiên Chúa chọn làm đầy tớ lý tưởng của Ngài, có trách nhiệm giới thiệu Thiên Chúa cho dân ngoại.
Đây là bài thứ nhất trong 4 bài ca về Người Tôi Tớ trong sách đệ nhị Isaia. Vì được Thánh Thần ngự trên mình, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa là Đấng mạnh mẽ và sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Nhưng Ngài không thích dùng bạo lực, trái lại, Ngài yêu thương cứu vớt những kẻ tội lỗi yếu đuối, “không lớn tiếng”, “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn leo lét”.
Tất cả những nét Isaia mô tả Người Tôi Tớ đều được thực hiện nơi Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu sẽ đảm nhận vai trò Người Tôi Tớ. Vai trò này, Ngài sẽ hoàn thành khi biến tôn giáo của đức tin thành một sự ưng thuận thắm tình con thảo mà mọi người đều có thể nói lên, dù người ấy thuộc bất cứ nền văn hoá hay quốc gia nào. Theo gương Đức Kitô, các Kitô hữu cũng phải thực hiện nhiệm vụ trên.
+ Bài đọc 2 : Cv 10,34-38.
Đây là phần đầu bài giảng của thánh Phêrô ở Cêsarêa cho ông Corneliô, viên sĩ quan Rôma và gia đình của ông để giúp họ hoán cải và chịu phép rửa. Đây là một việc làm có tính cách cách mạng vì từ trước đến nay các tông đồ chưa nghĩ đến việc cho người ngoại gia nhập Giáo hội.
Trong bài nói chuyện với người Do thái, Phêrô cho biết sở dĩ Ngài dám làm như vậy vì “Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai, hễ ai thực hành sự công chính, đều được Ngài đón nhận”. Chính Đức Giêsu Nazareth đã được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng xức dầu tấn phong Ngài và Ngài đã đi khắp nơi để ban phát ơn lành.
+ Bài Tin mừng : Lc 3,15-16.21-22.
Cả 3 bài Tin mừng của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa có rất nhiều điểm giống nhau. Chúng ta có thể chia bài Tin mừng thành 2 phần :
* Phần một : Ông Gioan thanh minh là mình không phải là Đấng Kitô như người ta tưởng. Có Đấng sẽ đến sau ông và cao trọng hơn ông. Hiện nay ông chỉ rửa họ bằng nước, còn Đấng đến sau sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.
* Phần hai : Đức Giêsu nhận phép rửa của ông Gioan và trong nghi lễ này Đức Giêsu được tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu thế. Đó chính là ý nghĩa việc Thánh Thần hiện xuống,”các tầng trời mở ra”, cách diễn tả lấy lại của Isaia 63,11-14.19 khi công bố tấn phong một vị giải phóng mới. Có tiếng nói từ trời vang trên Đức Giêsu, tiếng nói ấy cũng thuộc về nghi thức phong vương một vị vua mới :”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Kitô hữu đích thực
I. CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
- Phép rửa tại sông Giorđan
Chúng ta đang ở bên bờ sông Giorđan, nơi Gioan Tẩy giả rao giảng, kêu gọi mọi người sám hối, nhận phép rửa để được ơn tha thứ. Thế nhưng, chúng ta thấy rằng điều quan trọng không phải chỉ nhằm ở việc ông Gioan rao giảng, mọi người tuốn đến lãnh nhận phép rửa,… mà đó còn xẩy ra một sự kiện hết sức trọng đại : Chúa Giêsu cùng với bao nhiêu người khác đi vào dòng sông Giorđan để lãnh nhận phép rửa từ tay ông Gioan.
Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa không chỉ là bước khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin mừng mà Chúa sẽ thực hiện sau này; biến cố chịu phép rửa cũng không chỉ là việc Chúa Giêsu được Gioan Tẩy giả giới thiệu mà đó còn là một sự kiện xuất phát từ chính Thiên Chúa được minh chứng bằng những việc lạ lùng như việc trời mở ra và việc Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự trên Người cùng với lời tuyên phong của Chúa Cha.
Đời sống công khai của Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc Người chịu phép rửa (Lc 3,21). Mặc dầu phép rửa mà Chúa lãnh nhận không phải là bí tích rửa tội, nghĩa là không để được tha tội vì Người không có tội, phép rửa đó cũng đánh dấu quyết liệt trong đời sống của Người. Phép rửa đánh dấu cái sứ mệnh công khai của Người trong việc rao giảng và chữa lành. Người chịu phép rửa để thánh hóa nước để trở thành chất thể trong bí tích rửa tội do Người thiết lập.
2. Chúa Giêsu được tấn phong
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên ý tưởng một cuộc lễ phong vương. Ngày xưa khi một vị hoàng vương được tôn lên làm vua thì họ phải trải qua một cuộc phong vương gồm ba sự việc :
– Phải tắm rửa sạch sẽ.
– Phải được xức dầu.
– Phải được tôn phong làm vua.
Hôm nay khi sắp ra giảng đạo để thi hành sứ mệnh Thiên Sai, Chúa Giêsu cũng được tấn phong làm vua qua ba nghi lễ như sau :
+ Trước tiên Người chịu phép rửa của Gioan dưới sống Giorđan như một dấu ăn năn sám hối, mặc dầu Người là con chiên trong sạch.
+ Sau đó, “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người”(Cv 10,38b; Is 61,1), để trở nên Đấng Thiên Sai :”Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế”(Cv 10,38c).
+ Cuối cùng, Người đã được Chúa Cha công nhận là Vua Cứu Thế và là Con Thiên Chúa, như Tin mừng Luca viết:”Khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng :”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,22).
- Dấu chỉ Bí tích Rửa tội.
Câu hỏi tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa ? Các thánh sử đưa ra nhiều khía cạnh như Matthêu (3,14-15), Luca (3,21) hay Gioan (1,31-34). Các thánh giáo phụ còn đưa ra nhiều lý do khác, ví dụ Chúa chạm đến nước để thánh hóa nước và làm cho nước được thần lực tẩy xóa tội lỗi trong Bí tích Rửa tội…
Chúa Giêsu xin đến rửa, không phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Người chịu phép rửa là có ý nói lên : từ nay, Người chung số phận với người tội lỗi và đó là tất cả ý nghĩa đời Người, và cuộc đời này chỉ hoàn tất với Phép Rửa cuối cùng, của sự chết (Lc 12,50) vì chết là cùng chung số phận của con người tội lỗi, con người bị sa ngã và là số phận bi đát nhất, tệ hại nhất.
Chúa Giêsu đến với ông Gioan để lãnh nhận phép rửa, nhưng chính ông Gioan đã khẳng định ông chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Chúa Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Chúa Giêsu đã khai mở bí tích Rửa tội cho những kẻ theo Người bằng việc đích thân Người xin lãnh phép rửa từ Gioan. Chúa Giêsu muốn chúng ta có sự tiếp nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới, tiếp nối giữa lời rao giảng của vị tiên tri cuối cùng cao đẹp hơn tất cả các vị trước với lời rao giảng của chính Người để thiết lập Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, lễ rửa này Người đã biến đổi để có thể thực sự khai mào cho Bí tích Rửa tội.
II. HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI.
Khi Chúa Giêsu để cho Gioan dìm mình trong nước không phải là để thanh tẩy Người vì Người không vương tội lỗi, Người muốn nói lên một ý nghĩa khác, đó là loan báo cái chết và sự phục sinh của Người : dìm mình xuống nước là biểu hiệu cái chết, trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.
Khi chúng ta nhận lãnh bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào sự chết và sống lại của Người. Chúng ta vào đời khi được sinh ra, và vào đạo Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong phép rửa tội chúng ta được thanh tẩy mọi tội lỗi, tội tổ tông và tội riêng. Do đó, nó biến chúng ta thành “một tạo vật mới” (2Cr 5,17), một nghĩa tử của Thiên Chúa (Gl 4,5-7), được thông phần vào sự sống thần linh (2Pr 1,4), trở nên chi thể của Chúa Kitô (Rm 8,17) và được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,15).
Đó chính là ơn siêu nhiên, “ơn thánh hóa”, “ơn sủng của sự công chính hóa” mang lại các nhân đức đối thần và luân lý, cùng các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tóm lại, “toàn bộ cơ thể của sự sống siêu nhiên của người Kitô hữu bắt nguồn nơi bí tích Rửa tội (Giáo lý Công giáo, số 1266).
Ngày được chịu phép rửa tội là một ngày trọng đại, ngày đáng ghi nhớ của chúng ta. Đức Giáo hoàng Piô XI đã nói với hàng ngàn thanh niên nhân ngày kỷ niệm rửa tội của Ngài :”Ngày chịu phép rửa tội là ngày cao quí nhất của đời Cha. Cũng như ngày các con chịu phép rửa tội là ngày cao quí nhất của đời các con”.
Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, một hồng ân cao quí Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta cũng nên có một vài cảm nghĩ về phép Rửa tội.
Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa tội trong nhà thờ.
Chúng ta được rửa bởi tất cả các biến cố xẩy ra trong đời :
– Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn : đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì gian trá và vô dụng.
– Chúng ta được rửa bởi những đau khổ, buồn rầu : đó là những dòng nước u ám nhưng chỉ có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.
– Chúng ta được rửa bởi niềm vui : đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.
– Chúng ta được rửa bởi tình yêu : đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.
Phép rửa là một hạt giống, cần phải nảy mầm trong suốt cả đời sống.
(Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm C, tr 119)
III. KITÔ HỮU, NGƯỜI LÀ AI ?
Tất cả những người chịu phép rửa tội đều được gọi là Kitô hữu, một danh hiệu cao quí mà chính thánh Phaolô đã gọi lần đầu tiên ở Antiochia :”Barnabê và Saulê đến thành Antiochia. Hai người gặp dân chúng trong nguyện đường và dạy dỗ nhiều người. Chính ở Antiochia lần đầu tiên, những tín hữu được gọi là Kitô hữu”(Cv 11,26)
Nhờ phép rửa tội, chúng ta được mang tước hiệu là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Đức Kitô, được mang danh Chúa Kitô. Kitô hữu là một Kitô khác (Alter Christus). Mỗi Kitô hữu là một nối dài của chính Đức Kitô. Đó là tước hiệu cao cả của chúng ta. Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè mà phải luôn chiếu tỏa từng giây phút của cuộc sống.
Truyện : Kitô là gì ?
Sau đệ nhị thế chiến, tại một vùng mỏ than bên Anh, người ta hỏi tụi con nít :
– Kitô là gì ?
Chúng trả lời :
– Là một tiếng chửi thề.
Điều tra ra mới biết người lớn ở vùng này dùng từ Kitô để chửi thề.
Ở Việt nam, trước giải phóng, có một hãng bột giặt lấy tên Kitô mà đặt cho một loại sản phẩm của họ, cũng như một hãng mì ăn liền lấy tên Phật Tổ để đặt tên cho mì chay họ sản xuất
Vậy mà người Công giáo lẫn Phật giáo chẳng thấy ai phản đối. Trong khi đó, ở Pháp, hồi cuối thập niên 50, hãng phô-mai sản xuất loại “con bò cười”, trước tiên gọi nó là “con bò cầu nguyện” (La vache qui prie), đã bị các Kitô hữu kiện, vì đã nhạo báng tôn giáo.
(Thiện Cẩm, Trái chín đầu mùa, tr 13)
Kitô hữu phải là người mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài như thánh Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Rôma :”Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”(Rm 13,14). Mặc lấy Chúa Kitô là trở nên chính Chúa Kitô để có thể nói :”Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).
Một người đàn bà quan sát người ta phân phát quần áo cũ cho người lang thang ngoài đướng phố. Thình lình một ý tưởng đến với bà : Nếu mang áo quần của người khác, gầy dép của người khác, thì mình sẽ như thế nào ? Và từ đó bà khám phá ra ý nghĩa của Kitô giáo. Kitô hữu là người mang giầy của người khác : giầy của Chúa Kitô. Họ đi đến nơi mà Chúa Giêsu muốn đến và làm những gì Ngài muốn thực hiện. Và đó cũng là ý nghĩa của việc muốn trở thành Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay.
Khi mang giầy của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy dễ chịu đến mức độ nào ? Và đôi giầy làm tôi khó chịu ở chỗ nào ? Mỗi đặc tính đều có một động lực bên trong. Xin hãy để cho Chúa Kitô là động lực đó. Mỗi hành động đều có một ý nghĩa chính. Xin hãy để cho Đức Kitô là ý nghĩa chính đó (Henry Drummond).
Định nghĩa trên nghe cũng hay hay. Dùng những từ như : việc mặc lấy, mang lấy giầy của Chúa Kitô, để diễn tả phần nào thực thể người Kitô là ai, việc dùng từ như vậy, không diễn đạt hết thực thể của người Kitô. Người Kitô không phải chỉ là là kẻ mang giầy của Chúa mà phải là chính Chúa Kitô, Ngài như thế nào, chúng ta phải như thể ấy.
Khi nói về Kitô hữu, sử gia Tertullianô viết :
“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ đã và phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, bởi vì họ đã đi cùng một đường với Chúa.
Câu :”Kẻ muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cũng như bị cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng hiện hình. Hèn gì mà trên tín trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi trệch đường” .
IV.SỨ VỤ NGƯỜI KITÔ HỮU.
Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa là ngày Ngài được tôn phong để đi rao giảng Tin mừng cứu độ. Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng Thiên Sai, mà dân tộc Israel hàng ngàn năm mong đợi.
Đức Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo. Mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi :”Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo hội và đối với những anh em không cùng tín ngưỡng” ?
Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu phép rửa không thể không nhắc nhở chúng ta nhớ đến sứ vụ của người Kitô hữu. Nhờ Bí tích Rửa tội chúng ta được nhận làm con Thiên Chúa, được hưởng gia tài vĩnh cửu của Thiên Chúa và nhất là cùng được sai đi đến với mọi người. Không việc làm gì cụ thể khác hơn là chúng ta học theo mẫu gương của Đức Giêsu và thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng, để nối tiếp công việc của Ngài.
Là con cái Thiên Chúa quả là một hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nhưng chúng ta phải làm gì để Chúa Cha được hài lòng ? Nếu Bí tích Rửa tội được cử hành cần đến nước thì cuộc sống người Kitô hữu cũng cần được gội rửa trong nước để trở nên thanh sạch và bắt đầu cuộc sống mới, trở nên con người mới thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa. Muốn được như vậy mọi suy nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta phải phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, hơn là ý riêng của mình, và hãy để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt như Đức Giêsu.
Truyện : Nội ngoại đồng nhất.
Có hai người bộ hành đi đường xa mệt nhọc, đêm đến phải vào ngủ trong một cái miếu nổi tiếng là có ma quái. Một người là Kitô hữu tin tưởng vào sự che chở của Chúa nên không chút sợ hãi. Trái lại, người bộ hành không phải Kitô hữu lại cảm thấy lo sợ, nên đã đề nghị với người bạn cho mình mượn Thánh giá đeo cổ.
Quả thực, đêm đó yêu tinh xuất hiện, nó lần mò đến từng người, sờ vào cổ người Kitô để sát hại. Con yêu tinh mới thốt lên :”Người này có trong mà không có ngoài”, nghĩa là người này là Kitô đích thực, dù không đeo một dấu hiệu nào.
Sang người bộ hành kia, con yêu tinh chạm đến Thánh giá trên cổ người ấy mà nói :”Người này có ngoài mà không có trong”, nghĩa là người này tuy mang Thánh giá, nhưng không phải là Kitô hữu đích thực.
Chúng ta là những Kitô hữu. Chúng ta thi hành các bổn phận đạo đức, chúng ta mang trên mình nhiều hình ảnh của Chúa và Đức Mẹ, nhưng liệu tâm hồn chúng ta có đích thực là tâm hồn Kitô hữu không ? Hay có lẽ chúng ta chỉ có cái bên ngoài hào nhoáng của thời trang, mà bên trong lại trống rỗng (Mỗi ngày một tin vui, tr 119).
Chúng ta thường gọi vua Đavít là thánh vương. Người Á đông cũng gọi các vua đạo đức thánh thiện là “thánh vương” như vua Văn, vua Vu thời xưa. Người ta lấy câu nói của Vương Dương Minh làm châm ngôn cuộc sống của các vị ấy :”Nội thánh, ngoại vương”, bên trong là vị thánh, bên ngoài là một ông vua.
Người Kitô hữu được tham dự vào chức tư tế vương giả của Đức Kitô, và cung cách vương giả của Đức Kitô chính là lòng quảng đại, biểu hiệu một tâm hồn luôn liên kết với Thiên Chúa Tình yêu.
Ước gì mọi tư tưởng, mọi hành động của chúng ta đều là một thể hiện của niễm tin sâu xa của đời sống đạo đích thực, chân thành và không giả dối.