CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG
CUỘC THĂM VIẾNG CỦA ĐỨC MARIA
Chú giải của Fiches Dominicales
***
ĐỨC MẸ ĐI THĂM VIẾNG: CUỘC GẶP GỠ ĐẦU TIÊN VÀ NHIỆM MẦU GIỮA ĐỨC GIÊSU VÀ GIOAN, VỊ TIỀN HÔ CỦA NGƯỜI
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
- Một cảnh liên hệ chặt với Truyền Tin
Trước khi cáo từ ra đi, Sứ thần Truyền tin đã chỉ dẫn cho Đức Maria một dấu chỉ: “Kìa bà Eâlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là “hiếm hoi”, mà nay đã có thai được sáu tháng”. Thế là Đức Maria, hình ảnh Giáo Hội truyền giáo người mang Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, tức thì “vội vã lên đường đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa”. H. Cousin nhận định: “Luận đề về con đường xuất hiện lần đầu tiên trong một công trình, ở đó các nhân vật di chuyển nhiều. Lời khởi sự cuộc hành trình, và cuộc chạy (“lanh lẹ”) (của Lời cuối cùng dẫn Lời tới Rôma, biểu tượng của những miền đất xa xôi có người ở” (Cv 1,8. 28, 30-31) (L’ Evangile de Luc”, Centurion, trg 30).
Chúng ta chẳng được biết gì hơn về cuộc hành trình của Đức Mẹ xuống miền Nam. Như cha Lagrange tính toán, thì cuộc hành trình ấy có thể phải mất bốn ngày. Chủ tâm của tác giả Luca là muốn tập trung vào lúc tới nơi để có thể tạo cảnh làm nhịp cầu nối kết hai giai đoạn mà trước đây Luca đã triển khai riêng rẽ: giai đoạn của Gioan Tẩy Giả và giai đoạn của Đức Giêsu.
- Cho biết số mệnh nhiệm mầu của hai con trẻ sắp sinh ra.
Trong cảnh Truyền tin, Đức Maria vừa mới nhận được lời chào của Thiên thần, liền chuyển lời chào ấy tới người chị họ của mình: “Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Elisalbét”. F. Bovon nhận xét, “Trong những chương này có nhiều lời chào hỏi, vì có nhiều cuộc gặp gỡ, bởi lẽ là Thiên Chúa can thiệp và khai mào ơn cứu độ thông qua những mối tương quan của con người” (Tin Mừng theo thánh Luca 1-9, Labor et Fides, trg 86). Và lời chào hỏi của Đức Maria châm ngòi cho tiến trình ấy. Khi lời chào ấy vừa lọt tai bà Êlisabét thì đứa con trong bụng bà nhảy lên; một sự nhảy mừng mà bản dịch đã dùng một từ làm giảm đi sức mạnh, bởi vì nguyên văn tiếng Hy Lạp là “nhảy cẫng lên”, “nhảy tung lên”, “nhảy múa”.
Vì được đầy tràn Thánh Thần, ngay cả trước khi chào đời, nên Gioan nhìn thấy bình minh của kỷ nguyên mới đang ló dạng và bằng cách thi hành trước sứ mệnh của mình; như vậy ông nói tiên tri không phải bằng lời nói, nhưng bằng cử động nhảy tung lên, rằng Đấng mà người ta trông đợi đến vào ngày tận thế, thì từ nay người đang có mặt đây rồi: “Thiên Chúa không chỉ dùng những lời nói, mà còn sử dụng cả ngôn ngữ của thân xác nữa”. F. Bovon còn nhận xét thêm như vậy.
+ Được đầy tràn Thánh Thần, bà Êlisabél đọc được ý nghĩa của động tác con trong bụng mình nhảy lên vui sướng và ý nghĩa của cuộc hội ngộ mà bà đang sống.
+ Bằng một tiếng kêu lớn bà tỏ vẻ ngỡ ngàng, bà Êlisabét nhìn nhận rằng Đức Maria và “hoa trái của lòng” mà Maria đang cưu mang đều được Chúa chúc phúc.
+ Rồi bằng danh hiệu “Thân mẫu Chúa tôi”, bà tung hô người con của người em họ mình là Đấng mà Tv 109,1 đã loan báo, Đấng Kitô Đức Chúa.
+ Sau cùng theo hình thức một mối phúc, bà tán tụng lòng tin của Đức Maria. “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Đức Maria “đã cưu mang trong tinh thần trước khi cưu mang trong thân xác mình”, điều mà thánh Augustinô sẽ chú giải sau này.Cousin viết: “Mối phúc về lòng tin của Đức Maria, phân biệt tự căn bản người thiếu nữ ấy với ông Dacaria (câu 45) và những câu 42-45 cho phép Luca kết hợp lại trong chính bản thân Đức Maria hai mối phúc: phúc được làm mẹ Thiên Chúa và phúc vì có lòng tin; sau này ở 11, 27-28, hai mối phúc ấy lại được Luca tách riêng ra. Nhờ tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói, Đức Maria được làm mẹ: lòng tin của Người cần thiết để Thiên Chúa phải thực hiện những gì Người đã nói! Đức Maria là điển hình kẻ nghe Lời Chúa, là mô hình của người có lòng tin, là tín hữu đầu tiên. Bởi vậy, ta không nên coi thường phần Luca đóng góp vào kinh nguyện và suy niệm của Giáo Hội sau này liên can tới Đức Trinh Nữ Nadarét. Không ai chối cãi được rằng kiểu nói ” Thân Mẫu Chúa ” cũng là phiến đá đặt nền cho tước hiệu đầu tiên sau này, tước hiệu mà cả hai Giáo Hội Rôma cũng như Chính Thống sẽ tôn phong và ca mừng Đức Maria: “Théotokos”, “Mẹ Thiên Chúa”. (“L’evangile de Luc”. Centurion. trg 31)
BÀI ĐỌC THÊM
- Thăm viếng: gặp gỡ giữa hai người phụ nữ, giữa hai con trẻ, giữa hai giao ước
(H. Voulliez, “Dieu si proche”, Desclée de Brouwer, trg 17- 18).
“Thánh Kinh là cả một chuỗi dài những cuộc viếng thăm mà Thiên Chúa đã thực hiện với dân Người. Mặc dầu những bất trung thất tín của con người, và đôi khi vì chính những bất trung ấy mà từ chín tầng trời cao thẳm, Thiên Chúa vẫn thường xuyên ngự xuống trần gian. Một ngày kia, qua trung gian Sứ thần Gabrien, Người loan báo cho một thiếu nữ làng Nadarét, là Maria, biệt tin con Người đến. Tức thì người thiếu nữ ấy lên đường đi “thăm” người chị họ của mình là Êlisabét.
Hai người phụ nữ gặp nhau, và qua họ hai con trẻ là Gioan và Giêsu cũng gặp nhau. Rồi qua hai con trẻ ấy. hai Giao ước cũ và mới gặp nhau. Tường thuật của Luca về khoảnh khắc có một không hai này có giá trị còn hơn một trang sử giáo dục. Cuộc viếng thăm này mở ra một tương lai cực kỳ mới lạ. Từ nay qua trung gian con người, qua người con đã làm người mà Thiên Chúa viếng thăm nhân loại. Và cũng chính khi thăm viếng người ta, là ta thăm viếng Chúa vậy. Trong chuyến viếng thăm cuối cùng của Chúa vào ngày tận thế, người ta sẽ kêu lên ngỡ ngàng: “Nhưng có khi nào chúng tôi đã viếng thăm Chúa đâu? Và Chúa sẽ đáp lại họ: “Mỗi lần anh em thăm viếng những người ốm đau, nghèo khổ.. và bất cứ ai khác, là anh em đã thăm viếng chính Ta, anh em đã mở ra trên trần gian này, những con đường xuyên đồi đậm tình nghĩa thiết đời đời vậy “.
- “Cùng với Đức Maria hãy tin vào Thiên Chúa Đấng làm được mọi sự ngay cả những điều không thể được”
(G. Boucher, trong “Le ciel sur la terre”).
“Thế là lịch sử chuẩn bị sang trang, để khai trương một kỷ nguyên mới. Vậy mà thế giới vẫn chưa biết điều ấy. Chẳng bao lâu sau, một phần lớn nhân loại sẽ bắt đầu tính số năm và thể kỷ từ một biến cố có vẻ như không có gì quan trọng cả.
Người ta còn gọi thêm nữa là: năm một sau Đức Giêsu Kitô, thế kỷ thứ nhất sau Đức Giêsu Kitô, hai ngàn năm sau Đức Giêsu Kitô.
Trong niềm trông đợi ơn mạc khải về thế giới mới này, rất cả đều tuỳ thuộc vào quyết định của một người phụ nữ rất bình dị. Chỉ một mình người phụ nữ khiêm tốn, không tên tuổi ấy đang nắm giữ bí mật của đất và trời. Người phụ nữ ấy là MARIA, đang mang trong máu thịt mình; những lời hứa về một người con cùng chung một bản tính với Cha trên trời.
Những bà con của Người đã lấy làm lạ lùng. Trong nhà Dacaria và Êlisabét, người ta linh cảm rằng ơn làm mẹ của người em họ trẻ tuổi này là do lời Chúa hứa.
Thật là tuyệt vời khi nghe người phụ nữ sơn cước ấy chúc tụng một phụ nữ làng quê Nadarét, đồng thời cũng chúc tụng luôn cả hài nhi mà phụ nữ Nadarét ấy đang cưu mang và hài nhi ấy không bao lâu nữa sẽ cho người ta biết mặt và kế hoạch cứu nhân độ thế của mình!
Bà Êlisabét nhờ lớn tuổi hơn nên được đặc ân nhận ra một dấu lạ của trời ngay trong tư cách làm mẹ của bà; bà cũng phát hiện cùng một dấu lạ như thế nơi người em họ còn trẻ măng của bà. Khi nghe con mình nhảy mừng trong bụng, bà ức đoán rằng người em họ của mình là một người mẹ dã cùng với Thiên Chúa dấn thân trong cuộc phiêu lưu này.
Ai sẽ nói hết được những nỗi niềm và tâm tư mà hai chị em chia sẻ cho nhau lúc ấy? Ai sẽ kể hết được những lời kinh tuyệt vời mà hai người mẹ ấy cùng dâng lên? Bởi vì Tin Mừng vẫn luôn luôn nhấn mạnh đến một điều, đó chính là lòng tin của hai người phụ nữ này. Nên hạnh phúc thật mà họ có được là vì người này cũng như người kia đều đã tin vào một điều không thể xảy ra được.
Gần tới lễ Giáng sinh, chúng ta tán tụng lòng lin của Đức Maria. Một lòng tin đưa Mẹ đến dấn thân hào một chuyến đi không biết trước hậu quả, trên những miền đất của thiên Chúa. Một lòng tin khiến Mẹ mạo hiểm mang theo gánh nặng Chúa trao, để lặn lội vượt đèo lội suối đi tới nhà người chị họ Êlisabét. Một lòng tin vào Thiên Chúa Đấng làm được mọi sự. Một lòng tin tuyệt đối.
Ta hãy mừng vui ngây ngất trước nhan Mẹ! Nhưng còn mừng vui hơn nữa trước một Thiên Chúa dám chọn con đường của phàm nhân để bắt liên lạc với nhân loại.
Bởi lẽ Đức MARIA cho phép ta nhận ra ân huệ Chúa ban cho Mẹ do lòng tin, ân huệ mà Thiên Chúa cũng có ý định ban cho mỗi người chúng ta. Ta có biết đáp lại kế hoạch của Chúa dành cho ta bằng cũng một niềm tin phó thác như Đức Maria không?
Phúc thay nếu ta tin rằng “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được!”.