CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG
HOA QUẢ CỦA LÒNG THỐNG HỐI
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
***
Sau khi trình bày đề tài tổng quát trong việc rao giảng lòng thống hối của Gioan tẩy giả và những lời ông đe dọa án xử của vị Thiên sai (cc. 7-9), Luca cho thấy rõ những lời Gioan khuyên bảo những người đến bàn hỏi với ông. Vì Gioan tẩy giả không muốn bắt mọi người sống theo cách sống của ông. Thực ra ông có lập một nhóm môn đệ thân tín và dạy cho họ một công thức cầu nguyện (Lc 11,1); họ cũng có ngày ăn chay (Lc 5,33). Ông chuẩn bị cho họ cách đặc biệt để gởi họ cho Đấng Thiên sai ngay khi có thể.
Nhưng ông cũng kêu mời nhiều người khác sống thánh thiện tùy theo hoàn cảnh của mình. Ông ban cho mỗi người sống những lời khuyên tùy theo hoàn cảnh của mình. Ông ban cho mỗi người những lời khuyên thích hợp vị địa vị của họ. Với tất cả mọi người, ông truyền dạy phải thực thi bác ái; với nhân viên thu thuế và bộ đội, ông nhắc nhở sống công bình trong khi thi hành nhiệm vụ, chống lại những ước muốn tham lam. Đó là những ý kiến đúng và rõ ràng, có thể áp dụng ngay. Về phương diện này, Gioan không tự cho mình là người đầu tiên đưa ra những lời khuyên đó, ông chỉ lấy lại những yêu sách các tiên tri đã công bố. Đó là lời giảng dạy mà ta gặp thấy ví dụ như trong tiên tri Mikêa: “Với cái gì tôi sẽ trình diện trước Giâvê, tôi sẽ phủ phục trước Thiên Chúa Đấng tối cao? Tôi ra trình diện với của lễ, với bò con một năm ư? Đức Giavê lại thích hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Phải chăng tôi nên dâng con đầu lòng của tôi vì sự phạm pháp của tôi và trái của thân thể tôi vì tội lỗi linh hồn tôi sao? Hỡi ngươi, Người đã tỏ cho ngươi điều gì là thịên; điều mà Đức Giavê đòi ngươi lại không phải là thực thi công bình, yêu mến sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Thiên Chúa của ngươi sao? (Mi 6,6-8).
Như thế Gioan dạy một luân lý “tạm thời” mà trọng tâm là: “Hãy làm hết sức mình trong các hoàn cảnh hiện tại, đang khi chờ đợi thời đại thiên sai đến”. Vì thế ông không đòi buộc người ta phải tách lìa khỏi thế gian xấu xa hoặc phải từ bỏ các nghề nghiệp trong thế gian. Ông chỉ đòi hỏi lòng nhân hậu và đức công bình: đó là những hoa trái biểu lộ lòng sám hối đích thực trong lúc này. Những việc làm cụ thể của đức ái mà ông đề nghị đã được qui định trong CƯ (Is 58,7; Giop 31,17.19.21; Ez 18,7.16…) và trong đạo Do thái sau này, như là dấu hiệu phân biệt làng đạo đích thực đẹp lòng Giavê. Giáo huấn của Gioan chuẩn bị cho những đòi hỏi quyết liệt hơn của Chúa Giêsu (Lc 6,29t 32-36; Mt 5,39-48).
Sứ điệp của vị tiền hô liên quan đến Đấng Thiên Sai (cc. 15-18) được đóng khung trong một câu nhập đề và một câu kết luận theo lối hành văn thông thường trong Phúc âm thứ ba. Chúng ta biết dân chúng đang chờ đợi sự thực hiện các lời hứa Thiên sai. Cho nên lời rao giảng của Gioan gặp được thửa đất thuận lợi để sinh hoa trái vì ông loan báo Tin mừng (c.18). Nhưng dần dần người ta tự hỏi có phải Gioan là Đấng Thiên sai không, nên ông cố gắng đánh tan sự ngộ nhận đó.
Gioan so sánh phẩm giá của hai nhân vật mà dân chúng dễ lẫn lộn: người này là chủ, người kia là nô lệ. Để cho dân chúng hiểu rõ hơn, ông lấy hình ảnh người đầy tớ đi theo chủ tiệc đến dự tiệc: khi vào phòng tiệc, ông chủ cởi giày, thì người đầy tớ cúi xuống chân chủ (chi tiết này chỉ có Mc 1, tả lại thôi) để cởi sợi dây buộc giày và trong suốt bữa tiệc, người đầy tớ cầm giày của chủ trên tay (Mt 3,11). Trong cả ba Phúc âm nhất lãm, chúng ta có thể đọc lời tuyên xưng của vị tiền hô về địa vị thấp kém của mình đối với Đấng Thiên Sai. Ý tưởng diễn tả trong ba bản văn đều giống nhau; hình ảnh trình bày ý tưởng đó cũng giống nhau, nhưng trong các lời nói của Gioan, ba bản văn đã không giữ lại cùng một chi tiết của cũng một hình ảnh: hai bản Lc và Mc chú trọng đến cử chỉ của người đầy tớ đang cởi giày, bản văn Mt thì làm nổi bật thái độ của người đầy tớ xách đôi giày ấy.
Người ta cũng còn có thể so sánh hai phép rửa. Đó là điều mà Gioan đã không bỏ quên. Nét khác biệt rất rõ ràng: “Phần tôi, tôi thanh tẩy các người bằng nước… Đấng quyền thế hơn tôi… chính Ngài sẽ thanh tẩy các người trong Thánh Thần và lửa”.
Sự đối nghịch rõ rệt đó có thể làm cho ta tưởng rằng phép rửa do Đấng sẽ đến, Đấng Thiên sai, sẽ không là phép rửa bằng nước như phép rửa của vị tiền hô. Tuy nhiên, sau này Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô là sự tái sinh Kitô giáo được thực hiện bởi Thánh Thần và nước, trong phép rửa (Ga 3,1-10).
Phép rửa mà Đấng Thiên sai thiết lập sẽ vừa là một phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa. Nước chỉ nghi thức bên ngoài, rửa sạch trên thân xác, lửa là biểu tượng cho sự biến đổi trong tâm hồn sâu thẳm. Vì trong lúc nước chỉ chạm tới mặt ngoài của sự vật, thì lửa trái lại, xuyên thấu vào trong, thanh tẩy, soi sáng và đốt nóng Ta sẽ không tìm gặp được nơi phép rửa do Đấng Thiên sai lập một thứ lửa nào khác ngoài lửa của Thánh Thần: vì chính Ngài thánh hóa các tâm hồn.
Tuy nhiên về điểm này, hãy xem lại những giải thích đã học được trong loạt bài chú giải về Mt 3,11 (bộ chú giải phúc âm chủ nhật năm A). Có thể là trên bình diện lịch sử của Gioan tẩy giả, không nói đến phép rửa trong Thánh Thần, nhưng đúng hơn là phép rửa trong “gió” điểm này cho phép kết luận là chỉ “lửa” giữ nguyên cùng một ý nghĩa như “lửa phán xét” được nói qua cả đoạn văn. Sau nữa, khi người Kitô hữu đọc lại phúc âm, thì họ giải thích “gió” như là hơi thở của Thánh linh: lối giải thích như thế không có gì lạ, vì trong tiếng Do thái cũng như Hy Lạp, cũng một chữ đó (ruâ: Do thái; pneuma: Hy lạp) vừa chỉ gió và Thánh Linh. Cho nên theo lối tái lập lịch sử thì có lẽ Gioan tẩy giả đã nói đến phép rửa “trong gió và lửa” của sự phán xét; nhưng từ thuở ban đầu (có lẽ bắt đầu từ thời truyền khẩu) người Kitô hữu đã hiểu những chữ này như báo trước một phép rửa trong “gió hay trong Thánh Linh và lửa” của ngày hiện xuống.
Cũng nên nói ngay là hình như không cần phải hạn hẹp tầm quan trọng của Lời Gioan vào phép rửa Kitô giáo: “Ngài sẽ thanh tẩy các ngươi trong Thánh Linh và lửa”. Phải xem câu này là lời loan báo về sự chuyển thông Thánh Linh do Chúa Giêsu, hoặc bằng phép rửa Kitô giáo, hoặc bằng phép thêm sức, hoặc bằng các cách khác.
Đó là ngọn lửa lớn mà Chúa Giêsu đã đến để ném vào thế gian (Lc 12,49). Trước khi lên trời, ngay thăng thiên, Ngài đã truyền cho các tông đồ hãy ở lại Giêrusalem để chờ đợi “điều Chúa Cha đã hứa, như các con đã nghe Ta nói”. Vì chưng, Gioan đã được thanh tẩy bằng nước, còn các con, không mấy ngày nữa, sẽ được thanh tẩy bằng Thánh Thần (Cv 1,4-5). Và trong chính ngày hiện xuống, Chúa Thánh Thần đã xuống trên đầu họ dưới hình lưỡi lửa, đem lại phép rửa trong Thánh Thần và lửa cách tỏ tường (Cv 2,1-5).
Như thế, giữa phép rửa của Gioan và của Đấng Thiên sai không có cùng một giá trị. Phép rửa của Gioan không luôn luôn là phép rửa bằng nước và chỉ là phép rửa bằng nước. Đó là một nghi thức tượng trưng nhằm thúc đẩy và diễn tả tâm tình thống hối. Phép rửa của Đấng thiên sai là sự tuôn tràn Thánh linh mà có thể không cần phải rửa bằng nước và ngay chính khi nghi thức bên ngoài là việc rửa bằng nước (phép rửa Kitô giáo), thì vẫn nhằm nóiđ ến hoạt động bên trong tâm hồn nơi Thánh linh xuyên thấu như lửa.
Nhưng đây còn có một thứ lửa khác mà Đấng Thiên sai trang bị sẵn sàng: lửa của phán xét. Như thế chúng ta được đặt giữa hai thứ lửa: lửa của thánh linh và lửa giận dữ không hề tắt. Vì Đấng Thiên sai sẽ là quan án: sân lúa là thế gian, kho lẫm là cõi trời. Khốn cho ai bị Ngài ném vào lửa như vỏ trấu vô dụng hoặc như rơm rạ vụn vặt. Vì “Đấng uy quyền” hơn Gioan thật đáng sợ. Hình như đó là nét chính yếu của lời rao giảng và hành động tượng trưng của Gioan tẩy giả.
KẾT LUẬN
Chúa Giêsu, Đấng Thiên sai, là quan án thời tận thế. Đức tin và lời kinh của Giáo hội không có quyền chểnh mảng vai trò của mình trong khía cạnh này. Lời rao giảng của Gioan tẩy giả vẫn còn giá trị, dù không chứa đựng tất cả những gì Chúa Thánh Thần đã mạc khải Luca đã hiểu bài diễn từ của Gioan như một lời rao giảng hiện đại cho hoàn cảnh Giáo hội của ông bấy giờ. Điều đó biểu lộ qua câu 15 dùng để nhập đề, với câu hỏi: Gioan có phải là Đấng Thiên sai không? Vị Tẩy giả làm chứng Đấng Thiên sai là một người khác: là Đấng mà ông chiêm ngưỡng và loan báo như là quan án. Hình ảnh quan án vẫn là hình ảnh cốt yếu cho Tân ước và Giáo hội. Không phải chỉ có những thính giả thời ấy, nhưng tất cả mọi Kitô hữu đều có sự chọn lựa được “thanh tẩy” trong Chúa Thánh Thần.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Thính giả Gioan tẩy giả chất vấn: “Chúng tôi phải làm gì?” Lòng thống hối đích thực không bao giờ dừng lại nơi những tình cảm bên trong, nơi những tư tưởng tốt đẹp, nhưng còn phải thể hiện qua hành động bằng một cuộc sống phù hợp với giáo huấn của Chúa kitô. Không phải những người nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa là vào được nước trời, nhưng những ai thực hành ý Chúa, nghĩa là thực thi công bằng xã hội, chia sẻ, tha thứ xúc phạm, liêm chính trong nghề nghêịp.
2. Gioan tẩy giả sai mỗi người trở về nghề nghiệp hiện tại, với nhiệm vụ của mình. Không phải việc ta làm khiến ta trở thành môn đệ hoặc không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng là cách thế ta làm. Chúa Giêsu không đòi ta từ bỏ nghề nghiệp và từ bỏ thế gian để đi tu. Ngài đòi chúng ta phải thi hành nghề nghiệp chúng ta theo Phúc âm: nghĩa là phục vụ anh em trong yêu thương và công bằng, chú ý đến kẻ khác và quên mình, chuyên cần làm việc và vui tính. Nhờ nghề nghiệp khiêm tốn mấy đi nữa của chúng ta mà người khác “sẽ thấy ánh sáng và ca tụng vinh quang Chúa: (Mt 5,16).
3. Gioan tẩy giả tự nhận mình dưới quyền Chúa Giêsu: ông là đầy tớ chỉ đáng lo giày dép cho Ngài thôi. Khi tự coi mình như thế, trước mặt Chúa, Gioan tẩy giả không tìm cách hủy diệt mình bằng một thứ tình cảm giận ghét chính bản thân. Ông không tìm cách chối cãi những ưu điểm có thật và những năng khiếu tự nhiên của mình. Không khinh chê ơn gọi tiên tri của mình. Ông chỉ làm cho người ta nhận ra địa vị đích thực của ông: là vị tiền hô, chứ không phải là Đấng Thiên sai. Đó chính là Đức khiêm nhượng đích thực của người Kitô hữu: nhận biết mình là gì trước mặt Chúa. Vui vẻ chấp nhận mình chỉ là Đấng thụ tạo trước mặt Đấng tạo hóa, một tội nhân trước mặt Đấng cứu chuộc. Đức khiêm nhượng đích thực không dừng lại nơi chính mình, dù là chỉ để chê bai: người nào luôn nói tới những lỗi lầm của mình, những thiếu sót khả năng, sự bất xứng… người đó có ít cơ may trở thành kẻ khiêm tốn, họ quá lo lắng về chính mình. Cái nhìn khiêm tốn thật sự phải hướng về Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, phải ý thức đến vực thẳm ngăn cách mình với Ngài, nhưng còn phải ý thức nhiều hơn về lòng nhân hậu, cao sang của Đấng mình yêu.
4. Gioan thanh tẩy trong phép rửa thống hối. Về điểm này, sứ điệp của ông vẫn luôn thực hiện cho chúng ta. Vì chúng ta phải luôn luôn thống hối, phải chuẩn bị cho “Đấng uy quyền hơn chúng ta” đến phải thanh tẩy tâm hồn khỏi những khát vọng bất chính, khỏi những hẹp hòi, khỏi chai đá. Nhất là trong mùa vọng này, chúng ta phải làm cho các năng lực của phép rửa tội tái hoạt động bằng việc canh tân tâm hồn để mừng đại lễ Giáng sinh và dịp đó Đức Giêsu sẽ tự trao ban Ngài cho chúng ta với một nguồn súc mạnh và ánh sáng phong phú để nối kết chúng ta trong tình thân mật với Ngài.
5. Lời Gioan tẩy giả hứa về một phép rửa tương lai của Thánh linh đã được thực hiện cho chúng ta. Khi ta lãnh nhận bí tích rửa tội, Chúa Thánh Thần đã thực sự thông ban cho chúng ta. Ngài làn cho chúng ta trở thành đền thờ, nơi cư ngụ thường xuyên của ngài, dấy lên trong lòng chúng ta những tâm tình con thảo đối với cha trên trời. Chính Thánh Linh, giây tình ái giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu, hằng cầu nguyện trong ta và giúp ta dần dần trở nên giống Chúa Giêsu con thật của Chúa Cha, nếu ta biết vâng theo cảm hứng của Ngài và các tác động êm dịu của Ngài trong tâm hồn chúng ta. Hoạt động của Thánh Linh trong ta sẽ thanh tẩy ta bừng một, sẽ đốt cháy những ngọn rơm ích kỷ và hèn nhát, sẽ giữ gìn đến muôn đời hạt cúa công phúc và trung tín của ta đối với việc bổn phận.