CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG
GIOAN RAO GIẢNG MỘT TIN MỪNG
KÊU GỌI ĐỔI MỚI
Chú giải của Fiches Dominicales
***
- Từ những “đám đông” hỏi Gioan cho biết phải làm gì.
Chúa nhật tuần rồi, Luca đã tán tụng gốc gác thần linh – “Lời Thiên Chúa” – sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả, trước khi liệt ông vào phẩm trật các ngôn sứ của Cựu ước mà ông đang thực hiện những lời loan báo về ông.
Hôm nay Luca trình bày cho ta công việc rao giảng của Gioan trong hai khung: khung luân lý đạo đức (10-14) và khung mang tính thiên sai (15-18).
Trước hết là khung luân lý, gồm các câu được ngắt đều đặn như một điệp khúc bởi cùng một câu hỏi đặt ra từ phía những người hưởng ứng lời ông kêu gọi ‘chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để dược ơn tha tội’: “chúng tôi phải làm gì?”. Có nghĩa là: sẽ có thế và sẽ phải thay đổi cụ thế đời sống như thế nào để gọi là tỏ lòng sám hối. Câu hỏi này chúng ta sẽ còn gặp thấy trên môi miệng của những người được nghe bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống: “chúng tôi phải làm gì ” (Cv 2,37). Ta sẽ còn lại được nghe câu hỏi ấy từ miệng viên cai ngục khi mục kích Phaolô và Sila được giải thoát cách lạ lùng: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?” (Cv 6,30). Với mỗi người, Gioan đều đưa ra câu trả lời cụ thể và thích hợp, mỗi lần câu trả lời đều nhắm tới cách đối nhân xử thế trong xã hội, mà không nhất thiết bắt người ta phải dứt lìa với môi trường sống và nghề nghiệp của họ, lại còn vượt xa khuôn khổ của Luật Môsê vốn áp đặt cho mọi người nữa.
“Chúng tôi phải làm gì?”, “đám đông” hỏi Gioan, đám đông vô danh ấy chẳng bao lâu nữa sẽ nô nức đến với Đức Giêsu để nghe lời người (Lc 5, 1; 5, 15; 6,19).
Gioan mời gọi họ hãy sống thiết thực giữa đời thường, coi nhau như anh em và chia cơm sẻ áo cho nhau: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”.
“Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”, tới lượt những người “Publicanô” hỏi: họ là những người thu thuế cho ngân sách của quân Rôma chiếm đóng; hạng người này đâu đâu cũng được nổi tiếng là bất lương và bị mọi người Do Thái khinh bỉ, liệt họ vào hạng người tội lỗi công khai, khó mà sám hối được, trừ phi họ từ bỏ cái nghề bị thiên hạ coi là “ô uế” kia. Gioan không yêu cầu họ phải dứt bỏ nghề nghiệp, nhưng hãy hành nghề một cách khác, một cách lương thiện: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”.
“Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?”, đó là câu hỏi của “những binh lính”, những tên lính đánh thuê cho Hêrôđê Antipa, hoặc là thành viên của đội quân chiếm đóng Rôma; họ cũng là hạng người bị dân chúng khinh miệt.
Gioan cũng không yêu cầu họ phải rời bỏ hàng ngũ, phải thay đổi nghề nghiệp, nhưng hãy thay đổi cách hành nghề. Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”.
Roland Meynet nhận xét: Mọi người đến với Gioan để xin chịu phép rửa. Bất cứ ai trong đám dân chúng, cũng như trong số những kẻ hành quyền, dù ở cấp bậc bé nhỏ nhất, thảy đều nhận được cùng chỉ thị: chẳng phải ăn chay, cầu nguyện hay dâng lễ vật đền tội, mà chỉ phải thực thi công bình mà thôi.
Với những ai muốn ỷ vào quyền thế, Gioan đòi hỏi họ đừng làm quá những gì luật đã ấn định. Những người thu thuế không được tăng thuế trên mức qui định; những binh lính thì không được sách nhiễu hay vu cáo dân chúng để kiếm thêm tiền cho đồng lương của mình. Công bình trước tiên có nghĩa là: thỏa thuận thế nào thì làm đúng như vậy, là chỉ làm như đã ấn định. Công bình đối với tất cả mọi người, đối với quần chúng có nghĩa là: mỗi người phải được hưởng cái họ phải có. Công bình cũng chính là lập lại thế quân bình đã bị phá vỡ: người này thiếu ăn, trong khi người khác lại quá dư thừa (Tin Mừng theo thánh Luca: Phân tích tu từ”? Ccrf, trg 47).
- Đến “dân đang trông ngóng” việc Chúa sắp làm.
Bây giờ tới khung mang tính Mêsia. Bên kia “đám đông” ấy. Luca đã nhận ra được một thực tại mới đang hình thành: Một “dân” gồm những người hiệp nhất trong cùng một niềm “trông ngóng”. Ở đây không còn vấn đề là hỏi cho biết phải “làm” gì, nhưng là tìm cho biết việc Chúa đang làm và sắp làm, giống như những nhân vật trong Tin Mừng và Công vụ Tông đồ khi tán tụng việc Chúa làm: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả… Chúa giơ tay biểu dương, sức mạnh… Chúa tỏ lòng thương xót với dân Người… Người sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét” (Lc 1, 49.51.68.71).
“Đang trông ngóng”, nên “dân” đó tự hỏi không biết Gioan Tẩy Giả có phải là Đấng cuối cùng được Chúa sai đến, “Đấng Mêsia” chăng? Gioan vội xoá mình đi và xác định vai trò của mình đối với Đấng “đang đến”, “quyền thế hơn” ông. Câu này được Luca đặt trên môi miệng của Gioan và sẽ được lập lại ba lần trong sách Công Vụ Tông Đồ, diễn tả tính liên tục giữa Gioan và Đức Giêsu, nhưng hơn nữa nó còn đánh dấu bước vượt qua của giai đoạn quyết định: lịch sử của Giao ước đã bước vào một kỷ nguyên mới rồi.