CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM C
ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
Chú giải của Noel Quesson
***
Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô
Luca muốn loan báo tác vụ của Gioan Tẩy Giả, người dấn thân khai mở cho tác vụ của Đức Giêsu. Đây là sự can thiệp rõ ràng của Thiên Chúa trong lịch sử. Hành động của Thiên Chúa không “ở bên ngoài” thế gian, trên mây gió, nhưng hành động này diễn ra, một cách ẩn kín bên trong những biến cố thế tục. Một “lịch sử Thánh” phát triển giữa những biến cố thế giới. Như Luca chúng ta có tin rằng, Thiên Chúa “nói” và “hành động” trong những biến cố của chúng ta, trong hiện tình kinh tế chính trị, xã hội và văn hóa ngày nay không?
Luca kỹ lưỡng nói với chúng ta rằng, Đức Giêsu đã sinh ra dưới thời Hoàng đế Xê-da Au-gút-tô (Lc 2,1). Bây giờ ông lại nói với chúng ta, Chúa bắt đầu tác vụ, như một người trưởng thành, vào năm 15 Triều Đại Tibêriô, nghĩa là khoảng năm 28 hay 29.
Đức Giêsu, một người Do Thái thấp cổ bé miệng, vô danh tiểu tốt đang đối diện với Hoàng đế đầy uy quyền của Rôma! Đối diện với kẻ đang bá chủ thế giới! Đế quốc của Tibêriô bắt đầu từ bờ Bắc Hải đến cùng tận Địa Trung Hải, hiện nay được 15 quốc gia vây quanh nhưng lúc bấy giờ như một biển hồ của Rôma. Tất cả những gì Luca bàn đến đâu minh chứng cho chúng ta thấy, “Tin Mừng”, phát xuất từ Giêrusalem, sẽ đến tận Rôma: Ở đó, sẽ kết thúc “Công vụ Tông Đồ” (29,16-31). Trong lúc này, ta mới chỉ gợi lên tầm lớn rộng của chương trình Thiên Chúa: Đức Giêsu… Hoàng đế Tibêriô.
Thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giu-đê
Cùng với Đức Maria, ông Phongxiô Philatô, là người duy nhất có chỗ đứng trong kinh Tin Kính của chúng ta: “Đức Giêsu, sinh bởi đức Nữ Đồng Trinh Maria đã chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô… Phongxiô Philatô, tổng trấn Rôma tại Giêrusalem giữa năm 26 và 36, là con người “cứng rắn và không xót thương”, theo người lân cận của ông là Hêrôđê Ác-ríp-pa I đã nói. Ong bị Rôma cất chức vì đã sát hại hàng ngàn người Samari tụ họp trên núi Garizim. Các sử gia thới đó (Plavius Josèphe và Philon) mô tả ông như người cai trị xứ sở của mình bằng tham nhũng, khủng bố, cướp bóc do chính cảnh sát của mình tra tấn và hành quyết.
Ngày nay, chúng ta thường than phiền về những khó khăn của thời đại chúng ta: Thế mà Đức Giêsu đã sống trong một miền đất bị kẻ thù chiếm đóng và đàn áp không chút nương tay thế đó!
Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên
Đó chỉ là những ông vua chư hầu bù nhìn, và là những người “hợp tác”. Uy quyền thực sự vẩn thuộc Rôma. Luca nhất mạnh đến lãnh thổ mà Tin Mừng sẽ được phổ biến: ông để ý nêu rõ hai miền có đông dân cư là “con cái Israel” (Giuđê và Galilê), và hai miền có dân “ngoại giáo” (Iturê – Trakhonít và Abilên). Đối với Luca, đệ tử của Phaolô thì đây là một chỉ dẫn “thần học”: Sứ điệp của Đức Giêsu không chỉ dành riêng cho một số người nào đó! Tôi có tự giam mình trong một khu riêng biệt Kitô giáo nhỏ bé không? Và như vậy tôi đâu còn ở trong luồng khí Tin Mừng nữa.
Khanan và Caipha làm thượng tế
Sau những lãnh tụ chính trị, đây là những lãnh tụ tôn giáo, chịu trách nhiệm về Do Thái giáo thời bấy giờ, mà vài năm sau Đức Giêsu sẽ gặp lại.
Đó là bối cảnh lịch sử và tôn giáo. Những dữ kiện hoàn toàn chính xác, đã được các sử gia thời cổ xác nhận. Người ta đã tìm được tại Xêdarê chỗ ngồi của Philatô trong một nhà hát: Một hàng chữ được khắc ghi vào băng đá dành cho Tổng trấn ngồi, giữa hí trường hình tròn.
Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan
Không phải những chức sắc nêu trên sẽ làm nên lịch sử thực sự: mà là một “phát ngôn viên”, một “ngôn sứ”, Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng, nhân chứng đầu tiên của Đức Giêsu Kitô. Chính từ “bên trong” những thực tại của con người mà sự thay đổi được thực hiện, nhưng tất cả những động lực của sự thay đổi đó không thể đến từ sự tôn thờ những ý thức hệ và những người đang nắm quyền lực, cũng không từ cơ cấu chính trị. “Chúa lật đổ những người quyền thế xuống khỏi ngai vàng” (Lc 1,52). Một “lời”, từ nơi khác đến từ Thiên Chúa, sẽ tạo nên sự mới lạ thực sự làm thay đổi dòng lịch sử – Tôi có để cho Lời Chúa nắm bắt tôi, như Gioan Tẩy giả không?
Trong hoang địa
Đôi khi ta có cảm tưởng về hoang địa như cái gì trống rỗng. Sự cô tịch khó chịu này không phải là điều ngược đời sao? Xa thế gian quay cuồng, xa những tiếng ồn ào náo động, để có thể nghe thấy một Lời mầu nhiệm? “Hãy nghe đây! nghe đây! ngươi chớ có gây tiếng động? gần ngươi, có người đang đi trên đường, có người đang đến gặp ngươi!”. Vậy thì, riêng tôi, tôi đã dành cho sự cô tịch, tình trạng hoang vắng thế nào trong cuộc sống náo nhiệt của tôi?
Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan
Lời Chúa, phải vận hành. Đó là một chuyển động. Gioan là một nhà giảng thuyết di động, cũng như Đức Giêsu sắp thể hiện như vậy. Còn chúng ta thì sao?
Gioan đã rời hoang địa hạnh phúc của ông, nơi ông dùng để chuẩn bị, để lắng nghe Lời Chúa, để đi gặp các đám đông, để làm việc này, ông chọn một nơi mà có đủ mọi thứ người qua lại: Chỗ cạn của một dòng sông, nơi mà mọi người phải ngang qua; lối nhỏ giao lưu cho cả đoàn người; bến Bêthama, trên tả ngạn sông Giođan, phía đông thành Giêrikhô (Ga 1,28), nơi mà người Anh đã xây cầu Allenby chỗ duy nhất có thể vượt sông được. Sau khi sống cô tịch, tôi có tìm cách để tiếp gặp kẻ khác không?
Rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối
Dựa vào nguyên ngữ Hy Lạp có thể dịch câu trên – như sau: “Ông kêu gọi người ta dìm mình xuống nước để quay trở lại”.
Người phát ngôn của Chúa không phải là một con người nhỏ bé trầm tĩnh, nhưng đó là một cái “loa phóng thanh” với âm lượng được vặn tối đa. Chữ Hy Lạp “Kérygme” có nghĩa là “tiếng la”, lời “tuyên bố”. Cuộc sống của tôi có kêu lên điều gì không?
Không thể có ảo tưởng được. Người ta không thể gặp Chúa “như thế”, nghĩa là không biết Ngài, hay không muốn Ngài. Về phía Chúa, phải “lao mình” vào Ngài! Chữ “batisma” phép rửa, gọi lên hình ảnh những kiểu tắm rửa theo nghi thức, mà những thành viên cộng đoàn lân cận Qumran thường thi hành mỗi ngày để thanh tẩy thân thể mọi nhơ bẩn và thôi thúc tâm hồn họ cũng phải thanh tẩy thiêng liêng: Người ta dìm toàn thân mình trong hồ bơi hay dòng sông. Hoán cải không phải chỉ lâ một tư tưởng thầm kín, không thuộc phạm vi trí não, nhưng đó là một bước đi có ý nghĩa, được thể hiện ra bên ngoài đối với mọi người qua một hành vi công khai theo nghi lễ: “Tôi muốn thay đổi cuộc sống… và trước mặt các bạn, tôi thực hiện cử chỉ tượng trưng, biểu hiện sự trở lại của tôi. Tôi dìm xuống nước cuộc sống trước của tôi, cho nó chết chìm để một sự sống mới phát sinh”.
Phép rửa là một tự nguyện dìm chết “con người cũ” để cho “con người mới” tái sinh (Rm 6,6-7,6 – Ep 4,22 – Cl 3,9). Đó là hình ảnh thực sự của Bí tích sám hối là phép rửa thứ hai… mà có thể chúng ta muốn lãnh nhận để cử hành lễ Giáng sinh.
Và hoán cải mà chúng ta đang nói ở đây (metnoia: Sự trở lại) là một sự quay trở lại với Thiên Chúa. Nếu hoán cải chỉ là một sự thay đổi luân lý hay xã hội, thì cuộc sống Kitô hữu có lẽ chỉ là một thứ nhân bản như những học thuyết khác, có khi lại không hoàn hảo bằng chứng học thuyết đó. Nhưng đúng ra là ta “quay trở lại với Chúa” cùng với những hậu quả luân lý và xã hội: chống lại tính ích kỷ, bất công, khuynh hướng duy vật thực dụng, sự nô lệ lạc thú và tiền bạc, nếp sống thiếu trong sạch, tính lười biếng, thái độ chế ngự kẻ khác, v.v…
Phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
Sự tha thứ? Hành vi của Thiên Chúa luôn luôn tặng ban cho tất cả mọi người, nhưng chỉ hữu hiệu nếu chúng ta đón nhận sự tha thứ đó cách tự do. Luật trời phong bao giờ ngừng chiếu sáng, nhưng chúng ta có thể đóng cửa nhà chúng ta. Hành vi của Thiên Chúa được thể hiện do “thừa tác viên” thi hành bí tích, nói “nhân danh chính Chúa Kitô” (in persona Christi). Hành vi tự do của con người được thể hiện qua thái độ hối nhân, đặc biệt qua sự thú nhận cá nhân hay tập thể.
Mỗi cử hành Thánh Thể cũng giúp chúng ta thông hiệp với Đức Giêsu trong chính hành vi Người “Tự hiến để tha thứ tội lỗi”, trong hành vi cứu chuộc nhờ thái độ triệt để sẵn sàng và hoàn toàn vâng phục Chúa Cha: Đó là hành vi Ngài hoàn toàn và triệt để “hướng về” Thiên Chúa.
Như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
Máy ủi to lớn làm sao! Công trường sửa đường vĩ đại làm sao! Công trình thật là quá sức tưởng tượng! Và chúng ta thì chỉ có “xưng tội riêng”, không đau đớn gì?
Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đây là mục tiêu phổ quát, rất đặc trưng của Luca, người đồng hành với thánh Phaolô. Công trình của Thiên Chúa không phải là lên án, mà là “Cứu chuộc”. Lịch sử Thánh, lịch sử con người mà trong đó Chúa hành động, không thể kết thúc không lối thoát. Cho dù chúng ta “hôm nay đang gieo trong nước mắt, nhưng sẽ gặt trong ca mừng”.