CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM C
HÃY DỌN ĐƯỜNG
Chú giải của Fiches Dominicales
***
HÃY DỌN ĐƯỜNG CỦA ĐỨC CHÚA VÀ MỌI NGƯỜI SẼ ĐƯỢC THẤY ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
Lời hoạt động trong lịch sử con người
Chúa nhật trước, chúng ta mượn ở Tin Mừng Luca một trích đoạn bài diễn từ mang tính cánh chung, diễn từ về “tiến trình dài dẫn đến giải phóng” (H. Cousin). Hôm nay, với lời kêu gọi và rao giảng của Gioan Tẩy Giả, chúng ta đang ở vào giai đoạn đầu của tiến trình ấy.
Bản văn hướng ta về một thời kỳ dài có nhiều báo trước một kỷ nguyên mới của lịch sử.
– Tiên vàn hoạt động khởi sự được ghi vào lịch sử Israel một cách thật trang trọng, bằng cách nhắc đến tên tuổi của sáu nhân vật:
+ Năm vị đầu là những vị đại diện cho quyền lực chính trị hiện hành tại Palestin và trong một vài tỉnh lân cận.
+ Vị thứ sáu đứng đầu giới tư tế mà sau này cùng với Philatô và Hêrôđê sẽ là những người đóng vai trò tích cực trong cuộc Khổ nạn của Chúa theo Tin Mừng Luca 22 và 23.
Công việc mở đầu này, như tác giả xác định rõ, xảy ra vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô”, tức là năm 28.
Vai chính của trang sử này, mặc dầu không ai nhìn thấy, cuối cùng cũng được chỉ định là chủ thể của suốt thời kỳ dài lâu này. Đó chính là “lời của Thiên Chúa”.
Chủ thể ấy được giới thiệu ở cuối câu, khi nói về người được kêu gọi làm trung gian của lời này: “Gioan con ông Dacaria”.
“Việc sử dụng nhiều chi tiết trang trọng như thế để xác định về mặt lịch sử buổi khai mào sứ mệnh của ông Gioan, theo Roland Meynet nhận xét, là điều không cần thiết. Vả chăng, không phải dể xác định rõ ràng về mặt đia lý một địa danh bé nhỏ của Đế quốc, mà tác giả Luca đã muốn kể ra những địa danh khác nhau là tên tuổi những vị tổng trấn và tiểu vương nắm quyền cai trị trên những miền đất ấy. Cuộc “diễu hành” của những nhân vật tai to mặt lớn kia là hoàng đế Rôma là người dẫn đầu, thực ra có một cái gì long trọng và gây ấn tượng khác thường đế nói lên tầm quan trọng lớn lao của sự việc đang xảy ra. Và những con người đang sát cánh với nhau khi ấy, là Do Thái hay Rôma đang cai trị Israel hay những miền dân ngoại, đều phải mắt thấy tai nghe về một sự việc có liên can tới họ hết thấy. Việc gì xảy ra với Giêsu, thì có liên can tới tất cả mọi người trên toàn thế giới (“Tin Mừng theo thánh Luca”. Phân tích tu từ”, Cerf, trg 44).
Gioan, người trung gian cho Lời:
Hai câu đầu đã chỉ cho ta thấy gốc gác con người của Gioan: ông là “con ông Dacaria” và sứ mệnh của ông có gốc gác của Thiên Chúa: Ông đã được “lời Thiên Chúa” kêu gọi. Giờ đây bóng dáng của vị ngôn sứ được rõ nét.
Nơi Gioan thi hành sứ vụ là “vùng ven sông Giođan”.
Chính ở đó, ông rao giảng một “phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.
Giống như các thánh sử khác, Luca định nghĩa cho sứ mệnh của Gioan từ sách Isaia đoạn 40: “Như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Có tiếng người hô to trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đườn g của Đức Chúa”.
Nhưng chỉ có mình Gioan là người theo đuổi cho đến cùng lời trưng dẫn sau đây: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Tin Mừng mà Gioan loan báo chính là Thiên Chúa cứu độ, và ơn cứu độ của Người dành cho hết mọi người. Điểm phổ quát này, chính Luca, người ngoại giáo trở lại đón nhận đức tin đã làm vang dội lên trong 2,30-31 rồi khi đặt vào miệng ông già Simêon lời ca: “Vì chính mắt con dược thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”.
Điểm son ấy, Luca sẽ không ngừng làm vang lên trong tác phẩm của mình, mà Phaolô sẽ là người đưa ra phần kết khi tới Rôma, kinh đô của đế quốc “Vậy xin anh em biết cho rằng: ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gởi đến cho các dân ngoại, họ thì họ sẽ nghe” (Cv 26,26).