CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM C
DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN
Lm. Carolo Hồ Bạc Xái
***
Ý tưởng chính của Chúa nhật II này là dọn đường cho Chúa đến.
– Trong bài đọc I (Br 5,1-9), ngôn sứ Barúc thông báo “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nỗng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu”
– Trong bài Tin Mừng (Lc 3.1-6), Gioan tẩy giả kêu gọi người ta dọn đường cho Chúa đến bằng cách sám hối hoán cải đời sống.
– Và trong bài đọc II (Pl 1,4-6.8-11), Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Philipphê dọn đường bằng cách bồi dưỡng tình mến cho ngày càng thêm dồi dào và cố gắng sống tinh tuyền không làm gì đáng trách trong khi chờ đợi Chúa quang lâm.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Lẽ ra con người phải tìm đến với Chúa, thế mà chính Chúa tìm đến với con người. Chúa đến với chúng ta, đó là một vinh dự và là một ơn lành trọng đại. Nhưng vì không ý thức về vinh dự và ơn lành trọng đại đó nên chúng ta không thiết tha mấy với việc Chúa đến, và cũng chẳng quan tâm chờ đón Ngài.
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tình thương của Ngài và tích cực đón tiếp Ngài.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúa biết chúng con khốn khổ nên muốn đến cứu chúng con. Vậy mà chúng con cứ muốn ở lì trong khốn khổ và không cần tới Chúa.
– Chúa chính là Đấng cứu độ duy nhất của chúng con. Vậy mà chúng con vẫn coi tiền tài, danh vọng và lạc thú của thế gian này như là cứu tinh của đời mình.
– Chúa luôn chờ đón chúng con, nhưng chúng con ít khi tìm đến với Chúa.
III. LỜI CHÚA
- Bài đọc I(Br 5,1-9)
Ba-rúc là thư ký của ngôn sứ Giêrêmia. Quyển sách mang tên ông cũng được viết vào thời dân Do thái đang bị lưu đày.
Trong trích đoạn này, tác giả an ủi dân bằng cách loan báo ngày giải thoát :
– Đó sẽ là một ngày đổi đời : “Hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu”
– Là ngày con cái Israel sẽ được quy tụ lại và trở về Giêrusalem thân yêu : “Kìa xem con cái ngươi từ Đông sang Tây tụ họp về”
– Tất cả mọi điều tốt đẹp đó đều là việc làm của Thiên Chúa : “Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Ngài”
- Đáp ca(Tv 125)
Tâm tình hân hoan của người thoát cảnh lưu đày trở về quê hương. Kèm theo tâm tình hân hoan này là tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa : “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ… Bấy giờ trong dân ngoại người ta bàn tán : việc Chúa làn cho họ vĩ đại thay”
- Tin Mừng(Lc 3.1-6)
Thánh Luca viết đoạn Tin Mừng này nhằm 3 ý :
a. Muốn cho thấy Chúa Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử.Bởi thế Luca liệt kê những nhân vật lịch sử đang hành quyền lúc Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng. Trong số những nhân vật ấy,
– Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Phonxiô Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania.
– Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha.
Lãnh địa mà họ đang hành quyền vừa là phần đất do thái (như Giuđê, Galilê), vừa là phần đất lương dân (như Iturê, Trakhônít, Abilên).
b. Khi kê khai những nhân vật đang cầm quyền vừa trong lãnh vực tôn giáo lẫn lãnh vực chính trị, vừa ở đất do thái vừa ở đất lương dân, Thánh Luca còn muốn nóiChúa Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát, chẳng những cho người do thái mà còn cho mọi dân tộc.
c. Và Gioan Tẩy giả chính là kẻ tiền hô dọn đườngcho Ngài.
4. Bài đọc II(Pl 1,4-6.8-11)
Philipphê là giáo đoàn được Phaolô yêu thương đặc biệt, bởi họ luôn trung thành thực hiện những lời ông khuyên nhủ. Trong trích đoạn hôm nay, Phaolô khuyến khích họ gia tăng lòng mến, tiếp tục hoàn thành điều tốt đẹp Thiên Chúa đã khởi sự nơi họ, để trở nên tinh tuyền không có gì đáng trách trong ngày Chúa lại đến.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Thiên Chúa không quên dân Ngài
Không ai trong chúng ta muốn bị người ta quên lãng. Dù vậy ai trong chúng ta cũng có chút ít kinh nghiệm về cảm giác bị lãng quên.
Người ta tổ chức một cuộc họp có liên quan đến chúng ta, thế mà người ta quên mời chúng ta. Chúng ta đã đóng góp công sức rất nhiều vào một công trình nào đó, nhưng dường như chẳng ai biết đến phần đóng góp ấy. Ngày sinh nhật của chúng ta đã đến, nhưng không ai nhớ mà mừng cả. Thực ra những trường hợp vừa kể chỉ là chúng ta bị quên vì người ta sơ ý mà thôi. Vậy mà chúng ta cũng rất buồn, vì chúng ta nghĩ rằng người ta đã không nhớ đến chúng ta, người ta không coi chúng ta ra gì.
Có một loại quên khác trầm trọng hơn, đó là người ta hoàn toàn không còn nhớ đến chúng ta nữa. Chẳng còn ai quan tâm tới chúng ta, mọi người như không nhớ là chúng ta vẫn còn hiện hữu. Nghĩa là không những chúng ta bị quên mà còn bị bỏ rơi nữa. Bị cảm giác như thế này thì đau khổ hơn nhiều.
Một Linh mục kia được các Linh mục bạn và các giáo dân ngưỡng mộ, quý mến. Thế rồi ngài mắc một chứng bệnh nên bị buộc phải về hưu, cả quãng đời còn lại phải ngồi trên chiếc xe lăn. Ban đầu, người ta đến nhà hưu thăm ngài rất đông. Nhưng năm tháng trôi qua, dòng người tuôn đến thăm viếng ngày càng giảm bớt và cuối cùng khô cạn hẳn. Không một bức thư, không một cú điện thoại. Tuyệt đối không còn gì cả, mà chỉ toàn là cô độc, lặng thinh, trống vắng. Ngài buồn nản vô cùng, nhất là những khi nhớ lại bao nhiêu công sức mình đã nhiệt tình đổ ra để phục vụ mọi người.
Rồi một hôm có một Linh mục cùng lớp ngày xưa ghé thăm. Vị Linh mục về hưu mừng rỡ vô hạn. Hai người đã nói chuyện huyên thuyên với nhau rất lâu. Cuối cùng vị Linh mục về hưu hỏi : “Anh nghĩ là có ai còn nhớ đến tôi không ?” Vị Linh mục bạn không trả lời. Mà biết trả lời thế nào đây !
Quả thực, bị quên lãng là điều chẳng tốt đẹp gì cả, trái lại còn cực kỳ đau khổ. Chúng ta cũng có thể nghĩ như thế về Chúa. Khi một điều gì xấu xảy đến cho ta thì ta nghĩ “Chúa đã quên tôi rồi”. Và chúng ta nghĩ tiếp : “Chúa không còn thương tôi nữa, Ngài không chăm sóc tôi nữa”.
Đó cũng là cảm nghĩ của dân do thái thời ngôn sứ Ba-rúc, thế kỷ II trước công nguyên. Đất nước họ đã rơi vào tay quân thù, thành thánh của họ bị tàn phá, Đền thờ chỉ còn là một đống gạch vụn, con cái họ bị lưu đày. Bởi thế họ hỏi nhau “Thiên Chúa ở đâu rồi ? Ngài có còn nhớ đến những lời đã hứa chăng ?” Và họ kết luận : Chúa đã quên chúng ta !
Nhưng ngôn sứ Ba-rúc trấn an rằng Thiên Chúa không bao giờ quên dân Ngài, những đau thương sầu khổ của họ sẽ sớm chấm dứt, Thiên Chúa sẽ mang con cháu họ trở về quê hương. Họ cần phải dọn đường cho Ngài đến cứu họ. Những lời này có sức an ủi rất lớn lao, và dân chúng lại hồ hỡi. Quả thực, những tù nhân lưu đày đã trở về cố hương. Dù vậy, lời Chúa hứa vẫn chưa thực hiện trọn vẹn mà phải chờ tới khi Đấng Messia đến.
Gioan Tẩy Giả là người loan báo rằng Đấng Messia đã đến. Chúa Giêsu chính là Đấng Messia ấy, và còn là Con Thiên Chúa. Việc Con Thiên Chúa đến với loài người là bằng chứng rõ ràng Thiên Chúa không bao giờ quên dân Ngài. Dù khi mọi người đều đã quên chúng ta, nhưng Thiên Chúa vẫn nhớ đến chúng ta. Ngài không thể nào không nhớ đến chúng ta, bởi vì chúng ta là con cái yêu dấu của Ngài.
Hơn nữa, vì chúng ta thích được người khác nhớ đến, nên chúng ta cũng hãy nhớ đến người khác, nhất là nhớ đến những người đã làm điều tốt cho chúng ta và những người đã từng hy sinh cho chúng ta. Mùa Giáng sinh là thời gian nhớ đến tha nhân. Những cách thức nho nhỏ biểu lộ lòng mình nhớ đến người khác là gởi một món quà, hay một tấm thiệp, đi kèm với một lời chúc xuất phát tự tấm lòng và củng cố bằng lời cầu nguyện cho nhau. (FM)
* 2. Mở rộng lòng ra đón nhận ơn cứu độ
Ơn cứu độ là một đề tài lớn của Mùa Vọng. Hôm nay phụng vụ hô lớn cho mọi người nghe rằng : “Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng, thung lũng phải lấp cho đầy, núi đồi phải san cho phẳng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa”. Thật là những lời rất an ủi vì chúng cho thấy Thiên Chúa rất yêu thương con người.
Thế nhưng có người nghĩ rằng để được Chúa yêu thương thì mình phải hoàn hảo. Nghĩ thế nên họ cố gắng luyện tập mọi nhân đức và tránh không bao giờ phạm tội. Tuy nhiên đó là dựa vào sức mình. Phần Thiên Chúa thì khó mà cứu độ những kẻ dựa vào sức mình như vậy.
Có một thầy tu kia tên là Ambrôsiô, rất đạo đức, rất thông minh, và cũng rất cần cù. Thầy được mời đi giảng tĩnh tâm nhiều nơi, và ai nấy đều kinh ngạc vì kiến thức và uy tín của Thầy. Thầy sung sướng vì đã làm chủ được mọi việc mình làm.
Nhưng đột ngột thầy ngã bệnh, không còn làm gì được nữa. Ban đầu Thầy rất tuyệt vọng. Nhưng sau một thời gian, Thầy chợt nghĩ phải biết cách dùng cơn bệnh của mình để hiểu được những khổ đau của người khác. Thế là Thầy vui sống với cơn bệnh của mình. Khi có ai đến với Thầy, Thầy chia xẻ những suy nghĩ của mình và an ủi, khuyến khích họ. Kết quả là thời gian nằm bệnh của Thầy còn sinh hoa quả nhiều hơn thời gian Thầy còn khoẻ mạnh. Trước khi chết, Thầy viết : “Trước đây tôi đã đi theo một hướng, rồi thình lình tôi bị buộc phải đi theo một hướng khác. Nhưng nhờ đó tôi đã học biết về bản thân mình và về người khác nhiều hơn gấp bội so với những gì tôi học biết trong những năm trước khi bệnh”.
Có rất nhiều hoàn cảnh lạ lùng mở lòng chúng ta ra đón nhận những điều Chúa muốn ban cho chúng ta. Khi chúng ta đến với Chúa trong tư thế của người tự mãn và hùng mạnh, thì khi đó chúng ta đẩy Ngài ra xa. Còn khi chúng ta đến với Ngài mà cảm thấy yếu đuối, nghèo nàn, thì khi đó chúng ta mời Ngài vào lòng mình. Chính những sự bất toàn của linh hồn chúng ta mở rộng lòng chúng ta đón nhận ơn ban của Chúa, vì đó là những vết thương thu hút cặp mắt nhân từ của Chúa, làm cho chúng ta đáng được Ngài thương xót và chữa lành. Chúa Giêsu đã nói : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. (FM)
*3. Sám hối canh tân
Đời chiến Quốc, nhà du thuyết Tô Tần sang Nước sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.
Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay.
Vua Sở bảo :
Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quý như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao ?
Tô Tần thưa :
– Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao ?
Vua Sở khẩn khoản nói :
Xin mời tiên sinh cứ ở lại, quả nhân đã hiểu rõ quá rồi.
Một đất nước mà vật giá đắt đỏ : “Củi quế gạo châu”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa.
Mỗi lần Mùa Vọng đến, lại có một Tô Tần xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy Giả : “Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4).
Nếu Tô Tần là nhà du thuyết cho nước Sở, thì Gioan chính là ngôn sứ của dân tộc Do Thái. Ông đã thấy các nhân vật đạo đời : Từ hoàng đế Tibêriô đến quan tổng trấn Philatô, từ vua Hêrôđê, Philip, Lyxaria cho đến các vị thượng tế Hanna và Cai pha ; lòng người đầy những khúc quanh lồi lõm, thung lũng hố sâu, núi đồi hiểm trở.
Gioan nhắc lại lời ngôn sứ Isaia : “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, p hải san cho phẳng (Lc 3,5). Ông kêu gọi mọi người sửa sang đường sá. Nhưng con đường quan trọng chính là đường vào cõi lòng :
Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi.
Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc.
Phải san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn tự kiêu.
Phải bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công, bất chính.
Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại của tâm hồn, để Chúa có thể đến và ngự lại trong đó.
Nếu Gioan là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu, thì chúng ta sẽ là sứ giả chuẩn bị cho Người đến từng ngày trong cuộc sống của anh em.
Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn Cứu Độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.
Lạy Chúa, thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.
Xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến mang nguồn vui ơn Cứu Độ. Amen. (TP)
*4. Cách dọn đường cho Chúa ngày hôm nay
Nếu chúng ta muốn đón Chúa – dù Ngài đến bằng cách nào chăng nữa – thì chúng ta cũng phải chuẩn bị, phải dọn đường cho Ngài đến với chúng ta. Ngôn sứ Ba-rúc cũng như Gioan Tiền Hô đều nhắc lại lời Kinh Thánh dạy chúng ta cách dọn đường cho Chúa : «Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nồng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa». Và «Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng».
Cách nói đầy hình tượng của Thánh Kinh thật đơn sơ dễ hiểu : Công việc dọn đường cho Chúa của chúng ta là chấn chỉnh đời sống, là điều chỉnh tư tưởng, lời nói, việc làm của mình. Đó chính là ý nghĩa của từ «metanoia», nghĩa là hoán cải, thay đổi, trở lại, không chỉ trong hành động vi phạm các nguyên tắc luân lý, mà cả trong lời nói và suy nghĩ, não trạng, trong hiểu biết của chúng ta nữa.
Ngày nay việc chuẩn bị đón Chúa trong Mùa Vọng dễ bị «nhiễu» bởi những cách chuẩn bị bề ngoài và nặng tính thương mại. Hang Đá, Máng Cỏ đủ kiểu đủ mầu, đèn hoa rực rỡ, cờ xí tung bay… đẹp thì đẹp thật đấy, nhưng là những hình ảnh rất xa lạ với cảnh Bê-lem đích thực. Tệ hơn nữa, có không ít người lại bị nhiễm cách người đời mừng Lễ Thiên Chúa giáng trần, bằng những hàng hóa «de luxe» (=sang trọng) và những bữa tiệc linh đình, phung phí, thậm chí tội lỗi nữa.
Vì thế, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn Kitô hữu chúng ta hãy tự kiểm điểm một cách chân thành và khiêm tốn :
1/ Sự hiểu biết của tôi về Thiên Chúa, về Giáo Hội, về cách sống Đạo… và rao giảng Tin Mừng đã tạm đủ và phù hợp với Tin Mừng và Giáo Huấn của Giáo Hội chưa ? Tôi phải làm gì để có được một hiểu biết đầy đủ hơn về Thiên Chúa, về Giáo Hội, về cách sống Đạo, về cách rao giảng Tin Mừng ?
2/ Cách suy nghĩ, cách đánh giá con người và sự việc của tôi dựa vào Phúc Âm và Giáo Huấn của Giáo Hội hay dựa vào dư luận và thói thường của thế gian ?
3/ Mọi hành động của tôi (làm ăn, buôn bán, việc đạo, việc đời…) nhằm mục đích làm đẹp lòng Thiên Chúa và sinh ích sinh lợi (vật chất, tinh thần, tâm linh) cho bản thân tôi và những người chung quanh (gia đình, bạn bè, lối xóm, khu vực…xã hội) hay chỉ nhằm thỏa mãn lòng ích kỷ và các dục vọng xấu trong tôi ?
Chắc chắn khi thành thật trả lời các câu hỏi trên mỗi người, mỗi cộng đoàn chúng ta sẽ thấy «thung lũng» phải lập đầy, «núi đồi» phải san bằng, «đường quanh co»cần phải uốn ngay trong tư tưởng, lời nói, hành động thường ngày của mình.
***
Lạy Chúa, xin hãy đến với con ! với gia đình, với giáo xứ và với dân tộc con ! Lạy Chúa, xin hãy tu sửa lòng trí và cách sống của chúng con ! (Giêrônimô Nguyễn văn Nội)
* 5. Lạc quan
Biết bao người bi quan với cuộc đời và với thế giới. Chúng ta đã nghe quá nhiều những nhận định chán chường, như : Đời là bể khổ ; đời là con đường đi vào ngõ cụt ; tha nhân là hỏa ngục v.v.
Nhưng giọng điệu của Lời Chúa hôm nay khác hẳn : “Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của Ngài” (bài đọc 1) ; Ngay cả những người đang “nghẹn ngào ra đi gieo giống” cũng có thể mong chờ “mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Đáp ca) ; “Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó cho tới chỗ hoàn thành” (bài đọc 2) ; “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Tin Mừng)
Người đời bi quan là vì họ không có đức tin. Kitô hữu thì phải lạc quan vì có đức tin. Ánh sáng đức tin giúp chúng ta giúp chúng ta thoát khỏi kiểu nhìn những biến cố một giới hạn và cục bộ, nhưng mở rộng tới tầm nhìn toàn diện lịch sử diễn tiến theo chương trình của Thiên Chúa.
* 6. Bài giải thích của Origène (+ 253)
Câu Cựu Ước được trích dẫn là của ngôn sứ Isaia : “Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is 40,3) Con đường mà chúng ta phải dọn cho Chúa là con đường nào ? Phải chăng là con đường vật chất ? Thế nhưng Lời Chúa có cần đi con đường này không ? Hay là phải dọn cho Chúa con đường nội tâm và thu xếp trong tâm hồn chúng ta những con đường ngay thẳng và liền lạc ? Vâng, đây chính là con đường mà Ngôi Lời Thiên Chúa vạch trong tâm hồn con người để nó có khả năng đón nhận Lời Ngài.
Tâm hồn con người thật rộng rãi và dễ đi, miễn là nó thanh sạch. Bạn có muốn biết con đường ấy rộng lớn thế nào không ? Hãy xem nó có thể chứa đựng biết bao hiểu biết thần linh. Chính tâm hồn con người thố lộ : “Quả chính Ngài ban cho tôi trí tri cách vật, biết được cơ cấu càn khôn và năng lực của ngũ hành, mối đầu, mút cuối và khoảng giữa các thời, đông chí hạ chí đắp đổi và thời tiết tuần hoàn, tần niên chu kỳ, vị trí tinh sao, bản tính loài vật, bản năng mãnh thú, sức mạnh tinh thần, tâm tư người thế, phân loại thảo mộc, dược tính rễ cây. Mọi điều ẩn tàng hay minh bạch, tôi đều đã biết. Phải, chính tay thợ làm ra mọi sự đã dạy dỗ tôi, sự khôn ngoan” (Kn 7,17-23). Bạn thấy đấy, tâm hồn con người đâu phải là nhỏ vì có thể chứa đựng bấy nhiêu điều ấy. Bạn phải hiểu rằng nó rộng lớn không phải về những chiều kích thể chất, mà về năng lực của tư tưởng, có thể ôm trọn những hiểu biết chân lý to lớn dường ấy.
Để giúp những người đơn sơ nhận biết sự to lớn của tâm hồn con người, tôi sẽ đưa ra những thí dụ quen thuộc. Tất cả mọi thành thị chúng ta đi qua, chúng ta đều giữ lại trong tâm trí : những nét đặc thù của chúng, hoàn cảnh ở các nơi, những tường lũy, những dinh thự… Tất cả đều ở lại trong tâm hồn chúng ta. Con đường mà chúng ta đã đi qua, nó cũng ở lại như vẽ như in trong trí nhớ của chúng ta. Biển cả mà chúng ta đã bơi lội, chúng ta vẫn còn giữ lại trong ý tưởng một cách thầm lặng. Tôi xin lặp lại, chẳng nhỏ bé đâu cái tâm hồn có khả năng ôm ấp biết bao điều như thế ấy ! Và nếu nó không nhỏ vì có thể ôm ấp bao điều như vậy, ta có thể dọn đường cho Chúa và sửa thẳng lối lại để cho Đấng là Lời và Khôn ngoan có thể đi. Hãy dọn đường cho Chúa bằng một cách sống đáng khen, bằng những việc làm tuyệt hảo ; hãy san phẳng con đường để Ngôi Lời có thể đi mà không gặp cản trở nào. Rồi Ngài sẽ ban cho bạn được hiểu biết về những mầu nhiệm và về việc Ngài ngự đến, “kính dâng Ngài vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời” (1 Pr 4,11)
- Chuyện minh họa ý nghĩa Mùa Vọng
Tôi đưa một người bạn mù ra sân bay. Khi đến nơi, tôi bảo người đó “Tôi đi lo chút việc. Anh đứng đây chờ tôi nhé. Đừng đi đâu cả”. Rồi tôi đi mua vé, gởi một lá thư và đọc thông báo về các chuyến bay. Khi tôi quay lại, tôi thấy người bạn mù vẫn đứng đấy. Người ta chen lấn chung quanh anh, một người phu khuân vác đây xe trước mặt anh, một đứa bé ngạc nhiên nhìn anh chăm chăm, một người bán báo rao inh ỏi trước mặt anh… Nhưng anh vẫn đứng yên, nét mặt bình thản, không chút nghi ngờ, không hề sợ sệt. Anh tin chắc tôi sẽ trở lại đón anh.
Cảnh một người mù nhắm mắt đứng yên chờ tôi trở lại khiến tôi liên tưởng tới thái độ người tín hữu phải có trong Mùa Vọng để đón chờ Chúa đến. (Willi Hoffsuemmer).
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa mời gọi con người hiệp thông với Chúa và với nhau. Để đáp lại lời mời gọi đó, con người phải hoán cải con tim, rồi suốt cuộc đời, phải ăn năn sám hối. Với lòng thống hối chân thành vì những lỗi lầm đã phạm, chúng ta cùng khiêm tốn nguyện xin :
- Sứ điệp của thánh Gioan Tẩy giả được đúc kết trong lời mời gọi ; / Anh em hãy sám hối / vì Nước Trời đã đến gần / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội thánh / luôn ý thức thân phận tội lỗi của mình / và quyết tâm đổi mới đời sống / để xứng đáng đón mừng mầu nhiệm Giáng sinh.
- Trên thế giới ngày nay / tội ác vẫn lan tràn khắp nơi / đặc biệt là tội buôn bán phụ nữ và trẻ em / Chúng ta hiệp lời cầu xin hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo của hết thảy mọi quốc gia / tìm được những biện pháp thích hợp / để tiêu diệt tội ác đáng ghê tởm này.
- Ngày nay có một số người hầu như mất hết ý thức về tội lỗi / họ coi việc phạm tội là bình thường / vì lương tâm họ đã trở nên xơ cứng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ơn soi sáng / để mọi người biết cố gắng lánh xa tội lỗi / và tích cực làm nhiều việc thiện.
- Trong một thế giới còn nhiều bạo lực / bất công / hận thù / chia rẽ / cần có những người dám xả thân / mang sứ điệp yêu thương của Chúa đến cho mọi người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / trở nên những chứng nhân của Thiên Chúa là tình yêu / bằng chính đời sống bác ái yêu thương của mình.
Chủ tế : Lạy Chúa là Cha nhân hậu từ bi, để hết thảy mọi người có thể nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa, chúng con phải sống gương mẫu trong đời sống tin cậy mến. Vì thế, xin Chúa thương ban ơn trợ giúp để chúng con biết sống theo lời dạy dỗ của Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.