Chúa nhật XXXI Thường niên – Năm B
Lễ Các Thánh Nam Nữ 2015
CHƯ THÁNH, CÁC NGÀI LÀ AI ?
Logos năm B
***
Trong ngôi thánh đường nổi tiếng nọ ở nước Ý, người ta thuê một họa sĩ trứ danh vẽ một bức tranh chân dung thánh Phanxicô Assisi thật lớn. Khi họa sĩ bắt đầu vẽ, thì một tu sĩ Phanxicô đến góp ý : “Xin họa sĩ lưu ý, thánh Phanxicô không có râu đâu, xin vẽ cho đúng sự thật”. Vị họa sĩ hứa sẽ vẽ đúng như vậy.
Hôm sau, một tu sĩ Phanxicô khác thuộc ngành Capuxinô lại đến gợi ý : “Thánh Phanxicô của chúng tôi có râu đầy đủ, nhớ vẽ cho đúng”. Thế là cuộc tranh cãi xem thánh Phanxicô có râu hay không có râu đã nổ ra giữa hai phe. Vị họa sĩ rất bối rối không biết vẽ thế nào. Cuối cùng họa sĩ đã nghĩ ra một cách để làm vừa lòng mọi người.
Ngày khánh thành bức tranh đã đến ! Hai phe tu sĩ đều tham dự. Bức màn che bức tranh từ từ hạ xuống… Trên khung bức tranh, thánh Phanxicô từ từ xuất hiện : ngài nằm dài, trên mình đắp chiếc mền trông có vẻ đang ốm liệt. Oái oăm thay, chiếc mền ấy lại kéo lên tận sống mũi, khiến không ai biết vị thánh nghèo có râu hay không có râu. Cả 2 phe tu sĩ dòng Phanxicô đều hài lòng !
Câu chuyện hài hước và dí dỏm trên đây cho chúng ta thấy vẽ chân dung của một vị thánh trên khung vải đã là một điều khó, họa lại cuộc đời của các ngài trong cuộc sống của chúng ta hôm nay lại càng khó hơn. Trong ngày mừng kính các thánh nam nữ, chúng ta thử phác họa đôi nét chấm phá về dung mạo của các ngài.
Chư thánh, các ngài là ai ?
Trước hết các thánh nam nữ trên trời là những người hoàn toàn giống chúng ta. Các ngài cũng là những con người với những yếu đuối lỗi lầm và những giới hạn cơ bản của kiếp người. Các ngài cũng được sinh ra trong một gia đình, có một tổ quốc và thuộc về một dân tộc. Các ngài là người phàm ở giữa chúng ta, chứ không hề là một “siêu nhân”.
Các ngài thuộc mọi giai cấp và mọi lứa tuổi. Các ngài có thể là những cụ ông, cụ bà cao niên, nhưng cũng có thể là những em bé, thậm chí các ngài cũng có thể là những hài nhi. Các ngài là giáo hoàng, là hồng y, là giám mục, là linh mục hay tu sĩ. Tuy nhiên, các ngài cũng có thể là một giáo dân tầm thường, thậm chí các ngài xuất thân từ tầng lớp bình dân, hay có khi là một nô lệ. Các ngài là vua chúa giàu sang hay trí thức, nhưng cũng có thể là những người nghèo khó và thất học. Các ngài là những người đạo đức thánh thiện, nhưng cũng có khi là người tội lỗi thấp hèn. Các ngài làm những việc lớn lao phi thường, nhưng có khi chỉ là những người “vô danh tiểu tốt” ít ai biết đến.
Điều đó cho chúng ta thấy : ơn gọi nên thánh không dành riêng cho ai, nhưng đó là con đường chung dành cho mọi người, như lời Chúa Giêsu mời gọi : “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Công đồng Vaticanô II cũng lập lại ý tưởng đó : “Mọi kitô hữu dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH 11, 3).
Chư thánh, các ngài đã làm gì ?
Thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã phác họa dung mạo và việc làm của các thánh nam nữ thật xác đáng : “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. Đúng thực, các thánh nam nữ là những con người “bình thường” nhưng đã sống một cách “phi thường”. Sự “phi thường” ở đây không phải là các ngài làm những việc trổi trang nhằm lưu danh hậu thế. Nhưng việc “phi thường” mà các Ngài đã làm là bước theo con đường “đau khổ lớn lao”, nhất là đã chấp nhận hy sinh mạng sống, nghĩa là dám “giặt áo và tẩy áo trắng trong máu
Con Chiên”.
Mỗi vị thánh đi theo một con đường nên thánh riêng. Những con đường nên thánh trong Giáo Hội thật đa dạng và phong phú. Mỗi vị thánh mang một dung mạo khác nhau. Tuy nhiên, tất cả mọi con đường đều dẫn tới đỉnh đồi thập giá và mọi dung mạo của chư thánh đều họa lại dung mạo đau khổ của Đức Kitô. Có những vị thánh sáng chói trên ngai tòa tử đạo. Có vị thánh đã chết thay cho người khác. Nhưng cũng lại có những vị thánh sống âm thầm lặng lẽ trong bốn bức tường tu viện. Có những vị thánh làm được những việc trọng đại và lớn lao trong Giáo Hội. Nhưng cũng có những vị thánh chỉ với lời cầu nguyện và sự hy sinh nhỏ bé đã làm thay đổi biết bao con người. Tuy nhiên, ở nơi các ngài luôn có một “mẫu số chung” : các ngài đã can đảm và trung thành đi theo con đường đau khổ, để rồi ở cuối con đường đó là vinh quang bất diệt dành cho các ngài.
Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, đã phác họa con đường của “Tám Mối Phúc Thật”. Đó là những con đường mà thế gian từ khước và chối bỏ, vì những con đường đó luôn mang dấu ấn của sự đau khổ. Tuy vậy, đó lại là những con đường ngắn nhất dẫn đến hạnh phúc đời đời. Đó là những con đường các thánh nam nữ đã đi và hôm nay đang mở ra để mời gọi chúng ta tiếp bước. Chỉ khi nào đi trên những con đường đó, chúng ta mới tìm được hạnh phúc và vinh quang đích thực.
Nên thánh, con đường của mọi người
Một ngày nọ, những người Mỹ đến nói với Mẹ Têrêxa Calcutta : “Hình như Giáo Hội sắp phong thánh cho Mẹ đấy !”. Mẹ Têrêxa đã trả lời cách hóm hỉnh : “Cứ để tôi chết cái đã !”.
Lần khác, một phóng viên đã đặt cho Mẹ Têrêxa một câu hỏi hóc búa : “Mẹ nghĩ sao, khi người ta nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ phong thánh cho Mẹ ngay sau khi Mẹ chết ?”. Mẹ Têrêxa bình tĩnh trả lời : “Việc nên thánh đâu phải là việc của riêng tôi, mà là của tất cả mọi người”.
Câu trả lời tuyệt vời của Mẹ Têrêxa đã trình bày được một đòi hỏi cơ bản dành cho mọi kitô hữu : đó là mỗi người kitô hữu dù ở bậc sống nào cũng phải mang khát vọng nên thánh. Chúng ta không bị bắt buộc phải đi theo con đường nên thánh nào. Nhưng tùy vào bậc sống, tùy hoàn cảnh, chúng ta lựa chọn con đường nên thánh của riêng mình. Tuy nhiên, tất cả mọi con đường nên thánh đều phải mang “dấu thánh giá” và đều dẫn đến đỉnh đồi Canvê.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt của các thánh nam nữ để thấy được rằng : khuôn mặt của các ngài đã phản ánh dung mạo của Đức Kitô, dung mạo mà chúng ta phải họa lại từng ngày trong đời sống chúng ta. Với quyết tâm nên thánh, mỗi ngày chúng ta hãy lập lại lời thánh Augustinô : “Ông nọ bà kia nên thánh, còn tôi, tại sao không ?”.